You are on page 1of 227

Henry Hazlitt

Hiểu kinh tế trong một bài học


Cách nhanh nhất và chắc chắn nhất để hiểu kinh tế học cơ
bản
Phạm Việt Anh dịch
Đinh Tuấn Minh hiệu đính và giới thiệu
(Đây không phải là bản chính thức, chỉ dùng để đọc
tham khảo)
Mục lục
Lời nói đầu (ấn bản mới)
Lời nói đầu (ấn bản đầu tiên)
Phần một: Bài học
Chương I: Bài học
Phần hai: Ứng dụng bài học trong thực tế
Chương II: Câu chuyện cửa kính vỡ
Chương III: Phúc lành của sự phá
huỷ
Chương IV: Công trình công cộng
và gánh nặng
thuế khoá
Chương V: Thuế ngăn cản sản xuất
Chương VI: Tín dụng làm chệch
hướng
sản xuất
Chương VII: Tác hại của máy móc
Chương VIII: Các chương trình
nhằm
chia sẻ việc làm
Chương IX: Giải trừ quân đội và đội
ngũ công chức nhà
nước
Chương X: “Mọi người đều phải
có việc làm”
Chương XI: Ai được thuế quan
“bảo hộ”?
Chương XII: Động lực cho xuất khẩu
Chương XIII: Các mức giá “tương
đương”
Chương XIV: Hãy cứu ngành sản
xuất X
Chương XV: Cơ chế hoạt động của
hệ thống giá
Chương XVI: “Bình ổn” giá hàng hóa
Chương XVII: Sự định giá của chính
phủ
Chương XVIII: Tác động của việc kiểm
soát giá thuê nhà
Chương XIX: Các điều luật về mức
lương tối thiểu
Chương XX: Các công đoàn có thực
sự
làm tăng lương?
Chương XXI: “Đủ để mua lại sản
phẩm
mình tạo ra”
Chương XXII: Chức năng của lợi
nhuận
Chương XXIII: Ảo ảnh về lạm phát
Chương XXIV: Chế nhạo sự tiết kiệm
Chương XXV: Nhắc lại bài học
Phần ba: Bài học sau 30 năm
Chương XXVI: Xem xét lại bài học sau
30 năm

Phần một: Bài học


Chương I: Bài học
Không một lĩnh vực nghiên cứu nào lại có nhiều nguỵ
biện như trong kinh tế học. Điều này bắt nguồn từ bản chất
của bộ môn. Bên cạnh những khó khăn vốn tồn tại trong bất
kỳ lĩnh vực nghiên cứu nào, trong kinh tế học, khó khăn bị
tăng thêm hàng ngàn lần vì một yếu tố thường không có ảnh
hưởng lớn trong những lĩnh vực nghiên cứu khác (vật lý,
toán học, y dược,…): sự tồn tại của những tư lợi và mục tiêu
cá nhân đằng sau các lập luận kinh tế. Mỗi nhóm lợi ích, bên
cạnh những lợi ích kinh tế chung, cũng có những lợi ích riêng
mang tính đối lập với các nhóm khác. Trong khi nhiều chính
sách xã hội về lâu dài sẽ phục vụ cho lợi ích của mọi người,
một số chính sách lại nhằm vào phục vụ một nhóm cụ thể
nào đó, ngay cả khi điều đó gây tổn hại cho những nhóm
khác. Nhóm được hưởng lợi từ những chính sách này sẽ tìm
cách để bảo vệ chúng bằng những lời lẽ nghe có vẻ tin cậy
và nhất quán. Họ sẽ thuê những người giỏi nhất để đưa ra
các lập luận kinh tế nhằm thuyết phục công chúng. Cuối
cùng, họ hoặc sẽ thuyết phục được công chúng rằng chính
sách đó là đúng đắn, hoặc làm mọi thứ rối tung lên đến nỗi
khiến cho mọi người tin rằng không thể đưa ra được những lý
lẽ rành mạch về chủ đề đó.
Bên cạnh những lập luận kinh tế nhằm phục vụ các tư lợi
và mục tiêu cá nhân, trong kinh tế học còn có một nguyên
nhân quan trọng khác nữa cũng liên tục góp phần sinh ra
những nguỵ biện. Đó là xu hướng khó thay đổi của con người
khi chỉ xem xét những tác động ngắn hạn của một chính
sách nào đó, hoặc chỉ xem xét những tác động này lên một
nhóm lợi ích nhất định, và vì thế bỏ qua các tác động dài hạn
của chính sách đó lên tất cả các nhóm lợi ích trong xã hội,
bao gồm cả chính nhóm lợi ích kia. Nói tóm lại, đó là nguỵ
biện bỏ qua các tác động thứ cấp.
Chính yếu tố này tạo ra sự khác biệt giữa kinh tế học tốt
và kinh tế học tồi. Các nhà kinh tế học tồi sẽ chỉ thấy những
gì trước mắt; Các nhà kinh tế học tốt sẽ biết nhìn xa trông
rộng. Các nhà kinh tế học tồi chỉ thấy những tác động ngắn
hạn và trực tiếp của một chính sách hay biện pháp kinh tế;
Các nhà kinh tế học tốt sẽ quan tâm đến những tác động dài
hạn và gián tiếp. Các nhà kinh tế học tồi chỉ biết xem xét
hiệu ứng của một chính sách kinh tế trên một nhóm lợi ích
nhất định; Các nhà kinh tế học tốt sẽ tìm hiểu hiệu ứng của
nó lên tất cả các nhóm lợi ích trong xã hội.
Đây dường như là một lẽ tất nhiên! Ai cũng biết tầm
quan trọng của việc phải xem xét tất cả các tác động trực
tiếp và gián tiếp, ngắn hạn và dài hạn, của một chính sách
lên mọi đối tượng trong xã hội. Ngay trong cuộc sống cá
nhân của mình, chúng ta ai chẳng biết có những khoái lạc
đem lại vui thú trong chốc lát song về lâu dài sẽ để lại những
hậu quả khủng khiếp! Ngay cả một em bé cũng biết nếu ăn
quá nhiều kẹo em sẽ bị sâu răng! Ngay cả một người say
rượu cũng biết mình sẽ thức dậy sáng mai với cái bụng nôn
nao và đầu nhức như búa bổ, và một người nghiện rượu phải
biết mình đang hủy hoại gan và rút ngắn cuộc đời của mình!
Ngay cả Don Juan cũng biết rằng mình tự chuốc lấy nhiều rủi
ro, từ việc bị tống tiền cho đến bệnh tật! Và cuối cùng, để
lấy một ví dụ có liên quan đến kinh tế, dù vẫn thuộc về đời
sống cá nhân của chúng ta: chẳng phải ngay một người lười
biếng hay một kẻ phá gia chi tử cũng biết rồi họ sẽ phải chịu
cảnh thiếu thốn và nghèo đói?
Vậy nhưng trong lĩnh vực kinh tế học, những điều tưởng
chừng rất cơ bản này lại thường xuyên bị lãng quên. Nhiều
người được xem là những nhà kinh tế học nổi tiếng, song lại
phản đối sự tiết kiệm và ủng hộ việc tiêu vượt mức an toàn
của ngân sách quốc gia, và cho rằng đó là cách cứu vãn nền
kinh tế. Khi có người chỉ ra những hậu quả nghiêm trọng mà
những chính sách này về lâu dài sẽ gây ra đối với nền kinh
tế, họ trả lời một cách vô trách nhiệm, với giọng lưỡi của đứa
con hoang đàng trước lời cảnh báo của người cha: “Về dài
hạn chúng ta đều chết sạch cả rồi!”. Và những luận chứng
thiển cận nguy hiểm này lại được nhiều người xem là sự
khôn ngoan, là sự dí dỏm của những bộ óc uyên bác.
Hiện thực không dí dỏm như vậy! Thảm họa là ở chỗ
ngay trong hiện tại chúng ta đã phải gánh chịu hậu quả của
những chính sách kinh tế sai lầm từ trước. Ngày hôm nay
chính là ngày mai mà những nhà kinh tế tồi ngày hôm qua
khuyên chúng ta không cần nghĩ tới. Những tác động dài hạn
của một số chính sách kinh tế có thể chỉ còn cách chúng ta
vài tháng, cũng có thể là vài năm hay vài thập kỷ. Trong
trường hợp nào đi nữa, những hậu quả đó đã tiềm ẩn sẵn
trong các chính sách kinh tế được đưa ra, như con gà trong
quả trứng hay bông hoa trong hạt giống.
Do vậy, trên phương diện này, toàn bộ nội dung của kinh
tế học có thể được rút gọn thành một bài học, và bài học này
có thể được đúc kết thành một câu: Kinh tế học bao gồm việc
xem xét không chỉ những tác động ngắn hạn mà cả những
tác động dài hạn của bất kỳ một chính sách hay biện pháp
kinh tế nào; nó bao gồm việc dõi theo những tác động của
chính sách đó không chỉ đối với một nhóm lợi ích nhất định
mà với tất cả các nhóm trong xã hội.
* *
*
90% các nguỵ biện kinh tế đang tung hoành trên thế
giới, gây nhiều tổn hại cho nền kinh tế toàn cầu, đều là hậu
quả của việc bỏ qua bài học này. Chúng đều mắc một trong
hai lỗi hoặc đôi khi cả hai: hoặc chúng chỉ tính đến các tác
động tức thời của một chính sách hay biện pháp kinh tế,
hoặc chúng chỉ xem xét các tác động này trên một nhóm lợi
ích nhất định và bỏ qua các nhóm khác.
Tất nhiên, thái cực ngược lại cũng là một sai lầm. Khi
xem xét một chính sách, chúng ta không nên chỉ chú trọng
vào các tác động dài hạn trên toàn bộ xã hội. Đây là lỗi mà
các nhà kinh tế học theo trường phải cổ điển hay mắc phải.
Nó dẫn đến một thái độ thờ ơ vô trách nhiệm đối với những
nhóm lợi ích bị ảnh hưởng trực tiếp bởi các chính sách hay
biện pháp kinh tế nhằm vào các ích lợi kinh tế tổng hòa
mang tính dài hạn trên diện rộng.
Nhưng ngày nay rất ít người (trong đó chủ yếu là các
chuyên gia kinh tế học) mắc phải sai lầm này. Nguỵ biện
thường xuyên mặc phải nhất của thời đại chúng ta - nguỵ
biện thường xuyên xuất hiện trong các cuộc thảo luận hay
đàm thoại về kinh tế, sai lầm liên tục được sử dụng trong
hàng ngàn diễn văn chính trị, sự lừa gạt chính yếu của kinh
tế học theo trường phái “mới” - là quan điểm chỉ chú trọng
vào các tác động ngắn hạn của các chính sách kinh tế lên
một nhóm lợi ích nhất định, và bỏ qua hoặc coi nhẹ các tác
động dài hạn đối với toàn bộ xã hội. Các nhà kinh tế học
“mới” tự cho rằng đây là một phương pháp luận đúng đắn,
một sự tiến bộ mang tính cách mạng so với các nhà kinh tế
học thuộc trường phái “cổ điển” hay “chính thống”, bởi vì họ
đã chú ý đến điều mà các nhà kinh tế học theo trường phái
cổ điển thường bỏ qua: các tác động ngắn hạn. Nhưng với
việc quá chú trọng vào các tác động ngắn hạn và bỏ qua các
tác động dài hạn, họ đã phạm phải một sai lầm nghiêm trọng
hơn nhiều! Trong nỗ lực nghiên cứu và tìm hiểu một cách tỉ
mỉ từng cái cây, họ đã bỏ qua cả cánh rừng. Phương pháp
luận và các kết luận của họ luôn mang nặng tính phản ứng.
Đôi khi chính họ phải ngạc nhiên khi nhận thấy những điểm
tương đồng giữa quan điểm của họ với chủ nghĩa trọng
thương của thế kỷ 17. Trên thực tế, họ rơi vào những sai lầm
của kinh tế học thuở sơ khai - những sai lầm mà các nhà
kinh tế học theo trường phái cổ điển đã chỉ ra và tưởng là đã
vĩnh viễn được xóa bỏ khỏi kinh tế học.
* *
*
Có người nói rằng các nhà kinh tế học tồi, khi trình bày
các lý lẽ sai lầm của họ trước công chúng, thường giàu tính
thuyết phục hơn so với khi các nhà kinh tế học tốt trình bày
các lý lẽ đúng đắn của mình, và công chúng thường tin tưởng
vào những điều xuẩn ngốc được nói ra từ diễn đàn của
những kẻ mị dân hơn là vào lời nói của những người chính
trực đang cố gắng chỉ ra các sai lầm. Lý do dẫn đến điều này
thật ra không có gì khó hiểu: những kẻ mị dân và các nhà
kinh tế tồi không hoàn toàn nói sai - họ chỉ nói một nửa sự
thật. Họ chỉ nói đến các tác động tức thì của một chính sách
lên một nhóm lợi ích nào đó, và trong những giới hạn nhỏ bé
của mình thì điều họ nói thường là đúng. Trong trường hợp
này, ta cần phải chỉ ra toàn bộ sự thật, rằng những chính
sách đó có thể sẽ có những tác động dài hạn tiêu cực, hoặc
nó có thể đem lại lợi ích cho một nhóm cá thể nhất định
nhưng lại gây tổn hại cho những nhóm khác. Công việc của
chúng ta bao gồm cả việc bổ sung cũng như ráp nối nửa sự
thật còn lại với nửa kia. Song việc xem xét được hết các tác
động chính của một chính sách kinh tế lên toàn bộ xã hội là
một chuỗi lập luận phức tạp và mất nhiều thời gian. Công
chúng thường không đủ kiên nhẫn hay hiểu biết để theo dõi
hết quá trình này. Các nhà kinh tế học tồi thường giúp công
chúng biện minh cho sự lười biếng hay thiếu hiểu biết của
mình bằng cách cho rằng không cần thiết phải dõi theo quá
trình lập luận cũng như đánh giá tính đúng đắn của lập luận
đó vì đó là thứ lập luận “cổ điển”, thuộc loại “laissez faire”
[nhà nước không hoặc ít can thiệp vào thị trường – ND], là
biểu hiện của chủ nghĩa “biện minh tư bản”, hay bất kỳ một
ngôn từ nào khác để hạ uy tín các lập luận kinh tế này trước
công chúng.
Chúng ta đã nêu lên nội dung chủ đạo của bài học cũng
như chỉ ra một cách khái quát những nguỵ biện đi ngược lại
bài học này. Song ta sẽ không thể hiểu rõ bài học và khó
nhận dạng được các nguỵ biện nếu không có các ví dụ minh
hoạ rõ ràng. Qua các ví dụ, chúng ta sẽ đi từ các vấn đề đơn
giản nhất tới các vấn đề phức tạp nhất trong kinh tế học.
Chúng ta cũng sẽ học cách phát hiện và tránh các lý lẽ sai
lầm, từ những loại thô sơ và dễ nhận ra nhất cho đến những
loại tinh vi nhất. Đó là nhiệm vụ tiếp theo của chúng ta.

Phần hai: Ứng dụng bài học trong thực tế


Chương II: Câu chuyện cửa kính vỡ
Chúng ta hãy bắt đầu bằng một ví dụ minh họa đơn giản
nhất. Hãy cùng bắt chước nhà kinh tế học Bastiat và chọn ví
dụ về một tấm kính cửa sổ bị ném vỡ.
Một tên càn quấy liệng một hòn gạch vào cửa sổ hiệu
bánh mỳ. Ông chủ cửa hàng bực tức lao ra ngoài, song gã
càn quấy đã biến mất. Một đám đông xúm lại xem lỗ hổng
trên cửa sổ và những mảnh kính vương vãi trên các khay
bánh với đôi chút mãn nguyện ngấm ngầm trong lòng. Sau
vài phút, họ bắt đầu thảo luận về sự việc. Chắc chắn vài
người sẽ nói với nhau, hay thậm chí với ông chủ hiệu bánh,
rằng đây không phải là một điều hoàn toàn tồi tệ; nó sẽ tạo
ra việc làm cho người thợ kính. Và rồi họ bắt đầu thảo luận
hăng hơn, mổ sẻ ý kiến này chi tiết hơn. Tấm kính mới sẽ
mất chừng bao nhiêu tiền? Chắc là khoảng 250 đôla? Đó
cũng là một khoản kha khá! Song nếu cửa sổ không bao giờ
vỡ thì những người thợ kính sẽ thất nghiệp hết à? Câu
chuyện của họ dường như không có hồi kết! Người thợ kính
sẽ kiếm được 250 đôla và sẽ dùng khoản tiền đó để mua
những hàng hóa khác, nghĩa là những người bán hàng đó sẽ
có 250 đôla để mua những gì họ cần từ những người bán
hàng khác, và khoản tiền đó sẽ luôn được luân chuyển tiếp.
Chiếc cửa sổ vỡ kính sẽ tạo ra vốn và việc làm cho ngày
càng nhiều người. Kết luận cuối cùng của cuộc thảo luận, mà
đám đông đó đưa ra được từ lập luận logic của mình, sẽ là:
kẻ đã liệng hòn gạch không phải là tên phá hoại mà là một
người đóng góp cho xã hội.
Chúng ta hãy thử nhìn sự việc này bằng một cách khác.
Đám đông có lý trong kết luận đầu tiên của mình: hành vi
phá hoại này sẽ tạo ra việc làm cho người thợ kính. Người
thợ kính, khi nghe về sự việc này, sẽ chẳng cảm thấy đau
buồn tựa như một người tổ chức tang lễ khi nhận tin có
người qua đời. Nhưng người chủ cửa hàng sẽ bị mất đi 250
đôla mà ông ta định dùng để mua một bộ vest mới. Bây giờ
ông ta sẽ phải dùng khoản tiền đó để lắp lại kính cửa sổ và
không có được bộ vest (hoặc một vật dụng có giá trị tương
đương khác). Thay vì có cả cửa kính và 250 đôla giờ đây ông
ta chỉ có một cái cửa sổ. Hoặc giả sử ông ta định đi mua bộ
vest ngay chiều hôm đó, thay vì có cả cửa kính và bộ vest,
giờ đây ông ta đành phải hài lòng với chiếc cửa sổ lành lặn
và không có bộ vest. Nếu chúng ta coi ông ta là một phần
của cộng đồng, cộng đồng đó đã mất một bộ vest đáng lẽ sẽ
được tạo ra, và nghĩa là nó đã trở nên nghèo hơn.
Nói tóm lại, người thợ kính có được việc làm cũng có
nghĩa là người thợ may mất đi việc làm. Không có một công
việc mới nào được thực sự tạo ra. Những người trong đám
đông chỉ nghĩ đến hai bên trực tiếp liên quan đến sự việc
này: ông chủ hiệu bánh mỳ và người thợ kính. Họ đã quên
mất bên thứ ba cũng có liên quan đến sự việc này: người thợ
may. Họ không nghĩ đến ông ta chính là vì ông ta không hiện
diện trong bối cảnh này. Trong vài ngày nữa, họ sẽ nhìn thấy
cửa sổ mới, song họ sẽ không bao giờ nhìn thấy bộ vest mới
bởi nó không bao giờ được may. Họ chỉ nhìn thấy những gì rõ
ràng trước mắt.
Chương III: Phúc lành của sự phá huỷ
Ví dụ về chiếc cửa kính vỡ chúng ta vừa sử dụng là một
ví dụ minh họa ở dạng đơn giản nhất về những nguỵ biện
kinh tế. Bất kỳ ai cũng có thể nhận ra sự bất hợp lý của nó
sau một vài phút suy nghĩ. Song chính nguỵ biện cửa kính
vỡ, dưới muôn vàn vỏ bọc khác nhau, là sai lầm xuất hiện
nhiều và thường xuyên nhất trong lịch sử kinh tế học. Ngày
nay, nó đã trở nên phổ biến hơn so với bất kỳ giai đoạn nào
trước đây. Nó được chấp nhận và áp dụng hàng ngày bởi
những người đứng đầu các ngành sản xuất, các phòng
thương mại, các lãnh đạo công đoàn, các phóng viên, nhà
báo và người dẫn chương trình truyền hình, bởi các nhà
thống kê với các phương pháp nghiên cứu ưu việt nhất cũng
như bởi các giáo sư kinh tế học ở các trường đại học hàng
đầu của chúng ta. Bằng cách này hay cách khác, họ đều tin
vào ích lợi của sự phá huỷ.
Mặc dù một số người trong bọn họ sẽ không cho rằng
những hành vi phá hoại nhỏ cũng đem lại ích lợi kinh tế,
nhưng khi nói đến sự phá hoại với quy mô lớn, họ đều có thể
chỉ ra vô vàn lợi ích kinh tế khác nhau. Họ cho rằng trong
thời chiến, chúng ta giàu có hơn so với thời bình. Họ đưa ra
dẫn chứng về việc chiến tranh có thể dẫn đến những “phép
mầu trong sản xuất”. Họ cho rằng thế giới trở nên thịnh
vượng nhờ lượng nhu cầu khổng lồ được “tích tụ” sau chiến
tranh. Tại châu Âu, sau Thế Chiến II, họ vui mừng đếm từng
ngôi nhà và thành phố mới được xây, những thứ đã bị san
bằng và “cần phải xây dựng lại”. Tại Mỹ, họ thống kê những
ngôi nhà đã không được xây dựng và những đôi tất nylon đã
không được sản xuất trong thời gian chiến tranh; cộng lại với
những chiếc xe hơi và lốp xe cũ kỹ, những chiếc radio và tủ
lạnh lỗi thời, họ có được một con số đáng nể.
Đây chính là người bạn cũ của chúng ta - nguỵ biện kinh
tế cửa kính vỡ - trong một trang phục mới, và ngưòi bạn cũ
này đã phát tướng đến mức chúng ta không nhận ra nổi nữa.
Lần này nó được hỗ trợ bởi một loạt những nguỵ biện có liên
quan khác. Nó đã nhầm lẫn giữa nhu
cầu sử dụng (need) và cầu kinh tế (demand). Đúng là chiến
tranh càng phá hủy và gây nhiều đói nghèo thì nhu cầu sử
dụng sau chiến tranh càng lớn. Nhưng nhu cầu sử dụng
không phải là cầu kinh tế. Cầu kinh tế thật là sự kết hợp của
hai yếu tố: nhu cầu sử dụng của con người và lượng sức mua
tương ứng với nhu cầu sử dụng đó. Để có thể hiểu rõ hơn sự
khác biệt giữa nhu cầu sử dụng và nhu cầu kinh tế, ta có thể
nhìn vào Ấn Độ và Mỹ: nhu cầu sử dụng của Ấn Độ lớn hơn
Mỹ rất nhiều lần, song sức mua của Ấn Độ lại nhỏ hơn nhiều
so với Mỹ. Chính vì thế, cầu kinh tế của Ấn Độ, và vì thế
hoạt động kinh doanh mới mà cầu này có thể tạo ra, nhỏ
hơn nhiều so với Mỹ.
Bên cạnh sai lầm này, có một nguỵ biện kinh tế khác mà
những người ủng hộ nguỵ biện cửa kính vỡ thường sử dụng:
họ nghĩ rằng “sức mua” chỉ được tính đơn thuần bằng tiền.
Tiền được in tại các nhà máy in tiền, và nếu lý lẽ này đúng,
nếu giá trị sản phẩm được đo chỉ bằng tiền, thì ngành in tiền
sẽ trở thành ngành công nghiệp lớn nhất trên thế giới.
Nhưng thực tế là càng nhiều tiền được in ra, giá trị của một
đơn vị tiền tệ càng giảm. Sự giảm giá trị của tiền tệ có thể
được đo bằng sự tăng giá cả hàng hóa. Nhưng vì nhiều người
luôn tính giá trị tài sản hay thu nhập của mình bằng lượng
tiền mình có, họ cho rằng họ trở nên giàu có hơn khi tổng số
tiền tăng lên, mà không tính đến thực tế là họ có thể có ít
hơn nếu quy ra hiện vật hoặc hàng hóa. Phần lớn những sự
phát triển kinh tế nhanh chóng mà mọi người cho rằng có
được nhờ Thế Chiến II thực ra là do sự lạm phát thời chiến.
Nếu quy về mức lạm phát của thời bình, những sự phát triển
này thực ra chỉ ở mức bình thường. Chúng ta sẽ quay trở lại
ảo tưởng về tiền tệ này trong phần sau.
Luận điểm về cầu kinh tế “được tích tụ lại” trong thời
gian chiến tranh, giống như nguỵ biện về cửa kính vỡ, chỉ
đúng một nửa. Giống như chiếc cửa sổ bị vỡ tạo ra công việc
cho người thợ kính, sự phá hủy của chiến tranh tạo ra công
việc cho những nhà sản xuất một số hàng hóa nhất định.
Nhà cửa và thành phố bị phá hủy tạo ra công việc cho ngành
xây dựng. Do không có điều kiện để sản xuất xe hơi, radio
và tủ lạnh trong thời chiến, sau chiến tranh sẽ có một lượng
cầu tích tụ lớn đối với những loại hàng hóa này.
Phần lớn mọi người cho rằng có sự tăng tổng cầu đột
biến sau chiến tranh. Điều này đúng một phần bởi sự giảm
sức mua của tiền tệ. Nhưng điều chủ yếu xảy ra không phải
là sự tăng tổng cầu mà là sự chuyển hướng của cầu từ các
loại hàng hóa khác sang một vài loại hàng hóa nhất định. Tại
châu Âu, người ta đã xây dựng rất nhiều nhà cửa sau chiến
tranh bởi họ bắt buộc gọ phải làm thế. Nhưng khi họ tập
trung vào xây nhà, họ sẽ có ít nguồn lực hơn để làm các việc
khác. Khi họ mua nhà, sức mua của họ để mua các thứ khác
sẽ bị giảm đi. Bất kỳ khi nào hoạt động kinh tế tăng lên
trong một lĩnh vực nhất định, nó sẽ làm giảm đi một mức
tương đương trong các lĩnh vực khác (trừ trường hợp có sự
gia tăng năng suất lao động do ham muốn hay hoàn cảnh
cấp thiết thúc đẩy).
Tóm lại, chiến tranh làm chuyển hướng các nỗ lực kinh tế
sau chiến tranh. Nó thay đổi tỷ trọng giữa cách ngành sản
xuất và làm chuyển biến kết cấu nền kinh tế.
Từ sau Thế Chiến II, châu Âu đã có tốc độ tăng trưởng
kinh tế nhanh hay rất nhanh ở cả những quốc gia bị tàn phá
bởi chiến tranh và những quốc gia thoát được điều này. Một
số quốc gia phải chịu sự tàn phá nặng nề nhất, ví dụ như
Đức, đã phát triển nhanh hơn những nước ít bị tàn phá hơn,
ví dụ như Pháp. Điều này một phần bởi Tây Đức đã đi theo
những chính sách kinh tế hợp lý hơn, và một phần bởi những
nhu cầu cấp bách về nhà cửa và các điều kiện cơ bản khác
đã khiến người dân của quốc gia này nỗ lực nhiều hơn. Song
điều này không có nghĩa là việc phá huỷ tài sản sẽ đem lại
lợi ích cho những người có tài sản bị phá huỷ. Không ai tự
đốt nhà mình vì tin rằng nhu cầu phải xây lại ngôi nhà sẽ
khiến mình nỗ lực nhiều hơn.
Sau chiến tranh, nỗ lực của con người thường được kích
thích mạnh hơn bình thường trong một khoảng thời gian nhất
định. Ở phần đầu chương ba của cuốn History
of England [Lịch sử nước Anh], Macaulay chỉ ra rằng:
Sự rủi ro hay thiếu khả năng lãnh đạo không thể
khiến đất nước nghèo đi nếu từng người dân hạ quyết
tâm và dồn trí lực vào việc cải thiện đời sống của bản
thân mình, qua đó làm cho đất nước trở nên thịnh vượng
hơn. Các khoản chi lãng phí, các mức thuế nặng nề, các
điều luật hạn chế thương mại một cách bất hợp lý, các
thẩm phán tham nhũng, chiến tranh khốc liệt, bạo loạn,
bắt bớ, hỏa hoạn, lũ lụt, v.v… không thể phá hủy nguồn
vốn của một quốc gia nhanh hơn lòng quyết tâm của
từng công dân trong việc tạo ra nó.
Không một người nào muốn tài sản của mình bị phá hủy,
trong thời bình cũng như trong thời chiến. Điều gì gây tổn
hại với một cá nhân chắc chắn cũng gây tổn hại cho cộng
đồng các cá thể tạo nên quốc gia đó.
Nhiều nguỵ biện thường gặp trong kinh tế học xuất phát
từ xu hướng tư duy trừu tượng hóa – xu hướng đang trở nên
rất phổ biến ngày nay. Họ nghĩ về số đông, về cộng đồng, về
“quốc gia”, mà quên mất hay bỏ qua những cá nhân vốn
chính là những người tạo nên cộng đồng hay quốc gia và
khiến nó trở nên có ý nghĩa. Nếu chúng ta nghĩ trước hết về
những người có tài sản bị phá hủy trong chiến tranh, chúng
ta sẽ không thể cho rằng sự phá hủy của chiến tranh là một
lợi ích kinh tế.
Những người cho rằng sự phá hủy của chiến tranh sẽ làm
tăng tổng “cầu kinh tế” quên mất rằng cung và cầu của thị
trường chỉ là hai mặt của cùng một đồng xu, hay cùng một
sự việc được nhìn vào từ hai khía cạnh khác nhau. Cung tạo
nên cầu bởi vì xét cho cùng thì cung chính là cầu. Trên thực
tế, những gì được sản xuất và cung cấp là tất cả những gì
chúng ta có để trao đổi lấy những thứ mình cần. Điều này có
nghĩa là lượng lúa mỳ người nông dân cung cấp cho thị
trường chính là cơ sở cho cầu kinh tế của họ về xe hơi hay
các loại hàng hóa khác. Tất cả những điều này đều tiềm ẩn
trong sự phân công lao động của xã hội hiện đại và trong
nền kinh tế trao đổi hàng hóa.
Rất nhiều người, trong đó có cả những người được coi là
nhà kinh tế học nổi danh, không nhìn ra được sự thực có tính
nền tảng này bởi sự tồn tại của một số yếu tố phức tạp khác
như tiền lương và tiền tệ với vai trò là trung gian cho mọi sự
trao đổi trong nền kinh tế hiện đại. John Stuart Mill và một
học giả thuộc trường phái cổ điển khác, cho dù họ đôi khi
chưa chỉ ra được hết những tác động phức tạp phát sinh từ
việc sử dụng tiền tệ, đã nhìn xuyên qua “bức màn tiền tệ” để
thấy được những điều này. Trên phương diện đó, họ đã tiến
xa hơn nhiều nhà kinh tế học ngày nay, những người không
những không hiểu rõ được yếu tố tiền tệ mà còn bị nó làm
cho nhầm lẫn. Lạm phát thuần túy – nghĩa là việc thuần túy
in thêm tiền với hậu quả là sự tăng lương và mức giá - khiến
nhiều người nghĩ rằng có sự gia tăng cầu kinh tế. Nhưng nếu
ta nhìn từ góc độ sản xuất và sự trao đổi hàng hóa diễn ra
trên thực tế thì không có sự gia tăng nào.
Sức mua thật, khi bị giảm, luôn giảm tương đương với
sức sản xuất thật. Chúng ta không được để mình bị lừa bởi
sự tăng giá cả và tăng “thu nhập quốc dân” thể hiện bằng
con số tiền tệ do hậu quả của lạm phát.
Một số người cho rằng Đức và Nhật trong thời kỳ hậu
chiến có nhiều lợi thế kinh tế hơn so với Mỹ bởi các nhà máy
cũ của họ đã bị phá huỷ toàn bộ trong chiến tranh, và vì thế
họ có cơ hội xây dựng những nhà máy mới hiện đại với trang
thiết bị tối tân. Điều này giúp họ có sản lượng cao hơn và chi
phí thấp hơn so với Mỹ, vốn vẫn sử dụng những nhà máy và
các trang thiết bị cũ kỹ. Song nếu đây thực sự là một lợi thế
kinh tế, Mỹ có thể gỡ lại bằng cách tự phá bỏ các nhà máy
và trang thiết bị cũ của mình. Nếu điều này là đúng, các nhà
sản xuất ở mọi nơi trên thế giới hàng năm đều nên phá bỏ
các nhà máy và trang thiết bị cũ và xây dựng các nhà máy
mới với trang thiết bị hiện đại và tối tân hơn.
Trên thực tế, có một tốc độ tối ưu cho việc quay vòng cơ
sở vật chất, một thời điểm tốt nhất để phá bỏ cơ sở cũ và
xây dựng mới. Nhà sản xuất sẽ chỉ có lợi thế về kinh tế nếu
nhà máy của ông ta bị bom phá hủy khi giá trị thực của nhà
máy và thiết bị sản xuất, qua khấu hao và hư hỏng trong
quá trình sử dụng, đã bằng không (0) hoặc âm. Lợi ích kinh
tế sẽ thể hiện qua việc nhà máy của ông ta đã được phá hủy
mà không cần thuê đội tháo dỡ, và đằng nào thì ông ta cũng
chuẩn bị xây dựng lại nhà máy và mua trang thiết bị mới.
Khấu hao và hư hỏng từ trước sẽ giảm bớt thiệt hại khi
nhà máy bị phá hủy, và nếu chúng không được thể hiện đầy
đủ trong sổ sách thì thiệt hại sẽ có vẻ lớn hơn thực tế. Bên
cạnh đó, sự xuất hiện của những nhà máy mới với trang thiết
bị hiện đại sẽ đẩy nhanh tốc độ thải loại các nhà máy và
trang thiết bị cũ. Nếu chủ nhà máy cũ cố gắng sử dụng nhà
máy của mình lâu hơn khoảng thời gian tối ưu thì các chủ
nhà máy mới (những người, sau khi nhà máy của mình bị
phá hủy, có đủ lòng quyết tâm và vốn để xây dựng lại) sẽ có
một lợi thế so sánh, hay chính xác hơn là sẽ giảm được mức
thiệt hại của họ so với các chủ nhà máy cũ.
Tóm lại, kết luận của chúng ta là việc nhà máy bị phá
hủy bởi bom đạn chiến tranh không bao giờ đem lại lợi thế
về kinh tế trừ khi giá trị thực của nhà máy đó đã bằng không
(0) hoặc âm do khấu hao và hư hỏng từ trước.
Hơn nữa, trong phần thảo luận vừa rồi, chúng ta chưa
nói đến một điều quan trọng: một cá nhân (hay một chính
phủ cánh tả) không thể thay thế được các nhà máy và trang
thiết bị trừ khi anh ta (hay chính phủ cánh tả) đã hoặc sẽ
tích lũy đủ vốn để làm việc này. Nhưng chiến tranh lại phá
hủy nguồn vốn tích lũy của con người.
Một số yếu tố có thể bù đắp lại những thiệt hại này. Các
tiến bộ về khoa học kỹ thuật được đưa ra trong thời kỳ chiến
tranh có thể giúp tăng năng suất cho các cá nhân hay quốc
gia tại những thời điểm nhất định, từ đó dẫn đến việc tăng
tổng sản phẩm quốc dân. Ngoài ra, nhu cầu kinh tế sau
chiến tranh luôn khác với trước chiến tranh. Thế nhưng,
những yếu tố này không nên khiến chúng ta bỏ qua chân lý
cơ bản là sự phá hủy của bất kỳ thứ gì vẫn còn giá trị thực sẽ
là một sự mất mát về tài sản, một rủi ro, một thảm họa.
Ngay cả trong một số trường hợp cụ thể, khi ta có những yếu
tố có thể bù đắp lại cho sự mất mát này, sự phá hoại vẫn
không bao giờ có thể mang lại lợi ích hay lợi thế kinh tế.
Chương IV: Công trình công cộng và gánh nặng
thuế khoá
Trên thế giới ngày ngày nay, chẳng có niềm tin nào kiên
định và có ảnh hưởng hơn niềm tin vào chi tiêu của chính
phủ. Ở mọi nơi, chi tiêu của chính phủ luôn được coi là
phương thuốc đặc trị cho mọi bệnh tật của nền kinh tế. Khu
vực kinh tế tư nhân có vẻ đình trệ ư? Chúng ta có thể giải
quyết vấn đề này bằng chi tiêu của chính phủ. Có thất
nghiệp ư? Nguyên nhân chắc chắn là do “lượng sức mua
thiếu hụt trong khu vực kinh tế tư nhân”. Để giải quyết điều
này, chính phủ chỉ cần cung cấp đủ lượng vốn thiếu hụt!
Cả một hệ thống lý luận về kinh tế đã được xây dựng dựa
trên nguỵ biện này và, cũng giống như các hệ thống lý luận
cùng loại khác, nó trở thành một mắt xích trong một loạt các
nguỵ biện bổ trợ lẫn nhau. Chúng ta không thể xem xét toàn
bộ hệ thống tại đây. Chúng ta chỉ có thể cùng nghiên cứu
một nguỵ biện căn bản nhất - nguỵ biện đã sản sinh ra toàn
bộ hệ thống này, và sẽ trở lại xem xét các nguỵ biện phụ
khác của hệ thống này trong các phần sau.
Ngoại trừ những món quà do thiên nhiên trao tặng, bằng
cách này hay cách khác, chúng ta đều phải trả giá cho mọi
thứ mình có được. Trên thế giới, nhiều người tuy được gọi là
nhà kinh tế học song luôn cố đưa ra các đề án hay chương
trình nhằm có được một thứ gì đó mà không phải trả giá. Họ
nói với chúng ta rằng chính phủ có thể chi tiêu mà không cần
đánh thuế, rằng chính phủ có thể tiếp tục nợ mà không phải
lo trả, bởi vì các khoản nợ này là những gì “chúng ta tự nợ
mình”. Chúng ta sẽ xem xét kỹ những luận điểm tuyệt vời
này sau, nhưng tại đây, chúng ta phải dùng kiến thức của
sách giáo khoa mà chỉ ra rằng, trong quá khứ những giấc mơ
đẹp đẽ kiểu này luôn dẫn đến tình trạng phá sản ngân khố
quốc gia hoặc cảnh lạm phát. Chúng ta phải nói một cách
đơn giản rằng tất cả mọi chi tiêu của chính phủ cuối cùng
đều phải được bù đắp thông qua thuế, và bản thân lạm phát
cũng là thuế, một loại thuế rất đáng sợ.
Mặc dù còn nhiều nguỵ biện khác có liên quan đến vấn
đề vay nợ của chính phủ và lạm phát, nhưng chúng ta sẽ
xem xét chúng ở phần sau. Trong chương này, chúng ta sẽ
tiếp tục thảo luận dựa trên giả định rằng mọi khoản chi tiêu
của chính phủ đều phải được bù đắp ngay lập tức hay sau
này thông qua thuế. Một khi chúng ta nhìn vào vấn đề theo
cách này, chi tiêu của chính phủ sẽ mất đi vẻ mầu nhiệm của
mình.
Việc thực hiện các chức năng quan trọng của chính phủ
luôn đòi hỏi một lượng chi tiêu nhất định. Để có thể cung cấp
được các dịch vụ xã hội cơ bản, chính phủ cần phải thực hiện
các công trình công cộng như xây dựng đường xá cầu cống,
trang bị cho quân đội, xây dựng văn phòng trụ sở cho bộ
máy nhà nước, cảnh sát, cứu hỏa, v.v…Các công trình công
cộng này đều rất cần thiết cho xã hội, và chúng không phải
là điều tôi muốn nói đến. Ở đây, tôi muốn đề cập tới các
công trình công cộng nhằm
“tạo việc làm” hay tăng cường sự giàu có cho một cộng
đồng, những gì mà cộng đồng đó sẽ không có nếu không có
các công trình này.
Một cây cầu được xây dựng. Sẽ không ai phản đối gì nếu
nó được xây dựng để đáp ứng nhu cầu giao thông của xã hội,
để giải quyết những vấn đề giao thông mà nếu không có cây
cầu này thì sẽ không giải quyết được, hay nói ngắn gọn là
nếu đối với toàn bộ những người nộp thuế, cây cầu này quan
trọng hơn so với những thứ mà cá nhân họ sẽ mua nếu
không phải đóng thuế. Nhưng nếu cây cầu được xây dựng với
mục đích chủ yếu là “tạo việc làm” thì đây lại là một vấn đề
khác. Khi mục tiêu chính là tạo việc làm, nhu cầu sử dụng sẽ
trở thành thứ cấp. Sẽ cần phải vẽ ra “các dự án” . Thay vì
xem xét cây cầu phải được xây ở đâu, những người quyết
định chi tiêu chính phủ sẽ tự hỏi cây cầu có thể được xây ở
đâu. Họ có thể đưa ra được lý do hợp lý nào cho việc xây
dựng thêm một cây cầu giữa Easton và Weston không? Họ sẽ
nghĩ ra mọi cách để khiến dự án này trở nên thực sự cần
thiết. Những người phản đối sẽ bị coi là những kẻ cản đường
hay những người chuyên chống đối.
Hai lý lẽ được đưa ra để ủng hộ việc xây cây cầu: một lý
lẽ được đưa ra chủ yếu trước khi xây dựng cây cầu, và một lý
lẽ khác được đưa ra chủ yếu sau khi cây cầu được xây. Lý lẽ
đầu tiên là cây cầu sẽ tạo việc làm. Nó sẽ cung cấp 500 việc
làm trong vòng một năm, những việc làm mà sẽ không được
tạo ra trừ khi cây cầu được xây dựng.
Đây là điều chúng ta sẽ thấy được ngay lập tức. Nhưng
nếu chúng ta là người biết nhìn xa hơn những tác động ngắn
hạn và trực tiếp, tới những tác động thứ cấp, và không chỉ
xem xét những người được hưởng lợi trực tiếp từ dự án của
chính phủ mà cả những người bị ảnh hưởng gián tiếp, ta sẽ
thấy một bức tranh khác hẳn. Đúng là các công nhân xây
cầu sẽ có được những việc làm mà bình thường họ sẽ không
có. Nhưng chi phí cho cây cầu đó đến từ các khoản thuế thu
được. Mỗi đôla được dùng để xây dựng cây cầu cũng là một
đôla được thu từ những người nộp thuế. Nếu cây cầu tốn 10
triệu đôla, những người nộp thuế sẽ phải chi 10 triệu đôla.
Họ sẽ mất đi khoản tiền đó, khoản tiền mà nếu không phải
nộp thuế họ có thể dùng để mua những gì họ cần nhất.
Điều này có nghĩa là với mỗi việc làm mà chính phủ tạo
ra thông qua việc xây cầu thì một việc làm tư nhân nào đó ở
một nơi khác bị mất đi. Chúng ta có thể nhìn thấy những
người công nhân xây cầu. Chúng ta có thể xem họ làm việc.
Lý lẽ về khả năng tạo việc làm của các công trình công cộng
vì thế có những bằng chứng cụ thể, và phần lớn mọi người sẽ
tin theo lý lẽ này. Nhưng có nhiều điều khác mà chúng ta
không nhìn thấy bởi chính cây cầu đã khiến chúng không
được tạo ra. Chúng là những việc làm bị mất đi khi 10 triệu
đôla bị thu từ những người nộp thuế. Điều thực sự xảy ra
trong thực tế, nói theo cách nhẹ nhàng nhất, là dự án này đã
tạo ra một sự chuyển đổi các việc làm: thêm việc làm cho
công nhân xây dựng cầu, giảm việc làm cho những người sản
xuất xe hơi, chữa tivi, may quần áo, nông dân, v.v… Chúng
ta hãy cũng xem xét lý lẽ thứ hai ủng hộ việc xây dựng cầu.
Cây cầu đã được xây xong và rất to đẹp. Nó đã trở thành
hiện thực nhờ sự mầu nhiệm của chi tiêu chính phủ. Nếu
chúng ta nghe theo những kẻ thích cản đường hay những
người chuyên chống đối thì giờ cây cầu này sẽ ở đâu? Sẽ
chẳng có cây cầu nào cả! Quốc gia chúng ta sẽ nghèo hơn so
với hiện tại một lượng tương đương với giá trị của cây cầu
này.
Một lần nữa, những người quyết định chi tiêu chính phủ
đưa ra những lập luận giàu tính thuyết phục hơn đối với
những người chỉ có thể thấy được những gì hiện diện trước
mắt. Họ có thể nhìn thấy cây cầu. Nhưng nếu họ là những
người biết xem xét các tác động gián tiếp cũng như trực tiếp
của một dự án, họ sẽ thấy được, qua sự tưởng tượng của
mình, rất nhiều khả năng khác, những dự án khác mà đã
không được cho phép trở thành hiện thực. Họ sẽ thấy được
những ngôi nhà không được xây nên, những chiếc xe hơi
không được sản xuất, những áo quần không được may, thậm
chí cả những nông sản không được sản xuất. Không phải ai
cũng có khả năng và trí tưởng tượng để nhìn thấy những gì
không được tạo ra. Chúng ta có thể nghĩ về chúng 1 - 2 lần,
nhưng chúng ta không thể luôn nghĩ về chúng như cách
chúng ta luôn nghĩ về cây cầu, bởi nó hiện diện ở đó và
chúng ta lái xe về nhà trên cây cầu đó hằng ngày. Sự thực
đơn giản chỉ là có một thứ được tạo ra thay vì những thứ
khác.
* *
*
Cách lập luận này có thể được áp dụng với các loại công
trình công cộng khác, ví dụ như việc dùng quỹ công để xây
nhà cho người có thu nhập thấp. Điều xảy ra trong thực tế là
thông qua thuế, chính phủ thu tiền từ các gia đình có thu
nhập cao hơn (và cũng có thể là một phần nhỏ từ chính các
gia đình có thu nhập thấp) để bắt họ trợ cấp cho các gia đình
có thu nhập thấp và giúp những người này được sống trong
điều kiện nhà cửa tốt hơn với mức tiền thuê nhà tương
đương hoặc thấp hơn so với trước.
Tôi không có ý định tham gia vào cuộc thảo luận về ưu
hay nhược điểm của các dự án nhà công. Tôi chỉ muốn chỉ ra
hai nguỵ biện thường được dùng để ủng hộ các dự án này. Lý
lẽ thứ nhất: chúng “tạo việc làm”. Lý lẽ thứ hai: chúng tạo ra
các tài sản mà sẽ không được tạo ra nếu như không có các
dự án này. Cả hai lý lẽ này đều sai, bởi vì chúng không xét
đến những gì bị mất đi qua thuế. Khoản thuế được dùng để
xây dựng nhà công, trong khi tạo ra việc làm cho ngành xây
dựng, cũng lấy đi một lượng việc làm tương đương trong các
ngành khác. Nó khiến cho nhiều nhà tư không được xây,
nhiều tủ lạnh hay máy giặt không được sản xuất. Nó dẫn đến
sự mất đi của rất nhiều hàng hóa và dịch vụ khác.
Một số người chỉ ra rằng các dự án nhà công không cần
đến những khoản phân bổ ngân sách lớn mà chỉ thông qua
việc trợ giá tiền thuê nhà hàng năm. Song điều này không
giải quyết được các vấn đề ta vừa nêu ra ở trên, vì nó chỉ có
nghĩa là chi phí mà những người nộp thuế phải chịu được rải
ra trong nhiều năm thay vì tập trung một lần. Đây chỉ là một
sự khác biệt nhỏ mang tính kỹ thuật và không liên quan gì
đến vấn đề chính của chúng ta.
Lợi thế về mặt tâm lý của những người ủng hộ các dự án
nhà công là mọi người có thể nhìn thấy những người công
nhân xây dựng làm việc trên công trường khi các ngôi nhà
đang được xây dựng, và khi dự án kết thúc, họ có thể nhìn
thấy những ngôi nhà hoàn tất. Các gia đình chuyển vào sống
trong đó, và tự hào dẫn khách đi xem các phòng. Không ai
thấy được những việc làm bị mất đi do khoản thuế được sử
dụng cho các dự án xây nhà công. Không ai nhìn thấy được
những hàng hóa và dịch vụ không được tạo ra. Mỗi khi nhìn
thấy các căn nhà công được xây dựng và gương mặt hạnh
phúc của những người sống ở đó, không dễ gì để chúng ta có
thể nghĩ đến lượng tài sản hay của cải đã bị hy sinh cho dự
án. Vì vậy, chẳng có gì ngạc nhiên khi những người ủng hộ
các dự án nhà công phủ nhận điều này khi có ai đề cập đến.
Họ cho rằng đó là những điều tưởng tượng, là lý thuyết
suông. Họ chỉ vào những ngôi nhà được xây dựng và nói đó
mới là thực tế. Giống như lời một nhân vật trong tác phẩm
Saint Joan [Thánh Joan] của Bernard Shaw khi nghe giả
thuyết của Pythagoras về việc trái đất hình tròn và quay
quanh mặt trời: “Thật là một kẻ ngu ngốc đến cùng cực! Hắn
không biết nhướng mắt lên mà nhìn sao?”
Chúng ta phải áp dụng cách lập luận này một lần nữa
vào những dự án với quy mô lớn, ví dụ như dự án nhà máy
năng lượng Tennessee Valley Authority (TVA). Trong trường
hợp này, bởi quy mô vĩ đại của công trình, khả năng gây ra
ảo giác cho những người nhìn thấy nó càng lớn. Một chiếc
đập khổng lồ, một vòng cung vĩ đại được làm từ thép và bê-
tông, “vĩ đại hơn bất kỳ thứ gì mà nguồn vốn tư nhân có thể
xây dựng được”, nguồn cảm hứng cho các nhiếp ảnh gia,
thiên đường của những người theo chủ nghĩa xã hội, biểu
tượng hay được dùng nhất để tượng trưng cho sự mầu nhiệm
của các công trình công cộng với sự sở hữu và điều hành của
chính phủ! Những máy phát điện và nhà máy năng lượng vĩ
đại! Cả một khu vực rộng lớn được đẩy lên một trình độ phát
triển kinh tế cao hơn, dẫn đến sự hình thành của nhiều nhà
máy và ngành sản xuất mà sẽ không bao giờ xuất hiện nếu
không có công trình này. Theo lời tán dương của những
người tạo ra nó, đây là một công trình chỉ có lợi mà không có
hại.
Chúng ta không cần bàn thêm về những lợi ích mà nhà
máy năng lượng TVA và những công trình công cộng tương
tự đem lại. Nhưng lần này, chúng ta sẽ phải vận dụng hết
sức trí tưởng tượng của mình, điều ít người có thể làm được,
để xem xét những cái mất của công trình này. Nếu các
khoản thuế thu từ các cá nhân và doanh nghiệp trong cả
nước được dồn lại và sử dụng tại một khu vực nhất định, có
gì mà mọi người phải ngạc nhiên hay xem như một phép
mầu khi khu vực đó trở nên giàu có hơn? Chúng ta cũng phải
nhớ rằng nếu đem ra so sánh, khu vực này giàu lên nghĩa là
các khu vực khác sẽ nghèo đi. Công trình vĩ đại đến mức
“nguồn vốn tư nhân không thể xây dựng được” thực ra được
xây dựng bằng vốn tư nhân thông qua các khoản thu từ thuế
(hay ngay cả khi chi phí xây dựng công trình là tiền đi vay
thì về lâu dài, nó cũng phải được trả bằng các khoản thuế
thu về). Một lần nữa, chúng ta phải cố hết sức để tưởng
tượng ra các nhà máy năng lượng tư nhân, những ngôi nhà
tư, các máy đánh chữ hay tivi, v.v…, tất cả những gì đã
không bao giờ được tạo ra bởi số tiền bị thu từ khắp đất nước
để đổ vào xây dựng công trình đẹp đẽ mang tên Đập Norris.
* *
*
Tôi đã cố tình chọn những ví dụ tích cực nhất của các dự
án sử dụng vốn chính phủ, các dự án thường xuyên được đề
xuất bởi những người quyết định chi tiêu chính phủ và được
công chúng ngưỡng mộ. Tôi đã không nhắc đến vô vàn công
trình không cần thiết và gây lãng phí khác được thực hiện với
mục tiêu chính là “tạo việc làm” hay “để họ có việc mà làm”,
bởi trong những trường hợp này, tính hữu ích của công trình
chỉ còn là điều thứ yếu. Hơn nữa, công trình càng lãng phí và
tốn nhiều nhân công thì càng tốt cho mục tiêu tạo việc làm.
Trong các trường hợp này, rất có thể là các công trình do các
quan chức vẽ ra sẽ không thể tạo ra được lượng của cải và
phúc lợi, tính trên mỗi đôla, tương đương với những gì cá
nhân những người nộp thuế có thể tạo ra nếu được phép tự
mình mua hay sản xuất những gì mình muốn thay vì phải
nộp thuế cho chính phủ.
Chương V: Thuế ngăn cản sản xuất
Có một lý do nữa khiến cho lượng giá trị được tạo ra
thông qua chi tiêu của chính phủ khó có thể bằng được lượng
giá trị bị lấy đi qua thuế để bù cho các khoản chi này. Đây
không đơn giản là kiểu rút tiền từ túi bên trái để đút vào túi
bên phải như nhiều người vẫn tưởng. Giả sử những người
quyết định chi tiêu chính phủ nói rằng tổng thu nhập quốc
dân là $1.500 tỷ và thuế liên bang là $360 tỷ, điều này có
nghĩa là chỉ 24% tổng thu nhập quốc dân đang được chuyển
từ việc phục vụ các mục đích cá nhân sang phục vụ các mục
đích công cộng. Họ tưởng rằng cả quốc gia là một thể thống
nhất với nguồn vốn chung như là một công ty lớn và việc
chuyển tiền từ khu vực tư nhân sang ngân quỹ nhà nước chỉ
giống như một giao dịch trên sổ sách. Những người quyết
định chi tiêu chính phủ quên mất rằng họ đang lấy tiền của A
để trả cho B. Trên thực tế, họ biết rất rõ điều này, song khi
họ nghĩ đến tất cả những lợi ích kinh tế dành cho B, những
điều mà B sẽ không bao giờ có được nếu không nhờ khoản
tiền lấy từ A, họ bỏ qua những tác động mà giao dịch này
gây ra đối với A. B được nhớ tới; A bị lãng quên.
Trong xã hội hiện đại của chúng ta, không bao giờ một
mức thuế được áp dụng với tất cả mọi người. Một lượng lớn
các loại thuế thu nhập được áp dụng trên một phần nhỏ của
tổng thu nhập quốc dân; và các loại thuế thu nhập này phải
được bổ trợ thêm bởi các loại thuế khác. Các loại thuế này
chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến các hoạt động và động cơ của
những người phải nộp thuế. Khi một công ty mất cả 100 cent
trên mỗi đôla bị thua lỗ và chỉ được giữ 52 cent trên mỗi đôla
kiếm được, và khi những năm có lợi nhuận không đủ để bù
lại những năm thua lỗ, các chính sách của công ty sẽ bị ảnh
hưởng. Công ty sẽ không muốn mở rộng hoạt động kinh
doanh, hoặc nếu có thì cũng chỉ mở rộng trong những lĩnh
vực ít rủi ro nhất. Những người hiểu được tình huống này sẽ
không muốn bắt đầu khởi tạo doanh nghiệp mới. Vì vậy
những chủ doanh nghiệp cũ sẽ không tạo ra thêm việc làm
hoặc không tạo ra nhiều việc làm như là họ đáng lẽ có thể
tạo ra, và một số người khác từ bỏ quyết định trở thành chủ
doanh nghiệp. Các máy móc được cải tiến và nhà máy với
trang thiết bị tốt hơn sẽ chậm ra đời hơn. Về lâu dài, hậu quả
sẽ là người tiêu dùng không có được những sản phẩm tốt và
rẻ như họ đáng lẽ đã có thể có, và lương sẽ không cao như
mức mà nó đáng lẽ đã có thể đạt được.
Một điều tương tự sẽ xảy ra khi thu nhập cá nhân bị đánh
thuế tới 50 - 60 hay 70%. Mọi người sẽ bắt đầu tự hỏi tại sao
họ phải làm việc 6 - 8, thậm chí 9 tháng một năm cho chính
phủ và chỉ 6 - 4 hoặc 3 tháng một năm cho bản thân và gia
đình họ. Nếu với mỗi đôla thua lỗ họ mất trọn cả đôla, song
với mỗi đôla kiếm được họ chỉ được giữ một phần, những
người này sẽ không muốn chấp nhận rủi ro với vốn của
mình. Ngoài ra, lượng vốn sẵn có để đầu tư vào những lĩnh
vực nhiều rủi ro hơn sẽ bị thu nhỏ đáng kể. Chúng bị mất đi
qua thuế trước khi được tích trữ đủ. Nói tóm lại, nguồn vốn
để tạo ra việc làm trong khu vực tư nhân trước tiên bị ngăn
cản để không hình thành, và khi một phần của nguồn vốn
này được hình thành, nó sẽ bị ngăn cản để không được đầu
tư vào những hoạt động kinh doanh mới. Chính những người
quyết định chi tiêu chính phủ là những người gây ra thất
nghiệp, điều mà họ luôn tuyên bố là đang nỗ lực giải quyết.
Tất nhiên, để thực hiện những chức năng quan trọng của
chính phủ, một lượng thuế nhất định là hoàn toàn cần thiết.
Các mức thuế hợp lý để phục vụ mục đích này không ảnh
hưởng nhiều đến hoạt động sản xuất. Cùng với những điều
khác, các dịch vụ do chính phủ cung cấp sẽ bảo hộ sản xuất,
và nó sẽ dư đủ để bù đắp lại những khoản thuế hợp lý được
thu. Nhưng khi tỷ trọng thuế trong tổng thu nhập quốc dân
càng lớn, thuế càng trở thành một yếu tố ngăn cản sản xuất
và tuyển dụng trong khu vực tư nhân. Khi gánh nặng của tất
cả các loại thuế trở nên quá mức, thì việc phân bổ sử dụng
các khoản thu để sao cho thuế không cản trở và gây gián
đoạn sản xuất sẽ là điều bất khả thi.
Chương VI: Tín dụng làm chệch hướng sản xuất
Những chính sách hỗ trợ hay khuyến khích kinh tế của
chính phủ đôi khi cũng đáng sợ như sự cản trở của chính
phủ. Sự hỗ trợ hay khuyến khích này thường ở dưới dạng các
khoản tín dụng trực tiếp của chính phủ hoặc bảo lãnh của
chính phủ cho các khoản vay tư nhân.
Vấn đề tín dụng của chính phủ thường bị phức tạp hóa
bởi khả năng lạm phát. Chúng ta sẽ thảo luận về các ảnh
hưởng của lạm phát trong các chương cuối. Trong chương
này, để đơn giản hóa vấn đề, chúng ta sẽ giả sử rằng tín
dụng không bị ảnh hưởng bởi lạm phát. Lạm phát, như
chúng ta sẽ thấy ở phần sau, mặc dù làm sự phân tích của
chúng ta trở nên phức tạp hơn, nhưng về bản chất không
làm thay đổi tác động của những chính sách này.
Một đề xuất loại này thường xuyên được đưa ra trong
quốc hội để xin tăng thêm tín dụng cho nông dân. Theo quan
điểm của phần lớn các nghị viên thì nông dân luôn cần thêm
tín dụng. Các khoản tín dụng do các công ty thế chấp tư
nhân, công ty bảo hiểm hay ngân hàng cung cấp không đáp
ứng “đủ” nhu cầu. Cho dù đã có bao nhiêu công ty cho vay
vốn, quốc hội luôn tìm ra những nhu cầu tín dụng chưa được
đáp ứng: nông dân có thể đã có đủ các tín dụng dài hạn hay
ngắn hạn, song họ chưa có đủ các khoản tín dụng “trung
hạn”, hoặc tỷ lệ lãi suất quá cao, hoặc có những khiếu nại
cho rằng các khoản cho vay tư nhân chỉ dành cho những
nông dân giàu có với cơ sở kinh tế đã vững vàng. Chính vì
thế, các đề xuất thành lập tổ chức cho vay và loại hình tín
dụng mới cho nông dân ngày càng chất chồng lên nhau ở các
cơ quan lập pháp.
Sự tín tưởng quá mức vào các chính sách tín dụng này do
hai quan điểm thiển cận gây ra. Quan điểm thứ nhất là chỉ
nhìn nhận vấn đề từ phía người nông dân đi vay vốn. Quan
điểm thứ hai là chỉ nhìn vào nửa đầu của giao dịch này.
Tất cả mọi khoản cho vay, đối với những người đi vay
nghiêm túc, sớm hay muộn đều phải được hoàn trả. Tất cả
tín dụng đều là nợ. Đề xuất tăng lượng tín dụng, vì thế, chỉ là
một cách khác để đề xuất tăng nợ. Nếu ta thay “tín dụng”
bằng “nợ”, sức hấp dẫn của các đề xuất này sẽ giảm đi đáng
kể.
Ở đây, chúng ta không cần thảo luận đến các khoản cho
vay bình thường mà nông dân có được thông qua nguồn vốn
cho vay của tư nhân, ví dụ như các khoản thế chấp, tín dụng
trả góp để mua xe hơi, tủ lạnh, tivi, máy kéo và các trang
thiết bị sản xuất nông nghiệp khác, và các khoản vay ngân
hàng để giúp nông dân duy trì hoạt động cho đến khi thu
hoạch, bán sản phẩm, và thu được lợi nhuận. Ở đây, chúng
ta chỉ thảo luận đến những khoản tiền do các cơ quan chính
phủ cho nông dân vay hoặc bảo trợ cho nông dân vay từ
nguồn khác.
Các khoản cho vay này có hai loại chính. Loại thứ nhất
nhằm giúp nông dân có thể không tung nông phẩm ra thị
trường. Đây là một loại tín dụng rất tai hại, nhưng chúng ta
sẽ xem xét nó sau trong phần nói về sự kiểm soát hàng hóa
của chính phủ. Loại thứ hai nhằm cung cấp vốn, thường để
giúp người nông dân xây dựng cở sở vật chất cho việc sản
xuất, ví dụ như để mua nông trang, mua gia súc kéo hoặc
máy kéo, v.v…
Thoạt nhìn qua, ta sẽ nghĩ đây là một loại tín dụng hợp
lý. Giả sử có một gia đình nghèo không có phương cách kiếm
sống. Nếu để họ phải sống nhờ trợ cấp thì thật tàn nhẫn và
lãng phí. Hãy mua cho họ một nông trang; giúp họ xây dựng
cơ sở hạ tầng; biến họ thành những công dân có ích cho xã
hội và tự hào về bản thân; giúp họ đóng góp vào tổng sản
phẩm quốc dân và tự hoàn trả khoản cho vay này bằng lao
động của mình. Hoặc trong một trường hợp khác, ta có một
nông dân phải sử dụng những phương pháp canh tác cổ xưa
và lạc hậu bởi người đó không có đủ tiền để mua máy cày.
Hãy giúp người nông dân này một khoản tiền để mua một
chiếc máy cày, nhờ đó người đó có thể tăng năng suất của
mình; với khoản thu nhập tăng lên, người nông dân sẽ hoàn
trả khoản cho vay này. Bằng cách ấy, chúng ta không chỉ
khiến người nông dân nọ trở nên giàu có và tự lực hơn mà
với lượng nông sản được tăng thêm, chúng ta thực sự giúp
cả cộng đồng có nhiều của cải hơn. Còn khoản tiền cho vay
thì thực sự không đáng gì với chính phủ và người nộp thuế
bởi, theo lập luận này, nó có khả năng “tự hoàn trả”.
Trên thực tế, đây là điều xảy ra hàng ngày thông qua hệ
thống tín dụng tư nhân. Nếu một người muốn mua nông
trang và chỉ có một nửa hoặc một phần ba số tiền cần có,
những người hàng xóm hay một ngân hàng có thể cho người
đó vay số tiền còn lại dưới dạng thế chấp trang trại. Nếu
người này muốn mua máy kéo, bản thân công ty bán máy
kéo hoặc một công ty tài chính khác có thể giúp người đó
mua được chiếc máy kéo với khoảng một phần ba giá bán;
phần còn lại được trả góp nhờ khoản tăng thu nhập mà chiếc
máy kéo sẽ đem lại.
Nhưng có một sự khác biệt mang tính quyết định giữa
những khoản cho vay do tư nhân cung cấp và các khoản cho
vay của các cơ quan chính phủ. Mỗi người cho vay tư nhân
chấp nhận rủi ro đối với vốn của chính mình. (Với một ngân
hàng, tiền gửi của những người khác sẽ chịu rủi ro; song nếu
khoản tiền đó bị mất, ngân hàng hoặc phải dùng tiền của
mình để đền bù hoặc sẽ bị đóng cửa). Khi phải chịu rủi ro
bằng vốn của chính mình, người cho vay thường rất cẩn
trọng trong việc điều tra và xem xét để đánh giá giá trị của
tài sản thế chấp, tính khả thi của phương án sản xuất và độ
đáng tin cậy của người đi vay.
Nếu các cơ quan của chính phủ cũng có những quy định
và đòi hỏi nghiêm ngặt như vậy, họ sẽ chẳng có lý do gì để
tham gia vào lĩnh vực cho vay vốn, bởi khi đó họ sẽ làm
chính công việc mà các tổ chức cho vay cá nhân đang làm.
Nhưng các cơ quan cho vay của chính phủ hầu như luôn hoạt
động theo các tiêu chuẩn khác. Mục tiêu của việc chính phủ
tham gia vào lĩnh vực này là nhằm cung cấp tín dụng cho
những đối tượng không đủ điều kiện để cho vay theo tiêu
chuẩn của các tổ chức cho vay tư nhân. Nói cách khác, các
cơ quan cho vay của chính phủ sẽ chấp nhận, bằng tiền của
người nộp thuế, những rủi ro mà người cho vay tư nhân
không chấp nhận với vốn của chính họ. Đôi khi, những người
ủng hộ tín dụng của chính phủ cũng công nhận rằng tỷ lệ
hoàn trả của các chương trình tín dụng chính phủ luôn thấp
hơn so với hoạt động tín dụng tư nhân. Song họ cho rằng
điều này sẽ được bù đắp bởi lượng sản phẩm được tạo ra nhờ
sự sản xuất những người đi vay đã hoàn trả được vốn vay và
thậm chí của cả phần lớn những người đi vay không hoàn trả
nổi.
Lập luận này cỏ vẻ đúng nếu chúng ta chỉ quan tâm đến
những người được vay tiền của chính phủ mà bỏ qua những
người không vay được tiền vì sự can thiệp của chính phủ.
Thứ được đem ra cho vay không phải là tiền (tiền chỉ là một
phương tiện trung chuyển) mà là vốn sản xuất. (Tôi đã lưu ý
với các bạn là chúng ta sẽ xem xét ảnh hưởng của lạm phát
đối với tín dụng ở phần sau). Thứ thực sự được cho vay chính
là các nông trang hay máy kéo. Ta phải nhớ rằng số lượng
nông trang và máy kéo là có hạn (giả sử rằng lượng máy kéo
không cần thiết sẽ không được sản xuất ra, bởi nếu được sản
xuất, chúng sẽ ảnh hưởng đến việc sản xuất những hàng hóa
khác). Một nông trang hay máy kéo được đem cho A vay sẽ
không thể được đem cho B vay. Câu hỏi quan trọng ở đây là
A hay B là người sẽ được cho vay nông trang.
Để trả lời câu hỏi này, chúng ta sẽ phải xem xét các thế
mạnh và ưu điểm của A và B, mỗi người trong họ đóng góp
hoặc có khả năng đóng góp gì cho sản xuất. Hãy ví dụ A là
người sẽ có được nông trang nếu chính phủ không can thiệp
vào. Ngân hàng địa phương hoặc những người hàng xóm biết
rõ A và các hoạt động của người này trước đây. Họ muốn tìm
được người sẽ sử dụng tốt vốn của họ. Họ biết A là một nông
dân giỏi, một người trung thực và luôn giữ lời. Họ nghĩ rằng
đầu tư vào A sẽ có mức rủi ro thấp. Bản thân A, nhờ chăm
chỉ làm ăn và cần cù tiết kiệm, cũng đã có được một khoản
tiền bằng một phần tư giá trị nông trang. Họ cho A vay ba
phần tư còn lại, và người này có được nông trang.
Nhiều người có một tư tưởng kỳ lạ về tín dụng. Họ nghĩ
rằng tín dụng là thứ ngân hàng trao cho một cá nhân hay
doanh nghiệp. Ngược lại, tín dụng là thứ người đó đã có sẵn.
Người đó có sẵn tín dụng thông qua những tài sản có giá trị
thị trường lớn hơn khoản tiền cần vay, hoặc nhờ vào tính
cách và lý lịch tốt của mình. Khi đến ngân hàng vay tiền,
người đó mang theo những điều này. Đó là lý do vì sao ngân
hàng cho người đó vay tiền. Ngân hàng không vô cớ cho ai
bất kỳ thứ gì. Ngân hàng chỉ cho vay khi biết chắc mình sẽ
được hoàn trả. Ngân hàng chỉ đơn thuần là trao đổi một hình
thức tài sản dễ chuyển đổi ra tiền hơn lấy một loại tài sản
khó chuyển đổi hơn. Đôi khi ngân hàng nhầm lẫn; khi đó,
không chỉ ngân hàng mà cả cộng đồng sẽ chịu thiệt, vì rằng
những giá trị đáng lẽ được tạo ra bởi người cho vay đã không
được tạo ra, và một phần nguồn lực đã bị phí phạm.
Hãy cùng giả sử rằng A là người có tín dụng và là người
sẽ được ngân hàng cho vay. Nhưng chính phủ tham gia vào
việc cho vay với suy nghĩ của người làm từ thiện, và chính
phủ cảm thấy lo lắng cho B. B không thể xin thế chấp hoặc
các khoản vay khác từ người cho vay tư nhân bởi B không có
tín dụng. B không có tiền tiết kiệm; B không được coi là một
nông dân giỏi; B hiện tại có thể đang sống nhờ phụ cấp.
Những người ủng hộ tín dụng chính phủ tự hỏi tại sao ta
không biến B thành một người hữu dụng và có ích cho xã hội
bằng cách cho B vay đủ để mua một nông trang và một
chiếc máy kéo để bắt đầu sản xuất.
Trong một vài trường hợp nhất định, kết cục có thể sẽ
đúng như điều họ mong đợi. Nhưng nhìn chung thì những
người được lựa chọn bởi các chương trình cho vay của chính
phủ có nhiều rủi ro hơn so với những người do các tổ chức
cho vay tư nhân lựa chọn. Một lượng tiền lớn hơn sẽ không
được hoàn trả khi cho họ vay. Tỷ lệ thất bại trong số họ sẽ
cao hơn. Họ sẽ không sử dụng vốn vay tốt bằng những người
kia, vì vậy họ sẽ làm lãng phí nhiều nguồn lực hơn. Thế
nhưng những người được lựa chọn bởi các chương trình tín
dụng của chính phủ sẽ có được trang trại và máy kéo thay vì
những người đáng lẽ sẽ được các tổ chức tín dụng tư nhân
lựa chọn. Bởi vì B có được nông trang, A sẽ không có nữa. A
có thể sẽ phải từ bỏ việc đi vay vì lãi suất hoặc giá nông
trang bị đẩy lên cao do sự can thiệp của chính phủ, hoặc vì
không còn nông trang nào nữa tại khu vực đó. Trong trường
hợp nào đi nữa, tín dụng chính phủ không làm tăng lên mà
làm giảm lượng của cải do xã hội tạo ra, bởi nguồn vốn sản
xuất thực, có thể sử dụng (bao gồm các nông trang, máy
kéo, v.v…) đã được giao vào tay những người kém năng suất
hơn và không đáng tin bằng.
* *
*
Vấn đề này sẽ trở nên rõ ràng hơn nếu chúng ta chuyển
từ nông nghiệp sang các loại hình kinh doanh khác. Nhiều
người cho rằng chính phủ nên gánh chịu những rủi ro “quá
lớn đối với các doanh nghiệp tư nhân”. Điều này có nghĩa là
chính phủ nên được phép chấp nhận, bằng tiền của người
nộp thuế, những rủi ro mà bình thường không ai muốn tự
mình gánh chịu.
Chính sách này sẽ dẫn đến rất nhiều vấn đề. Nó sẽ dẫn
đến sự thiên vị (cho bạn bè hoặc người quen vay vốn; hoặc
cho vay vốn để đổi lại các khoản đút lót). Nó sẽ gây ra nhiều
tai tiếng và những phàn nàn tố cáo mỗi khi tiền của người
nộp thuế được trao cho các doanh nghiệp thua lỗ. Nó sẽ dẫn
đến xu hướng đòi hỏi xây dựng chủ nghĩa xã hội, bởi người
ta sẽ hỏi rằng tại sao chính phủ không được chia sẻ lợi nhuận
nếu chính phủ gánh chịu các rủi ro. Lý do gì có thể biện minh
cho việc yêu cầu những người nộp thuế phải gánh chịu rủi ro
trong khi những tư bản tư nhân được giữ lại lợi nhuận của
mình? (Tuy nhiên, đây chính là điều chúng ta đã làm trong
trường hợp các khoản cho vay mang tính “không ràng buộc”
của chính phủ cho nông dân, như chúng ta sẽ thảo luận
sau.)
Hiện giờ, chúng ta sẽ tạm bỏ qua tất cả các vấn đề này
và chỉ tập trung vào một hậu quả của loại hình cho vay này:
việc lãng phí vốn và giảm sản xuất. Vốn sản xuất sẵn có bị
đưa vào những dự án tồi hoặc không đáng tin cậy. Lượng
vốn này sẽ được giao vào tay những người kém khả năng và
không đáng tin bằng những người đáng lẽ đã có thể được
nhận nó. Bởi lượng vốn sản xuất thật luôn có hạn (không
giống như tiền tệ do các nhà máy in tiền sản xuất ra), những
gì đã được trao vào tay B không thể được trao vào tay A nữa.
Mọi người muốn đầu tư vốn của mình, nhưng họ đều rất
cẩn thận và muốn thu hồi được vốn. Vì vậy, phần lớn người
cho vay đều xem xét những đề nghị xin vay vốn rất cẩn thận
trước khi chấp nhận rủi ro và đặt vốn vào đó. Họ sẽ cân nhắc
giữa khả năng thu được lợi nhuận và khả năng thua lỗ. Đôi
khi họ có thể mắc sai lầm, song họ ít mắc sai lầm hơn những
người cho vay tiền chính phủ vì một vài lý do sau. Thứ nhất,
đó thường là tiền của họ hoặc tiền đã được tự nguyện uỷ
thác cho họ. Đối với chính phủ, đó là tiền thu được từ người
khác thông qua thuế, cho dù người đó có muốn hay không.
Tiền của các cá nhân chỉ được đầu tư khi có thể thu hồi cả
vốn lẫn lãi. Điều này có nghĩa là người được cho vay vốn sẽ
phải sản xuất ra loại sản phẩm cho thị trường mà mọi người
thực sự cần. Trong khi đó, tiền của chính phủ thường được
cho vay với những mục tiêu không rõ ràng như “tạo việc
làm”, nghĩa là công việc càng kém hiệu quả càng được đánh
giá cao, hay nói cách khác là với cùng một mức sản lượng,
dự án nào càng đòi hỏi nhiều nhân công càng được đánh giá
cao.
Hơn thế nữa, những người cho vay tiền tư nhân đều đã
trải qua sự sàng lọc khắc nghiệt của thị trường. Nếu sai lầm,
họ sẽ mất tiền và không còn vốn để tiếp tục cho vay. Họ sẽ
chỉ có tiền để cho vay nếu họ đã thành công trong quá khứ.
Chính vì thế, những người cho vay tư nhân (ngoại trừ một
lượng nhỏ những người có được tài sản của mình thông qua
thừa kế) đều đã phải trải qua sự lựa chọn sống còn của thị
trường. Những người cho vay tiền chính phủ thì lại khác. Họ
hoặc là những người đã vượt qua các kỳ thi công chức, hoặc
là những người có khả năng trả lời các câu hỏi lý thuyết
mang tính giả định, hoặc là những người có thể đưa ra
những lý do thuyết phục nhất để ủng hộ việc cho vay hoặc
để giải thích tại sao đó không phải là lỗi của họ khi khoản
tiền cho vay không được hoàn trả. Kết quả cuối cùng không
có gì thay đổi: những khoản cho vay của tư nhân luôn tận
dụng được các nguồn lực và vốn sản xuất hiện có tốt hơn
nhiều so với các khoản cho vay của chính phủ. Các khoản
cho vay của chính phủ sẽ lãng phí nhiều vốn sản xuất và các
nguồn lực hơn so với các khoản cho vay của tư nhân. Nói
tóm lại, khi so sánh với các khoản cho vay của tư nhân, các
khoản cho vay của chính phủ sẽ làm giảm chứ không làm
tăng sản xuất.
Nói một cách đơn giản, các đề xuất cho vay của chính
phủ chỉ nhìn thấy B mà bỏ quên A. Chúng nhìn thấy những
người được nhận tiền; chúng bỏ quên những người đáng lẽ
đã có được khoản tiền ấy nếu không có sự can thiệp của
chính phủ. Chúng nhìn thấy những dự án được cấp vốn vay;
chúng bỏ quên những dự án không được cấp vốn. Các đề
xuất này nhìn thấy những ích lợi tức thời đối với một nhóm
cá thể nhất định, song bỏ qua những thiệt hại mà những
nhóm khác và toàn thể xã hội phải gánh chịu.
Các khoản thế chấp và vay của các cá nhân và doanh
nghiệp tư nhân được chính phủ bảo lãnh, mặc dù không rõ
ràng như trường hợp các khoản cho vay và thế chấp trực tiếp
của chính phủ, cũng dẫn đến những vấn đề tương tự. Những
người ủng hộ điều này cũng quên rằng thứ được cho vay,
thực chất là vốn sản xuất, rất có hạn; khi giúp B – người có
danh tính xác định – họ lấy đi những khoản thế chấp hay vốn
vay mà một A nào đó đáng lẽ đã nhận được. Các khoản thế
chấp mua nhà được chính phủ bảo lãnh với các khoản trả
trước rất nhỏ hoặc bằng không (0) sẽ tạo ra nhiều khoản nợ
xấu và khiến những người nộp thuế phải gánh chịu rủi ro và
bù đắp cho những khoản thua lỗ. Chúng khuyến khích người
ta “mua” những ngôi nhà vượt quá khả năng tài chính của
mình. Chúng cũng thường dẫn đến tình trạng thừa cung về
nhà so với các hàng hóa khác. Chúng kích thích một cách
tạm thời việc xây nhà và tăng giá thành xây dựng đối với
mọi người (bao gồm cả những người mua nhà bằng thế chấp
được bảo lãnh), và có thể khiến ngành xây dựng mở rộng
quá mức, gây ra nhiều tốn kém. Tóm lại, về lâu dài, chúng
không tăng tổng sản phẩm quốc dân; chúng chỉ khiến người
ta đầu tư sai lầm.
* *
*
Chúng ta có nhận xét từ đầu chương này rằng sự “hỗ trợ”
của chính phủ đôi khi cũng đáng sợ như sự cản trở của chính
phủ. Điều này đúng với cả sự trợ giá cũng như với các khoản
cho vay của chính phủ. Chính phủ chẳng bao giờ cho không
ai cái gì mà lại không lấy đi của ai khác cái gì đó. Chúng ta
thường nghe những người ủng hộ chương trình phục hồi kinh
tế và cải cách xã hội do Roosevelt khởi xướng, hay những
người ủng hộ chủ chương nhà nước quản lý nền kinh tế, nói
rằng họ đã “cứu nhiều doanh nghiệp” khỏi chỗ lụn bại thông
qua Công ty tài chính tái thiết, Công ty tín dụng sở hữu nhà
và những cơ quan khác thuộc chính phủ vào năm 1932 và
những năm sau đó. Nhưng chính phủ sẽ không có tiền để hỗ
trợ các doanh nghiệp nếu trước hết họ không thu tiền từ các
doanh nghiệp. Tất cả vốn của chính phủ đều đến từ thuế.
Ngay cả chương trình “tín dụng nhà nước” thường được đem
ra khoe khoang cũng phải theo nguyên tắc là cuối cùng sẽ
được thanh toán bằng các khoản thu từ thuế. Khi chính phủ
hỗ trợ hoặc cho các doanh nghiệp vay tiền, điều họ làm trên
thực tế là thu thuế của các doanh nghiệp tư nhân thành công
để hỗ trợ các doanh nghiệp tư nhân thua lỗ. Điều này có thể
là hợp lý trong một vài tình huống đặc biệt mang tính khẩn
cấp, với lý do vì sao chúng ta sẽ không xem xét tại đây.
Nhưng về lâu dài, xét từ góc độ của toàn bộ nền kinh tế, đây
không phải là điều có lợi. Thực tế đã chứng minh như thế!
Chương VII: Tác hại của máy móc
Một trong những suy nghĩ sai lầm tồn tại lâu nhất trong
kinh tế học là lập luận cho rằng việc sử dụng máy móc, xét
trên tổng quan, dẫn đến thất nghiệp. Nó đã bị bác bỏ hàng
ngàn lần, và sau đó hàng ngàn lần nó đã tái xuất hiện, vẫn
mạnh mẽ như cũ. Mỗi khi có tình trạng thất nghiệp hàng loạt
kéo dài, người ta lại đổ lỗi cho máy móc. Nguỵ biện này vẫn
là cơ sở hoạt động cho nhiều công đoàn. Công chúng thường
chấp nhận các hoạt động đó vì họ hoặc quá tin vào sự đúng
đắn hoặc không hiểu được sai lầm của các công đoàn.
Quan điểm cho rằng máy móc gây ra thất nghiệp theo
logic sẽ dẫn đến những kết luận phi lý, rằng không chỉ chúng
ta ngày hôm nay đang góp phần gây ra sự thất nghiệp với
mỗi tiến bộ khoa học kỹ thuật của mình, mà chính người
nguyên thủy, với những nỗ lực tạo ra công cụ lao động để
giảm đi những công việc nặng nhọc cho mình, là người đầu
tiên đã gây nên thất nghiệp.

Có lẽ chúng ta không cần phải đi xa hơn cuốn sách


Wealth of Nations [Sự thịnh vượng của các quốc gia] của
Adam Smith, xuất bản vào năm 1776. Chương đầu tiên của
cuốn sách xuất sắc này có tên gọi là “Về sự phân
công lao động”. Trên trang thứ hai của chương này, tác giả
kể cho chúng ta nghe câu chuyện về một công nhân làm
ghim kẹp theo cách thủ công. Anh ta “chỉ có thể làm được
một chiếc một ngày, và chắc chắn không thể nào làm được
20 chiếc một ngày”. Nhưng với thiết bị mới, anh ta có thể
làm được 4.800 chiếc ghim kẹp một ngày. Vậy là, ngay trong
thời của Adam Smith, cứ một người làm ghim được giữ lại, từ
240 cho đến 4.800 người khác sẽ bị mất việc làm vì máy
móc. Trong ngành sản xuất ghim kẹp, nếu máy móc chỉ
khiến công nhân bị bị mất việc, chúng ta sẽ có tỷ lệ thất
nghiệp 99,98%. Liệu mọi việc còn có thể tồi tệ hơn được nữa
không?
Mọi việc chắc chắn trở nên tồi tệ hơn, bởi Cách mạng
công nghiệp lúc đó mới ở thời kỳ bắt đầu. Chúng ta hãy cùng
xem xét một số sự kiện và khía cạnh của cuộc cách mạng. Ví
dụ như trong ngành dệt tất, các khung dệt mới khi được lắp
đặt đã bị những người chuyên làm tất thủ công phá hỏng
(1.000 chiếc khung dệt đã bị phá hủy trong một cuộc bạo
loạn), nhà cửa bị đốt cháy, những người chế tạo ra máy dệt
bị đe dọa và buộc phải trốn chạy để bảo toàn mạng sống.
Trật tự chỉ được lập lại khi quân đội được gọi đến và những
người cầm đầu bạo loạn bị treo cổ hoặc bị chuyển đi.
Chúng ta cần hiểu rằng khi những người biểu tình nghĩ
về số phận của họ trong hiện tại và trong một tương lai gần,
việc họ chống đối lại máy móc là điều dễ hiểu. Theo William
Felkin, trong cuốn sách History of the Machine-Wrought
Hosiery Manufacturers [Lịch sử của những người sản xuất tất
bằng máy] (1867) (tuy một số số liệu có vẻ không đáng tin),
trong vòng 40 năm sau khi bắt đầu sử dụng máy dệt tất,
phần lớn trong số 50.000 người đan tất và gia đình họ tại
Anh đã phải sống trong cảnh đói nghèo. Thế nhưng, những
người công nhân biểu tình đã sai khi họ cho rằng máy móc
sẽ thay thế con người vĩnh viễn, bởi vì đến cuối thế kỷ 19,
ngành dệt tất đã tăng lượng nhân công lên ít nhất là 100 lần
so với hồi đầu thế kỷ.
Arkwright sáng chế ra máy quay sợi vào năm 1760. Vào
thời điểm đó, người ta ước tính rằng ở Anh có khoảng 5.200
người quay sợi dùng bàn quay thô sơ và 2.700 người dệt vải
- tổng cộng là 7.900 người tham gia vào ngành sản xuất vải
bông. Việc áp dụng sáng chế của Arkwright bị phản đối vì
những nhân công này e sợ họ sẽ bị mất việc làm, và chính
phủ đã phải dùng đến sức mạnh để dẹp cuộc biểu tình. Thế
nhưng đến năm 1787, 27 năm sau đó, một cuộc điều tra của
Nghị viện đã cho thấy số lao động trong ngành quay và dệt
sợi bông đã tăng 4.400%, từ 7.900 lên đến 320.000.
Nếu bạn tham khảo những cuốn sách như Recent
Economic Changes [Những thay đổi kinh tế gần đây] của
David A. Wells, xuất bản vào năm 1889, bạn sẽ thấy những
đoạn mà, ngoại trừ những con số và ngày tháng cụ thể, có
tư tưởng rất giống những người phản đối việc sử dụng máy
móc của thời đại ngày nay. Tôi xin được đưa ra một vài trích
dẫn:
Trong vòng 10 năm từ năm 1870 đến năm 1880,
ngành chuyên chở hàng hóa đường biển của Anh đã tăng
tổng lượng hàng cập cảng từ nước ngoài và thông cảng
lên 22 triệu tấn… nhưng số lượng người lao động trong
ngành này tính đến năm 1880 lại giảm khoảng 3.000
người (chính xác là 2.990) so với năm 1870. Điều gì đã
dẫn đến hiện tượng này? Đó chính là việc sử dụng các
máy tời với động cơ hơi nước và các đường chuyền
chuyển thóc lúa từ tàu lên cảng, việc sử dụng năng lượng
của động cơ hơi nước, v.v…
Vào năm 1873, thép Bessemer tại Anh, khi giá của
nó chưa tăng lên do các loại thuế bảo hộ, có giá $80 một
tấn. Đến năm 1886, công ty vẫn sản xuất và bán tại
cùng một thị trường ở mức giá thấp hơn $20 một tấn mà
vẫn có lợi nhuận. Cũng trong khoảng thời gian này, tổng
sản lượng thép hàng năm của một máy luyện thép
Bessemer đã tăng 4 lần, thế nhưng số lao động được sử
dụng không hề tăng, thậm chí còn giảm.
Lượng năng lượng cung cấp bởi các động cơ hơi nước
đang tồn tại và hoạt động vào năm 1887 được Phòng
Thống Kê ở Berlin ước tính là tương đương với 200 triệu
mã lực, đại diện cho khoảng 1 tỷ người, hay ít nhất là
gấp ba lần lực lượng lao động hiện có của toàn thế giới.
Con số cuối cùng đáng lẽ phải khiến ông Wells dừng lại
và suy nghĩ tại sao đến năm 1889, trên thế giới vẫn còn có
người có việc làm; song ông ta chỉ đơn giản kết luận một
cách bi quan rằng “trong tình hình này, sự sản xuất thừa
trong các ngành công nghiệp … có thể trở nên mãn tính”.
Trong cuộc khủng hoảng năm 1932, xu hướng đổ lỗi gây
nạn thất nghiệp cho máy móc lại bùng phát. Trong vòng vài
tháng, lập luận của những người theo tư tưởng Kỹ trị
(Technocracy) đã lan khắp quốc gia như một đám cháy rừng.
Tôi sẽ không làm các bạn mệt mỏi bằng cách nhắc lại những
luận điểm có vẻ tuyệt vời của những người này hay chỉ ra
các sai lầm của họ để giúp các bạn thấy được bản chất của
vấn đề. Ta chỉ cần nói rằng những người Kỹ trị đã quay trở
lại với quan điểm cũ kỹ và ngây ngô rằng máy móc sẽ vĩnh
viễn thay thế con người. Song điều khác biệt là, với sự kiêu
ngạo của mình, những người này cho rằng đây là một lý lẽ
mới mẻ, mang tính đột phá mà họ phát hiện ra. Đây lại là
một ví dụ minh họa nữa cho cách ngôn của Santayana, rằng
những người không nhớ quá khứ sớm hay muộn cũng sẽ lặp
lại nó.
Những người Kỹ trị cuối cùng cũng trở thành một trò cười
cho thiên hạ, nhưng những điều họ tin, những điều đã có từ
trước họ, tiếp tục tồn tại. Nó được thể hiện trong hàng trăm
điều luật nhằm tạo ra việc làm và cách các công đoàn gây
sức ép bắt doanh nghiệp phải thuê nhiều hơn số lao động
cần thiết. Các điều luật và thông lệ này được chấp nhận hay
thậm chí ủng hộ bởi công chúng không hiểu rõ mấu chốt vấn
đề ở đây.
Khi đại diện cho Ủy ban công lý Mỹ báo cáo trước Hội
đồng kinh tế quốc gia lâm thời (thường được gọi là TNEC:
Temporary National Economic Committee) vào tháng ba năm
1941, Corwin Edwards đã chỉ ra rất nhiều ví dụ minh họa cho
những chính sách kiểu này của công đoàn. Công đoàn của
thợ điện thành phố New York đã bị cáo buộc về việc không
chịu lắp đặt các thiết bị điện được sản xuất ở ngoài New York
trừ phi những thiết bị đó được tháo ra và lắp lại tại nơi lắp
đặt. Tại Houston, Texas, những người đầu ngành trong
ngành lắp ống nước và công đoàn của thợ lắp ống nước đã
thỏa thuận rằng các đường ống được sản xuất để lắp đặt sẽ
chỉ được công đoàn lắp đặt nếu một đầu được tạo ren trước
và một đầu phải được tạo ren tại công trường. Nhiều nhóm
trong công đoàn của thợ sơn cấm sử dụng bình sơn xịt. Điều
luật này trong nhiều trường hợp chỉ nhằm tạo ra thêm việc
làm thông qua quy trình sơn bằng chổi mất nhiều thời gian
và công sức hơn. Một nhóm trong công đoàn của lái xe tải
yêu cầu rằng mọi xe tải đi vào khu trung tâm New York phải
có một lái xe địa phương bên cạnh tài xế sẵn có trên xe. Tại
nhiều thành phố, công đoàn của thợ điện yêu cầu rằng nếu
có bất kỳ một hoạt động thắp sáng hay sử dụng năng lượng
nào trên công trường, chủ công trình sẽ phải thuê một nhân
viên bảo trì điện làm việc trọn thời gian, và người này sẽ
không được phép làm bất kỳ một công việc lắp đặt điện nào.
Điều luật này theo ông Edwards, “thường dẫn đến việc thuê
một người ngày chỉ đọc báo hoặc chơi bài; công việc duy
nhất của người đó là bật công tắc điện vào buổi sáng và tắt
công tắc điện vào buổi tối”.
Chúng ta không thể kể hết các điều luật nhằm tạo việc
làm như thế trong các ngành khác nhau. Trong ngành đường
sắt, các công đoàn đòi hỏi phải có lính cứu hỏa trên cả những
loại đầu máy xe lửa không cần lính cứu hỏa. Các công đoàn
của nhà hát đòi hỏi phải có người kéo màn, ngay cả khi vở
kịch đó không cần phông cảnh. Công đoàn của các nhạc sĩ
yêu cầu phải có nhạc sĩ dự phòng, hoặc đôi khi là cả một dàn
nhạc dự phòng, ngay cả trong trường hợp chỉ dùng đĩa nhạc
đã thu sẵn.

Cho đến năm 1961, vẫn không có dấu hiệu nào chứng tỏ
lý lẽ sai lầm này đã biến mất. Không chỉ những người lãnh
đạo công đoàn mà cả các nhân viên chính phủ cũng tuyên bố
rằng “tự động hóa” là nguyên nhân chính của sự thất nghiệp.
Họ nói về tự động hóa như thể nó là một thứ mới xuất hiện
trên thế giới. Thực ra, nó chỉ là một cái tên mới cho sự phát
triển khoa học kỹ thuật và các tiến bộ khác trong các trang
thiết bị nhằm tiết kiệm sức lao động của con người.
* *
*
Song thậm chí cả ngày nay, không chỉ những người
không biết gì về kinh tế học mới phản đối việc sử dụng các
máy móc giúp tiết kiệm sức lao động. Vào năm 1970, có một
cuốn sách được viết bởi một tác giả nổi tiếng, người sau đó
đã được nhận giải Nobel trong kinh tế học. Trong cuốn sách
của mình, ông phản đối việc sử dụng máy móc thiết bị tiết
kiệm sức lao động ở những nước kém phát triển bởi chúng sẽ
1
“làm giảm nhu cầu về lao động”. Theo logic này, ta có thể
nói rằng cách để tăng tối đa lượng việc làm là giảm tối đa
năng suất và hiệu suất lao động. Nó ám chỉ rằng những
người tham gia vào cuộc bạo loạn vào đầu thế kỷ 19 ở Anh
đã đúng khi họ phá hoại máy dệt, khung cửi chạy bằng động
cơ hơi nước và máy xén lông cừu.
Chúng ta có thể đưa ra hàng núi dữ liệu để chứng tỏ rằng
những người phản đối việc sử dụng máy móc trong quá khứ
đã sai lầm như thế nào. Song điều đó sẽ là vô ích cho đến
chừng nào chúng ta hiểu được một cách rõ ràng tại sao họ
sai, vì rằng số liệu thống kê hay lịch sử đều là vô ích trong
kinh tế học trừ khi chúng được gắn kết bởi một lý thuyết
được tạo dựng bằng cách diễn dịch – có nghĩa là trong
trường hợp này, ta phải hiểu được tại sao những hậu quả
trong quá khứ của việc sử dụng máy móc và các trang thiết
bị tiết kiệm sức lao động khác nhất thiết phải diễn ra như
vậy. Nếu không, những người phản đối việc sử dụng máy
móc sẽ khẳng định rằng (như họ trên thực tế đã khẳng định
khi chúng ta chỉ cho họ thấy điều dự đoán của những bậc
tiền bối của họ đều không trở thành sự thực): “Những điều
đó có thể đã đúng trước đây, song hiện giờ tình hình đã trở
nên rất khác biệt, và chúng ta không thể nào cứ tiếp tục sản
xuất các máy móc tiết kiệm sức lao động được nữa”. Bà
Eleanor Roosevelt, trong một bài báo được xuất bản vào
ngày 19 tháng chín năm 1945, đã viết: “Chúng ta đã tới thời
điểm mà tại đó, các thiết bị tiết kiệm sức lao động chỉ có giá
trị khi chúng không khiến người lao động mất việc làm”.
Nếu thực sự việc sử dụng các máy móc tiết kiệm sức lao
động là nguyên nhân gây ra nạn thất nghiệp gia tăng, kết
luận logic rút ra từ điều này sẽ mang tính đột phá không chỉ
trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật hay kinh tế mà trong toàn
bộ tư tưởng hệ của chúng ta về nền văn minh nhân loại.
Chúng ta sẽ phải coi tất cả các tiến bộ khoa học kỹ thuật,
trong tương lai cũng như trong quá khứ, là các thảm họa.
Hàng ngày, mỗi chúng ta đều cố gắng giảm bớt lượng công
sức phải bỏ ra để đạt được một kết quả nào đó; mỗi chúng
ta đều cố gắng tiết kiệm sức lao động và các phương tiện
cần thiết để đạt được một mục đích nào đó. Mọi chủ doanh
nghiệp, dù lớn hay nhỏ, đều luôn cố gắng để thu được những
thành quả mong muốn một cách tiết kiệm và hiệu quả hơn,
nghĩa là thông qua việc tiết kiệm lao động. Mỗi người lao
động biết tư duy đều cố gắng giảm thiểu lượng công sức cần
thiết để hoàn thành công việc được giao. Những người nhiều
tham vọng nhất trong chúng ta nỗ lực không mệt mỏi nhằm
tăng lượng thành quả công việc trong cùng một lượng thời
gian. Những người phản đối việc sử dụng máy móc, nếu tuân
theo logic của chính họ, sẽ phải coi tất cả những tiến bộ và
sáng tạo này là vô nghĩa, hay thậm chí là tai hại. Tại sao ta
phải chuyên chở hàng hóa từ Chicago đến New York bằng xe
lửa nếu ta có thể tạo việc làm cho một lượng lao động lớn
hơn bằng cách thuê họ vác đồ từ Chicago đến New York?
Các lý thuyết sai lầm kiểu này luôn thiếu tính logic, song
chúng sẽ tiếp tục gây nhiều tổn hại chừng nào còn có người
tin vào chúng. Vì vậy, ta phải tìm hiểu rõ ràng điều gì sẽ xảy
ra khi các tiến bộ kỹ thuật và máy móc tiết kiệm sức lao
động được áp dụng. Các chi tiết cụ thể sẽ thay đổi trong
từng trường hợp, tùy thuộc vào điều kiện của từng ngành
sản xuất tại từng thời điểm, song ví dụ minh họa ta đưa ra
sau đây sẽ bao gồm các khả năng chính.
Giả sử một người sản xuất đồ may mặc nghe nói về một
chiếc máy sản xuất áo khoác nam và nữ chỉ yêu cầu một nửa
số lao động như trước đây. Ông ta quyết định lắp đặt chiếc
máy và sa thải một nửa số lao động của mình.

Thoạt nhìn qua, ta sẽ nghĩ chiếc máy đã làm mất đi một


lượng việc làm. Song việc sản xuất ra chiếc máy sẽ đòi hỏi
lao động. Đây là yếu tố bù đắp đầu tiên: những việc làm mà
nếu không có chiếc máy này sẽ không được tạo ra. Tuy
nhiên, nhà sản xuất áo khoác sẽ chỉ sử dụng chiếc máy nếu
(1) nó có thể sản xuất ra những chiếc áo chất lượng cao hơn
mà chỉ đòi hỏi một nửa lượng lao động, hoặc (2) có thể sản
xuất ra những chiếc áo có cùng chất lượng với chi phí thấp
hơn. Trong tình huống thứ hai, lượng lao động cần để tạo ra
chiếc máy cần phải nhỏ hơn (tính theo tổng lương) so với với
lượng lao động mà nhà sản xuất áo khoác muốn tiết kiệm
trong dài hạn khi sử dụng chiếc máy. Nếu không, nhà sản
xuất sẽ không có được lợi ích kinh tế gì và sẽ không chọn sử
dụng chiếc máy này.
Vậy là vẫn có một lượng việc làm bị mất đi cần được bù
đắp. Song chí ít ta phải nhớ rằng tác động đầu tiên của việc
sử dụng chiếc máy tiết kiệm lao động có lẽ là sự gia tăng
lượng việc làm thật [tức sau khi đã trừ đi số việc làm bị mất
đị do áp dụng máy móc mới – ND]; bởi vì thông thường thì
chỉ trong dài hạn nhà sản xuất áo khoác mới có thể hy vọng
tiết kiệm được tiền bạc nhờ áp dụng máy móc mới. Có thể
phải sau một vài năm chiếc máy mới có thể “tự bù đắp được
chí phí tậu nó”.
Sau khi chiếc máy đã tạo ra đủ lợi ích kinh tế để bù đắp
lại chi phí tậu nó, nhà sản xuất sẽ có nhiều lợi nhuận hơn
trước. (Chúng ta giả định rằng nhà sản xuất bán những chiếc
áo khoác với cùng mức giá như các đối thủ cạnh tranh và
không muốn bán với giá thấp hơn). Ở thời điểm này, dường
như chỉ có nhà sản xuất, người sở hữu công cụ lao động, là
được lợi, còn người lao động thì mất việc làm. Nhưng chính
từ các nguồn lợi nhuận được tăng thêm này, các lợi ích khác
cho xã hội sẽ xuất hiện. Nhà sản xuất áo khoác sẽ dùng
khoản lợi nhuận tăng thêm theo một trong ba cách sau, hoặc
có thể theo cả ba cách: (1) ông ta có thể quyết định dùng
khoản lợi nhuận tăng thêm này để mở rộng sản xuất bằng
cách mua thêm máy và sản xuất thêm áo khoác; hoặc (2)
ông ta có thể đầu tư các khoản lợi nhuận tăng thêm này vào
một ngành khác; hoặc (3) ông ta có thể dùng khoản lợi
nhuận tăng thêm để phục vụ cho nhu cầu sử dụng của bản
thân. Cho dù sử dụng cách nào, ông ta cũng sẽ gián tiếp
giúp tăng lượng việc làm cho xã hội.
Nói cách khác, do những lợi ích kinh tế mà chiếc máy
mang lại, nhà sản xuất có một lượng lợi nhuận tăng thêm mà
trước đây ông ta không có. Lượng tiền mà ông ta tiết kiệm
trực tiếp từ việc cắt giảm lao động sẽ được sử dụng để gián
tiếp trả lương cho những người sản xuất máy, hay cho những
người lao động trong một ngành khác mà ông quyết định
đầu tư vào, hay cho những người xây nhà hoặc sản xuất xe
hơi cho bản thân ông ta, hay cho những người làm đồ trang
sức hoặc áo lông thú cho vợ ông ta. Trong bất kỳ trường hợp
nào (trừ khi ông ta chỉ tích lũy tiền bạc mà không đầu tư
hoặc sử dụng nó), ông ta sẽ gián tiếp tạo ra một số lượng
việc làm đủ bù đắp cho lượng việc làm ông ta đã trực tiếp cắt
giảm.
Nhưng vấn đề không và không thể dừng tại đây. Nếu nhà
sản xuất này thu được nhiều lợi ích kinh tế hơn so với các đối
thủ cạnh tranh khác, hoặc ông ta bắt đầu mở rộng hoạt động
sản xuất của mình và khiến các đối thủ phải thu hẹp lại,
hoặc họ cũng sẽ bắt đầu mua và sử dụng các máy móc
tương tự,thêm nhiều việc làm nữa sẽ được tạo ra cho những
người sản xuất máy. Song cạnh tranh và sản xuất hàng loạt
sẽ làm giảm giá áo khoác, và lượng lợi nhuận cho những nhà
sản xuất sử dụng thiết bị mới sẽ không còn được cao như
trước. Lượng lợi nhuận cho những người sử dụng thiết bị mới
bắt đầu giảm; còn những nhà sản xuất không sử dụng máy
móc mới có thể sẽ không còn lợi nhuận. Các lợi ích kinh tế,
tại thời điểm này, sẽ bắt đầu được chuyển sang cho những
người mua áo khoác - cho người tiêu dùng.
Nhưng vì giờ đây áo khoác giảm giá, nhiều người mua áo
khoác hơn. Điều này có nghĩa là tuy việc sản xuất áo khoác
(tính trên cùng một sản lượng) đòi hỏi ít lao động hơn trước,
hiện giờ lượng áo khoác đang được sản xuất đã tăng lên. Nếu
cầu về áo khoác là “co giãn” theo cách gọi của các nhà kinh
tế - nghĩa là nếu giá áo khoác giảm thì một lượng tiền lớn
hơn so với trước sẽ được dùng để mua áo khoác - thì ngành
sản xuất áo khoác sẽ có thể thuê thêm nhiều lao động hơn
so với trước khi sử dụng máy móc mới. Chúng ta đã thấy
điều này xảy ra trong quá khứ trong ngành sản xuất tất và
các sản phẩm dệt may khác.
Nhưng sự tạo ra các công việc mới không chỉ phụ thuộc
vào độ co giãn của cầu về loại sản phẩm đó. Giả sử rằng
ngay cả khi giá áo khoác được giảm gần một nửa - từ $150
xuống còn $100, khách hàng vẫn không có nhu cầu mua
thêm. Kết cục có lẽ là, khách hàng ngoài việc mua được một
chiếc áo khoác còn được giữ lại $50, khoản mà anh ta không
thể có được trước đây. anh ta sẽ sử dụng $50 cho một việc
khác, và sẽ tạo ra việc làm trong những ngành khác.
Nói tóm lại, khi xem xét toàn cục, máy móc mới, các tiến
bộ về kỹ thuật, sự tự động hóa, các lợi ích kinh tế và hiệu
năng suất không gây nên thất nghiệp.
* *
*
Tất nhiên, không phải mọi khám phá và phát minh đều
nhằm mục đích tạo ra máy móc tiết kiệm sức lao động. Một
số khám phá và phát minh, như các thiết bị đo đạc với độ
chính xác cao, nylon, ván ép, các loại chất dẻo, v.v… thuộc
đủ chủng loại, làm tăng chất lượng của các sản phẩm. Một số
khám phá và phát minh khác, như điện thoại hay máy bay,
thực hiện những chức năng mà lao động của con người
không thể trực tiếp tạo ra. Một số khám phá và phát minh
khác nữa tạo ra những thiết bị và dịch vụ không có trước
đây, ví dụ như máy chụp Xquang, radio, tivi, máy điều hòa
nhiệt độ, máy điện toán, v.v… Nhưng trong ví dụ minh họa
trước, chúng ta đã nói đến đúng loại máy móc mà những
người phản đối việc sử dụng máy móc thường lấy làm mục
tiêu cho sự tấn công của mình.
Dĩ nhiên, chúng ta cũng có thể đi xa hơn lập luận cho
rằng máy móc, xét trên tổng quan, không gây ra thất
nghiệp. Một số người nói rằng máy móc tạo ra nhiều việc làm
hơn cho con người so với trước đây. Trong một số điều kiện
nhất định, điều này có thể đúng. Chúng có thể tạo ra thêm
rất nhiều công việc trong một số ngành
nghề nhất định. Các con số thống kê cho ngành dệt may vào
thế kỷ XVIII có thể được xem là một ví dụ minh họa. Các số
thống kê gần đây hơn cũng không kém phần ấn tượng. Vào
năm 1910, 140.000 lao động đã được tuyển dụng ở Mỹ để
làm việc trong ngành sản xuất xe hơi mới ra đời. Năm 1920,
khi sản phẩm xe hơi được cải thiện và giá thành được giảm
xuống, ngành sản xuất xe hơi đã thuê 250.000 lao động.
Năm 1930, do sản phẩm tiếp tục được cải thiện và giá giảm,
tổng số lao động được thuê tăng lên 380.000. Vào năm 1973
nó đã tăng lên 941.000. Cũng vào năm 1973, 514.000 lao
động đã được thuê trong ngành sản xuất máy bay và linh
kiện máy bay, và 393.000 lao động làm việc trong ngành
sản xuất linh kiện điện tử. Số lượng lao động được tuyển
không ngừng tăng trong các ngành sản xuất mới khi chúng
lần lượt ra đời, song song với quá trình cải tiến sản phẩm và
giảm giá thành.
Trong một khía cạnh nhất định khác, ta cũng có thể nói
máy móc đã tạo ra rất nhiều việc làm. Dân số của thế giới
ngày nay lớn gấp 4 lần dân số thế giới vào giữa thế kỷ XVIII,
trước khi Cách mạng công nghiệp bắt đầu. Ta có thể nói máy
móc đã góp phần tạo nên lượng dân số tăng lên, bởi nếu
không nhờ các máy móc và thiết bị mới, chúng ta sẽ không
nuôi sống nổi lượng dân số khổng lồ này. Vì thế, ta có thể
nói rằng cứ 4 người trong chúng ta thì có đến 3 người có
được không chỉ việc làm mà cả cuộc sống của mình nhờ máy
móc.
Nhưng chúng ta sẽ sai lầm nếu cho rằng chức năng chủ
yếu của máy móc là tạo việc làm. Tác động thực của máy
móc là tăng sản xuất, là nâng cao mức sống của con người,
là cải thiện sức khỏe của nền kinh tế. Không khó gì để mọi
người đều có việc làm, ngay cả (hay đặc biệt là) trong những
nền kinh tế lạc hậu. Tỷ lệ thất nghiệp bằng không – khi tất
cả mọi người đều làm việc, những công việc nặng nhọc vất
vả, là đặc điểm của các quốc gia có nền công nghiệp què
quặt nhất. Trong hoàn cảnh này, khi mọi người đều làm việc,
máy móc, khám phá, phát minh mới không thể tạo ra thêm
việc làm, cho tới chừng nào lực lượng lao động được tăng lên
thông qua sự tăng dân số. Máy móc có thể dẫn đến sự thất
nghiệp, nhưng là thất nghiệp tình nguyện chứ không phải
thất nghiệp bắt
buộc, bởi vì bây giờ, người ta có thể làm việc ít hơn; trẻ
em và người cao tuổi không còn phải làm việc nữa.
Xin nhắc lại một lần nữa: máy móc làm tăng sản xuất và
nâng cao mức sống của con người. Chúng đạt được điều này
bằng hai cách. Chúng có thể làm cho hàng hóa rẻ hơn đối với
người tiêu dùng (như trong ví dụ minh họa về ngành sản
xuất áo khoác), hoặc chúng có thể tăng lương cho người lao
động, vì chúng nâng cao năng suất của họ. Nói cách khác,
chúng sẽ tăng lượng tiền lương hoặc, thông qua việc giảm
giá thành giá cả, tăng lượng hàng hóa dịch vụ mà một lượng
tiền lương có thể mua. Đôi khi, cả hai điều này có thể xảy ra
đồng thời. Các chính sách tiền tệ được áp dụng tại mỗi quốc
gia sẽ quyết định điều nào trong hai khả năng trên sẽ xảy ra.
Nhưng trong bất kỳ trường hợp nào đi nữa, máy móc, khám
phá, sáng chế đều làm tăng giá trị thật của lương.
* *
*
Một lời cảnh báo cần được đưa ra trước khi chúng ta kết
thúc chủ đề này. Một trong những điểm mạnh của các nhà
kinh tế học theo trường phái cổ điển là họ luôn xem xét các
ảnh hưởng thứ cấp. Họ luôn quan tâm đến những tác động
dài hạn của một chính sách hay sự phát triển kinh tế đối với
toàn thể xã hội. Nhưng điểm yếu của họ khi theo đuổi những
tác động dài hạn ở diện rộng là đôi khi họ không xem trọng
hoặc bỏ qua các tác động tức thời hoặc ngắn hạn của một
chính sách hoặc sự phát triển kinh tế đối với những nhóm cá
thể nhất định. Như chúng ta đã thấy, rất nhiều người đan len
và gia đình của họ đã thực sự phải gánh chịu rất nhiều khó
khăn khi máy dệt tất, một trong những sáng chế đầu tiên
của Cách mạng công nghiệp, được đưa vào sử dụng.
Nhưng những điều này, trong quá khứ cũng như trong
hiện tại, đã khiến một số người bị cuốn vào thái cực ngược
lại: chỉ xem xét những tác động tức thời hoặc ngắn hạn đối
với một số nhóm cá thể nhất định. Joe Smith bị mất việc bởi
việc sử dụng một thiết bị mới. Những nhà kinh tế học này sẽ
nói: “Hãy chú ý đến Joe! Đừng bao giờ rời mắt khỏi Joe”.
Nhưng điều họ làm sau đó là chỉ lưu ý đến một mình Joe, mà
quên mất Tom Jones, người đã được thuê để sản xuất ra
chính chiếc máy đó. Họ cũng quên mất Ted Brown, người
được thuê để điều khiển chiếc máy đó, và Daisy Miller, người
giờ đây có thể mua chiếc áo khoác với mức giá bằng một nửa
trước đây. Và vì họ chỉ nghĩ đến Joe Smith, họ sẽ ủng hộ
những chính sách kinh tế phản tác dụng và vô nghĩa.
Đúng là chúng ta phải để mắt đến Joe Smith vì anh ta đã
bị mất việc làm do việc sử dụng thiết bị mới. Có thể anh ta
sẽ sớm kiếm được một công việc khác, thậm chí là một công
việc tốt hơn. Song có thể vì anh ta cả đời chỉ tập trung vào
một kỹ năng đặc biệt mà giờ đây thị trường không còn cần
nữa. Giờ đây anh ta đã mất đi những gì anh ta đã đầu tư vào
bản thân – các kỹ năng của anh ta. Điều này cũng giống như
người chủ của anh ta, người mất đi sự đầu tư trước đây của
mình vào những máy móc và quy trình sản xuất cũ, những
thứ mà giờ đây không sử dụng được nữa. Trước đây, Joe là
một công nhân lành nghề và được trả một mức lương xứng
đáng. Song chỉ sau một đêm, anh ta đã trở thành một người
lao động không có kỹ năng và trong hiện tại chỉ có thể mong
nhận mức lương cho những người không có tay nghề, bởi vì
kỹ năng duy nhất anh ta có được giờ đây không còn có giá trị
trên thị trường lao động. Chúng ta không thể và không được
phép quên Joe. Câu chuyện của anh ta là một trong biết bao
câu chuyện thương tâm mà, như chúng ta sẽ thấy, luôn xảy
ra trong mọi tiến bộ công nghiệp và kinh tế.
Để trả lời cụ thể rằng chúng ta sẽ làm gì với Joe Smith,
liệu chúng ta nên để anh ta tự thích nghi, hay cho anh ta
một khoản tiền bồi thường thất nghiệp, hay cho anh ta
hưởng chế độ trợ cấp xã hội, hay dùng ngân quỹ nhà nước
để đào tạo anh ta cho một việc làm khác, sẽ dẫn chúng ta
vượt quá điều chúng ta đang cố gắng chỉ ra ở đây. Bài học
quan trọng nhất ở đây là chúng ta phải cố gắng xem xét tất
cả những tác động chính của bất kỳ một chính sách hay sự
phát triển kinh tế nào - những tác động tức thời và ngắn hạn
lên những nhóm cá thể nhất định và những tác động dài hạn
lên tất cả các nhóm.
Chúng ta đã dành nhiều thời gian nhiều về vấn đề này vì
những kết luận của chúng ta về tác động của máy móc mới,
khám phá và phát minh mới đối với việc làm, sản xuất và
phúc lợi xã hội của nền kinh tế là những kết luận rất quan
trọng. Nếu chúng ta nhận định sai về vấn đề này, chúng ta
sẽ nhận định sai về phần lớn các vấn đề khác trong kinh tế
học.
Chương VIII: Các chương trình nhằm chia sẻ việc
làm
Tôi đã nói đến những biện pháp nhằm tạo ra việc làm và
các cách công đoàn gây sức ép bắt các doanh nghiệp phải
thuê nhiều lao động hơn số cần thiết. Gốc rễ của những biện
pháp này, cũng như của việc công chúng chấp nhận và ủng
hộ chúng, cũng tương tự như nguỵ biện về tác hại của các
máy móc thiết bị mới. Đó là cách suy nghĩ rằng một phương
thức sản xuất có năng suất cao hơn sẽ giảm việc làm của
người lao động, và một hệ quả của lý lẽ này là, một cách
thức sản xuất kém hiệu quả sẽ tạo ra thêm việc làm.
Song hành với tư duy sai lầm này là lập luận cho rằng
trên thế giới chỉ có một lượng công việc cố định để làm, và
rằng, nếu chúng ta không thể tăng thêm lượng công việc cần
làm thông qua những phương pháp lao động kém hiệu quả
hơn, ít nhất chúng ta cũng có thể nghĩ ra những chương trình
hay dự án nhằm chia sẻ lượng công việc này cho càng nhiều
người càng tốt.
Luận điểm sai lầm đó chính là cơ sở cho việc phân chia
lao động một cách tỉ mỉ theo đòi hỏi của các công đoàn.
Trong ngành xây dựng ở các thành phố lớn, sự phân chia lao
động này đã trở nên quá đáng. Thợ xây không được phép
dùng đá để xây ống khói, bởi đó là công việc của những thợ
đá. Thợ điện không được phép gỡ một tấm bảng gỗ để chữa
đường điện ở đằng sau và sau đó lắp lại như trước, cho dù
việc đó có đơn giản đến đâu, bởi đó là công việc của thợ
mộc. Một thợ ống nước sẽ không được gỡ một viên gạch lát
để sửa một chỗ rò trong buồng tắm, bởi đó là việc của người
lát gạch.
Nhiều cuộc tranh chấp “lãnh thổ” nảy lửa đã diễn ra giữa
các công đoàn khác nhau để giành quyền được làm những
loại công việc không mang tính đặc thù cao. Trong tuyên bố
của các hãng đường sắt Mỹ đệ trình lên Ủy Ban Chưởng Lý
về Các Quy Trình Hành Chính, các hãng đã đưa ra nhiều ví
dụ, trong đó Ban Điều Chỉnh Đường Sắt Quốc Gia đã quyết
định rằng:
Mỗi hoạt động riêng lẻ được thực hiện trên đường
sắt, cho dù có nhỏ đến mức nào (ví dụ như nói chuyện
qua điện thoại hoặc bật hay tắt một công tắc) đều thuộc
sở hữu của một nhóm lao động nhất định, và nếu một
người thuộc một nhóm lao động khác, trong khi làm
nhiệm vụ thường xuyên của mình, thực hiện những hoạt
động này, không chỉ người đó được nhận thêm một ngày
lương vì việc làm đó mà, đồng thời, những người thuộc
nhóm lao động có chức năng thực hiện hoạt động này
song không được sử dụng để thực hiện hoạt động đó
cũng sẽ được trả một ngày lương vì không được yêu cầu
đến thực hiện hoạt động đó.
Đúng là một vài người có thể được hưởng lợi, trong khi
toàn bộ những người còn lại trong chúng ta sẽ chịu thiệt hại
từ sự phân công lao động tùy tiện và tỉ mỉ quá mức này ngay
cả khi nó chẳng dính líu gì đến chúng ta. Nhưng những người
muốn biến sự phân công lao động đó thành thông lệ chung
không nhận thấy rằng nó luôn nâng cao chi phí sản xuất và
dẫn đến việc lượng công việc được thực hiện và lượng sản
phẩm được sản xuất ra bị giảm đi. Người chủ khi phải thuê
hai nhân công để làm công việc của một người thì đúng là đã
tạo thêm việc làm cho một nhân công nữa. Song ông ta cũng
mất đi một khoản tiền mà đáng lẽ có thể được dùng cho một
việc khác và tạo ra việc làm cho một người khác. Bởi chi phí
sửa phòng tắm của ông ta đắt gấp đôi so với mức giá đáng
ra ông ta phải trả, ông ta quyết định sẽ không mua một
chiếc áo len mà ông ta đã muốn mua. “Lao động” không hề
được tăng lên, bởi tăng một ngày công không thực sự cần
thiết cho người thợ lát gạch nghĩa là giảm một ngày công của
người thợ đan áo hoặc dệt len. Bản thân người đi thuê lao
động sẽ trở nên nghèo hơn. Thay vì sửa được nhà tắm và
mua được áo len, giờ đây, ông ta chỉ sửa được nhà tắm mà
không có áo len. Nếu chúng ta xem chiếc áo len này là một
phần của tổng sản phẩm quốc gia, quốc gia đã mất đi một
chiếc áo len. Đây chính là kết quả cuối cùng của những cố
gắng tạo ra việc làm thông qua sự phân công lao động tùy
tiện.
Song vẫn có nhiều chương trình hay dự án nhằm chia sẻ
công việc theo kiểu khác. Chúng thường được đề xuất bởi
những người phát ngôn hay làm luật của các công đoàn. Đề
xuất được đưa ra nhiều nhất là về việc rút ngắn tuần lao
động. Trong Điều luật về lương và giờ làm việc của Liên
bang, một trong những lý do chính của việc đưa ra điều
khoản phạt đối với việc làm quá giờ là nhằm “chia sẻ việc
làm” và “tăng lượng việc làm”. Điều khoản trước đây tại các
bang cấm thuê phụ nữ hay trẻ vị thành niên làm việc hơn 48
giờ một tuần được đưa ra dựa trên lý do rằng thời gian làm
việc dài hơn sẽ có hại cho thể chất và tinh thần của họ. Một
lý do nữa cho rằng làm việc dài hơn sẽ giảm hiệu năng của
lao động. Song điều luật trong luật liên bang, rằng người
thuê lao động phải trả cho người lao động 150% mức lương
bình thường cho tất cả những giờ làm việc vượt quá con số
40 trong một tuần, không thực sự vì lý do sức khỏe hay hiệu
suất lao động mà đơn giản là nhằm tăng thu nhập hàng tuần
cho người lao động và khiến người thuê lao động phải tuyển
thêm nhân công thay vì bắt những lao động hiện có làm việc
hơn 40 giờ một tuần. Tại thời điểm cuốn sách này được viết,
có rất nhiều dự án đề đạt việc “giảm thất nghiệp” bằng tuần
làm việc 30 giờ hoặc bốn ngày.
Tác động thực sự của những kế hoạch này, cho dù được
thực hiện bởi các công đoàn riêng lẻ hay được quy định bởi
các nhà làm luật, là gì? Để hiểu rõ vấn đề, chúng ta cần xem
xét hai trường hợp. Trường hợp đầu tiên là khi tuần làm việc
40 giờ giảm xuống 30 giờ và lương tính theo giờ không thay
đổi. Trường hợp thứ hai là khi tuần làm việc 40 giờ giảm
xuống 30 giờ, nhưng lương theo giờ được tăng lên đủ để
không ảnh hưởng tới mức lương theo tuần của những lao
động đang có việc làm.
Chúng ta hãy cũng xem xét trường hợp đầu tiên. Hãy giả
sử rằng tuần làm việc 40 giờ giảm xuống 30 giờ và mức
lương tính theo giờ không thay đổi. Nếu nhiều người đang
thất nghiệp khi kế hoạch này được áp dụng, chắc chắn kế
hoạch sẽ cung cấp thêm việc làm. Tất nhiên, chúng ta không
thể đảm bảo rằng nó sẽ cung cấp đủ việc làm để duy trì được
cùng một tổng lương và tổng giờ làm việc như trước, trừ phi
ta đưa ra giả định khó có thể xảy ra là mọi ngành đều có
cùng một tỷ lệ thất nghiệp, và những lao động mới được
thuê làm việc cũng có một năng suất như những lao động
được thuê từ trước. Nhưng ngay cả khi chúng ta chấp nhận
những giả định này, rằng có đủ số lao động với tay nghề phù
hợp để thuê trong mỗi ngành và những lao động mới này
không làm tăng chi phí sản xuất, kết quả của việc giảm tuần
làm việc từ 40 giờ xuống 30 giờ và giữ nguyên mức lương
theo giờ sẽ là gì?

Mặc dù nhiều lao động hơn được thuê, mỗi lao động sẽ
làm việc ít giờ hơn, và vì thế không có sự gia tăng trong tổng
số giờ làm việc và chắc sẽ không có một sự tăng đáng kể
nào trong sản xuất. Tổng lương và “sức mua” sẽ không lớn
hơn. Tất cả những gì sẽ xảy ra, dưới những giả định thuận lợi
nhất mà hiếm khi xảy ra trong thực tế, là những lao động
được thuê từ trước sẽ bao cấp cho những lao động mới được
thuê, bởi để cho những lao động mới được nhận 3/4 mức
lương mà những lao động cũ được nhận trước đây, những lao
động cũ giờ sẽ chỉ được nhận 3/4 mức lương cũ của họ. Đúng
là những lao động cũ giờ đây phải làm việc ít giờ hơn, song
những thời giờ rảnh rỗi này được trả bằng một cái giá cao
mà thường không phải điều những lao động cũ muốn; đó là
một sự hy sinh nhằm cung cấp việc làm cho những người
khác.
Những người lãnh đạo công đoàn yêu cầu tuần làm việc
ngắn hơn để “chia sẻ việc làm” thường nhận ra điều này, và
chính vì thế, họ thường đưa ra đề xuất dưới một dạng khác
nhằm giúp những người lao động được lợi cả đôi đường. Họ
sẽ yêu cầu giảm tuần làm việc từ 40 xuống 30 giờ để cung
cấp thêm việc làm và bù đắp lại cho tuần làm việc ngắn hơn
bằng cách tăng mức lương tính theo giờ lên 33.33%. Những
lao động trước đây được nhận $226 một tuần để làm việc 40
giờ; để lương tính theo tuần của họ không thay đổi khi làm
việc 30 giờ một tuần, mức lương tính theo giờ của họ phải
được tăng lên khoảng hơn $7,53.
Hậu quả của việc này là gì? Điều đầu tiên và hiển nhiên
nhất là tăng chi phí sản xuất. Nếu trước đây những người lao
động, khi làm việc 40 giờ một tuần, được trả mức lương thấp
hơn mức lương mà họ có thể được trả khi xét đến chi phí sản
xuất, giá sản phẩm và lợi nhuận của chủ doanh nghiệp, họ
có thể được tăng mức lương tính theo giờ và không phải
giảm số giờ làm việc trong tuần. Nói cách khác, họ có thể
làm việc cùng số giờ một tuần và được tăng lương tính theo
tuần lên một phần ba, thay vì vẫn nhận lương như cũ khi làm
việc theo chế độ tuần 30 giờ. Nhưng nếu dưới chế độ 40 giờ
một tuần, các lao động đã được trả mức lương cao nhất có
thể khi xét đến chi phí sản xuất và giá sản phẩm (và hiện
tượng thất nghiệp mà mọi người đang cố gắng xử lý có thể là
một dấu hiệu cho thấy rằng người lao động đang được nhận
lương cao hơn mức này), thì mức tăng lương thêm 33,33%
sẽ khiến cho chí phí sản xuất tăng vượt quá mức chịu đựng.
Vì vậy, việc tăng lương này sẽ khiến tỷ lệ thất nghiệp
tăng cao hơn trước. Các doanh nghiệp kém hiệu quả sẽ phải
đóng cửa và những người lao động năng suất thấp sẽ mất
việc làm. Sản xuất sẽ bị giảm trong mọi ngành nghề. Chi phí
sản xuất cao hơn và các nguồn cung bị thu hẹp thường làm
tăng giá cả, khiến cho người lao động mua được ít hàng hóa
hơn với cùng một lượng tiền. Mặt khác, tỷ lệ thất nghiệp
tăng sẽ làm giảm cầu trên thị trường và điều này sẽ làm
giảm giá. Điều gì sẽ thực sự xảy ra với giá hàng hóa sẽ phụ
thuộc vào chính sách tiền tệ được áp dụng. Song nếu chính
sách đánh tụt giá trị của tiền tệ được áp dụng nhằm nâng
cao mức giá để có thể trả được mức lương mới đã được tăng,
điều này sẽ là một cách trá hình nhằm giảm mức lương thật
để nó sẽ quay trở lại với đúng mức trước đây nếu tính theo
lượng hàng hóa có thể mua. Do đó, kết quả trên thực tế sẽ
giống như trường hợp khi tuần làm việc được rút ngắn hơn
và không có sự tăng lương tính theo giờ, như những gì chúng
ta đã thảo luận ở phần trên.
Nói tóm lại, các kế hoạch nhằm chia sẻ việc làm đều dựa
trên cùng một loại ảo tưởng mà chúng ta đã xem xét ở trên.
Những người ủng hộ chúng thường chỉ nghĩ đến những việc
làm họ có thể cung cấp cho những cá thể hay nhóm cá thể
nhất định mà không xem xét tác động của việc họ làm trên
tất cả mọi người và toàn bộ nền kinh tế.
Các kế hoạch này cũng dựa trên suy nghĩ sai lầm rằng
lượng công việc trên thế giới là cố định. Không có luận điểm
nào sai lầm hơn điều này. Chừng nào vẫn có những nhu cầu
hay mong muốn chưa được thỏa mãn mà có thể được thỏa
mãn bởi công việc, lượng công việc trên thế giới này sẽ
không có giới hạn. Trong nền kinh tế trao đổi hiện đại, lượng
công việc trên thế giới sẽ nhiều nhất khi tương quan giữa các
mức giá, các mức lương và các mức chi phí sản xuất ở trong
tình trạng tối ưu. Song các mối tương quan này là gì? Đây là
điều chúng ta sẽ xem xét trong các chương sau.

Chương IX: Giải trừ quân đội và đội ngũ công chức
nhà nước
Sau mỗi cuộc chiến lớn, khi có đề xuất phải giải trừ quân
đội, nhiều người luôn sợ rằng sẽ không có đủ việc làm cho
những người này và kết cục là quân nhân sẽ bị thất nghiệp.
Đúng là khi bất thình lình hàng triệu người được giải ngũ, các
ngành sản xuất trong khu vực tư nhân sẽ phải mất một thời
gian mới nhận hết họ vào làm việc – dù là trong quá khứ,
điều này thường diễn ra nhanh hơn mức chúng ta hình dung.
Nỗi lo sợ thất nghiệp xuất hiện bởi nguời ta chỉ nhìn vào một
phía của vấn đề.
Họ nhìn thấy những người lính bị dư thừa trên thị trường
lao động. Ta sẽ lấy đâu ra lượng “sức mua” cần thiết để có
thể tạo việc làm cho hết những người này? Trong trường hợp
công quỹ của nhà nước đang ở tình trạng cân bằng, câu trả
lời rất đơn giản. Chính phủ sẽ ngừng trả lương cho quân đội.
Những người nộp thuế sẽ được giữ lại khoản tiền mà trước
đây bị thu để trả lương cho quân đội trong thời chiến. Khi đó,
họ sẽ có thêm tiền để mua hàng hóa. Nhu cầu dân sự sẽ
tăng và tạo ra việc làm cho những người lính đã giải ngũ.
Trường hợp này sẽ khác đi nếu những người lính trước
đây được trả lương bằng một công quỹ không cân bằng,
nghĩa là thông qua những khoản nợ của chính phủ và các
hình thức vay bù chi khác của các cơ quan chính phủ. Nhưng
điều này sẽ dẫn đến một câu hỏi khác; chúng ta sẽ xem xét
các tác động của các khoản vay bù chi của chính phủ trong
một chương sau. Tại đây, chúng ta chỉ cần khẳng định một
điều: các khoản vay bù chi của chính phủ không liên quan gì
đến kết luận chúng ta vừa đưa ra, vì nếu cho rằng sự thiếu
hụt ngân sách có đem lại ích lợi gì đó, chúng ta có thể duy trì
sự thiếu hụt ngân sách trong thời bình đơn giản bằng cách
giảm thuế tương đương với lượng tiền được dùng để chi trả
cho quân đội trong thời chiến.
Nhưng việc giải trừ quân đội sẽ thay đổi tình hình kinh tế
của chúng ta. Những người lính trước đây được trả lương bởi
những khoản đóng góp của người dân sẽ còn là những người
tiếp tục được nhận lương từ những người dân thường khác.
Họ sẽ phải tự kiếm sống để nuôi bản thân mình. Nếu chúng
ta giả định rằng những người đáng lẽ đã được giữ lại trong
quân ngũ giờ không còn cần thiết đối với công tác quốc
phòng nữa, thì việc giữ họ lại sẽ không có lợi ích gì. Những
người đóng thuế sẽ không nhận được gì nếu tiếp tục trả
lương cho họ. Nhưng hiện giờ, những người đóng thuế dành
phần tiền này của họ để trao cho những người dân thường
khác nhằm đổi lấy những hàng hóa và dịch vụ có giá trị
tương đương. Tổng sản phẩm quốc dân, hay mức tài sản của
mọi người, vì vậy sẽ cao hơn.
* *
*
Điều này cũng đúng đối với những viên chức của nhà
nước khi đội ngũ của họ quá đông đảo và họ không thực hiện
các chức năng có giá trị tương đương với lượng tiền họ được
trả. Thế nhưng bất kỳ khi nào có người cố gắng giảm bớt
những vị trí dư thừa này, sẽ có rất nhiều ý kiến phản đối cho
rằng hành động đó sẽ dẫn đến “giảm phát”: Bạn muốn lấy đi
“sức mua” của những viên chức này à? Bạn muốn gây tổn
hại cho những doanh nghiệp và người cho thuê nhà đang
kinh doanh dựa trên lượng sức mua đó ư? Bạn đang làm
giảm thu nhập quốc dân và gây ra, hoặc làm trầm trọng hơn,
khủng hoảng kinh tế.
Một lần nữa, một nguỵ biện lại xuất hiện do việc chỉ xem
xét tác động của hành động đối với những viên chức nhà
nước bị cho nghỉ việc và những doanh nghiệp phụ thuộc vào
họ. Một lần nữa, lập luận này lại quên mất rằng nếu những
viên chức đó ngừng làm việc, những người nộp thuế sẽ được
giữ lại khoản tiền mà trước đây bị thu để trả lương cho viên
chức. Một lần nữa, người ta lại quên mất rằng thu nhập và
sức mua của những người nộp thuế sẽ tăng ít nhất bằng
lượng giảm trong thu nhập và sức mua của những công chức
bị nghỉ việc. Những doanh nghiệp khác sẽ được tăng thêm ít
nhất một lượng hoạt động kinh doanh tương đương với
những gì những doanh nghiệp phụ thuộc vào các công chức
bị mất đi. Washington sẽ bớt giàu có hơn và sẽ có ít cửa
hàng hơn, song những thành phố khác sẽ có nhiều hơn.
Một lần nữa, vấn đề không dừng ở đây. Khi những viên
chức dư thừa được cho nghỉ việc, quốc gia không chỉ không
nghèo đi mà còn trở nên giàu có hơn, bởi những viên chức đó
giờ đây sẽ phải kiếm các công việc tư nhân hoặc bắt đầu
công việc kinh doanh riêng của mình. Sức mua được tăng
thêm của những người nộp thuế, giống như trường hợp
những nguời lính giải ngũ, sẽ thúc đẩy điều này. Những viên
chức nhà nước chỉ có thể làm các công việc tư nhân khi họ có
thể cung cấp những dịch vụ tương xứng với những gì họ
được nhận từ người thuê họ, hoặc chính xác hơn là từ khách
hàng của những người thuê họ. Họ không còn là một lực
lượng ăn bám như trước đây nữa; họ trở thành những người
đóng góp cho xã hội.
Tôi phải nhắc lại rằng trong phần này, tôi hoàn toàn
không nói đến những viên chức nhà nước cung cấp những
dịch vụ thực sự cần thiết. Những viên chức như công an, lính
cứu hỏa, nhân viên môi trường đô thị, nhân viên y tế, thẩm
phán, những người làm luật, những người thực thi công vụ,
v.v… cung cấp những dịch vụ cũng quan trọng đối với xã hội
như bất kỳ một doanh nghiệp tư nhân nào khác. Họ giúp cho
khu vực kinh tế tư nhân có thể hoạt động trong một môi
trường có luật pháp, trật tự, tự do và ổn định. Nhưng điều
khiến sự tồn tại của họ trở nên cần thiết là tính ích lợi của
các dịch vụ mà họ cung cấp, chứ không phải do “sức mua”
mà họ có được thông qua khoản lương được nhận từ công
quỹ.
Nếu xem xét kỹ, ta sẽ thấy lý lẽ về “sức mua” này thật
vui tai. Nó có thể được áp dụng thậm chí đối với cả một kẻ
trộm hay một tên ma cô cướp tiền của bạn. Sau khi cướp
được tiền, hắn sẽ có thêm “sức mua” mà hắn sẽ dùng để hỗ
trợ hoạt động kinh doanh của các quán bar, các nhà hàng,
các hộp đêm, thợ may quần áo, và có thể cả người sản xuất
xe hơi nữa. Thế nhưng, mỗi việc làm được tạo ra thông qua
những khoản chi của hắn cũng là một việc làm bị mất đi
thông qua khoản chi bị giảm của bạn. Cũng tương tự như
vậy, với mỗi việc làm được tạo ra bởi tiền của các viên chức
nhà nước, một việc làm sẽ bị mất đi thông qua khoản chi bị
giảm của những người nộp thuế. Khi tiền của bạn bị một tên
trộm lấy mất, bạn chẳng nhận lại được gì. Khi tiền của bạn bị
thu thông qua thuế để trả lương cho những viên chức vô
dụng, bạn cũng sẽ chẳng nhận lại được gì. Thực ra, chúng ta
vẫn còn may nếu những viên chức ấy chỉ là những kẻ ăn
bám lười biếng, bởi ngày nay, nhiều người trong số họ lại là
những nhà cải tổ đầy nhiệt huyết luôn bận rộn với việc gây
cản trở và tạo khó khăn cho các hoạt động kinh tế.
Nếu lý do duy nhất để giữ một nhóm cán bộ nhà nước
trong vị trí của họ là để không mất đi sức mua của họ, đó là
dấu hiệu cho thấy đã đến lúc chúng ta phải cho họ nghỉ việc.
Chương X: “Mọi người đều phải có việc làm”
Mục tiêu kinh tế của bất kỳ một quốc gia hay cá nhân
nào đều là nhằm đạt được những kết quả lớn nhất với một
nỗ lực nhỏ nhất. Tiến bộ về kinh tế của nhân loại chính là sự
tăng sản lượng với cùng một lượng lao động. Chính vì lý do
này, con người bắt đầu dùng lừa thay vì đôi vai của chính
mình để gánh đồ và tiến đến việc chế tạo ra bánh xe và xe
kéo, đường sắt và xe tải. Chính vì lý do này, con người đã
dùng sự khôn ngoan của mình để tạo ra hàng trăm ngàn
sáng chế nhằm tiết kiệm sức lao động.
Tất cả những điều này đều hết sức sơ đẳng đến mức
chắc ta phải đỏ mặt vì xấu hổ khi phải nhắc lại chúng, nếu
như chúng không thường xuyên bị lãng quên bởi những
người chuyên tạo ra và phổ biến các khẩu hiệu kinh tế cho
xã hội. Khi nhìn từ phương diện quốc gia, nguyên tắc đầu
tiên này có nghĩa là mục tiêu thực sự của chúng ta là tối đa
hóa sản xuất. Khi ta nhằm vào điều đó, việc tuyển dụng toàn
bộ lực lượng lao động – nghĩa là không có người thất nghiệp
không tự nguyện - sẽ trở thành một hệ quả tất yếu. Nhưng
sản xuất mới là mục đích; sự tuyển dụng chỉ là phương tiện.
Chúng ta không thể duy trì sản xuất ở tình trạng tối ưu nếu
không tuyển dụng được toàn bộ lực lượng lao động. Điều
ngược lại không đúng: chúng ta có thể dễ dàng đạt được việc
tuyển dụng toàn bộ lực lượng lao động mà không đạt được
sản xuất tối ưu.
Những bộ lạc nguyên thủy không có quần áo và luôn
thiếu thốn đồ ăn và chỗ ẩn náu, song họ không biết đến tình
trạng thất nghiệp. Trung Quốc và Ấn Độ nghèo hơn chúng ta
rất nhiều, song vấn đề chính của họ là các phương pháp sản
xuất cổ xưa và thô sơ (điều này là nguyên nhân và hậu quả
của tình trạng thiếu vốn sản xuất) chứ không phải là nạn
thất nghiệp. Không có gì dễ đạt được hơn là việc tuyển dụng
toàn bộ lực lượng lao động nếu nó được xem xét như một
mục tiêu riêng lẻ chứ không trong mối tổng hòa với mục tiêu
tối ưu hóa sản xuất. Hitler đã tuyển dụng toàn bộ lực lượng
lao động với chương trình sản xuất quân trang khổng lồ của
mình. Thế Chiến II đã tạo ra tình trạng tuyển dụng toàn bộ
lao động trong mọi quốc gia có liên quan. Những người bị
cưỡng bức lao động ở Đức cũng được huy động toàn bộ. Các
nhà tù và băng nhóm được huy động toàn bộ. Sự cưỡng bức
luôn có thể khiến mọi lao động được tuyển dụng.
Thế nhưng tại quốc hội, các nhà làm luật của chúng ta
trình ra các điều luật về Tuyển dụng toàn bộ chứ không phải
về Sản xuất tối ưu. Ngay cả các ủy ban của các doanh nhân
cũng đề nghị thành lập “một ban đặc nhiệm của Tổng thống
về Tuyển dụng toàn bộ” chứ không phải về Sản xuất tối ưu
hay về Tuyển dụng toàn bộ và Sản xuất tối ưu. Ở đâu ta
cũng thấy cái thực sự là phương tiện bị biến thành mục tiêu,
trong khi cái đích thực là mục tiêu lại bị bỏ quên.
Nhiều người thảo luận về lương và sự tuyển dụng như
thể chúng không có liên quan gì đến năng suất và sản lượng.
Với quan điểm cho rằng lượng công việc cần được làm là cố
định, họ kết luận rằng tuần làm việc 30 giờ sẽ tạo ra nhiều
việc làm hơn và vì thế tốt hơn so với tuần làm việc 40 giờ.
Hàng trăm biện pháp của các công đoàn nhằm tạo việc làm
một cách không hợp lý vẫn được mọi người chấp nhận. Khi
Petrillo đe dọa sẽ đóng cửa một đài phát thanh trừ phi đài
phát thánh đó chịu tuyển gấp đôi số nhạc sĩ cần thiết, ông ta
được nhiều người trong công chúng ủng hộ bởi họ cho rằng
ông ta cũng chỉ đang nhằm mục đích tạo thêm việc làm. Khi
chúng ta tạo ra chương trình WPA [Work Projects
Administration: Chương trình nhằm tạo việc làm cho những
người có kỹ năng chuyên môn song bị thất nghiệp trong thời
kỳ Đại khủng hoảng, được đưa ra vào năm 1935 – ND],
trong đó các nhà quản lý tạo ra các dự án tuyển dụng lượng
lao động nhiều nhất có thể cho một công việc nhất định (có
nghĩa là giảm tối đa tính năng suất của mỗi lao động), nhiều
người đã cho rằng đây là một sáng kiến tuyệt vời.
Nếu ta được chọn - điều không xảy ra trong thực tế - thì
việc đạt được sản xuất tối ưu với một phần dân cư không có
việc làm và được hưởng trợ cấp xã hội sẽ tốt hơn nhiều so
với việc cố gắng tuyển dụng toàn bộ lực lượng lao động
thông qua những chương trình tạo việc làm được trá hình,
khiến cho sản xuất bị rối loạn bởi các chương trình này. Sự
tiến bộ của văn minh nhân loại luôn đồng nghĩa với việc giảm
bớt chứ không phải tăng thêm lao động. Chính vì chúng ta
đã trở nên một quốc gia ngày càng giàu có mà chúng ta đã
có thể xóa bỏ lao động trẻ em, giúp người già cũng như hàng
triệu phụ nữ không cần phải làm việc để kiếm sống. Chỉ một
bộ phận nhỏ trong dân số Mỹ, nhỏ hơn nhiều so với tại Trung
Quốc và Nga, cần phải lao động. Câu hỏi quan trọng là trong
vòng 10 năm tới, chúng ta sẽ sản xuất được bao nhiêu và
kết quả là mức sống của chúng ta sẽ như thế nào, chứ không
phải là chúng ta sẽ tạo ra được bao nhiêu triệu việc làm ở
Mỹ. Vấn đề phân phối, điều đang được nhiều người quan tâm
ngày nay, rốt cuộc sẽ được giải quyết dễ dàng hơn khi ta có
nhiều thứ hơn để phân phối.
Chúng ta có thể tư duy một cách rõ ràng hơn nếu chúng
ta biết tập trung vào điều quan trọng: những chính sách sẽ
giúp tối ưu hóa nền sản xuất.
Chương XI: Ai được thuế quan “bảo hộ”?
Chỉ việc nêu ra các chính sách kinh tế của các chính phủ
trên thế giới cũng đủ làm bất kỳ một sinh viên nghiêm túc
nào trong ngành kinh tế học phải giơ tay đầu hàng vì chán
nản, và hỏi rằng liệu có ích gì khi thảo luận về những cải
cách và tiến bộ trong lý thuyết về kinh tế học trong khi suy
nghĩ của công chúng và chính sách của các chính phủ, đặc
biệt trong khía cạnh liên quan đến quan hệ kinh tế quốc tế,
đều thậm chí chưa theo được tư duy của Adam Smith. Ngày
nay, thuế quan và các chính sách thương mại không chỉ tồi
tệ như thế kỷ 17 - 18, mà còn tồi hơn rất nhiều lần. Những
lý do thực sự dẫn đến hàng rào thuế quan và thương mại
ngày nay vẫn như vậy, và những lý do được đưa ra để biện
minh cho chúng cũng không có gì thay đổi.
Từ khi tác phẩm The Wealth of Nations ra đời hơn hai thế
kỷ trước đây, đã có hàng ngàn quan điểm ủng hộ tự do
thương mại, song có lẽ không luận điểm nào lại có có được
sự đơn giản và sức mạnh như quan điểm của Adam Smith
trong cuốn sách này. Một cách tổng quan, Smith đưa ra quan
điểm của mình dựa trên một định đề mang tính nền tảng:
“Trong mọi quốc gia, việc được mua bất kỳ thứ gì người ta
muốn từ bất kỳ ai bán những thứ đó rẻ nhất luôn đem lại lợi
ích lớn nhất cho đại bộ phận dân chúng”. Theo Smith, “định
đề này rõ ràng đến mức sẽ thật nực cười nếu phải cố gắng
chứng minh nó. Không ai nghĩ đến chuyện chất vấn tính
đúng đắn của nó, trừ phi những nguỵ biện phục vụ cho lợi
ích cá nhân của thương nhân hay nhà sản xuất làm lung lạc
đi lẽ thật hiển nhiên này của nhân loại.”
Nhìn theo một cách khác, tự do thương mại đã được xem
như một khía cạnh của việc chuyên môn hóa lao động:
Châm ngôn nằm lòng của mọi người chủ gia đình
khôn ngoan là không bao giờ cố gắng tự sản xuất tại nhà
mình những gì mà tự sản xuất sẽ tốn kém hơn đi mua.
Người thợ may không tự đóng giày mà mua giày từ người
thợ đóng giày. Người thợ đóng giày không tự mình may
quần áo mà thuê người thợ may để may quần áo cho
mình. Người nông dân không cố gắng tự may quần áo
hay đóng giày mà mua những gì cần dùng từ hai người
thợ trên. Tất cả mọi người trong số họ đều thấy rằng
mình sẽ có lợi khi sử dụng tay nghề của mình theo cách
khiến mình có lợi thế hơn so với những người khác, và sử
dụng một phần thu nhập từ ngành nghề của mình để
mua bất kỳ thứ gì họ cần từ người khác với giá chỉ bằng
một phần phí tổn họ sẽ phải bỏ ra nếu tự sản xuất cùng
thứ đó. Điều được coi là khôn ngoan cho mỗi gia đình
không thể trở thành điều ngớ ngẩn cho một quốc gia to
lớn.
Nhưng điều gì đã khiến nhiều người cho rằng điều được
coi là khôn ngoan cho mỗi gia đình có thể trở thành ngớ
ngẩn khi áp dụng cho một quốc gia to lớn? Nó là cả một hệ
thống những nguỵ biện mà loài người vẫn chưa thoát ra
được. Trong đó, nguỵ biện chủ đạo là thứ lý lẽ mà cuốn sách
này muốn đề cập đến: chỉ xem xét những tác động tức thời
của thuế quan lên những nhóm cá thể nhất định mà bỏ qua
tác động lâu dài của nó trên toàn bộ xã hội.
* *
*
Một nhà sản xuất áo len Mỹ đến quốc hội hoặc Bộ Ngoại
giao và trình bày với ủy ban hoặc các đại biểu ở đó rằng việc
họ giảm hay miễn thuế đối với mặt hàng áo len của Anh sẽ là
một thảm họa quốc gia. Hiện giờ ông ta đang bán áo len với
giá $30 một chiếc, nhưng các nhà sản xuất người Anh có thể
bán những sản phẩm có cùng chất lượng với giá $25. Vì vậy,
cần phải có một mức thuế suất $5 để ông ta có thể tiếp tục
công việc kinh doanh. Ông ta không chỉ nghĩ về bản thân
mình, mà còn là về hàng ngàn lao động mà ông ta đang thuê
và những người khác đang có được việc làm nhờ các khoản
chi tiêu từ thu nhập của những lao động này. Nếu khiến họ
mất việc, ta sẽ tạo ra nạn thất nghiệp và làm giảm sức mua,
và những điều này sẽ lan đến những ngành khác trong nền
kinh tế. Nếu ông ta có thể thực sự chứng tỏ rằng ông ta sẽ
buộc phải ngừng kinh doanh nếu thuế quan bị bãi bỏ hoặc
giảm, quốc hội sẽ chấp nhận lý lẽ của ông ta.
Sai lầm ở đây được thể hiện ở chỗ quốc hội chỉ quan tâm
đến nhà sản xuất áo len và các lao động của ông ta và chỉ
quan tâm đến ngành sản xuất áo len của Mỹ. Nó được thể
hiện ở chỗ họ chỉ quan tâm đến những tác động tức thời và
bỏ qua những tác động không hiện diện vì chúng đã bị ngăn
cản, không cho hình thành.
Những người ủng hộ việc bảo hộ thông qua thuế quan
luôn đưa ra những lý lẽ không chính xác. Nhưng chúng ta
hãy cứ giả định rằng trong trường hợp này, nhà sản xuất áo
len đã trình bày các dữ kiện một cách chính xác. Hãy cùng
cho rằng mức thuế quan $5 trên mỗi chiếc áo len là cần thiết
để nhà sản xuất này có thể tiếp tục kinh doanh và cung cấp
việc làm cho các lao động của mình.
Chúng ta đã cố tình chọn một trường hợp khó nhất để
ủng hộ việc bãi bỏ thuế quan. Chúng ta đã không chọn
trường hợp áp dụng một loại thuế mới để tạo ra một ngành
nghề mới; chúng ta đang nói về trường hợp giữ một loại thuế
đã giúp cho một ngành sản xuất được
duy trì và vì thế không thể bị bãi bỏ do sẽ làm tổn hại
đến lợi ích của một số người nhất định.
Thuế quan đó bị bãi bỏ. Nhà sản xuất án len phải ngừng
kinh doanh. 1.000 lao động bị mất việc làm. Những doanh
nghiệp cung cấp dịch vụ và hàng hóa cho họ bị mất một
phần doanh thu. Đây là tác động tức thời của việc bãi bỏ loại
thuế quan này. Nhưng có những tác động khác cũng mang
tính tức thời xảy ra trong thực tế, mặc dù chúng khó nhận ra
hơn. Bây giờ, những chiếc áo len trước đây giá $30 có thể
được mua với giá $25. Người tiêu dùng có thể mua những
chiếc áo len cùng chất lượng với giá rẻ hơn, hoặc chất lượng
cao hơn với cùng một mức giá. Nếu họ mua những chiếc áo
cùng chất lượng, họ không chỉ có được chiếc áo mà cũng có
dư thêm $5 nữa để mua một thứ khác, khoản tiền mà trước
đây khi mua áo len họ không có được. Với $25 mà họ trả để
mua chiếc áo len nhập, họ tạo ra việc làm cho ngành sản
xuất áo len của Anh – đúng như điều nhà sản xuất áo len
người Mỹ chỉ ra. Với khoản $5 còn lại, họ sẽ tạo ra việc làm
trong nhiều ngành nghề khác nhau tại Mỹ.
Nhưng các tác động chưa dừng lại ở đây. Bằng việc mua
áo len của Anh, họ cung cấp cho người Anh lượng đôla mà
sau đó người Anh có thể dùng để mua hàng hóa Mỹ. Nếu tôi
có thể tạm thời bỏ qua những yếu tố khác như tỷ giá hối đoái
thay đổi, các khoản vay nợ, tín dụng, v.v…, thì đây là cách
duy nhất người Anh có thể sử dụng lượng đôla họ thu được.
Bởi chúng ta đã khiến họ bán nhiều hơn cho chúng ta, giờ
đây họ có thể mua nhiều hơn từ chúng ta. Trên thực tế, họ
sẽ buộc phải mua hàng hóa từ chúng ta nếu họ không muốn
bỏ phí lượng đôla đó. Kết quả của việc tăng nhập khẩu từ
Anh, vì vậy, sẽ là việc tăng xuất khẩu sang Anh. Dù số lao
động được tuyển trong ngành sản xuất áo len tại Mỹ có giảm
đi, số người được huy động để làm những công việc có hiệu
suất cao hơn trong những ngành khác, ví dụ như ngành sản
xuất máy bay hay máy giặt, sẽ tăng lên. Xét trên tổng quan,
lượng việc làm trên thị trường Mỹ không bị giảm đi, đồng
thời sản xuất của Mỹ và Anh đều tăng lên. Lao động tại cả
hai thị trường sẽ được tuyển dụng nhiều hơn vào trong các
ngành sản xuất là thế mạnh của mình thay vì những ngành
kém năng suất và kém hiệu quả hơn so với các nước khác.
Người tiêu dùng ở cả hai nước sẽ giàu có hơn. Họ có thể mua
được những gì họ muốn từ nơi cung cấp mặt hàng đó rẻ
nhất. Người tiêu dùng ở Mỹ được lợi hơn khi mua áo len, và
người tiêu dùng ở Anh được lợi hơn khi mua những sản phẩm
của Mỹ như máy giặt hay máy bay.
* *
*
Chúng ta hãy cùng xem xét vấn đề theo cách ngược lại
và tìm hiểu tác động của việc áp dụng thuế quan. Giả sử
rằng trước đây hàng dệt may từ nước ngoài không phải chịu
thuế, và người dân Mỹ có thể mua áo len của nước ngoài mà
không phải đóng thuế. Trong tình huống này, có ý kiến cho
rằng chúng ta có thể tạo nên ngành sản xuất áo len tại Mỹ
nếu áp dụng mức thuế quan $5 trên mỗi chiếc áo.
Lý luận này đến thời điểm này chưa có gì bất hợp lý. Giá
của chiếc áo len Anh đối với người tiêu dùng Mỹ sẽ bị đẩy
cao lên đến mức các nhà sản xuất Mỹ có thể thu được lợi
nhuận khi sản xuất và tiêu thụ áo len tại Mỹ. Nhưng người
tiêu dùng Mỹ sẽ buộc phải trợ giá cho những chiếc áo len
này. Với mỗi chiếc áo len họ mua, họ sẽ phải trả một khoản
thuế $5 nằm trong mức giá cao hơn mà họ phải trả để mua
những chiếc áo len sản xuất tại Mỹ.
Nhiều nhân công trên thị trường lao động Mỹ trước đây
không sản xuất áo len giờ sẽ được tuyển dụng để làm việc
trong ngành sản xuất áo len. Điều này hoàn toàn đúng, song
xét trên tổng quan, ta sẽ không có sự gia tăng trong hoạt
động sản xuất hay lượng việc làm. Bởi người tiêu dùng Mỹ
giờ phải trả thêm $5 để mua một chiếc áo len cùng chất
lượng, họ sẽ bị mất đi $5 để chi tiêu cho những việc khác. Họ
sẽ phải giảm $5 trong những chi tiêu khác của mình. Để giúp
một ngành sản xuất có thể hình thành hay phát triển, hàng
trăm ngành khác sẽ bị thu nhỏ lại. Để 50.000 lao động được
tuyển dụng trong ngành sản xuất áo len, 50.000 việc làm sẽ
bị mất đi trong những ngành sản xuất khác.
Nhưng ngành sản xuất áo len mới là điều mọi người sẽ
nhìn thấy. Số lao động được tuyển mộ, số vốn sản xuất được
đầu tư vào đó, giá trị thị trường tính theo đôla của các sản
phẩm, v.v… có thể dễ dàng được tính toán. Những người
hàng xóm có thể nhìn thấy người lao động trong ngành sản
xuất áo len đi làm và về nhà hàng ngày. Tác động của việc
áp thuế và tạo ra ngành sản xuất áo len, vì thế, rất trực tiếp
và rõ ràng. Nhưng sự thu nhỏ lại của hàng trăm ngành sản
xuất khác và sự mất đi của 50.000 việc làm tại các nơi khác
sẽ không dễ nhận ra. Ngay cả nhà thống kê tài giỏi nhất
cũng không thể biết chính xác được bao nhiêu công việc bị
mất đi, bao nhiêu đàn ông và phụ nữ đã bị sa thải trong mỗi
ngành sản xuất khác hay hoạt động kinh doanh của mỗi
ngành này bị giảm đi bao nhiêu khi người tiêu dùng phải trả
thêm tiền để mua áo len. Vì sự tổn thất này lan ra trong rất
nhiều ngành sản xuất khác nhau, tại mỗi ngành cụ thể, nó sẽ
khá nhỏ. Ta cũng không thể biết được đích xác mỗi người
tiêu dùng sẽ chi tiêu khoản $5 như thế nào nếu họ được giữ
nó. Chính vì những lý do này, phần lớn mọi người sẽ nghĩ
rằng ngành sản xuất áo len mới ra đời này không gây ra cho
chúng ta một sự tốn kém hay tổn thất gì.
* *
*
Chúng ta phải lưu ý rằng thuế áp dụng đối với áo len sẽ
không làm tăng lương tại Mỹ. Tất nhiên nó có thể khiến một
số lao động Mỹ làm việc trong ngành sản xuất
áo len có được mức lương trung bình tại Mỹ (cho lao động với
trình độ tay nghề như họ) mà không phải cạnh tranh trong
ngành này tại mức lương của Anh. Thế nhưng loại thuế đó sẽ
không làm tăng tổng lương của Mỹ, bởi vì, như chúng ta đã
thấy, số lượng việc làm, nhu cầu đối với sản phẩm và năng
suất lao động đều không tăng lên. Trên thực tế, năng suất
lao động còn bị giảm bởi ảnh hưởng của thuế.
Và điều này giúp chúng ta hiểu được tác động thật của
hàng rào thuế quan. Không chỉ đơn thuần rằng những ích lợi
hữu hình của thuế bị vô hiệu hóa bởi những thiệt hại gián
tiếp, mà còn là việc nó gây ra những tổn thất thực sư. Trên
thực tế, nếu xét tổng thể, thuế quan sẽ gây thiệt hại thuần
(net loss) cho nền kinh tế. Trái với hàng thế kỷ tuyên truyền
của những người có lợi ích trực tiếp trong việc áp dụng thuế
quan và sự mơ hồ của những người không có liên quan, thuế
quan làm giảm mức lương của Mỹ.
Chúng ta sẽ xem xét kỹ hơn điều này xảy ra như thế
nào. Ta đã nói rằng lượng giá tăng thêm mà người tiêu dùng
phải trả khi mua các mặt hàng được thuế quan bảo trợ sẽ
khiến họ bị mất đi một khoản tương tự để mua các sản phẩm
và dịch vụ khác. Ở đây không có sự gia tăng sản xuất.
Nhưng kết quả của thuế quan đánh lên hàng nhập ngoại là
một phần lao động, vốn và đất đai của Mỹ bị sử dụng để sản
xuất những gì nó sản xuất kém hiệu quả hơn thay vì tập
trung vào những gì nó làm hiệu quả nhất. Chính vì thế, thuế
quan làm giảm năng suất bình quân của lao động và vốn của
Mỹ.
Nếu xem xét từ góc độ của người tiêu dùng, ta sẽ thấy
rằng người tiêu dùng giờ có thể mua được ít hơn với lượng
tiền của mình. Bởi phải trả nhiều tiền hơn để mua áo len và
những sản phẩm được bảo hộ khác, người tiêu dùng sẽ có ít
tiền hơn để mua những thứ khác. Sức mua chung từ thu
nhập của người đó, vì thế, bị giảm xuống. Điều gì sẽ xảy ra
khi áp dụng thuế quan - giảm lượng lương hay tăng mức giá
quy ra tiền - tùy thuộc vào chính sách tiền tệ được áp dụng.
Song điều rõ ràng là thuế quan, dù có thể làm tăng lương
trong các ngành sản xuất
được bảo hộ, sẽ làm giảm lương thật khi xét mọi ngành sản
xuất trong nền kinh tế - “giảm” khi so với mức mà chúng đã
có thể tăng nếu không có thuế quan.
Chỉ những đầu óc bị ảnh hưởng một cách nặng nề qua
nhiều thế hệ bởi những tư tưởng sai lầm mới cho rằng kết
luận chúng ta vừa đưa ra là mâu thuẫn. Chúng ta còn có thể
mong đợi kết quả gì khác từ những chính sách cố tình sử
dụng vốn và nguồn nhân lực của chúng ta một cách kém hữu
hiệu hơn cách chúng ta biết sử dụng chúng? Chúng ta còn có
thể mong đợi kết quả gì khác từ việc cố tình dựng nên nhưng
rào cản thương mại và giao thông?
Việc dựng nên những hàng rào thuế quan cũng có tác
động giống như việc dựng nên những bức tường thật. Chúng
ta cần chú ý đến việc những người ủng hộ việc bảo hộ qua
thuế quan thường xuyên dùng ngôn từ của chiến tranh. Họ
nói đến việc “chống lại sự xâm lược” của các hàng hóa nước
ngoài và sử dụng trong lĩnh vực kinh doanh các phương tiện
tương tự như trên chiến trường. Những rào cản thuế quan
được dựng nên để ngăn cản sự xâm nhập của hàng hoá nước
ngoài, cũng giống như các bẫy tăng, chiến hào và hàng rào
dây thép gai được tạo ra để ngăn cản hoặc làm chậm lại sự
xâm lược của quân địch.
Và cũng giống như việc quân địch bị bắt buộc phải sử
dụng phương tiện tốn kém hơn để vượt qua được những
chướng ngại vật này – xe tăng lớn hơn, máy dò mìn, các kỹ
sư để cắt dây thép gai, vượt suối và xây cầu, v.v…, các
phương tiện giao thông tốn kém và hữu hiệu hơn phải được
đưa ra để vượt qua được hàng rào thuế quan. Một mặt,
chúng ta cố gắng giảm giá cước vận chuyển giữa Anh và Mỹ
hoặc giữa Canada và Mỹ bằng cách chế tạo ra những máy
bay và tàu biển nhanh và có hiệu suất cao hơn, xây dựng
những con đường và cây cầu tốt hơn, những đầu máy xe lửa
và xe tải tốt hơn. Mặt khác, chúng ta vô hiệu hóa những
khoản đầu tư này thông qua việc dựng nên những hàng rào
thuế quan khiến cho việc chuyên chở hàng hóa, về mặt
thương mại, trở nên khó hơn so với bất kỳ thời điểm nào
trong quá khứ. Chúng ta có thể làm cho việc chuyên chở một
chiếc áo len rẻ đi 1 đôla, song lại tăng thuế lên 2 đôla để
ngăn cản việc chuyên chở chiếc áo len đó. Bằng việc làm
giảm đi lượng hàng hóa có thể được chuyên chở, chúng ta đã
làm tụt giá trị của những khoản đầu tư nhằm nâng cao hiệu
suất của ngành vận tải.
* *
*
Thuế quan đã được miêu tả như một công cụ đem lại lợi
ích cho nhà sản xuất bằng cách lấy đi từ người tiêu dùng.
Điều này cũng đúng một phần. Những người ủng hộ thuế
quan chỉ nghĩ đến lợi ích của nhà sản xuất được hưởng lợi
trực tiếp và tức thời từ một loại thuế quan nào đó mà quên đi
lợi ích của người tiêu dùng, những người bị thiệt hại bởi phải
gánh chịu khoản thuế này trong chi tiêu của mình. Thế
nhưng sẽ là sai nếu ta cho rằng vấn đề thuế là một sự xung
đột về quyền lợi giữa một bên là các nhà sản xuất và một
bên là người tiêu dùng. Mặc dù đúng là tất cả mọi người tiêu
dùng đều bị chịu thiệt vì thuế, nhưng không phải tất cả các
nhà sản xuất đều được hưởng lợi từ thuế. Ngược lại, như
chúng ta đã thảo luận, nó chỉ giúp một số nhà sản xuất nhất
định, những người được bảo hộ, và làm tổn hại nhiều nhà
sản xuất khác ở Mỹ, đặc biệt là những người có một thị
trường xuất khẩu tiềm năng lớn hơn so với những nhà sản
xuất khác.
Chúng ta có thể làm rõ hơn điểm này bằng một ví dụ
mang tính phóng đại. Giả sử chúng ta tăng thuế lên cao đến
mức không có một sản phẩm nào được nhập khẩu vào Mỹ.
Giả sử rằng điều này dẫn đến việc tăng giá áo len tại Mỹ
thêm $5 mỗi chiếc. Những người tiêu dùng tại Mỹ, vì phải trả
thêm $5 khi mua một chiếc áo len, sẽ chi ít hơn $5 cho 100
ngành sản xuất khác, nghĩa là ít hơn trung bình 5 cent cho
mỗi ngành sản xuất khác. (Các con số được chọn chỉ nhằm
phục vụ cho ví dụ minh họa này. Trong thực tế, tất nhiên sẽ
không có sự phân bổ đồng đều như vậy. Hơn nữa, bản thân
ngành sản xuất áo len cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi những
ngành sản xuất được bảo hộ khác. Thế nhưng trong ví dụ,
chúng ta sẽ tạm thời không xét đến các yếu tố đó.)
Khi điều này xảy ra, những nhà sản xuất ở các nước khác
sẽ bị mất hoàn toàn thị trường của họ tại Mỹ. Vì vậy, họ sẽ
không có ngoại tệ của Mỹ (USD) và không thể
mua được hàng hóa Mỹ. Chính vì điều này, các ngành sản
xuất của Mỹ sẽ bị thiệt hại một khoản tương đương với lượng
xuất khẩu trước đây của họ. Những người sẽ bị ảnh hưởng
nhiều nhất là nhà sản xuất bông thô và các sản phẩm đồng,
các nhà sản xuất máy khâu, máy nông nghiệp, máy chữ,
máy bay chuyên chở, v.v…
Một hàng rào thuế quan cao, ngay cả khi không đến mức
làm ngừng nhập khẩu như trong ví dụ trên, vẫn sẽ gây ra
những tác động tương tự dù ở một mức độ thấp hơn.
Thuế quan, vì vậy, sẽ có tác dụng làm thay đổi cơ cấu
các ngành sản xuất của Mỹ. Nó thay đổi số lượng, chủng loại
và kích cỡ của các ngành sản xuất. Nó mở rộng các ngành
sản xuất kém hiệu năng và thu hẹp các ngành sản xuất có
hiệu năng của chúng ta. Vì vậy, nếu ta nhìn tổng thể, thuế
quan sẽ làm giảm năng suất của nền kinh tế Mỹ và của các
nền kinh tế khác, các thị trường mà ta đã có thể có nhiều
hoạt động trao đổi sản phẩm hơn nếu không có thuế quan.
Mặc dù có rất nhiều ý kiến ủng hộ và phản đối, xét về lâu
dài, thuế quan không có liên quan đến vấn đề tuyển lao
động. (Tuy nhiên, những thay đổi đột ngột của thuế theo
chiều hướng tăng hay giảm có thể nhất thời tạo ra nạn thất
nghiệp bởi chúng dẫn đến những thay đổi trong cơ cấu của
nền kinh tế. Những thay đổi đột ngột này thậm chí còn có
thể dẫn đến tình trạng trì trệ kinh tế.) Tuy nhiên, thuế quan
lại có liên quan chặt chẽ đến các mức lương. Xét về lâu dài,
thuế quan sẽ luôn làm giảm giá trị thật của lương, bởi nó làm
giảm hiệu suất, sản lượng, và tổng lượng của cải.
Tóm lại, mọi nguỵ biện về thuế quan đều xuất phát từ
nguỵ biện chủ chốt mà cuốn sách này muốn đề cập đến. Đó
là kết quả của việc chỉ nhìn vào những tác động tức thời của
một loại thuế quan nhất định đối với một nhóm các nhà sản
xuất nhất định mà quên mất những tác động dài hạn của
thuế quan đối với toàn bộ người tiêu dùng và đối với các nhà
sản xuất khác.
(Có độc giả sẽ hỏi: “Tại sao ta không giải quyết vấn đề
này bằng cách thực hiện bảo hộ thuế quan đối với tất
cả các ngành sản xuất?” Nguỵ biện ở đây là giải pháp này
không thể hỗ trợ đồng đều mọi nhà sản xuất, và không thể
hỗ trợ gì được cho những nhà sản xuất nội địa vốn đang có
lợi thế hay đang bán được nhiều sản phẩm hơn so với những
nhà sản xuất ở nước ngoài; những nhà sản xuất có hiệu suất
cao này chắc chắn sẽ bị thiệt do sự chuyển hướng sức mua
gây ra bởi thuế quan.)
* *
*
Chúng ta cần ghi nhớ thêm một chú ý cuối cùng về chủ
đề này. Đây cũng là chú ý chúng ta đã nói đến khi xem xét
tác động của việc sử dụng máy móc. Chúng ta không nên
phủ định thực tế rằng thuế quan có, hay ít nhất là có thể,
đem lại lợi ích cho một số nhóm lợi ích đặc
biệt. Mặc dù chúng đến từ sự thiệt hại của những người
khác, nhưng những lợi ích này là có thật. Nếu một ngành sản
xuất được bảo hộ thông qua thuế quan trong khi người làm
việc trong ngành đó vẫn được tận hưởng những ích lợi kinh
tế của tự do thương mại trong những ngành sản xuất khác,
thì bản thân ngành sản xuất đó sẽ được hưởng lợi. Nhưng khi
chính phủ mở rộng bảo hộ kinh tế sang các ngành nghề sản
xuất khác, ngay cả những người trong những ngành được
bảo hộ cũng sẽ bắt đầu bị thiệt hại bởi sự bảo hộ ở những
ngành khác, và có thể trở nên nghèo hơn so với trường hợp
không ai được bảo hộ.
Thế nhưng chúng ta không nên phủ định rằng thuế quan
có thể đem lại những lợi ích thực cho một số nhóm lợi ích
nhất định, điều mà những người ủng hộ tự do thương mại
thường làm. Chúng ta không nên giả vờ rằng việc giảm thuế
sẽ đem lại lợi ích cho tất cả mọi người và không gây thiệt hại
cho ai. Đúng là nếu xét trên tổng thể, việc giảm thuế sẽ có
lợi cho toàn bộ nền kinh tế. Song sẽ có những cá thể nhất
định bị thiệt hại từ việc này. Những đối tượng trước đây được
hưởng sự bảo hộ của thuế quan sẽ bị thiệt hại. Trên thực tế,
đây là một trong những lý do vì sao ngay từ đầu chúng ta
không nên tạo ra những lợi ích kinh tế nhờ việc bảo hộ thuế
quan. Song thực tế bắt chúng ta phải nhìn thấy và công
nhận rằng một số nhà sản xuất đã đúng khi họ nói rằng việc
loại bỏ thuế quan trên sản phẩm họ đang sản xuất sẽ khiến
họ bị phá sản và các lao động của họ bị thất nghiệp (ít nhất
là tạm thời). Và nếu những lao động này là những người có
các kỹ năng mang tính chuyên biệt cao, họ có thể sẽ bị thất
nghiệp mãi mãi hoặc ít nhất là cho đến khi họ học được
những kỹ năng mới. Khi xem xét các tác động của thuế quan
cũng như của máy móc, chúng ta phải tìm hiểu tất cả các tác
động chính, ngắn hạn và dài hạn, đối với tất cả mọi đối
tượng trong nền kinh tế.
Trước khi kết thúc chương này, tôi muốn nói thêm rằng
những lý lẽ được đưa ra không nhằm vào tất cả các loại thuế
quan (bao gồm những loại thuế được thu chủ yếu để tạo
nguồn thu nhập quốc dân hay để duy trì những ngành nghề
sản xuất cần thiết cho chiến tranh), và không nhằm chống
lại tất cả các lý lẽ khác ủng hộ thuế quan. Chương sách này
chỉ nhằm phản đối nguỵ biện rằng thuế quan xét trên tổng
quan sẽ “tạo ra việc làm”, “nâng cao mức lương”, và “bảo vệ
mức sống của người dân Mỹ”. Thuế quan không làm được
những điều đó; về lương và mức sống, nó thậm chí còn làm
điều ngược lại. Song trong chương sách này, chúng ta không
xem xét việc áp dụng thuế quan vì các mục đích khác.
Ở đây, chúng ta cũng không cần xem xét tác động của
các chính sách như hạn ngạch nhập khẩu, kiểm soát ngoại
hối, thương mại song phương và các biện pháp khác nhằm
giảm, chuyển hướng hoặc ngăn chặn thương mại quốc tế.
Nói chung, các công cụ này có tác động tương tự như thuế
quan trong các trường hợp ta vừa thảo luận và thường dẫn
đến những hậu quả tồi tệ hơn. Mặc dù chúng thường gây ra
các vấn đề phức tạp hơn, tác động của chúng xét về tổng
quan có thể được xem xét với cùng một kiểu lý luận ta đã áp
dụng khi nói về hàng rào thuế quan.
Chương XII: Động lực cho xuất khẩu
Điều duy nhất lớn hơn sự thèm khát vô cớ đối với xuất
khẩu; đó là sự sợ hãi vô cớ đối nhập khẩu. Xét về logic,
không có gì bất hợp lý hơn hai điều này. Về lâu dài, xuất
khẩu và nhập khẩu luôn phải cân bằng nhau (ở đây, ta đang
xét đến xuất và nhập khẩu theo nghĩa rộng, bao gồm cả
những sản phẩm vô hình như chi tiêu của khách du lịch, cước
phí vận chuyển đường biển và các khoản khác trong “cán cân
thanh toán”). Xuất khẩu được dùng để chi trả cho nhập khẩu
và ngược lại. Nếu chúng ta muốn được thanh toán cho các
khoản xuất khẩu của mình, càng xuất khẩu nhiều thì ta càng
phải nhập khẩu nhiều. Nhập khẩu càng ít thì xuất khẩu cũng
càng ít. Nếu không nhập khẩu, ta sẽ không có xuất khẩu, bởi
các quốc gia khác sẽ không có tiền để mua hàng hóa của
chúng ta. Khi quyết định cắt giảm nhập khẩu, chúng ta trên
thực tế cũng đang quyết định cắt giảm xuất khẩu. Khi quyết
định tăng xuất khẩu, chúng ta trên thực tế cũng đang quyết
định tăng nhập khẩu.
Lý do của điều này rất đơn giản. Một nhà xuất khẩu Mỹ
bán hàng hóa của mình cho một nhà nhập khẩu Anh và được
trả tiền bằng bảng Anh. Nhưng ông ta không thể dùng bảng
Anh để trả lương cho những người lao động của mình, để
mua quần áo cho vợ hay mua vé đi xem kịch. Để làm những
việc này, ông ta cần có đôla Mỹ. Chính vì thế, những đồng
bảng Anh này sẽ không có giá trị gì với ông ta trừ khi ông ta
tự mình dùng chúng để mua hàng từ Anh hoặc bán chúng
(thông qua ngân hàng của mình hay các đại lý khác) cho
những nhà nhập khẩu Mỹ muốn có bảng Anh để nhập hàng
từ Anh. Cho dù ông ta có làm điều nào đi nữa, giao dịch này
sẽ không được hoàn tất cho đến khi lượng xuất khẩu hàng
hóa Mỹ được thanh toán bằng một lượng nhập khẩu tương
đương.
Mọi việc cũng sẽ xảy ra tương tự nếu giao dịch được thực
hiện bằng đôla Mỹ thay vì bằng bảng Anh. Nhà nhập khẩu
Anh không thể có đôla Mỹ để trả cho nhà xuất khẩu Mỹ trừ
khi một số nhà xuất khẩu Anh đã có những khoản thu đôla
từ những giao dịch trước đó với chúng ta. Nói tóm lại, nếu
xem xét từ nước Mỹ, giao dịch ngoại tệ là một giao dịch
nhằm bù đắp những khoản nợ đôla của người nước ngoài
bằng những khoản thu đôla của họ. Nếu xét từ nước Anh,
các khoản nợ bảng Anh của người nước ngoài sẽ được bù đắp
bởi những khoản thu bảng Anh của họ.
Chúng ta không cần thiết phải đi sâu vào những nội dung
mang tính kỹ thuật về các giao dịch này, bởi chúng có thể
được tìm thấy trong bất kỳ một giáo trình tốt nào về giao
dịch ngoại tệ. Song điều chúng ta cần chỉ ra tại đây là mặc
dù luôn có vẻ bí hiểm và khó hiểu, các giao dịch ngoại tệ
không có gì quá phức tạp. Chúng thực sự không khác biệt
nhiều so với những gì xảy ra trong nội thương. Mỗi người
trong chúng ta đều phải bán một thứ gì đó (mặc dù đối với
phần lớn trong chúng ta, thứ ta bán là dịch vụ thay vì hàng
hóa) để có thể có được sức mua để mua những gì ta muốn.
Thương mại nội địa cũng được thực hiện phần lớn thông qua
việc bù trừ các khoản thu và chi tại các ngân hàng hoặc sở
hối đoái.
Đúng là trong hệ thống kim bản vị quốc tế, các khoản
chênh lệch trong cán cân xuất nhập đôi khi được bù đắp
bằng những chiếc tàu xuất nhập khẩu vàng. Tuy nhiên,
chúng cũng có thể được bù đắp bằng những chiếc tàu xuất
nhập khẩu các hàng hóa khác như bông, thép, rượu mạnh,
nước hoa, v.v… Sự khác biệt chủ yếu là khi hệ thống kim bản
vị được áp dụng, cầu đối với vàng có thể được coi là vô hạn
(một phần bởi vàng được coi và chấp nhận như “phương tiện
thanh toán” quốc tế cuối cùng chứ không chỉ là một hàng
hóa đơn thuần), và các quốc gia không tạo nên các hàng rào
nhằm ngăn cản việc nhập vàng như cách họ ngăn chặn việc
nhập hầu hết các hàng hóa khác. (Mặt khác, trong những
năm gần đây, họ bắt đầu tạo ra nhiều rào cản nhằm ngăn
chặn việc xuất
khẩu vàng hơn đối với bất kỳ mặt hàng xuất khẩu nào
khác. Tuy nhiên, đây là một câu chuyện khác.)
Chính những người luôn tỉnh táo và khôn ngoan trong các
vấn đề thuộc về nội thương có thể trở nên hết sức nhầm lẫn
trong lĩnh vực ngoại thương. Trong ngoại thương, họ sẵn
sàng ủng hộ và chấp nhận những nguyên tắc mà bản thân
họ sẽ coi là điên rồ nếu áp dụng vào nội thương. Một ví dụ
điển hình là việc nhiều người tin rằng chính phủ nên cho các
nước khác vay những khoản tiền lớn nhằm tăng xuất khẩu,
cho dù những nước này có khả năng hoàn trả hay không.
Tất nhiên, các công dân Mỹ nên được phép cho vay vốn
riêng của mình ra nước ngoài và tự gánh chịu mọi rủi ro có
thể xảy ra. Chính phủ không nên tự ý đặt ra những hàng rào
ngăn cản việc cho vay của tư nhân với những quốc gia có
quan hệ hòa bình với chúng ta. Mỗi cá nhân chúng ta cũng
nên đóng góp một cách rộng rãi cho các mục đích nhân đạo
nhằm giúp những người đang có nguy cơ chết đói hoặc đang
gánh chịu những khó khăn lớn. Nhưng chúng ta phải luôn
biết rõ việc mình làm. Sẽ là thiếu khôn ngoan nếu chúng ta
giúp người dân nước khác những những khoản viện trợ nhân
đạo lớn với ý nghĩ rằng mình đang thực hiện những giao dịch
kinh tế khôn ngoan nhằm phục vụ cho lợi ích riêng của mình.
Điều này sẽ chỉ dẫn đến những hiểu lầm và quan hệ không
tốt đẹp sau này.
Trong số những lập luận được đưa ra để ủng hộ việc cho
các nước khác vay các khoản tiền lớn, một lý lẽ nguỵ biện
thường xuất hiện ở vị trí trung tâm: ngay cả nếu cuối cùng
một nửa (hoặc toàn bộ) số tiền chúng ta cho các nước khác
vay không được hoàn trả, quốc gia của chúng ta vẫn sẽ giàu
có hơn vì đã cho vay, bởi các khoản vay đó sẽ là những động
lực lớn thúc đẩy xuất khẩu của chúng ta.
Song chúng ta phải nhận ra một điều hiển nhiên là nếu
khoản tiền ta cho các nước khác vay để họ có thể mua hàng
hóa của ta cuối cùng không được hoàn trả, chúng ta trên
thực tế đang cho không hàng hóa của mình. Một quốc gia chỉ
có thể nghèo đi chứ không thể không thể trở nên giàu có hơn
bằng cách cho không hàng hóa.
Không ai nghi ngờ hay phản đối điều này khi nó được áp
dụng vào một công ty tư nhân. Nếu một công ty sản xuất xe
hơi cho một người vay $5.000 để mua một chiếc xe có giá
bằng khoản tiền này và nếu người đó không có khả năng
hoàn trả khoản tiền đó, công ty xe hơi sẽ không trở nên giàu
có hơn bởi nó đã “bán” được chiếc xe hơi. Nó đã mất đi số
tiền tương đương với chi phí sản xuất ra chiếc xe hơi đó. Nếu
chi phí sản xuất chiếc xe hơi là $4.000 và người được cho
vay chỉ hoàn trả được một nửa khoản cho vay, công ty sản
xuất xe hơi sẽ mất $4.000 trừ đi $2.500, nghĩa là $1.500.
Việc bán được chiếc xe không thể bù đắp lại lượng tiền công
ty mất vì khoản cho vay không được hoàn trả đó.
Nếu luận đề này đơn giản đến vậy khi áp dụng với một
công ty tư nhân, tại sao nhiều người lại trở nên nhầm lẫn khi
áp dụng nó cho một quốc gia? Lý do là vì khi áp dụng cho
một quốc gia, giao dịch này phải được theo dõi thông qua
nhiều bước hơn. Một nhóm lợi ích nào đó có thể thực sự được
hưởng lợi trong khi những người còn lại bị thiệt hại.
Chẳng hạn, đúng là những người vốn chỉ tham gia hoàn
toàn hoặc khá sâu vào các ngành sản xuất hàng xuất khẩu
có thể sẽ được lợi nhờ những khoản cho vay không được
hoàn trả của chính phủ với các nước khác. Thiệt hại của toàn
bộ nền kinh tế là điều chắc chắn, nhưng ta khó có thể theo
dõi xem thiệt hại này được phân bổ như thế nào. Những
người cho vay tiền tư nhân sẽ phải trực tiếp chịu các khoản
thiệt hại khi tiền họ cho vay không được hoàn trả. Còn các
khoản thiệt hại do tiền cho vay của chính phủ không được
hoàn trả cuối cùng sẽ được bù đắp thông qua việc tăng thuế.
Hơn nữa những thiệt hại trực tiếp này cũng sẽ lại gây ra
nhiều thiệt hại gián tiếp khác cho nền kinh tế.
Xét về lâu dài, những khoản cho vay nước ngoài không
được hoàn trả không những không hỗ trợ mà còn làm tổn hại
hoạt động sản xuất kinh doanh và việc tuyển lao động ở Mỹ.
Với mỗi đôla mà người nước ngoài có được thông qua những
khoản cho vay này để mua hàng hóa Mỹ, những người mua
hàng trong nước sẽ bị mất đi một đôla. Các ngành kinh
doanh sản xuất dựa vào nội thương về lâu dài sẽ bị thua
thiệt tương đương với phần lợi nhuận mà các ngành sản xuất
phục vụ cho xuất khẩu thu được. Nhiều người thậm chí cho
rằng, nếu tính trên tổng quan, ngay cả các ngành sản xuất
phục vụ xuất khẩu cũng sẽ bị thua thiệt. Các công ty sản
xuất xe hơi của Mỹ vào năm 1975 bán khoảng 15% sản
phẩm của mình ra các thị trường nước ngoài. Nếu nhờ các
khoản cho vay nước ngoài không được hoàn trả mà các công
ty này tăng được 5% sản phẩm của mình ra thị trường nước
ngoài (tương đương 20% sản phẩm), song tại thị trường nội
địa lại bị giảm 10% do người dân phải đóng thuế nhiều hơn
để bù đắp lại các khoản cho vay không được hoàn trả này,
các công ty đó sẽ không thu được lợi ích gì về kinh tế.
Tất cả những điều này, tôi xin được nhắc lại, không có
nghĩa là các nhà đầu tư tư nhân không nên cho vay ra nước
ngoài. Điều tôi muốn nhấn mạnh ở đây là ta không thể trở
nên giàu có hơn thông qua các khoản cho vay hầu như
không được hoàn trả.
Chính vì các lý do này, việc kích thích xuất khẩu một
cách giả tạo thông qua các khoản cho vay với khả năng hoàn
trả thấp hoặc các khoản viện trợ không hoàn lại cho các nước
khác là điều xuẩn ngốc. Trợ cấp xuất khẩu là một ví dụ điển
hình cho việc tặng không hàng hóa của mình cho các nước
khác vì đã bán cho họ các hàng hóa với giá thấp hơn cả chi
phí sản xuất. Đây là một ví dụ minh họa cho việc cố gắng
làm giàu bằng cách vứt bớt của cải đi.
Bất chấp thực tế như vậy, nhiều năm qua, chính phủ Mỹ
đã thực hiện chương trình “hỗ trợ kinh tế nước ngoài”, phần
lớn là các khoản viện trợ không hoàn lại trị giá hàng tỷ đôla
giữa các chính phủ. Tại đây, chúng ta chỉ thảo luận về một
khía cạnh của chương trình này: nhiều người tham gia tài trợ
với niềm tin thơ ngây rằng đây là một cách khôn ngoan,
thậm chí là cần thiết, để “tăng xuất khẩu của chúng ta” và
nhờ đó duy trì được việc làm cho lao động trong nước và sự
vững mạnh của nền kinh tế. Đây là một dạng khác của ảo
tưởng rằng một quốc gia có thể trở nên giàu có hơn khi cho
bớt của cải của mình đi. Điều khiến nhiều người không nhìn
ra sự thật là thứ được cho đi không phải là các hàng hóa
xuất khẩu mà là tiền để mua chúng. Chính vì thế, nhiều nhà
xuất khẩu vẫn có thể thu lợi trong khi toàn bộ nền kinh tế bị
thiệt hại - điều này sẽ xảy ra trong trường hợp thu nhập của
họ từ xuất khẩu lớn hơn phần thuế đóng góp của họ để chi
trả cho chương trình hỗ trợ kinh tế nước ngoài này.
Tại đây, chúng ta có một ví dụ minh họa nữa về việc chỉ
nhìn vào những tác động tức thời của một chính sách đối với
một nhóm lợi ích cá biệt nào đó mà không có đủ kiên nhẫn
hay khôn ngoan để xem xét những tác động dài hạn trên
toàn xã hội.
Nếu chúng ta thực sự xem xét những tác động dài hạn
trên toàn xã hội, chúng ta sẽ đi đến một kết luận nữa hoàn
toàn trái ngược với luận thuyết được phần lớn viên chức
chính phủ tin theo và sử dụng trong nhiều thế kỷ qua. Như
John Stuart Mill đã chỉ ra một cách rõ ràng, lợi ích thực sự
của ngoại thương đối với bất kỳ quốc gia nào không nằm
trong xuất khẩu mà trong nhập khẩu. Những người tiêu dùng
của quốc gia này hoặc sẽ có thể mua được từ nước ngoài các
hàng hóa với giá thấp hơn so với giá mà họ sẽ phải trả nếu
các hàng hóa đó được sản xuất trong nước, hoặc sẽ có thể
mua được từ nước ngoài các sản phẩm mà trong nước hoàn
toàn không sản xuất. Những ví dụ điển hình cho điều này là
cà phê và trà. Nếu ta xem xét một cách tổng quan, lý do
thực sự khiến một nước cần phải xuất khẩu hàng hóa là để
có thể chi trả cho hàng hóa nhập khẩu của mình.

Chương XIII: Các mức giá “tương đương”


Lịch sử của thuế quan khiến chúng ta nhớ một điều:
những người có quyền lợi đặc biệt luôn nghĩ ra những lý do
tuyệt vời để giải thích tại sao quyền lợi của họ phải luôn được
chú trọng đặc biệt. Họ đưa ra những kế hoạch nhằm phục vụ
cho lợi ích cá nhân. Lúc ban đầu, những kế hoạch này
thường rất ngớ ngẩn đối với các học giả khác - những người
không liên quan gì đến những lợi ích đó - chẳng buồn phê
phán hay chỉ ra rằng chúng sai ở đâu. Nhưng những người có
quyền lợi liên quan sẽ tiếp tục kiên trì theo đuổi kế hoạch
của họ. Bởi những kế hoạch này, nếu được thực hiện, sẽ đem
lại nhiều lợi ích trước mắt về kinh tế cho họ, nên họ sẵn sàng
thuê các nhà kinh tế học và chuyên gia về giao tế để phổ
biến kế hoạch thay cho họ. Công chúng sẽ thường xuyên
được nghe những kế hoạch được trình bày với nhiều số liệu,
sơ đồ và đồ thị đầy tính thuyết phục và sẽ sớm chấp nhận
những kế hoạch này. Các học giả khác thường chỉ nhận ra
nguy cơ của những kế hoạch này khi đã quá muộn. Họ không
thể trong vòng vài tuần tìm hiểu toàn bộ vấn đề một cách kỹ
càng như những chuyên gia đã được thuê để nghiên cứu và
tìm cách bảo vệ những kế hoạch này trong nhiều năm. Họ sẽ
bị xem là những người thiếu hiểu biết và chuyên gây rối,
những người dám chống lại lẽ thật hiển nhiên.
Câu chuyện mà tôi vừa kể giống như câu chuyện về các
mức giá “tương đương” (parity prices) cho nông sản. Tôi
không nhớ nổi lần đầu tiên nó được đệ trình, nhưng cùng với
New Deal (Giải Pháp Mới) năm 1933, nó đã trở thành một
nguyên tắc bất biến, được đưa vào luật, được áp dụng, và đã
có rất nhiều tác động lên nền kinh tế.
Dưới đây là lý lẽ của những người ủng hộ các mức giá
tương đương: Nông nghiệp là ngành sản xuất cơ bản và quan
trọng nhất trong tất cả các ngành sản xuất. Vì vậy, nó phải
được duy trì bằng mọi giá. Hơn nữa, sự thịnh vượng của tất
cả những người khác đều phụ thuộc vào sự thịnh vượng của
người nông dân. Nếu nông dân không có sức mua để mua
sản phẩm của các ngành sản xuất khác, các ngành này sẽ bị
đóng cửa. Đây chính là nguyên nhân của cuộc khủng hoảng
năm 1929, hay ít nhất cũng là nguyên nhân cho việc chúng
ta không phục hồi nổi sau cuộc khủng hoảng này. Giá nông
sản đã giảm mạnh trong khi giá của các sản phẩm công
nghiệp chỉ giảm nhẹ. Kết quả là nông dân không thể mua
các sản phẩm công nghiệp; công nhân trong các thành phố
bị sa thải và không mua nổi nông sản; cuộc khủng hoảng bắt
đầu quay tròn và ngày càng lan rộng. Chỉ có một cách duy
nhất để cứu vãn tình hình, và nó rất đơn giản: Nâng các mức
giá của nông sản lên tới mức tương đương với các mức giá
của những hàng hóa nông dân cần phải mua. Mức giá tương
đương này đã hiện hữu trong thời kỳ 1909-1914 - thời kỳ
thịnh vượng của nông dân tại Mỹ. Cái mối tương quan giữa
các mức giá trong thời kỳ đó phải được tái thiết và duy trì
mãi mãi.
Để xem xét tất cả những điều bất hợp lý trong lập luận
có vẻ rất hợp lý mà tôi vừa nêu ra, chúng ta sẽ mất rất nhiều
thời gian và sẽ đi chệch khỏi điều chúng ta cần quan tâm
đến ở đây. Chẳng có lý do nào đủ hợp lý để biện hộ cho việc
chọn một mối tương quan giữa các mức giá nhất định trong
một khoảng thời gian nhất định và xem chúng là tiêu chuẩn
bất khả xâm phạm, hay thậm chí chỉ xem chúng là “bình
thường” hơn so với bất kỳ một mối tương quan giá cả nào
trong một thời kỳ nào khác. Ngay cả khi chúng là “bình
thường” tại thời điểm đó, lý do gì có thể biện hộ cho việc tiếp
tục duy trì mối tương quan đó vào 60 năm sau, bất chấp
những khác biệt lớn lao trong điều kiện sản xuất và nhu cầu
trên thị trường trong hiện tại? Không phải ngẫu nhiên mà
người ta chọn lựa thời kỳ 1909-1914 làm cơ sở để tính mức
giá tương đương. Nếu xét về tương quan giữa các mức giá,
đây là thời kỳ thuận lợi nhất cho giá nông sản trong toàn bộ
lịch sử nền kinh tế của chúng ta.
Nếu thực sự có một chút logic hay phi vụ lợi nào trong
luận chứng này, đáng lẽ nó phải được áp dụng chung cho
mọi ngành nghề. Nếu mối tương quan giá giữa nông sản và
các sản phẩm công nghiệp trong thời kỳ giữa tháng tám năm
1909 và tháng bảy năm 1914 cần phải được duy trì vĩnh
viễn, tại sao ta không duy trì mối tương quan giữa mọi loại
hàng hóa của thời kỳ này?
Trong ấn bản lần thứ nhất của cuốn sách này vào năm
1946, tôi đã dùng ví dụ minh họa sau để chỉ ra những điểm
bất hợp lý trong lập luận nói trên:
Một chiếc xe hơi 6 xi-lanh hiệu Chevrolet vào năm
1912 có mức giá là $2.150. Một chiếc Chevrolet 6 xi-lanh
siêu việt hơn nhiều vào năm 1942 có giá là $907. Thế
nhưng nếu được điều chỉnh để giữ mức tương đương dựa
trên cùng nguyên lý áp dụng cho các mặt hàng nông
sản, vào năm 1942, giá của chiếc xe này sẽ là $3.270.
Mức giá trung bình của một pound nhôm trong những
năm 1909-1913 là 22,5 cent. Vào đầu năm 1946, giá của
nó là 14 cent; song nếu tính theo giá “tương đương”, nó
phải là 41 cent.
Việc quy đổi hai so sánh trên ra con số ngày nay sẽ
không dễ dàng và khó chính xác bởi mức lạm phát cao (mức
giá của các sản phẩm tiêu dùng tăng lên gấp hơn ba lần)
giữa năm 1946 và 1978 và bởi sự khác biệt lớn về mặt chất
lượng của xe hơi trong hai thời kỳ. Song điều này chỉ càng
làm rõ tính bất khả thi và phi thực tế của lý lẽ này.
Trong ấn bản năm 1946, sau khi đưa ra ví dụ minh họa
trên, tôi chỉ ra rằng chính sự tăng năng suất tương tự trong
sản xuất nông nghiệp là một trong những lý do dẫn đến sự
giảm giá nông sản. “Trong khoảng thời gian 5 năm từ 1955
đến 1959, sản lượng bông của Mỹ là 428 pound trên một
acre [mẫu Anh, bằng khoảng 4.046,85 m2 – ND] so với 260
pound trên một acre trong khoảng thời gian 5 năm từ 1939
đến 1943, và chỉ 188 pound trên một acre trong khoảng thời
gian “mẫu” từ năm 1909 đến năm 1913.” Khi những sự so
sánh này được quy chuyển ra con số ngày nay, ta thấy rằng
năng suất trong sản xuất nông nghiệp tiếp tục tăng lên, mặc
dù với một tốc độ chậm hơn. Trong khoảng thời gian 5 năm
từ 1968 đến 1972, sản lượng bông là 467 pound trên một
acre. Tương tự như vậy, trong khoản thời gian 5 năm từ
1968 đến 1972 sản lượng ngô là 84 pound trên một acre so
với 26,1 (năm 1935-1939) và sản lượng lúa mỳ là 31,3
pound trên một acre so với 13,2 (năm 1935-1939).
Chi phí sản xuất nông sản đã giảm xuống đáng kể nhờ
việc ứng dụng các loại phân bón hóa học, các loại giống được
cải tiến và sự cơ khí hóa quy trình sản xuất. Trong ấn bản
năm 1946, tôi đã viết: “Tại một số nông trang lớn đã được cơ
khí hóa hoàn toàn và sử dụng những dây chuyền sản xuất
hàng loạt, người ta chỉ cần một phần ba hoặc một phần năm
lượng lao động để sản xuất ra cùng một lượng sản phẩm so
2
với vài năm trước đây.” Vậy nhưng những người trung thành
với lập luận mức giá “tương đương” đã không chịu chú ý đến
điều này.
Việc họ từ chối không chịu áp dụng nguyên tắc này một
cách phổ biến trong mọi ngành sản xuất không phải là bằng
chứng duy nhất cho thấy toàn bộ lập luận này là một công cụ
nhằm hỗ trợ những nhóm lợi ích kinh tế nhất định chứ không
phải là một kế hoạch kinh tế nhằm phục vụ lợi ích chung của
xã hội. Chúng ta cũng còn bằng chứng thứ hai: khi giá nông
sản tăng lên cao hơn mức giá “tương đương” do sức ép thị
trường hoặc do các chính sách của chính phủ, những người
chịu trách nhiệm về nông nghiệp trong quốc hội hoàn toàn
không yêu cầu hạ
giá nông sản xuống bằng mức giá “tương đương” hoặc yêu
cầu những người sản xuất nông nghiệp phải trả lại khoản trợ
giá đã được nhận. Nguyên tắc này chỉ hoạt động theo một
chiều.
* *
*
Gạt sang một bên tất cả những điều vừa thảo luận,
chúng ta hãy cùng quay trở lại xem xét nguỵ biện chính mà
chúng ta thực sự quan tâm ở đây. Đây là luận điểm cho rằng
nếu người nông dân bán được các sản phẩm của mình với giá
cao hơn, người đó sẽ mua nhiều sản phẩm công nghiệp hơn;
các ngành sản xuất công nghiệp nhờ đó sẽ phát triển và mọi
lao động đều sẽ có việc làm. Với luận điểm này, việc người
nông dân có được những mức giá “tương đương” cụ thể nào
đó hay không không phải là điều quan trọng.
Mọi điều đều phụ thuộc vào việc những mức giá nông sản
cao hơn đó đã hình thành như thế nào. Nếu chúng là kết quả
của sự phục hồi chung của nền kinh tế hay của sự phát triển
thương mại, sản xuất công nghiệp và sức mua của các công
nhân trong thành phố (chứ không phải do lạm phát), các
mức giá cao này sẽ thực sự là biểu hiện của việc tăng của cải
và hoạt động sản xuất không chỉ cho nông dân mà tất cả mọi
người trong mọi ngành sản xuất. Nhưng trường hợp chúng ta
đang thảo luận là khi giá nông sản được nâng lên do sự can
thiệp của nhà nước. Điều này có thể được thực hiện thông
qua một số cách. Nó có thể được đưa ra thông qua chỉ thị
của nhà nước (đây thường là phương pháp ít hữu hiệu nhất);
hoặc thông qua việc chính phủ sẵn sàng mua tất cả nông sản
mà nông dân muốn bán cho chính phủ ở mức giá “tương
đuơng” hoặc cho nông dân vay đủ tiền để giữ nông sản của
mình lại và không tung ra thị trường cho tới khi giá nông sản
tăng đến mức giá “tương đương” hoặc cao hơn; hoặc thông
qua việc chính phủ quy định hạn chế lượng nông sản được
sản xuất. Nó có thể được thực hiện bằng việc kết hợp các
cách thức trên, như điều thường xảy ra trên thực tế. Hiện tại,
chúng ta hãy tạm giả định rằng các mức giá nông sản cao
hơn này đã được hình thành do sự can thiệp của chính phủ
thông qua bất kể cách thức nào.
Điều gì sẽ xảy ra trong trường hợp này? Những người
nông dân bán được các sản phẩm của mình với giá cao hơn.
“Sức mua” của họ vì vậy sẽ tăng lên, cho dù tổng sản lượng
nông sản có thể giảm đi. Họ sẽ trở nên giàu có hơn và mua
nhiều sản phẩm công nghiệp hơn. Đây là điều sẽ được nhìn
thấy bởi những người chỉ xem xét tác động tức thời của các
chính sách lên những nhóm lợi ích có liên quan trực tiếp.
Song có một hậu quả khác cũng chắc chắn sẽ xảy ra. Giả
sử như lúa mỳ vốn thường được bán với giá $2,50 một pound
giờ bị chính sách này đẩy lên mức $3,50 một pound. Với mỗi
pound lúa mỳ, người nông dân sẽ được thêm một đôla và
người công nhân ở thành phố sẽ phải trả thêm một đôla vì
giá bánh mỳ cao hơn. Điều này cũng sẽ xảy ra với những
nông sản khác. Nếu người nông dân có thêm một đôla trong
sức mua của mình để mua các sản phẩm công nghiệp, người
công nhân ở thành phố sẽ mất đi một đôla trong sức mua
của họ để mua các sản phẩm công nghiệp. Tính về tổng
quan, các ngành sản xuất công nghiệp không được lợi gì, vì
lượng sản phẩm bán được trong thành phố sẽ giảm tương
đương với lượng tăng ở nông thôn.
Cơ cấu của của các sản phẩm công nghiệp được tiêu thụ
cũng sẽ thay đổi. Những người sản xuất công cụ sản xuất
nông nghiệp và dịch vụ bán hàng phục vụ dân cư nông thôn
sẽ phát triển mạnh, trong khi những cửa hàng và siêu thị lớn
trong thành phố sẽ có doanh thu nhỏ hơn.
Vấn đề tất nhiên không dừng lại ở đây. Chính sách này
không chỉ không đem lại ích lợi mà còn gây thiệt hại. Đây
không đơn thuần là việc chuyển sức mua đến cho người nông
dân từ những người tiêu dùng trong thành phố hay những
người nộp thuế nói chung, hay cả hai. Nó thường đồng nghĩa
với việc giảm tổng sản lượng nông nghiệp để nâng giá, với
việc phá hủy tài sản của xã hội, và với việc sẽ có ít lương
thực hơn cho người tiêu dùng. Việc phá hủy tài sản này sẽ
xảy ra cụ thể như thế nào tùy thuộc vào các phương pháp
được sử dụng để nâng giá. Đó có thể là việc thực sự phá hủy
những nông sản đã được sản xuất, giống như trường hợp đốt
bỏ cà phê ở Brazil. Đó có thể là việc bắt giảm diện tích canh
tác, giống như chương trình AAA [Agricultural Adjustment
Administration: Quản lý điều chỉnh nông nghiệp - ND] tại Mỹ
khi nó được giới thiệu lần đầu hay trong những lần tái xuất
sau đó. Chúng ta sẽ xem xét tác động của một số biện pháp
này khi chúng ta đến phần thảo luận về sự kiểm soát hàng
hóa của chính phủ.
Ở đây, ta chỉ cần chỉ ra rằng khi một người nông dân
giảm sản lượng nông sản để nâng cao giá, người nông dân
đó tuy bán được mỗi pound lúa mỳ với giá cao hơn, song ông
ta lại sản xuất và bán được ít pound lúa mỳ hơn. Kết quả là
tổng thu nhập của ông ta không tăng tương đương với mức
tăng giá. Một số người ủng hộ mức giá tương đương cũng
nhận ra điều này, và dùng nó làm lý do để đòi chính phủ
đảm bảo mức thu nhập tương đuơng cho người nông dân.
Nhưng điều này chỉ có thể thực hiện được bằng các khoản hỗ
trợ cho nông dân lấy ra từ tiền đóng thuế. Nói cách khác,
việc giúp người nông dân theo cách này đơn thuần là sẽ thu
nhỏ sức mua của công nhân và những nhóm lao động khác.
* *
*
Trước khi kết thúc chủ đề này, chúng ta cần phải xem
xét một luận điểm nữa của những người ủng hộ mức giá
tương đương. Lần này, nó được đưa ra bởi những người có lý
luận sắc sảo hơn. Họ sẽ thừa nhận: “Đúng như vậy! Đúng là
về mặt kinh tế, việc đưa ra những mức giá tương đương là
không hợp lý. Các mức giá này là đặc lợi [giành cho nông
dân]. Chúng là gánh nặng đối với người tiêu dùng. Thế
nhưng chẳng phải thuế quan cũng là một gánh nặng đối với
nông dân hay sao? Chẳng phải người nông dân cũng đang
phải trả mức giá cao hơn khi mua các sản phẩm công nghiệp
vì thuế quan hay sao? Sẽ không tốt nếu chúng ta áp thuế
quan lên các nông sản để bù đắp lại, vì trong hàng xuất khẩu
của Mỹ, nông sản chiếm tỷ lệ cao nhất. Song ta có thể dùng
hệ thống giá tương đương thay cho thuế quan để bảo hộ
người nông dân. Đây là một cách hợp lý để đảm bảo công
bằng cho người nông dân.”
Những người nông dân yêu cầu mức giá tương đương quả
là có những lý do chính đáng xét về mặt pháp lý. Các thuế
quan mang tính bảo hộ gây cho họ nhiều thiệt hại hơn cả
mức mà họ nhận biết được. Khi nhập khẩu hàng công nghiệp
vào Mỹ giảm, xuất khẩu nông sản từ Mỹ cũng giảm, bởi các
quốc gia khác không có đủ lượng đôla cần thiết để mua nông
sản của chúng ta. Điều này còn khiến các quốc gia khác áp
dụng các mức thuế quan mang tính trả đũa. Tuy nhiên, lập
luận nêu trên không thể được coi là hợp lý. Nó sai trong
những điều nó muốn ám chỉ. Không có một mức thuế chung
được áp dụng cho tất cả các sản phẩm “công nghiệp” hay tất
cả các sản phẩm phi nông nghiệp. Có một số ngành sản xuất
phục vụ thị trường nội địa hay cho xuất khẩu mà không có
thuế quan bảo hộ. Nếu một người công nhân trong thành
phố cũng phải mua chăn len hay áo khoác với giá cao hơn vì
thuế, liệu người này có được “đền bù” khi tiếp tục phải trả
giá cao hơn cho áo làm từ vải bông hay thực phẩm, hay trên
thực tế ông ta đã bị ăn cướp đến hai lần?
Một số người nói chúng ta nên “bảo hộ” đồng đều cho tất
cả mọi người, song đây là điều bất khả thi. Ngay cả nếu
chúng ta giả định rằng điều này có thể làm được về mặt kỹ
thuật – áp dụng một loại thuế để bảo hộ A, một nhà sản
xuất công nghiệp phải chịu sự cạnh tranh từ thị trường quốc
tế; cung cấp một khoản trợ cấp cho B, một nhà sản xuất
công nghiệp nhằm xuất khẩu – chúng ta vẫn không thể bảo
hộ hay trợ cấp cho tất cả mọi người một cách đồng đều hoặc
“công bằng”. Chúng ta sẽ phải cho tất cả mọi người cùng
được hưởng một tỷ lệ phần trăm (hay một lượng tiền) thuế
quan bảo hộ hay trợ cấp giống nhau, và chúng ta sẽ không
bao giờ có thể biết chắc liệu mình có bảo hộ hay hỗ trợ nhiều
lần với một số nhóm nhất định đồng thời bỏ sót một số nhóm
khác hay không.

Nhưng cứ giả sử rằng chúng ta có thể làm được việc này,


vậy lúc đó, ta sẽ đạt được gì? Ai sẽ hưởng lợi khi mọi người
đều phải bảo hộ và hỗ trợ lẫn nhau? Ta sẽ có được lợi ích gì
khi lượng tiền mọi người mất đi thông qua thuế tương đương
với sự hỗ trợ hay bảo hộ họ nhận được? Ta sẽ chỉ lấy mất
một lượng lớn lao động từ các ngành sản xuất và chuyển họ
vào những công tác quản lý nhà nước không cần thiết.
Chúng ta có thể giải quyết vấn đề một cách đơn giản
bằng cách ngừng cả hệ thống mức giá tương đương và hệ
thống thuế quan bảo hộ. Khi chúng cùng tồn tại, chúng hoàn
toàn không có khả năng bù trừ lẫn nhau nhằm duy trì sự
công bằng. Sự tồn tại của cả hai hệ thống này chỉ có nghĩa là
nông dân A và nhà sản xuất công nghiệp B đều được hưởng
lợi trong khi C, người bị những đề xuất này bỏ quên, phải
chịu thiệt hại.
Vậy là một lần nữa, những ích lợi ảo tưởng của một đề án
sai lầm nữa đã biến mất khi chúng ta xem xét không chỉ
những tác động tức thời và ngắn hạn đối với một nhóm lợi
ích nhất định mà cả các tác động dài hạn lên toàn xã hội.
Chương XIV: Hãy cứu ngành sản xuất X
Các hàng lang của quốc hội đông chật những người đại
diện cho ngành sản xuất X. Ngành sản xuất X đang có những
biểu hiện ốm yếu! Ngành sản xuất X sắp chết! Hãy cứu lấy
ngành sản xuất này bằng cách áp dụng thuế quan, bằng
cách đặt ra mức giá cao hơn, hay thông qua những khoản trợ
cấp. Nếu ta để cho nó chết, nhiều lao động sẽ mất việc làm.
Những người cho họ thuê nhà và cung cấp hàng hóa dịch vụ
cho họ sẽ bị thiệt hại, và khủng hoảng sẽ ngày càng lan rộng
ra. Nhưng nếu quốc hội ra tay kịp thời và cứu được ngành
sản xuất này, nó sẽ tiếp tục tồn tại. Nó sẽ mua máy móc
thiết bị từ những ngành sản xuất khác; thêm nhiều người
nữa sẽ có việc làm; những người cung cấp hàng hóa dịch vụ
cho các lao động của ngành sản xuất này cũng sẽ được
hưởng lợi; sự giàu có sẽ ngày càng lan rộng ra.
Đây chỉ là một dạng tổng quát của ví dụ minh hoạ mà
chúng ta vừa xem xét. Trong chương trước, ngành sản xuất
X chính là nông nghiệp, song trên thực tế còn có rất nhiều
ngành sản xuất X khác. Hai ví dụ nổi bật nhất là ngành sản
xuất than và bạc. Để “cứu ngành sản xuất bạc”, quốc hội đã
gây ra rất nhiều tổn hại. Một trong những lý do được đưa ra
biện hộ là để giúp “phương Đông”, song một trong những
hậu quả chính sách này đã gây ra trên thực tế là giảm phát ở
Trung Quốc, vốn dựa trên chuẩn bạc, khiến Trung Quốc phải
từ bỏ chuẩn bạc. Bộ Tài chính Mỹ đã buộc phải mua một
lượng bạc lớn không cần thiết với mức giá cao hơn nhiều so
với giá thị trường và chất đống trong các kho của mình. Có
một cách khác để đạt được cùng mục đích chính trị của
những người ủng hộ kế hoạch này mà đòi hỏi ít chi phí và
gây ra ít tổn hại hơn rất nhiều: cung cấp những khoản trợ
cấp trực tiếp cho những người sở hữu mỏ bạc và các lao
động của họ. Thế nhưng quốc hội và dân chúng sẽ không
bao giờ chấp nhận một đề nghị thẳng thừng kiểu này, khi nó
không được hỗ trợ bởi những lý lẽ có vẻ cao vời song thực
chất là sai lầm về “vai trò quan trọng của bạc trong tiền tệ
quốc gia.”
Để cứu ngành sản xuất than, quốc hội đã đưa ra Điều
luật Guffey. Theo điều luật này, chủ các mỏ than không chỉ
được cho phép, mà thực tế là bị bắt buộc, thống nhất với
nhau để không bán sản phẩm của mình với giá thấp hơn mức
giá sàn do chính phủ đưa ra. Khi quốc hội quyết định đưa ra
một mức giá sàn “chuẩn” cho than, họ nhận ra rằng trên
3
thực tế họ phải đưa ra 350.000 mức giá khác nhau, bởi sự
tồn tại của hàng ngàn mỏ khác nhau, sự khác biệt về quy
mô, nơi nhận hàng và phương thức chuyên chở (tàu hỏa, xe
tải, tàu thủy, bè, v.v…). Một trong những tác động của việc
giữ cho giá than cao hơn mức giá cạnh tranh trên thị trường
là việc người tiêu dùng nhanh chóng tìm kiếm những nguồn
nhiên liệu thay thế để phục vụ cho nhu cầu năng lượng hay
sưởi ấm của họ, ví dụ như dầu, khí đốt tự nhiên và thủy
điện. Ngày nay, chúng ta thấy chính phủ vẫn đang phải cố
gắng khiến mọi người chuyển từ dùng dầu sang dùng than.
* *
*
Mục đích của chúng ta trong chương này không phải là
xem xét tất cả hậu quả của những kế hoạch chính phủ đã
thực hiện nhằm cứu các ngành sản xuất khác nhau. Mục đích
của chúng ta là chỉ xem xét một số tác động chính, những
điều chắc chắn sẽ xảy ra, khi chính phủ muốn cứu một
ngành sản xuất.
Một số người lý luận rằng một ngành sản xuất nào đó
phải được tạo ra và duy trì vì các lý do quân sự, hoặc một
ngành sản xuất nào đó đang bị ảnh hưởng bởi mức thuế và
lương không hợp lý so với các ngành khác, hoặc một nhà
cung cấp các hàng hóa hay dịch vụ tối quan trọng (như điện,
nước, giao thông, viễn thông, v.v…) đang bị bắt buộc phải
hoạt động ở mức giá hay phí không mang lại đủ mức lợi
nhuận phù hợp. Những luận điểm này có thể đúng hay không
đúng tùy vào từng trường hợp, song chúng ta sẽ không xem
xét chúng ở đây. Chúng ta chỉ xem xét duy nhất một quan
điểm ủng hộ việc cứu ngành sản xuất X: nếu để mặc ngành
sản xuất X bị thu nhỏ và biến mất trên thị trường tự do cạnh
tranh (điều mà những người phát ngôn hay đại diện cho
ngành sản xuất X sẽ gọi là tình trạng hỗn loạn vô chính phủ,
những trò cắt cổ hay ăn hiếp nhau trong kinh doanh, hay sự
cạnh tranh theo luật rừng, v.v…), điều này sẽ gây ảnh hưởng
xấu đến toàn bộ nền kinh tế; và nếu chúng ta tác động vào
để duy trì ngành sản xuất này, nó sẽ đem lại lợi ích cho tất
cả mọi người.
Điều chúng ta đang nói đến ở đây thực chất chính là kiểu
lý luận chung được dùng để ủng hộ việc áp dụng mức giá
tương đương cho nông sản hay thuế bảo hộ cho ngành sản
xuất X nào đó. Lý lẽ chống lại việc đưa ra những mức giá cao
hơn bình thường tất nhiên có thể được áp dụng không chỉ đối
với nông sản mà với bất kỳ sản phẩm nào. Tương tự như
vậy, những lý do ta đưa ra để phản đối việc áp dụng thuế
quan bảo hộ cho một ngành sản xuất nào đó cũng có thể
được áp dụng với mọi ngành sản xuất khác.
Nhưng luôn có rất nhiều đề án hay chương trình khác
nhau nhằm cứu vãn ngành sản xuất X. Bên cạnh những gì
chúng ta đã xem xét, có hai loại đề xuất chính được đưa ra
để thực hiện việc này mà chúng ta cần phải xem xét. Đề
xuất thứ nhất cho rằng ngành sản xuất X đã quá “đông”; vì
thế, ta nên tìm cách ngăn các công ty và lao động khác tham
gia vào ngành này. Đề xuất thứ hai cho rằng ngành sản xuất
X cần được trợ cấp trực tiếp từ chính phủ.
Nếu ngành sản xuất X thực sự đã quá tải so với các
ngành sản xuất khác, chúng ta sẽ chẳng cần phải đưa ra
biện pháp mang tính bắt buộc hay cưỡng ép nào nhằm ngăn
cản việc đưa thêm vốn và lao động vào ngành này. Vốn chưa
đầu tư sẽ không chảy vào những ngành sản xuất sắp chết.
Những nhà đầu tư sẽ không muốn đầu tư vào những ngành
đem lại lợi nhuận thấp nhất và có mức rủi ro cao nhất. Các
lao động, nếu họ có sự lựa chọn tốt hơn, cũng chẳng làm
việc trong những ngành trả lương thấp nhất với công việc
kém ổn định nhất.
Song nếu vốn đầu tư và lao động bị ngăn không cho đổ
vào ngành sản xuất X thông qua các hình thức độc quyền,
các chính sách hay điều luật của công đoàn, v.v… các nhà
đầu tư và người lao động sẽ mất đi quyền tự do chọn lựa của
mình. Các nhà đầu tư sẽ phải đổ vốn vào những ngành sản
xuất hứa hẹn ít lợi nhuận hơn ngành sản xuất X. Người lao
động sẽ phải làm việc trong những ngành nghề có mức lương
và cơ hội phát triển nghề nghiệp thấp hơn so với ngành sản
xuất X (vốn bị coi là “ốm yếu”). Tóm lại, điều này sẽ dẫn đến
tình trạng vốn đầu tư và lao động được sử dụng kém hiệu
quả hơn so với trường hợp nhà đầu tư và người lao động có
quyền tự do chọn lựa. Hậu quả là sẽ làm giảm sản xuất và
mức sống bình quân.
Mức sống bình quân thấp hơn sẽ là kết quả của mức
lương thấp hơn hoặc mức chi phí cho cuộc sống cao hơn,
hoặc do cả hai. (Điều gì xảy ra trên thực tế sẽ phụ thuộc vào
các chính sách tiền tệ của chính phủ.) Với những chính sách
mang tính can thiệp này của chính phủ, mức lương và lợi
nhuận của vốn đầu tư trong ngành sản xuất X có thể sẽ được
duy trì ở mức cao hơn bình thường, nhưng mức lương và lợi
nhuận của vốn đầu tư trong các ngành sản xuất khác sẽ trở
nên thấp hơn so với trường hợp không có các chính sách của
chính phủ. Ngành sản xuất X sẽ chỉ được lợi nhờ những thiệt
hại mà các ngành sản xuất A, B và C phải gánh chịu.
* *
*
Các kế hoạch cứu ngành sản xuất X bằng những khoản
trợ cấp trực tiếp từ công quỹ cũng sẽ đem lại kết quả tương
tự. Điều này thực ra là một sự di chuyển của cải hay lợi
nhuận từ những nơi khác sang ngành sản xuất X. Những
người nộp thuế sẽ mất đi khoản tiền mà ngành sản xuất X
được hưởng. Ưu điểm của các khoản trợ cấp, xét từ phương
diện của công chúng, là chúng thể hiện rõ bản chất của sự
cứu giúp này và ít làm mọi người bị nhầm lẫn hơn, nhất là
khi ta so nó với việc áp dụng thuế quan bảo hộ, đưa ra mức
giá sàn, hoặc các chính sách độc quyền.
Trong trường hợp trợ cấp, ta có thể thấy rõ rằng người
nộp thuế sẽ mất đi một khoảng bằng chính xác khoản trợ
cấp ngành sản xuất X được nhận, và kết quả là các ngành
sản xuất khác sẽ mất đi một lượng tương đương. Họ phải
đóng góp thông qua thuế một phần trợ cấp dành cho ngành
sản xuất X. Người tiêu dùng, bởi cũng phải chịu thuế để trợ
cấp cho ngành sản xuất X, sẽ bị mất đi một khoản thu nhập
tương đương mà đáng lẽ họ có thể dùng để mua những thứ
khác. Kết quả là các ngành sản xuất khác sẽ bị thu nhỏ lại
để ngành sản xuất X có thể phát triển.
Song hậu quả của việc này không chỉ dừng lại với việc di
chuyển của cải hay lợi nhuận hay với việc các ngành sản
xuất khác phải thu nhỏ một lượng tương đương với mức mở
rộng của ngành sản xuất X. Kết quả còn là việc vốn đầu tư
và lao động bị ngăn không được đưa vào những ngành sản
xuất nơi chúng có thể được sử dụng một cách có hiệu quả
hơn. Thay vào đó, chúng bị đưa vào những ngành sản xuất
nơi chúng sẽ bị sử dụng một cách kém hiệu quả hơn. Lượng
của cải tạo ra sẽ giảm. Mức sống bình quân sẽ thấp hơn so
với mức nó có thể đạt được trong trường hợp không có
những chính sách can thiệp. Đây chính là các thiệt hại xét
trên tầm quốc gia.
* *
*
Những kết quả này thực ra có thể được nhìn thấy ngay
trong những lý luận ủng hộ việc trợ cấp cho ngành sản xuất
X. Ngành sản xuất X đang bị thu nhỏ hay sắp phải đóng cửa
vì sự cạnh tranh của các ngành khác. Tại sao ta phải dùng
các biện pháp can thiệp để duy trì nó? Quan niệm cho rằng
trong một nền kinh tế phát triển, mọi ngành sản xuất đều
phải phát triển là một sai lầm nghiêm trọng. Để các ngành
sản xuất mới có thể đạt được một tốc độ phát triển nhanh, ta
thường phải để cho một số ngành công nghiệp cũ chết đi. Khi
điều này xảy ra, lượng vốn và lao động cần thiết từ các
ngành sản xuất cũ sẽ được chuyển sang cho các ngành sản
xuất mới. Nếu ngày xưa chúng ta cố duy trì các ngành sản
xuất cũ kỹ của thời kỳ xe ngựa lọc cọc, ta hẳn đã làm chậm
lại sự phát triển của các ngành sản xuất mới, ví dụ như sản
xuất xe hơi, cùng với các hoạt động kinh doanh khác phụ
thuộc vào những ngành này. Chúng ta hẳn đã làm giảm đi
lượng của cải được tạo ra và làm chậm lại các tiến bộ kinh tế
và khoa học kỹ thuật.
Ngày nay, chúng ta có thể phạm phải các sai lầm tương
tự nếu chúng ta cố gắng níu kéo sự tồn tại để một ngành sản
xuất nào đó, nhằm bảo vệ lượng vốn đã được đầu tư và
những lao động đã được đào tạo trong ngành sản xuất đó.
Mặc dù một số người có thể thấy điều này đầy mâu thuẫn,
nhưng thực tế là để duy trì một nền kinh tế khỏe mạnh, ta
phải để các ngành sản xuất đang tàn lụi chết đi để các ngành
sản xuất đang phát triển được tiếp tục mở rộng. Điều thứ hai
chỉ có thể xảy ra khi điều thứ nhất được thực hiện. Việc cố
gắng duy trì những ngành sản xuất lỗi thời hay duy trì những
phương pháp sản xuất cũ kỹ - hai cách khác nhau để mô tả
cùng một sự việc - là một điều ngu ngốc. Để các nhu cầu cũ
và mới của con người có thể được đáp ứng ngày càng tốt
hơn, các phương pháp sản xuất cũ kỹ phải thường xuyên
được thay thế bởi những phương pháp tiên tiến hơn.
Chương XV: Cơ chế hoạt động của hệ thống giá
Luận điểm chủ đạo của cuốn sách này có thể được tóm
tắt trong một câu: khi nghiên cứu các tác động của bất kỳ
một đề xuất kinh tế nào, chúng ta phải xem xét không chỉ
những tác động tức thời hay ngắn hạn mà cả những tác động
dài hạn, không chỉ các tác động trực tiếp mà cả các tác động
gián tiếp, không chỉ các tác động đối với một nhóm lợi ích cá
biệt nào đó mà trên tất cả mọi người. Chính vì thế, việc
chúng ta chỉ tập trung sự chú ý của mình đến một điểm nhất
định nào đó, ví dụ như quan tâm đến một ngành sản xuất
nhất định mà không xem xét những gì đang xảy ra trong các
ngành nghề khác, sẽ là ngu ngốc và dễ dẫn đến những nhận
định sai lầm. Chính thói lười biếng cố hữu này - chỉ chịu xem
xét mọi sự trong một ngành hay quy trình sản xuất nào đó –
đã tạo ra phần lớn các nguỵ biện trong kinh tế học. Các luận
chứng này không chỉ xuất hiện trong lý luận của những
người được thuê làm đại diện cho những nhóm lợi ích kinh tế
cụ thể mà còn tồn tại trong lập luận của một số nhà kinh tế
học vốn được xem là uyên bác.
Chính việc không xem xét vấn đề một cách tổng thể đã
trở thành nền tảng cho trường phái “sản xuất phục vụ tiêu
dùng chứ không phục vụ cho lợi nhuận”, vốn luôn phản đối
mạnh mẽ cái mà nó gọi là “hệ thống giá” xấu xa. Những
người theo trường phái này tuyên bố rằng vấn đề sản xuất
đã được giải quyết. (Sai lầm lớn này, như chúng ta sẽ xem
xét ở phần sau, cũng là điểm khởi đầu của đa số các ý kiến
gàn dở trong kinh tế học ngày nay và của những kẻ bịp bợm
luôn muốn truyền bá tư tưởng “chia sẻ của cải”.) Họ cho
rằng các nhà khoa học, các chuyên gia về hiệu năng sản
xuất, các kỹ sư, các kỹ thuật viên, v.v… đã giải quyết xong
vấn đề này. Họ có thể sản xuất ra bất kỳ điều gì bạn muốn
với số lượng không hạn chế. Nhưng hỡi ôi, thế giới này được
cai trị không phải bởi các kỹ sư chỉ nghĩ đến vấn đề sản xuất
mà bởi các doanh nhân chỉ nghĩ đến lợi nhuận. Các doanh
nhân thuê các kỹ sư làm những gì họ muốn thay vì ngược lại.
Họ sẽ tạo ra bất kỳ thứ gì có thể đem lại cho họ lợi nhuận,
nhưng khi thứ này không đem lại cho họ lợi nhuận nữa,
những doanh nhân độc ác này sẽ ngừng sản xuất chúng, cho
dù nhu cầu của nhiều người vẫn chưa được thỏa mãn, cho dù
cả nhân loại có kêu khóc đòi thêm những sản phẩm đó.
Có quá nhiều sai lầm trong quan điểm vừa nêu trên đến
mức chúng ta không thể cùng một lúc chỉ ra tất cả. Nhưng
sai lầm chính, điều mà chúng ta đã đề cập đến, là việc họ chỉ
xem xét một ngành sản xuất hoặc lần lượt xem xét một số
ngành nhất định như thể chúng tồn tại đơn lẻ một mình và
không liên quan đến các ngành sản xuất khác. Trên thực tế,
mỗi ngành sản xuất đều tồn tại trong mối quan hệ với mọi
ngành khác, và mỗi quyết định quan trọng được đưa ra trong
ngành này đều ảnh hưởng đến và bị ảnh hưởng bởi những
quyết định được đưa ra trong các ngành khác.
Ta sẽ thấy điều này rõ hơn nếu hiểu được vấn đề chung
mà toàn bộ các hoạt động kinh doanh phải cùng giải quyết.
Để thực sự đơn giản hóa, chúng ta hãy cùng xem xét vấn đề
mà Robinson Crusoe3 phải đối diện trên hoang đảo. Thoạt
đầu, những gì anh ta cần dường như vô hạn: anh ta bị ướt
sũng vì nước mưa; anh ta run rẩy vì lạnh; anh ta bị đói và
khát. Anh ta cần mọi thứ: nước uống, đồ ăn, nơi ẩn náu để
tránh thú dữ, lửa, và một chỗ nào đó có thể nằm xuống và
ngủ được. Anh ta không thể giải quyết được tất cả các vấn
đề này cùng một lúc bởi không có đủ thời gian, sức khỏe và
những nguồn lực khác. Anh ta trước tiên phải làm điều mà
mình cần nhất. Hiện giờ, vấn đề lớn nhất của anh ta là khát.
Anh ta sẽ phải đào một hố trên đất để chứa nước mưa, hoặc
dựng nên một loại bể chứa thô sơ. Khi anh ta đã có một
lượng nước tạm đủ, thay vì tiếp tục tìm cách cải thiện công
cụ chứa nước của mình, anh ta phải ngay lập tức chuyển
sang đi kiếm thức ăn. Anh ta có thể tìm cách câu cá, song để
làm được việc này, anh ta cần phải có lưỡi câu và dây câu
hoặc một cái lưới. Vì vậy, anh ta phải bắt đầu tìm cách tạo ra
những thứ này. Những việc phải làm ngay sẽ khiến anh ta trì
hoãn một số việc khác ít khẩn cấp hơn. Anh ta liên tục giải
quyết vấn đề sử dụng thời gian và lao động của mình trong
các phương án khác nhau.
Gia đình Robinson từ Thụy Sỹ4 , khi bị dạt lên hoang
đảo, có lẽ sẽ thấy vấn đề này dễ giải quyết hơn một chút.
Tuy có nhiều miệng ăn, họ cũng có nhiều tay làm hơn. Gia
đình có thể thực hiện việc phân công và chuyên môn hóa lao
động. Cha đi săn; mẹ nấu ăn; lũ trẻ đi kiếm củi. Nhưng gia
đình này cũng không thể để cho một thành viên cứ làm mãi
một việc mà không biết so sánh giữa tính cấp thiết của công
việc người đó đang làm với những công việc khác vẫn chưa
được làm. Khi lũ trẻ đã kiếm được một lượng củi nhất định,
chúng không nên cứ tiếp tục làm việc này. Đã đến lúc một
đứa phải được sai đi kiếm nước. Gia đình này cũng liên tục
phải giải quyết vấn đề lựa chọn như thế nào trong các
phương án khác nhau về việc sử dụng lao động và nếu may
mắn họ có thêm các phương tiện khác như súng săn, cần câu
cá, thuyền, rìu, hay cưa v.v. họ sẽ lại phải giải quyết vấn đề
lựa chọn giữa các phương án khác nhau về việc sử dụng cả
lao động lẫn phương tiện sản xuất. Sẽ thật là ngốc nghếch
nếu các thành viên chịu trách nhiệm kiếm củi trong gia đình
trách một thành viên khác, người có nhiệm vụ bắt cá, là đã
không giúp họ để có thể kiếm được nhiều củi hơn thay vì việc
đã bắt được những con cá cho bữa tối của gia đình. Trong hai
trường hợp này, khi có một cá nhân hay một gia đình biệt
lập, chúng ta có thể thấy rõ rằng một công việc chỉ có thể
được tăng lên khi một công
việc khác bị giảm đi.
Những ví dụ đơn giản như thế này thường bị chế giễu là
“kinh tế học kiểu Crusoe”. Thật không may, chính những
người hay cười giễu nhất lại là những người cần học lại chúng
nhất, những người không hiểu được nguyên tắc nền tảng
được hàm chứa trong những ví dụ đơn giản, hay những
người hoàn toàn quên mất nguyên tắc này khi họ phải xem
xét những vấn đề lớn và phức tạp hơn trong nền kinh tế của
xã hội hiện đại.
* *
*
Bây giờ chúng ta hãy xem xét một xã hội kinh tế hiện đại
như vậy. Làm thế nào để giải quyết được vấn đề chọn lựa
giữa các phương án khác nhau nhằm sử dụng lao động và
vốn sản xuất để thỏa mãn hàng ngàn nhu cầu và mong
muốn với các mức độ cấp bách khác biệt trong xã hội đó?
Vấn đề này được giải quyết nhờ hệ thống giá, thông qua
những mối quan hệ luôn biến động giữa các mức chi phí sản
xuất, các mức giá cả, và các mức lợi nhuận.
Các mức giá sản phẩm được thiết lập dựa trên mối quan
hệ giữa cung và cầu, và đến lượt, tác động ngược trở lại đến
cung và cầu. Khi mọi người có nhu cầu cao hơn về một sản
phẩm, họ sẽ trả thêm tiền để có nó. Giá sản phẩm đó sẽ
tăng. Điều này sẽ làm tăng lợi nhuận cho những người làm
ra sản phẩm đó. Do việc sản xuất sản phẩm đó đem lại nhiều
lợi nhuận hơn so với các sản phẩm khác, các nhà sản xuất
sản phẩm đó sẽ mở rộng sản xuất và sẽ có thêm nhiều người
khác tham gia vào ngành này. Lượng cung tăng lên sẽ khiến
cho giá sản phẩm và mức lợi nhuận biên (phần lợi nhuận cao
hơn so với mức lợi nhuận bình quân) giảm dần, cho đến khi
mức lợi nhuận trong ngành này một lần nữa quay trở lại mức
lợi nhuận bình quân (có tính đến cả các rủi ro có liên quan)
của các ngành sản xuất. Hoặc cầu của sản phẩm đó có thể
giảm; hoặc cung của sản phẩm đó có thể tăng tới khi giá của
nó giảm đến một mức mà tại đó, việc sản xuất sản phẩm
này đem lại ít lợi nhuận hơn so với các sản phẩm khác; hoặc
việc sản xuất bắt đầu bị thua lỗ. Khi những điều này xảy ra,
những nhà sản xuất “cận biên”, nghĩa là những nhà sản xuất
có hiệu suất thấp nhất hay những người có chi phí sản xuất
cao nhất, sẽ phải ngừng sản xuất. Sản phẩm này giờ đây sẽ
chỉ được sản xuất bởi những nhà sản xuất có hiệu suất cao
hơn và do đó, có chi phí sản xuất thấp hơn. Cung của sản
phẩm đó sẽ giảm đi hoặc chí ít là ngừng tăng.
Quy trình này là lý do khiến nhiều người nghĩ rằng giá cả
được quyết định bởi các mức chi phí sản xuất. Luận thuyết
này không đúng khi được trình bày theo dạng này. Giá sản
phẩm do cung và cầu quyết định, và cầu được quyết định bởi
việc mọi người muốn có một sản phẩm đến mức nào và họ
có gì để đổi lấy nó. Đúng là cung được quyết định một phần
bởi các mức chi phí sản xuất, song chi phí sản xuất của một
sản phẩm trong quá khứ không thể quyết định giá trị của nó.
Giá trị của nó sẽ phụ thuộc vào mối tương quan trong hiện
tại giữa cung và cầu. Nhưng những kỳ vọng của các doanh
nghiệp về chi phí sản xuất và mức giá của sản phẩm đó
trong tương
lai sẽ quyết định sản lượng trong tương lai của sản phẩm đó.
Điều này sẽ ảnh hưởng đến cung trong tương lai. Vì vậy,
mức giá và mức chi phí sản xuất cận biên của sản phẩm luôn
có xu hướng trở nên cân bằng với nhau, song điều này có
nghĩa là giá sản phẩm được quyết định trực tiếp bởi mức chi
phí sản xuất cận biên của sản phẩm.
Hệ thống kinh tế tư nhân, vì vậy, có thể được so sánh với
hàng ngàn chiếc máy, mỗi cái đều có bộ phận điều hành bán
tự động. Song vì tất cả chiếc máy này và các bộ phận điều
hành của chúng đều được kết nối và có ảnh hưởng đến nhau,
chúng hoạt động như một cỗ máy lớn. Đa số chúng ta đều đã
nhìn thấy bộ phận điều hành tự động của các động cơ hơi
nước. Nó thường có hai quả bóng được gắn vào một trục và
hoạt động nhờ vào lực ly tâm. Khi tốc độ của động cơ tăng
lên, hai quả bóng này sẽ quay văng ra xa khỏi trục và tự
động khép van nhiên liệu có chức năng điều chỉnh lượng khí
được dẫn vào động cơ. Vì vậy, động cơ sẽ giảm tốc độ. Nếu
động cơ hoạt động quá chậm, hai quả bóng sẽ ngừng quay
và rơi xuống, khiến cho van được mở rộng và làm cho động
cơ của máy tăng lên. Vậy là mỗi lần tốc độ máy dịch chuyển
khỏi mức phù hợp, nó sẽ tạo ra những lực tác động nhằm
điều chỉnh chính sự dịch chuyển này.
Cung của hàng ngàn sản phẩm khác nhau cũng được
điều khiển theo cách này trong hệ thống kinh tế tư nhân
mang tính cạnh tranh. Khi mọi người muốn có nhiều hơn một
sản phẩm nào đó, họ sẽ đưa ra các mức giá cạnh tranh và
điều này sẽ khiến giá sản phẩm tăng. Lợi nhuận của các nhà
sản xuất sản phẩm đó sẽ tăng lên. Điều này sẽ kích thích họ
mở rộng sản xuất và khiến một số người khác ngừng sản
xuất những sản phẩm khác và bắt đầu sản xuất sản phẩm
này để thu lợi nhuận cao hơn. Song điều này sẽ làm tăng
cung của sản phẩm đó và đồng thời giảm cung của một số
sản phẩm khác. Vì vậy, giá của sản phẩm đó sẽ giảm so với
giá của các sản phẩm khác. Các động lực kích thích việc mở
rộng sản xuất sản phẩm đó sẽ biến mất.
Cũng tương tự như vậy, khi cầu đối với một sản phẩm
nào đó giảm, giá của sản phẩm đó và lợi nhuận thu được từ
việc sản xuất nó sẽ giảm, và việc sản xuất sản phẩm đó sẽ
bị thu hẹp.
Đây chính là điều gây ra sự phẫn nộ ở những người
không hiểu “hệ thống giá” mà họ phản đối. Họ cho rằng hệ
thống này gây ra sự khan hiếm. Họ hỏi tại sao các nhà sản
xuất giày lại phải giảm sản lượng khi việc tăng sản lượng
không đem lại lợi nhuận? Tại sao các nhà sản xuất chỉ nghĩ
đến lợi nhuận của mình? Tại sao họ lại phải tuân theo thị
trường? Tại sao họ không sản xuất giày “theo hết năng suất
của các quy trình công nghệ hiện đại”? Những người theo
chủ nghĩa “sản xuất phục vụ tiêu dùng” kết luận: hệ thống
giá và kinh tế tư nhân chỉ là một dạng “kinh tế học khan
hiếm”.
Những câu hỏi và kết luận này xuất phát từ việc họ chỉ
xem xét một cách tách biệt một ngành sản xuất nào đó, hay
là chỉ nhìn thấy cái cây mà bỏ qua khu rừng. Việc sản xuất
giày là quan trọng cho đến một mức độ nào đó, song bên
cạnh giày ta cũng phải sản xuất áo khoác, áo sơmi, quần
tây, nhà cửa, nhà máy, cầu đường, v.v… Sẽ thật là ngu ngốc
nếu ta cứ tiếp tục sản xuất hàng núi giày thừa chỉ vì ta có
thể sản xuất thêm, trong khi hàng trăm nhu cầu khác chưa
được đáp ứng.
Trong một nền kinh tế ở trạng thái cân bằng, bởi các yếu
tố sản xuất luôn có hạn, một ngành sản xuất chỉ có thể mở
rộng khi những ngành sản xuất khác bị thu
hẹp. Một ngành sản xuất chỉ có thể mở rộng bằng cách thu
hút lao động, mặt bằng và vốn đầu tư mà đáng lẽ sẽ được
dùng cho các ngành khác. Và khi một ngành sản xuất thu
hẹp hoặc ngừng tăng sản lượng, điều này không nhất thiết
có nghĩa là có sự sút giảm thật trong tổng sản lượng. Việc
thu nhỏ một ngành sản xuất ở điểm cân bằng có thể chỉ là
việc chuyển lao động và vốn sang các ngành sản xuất khác
để các ngành này có thể được mở rộng. Vì vậy, sẽ là sai nếu
ta kết luận rằng sự thu hẹp một ngành sản xuất cũng đồng
nghĩa với sự giảm sút tổng sản lượng của nền kinh tế.
Tóm lại, mọi thứ đều được tạo ra nhờ những thứ khác
không được tạo ra. Trên thực tế, các mức chi phí sản xuất có
thể được định nghĩa bằng những thứ phải từ bỏ (thời gian
rảnh rỗi, nguyên nhiên vật liệu và các phương án sử dụng
khác) để có được thứ được tạo ra.
Chính vì vậy, để duy trì một nền kinh tế khỏe mạnh, việc
ta cho phép các ngành sản xuất đang tàn lụi chết đi cũng
quan trọng như việc cho phép các ngành sản xuất đang phát
triển được tiếp tục mở rộng, bởi các ngành sản xuất đang tàn
lụi sử dụng lượng lao động và vốn đầu tư mà đáng lẽ nên
dành cho các ngành sản xuất đang phát triển. Hệ thống giá -
đối tượng của nhiều sự gièm pha – chính là điều có thể giúp
giải quyết được vấn đề vô cùng phức tạp của việc quyết định
mối tương quan về sản lượng giữa hàng ngàn loại hàng hóa
và dịch vụ khác nhau. Những vấn đề đáng nhẽ sẽ khiến ta
đau đầu hầu như được tự động giải quyết nhờ hệ thống các
mức giá, các mức lợi nhuận và các mức chi phí. Chúng được
giải quyết tốt hơn vô vàn lần so với điều mà bất kỳ một
nhóm công chức quản lý kinh tế nào của chính phủ có thể
làm được. Qua hệ thống này, mỗi người tiêu dùng với nhu
cầu riêng của mình sẽ tạo ra ảnh hưởng trực tiếp hàng ngày
lên nền kinh tế; trong khi các công chức quản lý kinh tế lại
giải quyết vấn đề bằng cách tạo ra cho người tiêu dùng
không phải những gì bản thân những người tiêu dùng thực
sự cần mà là những gì các công chức này nghĩ rằng người
tiêu dùng cần.
Mặc dù không hiểu được khả năng tự điều chỉnh của thị
trường, song các công chức quản lý kinh tế không thích điều
này và vì thế luôn cố gắng tìm cách thay đổi hay sửa chữa
nó, thường nhằm phục vụ lợi ích của một nhóm lợi ích luôn
phàn nàn và gây áp lực nào đó. Trong các chương sau, ta sẽ
cùng xem xét một số hậu quả mà sự can thiệp của họ mang
lại.
Chương XVI: “Bình ổn” giá hàng hóa
Các nỗ lực nhằm nâng giá một số mặt hàng nhất định lên
trên mức giá tự nhiên của thị trường một cách vĩnh viễn
thường thất bại một cách thảm hại và gây nhiều tai tiếng.
Chính vì thế, những đối tượng khôn ngoan, khi muốn gây áp
lực tăng giá, cũng như những nhà quản lý kinh tế cùng hợp
tác với họ, thường tránh không tuyên bố rõ ràng mục tiêu
của mình. Các mục tiêu mà họ đưa ra, đặc biệt là khi được
đệ trình để yêu cầu sự can thiệp của chính phủ, thường là
những mục tiêu rất khiêm tốn và tỏ ra chính đáng.
Họ sẽ nói rằng họ không có ý định tăng giá mặt hàng X
lên trên mức giá tự nhiên một cách vĩnh viễn. Họ công nhận
rằng việc đó sẽ là không công bằng đối với người tiêu dùng.
Nhưng hiện giờ, mặt hàng X đang được bán ở mức thấp hơn
nhiều so với mức giá tự nhiên. Các nhà sản xuất không thể
tái sản xuất và sẽ phải ngừng sản xuất trừ khi chúng ta hành
động kịp thời. Đến lúc đó, mặt hàng X sẽ rơi vào tình trạng
khan hiếm và người tiêu dùng sẽ phải trả mức giá cao một
cách bất hợp lý. Mức giá thấp mà người tiêu dùng đang được
hưởng sẽ khiến họ phải chịu những mức giá cao hơn nhiều
sau này, bởi vì những mức giá thấp mang tính “tạm thời”
trong hiện tại không thể tồn tại lâu được. Chúng ta không
thể ngồi chờ cái được gọi là các động lực tự nhiên của thị
trường hay các quy luật “mù lòa” của cung cầu xử lý tình
hình này bởi đến lúc đó thì các nhà sản xuất đã phá sản và
chúng ta sẽ phải chịu tình trạng khan hiếm trầm trọng.
Chính phủ phải hành động. Tất cả những gì chúng ta muốn
thực sự đạt được là xử lý những dao động điên cuồng và vô
nghĩa của giá cả. Chúng ta không nhằm tăng giá; chúng ta
chỉ muốn bình ổn giá mà thôi.
Những người này thường đề xuất một số cách thức khác
nhau để thực hiện. Một trong những cách hay được sử dụng
nhất là thông qua các khoản cho vay của chính phủ cho nông
dân để giúp họ không tung nông sản ra thị trường.
Các khoản cho vay đó thường được đề xuất trước quốc
hội với các lý do mà phần lớn mọi người sẽ thấy rất chính
đáng. Họ sẽ trình bày với quốc hội rằng nông sản của nông
dân bị đem ra bán ở thị trường cùng một lúc vào mùa thu
hoạch, và đây là thời điểm giá nông sản ở mức thấp nhất.
Các kẻ đầu cơ sẽ lợi dụng điều này để mua nông sản và giữ
chúng cho tới khi lương thực trên thị trường trở nên khan
hiếm hơn nhằm hưởng giá cao hơn. Nông dân sẽ bị thiệt hại.
Vì thế, ta cần can thiệp để những người nông dân, thay vì
những kẻ đầu cơ, bán được nông sản với một mức giá bình
quân cao hơn.
Lập luận này vô căn cứ cả về lý thuyết cũng như thực tế.
Các nhà đầu cơ phải chịu nhiều thóa mạ này thực chất không
phải là kẻ thù người của nông dân; họ là những người bảo vệ
lợi ích của nông dân. Các rủi ro xuất phát từ biến động của
giá nông sản phải được một ai đó gánh chịu. Trong nền kinh
tế hiện đại, những rủi ro này được gánh chịu chủ yếu bởi các
nhà đầu cơ chuyên nghiệp. Nói một cách tổng quan, các nhà
đầu cơ bảo vệ lợi ích riêng của mình càng tốt thì nông dân
càng được hưởng lợi, bởi các nhà đầu cơ phục vụ lợi ích riêng
của mình thông qua khả năng dự đoán giá trong tương lai
của họ. Các dự đoán của họ càng chính xác thì các dao động
về giá càng nhỏ.
Ngay cả nếu người nông dân tung toàn bộ số lúa mỳ của
mình ra thị trường trong vòng một tháng, giá lúa mỳ trong
tháng đó không nhất thiết phải thấp hơn so với mức giá của
bất kỳ một tháng nào khác (không tính chi phí kho chứa).
Các nhà đầu cơ, với hy vọng thu lợi nhuận, sẽ mua phần lớn
lượng nông sản họ muốn mua trong khoảng thời gian này.
Họ sẽ tiếp tục mua cho đến khi giá tăng lên đến một mức
nhất định mà tại đó họ thấy không còn khả năng kiếm lợi
nữa. Họ sẽ bán bất kỳ khi nào họ nghĩ việc giữ nông sản có
thể khiến họ bị lỗ. Kết quả là trong toàn bộ năm, giá nông
sản sẽ được giữ ổn định.
Chính nhờ sự tồn tại của những nhà đầu cơ chuyên
nghiệp, những người gánh chịu rủi ro từ sự dao động của giá,
mà nông dân không phải gánh chịu những rủi ro này. Người
nông dân có thể tự bảo vệ mình thông qua thị trường. Vì thế,
trong những điều kiện bình thường, khi các nhà đầu cơ làm
tốt công việc của mình, lợi nhuận của nông dân sẽ phụ thuộc
chủ yếu vào kỹ năng và sự chăm chỉ của họ trong hoạt động
sản xuất nông nghiệp chứ không vào những biến động của
thị trường.
Kinh nghiệm thực tế cho thấy, xét về bình quân, giá lúa
mỳ và các nông sản không mau hư hỏng khác không thay
đổi trong cả năm, ngoại trừ khoản chi phí cho kho chứa, lãi
suất và phí bảo hiểm. Trên thực tế, một số nghiên cứu cẩn
thận đã cho ta thấy rằng mức tăng giá bình quân hàng tháng
sau mùa thu hoạch không đủ để bù đắp chi phí kho chứa. Vì
vậy, các nhà đầu cơ thực ra đã hỗ trợ cho người nông dân.
Điều này tất nhiên không phải là ý định của các nhà đầu cơ;
nó chỉ là kết quả của xu hướng lạc quan quá mức rất thường
có ở họ. (Xu hướng này thường tồn tại trong những doanh
nhân theo đuổi những lĩnh vực có tính cạnh tranh cao: trái
ngược với chủ định của mình, các doanh nghiệp này lại chính
là những người thường hỗ trợ người tiêu dùng. Điều này đặc
biệt đúng khi có khả năng kiếm được lợi lớn thông qua đầu
cơ. Khi ta xét toàn bộ những người mua xổ số, ta thấy họ
mất tiền vì mỗi người trong số họ đều hy vọng một cách vô
căn cứ rằng mình sẽ được giải cao. Cũng tương tự như vậy,
người ta tính toán rằng tổng số vốn đầu tư và lao động đổ
vào việc khai thác vàng và dầu mỏ lớn hơn tổng giá trị của
lượng vàng và dầu mỏ khai thác được.)
Tình hình sẽ thay đổi khi chính phủ bước vào và mua
toàn bộ nông sản của nông dân hoặc cho họ vay tiền để giữ
lại lượng nông sản của họ. Điều này đôi khi được làm với một
lý do dường như rất chính đáng: nhằm duy trì “kho lương
thực ổn định”. Thế nhưng lịch sử của giá cả và lượng lương
thực được lưu chuyển qua năm cho ta thấy chức năng này đã
được đảm nhiệm rất tốt bởi các thị trường tư nhân tự do. Khi
chính phủ can thiệp vào, “kho lương thực ổn định” trở thành
một công cụ chính trị. Người nông dân được giúp đỡ, với
khoản tiền từ những người nộp thuế, để giữ lại nông sản của
mình một cách quá mức. Bởi họ muốn có được sự ủng hộ của
nông dân, các chính trị gia (người đưa ra các chính sách này)
hay các nhà quản lý kinh tế (người thực hiện các chính sách
này) luôn đặt mức giá đối với nông sản ở mức cao hơn so với
mức giá được đưa ra bởi tình hình cung cầu trên thị trường.
Điều này làm giảm sô lượng người mua hàng. “Kho lương
thực ổn định” vì thế thường có xu hướng trở thành kho lương
thực bất bình thường. Các lượng nông sản lớn bị giữ không
đem ra bán tại thị trường. Việc này sẽ tạo ra một mức giá
tạm thời cao hơn bình thường, song khi ta làm vậy, hậu quả
về sau thường là sự xuất hiện của một mức giá thấp nhiều so
với mức giá bình thường của thị trường, bởi vì sự khan hiếm
được tạo ra trong năm nay bằng cách giữ lại một phần nông
sản sẽ tạo ra một sự dư thừa cho năm sau.
Có lẽ chúng ta sẽ đi lạc đề nếu xem xét cụ thể điều gì đã
xảy ra khi chính sách này được áp dụng vào thực tế, chẳng
hạn thị trường bông của Mỹ5. Chúng ta giữ lại một lượng
bông tương đương với sản lượng của cả một năm trong các
kho chứa. Chúng ta đã phá hủy các thị trường nước ngoài
của sản phẩm bông của chúng ta và khuyến khích việc sản
xuất bông ở các nước khác. Mặc dù những người phản đối
chính sách hạn chế và cho vay của chính phủ đã dự đoán từ
trước những hậu quả này, khi chúng thực sự xảy ra, các nhà
quản lý kinh tế chịu trách nhiệm thản nhiên trả lời rằng đây
là điều sớm muộn cũng xảy ra.
Chính sách cho vay thường đi kèm với, hoặc sớm muộn
cũng dẫn đến, chính sách hạn chế sản xuất, hay chính sách
gây khan hiếm. Hầu như trong mọi nỗ lực “bình ổn” giá của
một mặt hàng nào đó, lợi ích của người sản xuất luôn được
đặt lên đầu. Mục tiêu thực sự là tạo ra một sự tăng giá ngay
lập tức. Để đạt được điều này, một sự hạn chế tương đương
về sản lượng sẽ được quy định đối với các nhà sản xuất chịu
sự quản lý của chính sách. Điều này sẽ gây ra ngay lập tức
một số tác động tiêu cực. Nếu chính sách kiểm soát có thể
được áp dụng trên quy mô quốc tế, tổng sản lượng của thế
giới sẽ bị cắt giảm. Người tiêu dùng trên thế giới sẽ có ít sản
phẩm để sử dụng hơn so với trường hợp không có chính sách
này. Thế giới sẽ bị nghèo đi một lượng tương đương. Bởi
người tiêu dùng bị bắt buộc phải trả mức giá cao hơn bình
thường, sức mua của họ đối với các sản phẩm khác sẽ giảm
đi một lượng tương đương.
* *
*
Những người ủng hộ việc hạn chế sản xuất thường đáp
lại rằng trong nền kinh tế thị trường, việc giảm sản lượng
sớm muộn cũng sẽ xảy ra. Song ở đây có một sự khác biệt
cơ bản, như chúng ta đã xem xét trong chương trước. Trong
nền kinh tế thị trường mang tính cạnh tranh, việc giảm giá
sẽ khiến những nhà sản xuất có mức chi phí cao và hiệu suất
thấp phải ngừng sản xuất. Ví dụ như với nông sản, những
nông dân phải ngừng sản xuất sẽ là những người có năng
suất thấp nhất hoặc trang thiết bị kém nhất hoặc canh tác
trên đất xấu. Những nông dân có năng suất cao và canh tác
trên đất tốt sẽ không phải hạn chế hoạt động sản xuất của
mình. Không những thế, nếu việc giảm giá là dấu hiệu của
việc giảm chi phí sản xuất bình quân, được thể hiện thông
qua việc các nguồn cung cấp được tăng lên, khi đó, việc các
nông dân có năng suất thấp và canh tác trên đất xấu phải
ngừng sản xuất sẽ giúp các nông dân có năng suất cao và
canh tác trên đất tốt mở rộng hoạt động sản xuất của mình.
Vì thế, về lâu dài, sản lượng của loại hàng hóa đó có thể sẽ
không bị giảm, và hàng hóa này lúc đó sẽ được sản xuất và
bán ở một mức giá thấp vĩnh viễn.
Nếu điều này xảy ra, những người tiêu dùng loại hàng
hóa đó vẫn được cung cấp một lượng hàng hóa nhiều như
trước đây. Nhưng nhờ mức giá thấp hơn, họ sẽ có dư một
khoản tiền, điều trước đây không xảy ra, để mua các hàng
hóa khác. Vì vậy, người tiêu dùng chắc chắn sẽ có lợi. Sự
tăng chi tiêu của người tiêu dùng trong các ngành sản xuất
khác sẽ làm tăng lượng việc làm trong các ngành này, và
chúng sẽ thu hút những người nông dân có năng suất thấp
đã phải ngừng sản xuất vào những ngành sản xuất mới, nơi
họ có thể làm việc với hiệu năng và thu nhập cao hơn.
Một sự hạn chế sản xuất áp dụng đồng đều theo tỷ lệ (để
quay lại đề tài về những chính sách can thiệp của chính phủ)
một mặt nghĩa là các nhà sản xuất có hiệu suất cao và chi
phí sản xuất thấp không được phép sản xuất ra sản lượng
mà họ có thể tạo ra ở mức giá thấp đó. Mặt khác, nó cũng có
nghĩa là các nhà sản xuất có hiệu suất thấp và chi phí sản
xuất cao vẫn được giúp để duy trì hoạt động sản xuất của
họ. Điều này sẽ làm tăng chi phí sản xuất bình quân của sản
phẩm. Nó sẽ được sản xuất với hiệu suất thấp hơn. Những
nhà sản xuất có hiệu suất thấp được giúp để tồn tại trong
ngành sẽ vẫn sử dụng đất đai, lao động và vốn mà đáng nhẽ
có thể được sử dụng theo những cách khác để đem lại nhiều
lợi nhuận hơn.
Thật vô nghĩa khi lý luận rằng ít nhất sự hạn chế sản
xuất cũng làm tăng giá nông sản và “nông dân có thêm sức
mua”. Lượng sức mua họ có thêm chính là lượng sức mua bị
lấy đi từ người tiêu dùng trong thành phố. (Chúng ta đã đề
cập đến điều này khi phân tích về mức giá tương đương.)
Việc chính phủ cho nông dân tiền để giúp họ hạn chế sản
xuất hoặc cung cấp cho họ cùng một lượng tiền để đổi lấy
một lượng nông sản ít hơn cũng giống như việc chính phủ
bắt người tiêu dùng hoặc người nộp thuế trả tiền cho những
người ăn không ngồi rồi. Trong cả hai trường hợp, những
người được hưởng lợi từ chính sách này sẽ có thêm “sức
mua”, song sẽ có những người khác mất đi lượng sức mua
tương đương. Thiệt hại cuối cùng đối với xã hội sẽ là thiệt hại
về sản xuất, bởi vì có một số người được hỗ trợ để không sản
xuất. Vì có ít hàng hóa hơn để phục vụ cho tiêu dùng trong
xã hội, mức lương thật và thu nhập thật sẽ giảm do thu nhập
tính ra tiền giảm hoặc do chi phí đời sống tăng.
Song nếu chính phủ cố gắng giữ giá một mặt hàng nông
sản nào đó và không quy định hạn chế sản lượng, lượng
hàng hóa dư thừa không bán được do giá quá cao sẽ ngày
càng lớn, cho đến khi thị trường của mặt hàng nông sản đó
sẽ bị sụp đổ ở mức độ nặng nề hơn nhiều so với trường hợp
không áp dụng chính sách kiểm soát từ đầu. Hoặc là các nhà
sản xuất không chịu sự quản lý của các chính sách này sẽ lợi
dụng việc tăng giá và tăng sản lượng của mình lên rất cao.
Đây là điều đã xảy ra đối với chương trình hạn chế sản lượng
cao su tại Anh và chương trình hạn chế sản lượng bông tại
Mỹ. Trong bất kỳ trường hợp nào, giá của mặt hàng này sau
đó sẽ bị tụt một cách thảm hại và trở nên thấp hơn nhiều so
với bình thường. Kế hoạch của chính phủ nhằm “bình ổn” giá
và các điều kiện trên thị trường sẽ khiến cho thị trường bất
ổn hơn rất nhiều so với điều mà các động lực tự do trên thị
trường có thể gây ra.
Thế nhưng những chính sách kiểm soát hàng hóa trên
quy mô quốc tế vẫn thường xuyên được đề xuất. Lần
này, họ nói rằng họ sẽ tránh được những sai lầm cũ. Lần này
họ sẽ cố định giá ở một mức “công bằng” đối với cả nhà sản
xuất và người tiêu dùng. Các quốc gia sản xuất và quốc gia
tiêu dùng sẽ biết điều và thỏa thuận với nhau để đưa ra các
mức giá công bằng này. Các mức giá cố định chắc chắn sẽ
dẫn đến việc phân chia và phân bổ một cách công bằng sản
xuất và tiêu dùng giữa các quốc gia, và chỉ những kẻ theo
chủ nghĩa hoài nghi mới cho rằng sẽ có những tranh chấp
quốc tế xuất phát từ điều này. Và cuối cùng, bởi một phép lạ
vĩ đại nhất, cái thế giới tràn đầy những sự kiểm soát và ép
buộc trên quy mô quốc tế ấy sẽ trở thành một thế giới
thương mại quốc tế “tự do”!
Tôi không hiểu các nhà hoạch định chính sách của chính
phủ muốn nói gì khi đề cập đến thương mại tự do trong
trường hợp này, song tôi biết rõ điều họ không quan tâm
đến. Họ không quan tâm đến quyền tự do của những con
người bình thường trong việc mua bán hay vay mượn ở bất
kỳ mức giá nào người ta thích và bất kỳ khi nào người ta
cảm thấy có lợi. Họ không quan tâm đến quyền tự do của
một thường dân trong việc sản xuất ra một sản phẩm nào
đó với sản lượng mình muốn, trong việc sản xuất hay ngừng
sản xuất, trong việc sử dụng vốn và các tài sản khác của
mình theo quyết định của mình. Tôi cho rằng điều họ quan
tâm đến là quyền tự do của các nhà quản lý kinh tế của nhà
nước trong việc quyết định những vấn đề này thay cho
những thường dân. Và họ hứa hẹn với những người dân này
rằng mức sống sẽ được cải thiện nếu ngoan ngoãn tuân theo
các nhà quản lý kinh tế. Song nếu những người hoạch định
chính sách thành công trong việc gắn kết ý tưởng về hợp tác
quốc tế với ý tưởng về sự tăng cường sự kiểm soát và thống
trị của chính phủ trong đời sống kinh tế, kiểm soát trên
phạm vi quốc tế trong tương lai dường như sẽ tiếp tục đi
theo con đường nó đã đi trong quá khứ, con đường dẫn đến
sự suy giảm mức sống và quyền tự do của những thường
dân.
Chương XVII: Sự định giá của chính phủ
Chúng ta đã xem xét một số tác động của việc chính phủ
định giá hàng hóa cao hơn mức bình thường trên các thị
trường tự do. Bây giờ, chúng ta sẽ xem xét hậu quả của việc
chính phủ định mức hàng hóa thấp hơn so với mức bình
thường trên thị trường.
Trong thời đại của chúng ta, hành động này lại được thực
hiện bởi phần lớn các chính phủ trong thời chiến. Trong
chương này, chúng ta sẽ không xem xét sự khôn ngoan của
chính phủ khi định giá hàng hóa trong thời chiến. Thời chiến,
toàn bộ nền kinh tế phải được kiểm soát, và chúng ta sẽ đi
quá xa khỏi khuôn khổ của cuốn sách nếu muốn xem xét
4
những yếu tố phức tạp của nền kinh tế trong thời chiến .
Nhưng tại hầu hết các quốc gia, việc chính phủ định giá
trong thời chiến, cho dù có khôn ngoan hay không, thường
được tiếp tục trong khoảng thời gian dài sau chiến tranh, khi
những lý do ban đầu được đưa ra để làm việc này không còn
tồn tại nữa.
Sự lạm phát trong thời chiến là lý do chính tạo ra sức ép
cho việc phải đưa ra những mức giá cố định. Tại thời điểm
cuốn sách này được viết, khi mọi quốc gia đều đang bị lạm
phát mặc dù phần lớn đang trong thời bình, việc kiểm soát
giá thường được nghĩ đến, ngay cả khi chúng chưa được áp
dụng. Dù các chính sách này luôn có hại, thậm chí là rất có
hại, về mặt kinh tế, chúng có ít nhất một lợi ích chính trị xét
từ phương diện của những người quản lý kinh tế. Chúng
khiến cho người dân nghĩ việc hàng hóa tăng giá là do sự
tham lam và bóc lột của các doanh nhân chứ không phải do
các chính sách tiền tệ gây lạm phát của chính những người
quản lý kinh tế và hoạch định chính sách.
Trước hết, chúng ta hãy cùng xem xét điều gì sẽ xảy ra
khi chính phủ cố gắng giữ giá của một hàng hóa hay một
nhóm hàng hóa thấp hơn mức bình thường trên thị trường
cạnh tranh tự do.
Khi chính phủ đưa ra mức giá trần cho một số mặt hàng,
họ thường chọn các nhu yếu phẩm nhằm đảm bảo rằng
người nghèo cũng có thể mua được những mặt hàng đó ở
một mức giá “hợp lý”. Hãy cùng giả sử rằng các mặt hàng
được chọn là bánh mỳ, sữa và thịt.
Lý luận được đưa ra để giải thích cho việc giữ giá của các
mặt hàng đó ở mức thấp sẽ như sau: nếu chúng ta để thị
trường tự do định giá thịt bò, giá thịt bò sẽ bị đẩy lên do
những đơn đặt hàng mang tính cạnh tranh và cuối cùng, chỉ
người giàu mới mua nổi thịt bò. Thịt bò sẽ được phân phối
không tương ứng với nhu cầu mà lại theo sức mua của mọi
người. Nếu chúng ta giữ giá thịt bò ở mức thấp, mọi người
đều sẽ có được phần thịt bò của mình.
Điều đầu tiên ta cần chú ý là: nếu lý luận này đúng thì
chính sách giữ giá thấp được áp dụng chỉ là một chính sách
nửa vời; bởi nếu họ nói rằng ở mức giá 2,25 cent một pound,
sự phân phối thịt bò bị quyết định bởi sức mua thay vì nhu
cầu, thì ở mức giá “trần” 1,5 cent một pound, điều quyết
định sự phân phối vẫn là sức mua, cho dù ở một mức độ
thấp hơn một chút, chứ không phải nhu cầu. Lý luận kiểu
“sức mua thay vì nhu cầu” này thực ra có thể được áp dụng
ở bất kỳ mức giá nào, trừ khi chúng ta không bán nữa mà
phát không thịt bò cho người dân.
Song lúc khởi đầu, các chính sách đưa ra mức giá trần
thường nhằm mục đích “giữ cho mức chi phí sinh hoạt không
tăng”, và những người ủng hộ các chính sách này cho rằng
có một điều gì đó “đặc biệt bình thường”, thậm chí là thiêng
liêng, trong mức giá thị trường tại thời điểm họ bắt đầu các
chính sách kiểm soát giá. Mức giá này - mức giá tại thời
điểm họ bắt đầu kiểm soát giá cả hoặc một mức giá trước đó
- sẽ được coi là “hợp lý”. Bất kỳ mức giá nào cao hơn thế sẽ
bị coi là “bất hợp lý” mà không xem xét đến những thay đổi
trong điều kiện sản xuất và mức nhu cầu trên thị trường kể
từ khi mức giá cố định được thiết lập.
* *
*
Để thảo luận vấn đề này, chúng ta không nên giả sử
rằng chính sách kiểm soát giá sẽ đưa ra một mức giá ngang
bằng mức giá của thị trường tự do, bởi điều này sẽ khiến cho
việc kiểm soát giá trở nên vô nghĩa. Chúng ta phải giả sử
rằng sức mua của dân chúng lớn hơn lượng hàng hóa có trên
thị trường, và rằng các mức giá đang bị chính phủ giữ ở mức
thấp hơn so với mức bình thường trên thị trường tự do.
Việc giữ giá của một hàng hóa thấp hơn mức giá của thị
trường sớm hay muộn sẽ dẫn đến hai điều sau. Điều thứ
nhất là cầu đối với loại hàng hóa đó sẽ tăng. Bởi mặt hàng
đó trở nên rẻ hơn, người dân sẽ muốn và có thể mua được
nhiều hơn. Điều thứ hai là cung của loại hàng hóa đó sẽ
giảm. Bởi dân chúng mua nhiều hơn, lượng sản phẩm đã
được tích trữ sẽ sớm bị bán hết. Bên cạnh đó, việc sản xuất
sẽ bị ảnh hưởng bởi mức lợi nhuận biên giảm đi hoặc không
còn nữa. Các nhà sản xuất có hiệu suất thấp sẽ ngừng sản
xuất. Ngay cả các nhà sản xuất có hiệu suất cao cũng có thể
phải chịu lỗ khi bán sản phẩm của mình. Điều này đã xảy ra
trong Thế Chiến II khi Văn phòng quản lý giá yêu cầu các cơ
sở giết mổ động vật thực hiện việc giết mổ và xử lý thịt với
mức giá thấp hơn chi phí mua vật nuôi sống và lương cho lao
động của họ.
Vì vậy, nếu chúng ta không tác động gì thêm khác, việc
cố định mức giá trần cho một loại hàng hóa nhất định sẽ tạo
ra sự khan hiếm loại hàng hóa đó. Nhưng đây là điều ngược
lại với những gì các nhà quản lý kinh tế của nhà nước muốn
đạt được từ đầu, bởi chính những mặt hàng họ lựa chọn để
cố định giá trần là những mặt hàng mà họ muốn có nhiều
trên thị trường. Nhưng khi họ làm giảm lương và thu nhập
của các nhà sản xuất ra những nhu yếu phẩm này mà không
làm giảm lương và lợi nhuận của các nhà sản xuất các mặt
hàng không quan trọng bằng (ví dụ như xa xỉ phẩm), họ trên
thực tế đã ngăn trở sự sản xuất các nhu yếu phẩm bị kiểm
soát giá và khuyến khích sự sản xuất của mặt hàng không
quan trọng bằng.
Sau một thời gian, các nhà quản lý kinh tế sẽ nhận ra
những hậu quả này và sẽ áp dụng các công cụ và chính sách
kiểm soát khác nhằm cứu vãn tình thế. Một số công cụ và
chính sách thường được sử dụng là chính sách phân phối
theo khẩu phần, chính sách kiểm soát chi phí đầu vào, trợ
cấp và kiểm soát giá của toàn bộ các loại hàng hóa. Chúng
ta hãy cùng xem xét các công cụ và chính sách này.
Khi sự khan hiếm của một loại hàng hóa nào đó trở nên
rõ ràng trên thị trường do việc áp đặt một mức giá thấp hơn
giá thị trường, những người tiêu dùng giàu có thường bị buộc
tội là đã mua “nhiều hơn phần hàng hóa mà họ đáng được
hưởng”. Trong trường hợp hàng hóa đó là nguyên vật liệu
phục vụ cho sản xuất, các nhà máy xí nghiệp sẽ bị buộc tội
là “tàng trữ quá mức” loại nguyên vật liệu này. Khi đó, chính
phủ sẽ áp dụng một số quy định liên quan đến việc ai sẽ
được ưu tiên mua hàng, hoặc loại hàng hóa đó sẽ được bán
cho từng đối tượng với số lượng như thế nào, hoặc nó sẽ
được phân phối ra sao. Nếu hệ thống phân phối được áp
dụng, mỗi người tiêu dùng sẽ chỉ được có một lượng nhất
định loại hàng hóa đó, cho dù người đó có thể và muốn mua
nhiều hơn.
Tóm lại, khi áp dụng hệ thống phân phối, chính phủ sẽ
sử dụng hệ thống giá kép, hay hệ thống tiền tệ kép.
Trong hệ thống này, mỗi người tiêu dùng phải có một lượng
phiếu hay “điểm” nhất định bên cạnh một lượng tiền thông
thường. Nói cách khác, chính phủ cố gắng làm một phần việc
mà thị trường tự do thường làm thông qua hệ thống giá. Tôi
nói “một phần” vì hệ thống phân phối chỉ hạn chế cầu mà
không khuyến khích cung, điều mà một mức giá cao hơn sẽ
đạt được.
Chính phủ cũng có thể cố gắng đảm bảo cung hàng hóa
thông qua việc kiểm soát cả chi phí đầu vào của sản xuất.
Để giữ giá bán lẻ thịt bò ở mức thấp, chính phủ có thể cố
định giá bán buôn của thịt bò, giá thịt bò của nhà giết mổ,
gia gia súc sống, giá thức ăn gia súc và lương cho những
người làm việc tại nông trang. Để giữ giá sữa giao tại nhà ở
mức thấp, chính phủ sẽ cố định lương của người lái xe chở
sữa, giá thuê thùng chứa, giá sữa của nông trang và giá thức
ăn cho bò. Để cố định giá bánh mỳ, chính phủ có thể cố định
lương của công nhân xưởng bánh, giá bột mỳ, mức lợi nhuận
của những người xay bột, giá lúa mỳ, v.v…
Nhưng khi chính phủ mở rộng việc cố định giá sang các
khâu trước của sản xuất, chính phủ cũng làm trầm trọng hơn
những hậu quả đã khiến họ phải áp dụng những biện pháp
mang tính cứu vãn này lúc ban đầu. Giả sử chính phủ quyết
tâm cố định các mức giá và lương và có đủ quyền lực để thực
hiện việc đó, chính phủ sẽ tiếp tục tạo ra sự khan hiếm đối
với nhiều thứ - lao động, thức ăn gia súc, lúa mỳ, hay bất kỳ
thứ gì cần thiết cho việc sản xuất ra sản phẩm cuối cùng. Vì
thế, chính phủ sẽ buộc phải kiểm soát ngày càng nhiều thứ
hơn, và kết cục sẽ giống như việc kiểm soát giá toàn bộ
hàng hóa.
Chính phủ cũng có thể cố gắng giải quyết những khó
khăn này thông qua các loại trợ cấp. Giả sử chính phủ nhận
ra rằng khi họ giữ giá sữa và bơ thấp hơn mức giá thị trường
hoặc thấp hơn mức chung của các mức giá cố định khác, bơ
và sữa có thể trở nên kham hiếm do lương và mức lợi nhuận
biên của những người trong ngành sản xuất sữa và bơ trở
nên thấp hơn so với các ngành sản xuất khác. Vì vậy, chính
phủ tìm cách bù đắp lại thiệt hại này thông qua những khoản
trợ cấp cho các nhà sản xuất sữa và bơ. Tạm thời bỏ qua
những khó khăn về mặt hành chính có liên quan và giả sử
rằng các khoản trợ cấp này đủ để duy trì mức sản xuất cần
thiết đối với sữa và bơ, điều ta cần chỉ ra là mặc dù các nhà
sản xuất được nhận trợ cấp, nhưng chính người tiêu dùng
mới là đối tượng thực sự được trợ cấp. Các nhà sản xuất
hoàn toàn không kiếm được nhiều hơn so với khi họ được
phép bán sản phẩm của mình theo giá thị trường tự do, song
người tiêu dùng được mua sữa và bơ với giá thấp hơn nhiều.
Họ được trợ cấp khoản chênh lệch giá đó thông qua những
khoản trợ cấp mà các nhà sản xuất nhận được.
Trừ khi loại hàng hóa được trợ cấp cũng được phân phối,
những người có sức mua lớn nhất sẽ mua được nhiều nhất.
Điều này có nghĩa là họ sẽ được trợ cấp nhiều hơn những
người có sức mua nhỏ hơn. Mức độ đánh thuế sẽ quyết định
ai là người trợ cấp cho người tiêu dùng, nhưng người dân, với
vai trò là người nộp thuế, sẽ trợ cấp cho chính bản thân mình
trong tư cách là người tiêu dùng. Không dễ gì có thể xác định
được một cách chính xác ai sẽ trợ cấp cho ai. Điều chúng ta
quên mất là các khoản trợ cấp cũng phải do một ai đó trả, và
xã hội chỉ có thể nhận được điều gì khi mất gì một cái gì đó.
**
*
Việc cố định giá trong một thời gian ngắn đôi khi có vẻ có
tác dụng, đặc biệt là trong thời chiến, khi nó được hỗ trợ bởi
lòng yêu nước và tình huống đặc biệt: chiến tranh. Nhưng
càng được áp dụng lâu, nó càng có nhiều vấn đề. Khi giá cả
bị tùy tiện giữ ở mức thấp hơn bởi sự can thiệp của chính
phủ, tình trạng cầu vượt cung sẽ trở nên mãn tính. Chúng ta
đã thấy rằng nếu chính phủ tìm cách giải quyết tình trạng
khan hiếm hàng hóa thông qua việc giảm giá thuê lao động,
giá nguyên vật liệu và giá các yếu tố đầu vào khác của sản
xuất, họ sẽ tiếp tục tạo ra sự khan hiếm các yếu tố này.
Song nếu theo đuổi chính sách đó, chính phủ sẽ phải mở
rộng sự kiểm soát giá của mình không chỉ theo “chiều dọc”
(để kiểm soát chi phí đầu vào của sản xuất, cho đến khi ra
sản phẩm cuối cùng) mà cả theo “chiều ngang”. Nếu ta tiến
hành phân phối một mặt hàng và dân chúng không thể thỏa
mãn nhu cầu của mình đối với mặt hàng đó cho dù vẫn còn
sức mua, họ sẽ quay sang sử dụng mặt hàng thay thế khác.
Nói cách khác, khi một mặt hàng trở nên khan hiếm, việc
phân phối mặt hàng đó sẽ gây áp lực đối với các mặt hàng
khác chưa được phân phối. Giả sử rằng chính phủ có thể
ngăn chặn được sự hình thành chợ đen (hay ít nhất là ngăn
chặn để nó không phát triển đến mức làm cho các mức giá
do chính phủ đưa ra trở thành vô nghĩa), việc kiểm soát giá
cả kéo dài sẽ khiến cho chính phủ ngày càng phải phân phối
nhiều mặt hàng hơn. Việc phân phối hàng hóa không thể níu
giữ được người tiêu dùng. Đây là điều đã xảy ra trong Thế
Chiến II. Trên thực tế, nó được áp dụng đầu tiên với các nhà
sản xuất trong việc phân bổ nguyên vật liệu thô.
Nói tóm lại, việc kiểm soát giá cả của toàn bộ nền kinh tế
bằng cách lấy một mức giá nào đó trong lịch sử làm mức giá
cố định cuối cùng sẽ dẫn đến sự hình thành một nền kinh tế
hoàn toàn tập trung. Mức lương cũng phải được giữ ở mức
thấp giống như mức giá. Lao động và nguyên vật liệu thô sẽ
đều phải được phân phối. Kết quả là chính phủ sẽ quyết định
không chỉ số lượng mỗi mặt hàng một người tiêu dùng có thể
có mà cả lượng nguyên vật liệu thô và lao động mỗi nhà sản
xuất có thể sử dụng. Việc tuyển dụng lao động hay mua
nguyên vật liệu mang tính cạnh tranh sẽ không còn được
chấp nhận nữa. Kết quả sẽ là một nền kinh tế mang tính độc
tài và ì trệ; mọi doanh nghiệp và người lao động đều phải
hoàn toàn phụ thuộc vào chính phủ; mọi quyền tự do truyền
thống mà chúng ta biết sẽ bị từ bỏ vĩnh viễn. Giống như lời
Alexander Hamilton trong tập Federalist Papers (Báo Người
liên bang) cách đây gần hai thế kỷ: “Quyền lực kiểm soát
nhu cầu thiết yếu đối với một người sẽ trở thành quyền lực
kiểm soát ý chí của người đó”.
**
*
Đây là kết quả của những gì thường được miêu tả là các
chính sách kiểm soát giá cả “hoàn hảo”, “lâu dài” và “phi
chính trị”. Như ta có thể thấy rõ ở nhiều quốc gia, đặc biệt là
tại châu Âu trong những năm sau Thế Chiến II, những sai
lầm chết người của các nhà quản lý kinh tế thường được
giảm nhẹ nhờ các hoạt động chợ đen. Tại một số nước, hoạt
động chợ đen phát triển và lấn át các mức giá chính thức do
chính phủ quy định cho đến khi hoạt động chợ đen trở thành
thị trường thực tế của quốc gia đó. Bằng việc giữ những mức
giá trần mang tính danh nghĩa, các nhà chính trị đang nắm
quyền cũng chứng tỏ được rằng ít nhất họ vẫn giữ đúng
đường lối của mình, cho dù họ không có khả năng thực hiện
điều đó.
Không phải vì cuối cùng hoạt động chợ đen trở nên mạnh
hơn các mức giá trần do chính phủ đưa ra mà ta có thể cho
rằng không có tổn hại gì. Ở đây, có những tổn hại cả về mặt
kinh tế cũng như về mặt tinh thần. Trong giai đoạn chuyển
tiếp, nhiều doanh nghiệp lớn và lâu đời với lượng vốn đầu tư
lớn và hoạt động kinh doanh phụ thuộc nhiều vào sự giữ gìn
uy tín của mình trong cộng đồng đã bị bắt buộc phải hạn chế
hoặc ngừng sản xuất. Vị trí của họ bị thay thế bởi những
doanh nghiệp không có uy tín với lượng vốn và kinh nghiệm
sản xuất nhỏ bé. Các doanh nghiệp này có hiệu suất thấp
hơn những doanh nghiệp họ thay thế. Họ sản xuất ra hàng
hóa và dịch vụ có chất lượng và độ tín nhiệm thấp với chi phí
sản xuất cao hơn nhiều so với mức chi phí của các doanh
nghiệp cũ. Sự gian dối được đánh giá cao. Các doanh nghiệp
mới tồn tại do họ sẵn sàng vi phạm luật pháp; khách hàng
của họ hỗ trợ họ để cùng lách luật; điều đương nhiên sẽ xảy
ra là sự suy giảm đạo đức nghề nghiệp và lòng tin trong mọi
hoạt động kinh tế.
Hơn nữa, khi những người có quyền lực quyết định đưa
ra các mức giá cố định, họ hiếm khi chỉ duy trì các mức giá
đang tồn tại ở thời điểm khi họ bắt đầu áp dụng chính sách.
Họ thường tuyên bố rằng mục đích của họ là nhằm “duy trì
các mức giá cố định này”. Song dưới vỏ bọc của việc “xử lý
các bất công” hay “bất bình đẳng xã hội”, họ bắt đầu thực
hiện việc phân tầng mức giá ấn định nhằm đem lại lợi ích
nhiều hơn cho các nhóm cá thể có quyền lực chính trị, và ít
nhất cho các nhóm khác.
Bởi quyền lực chính trị ngày nay thường được đo qua việc
bỏ phiếu, các nhóm cá thể thường được những người có
quyền lực ưu tiên là nông dân và công nhân. Đầu tiên, họ lý
luận rằng lương và chi phí cho cuộc sống không liên quan
đến nhau, và ta có thể tăng lương mà không gây tăng giá.
Khi mọi người đều thấy rõ rằng việc tăng lương cũng đồng
nghĩa với việc giảm lợi nhuận, những người quản lý kinh tế
lại lý luận rằng mức lợi nhuận hiện tại là quá cao, và ta vẫn
có thể đảm bảo một “mức lợi nhuận hợp lý” nếu tăng lương
và giữ nguyên giá sản phẩm. Bởi trên thực tế không bao giờ
tồn tại một mức lợi nhuận chung cho tất cả mọi người - mỗi
doanh nghiệp có một mức lợi nhuận riêng - chính sách này
sẽ khiến cho các doanh nghiệp có mức lợi nhuận thấp nhất
phải ngừng sản xuất, và làm giảm, thậm chí là ngừng, việc
sản xuất một số sản phẩm. Điều này sẽ dẫn đến nạn thất
nghiệp, thu hẹp sản xuất và giảm mức sống.
* *
*
Gốc rễ của các cố gắng nhằm áp dụng mức giá trần là gì?
Trước hết, đó là sự hiểu lầm các yếu tố dẫn đến việc tăng
giá. Nguyên nhân thực là sự khan hiếm hàng hóa hoặc sự dư
thừa tiền tệ. Việc quy định các mức giá trần không thể giải
quyết được cả hai vấn đề này. Trên thực tế, như chúng ta đã
xem xét, nó chỉ khiến tình trạng khan hiếm hàng hóa thêm
nghiêm trọng. Trong chương tới, chúng ta sẽ thảo luận về
việc phải làm gì với tình trạng dư thừa tiền tệ. Nhưng một
trong những sai lầm dẫn đến việc áp dụng mức giá cố định
chính là chủ đề chính của cuốn sách này. Các kế hoạch nhằm
tăng giá một số mặt hàng được ưu tiên là kết quả của việc
chỉ nghĩ đến lợi ích của các nhà sản xuất có liên quan trực
tiếp và quên mất lợi ích của người tiêu dùng. Tương tự như
vậy, các kế hoạch của chính phủ nhằm áp dụng mức giá thấp
là kết quả của việc chỉ nghĩ đến lợi ích của người tiêu dùng
và quên mất lợi ích của nhà sản xuất. Sự ủng hộ của chính
phủ đối với những chính sách này cũng xuất phát từ sự nhầm
lẫn trong đầu óc của người dân. Họ không muốn trả thêm
tiền để mua sữa, bơ, giày, đồ gỗ, tiền thuê nhà, vé xem
phim hay kim cương. Bất kỳ khi nào giá của bất kỳ mặt hàng
nào tăng lên so với trước đây, họ đều phẫn nộ và cảm thấy
mình bị lừa đảo.
Ngoại lệ duy nhất ở đây là những mặt hàng do chính
người đó sản xuất ra. Trong trường hợp này, người đó hiểu lý
do và tầm quan trọng của việc tăng giá. Người này thường
coi ngành sản xuất của mình là một ngoại lệ và nói: “Ngành
sản xuất của tôi rất đặc biệt. Mọi người không hiểu được nó.
Chi phí cho lao động đã tăng; giá nguyên vật liệu đã tăng;
loại nguyên liệu thô này không còn được nhập khẩu nữa và
vì thế phải được sản xuất trong nước với giá cao hơn. Hơn
nữa, nhu cầu đối với loại hàng hoá này đã tăng lên. Ta cần
được phép đưa ra một mức giá phù hợp để kích thích mở
rộng sản xuất nhằm đáp ứng cho nhu cầu này, v.v… và
v.v…” Mỗi người tiêu dùng mua hàng trăm sản phẩm khác
nhau; mỗi nhà sản xuất thường sản xuất chỉ một loại hàng
hóa. Người đó có thể thấy được sự bất công trong việc giữ
giá của loại
hàng hóa đó ở mức thấp. Và cũng như mỗi nhà sản xuất
muốn sản phẩm của mình được bán với giá cao hơn, mỗi
người lao động cũng muốn được trả lương cao hơn. Mỗi
người, với vai trò là nhà sản xuất, đều thấy rằng việc kiểm
soát giá sẽ ngăn cản sự sản xuất trong ngành của mình,
song hầu như không ai chịu áp dụng điều này cho các ngành
sản xuất khác, bởi nó có nghĩa là người đó sẽ phải trả thêm
tiền cho các sản phẩm của người khác.
Nói tóm lại, mỗi chúng ta là một cá thể kinh tế đa nhân
cách. Mỗi người chúng ta vừa là nhà sản xuất, vừa là người
nộp thuế, vừa là người tiêu dùng. Những chính sách mỗi
người trong chúng ta ủng hộ sẽ tùy thuộc vào việc tại thời
điểm đó, chúng ta nhìn nhận mình theo vai trò nào. Một
người lúc là Tiến sỹ Jekyll, lúc lại là ông
Hyde. Là nhà sản xuất, người đó muốn lạm phát (chỉ nghĩ
chủ yếu đến các dịch vụ hay sản phẩm của mình); là người
tiêu dùng, người đó muốn các mức giá trần (chỉ nghĩ chủ yếu
đến lượng tiền mình sẽ phải trả để mua các sản phẩm của
người khác). Là người tiêu dùng, người đó có thể ủng hộ hay
ưng thuận các khoản trợ cấp; là người nộp thuế, người đó sẽ
không muốn phải chi trả cho các khoản này. Mỗi người đều
muốn rằng mình có thể ảnh hưởng đến các thế lực chính trị
để được hưởng lợi từ việc tăng giá sản phẩm của mình (trong
khi chi phí nguyên vật liệu đầu vào được chính phủ giữ ở
mức giá thấp), đồng thời hưởng lợi từ các mức giá được kiểm
soát, với tư cách là một người tiêu dùng. Nhưng phần lớn
chúng ta chỉ tự đánh lừa bản thân. Trên thực tế, thiệt hại sẽ
không chỉ tương đương mà còn lớn hơn nhiều so với những
lợi ích thu được từ sự kiểm soát giá của chính phủ, bởi vì
chúng ngăn cản và làm rối loạn sự sản xuất và sử dụng lao
động.
Chương XVIII: Tác động của việc kiểm soát giá thuê
nhà
Việc chính phủ kiểm soát giá thuê nhà và căn hộ là một
dạng kiểm soát giá đặc biệt. Phần lớn các tác động của nó
giống như trường hợp kiểm soát giá nói chung.
Tuy nhiên, ta cần đặc biệt chú ý đến một số điều.
Việc kiểm soát giá thuê nhà đôi khi được áp dụng cùng
với việc kiểm soát giá nói chung, nhưng thường thì nó được
quy định bởi luật riêng. Điều này thường xảy ra vào giai
đoạn đầu của một cuộc chiến tranh. Một điểm đóng quân
được dựng lên trong một thị trấn; nhu cầu thuê nhà tăng lên.
Những người có phòng, căn hộ hay nhà cho thuê sẽ tăng giá
thuê và gây ra sự phẫn nộ từ dân chúng. Điều này cũng có
thể xảy ra khi một hoặc nhiều ngôi nhà bị bom đạn phá huỷ,
hoặc khi nhu cầu sản xuất vũ khí và các quân nhu khác thu
hút lao động và nguyên vật liệu ra khỏi ngành xây dựng.
Việc kiểm soát giá thuê nhà được đưa ra đầu tiên với lý
do rằng cung về nhà cho thuê không “linh hoạt”, nghĩa là
việc thiếu nhà cho thuê không thể được bù đắp ngay lập tức
dù mức giá cho thuê có thể tăng cao đến bao nhiêu. Chính vì
thế, một số người cho rằng việc chính phủ cấm tăng giá cho
thuê nhà sẽ giúp người thuê nhà khỏi bị ép giá và bóc lột,
đồng thời không gây tổn hại cho những người cho thuê nhà
hay gây ngăn trở đối với việc xây dựng mới.
Đây là một quan điểm sai ngay cả khi chúng ta giả định
rằng sự kiểm soát giá thuê nhà này sẽ không tồn tại lâu. Nó
bỏ qua một tác động quan trọng. Nếu những người cho thuê
nhà được phép tăng giá thuê nhà phù hợp với mức lạm phát
và tình hình cung cầu thật trên thị trường, mỗi người thuê
nhà sẽ phải tìm cách tiết kiệm bằng cách giảm diện tích thuê
của mình. Điều này sẽ cho phép nhiều người khác thuê được
nhà trong khi đang có sự khan hiếm về nhà cho thuê. Cùng
một lượng nhà cho thuê sẽ có thể cung cấp chỗ ở cho nhiều
người hơn, cho đến khi tình trạng khan hiếm giảm bớt.
Việc kiểm soát giá thuê nhà sẽ khuyến khích việc lãng
phí diện tích. Nó ưu tiên những người đã thuê được nhà hay
căn hộ và gây hại cho những ai chưa thuê được chỗ ở. Nếu
giá thuê nhà được phép tăng lên bằng mức giá trên thị
trường cạnh tranh, cả những người đã thuê được nhà cũng
như những người chưa thuê được nhà sẽ có những cơ hội
bình đẳng để trả giá thuê nhà. Trong điều kiện có lạm phát
tiền tệ hoặc khan hiếm nhà cho thuê, giá cho thuê nhà chắc
chắn cũng sẽ tăng ngay cả nếu người cho thuê nhà không
được đưa ra mức giá của mình mà chỉ được chấp nhận mức
chào giá cao nhất của những người muốn thuê nhà.
Việc kiểm soát giá thuê nhà được duy trì càng lâu thì các
tác động của nó càng trở nên tồi tệ hơn. Sẽ không có các
ngôi nhà mới vì không có điều gì thúc đẩy việc xây dựng
chúng. Với việc tăng chi phí đầu vào của hoạt động xây dựng
(thường do lạm phát gây ra), mức giá cho thuê cũ sẽ không
đủ để sinh ra lợi nhuận. Nếu chính phủ nhận ra điều này và
dỡ bỏ việc kiểm soát giá cho thuê đối với các ngôi nhà mới,
thì quyết định đó vẫn không khuyến khích được người dân
xây nhà mới trừ khi chính phủ cũng dỡ bỏ việc kiểm soát giá
cho thuê đối với cả các ngôi nhà cũ. Tùy vào mức độ mất giá
của tiền tệ tính từ thời điểm mức giá thuê nhà cũ bị chính
phủ cố định, mức giá thuê nhà mới (trên cùng một diện tích)
đôi khi có thể cao hơn từ 10 - 12 lần. (Điều này đã xảy ra ở
Pháp sau Thế Chiến II.) Trong những điều kiện đó, những
người đang thuê các ngôi nhà cũ sẽ không muốn chuyển đi,
cho dù gia đình họ có thêm nhiều thành viên mới hay tình
trạng nhà cửa có xuống cấp đến mức nào.
Bởi ở các ngôi nhà cũ, mức giá thuê nhà được cố định ở
mức thấp và không được phép tăng, nên những người thuê
nhà tại đây sẽ sử dụng một cách lãng phí diện tích mình thuê
được, mặc cho gia đình của họ có thu nhỏ lại hay không.
Điều này sẽ ngay lập tức gây ra một sức ép đối với việc thuê
nhà tại các ngôi nhà mới được xây vốn không có nhiều. Nó
thường đẩy giá thuê nhà tại đây lúc ban đầu tăng lên cao
hơn so với mức lẽ ra sẽ được xác lập trên thị trường tự do.
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là việc xây nhà mới
sẽ được thúc đẩy. Những người xây dựng hay chủ của những
ngôi nhà cho thuê cũ, do mức lợi nhuận của họ bị giảm đi
hay thậm chí phải chịu lỗ khi cho thuê những ngôi nhà cũ
này, sẽ không có hoặc có rất ít vốn để đầu tư vào việc xây
dựng nhà mới. Bên cạnh đó, họ, cũng như những người có
vốn từ những nguồn khác, có thể sợ rằng chính phủ, vào một
thời điểm nào đó, sẽ đưa ra các lý do để áp dụng việc kiểm
soát giá thuê nhà đối với cả những ngôi nhà mới. Trên thực
tế, đây quả thật là điều chính phủ thường làm.
Tình hình nhà cho thuê cũng có thể xấu đi theo những
cách khác. Trừ khi được phép tăng giá cho thuê nhà một
cách hợp lý, những người cho thuê nhà sẽ không chịu tu bổ
hay sửa sang lại các ngôi nhà cho thuê. Trên thực tế, khi giá
thuê nhà bị cố định ở mức quá thấp, chủ nhà thậm chí sẽ
không chịu đảm bảo các điều kiện sống ở mức tối thiểu cho
ngôi nhà, bởi họ không có động cơ nào về mặt kinh tế cũng
như không có tiền để làm vậy. Các luật kiểm soát giá thuê
nhà, bên cạnh những vấn đề khác, thường tạo ra mối quan
hệ căng thẳng giữa những người cho thuê nhà (những người
bị bắt buộc phải cho thuê nhà với mức lợi nhuận tối thiểu,
thậm chí là phải chịu lỗ) và những người thuê nhà (những
người cảm thấy khó chịu vì chủ nhà không chịu sửa chữa và
tu bổ nhà cho thuê).
Dưới sức ép chính trị hay ảnh hưởng của các quan niệm
kinh tế sai lầm, các nhà làm luật thường đi bước tiếp theo
bằng việc ngừng kiểm soát giá thuê đối với những căn hộ
cho thuê cao cấp và tiếp tục kiểm soát giá thuê đối với các
căn hộ cho thuê loại bình thường hay rẻ tiền. Lý lẽ được đưa
ra là những người thuê nhà giàu có có thể trả tiền thuê nhà
cao hơn, trong khi những người nghèo hơn thì không thể.
Tuy nhiên, tác động lâu dài của chính sách phân biệt đối
xử này hoàn toàn ngược lại với những gì người ủng hộ nó
mong đạt được. Những người xây dựng và sở hữu căn hộ cho
thuê cao cấp được hưởng lợi; những người xây dựng và sở
hữu căn hộ cho thuê loại rẻ tiền phải chịu thiệt hại. Những
người xây dựng và sở hữu căn hộ cho thuê cao cấp được tự
do kiếm lời dựa trên tình hình cung cầu trên thị trường;
những người xây dựng và sở hữu những căn hộ cho thuê loại
rẻ tiền chẳng còn động cơ thúc đẩy hay thậm chí vốn để tiếp
tục xây các căn nhà cho thuê loại giá rẻ.
Việc tu bổ sửa chữa các căn hộ cao cấp sẽ được khuyến
khích nhiều hơn, và các ngôi nhà mới thường được xây thành
căn hộ cao cấp. Song sẽ không ai muốn xây hoặc thậm chí
duy trì các căn hộ cho thuê giá rẻ. Các căn hộ cho thuê dành
cho những nhóm dân cư có thu nhập thấp vì thế sẽ nhanh
chóng xuống cấp và không tăng thêm về số lượng. Trong
trường hợp dân số tăng lên, sự xuống cấp và khan hiếm của
các căn hộ cho thuê dành cho người có thu nhập thấp sẽ
càng trở nên tồi tệ hơn. Có thể đến một lúc, các chủ nhà cho
thuê sẽ không chỉ không thu được lợi nhuận mà thậm chí
không tránh khỏi việc phải gánh chịu khoản lỗ ngày càng
lớn. Họ có thể sẽ nhận ra rằng họ thậm chí không được phép
cho hay nhường lại quyền sở hữu các ngôi nhà cho thuê. Một
số người trong bọn họ có thể bỏ tài sản của mình và biến
mất để khỏi phải đóng thuế. Khi người chủ nhà ngừng cung
cấp điện hay ga để sưởi ấm và các dịch vụ cơ bản khác,
người thuê nhà sẽ buộc phải ra khỏi căn hộ cho thuê đó.
Ngày càng nhiều khu vực dân cư trở thành khu ổ chuột.
Trong những năm gần đây, tại thành phố New York, người ta
thường thấy cảnh các khu căn hộ bị bỏ hoang với cửa kính vỡ
hoặc lối vào bị đóng chặn bằng ván để ngăn những kẻ phá
hoại. Các vụ phá hoại tài sản xảy ra ngày càng thường xuyên
hơn, và các chủ nhà thường bị nghi ngờ là đã tự làm điều đó
với tài sản của mình để được nhận tiền bảo hiểm.

Một ảnh hưởng nữa là việc giảm thu nhập của thành phố
bởi giá trị các tài sản chịu thuế bị giảm đi. Các thành phố có
thể bị phá sản và không thể tiếp tục cung cấp các dịch vụ cơ
bản.
Khi những hậu quả này trở nên rõ ràng đến mức không
thể bỏ qua được, những người đã quyết định việc kiểm soát
giá thuê nhà tất nhiên sẽ không chịu nhận rằng đó là lỗi của
mình. Thay vào đó, họ sẽ đổ lỗi cho chủ nghĩa tư bản. Họ sẽ
nói rằng doanh nghiệp tư nhân đã “thất bại”, rằng các doanh
nghiệp tư nhân “không thể đảm đương được vai trò”. Chính
vì thế, họ cho rằng chính phủ cần phải can thiệp vào và trực
tiếp xây dựng các căn hộ và nhà cho thuê giá rẻ.
Đây là điều đã xảy ra với hầu như mọi quốc gia tham gia
vào Thế Chiến II hay đã thực hiện việc kiểm soát giá cho
thuê nhà nhằm đối phó với lạm phát.
Vậy là các chính phủ thực hiện các chương trình xây
dựng nhà cho thuê khổng lồ với chi phí lấy từ nguồn thuế thu
được. Các ngôi nhà này sau đó được cho thuê với mức giá
thấp không đủ để bù đắp lại chi phí xây dựng và hoạt động.
Để xử lý việc này, chính phủ thường cung cấp các khoản trợ
cấp hàng năm, trao trực tiếp cho người thuê nhà giá rẻ hoặc
những người xây dựng và quản lý các chương trình xây dựng
nhà của chính phủ. Cho dù hình thức bên ngoài là gì, trên
thực tế, những người thuê nhà này được trợ cấp bởi những
người khác trong xã hội. Họ được người khác trả giúp một
phần tiền thuê nhà. Họ được chọn ra để hưởng những ưu tiên
này. Sự ưu tiên sẽ dẫn đến những hậu quả chính trị rất rõ
ràng. Trong xã hội sẽ xuất hiện một nhóm thường gây áp lực
đòi hỏi được ưu tiên; họ nghĩ rằng họ có quyền đòi hỏi những
người nộp thuế cung cấp những khoản trợ cấp này cho họ.
Đây thực sự là một bước tiến gần hơn đến mô hình xã hội
phúc lợi toàn bộ.
Điều oái ăm cuối cùng của sự kiểm soát giá thuê nhà là
khi chính sách này càng thiếu tính thực tế, càng bất công và
hà khắc bao nhiêu thì những lý lẽ mang tính chính trị được
đưa ra để ủng hộ việc duy trì nó càng mạnh mẽ bấy nhiêu.
Nếu giá thuê nhà do chính phủ quy định bằng 95% giá ngoài
thị trường tự do, nghĩa là những người cho thuê nhà chỉ phải
chịu một sự bất công không đáng kể, sẽ không có những lý
lẽ mạnh mẽ đưa ra từ phía chính phủ nhằm phản đối việc bãi
bỏ sự kiểm soát giá đó, bởi vì những người thuê nhà sẽ chỉ
phải trả thêm 5% khi không có sự kiểm soát giá này. Nhưng
nếu mức lạm phát rất cao hoặc giá thuê nhà bị kiểm soát ở
mức quá nặng nề, khiến cho giá thuê nhà do chính phủ quy
định chỉ bằng 10% mức giá của thị trường tự do và những
người sở hữu và cho thuê nhà đang phải chịu những thiệt hại
nặng nề, sẽ có một sự phản đối rất mạnh mẽ chống lại ý
định bãi bỏ sự kiểm soát đối với giá thuê nhà, bắt những
người thuê nhà trả mức giá thuê nhà thực sự của thị trường.
Chính phủ sẽ lý luận rằng việc bất thình lình bắt người thuê
nhà phải chịu một mức giá thuê nhà tăng đột ngột và nhiều
như vậy là vô cùng tàn nhẫn và bất hợp lý. Ngay cả những
người phản đối kiểm soát giá thuê nhà cũng phải công nhận
rằng việc hủy bỏ sự kiểm soát đối với giá thuê nhà phải được
thực hiện từ từ trong một thời gian dài và hết sức thận trọng.
Trong hoàn cảnh này, rất hiếm người trong số họ thực sự có
được sự dũng cảm về mặt chính trị và sự khôn ngoan về mặt
kinh tế để thậm chí chỉ đề xuất việc dần dần loại bỏ sự kiểm
soát. Tóm lại, sự kiểm soát giá thuê nhà càng phi thực tế và
bất công thì, xét về mặt chính trị, càng khó hủy bỏ. Tại rất
nhiều nước, sự kiểm soát giá cho thuê nhà vẫn được duy trì
rất nhiều năm sau khi những hình thức kiểm soát giá khác
đã bị bãi bỏ, gây nhiều tổn hại cho nền kinh tế.
Các lý do chính trị được đưa ra để duy trì việc kiểm soát
giá thuê nhà đều không đáng tin cậy. Các luật về giá thuê
nhà đôi khi quy định rằng sự kiểm soát sẽ bị bãi bỏ khi mức
dư thừa nhà cho thuê đạt đến một con số nhất định. Những
người muốn duy trì kiểm soát giá thuê nhà sau đó luôn nói
một cách đắc thắng rằng mức dư thừa nhà cho thuê vẫn
chưa đạt đến mức đó. Tất nhiên, điều này sẽ không xảy ra.
Chính việc mức giá thuê nhà bị giữ ở mức thấp hơn nhiều so
với giá thị trường sẽ làm tăng cầu đồng thời giảm cung trong
thị trường nhà cho thuê. Chính vì vậy, mức giá thuê nhà
càng bị giữ ở mức thấp bao nhiêu thì sự khan hiếm nhà cho
thuê sẽ càng tiếp tục lâu bấy nhiêu.
Những người chủ nhà cho thuê phải chịu sự bất công rất
lớn. Họ bị bắt buộc phải trợ giá cho tiền thuê nhà của chính
những người thuê nhà của họ và thường phải trực tiếp gánh
chịu những thiệt hại này. Người thuê nhà được hưởng giá
thuê nhà kiểm soát thường giàu có hơn người cho thuê nhà
bị bắt buộc phải gánh chịu sự chênh lệch giữa giá được áp
dụng và giá thị trường. Các chính trị gia không quan tâm đến
quyền lợi của họ. Những người tham gia các ngành nghề
khác, những người ủng hộ việc duy trì sự kiểm soát giá thuê
nhà bởi họ thương cảm những người thuê nhà, sẽ không bao
giờ chịu lên tiếng rằng họ muốn gánh chịu một phần khoản
trợ cấp tiền thuê nhà thông qua thuế. Toàn bộ gánh nặng sẽ
rơi lên vai một nhóm nhỏ những người đã phạm một tội lớn
là dám xây nhà để cho thuê.
Ít có từ nào mang ý nghĩa đặc biệt như từ slumlord
(người cho thuê nhà trong khu ổ chuột). Một slumlord là gì?
Đó không phải một người có những ngôi nhà cho thuê đắt
tiền trong những khu vực giàu có, mà là người sở hữu một
ngôi nhà dột nát trong khu ổ chuột, nơi tiền thuê thấp nhất
và việc thanh toán thường xuyên bị chậm trễ và thiếu hụt.
Thật không dễ gì để hiểu lý do tại sao một người lẽ ra có thể
có được một ngôi nhà trọ tử tế lại quyết định trở thành người
cho thuê nhà trong khu ổ chuột.
Khi sự kiểm soát giá cả bất hợp lý bị áp dụng trên những
mặt hàng được tiêu dùng ngay, ví dụ như bánh mỳ, những
người làm bánh có thể thằng thừng từ chối tiếp tục làm và
bán bánh mỳ. Sự khan hiếm sẽ xảy ra ngay lập tức và các
chính trị gia sẽ phải nâng mức giá trần hoặc hủy bỏ sự kiểm
soát giá. Nhưng nhà cho thuê là những tài sản tồn tại lâu
dài. Có thể sau một vài năm, những người thuê nhà mới bắt
đầu cảm thấy ảnh hưởng của việc những người xây dựng và
sở hữu nhà không muốn xây nhà mới hoặc không chịu tu bổ
sửa chữa những ngôi nhà đang cho thuê. Có thể sẽ mất
nhiều năm nữa họ mới nhận ra rằng tình trạng khan hiếm và
xuống cấp nhà cho thuê là hậu quả trực tiếp của việc kiểm
soát giá cho thuê. Trong hiện tại, chừng nào những người
cho thuê nhà vẫn còn một chút lợi nhuận sau khi nộp thuế
và trả lãi tức cầm cố, họ dường như chẳng còn sự lựa chọn
nào khác ngoài việc tiếp tục sở hữu và cho thuê những ngôi
nhà đó. Các chính trị gia - luôn biết rằng những người thuê
nhà với số lượng đông hơn sẽ bỏ phiếu nhiều hơn so với
những người cho thuê nhà - sẽ tiếp tục sự kiểm soát giá thuê
nhà sau khi họ đã bị bắt buộc phải ngừng sự kiểm soát giá
cả chung trên thị trường.
Chúng ta quay trở lại với bài học cơ bản của mình. Sức
ép đối với việc kiểm soát giá cho thuê nhà đến từ những
người chỉ xem xét những tác động ngắn hạn mà họ tưởng
tượng ra đối với một nhóm cá thể trong toàn xã hội. Nhưng
khi ta xem xét những tác động lâu dài lên tất
cả mọi người, bao gồm cả những người đi thuê nhà, chúng ta
sẽ thấy rằng việc kiểm soát giá thuê nhà càng nặng nề và
kéo dài thì càng trở nên vô ích và tai hại đối với nền kinh tế.
Chương XIX: Các điều luật về mức lương tối thiểu
Chúng ta đã xem xét một số tác động tiêu cực của việc
chính phủ tự ý tăng giá một số mặt hàng được ưu tiên. Việc
chính phủ tìm cách tăng lương thông qua các điều luật về
mức lương tối thiểu cũng có tác động tương tự. Điều này
chắc không làm cho chúng ta ngạc nhiên, bởi lương cũng là
một loại giá. Chính việc chúng ta gọi giá của dịch vụ lao
động bằng một cái tên hoàn toàn khác đã dẫn đến nhiều
nhầm lẫn trong tư duy về kinh tế của chúng ta. Chính điều
này đã khiến nhiều người trong chúng ta không nhận ra rằng
cả hai trường hợp này đều bị chi phối bởi các nguyên tắc
giống nhau.
Tư duy của chúng ta về vấn đề lương thường bị ảnh
hưởng bởi quá nhiều xúc cảm và các thành kiến chính trị,
đến mức trong phần lớn các cuộc thảo luận về chủ đề này,
những nguyên tắc cơ bản và đơn giản nhất thường xuyên bị
bỏ qua. Ngay cả những người luôn phản đối tư tưởng cho
rằng việc tăng giá hàng hóa cao hơn mức giá tự nhiên trên
thị trường sẽ khiến chúng ta giàu có hơn, hay những người
luôn sẵn sàng chỉ ra rằng các điều luật về mức giá tối thiểu
sẽ làm hại chính những ngành sản xuất mà các điều luật này
muốn hỗ trợ, cũng sẽ ủng hộ các điều luật về mức lương tối
thiểu và thẳng thừng phê phán những người phản đối chúng.
Song ta cần phải chỉ ra một cách rõ ràng rằng điều luật
về mức lương tối thiểu nhìn nhận theo cách tích cực nhất
cũng chỉ là một vũ khí còn nhiều hạn chế nhằm chống lại
mức lương quá thấp, và nó sẽ chỉ có lợi nhiều hơn hại khi các
mục tiêu của nó không quá lớn. Khi các mục tiêu của nó càng
mang tính tham vọng, khi nó được áp dụng cho càng nhiều
người lao động, khi nó càng cố gắng nâng cao hơn mức lương
của họ, việc nó gây hại nhiều hơn lợi sẽ càng trở nên chắc
chắn.
Khi một điều luật quy định mức lương tối thiểu cho một
tuần làm việc 40 giờ là 106 đôla, điều đầu tiên sẽ xảy ra là
tất cả những lao động bị coi là không đáng giá 106 đôla một
tuần sẽ không được thuê. Chúng ta không thể khiến một lao
động trở nên xứng đáng với một mức lương nào đó bằng
cách dùng luật để cấm những ai muốn tuyển dụng người đó
trả cho anh ta một mức lương thấp hơn. Khi làm vậy, ta sẽ
khiến người này không còn cơ hội nhận được mức lương mà
khả năng và hoàn cảnh của người đó cho phép anh ta nhận
được, đồng thời ta sẽ khiến xã hội mất đi những dịch vụ mà
người đó có thể cung cấp. Nói tóm lại, chúng ta sẽ thay thế
một mức lương thấp bằng một người thất nghiệp. Điều này
chỉ có hại mà không có lợi.
Một ngoại lệ sẽ xảy ra trong trường hợp một số lao động
đang phải nhận mức lương thấp hơn so với giá trị thị trường
của các dịch vụ mà họ cung cấp. Điều này thường chỉ xảy ra
trong một số trường hợp hãn hữu tại những địa điểm đặc
biệt, nơi thị trường lao động không có sự tự do cạnh tranh;
song hầu hết các trường hợp này có thể được giải quyết
thông qua việc thành lập các công đoàn, một phương thức
cũng không kém hiệu quả so với việc đưa ra mức lương tối
thiểu, song lại linh hoạt hơn và giảm thiểu được các rủi ro
cho nền kinh tế.
Nhiều người cho rằng nếu lương cho lao động trong một
ngành sản xuất nào đó được nâng lên cao hơn theo quy định
của pháp luật, ngành sản xuất đó có thể nâng giá sản phẩm
của mình và kết cục là gánh nặng của việc nâng lương sẽ
được chuyển sang người tiêu dùng. Điều này trên thực tế
không dễ xảy ra như vậy, và việc xử lý các hậu quả của việc
tăng lương cao hơn mức tự nhiên trên thị trường thường
phức tạp hơn nhiều. Việc bán sản phẩm với mức giá cao hơn
không phải lúc nào cũng khả thi; nó có thể khiến người tiêu
dùng quay sang sử dụng những sản phẩm nhập khẩu hoặc
những mặt hàng thay thế khác. Ngay cả khi người tiêu dùng
tiếp tục mua sản phẩm này, mức giá cao hơn sẽ khiến họ
mua ít đi. Vì vậy, cho dù một số lao động trong ngành có thể
được hưởng lợi từ việc tăng lương, nhiều người khác trong
ngành sẽ bị mất việc. Một mặt khác, nếu giá sản phẩm
không được tăng lên, các nhà sản xuất có hiệu suất thấp sẽ
buộc phải ngừng sản xuất. Kết quả cuối cùng, cho dù bằng
một cách khác, vẫn là việc giảm sản xuất và lượng lao động
được tuyển dụng.
Khi ta chỉ ra những hậu quả này, một số người sẽ nói:
“Được thôi! Nếu ngành sản xuất này không thể tồn tại được
ngoại trừ bằng việc trả một mức lương chết đói cho các lao
động trong ngành, có lẽ sẽ tốt hơn nếu ta để điều luật về
mức lương tối thiểu khiến cho nó đóng cửa luôn”. Song lời
tuyên bố dũng cảm ấy chưa xem xét hết được thực tế. Trước
hết, nó quên mất rằng nếu điều này xảy ra, người tiêu dùng
sẽ không được sử dụng sản phẩm đó nữa. Thứ hai, nó quên
mất rằng nó sẽ đẩy toàn bộ lao động trong ngành đó vào
cảnh thất nghiệp. Cuối cùng, nó quên mất rằng mặc dù mức
lương trong ngành sản xuất đó có vẻ thấp, nó vẫn là mức
lương cao nhất mà hiện giờ các lao động đó có thể tìm được,
nếu không tự bản thân họ đã bỏ việc để đi làm chỗ khác có
lương cao hơn. Vì vậy, nếu ngành sản xuất này phải đóng
cửa vì điều luật về mức lương tối thiểu, những lao động trước
đây làm việc trong ngành này sẽ bị bắt buộc phải tìm việc
trong những ngành sản xuất mà từ đầu họ đã biết là không
tốt bằng. Việc họ phải cạnh tranh với nhau để giành được
việc làm sẽ khiến mức lương trong những ngành này giảm
thấp hơn nữa. Kết luận cuối cùng của chúng ta vẫn không có
gì thay đổi: các điều luật về mức lương tối thiểu sẽ làm tăng
tỷ lệ thất nghiệp.
* *
*
Bên cạnh đó, các chương trình trợ cấp được đưa ra nhằm
xử lý tình trạng thất nghiệp do các điều luật gây ra cũng làm
nảy sinh một vấn đề nữa mà chúng ta cần xem xét. Với việc
quy định mức lương tối thiểu là 2,65 đôla một giờ, chúng ta
không cho phép bất kỳ ai làm việc với mức lương thấp hơn
106 đôla cho một tuần lao động 40 giờ. Giả sử chúng ta
quyết định trợ cấp 70 đôla một tuần cho những người bị thất
nghiệp, điều này có nghĩa là chúng ta không cho phép một
người được tuyển dụng và lao động một cách hữu ích với
mức lương 90 đôla một tuần để cho phép anh ta ăn không
ngồi rồi và hưởng trợ cấp thất nghiệp 70 đôla một tuần.
Chúng ta khiến xã hội mất đi những dịch vụ mà người này có
thể cung cấp. Chúng ta lấy mất đi của người này sự độc lập
và lòng tự trọng mà anh ta có được khi có thể tự nuôi sống
bản thân mình, cho dù ở một mức độ kham khổ, và khi anh
ta có thể cung cấp cho xã hội những dịch vụ hữu ích thông
qua lao động của mình. Đồng thời, chúng ta cũng làm giảm
đi những gì mà người đó có thể nhận được với sức lực và sự
cố gắng của anh ta.
Những hậu quả này sẽ xảy ra chừng nào mức trợ cấp
thất nghiệp hàng tuần vẫn thấp hơn 106 đôla. Song càng
tăng cao mức trợ cấp, ta sẽ càng làm tình hình trở nên tồi tệ
hơn trên những khía cạnh khác. Nếu chúng ta trả mức trợ
cấp thất nghiệp 106 đôla, chúng ta sẽ khiến người lao động
nhận được khi ngồi không trong hiện tại cùng một số tiền mà
họ nhận được trước đây khi làm việc. Hơn nữa, cho dù khoản
trợ cấp có là bao nhiêu, chúng ta cũng sẽ khiến mọi người
làm việc chỉ vì khoản chênh lệch giữa mức lương họ đang
nhận được với khoản tiền trợ cấp. Nếu mức trợ cấp là 106
đôla một tuần, những người có mức lương 2,75 đôla một giờ,
hay 110 đôla một tuần, sẽ thấy rằng mình làm việc cả tuần
chỉ vì 4 đôla, bởi họ có thể được hưởng phần còn lại mà
không phải làm gì.
Nhiều người cho rằng chúng ta có thể tránh được các hậu
quả này nếu ta cung cấp “trợ cấp dưới dạng việc làm”, nghĩa
là cho họ làm việc để hưởng mức lương trợ cấp, thay vì cung
cấp trợ cấp bằng tiền. Song ngay cả khi làm như vậy, ta vẫn
không thể tránh được hậu quả; ta chỉ thay đổi bản chất của
chúng mà thôi. Làm việc để hưởng mức lương trợ cấp có
nghĩa là chúng ta trả cho những người này cao hơn mức thị
trường lao động trả họ. Vì vậy, chỉ một phần trong mức
lương trợ cấp có thể được xem là sự đền bù hợp lý cho lao
động của họ; phần còn lại vẫn là một loại trợ cấp thất nghiệp
trá hình.
Chúng ta cũng cần nhận thấy rằng các dự án tạo việc
làm nhằm cung cấp lương trợ cấp của chính phủ đều không
có hiệu quả. Tính hữu dụng của nó cũng là một vấn đề đáng
đặt câu hỏi. Chính phủ sẽ phải tạo ra các dự án lao động
nhằm tuyển những người có tay nghề thấp nhất. Chính phủ
sẽ không dám dạy cho họ những nghề như mộc hay xây
dựng vì sợ rằng họ sẽ cạnh tranh với những lao động có tay
nghề trên thị trường và gây ra sự phản kháng từ các công
đoàn. Tôi không muốn gợi ý điều này, song tôi nghĩ rằng có
lẽ nếu ngay từ đầu chính phủ trợ cấp cho lương của các lao
động có thu nhập thấp tại chính nơi họ đang làm việc (thay
vì tạo các công việc khác cho họ làm để nhận lương trợ cấp)
thì sẽ đỡ gây tổn hại cho nền kinh tế hơn. Song việc này
cũng không phải là không có những vấn đề riêng về mặt
chính trị của nó.
Chúng ta không cần thảo luận thêm nữa, bởi nó sẽ dẫn
đến những vấn đề không liên quan trực tiếp đến những gì
chúng ta đang xem xét. Song khi muốn xem xét việc đưa ra
các điều luật về mức lương tối thiểu hoặc tăng các mức lương
tối thiểu đã đưa ra, chúng ta cần phải nhớ đến các vấn đề và
hậu quả của việc cung cấp trợ cấp7.
Trước khi kết thúc đề tài này, tôi muốn xem xét một lý lẽ
đôi khi được đưa ra để ủng hộ cho việc quy định mức lương
tối thiểu thông qua luật. Lý lẽ này chỉ ra rằng trong những
ngành sản xuất mà tại đó một công ty lớn độc quyền, công
ty này sẽ không sợ cạnh tranh và vì thế có thể trả cho lao
động của mình mức lương thấp hơn mức trên thị trường. Đây
là một tình huống rất khó xảy ra. Một công ty “độc quyền”
như vậy khi được thành lập thường phải trả mức lương cao
để có thể thu hút được lao động từ những ngành sản xuất
khác. Sau đó, nếu nó

7 Vào năm 1938, khi mức lương bình quân trong các ngành sản xuất tại Mỹ
là 63 cent một giờ, mức lương tối thiểu do quốc hội đưa ra chỉ là 25 cent.
Vào năm 1945, khi mức lương bình quân cho các lao động nhà máy đã tăng
lên 1,02 đôla một giờ, quốc hội tăng mức lương tối thiểu lên 40 cent. Vào
năm 1949, khi mức lương bình quân cho các lao động nhà máy tăng lên 1,4
đôla một giờ, quốc hội lại tăng mức lương tối thiểu lên thành 75 cent. Vào
năm 1955, khi mức lương bình quân tăng lên 1,88 đôla, quốc hội tăng lương
tối thiếu lên thành 1 đôla. Vào năm 1961, với mức lương bình quân của các
lao động nhà máy khoảng 2,3 đôla một giờ, mức lương tối thiểu theo giờ
được tăng lên 1,15 đôla vào năm 1961 và 1,25 đôla vào năm 1963. Một cách
ngắn gọn hơn, mức lương tối thiểu đã được tăng lên 1,4 đôla vào năm 1967,
1,6 đôla vào năm 1968, 2,00 đôla vào năm 1974, 2,1 đôla vào năm 1975, 2,3
đôla vào năm 1976 (khi mức lương bình quân trong các ngành sản xuất phi
nông nghiệp là 4,87 đôla). Vào năm 1977, khi mức lương bình quân trong
các ngành sản xuất phi nông nghiệp là 5,26 đôla, mức lương tối thiểu được
tăng lên 2,65 đôla một giờ với điều khoản đi kèm qui định rằng mức lương
này sẽ tiếp tục được tăng trong ba năm tới. Khi mức lương bình quân theo
giờ tăng lên, những người ủng hộ mức lương tối thiểu quyết định rằng mức
lương tối thiểu cũng phải được tăng lên ít nhất với tốc độ tương đương. Dù
những người làm luật luôn bám theo mức lương phổ biến nhất trên thị
trường, ngày càng có nhiều người cho rằng chính các điều luật về mức
lương tối thiểu đã góp phần làm tăng mức lương của thị trường.
không tăng lương với tốc độ như ở các ngành khác hoặc trả
mức lương thấp hơn mức thị trường, điều này chứng tỏ bản
thân ngành sản xuất hoặc công ty đó đang có khó khăn hoặc
đang bị thu nhỏ. Nếu ngành sản xuất hoặc công ty đó vẫn
hoạt động tốt hoặc đang mở rộng, nó sẽ phải tiếp tục đưa ra
mức lương cao để có thể thu hút đủ lao động cho nhu cầu
đang tăng của mình.
Qua kinh nghiện thực tế, chúng ta biết rằng chính những
công ty lớn, những công ty thường bị coi là độc quyền trong
một lĩnh vực nào đó, lại là các công ty có mức lương cao và
điều kiện làm việc tốt nhất. Các công ty nhỏ có mức lợi
nhuận thấp và phải đối chọi với sự cạnh tranh khốc liệt
thường là những công ty trả lương thấp nhất. Nhưng tất cả
các chủ doanh nghiệp đều phải trả ít nhất là mức lương đủ
để giữ lao động của mình hoặc để thu hút họ đến làm cho
mình.
* *
*
Tất cả những điều này không nhằm chứng minh rằng
không có cách nào để tăng lương. Tôi chỉ muốn chỉ ra rằng
phương thức dường như dễ dàng nhất – thông qua quyết
định của chính phủ - là phương thức sai và tồi nhất.
Đây có lẽ là thời điểm tốt để chỉ ra rằng, so với những
người không chấp nhận các đề xuất của họ, các nhà cải cách
kinh tế không phải là người có luận điểm hay hơn mà là
người luôn trông đợi những kết quả chóng vánh hơn. Vấn đề
không phải là liệu chúng ta có muốn làm cho mọi người đều
giàu có hết khả năng của họ hay không. Đối với những người
tử tế thì mục tiêu này có thể coi là điều đương nhiên. Vấn đề
quan trọng ở đây là làm thế nào để đạt được điều đó. Và
trong khi tìm cách trả lời câu hỏi này, chúng ta không bao
giờ được phép quên một số sự thật hiển nhiên sau: chúng ta
không thể ban phát một lượng của cải nhiều hơn những gì
chúng ta có thể tạo ra; xét về lâu dài, chúng ta không thể
trả lương cho lao động nhiều hơn những gì họ tạo ra.
Vì vậy, cách tốt nhất để tăng lương là tăng năng suất
biên của lao động. Ta có thể đạt được điều này bằng nhiều
phương pháp: bằng cách tăng tích lũy vốn sản xuất – ví dụ
như tăng lượng máy móc để hỗ trợ người lao động; bằng các
phát minh và cải tiến mới; bằng sự quản lý có hiệu quả của
đội ngũ quản lý; bằng sự chăm chỉ và năng suất của người
lao động; bằng việc giáo dục và đào tạo nghề tốt hơn. Một
người lao động càng tạo ra nhiều thì toàn xã hội càng có
nhiều của cải. Một người lao động càng tạo ra nhiều thì các
dịch vụ của anh ta càng có giá trị đối với ngưởi tiêu dùng;
anh ta vì thế càng trở nên có giá trị đối với chủ doanh nghiệp
và toàn xã hội. Và một người lao động càng có giá trị đối với
chủ của mình thì càng được trả lương cao. Các mức lương
thật phải xuất phát từ sản xuất chứ không phải từ các quyết
định của chính phủ.
Vì vậy, các chính sách của chính phủ không nên áp đặt
những yêu cầu nặng nề đối với các doanh nghiệp mà nên
khuyến khích lợi nhuận, khuyến khích các nhà sản xuất mở
rộng hoạt động của mình, khuyến khích họ đầu tư vào các
trang thiết bị mới và tốt hơn để tăng năng suất của người lao
động. Tóm lại, chính phủ nên khuyến khích việc tích lũy vốn
sản xuất, thay vì ngăn cản quá trình này và tăng lượng việc
làm cũng như mức lương.
Chương XX: Các công đoàn có thực sự làm tăng
lương?
Một trong những ảo tưởng lớn nhất của thời đại chúng ta
là quan niệm cho rằng các công đoàn lao động, về lâu dài, có
thể tăng lương thật một cách đáng kể cho toàn bộ lực lượng
lao động của xã hội. Ảo tưởng này chủ yếu là do chúng ta
không nhận ra rằng về cơ bản, lương được quyết định bởi
năng suất lao động. Chính vì lý do này, lương ở Mỹ đã cao
hơn lương ở Anh và Đức rất nhiều ngay trong những thập kỷ
khi “phong trào lao động” ở hai nước này phát triển hơn
nhiều so với Mỹ.
Mặc dù có vô vàn bằng chứng chứng tỏ rằng năng suất
lao động là yếu tố chính quyết định mức lương, nhưng kết
luận này thường xuyên bị bỏ qua hay thậm chí cười nhạo bởi
các lãnh đạo công đoàn hay các học giả chuyên nhại lại
giọng điệu của những người theo “tư tưởng tự do” hòng
mong được liệt vào cùng hàng ngũ với họ. Song kết luận này
không dựa trên giả định rằng các doanh nghiệp tuyển lao
động đều là những người tốt, hào phóng và luôn muốn làm
điều đúng đắn. Giả định của kết luận này rất khác, rằng mỗi
chủ doanh nghiệp đều luôn muốn tăng lợi nhuận của mình
lên đến mức tối đa. Nếu một lao động sẵn sàng làm việc cho
chủ doanh nghiệp với mức lương thấp hơn giá trị thực của
họ, tại sao chủ doanh nghiệp lại không tận dụng cơ hội? Tại
sao ông ta lại không muốn thu được 1 đôla một tuần từ một
lao động hơn là nhìn một chủ doanh nghiệp khác thu được 2
đôla một tuần từ cùng lao động đó? Cho đến khi nào tình
huống này còn tồn tại, các chủ doanh nghiệp sẽ có xu hướng
trả lương cho người lao động gần mức giá trị kinh tế thực của
họ hơn.
Tất cả những điều ấy không nhằm nói rằng các công
đoàn không có ích lợi hay chức năng chính đáng nào. Chức
năng chủ yếu của họ là cải thiện điều kiện làm việc tại địa
phương và đảm bảo rằng tất cả các thành viên của họ được
trả lương cho những dịch vụ họ cung cấp theo đúng giá trị thị
trường.
Sự cạnh tranh giữa những người lao động để có được việc
làm và giữa các chủ doanh nghiệp để có được lao động
không phải lúc nào cũng diễn ra hoàn hảo. Người lao động và
các chủ doanh nghiệp thường không nắm vững được tình
hình thị trường lao động. Một người lao động có thể không
biết được giá trị thị trường thực của các dịch vụ của mình đối
với một chủ doanh nghiệp và vì thế bị bất lợi khi đàm phán.
Những quyết định sai trong trường hợp này sẽ khiến người
lao động bị thiệt hại nhiều hơn nhiều so với chủ doanh
nghiệp. Nếu chủ doanh nghiệp mắc sai lầm và không thuê
một lao động có thể đem lại cho ông ta lợi nhuận, chủ doanh
nghiệp sẽ chỉ mất đi phần lợi nhuận có thể thu được từ một
lao động; ông ta vẫn có thể thuê hàng trăm hay hàng ngàn
lao động khác. Song nếu một người lao động sai lầm khi từ
chối một việc làm vì nghĩ rằng mình sẽ dễ dàng kiếm được
một việc làm khác với mức lương cao hơn, lao động này sẽ
phải trả giá nặng nề. Toàn bộ kế sinh nhai của anh ta sẽ bị
ảnh hưởng. Không chỉ có thể không kiếm được một công việc
khác với mức lương cao hơn, anh ta thậm chí có thể không
kiếm được ngay một công việc với mức lương tương đương.
Thời gian có thể là mấu chốt của vấn đề, bởi bản thân người
lao động và gia đình của anh ta cần phải có đồ ăn hàng
ngày. Vì vậy, để tránh những rủi ro này, có thể người lao
động sẽ chịu chấp nhận một công việc mà anh ta cho rằng
thấp hơn “giá trị thực” của mình. Tuy nhiên, khi những người
lao động trong một doanh nghiệp đàm phán với chủ doanh
nghiệp với tư cách một tập thể và đưa ra một “mức lương
chuẩn” cho loại công việc của họ, họ có thể khiến cho cán
cân trên bàn đàm phán trở nên cân bằng và giảm thiểu được
những rủi ro có thể xảy ra.
Song kinh nghiệm thực tế cho ta thấy các công đoàn rất
dễ vượt quá các chức năng chính đáng của mình để hành
động một cách thiếu trách nhiệm và thực hiện những chính
sách thiển cận có hại cho xã hội, đặc biệt là khi họ được hỗ
trợ bởi những điều luật về lao động không công bằng, mang
tính áp chế đối với chủ doanh nghiệp. Điều này xảy ra khi họ
tìm cách ấn định cho các thành viên của mình các mức lương
cao hơn giá trị thực trên thị trường. Điều này luôn dẫn đến
thất nghiệp, và thường chỉ được áp dụng thông qua một hình
thức đe dọa hoặc cưỡng ép nào đó.
Một phương cách hay được sử dụng là hạn chế số lượng
thành viên của công đoàn dựa trên một số tiêu chuẩn khác
thay vì dựa trên kỹ năng hay loại ngành nghề. Sự hạn chế
này có thể được thực hiện bằng nhiều cách: đòi hỏi các mức
phí gia nhập rất cao đối với các lao động mới; tùy ý đưa ra
các tiêu chuẩn kết nạp; phân biệt đối xử, trực diện hay trá
hình, dựa trên tôn giáo, chủng tộc hay giới tính; quy định số
lượng thành viên tối đa; loại bỏ sản phẩm của các lao động
không nằm trong công đoàn hay thậm chí của các công đoàn
có liên kết tại các bang hay thành phố khác, có thể bằng vũ
lực nếu cần thiết.
Đình công là một ví dụ rõ ràng nhất của việc công đoàn
dùng vũ lực hoặc sự đe dọa để giữ mức lương của các thành
viên mình cao hơn giá trị thực trên thị trường. Một cuộc đình
công ôn hòa lại là chuyện khác. Chừng nào biểu tình vẫn
mang tính ôn hòa, nó có thể được coi là một thứ vũ khí chính
đáng của công đoàn, cho dù vũ khí này chỉ nên được sử dụng
như là phương cách cuối cùng trong một số trường hợp đặc
biệt. Nếu các thành viên của công đoàn đều ngừng cung cấp
dịch vụ lao động của mình, họ có thể khiến cho người chủ
doanh nghiệp ngang bướng từ trước đến giờ luôn trả lương
quá thấp cho nhân công phải tỉnh ngộ. Chủ doanh nghiệp
này có thể sẽ nhận ra rằng mình không thể tìm được những
lao động khác có cùng trình độ tay nghề song lại chấp nhận
mức lương mà giờ đây các lao động cũ của ông ta không
chấp nhận nữa. Nhưng khi các lao động sử dụng vũ lực hay
sự đe dọa, khi họ tập trung trước cửa nhà máy để ngăn cản
không cho bất kỳ công nhân nào vào làm việc hoặc ngăn cản
không cho chủ doanh nghiệp tuyển các lao động mới để thế
vào chỗ họ, việc họ làm trở thành sai, bởi sự ngăn cản này
chủ yếu chống lại những người lao động khác chứ không phải
chống lại chủ doanh nghiệp. Các lao động khác là những
người sẵn sàng chấp nhận công việc mà những lao động cũ
đã bỏ, ở mức lương mà lao động cũ không chấp nhận. Điều
này chứng tỏ các cơ hội việc làm khác của những người này
không tốt bằng việc làm mà lao động cũ từ bỏ. Nếu các lao
động cũ thành công trong việc không cho các lao động mới
vào làm thế chỗ họ, trên thực tế họ đã ngăn cản khiến
những người này không chọn được cơ hội việc làm tốt nhất
cho mình, và bắt buộc người ta phải làm một công việc khác
không tốt bằng. Những người đình công trên thực tế đang
đòi hỏi một vị trí ưu tiên cho mình và dùng bạo lực để duy trì
vị trí đó trước những lao động khác.
Nếu sự phân tích trên là đúng, ta sẽ thấy sự căm ghét
đối với những người sẵn sàng làm thế chỗ những người đình
công là vô căn cứ. Sự căm ghét này có thể có lý nếu những
người thế chỗ này là bọn côn đồ chuyên nghiệp chuyên dùng
bạo lực và thực chất là không làm được việc, hoặc nếu họ là
những người được thuê để làm tạm thời với mức lương cao
hơn nhằm khiến mọi người tưởng rằng doanh nghiệp vẫn
hoạt động bình thường cho đến khi các lao động cũ vì sợ mà
phải quay trở lại làm việc với mức lương cũ. Song sự căm
ghét này sẽ rất bất công nếu những người thế chỗ lại là
những lao động bình thường sẵn sàng chấp nhận công việc ở
mức lương cũ; để cho bản thân mình có được công việc tốt
hơn, những người đình công sẵn sàng đẩy những lao động
mới đó vào việc làm tồi tệ hơn. Trên thực tế, vị trí ưu tiên
dành cho những lao động cũ chỉ có thể được giữ vững thông
qua đe dọa hoặc bạo lực.
* *
*
Kinh tế học, khi bị ảnh hưởng bởi quá nhiều xúc cảm, sẽ
tạo ra những lý thuyết mà khi xem xét một cách khách quan
ta sẽ không thể chấp nhận. Một trong những lý thuyết này là
quan điểm cho rằng người lao động nhìn
chung bị “trả lương thấp” hơn so với giá trị của họ. Điều này
cũng giống như ý kiến cho rằng trên thị trường tự do, các
mức giá luôn ở mức quá thấp. Một giả thuyết kỳ khôi song có
sức tồn tại dai dẳng khác cho rằng quyền lợi của tất cả người
lao động ở một quốc gia đều giống nhau, và sự tăng lương
cho các thành viên của một công đoàn nhất định, bằng một
cách bí hiểm nào đó, sẽ đem lại lợi ích cho tất cả các lao
động khác. Điều này hoàn toàn không đúng; sự thực là nếu
một công đoàn nhất định, thông qua đe dọa và cưỡng ép,
nâng mức lương của các thành viên của mình lên cao hơn giá
trị thực trên thị trường một cách đáng kể, việc làm đó sẽ gây
tổn hại cho tất cả các lao động khác và toàn bộ các thành
viên của xã hội.
Để có thể hiểu được điều này sẽ xảy ra như thế nào,
chúng ta hãy cùng xem xét một cộng đồng được đơn giản
hóa đến mức tối đa. Giả sử rằng trong cộng đồng này chỉ có
khoảng 6 nhóm lao động, với tổng lương và tổng giá trị thị
trường của các sản phẩm của họ cân bằng nhau vào lúc ban
đầu.
Giả sử rằng 6 nhóm lao động này bao gồm (1) nông dân,
(2) nhân viên bán lẻ, (3) công nhân dệt may, (4) thợ lò
than, (5) công nhân xây dựng, và (6) công nhân đường sắt.
Các mức lương của họ, được quyết định bởi thị trường tự do,
không nhất thiết phải bằng nhau; song cho dù chúng là bao
nhiêu, ta hãy cho mỗi nhóm một chỉ số ban đầu là 100. Giả
sử rằng mỗi nhóm đều thành lập một công đoàn trên toàn
quốc và có khả năng thực thi những đòi hỏi của mình nhờ cả
năng suất kinh tế lẫn quyền lực chính trị và vị trí chiến lược
của mình. Giả sử kết quả là các nông dân không tăng được
lương một chút nào, nhân viên bán lẻ được tăng 10% lương,
công nhân dệt may được tăng 20% lương, thợ lò than được
tăng 30% lương, công nhân xây dựng được tăng 40% lương,
và công nhân đường sắt được tăng 50% lương.
Theo các giả định này, mức tăng lương bình quân trong
xã hội sẽ là 25%. Nhằm đơn giản hóa, chúng ta sẽ tiếp tục
giả định rằng mức giá của loại hàng hóa mà mỗi nhóm lao
động tạo ra sẽ tăng tương đương với mức tăng lương của
nhóm đó. (Trong thực tế, sự tăng giá thường không xảy ra
như vậy, đặc biệt là trong một thời gian ngắn, bởi giá lao
động chỉ là một trong các chi phí đầu vào. Song những con
số được giả định này sẽ giúp ta thấy rõ nguyên tắc có liên
quan ở đây.)
Khi đó, chúng ta sẽ có chi phí cho cuộc sống tăng bình
quân là 25%. Những người nông dân, mặc dù vẫn nhận được
cùng một mức lương, sẽ trở nên nghèo hơn nếu ta xét đến
sức mua của họ. Các nhân viên bán lẻ, mặc dù được tăng
10% lương, vẫn nghèo hơn so với trước khi có sự tăng lương
và tăng giá hàng hóa. Ngay cả người công nhân dệt may với
mức tăng lương 20% vẫn bị bất lợi hơn so với lúc ban đầu.
Những người thợ lò than, với mức tăng lương 30%, sẽ tăng
được một chút sức mua của mình. Các công nhân xây dựng
và công nhân đường sắt tất nhiên sẽ là những người được lợi,
song những lợi ích thực này trên thực tế nhỏ hơn nhiều so
với con số bề ngoài.
Những tính toán này chúng ta vẫn dựa trên giả định rằng
sự tăng lương mang tính ép buộc này không dẫn đến thất
nghiệp. Điều này sẽ chỉ xảy ra nếu tăng lương được đi kèm
với tăng lượng tiền và tín dụng ngân hàng ở mức độ tương
đương. Ngay cả trong trường hợp đó, thật khó có thể tăng
lương lớn như vậy mà không gây ra thất nghiệp trong một số
lĩnh vực nhất định, đặc biệt trong những ngành có mức tăng
lương cao nhất. Nếu không có lạm phát tiền tệ ở mức độ
tương đương, sự tăng lương mang tính ép buộc này sẽ gây ra
thất nghiệp trên diện rộng.
Tình trạng thất nghiệp, tính theo tỷ lệ phần trăm, không
nhất thiết phải nặng nề nhất trong những công đoàn có mức
tăng lương lớn nhất, bởi thất nghiệp sẽ bị chuyển dịch và
phân chia giữa các ngành khác nhau tùy thuộc vào mức độ
linh hoạt của nhu cầu đối với từng loại lao động và vào tính
“cơ cấu” của nhu cầu đối với các loại lao động nói chung.
Nhưng sau khi tất cả những sự dịch chuyển và bù trừ này đã
được thực hiện, xét cả các lao động tiếp tục có việc làm và
những người trở nên thất nghiệp, ta sẽ thấy rằng ngay cả
các nhóm lao động có mức tăng lương cao nhất có thể vẫn
trở nên nghèo hơn so với trước. Tất nhiên, thiệt hại về mặt
phúc lợi sẽ lớn hơn nhiều so với những thiệt hại quy ra tiền
hay sức mua, bởi vì những mất mát về mặt tâm lý của
những lao động bị mất việc làm sẽ lớn hơn nhiều so với
những lợi ích về mặt tâm lý của những người có sức mua
tăng lên đôi chút.
Tình hình này không thể được xử lý bằng cách cung cấp
các khoản trợ cấp thất nghiệp. Trước hết, những khoản trợ
cấp này phần lớn đều được lấy trực tiếp hay gián tiếp từ tiền
lương của những người đang làm việc. Vì vậy, nó sẽ làm
giảm lương. Hơn nữa, mức trợ cấp “thỏa đáng”, như chúng ta
đã thấy, tạo ra sự thất nghiệp. Điều này có thể xảy ra thông
qua một số hình thức. Khi những công đoàn mạnh trước đây
đảm nhiệm cả việc cung cấp trợ cấp cho các thành viên bị
thất nghiệp của mình, họ phải suy nghĩ rất kỹ trước khi đưa
ra những yêu cầu về lương nhằm tránh gây ra thất nghiệp
nặng nề. Nhưng khi xã hội có hệ thống trợ cấp thất nghiệp
(khi những người nộp thuế buộc phải trợ cấp cho những
người bị thất nghiệp bởi những đòi hỏi quá đáng về lương),
các công đoàn sẽ không còn phải lo lắng về những đòi hỏi về
lương của mình nữa. Hơn nữa, như chúng ta đã thấy, mức
trợ cấp “thỏa đáng” sẽ khiến nhiều người không muốn tìm
việc làm nữa hoặc nghĩ rằng trên thực tế họ đang được yêu
cầu làm việc không phải vì toàn bộ mức lương mà chỉ vì
khoản chênh lệch giữa mức lương và mức trợ cấp thất
nghiệp. Thất nghiệp nặng nề sẽ làm giảm lượng hàng hóa
được sản xuất; quốc gia sẽ trở nên nghèo hơn và mỗi người
dân sẽ có ít của cải hơn.
Những người ủng hộ công đoàn đôi khi sẽ đưa ra một giải
pháp khác cho vấn đề mà tôi vừa trình bày. Họ công nhận
rằng những thành viên của các công đoàn mạnh ngày nay
bóc lột những lao động không nằm trong công đoàn cùng
những người khác, song giải pháp cho việc này rất đơn giản:
hãy đưa tất cả lao động vào công đoàn! Song thực tế không
đơn giản như vậy! Trước hết, ngay cả với những sự khuyến
khích chính trị và pháp lý mạnh mẽ (trong một vài trường
hợp, có người thậm chí gọi chúng là sự cưỡng ép) để mọi
người tham gia vào các công đoàn như theo điều luật
Wagner-Taft-Hartley hay các điều luật khác, không phải
ngẫu nhiên mà chỉ khoảng một phần tư số lao động đang
được tuyển dụng của quốc gia tham gia vào công đoàn. Các
điều kiện cần thiết để dẫn đến việc người lao động gia nhập
công đoàn không đơn giản như chúng ta thường nghĩ. Song
ngay cả khi mọi lao động đều gia nhập công đoàn, các công
đoàn, giống như tình trạng hiện nay, không thể có quyền lực
giống nhau. Một số nhóm lao động có những vị trí chiến lược
tốt hơn nhiều so với các nhóm khác bởi họ có số lượng lớn
hơn, hoặc bởi sản phẩm của họ có tầm quan trọng cao hơn,
hoặc bởi các ngành sản xuất khác phụ thuộc nhiều vào
ngành của họ hơn, hoặc bởi họ có nhiều khả năng hơn trong
việc dùng các biện pháp cưỡng ép. Song cứ cho rằng điều
này không xảy ra; bất chấp tất cả những sự vô lý ở đây, ta
hãy giả sử rằng tất cả lao động đều có thể tăng lương của
mình một mức đồng đều thông qua các biện pháp mang tính
ép buộc. Vậy thì về lâu dài, chẳng ai sẽ được lợi so với khi tất
cả các mức lương chưa được tăng.
* *
*
Điều này dẫn ta đến mấu chốt của vấn đề. Chúng ta
thường cho rằng việc tăng lương sẽ làm giảm lợi nhuận của
chủ doanh nghiệp. Điều này tất nhiên có thể xảy ra trong
những khoảng thời gian ngắn hoặc trong những tình huống
đặc biệt. Nếu lương bị ép phải tăng trong một công ty nào đó
và bởi sự cạnh tranh của các doanh nghiệp khác, công ty này
hiện giờ không thể tăng giá sản phẩm của mình, lương đuợc
tăng lên sẽ đến từ lợi nhuận của công ty. Điều này sẽ ít khả
năng xảy ra hơn nếu việc tăng lương xảy ra trong toàn bộ
ngành sản xuất. Nếu ngành sản xuất không phải chịu sự
cạnh tranh của các nhà sản xuất nước ngoài, nó có thể tăng
giá sản phẩm và chuyển gánh nặng của việc tăng lương sang
người tiêu dùng. Bởi phần lớn người tiêu dùng cũng là người
lao động, mức lương thật của họ sẽ bị giảm vì họ phải mua
một sản phẩm nào đó với giá cao hơn. Do giá sản phẩm
tăng, tổng lượng sản phẩm được tiêu thụ của ngành sản xuất
đó có thể bị giảm, dẫn đến việc giảm lợi nhuận của ngành;
số lượng việc làm và tổng lương của ngành cũng có thể sẽ bị
giảm một lượng tương đương.
Tất nhiên, cũng có trường hợp lợi nhuận của một ngành
giảm đi mà không dẫn đến sự giảm tương đương số lượng
việc làm của ngành. Nói một cách khác, đây là trường hợp
việc tăng lương dẫn đến việc tăng tổng lương của ngành.
Toàn bộ chi phí cho việc tăng lương sẽ được lấy ra từ lợi
nhuận của ngành và không làm cho một công ty nào phải
đóng cửa. Điều này tuy hiếm, song có thể xảy ra.
Chúng ta hãy lấy ngành đường sắt làm ví dụ. Trong
ngành này, các chi phí cho việc tăng lương không thể luôn
được chuyển sang cho người tiêu dùng, bởi các quy định của
chính phủ không cho phép.
Các công đoàn trong ngành đường sắt vẫn có thể thực
hiện được đòi hỏi của mình trong một khoảng thời gian ngắn
bằng cách bắt chủ doanh nghiệp và nhà đầu tư chịu các chi
phí này. Các nhà đầu tư đã từng có một lượng vốn đầu tư lưu
động, song họ đã đầu tư nó vào ngành đường sắt. Vốn đầu
tư của họ đã được biến thành các thanh ray và lòng đường
ray, toa tàu và đầu máy kéo. Vốn đầu tư của họ trước đây ở
dạng lưu động và có thể được chuyển thành hàng ngàn loại
hình khác nhau; giờ đây, nó bị kẹt trong một loại hình nhất
định. Các công đoàn đường sắt có thể bắt họ phải chấp nhận
mức lợi nhuận thấp hơn từ số vốn đầu tư của họ. Các nhà
đầu tư sẽ tiếp tục phải điều hành ngành đường sắt chừng
nào doanh thu của họ vẫn lớn hơn tổng chi phí, ngay cả khi
mức chênh lệch này chỉ là 0,1% số vốn đầu tư của họ.
Song điều này sẽ dẫn đến một hệ quả không thể tránh
khỏi. Nếu lượng vốn họ đã đầu tư vào ngành đường sắt giờ
đây đem lại ít lợi nhuận hơn so với lượng vốn họ đầu tư vào
các ngành khác, các nhà đầu tư sẽ không đầu tư thêm một
cent nào vào ngành đường sắt nữa. Họ có thể vẫn bỏ tiền ra
để thay thế một số thiết bị hư hỏng trong thời gian đầu để
đảm bảo mức lợi nhuận vốn đã rất nhỏ bé của họ, nhưng về
lâu dài, họ sẽ chẳng buồn thay thế những gì trở nên cũ kỹ
hay hư hỏng. Nếu vốn đầu tư trong nước đem lại ít lợi nhuận
hơn so với vốn đầu tư ở nước ngoài, họ sẽ đầu tư ra nước
ngoài. Nếu họ không tìm được nơi đầu tư với mức lợi nhuận
đủ để bù đắp những rủi ro phải chịu, họ sẽ không đầu tư
nữa.
Chính vì vậy, sự chiếm đoạt vốn thông qua chi phí cho
lao động nếu có thực hiện được cũng chỉ mang tính chất nhất
thời. Nó sẽ nhanh chóng kết thúc. Trên thực tế, nó sẽ không
kết thúc như trong ví dụ mang tính minh họa của chúng ta;
nó sẽ kết thúc bằng việc đóng cửa hàng loạt công ty có hiệu
suất thấp, tăng tỷ lệ thất nghiệp và bắt buộc phải điều chỉnh
lại mức lương và lợi nhuận cho đến khi việc tuyển dụng và
sản xuất được phục hồi nhờ khả năng thu được lợi nhuận ở
mức bình thường (hoặc bất thường). Trong khi đó, do sự bóc
lột và chiếm đoạt này, nạn thất nghiệp và đình trệ sản xuất
sẽ khiến mọi người trở nên nghèo hơn. Cho dù thu nhập của
người lao động trong một khoảng thời gian ngắn sẽ chiếm
một tỷ trọng tương đối lớn hơn trong tổng thu nhập quốc
dân, con số tuyệt đối của tổng thu nhập quốc dân sẽ giảm,
khiến cho những khoản thu này của người lao động trở nên
vô nghĩa. Nó cũng có thể khiến cho tổng sức mua thật của
người lao động bị giảm đi.
* *
*
Vì những lý do trên, kết luận chúng ta đưa ra là công
đoàn hoàn toàn không có khả năng tăng mức lương
thật của người lao động nếu xét về lâu dài và tính đến toàn
bộ người lao động trong xã hội, cho dù trong một khoảng
thời gian nhất định, công đoàn có khả năng đem lại một mức
lương quy ra tiền cao hơn cho các thành viên của mình thông
qua việc gây tổn hại cho các chủ doanh nghiệp và đặc biệt là
cho các lao động không thuộc công đoàn.
Quan điểm cho rằng công đoàn có thể làm được điều này
dựa trên một số ảo tưởng sai lầm. Một trong những ảo tưởng
này là nguỵ biện post hoc ergo proter
hoc (tiếng Latin: lập luận sai lầm cho rằng sự kiện A là
nguyên nhân của sự kiện B bởi sự kiện B xảy ra sau sự kiện
A). Những người theo quan điểm này cho rằng lý do của sự
tăng lương mạnh trong nửa sau của thế kỷ 20 (chủ yếu do
sự tăng cường đầu tư và các tiến bộ khoa học kỹ thuật) là
nhờ hoạt động của các công đoàn, bởi đây cũng là thời kỳ
phát triển của các công đoàn. Song sai lầm lớn nhất dẫn đến
ảo tưởng này là việc chỉ xem xét tác động ngắn hạn của việc
tăng lương do đòi hỏi của công đoàn đối với một số lao động
nhất định (những người giữ được việc làm của mình) mà bỏ
qua tác động đối với sự tuyển dụng lao động, hoạt động sản
xuất và chi phí cho đời sống của toàn bộ người lao động
trong xã hội, bao gồm chính những người đòi hỏi sự tăng
lương này.
Ta có thể đi xa hơn kết luận trên và hỏi liệu có phải chính
công đoàn là “thủ phạm” khiến mức lương thật, xét về lâu
dài và tính đến toàn bộ người lao động trong xã hội, không
tăng được đến mức mà nó đã có thể tăng nếu không có
những đòi hỏi tăng lương của công đoàn hay không. Nếu các
đòi hỏi của công đoàn làm giảm năng suất lao động, thì trên
thực tế chúng chính là yếu tố làm giảm mức lương thật.
Khi nói về năng suất lao động, ta phải công nhận rằng
các chính sách của công đoàn trong một số trường hợp có
đem lại những tác động tích cực. Trong một số ngành sản
xuất, các công đoàn đã kiên quyết đưa ra tiêu chuẩn để nâng
cao trình độ kỹ năng và tay nghề của lao động. Trong thời kỳ
đầu, các công đoàn đã làm được nhiều điều để bảo vệ sức
khỏe cho nhân công. Khi nguồn cung cấp lao động trên thị
trường dồi dào, một số chủ doanh nghiệp thường tìm cách
kiếm lợi bằng cách bắt người lao động làm việc nhanh hơn và
nhiều hơn, bất chấp những tác hại đến sức khỏe của họ, bởi
vì các chủ doanh nghiệp có thể thay thế họ bằng những lao
động khác một cách dễ dàng. Đôi khi các chủ doanh nghiệp
đó, với sự ngu ngốc và thiển cận của mình, có thể tự làm
giảm lợi nhuận vì bắt lao động làm việc quá sức. Trong
những trường hợp này, các công đoàn, thông qua các tiêu
chuẩn và đòi hỏi của họ, thường giúp thành viên công đoàn
cải thiện sức khỏe và phúc lợi của mình, đồng thời giúp tăng
được mức lương thật.
Thế nhưng trong những năm gần đây, quyền lực của các
công đoàn ngày càng tăng cao và công chúng thường có thái
độ ủng hộ thái quá đối với công đoàn, dẫn đến việc chấp
nhận và ủng hộ các chính sách và hoạt động không có lợi
cho xã hội. Trong bối cảnh này, nhiều công đoàn đã vượt quá
các mục tiêu chính đáng của họ. Việc giảm tuần làm việc từ
70 giờ xuống còn 60 giờ có lợi đối với sức khỏe và phúc lợi
của người lao động và đối với hoạt động sản xuất xét về lâu
dài. Việc giảm tuần làm việc từ 60 xuống còn 48 giờ có lợi
đối với sức khỏe và các hoạt động giải trí của người lao động.
Việc giảm tuần làm việc từ 48 xuống còn 40 giờ có lợi đối với
các hoạt động giải trí của người lao động, song không nhất
thiết là có lợi đối với hoạt động sản xuất và thu nhập. Giá trị
của việc giảm tuần làm việc xuống còn 40 giờ đối với sức
khỏe và các hoạt động giải trí của người lao động cũng giảm
đi, đồng thời việc giảm tổng sản lượng và thu nhập trở nên
rõ ràng hơn. Song các công đoàn ngày nay vẫn tiếp tục đề
cập đến, và một số công đoàn đã áp dụng, tuần làm việc 35
hoặc 30 giờ, đồng thời không công nhận rằng việc này có thể
giảm sản lượng và thu nhập.
Tuy nhiên các chính sách của công đoàn không chỉ làm
giảm năng suất lao động thông qua việc giảm thời gian làm
việc. Việc giảm thời gian làm việc trên thực tế là một trong
những chính sách gây ít tổn hại nhất của các công đoàn, bởi
các chính sách này có những lợi ích rõ ràng để bù đắp lại cho
các thiệt hại. Nhưng nhiều công đoàn đã kiên quyết thực
hiện việc phân chia lao động một cách cứng nhắc, khiến cho
chi phí sản xuất bị tăng cao và dẫn đến các cuộc tranh chấp
“lãnh thổ” tốn kém và nực cười. Họ phản đối việc trả lương
dựa trên thành phẩm hay năng suất và đòi chủ doanh nghiệp
phải trả một mức lương theo giờ đồng đều cho tất cả các
thành viên của họ, cho dù năng suất lao động của những
người này khác nhau. Họ đòi hỏi việc thăng chức dựa trên
thâm niên thay vì thành tích. Họ cố tình giảm tốc độ làm việc
với lý do trá hình là chống lại việc tăng tốc độ sản xuất quá
mức. Họ phê phán, đòi đuổi việc, thậm chí hành hung những
người làm việc với năng suất cao hơn những người khác. Họ
phản đối sự áp dụng và cải tiến các thiết bị sản xuất. Họ đòi
hỏi rằng nếu bất kỳ thành viên nào của họ bị mất việc làm vì
các thiết bị có năng suất cao và tiết kiệm lao động hơn,
những lao động bị mất việc sẽ được nhận “thu nhập đảm
bảo” mãi mãi. Họ kiên quyết áp dụng các nguyên tắc nhằm
tăng lượng lao động và thời gian để thực hiện một công việc
nào đó. Họ bắt buộc các chủ doanh nghiệp phải thuê những
lao động hoàn toàn không cần thiết bằng cách đe dọa rằng
họ sẽ làm các chủ doanh nghiệp phá sản nếu không tuân
theo.
Phần lớn các chính sách này đều dựa trên quan điểm cho
rằng số lượng công việc để làm là cố định, và rằng “quỹ công
việc” cố định đó, để khỏi sớm bị hết, phải được chia đều cho
càng nhiều lao động và càng kéo dài về thời gian càng tốt.
Đây là một quan điểm hoàn toàn sai. Trên thực tế, không có
giới hạn cho lượng công ăn việc làm. Công việc sẽ tạo ra
thêm công việc. Những gì A sản xuất sẽ tạo ra nhu cầu cho
những gì B sản xuất.
Song bởi quan điểm sai lầm này vẫn tồn tại và các chính
sách của công đoàn lấy nó làm nền tảng, các chính sách sẽ
làm giảm năng suất xuống thấp hơn mức nó có thể đạt được.
Vì vậy, tác động lâu dài của chúng đối với toàn bộ người lao
động sẽ là làm giảm lương thật (tính bằng lượng hàng hóa có
thể mua được) xuống thấp hơn mức nó có thể đạt được.
Nguyên nhân thực sự của việc tăng mạnh mức lương thật
của người lao động trong thế kỷ qua, xin được nhắc lại, là sự
tích lũy vốn sản xuất và các tiến bộ khoa học kỹ thuật vượt
bậc xảy ra nhờ sự tích lũy vốn đó.
Song quá trình này không tự nhiên xảy ra. Mức tăng
lương trong thập kỷ qua đã ngừng lại bởi các chính sách tồi
của công đoàn và chính phủ. Nếu ta nhìn vào thu nhập trước
thuế bình quân theo tuần tính bằng đôla của các lao động phi
nông nghiệp trong khu vực kinh tế tư nhân, đúng là nó đã
tăng từ 107,73 đôla vào năm 1968 lên 189,36 đôla vào
tháng tám năm 1977. Nhưng khi Phòng thống kê lao động
tính đến lạm phát và quy mức thu nhập này về đồng đôla
của năm 1967 để xét cả sự tăng giá của hàng tiêu dùng, họ
nhận thấy rằng thu nhập thật theo tuần đã giảm từ 103,39
đôla vào năm 1968 xuống 103,36 đôla vào tháng tám năm
1977.
Việc mức lương thật ngừng tăng không phải là một hậu
quả thuộc về bản chất của công đoàn; nó là hậu quả của các
chính sách thiển cận của chính phủ và công đoàn. Chúng ta
vẫn có đủ thời gian để thay đổi cả hai nhóm chính sách này.
Chương XXI: “Đủ để mua lại sản phẩm mình tạo ra”
Những người viết về kinh tế học không chuyên luôn đòi
hỏi các mức giá hay mức lương “công bằng”. Những khái
niệm mơ hồ này về sự công bằng trong kinh tế đã có từ thời
Trung cổ. Thay vì các khái niệm đó, các nhà kinh tế học theo
trường phái cổ điển đã đưa ra khái niệm về mức giá hay mức
lương mang tính chức năng. Các mức giá mang tính chức
năng là các mức giá có khả năng tạo ra sản lượng sản xuất
và doanh thu bán hàng lớn nhất. Các mức lương mang tính
chức năng là các mức lương có khả năng tạo ra lượng việc
làm và tổng lương thật lớn nhất.
Khái niệm các mức lương mang tính chức năng đã bị bóp
méo bởi những người theo tư tưởng Mác-xít và những người
theo trường phái sức mua (vốn cũng là những người tin vào
tư tưởng Mác-xít một cách vô thức). Cả hai nhóm cho rằng
vấn đề thực sự không phải là tính “công bằng” của các mức
lương đang được áp dụng (câu hỏi này nên dành cho những
bộ óc đơn sơ hơn) mà là liệu các mức lương này có thực hiện
được các chức năng của chúng không. Họ tuyên bố rằng các
mức lương duy nhất có thể thực hiện được các chức năng của
mình, các mức lương duy nhất có thể giúp nền kinh tế không
sụp đổ, là những mức lương cho phép người lao động “mua
lại sản phẩm do mình tạo ra”. Những người theo tư tưởng
Mácxít và trường phái sức mua cho rằng nguyên nhân của
mọi cuộc khủng hoảng kinh tế trước đây là do các mức lương
trước đó đã không thỏa mãn được điều kiện này. Và khi xem
xét các mức lương tại bất kỳ thời điểm nào, họ đều thấy rằng
chúng chưa đủ cao để cho phép người lao động mua lại sản
phẩm mình tạo ra.
Luận thuyết này đã tỏ ra rất hữu dụng khi được sử dụng
bởi những người lãnh đạo công đoàn. Nản lòng vì không đủ
khả năng khiến cho công chúng quan tâm hay thuyết phục
các chủ doanh nghiệp (“những kẻ xấu xa”, theo định nghĩa
của họ) đối xử với người lao động một cách “công bằng”, họ
đã nắm lấy lý lẽ này, điều đánh trúng vào những động cơ ích
kỷ của công chúng, và đe dọa gây sức ép đòi các chủ doanh
nghiệp phải chấp nhận những đòi hỏi của công đoàn.
Tuy nhiên, làm sao ta có thể biết chính xác khi nào thì
người lao động có đủ tiền để “mua lại các sản phẩm mình tạo
ra” hay khi nào họ đã có nhiều hơn mức đó? Làm sao ta có
thể xác định được khoản tiền đó là bao nhiêu? Bởi những
người ủng hộ luận thuyết này dường như không muốn trả lời
các câu hỏi đó, chúng ta sẽ tự phải tìm câu trả lời.
Một số người ủng hộ lý thuyết này dường như muốn ám
chỉ rằng trong mỗi ngành sản xuất, người lao động nên có đủ
tiền để có thể mua lại chính sản phẩm họ tạo ra. Song chắc
chắn những người này không có ý rằng những người sản
xuất quần áo rẻ tiền cần có đủ tiền để mua quần áo rẻ tiền
trong khi những người làm áo khoác lông chồn phải có đủ
tiền để mua áo khoác lông chồn; hay những người làm trong
nhà máy sản xuất xe Ford nên có đủ tiền để mua xe Ford
trong khi những người làm trong nhà máy sản xuất xe
Cadillac cần có đủ tiền để mua xe Cadillac.
Tuy nhiên, chúng ta cần nhớ lại rằng vào những năm 40,
khi phần lớn thành viên của công đoàn trong ngành sản xuất
xe hơi đều nằm trong một phần ba dân số có thu nhập cao
nhất trong xã hội, với mức lương cao hơn 20% so với mức
bình quân của những người làm việc trong các nhà máy và
gần gấp đôi mức bình quân của những người trong ngành
bán lẻ (theo thống kê của chính phủ), các công đoàn trong
ngành sản xuất xe hơi vẫn đòi tăng 30% lương để họ có thể,
theo lời người phát ngôn của họ, “hỗ trợ khả năng đang bị
suy giảm nhanh của chúng tôi trong việc tiêu thụ những sản
phẩm mà chúng tôi có khả năng tạo ra”.
Thế còn những công nhân nhà máy hay những người bán
lẻ bình thường khác thì sao? Nếu, trong tình huống này,
những công nhân sản xuất xe hơi cần tăng 30% lương để
giúp cho nền kinh tế không bị sụp đổ, liệu 30% có đủ cho
những người này không? Hay liệu họ sẽ cần tăng 55 hay
160% lương để mỗi người trong số họ sẽ có được sức mua
tương đương với những công nhân sản xuất xe hơi? Chúng ta
cần nhớ rằng vào thời điểm đó, cũng như ngày nay, giữa các
ngành sản xuất khác nhau luôn có sự khác biệt lớn về mức
lương bình quân. Vào năm 1976, những người làm việc trong
các ngành bán lẻ chỉ được hưởng lương bình quân 113,96
đôla một tuần, trong khi công nhân trong các ngành sản
xuất hưởng lương bình quân 207,60 đôla một tuần và lao
động trong ngành thầu xây dựng hưởng lương 284,93 đôla
một tuần.
(Cứ nhìn vào lịch sử của việc đàm phán lương ngay cả
trong mỗi công đoàn, ta có thể chắc chắn rằng nếu có người
đề xuất việc tăng lương cho lao động trong các ngành khác
để đảm bảo sự bình đẳng về sức mua, các công nhân sản
xuất xe hơi sẽ kiên quyết đòi duy trì sự khác biệt về lương
của họ; bởi, đối với các thành viên công đoàn cũng như mỗi
chúng ta, ngoại trừ một vài trường hợp cá biệt của những vị
thánh hay những người sẵn sàng xả thân vì lợi ích chung,
việc đòi hỏi sự công bằng về kinh tế thực chất là để ta cũng
được như những người giàu có hơn mình chứ không phải để
giúp những người nghèo hơn ta có được những gì ta có. Song
ở đây, chúng ta sẽ không thảo luận về những nhược điểm
đáng hổ thẹn trong bản tính con người mà chỉ quan tâm đến
tính logic và sự hợp lý của lý thuyết kinh tế cụ thể này.)
* *
*
Lý lẽ cho rằng người lao động nên được nhận đủ tiền để
mua lại những gì họ tạo ra chỉ là một dạng đặc biệt của luận
điểm chung về “sức mua”. Luận điểm này chỉ ra rằng lương
của người lao động là sức mua của họ. Điều này đúng, song
nó cũng đúng với bất kỳ ai khác. Thu nhập của người chủ
hàng tạp hóa, người cho thuê nhà hay chủ doanh nghiệp là
sức mua người đó có để mua những gì người khác bán. Và
một trong những thứ quan trọng nhất mà mọi người có bán
là dịch vụ lao động của họ.
Hơn nữa, tất cả những điều này đều có mặt trái của nó.
Trong một nền kinh tế mang tính trao đổi, thu nhập bằng
tiền của một người sẽ là chi phí của một người khác. Mỗi sự
tăng lên trong mức lương theo giờ, trừ khi và cho đến khi nó
đi kèm với một mức tăng tương đương trong năng suất lao
động theo giờ, sẽ là một sự tăng lên trong chi phí sản xuất.
Chi phí sản xuất tăng lên, khi mức giá bị kiểm soát bởi chính
phủ và không được phép tăng, sẽ làm giảm lợi nhuận của
những nhà sản xuất có hiệu suất thấp và khiến họ phải
ngừng sản xuất. Điều này sẽ thu nhỏ sản xuất và làm tăng
thất nghiệp. Ngay cả khi giá sản phẩm có thể tăng, mức giá
cao hơn sẽ khiến lượng người mua giảm đi và dẫn đến việc
thu nhỏ thị trường và thất nghiệp. Nếu việc áp dụng mức
tăng lương 30% khiến giá sản phẩm tăng lên 30%, người lao
động sẽ không mua được nhiều sản phẩm đó hơn so với
trước đây, và chu kỳ này lại phải tiếp tục.
Nhiều người chắc chắn sẽ không đồng ý rằng mức tăng
lương 30% có thể tạo ra một sự tăng giá hàng hóa tương tự.
Đúng là kết quả này chỉ có thể xảy ra về lâu dài với sự cho
phép của chính sách tiền tệ và tín dụng. Nếu lượng tiền và
tín dụng kém linh hoạt đến mức các mức giá không tăng khi
mức lương tăng (và nếu ta giả sử rằng mức lương cao hơn là
không hợp lý nếu so với năng suất lao động hiện tại quy ra
đôla), tác động chính của việc tăng lương sẽ là thất nghiệp.
Trong trường hợp đó, điều có thể xảy ra là tổng lương,
tính theo đôla hay theo sức mua thật, sẽ thấp hơn trước, bởi
việc giảm lượng việc làm (do chính sách của công đoàn chứ
không phải các tiến bộ khoa học kỹ thuật) chắc chắn sẽ dẫn
đến việc giảm lượng hàng hóa được sản xuất ra cho người
tiêu dùng. Việc có được một tỷ trọng tương đối lớn hơn trong
tổng sản phẩm quốc dân sẽ không đủ để giúp người lao động
bù lại sự giảm xuống về con số tuyệt đối của tổng sản phẩm.
Paul H. Douglas ở Mỹ, thông qua việc phân tích một lượng dữ
liệu lớn, và A. C. Pigou ở Anh, với các phương pháp hầu như
hoàn toàn mang tính diễn dịch, đã cùng đưa ra một kết luận
giống nhau rằng độ co giản của cầu đối với lao động là
khoảng giữa 3 và 4. Nói một cách đơn giản, “khi mức lương
5
thật giảm 1%, tổng cầu lao động sẽ tăng hơn 3%” . Hoặc
là, khi nhìn vào vấn đề bằng một cách khác, “nếu lương bị
đẩy lên cao hơn mức năng suất biên, cầu lao động sẽ giảm
6
một lượng lớn gấp 3 - 4 lần so với mức tăng lương” , và tổng
thu nhập của người lao động cũng sẽ giảm một lượng tương
đương.
Ngay cả nếu những con số này chỉ nói lên mức độ co giãn
của cầu lao động trong một khoảng thời gian nhất định trong
quá khứ chứ không có khả năng dự đoán tương lại, chúng
cũng đáng để chúng ta xem xét một cách nghiêm túc.
* *
*
Hãy giả sử rằng cùng lúc hay sau khi mức lương được
tăng, lượng tiền và tín dụng được tăng đủ để không gây ra
thất nghiệp nghiêm trọng. Nếu ta giả sử rằng quan hệ giữa
giá hàng hóa và lương trước đây là một tương quan “bình
thường” và đã tồn tại trong một thời gian dài, việc tăng mức
lương, ví dụ là 30%, rất có thể sẽ làm tăng giá hàng hóa với
một tỷ lệ % tương đương.
Nhiều người cho rằng lượng tăng của giá sẽ thấp hơn
nhiều so với lượng tăng của lương, bởi hai nguỵ biện chính
sau. Nguỵ biện thứ nhất là: họ chỉ xem xét các chi phí lao
động trực tiếp của một công ty hay một ngành sản xuất và
cho rằng các chi phí này đã bao gồm tất cả chi phí về lao
động có liên quan. Song ở đây, việc xem một bộ phận là
tổng thể, là sai lầm căn bản. Mỗi “ngành sản xuất” không chỉ
đại diện cho một phần trong quy trình sản xuất theo “chiều
ngang”; nó cũng đại diện cho một phần trong quy trình sản
xuất theo “chiều dọc”. Vì vậy, chi phí trực tiếp cho lao động
trong các nhà máy sản xuất xe hơi có thể ít hơn một phần ba
tổng chi phí, và điều này sẽ khiến những người không xem
xét kỹ vấn đề kết luận rằng mức tăng lương 30% sẽ chỉ dẫn
đến mức tăng 10% hoặc ít hơn trong giá xe hơi. Song điều
này có nghĩa là ta đã bỏ qua những chi phí lao động gián tiếp
trong nguyên vật liệu thô và các bộ phận đi mua, trong các
chi phí vận tải, trong các nhà máy và công cụ mới, hay trong
hoạt động tăng giá của những người bán hàng.
Các con số dự đoán của chính phủ cho thấy rằng trong
khoảng thời gian 15 năm từ 1929 đến 1943, tổng lương của
người dân Mỹ chiếm 69% tổng thu nhập quốc dân. Trong
khoảng thời gian 5 năm từ 1956 đến 1960, tổng lương bình
quân cũng ở mức 69% tổng thu nhập quốc dân. Trong
khoảng thời gian 5 năm từ 1972 đến 1976, tổng lương bình
quân chiếm 66% tổng thu nhập quốc dân, và khi thêm vào
các khoản phụ cấp, tổng số tiền người lao động nhận được
chiếm khoảng 76% tổng thu nhập quốc dân. Số tiền lương
này tất nhiên phải được lấy từ sản phẩm quốc dân. Tuy để có
được con số áng chừng thu nhập của “người lao động”, ta sẽ
phải cộng thêm và trừ đi nhiều khoản từ những số liệu đang
có, nhưng dựa trên cơ sở này, ta có thể cho rằng chi phí lao
động sẽ không nhỏ hơn hai phần ba và có thể cao hơn ba
phần tư tổng chi phí sản xuất (tùy theo cách chúng ta định
nghĩa lao động). Nếu ta lấy con số thấp hơn và giả định rằng
mức lợi nhuận biên tính ra đôla không thay đổi, điều này
nghĩa là mức tăng lương 30% sẽ khiến cho giá sản phẩm
tăng gần 20%.
Song sự thay đổi này sẽ có nghĩa là lợi nhuận biên tính ra
đôla, cũng chính là thu nhập của những nhà đầu tư, người
quản lý và những người làm việc cho bản thân, sẽ chỉ còn
84% lượng sức mua trước đây của nó. Tác động về lâu dài
của điều này sẽ là sự giảm đầu tư và hình thành doanh
nghiệp mới so với bình thường, và những người làm việc cho
bản thân có mức thu nhập thấp sẽ chuyển thành những lao
động hưởng lương có mức lương cao. Hiện tượng này sẽ tiếp
diễn cho tới khi mối tương quan trước đây được phục hồi.
Điều này không có nghĩa là các lao động hưởng lương sẽ
không có lợi ích tương đối. Họ sẽ thu được lợi ích tương đối,
và những thành phần khác trong dân chúng sẽ bị thiệt hại
tương đối, trong thời gian chuyển tiếp. Song lợi ích tương đối
này thường biến mất khi xét theo con số tuyệt đối, bởi sự
thay đổi trong mối tương quan giữa lương và giá mà chúng
ta đang xem xét ở đây hầu như luôn dẫn đến sự thất nghiệp
và tình trạng lệch lạc, gián đoạn hay suy giảm của sản xuất.
Vì vậy, trong thời kỳ chuyển tiếp và điều chỉnh đến mức cân
bằng mới, thu nhập của người lao động có thể chiếm một tỷ
trọng lớn hơn trong một tổng sản phẩm nhỏ hơn. Song khi
xét về con số tuyệt đối, nó có thể không lớn hơn, thậm chí
còn nhỏ hơn so với trước đây (khi tổng thu nhập của lao
động chiếm một tỷ trọng nhỏ hơn trong một tổng sản phẩm
lớn hơn).
* *
*
Điều này dẫn chúng ta đến ý nghĩa và tác động tổng
quan của trạng thái cân bằng kinh tế. Các mức lương và giá
cân bằng là các mức lương và giá khiến cho cung và cầu
ngang bằng nhau. Nếu vì sự can thiệp của chính phủ hay sự
cưỡng ép của cá nhân mà mức giá bị nâng lên cao hơn mức
cân bằng, cầu sẽ giảm và vì thế sản xuất sẽ giảm. Nếu giá bị
đẩy xuống thấp hơn mức cân bằng, việc giảm hay không còn
lợi nhuận sẽ làm giảm cung và giảm các hoạt động sản xuất
mới. Chính vì vậy, bất kỳ khi nào giá bị nâng lên trên hay
đẩy xuống dưới mức cân bằng của nó (thị trường tự do luôn
có xu hướng đưa giá đến mức cân bằng này), lượng việc làm
và quy mô sản xuất sẽ bị giảm thấp hơn so với mức bình
thường.
Chúng ta hãy cùng quay lại quan điểm người lao động
phải có “đủ tiền để mua lại sản phẩm mình tạo ra”. Một điều
hiển nhiên là sản phẩm quốc dân được tạo ra và tiêu dùng
không chỉ bởi lực lượng sản xuất. Nó được tiêu dùng bởi tất
cả mọi người – các nhân viên văn phòng, những người có
chuyên môn, nông dân, chủ doanh nghiệp lớn hay nhỏ, nhà
đầu tư, chủ cửa hiệu tạp hóa, người giết mổ gia súc, chủ sở
hữu các hiệu thuốc tây và cây xăng, v.v…, nói tóm lại là bởi
tất cả những ai góp phần tạo ra sản phẩm đó.
Còn về các mức giá, lương và lợi nhuận có chức năng
quyết định việc phân phối sản phẩm đó, mức giá tối ưu
không phải là mức giá cao nhất mà là mức giá dẫn đến sản
lượng và doanh số lớn nhất. Mức lương tối ưu cho người lao
động không phải là mức lương cao nhất mà là mức lương cho
phép các hoạt động sản xuất và lượng việc làm đạt đến mức
tối ưu và tạo ra tổng lương lớn nhất. Mức lợi nhuận tối ưu, từ
phương diện của cả ngành sản xuất và người lao động,
không phải là mức lợi nhuận thấp nhất mà là mức lợi nhuận
sẽ khiến nhiều người trở thành chủ doanh nghiệp và cung
cấp nhiều việc làm hơn so với trước đây.
Nếu chúng ta cố gắng điều hành nền kinh tế vì lợi ích của
một nhóm lợi ích hay một tầng lớp nào đó, chúng ta sẽ sẽ
gây thiệt hại và thương tổn cho toàn xã hội, bao gồm cả
những người mà chúng ta đang cố gắng bảo vệ và phục vụ.
Chúng ta phải điều hành nền kinh tế vì tất cả mọi người.
Chương XXII: Chức năng của lợi nhuận
Việc nhiều người ngày hôm nay vẫn cảm thấy khó chịu
với từ lợi nhuận chứng tỏ chúng ta vẫn còn biết rất ít về chức
năng sống còn của lợi nhuận trong nền kinh tế. Để hiểu rõ
hơn về chủ đề này, chúng ta sẽ nói lại trong chương này một
số điều đã được đề cập đến trong chương XV về hệ thống
giá. Tuy nhiên, vấn đề sẽ được xem xét từ một góc độ khác.
Trong toàn bộ nền kinh tế của chúng ta, lợi nhuận
thường không chiếm tỷ suất lớn. Lợi nhuận ròng bình quân
của các doanh nghiệp trong khoảng thời gian15 năm, từ
1929 đến 1943 chiếm không đầy 5% tổng thu nhập quốc
dân. Mức lợi nhuận sau thuế bình quân của doanh nghiệp
trong vòng 5 năm, từ 1956 đến 1960 chỉ đạt chưa đến 6%
tổng thu nhập quốc dân. Mức lợi nhuận sau thuế bình quân
của doanh nghiệp trong vòng 5 năm, từ 1971 đến 1975 cũng
chỉ ở mức dưới 6% tổng thu nhập quốc dân (con số này có
thể cao hơn thực tế bởi việc tính toán chưa xem xét hết được
tác động của lạm phát). Vậy nhưng lợi nhuận cũng là loại thu
nhập bị nhiều người phê phán nhất. Không phải vô cớ mà
trong tiếng Anh có từ profiteer (xuất phát từ profit: lợi
nhuận) được dùng để phỉ báng những người thu lợi nhuận
quá mức, song lại không có những từ tương tự, ví dụ như
wageer hoặc losseer, để miêu tả những người nhận lương
quá nhiều (wage: lương) hoặc những người thua lỗ quá
nhiều (loss: sự thua lỗ). Nhưng lợi nhuận của một người chủ
hiệu cắt tóc tính bình quân không chỉ thấp hơn so với lương
của một minh tinh màn bạc hay giám đốc điều hành của một
tổng công ty thép mà thậm chí còn thấp hơn mức lương bình
quân của một lao động có tay nghề.
Suy nghĩ của chúng ta về vấn đề này bị ảnh hưởng bởi
nhiều thông tin và quan niệm không chính xác. Người ta nhìn
vào tổng lợi nhuận của công ty General Motors, doanh
nghiệp lớn nhất trong lĩnh vực công nghiệp trên thế giới, như
thể nó là con số đại diện chung cho mức lợi nhuận của các
doanh nghiệp chứ không phải như là một trường hợp đặc
biệt. Rất ít người biết được tỷ lệ đóng cửa của các doanh
nghiệp kinh doanh. Họ không biết rằng (theo trích dẫn từ
nghiên cứu của TNEC) “nếu điều kiện kinh doanh bình quân
của 50 năm qua được duy trì, cứ trong 10 cửa hàng tạp hóa
thì khoảng 7 cửa hàng sẽ tồn tại đến năm thứ hai và chỉ 4
cửa hàng vẫn còn mở cửa sau 4 năm.” Họ không biết rằng,
theo thống kê thuế thu nhập, số doanh nghiệp thua lỗ luôn
lớn hơn số doanh nghiệp có lợi nhuận trong tất cả các năm
từ 1930 đến 1938.
Tính bình quân thì lợi nhuận là bao nhiêu?
Câu hỏi này thường được trả lời thông qua các số liệu mà
tôi đưa ra ở đầu chương này - rằng lợi nhuận bình quân của
doanh nghiệp thường ở mức dưới 6% tổng thu nhập quốc
dân, hay bằng cách chỉ ra rằng lợi nhuận bình quân sau khi
đã trừ thuế thu nhập của tất cả các doanh nghiệp sản xuất là
dưới 5 cent trên mỗi đôla doanh thu. (Trong vòng 5 năm từ
1971 đến 1975, con số này là 4,6 cent.) Thế nhưng những số
liệu chính thức này, dù thấp hơn nhiều so với mức lợi nhuận
mà công chúng thường mường tượng, lại chỉ mới áp dụng
cho số liệu của các doanh nghiệp và được tính toán theo các
phương pháp kế toán thông thường. Chưa ai đưa ra được
một số liệu đáng tin cậy có tính đến mọi loại hoạt động kinh
tế, trong cũng như ngoài doanh nghiệp, trong một khoảng
thời gian đủ dài bao gồm cả những năm kinh doanh tốt cũng
như những năm kinh doanh tồi. Một số nhà kinh tế học nổi
tiếng cho rằng có thể sẽ không còn lợi nhuận ròng, hay thậm
chí là sẽ có lỗ, nếu xét trong một khoảng thời gian dài, sau
khi đã tính hết mọi khoản lỗ và trừ đi một khoản lợi tức tối
thiểu “phi rủi ro” trên số vốn đầu tư và một mức lương “hợp
lý” cho công sức của những người tự điều hành công việc
kinh doanh của mình. Điều này hoàn toàn không phải vì các
chủ doanh nghiệp (những người kinh doanh vì bản thân
mình) cố tình trở thành những nhà hảo tâm, mà là vì họ, với
sự tự tin hay lạc quan thái quá của mình, thường theo đuổi
các công việc kinh doanh không hoặc không có khả năng
7
thành công .
Trong bất kỳ trường hợp nào, điều rõ ràng là một cá
nhân đổ vốn vào kinh doanh sẽ có thể bị mất không chỉ phần
lợi tức của vốn đầu tư mà toàn bộ số vốn đó. Trong quá khứ,
sự cám dỗ của mức lợi nhuận cao tại một số doanh nghiệp
hay ngành sản xuất đặc biệt đã khiến người đó quyết định
chấp nhận rủi ro này. Song nếu mức lợi nhuận tối đa không
vượt quá 10% hoặc một con số tương tự, trong khi khả năng
mất toàn bộ vốn đầu tư vẫn tồn tại, điều này sẽ có tác động
như thế nào đối với động cơ thu lợi nhuận, hoạt động tuyển
dụng lao động và sự sản xuất? Thuế siêu thu nhập trong thời
kỳ Thế Chiến II đã cho ta thấy hiệu suất kinh doanh có thể
giảm như thế nào khi mức lợi nhuận bị hạn chế, ngay cả
trong một khoảng thời gian ngắn.
Thế nhưng các chính sách của chính phủ ngày nay ở hầu
như khắp nơi trên thế giới đều được đưa ra dựa trên giả định
rằng cho dù họ có làm gì để ngăn cản sản xuất thì nó vẫn cứ
tiếp tục một cách tự động. Ngày nay, một trong những mối
đe dọa lớn nhất đối với sản xuất trên thế giới vẫn là các
chính sách định giá của chính phủ. Các chính sách này không
chỉ triệt tiêu động cơ của việc sản xuất nhiều mặt hàng,
khiến cho nhiều loại hàng hóa không được sản xuất nữa, mà
về lâu dài chúng còn gây ra sự mất cân bằng giữa sản xuất
và nhu cầu của người tiêu dùng. Khi nền kinh tế được tự do,
nhu cầu của người tiêu dùng sẽ khiến cho một số ngành sản
xuất có được cái mà chính phủ gọi là mức lợi nhuận “thái
quá”, “bất hợp lý”, thậm chí là “bẩn thỉu”. Song chính điều
này sẽ khiến mọi công ty trong ngành đó mở rộng sản xuất
đến mức cao nhất, tái đầu tư lợi nhuận của nó vào các trang
thiết bị và tạo ra nhiều việc làm hơn; đồng thời, nó cũng sẽ
thu hút nhiều nhà đầu tư và nhà sản xuất mới từ mọi nơi,
cho tới khi sản xuất của ngành đó đủ để đáp ứng cho nhu
cầu của người tiêu dùng và mức lợi nhuận của ngành này sẽ
quay trở lại (hay giảm xuống thấp hơn) mức lợi nhuận bình
quân.
Trong nền kinh tế tự do, nơi các mức lương, chi phí và
giá cả được quyết định bởi hoạt động tự do của thị trường
cạnh tranh, khả năng thu lợi nhuận sẽ quyết định loại hàng
hóa gì sẽ được sản xuất với số lượng bao nhiêu, cũng như là
loại hàng hóa nào sẽ không được sản xuất. Nếu việc sản xuất
một loại hàng hóa nào đó không mang lại lợi nhuận, đó là
dấu hiệu chứng tỏ rằng lao động và vốn sản xuất được dùng
để sản xuất ra nó đã bị đầu tư sai chỗ; giá trị của các nguồn
lực được dùng để tạo ra loại hàng hóa đó lớn hơn giá trị của
bản thân nó.
Nói tóm lại, chức năng của lợi nhuận là hướng dẫn các
yếu tố sản xuất để quyết định mức sản lượng tương đối của
hàng ngàn loại hàng hóa khác nhau tùy theo nhu cầu. Không
nhà quản lý kinh tế nào, cho dù có khôn ngoan đến đâu, có
thể tùy ý mình giải quyết được bài toán khó đó. Các mức giá
và lợi nhuận tự do sẽ tăng tối đa sản xuất và giải quyết
những khan hiếm nhanh hơn bất kỳ một hệ thống nào khác.
Các mức giá bị cố định và mức lợi nhuận bị hạn chế một cách
tùy tiện sẽ kéo dài tình trạng khan hiếm, giảm sản xuất và
số lượng việc làm.
Cuối cùng, lợi nhuận cũng có chức năng liên tục tạo sức
ép lên những người đứng đầu mỗi doanh nghiệp mang tính
cạnh tranh để họ luôn tìm cách tiết kiệm và nâng cao hiệu
suất kinh tế, cho dù chúng đã ở mức độ đến thế nào. Trong
thời điểm kinh doanh phát đạt, người đó sẽ làm điều này để
tăng thêm lợi nhuận. Trong thời điểm kinh doanh bình
thường, người đó sẽ làm điều này để vượt lên trước các đối
thủ cạnh tranh khác. Trong thời điểm kinh doanh tồi tệ,
người đó sẽ làm điều này có thể chỉ để tồn tại. Lợi nhuận
không chỉ có thể giảm về không (0); nó có thể nhanh chóng
chuyển thành lỗ, và một người sẽ cố gắng hơn nhiều để
thoát khỏi cảnh thua lỗ so với khi người đó chỉ đơn thuần
muốn cải thiện tình hình kinh doanh của mình.
Không giống như mọi người thường nghĩ, ta thu được lợi
nhuận không phải nhờ tăng giá mà bằng cách tiết kiệm và
nâng cao hiệu suất kinh tế để giảm chi phí sản xuất. Rất
hiếm khi (và trừ khi có độc quyền - điều này rất hiếm khi
xảy ra trong một thời gian dài) mọi công ty trong một ngành
đều có lợi nhuận. Mức giá các công ty đưa ra cho cùng một
loại hàng hóa hay dịch vụ phải giống nhau; những người
muốn đưa ra mức giá cao hơn sẽ không có khách hàng. Vì
vậy, mức lợi nhuận lớn nhất sẽ thuộc về những công ty có
chi phí sản xuất thấp nhất. Các công ty này sẽ mở rộng và
khiến công ty nào có hiệu suất thấp phải thu nhỏ. Nhờ vậy,
người tiêu dùng và công chúng được hưởng lợi.
Nói tóm lại, lợi nhuận - kết quả của tương quan giữa giá
và chi phí - cho ta biết nên sản xuất loại hàng hóa nào và
bằng cách thức nào thì kinh tế nhất. Trong bất kỳ một hệ
thống kinh tế nào ta có thể tưởng tượng ra, chủ nghĩa tư bản
hay chủ nghĩa xã hội, các câu hỏi này phải được trả lời. Và
đối với phần lớn các loại hàng hóa và dịch vụ được sản xuất
ra, các câu trả lời do lợi nhuận và lỗ trong một doanh nghiệp
tự do cạnh tranh đưa ra luôn đáng tin cậy hơn nhiều so với
những câu trả lời có được thông qua bất kỳ một phương
pháp nào khác.
Trong chương này, tôi đã nhấn mạnh việc giảm chi phí
sản xuất bởi đây là một chức năng của lời lỗ ít được chú ý
đến nhất. Tất nhiên, lợi nhuận lớn hơn sẽ không chỉ thuộc về
người làm ra một cái bẫy chuột tốt hơn so với những người
khác mà cũng thuộc về cả người sản xuất ra một cái bẫy
chuột có tính hiệu quả hơn. Thế nhưng trong hai loại chức
năng này thì chức năng của lợi nhuận trong việc khuyến
khích nâng cao chất lượng và cải tiến sản phẩm là điều mọi
người dễ dàng nhận ra.
Chương XXIII: Ảo ảnh về lạm phát
Tôi đã một số lần phải nhắc nhở độc giả rằng một chính
sách nhất định sẽ dẫn đến một kết quả nào đó “nếu không
có lạm phát”. Trong các chương về công trình công cộng và
tín dụng, tôi đã hẹn sẽ nghiên cứu các tác động phức tạp của
lạm phát ở phần sau. Thế nhưng tiền và chính sách tiền tệ là
một bộ phận rất mật thiết và hữu cơ trong mọi quy trình
kinh tế, đến mức sự tách biệt này, cho dù chỉ để giúp chúng
ta phân tích được vấn đề rõ hơn, không phải là chuyện dễ
làm. Vì vậy, trong các chương về ảnh hưởng của các chính
sách khác nhau về lương của chính phủ và công đoàn đối với
tuyển dụng lao động, lợi nhuận và sản xuất, chúng ta đã
phải xem xét ngay một số tác động của các chính sách tiền
tệ khác nhau.
Trước khi xem xét hậu quả của lạm phát trong các
trường hợp cụ thể, ta sẽ cùng nghiên cứu tác động chung
của nó. Thế nhưng, trước hết, chúng ta nên hỏi tại sao lạm
phát lại thường xuyên được sử dụng, tại sao từ xưa đến nay
nó luôn có một sự cám dỗ lạ kỳ, tại sao hết quốc gia này đến
quốc gia khác đã theo tiếng gọi của lạm phát để đi vào
khủng hoảng kinh tế nặng nề.
Sai lầm dễ thấy nhất, đồng thời là sai lầm cổ điển và
bướng bỉnh nhất, đã tạo nên sự hấp dẫn của lạm phát là sự
nhầm lẫn giữa “tiền” và sự giàu có. Adam Smith đã viết cách
đây hơn hai thế kỷ: “Quan niệm phổ biến cho rằng sự giàu
có đồng nghĩa với tiền, hoặc vàng và bạc, xuất phát tự chức
năng kép của tiền tệ. Nó vừa là một công cụ mua bán, vừa là
thước đo giá trị… Trở nên giàu có nghĩa là có tiền; tóm lại,
nói một cách đơn giản, trong ngôn ngữ đại chúng, sự giàu có
đồng nghĩa với tiền bạc trên mọi phương diện.”
Tất nhiên, sự giàu có thật là những gì được sản xuất ra
và tiêu thụ: thực phẩm chúng ta ăn, quần áo chúng ta mặc,
nhà cửa chúng ta sống. Nó là đường sắt, đường bộ và xe hơi;
tàu thủy, máy bay và nhà máy; trường học, nhà thờ và rạp
hát; đàn piano, tranh và sách vở. Song sự không phân biệt
rõ ràng về ngôn ngữ giữa sự giàu có và tiền bạc phổ biến
đến mức ngay cả những người đôi khi nhận ra sự nhầm lẫn
này vẫn tiếp tục mắc phải nó trong tư duy của họ. Mỗi người
đều thấy rằng nếu có nhiều tiền hơn, mình sẽ có thể mua
được nhiều thứ hơn từ những người khác. Nếu có nhiều tiền
gấp đôi, người đó sẽ có thể mua gấp đôi số hàng hóa mình
muốn. Nếu có nhiều tiền gấp ba lần, người đó sẽ “đáng giá”
gấp ba lần. Vì vậy, nhiều người đương nhiên cho rằng nếu
chính phủ phát hành thêm tiền tệ và phân phát cho mọi
người, tất cả chúng ta sẽ trở nên giàu có hơn.
Đây là cách suy nghĩ của những người ủng hộ việc tăng
lượng tiền tệ và tín dụng một cách “ngây thơ”. Bên cạnh
nhóm này, có một nhóm khác với lý luận sắc sảo hơn. Họ
thấy rằng nếu mọi việc đơn giản như thế, chính phủ sẽ có
thể giải quyết mọi vấn đề của chúng ta đơn giản bằng cách
phát hành thêm tiền tệ. Họ cảm thấy có một cái bẫy ở đâu
đó, vì vậy, họ sẽ hạn chế số lượng tiền tệ mà họ muốn yêu
cầu chính phủ phát hành thêm. Họ sẽ chỉ yêu cầu chính phủ
in vừa đủ để bù đắp vào một “khoản thiếu hụt” hay “khe hở”
nào đó.
Họ cho rằng sức mua luôn ở tình trạng thiếu hụt bởi vì,
do một lý do nào đó, các ngành sản xuất không cung cấp đủ
tiền cho các nhà sản xuất để họ, với tư cách là người tiêu
dùng, có thể mua lại những gì đã được sản xuất ra. Có một
chỗ “rò rỉ” nào đó mà họ không biết. Một nhóm đã “chứng
minh” điều này bằng các phương trình. Ở một vế của các
phương trình, họ đếm mỗi thứ một lần. Ở vế kia của phương
trình, họ cứ như thể vô tình đếm cùng một thứ một vài lần.
Điều này tạo ra một sự chênh lệch lớn giữa cái mà họ gọi là
“các khoản thanh toán A” và cái được gọi là “các khoản
thanh toán A + B”. Vậy là họ có nguyên cớ để mặc lên người
những bộ đồng phục xanh và bắt đầu một phong trào đòi
chính phủ phát hành thêm tiền hoặc “tín dụng” để bù vào
các khoản thanh toán B đang bị thiếu hụt.
Chúng ta có thể cười nhạo những người tin vào “tín dụng
xã hội” một cách ngây ngô, song có rất nhiều trường phái
khác ủng hộ việc gây lạm phát với lý luận sắc sảo hơn và các
kế hoạch mang tính “khoa học” nhằm phát hành vừa đủ
lượng tiền tệ và tín dụng để lấp đầy một sự thiếu hụt định kỳ
hay dài hạn nào đó mà họ tính ra theo cách của mình.
* *
*
Những người khôn ngoan hơn trong số họ nhận ra rằng
bất kỳ sự tăng đáng kể nào trong lượng tiền tệ sẽ làm giảm
sức mua của mỗi đơn vị tiền tệ - nói theo cách khác, nó sẽ
dẫn đến việc tăng giá hàng hóa. Song điều này không khiến
họ bận tâm; nó thực ra là mục đích của họ, là lý do vì sao họ
muốn có lạm phát. Một số người trong bọn họ cho rằng điều
này sẽ giúp cải thiện tương quan giữa những người nghèo đi
vay và những người giàu cho vay theo hướng có lợi cho
người nghèo. Một số người khác cho rằng nó sẽ kích thích
xuất khẩu và hạn chế nhập khẩu. Một số người khác lại cho
rằng đây là một phương cách hữu hiệu để thoát khỏi tình
trạng khủng hoảng, để “kích thích các ngành sản xuất”, và
8
để giúp “mọi lao động đều có việc làm” .
Có rất nhiều lý thuyết khác nhau về tác động của việc
tăng lượng tiền tệ (bao gồm cả tín dụng ngân hàng) đối với
mức giá. Đầu tiên, như chúng ta vừa thấy, ta có những người
cho rằng lượng tiền tệ có thể được tăng lên với bất kỳ mức
nào mà không ảnh hưởng gì đến mức giá. Họ chỉ coi việc
tăng lượng tiền như là một cách tăng “sức mua” của mọi
người, nghĩa là giúp mọi người mua được nhiều hàng hóa
hơn trước đây. Hoặc họ không chịu hiểu rằng toàn xã hội sẽ
không thể tăng gấp đôi lượng tiêu dùng trừ khi lượng hàng
hóa được sản xuất tăng gấp đôi, hoặc họ tưởng rằng điều
duy nhất khiến sản xuất không thể tăng vô tận là sự thiết
hụt nhu cầu tiền tệ chứ không phải không phải là sự thiếu
hụt những yếu tố khác như nhân công, thời gian hay năng
lực sản xuất. Họ cho rằng nếu mọi người muốn mua hàng
hóa và có đủ tiền để mua chúng, hàng hóa đó sẽ được sản
xuất ngay lập tức.
Mặt khác, ta có những người, trong đó có cả một số nhà
kinh tế học nổi tiếng, tin vào một lý thuyết cứng nhắc về ảnh
hưởng của nguồn cung tiền tệ đối với giá cả. Theo cách giải
thích của họ, tất cả tiền tệ trong một quốc gia sẽ được dùng
để mua toàn bộ lượng hàng hóa. Vì thế, giá trị của tổng
lượng tiền tệ nhân với “tốc độ lưu chuyển tiền tệ” phải luôn
cân bằng với giá trị của tổng lượng hàng hóa được mua. Vì
vậy, nếu tốc độ lưu chuyển tiền tệ không thay đổi, giá trị của
mỗi đơn vị tiền tệ sẽ thay đổi hệt như lượng tiền được đem
vào lưu chuyển nhưng theo chiều ngược lại. Nếu ta tăng gấp
đôi lượng tiền tệ và tín dụng ngân hàng, ta sẽ tăng gấp đôi
“mức giá”; nếu tăng gấp ba lượng tiền tệ và tín dụng, mức
giá cũng sẽ tăng lên gấp ba. Nói tóm lại, nếu ta tăng lượng
tiền lên n lần, ta cũng phải tăng giá hàng hóa lên n lần.
Tại đây, ta không có đủ chỗ để chỉ ra tất cả những nguỵ
9
biện trong lời giải thích có vẻ hợp lý này . Thay vì làm việc
đó, chúng ta sẽ xem xét vì sao việc tăng lượng tiền dẫn đến
việc tăng giá, và điều đó xảy ra như thế nào.
Một lượng tiền lớn hơn phải được tạo ra theo cách nào
đó. Chúng ta hãy giả sử rằng nó được tạo ra bởi chính phủ có
các khoản chi tiêu lớn hơn lượng tiền chính phủ có thể thu
hoặc muốn thu từ thuế (hoặc thông qua việc người dân dùng
tiền tiết kiệm của mình để mua công trái chính phủ). Hãy giả
sử rằng chính phủ phát hành tiền tệ để thanh toán cho các
nhà thầu phục vụ chiến tranh. Các khoản chi tiêu này trước
hết sẽ làm tăng giá các mặt hàng phục vụ chiến tranh và
cung cấp thêm tiền cho các nhà thầu và lao động của họ.
(Trong chương về sự định giá của chính phủ, chúng ta quyết
định tạm thời chưa xét tới ảnh hưởng của lạm phát. Tương tự
như vậy, khi xem xét vấn đề lạm phát trong chương này,
chúng ta sẽ bỏ qua các ảnh hưởng từ sự cố định giá của
chính phủ. Nếu xem xét những ảnh hưởng này, ta sẽ thấy
chúng cũng không thay đổi bản chất của vấn đề ở đây.
Chúng chỉ làm giảm nhẹ hoặc che giấu một số ảnh hưởng
ban đầu của lạm phát, sau đó lại làm trầm trọng hơn các ảnh
hưởng về sau.)
Các nhà thầu phục vụ cho chiến tranh và các lao động
của họ khi đó sẽ có thu nhập bằng tiền lớn hơn. Họ sẽ dùng
nó để mua những hàng hóa hay dịch vụ mà họ muốn. Bởi
nhu cầu tăng cao, những người bán các loại hàng hóa và dịch
vụ này sẽ tăng giá của chúng. Những người có thu nhập
bằng tiền lớn hơn sẽ sẵn sàng trả giá cao để có được các
hàng hóa và dịch vụ này bởi họ có nhiều tiền hơn trước. Đối
với họ, đồng đôla sẽ có giá trị nhỏ hơn.
Chúng ta hãy gọi những nhà thầu này và lao động của họ
là nhóm A và những người cung cấp hàng hóa và dịch vụ cho
họ là nhóm B. Nhóm B, do bán được nhiều với giá cao hơn,
sẽ mua nhiều hàng hóa và dịch vụ hơn từ nhóm C. Nhóm C
vì vậy cũng nâng được giá sản phẩm của họ lên và có thu
nhập lớn hơn để mua hàng hóa và dịch vụ của nhóm D, và
cứ như vậy cho đến khi việc tăng giá và thu nhập bằng tiền
xảy ra trên toàn bộ quốc gia. Khi quá trình này kết thúc, hầu
như mọi người sẽ có mức thu nhập quy ra tiền lớn hơn,
nhưng (giả sử rằng lượng hàng hóa và dịch vụ được sản xuất
ra không tăng) giá của hàng hóa và dịch vụ cũng sẽ tăng
một lượng tương đương. Quốc gia sẽ không giàu hơn so với
trước kia.
Điều này không có nghĩa là tài sản hay thu nhập của tất
cả mọi người, tính một cách tương đối hay tuyệt đối, sẽ
giống hệt trước đây. Ngược lại, quá trình lạm phát chắc chắn
sẽ tác động không đồng đều đến địa vị và hoàn cảnh kinh tế
của các nhóm khác nhau. Nhóm đầu tiên được nhận lượng
tiền tăng lên sẽ được lợi nhiều nhất. Thu nhập bằng tiền của
nhóm A sẽ tăng lên trước khi các mức giá tăng lên, vì thế,
lượng hàng hóa họ mua được cũng tăng tương đương với thu
nhập của họ. Thu nhập bằng tiền của nhóm B sẽ tăng sau,
khi các mức giá đã bắt đầu tăng, nhưng nhóm B vẫn được
hưởng lợi thông qua lượng hàng hóa họ mua được. Trong khi
đó, các nhóm vẫn chưa có thu nhập bằng tiền lớn hơn đã
phải bắt đầu trả giá cao hơn cho các hàng hóa họ muốn
mua. Điều này có nghĩa là mức sống của họ sẽ bị giảm so với
trước đây.
Chúng ta có thể giải thích điều này rõ ràng thông qua các
số liệu giả định. Giả sử chúng ta tùy ý chia ngẫu nhiên xã hội
thành bốn nhóm sản xuất chính A, B, C, và D, và bốn nhóm
này nhận được mức thu nhập bằng tiền lớn hơn nhờ lạm phát
theo trình tự đó. Khi thu nhập bằng tiền của nhóm A đã tăng
30%, giá của những mặt hàng họ mua vẫn hoàn toàn chưa
tăng. Khi thu nhập bằng tiền của nhóm B tăng 20%, giá
hàng hóa bình quân mới chỉ tăng 10%. Tuy nhiên, khi thu
nhập bằng tiền của nhóm C tăng lên chỉ 10%, giá cả đã tăng
lên 15%. Và khi thu nhập bằng tiền của nhóm D chưa tăng
một chút nào, mức giá bình quân của các hàng hóa họ phải
mua đã tăng lên đến 20%. Nói cách khác, mức lợi ích do các
nhóm đầu tiên thu được từ việc tăng giá hoặc lương do lạm
phát cũng gây ra sự thiệt hại (thông qua tiêu dùng) cho
những nhóm sản xuất được tăng giá hoặc lương cuối cùng.
Nếu lạm phát ngừng lại sau một vài năm, kết quả cuối
cùng có thể là cả thu nhập bằng tiền và giá đều tăng một
lượng tương đương là 25%, và cả hai sẽ được phân phối đều
giữa các nhóm trong xã hội. Nhưng điều này không bù đắp
được những lợi ích hay thiệt hại trong giai đoạn chuyển tiếp
ban đầu. Ví dụ như nhóm D: mặc dù thu nhập và mức giá
của họ cuối cùng cũng tăng lên đến 25%, họ vẫn chỉ mua
được một lượng hàng hóa và dịch vụ tương tự như trước khi
có lạm phát. Những thiệt hại của họ trong thời kỳ đầu tiên,
khi thu nhập và giá của họ chưa tăng một chút nào trong khi
họ phải mua hàng hóa và dịch vụ của nhóm A, B, và C với
giá cao hơn tới 30%, sẽ không bao giờ được đền bù.
* *
*
Vì vậy, lạm phát cũng chỉ là một ví dụ nữa minh họa cho
bài học chính của chúng ta. Nó có thể thực sự đem lại lợi ích
trong một thời gian ngắn cho những nhóm được ưu ái, song
điều này chỉ xảy ra thông qua những thiệt hại mà các nhóm
khác phải chịu, và về lâu dài sẽ gây ra nhiều hậu quả tai hại
cho toàn bộ xã hội. Ngay cả lạm phát nhẹ cũng có thể làm
méo mó cơ cấu sản xuất. Nó sẽ kích thích một số ngành sản
xuất mở rộng quá mức, khiến cho những ngành khác phải
thu nhỏ. Nó sẽ dẫn đến việc đầu tư sai và lãng phí vốn sản
xuất. Khi lạm phát sụp đổ hoặc bị ngừng lại, lượng vốn đầu
tư sai – cho dù ở dạng nào: máy móc, nhà máy, các tòa nhà
văn phòng, v.v… - sẽ không thể đem lại mức lợi nhuận phù
hợp và sẽ mất phần lớn giá trị của nó.
Ta không thể khiến lạm phát ngừng lại một cách nhẹ
nhàng và tránh sự khủng hoảng thường xảy ra sau đó. Một
khi lạm phát đã bắt đầu, ta thậm chí không thể ngừng nó lại
tại một điểm nào đó được định trước hay chặn nó lại khi các
mức giá đã tăng đến mức được thỏa thuận từ trước, bởi các
yếu tố kinh tế và chính trị sẽ vượt ra ngoài tầm kiểm soát
của ta. Khi ta ủng hộ việc tăng giá ở mức 25% thông qua
lạm phát, chắc chắn sẽ có người thấy rằng lợi ích đạt được sẽ
tăng gấp đôi khi tăng giá ở mức 50%, thậm chí là gấp bốn
khi tăng giá ở mức 100% thông qua lạm phát. Những nhóm
có thể gây sức ép chính trị và được hưởng lợi từ lạm phát sẽ
đòi phải tiếp tục duy trì lạm phát.
Hơn nữa, trong thời kỳ lạm phát, ta không thể kiểm soát
được giá trị của tiền tệ bởi, như ta đã thấy, nguyên nhân của
sự mất giá tiền tệ không chỉ là một vấn đề kỹ thuật. Ta
không thể nói trước rằng việc tăng 100% lượng tiền tệ sẽ
làm giá trị của mỗi đơn vị tiền tệ giảm đi 50%. Như ta đã
thấy, giá trị của tiền tệ phụ thuộc vào sự đánh giá mang tính
chủ quan của người giữ tiền, và sự đánh giá này không chỉ
phụ thuộc vào lượng tiền mà người đó đang giữ. Nó cũng phụ
thuộc vào chất lượng của tiền tệ. Trong thời chiến, giá trị của
một đơn vị tiền tệ của một quốc gia không dựa trên chuẩn
vàng và sẽ tăng hay giảm so với ngoại tệ tùy thuộc vào việc
quốc gia đó thắng hay thua, cho dù lượng tiền tệ có thay đổi
như thế nào. Sự đánh giá giá trị tiền tệ trong hiện tại thường
phụ thuộc vào việc mọi người trông đợi lượng tiền trong
tương lai sẽ là bao nhiêu. Và, giống như các hàng hóa trên
thị trường đầu cơ, sự đánh giá của mỗi người không chỉ phụ
thuộc vào việc người đó nghĩ giá trị tiền tệ sẽ là bao nhiêu
mà còn dựa trên việc người đó nghĩ những người khác sẽ
đánh giá giá trị của tiền tệ như thế nào.
Điều này giải thích vì sao một khi siêu lạm phát xảy ra,
giá trị của một đơn vị tiền tệ giảm nhanh hơn nhiều so với
tốc độ lượng tiền tệ được hoặc có thể được tăng. Khi lạm
phát đạt đến giai đoạn này, điều xấu nhất sẽ sớm xảy ra:
phá sản.
* *
*
Vậy nhưng vẫn luôn có những người ủng hộ lạm phát.
Dường như chẳng có quốc gia nào học được bài học từ kinh
nghiệm của các quốc gia khác, và chẳng có thế hệ nào tránh
được vết xe đổ của những người đi trước.
Mọi thế hệ và quốc gia đều chạy theo ảo ảnh lạm phát, cố
gắng nắm bắt lấy những lợi ích kinh tế vốn sẽ sớm tan thành
khói bụi, bởi đó là bản chất của lạm phát: nó có thể tạo ra vô
vàn ảo tưởng cho con người.
Trong thời đại của chúng ta, quan điểm hay được sử
dụng nhất để ủng hộ lạm phát là nó sẽ “kích thích các ngành
sản xuất”, rằng nó sẽ giúp chúng ta thoát khỏi những thiệt
hại không thể bù đắp được của sự đình trệ kinh tế, rằng nó
sẽ khiến cho “mọi lao động đều có việc làm”. Quan điểm
này, ở dạng thô sơ nhất của mình, dựa trên sự nhầm lẫn
giữa tiền và sự giàu có thật. Nó cho rằng “sức mua” mới
đang được tạo ra, và tác động của lượng sức mua này sẽ
được nhân lên và ngày càng lan rộng, giống như các vòng
tròn của gợn sóng khi ta ném một viên đá xuống hồ. Tuy
nhiên, sức mua thực sự đối với một loại hàng hóa, như chúng
ta đã thấy, chính là các loại hàng hóa khác. Nó không thể
được tăng lên một cách mầu nhiệm thông qua việc in thêm
các tờ giấy gọi là tiền. Về cơ bản, điều xảy ra trong nền kinh
tế mang tính trao đổi là những thứ do A sản xuất ra được
10
trao đổi lấy những thứ do B sản xuất ra .
Tác dụng thực sự của lạm phát là thay đổi tương quan
giữa giá và chi phí. Sự thay đổi quan trọng nhất mà lạm phát
cần tạo ra là tăng giá hàng hóa trong tương quan với mức
lương, và nhờ vậy phục hồi được mức lợi nhuận trước đây và
khuyến khích tiếp tục tăng sản lượng vượt lên mức còn tồn
tại các nguồn lực nhàn rỗi, thông qua việc phục hồi tương
quan hợp lý giữa giá và chi phí sản xuất.
Ta có thể thấy ngay rằng điều này có thể đạt được một
cách trực tiếp và thẳng thắn hơn bằng cách giảm mức lương
không hợp lý. Song những người ủng hộ lạm phát với lý luận
sắc sảo hơn sẽ cho rằng điều này không thể đạt được về mặt
chính trị. Đôi khi họ còn đi xa hơn và tuyên bố rằng trong
bất kỳ hoàn cảnh nào, mọi đề xuất đòi giảm trực tiếp một
mức lương nào đó để giảm thất nghiệp đều là các đề xuất
“chống lại người lao động”. Song nói trắng ra, điều họ muốn
làm là lừa người lao động bằng cách giảm mức lương thật
của họ (mức lương tính bằng sức mua) thông qua việc tăng
giá.
Điều họ quên mất là người lao động cũng đã trở nên
khôn ngoan, là các công đoàn lớn đã thuê những nhà kinh tế
học thông thạo các chỉ số về lương và giá cả, là người lao
động không để mình bị lừa nữa. Vì vậy, trong hoàn cảnh hiện
tại, chính sách này rất dễ thất bại trong cả mục tiêu kinh tế
cũng như mục tiêu chính trị của nó. Chính các công đoàn
mạnh nhất, nơi mức lương cần điều chỉnh nhất, mới đang
kiên quyết yêu cầu mức lương của họ được tăng lên ít nhất là
tương đương với độ tăng của chỉ số chi phí sinh hoạt. Nếu
các công đoàn mạnh nhất kiên quyết đòi cho được điều này,
tương quan bất hợp lý giữa giá và các mức lương chính sẽ
tiếp tục tồn tại. Trên thực tế, cơ cấu lương thậm chí còn có
thể bị bóp méo hơn nữa, bởi một số lượng lớn lao động
không thuộc công đoàn, những người mà ngay từ trước lạm
phát đã có thể có một mức lương không phù hợp (hay thậm
chí đã có thể bị chà đạp bởi họ không nằm trong công đoàn)
sẽ tiếp tục bị thiệt hại nhiều hơn trong giai đoạn đầu của lạm
phát bởi sự tăng giá hàng hóa.
* *
*
Tóm lại, những người ủng hộ lạm phát với những quan
điểm tinh vi hơn cũng là những người đầy tính toán. Họ
không hoàn toàn trung thực trong lý lẽ của mình, và kết cục
là họ lừa dối chính bản thân. Giống như những người ủng hộ
lạm phát với quan điểm “thô sơ”, họ bắt đầu bằng việc nói về
tiền giấy như thể nó là một loại của cải thực sự mà có thể
được in ra tùy ý ở các nhà máy in tiền. Họ thậm chí còn nói
đến “khả năng tự nhân lên” của lượng tiền này, hay là việc
mỗi đôla do chính phủ phát hành và tiêu sẽ nhờ một phép
màu nào đó mà biến thành nhiều đôla góp thêm vào tài sản
của quốc gia.
Tóm lại, họ làm chệch hướng sự chú ý của công chúng và
của bản thân họ ra khỏi các nguyên nhân thật của tình trạng
khủng hoảng trong hiện tại. Trong phần lớn trường hợp,
nguyên nhân thực sự là sự điều chỉnh sai mối tương quan
của lương, chi phí và giá: sự điều chỉnh sai mối tương quan
giữa lương và giá, giữa giá của nguyên vật liệu thô và giá
của thành phẩm, giữa các mức giá hoặc giữa các mức lương
với nhau. Những sự điều chỉnh sai này, đến một thời điểm
nào đó, sẽ triệt phá động cơ sản xuất hoặc làm cho sản xuất
không thể tiếp tục được nữa, và thông qua những mối quan
hệ hữu cơ giữa các thành phần trong nền kinh tế trao đổi,
khủng hoảng sẽ lan ra. Tình trạng sản xuất và tuyển dụng
lao động tối ưu chỉ có thể được phục hồi khi những sự điều
chỉnh sai này được sửa chữa lại.
Đôi khi lạm phát có thể sửa chữa những sự điều chỉnh sai
này, nhưng nó có thể là một con dao hai lưỡi. Nó không điều
chỉnh bằng những phương pháp thẳng thắn và công khai mà
thông qua các ảo tưởng. Lạm phát phủ một lớp màn ảo
tưởng lên trên mọi quy trình kinh tế. Nó lừa dối và gây nhầm
lẫn cho hầu hết mọi người, bao gồm cả những người phải
gánh chịu những thiệt hại do nó gây ra. Chúng ta luôn quen
với việc tính thu nhập và tài sản của mình bằng tiền. Thói
quen này ăn sâu vào suy nghĩ của chúng ta và mạnh đến
mức ngay cả những nhà kinh tế học hay thống kê học cũng
không thoát nổi nó. Không phải dễ để ta có thể luôn luôn
nhìn ra các mối tương quan trên thông qua hàng hóa thật
hoặc phúc lợi thật. Ai trong chúng ta không cảm thấy giàu có
và tự hào hơn khi biết rằng tổng thu nhập quốc dân của
chúng ta đã tăng gấp đôi (tính theo đôla) so với một thời
điểm nào đó trước lạm phát? Ngay cả một nhân viên trước
đây được trả 75 đôla một tuần và giờ nhận được 120 đôla
một tuần cũng nghĩ rằng mình đã trở nên giàu hơn, cho dù
chi phí sinh hoạt hiện tại của anh ta đã tăng lên gấp đôi so
với khi anh ta nhận mức lương 75 đôla. Không phải anh ta
không nhận ra sự tăng lên trong chi phí sinh hoạt; song anh
ta cũng không hiểu rõ hoàn cảnh kinh tế thực sự của mình
trong hiện tại (nếu chi phí sinh hoạt của anh ta không thay
đổi, song mức lương của anh ta giảm đi khiến sức mua của
anh ta bị giảm tương đương với sức mua của anh ta trong
hiện tại với mức lương và giá mới cao hơn vì lạm phát, chắc
anh ta sẽ nhận rõ hoàn cảnh kinh tế của mình hơn). Lạm
phát khiến người ta ngộ nhận, bị thôi miên, bị gây mê để
không cảm thấy sự đau đớn do lưỡi dao mổ gây ra. Lạm phát
là thuốc phiện của quần chúng.
* *
*
Đây chính là chức năng chính trị của lạm phát. Vì lạm
phát khiến mọi việc trở nên rối loạn, nên nó thường xuyên
được áp dụng bởi các chính phủ theo đuổi “kinh tế kế
hoạch”. Ví dụ: trong chương IV, chúng ta đã chứng minh sự
sai lầm của quan điểm cho rằng các công trình công cộng sẽ
tạo thêm việc làm. Chúng ta đã thấy rằng nếu tiền dành cho
các công trình này được lấy từ thuế, mỗi đôla chính phủ chi
tiêu cho các công trình này là một đôla bị lấy đi từ chi tiêu
của người nộp thuế, và mỗi công việc do chính phủ tạo ra
trong những công trình này có nghĩa là một công việc bị mất
đi trong khu vực kinh tế tư nhân.
Nhưng giả sử các công trình phúc lợi đó không được chi
trả từ nguồn thuế mà thông qua khoản vay nợ của các cơ
quan chính phủ hoặc thông qua lượng tiền tệ được in thêm.
Lúc đó, các kết quả ta vừa miêu tả bên trên dường như
không xảy ra. Các công trình phúc lợi dường như được tạo ra
bằng một lượng sức mua “mới”. Ta không thể nói rằng lượng
sức mua này bị cướp đi từ những người nộp thuế. Trong một
khoảng thời gian nhất định, dường như quốc gia có thêm
nhiều thứ mà chẳng mất gì.
Song, theo đúng tinh thần bài học, chúng ta hãy cùng
xem xét các hậu quả dài hạn. Các khoản vay nợ đến một lúc
nào đó phải được hoàn trả. Chính phủ không thể cứ chồng
chất nợ mãi được, bởi nếu làm thế, đến một lúc nào đó chính
phủ sẽ bị phá sản. Như Adam Smith đã chỉ ra vào năm 1776:
Khi các khoản nợ quốc gia đã bị tích lũy đến một mức
độ nào đấy, tôi tin rằng hầu như không có trường hợp
nào chúng sẽ được hoàn trả nghiêm túc và đầy đủ. Việc
giải phóng thu nhập quốc dân, nếu xảy ra, luôn xảy ra
thông qua sự phá sản; đôi khi là sự tuyên bố phá sản,
song luôn là sự phá sản thật, mặc dù thường xuyên
thông qua một sự thanh toán giả.
Nhưng khi phải thanh toán những khoản nợ đến từ việc
chi trả cho các công trình công cộng, chính phủ sẽ phải đánh
thuế cao hơn mức chi tiêu của mình. Vì vậy, trong giai đoạn
sau này, lượng việc làm chính phủ hủy hoại sẽ nhiều hơn
lượng việc làm chính phủ tạo ra. Mức thuế quá cao mà chính
phủ phải áp dụng không chỉ lấy đi sức mua; nó cũng làm
giảm hay thậm chí triệt tiêu động cơ sản xuất, và vì vậy làm
giảm tổng thu nhập và tài sản của quốc gia.
Cách duy nhất để tránh được kết cục này (điều mà
những người ủng hộ chi tiêu chính phủ luôn giả định) là
những người nắm quyền lực chính trị sẽ chỉ tiêu tiền vào
những thời kỳ mà, nếu không có sự tác động của chi tiêu
chính phủ, sẽ trở thành những thời kỳ khủng hoảng hoặc
“giảm phát”, và sẽ nhanh chóng trả hết những khoản nợ này
trong những thời kỳ mà, nếu không phải trả nợ cho các
khoản chi tiêu chính phủ, sẽ là những thời kỳ kinh tế bùng
nổ hoặc “lạm phát”. Song đây chỉ là chuyện giả tưởng;
những người nắm quyền lực chính trị chưa bao giờ hành
động như thế. Hơn nữa, những dự đoán kinh tế thường
không ổn định, và sẽ luôn có sức ép chính trị khiến các chính
phủ không hành động như vậy. Việc chi tiêu chính phủ nhờ
các khoản vay nợ, một khi được thực hiện, thường tạo ra
những lợi ích cá nhân mạnh mẽ đòi hỏi phải duy trì sự chi
tiêu theo cách này trong mọi tình huống.
Nếu chính phủ không thực sự tìm cách thanh toán các
khoản nợ tồn đọng một cách chân thực và phải dùng đến
cách gây lạm phát, kết quả sẽ giống những gì chúng ta đã
miêu tả. Một quốc gia, với tư cách là một tổng thể, không
thể có được điều gì miễn phí. Lạm phát thực chất cũng là
một dạng thuế, một dạng thuế đáng sợ nhất và thường tác
động nặng nề nhất đến những người ít có khả năng chi trả
nhất. Giả sử rằng lạm phát ảnh hưởng đồng đều đến mọi
người và mọi thứ (điều không bao giờ xảy ra trên thực tế,
như chúng ta đã thấy), nó sẽ giống một mức thuế doanh thu
đồng đều cho tất cả mọi loại hàng hóa. Thuế suất áp dụng
với bánh mỳ và sữa cũng cao như thuế suất áp dụng với kim
cương và áo lông thú. Hay ta cũng có thể so sánh nó với một
mức thuế thu nhập đồng đều trên tất cả mọi người, không ai
được miễn trừ. Nó được áp dụng không chỉ với các khoản chi
tiêu mà cả với tiền tiết kiệm và bảo hiểm của mỗi cá nhân.
Trên thực tế, nó là một loại thuế đồng đều được áp dụng trên
vốn sản xuất, không ai được miễn trừ; người nghèo cũng
phải chịu thuế suất cao như người giàu.
Trên thực tế, mọi việc còn tồi tệ hơn, bởi lạm phát không
và không thể ảnh hưởng đến tất cả mọi người một cách đồng
đều. Một số người sẽ bị thiệt hại nhiều hơn người khác. Quy
ra tỷ lệ phần trăm, người nghèo thường bị tác động nặng nề
hơn so với người giàu bởi họ không có các phương tiện để
bảo vệ bản thân mình bằng cách mua để đầu cơ những giá
trị thực có khả năng quy đổi sau này. Lạm phát là một loại
thuế vượt ngoài sự kiểm soát của những người quản lý thuế.
Nó tấn công một cách điên loạn theo mọi hướng. Thuế suất
của lạm phát không cố định và không thể được định trước.
Ngày hôm nay chúng ta biết nó là bao nhiêu, song ngày mai
ta không thể biết nó sẽ tăng hay giảm thế nào; và vào ngày
mai, ta không biết điều gì sẽ xảy ra vào ngày kia.
Như các loại thuế khác, lạm phát quyết định các chính
sách cá nhân và kinh tế mà chúng ta buộc phải tuân theo.
Nó khiến cho mọi sự khôn ngoan trở nên vô ích. Nó khuyến
khích sự tiêu xài hoang tàn và phí phạm. Nó thường khiến
cho việc đầu cơ đem lại nhiều lợi nhuận hơn là việc sản xuất.
Nó phá tan hệ thống các tương quan kinh tế bền vững. Sự
bất công tột độ của nó đẩy con người đến những giải pháp
tuyệt vọng. Nó gieo các hạt giống của chủ nghĩa phát xít và
chủ nghĩa cộng sản. Nó khiến con người đòi hỏi sự kiểm soát
mang tính toàn trị. Kết cục của nó thường là sự vỡ mộng cay
đắng và sụp đổ.
Chương XXIV: Chế nhạo sự tiết kiệm
Từ xa xưa, con người luôn đề cao sự tiết kiệm và cảnh
báo những hậu quả của thói hoang tàn và lãng phí. Đây vừa
là vấn đề đạo đức, vừa thể hiện tính cẩn trọng của loài
người. Nhưng trong chúng ta, luôn tồn tại những kẻ tiêu xài
hoang phí và những người có thể đưa ra đủ lý lẽ để biện hộ
cho sự lãng phí này.
Những nhà kinh tế học theo trường phái cổ điển, nhằm
chống lại những lý lẽ sai lầm vào thời kỳ của họ, đã chỉ ra
rằng chính sách tiết kiệm – chính sách tốt nhất đối với lợi ích
của các cá nhân – cũng là chính sách tốt nhất cho lợi ích của
quốc gia. Họ cho rằng việc một người tiết kiệm một cách hợp
lý để dự phòng cho tương lai của mình không làm tổn hại mà
thực chất là làm lợi cho toàn xã hội. Song ngày nay, khi quan
điểm trái ngược cổ vũ sự chi tiêu trở nên thịnh hành, sự chặt
chẽ và tiết kiệm - điều được người xưa ca ngợi và các nhà
kinh tế học theo trường phái cổ điển ủng hộ - lại một lần nữa
phải gánh chịu sự công kích vì những lý do mới.
Để có thể hiểu rõ vấn đề, tôi nghĩ rằng ví dụ minh họa
tốt nhất chúng ta có thể sử dụng là ví dụ của Bastiat. Chúng
ta hãy cùng tưởng tượng ra hai anh em, một người tiêu xài
hoang phí, một người rất khôn ngoan và cẩn thận trong chi
tiêu. Cả hai đều được hưởng tài sản thừa kế như nhau với
mức lợi tức hàng năm là 50.000 đôla. Chúng ta sẽ bỏ qua
vấn đề thuế thu nhập cũng như câu hỏi liệu hai anh em nên
thực sự lao động kiếm sống hay trao phần lớn thu nhập của
mình cho các tổ chức từ thiện, bởi những điều này không liên
quan đến mục đích của chúng ta tại đây.
Anh cả Alvin là người tiêu xài hoang phí. Đây không chỉ là
sở thích thất thường mà là quan điểm sống của anh ta. Alvin
tin theo tư tưởng của Rodbertus, người vào giữa thế kỷ XIX
đã tuyên bố rằng người theo chủ nghĩa tư bản “phải chi đến
đồng xu cuối cùng trong thu nhập của mình vào những gì
đem lại tiện nghi và sự xa hoa cho cuộc sống”, bởi nếu họ
“muốn tiết kiệm,… hàng hóa sẽ bị tồn đọng lại, và một bộ
11
phận lao động sẽ mất việc làm” . Alvin thường xuyên đi đến
các câu lạc bộ đêm; ông ta cho tiền boa rất hậu hĩnh; ông ta
có một cơ ngơi với vẻ bề ngoài xa hoa và rất nhiều người
hầu; ông ta có vài tài xế riêng, nhưng rất ít khi sử dụng
những chiếc xe mình có; ông ta có một đàn ngựa đua; ông
ta có một chiếc du thuyền; ông ta đi du lịch; ông ta mua cho
vợ mình hàng đống kim cương và áo lông thú; ông ta mua
tặng bạn bè mình những món quà vô dụng song đắt tiền.
Để có thể chi tiêu như thế, Alvin phải dùng đến tiền vốn
gốc của mình, song vậy thì có làm sao? Nếu tiết kiệm là tội
lỗi thì tiêu xài hoang phí là một ưu điểm. Và có làm gì đi nữa,
ông ta cũng chỉ đơn giản là đang bù đắp lại cho những thiệt
hại mà sự tiết kiệm của người em trai keo kiệt Benjamin gây
ra.
Chắc không nói ta cũng biết rằng người như Alvin sẽ
được lòng những cô ả đào mỏ, những người bồi bàn, những
ông chủ nhà hàng, những người bán lông thú hay kim cương,
những người cung cấp hàng xa xỉ phẩm đủ loại. Họ coi ông
ta như một Mạnh Thường Quân; ai cũng có thể thấy rằng
ông ta tạo ra nhiều việc làm và vung tiền khắp nơi.
So với anh trai mình, Benjamin ít nổi tiếng hơn nhiều.
Người ta hiếm khi nhìn thấy Benjamin ở các hiệu bán đồ lông
thú hay kim cương hay các câu lạc bộ đêm. Ông ta không gọi
những người hầu bàn trưởng bằng tên tục của họ. Trong khi
Alvin không chỉ tiêu hết khoản lợi tức 50.000 đôla hàng năm
mà còn phải lạm vào tiền vốn gốc của mình, Benjamin sống
đơn giản hơn và chỉ tiêu hết khoảng 25.000 đôla một năm.
Tất nhiên, những người chỉ biết phán xét dựa trên những gì
mình nhìn thấy sẽ cho rằng Benjamin chỉ tạo ra một nửa
lượng việc làm so với anh trai mình, và phần 25.000 đôla còn
lại cũng vô ích như thể nó không hề tồn tại.
Nhưng chúng ta hãy cùng xem Benjamin thực sự làm gì
với 25.000 đôla còn lại của mình. Benjamin không giữ chúng
trong ví, trong ngăn kéo phòng làm việc hay trong két sắt.
Ông ta sẽ gửi số tiền đó vào ngân hàng hoặc sẽ đem nó ra
đầu tư. Nếu ông ta gửi tiền vào một ngân hàng thương
nghiệp hay một ngân hàng tiết kiệm, ngân hàng sẽ dùng
khoản tiền này để cho các doanh nghiệp vay ngắn hạn hoặc
để mua chứng khoán. Nói cách khác, số tiền của Benjamin sẽ
được đem ra đầu tư, trực tiếp hoặc gián tiếp. Lượng tiền
được đầu tư sẽ được dùng để mua hoặc tạo ra các loại hàng
hoá tư liệu sản xuất: nhà cửa, tòa nhà văn phòng, nhà máy,
tàu biển, xe tải, máy móc, v.v… Bất kỳ dự án nào trong số
này cũng sẽ đưa nhiều tiền vào chu chuyển và tạo ra nhiều
việc làm như khi cùng một lượng tiền đó được dùng để chi
tiêu trực tiếp.
Tóm lại, trong thế giới hiện đại, “tiết kiệm” cũng là một
dạng chi tiêu. Sự khác biệt thường thấy là lượng tiền tiết
kiệm sẽ được chuyển cho một người nào đó để mua hay xây
dựng các công cụ để tăng cường sản xuất. Xét về khả năng
tạo ra việc làm, tổng chi tiêu và “tiết kiệm” của Benjamin
cũng sẽ tạo ra nhiều việc làm như chi tiêu của Alvin và cũng
đưa vào chu chuyển tiền tệ một lượng tiền tương tự. Sự khác
biệt chủ yếu là ai cũng có thể nhìn thấy những công việc do
Alvin tạo ra, song để có thể nhận ra rằng mỗi đôla Benjamin
tiết kiệm cũng tạo ra nhiều việc làm như mỗi đôla Alvin
phung phí, chúng ta phải quan sát kỹ càng và cẩn thận hơn.
Nhiều năm trôi qua. Alvin lâm vào cảnh phá sản. Không
ai còn nhìn thấy ông ta ở những câu lạc bộ đêm hay những
cửa hàng thời thượng nữa, và những người trước đây phục
vụ hay bán hàng cho ông ta giờ coi ông ta như kẻ ngốc. Ông
ta phải viết thư xin tiền Benjamin. Còn Benjamin, người vẫn
giữ một mức độ chi tiêu và tiết kiệm như vậy, không chỉ
cung cấp nhiều việc làm hơn trước đây (bởi thu nhập của ông
ta đã tăng lên thông qua đầu tư) mà còn tạo ra những công
việc có năng suất cao và được trả lương hậu hơn. Của cải và
thu nhập của Benjamin trở nên lớn hơn. Tóm lại, ông ta đã
góp phần nâng cao khả năng sản xuất của quốc gia, điều
Alvin không hề làm.
* *
*
Rất nhiều nguỵ biện về sự tiết kiệm đã xuất hiện trong
những năm gần đây, và ví dụ về hai anh em trai của chúng
ta không thể là câu trả lời cho tất cả những lập luận này.
Chúng ta cần phải thảo luận thêm về chúng. Rất nhiều lập
luận xuất phát từ những sai lầm cơ bản đến mức khó tin, đặc
biệt là khi chúng xuất hiện trong tác phẩm của những nhà
kinh tế học được nhiều người biết đến. Ví dụ: tiết kiệm đôi
khi chỉ được hiểu là sự tích trữ tiền và đôi khi được hiểu là
đầu tư; không có sự phân biệt rõ ràng và nhất quán nào giữa
hai ý nghĩa này.
Việc tích trữ lượng tiền mặt (hand-to-hand money), nếu
được thực hiện một cách không hợp lý, bất cẩn và với quy
mô lớn, sẽ gây hại trong phần lớn các trường hợp kinh tế.
Song loại hình tích trữ này rất hiếm xảy ra. Một hiện tượng
tương tự, song phải được phân biệt rõ ràng, là điều thường
xảy ra sau khi có sự suy thoái trong hoạt động kinh doanh.
Cả chi tiêu cho tiêu dùng và đầu tư đều bị giảm. Người tiêu
dùng giảm chi tiêu một phần bởi sợ rằng mình có thể bị mất
việc làm, và vì thế họ muốn tiết kiệm những nguồn tài chính
của mình. Họ giảm chi tiêu không phải vì nhu cầu chi tiêu
của họ giảm mà bởi muốn đảm bảo rằng họ sẽ cầm cự được
lâu hơn nếu bị mất việc làm.
Song người tiêu dùng cũng có thể giảm chi tiêu vì một lý
do khác. Có thể giá hàng hóa đang giảm, và người tiêu dùng
nghĩ rằng nó còn có thể tiếp tục giảm nữa. Nếu họ tạm thời
ngừng chi tiêu, họ sẽ có thể mua được nhiều hàng hóa hơn
sau này với cùng một lượng tiền. Họ không muốn chuyển
vốn của mình thành hàng hóa là những thứ đang mất giá trị
mà muốn giữ nó ở dạng tiền tệ là thứ đang tăng giá (xét một
cách tương đối).
Chính suy nghĩ này cũng khiến họ ngừng đầu tư. Họ bị
mất niềm tin vào khả năng sinh lời của các doanh nghiệp;
hoặc họ cho rằng nếu họ đợi một vài tháng nữa, họ có thể
mua được cổ phiếu với giá rẻ hơn. Chúng ta có thể coi họ là
những người từ chối giữ hàng hóa (là thứ có thể hạ giá) hoặc
những người giữ tiền (để chờ tăng giá).
Gọi hành động từ chối mua mang tính tạm thời này là
“tiết kiệm” là không chính xác. Nó có các động cơ khác so với
tiết kiệm thông thường. Và ta sẽ sai lầm nghiêm trọng hơn
nữa nếu cho rằng kiểu “tiết kiệm” này là nguyên nhân gây ra
khủng hoảng. Thực tế hoàn toàn ngược lại: nó là hậu quả
của khủng hoảng.
Đúng là việc từ chối mua có thể kéo dài cuộc khủng
hoảng hoặc khiến nó trở nên nặng nề hơn. Khi có sự can
thiệp thất thường của chính phủ và khi các doanh nghiệp
không biết chính phủ sẽ tiếp tục làm gì, mọi người đều cảm
thấy bất ổn. Các công ty và cá nhân sẽ giữ tiền lại trong
ngân hàng. Họ sẽ để ra các khoản dự phòng lớn hơn để đề
phòng trường hợp bất trắc. Ta có thể nghĩ việc tích trữ tiền
mặt này là nguyên nhân gây ra sự suy thoái tiếp diễn trong
hoạt động kinh tế, song nguyên nhân thực là sự bất ổn do
các chính sách của chính phủ gây ra. Lượng tiền mặt lớn
được các công ty hoặc cá nhân giữ lại chỉ là một mắt xích
trong chuỗi các hậu quả của sự bất ổn đó. Nói rằng sự “tiết
kiệm quá mức” là nguyên nhân gây ra sự suy thoái trong
hoạt động kinh doanh cũng giống như nói rằng việc giá táo
giảm không phải do mùa táo bội thu mà do người tiêu dùng
không chịu trả giá cao hơn khi mua táo.
Song một khi người ta đã quyết định phê phán hay chế
nhạo một điều gì đó, bất kỳ quan điểm nào chống lại điều
đó, cho dù có thiếu logic đến đâu, cũng sẽ được chấp nhận.
Họ nói rằng nhiều ngành sản xuất hàng tiêu dùng được xây
dựng dựa trên một mức cầu nhất định, và nếu mọi người bắt
đầu chuyển sang tiết kiệm, mức cầu trên thị trường sẽ xuống
thấp hơn mức cầu cần thiết để duy trì ngành sản xuất và gây
ra khủng hoảng. Quan điểm này dựa chủ yếu trên sai lầm
mà chúng ta đã xem xét: họ quên mất rằng lượng tiền được
tiết kiệm đối với hàng tiêu dùng sẽ trở thành vốn sản xuất,
và “tiết kiệm” không nhất thiết khiến tổng chi tiêu giảm đi.
Điều duy nhất đúng trong lý luận này là bất kỳ sự biến động
đột ngột nào cũng sẽ gây ra tâm lý bất ổn. Sự bất ổn cũng
sẽ xuất hiện nếu người tiêu dùng bất thình lình chuyển nhu
cầu của mình từ một loại tiêu dùng sang một loại khác. Tình
hình thậm chí sẽ còn bất ổn hơn nữa nếu những người tiết
kiệm (và đầu tư vào vốn sản xuất) bất thình lình chuyển
sang tiêu dùng hàng hóa.
Vẫn có một quan điểm nữa phản đối sự tiết kiệm: đây là
một việc làm vô cùng ngốc nghếch. Họ cười nhạo luận điểm
phổ biến của thế kỷ XIX cho rằng nhân loại, thông qua việc
tiết kiệm, có thể tạo ra một cái bánh ngày càng lớn hơn mà
không bao giờ ăn nó. Bản thân hình ảnh này đã rất ngây ngô
và trẻ con. Điều này có lẽ sẽ được xử lý tốt nhất nếu chúng
ta đưa ra một một sự miêu tả chính xác hơn về những điều
xảy ra trên thực tế.
Chúng ta hãy cùng hình dung một quốc gia với mức tiết
kiệm là 20% tổng sản phẩm hàng năm. Con số này lớn hơn
12
nhiều so với mức tiết kiệm ròng trong lịch sử của nước Mỹ ,
song nó là một con số chẵn dễ tính toán và phù hợp với các
quan điểm cho rằng chúng ta đang “tiết kiệm quá mức”.
Nhờ lượng tiết kiệm và đầu tư hàng năm đó, tổng sản
phẩm quốc gia sẽ tăng hàng năm. (Để tập trung vào vấn đề
này, chúng ta sẽ tạm bỏ qua những sự bùng nổ hay suy
thoái kinh tế cùng các dao động khác.) Hãy giả sử rằng mức
tăng tổng sản phẩm hàng năm là 2,5 điểm trên thang 100
(chúng ta sẽ sử dụng hệ thống điểm thay vì tỷ lệ phần trăm
để đơn giản hóa sự tính toán). Khi đó, chúng ta sẽ có bảng
sau thể hiện mối tương quan giữa hàng tiêu dùng và vốn sản
xuất trong vòng 11 năm.
Năm Tổng sản Lượng Lượng
phẩm hàng hàng hoá
hoá tiêu tư liệu
dùng sản được
được xuất xuất
sản xuất sản
Thứ nhất 100 80 20*
Thứ hai 102,5 82 20,5
Thứ ba 105 84 21
Thứ tư 107,5 86 21,5
Thứ năm 110 88 22
Thứ sáu 112,5 90 22,5
Thứ bảy 115 92 23
Thứ tám 117,5 94 23,5
Thứ chín 120 96 24
Thứ mười 122,5 98 24,5
Thứ 125 100 25
mười
một
* Tất nhiên, ta phải giả định rằng quá trình tiết kiệm và
đầu tư đã tồn tại sẵn với cùng một tốc độ.
Điều đầu tiên ta nhận thấy từ bảng này là tổng sản phẩm
tăng đều hàng năm nhờ sự tiết kiệm, và sẽ không tăng nếu
không có tiết kiệm. (Cũng có trường hợp khi các loại máy
móc và phương tiện sản xuất mới hoặc được cải tiến, với giá
trị ngang bằng các loại máy móc và phương tiện sản xuất cũ,
sẽ thay thế các loại máy móc và phương tiện sản xuất cũ và
làm tăng tổng sản phẩm quốc dân; thế nhưng lượng tăng
này sẽ không đáng kể, và điều này cũng có nghĩa là đã có
những lượng đầu tư từ trước vào các máy móc và phương
tiện hiện tại.) Hàng năm, lượng tiền tiết kiệm sẽ được sử
dụng để tăng số lượng và chất lượng của các máy móc hiện
tại, và nhờ đó tăng tổng sản lượng của quốc gia. Đúng là mỗi
năm ta sẽ có một “chiếc bánh” lớn hơn. Đúng là mỗi năm,
không phải toàn bộ chiếc bánh sản xuất ra sẽ được tiêu dùng
hết. Song điều này hoàn toàn không phải do một sự hạn chế
bất thường nào đó, bởi mỗi năm, một chiếc bánh lớn hơn sẽ
được tiêu dùng, cho đến năm thứ mười một (trong ví dụ của
chúng ta), khi chỉ riêng chiếc bánh của người tiêu dùng đã
lớn bằng cả chiếc bánh của người tiêu dùng lẫn chiếc bánh
của các nhà đầu tư vào năm đầu tiên. Hơn nữa, tổng số vốn
được đầu tư vào sản xuất, hay khả năng sản xuất hàng hóa,
đã tăng lên 25% so với năm đầu tiên.
Chúng ta hãy cùng xem xét một số điều nữa. Việc 20%
tổng thu nhập quốc dân hàng năm được tiết kiệm hoàn toàn
không ảnh hưởng đến các ngành sản xuất hàng tiêu dùng.
Nếu trong năm thứ nhất họ chỉ bán được 80 đơn vị sản phẩm
(và không có sự tăng giá do có nhu cầu chưa được thỏa
mãn), chắc chắn họ sẽ không đưa ra kế hoạch sản xuất
nhằm vào tạo ra 100 đơn vị sản phẩm vào năm thứ hai. Nói
cách khác, các ngành sản xuất hàng tiêu dùng đã được lập
kế hoạch dựa trên giả định rằng mức tiết kiệm từ trước đó sẽ
tiếp tục được duy trì. Chỉ trong trường hợp lượng tiết kiệm
tăng một cách đáng kể và bất ngờ, những người sản xuất
hàng tiêu dùng mới
bị động và không bán hết được sản phẩm của mình.
Tình trạng bất ổn này, như chúng ta đã thấy, cũng sẽ
xảy ra trong các ngành sản xuất hàng hóa tư liệu sản
xuất nếu lượng tiết kiệm giảm mạnh và đột ngột. Nếu những
lượng tiền trước đây được tiết kiệm giờ được sủ dụng để mua
hàng tiêu dùng, lượng việc làm sẽ không tăng lên, song giá
hàng tiêu dùng sẽ tăng và giá hàng hóa tư liệu sản xuất sẽ
giảm. Tác động đầu tiên của nó, xét về tổng quan, sẽ là
những thay đổi về cơ cấu việc làm và việc tạm thời giảm
lượng việc làm trong các ngành sản xuất hàng hóa tư liệu
sản xuất. Tác động dài hạn của nó sẽ là việc giảm sản xuất
xuống thấp hơn so với bình thường.
* *
*
Những người phản đối tiết kiệm vẫn không chịu ngừng
lại. Họ bắt đầu bằng việc phân biệt giữa “tiết kiệm” và “đầu
tư”, nhưng rồi họ sẽ coi chúng là hai biến số hoàn toàn độc
lập với nhau, như thể chỉ do tình cờ mà chúng bằng nhau.
Những người này vẽ nên một bức tranh ảm đạm: một bên là
những người đang tiếp tục tiết kiệm một cách vô nghĩa và
xuẩn ngốc; một bên là những “cơ hội đầu tư” ít ỏi không
nhận được khoản tiền tiết kiệm này. Kết quả là sự đình trệ.
Họ tuyên bố rằng giải pháp duy nhất là chính phủ phải tịch
thu những khoản tiết kiệm xuẩn ngốc và có hại đó, và tạo ra
các dự án của mình, cho dù chúng có thể là những dự án vô
ích như đào chiến hào hay xây kim tự tháp, để có thể dùng
hết số tiền đó và tạo ra việc làm.
Trong bức tranh và giải pháp này, có nhiều điều sai đến
mức chúng ta chỉ cần chỉ ra một số nguỵ biện chính. Tiết
kiệm sẽ chỉ lớn hơn đầu tư bằng lượng tiền mặt được tích
13
trữ . Trong xã hội công nghiệp hóa ngày nay, rất ít người
còn giấu tiền trong tất hay dưới đệm. Ở mức độ mà nó tồn
tại, lượng tiền nhỏ được tích trữ này đã được thể hiện trong
kế hoạch sản xuất của các doanh nghiệp và trong mức giá.
Nó thậm chí thường không mang tính tích lũy: những khoản
tích trữ này, khi được đem ra phân phát (ví dụ như trong
trường hợp những người ở ẩn lập dị chết đi và của cải tích trữ
của họ được tìm thấy và phân phát), có lẽ cũng đủ đề bù đắp
lại những khoản tích trữ mới. Trên thực tế, toàn bộ lượng
tiền mặt được tích trữ là một con số không có tác động gì
đáng kể đối với các hoạt động kinh doanh.
Như ta đã thấy, nếu tiền được giữ trong ngân hàng kinh
doanh hay ngân hàng tiết kiệm, các ngân hàng sẽ luôn sẵn
sàng cho vay và đầu tư số tiền đó. Họ sẽ không để tiền nhàn
rỗi. Điều duy nhất khiến mọi người tăng lượng tiền mặt tích
trữ hoặc các ngân hàng tăng lượng tiền nhàn rỗi và chịu mất
lợi tức là khi họ sợ rằng giá của hàng hóa sẽ giảm, hoặc khi
các ngân hàng cho rằng rủi ro đối với vốn của họ là quá lớn.
Điều này nghĩa là các dấu hiệu của sự khủng hoảng đã xuất
hiện và tạo ra hiện tượng tích trữ tiền, chứ không phải là việc
tích trữ tiền tạo ra khủng hoảng.
Ngoài lượng tiền tích trữ không đáng kể (và ngay cả
trường hợp ngoại lệ này cũng có thể được coi là một dạng
“đầu tư” trực tiếp vào tiền tệ), tiết kiệm và đầu tư luôn được
giữ ở mức cân bằng, giống như cách cung và cầu của một
loại hàng hóa được giữ ở mức cân bằng, bởi chúng ta có thể
định nghĩa tiết kiệm và đầu tư như là cung và cầu cho vốn
sản xuất mới. Và giống như cách cung và cầu của bất kỳ loại
hàng hóa nào khác được giữ trong trạng thái cân bằng thông
qua mức giá, cung và cầu của vốn sản xuất được cân bằng
thông qua lãi suất. Lãi suất chỉ là một cách đặc biệt để gọi
giá của vốn sản xuất cho vay. Nó cũng là một loại giá, như
bất kỳ loại giá nào khác.
Do có nhiều lý lẽ sai lầm, và vì những chính sách có hại
của chính phủ lại dựa trên chúng, vấn đề này trong những
năm gần đây đã bị nhầm lẫn một cách thảm hại đến mức
nhiều người thực sự hết hy vọng có thể quay trở lại với các
quan điểm và lý lẽ đúng đắn. Mọi người thường sợ hãi thái
quá mức lãi suất “quá cao”. Họ lý luận rằng nếu lãi suất quá
cao, doanh nghiệp sẽ không còn có lãi khi vay vốn để đầu tư
vào các nhà máy và thiết bị mới. Lập luận này có tính thuyết
phục đến mức các chính phủ ở khắp nơi trong những thập kỷ
gần đây đã theo đuổi chính sách duy trì lãi suất thấp. Song
quan điểm, do quá quan tâm đến lượng cầu ngày càng tăng
đối với vốn sản xuất, đã bỏ qua tác động của các chính sách
đối với nguồn cung của vốn sản xuất. Một lần nữa, ta lại có
một ví dụ về sai lầm của việc chỉ xem xét các tác động của
một chính sách đối với một nhóm lợi ích nhất định mà quên
mất các tác động đối với những người khác.
Nếu lãi suất bị giữ ở mức quá thấp so với mức rủi ro mà
vốn cho vay phải chịu, hoạt động tiết kiệm và cho vay sẽ
giảm. Những người ủng hộ chính sách lãi suất thấp cho rằng
việc tiết kiệm sẽ được duy trì và không bị tác động bởi mức
lãi suất, bởi những người giàu có đã thỏa mãn mọi nhu cầu
của mình và không có nhu cầu tiêu thêm tiền vào việc gì
khác. Tuy nhiên, họ không chỉ ra được một cách chính xác ở
mức thu nhập cá nhân nào một người sẽ luôn tiết kiệm một
khoản cố định mà không xét đến mức lãi suất và rủi ro mà
người đó phải chịu với vốn cho vay của mình.
Mặc dù tính theo tỷ lệ, lượng tiết kiệm của những người
rất giàu chắc chắn ít bị ảnh hưởng bởi lãi suất hơn so với
lượng tiết kiệm của những người khá giả, nhưng trên thực tế,
lượng tiết kiệm của bất kỳ ai cũng sẽ bị ảnh hưởng ở một
mức độ nào đó bởi lãi suất. Việc nói rằng lượng tiết kiệm thật
sẽ không giảm khi mức lãi suất giảm một cách đáng kể cũng
giống như khi ta nói tổng sản lượng đường sẽ không bị giảm
khi giá của nó giảm mạnh, bởi những nhà sản xuất đường với
hiệu suất cao và mức chi phí thấp vẫn sẽ duy trì sản lượng
cũ. Quan điểm này bỏ quên những người tiết kiệm có thu
nhập thấp ở cận biên, vốn trên thực tế luôn chiếm đa số.
Xét về lâu dài, tác động của việc giữ lãi suất thấp một
cách giả tạo sẽ giống như tác động của việc giữ bất kỳ một
mức giá nào thấp hơn mức giá tự nhiên trên thị trường. Nó
sẽ làm tăng cầu và giảm cung. Nó sẽ làm tăng nhu cầu vốn
sản xuất và giảm nguồn vốn cho vay. Nó sẽ gây ra những
lệch lạc về kinh tế. Đúng là việc giảm mức lãi suất một cách
giả tạo sẽ làm tăng lượng vốn vay. Trên thực tế, nó thường
có xu hướng làm tăng các giao dịch mang nặng tính đầu cơ,
vốn chỉ tồn tại trong bối cảnh lãi suất bị giữ thấp hơn mức
của thị trường. Về nguồn cung, việc giảm lãi suất một cách
giả tạo sẽ ngăn cản sự tiết kiệm và đầu tư thông thường. Nó
làm giảm lượng vốn sản xuất được tích lũy. Nó làm chậm lại
sự tăng năng suất, hay tốc độ “tăng trưởng kinh tế”, mà
những người theo tư tưởng “tiến bộ” luôn mong đạt được.
Trên thực tế, lãi suất chỉ có thể được giữ ở mức thấp
bằng cách liên tục cung cấp thêm các khoản tiền tệ hay tín
dụng ngân hàng để thay cho tiết kiệm thực sự. Điều này có
thể tạo ra ảo tưởng rằng ta vẫn đang có thêm vốn, giống
như việc pha thêm nước vào sữa khiến ta nghĩ rằng mình có
nhiều sữa hơn. Nhưng đây là chính sách duy trì lạm phát. Nó
là quy trình tích lũy rủi ro và hiểm họa cho nền kinh tế. Lãi
suất sẽ tăng và khủng hoảng sẽ xuất hiện khi lạm phát bị
đảo ngược hoặc ngừng lại, hay thậm chí khi nó được duy trì ở
một mức độ thấp hơn.
Chúng ta cũng cần chỉ ra rằng mặc dù lúc ban đầu, việc
cung cấp thêm tiền tệ và tín dụng ngân hàng có thể tạm thời
khiến cho mức lãi suất giảm thấp hơn, nhưng việc tiếp tục sử
dụng công cụ này về lâu dài sẽ làm tăng lãi suất. Điều này
xảy ra vì việc cung cấp thêm tiền tệ thường có xu hướng làm
giảm sức mua của tiền tệ.
Những người cho vay nhận ra rằng lượng tiền họ cho vay sẽ
bị mất giá sau một năm (khi họ nhận lại nó). Vì vậy, họ sẽ
cộng thêm vào mức lãi suất thông thường một khoản phí để
bù cho lượng sức mua bị giảm đi của lượng tiền cho vay.
Khoản phí này có thể cao hay thấp tùy thuộc vào mức độ
lạm phát mà họ dự đoán. Vì lý do này, hối phiếu kho bạc của
Anh vào năm 1976 có mức lãi suất hàng năm tăng đến 14%;
công trái của chính phủ Italy vào năm 1977 có mức lợi tức là
16%; và mức lãi suất của ngân hàng trung ương Chile với
các ngân hàng khác tăng vọt lên 75% vào năm 1974. Nói
tóm lại, chính sách lãi suất thấp cuối cùng sẽ gây ra những
biến động lớn hơn nhiều trong hoạt động kinh doanh so với
những gì có thể xảy ra bởi mức lãi suất thị trường cao hơn,
điều mà các chính sách này đang tìm cách xử lý.
Nếu chính phủ không can thiệp vào mức lãi suất thông
qua các chính sách gây lạm phát, lượng tiết kiệm được tăng
lên sẽ tự tạo ra nhu cầu cho nó bằng cách giảm lãi suất một
cách tự nhiên. Lượng tiền lớn hơn đang tìm cơ hội đầu tư sẽ
khiến những người chủ tiền phải chấp nhận mức lãi suất thấp
hơn. Song mức lãi suất thấp hơn cũng có nghĩa là nhiều
doanh nghiệp sẽ có thể vay vốn, bởi lợi nhuận mà họ có thể
thu được nhờ các thiết bị hay nhà máy mới thường cao hơn
mức lãi suất mà họ phải chịu trên lượng vốn vay.
* *
*
Bây giờ, chúng ta sẽ xem xét nguỵ biện cuối cùng mà tôi
muốn đề cập đến về tiết kiệm. Quan điểm này cho rằng
lượng vốn sản xuất mới chỉ có thể được tiếp nhận đến một
giới hạn cố định, hay thậm chí cho rằng chúng ta đã đạt đến
mức giới hạn này của việc tiếp nhận thêm vốn. Thật khó tin
là ai đó có thể tin được điều này, ngay cả những người không
biết gì về kinh tế học, chứ đừng nói tới những người được coi
là các nhà kinh tế học được đào tạo. Phần lớn tổng tài sản
của thế giới hiện đại, hầu như tất cả những gì phân biệt thế
giới của chúng ta với thế giới của thời kỳ tiền công nghiệp
vào thế kỷ 17, chính là vốn được tích lũy.
Một phần của lượng vốn này bao gồm những thứ có thể
được gọi là hàng tiêu dùng lâu bền – xe hơi, tủ lạnh, đồ gỗ,
trường học, thư viện, bệnh viện, và đặt biệt là nhà thuộc sở
hữu tư nhân. Trong lịch sử thế giới, chúng ta chưa bao giờ có
đủ những thứ này. Ngay cả nếu có đủ về mặt số lượng, việc
tiếp tục tăng về chất lượng là có thể, cần thiết, và không có
giới hạn.

Phần còn lại của lượng vốn này bao gồm những thứ mà
ta có thể thực sự gọi là vốn. Nó bao gồm các công cụ sản
xuất, tất cả mọi thứ từ những chiếc rìu, dao hay lưỡi cày thô
sơ nhất cho đến những máy móc tối tân nhất, những máy
phát điện và máy gia tốc tuyệt vời nhất, hay những nhà máy
với trang thiết bị hiện đại nhất. Xét về số lượng và đặc biệt là
về chất lượng, khả năng và sự cần thiết của việc mở rộng
lượng vốn này là vô hạn. Chỉ khi nào đất nước lạc hậu nhất
trên thế giới này cũng được trang bị về kỹ thuật hiện đại như
đất nước phát triển nhất, khi những nhà máy có hiệu năng
thấp nhất cũng ngang hàng với những nhà máy có các trang
thiết bị tối tân và hiện đại nhất, khi phần lớn các công cụ sản
xuất đã được hoàn thiện đến mức con người không thể cải
tiến chúng thêm nữa, chỉ lúc đó, ta mới có lượng vốn “dư
thừa”. Chừng nào những điều này chưa xảy ra, chắc chắn
vẫn còn có chỗ để tiếp nhận thêm vốn.
Song lượng vốn tăng thêm này có thể được “tiếp nhận”
bằng cách nào? Làm sao có thể “chi trả” cho nó? Nếu nó
được tiết kiệm, nó sẽ tự tiếp nhận và chi trả. Các nhà sản
xuất đầu tư vào hàng hóa tư liệu sản xuất mới - họ mua các
công cụ mới và tốt hơn - bởi các công cụ này làm giảm giá
thành sản xuất. Chúng hoặc sẽ tạo ra các loại hàng hóa mà
con người không có sự hỗ trợ của máy móc không thể tạo ra
(chúng bao gồm phần lớn hàng hóa xung quanh chúng ta –
sách, máy đánh chữ, xe hơi, đầu kéo xe lửa, cầu treo, v.v…),
hoặc sẽ tăng mạnh lượng hàng hóa có thể sản xuất ra, hoặc
(đây là những cách khác nhau để nói về cùng một điều) sẽ
giảm chi phí sản xuất trên từng đơn vị hàng hóa. Bởi chi phí
sản xuất có thể giảm không có giới hạn – cho tới khi mọi thứ
có thể được sản xuất với chi phí bằng không (0) - lượng vốn
mới có thể được tiếp nhận cũng không có giới hạn.
Việc giảm dần đều chi phí sản xuất tính trên đơn vị sản
phẩm nhờ việc tăng vốn sản xuất sẽ đạt được một trong hai,
hoặc cả hai, điều sau. Nó sẽ giảm chi phí mua hàng hóa đối
với người tiêu dùng, và nó sẽ tăng lương của người lao động
được sử dụng các thiết bị mới bởi nó tăng năng suất của
người lao động đó. Vì vậy, một thiết bị sản xuất mới sẽ đem
lại lợi ích cho cả người lao động trực tiếp sử dụng nó và một
số lượng lớn người tiêu dùng. Đối với người tiêu dùng, thiết
bị mới hoặc sẽ giúp họ, với cùng một lượng tiền, có được
hàng hóa với số lượng nhiều hơn hoặc chất lượng cao hơn,
hoặc nó sẽ tăng thu nhập thật của họ. Hai điều này thực ra
là một. Đối với người lao động sử dụng thiết bị mới, mức
lương thật của họ sẽ được tăng lên bằng hai cách: qua sức
mua và qua lượng lương quy ra tiền. Một ví dụ điển hình là
ngành sản xuất xe hơi. Ngành sản xuất xe hơi Mỹ trả mức
lương cao nhất trên thế giới, và một trong những mức lương
cao nhất tại Mỹ. Thế nhưng tới tận năm 1960, các nhà sản
xuất xe hơi của Mỹ vẫn có thể bán sản phẩm với giá thấp
nhất trên thế giới bởi chi phí sản xuất trên đơn vị sản phẩm
của họ nhỏ hơn. Bí quyết của điều này là mức độ đầu tư vốn
trong ngành sản xuất xe hơi của Mỹ, tính trên bình quân mỗi
người lao động và mỗi chiếc xe hơi được sản xuất ra, cao
nhất thế giới.
Vậy mà vẫn có những người nghĩ rằng chúng ta đã chạm
14
vào giới hạn của quá trình này và những người khác cho
rằng việc chúng ta tiếp tục tiết kiệm và tăng lượng vốn tích
lũy của mình là xuẩn ngốc, ngay cả nếu chúng ta chưa chạm
đến mức giới hạn đó.

Sau những gì chúng ta đã phân tích, chắc ta có thể dễ


dàng nhận ra ai mới thực sự là những kẻ dối trá và xuẩn
ngốc.
(Đúng là trong những năm gần đây, nước Mỹ đã đánh
mất vị trí dẫn đầu nền kinh tế thế giới. Song điều này là bởi
các chính sách chống lại chủ nghĩa tư bản của chính phủ chứ
không phải do chúng ta đã đạt đến ngưỡng phát triển kinh tế
“chín muồi”.)
Chương XXV: Nhắc lại bài học
Như chúng ta đã nhắc lại nhiều lần, kinh tế học là bộ
môn khoa học nhằm nhận ra các tác động thứ cấp. Nó cũng
là bộ môn khoa học nhằm chỉ ra các tác động tổng
quan. Nó là bộ môn khoa học nhằm xem xét các tác động
của một chính sách được kiến nghị hay đang được thực hiện,
không chỉ đối với những lợi ích cá biệt mà còn đối với lợi ích
chung, không chỉ ngắn hạn mà còn dài hạn.
Cuốn sách này tập trung đặc biệt vào bài học đó. Chúng
ta đã nêu lên bài học ở dạng cơ bản nhất, sau đó bổ sung
thêm thông qua các ví dụ mang tính thực tiễn.
Song trong quá trình xem xét các ví dụ này, chúng ta đã
đề cập đến một số bài học khái quát khác, và chúng ta nên
nêu ra một cách rõ ràng các bài học ấy cho bản thân mình.
Khi công nhận kinh tế học là một ngành khoa học nhằm
xem xét các tác động và hậu quả, chúng ta phải nhận thức
được rằng, giống toán học và logic học, đây là một bộ môn
khoa học nhằm nhận ra những ngụ ý mang tính tất yếu.
Chúng ta có thể minh họa cho điều này thông qua một
phương trình số học đơn giản. Giả sử ta có x = 5 và x + y =
12. “Đáp án” của phương trình này là y = 7; ta có được đáp
án bởi phương trình này trên thực tế nói với chúng ta rằng y
bằng 7. Nó không nói điều này một cách trực tiếp, song
trong nó có ẩn chứa đủ các yếu tố để ta suy luận ra đáp án.
Điều chúng ta vừa quan sát được trong phương trình đơn
giản đó cũng đúng với phần lớn các phương trình phức tạp và
khó hiểu trong toán học. Đáp án đã được ẩn
chứa trong đề bài. Tất nhiên, chúng ta phải “giải” phương
trình để có được câu trả lời. Đôi khi, chính người giải phương
trình cũng ngạc nhiên trước kết quả thu được. Đôi khi, người
đó còn cảm nhận được rằng mình đang khám phá ra một
điều gì đó hoàn toàn mới với một sự hào hứng giống như
“một người chuyên ngắm sao, khi một hành tinh mới lọt vào
tầm ngắm của mình”. Cảm nhận này sẽ được chứng minh
thông qua những kết quả mang tính lý thuyết hay thực tế
trong đáp án của người đó. Nhưng đáp án đã được ẩn chứa
trong cách vấn đề được trình bày. Không phải lúc nào ta
cũng có thể nhận ra nó ngay. Toán học nhắc nhở chúng ta
rằng các ngụ ý tất yếu không phải luôn là điều dễ nhận ra.
Tất cả những điều đó cũng đúng với kinh tế học. Trên
phương diện này, kinh tế học cũng giống như cơ khí học. Khi
phải giải quyết một vấn đề, một kỹ sư trước tiên phải xác
định tất cả các yếu tố có ảnh hưởng. Nếu muốn thiết kế một
cây cầu để nối hai điểm, ông ta trước hết phải biết khoảng
cách chính xác giữa hai điểm, đặc điểm địa hình của hai điểm
đó, trọng tải tối đa của cầu, sức chịu lực căng và lực nén của
thép và các vật liệu khác được dùng để xây cầu, cũng như
những lực tác động mà cây cầu sẽ phải chịu. Phần lớn các
yếu tố này đã được nghiên cứu bởi những người khác. Những
người tiền nhiệm cũng đã thực hiện những phương trình toán
học chi tiết nhằm giúp ông ta, sau khi biết được sức chịu lực
của các vật liệu và các lực tác động chúng sẽ phải chịu, có
thể quyết định đường kính, hình dạng, số lượng và kết cấu
của các mấu cầu, các sợi cáp và các thanh giằng.
Cũng tương tự như vậy, một nhà kinh tế học, khi được
giao một vấn đề thực tế, phải nắm được tất cả các thông tin
thực tế chính yếu về vấn đề và các cách suy luận hợp lệ từ
các thông tin này. Trong kinh tế học, việc suy diễn để rút ra
các kết luận cũng quan trọng không kém gì việc nắm được
thông tin thực tế. Chúng ta cũng có thể áp dụng cho kinh tế
học điều mà Santayana nói về logic học (cũng có thể được sử
dụng cho toán học), rằng logic “dõi theo ánh sáng của chân
lý,” để “khi một ngôn từ của hệ thống logic mô tả một sự
việc, toàn bộ hệ thống gắn liền với ngôn từ đó sẽ được thắp
15
sáng” .
Rất ít người hiểu được ý nghĩa thực sự của những gì họ
đang nói về kinh tế học. Khi họ nói rằng tăng tín dụng là
cách cứu vãn nền kinh tế, họ không hiểu rằng điều họ đang
nói trên thực tế là nền kinh tế có thể được cứu vãn thông
qua việc tăng nợ: đây là những tên gọi khác nhau từ các
phương diện khác nhau của cùng một hiện tượng. Khi họ nói
rằng tăng giá nông sản là con đường dẫn đến sự thịnh
vượng, điều họ đang nói trên thực tế là ta có thể trở nên
giàu có hơn bằng cách làm cho lương thực và thực phẩm trở
nên đắt đỏ hơn đối với người lao động trong thành phố. Khi
họ nói rằng các khoản trợ cấp của nhà nước sẽ làm tăng tài
sản quốc gia, trên thực tế, họ đang nói rằng quốc gia có thể
trở nên giàu có hơn bằng cách tăng thuế. Khi họ đặt mục
tiêu chính của mình là tăng xuất khẩu, phần lớn trong số họ
không nhận ra rằng họ đã khiến việc tăng nhập khẩu trở
thành mục tiêu chính. Khi họ nói rằng tăng lương là cách để
phục hồi kinh tế trong hầu hết mọi trường hợp, họ thực ra
chỉ nói bằng một cách khác rằng để phục hồi, ta phải tăng
chi phí sản xuất.
Tất nhiên không phải là vì mỗi luận điểm đều có mặt trái
của nó hay vì mọi thứ không còn hấp dẫn nữa khi được xem
xét từ một khía cạnh khác hay gọi bằng cái tên khác mà ta
có thể nói rằng những đề xuất này là không hợp lý trong mọi
trường hợp. Sẽ có những thời điểm khi việc tăng mức nợ
đem lại nhiều lợi hơn hại, khi sự trợ cấp của chính phủ là
điều tối quan trọng để có thể đạt được một mục tiêu quân sự
nhất định, khi một ngành sản xuất nào đó chấp nhận được
một mức tăng chi phí sản xuất hợp lý, v.v… Song chúng ta
phải đảm bảo rằng trong mọi trường hợp, cả hai mặt của vấn
đề, cũng như mọi tác động hay hậu quả của một đề xuất,
đều được xem xét cẩn thận. Tuy nhiên, đây là điều rất ít khi
được thực hiện.
**
*
Sự phân tích các ví dụ của chúng ta đã dạy chúng ta
thêm một bài học tình cờ nữa. Đó là: khi ta nghiên cứu các
tác động của những đề xuất khác nhau không chỉ đối với một
số nhóm lợi ích cá biệt trong một thời gian ngắn mà trên tất
cả các nhóm trong một thời gian dài, các kết luận ta rút ra
thường trùng lặp với những quan điểm bình thường nhất mà
ai cũng biết. Không ai ngoài những nhà kinh tế học nửa mùa
và những người tin theo họ sẽ nghĩ rằng việc cửa sổ bị ném
vỡ kính hay các thành phố bị phá hoại lại là điều có ích; rằng
chính phủ hoàn toàn không lãng phí khi tạo ra các công trình
công cộng không cần thiết; rằng việc để một số lượng lớn
người đang nhàn rỗi quay trở lại làm việc là nguy hiểm; rằng
các loại máy móc có khả năng tăng của cải vật chất và tiết
kiệm sức lao động con người phải được dè chừng; rằng việc
ngăn cản sự sản xuất và tiêu thụ tự do sẽ làm tăng lượng
của cải; rằng một quốc gia sẽ trở nên giàu có hơn khi bắt các
quốc gia khác mua hàng hóa của mình với mức giá thấp hơn
chi phí sản xuất; hay rằng tiết kiệm là ngu ngốc và có hại, và
việc tiêu xài quá độ sẽ đem đến sự giàu có.
Để trả lời những quan điểm đao to búa lớn của thời đại
mình, Adam Smith nhấn mạnh một chân lý giản đơn: “Điều
được xem là đúng đắn trong việc quản lý một gia đình khó có
thể trở thành sai lầm đối với một quốc gia”. Nhưng những
người tầm thường hơn lại thường thích phức tạp hóa mọi vấn
đề cho đến khi bản thân họ cũng bị nhầm lẫm. Họ không
kiểm chứng lại suy luận của mình ngay cả khi các kết luận
được đưa ra hết sức vô lý. Độc giả, tùy theo niềm tin của
mình, có thể chấp nhận hoặc không chấp nhận câu nói của
Bacon: “Một chút triết học sẽ dẫn trí óc con người đến với sự
vô thần, nhưng triết học sâu sắc sẽ dẫn con người đến với
tôn giáo.” Song với kinh tế học, một chút kinh tế học rất có
thể dẫn đến những kết luận trái khoáy và ngược đời mà
chúng ta vừa xem xét, song kinh tế học sâu sắc sẽ dẫn con
người trở lại với những chân lý giản đơn, bởi kinh tế học sâu
sắc đòi hỏi ta phải xem xét tất cả tác động và hậu quả của
một chính sách thay vì chỉ quan tâm đến những điều hiển
hiện ngay trước mắt.
**
*
Trong quá trình thảo luận của mình, chúng ta đã tìm lại
được một người bạn. Đó là Người bị lãng quên của William
Graham Sumner, người đã viết trong tiểu luận của mình vào
năm 1883 rằng:
“Ngay khi A quan sát thấy một điều gì đó có vẻ sai và
đang gây hại cho X, A sẽ thảo luận với B và cùng B đề
xuất một điều luật để xử lý điều sai trái này và hỗ trợ X.
Điều luật của họ luôn quy định những điều C phải làm
cho X hoặc, trong trường hợp tốt hơn, những điều A, B,
và C sẽ làm cho X… Điều tôi muốn làm là hãy lưu ý tới
C… Tôi sẽ gọi ông ta là Người bị lãng quên… Ông ta là
người không bao giờ được chú ý tới. Ông ta là nạn nhân
của các nhà cải cách, những người theo tư duy xã hội và
những người chuyên làm việc thiện; và trước khi kết
thúc, tôi muốn chỉ cho các bạn thấy rằng, do nhân cách
của mình và do những gánh nặng mà người khác đã chất
lên ông ta, người này đáng được quan tâm đến.”
Oái oăm thay, khi cụm từ này, Người bị lãng quên, được
đem ra sử dụng vào những năm 30 của thế kỷ XX, nó được
dùng không phải để nói đến C mà là đến X; và C, người thậm
chí còn bị yêu cầu phải hỗ trợ thêm những ông X khác, còn
bị lãng quên hơn cả trước đây. Chính C, người bị lãng quên,
cũng là người luôn được yêu cầu đứng ra hỗ trợ cho trái tim
rỉ máu của các chính trị gia bằng cách thanh toán cho sự hào
hiệp bằng môi miệng của họ.
* *
*
Việc nghiên cứu bài học của chúng ta sẽ không thể hoàn
tất nếu trước khi kết thúc, chúng ta không chỉ ra rằng nguỵ
biện cơ bản mà chúng ta đã xem xét xuất phát hoàn toàn
không ngẫu nhiên mà theo một cách hệ thống. Trên thực tế,
nó là kết quả gần như tất yếu của việc phân công lao động.
Trong công xã nguyên thủy, hoặc trong thời kỳ của
những người khai hoang, trước khi sự phân công lao động ra
đời, một người chỉ lao động để phục vụ cho bản thân và gia
đình mình. Những gì người đó tiêu dùng cũng là những gì
anh ta sản xuất ra. Giữa những gì người đó tạo ra và những
gì người đó tiêu dùng luôn có một mối quan hệ trực tiếp và
tức thì.
Nhưng khi hệ thống phân công lao động phức tạp và chi
tiết ra đời, mối quan hệ trực tiếp này biến mất. Tôi không
tạo ra tất cả những gì tôi tiêu dùng mà có lẽ chỉ một trong
những thứ đó. Với lợi nhuận thu được từ việc sản xuất một
loại hàng hóa hay cung cấp một loại dịch vụ, tôi sẽ mua tất
cả những thứ còn lại. Tôi muốn những thứ tôi phải mua sẽ có
giá thấp, song với hàng hóa hay dịch vụ do tôi cung cấp,
mức giá cao sẽ có lợi cho tôi hơn. Vì vậy, mặc dù tôi muốn
mọi thứ đều dồi dào, nếu loại hàng hóa hay dịch vụ tôi cung
cấp trở nên khan hiếm, tôi sẽ có lợi nhiều hơn. Loại hàng hóa
và dịch vụ này càng khan hiếm so với các loại hàng hóa và
dịch vụ khác thì công sức tôi bỏ ra sẽ càng được đền đáp
nhiều hơn.
Điều này không có nghĩa là tôi nhất thiết phải hạn chế
công sức hay sản lượng của mình. Trên thực tế, nếu tôi chỉ là
một trong số đông những người cung cấp và trong ngành sản
xuất của tôi có sự cạnh tranh tự do, tôi sẽ không có lợi nếu
tự hạn chế sản lượng. Ngược lại, giả sử tôi là một người
trồng lúa mỳ, tôi sẽ muốn sản lượng của mình càng lớn càng
tốt. Song nếu tôi chỉ quan tâm đến quyền lợi của mình mà
không bận tâm đến người khác, tôi cũng sẽ muốn sản lượng
lúa mỳ của những người khác càng thấp càng tốt; bởi tôi
muốn có sự khan hiếm lúa mỳ, hay bất kỳ một loại lương
thực nào khác có thể thay thế cho lúa mỳ, để lượng lúa mỳ
của tôi sẽ được giá cao nhất.
Thông thường, những tính toán ích kỷ kiểu này sẽ không
ảnh hưởng gì đến tổng sản lượng lúa mỳ. Trên thực tế, bất
kỳ khi nào có sự cạnh tranh, mỗi nhà sản xuất sẽ bị bắt buộc
phải cố gắng hết sức để có sản lượng lúa mỳ cao nhất trên
đất đai của mình. Bằng cách này, những tính toán cho lợi ích
cá nhân (vốn luôn mạnh hơn lòng hào hiệp hay hào phóng
của con người) sẽ bị kiểm soát và dẫn đến mức sản lượng
cao nhất.
Song nếu những người trồng lúa mỳ, hay bất kỳ một
nhóm nhà sản xuất nào khác, kết hợp lại với nhau để thủ
tiêu sự cạnh tranh, và nếu chính phủ cho phép hay khuyến
khích chiến lược này của họ, tình hình sẽ thay đổi. Những
người trồng lúa mỳ có thể thuyết phục chính phủ, hay thậm
chí là một tổ chức toàn cầu nào đó, bắt tất cả giảm theo tỷ lệ
diện tích đất được dành cho việc trồng lúa mỳ. Nhờ đó, họ sẽ
tạo ra tình trạng khan hiếm và nâng giá lúa mỳ, và nếu việc
tăng giá lúa tính theo mỗi giạ tính theo tỷ lệ tăng nhiều hơn
so với mức giảm của sản lượng, tất cả những người trồng lúa
sẽ được hưởng lợi. Họ sẽ có thêm nhiều tiền và mua được
nhiều hàng hóa hơn. Tất cả những người khác sẽ trở nên
nghèo hơn, bởi họ sẽ mất đi nhiều hơn từ những gì họ sản
xuất để nhận được ít hơn từ những người trồng lúa mỳ. Cả
quốc gia, vì vậy, sẽ nghèo đi một lượng tương đương với
lượng múa mỳ không được trồng. Nhưng những người chỉ
chú ý đến các nông dân trồng lúa mỳ sẽ nhìn thấy lợi ích và
bỏ qua những thiệt hại thậm chí còn lớn hơn.

Điều này đúng với mọi ngành sản xuất. Nếu bởi thời tiết
bất thường, vụ mùa cam tăng đột ngột, mọi người tiêu dùng
sẽ hưởng lợi. Thế giới sẽ giàu có hơn một lượng tương đương
với sản lượng cam tăng lên. Giá cam sẽ giảm đi. Song chính
điều này có thể khiến những người trồng cam trở nên nghèo
hơn, trừ khi lượng cam tăng lên đủ để bù cho mức giá thấp
hơn. Trong trường hợp này, nếu sản lưọng cam của tôi không
lớn hơn mọi năm, chắc chắn thu nhập của tôi sẽ bị giảm vì
mức giá thấp hơn do sản lượng cam chung lớn hơn gây ra.
Điều đúng với sự thay đổi từ phía cung cũng đúng với sự
thay đổi từ phía cầu, dù những thay đổi này là do các phát
minh sáng chế mới hay chỉ đơn thuần là kết quả của sự thay
đổi thị hiếu. Một chiếc máy hái bông mới, dù có thể làm giảm
giá đồ lót và áo sơmi sợi cotton cho mọi người, sẽ làm cho
nhiều người hái bông bị mất việc làm. Một chiếc máy dệt
mới, với khả năng dệt vải chất lượng cao hơn và tốc độ
nhanh hơn, sẽ khiến hàng ngàn chiếc máy cũ trở thành đồ
phế thải và làm mất đi lượng vốn đã được đầu tư vào những
chiếc máy cũ. Vì vậy, nó cũng làm người sở hữu những chiếc
máy cũ trở nên nghèo hơn. Việc tiếp tục phát triển năng
lượng nguyên tử, dù có thể đem lại những lợi ích to lớn cho
nhân loại, là điều khiến nhiều chủ mỏ than và giếng dầu phải
lo lắng.
Các tiến bộ về khoa học kỹ thuật sẽ luôn gây tổn hại cho
ai đó. Tương tự như vậy, sự thay đổi trong thị hiếu hay đạo
đức xã hội, ngay cả khi theo hướng tốt hơn, cũng luôn đem
lại thiệt hại cho một số người nhất định. Người dân ít say xỉn
hơn cũng có nghĩa là hàng ngàn người phục vụ ở các quầy
bar sẽ thất nghiệp. Việc giảm đánh bạc sẽ khiến những người
hầu bài ở các sòng bạc và những môi giới đua ngựa phải đi
tìm những công việc có thu nhập cao hơn.
Song không chỉ những người phục vụ cho những thú vui
hay thói quen xấu của con người mới bị ảnh hưởng khi đạo
đức xã hội bất chợt được cải thiện. Trong số những người bị
ảnh hưởng nhiều nhất, sẽ có chính những người làm công
việc cải thiện đạo đức này. Các thày tu sẽ không còn nhiều lý
do để dạy dỗ; những nhà cải cách sẽ chẳng còn gì để theo
đuổi. Nhu cầu đối với công việc của họ và sự đóng góp tài
chính của xã hội sẽ giảm đi. Nếu không còn tội phạm, chúng
ta sẽ cần ít luật sư, quan tòa và lính cứu hỏa hơn. Ta sẽ
không cần người cai tù, người làm khóa tù, hay thậm chí
cảnh sát nữa (ngoại trừ một số lượng nhỏ để giám sát giao
thông).
Nói tóm lại, trong hệ thống phân công lao động, sẽ rất
khó để có thể thỏa mãn cao hơn một nhu cầu nào đó của con
người mà không, ít nhất là tạm thời, gây thiệt hại cho những
người đã đầu tư hoặc đã mất công sức để có được các kỹ
năng nhằm thỏa mãn chính nhu cầu đó. Nếu sự phát triển
hay tiến bộ diễn ra đồng đều trong xã hội, sự xung đột giữa
lợi ích của toàn xã hội và của một nhóm cụ thể nào đó sẽ
không đáng kể, hoặc nếu có xảy ra, nó sẽ không trở thành
vấn đề nghiêm trọng. Nếu trong cùng một năm khi sản lượng
lúa mỳ của thế giới tăng, sản lượng lúa mỳ của tôi cũng tăng
với một tỷ lệ tương tự, nếu sản lượng cam và các nông sản
khác cũng tăng tương tự, và nếu sản lượng của các sản
phẩm công nghiệp cũng tăng và chi phí sản xuất trên đơn vị
sản phẩm giảm một lượng tương ứng, khi đó tôi - một người
trồng lúa mỳ - sẽ không phải chịu thiệt hại vì sản lượng lúa
tăng. Tuy giá lúa tính theo giạ và tổng số tiền tôi thu được từ
sản lượng của mình có thể giảm, tôi vẫn có thể mua các sản
phẩm khác với giá rẻ hơn vì sản lượng của chúng cũng tăng.
Vì thế, tôi không có lý do gì để phàn nàn. Trên thực tế, tôi
còn trở nên giàu hơn một lượng tương đương với mức tăng
sản lượng của tôi. Và tất cả những người khác cũng trở nên
giàu hơn một lượng tương đương với mức tăng sản lượng
hàng hóa hay dịch vụ của họ.
Song các tiến bộ kinh tế chưa bao giờ và có lẽ sẽ không
bao giờ xảy ra một cách đồng đều như vậy. Sự tiến bộ
thường diễn ra ở mỗi thời điểm tại một ngành hoặc một
mảng sản xuất nhất định. Và nếu trong ngành sản xuất của
tôi, sản lượng hoặc nguồn cung tăng một cách đột ngột,
hoặc nếu sản phẩm của tôi không còn thị trường nữa do một
sáng chế hay phát minh mới, khi đó, lợi ích mà thế giới có
được cũng là thảm họa đối với tôi và những người cùng sản
xuất một mặt hàng hay dịch vụ như tôi.
Điều tác động mạnh nhất lên một người quan sát khách
quan thường không phải là những lợi nhuận được dàn trải
trên diện rộng do việc tăng cung hay nhờ những sáng chế
hay khám phá mới, mà là sự thiệt hại được tập trung vào
một nhóm hoặc một vài nhóm nhỏ. Chúng ta thường không
chú ý đến việc mọi người được uống cà phê nhiều và rẻ hơn
mà chỉ quan tâm đến việc thu nhập của những người trồng
cà phê không đủ cho cuộc sống của họ do giá cà phê giảm.
Chúng ta cũng thường bỏ qua việc tăng sản lượng và giảm
chi phí sản xuất trong ngành sản xuất giày do máy móc mới;
điều mà ta nhìn thấy là những công nhân sản xuất giày bị
mất việc. Tất nhiên, ta phải xem xét một cách toàn diện vấn
đề và nhìn nhận hoàn cảnh khó khăn của những cá nhân đó
để dành cho họ sự cảm thông và tìm cách sử dụng một trong
những lợi ích thu được từ chính sự tiến bộ trong lĩnh vực cụ
thể này để giúp những nạn nhân của nó tìm được một công
việc khác với mức thu nhập phù hợp.
Song chúng ta không được giải quyết vấn đề bằng cách
tùy tiện giảm sản lượng, ngăn cản các sáng chế hay khám
phá mới, hoặc hỗ trợ để những người đó tiếp tục sản xuất
loại hàng hóa hay cung cấp loại dịch vụ không còn giá trị
trên thị trường nữa. Song đây lại chính là điều thế giới
thường xuyên làm thông qua thuế quan bảo hộ, thông qua
việc phá hủy máy móc thiết bị, thông qua việc đốt hủy cà
phê, thông qua hàng ngàn chính sách mang tính hạn chế sản
xuất. Đây là quan điểm điên rồ nhằm tìm kiếm sự giàu có
thông qua sự khan hiếm.
Thật không may là quan điểm này lại có thể đúng trong
những trường hợp riêng lẻ, khi xét riêng một nhóm nhà sản
xuất nào đó, nếu họ có thể tạo ra sự khan hiếm trong mặt
hàng hay dịch vụ của họ đồng thời giữ nguyên sự dồi dào
của những thứ họ phải mua. Song xét chung cho toàn xã hội,
quan điểm này không bao giờ đúng. Nó không bao giờ được
áp dụng một cách đồng đều, bởi điều này là một hành động
tự sát về kinh tế.
Đây chính là bài học của chúng ta dưới dạng khái quát
nhất. Rất nhiều điều tưởng như đúng khi ta tập trung vào
một nhóm lợi ích kinh tế nhất định trở thành những ảo tưởng
khi ta xem xét lợi ích của mọi người, nhà sản xuất cũng như
người tiêu dùng.

Nhìn nhận vấn đề một cách tổng thể chứ không chỉ trong
từng chi tiết: đó chính là mục tiêu của kinh tế học với tư cách
là một bộ môn khoa học.
Phần ba: Bài học sau 30 năm
Chương XXVI: Xem xét lại bài học sau 30 năm
Cuốn sách này được xuất bản lần đầu tiên vào năm
1946. Khi tôi viết những dòng này, 32 năm đã trôi qua. Bài
học mà chúng ta đã cùng tìm hiểu trong những chương trước
đã và đang được học và áp dụng như thế nào trong thời đại
này?
Nếu nói đến các chính trị gia hay những người chịu trách
nhiệm xây dựng và thực thi các chính sách của chính phủ, ta
sẽ thấy rằng họ hoàn toàn không học được gì. Ngược lại, các
chính sách được phân tích trong các chương trước còn được
áp dụng nhiều và rộng rãi hơn so với khi cuốn sách này được
xuất bản lần đầu tiên, không chỉ tại Mỹ mà tại tất cả các
quốc gia trên thế giới.
Chúng ta có thể chọn ví dụ nổi bật nhất: lạm phát. Đây
không chỉ là một chính sách với mục đích riêng của nó mà
cũng là kết quả tất yếu của phần lớn các chính sách mang
tính can thiệp của chính phủ. Ngày nay, ở khắp nơi trên thế
giới, nó đã trở thành biểu tượng cho sự can thiệp của chính
phủ.
Ấn bản năm 1946 của cuốn sách này đã giải thích các
hậu quả của lạm phát, nhưng mức lạm phát trong giai đoạn
đó vẫn còn khá nhẹ. Mặc dù vào năm 1926, tổng chi tiêu của
chính phủ liên bang là gần 3 tỷ USD và có thặng dư, vào
năm tài khóa 1946, mức chi tiêu của chính phủ đã tăng lên
đến 55 tỷ USD và thâm hụt 16 tỷ USD. Vào năm tài khóa
1947, khi chiến tranh kết thúc, tổng chi phí lại giảm xuống
còn 35 tỷ USD và có thặng dư gần 4 tỷ USD. Tuy nhiên, vào
năm tài khóa 1978, tổng chi tiêu đã tăng vọt lên đến 451 tỷ
USD và thâm hụt 49 tỷ USD.
Điều này đi kèm với sự tăng vọt trong lượng tiền tệ - từ
113 tỷ USD bao gồm tiền gửi không thời hạn và tiền tệ nằm
ngoài ngân hàng vào năm 1947 lên đến 357 tỷ USD vào
tháng tám năm 1978. Nói cách khác, nguồn cung tiền linh
hoạt trong giai đoạn này đã tăng lên hơn ba lần.
Việc tăng lượng tiền tệ đã khiến các mức giá tăng mạnh.
Chỉ số giá hàng tiêu dùng vào năm 1946 dừng ở mức 58,5.
Vào tháng chín năm 1978 nó là 199,3. Nói tóm lại, các mức
giá cũng tăng lên hơn ba lần.
Như tôi đã nói, chính sách lạm phát được áp dụng một
phần để phục vụ các mục tiêu của chính nó. Hơn 40 năm sau
khi cuốn General Theory [Lý thuyết tổng quát] của John
Maynard Keynes được xuất bản và hơn 20 năm sau khi các
quan điểm trong cuốn sách này đã hoàn toàn bị bác bỏ
thông qua phân tích và kinh nghiệm thực tế, rất nhiều chính
trị gia của chúng ta vẫn đang đề xuất việc vay nợ để chi tiêu
nhằm giải quyết hoặc cải thiện tình trạng thất nghiệp trong
hiện tại. Điều oái oăm là họ đưa ra những đề xuất này trong
khi ngân quỹ của chính phủ liên bang trong vòng 48 năm
qua thì có đến 41 năm ở trong tình trạng thâm hụt, và mức
thâm hụt đó đang tăng tới con số 50 tỷ USD một năm.

Oái oăm hơn nữa, không chỉ thỏa mãn với việc theo đuổi
những chính sách nguy hại này trong nước, chính phủ của
chúng ta còn phê phán các nước khác, đặc biệt là Đức và
Nhật Bản, là không chịu theo đuổi các chính sách “mở rộng”
này. Điều này khiến chúng ta nhớ đến con cáo trong chuyện
ngụ ngôn của Êdốp: khi bị mất đuôi, nó đã tìm cách thuyết
phục các bạn của nó cắt đuôi của mình đi.
Một trong những hậu quả tồi tệ nhất của việc tin theo và
áp dụng các tư tưởng sai lầm của Keynes là nó không chỉ dẫn
đến mức lạm phát ngày càng cao hơn mà còn, một cách rất
hệ thống, khiến chúng ta bỏ qua các nguyên nhân thật sự
của nạn thất nghiệp như mức lương quá cao do đòi hỏi của
công đoàn, các điều luật về mức lương tối thiểu, bảo hiểm
quá cao và kéo dài cho người bị thất nghiệp, và các khoản
trợ cấp thất nghiệp quá hào phóng.
Lạm phát ngày hôm nay, dù một phần là do cố ý, chủ
yếu là hậu quả của những sự can thiệp kinh tế khác của
chính phủ. Nói tóm lại, nó là hậu quả của chủ trương điều
chỉnh xã hội thông qua tái phân phối thu nhập, hay những
chính sách nhằm thu tiền của Peter để đổ dồn cho Paul một
cách bất hợp lý.
Việc theo dõi quá trình này và chỉ ra các hậu quả tai hại
của nó sẽ trở nên dễ hiểu hơn qua việc phân tích một chính
sách cụ thể nào đó, ví dụ như đề xuất về việc đảm bảo mức
thu nhập hàng năm do các ủy ban của quốc hội đưa ra và
nghiêm túc xem xét vào đầu những năm 70. Đề xuất này gợi
ý việc đánh thuế cao hơn nữa vào những người có thu nhập
cao hơn mức bình thường và dùng số tiền thu được để hỗ trợ
những người đang sống dưới mức nghèo đói tối thiểu, để đảm
bảo mức thu nhập của họ cho dù họ có muốn làm việc hay
không, và để “giúp họ sống một cuộc sống có phẩm giá”.
Thật khó có thể tưởng tượng ra một chương trình hay kế
hoạch nào có mục tiêu rõ ràng hơn nhằm ngăn cản lao động
và sản xuất và cuối cùng là làm tất cả mọi người trở nên
nghèo đói.
Song thay vì chỉ đưa ra một chính sách hay biện pháp
như vậy và gây ra các tác hại trong một lần, chính phủ của
chúng ta lại ban hành hàng trăm điều luật nhằm thực hiện
việc tái phân phối một cách không đồng đều và mang nặng
tính thiên vị. Các biện pháp này có thể hoàn toàn bỏ sót một
số nhóm nghèo đói song lại dành cho những nhóm khác
hàng chục loại hỗ trợ và lợi ích khác nhau, ví dụ như bảo
hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, trợ cấp y tế, bảo hiểm thất
nghiệp, tem phiếu thực phẩm, quyền lợi cho cựu chiến binh,
hỗ trợ cho nông trang, nhà bán hay cho thuê được trợ giá, ăn
trưa miễn phí tại trường học, tuyển mộ trong các công trình
công cộng nhằm tạo việc làm, hỗ trợ cho các gia đình có con
nhỏ, cùng rất nhiều loại hỗ trợ trực tiếp khác, như hỗ trợ cho
người cao tuổi, cho người khiếm thị, cho người tàn tật, v.v…
Chính phủ liên bang đã ước tính rằng với các chương trình
này, họ đang cung cấp các khoản hỗ trợ liên bang cho hơn 4
triệu người, chưa tính đến những chương trình độc lập của
các bang hay các thành phố.
Một học giả gần đây đã đếm và xem xét không dưới hơn
44 chương trình phúc lợi khác nhau. Tổng chi tiêu của chính
phủ cho các chương trình này vào năm 1976 là 187 tỷ USD .
Mức tăng bình quân của các chương trình này trong khoảng
thời gian từ năm 1971 đến năm 1976 là 25% một năm, lớn
gấp 2,5 lần so với tốc độ tăng trưởng của tổng sản phẩm
quốc dân trong cùng giai đoạn. Mức chi phí dự tính cho năm
1979 là hơn 250 tỷ USD. Song song với mức tăng đến chóng
mặt của chi tiêu chính phủ cho các chương trình phúc lợi này
là sự phát triển của một “ngành phúc lợi quốc gia”, bao gồm
5 triệu nhân công của nhà nước và tư nhân, cung cấp các
khoản hỗ trợ và dịch vụ cho khoảng 50 triệu người hưởng
16
lợi .
Hầu như tất cả các nước phương Tây khác cũng đang
thực hiện một loạt chương trình tương tự, mặc dù đôi khi các
chương trình của họ được kết hợp chặt chẽ và lập kế hoạch
cẩn thận hơn. Và để làm được việc này, họ phải trông cậy
vào việc đánh thuế ngày càng nặng nề hơn.
Chúng ta có thể xem Anh như một ví dụ. Chính phủ Anh
đã và đang đánh thuế thu nhập cá nhân từ công việc lên tới
83% và từ đầu tư lên tới 98%. Vì vậy, chẳng có gì ngạc
nhiên khi lao động và đầu tư bị ngăn trở, gây ra những ảnh
hưởng tiêu cực đến việc sản xuất và tuyển dụng lao động.
Không có cách nào ngăn cản việc tuyển lao động hiệu quả
hơn bằng việc gây phiền toái và thiệt hại cho các chủ doanh
nghiệp. Nhưng điều này đang trở thành chính sách của nhiều
chính phủ khắp nơi trên thế giới.
Song ngay cả mức thuế cao một cách khó tin này cũng
không tạo ra đủ thu nhập cho chính phủ để chi trả cho các
khoản chi tiêu bạt mạng và các chương trình nhằm tái phân
phối của cải trong xã hội. Ngân sách nhà nước vì vậy thường
xuyên ở trong tình trạng thâm hụt ngày càng nặng nề, điều
này dẫn đến sự lạm phát liên miên và ngày càng tăng cao ở
hầu như mọi quốc gia trên thế giới.
Trong khoảng 30 năm vừa qua, ngân hàng Citibank của
New York giữ các số liệu về lạm phát tính theo các khoảng
thời gian 10 năm. Các số liệu này được tính dựa trên các chỉ
số ước tính về chi phí sinh hoạt do chính các chính phủ đưa
ra. Trong bản tin kinh tế tháng mười năm 1977, Citibank
xuất bản kết quả thống kê về lạm phát tại 50 quốc gia khác
nhau. Các con số này cho thấy rằng vào năm 1976, đồng
mark Tây Đức, loại tiền tệ có kết quả khả quan nhất trong
bảng thống kê, đã mất 35% sức mua của nó trong vòng 10
trước đó; đồng franc Thụy Sỹ đã mất 40%; đồng đôla Mỹ
mất 43%; đồng franc Pháp mất 50%; đồng yen Nhật mất
57%; đồng krone Thụy Điển mất 47%; đồng lira Italy mất
56%, đồng bảng Anh mất 61%. Khi chúng ta nhìn vào số liệu
của các nước thuộc châu Mỹ Latin, đồng cruzeiro Brazil mất
89%, và đồng peso của Uruguay, Chile và Argentina mất hơn
99% giá trị của nó.
Tuy nhiên, nếu so sánh với vài năm trước, sự mất giá của
các loại tiền tệ thế giới đã trở nên nhẹ hơn. Vào năm 1977,
đồng đôla Mỹ mất giá ở mức 6% một năm; đồng franc Pháp
ở mức 8,6%; đồng yen Nhật ở mức 9,1%; đồng krone Thụy
Điển ở mức 9,5%; đồng bảng Anh ở mức 14,5%; đồng lira
Italy ở mức 15,7%; và đồng peseta Tây Ban Nha ở mức
17,5%. Còn với các nước Mỹ Latin, tiền tệ của Brazil vào
năm 1977 có mức mất giá hàng năm là 30,8%; của Uruguay
là 35,%; của Chile là 53,9%; và của Argentina là 65,7%.
Tôi sẽ để cho độc giả tự hình dung ra sự hỗn loạn và bất
ổn mà các mức độ mất giá tiền tệ đang gây ra tại nền kinh tế
của các nước này và sự đau khổ mà nhiều triệu người dân ở
đó đang phải gánh chịu.
Như tôi đã chỉ ra, lạm phát, vốn là nguyên nhân gây ra
nhiều đau khổ cho con người, chủ yếu là hậu quả của các
chính sách can thiệp kinh tế này khác của chính phủ. Tất cả
những can thiệp, dù không chủ định, đều minh họa và nhấn
mạnh bài học cơ bản của cuốn sách. Tất cả đều được thực
hiện với niềm tin rằng chúng có thể đem lại một số lợi ích tức
thời cho một nhómlợi ích cá biệt nào đó. Những người thực
hiện chính sách đã không tính đến hậu quả thứ cấp của
chúng và không xem xét tác động dài hạn của chúng đối với
tất cả mọi người.
Nói tóm lại, bài học mà cuốn sách này cố gắng giới thiệu
cách đây hơn 30 năm dường như vẫn không có tác động gì
đến các chính trị gia.
Nếu chúng ta lần lượt đi qua các chương của cuốn sách
này, ta sẽ thấy mọi loại hình can thiệp của chính phủ bị phê
phán trong ấn bản đầu tiên của cuốn sách hiện nay đều vẫn
đang được áp dụng, thường với mức độ cao hơn. Khắp mọi
nơi, các chính phủ đang phải cố gắng giải quyết tình trạng
thất nghiệp do các chính sách của họ gây ra bằng các công
trình công cộng. Họ đang áp dụng các mức thuế nặng nề và
mang tính cướp đoạt hơn bao giờ hết. Họ vẫn đang đề xuất
việc tăng các khoản tín dụng. Phần lớn các chính phủ vẫn coi
việc “mọi người đều có việc làm” là mục tiêu chính. Họ tiếp
tục áp dụng hạn mức nhập khẩu và thuế quan bảo hộ. Họ cố
gắng tăng xuất khẩu bằng cách tiếp tục đánh tụt giá tiền tệ
của mình. Nông dân vẫn đang “biểu tình” để đòi “các mức
giá tương đương”. Các chính phủ vẫn cung cấp những khoản
trợ cấp đặc biệt cho các ngành sản xuất thua lỗ. Các chính
phủ vẫn đang cố gắng “bình ổn” giá của một số hàng hóa
đặc biệt.
Các chính phủ, người khiến cho giá hàng hóa tăng cao do
việc làm mất giá tiền tệ của họ, lại đổ lỗi cho các nhà sản
xuất, thương nhân, và “những kẻ theo đuổi lợi nhuận” trong
việc giá hàng hóa tăng. Họ áp dụng mức giá trần đối với dầu
lửa và khí đốt tự nhiên và ngăn cản việc khai thác thêm
trong khi điều này đang cần hỗ trợ và khuyến khích nhất. Họ
cũng có thể dựa vào việc cố định và kiểm soát các mức lương
và giá chung. Họ tiếp tục kiểm soát giá cho thuê nhà, bất
chấp những tổn hại to lớn mà chính sách này đã gây ra. Họ
không chỉ tiếp tục duy trì mức lương tối thiểu mà còn liên tục
nâng cao mức lương này, bất chấp tình trạng thất nghiệp kéo
dài do các mức lương này sinh ra. Họ tiếp tục phê chuẩn các
đạo luật trao các đặc quyền và sự miễn trừ cho công đoàn
lao động, bắt người lao động phải tham gia vào công đoàn,
dung túng cho việc ngăn cản người lao động làm việc trong
thời kỳ biểu tình và các hình thức cưỡng ép khác, và bắt các
chủ doanh nghiệp phải “cùng thực sự đàm phán” với các
công đoàn, nghĩa là phải chịu nhượng bộ ít nhất một trong
những đòi hỏi của các công đoàn. Mục đích của tất cả các
hành động này là để “hỗ trợ người lao động”. Song một lần
nữa, kết quả lại là nạn thất nghiệp kéo dài và tổng lương
giảm so với mức nó có thể đạt được trong điều kiện bình
thường.
Phần lớn các chính trị gia tiếp tục bỏ qua tầm quan trọng
của lợi nhuận, ước tính quá cao mức lợi nhuận bình quân hay
mức tổng lợi nhuận, phê phán việc thu lợi nhuận quá cao ở
bất kỳ đâu, đưa ra các mức thuế lợi nhuận cao, và đôi khi
thậm chí đòi loại bỏ ngay cả sự tồn tại của lợi nhuận.
Tư tưởng chống lại chủ nghĩa tư bản ngày càng bám rễ
sâu hơn. Bất kỳ khi nào hoạt động kinh doanh bị đình trệ,
các chính trị gia sẽ cho rằng nguyên chính dẫn đến điều này
là “chi tiêu không đủ cho tiêu dùng”. Trong khi chính phủ
khuyến khích chi tiêu cho tiêu dùng, họ cũng đưa ra vô vàn
hình thức nhằm ngăn cản tiết kiệm và đầu tư. Phương pháp
chính mà chính phủ sử dụng ngày nay để làm được điều này,
như chúng ta đã thấy, là thông qua việc gây ra hoặc nâng
cao mức lạm phát. Kết quả là ngày nay, lần đầu tiên trong
lịch sử, không một quốc gia nào vẫn còn duy trì chuẩn tiền tệ
dựa trên kim loại quý.
Tất cả các quốc gia đều đang lừa gạt người dân của mình
thông qua việc liên tục phát hành và đánh tụt giá tiền tệ.
Để đưa ra thêm một ví dụ nữa, chúng ta hãy xem xét
một xu hướng xảy ra gần đây tại Mỹ và nhiều quốc gia khác:
các chương trình xã hội, sau khi được bắt đầu, thường hoàn
toàn vượt ra ngoài tầm kiểm soát. Chúng ta đã nhìn qua bức
tranh tổng thế, nhưng giờ ta hãy cùng xem xét kỹ càng hơn
một ví dụ điển hình: bảo hiểm xã hội tại Mỹ.
Điều luật đầu tiên về An sinh xã hội của Liên bang được
phê duyệt vào năm 1935. Điều luật này dựa trên quan điểm
cho rằng vấn đề chủ yếu trong lĩnh vực bảo trợ xã hội là
người lao động không tích trữ đủ trong những năm lao động
của họ. Vì vậy, khi không còn khả năng lao động, họ sẽ rơi
vào tình trạng túng thiếu. Chính phủ cho rằng vấn đề này có
thể được giải quyết bằng cách bắt buộc người lao động phải
tự mua bảo hiểm cho mình và chủ doanh nghiệp phải chịu
một nửa phí bảo hiểm, để rồi khi những người này hết tuổi
lao động (65 tuổi trở đi), họ sẽ có lương hưu đủ để sinh
sống. Theo dự định, An sinh xã hội sẽ là loại hình bảo hiểm
tự hạch toán tuân thủ các nguyên tắc tính toán của bảo
hiểm. Một quỹ dự phòng phải được xây dựng đủ cho các yêu
cầu thanh toán và các khoản chi trả đến hạn.
Trên thực tế, chương trình an sinh xã hội này đã diễn ra
hoàn toàn khác. Quỹ dự phòng chỉ tồn tại trên giấy tờ. Khi
thu được các khoản phí bảo hiểm, chính phủ sử dụng chúng
để bù đắp cho các chi phí thông thường hoặc trả các khoản
bảo trợ. Từ năm 1975, các khoản bảo trợ được trả đã vượt
quá các khoản phí bảo hiểm thu được.
Trong mọi phiên họp của quốc hội, các thành viên quốc
hội luôn tìm ra cách để tăng cường các khoản bảo trợ, mở
rộng diện hưởng bảo trợ xã hội và tăng thêm các loại hình
“bảo hiểm xã hội” mới. Một nhà bình luận đã phát biểu vài
tuần sau khi loại hình bảo hiểm y tế được đưa ra vào năm
1965: “Trong 7 năm bầu cử vừa qua, năm nào loại chất làm
ngọt mang tên An sinh xã hội cũng được sử dụng”.
Khi lạm phát xuất hiện và gia tăng, khoản tiền bảo trợ
của An sinh xã hội cũng được tăng lên không phải tương
đương mà cao hơn nhiều so với tỷ lệ lạm phát. Thủ đoạn
chính trị hay được dùng là tập trung việc trả các khoản tiền
bảo trợ cho hiện tại và dồn chi phí vào tương lai. Song tương
lai đó sớm muộn cũng đến; cứ vài năm một lần, quốc hội lại
phải tăng thuế thu nhập của cả người lao động và chủ doanh
nghiệp.
Không chỉ mức phí bảo hiểm xã hội mà lượng thu nhập
phải chịu phí bảo hiểm xã hội cũng liên tục tăng. Trong điều
luật đầu tiên vào năm 1935, chỉ 3.000 đôla đầu tiên phải
chịu phí bảo hiểm. Các mức phí lúc ban đầu cũng rất thấp.
Nhưng từ năm 1965 đến năm 1977, phí bảo hiểm xã hội
tăng từ 4,4% trên 6.600 đôla đầu tiên của thu nhập từ công
việc (cho cả người lao động và chủ doanh nghiệp) lên đến
11,7% trên 16.500 đôla đầu tiên. (Từ năm 1960 cho đến
năm 1977, tổng phí bảo hiểm thu được hàng năm tăng
572%, hay khoảng 12% mỗi năm. Chính phủ vẫn dự tính
tăng cao hơn nữa.)
Vào đầu năm 1977, tổng số nợ chưa có nguồn chi trả của
hệ thống An sinh xã hội được chính thức ước tính ở mức 4,1
ngàn tỷ đôla.
Ngày nay, không ai có thể nói được An sinh xã hội thực
sự là một chương trình bảo hiểm hay chẳng qua chỉ là một
chương trình bảo trợ phức tạp và mất cân đối. Phần lớn
những người nhận tiền bảo trợ đều tin rằng họ tự “chi trả”
cho các khoản tiền bảo trợ của họ. Song không một công ty
bảo hiểm nào có thể trả được mức tiền bảo trợ hiện tại dựa
trên khoản phí bảo hiểm thực sự thu được. Vào thời điểm
đầu năm 1978, khi những người lao động có thu nhập thấp
về hưu, tiền bảo trợ hàng tháng của họ thường ở mức 60%
mức lương trước đây của họ. Những người lao động có mức
thu nhập trung bình sẽ được nhận khoảng 45%. Với những
người có mức lương cao đặc biệt, tỷ lệ này có thể sẽ là 5 -
10%. Ngay cả nếu ta có coi bảo hiểm xã hội là một chương
trình bảo trợ xã hội, nó vẫn là một chương trình bảo trợ rất
kỳ lạ, bởi những người đã được nhận mức lương cao nhất vẫn
tiếp tục nhận được khoản tiền bảo trợ cao nhất tính theo
lượng tiền.
Song ngày nay, bảo hiểm xã hội là điều bất khả xâm
phạm. Việc bất kỳ một thành viên quốc hội nào đề xuất giảm
các khoản tiền bảo trợ trong hiện tại hoặc tương lai có thể
được coi như đang thực hiện hành động tự sát về chính trị.
Hệ thống An sinh xã hội ngày nay đã trở thành một biểu
tượng đáng sợ cho sự bất lực của chúng ta trong việc kiểm
soát các chương trình hỗ trợ quốc gia, tái phân phối, hay các
loại hình “bảo hiểm” khác, sau khi chúng được bắt đầu.
Nói tóm lại, vấn đề chính của chúng ta ngày nay không
phải là về kinh tế mà là về chính trị. Các nhà kinh tế học giỏi
đều thống nhất với nhau trong việc cần phải làm gì. Mọi nỗ
lực của chính phủ nhằm tái phân phối của cải và thu nhập
đều có xu hướng bóp nghẹt các động cơ thúc đẩy sản xuất
và khiến mọi người trở nên nghèo hơn. Vai trò đúng đắn của
chính phủ là tạo ra và duy trì một hệ thống pháp luật nghiêm
cấm việc gian lận và ép buộc, song chính phủ phải tránh một
số cách can thiệp nhất định vào hoạt động kinh tế. Chức
năng kinh tế chính của chính phủ là khuyến khích và duy trì
thị trường tự do. Khi Alexander Đại Đế đến thăm nhà triết
học Diogenes và hỏi liệu ngài có thể làm được gì cho ông ta
không, câu trả lời được truyền tụng lại của Diogenes là: “Có
đấy, xin hãy tránh ra một chút để khỏi che mất mặt trời của
tôi”. Đó là điều mọi công dân đều có quyền yêu cầu chính
phủ của mình làm.
Tương lai thật ảm đạm, nhưng không phải không còn
chút hy vọng nào. Thi thoảng ta lại thấy được chút ánh sáng
xuyên qua các đám mây. Ngày càng có nhiều người nhận
thức được rằng chính phủ chẳng có thể cho ai một điều gì mà
không lấy mất đi trước đó một thứ gì từ một người khác hay
từ chính người đó. Tăng hỗ trợ cho một số nhóm nhất định
cũng có nghĩa là tăng thuế, tăng thâm hụt và tăng lạm phát.
Và cuối cùng, lạm phát sẽ khiến việc sản xuất trở nên chệch
hướng và hỗn loạn. Ngay cả một số chính trị gia cũng bắt
đầu nhận ra, và một số người trong số họ đã nói ra điều này.
Bên cạnh đó, có nhiều dấu hiệu rõ ràng cho ta thấy luồng
gió tri thức của các quan điểm kinh tế đang có sự thay đổi.
Những người theo quan điểm của Keynes hay ủng hộ sự can
thiệp kinh tế của chính phủ đang trên đà rút lui. Những
người theo trường phái bảo thủ, những người theo chủ nghĩa
tự do cá nhân hay những người khác ủng hộ tự do kinh
doanh đang có tiếng nói ngày càng lớn và rõ ràng hơn. Ngoài
ra, còn có rất nhiều người khác, ví dụ như trường phái kinh
tế học Áo, đang phát triển rất nhanh với phương pháp luận
dựa trên chủ nghĩa cá nhân.
Chúng ta vẫn có thể hy vọng rằng các chính sách kinh tế
xã hội sẽ được đảo ngược lại trước khi những tác hại do các
biện pháp và xu hướng trong hiện tại trở nên vô phương cứu
chữa.
Notes
[←1]
Gunnar Myrdal, The Challenge of World Poverty [Thách
thức đói nghèo toàn cầu] (New York: Patheon Book, 1970, tr. 400-
401 và nhiều chỗ khác.
[←2]
New York Time, 2 tháng 1 năm 1946. Tất nhiên những kế hoạch hạn chế diện
tích trồng trọt bản thân chúng đã giúp cho việc làm tăng sản lượng thu hoạch
trên một acre, bởi vì: thứ nhất những mảnh đất mà nông dân thôi không canh
tác nữa là những mảnh đất cằn cỗi, kém năng suất nhất, và thứ hai, mức giá cao
được hỗ trợ khiến cho người nông dân thấy có lợi hơn khi bón thêm phân vào
các mảnh ruộng. Do vậy, các kế hoạch hạn chế diện tích trồng trọt của chính
phủ về cơ bản sẽ tự bị đánh gục.
[←3]
Điều trần của Dan H. Wheeler, giám đốc của Ban quản lý than bitum
(Bituminous Coal Division). Các phiên điều trần về việc mở rộng Điều
luật về than bitum năm 1937.
[←4]
Tuy nhiên, kết luận của cá nhân tôi là trong thời chiến, cho dù không tránh khỏi
việc chính phủ đưa ra một số các ưu tiên, sử dụng hệ thống phân bổ và phân
phối trong một số lĩnh vực nhất định, xét trên toàn bộ cục diện của cuộc chiến
tranh, việc chính phủ định giá hàng hoá sẽ gây nhiều tổn hại. Trong khi việc
định ra các mức giá trần chỉ có thể thực hiện với sự hiện diện của hệ thống phân
phối, dù là tạm thời, thì điều ngược lại là không đúng.
[←5]
A. C. Pigou, The Theory of Unemployment [lý thuyết về thất nghiệp]
(1933), tr. 9.
[←6]
Paul H. Douglas, The Theory of Wages [lý thuyết về lương] (1934),
tr. 501.
[←7]
Tham khảo Frank H. Knight, Risk, Uncertainty and Profit [Rủi ro, Bất
trắc và Lợi nhuận] (1921). Tuy nhiên, trong bất kỳ giai đoạn nào có sự
tích luỹ vốn sản xuất ròng, ta có thể cho rằng trong giai đoạn này, đã có
lợi nhuận ròng từ khoản đầu tư trước đó.
[←8]
Đây là những nội dung chính yếu nhất trong học thuyết của những người
theo trường phái Keynes. Tôi phân tích lý thuyết này chi tiết trong tác
phẩm The Failure of the “New Economics” (New Rochelle, N.Y.:
Arlington House, 1959).
[←9]
Độc giả quan tâm đến phân tích về những nguỵ biện này có thể tham
khảo: B. M. Anderson, The Value of Money (1917; new edition, 1936);
Ludwig von Mises, The Theory of Money and Credit (American editions,
1935, 1953); hay tác phẩm của tôi: Inflation Crisis, and How to Resolve It
(New Rochelle, N. Y.: Arlington House, 1978).
[←10]
Tham khảo John Stuart Mill, Principle of Political Economy [Nguyên lý
kinh tế chính trị], t. 3, ch. XIV, đoạn 2; Alfred Marshall, Principles of
Economics [Các nguyên lý kinh tế học], t. 4, ch. XIII, đoạn 10; Benjamin
M. Anderson, A Refutation of Keynes’ Attack on the Doctrine that
Aggregate Supply Creates Aggregate Demand [Bác bỏ sự công kích của
Keynes đối với học thuyết rằng tổng cung tạo ra tổng cầu] trong
Financing American Prosperity [Nguồn tài chính cho sự thịnh vượng của
nước Mỹ] của nhiều học giả kinh tế. Cũng xem tuyển tập do chính tôi
biên tập: The Critics of Keynesian Economics [Phê bình kinh tế học
trường phái Keynes] (New Rochelle, N.Y.,: Arlington House, 1960).
[←11]
Karl Rodbertus, Overproduction and Crises [Sản xuất thừa và khủng
khoảng] (1850), tr. 51.
[←12]
Trong lịch sử của nền kinh tế của chúng ta, 20% sẽ tương đương với
tổng phần tổng sản phẩm quốc gia (GNP) hàng năm được dành cho
việc tích luỹ tư bản (capital formation) (trừ các thiết bị máy móc phục vụ
người tiêu dùng). Tuy nhiên, khi tính cả chiết khấu vốn, tổng lượng tiết
kiệm ròng hàng năm khoảng gần 12%. Tham khảo George Terborg, The
Bogey of Economic Maturity [Tiêu chí đánh giá sự trưởng thành của nền
kinh tế] (1945). Vào năm 1977, tổng đầu tư trong nước trong khu vực
kinh tế tư nhân được chính thức ước tính khoảng 16% tổng sản phẩm
quốc dân.
[←13]
Rất nhiều quan điểm kinh tế học khác nhau về vấn đề này xuất phát từ
sự khác nhau về định nghĩa khái niệm. Tiết kiệm và đầu tự có thể được
coi là đồng nhất, và vì thế chúng luôn bằng nhau. Tại đây, tôi muốn định
nghĩa tiết kiệm bằng lượng tiền và định nghĩa đầu tư bằng lượng hàng
hoá. Điều này tuân theo, một cách tương đối, cách sử dụng thông
thường của hai từ này.
[←14]
Nếu bạn muốn có các số liệu thống kê để bác bỏ nguỵ biện này, hãy
tham khảo George Terborgh, The Bogey of Economic Maturity [Tiêu chí
đánh giá sự trưởng thành của nền kinh tế] (1945). Quan điểm của
những người theo thuyết “đình trệ” mà Tiến sĩ Terborgh phê phán được
tiếp tục theo đuổi bởi những người tin theo học thuyết kinh tế của
Galbraith.
[←15]
George Santayana, The Realm of Truth (1938), tr. 16.
[←16]
Charles D. Hobbs, The Welfare Industry [Ngành phúc lợi xã hội]
(Washington, D.C.: Heritage Foundation, 1978).
Table of Contents
Hiểu kinh tế trong một bài học
Mục lục
Phần một: Bài học
Chương I: Bài học
Phần hai: Ứng dụng bài học trong thực tế
Chương II: Câu chuyện cửa kính vỡ
Chương III: Phúc lành của sự phá huỷ
Chương IV: Công trình công cộng và gánh nặng thuế khoá
Chương V: Thuế ngăn cản sản xuất
Chương VI: Tín dụng làm chệch hướng sản xuất
Chương VII: Tác hại của máy móc
Chương VIII: Các chương trình nhằm chia sẻ việc làm
Chương IX: Giải trừ quân đội và đội ngũ công chức nhà nước
Chương X: “Mọi người đều phải có việc làm”
Chương XII: Động lực cho xuất khẩu
Chương XIII: Các mức giá “tương đương”
Chương XIV: Hãy cứu ngành sản xuất X
Chương XV: Cơ chế hoạt động của hệ thống giá
Chương XVI: “Bình ổn” giá hàng hóa
Chương XVII: Sự định giá của chính phủ
Chương XVIII: Tác động của việc kiểm soát giá thuê nhà
Chương XIX: Các điều luật về mức lương tối thiểu
Chương XXI: “Đủ để mua lại sản phẩm mình tạo ra”
Chương XXII: Chức năng của lợi nhuận
Chương XXIII: Ảo ảnh về lạm phát
Chương XXIV: Chế nhạo sự tiết kiệm
Chương XXV: Nhắc lại bài học
Phần ba: Bài học sau 30 năm
Chương XXVI: Xem xét lại bài học sau 30 năm
Notes

You might also like