You are on page 1of 3

“ Thời đại ta đã may mắn có được nhà thơ Tố Hữu” (Hoài Thanh)

Vào những năm của thế kỷ XX, khi thi đàn văn học Việt Nam bận bịu đón những làn gió mới, mang đến những
hồn thơ mới với những thi sĩ đầu mùa vẫn đang bận bịu loay hoay trong cái tôi cá nhân đầy những trăn trở và suy tư
về lẽ sống trong cuộc đời, thì ở đâu đó trong thi đàn còn lưu lại một dấu ấn sâu sắc của một nguồn thơ khác, ấy là thế
giới thơ hiện thực cách mạng của Tố Hữu. Là “lá cờ đầu” trong phong trào thơ ca Cách mạng Việt Nam, một nhà thơ
sớm giác ngộ và thấm nhuần những lý tưởng của Đảng Cộng sản, hòa mình với nhân dân, hòa mình với lí tưởng lớn
lao của cách mạng. Người chiến sĩ đã tìm thấy ánh sáng của ngọn lửa Đảng, thắp sáng một niềm tin yêu chân thành
với cách mạng Việt Nam những ngày đầu kháng chiến. “Từ ấy” đã đánh dấu bước ngoặt trọng đại, thiêng liêng trong
cuộc đời và sự nghiệp của Tố Hữu.

Trong “Tố Hữu với chúng tôi”, Xuân Diệu đã nói về Tố Hữu:
Sức mạnh của thơ Tố Hữu trong những ngày đen tối ấy chính là vì nó nói với trái tim, chính là bởi người
cách mạng ấy là một thi sĩ chính cống, thật sự.

Thật vậy, thơ Tố Hữu chính là lời kêu gọi, thơ chiến đấu, thơ hành động, thơ “mang cánh lửa”. Là nhà thơ trữ
tình chính trị, ở ông, con người chính trị và con người thi sĩ thống nhất làm một. Thi sĩ không viết về những tình cảm
riêng tư nhỏ bé của con người trong mối quan hệ đời thường mà say mê ca ngợi những tình cảm công dân, tình Cảm
Cách mạng như tình đồng bào đồng chí, tình yêu quê hương, đất nước, kính yêu lãnh tụ. Chặng đường thơ của ông
gắn liền với những chặng đường cách mạng của cả dân tộc. Mỗi tập thơ của ông đánh dấu một giai đoạn lịch sử của
đất nước. Bài thơ “Từ Ấy” nằm trong tập thơ cùng tên gồm ba phần: Máu lửa, Xiềng Xích, Giải Phóng, được Tố Hữu
sáng tác vào năm 1938, đã đánh dấu sự trưởng thành trong lí tưởng của người thanh niên cách mạng.

Trong đời mỗi người có những giây phút đổi thay kì diệu, đánh dấu một sự phát triển không thể đảo ngược của
nhân cách. Lúc ấy, thời gian như ngừng trôi để trở thành vĩnh viễn, giữ mãi những dấu ấn không phai mờ. Thời điểm
tiếp nhận lý tưởng cộng sản, tự nguyện “dâng hiến tất cả để tôn thờ chủ nghĩa” của Tố Hữu cũng vậy, nó tạo thành
cái mốc “từ ấy” của nhà thơ khi Tố Hữu được vinh dự đứng trong hàng ngũ của Đảng Cộng sản Đông Dương đấu
tranh cho lí tưởng cách mạng. Và ta bắt gặp ở đó là một giọng thơ thủ thỉ tự nói với chính mình, tự kể chuyện mình,
chân thực mà đơn sơ:

Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ


Mặt trời chân lí chói qua tim

Bản thân câu thơ chính là một cái mốc vô cùng quan trọng mà Tố Hữu tự chia đôi đời mình thành hai nửa: nửa
trước Từ Ấy và nửa sau Từ Ấy. Trước Từ Ấy là cuộc sống hoàn toàn bế tắc, không lối thoát:
Bâng khuâng đi kiếm lẽ yêu đời
Vẩn vơ mãi theo dòng quanh quẩn

Hay là những ngày tháng tù đọng đến khủng khiếp đến mức hãy dứt khoát ly biệt:
Đi, đi bạn ơi biệt tháng ngày
Hoang mang không định hướng tương lai

Vì thế có thể nói, Từ Ấy là thời điểm mà cuộc đời nhà thơ thay đổi hẳn. Một thế giới mới mở ra, một chân trời
hồng trải rộng phơi phới, tâm trạng bay bổng rất đỗi diệu kỳ. Nhà thơ như bước vào một giấc chiêm bao, một cửa ngõ
của kho tàng chưa một lần nhìn ra, chưa một lần mở hết. Trong sự lựa chọn ngôn từ nhằm diễn tả niềm hạnh phúc lớn
lao, không phải ngẫu nhiên mà tác giả đã đến với phương thức tài hoa: ẩn dụ. Cái tâm trạng choáng ngợp kỳ lạ nhưng
sung sướng này như phản chiếu một tấm gương lung linh trong một buổi hè rực rỡ. “Nắng hạ”, một gam màu nóng và
chói, kết hợp với động từ mạnh “bừng”, mới nói hết được các cung bậc của niềm vui tột đỉnh. Đối với Tố Hữu
khoảnh khắc gặp được lý tưởng của cuộc đời mình, trong tâm hồn ông đầy nắng. Nắng mùa hạ chói chang, nắng mùa
hạ rực rỡ nhất trong các mùa. Nắng mùa hạ xua tan mọi góc tối trong tâm hồn vốn nhiều u ám chìm đắm trong cảnh
đời nô lệ bấy lâu. Với Tố Hữu, lý tưởng cộng sản còn là “mặt trời chân lí” – một nguồn sáng vô biên, bất diệt mang
lại sức sống, nguồn ấm nóng dạt dào kết hợp với động từ mạnh “chói” ca ngợi lý tưởng cách mạng, ca ngợi chủ nghĩa
cộng sản đã soi sáng tâm hồn, là mặt trời toả ánh sáng đúng đắn nhất, mạnh mẽ nhất như trong “Người đi tìm hình
của nước” Chế Lan Viên đã viết: “Kìa Mặt Trời Nga bừng chói ở phương Đông” hay hình ảnh Bác Hồ như vầng
thái dương vĩnh viễn:

“Ngày ngày Mặt Trời đi qua trên Lăng


Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ”

Đây đúng là giây phút diệu kỳ: có cái gì như là sự bừng thức thiêng liêng trong tâm hồn nhà thơ. Hình ảnh bừng
nắng hạ và mặt trời chân lí chói qua tim đã diễn đạt chính xác trạng thái bừng sáng bừng ngộ của tâm hồn, như người
đang sống trong đêm đen tối mò, bỗng chốc tìm được đèn pha bật sáng như ngày mai lên, mọi vật hiện rõ ràng từ chi
tiết và tâm hồn của tác giả như được biến cải thành một vườn địa đàng:

Hồn tôi là một vườn hoa lá


Rất đậm hương và rộn tiếng chim

Nhà văn Victor Hugo của Pháp từng nói: “Trên thế giới thứ rộng lớn nhất là đại dương, nhưng thứ rộng lớn
hơn đại dương lại là bầu trời. Mà thứ rộng lớn hơn cả bầu trời lại chính là lòng người”, thế nhưng trong thơ
mình, Tố Hữu đã cụ thể hóa thế giới vô hình và nhiều tầng tầng lớp lớp ấy bằng hình ảnh vườn hoa lá, đặc biệt vườn
hoa lá ấy “Rất đậm hương và rộn tiếng chim”, câu thơ trở nên tươi vui, sinh động, mới mẻ, gần gũi đến lạ thường.
Vườn hoa lá là nơi bừng nở của sắc hóa, của sắc lá, của những búp non, giống như sự nảy nở tươi mới rạo rực trong
tâm hồn của người thanh niên khi được đứng trong hàng ngũ chính thức của Đảng.

Khổ thơ vừa hay về nội dung và đẹp về hình thức, ngôn ngữ, hình ảnh thơ sáng tạo đẹp đẽ, cảm xúc thơ chân
thành mãnh liệt là sự ngợi ca lý tưởng cách mạng, ngợi ca Đảng cộng sản Việt Nam quang vinh. Qua đoạn thơ nhà
thơ đã giúp chúng ta nhận thức sâu sắc hơn về lý tưởng cách mạng chính là lẽ sống, con đường sống đúng đắn của cả
dân tộc tộc, khổ thơ như khúc hát của một trái tim mà cũng là khúc hát say mê của triệu triệu trái tim hướng về Đảng,
hướng về cách mạng.

Nếu như các nhà thơ lãng mạn cùng thời chưa có một nhân sinh quan sống đúng, họ sống chán nản hoặc tách
biệt với nhân dân. Chẳng hạn như Xuân Diệu viết:

“Ta là một là riêng là thứ nhất


Không có ai bè bạn nổi cùng ta”.

Thì Tố Hữu lại có một nhận thức mới mẻ đúng đắn đó là:

“Tôi buộc lòng tôi với mọi người


Để tình trang trải với muôn nơi
Để hồn tôi với bao hồn khổ
Gần gũi nhau thêm mạnh khối đời”

Nếu ở khổ thơ trước với biện pháp tu từ ẩn dụ với lời thơ bay bổng, lãng mạn thì ở khổ thơ này tác giả sử dụng
ngôn ngữ giản dị mộc mạc, âm điệu nhẹ nhàng, sâu lắng. Đó là lời bộc bạch trực tiếp ước vọng chân thành của nhà
thơ; là tâm niệm của "cái tôi trữ tình cách mạng". Từ khi bắt gặp lí tưởng cộng sản, Tố Hữu đã thay đổi hoàn toàn từ
cách nghĩ, tinh thần, quan niệm sống cho đến tình cảm, ý thức về trách nhiệm của bản thân.

Giác ngộ lí tưởng, giác ngộ nhận thức, lẽ sống đối với người cộng sản, trước hết là giác ngộ về chỗ đứng. Nhà
thơ chủ động, tự giác hòa “cái tôi” với “cái ta” chung của mọi người, tự nguyện đứng trong hàng ngũ những người
lao khổ. Ngay từ khi ấy, nhà thơ đã “ buộc” lòng mình với “mọi người”, với “trăm nơi”, chính là cả nhân dân, những
người dân máu đỏ da vàng luôn hướng về lá cờ đỏ sao vàng. Nhóm từ “để tình trang trải” thể hiện tâm hồn nhà thơ
như muốn trải rộng với cuộc đời rộng lớn, tạo ra khả năng đồng cảm sâu xa với mọi cảnh ngộ của những cuộc đời
nhất là tầng lớp lao khổ. Bởi tầng lớp lao khổ sống kiếp nô lệ dưới chế độ nửa phong kiến muốn đấu tranh giải phóng
dân tộc, giành độc lập, tự do không chỉ cần phải đoàn kết, có trách nhiệm với nhau là đủ mà còn cần phải “gần gũi”,
gắn bó, chia sẻ. Đây là điều khác biệt với các nhà thơ Mới đương thời, trong khi Tố Hữu giác ngộ cách mạng và đi
theo con đường lý tưởng thì các nhà thơ mới lại đang đau buồn với cái tôi bé nhỏ, cô đơn, chôn chặt niềm đau trong
những vần thơ bi lụy.

Nhận thức mới của Tố Hữu cũng thật khác xa với nhân vật Hạ Du (Thuốc – Lỗ Tấn), Hạ Du xa rời quần chúng
nhân dân để rồi ôm nỗi đau bi kịch của người cách mạng còn Tố Hữu lại biết đứng về nhân dân lao khổ và giác ngộ
trong hàng ngũ ấy. Có như thế khối đại đoàn kết mới vững vàng tạo thành sức mạnh lớn lao thì ý nguyện chung của
tất cả mọi người mới có thể thành hiện thực.

Đó là tư tưởng cách mạng hoàn toàn đúng đắn khi đã là người chiến sĩ cách mạng phải là người gần gũi quan
tâm đời sống nhân dân. Nói như Hoài Thanh: “Tố Hữu không bao giờ có cái nhìn từ trên xuống, tình yêu của
anh là tình yêu cưu mang lẫn nhau giữa những người bị cuộc đời hắt hủi...”. Quả nhiên, Tố hữu đã đem đến cho
nhân dân cảm giác như có một gia đình đầm ấm, sung túc:

“Tôi đã là con của vạn nhà


Là em của vạn kiếp phôi pha
Là anh của vạn đầu em nhỏ
Không áo cơm cù bất cù bơ…”

Đây là thể hiện sự chuyển biến sâu sắc trong tình cảm của Tố Hữu. Tố Hữu nhận mình là “con của vạn nhà”.
“Vạn nhà” ở đây không chỉ là xứ Huế mộng mơ, đằm thắm mà là mọi mảnh đất trên dải đất hình chữ S thân yêu. Nhà
thơ khẳng định mình là con người gần gũi thân thiết, là thành viên của đại gia đình lao khổ. Các từ “đã là”. “là con”,
“là em”, “là anh” diễn tả tình cảm đầm ấm, thiết gắn bó và gần gũi biết bao cùng với vạn nhà, vạn kiếp phôi pha, vạn
đầu em nhỏ: Cho thấy người chiến sĩ cách mạng sống trong lòng nhân dân, được nhân dân yêu thương, đùm bọc, chở
che để khơi dậy sức mạnh nhân dân đứng lên đấu tranh cho hạnh phúc, cho độc lập, tự do của dân tộc.

Cái tôi trữ tình ở đoạn thơ hiện lên với trạng thái đa nhân cách, đem lại cho người đọc cùng lúc nhiều ấn tượng.
Trên hết là sự ngưỡng mộ con người trẻ tuổi khi bắt gặp và nhận ra lý tưởng, con đường đi của đời mình và đặt ra
những bước chân vững chắc trên con đường với những con người cùng khổ. Hình ảnh những người dân Việt Nam
những năm 1938 hiện lên xót thương trong lời thơ dạt dào cảm xúc thương xót của tác giả. Nhà thơ đồng cảm, yêu
thương, san sẻ cùng với những con người ấy bằng cả trái tim bằng cả những tình cảm ruột thịt của bản thân. Và càng
yêu thương, càng căm giận những điều bất công, tác giả càng hăng hái hoạt động cách mạng, hoạt động nghệ thuật.
Cũng vì lẽ đó mà Tố Hữu đã trở thành “nhà thơ của vạn nhà, buộc lòng mình cùng nhân loại” (Chế Lan Viên).

Bằng các biện pháp tu từ ẩn dụ, nhân hoá, điệp từ, điệp ngữ được tác giả dùng trong bài thơ vừa có tác dụng tạo
nên những hình ảnh thơ trong sáng, gần gũi, có sức mạnh lôi cuốn sự chú ý của người đọc, người nghe lại vừa thể
hiện được tâm tư, tình cảm của nhân vật trữ tình đang say mê và bị cuốn hút bởi lí tưởng. Đặc biệt, trong bài thơ,
cách sử dụng kết hợp các điệp từ, điệp ngữ đã tạo được một nhịp điệu vui tươi, luyến láy, giàu sức biểu cảm. Chính
điều đó tạo nên một phong cách thơ Tố Hữu.

Bài thơ Từ Ấy tiêu biểu cho bút pháp lãng mạn Cách Mạng của Tố Hữu thời kỳ đầu. Cái tôi trữ tình lắng đọng
trong từng ý thơ, từng hình ảnh, lúc bay bổng, lúc là lời bộc bạch trực tiếp. Từ Ấy là tiếng hát yêu thương, tin tưởng,
là tiếng lòng của một thanh niên bắt đầu giác ngộ lý tưởng, tự nguyện dấn thân vào con đường cách mạng đầy chông
gai, gian khổ, hy sinh của toàn dân tộc. “Tố Hữu- Từ Ấy đã trăm năm”, Từ Ấy dẫu cách chúng ta gần cả thế kỷ
nhưng vẫn sáng trong, tươi đẹp như thuở khai sinh của một hồn thơ.

You might also like