You are on page 1of 25

Các phương pháp và đánh giá trong cuốn sách

này là nhận định của riêng tác giả, hoàn toàn


mang tính chất tham khảo. Kính mong quý độc
giả đón nhận những thông tin trong sách với cái
nhìn biện chứng, tinh thần phê bình khách quan.
Chúng tôi tin rằng cuốn sách này cần được xuất bản
để tạo điều kiện cho độc giả có cơ hội tiếp cận những
thông tin đa chiều về lĩnh vực sức khỏe toàn diện về
thân thể, tâm lý và tâm linh. Đối với các ứng dụng
liên quan đến điều trị thân bệnh, Công ty Cổ phần
Sách Thái Hà và Nhà xuất bản Thế Giới khuyến nghị
quý độc giả tham khảo ý kiến của các chuyên gia y tế
trước khi sử dụng những thông tin trong cuốn sách
nếu còn vướng mắc. Chúng tôi không chịu trách
nhiệm đối với các sai sót hoặc hệ quả từ việc sử dụng
những thông tin trong cuốn sách này.
Xin dành cuốn sách này cho công cuộc loại bỏ
các chướng ngại dẫn đến Đại ngã Cao hơn
trên con đường đi tới Chứng ngộ
MỤC LỤC

Lời mở đầu 9
Lời tựa 19

CHƯƠNG 1: SINH LÝ HỌC CỦA SỰ THẬT 23


CHƯƠNG 2: CƠ CHẾ BUÔNG BỎ 30
CHƯƠNG 3: GIẢI PHẪU CẢM XÚC  47
CHƯƠNG 4: THỜ Ơ VÀ CHÁN NẢN 70
CHƯƠNG 5: ĐAU KHỔ 91
CHƯƠNG 6: SỢ HÃI 105
CHƯƠNG 7: KHÁT KHAO 126
CHƯƠNG 8: TỨC GIẬN  142
CHƯƠNG 9: KIÊU HÃNH 157
CHƯƠNG 10: CAN ĐẢM 173
CHƯƠNG 11: CHẤP NHẬN 184
CHƯƠNG 12: TÌNH YÊU 191
CHƯƠNG 13: AN BÌNH 206
CHƯƠNG 14: GIẢM CĂNG THẲNG VÀ BỆNH THỂ CHẤT 215
CHƯƠNG 15: MỐI QUAN HỆ GIỮA TÂM TRÍ VÀ CƠ THỂ 229
CHƯƠNG 16: NHỮNG LỢI ÍCH CỦA BUÔNG BỎ 239
CHƯƠNG 17: CHUYỂN HÓA 254
CHƯƠNG 18: CÁC MỐI QUAN HỆ 273
CHƯƠNG 19: ĐẠT ĐƯỢC CÁC MỤC TIÊU NGHỀ NGHIỆP 300
CHƯƠNG 20: BÁC SĨ, HÃY TỰ CHỮA CHO MÌNH 311
CHƯƠNG 21: HỎI VÀ ĐÁP 328

PHỤ LỤC A: BẢN ĐỒ Ý THỨC®  351

PHỤ LỤC B: QUY TRÌNH KIỂM TRA CƠ BẮP 352

TÀI LIỆU THAM KHẢO 363

VỀ TÁC GIẢ 367


LỜI MỞ ĐẦU

Cuốn sách này cung cấp một cơ chế để giải phóng những năng
lực bẩm sinh trong ta nhằm hướng đến hạnh phúc, thành công,
sức khỏe, viên mãn, trực giác, tình yêu vô điều kiện, sắc đẹp, bình
yên nội tâm và sức sáng tạo. Tất cả những trạng thái và khả năng
này đều nằm bên trong tất cả chúng ta, không phụ thuộc vào bất
cứ ngoại cảnh hay tính cách nào, cũng không đòi hỏi niềm tin vào
bất kỳ hệ thống tôn giáo nào. Không một giáo phái hay hệ thống
nào sở hữu sự bình yên nội tâm, vì nó thuộc về linh hồn của loài
người do nguồn gốc của chúng ta. Đây là thông điệp phổ quát của
mọi bậc thầy vĩ đại, mọi giác giả và bậc thánh nhân: “Vương quốc
thiên đường nằm trong bạn.” Tiến sĩ, bác sĩ Hawkins thường nói:
“Điều bạn đang tìm kiếm không xa lạ với Đại ngã của chính bạn”.
Vì sao một thứ bẩm sinh ở trong ta – phần thiết yếu của sự tồn
tại đích thực của ta – lại khó đạt được đến vậy? Tại sao phải chịu
tất cả những nỗi bất hạnh này trong khi ta được sinh ra cùng hạnh
phúc? Nếu “vương quốc thiên đường” nằm trong ta, tại sao ta lại
thường xuyên cảm thấy “mình đang ở địa ngục”? Làm thế nào để
thoát khỏi vũng lầy của những nỗi bất an đang khuấy đảo hành
trình tìm kiếm bình an của ta và làm cho nó tưởng chừng quá
đỗi gian khổ như thế? Thật nhẹ lòng khi biết rằng bình yên, hạnh
phúc, niềm vui, yêu thương và thành công nằm sẵn trong linh
hồn con người. Thế còn tất cả những giận dữ, buồn bã, đau khổ,
kiêu ngạo, ghen tị, lo âu và những phán xét nhỏ nhặt hằng ngày

9
LETTING GO: LỘ TRÌNH ĐI ĐẾN SỰ BUÔNG BỎ

đang bóp nghẹt những thanh âm tĩnh lặng tinh khôi bên trong ta
thì sao? Có cách nào để thực sự thoát khỏi vũng lầy đó và được tự
do hay không? Có cách nào để được khiêu vũ bằng niềm vui vô
bờ? Để yêu thương mọi sinh vật? Để sống trong sự vĩ đại và hiện
thực hóa tiềm năng cao nhất của chính mình? Để trở thành người
mang đến sự duyên dáng và cái đẹp cho thế giới?
Trong cuốn sách này, tiến sĩ, bác sĩ Hawkins đưa ra một lộ
trình đi đến tự do mà chúng ta luôn mong ước nhưng thấy khó
mà đạt được. Đối với trực giác, bảo rằng có thể đạt được điều gì đó
bằng cách “buông bỏ” nghe ra thật chối tai; tuy nhiên, bằng kinh
nghiệm lâm sàng cũng như kinh nghiệm cá nhân của mình, tiến
sĩ, bác sĩ Hawkins chứng minh rằng buông bỏ là lộ trình chắc chắn
nhất để đi tới sự viên mãn trọn vẹn.
Nhiều người trong chúng ta vì quá trình giáo dục từ bé đến
lớn mà tin vào mối tương quan giữa các thành tựu trần thế hay
thậm chí là tâm linh với “làm việc chăm chỉ”, “làm không ngơi
tay”, “đổ mồ hôi sôi nước mắt” và các châm ngôn khắc kỉ khác
kế thừa từ một nền văn hóa thấm đẫm luân lý của đạo Tin lành.
Theo quan niệm này, muốn thành công thì phải chịu đau khổ, cực
nhọc và phải nỗ lực: “không có đau đớn thì không có thành quả”.
Nhưng rồi tất cả những nỗ lực và đau đớn ấy đã dẫn ta tới đâu? Ta
thực sự bình yên một cách sâu sắc không? Không hề. Trong ta vẫn
luôn tồn tại cảm giác tội lỗi, ta vẫn dễ bị tổn thương trước những
lời chỉ trích của người khác, vẫn muốn được đảm bảo và những
nỗi oán giận của ta vẫn chất chồng.
Nếu bạn đang đọc cuốn sách này thì có lẽ bạn đã hết kiên
nhẫn với cơ chế của nỗ lực. Có thể bạn đã nhận ra rằng càng cố
sức vươn đến điều mình muốn thì bạn càng trở nên kiệt quệ và xơ
xác. Có lẽ bạn đang tự nhủ, “Chẳng phải có một cách dễ dàng và
hiệu quả hơn hay sao?” Liệu bạn có sẵn sàng buông xuống cơ chế
này và thôi gắng gồng? Sẽ ra sao nếu ta áp dụng cơ chế buông bỏ
thay vì cơ chế nỗ lực?

10
lời mở đầu

Tôi có thể chia sẻ với bạn cảm giác của một người có trình độ
học thức cao và đã thử nhiều phương pháp phát triển bản thân
khác nhau về cơ chế mới mẻ này. Dù đã đạt được thành công
về chuyên môn, song các vấn đề về cảm xúc và thể chất của tôi
dường như không mấy cải thiện, và đến cuối cùng tôi đã “bùng
nổ”. Nhưng việc được gặp gỡ với tiến sĩ, bác sĩ David R. Hawkins
và các bài viết của ông đã trở thành chất xúc tác tạo ra một hiệu
ứng chữa lành vô cùng bất ngờ và đầy kịch tính.
Ban đầu, tôi vẫn còn nghi ngờ. Là một người đã khám phá
nhiều con đường tâm linh, triết học, tôn giáo khác nhau và thu về
những kết quả tạm thời và dở dang, tôi tiếp cận các nghiên cứu của
Hawkins với suy nghĩ, “Chắc rồi kết quả cũng giống như những
thứ kia thôi”. Song, con người mưu cầu lương tâm trong tôi mách
bảo, “Mình cứ thử xem thế nào. Có gì để mất đâu cơ chứ?” Vì
thế tôi đọc cuốn Power Vs Force – Trường Năng Lượng Và Những
Nhân Tố Quyết Định Tinh Thần Và Sức Khỏe Con Người. Khi gấp
cuốn sách lại, từ bên trong mình, tôi nhận ra: “Mình đã không còn
là con người giống như trước khi đọc cuốn sách này nữa”. Đó là
năm 2003. Giờ đây, sau nhiều năm, những hiệu ứng xúc tác ấy vẫn
đang ứng nghiệm vào mọi khía cạnh đời sống của tôi.
Rốt cục, điều khiến tôi tin vào sự thật trong nghiên cứu của
ông chính là những chuyển hóa trong ý thức cả hữu hình lẫn vô
hình của chính tôi. Có những kinh nghiệm thực tế mà tôi không
thể phủ nhận: tôi đã khỏi một chứng nghiện mà trước đây tôi
không thể vượt qua mặc cho vô vàn nỗ lực; không còn mắc các
chứng dị ứng (lông động vật, thường xuân độc, mốc, phấn hoa);
buông bỏ những oán hận dai dẳng, có thể nhìn ra món quà ẩn
giấu trong vô vàn những biến cố cuộc đời mà tôi đã trải qua; vơi
bớt nhiều nỗi sợ và chứng rối loạn lo âu dai dẳng từng khiến sự
nghiệp và cuộc sống cá nhân của tôi không thể khá lên nổi; và có
thể giải quyết nhiều mâu thuẫn nội tâm liên quan đến khả năng
chấp nhận chính mình cũng như mục đích cuộc đời. Những đột

11
LETTING GO - LỘ TRÌNH ĐI ĐẾN SỰ BUÔNG BỎ

phá quan trọng ở cấp độ hữu hình và vô hình này không chỉ tôi
mà cả những người thân quanh tôi đều nhận thấy rõ. Họ đều hỏi,
“Những biến chuyển này từ đâu mà có vậy?” Giờ đây, nếu gặp câu
hỏi ấy, tôi sẽ gợi ý cho họ đọc cuốn sách mới này, Letting go: Lộ
trình đi đến sự buông bỏ. Cuốn sách trình bày những khía cạnh
thực tế của quá trình biến đổi ở bên trong mà tôi đã trải nghiệm
khi đọc những tác phẩm trước đó của Hawkins.
Letting go: Lộ trình đi đến sự buông bỏ cung cấp tấm bản đồ
dẫn đến một cuộc sống tự do hơn cho bất cứ ai sẵn sàng lên đường.
Cuộc sống của bạn sẽ thay đổi theo hướng tốt đẹp hơn nếu bạn áp
dụng những nguyên tắc được mô tả trong sách. Chúng không hề
khó hiểu hay khó thực hành, cũng không bắt bạn phải trả cái giá
nào. Chúng không đòi hỏi bạn phải mặc những trang phục đặc
biệt hay phải di chuyển đến một đất nước xa lạ. Yêu cầu chính của
cuộc hành trình này là phải sẵn sàng buông bỏ sự bám chấp của
bạn vào trải nghiệm sống hiện tại.
Như bác sĩ Hawkins giải thích, phần “nhỏ mọn” trong chúng
ta quyến luyến với những điều quen thuộc, dù chúng có đau đớn
hay thiếu hiệu quả đến đâu. Nghe có vẻ kỳ cục, nhưng bản ngã
thường ngày của chúng ta thực sự thích thú với một cuộc sống
suy kiệt cùng tất cả những tiêu cực đi kèm với nó: cảm thấy không
xứng đáng, không được công nhận, phán xét bản thân và người
khác, bị thổi phồng, luôn luôn “thắng” và “đúng”, buồn đau về quá
khứ, lo sợ tương lai, nuôi những vết thương, khao khát sự đảm
bảo và tìm kiếm thay vì trao đi yêu thương.
Liệu chúng ta có sẵn sàng hình dung một cuộc sống mới đầy
ắp những thành công dễ dàng, trong đó ta đã hoàn toàn thoát khỏi
nỗi oán giận và luôn cảm thấy biết ơn với mọi điều xảy đến với
mình, một cuộc sống tràn đầy cảm hứng, tình yêu, các giải pháp
hai bên cùng thắng, hạnh phúc và sự bộc lộ đầy sáng tạo? Tiến sĩ,
bác sĩ Hawkins nói rằng một trong những rào cản lớn nhất ngăn ta
đến với hạnh phúc là niềm tin trong ta rằng đó là điều không thể:

12
lời mở đầu

“Hẳn phải có cái bẫy nào đó”; “Mọi thứ tốt đẹp đến mức khó tin”;
“Điều đó có thể xảy ra với ai khác chứ không phải với tôi.”
Món quà mà bác sĩ Hawkins đem đến cho chúng ta với tư cách
là một con người đồng thời là một vị thầy là ông cho chúng ta
nhận ra và trải nghiệm một thực thể – thực thể ấy LÀ hạnh phúc,
LÀ niềm vui vô hạn, LÀ niềm bình yên bất khả xâm phạm. Cuốn
sách này được viết vì bản thân ông đã trải nghiệm sức mạnh của
cơ chế mà nó mô tả. Đọc về một thực thể đã được giải phóng đến
nhường ấy và được ở gần bên thực thể đó cho chúng ta chất xúc
tác, niềm hi vọng và động lực để dấn thân vào cuộc khám phá nội
tâm của chính mình. Và do đó, mặc cho những hoài nghi của bản
ngã nhỏ bé, vẫn còn đó Đại ngã đang ra hiệu cho chúng ta tiến
lên. Mới đầu ta có thể cảm thấy tiếng gọi của nó như đến từ một ý
thức cao cấp như tiến sĩ, bác sĩ Hawkins, một nhà giáo, một người
dẫn đường, hay một giác giả đã nhận ra Đại ngã. Và rồi, khi đã
đích thân trải nghiệm sự thật, sự chữa lành, và mở rộng, chúng
ta sẽ thấy nó phát ra từ bên trong mình. “Đại ngã của người dạy
và người học là một và như nhau”, tiến sĩ, bác sĩ Hawkins đã nói
như vậy.
Ở ông tỏa ra những sự thật của cuốn sách này. Là một người
tìm kiếm tâm linh nghiêm túc đã đánh giá phần lớn các tác phẩm
tâm linh đương thời là hời hợt, tôi muốn xác thực tính đúng đắn
của cuốn sách này. Câu hỏi quan trọng nhất đối với tôi là: Liệu
tác giả này có nói bằng chính Nhận thức thực sự bên trong ông ta
hay không? Và ở tác phẩm này thì câu trả lời là “Có!” Từ những
quan sát tỉ mỉ trong nhiều cuộc thăm hỏi và phỏng vấn ông qua
hàng năm trời, tôi có thể xác nhận trạng thái cao cấp này của ông.
Trong cuốn sách này, ông nhắc ta nhớ về định luật của ý thức: Tất
cả chúng ta đều kết nối với nhau ở mức độ năng lượng, và rung
động cao hơn (chẳng hạn như tình yêu) tác động mạnh mẽ lên
rung động thấp hơn (chẳng hạn như nỗi sợ). Tôi cảm nhận được
sự thật của định luật này bất cứ khi nào ở cạnh ông; trường năng

13
LETTING GO: LỘ TRÌNH ĐI ĐẾN SỰ BUÔNG BỎ

lượng của ông phát ra tình yêu thương có thể chữa lành và sự bình
yên sâu sắc. Như ông giải thích trong cuốn sách này, những trạng
thái năng lượng cao hơn luôn có sẵn cho tất cả chúng ta.
Dù bạn đang ở giai đoạn nào trong cuộc đời thì cuốn sách này
cũng sẽ soi sáng cho bạn “bước tiếp theo”. Cơ chế phó thác hay đầu
hàng, quy thuận mà tiến sĩ, bác sĩ Hawkins mô tả có thể áp dụng
trong toàn bộ hành trình nội tâm: từ việc buông bỏ những oán
giận thuở thơ ấu đến sự đầu hàng cuối cùng của chính bản ngã.
Do đó, cuốn sách này dù là với những chuyên gia muốn thành
công trong cuộc đời trần thế, những khách hàng trị liệu đang tìm
cách chữa lành các vấn đề cảm xúc, những bệnh nhân bị chẩn
đoán mắc một căn bệnh, cho đến người tìm cầu tâm linh nguyện
hiến dâng cho Chứng ngộ thì đều hữu ích như nhau. Ông khuyên
rằng bước quan trọng đối với tất cả chúng ta là nhận thức được
rằng những cảm xúc tiêu cực của ta là hậu quả của thân phận con
người, và ta nên sẵn sàng suy xét chúng mà không phán xét. Trạng
thái cao cấp của nhận thức phi nhị nguyên có thể là mục tiêu của
chúng ta. Song ta phải xử trí ra sao với “tự ngã nhỏ bé” nhị nguyên
cố chấp vốn luôn muốn ta tự xem mình là “tốt hơn” hay “tệ hơn”
người khác?
Trong những cuốn sách trước, tiến sĩ, bác sĩ Hawkins đã mô tả
trạng thái Chứng ngộ phi nhị nguyên đi kèm với nhận thức ban sơ
hiếm có. Như ông thường nói đùa trước nhiều buổi thuyết giảng
rằng “Chúng ta bắt đầu từ điểm kết thúc”. Thật vậy, trong các bài
giảng và những cuốn sách của mình, ông đã làm sáng tỏ những
trạng thái ý thức cao nhất vốn là đỉnh cao của sự tiến hóa nội tâm
con người.
Còn trong cuốn sách được xuất bản trong quãng đời gần đây
của mình này, tiến sĩ, bác sĩ Hawkins đưa chúng ta về với điểm
khởi đầu chung: thừa nhận sự tồn tại của bản ngã bé nhỏ. Muốn
đến được nơi mình muốn đến, chúng ta phải bắt đầu ở nơi mình
đang đứng! Nếu muốn đi từ đây tới kia thì có tự đánh lừa mình

14
lời mở đầu

rằng ta đang đứng gần đích đến cũng không thể làm ta tiến nhanh
hơn được. Việc ta nghĩ rằng mình đang ở gần mục tiêu thực ra
chỉ làm cho chuyến đi càng dài hơn. Như tác giả giải thích trong
cuốn sách, muốn nhìn ra sự tiêu cực và nhỏ nhen trong mình, ta
cần phải can đảm và thành thực với bản thân. Chỉ khi có thể thừa
nhận những tiêu cực ta đã kế thừa từ thân phận con người thì ta
mới có khả năng đầu hàng nó và thoát khỏi nó. Chúng ta đơn giản
là cần sẵn sàng thừa nhận và chấp nhận phần trải nghiệm làm
người đó của mình. Nhờ chấp nhận nó mà ta mới siêu việt được
nó – và tiến sĩ, bác sĩ Hawkins sẽ bày cách cho ta.
Trong cuốn sách mang tính ứng dụng cao này, ông làm sáng tỏ
một kỹ thuật mà nhờ đó, chúng ta có thể siêu việt bản ngã nhỏ bé
và bứt phá để đạt được tự do mà ta mong đợi. Ông cho rằng trạng
thái tự do và niềm hạnh phúc thuần khiết ở bên trong này chính
là “quyền bẩm sinh” của chúng ta. Khi đọc, chúng ta sẽ cảm thấy
được khích lệ và được truyền cảm hứng từ các ví dụ lâm sàng thực
tiễn mà ông chia sẻ dựa trên nhiều thập kỷ điều trị các bệnh tâm
thần của mình. Từ ca này sang ca khác, chúng ta thấy được sức
mạnh của đầu hàng ứng nghiệm trong gần như mọi khía cạnh của
đời sống: các mối quan hệ, sức khỏe thể chất, môi trường làm việc,
các hoạt động tái sáng tạo, quá trình làm việc tâm linh, đời sống
gia đình, tình dục, chữa lành cảm xúc và cai nghiện.
Chúng ta học được rằng câu trả lời cho các vấn đề ta phải đối
mặt nằm bên trong ta. Bằng cách buông bỏ những rào cản bên
trong ngăn ta đến với câu trả lời ấy, sự thật của Đại ngã đích thực
trong ta sẽ tỏa sáng và con đường đi đến bình an sẽ hiển lộ. Những
vị thầy tâm linh khác đều nhấn mạnh vào việc nuôi dưỡng sự bình
yên bên trong như một phương cách duy nhất để giải quyết những
khó khăn cá nhân cũng như các xung đột tập thể: “Giải trừ bên
trong trước rồi mới giải trừ bên ngoài” (Đạt Lai Lạt Ma), “Hãy trở
thành sự thay đổi bạn muốn thấy trên thế giới này” (Gandhi). Ngụ
ý trong những lời ấy thật rõ ràng. Vì chúng ta đều là một phần

15
LETTING GO - LỘ TRÌNH ĐI ĐẾN SỰ BUÔNG BỎ

của tổng thể nên khi ta chữa lành một vết thương trong mình tức
là ta đang chữa lành nó vì thế giới. Mỗi một ý thức của cá nhân
đều được kết nối với ý thức tập thể ở cấp độ năng lượng; do đó,
cá nhân được chữa lành thì tập thể cũng được chữa lành. Bác sĩ
Hawkins có lẽ là người đầu tiên nỗ lực tìm hiểu nguyên tắc này
dưới ánh sáng khoa học và ứng dụng lâm sàng. Điểm mấu chốt là:
bằng cách thay đổi bản thân mình, chúng ta sẽ thay đổi thế giới.
Khi bên trong ta có nhiều yêu thương hơn, sự chữa lành sẽ xuất
hiện ở bên ngoài. Cũng như sóng triều dâng lên sẽ nâng đỡ mọi
con tàu, ánh sáng rực rỡ của tình yêu thương vô điều kiện trong
trái tim con người sẽ nâng đỡ mọi sự sống.
.....
Tiến sĩ, bác sĩ David R. Hawkins là một tác giả, nhà tâm lý học, bác
sĩ lâm sàng, vị thầy tâm linh và nhà nghiên cứu ý thức nổi tiếng
thế giới. Các chi tiết về cuộc đời phi thường của ông được nêu
trong phần “Về tác giả” ở cuối cuốn sách này. Công trình độc đáo
của ông chiếu rọi từ suối nguồn của lòng từ phổ quát và được hiến
dâng cho sự nghiệp xoa dịu những khổ đau trong mọi chiều kích
của sự sống. Món quà mà công trình của bác sĩ Hawkins đem lại
cho sự tiến hóa của loài người thật không từ ngữ nào tả nổi.
Trạng thái Chứng ngộ là hoàn toàn trọn vẹn trong niềm hạnh
phúc của chính nó, đến nỗi những ai đã đạt đến trạng thái này
sẽ không bao giờ rời bỏ nó, trừ khi là để chia sẻ món quà họ đã
được ban tặng dựa trên sự đầu hàng triệt để trước tình yêu họ
dành cho Thiên Chúa và đồng loại. Cuốn sách về buông bỏ này
cũng như tất cả các công trình khác của bác sĩ Hawkins trên thế
giới là kết quả của sự đầu hàng ấy. Như bạn sẽ đọc thấy sau đây,
ông đã đầu hàng cực kỳ sâu sắc và nhờ đó mới có thể khôi phục ý
thức cá nhân của mình nhằm thực hiện những cam kết nhất định
trong đời sống trần thế. Trạng thái hợp nhất trong ông không mất
đi, ông cũng không hề rời bỏ nó, nhưng ông phải dùng tình yêu
thương phi thường trong mình để vượt qua thách thức của việc

16
lời mở đầu

diễn đạt thành lời những điều vốn không thể nói ra. Bạn sẽ thấy
một số đại từ ông dùng không đúng với quy tắc ngữ pháp tiếng
Anh – chẳng hạn như “our life1” (cuộc sống của chúng ta) – song
chúng lại đúng với trải nghiệm về một trạng thái tâm linh trong
đó người ta biết đến tính hợp nhất phi cá nhân của mọi đời sống.
Việc bác sĩ Hawkins quay trở lại thế giới của lý lẽ, lập luận và ngôn
ngữ để chia sẻ với chúng ta “Bản đồ Ý thức” – để ta có thể hoàn
thành định mệnh của mình – nói lên tình yêu vị tha vô bờ bến của
ông đối với toàn nhân loại. Tiến sĩ, bác sĩ Hawkins đang cho ta cơ
hội đến với tự do bằng cách chỉ ra con đường đi tới đó.
Cảm ơn bác sĩ Hawkins vì món quà mang tên đầu-hàng-
tuyệt-đối.
Fran Grace, Tiến sĩ, biên tập viên
Giáo sư nghiên cứu tôn giáo và Quản lý
phòng thiền Đại học Redlands, California
Giám đốc sáng lập Viện Đời sống Thiền định
Sedona, Arizona
Tháng 6 năm 2012

1
Theo quy tắc thông thường, cụm từ này sẽ được viết là “our lives” – chữ “lives” là
dạng số nhiều của “life”, tức là theo cách hiểu thông thường của người đời thì mỗi
con người có một cuộc sống riêng biệt. Nhưng Hawkins dùng cụm “our life” để
nói rằng tất cả chúng ta đều mang chung một sự sống hợp nhất, không phân tách.
(Chú thích của biên tập viên bản tiếng Việt, từ đây kí hiệu là BT)

17
LỜI TỰA

Trong suốt nhiều năm hành nghề chữa bệnh tâm thần lâm sàng,
mục tiêu chính của tôi là tìm ra những cách thức hiệu quả nhất để
xoa dịu những đau khổ của con người dưới mọi hình thức. Vì mục
đích này mà tôi đã khám phá ra rất nhiều quy tắc về y học, tâm
lý học, tâm thần học, phân tâm học, kỹ thuật hành vi, phản hồi
sinh học, châm cứu, dinh dưỡng và hóa học não bộ. Ngoài những
phương thức lâm sàng ấy tôi cũng nghiên cứu các hệ thống triết
học, siêu hình học, vô số những kỹ thuật chăm sóc sức khỏe toàn
diện, các khóa học phát triển bản thân, lộ trình tâm linh, kỹ thuật
thiền và những cách thức khác nhằm mở rộng nhận thức.
Trong tất cả những khám phá trên, tôi nhận thấy cơ chế phó
thác hay đầu hàng, quy thuận, đem lại lợi ích thực tiễn vô cùng to
lớn. Vì tầm quan trọng của nó mà tôi đã viết cuốn sách này nhằm
chia sẻ cho mọi người những quan sát lâm sàng và trải nghiệm cá
nhân của mình.
Những cuốn sách trước của tôi tập trung vào những trạng thái
nhận thức cao cấp và Chứng ngộ. Nhiều năm qua, hàng ngàn học
viên tại các buổi thuyết giảng và các hoạt động nhóm mang tính
cống hiến của chúng tôi đã đưa ra nhiều câu hỏi cho thấy những
chướng ngại thường ngày trên con đường đến với Chứng ngộ. Do
đó, việc chia sẻ một kỹ thuật giúp họ vượt qua những chướng ngại
ấy thành công là vừa thực tiễn vừa hữu ích: Làm thế nào để xử trí
những thăng trầm trong cuộc sống thường ngày, cùng những mất
mát, thất vọng, căng thẳng và khủng hoảng của nó? Làm cách nào

19
LETTING GO - LỘ TRÌNH ĐI ĐẾN SỰ BUÔNG BỎ

để thoát khỏi những cảm xúc tiêu cực và ảnh hưởng của chúng lên
sức khỏe, các mối quan hệ và công việc của chúng ta? Làm sao để
đương đầu với những cảm xúc không mong muốn? Tác phẩm này
mô tả một phương tiện đơn giản và hiệu quả để mọi người có thể
buông bỏ những cảm xúc tiêu cực và trở nên tự do.
Kỹ thuật buông bỏ là một hệ thống loại bỏ những chướng ngại
và bám chấp mang tính thực tiễn. Cũng có thể gọi nó là một cơ
chế đầu hàng. Có những bằng chứng khoa học về tính hiệu quả
của nó, và ở một trong các chương của cuốn sách này, chúng tôi
đã giải thích điều này. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng kỹ thuật này
hiệu quả hơn nhiều phương thức tiếp cận khác hiện thời trong
việc giảm nhẹ các phản ứng sinh lý trước căng thẳng.
Sau khi nghiên cứu hầu hết các biện pháp giảm căng thẳng và
nhận thức khác nhau, chúng tôi nhận thấy cách tiếp cận này nổi
bật hơn cả bởi sự đơn giản tuyệt đối của nó, đồng thời nó cũng cho
hiệu quả và hiệu quả lâm sàng cao, không có những khái niệm có
thể bị chất vấn, và kết quả thì quan sát được cực nhanh. Sự đơn
giản của nó thường khiến người ta ngộ nhận và gần như che mất
lợi ích thực sự của kỹ thuật này. Nói đơn giản thì nó giúp ta thoát
khỏi những bám chấp về mặt cảm xúc. Nó xác nhận quan sát của
mọi giác giả, rằng bám chấp là nguyên nhân chính của khổ đau.
Tâm trí, cùng những suy nghĩ của nó, bị thúc đẩy bởi cảm xúc.
Mỗi cảm xúc là nguồn cơn của hàng ngàn suy nghĩ. Bởi vì hầu hết
mọi người trong suốt cuộc đời đều kìm nén, ức chế và cố gắng
thoát khỏi cảm xúc của mình nên năng lượng bị đè nén ấy tích
tụ lại và tìm cách bộc lộ thông qua những căng thẳng tâm lý, rối
loạn thể chất, các bệnh về cảm xúc và rối loạn hành vi trong các
mối quan hệ nhân sinh. Cảm xúc chất chồng ngăn cản phát triển
về mặt tâm linh và nhận thức, cũng như thành công trong nhiều
khía cạnh của đời sống.
Do đó, lợi ích của kỹ thuật này có thể được mô tả ở nhiều
mức độ:

20
Lời tựa

Thể chất:
Việc loại bỏ những cảm xúc bị kìm nén mang lại lợi ích sức khỏe
tích cực. Nó làm giảm dòng năng lượng đi vào hệ thống thần kinh
tự trị của cơ thể và khai thông hệ thống kinh mạch (có thể chứng
minh bằng một bài kiểm tra cơ bắp đơn giản). Do đó, khi một
người liên tục quy thuận, những rối loạn về thể chất và sinh lý của
họ sẽ giảm dần và biến mất cùng một lúc. Quá trình bệnh lý trong
cơ thể người đó đảo ngược và cơ thể họ khôi phục lại trạng thái
hoạt động tối ưu của nó.

Hành vi:
Nhờ giảm dần lo âu và những cảm xúc tiêu cực nên nhu cầu trốn
tránh bằng ma túy, rượu bia, giải trí và ngủ vô tội vạ ngày càng ít
đi. Kết quả là, người đó ngày càng có nhiều sinh khí, năng lượng,
ngày càng hiện diện trọn vẹn hơn và sống hạnh phúc hơn, đồng
thời hoạt động hiệu quả và dễ dàng hơn trong tất cả các lĩnh vực
của đời sống.

Các mối quan hệ nhân sinh:


Khi người đó buông bỏ những cảm xúc tiêu cực, những cảm xúc
tích cực trong họ sẽ tăng dần, từ đó tất cả các mối quan hệ của họ
đều tốt lên thấy rõ. Người đó cũng có nhiều khả năng yêu thương
hơn. Mâu thuẫn với người khác giảm dần, nên hiệu quả công việc
được cải thiện. Việc loại bỏ những chướng ngại tiêu cực cho phép
các mục tiêu nghề nghiệp dễ dàng được hoàn thành, và những
hành vi tự hành hạ bản thân xuất phát từ cảm giác tội lỗi dần giảm
bớt. Người đó ngày càng ít phụ thuộc vào chủ nghĩa lý trí và ngày
càng sử dụng thuần thục hơn trạng thái biết bằng trực giác. Quá
trình phát triển và cải thiện nhân cách được khôi phục, nên người
đó thường phát hiện ra ở bên trong họ những khả năng sáng tạo
và tâm linh mà trước đây họ không hề nghi ngờ, nhưng thường

21
LETTING GO - LỘ TRÌNH ĐI ĐẾN SỰ BUÔNG BỎ

bị ngăn cản bởi những cảm xúc tiêu cực bị đè nén. Quan trọng
là người đó dần bớt phụ thuộc vào người khác; phụ thuộc vốn là
thuốc độc đối với mọi mối quan hệ của con người. Phụ thuộc là
gốc rễ của nhiều nỗi đau đớn và thống khổ; các biểu hiện tận cùng
của nó thậm chí còn là bạo lực và tự vẫn. Nhờ bớt phụ thuộc nên
người đó cũng bớt đi những hành vi gây hấn và thù địch. Cảm
xúc tiêu cực này được thay thế bằng thái độ chấp nhận và tình yêu
thương hướng đến mọi người.

Ý thức/ Nhận thức/ Tâm linh:


Đây là một khía cạnh được khơi mở nhờ liên tục áp dụng cơ chế
đầu hàng. Việc một người buông bỏ cảm xúc tiêu cực có nghĩa
là người đó sẽ thấy mình ngày một hạnh phúc, mãn nguyện,
bình an và vui sướng hơn. Nhận thức của họ mở rộng, phát triển
từng bước và họ trải nghiệm được Đại ngã đích thực bên trong.
Lời giảng của những bậc thầy vĩ đại mở ra từ bên trong họ dưới
dạng trải nghiệm cá nhân của chính họ. Việc buông bỏ từng bước
những giới hạn cho phép họ cuối cùng cũng nhận ra bản sắc đích
thực của mình. Buông bỏ là một trong những công cụ hiệu quả
nhất để đạt các mục tiêu tâm linh.
Bất cứ ai cũng có thể thành tựu được tất cả những điều kể trên
một cách nhẹ nhàng và tinh tế, khi họ âm thầm buông bỏ trong
suốt cuộc sống thường nhật của mình. Người ta thấy vui khi vừa
trải nghiệm vừa quan sát quá trình những cảm xúc tiêu cực dần
được thay thế bằng những cảm xúc và trải nghiệm tích cực. Mục
đích của cuốn sách này là để hỗ trợ độc giả trên con đường đến với
những trải nghiệm quý giá đó.
David R. Hawkins, tiến sĩ, bác sĩ
Chủ tịch sáng lập Viện nghiên cứu tâm linh
Sedona, Arizona
Tháng 6 năm 2012

22
CHƯƠNG 1

SINH LÝ HỌC CỦA SỰ THẬT

Một ngày nọ trong lúc trầm tư, tâm trí lên tiếng:
“Có điều gì không ổn với chúng ta vậy?”
“Tại sao hạnh phúc không tồn tại mãi mãi?”
“Câu trả lời nằm ở đâu?”
“Làm thế nào để giải quyết tình thế lưỡng nan của loài người?”
“Là tôi điên hay thế giới này điên?”
Giải pháp cho bất cứ vấn đề nào dường như đều chỉ mang đến
sự thỏa mãn ngắn ngủi, vì nó lại làm nền cho các vấn đề kế tiếp.
“Có phải tâm trí con người là cái lồng quay vô vọng không?”
“Có phải tất cả mọi người đều hoang mang bối rối?”
“Thượng đế có hiểu điều Ngài đang làm không?”
“Có phải Thượng đế đã chết?”
Tâm trí lại léo nhéo:
“Có ai nắm giữ bí mật đó không?”
Đừng lo – ai mà chẳng tuyệt vọng. Một số người tỏ ra thoải
mái với điều đó. “Tôi chẳng thấy có gì phải lo cả,” họ nói. “Cuộc
sống với tôi khá đơn giản.” Họ quá sợ hãi đến nỗi còn chẳng dám
nhìn thẳng vào nó!

23
LETTING GO: LỘ TRÌNH ĐI ĐẾN SỰ BUÔNG BỎ

Còn các chuyên gia thì sao? Sự hoang mang của họ phức tạp
hơn, ẩn trong lớp biệt ngữ chuyên môn ấn tượng và cấu trúc tinh
thần tinh vi. Họ có một hệ thống niềm tin tiền định và cố nhét bạn
vào trong đó. Việc này dường như hiệu quả được một thời gian,
nhưng rồi trạng thái ban đầu lại quay trở lại.
Trước đây chúng ta có thể trông đợi vào các thể chế xã hội,
nhưng chúng cũng chỉ có thời; giờ thì chẳng ai tin chúng nữa.
Hiện nay, số tổ chức giám sát còn đông hơn số thể chế. Các bệnh
viện được giám sát bởi nhiều tổ chức, và trong quang cảnh hỗn
độn ấy, bệnh nhân bị bỏ bê. Hãy nhìn vào các hành lang mà xem.
Chẳng có bác sĩ hay y tá nào. Họ đều ở trong văn phòng và làm
việc giấy tờ. Toàn bộ quang cảnh này thật vô nhân đạo.
“Chà,” bạn nói, “hẳn phải có vài chuyên gia có câu trả lời chứ.”
Khi đau ốm khó chịu, bạn tới gặp bác sĩ, nhà tâm thần học, nhà
phân tích, nhân viên xã hội hay nhà chiêm tinh học. Bạn tiếp nhận
tôn giáo, học các triết thuyết, theo một khóa Erhard hai tuần, tự
gõ huyệt. Bạn cân bằng luân xa, thử các liệu pháp mát xa tứ chi,
đi châm cứu tai, đi sinh trắc mống mắt, chữa bệnh bằng ánh sáng
và pha lê.
Bạn thiền, niệm chú, uống trà xanh, tham gia phong trào
Ngũ tuần (Pentecostal), thực hiện kỹ thuật thở lửa và khấn bái
những từ huyền bí mà bạn chẳng hiểu gì. Bạn tập định tâm, học
lập trình ngôn ngữ tư duy (NLP), thử các kỹ thuật hiện thực hóa
(actualization), kỹ thuật hình dung, nghiên cứu tâm lý học, gia
nhập một nhóm theo trường phái Carl Jung. Bạn đi mát-xa bằng
kỹ thuật Rolf để giải phóng cảm xúc tiêu cực, thử các chất tạo
ảo giác, đi đọc tâm linh, chạy bộ, tập thể dục trên nền nhạc jazz
(jazzercise), rửa ruột, thử các liệu trình dinh dưỡng và thể dục
nhịp điệu, treo ngược người trên dây, đeo đá tâm linh. Học hỏi
nhiều hơn nữa, thử phản hồi sinh học (bio-feedback) và trị liệu
kiểu Gestalt.

24
Sinh lý học của Sự thật

Bạn chữa bệnh bằng vi lượng đồng căn, tác động cột sống,
liệu pháp thiên nhiên (naturopath). Bạn thử phương pháp cơ thể
động học (kinesiology), khám phá tính cách của mình theo đồ thị
Enneagram, điều hòa kinh lạc, tham gia vào một nhóm nâng cao
nhận thức, dùng thuốc an thần. Bạn tiêm vài liều hoóc-môn, thử
dùng muối khoáng (cell salt), cân bằng khoáng trong cơ thể, cầu
nguyện và khấn bái. Bạn học phép xuất hồn (astral projection),
chuyển sang ăn chay. Chỉ ăn cải bắp. Thử ăn thực dưỡng, dùng đồ
hữu cơ, tẩy chay đồ biến đổi gien. Gặp những thầy thuốc người
Mỹ bản địa, làm lễ thanh tẩy bằng xông hơi (sweat lodge). Chữa
bệnh bằng thảo dược Trung Quốc, hơ ngải, mát-xa shiatsu, bấm
huyệt, phong thủy. Bạn tới Ấn Độ, tìm một người thầy tâm linh
mới, cởi bỏ quần áo, bơi dưới sông Hằng. Nhìn thẳng vào mặt trời.
Cạo đầu. Ăn bằng tay, mặc luộm thuộm, tắm bằng nước lạnh.
Bạn ca những bài ca cổ của bộ lạc. Hồi tưởng lại những kiếp
sống trước. Thử thôi miên hồi quy tiền kiếp. Phát ra những tiếng
gào thét nguyên thủy. Đấm vào gối. Tập theo Feldenkrais. Tham
gia nhóm tháo gỡ các vấn đề hôn nhân. Viết những lời xác quyết.
Xây dựng bảng tầm nhìn. Sống lại trải nghiệm được sinh ra.
Xem Kinh dịch. Bói bài Tarot. Học Thiền. Tham gia nhiều khóa
học và hội thảo. Đọc thật nhiều sách. Thử phân tích giao dịch
(transactional analysis). Học yoga. Chìm vào thế giới tâm linh
huyền bí. Nghiên cứu phép thuật. Làm việc với một pháp sư. Thử
giao tiếp với thần linh. Ngồi dưới kim tự tháp. Đọc những lời tiên
tri của Nostradamus. Chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất.
Rồi bạn ở ẩn một thời gian. Thử nhịn ăn. Uống amino axit.
Mua máy tạo ion âm. Tham gia một lớp học thần bí. Học một kiểu
bắt tay bí ẩn. Tập thể dục cho người thon thả. Thử trị liệu bằng
màu sắc. Nghe băng ghi âm tác động tiềm thức. Uống enzyme
bổ não, thuốc chống trầm cảm, chữa bệnh bằng hoa. Đến các spa
chăm sóc sức khỏe. Nấu ăn bằng những nguyên liệu lạ. Nhìn vào
những món lên men kỳ dị lạ hoắc đến từ những nơi xa lắc xa lơ.

25
LETTING GO: LỘ TRÌNH ĐI ĐẾN SỰ BUÔNG BỎ

Đi đến Tây Tạng. Săn tìm những bậc thánh sống. Cùng nắm tay
với người khác thành vòng tròn rồi cùng say sưa ngây ngất. Cai
tình dục và từ bỏ việc đi xem phim. Mặc y phục màu vàng. Gia
nhập một giáo phái.
Thử hết liệu pháp trị liệu tâm lý này đến liệu pháp trị liệu
tâm lý khác. Thử các “thần dược” mới. Đăng ký thật nhiều trang
tạp chí. Thử kiểu ăn kiêng Pritikin. Chỉ ăn bưởi. Xem chỉ tay. Tư
duy theo Thời đại Mới (New Age). Cải tổ hệ sinh thái. Cứu hành
tinh này. Đọc hào quang. Mang pha lê bên người. Đọc diễn giải
chiêm tinh kiểu Hindu. Đi gặp một bà đồng. Đăng ký trị liệu tình
dục. Thử tình dục Tantric. Được Baba Nào Đó ban phước. Gia
nhập một nhóm ẩn danh. Đến Lourdes. Ngâm mình trong suối
nước nóng. Đi dép chữa bệnh. Kết nối với đất. Hít vào năng lượng
sống (prana) và thở ra những thứ tiêu cực đen tối thối rữa. Thử
châm cứu bằng kim vàng. Dùng mật rắn. Thở để khai mở luân xa.
Thanh tẩy hào quang. Thiền định ở Cheops, kim tự tháp vĩ đại của
Ai Cập.
Bạn nói, bạn và bạn bè của mình đã thử hết những hoạt động
ở trên ư? Ôi, loài người! Các người là những sinh vật tuyệt vời! Bi
thảm, khôi hài nhưng cũng thật cao quý! Thật can đảm biết bao
khi con người vẫn tiếp tục tìm kiếm! Động lực nào thúc đẩy chúng
ta cứ tìm hoài tìm mãi một câu trả lời? Khổ đau ư? Ồ, đúng thế. Hi
vọng ư? Chắc chắn rồi. Nhưng còn điều gì đó hơn thế nữa.
Bằng trực giác, ta biết ở đâu đó có một câu trả lời tối thượng.
Chúng ta sảy chân vào những ngách tối cùng hẻm cụt, chúng ta
bị lợi dụng và lừa dối, vỡ mộng, chán ngán, mà vẫn không ngừng
cố gắng.
Điểm mù của chúng ta ở đâu? Tại sao ta không thể tìm thấy
câu trả lời?
Chúng ta không hiểu vấn đề; thế nên không thể tìm được
câu trả lời.

26
Sinh lý học của Sự thật

Có thể nó cực kỳ đơn giản, và đó là lý do ta không thể


nhìn ra.
Có thể giải pháp không nằm ở “ngoài kia”, thế nên ta mới
không tìm thấy nó.
Có thể chúng ta có quá nhiều hệ thống niềm tin đến mức
ta mù lòa trước những điều hiển nhiên.
Xuyên suốt lịch sử, một số cá nhân đã đạt đến độ sáng suốt
thượng thừa và đã trải nghiệm lời giải tối thượng cho những lầm
than của con người. Làm thế nào họ đạt được điều đó? Bí quyết
của họ là gì? Tại sao chúng ta không thể hiểu được những điều họ
đã dạy? Liệu có phải điều đó gần như là bất khả thi hay vô vọng
không? Thế còn những người bình thường không phải là thiên tài
tâm linh thì sao?
Nhiều người đi theo các lộ trình tâm linh, nhưng hiếm có ai
thành công và nhận ra được chân lý tối thượng. Vì sao thế? Chúng
ta đi theo những lễ nghi, giáo điều và sốt sắng thực hành những
quy tắc tâm linh – để rồi ta một lần nữa sụp đổ! Thậm chí khi nó
có hiệu quả chăng nữa, thì bản ngã cũng nhanh chóng thò chân
vào và ta lại chìm trong sự kiêu căng, tự mãn, cho rằng mình đã có
câu trả lời. Ôi Chúa lòng lành, xin hãy cứu chúng con khỏi những
kẻ đang nắm giữ câu trả lời! Hãy cứu chúng con khỏi những bậc
đức hạnh! Cứu chúng con khỏi những kẻ hăng hái giúp người
nhưng thiếu hiểu biết!
Nỗi bối rối là sự cứu chuộc của chúng ta. Với những người
đang bối rối, vẫn còn đó niềm hy vọng. Hãy cứ tiếp tục bối rối. Sau
cùng thì đó là người bạn tốt nhất của ta, là hàng rào phòng thủ
vững chắc nhất bảo vệ ta khỏi những lời giải chí mạng của người
khác, khỏi sự áp chế từ những lý tưởng của họ. Nếu bạn đang bối
rối, bạn vẫn còn tự do. Nếu bạn đang bối rối, cuốn sách này là
dành cho bạn.
Trong cuốn sách này có gì? Nó đem đến cho bạn một giải
pháp đơn giản để trở nên thật sáng suốt và vượt qua các trở ngại

27
LETTING GO: LỘ TRÌNH ĐI ĐẾN SỰ BUÔNG BỎ

dọc hành trình vươn tới sự sáng suốt đó. Nó không giải quyết
bằng cách đi tìm câu trả lời, mà bằng cách tháo gỡ cốt lõi của trở
ngại. Trạng thái mà nhiều giác giả vĩ đại trong lịch sử đã chạm
đến luôn hiện hữu; lời giải nằm bên trong chúng ta và rất dễ tìm.
Cơ chế phó thác vô cùng đơn giản và sự thật luôn rõ ràng, hiển
nhiên. Cơ chế này hiệu quả trong đời sống thường ngày, không
yêu cầu giáo lý hay hệ thống niềm tin nào. Bạn tự mình xác thực
mọi thứ nên không thể bị lừa dối; bạn cũng không phải phụ thuộc
vào bất cứ loại hình giảng dạy nào. Quá trình này tuân theo câu
châm ngôn “Tự biết mình”; “Chân lý sẽ giải phóng ta”; và “Nước
Trời nằm trong ta.” Nó hiệu quả với những người hay hoài nghi,
người thực dụng, người cuồng tín và kẻ vô thần, với bất cứ độ tuổi
hay nền tảng văn hóa nào. Thậm chí giải pháp này hiệu quả với cả
những người tâm linh cũng như không tâm linh.
Bởi vì cơ chế này là của riêng bạn nên không ai có thể lấy
nó khỏi bạn. Bạn sẽ không lo bị vỡ mộng. Bạn sẽ tự mình phát
hiện ra đâu là sự thật, đâu chỉ là các chương trình và hệ thống
niềm tin của tâm trí. Đồng thời với đó, bạn sẽ trở nên khỏe mạnh
hơn, thành công hơn một cách dễ dàng hơn, hạnh phúc hơn và có
nhiều khả năng yêu đúng nghĩa hơn. Bạn bè của bạn sẽ nhận thấy
ở bạn sự khác biệt; những thay đổi này là bền vững. Bạn sẽ không
“trèo cao” để rồi ngã đau, mà sẽ khám phá ra một nhà hiền triết ở
ngay bên trong mình.
Cuối cùng, bạn sẽ tìm ra Đại ngã bên trong mình. Bạn luôn
biết một cách vô thức rằng nó ở đó. Khi nhận ra nó, bạn sẽ hiểu
những gì mà các giác giả vĩ đại trong lịch sử cố gắng truyền đạt.
Bạn sẽ hiểu lời họ vì Sự thật luôn tự hiển lộ và nằm trong chính
Đại ngã trong bạn.
Trong quá trình viết cuốn sách này, người viết luôn một lòng
hướng đến độc giả. Nó rất nhẹ nhàng, dễ hiểu và thú vị. Không có
gì phải học hay ghi nhớ. Bạn sẽ trở nên thư thái và hạnh phúc hơn
trong khi đọc. Qua từng trang sách, tài liệu này sẽ tự động giúp

28
Sinh lý học của Sự thật

bạn trải nghiệm được tự do. Bạn sẽ cảm thấy những gánh nặng
trong mình dần được dỡ bỏ. Mọi điều bạn làm sẽ trở nên thú vị
hơn. Bạn sắp tận hưởng những bất ngờ thích thú về cuộc sống của
mình! Mọi thứ sẽ ngày càng tốt đẹp hơn nữa!
Nếu bạn cảm thấy nghi ngờ thì cũng không sao cả. Trước nay
người ta đã đưa chúng ta vào những con đường dễ dãi, nên bạn cứ
nghi ngờ bao nhiêu cũng được. Thực vậy, tốt nhất là nên né tránh
những sự nhiệt thành quá vồn vã để tránh những thất vọng rất có
thể sẽ đến về sau. Do đó, đừng quá nhiệt tình đón nhận mà cứ yên
lặng quan sát thì hơn.
Liệu trên đời này có thứ gì cho không không? Ồ, có chứ, chắc
chắn là có. Đó chính là tự do của chính bạn mà bạn đã lãng quên
và không biết làm thế nào để trải nghiệm. Cái mà quyển sách này
muốn tặng bạn không phải là thứ phải thủ đắc mới có, cũng không
phải điều gì mới hay nằm bên ngoài bản thân bạn. Nó đã nằm sẵn
bên trong bạn, chỉ cần bạn biết cách đánh thức và tái khám phá
nó, nó sẽ tự xuất hiện.
Chúng tôi chia sẻ cách tiếp cận này chỉ đơn thuần nhằm giúp
bạn kết nối với những cảm xúc và trải nghiệm nội tâm của bạn.
Thêm vào đó, sẽ có nhiều thông tin hữu ích mà tâm trí bạn muốn
biết. Quá trình phó thác sẽ bắt đầu một cách tự động, vì đó là bản
chất của tâm trí hòng tìm cách xoa dịu đau đớn và khổ đau nhằm
trải nghiệm niềm hạnh phúc to lớn hơn.

29

You might also like