You are on page 1of 8

VẠCH TRẦN LUẬN ĐIỆU “PHI CHÍNH TRỊ HÓA” QUÂN ĐỘI

CỦA CÁC THẾ LỰC THÙ ĐỊCH


ThS. Nguyễn Thị Thanh Huyền1

Tóm tắt
Trong chiến lược “diễn biến hòa bình”, “phi chính trị hóa” quân đội là một
trong những thủ đoạn rất nguy hiểm của các thế lực thù địch với những “giả ngôn”
rằng “quân đội là để bảo vệ nhân dân, bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ cương vực, lãnh
thổ, không phải bảo vệ bất cứ một đảng phái hay một thể chế chính trị nào”, hay
“quân đội trung lập, quân đội đứng ngoài chính trị”… Những luận điệu này thực
chất nhằm tách quân đội khỏi sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng
ta, xóa vai trò lãnh đạo của Đảng với quân đội. Vì vậy, việc đấu tranh chống lại
những âm mưu thâm độc trên là rất cần thiết và cấp thiết trên mặt trận tư tưởng.
1. Cơ sở lý luận và thực tiễn phản bác quan điểm “phi chính trị hóa”
quân đội của các thế lực thù địch
Luận điệu “phi chính trị hóa” quân đội đã được giai cấp tư sản sử dụng
thành công trong việc “phi chính trị hóa” quân đội ở Liên Xô, góp phần đưa đến
sự sụp đổ của hệ thống xã hội chủ nghĩa trên thế giới. Hiện nay, “chiêu bài” này
tiếp tục được chúng sử dụng như một mũi tấn công sắc bén nhằm tách quân đội
khỏi sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng ta, khiến quân đội bị
mơ hồ về mục tiêu, lý tưởng, mất sức chiến đấu, từng bước xóa bỏ vai trò lãnh
đạo của Đảng Cộng sản và chế độ xã hội chủ nghĩa. Song, lý luận và thực tiễn đều
minh chứng rằng: quân đội không thể trung lập, đứng ngoài chính trị.
Chủ nghĩa Mác-Lênin đã chỉ ra nguồn gốc, bản chất chính trị của quân đội.
Thực chất, quân đội là công cụ bạo lực do nhà nước sinh ra, nuôi dưỡng, tổ chức
và sử dụng nhằm thực hiện chức năng giai cấp và chức năng xã hội để phục vụ
cho lợi ích của giai cấp cầm quyền. Do đó, không có nhà nước nào không nắm
giữ, kiểm soát quân đội và không có quân đội nào chiến đấu không vì mục tiêu
chính trị của giai cấp đã sinh ra và nuôi dưỡng nó. Vì vậy, từ trong bản chất, quân

1
Giảng viên, Khoa Lý luận cơ sở, Học viện Cán bộ Thành phố Hồ Chí Minh

1
đội đã mang tính chính trị, không bao giờ có việc quân đội “phi chính trị”, thoát
ly khỏi chính trị. V.I.Lênin cho rằng “phi chính trị hóa” quân đội là luận điệu giả
dối của “bọn tôi tớ giả nhân nghĩa của giai cấp tư sản”(1) bởi chúng muốn che
giấu bản chất giai cấp của quân đội. Trong xã hội có đối kháng giai cấp, quân đội
thực chất là công cụ đàn áp quần chúng nhân dân: “không phải chỉ dưới chính thể
quân chủ, quân đội mới là công cụ đàn áp. Nó vẫn là công cụ đàn áp trong tất cả
chính thể cộng hòa tư sản, kể cả những chính thể cộng hòa dân chủ nhất”(2).
Ngược lại, trong xã hội xã hội chủ nghĩa, quân đội vô sản là quân đội kiểu mới,
do Đảng Cộng sản tổ chức và lãnh đạo, được xây dựng từ quần chúng nhân dân,
khác về bản chất so với quân đội tư sản. Quân đội vô sản mang bản chất giai cấp
công nhân, là lực lượng vũ trang và lực lượng chính trị tuyệt đối trung thành, sẵn
sàng hi sinh để bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa. Do
đó, thoát ly khỏi vai trò lãnh đạo của Đảng, quân đội sẽ rơi vào “cái bẫy” của các
thế lực thù địch, bị vô hiệu hóa sức mạnh, phản bội lại lợi ích của giai cấp công
nhân, nhân dân và toàn thể dân tộc.
Không chỉ về lý luận, thực tiễn đã cho thấy luận điệu “phi chính trị hóa”
quân đội của các thế lực thù địch đầy sự giả tạo, thâm độc và rất nguy hiểm. Chính
những kẻ thường rêu rao luận điệu này lại là những kẻ hiếu chiến trong việc sử
dụng sức mạnh quân sự để thực hiện các mục tiêu chính trị phản động. Trong lịch
sử, thực dân Anh, thực dân Pháp, đế quốc Mỹ…đã triệt để sử dụng quân đội để
tiến hành các cuộc chiến tranh xâm lược khắp thế giới nhằm cướp bóc các nguồn
tài nguyên, nô dịch các dân tộc thuộc địa. Với sức mạnh quân sự to lớn, Mỹ đã sử
dụng “cây gậy” để tiến hành chiến tranh xâm lược Việt Nam (1954-1975), chiến
tranh Triều Tiên (1950-1953), chiến tranh vùng Vịnh (1999 và 2001)… Riêng
năm 2021, Mỹ đã huy động quân đội tham chiến tại 8 quốc gia như Iraq, Syria,
Afghanistan, Mali, Nigeria, Somalia, Kenya, Yemen(3) bằng các cuộc cuộc bạo
loạn, lật đổ, xâm phạm chủ quyền quốc gia…nhằm thực hiện các mưu đồ chính
trị, trái ngược hoàn toàn với tuyên bố “phi chính trị hóa” quân đội của họ.
Bài học về việc “phi chính trị hóa” quân đội của một số quốc gia trên thế
giới đã chứng tỏ quân đội không thể tách khỏi sự lãnh đạo của lực lượng cầm

2
quyền. Thực tiễn chính trị ở Liên Xô cuối thập niên 80, đầu thập niên 90 của thế
kỷ XX cho thấy một trong những nguyên nhân cơ bản đưa đến sự sụp đổ của chế
độ xã hội chủ nghĩa là xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Liên Xô đối
với quân đội. Điều này được đánh dấu bởi việc Tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên
Xô M.Govbachop tuyên bố xóa Điều 6 quy định về vai trò lãnh đạo của Đảng
Cộng sản Liên Xô trong Hiến pháp nước Cộng hòa liên bang Xô Viết, có nghĩa là
đã đồng thời xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng đối với quân đội. Điều này đã khiến
một lực lượng Hồng quân vốn đông đảo, anh dũng, mạnh mẽ trong cuộc chiến
tranh Vệ quốc vĩ đại và chiến tranh chống chủ nghĩa phát xít, nhanh chóng bị mất
sức chiến đấu, không thể bảo vệ được Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa.
Ngày nay, bài học về việc “phi chính trị hóa” quân đội vẫn còn mang tính
thời sự ở một số quốc gia, điển hình là Myanmar. Khi lực lượng quân đội không
nằm dưới sự kiểm soát của lực lượng cầm quyền và trở thành một thế lực chính
trị độc lập, họ có thể kiểm soát quyền lực nhà nước bất kỳ lúc nào bằng những
cuộc đảo chính và đẩy đất nước lâm vào nguy cơ của vòng xoáy bạo lực(4). Như
vậy, cả lý luận và thực tiễn đã minh chứng hùng hồn cho luận điểm còn nguyên
giá trị của V.I.Lênin rằng: “quân đội không thể và không nên trung lập” bởi đây
là một trong những lực lượng nòng cốt tạo nên sức mạnh quyền lực chính trị của
giai cấp cầm quyền.
2. Đấu tranh chống quan điểm “phi chính trị hóa quân đội” ở nước ta
hiện nay
Vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện lịch sử cụ thể nước
ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta rất coi trọng xây dựng quân đội về tư tưởng,
chính trị, tổ chức trong đó Người đặt lên hàng đầu tính chính trị của quân đội và
coi đây là yếu tố quyết định việc xây dựng quân đội vững mạnh, như lời dạy của
Người khi đến thăm trường Trung cấp chính trị quân đội (ngày 25/10/1953) rằng:
“quân sự không có chính trị như cây không có gốc, vô dụng lại có hại”(5).
Quân đội ta do Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng
lập, lãnh đạo, giáo dục và rèn luyện, mang bản chất giai cấp công nhân, tính nhân
dân, tính dân tộc sâu sắc và mang tinh thần quốc tế trong sáng. Quân đội ta luôn

3
trung thành và sẵn sàng hi sinh để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân
dân và chế độ xã hội chủ nghĩa. Chính điều này đã làm nên phẩm chất cao quý và
sức mạnh vô địch của quân đội, như Bác đã nói: “quân đội ta có sức mạnh vô
địch, vì nó là một quân đội nhân dân do Đảng ta xây dựng, Đảng ta lãnh đạo và
giáo dục”(6).
Từ khi ra đời, dưới sự lãnh đạo, giáo dục, rèn luyện của Đảng, quân đội ta
đã không ngừng lớn mạnh, trở thành một lực lượng trung thành, xung kích, đi đầu
trong việc thực hiện mọi nhiệm vụ chính trị được Đảng và Nhà nước giao. Trong
hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước, quân đội ta đã cùng với
các lực lượng vũ trang, các tầng lớp nhân dân đập tan mọi hành động chống phá
của “thù trong giặc ngoài”, bảo vệ vững chắc chính quyền cách mạng non trẻ.
Trong các chiến dịch, quân đội ta là lực lượng chủ lực, nòng cốt, vượt qua mọi
khó khăn, gian khổ, hi sinh lập nhiều chiến công hiển hách, đỉnh cao là chiến dịch
Điện Biên Phủ “chấn động địa cầu” và giành thắng lợi trong cuộc Tổng tiến công
và nổi dậy mùa xuân 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, mở ra kỷ
nguyên hòa bình, độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
Bước vào thời kỳ đổi mới, quân đội ta tiếp tục thực hiện hai nhiệm vụ chiến
lược: xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Trong đó, bảo vệ
Tổ quốc nhằm chống lại các thách thức an ninh truyền thống, phi truyền thống
(thiên tai, dịch bệnh…), đảm bảo an ninh con người trong bối cảnh mới. Với việc
xác định ba chức năng cơ bản: “đội quân chiến đấu, đội quân công tác, đội quân
lao động sản xuất” và vai trò nòng cốt trong việc bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ Đảng,
Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa, quân đội ta luôn có mặt ở những
nơi xung yếu, khó khăn, nguy hiểm để bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân.
Điển hình là, tháng 10/2020, sự cố thiên tai to lớn ở các tỉnh miền Trung đã gây
hậu quả nặng nề về người và của. Trong thời điểm khó khăn đó, vai trò nòng cốt
của lực lượng quân đội đã được phát huy kịp thời với việc xác định nhiệm vụ
phòng, chống thiên tai là “nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình”. Các lực lượng
quân chủng, binh chủng đã phối hợp chặt chẽ với các lực lượng tại địa phương tổ
chức di dời dân đến những nơi an toàn, đảm bảo tiếp tế, bố trí chỗ ăn, ở cho nhân

4
dân, giúp tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, khắc phục kịp thời hậu quả mưa lũ. Với việc
điều động 364.262 lượt người, và 12.945 lượt phương tiện, quân đội nhân dân đã
tham gia cứu hộ cứu nạn hiệu quả 1.411 vụ, cứu được 1.770 người và 55 phương
tiện, sơ tán kịp thời 201.236 hộ dân đến nơi an toàn, giúp nhân dân khắc phục,
sửa chữa 60.030 ngôi nhà(7).
Đặc biệt, trong công tác phòng, chống dịch bệnh của cả nước nói chung, tại
Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng, quân đội đã và đang phát huy vai trò rất to lớn
cùng với các lực lượng tuyến đầu bảo vệ tính mạng, sức khỏe của nhân dân. Đợt
bùng phát dịch bệnh lần thứ 4 tại Thành phố với biến thể Delta đã gây ra hậu quả
rất nặng nề về kinh tế, xã hội, con người. Thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính
phủ về “Tăng cường các lực lượng tham gia phòng, chống dịch Covid-19 trên địa
bàn Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phía Nam” (20/8/2021), tiếp tục
phát huy truyền thống “bộ đội cụ Hồ”, quân đội nhân dân đã hăng hái tham gia
với tinh thần xung kích đi đầu. Quân đội đã bổ sung trên 1000 y, bác sĩtừ các địa
phương cho Thành phố để kiểm soát bệnh nhân dương tính, tách người nhiễm
bệnh ra khỏi cộng đồng(8); giúp đỡ người dân trong việc tiếp cận lương thực, thực
phẩm, thuốc men và các thứ thiết yếu khác để ổn định đời sống cho nhân dân;
chăm sóc y tế cho người bệnh tại nhà hoặc tại các bệnh viện dã chiến; hỗ trợ lực
lượng công an tại các chốt, trạm kiểm soát; tham gia vận chuyển hơn 610 tấn hàng
thiết yếu, vật chất hậu cần cho phòng chống dịch; lo chuyện hậu sự cho những
người không may qua đời vì dịch bệnh…
Có thể nói, trong công tác phòng chống dịch bệnh, quân đội ta thực sự là
lực lượng bản lĩnh, dũng cảm, tiên phong vì sức khỏe và hạnh phúc của nhân dân,
góp phần to lớn vào việc kiểm soát dịch bệnh của Thành phố và đất nước. Thực
tiễn trên là những minh chứng hùng hồn đập tan những luận điệu xuyên tạc bản
chất và truyền thống quân đội ta của các thế lực thù địch.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý thống nhất của Nhà nước, quân
đội ta ngày càng phát huy cao độ bản chất giai cấp công nhân, tính nhân dân, tính
dân tộc, là chỗ dựa vững chắc, là “tấm khiên”, “lá chắn” bảo vệ Đảng, Nhà nước
và nhân dân. Nhờ đó, quân đội ta đã và đang ngày càng góp phần to lớn vào sự

5
nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xứng đáng với lời khen ngợi của Chủ tịch
Hồ Chí Minh: “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu, hy
sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn
thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”(9).
Hiện nay, bối cảnh tình hình chính trị, an ninh thế giới, khu vực ngày càng
phức tạp, tại “Đông Nam Á, môi trường an ninh, tranh chấp chủ quyền trên biển
Đông còn diễn biến phức tạp. Biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh và các vấn đề
an ninh phi truyền thống khác, nhất là an ninh mạng, ngày càng tác động mạnh,
nhiều mặt”(10), đe dọa đến sự phát triển ổn định, bền vững của khu vực và đất
nước ta. Để góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, cần
tiếp tục đấu tranh làm thất bại âm mưu “phi chính trị hóa” quân đội, xây dựng
quân đội ta vững mạnh về chính trị với những vấn đề cơ bản sau:
(1) Giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của
Đảng, sự quản lý tập trung, thống nhất của Nhà nước đối với quân đội Nhân dân.
Đây là nguồn gốc, là nhân tố quyết định để quân đội luôn giữ vững bản chất giai
cấp công nhân, tính nhân dân, tính dân tộc sâu sắc, tinh thần quốc tế trong sáng,
thực sự giữ vững mục tiêu, lý tưởng chiến đấu, tính kỷ luật, sức mạnh và lòng
trung thành với Đảng và Nhân dân, sẵn sàng hi sinh cho sự nghiệp xây dựng và
bảo vệ Tổ quốc. Do đó, cần tiếp tục “nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đảng,
công tác chính trị trong Quân đội nhân dân và Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu
xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân vững mạnh về chính trị, làm nòng cốt trong
sự nghiệp quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”(10).
(2) Tăng cường giáo dục, nâng cao nhận thức cho cán bộ, chiến sĩ về bản
chất giai cấp công nhân, tính nhân dân, tính dân tộc và truyền thống vẻ vang của
Quân đội nhân dân Việt Nam, trong đó, chú trọng giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin,
tư tưởng Hồ Chí Minh bởi đây là nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho mọi hoạt
động xây dựng, tổ chức và chiến đấu của quân đội; giáo dục các giá trị truyền
thống tốt đẹp của dân tộc, quân đội, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách,
pháp luật của nhà nước để cán bộ, chiến sĩ quân đội thấm nhuần tính chính trị, bản
chất cách mạng, tuyệt đối tin tưởng vào đường lối lãnh đạo của Đảng, mục tiêu lý

6
tưởng xã hội chủ nghĩa để thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới đất nước. Đi đôi
với nâng cao nhận thức, cần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong lực
lượng quân đội, ngăn chặn các tệ nạn, khắc phục những biểu hiện tiêu cực về đạo
đức, góp phần giữ vững phẩm chất tốt đẹp của “bộ đội cụ Hồ”.
(3) Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong việc chủ
động phòng, chống các quan điểm sai trái, thù địch, nhất là âm mưu “phi chính trị
hóa” quân đội. Bởi thực chất, âm mưu trên của kẻ thù nhằm chống phá quân đội
ta toàn diện về chính trị, tư tưởng, tổ chức; phá hoại các mối quan hệ cơ bản giữa
quân đội với Đảng, Nhà nước và nhân dân. Cần phát huy tốt vai trò của truyền
thông đại chúng, văn hóa nghệ thuật quân đội…trong việc vạch trần những âm
mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, khẳng định bản chất khoa học và cách
mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, sự đúng đắn trong đường
lối của Đảng, chính sách của nhà nước. Đồng thời, cần thực hiện tốt công tác bồi
dưỡng đội ngũ cán bộ lý luận có đủ phẩm chất và năng lực, nhạy bén trong đấu
tranh trên mặt trận tư tưởng, lý luận.
(4) Tiếp tục tăng cường mối quan hệ gắn bó máu thịt với nhân dân, bởi
quân đội ta sinh ra từ nhân dân, chiến đấu vì nhân dân, được nhân dân yêu thương,
che chở, giúp đỡ. Do đó, quân đội cần tiếp tục thực hiện tốt công tác dân vận, góp
phần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân và sự gắn bó chặt chẽ giữa quân đội,
Đảng, Nhà nước và nhân dân. Đồng thời, tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết quốc
tế để tăng cường sức mạnh phục vụ cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tóm lại, “phi chính trị hóa” quân đội nhằm tách quân đội khỏi sự lãnh đạo
của Đảng ta là quan điểm phản khoa học, phi chính trị, rất thâm độc và nguy hiểm
của các thế lực thù địch. Lý luận và thực tiễn cho thấy, chỉ khi được đặt dưới sự
lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, sự quản lý thống nhất của Nhà
nước, quân đội ta mới giữ vững được bản chất giai cấp, tính nhân dân, tính dân
tộc, phát huy cao độ năng lực, phẩm chất của mình, phụng sự Tổ quốc, phục vụ
nhân dân. Vì vậy, việc tiếp tục thực hiện tốt các vấn đề trọng tâm trên sẽ góp phần
vào việc xây dựng lực lượng quân đội ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, xứng
đáng với lòng tin yêu của Đảng, Nhà nước và nhân dân.

7
TÀI LIỆU THAM KHẢO
(1) V.I. Lê-nin, Toàn tập, tập 12, Nxb Tiến bộ, M.1979, tr.136.
(2) V.I.Lênin, Toàn tập, tập 37, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr.610
(3) Lê Ngọc: “Những sự thật đáng kinh ngạc về quân đội Mỹ sau 20 năm”, truy
xuất từ: https://vov.vn/quan-su-quoc-phong/phan-tich/nhung-su-that-dang-
kinh-ngac-ve-quan-doi-my-sau-20-nam-chien-tranh-882645.vov, trích đọc
ngày 27/09/2021
(4) Quốc Thiên: “Sáu tháng sau cuộc đảo chính ở Myanmar: nghèo đói và bất ổn”,
truy xuất từ: https://congluan.vn/sau-thang-sau-cuoc-dao-chinh-o-myanmar-
ngheo-doi-va-bat-on-post147925.html, trích đọc ngày 27/09/2021
(5) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 7, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011,
tr.217.
(6) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 14, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, tr.435.
(7) Doãn Thái Đức: “Lực lượng vũ trang phát huy vai trò nòng cốt trong ứng phó,
khắc phục hậu quả thiên tai”, truy xuất từ: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-
an-ninh/xay-dung-quan-doi/luc-luong-vu-trang-phat-huy-vai-tro-nong-cot-
trong-ung-pho-khac-phuc-hau-qua-thien-tai-660279, trích đọc ngày
29/09/2021
(8) Nhật Nam: “Hỗ trợ Thành phố Hồ Chí Minh chống dịch: 5 nhiệm vụ quân đội
gánh vác”, truy xuất từ: http://baochinhphu.vn/Xa-hoi/Ho-tro-TPHCM-
chong-dich-5-nhiem-vu-quan-doi-ganh-vac/443966.vgp, trích đọc ngày
27/09/2021
(9) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 14, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011,
tr.435
(10) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII,
Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, tr.31, tr.161

You might also like