You are on page 1of 4

Họ và tên: Phan Hồ Thanh Tuyền

Lớp: 46K13.2

Mã SV: 201120913268

BÀI TẬP

Đề bài: Trình bày quan điểm về chế độ sở hữu toàn dân về đất đai ở Việt Nam
hiện nay?

Bài làm:

Chế độ sở hữu toàn dân đối với đất đai được chính thức xác lập kể từ ngày
18/12/1980, ngày Hiến pháp năm 1980 được ban hành và quan điểm đó vẫn
được giữ vững trong các văn bản pháp luật hiện nay. Tại Điều 4 Luật Đất đai
năm 2013 quy định “Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở
hữu và thống nhất quản lý. Nhà nước trao quyền sử dụng đất cho người sử dụng
đất theo quy định của Luật này.” và nội dung này vẫn tiếp tục được quy định tại
Điều 5 của Bản dự thảo số 04/QH. Nhưng bên cạnh đó, hiện nay xuất hiện rất
nhiều ý kiến cho rằng chúng ta nên thừa nhận sở hữu tư nhân về đất đai hoặc
thừa nhận chế độ đa sở hữu giống như nhiều nước khác vì cho rằng việc sở hữu
toàn dân vẫn còn “mù mờ về mặt pháp lí”, không xác định được ai là chủ sở hữu,
nhất là khi xảy ra tranh chấp.

Tuy nhiên, không phải không có lí do mà quan điểm “đất đai thuộc sở hữu
toàn dân” mà Đảng ta luôn giữ vững quan điểm này và được Nhà nước thể chế
hóa trong Hiến pháp và pháp luật. Trong thực tiễn và điều kiện của đất nước hiện
nay, việc sở hữu tư nhân đất đai sẽ dẫn đến một số nguy cơ và hệ lụy khó lường.

Thứ nhất, sở hữu tư nhân về đất đai trong điều kiện kinh tế thị trường sẽ
dẫn đến sự phân hóa giàu nghèo – người thì sở hữu quá nhiều đất và người thì
không có gì, đặc biệt là tình trạng đầu cơ đất nông nghiệp nhằm bảo vệ tài sản
dưới hình thức sở hữu đất. Việt Nam ta vẫn đang trong quá trình công nghiệp hóa
– hiện đại hóa, phần lớn người dân vẫn sống dựa trên canh tác nông nghiệp, và
nếu như người dân không có đất để canh tác dẫn đến thất nghiệp thì ngân sách
nhà nước không đủ để có thể hỗ trợ cho họ giống như các nhà nước tư bản Anh,
Pháp, Mỹ,…

Thứ hai, công nhận chế độ sở hữu tư nhân về đất đai là xáo trộn quan hệ sở
hữu, phủ nhận thành quả giành lại được đất đai từ tay đế quốc, thực dân, địa chủ
về tay đại đa số nhân dân lao động dưới sự dẫn dắt của Đảng. Trước cách mạng
Tháng Tám năm 1945, đa phần đất nông nghiệp thuộc quyền sở hữu của tư bản
và địa chủ. Phong trào hợp tác hóa đã đưa hầu hết diện tích đất nông nghiệp trở
thành sở hữu chung của xã viên hợp tác xã, sau đó được đưa trở lại quyền sử
dụng đất cho hộ nông dân theo Nghị quyết số 10-NQ/TW năm 1988. Bây giờ,
nếu như thừa nhận sở hữu tư nhân về đất đai thì những quyền sở hữu đất đai từ
trước năm 45 sẽ được khôi phục, dẫn đến những kiện tụng, quy định pháp lí
chồng chéo, phức tạp. Bên cạnh đó, sự ra đời của chế độ sở hữu toàn dân về đất
đai được đánh đổi từ gian khổ, mất mát hi sinh của thế hệ đi trước, và là thành
công của sự dẫn dắt của Đảng, do đó, nếu công nhận chế độ sở hữu tư nhân về
đất đai là phủ nhận hoàn toàn thành quả của thế hệ đi trước.

Thứ ba, nếu đất đai thuộc về sở hữu tư nhân, việc sử dụng đất đai sẽ có xu
hướng được sử dụng không còn hiệu quả, không vì mục đích sinh tồn của đa số
dân cư bởi trong chế độ sở hữu tư nhân về đất đai, nhà nước có thể giữ lại quyền
quy hoạch mục đích sử dụng từng thửa đất và ràng buộc chủ sở hữu đất thực hiện
nghĩa vụ theo quy định của pháp luật, nhưng lại không có quyền ngăn cản chủ sở
hữu đất sử dụng đất theo ý của họ. Và hơn nữa, quyền tư hữu có tính độc quyền
về đất đai là vật cản của tiến bộ kinh tế, kĩ thuật trong nông nghiệp.

Do đó, mặc dù Việt Nam hiện nay là nền kinh tế thị trường định hướng
XHCN với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế nhưng lại không thể
thực hiện hình thức đa sở hữu đa sở hữu về đất đai, bởi:

Thứ nhất, xét về chế độ chính trị, tại khoản 1 Điều 2 Hiến pháp 2013 quy
định “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã
hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân.” Đất đai là một tư liệu
sản xuất đặc biệt, là nguồn tài nguyên quý giá, là tài sản và là nguồn sống của
nhân dân, là thành quả của sự nghiệp dựng nước và giữ nước của cả dân tộc. Do
đó, đất đai của quốc gia, dân tộc phải thuộc về sở hữu của toàn dân nhằm phục
vụ cho mục đích chung của nhân dân, được Nhà nước đại diện chủ sở hữu và
quản lí.

Thứ hai, sở hữu toàn dân về đất đai tạo điều kiện cho người sử dụng đất
nâng cao giá trị sử dụng đất, đồng thời để người lao dân có quyền hưởng lợi từ
đất đai một cách có lợi, công bằng và bình đẳng hơn, hạn chế được khoảng cách
giàu nghèo do sự tư hữu về đất đai, làm gia tăng tình trạng vô gia cư do đất đai
tập trung vào tay thiểu số.

Thứ ba, về bản chất, sở hữu toàn dân về đất đai không phải là nguồn gốc
thực tế của những phức tạp về đất đai hiện nay. Thực trạng quản lí, sử dụng đất
đai đang đặt ra nhiều vấn đề cần phải giải quyết, nhưng chúng không bắt nguồn
từ bản chất của sở hữu toàn dân về đất đai mà bắt nguồn từ sự yếu kém trong
việc thực hiện thiết chế hóa việc sở hữu toàn dân về đất đai.

Thứ tư, sở hữu toàn dân về đất đai đem lại lợi ích cho đa số người dân. Bởi
với chế độ pháp quyền XHCN, quyền của người dân được bảo vệ và nhấn mạnh
hơn, bởi họ có thể lên tiếng để đóng góp ý kiến xây dựng để hệ thống pháp luật
trở nên phù hợp và hoàn thiện hơn, bảo vệ được quyền và lợi ích của mình khi
xảy ra tranh chấp về sử dụng và phân chia lợi ích từ đất.

Thứ năm, sở hữu toàn dân về đất đai là bảo vệ lãnh thổ của đất nước, bởi
nếu thừa nhận sở hữu tư nhân về đất đai và cho phép người nước ngoài thỏa
thuận mua bán đất với tư nhân, thì nguy cơ mất nước từ hệ lụy của nền kinh tế thị
trường và lợi ích cá nhân của tư nhân là rất lớn bởi thế lực của đồng tiền.

Tóm lại, từ những cơ sở lí luận và thực tiễn trên, chúng ta có thể thấy việc
quy định đất đai là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước đại diện chủ
sở hữu và quản lí vẫn là sự đúng đắn và cần thiết, đảm bảo được cho lợi ích của
người dân và quốc gia.

You might also like