You are on page 1of 4

Thanh Thảo cho rằng: “Muôn đời, thơ vẫn là chuyện rút ruột rút gan

mình ra mà viết”. Anh chị hãy làm sáng tỏ qua bài thơ Sóng của Xuân
Quỳnh
Bài làm
Thanh Thảo, trong bài tiểu luận của mình, từng khẳng định: thơ có thể là “kinh thánh
của tâm hồn”, là thứ không thể mua và cũng không thể bán. Bởi đó là “tiếng nói của
tâm linh, tiếng nói của sự chiêm nghiệm nhiều khi là cả đời người, của nhiều đời
người”. Và “muôn đời, thơ vẫn là chuyện rút ruột rút gan mình ra mà viết”. “Sóng” của
Xuân Quỳnh chính là minh chứng rõ nhất cho điều ấy.
Bản chất thơ lượn bay ngoài tất cả định nghĩa và giải thích. Thơ không có đặc tính vật
chất thô thiển để mô tả bằng ngũ quan nên khó chuyển hóa thơ thành khái niệm ngôn
ngữ. Chưa có một định nghĩa chính xác nào về thơ. C.Mac khẳng định: “Thơ ca là niềm
vui cao cả nhất mà loài người tạo ra cho mình”. Có người lại nói: thơ là “đôi nạng” giúp
người “tàn tật” đứng dậy, là “thứ dây leo khó bảo” mà những lưỡi rìu thực dụng chặt
đứt chỗ này nó lại mọc lên chỗ khác,… Tất cả đều rất có lí khi nói về thơ. Nhưng có
một điều, Thanh Thảo đã nói thay cho tất thảy các nhà thơ trên thế gian, một tâm sự:
“thơ vẫn là chuyện rút ruột rút gan mình ra mà viết”. “Rút ruột rút gan” là cách nói hình
tượng của sự chân thành của người viết, lấy hết những tình cảm, đớn đau, những gì
sâu kín của tâm hồn để gửi vào thơ. Đặt từ “muôn đời” lên đầu câu là sự khẳng định
đầy chắc chắn đối với mọi người và mọi thời. Nhận định của Thanh Thảo về bản chất
tình cảm, cảm xúc trong thơ: là tất cả tâm hồn, tình cảm và cả sâu trong tâm thức, tiềm
thức của người thơ.
Thật vậy, khác với văn xuôi là “tấm gương” phản ánh chân thực nhất về cuộc sống bên
ngoài qua ngôn ngữ khách quan, kịch viết cuộc sống bằng nhữn xung đột thì thơ lại
nhìn cuộc sống bằng con mắt của tình cảm, bằng sự rung động của trái tim. Bởi thơ là
loại hình của tình cảm, luôn đặt tình cảm là yếu tố hàng đầu để viết. Đặc biệt, đó không
phải là tình cảm hời hợt, vu vơ, nhất thời mà là những tình cảm mãnh liệt: “Nếu những
nỗi đau khổ từ lâu bị kiềm chế, nay sôi dục dâng lên trong lòng thì tôi viết” (Nê – krat-
xtop). Cổ nhân gọi là “chân tâm thực ý”: “nếu ta có chân tâm thực ý thì người đọc thơ
không ai không thấy bùi ngùi, cảm động”. (Kim Thánh Thán). Đặc biệt, thi sĩ lại không
phải người bình thường, họ là “người mơ, người say, người điên” (Hàn Mặc Tử).
Những gì học viết chính là những ngóc ngách thành thực nhất, những tình cảm chân
thành nhất, và đôi khi còn là những giây phút thần hứng, đi vào cõi tiềm thức và vô thức
trong chính tâm hồn mình. Chỉ bằng cách đó, thơ ca mới thực sự sống, thực sự có chỗ
đứng trong lòng người. Dọc theo suốt hành trình văn học, những áng văn chương bất
hủ, từ “Truyện Kiều” của Nguyễn Du, thơ Hồ Xuân Hương, thơ Hàn Mặc Tử, Lưu
Quang Vũ, Thanh Thảo chẳng phải đều viết bằng “huyết lệ”; những áng thi ca của
Đường thi, của Tagore hay Puskin chẳng phải đều viết bằng “máu và nước mắt” hay
sao?
 “Sóng” cũng chính là sự “rút ruột rút gan” của Xuân Quỳnh mà viết thành thơ.
Không còn phân biệt được sóng tạo nên Xuân Quỳnh, hay Xuân Quỳnh đã tạo nên
sóng. Chỉ biết rằng người con gái ấy sinh ra là để dành cho thơ. Thơ ca, với Xuân
Quỳnh, gắn liền với sự sống, tình yêu; làm thơ là nữ sĩ được sống với chính mình, sống
đủ đầy trọn vẹn là mình. Mỗi bài thơ đều là tiếng nói chân thành nhất của một tâm hồn
phụ nữ giàu trắc ẩn, vừa âu lo vừa da diết trong khát vọng hạnh phúc đời thường. Bài
thơ “Sóng” là
kết quả của chuyến đi thực tế ở vùng biển Diêm Điền – Thái Bình cuối năm 1967,
được đưa vào tập thơ “Hoa dọc chiến hào” (1968). “Sóng” với “em”, hai mà như một,
một trong hai, song hành cùng nhau để thể hiện sâu sắc nhất cảm xúc của chủ thể
trữ tình. Không bị mắc kẹt bởi nguồn thơ lửa máu, thơ Xuân Quỳnh vẫn vẹn nguyên
những nét hồn hậu, nồng nàn mà đắm say, tha thiết của một tâm hồn luốn khát khao
yêu thương, khát khao hạnh phúc.
Hãy lắng nghe tiếng thơ đầy mạnh mẽ của một tâm hồn tự chủ kiếm tìm hạnh phúc:

 “Dữ dội và dịu êm


 Ồn ào và lặng lẽ
 Sông không hiểu nổi mình
 Sóng tìm ra tận bể
 Ôi con sóng ngày xưa
 Và ngày sau vẫn thế
 Nỗi khát vọng tình yêu
 Bồi hồi trong ngực trẻ
 Trước muôn trùng sóng bể
 Em nghĩ về anh, em
 Em nghĩ về biển lớn
 Từ nơi nào sóng lên?
 – Sóng bắt đầu từ gió
 Gió bắt đầu từ đâu?
 Em cũng không biết nữa
 Khi nào ta yêu nhau”
Trong người phụ nữ, luôn tồn tại những trạng thái đối cực. Hai câu thơ có thể đúng với
bao người nhưng nó không phải là lời của một nhà nghiên cứu trong tình yêu đứng
ngoài nhìn vào. Nó được viết ra trước hết là một lời tự thú chân thành và tự nhiên đến
độ khiến ta phải ngỡ ngàng: thì ra, trái tìm của người phụ nữ luôn có những đối cực
như thế: “dữ dội” – “dịu êm”, “ồn ào” – “lặng lẽ”. Nhà thơ đặt liên từ “và” – không phải
bức tường ngăn cách mà là sự kết hợp, chuyển hóa. Người phụ nữ có thể ồn ào, dữ
dội nhưng cuối cùng cũng là sự trở về của thiên tính nữ: dịu êm, lặng lẽ. Đó chính là sự
hiện diện của cái “tôi” Xuân Quỳnh. Như vậy, tình yêu không bao giờ là trạng thái tâm lí
tuần nhất mà là sự hòa kết của những trạng thái khác nhau, thậm chí là đối lập như
những nốt thăng, trầm làm nên bản tình ca đôi lứa. Người phụ nữ luôn hướng tìm tới tự
do. Khám phá những không gian tồn tại của sóng, Xuân Quỳnh phát hiện ra: hành trình
của sóng từ sông ra biển cũng là hành trình con người đến với tình yêu: phải biết vượt
qua những giới hạn bản thân chật hẹp để hòa nhập vào biển đời rộng lớn, kiếm tìm
hạnh phúc. Đó là hành trình dấn thân tự nguyên, say mê để tìm đến hạnh phúc và sống
trọn vẹn.
Đối với người phụ nữ, tình yêu không có tuổi: “ngày xưa”, “ngày sau” vẫn thế, “nỗi khát
vọng tình yêu/ bồi hồi trong ngực trẻ”. Tuy vậy, họ vẫn luôn khao khát muốn được kiếm
tìm về nguồn cội của tình yêu. Câu hỏi tu từ “Từ nơi nào sóng lên?” với lời đáp thật dễ
dàng, chóng vánh: “Sóng bắt đầu từ gió”. Câu hỏi thứ hai ráo riết hơn, lí trí muốn đẩy
những băn khoăn đến tột cùng: “Gió bắt đầu từ đâu?”. Những câu hỏi tu từ lúc ẩn duối
chân sóng, lúc lại trào lên đầu ngọn sóng như những trăn trở. Nhân vật trữ tình không
cảm nhận về sóng mà nghĩ về sóng. Nương theo những con sóng, nhà thơ bắt đầu
hành trình tìm kiếm nơi khởi nguồn tình yêu và phân tích, lí giải bản chất của tình yêu.
Đó cũng là mong muốn muôn đời của biết bao đôi lứa. Câu trả lời vừa là sự thú nhận,
vừa là sự thức nhận: “Em cũng không biết nữa/ Khi nào ta yêu nhau”. Đó là cái lắc đầu
biểu thị một tâm lí rất phụ nữ: không ham rạch ròi dẫu trong lòng còn bao nhiêu bức xúc
“đòi tìm ra tận bể” để hiểu, để nghĩ. Nó là bức xúc của tình cảm hơn là bức xúc của trí
tuệ. Phải chăng ở trong đời, “phái yếu” không mong gì hơn một mái ấm yên vui, một gia
đình hạnh phúc? Ít nhất, với Xuân Quỳnh là như vậy.
Sóng còn phản chiếu những sắc thái, phẩm chất đặc trưng của người phụ nữ.
Đó là nỗi nhớ:

 “Con sóng dưới lòng sâu


 Con sóng trên mặt nước
 Ôi con sóng nhớ bờ
 Ngày đêm không ngủ được
 Lòng em nhớ đến anh
 Cả trong mơ còn thức”
Điệp từ “sóng” liên tiếp làm cho những con sóng nhớ thương như đang trào dâng dào
dạt khỏi bề mặt con chữ, vừa gợi cái sôi trào mà miên man, sâu lắng của nỗi nhớ. Nỗi
nhớ đầy ắp không gian: “dưới lòng sâu”, “trên mặt nước”, tràn ngập thời gian “ngày
đêm”. Nỗi nhớ trong tình yêu đã trở thành một trong những mạch nguồn chính nuôi
dưỡng thơ ca. Từ nỗi nhớ “bồi hổi bồi hồi” trong ca dao đến nỗi nhớ đến ngẩn ngơ:
“Người đi một nửa hồn tôi mất/ Một nửa hồn tôi hóa dại khờ” (Hàn Mặc Tử). Nỗi nhớ
của người con gái ấy cồn cào, da diết đến nỗi những con sóng kia cũng chẳng thể diễn
tả hết mà tự em phải giãi bày. Hai câu thơ cuối như con sóng xuyên qua cả cõi thực,
cõi mộng. Không chỉ ở ý thức mà còn lắng sâu vào tiềm thức để hiện ra trong giấc mơ.
Cái dào dạt nhớ nhung khiến cảm xúc tràn bờ mà kéo dung lượng ra 6 câu để biểu đạt.
Nỗi nhớ “cả trong mơ còn thức” hay “biết yêu anh cả khi chết đi rồi” (“Tự hát”) rất đậm
chất Xuân Quỳnh: mãnh liệt mà đằm thắm, táo bạo, giàu nữ tình. Xuân Quỳnh là thế:
bao giờ cũng dám sống thật với mình, thật với cảm xúc của chính mình.
Đó còn là tấm lòng thủy chung:

 “Dẫu xuôi về phương Bắc


 Dẫu ngược về phương Nam
 Nơi nào em cũng nghĩ
 Hướng về anh – một phương”
Trong khổ thơ trên hình như có thoáng qua một chút thách thức. Người ta thương nói
“Xuôi nam, ngược bắc” còn nữ sĩ thì ngược lại. Đối với Xuân Quỳnh, dù có xáo trộn
xuôi – ngược thì điều đó cũng chẳng có gì quan trọng. Quang trọng nhất chỉ là “phương
anh”. Nếu khổ thơ trên, nữ sĩ soi vào sóng để nhận ra mình thì ở đây, nhà thơ nhìn sâu
vào mình để nhìn vào quy luật sóng: sóng hướng về bờ thì cuộc đời em duy nhất chỉ
hướng về anh. Nếu nói đến sự quyết liệt của tình yêu Xuân Quỳnh thì khổ thơ này là
dẫn chứng tiêu biểu nhất – những câu thơ “rất Xuân Quỳnh”.
Đó còn là niềm tin và nỗi âu lo của người phụ nữ trong tình yêu:

 “Ở ngoài kia đại dương


 Trăm nghìn con sóng đó
 Con nào chẳng tới bờ
 Dù muôn vời cách trở
 Cuộc đời đi dài thế
 Năm tháng vẫn đi qua
 Như biển kia dẫu rộng
 Mây vẫn bay về xa”
Với trái tim đa cảm và tâm hồn giàu trắc ẩn, nhạy cảm trước sự chảy trôi của thời gian
và lòng người, người phụ nữ thường có những lo âu về những điều bất trắc: “Em đâu
dám nghĩ là vĩnh viễn”. Nỗi khắc khoải ấy hiện hiện hình khi nhận ra quy luật cuộc sống:
“Cuộc đời tuy dài thế/ Năm tháng vẫn đi qua”, “Mây vẫn bay về xa”. Cuộc đời dài rộng
vẫn có điểm kết vậy tình yêu kia có thể bất biến giữa thời gian? Nhưng cuối cùng,
người con gái vẫn chọn trao niềm tin trọn vẹn. Cặp quan hệ từ “tuy – vẫn” mang sắc
thái khẳng định khiến nỗi lo kia chỉ như thoáng qua rồi lại tan biến vào trong những đợt
sóng, chỉ còn niềm tin ở lại làm điểm tựa cho tâm hồn. “Con nào chẳng tới bờ/ Dù muôn
vời cách trở”. Niềm tin ấy không phải sự ảo tưởng, bồng bột mà là sự thức tỉnh chân lí
đời sống nên nó trọn vẹn và tha thiết.
Cuối cùng, sóng là hình ảnh của những khát vọng người phụ nữ:

 “Làm sao được tan ra


 Thành trăm con sóng nhỏ
 Giữa biển lớn tình yêu
 Ðể ngàn năm còn vỗ.”
“Tan ra”- đó là khát vọng được hóa thân vào sóng để được tồn tại trong không gian
rộng lớn của biển cả và cái vĩnh hằng của thời gian. Đó là khát vọng vĩnh viễn hóa tình
yêu, dùng tình yêu để nối dài cuộc đời ngắn ngủi của con người. Khát vọng ấy lại làm
ta nhớ tới câu chuyện nàng tiên cá hóa thân làm bọt biển để người mình yêu được
hạnh phúc trọn vẹn. Phải chăng đó là bản tính hi sinh và dâng hiến của người phụ nữ?
Mở đầu bài thơ là khát vọng được làm rõ mình, kết thúc lại bằng khát vọng được hòa
mình của người phụ nữ.
“Với Xuân Quỳnh, thơ là sống, sống là thơ. Cứ hết mình sống, hồn nhiên viết, trút trọn
vẹn cái tôi của mình vào mỗi thi phẩm, thi tứ, mỗi thi ảnh, thi điệu đó là cách thơ Xuân
Quỳnh. Không mặt nạ, không son phấn, không vay mượn, không lên gân, Xuân Quỳnh
đã gửi mình vào thơ. Thơ Xuân Quỳnh là tính linh Xuân Quỳnh. Trường hợp Xuân
Quỳnh thật điển hình cho qui luật : thơ là sự ký thác phận người vào chữ. Có lẽ vì thế
mà, dù đời thơ Xuân Quỳnh đã dừng, sóng thơ Xuân Quỳnh vẫn vỗ khôn nguôi.” (Chu
Văn Sơn). Đúng như L.Tolsty nói: “Thơ là ngọn lửa nhen lên trong lòng người một ngọn
lửa đốt cháy, sưởi ấm và soi sáng. Nhà thơ chân chính là người dù không muốn và
phải chịu đau đớn vẫn đốt cháy mình lên và đốt cháy những người khác”.
Xin kết lại bằng câu nói của thầy Chu Văn Sơn: “Thơ vốn là sự chưng cất sự sống
người, chưng cất phần người trong mỗi con người mà luyện nên câu chữ”. Chúng ta
hôm nay, đứng trước câu thơ dường như cũng đã dành sẵn một tấm lòng, một bến bờ
để sóng Xuân Quỳnh tìm về vỗ mãi.

You might also like