You are on page 1of 4

Trong suốt chiều dài lịch sử văn học học trung đại, có rất nhiều thành tựu văn

học
rực rỡ của những nhà thơ như: Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm,
Hồ Xuân Hương,… tạo thành những tượng đài thơ ca người người kính phục của
nền văn học nước nhà. Không thể ko kể đến Nguyễn Du, đại thi hào dân tộc, một
vị danh nhân văn hóa thế giới, tài năng của ông được khẳng định qua nhiều tác
phẩm văn học xuất sắc. Ông không những là một nhân cách lớn mà đồng thời còn
là một nhà văn vĩ đại. Những sáng tác của Nguyễn Du bao gồm cả sáng tác bằng
chữ Hán và chữ Nôm nhưng tiêu biểu nhất là tác phẩm Đoạn trường tân thanh hay
còn được biết đến nhiều hơn dưới tên Truyện Kiều. Đoạn trích “Chí khí anh hùng”
là 1 trong những đoạn trích tiêu biểu, Nguyễn Du đã miêu tả chân dung cũng như
khát vọng làm nên sự nghiệp lớn của người anh hùng Từ Hải.
Truyện Kiều là tác phẩm được viết dưới dạng truyện kể bằng thơ, lấy cốt truyện
của Thanh Tâm Tài Nhân người Trung Quốc. Với nhan đề “Chí khí anh hùng” thể
hiện tinh thần mục đích hướng tới những điều to lớn, vĩ đại của người anh hung.
Đoạn trích " Chí khí anh hùng " từ câu 2213 đến câu 2230 trong phần "Gia biến và
lưu lạc", thể hiện lí tưởng về người anh hùng của tác giả. Sau khi rơi vào lầu xanh
lần thứ hai, Thúy Kiều tình cờ gặp Từ Hải – vị anh hùng “đầu đội trời, chân đạp
đất”. Khác với Thúc Sinh, Từ Hải đã cho Kiều một danh phận chính đáng. Với
cảm hứng ngợi ca kết hợp bút pháp lãng mạn hóa, tác giả Nguyễn Du đã phác họa
thành công vẻ đẹp của hình tượng nhân vật anh hùng Từ Hải với chí khí, tầm vóc,
phẩm chất phi thường. Bốn câu thơ mở đầu của đoạn trích đã thể hiện niềm khao
khát, lí tưởng lên đường vì sự nghiệp chí lớn của Từ Hải:
“Nửa năm hương lửa đương nồng,
Trượng phu thoắt đã động lòng bốn phương.
Trông vời trời bể mênh mang,
Thanh gươm yên ngựa lên đường thẳng rong.”
Trước hết, câu thơ thể hiện được ý chí mạnh mẽ, tấm lòng quyết tâm phải làm nên
nghiệp lớn của người anh hùng. Từ Hải vốn là người anh hùng với khát vọng tung
hoành khắp muôn phương “nghênh ngang một cõi biên thùy”. Tư thế ra đi của Từ
Hải được tác giả Nguyễn Du tái hiện qua một động từ “thoắt” thể hiện thái độ dứt
khoát, ý chí quyết tâm mạnh mẽ, sự chuyển đổi nhanh chóng trong tâm lý của Từ
Hải từ việc rời bỏ cảnh sống êm đềm, chuyển sang những ngày tháng bôn ba vất vả
trong tương lai vì sự nghiệp. Nguyễn Du cũng rất tinh tế khi diễn tả tráng chí của
Từ hải bằng cụm “động lòng bốn phương” thể hiện tầm vóc lớn lao trong ý chí của
nhân vật, cũng như ước mơ khao khát làm nên nghiệp lớn, làm chủ một phương
của Từ Hải. Hai từ “trượng phu” càng thể hiện tấm lòng trân trọng, khâm phục,
yêu thương, bộc lộ lí tưởng của Nguyễn Du về dáng vóc của một người anh hùng
thời đại quy tụ những phẩm chất đạo đức tốt đẹp, tráng chí ở bốn phương, tâm sự
nghiệp mạnh mẽ, có tấm lòng bao dung, thấu hiểu nhân tình thế thái, sống ngay
thẳng là người nâng lên cán cân công lý trong xã hội. Thứ tình cảm vợ chồng giản
đơn đâu thể nào níu giữ bước chân người anh hùng thêm nữa. Tráng chí và tầm suy
nghĩ rộng lớn, đầy hoài bão của Từ Hải còn được thể hiện qua câu thơ “trông vời
trời bể mênh mang”, khi chàng dõi mắt nhìn về chân trời xa, bộc lộ ý muốn vươn
ra bể lớn, thoát khỏi cái bóng nam nhi tầm thường quanh quẩn bên vợ con, để làm
nên nghiệp lớn. Khát vọng mạnh mẽ về việc trả nợ công danh đã thôi thúc Từ Hải
từ biệt Thúy Kiều, dứt áo ra đi một cách quyết đoán “Thanh gươm yên ngựa lên
đường thẳng rong”. Hình ảnh một gươm, một ngựa đơn độc, tư thế chủ động, hiên
ngang, oai phong, lẫm liệt lại càng làm sáng rõ phẩm chất và vẻ đẹp của người anh
hùng thời đại, tay không quyết tâm lập nghiệp, khẳng định ý chí, sự tự tin trong
tâm hồn người trượng phu. 12 câu thơ tiếp theo là cuộc trò chuyện giữa Từ Hải với
Thúy Kiều. Từ Hải lên đường tìm công danh, sự nghiệp Thúy Kiều vốn là người
thông minh nhạy bén, nên nàng không hề có ý định ngăn cản, dù trong lòng cũng
nhiều phần buồn bã, khi cuộc sống vợ chồng chưa được êm ấm bao lâu. Nàng bày
tỏ nguyện vọng muốn đi theo để tiện bề chăm sóc, nâng khăn sửa áo cho chồng, vợ
chồng cùng sánh bước:
Nàng rằng: "Phận gái chữ tòng,
Chàng đi thiếp cũng một lòng xin đi".
Từ rằng: “Tâm phúc tương tri,
Sao chưa thoát khỏi nữ nhi thường tình?
Bao giờ mười vạn tinh binh,
Tiếng chiêng dậy đất bóng tinh rợp đường.
Làm cho rõ mặt phi thường,
Bấy giờ ta sẽ rước nàng nghi gia.
Bằng nay bốn bể không nhà,
Theo càng thêm bận biết là đi đâu?
Đành lòng chờ đó ít lâu,
Chầy chăng là một năm sau vội gì!”
Trước đề nghị của Kiều, Từ Hải lại không nghĩ đấy là điều nên làm, mà nhẹ nhàng
khuyên nhủ thê tử bằng cách đánh động vào sự thấu hiểu lý lẽ của Thúy Kiều,
mong nàng nghĩ thông suốt, gác lại chuyện nữ nhi thường tình, ủng hộ chàng trên
con đường xây dựng lên nghiệp lớn. Những lời ấy của Từ Hải không chỉ là lời
khuyên giải mà còn có ý nghĩa như một lời động viên sâu sắc đến Thúy Kiều,
khẳng định vị trí quan trọng của nàng trong lòng Từ Hải, cũng như tin tưởng vào
sự thấu hiểu lý lẽ, tấm lòng bao dung, chung thủy của Thúy Kiều trong lúc Từ Hải
lên đường làm việc lớn. Từ Hải đã vượt lên tình cảm thông thường, tránh cái ủy
mị, cái bịn rịn, mềm yếu. Bộc lộ rõ quyết tâm và tráng chí làm nên nghiệp lớn của
Từ Hải, sở hữu trong tay đội quân hùng mạnh “mười vạn tinh binh”, mang sức
mạnh phi thường, hùng hậu “tiếng chiêng dậy đất, bóng tinh rợp đường”, nổi danh
một phương, bá chủ một vùng, thì lúc ấy Từ Hải mới quay trở về, để đáng mặt
người nam nhân trong trời đất. Đồng thời Từ Hải cũng để lại lời hứa hẹn với Kiều
rằng “Bấy giờ ta sẽ rước nàng nghi gia”, cho Kiều một danh vị xứng đáng và bù
đắp cho Kiều, sống cuộc sống vinh hoa phú quý, hạnh phúc, không phải lo nghĩ gì,
không bao giờ phải chịu cảnh chèn ép, tủi nhục. Tất cả những điều ấy đã làm nên
động lực mạnh mẽ, quyết tâm thôi thúc Từ Hải nhanh chóng hành động, nhanh
chóng công thành danh toại. Sau khi thể hiện những khát vọng, hoài bão của mình,
Từ Hải cũng bộc lộ nỗi lo lắng những ngày đầu tiên đi tìm công danh thực khó
khăn, Từ Hải chỉ có một thân một mình, một gươm, một ngựa, chưa thực sự vững
vàng, đối với nam nhân cảnh bốn bể là nhà, buôn ba khắp chốn là điều bình
thường, thế nhưng với thân liễu yếu đào tơ như Thúy Kiều thì đó quả thực là điều
khó. Từ Hải sợ Kiều phải chịu cảnh vất vả, mệt nhọc, điều ấy càng khiến chàng
không yên lòng mà dựng nghiệp lớn, chính vì thế để Kiều ở nhà chờ chàng trở về
mới là lựa chọn sáng suốt nhất. Để an ủi giai nhân Từ Hải đã lập ra mốc thời gian
như thế không chỉ thể hiện ý chí quyết tâm lập công danh một cách nhanh chóng,
không chịu chần chừ bó gối lâu hơn nữa mà còn là lời an ủi, động viên Thúy Kiều
sâu sắc, khiến nàng yên tâm, vững dạ ở nhà làm hậu phương. Sau những lời bộc
bạch, khuyên nhủ Thúy Kiều, Từ Hải dứt khoát chia tay hồng nhan để lên đường
tìm kiếm công danh, hình ảnh “Gió mây bằng đã đến kỳ dặm khơi” là hình ảnh
đẹp, mang tính biểu tượng lớn, ẩn dụ cho sự thành công lẫy lừng của nhân vật Từ
Hải về sau, bộc lộ tầm vóc lớn sánh ngang với loài chim bằng vốn vùng vẫy biển
khơi, đối lập với những con chim nhỏ chỉ nhảy nhót trên cành cây đã diễn tả những
giây phút ngây ngất say men chiến thắng của con người phi thường lúc rời khỏi nơi
tiễn biệt. Hình tượng người anh hùng Từ Hải là một sáng tạo đặc sắc của Nguyễn
Du về phương diện cảm hứng và nghệ thuật ước lệ, tượng trưng, xây dựng lời đối
thoại và sử dụng điển tích “chim =”. Qua đó thể hiện tài năng sử dụng ngôn ngữ
của nhà thơ trong việc diễn tả chí khí anh hùng cùng khát vọng tự do của nhân vật
Từ Hải. Từ Hải là hình ảnh thể hiện mạnh mẽ cái ước mơ công lí vẫn âm ỉ trong
cảnh đời tù túng của xã hội cũ. Như vậy, qua đoạn trích Chí khí anh hùng, đại thi
hào Nguyễn Du đã khắc họa thành công hình tượng người anh hùng Từ Hải với
dáng dấp tráng chí của một bậc đại trượng anh hùng cái thế, một tráng sĩ anh hùng
tung hoành trong thiên hạ, có chí khí phi thường vừa có tâm hồn khoáng đạt. Tác
giả đã lên án một xã hội bất công với lý vùi dập những thân phận yếu nhỏ như kiều
thể hiện niềm trân trọng sâu sắc với chí lớn của những ước mơ con người và cả
tấm lòng nhân đạo sâu sắc qua từng câu chữ,…Ước mơ về tự do công lí, về khát
khao thực hiện được lí tưởng của bản thân đâu phải chỉ là câu chuyện của một đời
mà là của muôn đời.

You might also like