You are on page 1of 4

Họ tên : Giuse Đinh Quang Hoan

Giáo phận : Thái Bình


Lớp : Triết II
Môn : Hữu thể luận

Đề bài:
Bài làm liên quan tới luận văn tốt nghiệp triết học:
Sau khi cho biết đề tài của bài luận văn, bạn hãy trình bày đại ý của bài luận văn đã
thực hiện và nói thêm điều mà bạn lấy làm tâm đắc sau khi đã hoàn thành luận văn. Nếu có
cơ hội làm lại, bạn có thay đổi dàn bài ko và bạn có giữ nguyên điều tâm đắc đó ko? Tại
sao?
Bài làm:
Trong bối cảnh thế kỷ XIX khi mà các triết gia ra công truy tìm chân lý, cái chân lý
luôn được hiểu theo trật tự của lý trí, dường như Soren Kierkegaard xuất hiện đã đem triết
học trở về với con người hiện sinh. Thực tại hiện sinh con người phải chiếm chỗ chính yếu
trong triết học mà từ trước tới nay dường như vẫn dành cho lý trí. Triết học phải là một suy
niệm về cuộc đời, về con người cách cụ thể, hay nói theo tinh thần hữu thể học, triết học
thiết tưởng phải là những suy tư về hữu thể, về Dasein, về những khắc khoải, về cách thức
hiện hữu sao cho con người đạt được mức độ hiện hữu tối hậu và chân thực nhất của mình.
Mối ưu tư khắc khoải này đã có từ ngàn đời, từ khi có con người trong thế giới này, từ một
Augustino với một cuộc hoán cải trọn vẹn hay một nỗi xao xuyến sâu thẳm tận căn của
Dasein trong công cuộc hiện hữu nơi Heidegger. Quả thực, nỗi băn khoăn xao xuyến ấy
chính người viết cũng không tránh khỏi khi đảm đương trách nhiệm làm người, được hiện
hữu trong thế giới này với biết bao những mối liên hệ chằng chịt, giăng mắc nơi tha nhân,
nơi các hữu thể kề cận, nơi thế giới và cao cả hơn là mối liên hệ với cái gì đó siêu việt, tuyệt
đối.
Khởi đi từ chính mối ưu tư này mà người viết đã chọn đề tài cho tiểu luận tốt nghiệp
triết học của mình là:
HIỆN SINH CON NGƯỜI DƯỚI CÁI NHÌN CỦA
SOREN KIERKEGAARD
Nội dung chính yếu của nghiên cứu là những ưu tư về hiện sinh con người của triết gia
Soren Kierkegaard sau khi đã bàn qua một số quan điểm của các triết gia các thời kỳ trước
đó. Đề tài được chia làm 2 phần chính. Phần 1 bàn về con người trong thân phận tội lỗi và
nỗi khắc khoải trở về với bản ngã đích thực như một lời thức tỉnh về chính thân phận của
chúng ta trong kiếp nhân sinh này. Phần 2 tìm hiểu đời sống con người trong ba tiến trình
phát triển: giai đoạn thẩm mỹ - giai đoạn luân lý – giai đoạn tôn giáo. Thiết tưởng đây cũng
chính là điểm nổi bật trong tư tưởng triết học của Kierkegaard với khái niệm Bước nhảy đức
tin, một cú nhảy đưa con người đến một tầm cao mới, một giai đoạn siêu việt mà dường như

1
lý trí bị phủ nhận mà chỉ còn đức tin; mang đến cho con người một đời sống trọn vẹn và
đích thực nhất. Phần kết là một số nhận định cũng như bài học rút ra cho con người thời nay
cũng như cho chính những người tự xưng mình là Kitô hữu, và cụ thể nhất là cho chính
những linh mục tương lai đang ngồi trên ghế chủng viện để họ có được cái nhìn phần nào
sáng suốt và khách quan về niềm tin Kitô giáo và đời sống theo Chúa hầu có cơ may, hay
nói cách khác là cần phải luyện tập để có được một tâm hồn mục tử đúng như lòng Chúa
mong muốn.
Nội dung chính yếu của đề tài là như thế, và thông qua việc nghiên cứu những tư tưởng
của Kierkegaard, người viết cảm thấy tâm đắc nhất là những suy tư về cái gọi là Bước nhảy
đức tin.
Cuộc sống của chúng ta hiện nay là cuộc sống của thời đại khoa học kỹ thuật, một cuộc
sống dường như như bị cuốn theo sự vội vàng của nhịp sống công nghiệp, một cuộc sống
“bị nhồi nhét” thông tin… Phải chăng trong một cuộc sống như thế, chúng ta hoàn toàn bị
đánh mất hay có quyền quên lãng những câu hỏi đưa dẫn đến nỗi khắc khoải phải có về
cuộc hiện hữu của mình? Người viết nghĩ rằng không. Nếu có thì có lẽ chỉ là do chúng ta cố
tình chạy trốn nó; chạy trốn điều thực sự cao quý của yếu tính con người. Thực vậy, ai trong
chúng ta, dù ở giai cấp nào, thuộc thân phận nào của xã hội, cách nào đó đều có một kinh
nghiệm giằng co, xâu xé, bị thôi thúc, bị chất vấn, không hoàn toàn hài lòng về cuộc hiện
hữu của mình. Tận sâu thẳm nơi đáy lòng, chúng ta vẫn luôn cảm thấy một thúc bách nào đó
muốn tìm kiếm cái gì hơn nữa, tìm kiếm một cuộc tồn tại trọn vẹn hơn nữa. Thậm chí cái
lực thúc bách này vẫn khiến nhiều người ngày nay đi vào con đường tìm kiếm lạc lối như
thánh Augustino ngày xưa. Và những thúc bách, giằng xé, quăng ném, chà xát, thương tích
đầy mình ấy nơi chúng ta chỉ có thể cách nào đó gọi là được thỏa mãn, được chữa trị, được
xức thuốc, được chữa lành nơi cái mà chúng ta gọi là Đức Tin, cách cụ thể ở đây theo quan
điểm cá nhân chủ quan của người viết là một Đức tin Kitô tinh tuyền, đúng nghĩa và chân
thực nhất.
Vâng! Bước nhảy đức tin là điều mà người viết cảm thấy tâm đắc nhất. Tâm đắc không
chỉ bởi cái tạm gọi là lợi ích mà nó mang lại như đã liệt kê bên trên, nhưng tâm đắc còn ở
cái sự liều lĩnh, một cuộc đánh cược nơi con người để có thể mang lấy được bước nhảy ấy,
được bước nhảy ấy chộp lấy, chiếm lấy và biến đổi, biến đổi cách tận căn. Hay nói theo
cách nói Hữu thể luận mà người viết đang được thụ giáo thì là một cuộc bỏ ngỏ, một sự mở
ra đón nhận, một cuộc “hoài hương”, hoài hương ở đây không phải là một cuộc quay lui
nhưng là một hành trình tiến tới, một cuộc thức tỉnh âm giai nền, một đòi buộc con người
phải ở trong tình trạng nhập cuộc, một tình trạng bị động trong sự chủ động, hầu đạt đến
mức độ hiện hữu trọn vẹn nhất của một kiếp người, một Dasein, một hữu thể bị quăng ném
vào thế giới, một hữu thể mãi mãi là một hữu thể chưa thành toàn, nhưng luôn trên đà tiến
tới sự trọn vẹn trong chính cái khiếm khuyết của nó, một hữu thể huyền nhiệm thẳm sâu và
khôn dò.

2
Quả thật, sự viên mãn của hiện hữu nằm trong đức tin và dường như chỉ trong đức tin
mà thôi thông qua đời sống tôn giáo, tức đời sống của người hiệp sĩ đức tin, là một cái gì
vượt xa trên đời sống đạo hạnh và cũng vì thế mà vượt xa trên những phạm trù của luân lý
và lý trí. Người viết thiết nghĩ những ai bước vào trong lãnh vực đức tin có lẽ phần nào đó
phải bỏ lại sau mình mọi hy vọng của con người. Hay nói cách khác là hy vọng chống lại
mọi hy vọng vì tin. Nơi con người của đức tin, điều tiên quyết thiết tưởng là cần phải treo lơ
lửng lãnh vực lý trí. Đức tin giả thiết một vận chuyển được thành tựu nhờ vào cái mà chúng
ta tạm gọi là sự phi lý, nghĩa là sự từ khước tất cả mọi an toàn tri thức và đạo đức đã bảo
đảm cho con người. Thiết tưởng điều này cũng hoàn toàn phù hợp với tinh thần công trình
dở dang hữu thể học khi luôn khuyến khích gỡ bỏ để kiến thiết, để tìm về cái cội nguồn
nhất, tinh tuyền nhất mà không bị những thành kiến, tiên kiến làm cho lệch lạc và phiến
diện để được chính những điều cội nguồn, tinh tuyền ấy biến đổi và mang lại chính mình
cho chính mình.
Có lẽ do là một Kitô hữu, lại là một chủng sinh nên người viết thiết tưởng điều tâm đắc
trên dường như đã ăn sâu vào trong con người mình cùng với những ưu tư, băn khoăn về
một cuộc làm người sao cho trọn vẹn.
Tuy nhiên, không chỉ dừng lại ở đó, không chỉ chấp nhận ở lại trong cái giới hạn đó,
nhưng dường như lần đọc lại tiểu luận này của mình, người viết cảm thấy trong mình được
đón nhận những điều mới mẻ khác, mà cách cụ thể ở đây chính là sự nảy sinh một điều tâm
đắc mới. Bước nhảy đức tin đã là một điều tâm đắc có lẽ không cần chối bỏ, nhưng đọc lại,
nhìn lại, ngẫm lại, người viết cảm thấy để có được cái hay ho bước nhảy đức tin ấy, thiết
tưởng cần phải có một cái gì đó làm nền, sâu sắc hơn, cội nguồn hơn để từ cái nền ấy, nảy
sinh điều tâm đắc và thâm thúy ấy: điều mà là cội nguồn ấy người viết nhận thấy, mà có lẽ
ko phải là nhận thấy, mà là một sự lóe lên, vụt sáng, một ánh chớp được chiếu soi vào tâm
hồn người viết, đó chính là đời sống đạo hạnh và hy sinh của chính vị triết gia đáng kính
Kierkegaard.
Chắc có lẽ đây mới là điều tâm đắc đầu tiên và nền tảng, vì nghĩ lại, người viết nhận
thấy mình đã có cảm tình với vị triết gia Đan Mạch này ngay từ cái nhìn đầu tiên, từ những
phút ban mai của cuộc tiếp xúc, để rồi điều tâm đắc Bước nhảy đức tin như một hệ quả đến
sau của cái nền tảng này. Quả đúng như tinh thần hữu thể học, dường như mỗi lần đọc lại là
một lần có một cái gì đó được vén mở, được trao tặng cách mới mẻ, lạ lùng mà người viết
không thể biết trước được. Đây dường như là một món quà mà chính bản văn trao tặng cho
người viết chứ không phải người viết chủ động suy nghĩ và kiến tạo nên. Đây có thể nói là
một điều kỳ diệu nơi bản văn, một tâm huyết thực sự được người viết cưu mang trong nỗi
niềm ưu tư của chính mình cũng giống như của vị triết gia Kierkegaard. Tâm tình ấy có lẽ
cũng đã nảy sinh nơi những con người thực sự có tâm huyết, có nỗi đau, nỗi day dứt và
đồng hành cùng với cái mà chúng ta gọi là triết học hay thao tác triết lý.
Quả đúng như vậy, đời sống đạo hạnh và hy sinh của Kierkegaard, một chứng nhân của
chân lý, chứng nhân của Giáo hội và dân tộc Đan Mạch, một Socrates mới, một con người

3
dám hy sinh tính mạng để kêu gọi sự chú ý của một thời đại đã bị chủ nghĩa duy lý bao trùm
và thống trị, một con người từ bỏ hạnh phúc cá nhân để cống hiến trọn vẹn cho chính con
người là điều mà người viết cảm phục và mộ mến. Qua đó, trong chừng mực có thể của
những giới hạn và khiếm khuyết, người viết cũng dự phóng những dự phóng có thể gọi là
lớn lao đối với chính mình trong tương lai để nhìn vào Kierkegaard như một lực đẩy phần
nào đó cho tiến trình trao tặng những món quà mà mình đảm nhận, được trao tặng bởi Siêu
Việt để công cuộc hiện hữu của mình cách nào đó mang lại hoa trái và ích lợi cho tha nhân
trong chừng mực nào đó mà không để hoen gỉ đi những “nén bạc” mà Siêu Việt trao ban và
ký thác.
Với những suy tư mới như trên, người viết giả như được phép làm lại thì thiết nghĩ sẽ
có một số chỉnh sửa cho phần dàn bài để có được một nội dung có thể gọi là sâu sắc và bao
quát hơn, đồng thời tạo nên được một giá trị có thể gọi là thực tiễn hơn cho bài tiểu luận,
cách nào đó mang đến một làn gió mới với những chỉnh sửa mới, kiến thiết mới.
Cách cụ thể thì người viết sẽ thêm phần so sánh giữa những nỗi ưu tư khắc khoải về
hiện sinh con người, về hiện hữu tròn đầy của triết gia Kierkegaard với nỗi ưu tư làm sao để
sống trọn vẹn làm người của Thánh Augustino hay những ưu tư về thân phận con người,
con đường nhập cuộc thao tác triết lý để trở về với phương thức hiện hữu chân thực của
Heidegger để cùng các triết gia này cảm nhận sâu sắc và toàn diện hơn nữa về chính những
điều thẳm sâu nhất của con người, hầu mong có thể được biến đổi và hoán cải, được đưa
dẫn tới những chân trời mới, được tỏ lộ những điều thầm kín sâu xa mới, được lấp đầy
những nỗi khắc khoải và cuối cùng được nhận lại chính mình cách tròn đầy và trọn vẹn nhất
của một con người đúng nghĩa.
Nói tóm lại, qua bộ môn Hữu thể học, dường như người viết cảm thấy thực sự bị đảo
lộn, bị phá đổ, bị lôi đi trong lối nẻo mới, một lối nẻo thoạt đầu xem ra có vẻ khó chịu và vô
lý nhưng càng tiến vào, càng thấy cái hữu lý trong cái tưởng như vô lý, cái gật đầu trong cái
tưởng như khó chịu, cái vô hạn trong cái giới hạn, cái tích cực trong cái tưởng như là khiếm
khuyết, cái làm cho mình được biến đổi và có cái nhìn mới và sâu sắc hơn về những gì trước
đây mình lãnh hội và tiếp thu qua các kênh khác nhau, từ thụ vấn với các cha giáo, từ sách
vở tự tích lũy, qua các kênh thông tin đại chúng như internet, báo chí, truyền hình ... Tất cả
những điều đó dường như qua lăng kính Hữu thể học được mặc lấy một cuộc hoán cải và trở
về, một cuộc “hoài hương”. Thiết tưởng những điều này là vô cùng cần thiết cho bất cứ ai,
bất cứ người nào muốn làm thao tác triết học mà kỳ thực ai sinh ra cũng đã là một triết gia
rồi. Và điều này còn cần thiết hơn nữa cho người viết, nếu Chúa muốn thì sẽ là một linh
mục tương lai có trách nhiệm chăn dắt và chỉ lối cho những anh em đồng loại của mình
trong một mối tương quan siêu việt cũng như nhân loại kề cận.
Cuối cùng, xin tôn vinh Siêu Việt đã ban siêu việt cho con người để con người có được
những siêu việt hầu hướng về Siêu Việt trong một cách thức cũng siêu việt!

You might also like