You are on page 1of 258

GIỚI THIỆU HỌC PHẦN

DƯỢC LÝ II
Đối tượng: Cao đẳng Dược

- Mã số học phần: DLY322


- Số tín chỉ: 3 (2/1)
- Phân bố thời gian:
- Lên lớp : 60 tiết
+ Lý thuyết: 30 tiết (2 tiết / tuần)
- Hướng dẫn và thảo luận nhóm: 22 tiết
- Seminar: 08 tiết
- Tự học: 60 giờ
+ Thực hành: 30 tiết
- Tự học: 15 giờ

MỤC TIÊU HỌC PHẦN


1. Phân loại và kể tên được các thuốc trong nhóm (thuốc tác dụng trên hệ tim
mạch, thuốc lợi tiểu, thuốc tác dụng trên hệ hô hấp, thuốc tác dụng trên hệ tiêu hóa,
Hormon và các thuốc kháng Hormon, các thuốc hóa trị liệu)
2. Phân tích và so sánh được tác dụng, cơ chế tác dụng, tác dụng không mong
muốn (ADR), chỉ định, chống chỉ định, cách dùng, liều dùng của một số thuốc thông
thường.
3. Nhận diện được các thuốc thông dụng về tên biệt dược, tên quốc tế, nồng độ,
hàm lượng, quy cách đóng gói, dạng bào chế
4. Hướng dẫn sử dụng được các thuốc thông dụng đảm bảo an toàn, hiệu quả,
hợp lý, kinh tế.
5. Rèn luyện được kỹ năng đọc, nghiên cứu tài liệu, thuyết trình, phân tích vấn
đề và kỹ năng làm việc nhóm
6. Trung thực, khách quan, có tinh thần học tập vươn lên;
7. Thận trọng, tỷ mỉ, chính xác trong quá trình nhận thức và hướng dẫn sử
dụng thuốc cho người bệnh

NỘI DUNG HỌC PHẦN

STT Nội dung Trang


PHẦN LÝ THUYẾT
Chương 1 Thuốc tác động trên tim mạch 3
- Thuốc điều trị suy tim. 3
- Thuốc điều trị loạn nhịp tim. 14
- Thuốc chống cơn đau thắt ngực. 26
- Thuốc điều trị nhồi máu cơ tim. 38
- Thuốc điều trị tăng huyết áp. 44
Chương 2 Thuốc lợi tiểu 65
Chương 3 Thuốc chống dị ứng 75

1
Chương 4 Thuốc tác dụng trên hệ hô hấp 83
Chương 5 Thuốc tác dụng trên hệ tiêu hoá 101
Chương 6 Hormon và các thuốc kháng Hormon 119
Chương 7 Hóa trị liệu 154
PHẦN THỰC HÀNH
1 Thuốc tác dụng trên tim mạch 195
2 Thuốc lợi tiểu 211
3 Thuốc tác dụng trên hệ hô hấp 219
4 Thuốc tác dụng trên hệ tiêu hoá 225
5 Hormon và các thuốc kháng Hormon 235
6 Hóa trị liệu 246
258
Tổng số

2
Chương 1
THUỐC TÁC DỤNG TRÊN HỆ TIM MẠCH
BÀI 1
THUỐC ĐIỀU TRỊ SUY TIM
MỤC TIÊU
1. Phân loại được các nhóm thuốc điều trị suy tim
2. Trình bày được tác dụng, cơ chế tác dụng, tác dụng không mong muốn, chỉ
định, chống chỉ định, tương tác, liều dùng và một số chế phẩm của các glycosid trợ tim
được đề cập đến trong bài.
3. Phân tích được đặc điểm dược động học có liên quan đến cách sử dụng
thuốc glycosid trợ tim.
4. Trình bày được sự khác nhau về tác dụng, cơ chế tác dụng, chỉ định giữa hai
nhóm thuốc trợ tim loại glycosid và thuốc làm tăng AMPv.

I. ĐẠI CƯƠNG
1.Khái niệm
Suy tim là trạng thái bệnh lý, trong đó cung lượng tim không đủ để đáp ứng nhu
cầu oxy cho cơ thể trong các trạng thái sinh hoạt của người bệnh.
2. Các loại suy tim
Có nhiều cách phân loại suy tim khác nhau dựa vào:
Cung lượng tim
- Suy tim cung lượng thấp: hoạt động của tim bị suy giảm nên mặc dù nhu cầu
chuyển hóa của cơ thể bình thường, tim vẫn không đáp ứng được, ví dụ như suy tim do
các bệnh của cơ tim, van tim, nhịp tim, suy tim do tăng huyết áp…
- Suy tim cung lượng cao: hoạt động của tim có thể bình thường nhưng do nhu
cầu chuyển hóa của cơ thể tăng nên dù có tăng lưu lượng tim thì tim cũng không đáp
ứng được, ví dụ như suy tim do cường tuyến giáp, suy tim do thiếu máu nặng, thiếu
Vitamin B1…
Vị trí
- Suy tim trái: khi tim bên trái bị suy thì việc bơm máu từ thất trái vào tuần hoàn
ngoại vi giảm, máu ứ lại tâm thất trái dẫn đến ứ ngược trở lại ở tâm nhĩ trái và ứ ở
phổi, gây phù phổi. Nguyên nhân hay gặp nhất của suy tim trái là do tăng huyết áp
động mạch.
- Suy tim phải: Khi tim bên phải bị suy, tâm thất phải không thể bơm máu vào
phổi nên máu lưu lại ở thất phải và trở lại tĩnh mạch ngoại vi gây phù toàn thân.
Nguyên nhân thường gặp của suy tim phải là do bệnh tâm - phế mạn tính.
- Suy tim toàn bộ: suy tim trái hoặc phải rồi cũng sẽ dẫn đến suy tim toàn bộ nếu
không được phát hiện và chữa trị kịp thời.
Tiến triển
- Suy tim cấp tính
- Suy tim mạn tính

3
3. Cơ chế bệnh sinh của suy tim
Một trong những thông số biểu hiện hoạt động của tim là cung lượng tim. Cung
lượng tim phụ thuộc vào 4 yếu tố là tiền gánh, hậu gánh, sức co bóp và tần số của tim:
Sức co bóp cơ tim

Cung lượng tim


Tiền gánh Hậu gánh

Tần số tim

- Khi hoạt động của tim bị giảm, cung lượng tim bị giảm theo, khi đó cơ thể sẽ
phản ứng lại bằng cơ chế bù trừ như:
+ Tại tim: hệ thần kinh giao cảm tại tim được kích thích, gây tăng sức co bóp cơ
tim, tăng tần số tim, giãn tâm thất, phì đại tâm thất nhằm làm tăng cung lượng tim.
+ Các hệ thống ngoài tim: tăng hoạt tính của hệ giao cảm ngoại biên, hệ Renin -
Angiotensin - Aldosteron (RAA), tăng giải phóng arginin - vasopressin, để cố duy trì
cung lượng tim này.
Khi các cơ chế bù trừ này bị vượt quá, tim sẽ suy với nhiều hậu quả
- Các thuốc điều trị suy tim là những thuốc làm tăng cung lượng tim bằng cách
tác động vào các yếu tố ảnh hưởng tới cung lượng tim ở trên. Cụ thể:
+ Tăng sức co bóp cơ tim: các chế phẩm của digitalis
+ Giảm tiền gánh và hậu gánh: thuốc giãn mạch
+ Giảm ứ muối, ứ nước: thuốc lợi niệu (trình bày ở Chương 2)
+ Giảm hậu gánh và giảm ứ muối, ứ nước: thuốc ức chế enzym chuyển dạng
angiotesin (Angiotensin Converting Enzym - ACE).
II. THUỐC ĐIỀU TRỊ SUY TIM
1. Glycosid trợ tim
1.1. Đặc điểm chung
Các glycosid trợ tim đều có nguồn gốc từ thực vật: Dương địa hoàng, sừng dê,
hành biển, thông thiên, trúc đào…
Cấu trúc của các glycosid trợ tim
gồm 2 phần chính:
- Aglycon (genin): có tác dụng chủ
yếu trên tim. Tất cả các phần genin của
glycosid trợ tim giống nhau ở chỗ đều
chứa nhân steroid (10,13 - dimethyl
cyclopentanoperhydrophenantren) mang
vòng lacton 5 cạnh hoặc 6 cạnh không
bão hòa. Phần khác nhau là ở số lượng
nhóm - OH có mặt trong aglycon của mỗi
glycosid trợ tim. Số lượng nhóm - OH này quyết định tính hòa tan trong lipid, do đó
ảnh hưởng tới dược động học của thuốc.
- Phần đường (glucose, rhamnose, galactose…) không có tác dụng trực tiếp trên
tim.
1.2. Glycosid trợ tim loại digitalis
Gồm: digitoxin (digitalin), digoxin …..

4
Nguồn gốc
Các glycosid trợ tim trên được chiết xuất từ cây Dương địa hoàng (Digitalis
purpurea, D.lanata Ehrh., họ Scrophulariaceae)
Dược động học
- Hấp thu: các glycosid có sự hấp thu khác nhau qua đường tiêu hóa tuỳ thuộc
tính tan trong lipid của thuốc: digitoxin tan nhiều trong lipid (do trong cấu trúc phần
genin chỉ có 1 nhóm - OH tự do) nên hấp thu tốt qua đường uống (>90%). Thuốc được
hấp thu ngay sau khi uống và kéo dài sau 2 giờ. Digoxin tan vừa phải (do trong cấu
trúc phần genin có 2 nhóm - OH tự do) nên hấp thu kém hơn (khoảng 60-75%).
- Phân bố: thuốc gắn vào protein huyết tương (Pht) tuỳ thuộc vào mức độ tan
trong lipid của các glycosid trợ tim. Digitoxin gắn vào protein huyết tương 90%,
digoxin gắn khoảng 25-50%; song sự gắn kết này không bền vững, nên thuốc dễ giải
phóng ra dạng tự do.
Các glycosid trợ tim tập trung nhiều trong các mô: thận, tim, gan, phổi với nồng
độ cao hơn trong máu. Trong cơ tim, nồng độ digitoxin cao gấp 3 - 5 lần so với trong
máu, digoxin có thể gấp tới 25 lần. Nồng độ này càng tăng khi K+ máu giảm và ngược
lại. Các glycosid này qua được rau thai.
- Chuyển hóa: thuốc được chuyển hóa thành những chất ít hoặc không có hoạt
tính. Digitoxin chuyển hóa hoàn toàn ở gan; digoxin 5-10%. Con đường chuyển hóa
chính là thuỷ phân mất dần phần đường và giải phóng genin, hydroxyl hóa ở microsom
gan, liên hợp với acid glucuronic và sulfuric.
- Thải trừ: theo 2 đường chính:
+ Qua thận: Các glycosid này được lọc qua cầu thận, tới ống thận digitoxin được
tái hấp thu một phần. Digoxin thải trừ gần hoàn toàn. Sự thải trừ của glycosid không
phụ thuộc vào pH nước tiểu.
+ Qua mật: khi qua ruột, digitoxin và digoxin đều được tái hấp thu theo chu kỳ
ruột - gan.
Do đó, suy gan, suy thận gây tích luỹ thuốc, làm tăng độc tính của thuốc.
- Nhìn tổng quát về dược động học của glycosid loại digitalis thấy rằng đây là những
thuốc có tích luỹ trong cơ thể do:
+ Tác dụng kéo dài vì liên kết tương đối bền với những mô mà thuốc có ái lực
cao như thận, tim, gan, phổi.
+ Thuốc có chu kỳ ruột - gan nên có sự tái hấp thu thuốc.
+ Nồng độ các chất điện giải: Ca++ máu cao, K+ máu hạ làm thuốc gắn nhiều vào
cơ tim hơn.
Để hạn chế tích luỹ thuốc, nên dùng ngắt quãng (điều trị từng đợt), muốn chuyển
đổi thuốc khác phải nghỉ ít nhất từ 3 - 5 ngày.
Hơn nữa, các glycosid trợ tim là những thuốc trước đây xếp vào thuốc độc bảng
A, có chỉ số điều trị thấp nên dùng liều nhỏ, theo đường uống. Ngày nay, trong điều trị
người ta thường bắt đầu bằng liều thấp (tương đương với liều duy trì) để hạn chế độc
tính của thuốc. Nồng độ glycosid trong huyết tương 1,8 - 2g/lít được coi là nồng độ
có hiệu lực điều trị. Nếu quá có thể gây ngộ độc (xem Bảng 1.1).
Đặc điểm Digitoxin Digoxin
Số - OH gắn vào genin 1 2
Mức độ tan trong lipid +++ +
Hấp thu qua đường tiêu hóa >90% 60-75%
Gắn vào protein huyết tương 90% 50%
Nồng độ đỉnh trong huyết tương 1-2h 90 phút
Chuyển hóa ở gan > 90% 10%

5
Tái hấp thu ở ruột ++ +
Tái hấp thu ở thận ++ +
Thải trừ qua nước tiểu 70% 85%
Thải trừ qua phân 30% 15%
Tỉ lệ mất hoạt tính trong ngày 7% 18-20%
Thời gian tác dụng 2-3 ngày 12-24h
Thời gian bán thải 110h 36-48h
Lưu lại trong cơ thể 2-4 tuần 1 tuần

Bảng 1.1. Một số thông số dược động học của digitoxin và digoxin

Tác dụng và cơ chế


- Trên tim: đây là tác dụng chủ yếu. Các glycosid trợ tim làm tim đập mạnh,
chậm và đều. Cụ thể: thuốc làm tâm thu mạnh và ngắn, tâm trương dài ra, nhịp tim
chậm lại nên tim được nghỉ nhiều hơn, cung lượng tim tăng và nhu cầu oxy của cơ tim
giảm, do đó cải thiện được tình trạng suy tim.
- Các tác dụng khác:
+ Trên thận: thuốc ức chế Na+ - K+ ATPase ở màng tế bào ống thận, tăng thải
muối, nước gây lợi tiểu và do thuốc làm tăng cung lượng tim nên máu qua thận tăng,
tăng sức lọc cầu thận cũng gây lợi niệu.
+ Trên cơ trơn: liều cao tăng co bóp cơ trơn dạ dày, ruột nên có thể gây nôn, đi
lỏng. Co thắt khí, phế quản, tử cung (có thể gây sẩy thai).
+ Trên thần kinh trung ương: kích thích trung tâm nôn ở sàn não thất IV.
Chỉ định
- Suy tim cung lượng thấp
- Loạn nhịp tim: rung nhĩ, cuồng động nhĩ.
Tác dụng không mong muốn
- Thuốc có thể gây rối loạn nhịp tim: nhịp tim chậm thêm, blốc xoang nhĩ, blốc
nhĩ - thất, nặng có thể gây xoắn đỉnh, rung thất, ngừng tim. Biến đổi trên điện tâm đồ:
PQ kéo dài, QT ngắn lại, ST hạ thấp và chếch, xuất hiện ngoại tâm thu.
- Rối loạn tiêu hóa: buồn nôn, nôn, tiêu chảy
- Có thể gặp: rối loạn thị giác, rối loạn thần kinh trung ương (ảo giác, lẫn, mất
định hướng).
Chống chỉ định
- Nhịp tim chậm dưới 70 lần/phút
- Rối loạn nhịp tim thất: nhịp nhanh nhất, rung thất; blốc nhĩ - thất độ 2,3; ngoại
tâm thu thất.
- Viêm cơ tim cấp do bạch cầu, thương hàn ...
- Thận trọng trong trường hợp Ca++ máu cao, K+ máu thấp
Tương tác thuốc
- Các thuốc làm tăng tác dụng và tăng độc tính của digitoxin và digoxin:
+ Các thuốc làm tăng nồng độ digitoxin và digoxin trong huyết tương:
Do làm giảm độ thanh thải: verapamil, diltiazem, amiodaron, đặc biệt là quinidin.
Do kìm hãm cytocrom P450 tại gan như: erythromycin, tetracyclin.
+ Các thuốc làm giảm K+ máu: thuốc lợi tiểu giảm K+ máu, glucocorticoid,
insulin…
+ Các thuốc làm tăng loạn nhịp tim: thuốc kích thích  - adrenergic,
succinylcholin.

6
- Các thuốc làm giảm hấp thu digitoxin và digoxin: cholestyramin, neomycin,
kaolin-pectin, antacid, sulfasalazin…
Chế phẩm và liều dùng
Chế phẩm:
- Digitoxin: viên nén 0,05; 0,1; 0,15; 0,2mg. Ống 0,1mg/mL
- Digoxin (Lanoxin): viên nén 0,125; 0,25; 0,5mg. Viên nang 0,05; 0,1; 0,2mg.
Cồn thuốc 0,05mg/mL; ống 1mL chứa 0,1; 0,25; 0,5mg.
- Digitalin: viên nén 0,1mg, cồn thuốc 1/1000: 1 giọt chứa 1mg digitalin.
Liều dùng: Liều tấn công: digitoxin 1,5 - 2g/kg/ngày. Digoxin 3 - 5g/kg/ngày.
Liều duy trì: 0,125 - 0,375mg/ngày
1.3. Các glycosid trợ tim loại strophantus
Gồm G. strophantin (uabain) và K.strophantin
Nguồn gốc
G.strophantin được chiết từ hạt cây Strophantus gratus.
K.strophantin được chiết từ hạt cây Strophantus kombe, họ Apocynaceae
Dược động học
Do trong phần genin của các glycosid trợ tim này có 5 nhóm - OH nên thuốc hầu
như không tan trong lipid, không hấp thu qua đường tiêu hóa. Trong máu không liên
kết với protein huyết tương và không có chu kỳ ruột - gan nên không tích luỹ. Thuốc
xuất hiện tác dụng nhanh 5 - 10 phút sau tiêm tĩnh mạch. Tác dụng mạnh nhất khoảng
1 giờ sau tiêm. Không chuyển hóa ở gan. Thải trừ nhanh qua thận dưới dạng còn hoạt
tính và không tái hấp thu, thời gian bán thải khoảng 6 giờ.
Tác dụng
- Làm tim co bóp mạnh và đều theo cơ chế tương tự glycosid trợ tim loại
digitalis. Thuốc ít tác dụng trên dẫn truyền nội tại cơ tim nên có thể dùng khi nhịp tim
chậm.
- Thuốc còn có tác dụng lợi niệu.
Chỉ định
- Thay thế các glycosid trợ tim loại digitalis khi bệnh nhân không chịu thuốc
hoặc kém hiệu quả.
- Cấp cưú suy tim cấp vì thuốc tác dụng nhanh
Tác dụng không mong muốn
Nôn, tiêu chảy, rung thất
Chế phẩm và liều dùng
Uabain ống 0,25mg/mL, tiêm tĩnh mạch 1-4 ống/ngày
K.Strophantin dung dịch 0,05% tiêm tĩnh mạch. Tối đa 0,5mg/lần, 1mg/24h
2. Thuốc làm tăng co bóp cơ tim do tăng AMPv
2.1. Tác dụng chung
Các thuốc làm tăng biên độ co bóp cơ tim và rút ngắn thời gian co bóp nên có tác
dụng tốt trong điều trị sốc, nhưng không cải thiện được tình trạng suy tim như glycosid
trợ tim vì glycosid trợ tim cũng làm tăng biên độ co bóp cơ tim, nhưng tốc độ co bóp
tăng vừa phải, thời gian co bóp kéo dài do vậy cải thiện được tình trạng suy tim.
2.2. Cơ chế tác dụng chung
Các thuốc này làm tăng AMP v ở màng tế bào cơ tim, do vậy hoạt hóa
proteinkinase phụ thuộc AMPv, khi các proteinkinase được hoạt hóa, nó sẽ giúp cho
quá trình phosphoryl hóa kênh Ca++ mạnh hơn dẫn tới Ca++ vào trong tế bào làm tăng
co bóp cơ tim.
ATP Isoprenalin
Dopamin
Adenylcyclase (+) Cường 
Dobutamin
(AC)
7
Các proteinkinase 3', 5' - AMP Xanthin
(-)
Phosphodiesterase Amiodaron
Theo sơ đồ trên các thuốc làm tăng AMP v bằng cách:
- Hoạt hóa enzym adenylcyclase (AC) để tăng tổng hợp AMP v: Các thuốc cường
 - adrenergic, như isoprenalin, dobutamin, dopamin.
- Ức chế phossphodiesterase - enzym giáng hóa AMPv: xanthin, amrinon…
2.3. Các thuốc cường  - adrenergic
2.3.1. Isoproterenol (d, l -  [3, 4 dihydroxyphenyl] -  - isopropylaminoethanol)
Tác dụng
Thuốc kích thích không chọn lọc trên  - adrenergic
- Cường  1 - adrenergic: làm tim đập nhanh, mạnh, tăng tính dẫn truyền và tính
chịu kích thích, lưu lượng tim tăng, huyết áp tối đa tăng, tăng nhu cầu oxy.
- Cường  2 - adrenergic: giãn mạch, giảm sức cản ngoại biên nên giảm hậu gánh.
Do vậy huyết áp tối thiểu giảm. Thuốc có tác dụng giãn phế quản.
Do lưu lượng của tim tăng và giãn mạch nên các vùng tạng chịu ảnh hưởng của
sốc được tưới máu, nên được dùng điều trị tốt trong suy tim do sốc.
- Làm tăng glucose máu, tăng huỷ lipid, do đó sinh năng lượng
Chỉ định
- Suy tim do sốc
- Sốc có hạ huyết áp
- Ngừng tim: kết hợp với xoa bóp tim ngoài lồng ngực, máy kích thích tạo nhịp
tim.
- Blốc nhĩ thất, hen phế quản
Tác dụng không mong muốn
Hạ huyết áp, loạn nhịp tim, nhồi máu cơ tim
Chống chỉ định
Không dùng cùng thuốc mê như fluothan, cyclopropan để hạn chế tăng độc tính
trên tim, mạch và huyết áp.
Chế phẩm và liều dùng
- Isuprel (isoprenalin hydroclorid): ống 0,2mg/1mL
- Aleudrin (isoprenalin sulfat): ống 0,2mg/1mL.
Truyền tĩnh mạch 2- 6 ống trong 250 - 500ml glucose 5%. Ngừng tim: tiêm 2
ống vào tim.
2.3.2. Dobutamin
Tác dụng
Chọn lọc trên 1 - adrenergic
- Trên tim: tăng co bóp cơ tim, tăng lưu lượng tim, tăng nhịp tim vừa phải, do
vậy làm tăng ít nhu cầu sử dụng oxy của cơ tim.

8
- Mạch: làm giảm nhẹ sức cản ngoại vi và giãn hệ động mạch phổi nên giảm hậu
gánh.
Chỉ định
- Suy tim cấp và mãn tính. Dùng từng đợt dobutamin 2 - 4 ngày. Nếu dùng kéo
dài phải theo dõi chặt chẽ các tác dụng không mong muốn, không nên vượt quá liều
10g/kg/phút.
- Sốc tim (sau mổ tim với tuần hoàn ngoài cơ thể).
Tác dụng không mong muốn
Dị ứng, nhức đầu, khó thở, buồn nôn, đau ngực, hồi hộp, có thể có nhịp tim
nhanh, ngoại tâm thu thất, huyết áp tăng…
Chống chỉ định
Mẫn cảm với thuốc
Thận trọng trong rung nhĩ, cuồng nhĩ.
Chế phẩm và liều dùng
Dobutrex, lọ 250mg/20mL; ống bột đông khô 250mg, pha trong dung dịch
glucose 5% hoặc NaCl 0,9%, truyền tĩnh mạch 2-10g/kg/phút, tuỳ tình trạng bệnh,
không pha thuốc trong dung dịch kiềm.
2.3.3. Dopamin
Tác dụng
Do chuyển hóa và thải trừ nhanh nên thuốc chỉ dùng theo đường truyền tĩnh
mạch. Tác dụng của thuốc tuỳ thuộc vào liều.
- Liều thấp 1-3g/kg/phút: kích thích receptor dopamin trên thận làm tăng lưu
lượng thận gây lợi niệu (do giãn mạch thận và mạch mạc treo).
- Liều 2-5g/kg/phút kích thích 1 - adrenergic của tim gây các tác dụng tương tự
như tác dụng của dobutamin.
- Liều 5-10g/kg/phút: kích thích receptor - adrenergic ngoại biên gây co mạch,
làm tăng sức cản ngoại biên và tăng áp lực phổi làm tăng cung lượng tim.
Chỉ định
Suy tim kèm hạ huyết áp
Tác dụng không mong muốn
Liều cao làm nhịp tim nhanh nhiều, buồn nôn, nôn, đau thắt ngực
Chống chỉ định
Nhịp nhanh thất, ngoại tâm thu thất
U tế bào ưa crom
Chế phẩm và liều dùng
Ống 40mg/5mL, pha trong dung dịch glucose 5% hoặc NaCl 0,9%. Không pha
thuốc trong dung dịch kiềm. Truyền tĩnh mạch 5-10g/kg/phút.
2.4. Các thuốc phong tỏa phosphodiesterase
Gồm: amrinon, milrinon, enoxinon
Dược động học
- Liên kết với protein huyết tương: amrinon 10-22%, milrinon 70%, enoximon
95%.
- Thời gian bán thải: amrinon khoảng 3,6 giờ, enoxinon 4,2-6,2 giờ
- Thải trừ chủ yếu qua thận, một phần dưới dạng chuyển hóa
Tác dụng
- Tăng co bóp cơ tim, tăng cung lượng tim
- Giãn mạch dẫn đến giảm tiền gánh và hậu gánh.
Chỉ định
- Suy tim cấp
9
- Điều trị đợt ngắn ngày ở bệnh nhân suy tim mạn.
Tác dụng không mong muốn
- Rối loạn nhịp nhĩ hay thất
- Có thể tổn thương gan.
- Sốt, nhức đầu, rối loạn tiêu hóa, giảm vị giác và khứu giác.
- Giảm tiểu cầu (nếu dùng kéo dài)
Chống chỉ định
Mẫn cảm với thuốc
Suy thận nặng.
Các bệnh gây hẹp khít van tim
Chế phẩm và liều dùng
Amrinon (Innocor) ống 100mg. Truyền tĩnh mạch 5-10g/kg/phút
Milrinon (Cotrope) ống 10mg. Truyền tĩnh mạch 0,37-0,75g/kg/phút
Enoximon (Perfane) ống 10mg. Truyền tĩnh mạch 5-20g/kg/phút
Các thuốc trên chỉ pha với NaCl 0,9%, không pha với glucose và các thuốc khác.
Không để lạnh để tránh kết tủa.
3. Các thuốc điều trị suy tim khác
3.1. Các thuốc lợi niệu. Gồm: các thuốc lợi niệu quai, lợi niệu thiazid và lợi niện giữ
kali, có tác dụng làm giảm ứ muối và nước. (Chi tiết về các thuốc này được trình bày ở
Chương 2. Thuốc lợi niệu).
3.2. Các thuốc giãn mạch trực tiếp
Gồm hydralazin, natrinitroprussiat làm giảm hậu gánh, nitroglycerin giảm tiền
gánh. (Chi tiết về các thuốc này được trình bày ở bài thuốc chống cơn đau thắt ngực).
3.3. Các thuốc ức chế men chuyển và chẹn receptor AT1 của angiotensinII
Có tác dụng làm giảm cả tiền gánh và hậu gánh, giảm sự phì đại cơ tim nên được
dùng điều trị suy tim mạn tính. (Chi tiết về các thuốc này được trình bày ở bài thuốc
điều trị tăng huyết áp).
3.4. Các thuốc chẹn  -adrenergic
Những năm gần đây, đã dùng một số thuốc chẹn  - adrenergic như: metoprolol,
atenolol, bisoprolol, carvedilol để điều trị suy tim. Các thuốc này cải thiện được tình
trạng suy tim mạn khi dùng liều thấp phối hợp với các thuốc kinh điển khác, như lợi
tiểu, glycosid loại digitalis, thuốc ức chế men chuyển.
Các thuốc trợ tim nên làm cho tim hoạt động tốt hơn, tăng cung lượng tim, giúp
cho cơ tim đã bị suy yếu co bóp dễ dàng hơn. Vì vậy, thường được dùng để điều trị
suy tim. (Chi tiết của các thuốc này xem thêm bài Thuốc lợi niệu và Thuốc điều trị
tăng huyết áp).

10
LƯỢNG GIÁ

I. Điền vào chỗ trống


1. Suy tim là trạng thái ……., trong đó cung lượng tim không đủ để đáp ứng nhu
cầu …… cho cơ thể trong các trạng thái sinh hoạt của người bệnh.
2. Các cách phân loại suy tim:
A. …………
B. …………..
C. ……………
3. Phân loại suy tim theo cung lượng tim
A………………
B………………..
4. Phân loại suy tim theo vị trí

A………………
B………………..
5. Phân loại suy tim theo sự tiến triển
A………………
B………………..
6. Cung lượng tim phụ thuộc vào 4 yếu tố
A………
B……….
C…………
D……………
7. Các cơ chế bù trừ tại tim
A………
B……….
C…………
D……………
8. Các cơ chế bù trừ ngoài tim
A………
B……….
C…………
D……………
9. Các glycosid trợ tim tập trung nhiều trong các mô: ………….. với nồng độ cao
hơn trong máu. Trong cơ tim, nồng độ digitoxin cao gấp ……… lần so với trong máu,
digoxin có thể gấp tới ………….. lần
10. Các Glycosid trợ tim thải trừ qua 2 con đường chính là:
A…………….
B…………….
11. Kể tên các Glycosid tim
A………
B……….
C…………
D……………
12. Cấu trúc của Glycosid tim gồm 2 phần chính là
A………
B……….

11
13. Số lượng nhóm …………… trong Phần Genin quyết định tính hòa tan trong
lipid, do đó ảnh hưởng tới dược động học của thuốc.
14. Phần đường (glucose, rhamnose, galactose…) ………… tác dụng trực tiếp trên tim.
15. Các glycosid trợ tim như digitoxin (digitalin), digoxin chiết xuất từ cây……….
16. Uabanin trợ tim được chiết xuất từ cây……….
17. Các glycosid có sự hấp thu khác nhau qua đường tiêu hóa tuỳ thuộc tính tan
trong …………. của thuốc.
18. Tác dụng của các Glycosid trên các cơ quan là
A. Trên tim………………………………………………………………………….
B. Trên thận ………………………………………………………………………
C. Trên thần kinh trung ương……………………………………………………….
D. Trên cơ trơn:……………………………………………………………………..
19. Tác dụng không mong muốn của Glycosid tim là:
A. Trên tim………………………………………………………..
B. Trên tiêu hóa…………………………………………………..
C. Trên thần kinh…………………………………………
20. Chỉ định của các Glycosid tim là
A. …………….
B. ………………….
21. Chống chỉ định của các Glycosid tim là
A……………….
B……………….
C………………..
D……………….
22. Do trong phần genin của các glycosid trợ tim loại Strophanthus có
………..nhóm - OH nên thuốc hầu như không tan trong lipid, không hấp thu qua
đường tiêu hóa.
23. Trong máu các glycosid trợ tim loại Strophanthus ….. liên kết với protein huyết
tương và ………….. chu kỳ ruột - gan nên ………………….
24. Các glycosid trợ tim loại Strophanthus xuất hiện tác dụng nhanh …………. sau
tiêm tĩnh mạch. Tác dụng mạnh nhất khoảng …………. sau tiêm
25. Các glycosid trợ tim loại Strophanthus …………. chuyển hóa ở gan. Thải trừ
nhanh qua ………..dưới dạng còn hoạt tính và không tái hấp thu, thời gian bán thải
khoảng …………..giờ.
26. Chỉ định của Isoproterenol là
A……………….
B……………….
C………………..
D……………….
27. Kể tên các nhóm thuốc điều trị suy tim
A……………….
B……………….
C………………..
D……………….
E…………………
F……………….
II. Chọn ý đúng nhất
1. Các nguyên nhân gây tích lũy Glycosid tim trong cơ thể là

12
A. Liên kết tương đối bền với những mô mà thuốc có ái lực cao; Thuốc có
chu kỳ ruột – gan; Nồng độ các chất điện giải: Ca++ máu cao, K+ máu hạ làm thuốc
gắn nhiều vào cơ tim hơn.
B. Liên kết tương kém bền với những mô mà thuốc có ái lực cao; Thuốc có
chu kỳ ruột – gan; Nồng độ các chất điện giải: Ca++ máu cao, K+ máu cao làm thuốc
gắn nhiều vào cơ tim hơn
C. Liên kết tương đối bền với những mô mà thuốc có ái lực cao; Thuốc có
chu kỳ ruột – gan; Nồng độ các chất điện giải: Ca++ máu hạ, K+ máu hạ làm thuốc gắn
nhiều vào cơ tim hơn
D. Liên kết tương đối bền với những mô mà thuốc có ái lực cao; Thuốc có
chu kỳ ruột – gan; Nồng độ các chất điện giải: Ca++ máu hạ, K+ máu cao làm thuốc
gắn nhiều vào cơ tim hơn
2. Để hạn chế tích luỹ thuốc, nên dùng ngắt quãng (điều trị từng đợt), muốn
chuyển đổi thuốc khác phải nghỉ ít nhất từ
A. 3 - 5 ngày
B. 1 - 2 ngày
C. 4 - 8 ngày
D. 3 - 10 ngày
3. Nồng độ glycosid trong huyết tương bao nhiêu được coi là nồng độ có hiệu
lực điều trị
A. 1,8 – 2 g/lít
B. 3 – 4 g/lít
C. 4 – 6 g/lít
D. 6 – 8 g/lít
4. Digitoxin có thể lưu lại trong cơ thể
A. 2-7 tuần
B. 2-4 tuần
C. 1 tuần
D. 8 tuần
5. Dogoxin có thể lưu lại trong cơ thể
A. 2-7 tuần
B. 2-4 tuần
C. 1 tuần
D.8 tuần
6. Thời gian tác dụng của Digitoxin là
A. 3-4 ngày
B. 2-3 ngày
C. 12-24h
D. 3-7 ngày
III. Trả lời các câu hỏi sau:
1. Trình bày định nghĩa và phân loại suy tim
2. Phân loại được các nhóm thuốc điều trị suy tim
3. Trình bày được tác dụng, cơ chế tác dụng, tác dụng không mong muốn, chỉ
định, chống chỉ định, tương tác, liều dùng và một số chế phẩm của các glycosid trợ
tim Digoxin, Digitoxin, Uanbain
4. Phân tích được đặc điểm dược động học có liên quan đến cách sử dụng thuốc
glycosid trợ tim.
5. Trình bày được sự khác nhau về tác dụng, cơ chế tác dụng, chỉ định giữa hai
nhóm thuốc trợ tim loại glycosid và thuốc làm tăng AMPv.

13
Bài 2
THUỐC ĐIỀU TRỊ RỐI LOẠN NHỊP TIM
MỤC TIÊU
1. Trình bày được cơ chế gây loạn nhịp tim và cơ chế tác dụng của thuốc điều trị
loạn nhịp tim.
2. Phân loại được các nhóm thuốc điều trị loạn nhịp tim theo cơ chế tác dụng
3. Trình bày được đặc điểm tác dụng, cơ chế tác dụng, tác dụng phụ, chỉ định,
chống chỉ định của các thuốc điều trị loạn nhịp tim được đề cập đến trong bài.

I. ĐẠI CƯƠNG
1. Khái niệm
Thuốc điều trị rối loạn nhịp tim là những thuốc có tác dụng điều hòa nhịp tim khi
nhịp tim bị rối loạn (chệch khỏi nhịp tim bình thường).
2. Sinh lý hoạt động tim
2.1. Điện thế hoạt động của tim
Điện thế hoạt động của một cơ tim được thể hiện ở hình dưới đây
R

P S T
Q

Điện tâm đồ bình thường


1 2
mv
+30
3
0

-60
4
-90

Ngoài tế bào Na+ K+ Ca++ Na+ K+ K+ Na+


Màng tế bào ATPase

Trong tế bào
Vận chuyển Vận chuyển
thụ động tích cực

Hình 2.1. Điện tâm đồ bình thường và một điện thế hoạt động của một cơ tim
2.2. Sự lan truyền xung động điện tim
Các xung động của hoạt động tim bình thường bắt đầu từ nút xoang. Sự lan
truyền xung động phụ thuộc vào hai yếu tố: độ lớn của dòng khử cực (thường là Na+)
và đường tiếp nối giữa các tế bào. Các tế bào cơ tim dài và mỏng, luôn luôn cặp đôi
với nhau qua khe protein tiếp nối dọc đặc hiệu. Trái lại, các khe tiếp nối ngang lại thưa
hơn nên các xung động lan truyền dọc tế bào cơ tim nhanh hơn lan truyền ngang 2-3
lần và dập tắt các lan truyền ngang. Sự dẫn truyền phụ theo hướng hay dẫn truyền dị
hướng không bị dập tắt có thể là yếu tố sinh một số loạn nhịp.

14
Điện tâm đồ gồm các sóng:
- PP: nhịp tim (tính tự động của nút xoang)
- PR: thời gian dẫn truyền nhĩ - thất
- QRS: thời gian dẫn truyền trong thất
- QT: độ dài điện thế hoạt động tâm thất
- T: sự tái cực thất
3. Cơ chế gây rối loạn nhịp tim
Có hai yếu tố chính sinh rối loạn nhịp tim: rối loạn tạo xung động và rối loạn
dẫn truyền xung động. Đôi khi rối loạn do phối hợp cả hai yếu tố trên.
3.1. Rối loạn tạo xung động
- Rối loạn tính tự động ở nút xoang và các cấu trúc sát dưới nút xoang gây loạn
nhịp chậm, nhịp xoang nhanh, ngoại tâm thu, nhịp đôi, nhịp ba…
Các thuốc hoặc các yếu tố như nhiễm độc các glycosid trợ tim loại digitalis,
catecholamin, atropin, thuốc lợi niệu giảm K+ máu, thiếu máu tại chỗ hay gây rối loạn
nhịp tim kiểu này.
- Theo Prinzmetal (1955), có thể còn do những ổ tự động dẫn nhịp bất thường
phóng ra các xung động với tốc độ khác nhau gây nên những rối loạn nhịp tim như:
cuồng động nhĩ, rung thớ nhĩ, rung thất.
3.2. Rối loạn dẫn truyền
- Hiện tượng tái nhập "re-entry": do bị tắc nghẽn một chiều dẫn truyền của một
hoặc nhiều vùng cơ tim làm cho các xung động sau khi phát ra lại trở lại điểm xuất
phát để gây xung động mới
- Hiện tượng nghẽn dẫn truyền hay "blốc nhĩ thất" do sự có mặt của tổ chức trước
sóng kích thích nên dẫn truyền xung động từ tâm nhĩ xuống tâm thất bị tắc nghẽn một
phần hoặc toàn bộ.
4. Cơ chế tác dụng chung của thuốc
Thuốc chỉ điều trị triệu chứng, ngăn ngừa hoặc ngắt cơn rối loạn nhịp tim do bất
kỳ nguyên nhân nào bằng cách:
- Làm giảm tính tự động của tim
- Hoặc tăng tính tự động (giảm độ dốc của pha 4), rút ngắn thời gian trơ
- Làm giảm tính dẫn truyền: chống lại hiện tượng tái nhập, ức chế trực tiếp trên
cơ tim.
5. Phân loại các loại thuốc
5.1. Theo tác dụng điều trị
- Thuốc có tác dụng trên rối loạn nhịp nhĩ: quinidin, amiodaron, thuốc ức chế -
adrenergic, verapamil.
- Thuốc có tác dụng trên rối loạn nhịp thất: procainamid, lidocain, aimalin…
- Thuốc có tác dụng trên rối loạn nhịp chậm: atropin
5.2. Theo cơ chế tác dụng
Tác dụng
Nhóm Thuốc
Trên pha 0 Dẫn truyền Tái cực
I. Chẹn kênh Na+
(và cả kênh K+):
IA Làm giảm Làm chậm Kéo dài -Quinidin,
(++) (++) procainamid,
disopyramin
IB Làm giảm Làm chậm Rút ngắn -Lidocain,
(+) (0 đến +) mexiletin,
phenytoin

15
IC Làm giảm Làm chậm rõ Ít ảnh hưởng -Eucainid,
(+++) (+++, +++) flecainid,
propafenon,
indecainid
II. Chẹn - Làm giảm Làm chậm Kéo dài -Propranolol,
adrenergic (++) (++) acebutolol,
esmolol
III. Ức chế kênh Làm chậm Kéo dài - Amiodaron,
K+ ra (+) bretylium,
sotalol
IV. Chẹn kênh Làm chậm - Verapamil,
++ Kéo dài
Ca (++, ++++) diltiazem
Bảng 2.1. Bảng phân loại của Arnsorf và Wassertrom - 1986
II. CÁC THUỐC ĐIỀU TRỊ LOẠN NHỊP TIM
1. Các thuốc nhóm IA
Gồm: quinidin, procainamid, disopyramid
1.1. Quinidin
Là đồng phân cùa quinin, chiết từ vỏ cây Canh kina - họ Rubiaceae
Tác dụng và cơ chế
- Tại tim: tác dụng trực tiếp, mạnh trên tế bào cơ tim
Tăng thời gian tái cực, giảm tính kích thích, tăng thời gian trơ. Giảm tốc độ dẫn
truyền. Làm giảm tính tự động do chủ yếu làm chậm kênh Na+. Liều cao làm giảm co
bóp nên giảm cung lượng tim, giãn mạch ngoại biên và hạ huyết áp.
Đối với loạn nhịp do "tái nhập": thuốc làm tăng tính trơ, giảm dẫn truyền nên
biến nghẽn một nhánh thành nghẽn hai nhánh và như vậy làm mất hiện tương "tái
nhập".
- Các tác dụng khác
Trên tiêu hóa: kích thích tiêu hóa, tăng nhu động ruột
Trên thần kinh thực vật: kháng muscarinic nên làm tăng nhịp xoang, tăng dẫn
truyền nhĩ - thất do đó nhịp tim nhanh nhưng hạ huyết áp do kháng  - adrenergic gây
giãn mạch.
Diệt ký sinh trùng sốt rét
Hạ sốt, giảm đau
Co thắt cơ trơn tử cung
Gây tê tại chỗ nhẹ
Chỉ định
- Tốt nhất trong rung nhĩ, cuồng động nhĩ
- Nhịp nhĩ nhanh
- Rối loạn nhịp khi xuất hiện ổ tạo nhịp tự phát
Tác dụng không mong muốn
- Trên tim: liều cao có thể gây:
+ Trụy mạch
+ Huyết khối do máu cục ra khỏi thành nhĩ đi vào tuần hoàn
- Xuất hiện rối loạn nhịp tim mới: phân li nhĩ thất, nghẽn nhánh, ngoại tâm thu,
nhịp xoang nhanh, ngừng tim, ngất xỉu.
- Ngoài tim:
+ Rối loạn tiêu hóa: buồn nôn, nôn, tiêu chảy
+ Liều cao gây ù tai, giảm thính giác, rối loạn thị giác, nhức đầu, lẫn, mê sảng,
rối loạn tâm thần.

16
+ Dị ứng (ít gặp): sốt, giảm tiểu cầu, viêm gan
Chống chỉ định
- Mẫn cảm với thuốc
- Nhĩ thất phân ly hoàn toàn
- Loạn nhịp thất mà trên điện tâm đồ có khoảng QT kéo dài rõ rệt, trường hợp
xoắn đỉnh.
Chế phẩm và liều dùng
Chế phẩm:
- Quinidin sulfat hoặc dihydroquinidin hydroclorid viên nén 0,2-0,3g; viên nang
0,3g (Quinaglute, Extentab); viên nén tác dụng kéo dài (Quinidex) 0,3g; ống tiêm 1mL
có 0,2g, 0,5g.
- Dihydroquinidin gluconat: viên nén tác dụng kéo dài (Duraquin) 324-330mg;
ống 3mL có 0,3g; ống 1mL có 80mg.
- Quinidin galacturonat: viên nén 275mg
Liều dùng:
Viên quinidin sulfat, dihydroquinidin hydroclorid đều tương đương với 165mg
quinidin base.
Ngày thứ nhất: uống 1 viên x 2 lần
Ngày thứ hai uống 1 viên x 4 lần
Ngày thứ 3 uống 1 viên x 5 lần
Có thể dùng tiếp tục 7 ngày, mỗi ngày 5 viên hoặc dùng liều duy trì 1-2
viên/ngày trong một tháng.
Tiêm bắp: liều trung bình 160-300mg/lần x 1 - 2 lần/ngày
Các loại thuốc có tác dụng kéo dài dùng điều trị củng cố 2-4 viên/ngày, chia 2 lần
1.2. Procainamid
Tác dụng và cơ chế
Trên tim: Tương tự như quinidin.
Chỉ định
Tương tự quinidin: chỉ định tốt trong ngoại tâm thu, rung thất (dùng sau sốc điện
để củng cố và ngăn ngừa cơn tiếp theo)
Tác dụng không mong muốn
- Trên tim: Tương tự như quinidin
- Ngoài tim:
+ Rối loạn tiêu hóa: ít gặp hơn quinidin
+ Dị ứng (hay gặp hơn): sốt, giảm bạch cầu hạt, hội chứng tương tự như lupus
ban đỏ (mệt mỏi, đau cơ, đau khớp, sốt, viêm màng ngoài tim).
+ Viêm gan
+ Rối loạn tâm thần, ảo giác.
Chống chỉ định
- Dị ứng với thuốc
- Nhược cơ
- Blốc nhĩ thất độ 2-3, trên điện tâm đồ có QT kéo dài
- Loạn nhịp tim có kèm phù phổi cấp và suy tim nặng.
- Thận trọng với những người có tiền sử với bệnh lupus.
- Theo dõi nồng độ huyết tương của procainamid và chất chuyển hóa vì thuốc
tích luỹ ở những người suy thận nên dễ làm tăng tính độc của thuốc.
Chế phẩm và liều dùng
Pronestyl, Procan, viên nén và nang 250, 375, 500mg; viên tác dụng kéo dài 250,
500, 750, 1000mg. Ống 10ml chứa 100, 500mg.

17
Uống: tổng liều 50mg/kg, chia liều uống cách 3 giờ/ lần
Tiêm bắp: 0,5-1g/lần cách 4-6 giờ/lần
Truyền tĩnh mạch: 25-50mg/phút. Tổng liều 0,2-1g. Trong cấp cứu 0,1g/phút.
Tổng liều không quá 1g. Theo dõi bắt buộc bằng huyết áp và điện tâm đồ.
1.3. Disopyramid
Tác dụng
Tương tự quinidin.
Chỉ định
Thay thế cho quinidin, procainamid trong rối loạn nhịp nhất khi hai thuốc trên
không hiệu quả hoặc không dung nạp thuốc.
Tác dụng không mong muốn
- Trên tim: cũng tương tự như quinidin. Disopyramid gây các tác dụng không
mong muốn về huyết động rõ hơn và gây rối loạn chức năng tâm thất nhiều hơn các
thuốc chống rối loạn nhịp tim khác.
- Ngoài tim: tác dụng giống atropin, như khô miệng, táo bón, bí tiểu tiện ở người
phì đại tiền liệt tuyến.
- Rối loạn thị giác, làm nặng thêm bệnh tăng nhãn áp có trước
Chống chỉ định
- Suy gan, thận
- Nhược cơ
- Rối loạn tiểu tiện
Chế phẩm và liều dùng
Disopyramid (Rythmodan, Norpace): viên nang 0,10g - 0,15g; ống 5mL chứa
50mg.
Uống: 1 viên/lần, cách 6 giờ. Tiêm tĩnh mạch: 1,5mg/kg
2. Các thuốc nhóm IB
Gồm: lidocain, phenytoin, tocainid và mexiletin
2.1. Lidocain
Tác dụng và cơ chế
- Lidocain có tác dụng gây tê, thường dùng làm thuốc tê. Từ năm 1950 được áp
dụng để điều trị và dự phòng rối loạn nhịp tim do thuốc có tác dụng "ổn định màng",
ức chế kênh Na+ ở điện thế hoạt động của tế bào cơ tim.
- Thuốc tác dụng trên những mô bị thiếu máu rất rõ, ít tác dụng trên những mô
bình thường, ít tác dụng trên rối loạn nhịp tim.
- Làm giảm tính tự động, kéo dài thời gian khử cực tự phát ở kỳ tâm trương, rút
ngắn thời gian trơ và thời gian tái cực của các tế bào cơ tim, cho nên tạo điều kiện cho
cơ tim hồi phục.
- Không tác dụng đến hệ nội tại của tim
- Ít làm thay đổi huyết động và điện tâm đồ, gây giãn mạch, hạ huyết áp, nhất là
khi tiêm tĩnh mạch nhanh.
Chỉ định
- Rối loạn nhịp tim do nhiễm độc các glycosid trợ tim loại digitalis là chỉ định tốt
nhất.
- Rối loạn nhịp tâm thất (do gây mê, huyết khối cơ tim), ngoại tâm thu thất.
- Gây tê tại chỗ
Tác dụng không mong muốn
- Rối loạn thần kinh trung ương: bồn chồn, run, lú lẫn, co giật, ù tai.
- Rối loạn thị giác
- Dị ứng: ban đỏ, có thể gây sốc

18
- Suy tim mạch, có thể tụt huyết áp do ức chế co bóp cơ tim ở bệnh nhân suy tim
Chống chỉ định
-Dị ứng thuốc tê loại có cấu trúc amid
- Rối loạn chức năng gan
- Suy tim độ 2, 3
- Người cao tuổi (trên 70 tuổi)
- Động kinh do lidocain
Chế phẩm và liều dùng
Lidocain: ống 1mL chứa 10mg, 20mg
Tiêm tĩnh mạch: 1-2mg/kg. Truyền tĩnh mạch: 2mg/phút. Tổng liều: 1-2g/24h.
2.2. Phenytoin
Là thuốc điều trị động kinh, tới năm 1950 bắt đầu dùng trong điều trị loạn nhịp tim
Tác dụng và cơ chế: tương tự lidocain
Chỉ định
Tốt nhất cho rối loạn nhịp tim do glycosid trợ tim loại digitalis.
Các rối loạn nhịp tim khác, như rối loạn nhịp thất, ngoại tâm thu thất… sẽ có
hiệu quả kém hơn.
Chế phẩm và liều dùng
- Dihydan, viên 0,1g diphenylhydantoi natri
- Dilantin, ống 250mg bột; khi dùng pha trong 5mL muối đẳng trương. Uống 0,1-
0,2g/lần, cách 6 giờ. Tiêm tĩnh mạch 10mg/kg.
2.3. Tocainid (Tonocard) và mexiletin (Mexitin)
Tác dụng và độc tính tương tự lidocain. Tocainid gây giảm bạch cầu hạt và xơ
phổi nên ít dùng.
3. Các thuốc nhóm IC
Gồm: flecainid, propafenon, moricizin
Tác dụng và cơ chế
- Là các thuốc mới, ức chế kênh Na+ mạnh nên ức chế pha 0 ở hiệu điện thế hoạt
động của tế bào tim mạch và làm giảm dẫn truyền mạnh nhất trong nhóm I, ít ảnh
hưởng tới sự tái cực của tế bào. Thuốc không kháng muscarinic.
- Các thuốc trong nhóm có hiệu quả với rối loạn nhịp nhĩ và thất, song chỉ dùng
trong rối loạn nhịp thất nặng, vì trên những bệnh nhân rối loạn nhịp thất nhanh đã sẵn
có từ trước dễ có khuynh hướng trở thành cuồng động thất không đoán trước được nên
có thể gây đột tử.
Tác dụng không mong muốn
- Rối loạn thần kinh trung ương: chóng mặt, nhức đầu, mệt mỏi, hồi hộp
- Rối loạn tiêu hóa: buồn nôn, nôn, miệng có vị kim loại, táo bón (propafenon).
- Sự tăng K+ máu làm tăng độc tính của thuốc đối với tim
Chỉ định
Là thuốc lựa chọn cuối cùng cho chống rối loạn nhịp tim khó điều trị
Dùng thuốc nhóm này phải thận trọng, theo dõi điện tâm đồ vì thuốc có thể làm
rối loạn nhịp tim nặng thêm do tạo các rối loạn nhịp tim mới, nhất là trên những người
bị suy tim sung huyết, bệnh mạch vành với tâm thất trái suy, bất thường về dẫn truyền.
4. Các thuốc nhóm II
Là các thuốc chẹn -adrenergic gồm: propranolol, esmolol, metoprolol,
oxprenolol…
Tác dụng và cơ chế chống loạn nhịp
Các thuốc trong nhóm có tác dụng chống rối loạn nhịp tim là do ức chế -
adrenergic và "ổn định màng tế bào".

19
Do ức chế -adrenergic nên làm giảm tính tự động, giảm tính chịu kích thích của
các nút dẫn nhịp dẫn đến cắt được các xung động phụ: giảm tốc độ dẫn truyền, cắt
được hiện tượng tái nhập và giảm lực co bóp cơ tim.
Các thuốc còn tác dụng trực tiếp ức chế co bóp cơ tim do ngăn cản lưới nội bào
tích lũy Ca++ cần cho cơ và đối kháng tác dụng ATPase của sợi cơ.
Chỉ định
- Loạn nhịp tim do cường giao cảm
+ Chỉ định tốt nhất trong nhịp xoang nhanh
+ Nhiễm độc cơ tim do cường giáp
+ Rung nhĩ, cuồng động nhĩ nếu thuốc khác không điều trị được
- Rối loạn nhịp tim sau nhồi máu cơ tim: propranolol, metoprolol, timolol.
- Loạn nhịp trên thất: esmolol.

Hấp thu Liên kết


Thời gian Khả dụng Thời gian
qua đường protein
Thuốc đạt nồng độ sinh học bán thải
tiêu hóa huyết
đỉnh (giờ) (%) (giờ)
(%) tương (%)
Propranolol 90 90-95 2 10-40 2-5
Acebutolol 50-80 10-20 3-4 20-50 5-10
Atenolol 50 5 2-4 50 6-10
Alprenolol 90 80-85 1-2 10 2-3
Bisoprolol 90 30 85-90 9-12
Metoprolol 95 11 40 3-5
Nadolol 35 30 40 16-24
Oxprenolol 70-90 75 0,5-1 25-50 2-3
Pindolol 95 50 2-3 90 2-4
Sotalol 90 <5 95 15-17
Timolol 70 15 1-3 60 4-5,5
Tertatolol 60 95 60 3
Labetalol 90 50 30 2-4
Bảng 2.2. Dược động học của các thuốc chẹn  - adrenergic
Tác dụng không mong muốn
Xem bài thuốc điều trị tăng huyết áp
Chống chỉ định
- Suy tim: do thuốc làm giảm co bóp cơ tim, giảm nhịp tim, giảm cung lượng tim.
Tuy nhiên, hiện nay một số thuốc chẹn  - adrenergic đã được sử dụng với liều thấp
điều trị suy tim mạn đã cải thiện được tình trạng suy tim.
- Nhịp chậm dưới 60 lần/phút, huyết áp tối đa dưới 90mmHg. Blốc nhĩ thất độ
2,3.
- Hen phế quản
- Ngoài ra: chống chỉ định trong loét dạ dày, tá tràng: nhiễm acid chuyển hóa, hạ
glucose máu, hội chứng Raynaud, người mang thai, thời kỳ con bú.
Chế phẩm và liều dùng
Thuốc Biệt dược Hàm lượng Liều (mg/24giờ)
Propranolol Avlocardyl 40 40-120
Acebutolol Sectral 200 200-600
Alprenolol Aptin 50 50-150
Atenolol Tenormin 100 100-300
Metoprolol Betaloc 50:100 50-100; tối đa 100-
20
300
Oxprenolol Trasicor 80 80-240
Pindolol Visken 5 5-15 (10-15)
Sotalol Sotalex, Darob 80 80-240
Timolol Timacor 10 10-30
Bupranolol Betadran 40 40-120
Tertatolol Artex 5 10-15
Bảng 2.3. Một số chế phẩm của thuốc chẹn  - adrenergic

Liều dùng: điều trị rối loạn nhịp tim thường liều thấp hơn so với liều điều trị cơn
đau thắt ngực. Các liều trên chia thành nhiều lần trong ngày, cách 6-8 giờ.
5. Các thuốc nhóm III
Gồm amiodaron, sotatol, bretylium, ibutilid
5.1. Amiodaron
Là dẫn xuất iod của benzofuranic, dùng làm thuốc chống cơn đau thắt ngực từ
năm 1968, nay được sử dụng trong điều trị rối loạn nhịp tim.
Tác dụng
- Thuốc có hiệu quả ức chế kênh K+ rất tốt, kéo dài điện thế hoạt động và thời
gian trơ của các tế bào tim nhất là các sợi Purkinje và sợi cơ tim (ức chế các sợi cơ tâm
nhĩ tốt hơn tâm thất).
- làm chậm dẫn truyền trong nhĩ và nút nhĩ thất do ức chế kênh K+ ở nút nhĩ -
thất và ức chế  - adrenergic.
- Làm chậm nhịp tim và giãn mạch vành, tăng cung lượng mạch vành. Giảm vừa
nhu cầu oxy cơ tim, giảm nhẹ sức cản ngoại vi, huyết áp và công năng tim.
Trên thần kinh thực vật:
+ Không ảnh hưởng đến phản xạ dây X hoặc hệ muscarinic của tim
+ Đối kháng không tranh chấp trên  và  - adrenergic
- Làm giảm hoạt động tuyến giáp vì thuốc giải phóng nguyên tử iod trong cơ thể.
Chỉ định
Là thuốc chống loạn nhịp tim mạnh rất có hiệu quả để:
- Điều trị rối loạn nhịp nhĩ nhanh, rung nhĩ, cuồng động nhĩ
- Ngoại tâm thu thất, rối loạn nhịp thất trong nhồi máu cơ tim
- Suy mạch vành, cơn đau thắt ngực
Tác dụng không mong muốn
- Trên tim: gây nhịp tim chậm hoặc ức chế tim, nhất là ở người bị rối loạn nút
xoang, nghẽn nhĩ thất có thể dẫn đến suy tim đặc biệt ở những trường hợp nhạy cảm
với thuốc.
- Ngoài tim:
+ Thuốc lắng đọng và lưu lâu trên nhiều mô, cơ quan, như gan, phổi, mắt, giáp
trạng, mỡ, da ... nên gây nhiều độc hại.
+ Lắng đọng trên giác mạc những sắc tố mỡ (1-4 tháng sau dùng), ảnh hưởng tới
thị lực, nhất là về đêm (cần giảm liều, dùng ngắt quãng, khám mắt trong quá trình điều
trị bằng amiodaron).
+ Lắng đọng thuốc trên da: gây viêm da do ánh sáng, da màu xám xanh.
+ Hoại tử tế bào gan, viêm phổi
+ Rối loạn chức năng tuyến giáp: cường hoặc suy giáp
+ Dị ứng, run, nhức đầu, mất điều hòa.
+ Táo bón

21
Chống chỉ định
- Nhịp tim chậm dưới 50 lần/ phút, blốc nhĩ - thất
- Không kết hợp với quinidin, các thuốc chẹn  - adrenergic, các glycosid trợ tim
loại digitalis, thuốc lợi niệu giảm K+ máu, để tránh làm nặng thêm sự ức chế tính tự
động và dẫn truyền của tim.
- Không kết hợp với thuốc kháng vitamin K vì làm tăng tác dụng chống đông, đe
doạ chảy máu.
- Không dùng cho người mẫn cảm với iod, xơ phổi, huyết áp hạ, rối loạn tuyến
giáp, người mang thai và thời kỳ cho con bú.
Chế phẩm và liều dùng
Amiodaron (Cordaron, Trangeron) viên nén 200mg; ống 150mg tiêm bắp hoặc
tiêm tĩnh mạch pha trong glucose 5%. Liều dùng 400-600mg/ngày.
5.2. Sotalol, bretylium, ibutilid
Tác dụng
Các thuốc thuộc nhóm này đều có tác dụng làm tăng thời gian trơ và kéo dài hiệu
thế hoạt động của các tế bào tim tương tự amiodaron, tuy mức độ tác dụng và một vài
tác dụng dược lý có khác nhau.
- Sotalol: kháng  - adrenergic không chọn lọc
- Bretylium: lúc đầu giải phóng nor - adrenalin (NA), sau làm cạn kiệt NA gây
liệt giao cảm. Thuốc kéo dài thời gian trơ có hiệu lực ở tâm thất mà không có tác dụng
trên tâm nhĩ. Ngoài ra còn ức chế kênh K+ ở các mô thiếu máu.
- Ibutilid: ức chế kênh K+ mới được hình thành chủ yếu ở tâm nhĩ
Chỉ định
- Sotalol: điều trị rối loạn nhịp nhanh tâm thất và rối loạn nhịp nhanh trên thất.
- Bretylium: điều trị rối loạn nhịp sau nhồi máu cơ tim khó chữa (rung thất tái
phát), do có cơ thể gây rối loạn nhịp tim mới và hạ huyết áp rõ rệt, vì thế ít dùng.
- Ibutilid: điều trị cuồng động nhĩ, rung nhĩ
Tác dụng không mong muốn
- Tác dụng thuộc nhóm cũng có tác dụng không mong muốn trên tim tương tự
như amiodaron.
- Bretylium: lúc đầu giải phóng nor - adrenalin nên làm tăng co bóp cơ tim, sau
giảm tiết nor - adrenalin làm hạ huyết áp.
Chống chỉ định
- Nhịp tim chậm, blốc nhĩ - thất
- Bretylium: không dùng cho rối loạn nhịp tim do nhiễm độc glycosid trợ tim loại
digitalis, giảm co bóp cơ tim, hạ huyết áp (nhất là khi đứng).
Chế phẩm và liều dùng
- Sotalol: liều 7mg/kg/ngày
- Bretylium (Bretylod): uống 50mg/1mL, dùng tiêm tĩnh mạch liều 5mg/kg, 30
phút sau tiêm nhắc lại, liều duy trì 1-2mg/kg, 4-6 giờ sau tiêm nhắc lại.
- Ibutilid: ống 1mg/ml tiêm tĩnh mạch 0,01mg/kg, cách 4 giờ tiêm nhắc lại.
6. Các thuốc nhóm IV
Là các thuốc chẹn kênh Ca++, gồm verapamil, diltiazem. (Chi tiết về nhóm thuốc
này xin xem thêm bài thuốc điều trị cơn đau thắt ngực).
Tác dụng
Thuốc chống loạn nhịp tim do:
- Làm chậm sóng xung động của nút dẫn nhịp (nút xoang) do làm giảm tính tự
động của nút (diltiazem tác dụng tốt hơn verapamil).

22
- Làm giảm dẫn truyền nhĩ - thất và tăng tính trơ ở nút nhĩ - thất (diltiazem tác
dụng kém hơn verapamil).
- Làm giảm sức co bóp của cơ tim và chậm nhịp tim do hai nút dẫn truyền này
kênh Ca++ chiếm ưu thế.
- Ít ảnh hưởng đến thần kinh thực vật
Chỉ định
- Điều trị rối loạn nhịp tâm nhĩ
- Phòng rối loạn nhịp nhanh nhĩ kịch phát
Tác dụng không mong muốn
- Hạ huyết áp
- Ngừng nhịp xoang ở những bệnh nhân bị bệnh nút xoang
- Mệt mỏi, suy nhược thần kinh, phù ngoại biên
- Táo bón
(Xem thêm bài thuốc điều trị tăng huyết áp và thuốc chống cơn đau thắt ngực).
Chống chỉ định
- Suy tim, giai đoạn cấp của nhồi máu cơ tim, blốc nhĩ - thất
- Không phối hợp với thuốc IMAO
Chế phẩm và liều dùng
- Verapamil: Isoptin, viên nén 120mg, Isoptin LP 240mg, Arpamil LP 240mg.
Uống 120-360mg/ngày; ống 5mL chứa 120mg, 1-2 ống/ngày, tiêm tĩnh mạch.
- Diltiazem: Tildiem, viên 60mg; Deltazen, viên 300mg; Dilrene, viên 300mg.
Uống 120-300mg/ngày.
7. Các thuốc khác
Atropin
Liều dùng: 0,4-1mg/ngày.
Adenosin
- Tác dụng không mong muốn
Giảm huyết áp, đỏ bừng mặt, hồi hộp, toát mồ hôi, tức ngực, khó thở, nhức đầu,
buồn nôn, miệng có vị kim loại.
- Chống chỉ định
Blốc nhĩ - thất độ 2,3
Hen suyễn
Các glycosid trợ tim loại digitalis
- Chỉ định
+ Điều trị rối loạn nhịp tim do hiện tượng "tái nhập" ở nút nhĩ - thất
+ Tâm thất suy khi bị rung nhĩ, cuồng động nhĩ
(Chi tiết xem bài thuốc điều trị suy tim)

23
LƯỢNG GIÁ
I. Điền vào chỗ trống
1. Thuốc điều trị rối loạn nhịp tim là những thuốc có tác dụng ……………… khi
nhịp tim bị rối loạn (chệch khỏi nhịp tim bình thường).
2. Có hai yếu tố chính sinh rối loạn nhịp tim
A……………………
B……………………
3.Rối loạn tính tự động ở nút xoang và các cấu trúc sát dưới nút xoang gây:
A…………………………..
B…………………………….
C……………………………..
D…………………………………
4. Hiện tượng tái nhập "re-entry": do bị tắc nghẽn một chiều dẫn truyền của một hoặc
nhiều vùng cơ tim làm cho các xung động sau khi phát ra …………điểm xuất phát để
gây xung động mới
5. Hiện tượng nghẽn dẫn truyền hay "blốc nhĩ thất" do sự có mặt của tổ chức trước
sóng kích thích nên dẫn truyền xung động từ ………………… bị tắc nghẽn một phần
hoặc toàn bộ.
6. Phân loại các nhóm thuốc điều trị loạn nhịp tim
A…………………………..
B…………………………..
C………………………….
7.Chỉ định của Quinidin
A…………………………..
B…………………………..
C………………………….
8.Tác dụng của Procainamid trên tim tương tự như thuốc………….
9.Chỉ định của Lidocain
A…………………………..
B…………………………..
C………………………….
10. Tác dụng không mong muốn của thuốc Lidocain
A…………………………..
B…………………………..
C………………………….
11. Chỉ định của Phenytoin
A…………………………..
B…………………………..

24
C………………………….
12. Chỉ định của các thuốc chẹn kênh Ca++
A…………………………..
B…………………………..
II. Chọn ý đúng nhất
1. Chống chỉ định cuả các thuốc chẹn kênh Ca++
A. Điều trị rối loạn nhịp tâm nhĩ
B. Suy tim, giai đoạn cấp của nhồi máu cơ tim, blốc nhĩ - thất
C. Phòng rối loạn nhịp nhanh nhĩ kịch phát
2.Liều dùng của thuốc Propranolol là
A. 40-120 mg
B. 10-20 mg
C. 400-1200 mg
D. 4 -12mg
3.Liều khởi đầu thuốc Betaloc là
A.50-100 mg/ngày
B. 100-200 mg/ngày
C. 200-300 mg/ngày
D. 300-400 mg/ngày
4. Thuốc nào sau đây không thuộc nhóm thuốc ức chế Beta adrenergic
A. propranolol
B. Verrapamil
C. esmolol
D. metoprolol
5.Liều tối đa của thuốc Betaloc là
A. 100-300 mg/ngày
B. 10-30 mg/ngày
C. 1000-3000 mg/ngày
D. 1-3 mg/ngày
III. Trả lời câu hỏi
1. Trình bày cơ chế gây loạn nhịp tim và cơ chế tác dụng của thuốc điều trị loạn nhịp
tim.
2. Phân loại các nhóm thuốc điều trị loạn nhịp tim theo cơ chế tác dụng và cho ví dụ
3. Trình bày đặc điểm tác dụng, cơ chế tác dụng, tác dụng phụ, chỉ định,, chống chỉ
định của các thuốc: Lidocain, Quinidin, Procainamid, Verapamil.

25
Bài 3
THUỐC CHỐNG CƠN ĐAU THẮT NGỰC
MỤC TIÊU
1. Phân loại được các nhóm thuốc điều trị cơn đau thắt ngực theo cơ chế.
2. Trình bày được tác dụng, cơ chế tác dụng và tác dụng không mong muốn, chỉ
định, chống chỉ định của dẫn xuất nitrat, thuốc chẹn  - adrenergic, thuốc chẹn kênh
calci trong điều trị cơn đau thắt ngực

I. ĐẠI CƯƠNG
1. Nguyên nhân cơn đau thắt ngực
Nguyên nhân của cơn đau thắt ngực là do cơ tim bị thiếu oxy đột ngột vì mất
thăng bằng giữa tăng nhu cầu oxy của cơ tim và sự cung cấp không đủ oxy của mạch
vành. Mạch vành không cung cấp đủ oxy cho cơ tim trong các trường hợp:
- Các bệnh của mạch vành: xơ vữa động mạch làm hẹp tắc lòng mạch, co thắt
mạch vành do nhiều nguyên nhân như chấn thương, huyết khối… đã làm giảm lưu
lượng mạch vành nên giảm cung cấp oxy cho cơ tim.
- Khi làm việc tăng, gắng sức, stress gây kích thích giao cảm, làm tăng nhịp tim,
tăng nhu cầu oxy cho cơ tim trong khi mạch vành không cung cấp đủ.
- Nhiễm độc oxyd carbon, thiếu máu nặng giảm oxy trong máu nên thiếu máu
vào tim qua mạch vành.
2. Phân loại cơn đau thắt ngực
Cơn đau thắt ngực là tất cả những cơn đau tạm thời ở vùng ngực do cung cấp
không đủ oxy cho cơ tim. Gồm những thể sau:
- Đau thắt ngực ổn định: hay gặp nhất do stress, do gắng sức, chủ yếu do hoạt
động mạch vành vì xơ vữa. Các triệu chứng giảm khi nghỉ ngơi hoặc dùng
nitroglycerin hoặc cả 2 (nghỉ ngơi và dùng thuốc). Các thuốc điều trị thể này nhằm
mục đích: tăng lưu lượng tim, giảm nhịp tim, giảm trương lực thất trái, giảm co cơ tim.
- Đau thắt ngực không ổn định: Tăng cường độ, thời gian và tần số đau thắt ngực.
Các cơn xảy ra cả lúc nghỉ. Giảm đáp ứng với sự nghỉ ngơi hoặc dùng nitroglycerin.
Thuốc điều trị thể này là thuốc tránh huyết khối mạch vành là quan trọng nhất.
- Đau thắt ngực thể nằm (đau về đêm): cơn đau thắt ngực xảy ra lúc nằm khi
không có một gắng sức nào cả.
- Đau thắt ngực Prinzmetal (đau do co thắt): động mạch vành co thắt nên giảm
lưu lượng mạch vành. Thường xảy ra cả lúc nghỉ ngơi. Thuốc điều trị loại này là ngăn
co thắt mạch vành.
- Nhồi máu cơ tim: là trường hợp đau thắt ngực đặc biệt: Khi cơ tim bị thiếu cung
cấp máu của mạch vành nặng và kéo dài (do huyết khối) gây thiếu máu cục bộ, tổn
thương và hoại tử mô. Các cơn nhồi máu cơ tim dài (> 30 phút) và thường không hồi
phục được.
3. Phân loại thuốc
3.1. Theo mục đích điều trị
- Loại cắt cơn: các nitrat và nitrit hữu cơ
- Loại điều trị củng cố làm giảm sử dụng oxy cơ tim: thuốc chẹn  - adrenergic,
thuốc chẹn kênh Ca++.
3.2. Theo tác dụng
- Tăng cung cấp oxy cho cơ tim: nitrat và nitrit

26
- Làm giảm mức tiêu thụ oxy của cơ tim: thuốc chẹn kênh Ca++, các thuốc chẹn 
- adrenergic.
- Làm nhân tố loại máu có lợi cho vùng thiếu máu: nitrat, thuốc chẹn  -
adrenergic, thuốc chẹn kênh Ca++.
- Làm tan huyết khối trong lòng mạch: aspirin, dipyridamol, ticlopidin…
- Bảo vệ tế bào cơ tim khi bị thiếu máu: trimetazidin…
3.3. Theo cơ chế
- Các thuốc làm tăng GMPv: nitrat và nitrit
- Các thuốc chẹn kênh Ca++: verapamil, diltiazem…
- Các thuốc chẹn  - adrenergic: propranolol, atenolol…
- Thuốc chống đông và chống ngưng kết tiểu cầu: aspirin, thuốc tiêu fibrin…
II. CÁC THUỐC
1. Thuốc cắt cơn
Gồm: nitrat hữu cơ (nitroglycerin, isosorbid), amyl nitrit, penta nitril…
1.1. Nitrat hữu cơ
Dược động học
- Dễ hấp thu qua đường tiêu hóa, không bền trong dịch vị, có chuyển hóa qua gan
lần đầu nên sinh khả dụng qua đường uống thấp, vì vậy thường chế dưới dạng ngậm
dưới lưỡi. Nitroglycerin đặt dưới lưỡi đạt nồng độ tối đa trong máu sau 4 phút. Thời
gian bán thải khoảng 3 phút. Chất chuyển hóa là glycosid dinitrat có tác dụng giãn
mạch kém 10 lần chất mẹ. Iosorbid dinitrat đặt dưới lưỡi có nồng độ tối đa trong máu
sau 6 phút. Thời gian bán thải khoảng 45 phút. Các chất chuyển hóa ban đầu là
iosorbid 2 - mononitrat và iosorbid 5 - mononitrat vẫn còn hoạt tính.
- Thuốc dùng theo đường uống, qua da, tiêm tĩnh mạch liều cao có hiện tượng
quen thuốc. Để hạn chế hiện tượng này thường dùng cách quãng 8-12 giờ.

Tên thuốc Biệt dược Bắt đầu tác dụng Tác dụng kéo dài
Amyl nitrit Amyl nitrit 5-6 giây 7 phút
Nitroglycerin (trinitrin) Nitroglycerin 1-2 phút 30 phút
Lenitral (chậm) 6-12 giờ
Erythrityl tetranitrat Cardiwell 30 phút 3-6 giờ
Pentaerythrityl Nitropenton 30 phút 3-6 giờ
tetranitrat Peritrat (chậm) 6-10 giờ
Isosorbid mononitrat - Imdur 30-60 phút 7 giờ
- Dạng chậm 1-2 giờ 12 giờ
Isosorbid dinitrat - Risordan 2-10 phút 90 phút
- Dạng chậm 1-2 giờ 12 giờ
Bảng 3.1. Dược động học của một số nitrat và nitrit hữu cơ

27
Tác dụng và cơ chế
- Cơ chế
Receptor của nitrat có chứa nhóm sulfhydryl, nhóm này khử nitrat thành oxyd
nitơ (NO). NO kích thích enzym guanylat cyclase làm tăng guanin monophosphat
(GMPv), dẫn đến khử phosphoryl chuỗi nhẹ của myosin gây giãn cơ trơn mạch máu.

Nitrat NO2 Tế bào nội mô

Nitroprussiat Molsidomin
NO

Guanylat cyclases Guanylat cyclases hoạt hóa

GTP GMPv

Myosin - LC - PO4 Myosin - LC

Giãn mạch

Sơ đồ 3.1. Cơ chế tác dụng của các nitrat và các thuốc cùng cơ chế
- Tác dụng
Nitrat làm giãn tất cả cơ trơn, không ảnh hưởng đến cơ tim và cơ vân, tác dụng
rất rõ trên cả động mạch và tĩnh mạch lớn nên giảm tiền gánh (giảm lượng máu tĩnh
mạch trở về) và giảm hậu gánh (giãn động mạch lớn) vì vậy giảm sử dụng oxy cơ tim
và giảm công năng tim. Mức độ làm giãn mạch của nitrat theo thứ tự sau: giãn tĩnh
mạch > động mạch > mao mạch.
+ Giãn mạch toàn thân trực tiếp và thoáng qua nên giảm lưu lượng tim, giãn
mạch vành làm lưu lượng mạch vành tăng tạm thời, giảm sức cản ngoại biên và lưu
lượng tâm thu, vì vậy hạ huyết áp.
+ Làm thay đổi phân phối máu cho tim, tăng tuần hoàn phụ cho vùng tim thiếu
máu có lợi cho vùng dưới nội tâm mạc.
+ Một số tác giả thấy thuốc còn có tác dụng chống kết tập tiểu cầu, cản trở
fibrinogen bám vào tiểu cầu để hình thành huyết khối, nhất là ở phần nội mạc bị tổn
thương.
+ Làm giãn cơ trơn khí, phế quản, cơ trơn đường tiêu hóa, cơ trơn đường mật, cơ
trơn tiết niệu - sinh dục, đối kháng với tác dụng co thắt do acetylcholin và histamin
gây nên.
Chỉ định
- Là thuốc đầu bảng điều trị cơn đau thắt ngực ở mọi thể; cắt cơn đau nhanh
chóng.
- Phòng cơn đau thắt ngực
- Nhồi máu cơ tim: do thuốc làm hẹp được diện tích thiếu máu và hoại tử. Tuy
nhiên các nghiên cứu gần đây cho thấy nitroglycerin không làm thay đổi đáng kể tỷ lệ
sống sót do nhồi máu cơ tim.
- Tăng huyết áp

28
- Suy tim sung huyết (nhất là suy tim trái có tăng áp lực mao mạch phổi và tăng
sức cản ngoại vi).
Tác dụng không mong muốn
- Giãn mạch ngoại vi: làn da bừng đỏ, nhất là ở ngực, mặt, mắt (có thể tăng nhãn
áp).
- Giãn mạch não: gây nhức đầu, có thể tăng áp lực nội sọ nên phải chú ý khi có
chảy máu não và chấn thương đầu.
- Hạ huyết áp thế đứng, nhất là trường hợp huyết áp thấp và người cao tuổi.
- Gây phản xạ nhịp tim nhanh
- Tăng tiết dịch vị
- Sử dụng liều cao (120mg/ngày isosorbid nitrat) và kéo dài gây dung nạp thuốc
làm thuốc kém hiệu lực.
- Nồng độ cao trong máu có thể gây Met - Hb huyết
Chống chỉ định
- Huyết áp thấp (huyết áp tối đa dưới 100mmHg).
- Tăng nhãn áp.
- Tăng áp lực nội sọ
Chế phẩm và liều dùng
- Để cấp cứu các cơn đau thắt ngực dùng dạng đặt dưới lưỡi thông dụng nhất, vì
thuốc tác dụng ngay sau 2 - 3 phút.
- Phòng ngừa cơn đau thắt ngực thường dùng dạng tác dụng kéo dài như dùng
qua đường uống hoặc hệ điều trị qua da.
+ Nitroglycerin:
Viên nén 0,5mg, 0,75mg, tác dụng nhanh sau 0,5 - 2 phút, kéo dài tới 30 phút.
Đặt 1 viên dưới lưỡi, ngày dùng 6 - 8 viên.
Viên nang 2,5mg, 7,5mg (Lenitral) tác dụng kéo dài dùng để uống
Ống tiêm 15mg (Lenitral) tiêm tĩnh mạch 10-20g/kg/phút
Dạng phun mù (Natispray, Lenitraspray)
Dung dịch cồn nhỏ dưới lưỡi 3 - 5 giọt
Dạng dán vào da (Diafusor, Nitridem, Cordipatch) chứa 5-10mg thuốc, thường
được dán vào vùng ngực trái.
Thuốc mỡ 2% (Lenitral) bôi ngoài da
+ Erthrityl letranitrat (Cardwell) viên 10mg, 15mg ngậm dưới lưỡi nửa viên hay
uống 2-3 viên/ngày. Tác dụng sau 3-15 phút và kéo dài 2 giờ nếu ngậm dưới lưỡi, sau
30 phút và kéo dài 3-6 giờ nếu uống.
+ Pentaerythrityl tetranitrat:
Viên 10mg, 20mg (Nitropenton) tác dụng sau uống 30 phút và kéo dài 3- 6 giờ.
Viên 80mg (Peritrat) tác dụng kéo dài 6-10 giờ
+ Isosorbid dinitrat (Risordan): viên 5mg đặt dưới lưỡi, tác dụng sau 2 phút.
Viên 10mg, 20mg dùng đường uống tác dụng giữ được nhiều giờ (6-8 giờ).
+ Isosorbid mononitrat (Imdur): viên 20mg, 40mg, 60mg uống 20mg cách nhau
12 giờ, tác dụng kéo dài 8-10 giờ.
1.2. Amyl nitrit
Là dịch lỏng bay hơi, dễ hỏng khi tiếp xúc với không khí và ánh sáng. Tác dụng
nhanh và ngắn (xuất hiện tác dụng sau 5 - 6 giây, kéo dài khoảng 12 phút).
Cơ chế tác dụng, tác dụng không mong muốn, chỉ định, chống chỉ định giống
nitrat hữu cơ.
Thuốc dùng trong cấp cứu vì tác dụng nhanh.
Ống chứa 3 giọt thuốc, dùng để ngửi, mỗi lần ngửi một ống.

29
1.3. Molsidomin
Dược động học
Hấp thu qua ruột nhanh và gần hoàn toàn (90%), hấp thu tốt qua niêm mạc
miệng. Đạt nồng độ tối đa trong huyết tương sau 30-60 phút. Sinh khả dụng qua đường
uống khoảng 60%. Thuốc liên kết với protein huyết tương ít (<10%). Bắt đầu tác dụng
sau đặt dưới lưỡi khoảng 10 phút, sau uống khoảng 20 phút. Không tích luỹ, chuyển
hóa qua gan thành chất còn hoạt tính. Thời gian bán thải khoảng 1-2 giờ. Khoảng 90%
thải trừ qua nước tiểu và một phần qua mật.
Tác dụng
- Giãn tĩnh mạch nên làm giảm lượng máu về tim, giảm công năng và mức tiêu
thụ oxy của cơ tim.
- Phân bố lại máu, đưa máu vào vùng hay thiếu máu nhất.
- Giãn động mạch vành bị co thắt ở lớp dưới thượng và nội tâm mạc.
- Không ảnh hưởng đến sức co bóp của tim, không thay đổi nhịp tim.
Cơ chế
Molsidomin làm tăng GMPv cơ chế tương tự như nitrat
Chỉ định
- Suy mạch vành
- Suy tim mạn
Tác dụng không mong muốn
Nhức đầu, chóng mặt, rối loạn tiêu hóa, có thể hạ huyết áp.
Chống chỉ định
- Huyết áp thấp, giảm thể tích máu
- Người mang thai
Chế phẩm và liều dùng
Corvasal, viên nén 2,4mg. Uống 1 viên/lần x 2-3 lần/ngày
2. Các thuốc chẹn  - adrenergic
Thường dùng các thuốc: propranolol, metoprolol, atenolol, timolol, nadolol…
Tác dụng chống cơn đau thắt ngực
- Làm chậm nhịp tim, giảm co bóp cơ tim nên giảm công năng tim, ức chế tác
dụng tăng nhịp tim do gắng sức, giảm sử dụng oxy của cơ tim.
- Tăng cung cấp máu cho vùng tim bị thiếu máu
- Các tác dụng khác: xem bài Thuốc điều trị rối loạn nhịp tim và Thuốc điều trị
tăng huyết áp.
Chỉ định
- Là thuốc hàng đầu để điều trị cơn đau thắt ngực cả thể ổn định lẫn không ổn
định và là thuốc quan trọng điều trị trong và sau nhồi máu cơ tim.
- Điều trị cơn đau thắt ngực do gắng sức không đáp ứng với nitrat
- Phòng ngừa cơn đau thắt ngực
- Các chỉ định khác: xem thuốc điều trị rối loạn nhịp tim và thuốc điều trị tăng
huyết áp.
Chống chỉ định
- Cơn đau thắt ngực Prinzmetal
- Không ngừng thuốc đột ngột vì có thể gây hiện tượng "bật lại" (rebound) sẽ bị
nhồi máu cơ tim, đột tử.
- Các chống chỉ định khác: xem, bài Thuốc điều trị rối loạn nhịp tim.
(Chi tiết về nhóm thuốc chẹn  - adrenergic xem thêm bài Thuốc điều trị rối loạn
nhịp tim).

30
3. Các thuốc chẹn kênh Ca++
Gồm các thuốc thế hệ 1 (nifedipin, diltiazem, verapamin…) và thế hệ 2
(amlodipin, felodipin, isradipin, nisodipin, nicardipin, nimodipin…).
3.1. Vai trò của Ca++ trên tim mạch
Bình thường, nồng độ Ca++ ở ngoài tế bào cao hơn trong tế bào. Khi kênh Ca++
được hoạt hóa, ca++ vận chuyển từ ngoài vào trong tế bào và gây ra các tác dụng sau:
Tại tim: Ca++ tham gia vào điện thế hoạt động của tế bào cơ tim (pha 2). Ca++ đi
từ ngoài vào trong tế bào và được giải phóng từ hệ thống lưới nội bào vào bào tương
để đi tới các tơ cơ. Tại đó, Ca++ liên kết với phức hợp troponin - tropomyosin làm thay
đổi cấu trúc của phức hợp này, tạo điều kiện cho actin tiếp xúc với myosin làm co các
sợi cơ tim.
Tại thành mạch: Ca++ liên kết với calmodulin hoạt hóa MLCK (myosin light chain
kinase) làm cho myosin trượt trên các sợi actin dẫn đến co cơ thành mạch.
3.2. Phân loại thuốc chẹn kênh Ca++: Xem bài Thuốc điều trị tăng huyết áp
3.3. Đặc điểm chung các thuốc thuộc nhóm
Dược động học
Các thuốc chẹn kênh Ca++ thế hệ 1:
- Nhìn chung các thuốc chẹn kênh Ca++ thế hệ 1 đều hấp thu tốt qua đường uống
và bị chuyển hóa qua gan lần đầu nên sinh khả dụng thấp
- Phần lớn các thuốc đều gắn mạnh vào protein huyết tương và có thời gian bán
thải ngắn.
- Các thuốc chủ yếu được thải trừ qua thận dưới dạng không còn hoạt tính, một
phần qua phân.
Các thuốc chẹn kênh Ca++ thế hệ 2:
Tác dụng và cơ chế tác dụng chống cơn đau thắt ngực
- Trên tim:
+ Giảm sức co bóp cơ tim và giảm dẫn truyền do ức chế kênh Ca++ ở pha 2 trong
điện thế hoạt động của tim, làm giảm nhịp tim, giảm nhu cầu sử dụng oxy của cơ tim,
đây là tác dụng chính.
+ Phân phối lại máu trong cơ tim có lợi cho vùng dưới nội tâm mạc là vùng dễ
thiếu máu nhất.
- Trên mạch:
+ Làm giãn mạch vành, vì vậy tăng cung cấp oxy cho tim
+ Giãn mạch ngoại vi nên giảm hậu gánh và giảm co bóp cơ tim, vì vậy giảm tiêu
thụ oxy của cơ tim.
- Tác dụng trên tim, mạch của các thuốc chẹn kênh Ca++ không giống nhau:
+ Nhóm tác dụng ưu tiên trên tim: verapamil và diltiazem ức chế sự phục hồi
kênh Ca++ ở các nút dẫn nhịp như: nút xoang, nút nhĩ thất làm chậm dẫn truyền nhĩ -
thất, giảm co bóp cơ tim, giảm dẫn truyền làm nhịp tim chậm. Đối với người suy tim
sung huyết khả năng bù trừ kém có thể nguy hiểm.
+ Nhóm tác dụng ưu tiên trên mạch: Nhóm dihydropyridin (nifedipin). Chủ yếu
làm giãn mạch vành và mạch ngoại vi mạnh. Do giãn mạch mạnh nên gây phản xạ
nhịp tim nhanh. Liều điều trị không ảnh hưởng đến dẫn truyền nút nhĩ - thất, ít hoặc
không ức chế co bóp tim và không ức chế dẫn truyền tim.
Thuốc
DĐH Verapamil Nifedipin Diltiazem

Hấp thu qua đường uống >90% >90% >90%


Sinh khả dụng qua đường 20-30% 45-70% 40-65%

31
uống
Khởi đầu tác dụng Tĩnh mạch: <1,5 Tĩnh mạch: <1 Tĩnh mạch: < 3
phút phút phút
Uống: 15-30 Uống, ngậm: 5-20 Uống: >30 phút
phút phút
Tác dụng tối đa 5 giờ 1-2 giờ 3-5 giờ
Gắn protein huyết tương (%) 90 90 80
Thời gian bán thải 4-8 giờ 4-5 giờ 3-4 giờ
Chuyển hóa 80% chất Chất chuyển 60% dạng nguyên
chuyển hóa hóa không có chất
không có hoạt hoạt tính
tính
Thải trừ
Thận (%) 70 85 30
Phân (%) 15 15 70

Bảng 3.2. Dược động học của một số thuốc chẹn kênh Ca++ thế hệ 1

Thuốc
Amlodipin Felodipin Isradipin Nisodipin
DĐH
Hấp thu qua đường uống >90% >90% >90% 90%
Đạt nồng độ tối đa trong huyết 6-12 giờ 3-5 giờ 2 giờ 6-12 giờ
tương
Sinh khả dụng theo đường 64-80% 15-28 %
uống
Liên kết với protein huyết 97% 99% 95% 70-100%
tương
Chuyển hóa qua gan Chậm Chậm Chậm
Thời gian bán thải 35-50giờ 22-27 giờ 8 giờ 5-7 giờ
Thải qua thận 60% 70% 65%
Thải qua phân 25% 30% 35%

Bảng 3.3. Dược động học của một số thuốc chẹn kênh Ca++ thế hệ 2

Chỉ định
- Điều trị cơn đau thắt ngực
+ Thể Prinzmetal: là chỉ định tốt nhất do giãn mạch vành
+ Thể ổn định: dùng thuốc chẹn Ca++ khi dùng nitrat hoặc các thuốc chẹn  -
adrenergic không hiệu quả.
+ Thể đau thắt ngực do cố gắng, thể không ổn định nên phối hợp với nitrat và
những thuốc chẹn  - adrenergic.
- Điều trị tăng huyết áp
- Điều trị nối loạn nhịp tim: rối loạn nhịp tim trên thất (verapamil, diltiazem).
Tác dụng không mong muốn
- Do ức chế Ca++ quá mức làm nhịp tim chậm hơn, nghẽn nhĩ - thất, không có
tâm thu, suy tim sung huyết, có thể ngừng tim. Tác dụng không mong muốn này hay
gặp ở nhóm dihydropyridin.
- Giãn mạch quá độ: hạ huyết áp, chứng đỏ bừng mặt, phù ngoại biên (nhất là
phù chi dưới), phù phổi. Có thể làm nặng thêm thiếu máu cơ tim, có lẽ do giảm huyết
32
áp quá độ nên giảm tưới máu mạch vành hoặc tăng trương lực giao cảm cho nên tăng
nhu cầu oxy của cơ tim. Tác dụng không mong muốn này hay gặp ở nhóm
dihydropyridin.
- Gây phản xạ nhịp tim nhanh (nhóm dihydropyridin): có thể chóng mặt
- Gây rối loạn tiêu hóa: nôn, táo bón hoặc tiêu chảy
Chống chỉ định
- Mẫn cảm thuốc
- Blốc xoang nhĩ, yếu nút xoang, blốc nhĩ - thất.
- Hẹp động mạch chủ nặng, suy thất trái, suy tim sung huyết, huyết áp thấp
(huyết áp tối đa dưới 100mmHg).
- Thận trọng trong suy gan, người mang thai và thời kỳ cho con bú.
Tương tác thuốc
- Tăng tác dụng của các thuốc điều trị tăng huyết áp khác.
- Phối hợp với các thuốc chẹn  - adrenergic, glycosid trợ tim loại digitalis,
amiodaron làm tăng rối loạn dẫn truyền, chậm nhịp tim nhiều hơn.
- Phối hợp với nitrat và các thuốc ức chế -adrenergic làm tăng tác dụng giãn
mạch dễ gây hạ huyết áp quá mức.
- Thuốc ức chế enzym MAO (IMAO) làm giảm tác dụng của các thuốc chẹn
kênh Ca++.
- Cimetidin, ranitidin làm tăng tác dụng của các thuốc chẹn kênh Ca++.
- Diltiazem làm tăng nồng độ trong huyết tương của ciclosporin, carbamazepin,
theophylin.
- Nifedipin làm tăng nồng độ trong huyết tương của phenytoin, digoxin,
ciclosporin.
. Cách phối hợp: nitrat, thuốc chẹn kênh Ca++ và thuốc chẹn  - adrenergic.
Cách phối Nitrat hữu cơ Ức chế kênh Thuốc chẹn 
Kết quả
hợp (I) Ca++ (II) (III)
I+III Tăng nhịp tim và Tăng thể tích Loại bỏ tác
tăng co bóp cơ tim thất trái cuối kỳ dụng phụ của
do phản xạ tâm trương nhau
II (nhóm Tăng nhịp tim Nhóm III loại
DHP) + III do phản xạ bỏ tác dụng
phụ tăng nhịp
tim của nhóm
II
I+II Giảm tiền gánh Giảm hậu gánh Bổ sung tác
dụng giảm tiêu
thụ oxy
I+II+III Giảm tiền gánh và Giảm hậu gánh Giảm nhịp tim, Bổ sung tác
hậu gánh giảm co cơ tim dụng giảm tiêu
thụ oxy.

Bảng 3.4. Sự phối hợp các nhóm thuốc chống cơn đau thắt ngực

4. Các thuốc khác:


4.1. Dipyridamol
Tác dụng và cơ chế
- Làm giãn mạch vành, tăng cung cấp oxy cho cơ tim, không làm thay đổi huyết
áp, nhịp tim.
33
- Chống ngưng kết tiểu cầu
- Cơ chế: thuốc ức chế adenosin desaminase trong máu, do đó làm tăng tích luỹ
adnosin là chất gây giãn mạch mạnh, được giải phóng ra trong quá trình chuyển hóa.
Chỉ định
Điều trị cơn đau thắt ngực cấp tính
Phòng tai biến máu cục, nghẽn mạch toàn thân
Tác dụng không mong muốn
Thuốc có thể gây nhức đầu, chóng mặt, rối loạn tiêu hóa (đầy bụng, nôn, tiêu
chảy), dị ứng (ngứa, phát ban).
Chống chỉ định
- Giai đoạn đầu nhồi máu cơ tim.
- Phụ nữ có thai và cho con bú
Chế phẩm và liều dùng
Persantine, Peridamol, viên nén hoặc bọc đường 25mg, 75mg, ống 10mg/2mL
Liều dùng: 300mg/ngày chia 2-3 lần. Liều duy trì 75-150mg/ngày
Tiêm tĩnh mạch: 10-30mg/ngày
4.2. Amiodaron
Tác dụng
Giãn mạch vành, tăng cung lượng mạch vành. Giảm vừa nhu cầu oxy cơ tim,
giảm nhẹ sức cản ngoại vi, huyết áp và công năng tim. Đối kháng tác dụng của chất
chuyển hóa catecholamin và tác dụng cơ học có hại cho tim.
Chỉ định
- Điều trị cơn đau thắt ngực
- Điều trị rối loạn nhịp tim
Tác dụng không mong muốn và chống chỉ định
Xem bài Thuốc điều trị rối loạn nhịp tim
Chế phẩm và liều dùng
Cordaron, Tranqueron, viên nén 200mg, uống 1-3 viên/ngày
Ống 30mL/150mg, tiêm tĩnh mạch chậm hoặc truyền tĩnh mạch 1-3 ống pha
trong dung dịch glucose 5%.
4.3. Trimetazidin
Dược động học
Thuốc được hấp thu tốt qua đường uống. Đạt được nồng độ cao trong huyết
tương sau 2 giờ. Sinh khả dụng qua đường uống cao (khoảng 90%). Ít liên kết với
protein huyết tương (khoảng 16%). Thời gian bán thải khoảng 4-5 giờ. Thải trừ nhanh,
chủ yếu qua nước tiểu, 60% dưới dạng không chuyển hóa.
Tác dụng
Thuốc có tác dụng bảo vệ tế bào cơ tim khi bị thiếu máu do duy trì chuyển hóa
năng lượng, bảo vệ chức năng của ty lạp thể để cung cấp ATP cho chuyển hóa tế bào,
cho các bơm ion ở màng tế bào hoạt động. Hạn chế nhiễm acid lactic cơ tim và tác hại
của các gốc tự do trong tế bào. Kéo dài được thời gian chịu đựng thiếu oxy của cơ tim.
Hiệu lực tương tự nifedipin và propranolol về giảm số cơn đau, tăng khả năng gắng
sức của cơ thể.
Chỉ định
- Được coi là thuốc điều trị cơ bản chống cơn đau thắt ngực ở các thể bệnh
- Điều trị chứng chóng mặt, tổn thương mạch máu võng mạc
Chế phẩm và liều dùng
Thuốc dùng điều trị dài ngày. Có thể dùng đơn thuần hoặc phối hợp với các
thuốc khác: chẹn  - adrenergic, ức chế men chuyển.

34
Vastarel, viên nén 20mg, uống 1 viên/lần x 3 lần/ngày. Vastarel MR, viên nang
35mg, uống mỗi lần 1 viên, ngày 2 lần.

LƯỢNG GIÁ
I.Điền vào chỗ trống
1. Nguyên nhân của cơn đau thắt ngực là do cơ tim bị …………. vì mất thăng bằng
giữa tăng nhu cầu ………… của cơ tim và sự cung cấp không đủ ……….. của mạch
vành.
2. Mạch vành không cung cấp đủ oxy cho cơ tim trong các trường hợp :
A……………………………………………………………………………………
B……………………………………………………………………………………
C……………………………………………………………………………………
3.Cơn đau thắt ngực là tất cả những cơn đau ……………. ở vùng ngực do cung cấp
không đủ oxy cho cơ tim
4. Phân loại cơn đau thắt ngực
A……………………………………………………………………..
B……………………………………………………………………..
C……………………………………………………………………..
D……………………………………………………………………..
E……………………………………………………………………..
5.Các đường dùng của Nitrat hữu cơ
A……………………………………………………………………..
B……………………………………………………………………..
C……………………………………………………………………..
6. Nitroglycerin đặt dưới lưỡi đạt nồng độ tối đa trong máu sau ………….phút. Thời
gian bán thải khoảng ………. phút. Chất chuyển hóa là glycosid dinitrat có tác dụng
giãn mạch kém …………. lần chất mẹ.
7. Nitrat làm giãn tất cả cơ trơn, không ảnh hưởng đến cơ tim và cơ vân, tác dụng rất
rõ trên cả động mạch và tĩnh mạch lớn nên ……….. (giảm lượng máu tĩnh mạch trở
về) và …………… (giãn động mạch lớn) vì vậy giảm sử dụng oxy cơ tim và giảm
công năng tim.
8. Mức độ làm giãn mạch của nitrat theo thứ tự sau: giãn ……… > ……….. > mao
mạch.
9. Chỉ định của các Nitrat là
A……………………………………………………………………..
B……………………………………………………………………..
C……………………………………………………………………..
D……………………………………………………………………..
E……………………………………………………………………..
10. Tác dụng không mong muốn của các Nitrat là
A……………………………………………………………………..
B……………………………………………………………………..
C……………………………………………………………………..
D……………………………………………………………………..
E……………………………………………………………………..
11. Các chống chỉ định của Nitrat là
A……………………………………………………………………..
B……………………………………………………………………..
C……………………………………………………………………..

35
12. Để cấp cứu các cơn đau thắt ngực, người ta dùng Nitrat dạng ………… thông
dụng nhất, vì thuốc tác dụng ngay sau 2 - 3 phút.
13. Phòng ngừa cơn đau thắt ngực thường dùng Nitrat dạng …………… như dùng qua
đường uống hoặc hệ điều trị qua da.
14. Tác dụng của thuốc Molsidomin
A……………………………………………………………………..
B……………………………………………………………………..
C……………………………………………………………………..
D……………………………………………………………………..
15. Molsidomin làm tăng GMP v cơ chế tương tự như………………………………
16. Chỉ định của Molsidomin
A……………………………………………………………………..
B……………………………………………………………………..
17. Chống chỉ định của Molsidomin
A……………………………………………………………………..
B……………………………………………………………………..
18. Chỉ định của các thuốc ức chế Beta adrenergic trong điều trị đau thắt ngực
A……………………………………………………………………..
B……………………………………………………………………..
C……………………………………………………………………..
19. Chống chỉ định của các thuốc ức chế Beta adrenergic trong điều trị đau thắt ngực
A……………………………………………………………………..
B……………………………………………………………………..
20. Chống chỉ định của các thuốc ức chế kênh Ca++ thế hệ 2:
A……………………………………………………………………..
B……………………………………………………………………..
C……………………………………………………………………..
D……………………………………………………………………..
II. CHỌN Ý ĐÚNG NHẤT
1.Thuốc nào sau đây không thuộc nhóm thuốc ức chế kênh Ca2+
A. Amlodipin
B.Nifedipin
C. Propranolol
D. Verapamil
2. Thuốc nào sau đây không thuộc nhóm thuốc ức chế kênh Ca2+ thế hệ 1
A. Amlodipin
B.Nifedipin
C. Ditiazem
D. Verapamil
2. Thuốc nào sau đây không thuộc nhóm thuốc ức chế kênh Ca2+ thế hệ 2
A. Amlodipin
B. Nifedipin
C. Felodipin
D. Nisodipin
3. Chỉ định của nhóm thuốc ức chế kênh Ca2+, NGOẠI TRỪ
A. Điều trị đau thắt ngực
B. Điều trị tăng huyết áp
C. Huyết áp thấp
D. Điều trị rối loạn nhịp tim

36
4. Thuốc nào sau đây được dùng để điều trị tổn thương mạch máu võng mạc
A. Nifedipin
B. Amlodipin
C. Trimetazidim
D. Propranolol
5. Thuốc nào sau đây không dùng điều trị đau thắt ngực
A. Trimetazidim
B. Amodaron
C. Aspirin
D. Verapamil
III.Trả lời các câu hỏi sau
1. Phân loại các nhóm thuốc điều trị cơn đau thắt ngực theo cơ chế.
2. Trình bày tác dụng, cơ chế tác dụng và tác dụng không mong muốn, chỉ định, chống
chỉ định của dẫn xuất nitrat, thuốc chẹn  - adrenergic, thuốc chẹn kênh calci trong
điều trị cơn đau thắt ngực

37
Bài 4
THUỐC ĐIỀU TRỊ NHỒI MÁU CƠ TIM

MUC TIÊU
1. Trình bày được các nhóm thuốc điều trị nhồi máu cơ tim.
2. Trình bày được tác dụng, chỉ định, chống chỉ định của các thuốc trong mỗi
nhóm.

NỘI DUNG
Như trên đã trình bày, nhồi máu cơ tim là tình trạng thiếu máu cơ tim nặng và
kéo dài dẫn đến cơn đau thắt ngực kéo dài. Khi đau thắt ngực từ 6-8 giờ cho phép nghĩ
là nhồi máu cơ tim. Nguyên nhân của nhồi máu cơ tim thường là do huyết khối, nên
trong điều trị nhồi máu cơ tim ngoài dùng các thuốc chống đau thắt ngực để cắt cơn
đau, tăng lượng máu nuôi tim, giảm công năng tim và ổn định nhịp tim, ngăn cản các
biến chứng, như rối loạn nhịp tim, suy tim sung huyết, đột tử, rất cần dùng các thuốc
chống huyết khối để mở thông mạch máu bị tắc nghẽn.
Các thuốc chống huyết khối
Thuốc ly giải huyết khối Streptokinase, anteplase….
Thuốc chống kết tập tiểu cầu:
+ Ức chế COX: Aspirin
+ Ức chế AMP: ticlopidine, clopiogrel.
+ Ức chế men Phosphodiesterase: Dipyridamol
+ Ức chế men GP IIb/IIIA: Abcimab
Thuôc kháng đông: Heparin, warfarin
1. Thuốc làm tan huyết khối (Streptokinase, anteplase………)

STREPTOKINASE
Dạng thuốc và hàm lượng
Lọ thuốc tiêm truyền 50 ml, chứa 1.500.000 đvqt Streptokinase dưới dạng bột đông
khô trắng. (nhãn đỏ)
Những lọ 6,5 ml có nhãn màu tương ứng với lượng Streptokinase tinh khiết như sau
- Xanh lá cây: 250.000 đvqt
- Xanh lam: 750000 đvqt
- Đỏ: 1.500.000 đvqt
Dược động học
Sau khi truyền tĩnh mạch Streptokinase bị thanh thải nhanh chóng ra khỏi tuần hoàn
bởi các kháng thể và hệ thống lưới nội mạc. Streptokinase không qua nhau thai nhưng
kháng thể kháng thuốc có thể qua nhau thai
Chỉ định
Huyết khối mạch vành và nhồi máu cơ tim: Điều trị càng sớm càng tốt.
Bệnh nghẽn mạch phổi
Chứng huyết khối tĩnh mạch sâu
Huyết khối và nghẽn động mạch
Các trường hợp khác: Streptokinase còn được dùng để điều trị tắc động mạch mạn
tính, huyết khối mạch võng mạc và nhiều bệnh khác có kèm theo hiện tượng nghẽn do
huyết khối.
Chống chỉ định
- Xuất huyết nội tạng
38
- Tai biến mach máu não, phẫu thuật não, tuỷ sống, động mạch
- Cơ địa dễ chảy máu, u não, phình mạch, có thai
- Tăng huyết áp nặng khó kiểm soát
- Viêm màng ngoài tim cấp
- Xuất huyết tiêu hóa nặng đang điều trị trong vòng 3 tháng
- Phẫu thuật trong vòng 10 ngày (chấn thương nặng, phẫu thuật tim phổi, sinh
thiết các tạng…).
- Người cao tuổi (trên 70 tuổi)
Chế phẩm
Xem phần các thuốc tác dụng trên quá trình đông máu và tiêu fibrin
2. Các thuốc chống kết dính tiểu cầu
Thường dùng aspirin với liều 100 - 150mg/ngày làm tan huyết khối cấp do ức
chế kết tụ tiểu cầu. Thuốc được dự phòng thứ phát nhồi máu cơ tim và đột quỵ ở
những người bệnh có tiền sử về những bệnh này. Aspirin khi dùng cùng với warfarin
làm tăng nguy cơ chảy máu nên phải hết sức thận trọng khi dùng phối hợp.

3. Các thuốc chống đông máu


- Heparin: được dùng cùng với thuốc làm tan huyết khối để ngăn sự nghẽn mạch
trở lại. Tiêm tĩnh mạch 1 liều 5000 IU, sau đó tiêm truyền 1000 IU/giờ để giữ lượng
prothrompin trong khoảng 1,5 - 2 lần so với bình thường.
- Warfarin: nên được dùng từ 3-6 tháng ở những bệnh nhân bị huyết khối ở thành
tim hay nhồi máu cơ tim có trước, hiệu quả ngăn ngừa giống aspirin.
HEPARIN
Dạng thuốc và hàm lượng
Ống tiêm lị 1 ml, 2 ml, 2,5 ml, 3 ml, 5 ml, 10 ml, 30 ml hàm lượng 10, 100,
1000, 2500, 5000, 7500, 10000, 15000, 40000 IU trong 1 ml
Dược động học
Heparin không hấp thu qua đường tiêu hóa nên phải tiêm tĩnh mạch, truyền tĩnh
mạch và tiêm dưới da. Heparin liên kết rộng rãi với lipoprotein huyết tương , không
qua nhau thai và sữa mẹ. Tác dụng chống đông máu đạt mức tối đa sau vài phút tiêm
tĩnh mạch, sau 2-3 giờ truyền tĩnh mạch chậm và sau 2-4 giờ tiêm dưới da. Nửa đời
sinh học thường từ 1-2 giờ, tuy nhiên có sự khác nhau giữa các cá thể, tăng theo liều
dùng và phụ thuộc vào chức năng gan thận. Nếu suy giảm chức năng gan, thận thì nửa
đời của thuốc kéo dài hơn, ngược lại nếu nghẽn mạch phổi thì nửa đời của thuốc sẽ rút
ngắn lại. Heparin thải trừ chủ yếu qua nước tiểu dưới dạng chuyển hóa, nhưng nếu
dùng liều cao thì có tới 50% thuốc thải trừ nguyên dạng.
Chỉ định
Phòng và điều trị huyết khối tĩnh mạch sâu
Phòng và điều trị huyết khối nghẽn mạch phổi
Trị liệu liều thấp để phòng huyết khối tĩnh mạch và nghẽn mạch phổi sau đại
phẫu thuật ở người bệnh có nguy cơ cao, thí dụ có tiền sử huyết khối nghẽn mạch và
người bệnh cần bất động thời gian dài sau phẫu thuật, nhất là người tuổi từ 40 trở lên
Điều trị hỗ trợ trong nhồi máu cơ tim cấp để giảm nguy cơ biến chứng huyết
khối nghẽn mạch, đặc biệt người bệnh có nguy cơ cao thí dụ bị sốc, suy tim xung
huyết, loạn nhịp kéo dài (nhất là rung nhĩ), có nhồi máu cơ tim trước đó.
Điều trị huyết khối nghẽn động mạch
Phòng huyết khối ở phụ nữ mang thai có khả năng dễ bị huyết khối
Heparin dùng làm chất chống đông máu trong truyền máu, tuần hoàn ngoài cơ
thể khi phẫu thuật, thận nhân tạo và bảo quản xét nghiệm

39
Chống chỉ định
Mẫn cảm với Heparin
Có vết loét dễ chảy máu, loét dạ dày và u ác tính
Dọa sảy thai, trừ khi có kèm theo đông máu nội mạch
Bị rối loạn đông máu nặng, viêm màng trong tim nhiễm khuẩn, chọc dò tủy
sống hoặc quanh màng cứng và phong bế giao cảm
Các tổn thương, chấn thương và phẫu thuật ở thần kinh trung ương, ở mắt và ở
tai (tuy nhiên ở liều thấp để dự phòng huyết khối thì vẫn dùng
Giảm tiểu cầu nặng ở các người bệnh không có điều kiện làm đều đặn các xét
nghiệm về đông máu (thời gian đông máu, thời gian Cephalin) khi dùng Heparin liều
đầy đủ.
Thận trọng
Giảm tiểu cầu, suy gan, suy thận nặng và thận trọng đạc biệt với người cao tuổi
(nữ trên 60 tuổi)
Dùng liều cao cho người bệnh mới phẫu thuật
Phối hợp với các thuốc có ảnh hưởng tới đông máu và/ hoặc chức năng tiểu cầu
như các Salicylat vì tăng nguy cơ chảy máu.
Người bệnh có tiển sử dị ứng đặc biệt, người dị ứng với các protein động vật vì
họ có thể dị ứng với thuốc này
Hội chứng cục máu trắng: trong khi dùng Heparin có thể xuất hiện huyết khối
mới kèm giảm tiểu cầu thì phải ngừng thuốc ngay.
Thời kỳ mang thai.
Heparin không qua nhau thai và có thể dùng cùng các thuốc chống đông máu
trong thời kỳ này vì không ảnh hưởng đến cơ chế đông máu của thai. Tuy vậy cần thận
trọng khi dùng Heparin trong 3 tháng cuối của thai kỳ và trong thời kỳ sau khi đẻ do
tăng nguy cơ xuất huyết của mẹ
Thời kỳ cho con bú
Heparin không phan bố vào sữa nên không nguy hiểm cho trẻ bú mẹ, nhưng có
một số báo cáo gây loãng xương nhanh trong vòng 2- 4 tuần hoặc xẹp đốt sống ở các
bà mẹ dùng Heparin trong thời kỳ này
Tác dụng không mong muốn
Xấp xỉ 10% người bệnh dùng Heparin có ADR. Các rủi ro tăng theo liều dùng
và thời gian dùng thuốc. Biến chứng nặng nhất là chảy máu: Chiếm 1-5 % số người
bệnh điều trị nội khoa huyết khối tĩnh mạch ở sâu và nghẽn mạch phổi, 20% số người
bệnh điều trị trong phẫu thuật
Nếu dùng Heparin dự phòng huyết khối trong phẫu thuật thì chảy máu chiếm tới
6%. Nguy cơ loãng xương cũng tăng lên nếu điều trị kéo dài trên 2 tháng.
Giảm tiểu cầu do Heparin qua cơ chế miễn dịch kết hợp với huyết khối động
mạch là một biến chứng có tỷ lệ dưới 1% (hội chứng cục máu trắng). Giảm tiểu cầu
nhẹ thường không có ý nghĩa lâm sàng.
Liều dùng
Người lớn
Phòng huyết khối tắc mạch sau hẫu phẫu:
Dùng 5000 đvqt tiêm dưới da 2 giờ trước khi phẫu thuật, sau đó 5000 đvqt, 2-3
lần trong 24 giờ cho tới khi người bệnh đi lại được, ít nhất 7 ngày sau phẫu thuật. Đối
với phẫu thuật chỉnh hình lớn, hoặc bệnh khác có nguy cơ cao: 3500 đvqt cách nhau 8
giờ/1 lần, điều chỉnh liều nếu cần để giữ thời gian Cephalin- Kaolin ở mức cao trị số
bình thường (gấp 1,5 đến 2,5 lần số liệu bình thường).

40
Điều trị huyết khối tắc tĩnh mạch ở sâu:
Tiêm tĩnh mạch đầu tiên 5000 đvqt/ liều tiêm tĩnh mạch, sau đó 30000-35000
đvqt trong 24 giờ nhỏ giọt tĩnh mạch liên tục hoặc truyền nhỏ giọt liên tục 1000-2000
đvqt mỗi giờ hoặc tiêm dưới da15000 đvqt, cách 12 giờ/lần, liều được điều chỉnh để
thời gian Cephalin hoạt hóa ở mức gấp 1,5-2,5 lần mức bình thường. Hoặc tiêm dưới
da sâu 25000 đvqt, cách nhau 12 giờ/lần trong 2 ngày, sau đó 12500 đvqt cách nhau
12 giờ/1 lần trong 3 ngày, và sau đó 12500 đvqt mỗi ngày 1 lần trong 2 ngày
Trẻ em
Liều nạp đầu tiên: 50-75 đvqt/kg thể trọng, tiêm tĩnh mạch 1 lần
Duy trì
Nhỏ giọt tĩnh mạch liên tục: trẻ dưới 1 tuổi: 28 đvqt/kg thể trọng/giờ, trẻ em
trên 1 tuổi: 20 đvqt/kg thể trọng/giờ.
Tiêm tĩnh mạch gián đoạn: : 100 đvqt/kg thể trọng/liều cách nhau 4 giờ 1 lần
Tiếp tục điều trị thêm 48 giờ sau khi bệnh ổn định. Đợt điều trị thường là 5-7
ngày
Tương kỵ
Nên tránh phối hợp Heparin với các thuốc có ảnh hưởng đến kết tập tiểu cầu
như Aspirin, dextran, phenybutazon……….có thể gây chảy máu. Nếu bắt buộc phải
dùng cần theo dõi lâm sàng và xét nghiệm chặt chẽ.
Heparin có thể kéo dài thời gian prothrombin, vì vậy khi dùng Heparin cùng với
các thuốc chống đông máu Coumarin hoặc Wafarin, phải chờ ít nhất 5 giờ sau khi tiêm
tĩnh mạch liều cuối cùng hoặc 24 giờ sau tiêm dưới da cuối cùng thì lấy máu để xét
nghiệm thời gian Prothrombin mới có giá trị
Thận trọng khi dùng corticoid kèm với Heparin do tăng nguy cơ chảy máu, cần
phải theo dõi chặt chẽ.
WARFARIN

Dạng thuốc và hàm lượng


Viên nén 1; 2; 2,5; 3;4;5;6;7,5; 10 mg Warfarin natri
Bột đông khô Warfarin natri, lọ 5 mg, hòa với 2,7 ml nước cất pha tiêm để có
dung dịch chứa Warfarin natri 2 mg/ml.
Dược động học
Warfarin uống được hấp thu nhanh và hoàn toàn, liên kết mạnh với Protein
huyết tương 98-99%. Thời gian bán thải 22-35 giờ, thải trừ chủ yếu qua thận sau khi
chuyển hóa ở gan bởi Cytocrom P450. Chuyển hóa này có thể bị ức chế bởi một số
thuốc Cimetidin, gây nguy cơ chảy máu nguy hiểm
Chỉ định:
Điều trị ngắn hạn:
Huyết khối tĩnh mạch và nghẽn mạch phổi cấp tính, lúc bắt đầu điều trị với
Heparin. Phòng huyết khối cho người bệnh phải bất động kéo dài sau phẫu thuật.
Nhồi máu cơ tim cấp: Phòng huyết khối tĩnh mạch, phẫu thuật và hỗ trợ điều trị
tiêu cục huyết khối.
Phòng bệnh dài hạn:
Người bệnh huyết khối tĩnh mạch và nghẽn mạch phổi tái phát.
Bệnh tim có nguy cơ nghẽn mạch như rung thất, thay van tim, người bệnh thiếu
máu cục bộ thoáng qua, nghẽn mạch não
Bệnh mạch vành (cơn đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim).
Chống chỉ định

41
Huyết áp cao ác tính, rối loạn cầm máu nặng, bệnh gan nặng, xơ gan, chứng
phân mỡ
Suy thận nặng, u loét đường tiêu hóa hoặc đường niệu sinh dục (dễ làm chảy
máu). Có chấn thương cấp hoặc mới phẫu thuật ở hệ thần kinh trung ương.
Thận trọng:
Tránh hoàn toàn tiêm bắp vì có nguy cơ ổ tụ máu.
Cần làm các xét nghiệm cần thiết khi thay đổi dạng thuốc.
Tác dụng của Warfarin và Vitamin K là đối kháng
Thời kỳ mang thai
Warfarin và các thuốc chống đông máu nhóm Coumarin qua được hàng rào
nhau- thai và gây loạn dưỡng sụn xương có chấm, chảy máu và thai chết lưu. Warfarin
còn làm tăng nguy cơ xuất huyết ở người mẹ trong 3 tháng cuối thai kỳ. Không
khuyến cáo dùng các thuốc chống đông máu nhóm Coumarin trong thai kỳ.
Thời kỳ cho con bú.
Warfarin không bài tiết qua sữa mẹ nên dùng được cho người cho con bú
Tác dụng không mong muốn
Thường gặp: Chảy máu
Ít gặp: ỉa chảy, ban đỏ, rụng tóc
Hiếm gặp: viêm mạch, hoại tử da,
Liều dùng:
Liều đầu tiên thông thường là 5-10 mg/ngày trong 2 ngày đầu, sau đó điều
chỉnh liều dựa vào kết quả xác định INR.
Liều duy trì: Phần lớn người bệnh được duy trì với liều 2-10 mg/ngày.
Thời gian điều trị phụ thuộc vào từng người, thông thường liệu pháp chống
đông phải kéo dài khi nguy cơ tắc mạch đã qua
Tương tác thuốc.
Phải rất thận trọng khi dùng thuốc chống đông máu đường uống phối hợp với
các thuốc khác.
Tác dụng của Warfarin có thể tăng lên khi dùng với: Cimetidin, amiodaron,
cloral hydrat….
Tác dụng của Warfarin có thể tăng lên hoặc giảm đi bởi Phenytoin, corticoid..
Tác dụng của Warfarin có thể giảm khi dùng cùng với rượu…

LƯỢNG GIÁ

I.ĐIỀN VÀO CHỖ TRỐNG


1. Nhồi máu cơ tim là tình trạng ……………………………. dẫn đến cơn đau thắt
ngực kéo dài
2. Khi đau thắt ngực từ ………………………….giờ cho phép nghĩ là nhồi máu cơ tim
3. Nguyên nhân của nhồi máu cơ tim thường là do …………………………….
4. Chỉ định của thuốc Streptokinase
A…………………………..
B…………………………..
C……………………………
D……………………………….
5.Chống chỉ định của thuốc Streptokinase là
A…………………………..
B…………………………..
C……………………………
D……………………………….
42
6.Chỉ định của thuốc Heparin
A…………………………..
B…………………………..
C……………………………
D……………………………….
7.Chỉ định của thuốc Warfarin
A…………………………..
B…………………………..
C……………………………
D……………………………….
8.Chống chỉ định của thuốc Heparin
A…………………………..
B…………………………..
C……………………………
D……………………………….
9.Chống chỉ định của thuốc Warfarin
A…………………………..
B…………………………..
C……………………………
D………………………………
II.Chọn ý đúng nhất
1.Liều dùng thuốc Aspirin để dự phòng huyết khối là
A. 200- 300 mg/ngày
B. 100-150 mg/ngày
C. 500- 1000 mg
D. 1000-2000 mg
2. Thuốc có tác dụng làm tan huyết khối, NGOẠI TRỪ
A. Warfarin
B. Heparin
C. Aspirin
D. Co- trimoxazol
3. Liều đầu tiên hay dùng thuốc Warfarin là
A. 5-10 mg/ngày
B. 2-5 mg/ngày
C. 5-15 mg/ngày
D. 15-20 mg/ngày
4. Liều duy trì thuốc Warfarin là
A. 2-10 mg/ngày.
B. 10-20 mg/ngày.
C. 20-30 mg/ngày.
D. 2-5 mg/ngày.

III.TRẢ LỜI CÂU HỎI

1. Trình bày các nhóm thuốc điều trị nhồi máu cơ tim.
2. Trình bày tác dụng, chỉ định, chống chỉ định của các thuốc trong mỗi nhóm.

43
Bài 5
THUỐC ĐIỀU TRỊ TĂNG HUYẾT ÁP
MỤC TIÊU
1. Phân loại được các nhóm thuốc điều trị tăng huyết áp
2. Trình bày được đặc điểm dược động học, tác dụng, cơ chế tác dụng, tác dụng
không mong muốn, chỉ định, chống chỉ định của các nhóm thuốc điều trị tăng huyết áp
được đề cập đến trong bài.
3. Phân tích được những ưu, nhược điểm của các nhóm thuốc điều trị tăng
huyết áp.

NỘI DUNG
I. ĐẠI CƯƠNG
1. Định nghĩa
Tăng huyết áp (THA) là tình trạng tăng huyết áp tâm thu và/ hoặc tăng huyết áp
tâm trương có hoặc không có nguyên nhân.
2. Cơ chế điều hòa tăng huyết áp
Huyết áp phụ thuộc vào hai yếu tố chính: cung lượng tim và sức cản ngoại vi, hai
yếu tố này lại phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác, như hoạt động của hệ thần kinh trung
ương và hệ thần kinh thực vật, hoạt động của vỏ và tuỷ thượng thận, ADH, hệ RAA,
hoạt động của tình trạng cơ tim, thành mao mạch, khối lượng máu, thăng bằng nước và
các chất điện giải. Hai thông số quan trọng của tăng huyết áp là tiền gánh và hậu gánh
phụ thuộc chính vào sự co hẹp lòng mạch máu. Vì vậy, các thuốc điều trị tăng huyết áp
phải tác động lên tất cả các khâu của cơ chế điều hòa huyết áp để làm giãn mạch, giảm
lưu lượng tim dẫn đến hạ huyết áp.
3. Phân loại tăng huyết áp
Huyết áp tâm thu Huyết áp tâm trương
Giai đoạn
(mmHg) (mmHg)
Bình thường 130 < 85
Bình thường cao 130-139 85-89
Tăng huyết áp:
Giai đoạn 1 (Nhẹ) 140-159 90-99
Giai đoạn 2 (Trung bình) 160-179 100-109
Giai đoạn 3 (Nặng) 180-209 110-119
Giai đoạn 4 (Rất nặng) >201 >120

Bảng 5.1. Bảng phân loại huyết áp cho người từ 18 tuổi trở lên (Theo JNC V.1993)

44
Tự điều hòa

HA = Cung lượng tim x Sức cản ngoại vi

V tâm thu Tần số tim d lòng mạch

Tăng HA Thuốc chẹn Ca++ (4)

Thuốc giãn mạch (3)

Tiền gánh Co thắt

Cường giao cảm

Phì đại tim mạch

Thuốc thuỷ giao cảm (2)

Ức chế ACE

V máu tăng Tăng renin


Hệ RAA (5)

Tăng nhập Na+ Thận giữ Na+ Angitonsin


Ức chế RAT

Thuốc lợi tiểu (1) Aldosteron

Sơ đồ 5.1. Cơ chế điều hòa huyết áp và các nhóm thuốc hạ áp

4. Phân loại các loại thuốc điều trị tăng huyết áp


Theo cơ chế điều hòa huyết áp, chia thành 5 nhóm:
- Nhóm 1: thuốc lợi niệu
- Nhóm 2: thuốc giảm hoạt động hệ giao cảm và hủy receptor adrenergic
+ Tác dụng trên giao cảm trung ương: clonidin, methyldopa
+ Liệt hạch : Trimethaphan
+ Tác dụng trên thần kinh hậu hạch giao cảm: reserpin, guanethidin
+ Huỷ  - adrenergic: prazosin, tarazosin, bufeniod
+ Huỷ  - adrenergic: acebutolol, atenolol, betaxolol, metoprolol,
Propranolol…….
- Nhóm 3: thuốc giãn mạch trực tiếp : hydralazin, minoxidil, diazoxid,
nitroprussiat.

45
- Nhóm 4: thuốc chẹn kênh Ca++ tác dụng trên tim mạch
- Nhóm 5: thuốc ức chế hệ RAA
+ Ức chế enzym chuyển dạng angiotensin (ức chế men chuyển; ACE)
+ Ức chế receptor AT1 của angiotensin II
II. THUỐC ĐIỀU TRỊ TĂNG HUYẾT ÁP
1. Thuốc lợi niệu
Thuốc lợi niệu làm giảm thể tích huyết tương dẫn đến giảm cung lượng tim và
giảm huyết áp, phối hợp với thuốc hạ huyết áp, làm tăng tác dụng hạ huyết áp. Thường
phối hợp thuốc lợi niệu với thuốc huỷ giao cảm và thuốc giãn mạch, ít hiệu quả hơn
khi phối hợp với thuốc chẹn kênh Ca++. Thuốc lợi niệu tác dụng mạnh trên người có
hoạt tính renin thấp, người cao tuổi, người béo phì, người da đen, người có tăng thể
tích huyết tương. Thuốc có tác dụng hạn chế ở người có hoạt tính renin cao.
Trong tăng huyết áp, thuốc lợi niệu được dùng phổ biến, do hiệu quả (đối với
tăng huyết áp nhẹ), rẻ tiền, dễ sử dụng và tăng tác dụng của thuốc điều trị tăng huyết
áp.
- Thiazid: là thuốc được sử dụng nhiều nhất và hiệu quả nhất trong các thuốc lợi
niệu để điều trị tăng huyết áp nhẹ và trung bình khi tim, thận bình thường. Là thuốc
lựa chọn cho người cao tuổi (trên 65 tuổi), dùng liều thấp 12,5-25mg/ngày. Nếu sử
dụng lâu, phải bù K+
- Indapamid (Fludex) là một sulfamid có tác dụng lợi niệu như thiazid và làm hạ
huyết áp.
- Thuốc lợi niệu quai: tác dụng nhanh, mạnh, thời gian ngắn nên chỉ điều trị cơn
tăng huyết áp kịch phát.
- Thuốc lợi niệu giữ K+ máu: trong điều trị tăng huyết áp thường phối hợp với
thuốc lợi niệu giảm K+ máu để hạn chế tác dụng mất K+ máu của các thuốc lợi niệu
giảm K+ máu. Không dùng chung với thuốc ức chế men chuyển (ACE) vì dễ gây tai
biến tăng K+ máu. (Chi tiết xem bài Thuốc lợi niệu).
2. Thuốc giảm hoạt động hệ giao cảm và huỷ receptor adrenergic
2.1. Thuốc kích thích  - adrenergic trung ương để làm giảm trương lực giao cảm
ngoại vi
Gồm: clonidin, methyldopa
2.1.1. CLONIDIN
Dược động học
Clonidin hấp thu tốt qua tiêu hóa, đạt nồng độ tối đa trong máu sau 3 giờ. Tiêm
bắp tác dụng xuất hiện sau 10 phút, đạt nồng độ tối đa sau 1 - 2 giờ. Sinh khả dụng
theo đường uống khoảng 75%. Liên kết với protein huyết tương kém (25-30%). Thuốc
vào được hệ thần kinh và tập trung trong các tế bào giữ nor-adrenalinn. Thời gian bán
thải khoảng 8 - 12 giờ. Chuyển hóa qua gan thành chất mất hoạt tính (50%). Thời gian
bán thải của chất chuyển hóa khoảng 20-24 giờ. Thuốc thải qua thận 65% (dưới dạng
nguyên chất khoảng 50%), 35% thải theo phân. Khi suy thận, thời gian bán thải kéo
dài.
Tác dụng và cơ chế
- Clonidin: kích thích receptor 2 - adrenergic trung ương, làm giảm giải phóng
nor-adrenalin (NA) ở hành não do đó giảm nhịp tim, giảm trương lực giao cảm ngoại
biên, giảm lưu lượng máu ở não, tạng, thận và mạch vành gây hạ huyết áp. Đặc điểm
tác dụng của thuốc là: làm tăng huyết áp ngắn do kích thích giao cảm với ngoại biên
rồi mới hạ huyết áp kéo dài (tác dụng chính) do kích thích 2 - adrenergic ở trung
ương.

46
- Các tác dụng khác: giảm cung lượng máu não, giảm nhãn áp, giảm lưu lượng
máu tới thận và độ lọc cầu thận, giảm nhẹ hoạt tính renin huyết tương, giảm tiết
insulin và giảm quá trình phân huỷ glycogen gan.
Chỉ định
Điều trị tăng huyết áp
Tác dụng không mong muốn
- Ngủ gà, ức chế bài tiết (khô miệng, giảm tiết dịch vị), cảm giác khó chịu. Giữ
muối, nước có thể phù.
- Tăng glucose máu, tím tái (co mạch da ngoại biên do cường  - adrenergic).
Ngừng thuốc đột ngột gây tăng huyết áp trở lại với triệu chứng nhức đầu, sợ hãi,
loạn nhịp tim, hồi hộp, mất ngủ.
Chống chỉ định
Trạng thái trầm cảm (đặc biệt trong trường hợp bệnh nhân có tiền sử trầm cảm),
suy thận
Thận trọng trong bệnh tiểu đường, Raynaud
Chế phẩm và liều dùng
Clonidin (Catapressan): viên 0,1, 0,2, 0,3mg; ống 0,15mg/mL
Liều dùng: 0,1-0,2mg/ngày. Sau tăng nhiều lần.
2.1.2. METHYLDOPA
Dược động học
Hấp thu qua tiêu hóa khoảng 50%. Liên kết yếu với protein huyết tương. Thuốc
qua được rau thai và sữa mẹ. Xuất hiện tác dụng sau 4 giờ và kéo dài có thể tới 24 giờ.
Chuyển hóa qua gan lần đầu nên sinh khả dụng theo đường thuốc (thấp khoảng 25%).
Thời gian bán thải khoảng 2 giờ. Thuốc được thải qua thận.
Tác dụng và cơ chế
Methyldopa ở nơron giao cảm đã chuyển thành -methyl nor-adrenalin, chất này
kích thích 2 - adrenergic ở trung ương gây tác dụng tương tự clonidin làm hạ huyết
áp.
Thuốc còn làm tăng trương lực phế vị, tăng hoạt tính renin huyết tương.
Chỉ định
Trong các thể tăng huyết áp khi dùng thuốc khác ít hoặc không có hiệu quả thì
methyldopa dùng liều nhỏ vẫn có hiệu quả, tương đối an toàn và duy nạp tốt, có thể
dùng cho người suy thận, người mang thai, suy tim trái (vì giảm thể tích tâm thất trái).
Tác dụng không mong muốn
- Giảm huyết áp ở tư thế đứng, giữ muối gây phù
- Trầm cảm, liệt dương
- Viêm gan, thiếu máu tan máu
- Hội chứng tương tự như lupus ban đỏ do bất thường miễn dịch
- Hội chứng giả parkinson, tăng prolactin huyết (gây chứng vú to ở nam giới và
bài tiết sữa ở phụ nữ)
Chống chỉ định
- Trạng thái trầm cảm rõ, viêm gan, suy gan, thiếu máu tan máu
- Thận trọng cho người lái xe và vận hành máy móc vì thuốc gây buồn ngủ
Chế phẩm và liều dùng
Methyldopa (Dopegyt, Aldomet): viên nén 125, 250, 500, ống 250mg/5mL. Liều
trung bình 250-500mg/ngày, chia 2 lần sau tăng dần tới khi có kết quả. Phối hợp với
thuốc lợi niệu để giảm ứ nước và muối.
2.2. Thuốc liệt hạch
Trimethaphan

47
Cơ chế
Thuốc cản trở dẫn truyền thần kinh qua hạch thần kinh thực vật do đối kháng
cạnh tranh với acetylcholin tại hạch làm liệt giao cảm và phó giao cảm dẫn đến hạ
huyết áp.
Chỉ định
- Điều trị cơn tăng huyết áp nặng
- Hạ huyết áp điều khiển trong phẫu thuật
Tác dụng không mong muốn
- Liệt phó giao cảm: liệt ruột gây táo bón, bí tiểu, khô miệng
- Liệt giao cảm: hạ huyết áp khi đứng
Chế phẩm và liều dùng
Arfonad: dạng uống 0,5mg/10mL; dạng tiêm 50mg/1mL, tiêm tĩnh mạch 0,1-
0,2mg/kg.

2.3. Thuốc tác động lên thần kinh hậu hạch giao cảm
Các thuốc này ức chế tác dụng của catecholamin ở hậu hạch giao cảm
Gồm: reserpin, guanethidin
2.3.1. RESERPIN
Dược động học
Thuốc hấp thu qua đường uống hoàn toàn nhưng chậm. Xuất hiện tác dụng chậm
sau 3-6 ngày, kéo dài tới 14 ngày.
Tác dụng
- Làm giảm sức cản ngoại vi mức độ vừa phải, huyết áp tâm thu giảm nhiều hơn
huyết áp tâm trương. Trước khi hạ huyết áp có cơn tăng huyết áp do giải phóng nor-
adrenalin từ các hạt dự trữ.
- Làm chậm nhịp tim.
Cơ chế
Ức chế thu hồi, đồng thời tăng giải phóng catecholamin ở các hạt dự trữ trong tế
bào hậu hạch giao cảm để cho catecholamin bị enzym MAO phá huỷ, do đó làm cạn
catecholamin ở ngoại biên và trung ương; đồng thời cạn cả serotonin và dopamin.
Chỉ định
Điều trị tăng huyết áp nhẹ và trung bình.
Tác dụng không mong muốn
- Nặng nhất là thuốc gây tình trạng trầm cảm, buồn ngủ, Parkinson
- Rối loạn tiêu hóa: tăng tiết acid ở dạ dày, tăng tiết gastrin, dịch ruột, nên có thể
gây tiêu chảy.
Chống chỉ định
- Loét dạ dày - tá tràng
- Trạng thái trầm cảm (kể cả có tiền sử trầm cảm)
- Người mang thai ở thời kỳ cuối
Chế phẩm và liều dùng
Reserpin (Serpasil, Rausedyl) viên 0,1mg - 0,25mg - 1mg. Uống 0,25mg-
1mg/ngày.
2.3.2. GUANETHIDIN
Dược động học
Hấp thu theo đường uống chậm. Tác dụng xuất hiện chậm sau 2 - 3 ngày, kéo dài
6 - 10 ngày. Thời gian bán thải dài (khoảng 5 ngày). Thải trừ qua thận khoảng 50%.
Tác dụng và cơ chế

48
Thuốc làm cạn nor - adrenalin trong các hạt dự trữ nor- adrenalin bị thuốc chiếm
chỗ nên tăng giải phóng và ức chế thu hồi trở lại của nor- adrenalin.
Chỉ định
Điều trị tăng huyết áp khi không dung nạp thuốc khác.
Tác dụng không mong muốn
- Hạ huyết áp ở tư thế đứng nhất là khi tiêm tĩnh mạch, phụ thuộc vào liều.
- Rối loạn tiêu hóa: tương tự reserpin
- Ít gây buồn ngủ và trầm cảm hơn reserpin.
Chống chỉ định
Loét dạ dày - tá tràng, suy mạch vành, suy thận, tăng nhãn áp cấp tính.
Chế phẩm và liều dùng
- Ismelin, viên nén 10mg, 25mg, ống tiêm 10mg/2mL. Dùng bắt đầu từ liều
10mg/lần/ngày. Không nên tăng liều trước 2 tuần điều trị.
- Guanadrel (Hylroel): viên nén 10mg, 25mg. Liều dùng 10mg/lần/ngày
2.4. Thuốc huỷ  - adrenergic
Gồm: prazosin, tarazosin, bufeniod
Dược động học
- Prazosin chuyển hóa qua gan lần đầu nên sinh khả dụng qua đường uống thấp,
thời gian bán thải khoảng 3-4 giờ.
- Terazosin chuyển hóa qua gan lần đầu ít hơn. Thời gian bán thải khoảng 12 giờ.
Cơ chế và tác dụng
- Prazosin, terazosin ức chế chọn lọc receptor 1 - adrenergic, còn bufeniod tác
dụng trên cả receptor 1 - adrenergic nên làm giãn mạch, giảm sức cản ngoại biên, hạ
huyết áp.
- Ngoài ra thuốc còn làm giảm triglycerid, LDL (lipoproteion tỷ trọng thấp).
Chỉ định
- Điều trị tăng huyết áp nhẹ và vừa, thích hợp với những trường hợp tăng huyết
áp tâm trương.
- Tăng huyết áp nặng nên phối hợp với thuốc lợi niệu và thuốc chẹn  -
adrenergic.
- Prazosin thường dùng cho người tăng huyết áp kèm tăng lipid huyết, tiểu
đường, bệnh gút, hen suyễn hoặc phì đại thất trái.
Tác dụng không mong muốn
- Hay gây hạ huyết áp liều đầu: bệnh nhân xỉu đột ngột khi dùng liều đầu >
2mg, nên bắt đầu liều thấp (uống 0,5-1mg/lần), nằm ngay sau uống.
- Nhức đầu, mệt mỏi, chóng mặt.
Chế phẩm và liều dùng
- Prazosin (Minipress): viên nang 1mg, 2mg, 5mg, bắt đầu liều thấp 1mg/lần x 3
lần/ngày. Sau tăng nhiều lần 20-30mg/ngày.
- Terazosin (Hytrin) viên 1mg, 2mg, 5mg. Uống 5-20mg/ngày
- Bufeniod (Proclival): viên 100mg. Uống 1 viên/ngày
2.5. Thuốc chẹn  - adrenergic
. Dược động học
Xem bài thuốc điều trị rối loạn nhịp tim
. Tác dụng hạ huyết áp
Các thuốc chẹn  - adrenergic làm giảm huyết áp do:
- Giảm lưu lượng tim
- Giảm tiết renin: rất có hiệu quả với người có hoạt tính renin cao ở huyết tương
(da trắng, trẻ tuổi) nên giảm angiotesin II hoạt hóa và giảm aldosteron.
49
- Giảm trương lực giao cảm ở trung ương do đối kháng với  - adrenergic ở trung
ương.
- Một số thuốc chẹn chọn lọc trên  1 - adrenergic, tác dụng trên  2 - adrenergic
của thành mạch rất kém nên ít ảnh hưởng tới sức cản ngoại biên hơn.
- Một số thuốc chẹn  - adrenergic có tác dụng cường giao cảm nội tại của cơ
tim: alprenolol, oxprenolol, pinolol, metopralol, acebutonol, practolol nên ngăn bước
được sự giảm nhịp tim. Đặc tính này có thể có lợi cho những bệnh nhân có rối loạn về
chức năng nút xoang, về dẫn truyền nhĩ - thất và co bóp cơ tim.
Chỉ định
- Điều trị tăng huyết áp nhẹ và vừa, là thuốc điều trị tăng huyết áp khá phổ biến,
dung nạp tốt. Rất hiệu quả khi tăng huyết áp do rối loạn thần kinh giao cảm (tim
nhanh, thiếu máu cục bộ).
- Phối hợp với thuốc lợi niệu để tăng tác dụng của thuốc chẹn  - adrenergic (vì
thuốc chẹn  - adrenergic làm giảm hoạt tính renin).
- Labetalol: ức chế  và  - adrenergic nên làm giảm sức cản ngoại biên nhiều
hơn thuốc khác nên dùng điều trị tăng huyết áp nặng và cấp tính (u tuỷ thượng thận).
- Điều trị rối loạn nhịp tim, cơn đau thắt ngực, suy tim mạn tính (xem bài thuốc
điều trị rối loạn nhịp tim, thuống chống cơn đau thắt ngực, thuốc trợ tim).
Tác dụng không mong muốn
- Một số thuốc tác dụng chọn lọc chẹn  1 - adrenergic ít gây các tác dụng phụ,
như hen suyễn, ngạt mũi (acebutolol, atenolol, betaxolol, metoprolol), liều cao làm
chậm nhịp tim.
- Loại tác dụng chẹn cả  1 và  2 - adrenergic: propranolol hay gây hen suyễn,
nghẹt mũi, Raynaud.
- Tim: nhịp tim chậm, rối loạn dẫn truyền nhĩ thất; suy tim do giảm co bóp cơ
tim.
- Thần kinh trung ương: đối với thuốc tan trong lipid vào được thần kinh trung
ương như propranolol… gây đau nửa đầu, trầm cảm hoặc kích thích gây co giật, mất
ngủ hoặc ngủ lịm.
- Trên chuyển hóa:
+ Tăng LDL (lipoprotein tỷ trọng thấp) và giảm HDL (lipo protein tỷ trọng cao)
trong máu là điều kiện phát sinh hoặc làm nặng thêm vữa xơ mạch máu.
+ Nguy cơ giảm glucose máu do ức chế tạo glucose và kéo dài cơn hạ glucose
máu do tăng tiết insulin.
(Xem thêm thuốc chẹn  - adrenergic ở bài thuốc chống đau thắt ngực và thuốc
chống rối loạn nhịp tim).
Chống chỉ định
(Xem thuốc chẹn  - adrenergic ở bài Thuốc điều trị rối loạn nhịp tim).
Chế phẩm và liều dùng
- Metoprolol (Lopressor, Betaloc): viên nén 50, 100mg, ống tiêm 1mg/1mL,
dùng trong cấp cứu 1-5 ống/ngày, tiêm tĩnh mạch rất chậm. Liều dùng điều trị tăng
huyết áp 50 - 100mg/ngày, tối đa 450mg/ngày, chia nhiều lần.
- Atenolol (Tenormin): viên nén 50-100mg. Uống 50-100mg/ngày, ống tiêm
1mL/mg, dùng trong cấp cứu 1-5 ống/ngày, tiêm tĩnh mạch rất chậm.
- Nadolol (Corgard): viên nén 40, 80, 120, 160mg. Uống 40-80mg/ngày, tối đa
320mg/ngày; ống tiêm 1mg/1mL, dùng trong cấp cứu 1-5 ống/ngày, tiêm tĩnh mạch rất
chậm.
- Acebutolol (Sectral): viên nhộng, viên nén 200, 400mg. Uống 400-
1200mg/ngày.
50
- Labetalol (Trandate, Normodyne): viên nén 200, 300mg. Uống 300-
600mg/ngày chia 3 lần, tối đa 2400mg/ngày; ống 5mg/1mL x 2 lần/ngày, tiêm tĩnh
mạch rất chậm.
- Pindolol (Visken): viên nén 5, 10mg. Uống 5-30mg/ngày.
3. Thuốc giãn mạch trực tiếp
Gồm: hydralazin, minoxidil, diazoxid, nitroprussiat
3.1. HYDRALAZIN
Cơ chế tác dụng
- Làm giãn trực tiếp cơ trơn mạch máu ngoại biên do hoạt hóa kênh K +, tăng
dòng K+ vào tế bào gây sự gia tăng phân cực (hyperpolarization) nên kìm hãm sự khử
cực của tế bào làm giãn cơ trơn mạch máu, hạ huyết áp.
- Mặt khác thuốc còn ức chế kênh Ca++ ở cơ trơn mạch máu nên cũng làm giãn
mạch, hạ huyết áp.
Chỉ định
- Điều trị tăng huyết áp vừa và nặng không đáp ứng với thuốc lợi niệu hoặc thuốc
liệt giao cảm.
- Do khởi đầu tác dụng chậm và tác dụng dược lực khó dự đoán nên ít dùng trong
tăng huyết áp cấp, thường dùng trong tăng huyết áp mạn phối hợp với thuốc chẹn  -
adrenergic, methyldopa, clonidin để hạn chế phản xạ bù của thuốc giãn mạch này.
- Dùng được cho người mang thai bị tăng huyết áp (thận trọng trong những tháng
đầu của thai kỳ).
Tác dụng không mong muốn
- Thuốc có thể gây chứng đỏ bừng, nhức đầu
- Nhịp tim nhanh, hồi hộp, đau thắt ngực, giữ muối và nước do phản xạ bù
- Rối loạn tiêu hóa
- Người bị bệnh mạch vành: thuốc làm tăng nhịp tim, tăng tiêu thụ oxy nên tăng
khả năng gây đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim.
Chế phẩm và liều dùng
- Apresolin: viên nén 10mg, 25mg, 50mg, 100mg, ống tiêm 20mg/1mL. Liều
trung bình 50-100mg/ngày.
- Dihydralazin (Nepresol): viên 25mg mạnh hơn Apressolin 4 lần
3.2. MINOXIDIL
Tác dụng và cơ chế
Tương tự hydralazin
- Làm giãn mạch mạnh hơn hydralazin; giãn trực tiếp các tiểu động mạch
- Phản xạ bù nặng hơn hydralazin nên phối hợp với thuốc lợi niệu và thuốc chẹn
 - adrenergic.
Chỉ định
- Điều trị tăng huyết áp nặng đã kháng các thuốc khác
- Thay thế hydralazin khi suy thận, tăng huyết áp nặng không đáp ứng được với
hydralazin
Tác dụng không mong muốn
Tăng cân, rậm lông (khi dùng trên 4 tuần). Lông phát triển nhiều ở mặt, tay chân,
đặc biệt ở phụ nữ, bất lợi cho phụ nữ khi dùng (có thể do minoxidil hoạt hóa gen điều
hòa protein chân tóc).
Chế phẩm và liều dùng
Minoxidil (Loniten) viên 2,5-10mg. Uống 5-40mg/ngày
3.3. DIAZOXID

51
Thường dùng theo đường tiêm, tác dụng xuất hiện nhanh (một vài phút sau
dùng), thời gian bán thải khoảng 24 giờ.
Tác dụng và cơ chế tương tự hydralazin nhưng giảm huyết áp nhanh, mạnh (có
hiệu lực một vài phút sau dùng) và kéo dài 4-12 giờ.
Thường dùng phối hợp với thuốc chẹn  - adrenergic trong tăng huyết áp nặng để
hạn chế tác dụng tăng nhịp tim, giảm cung lượng tim do thuốc gây ra.
Thuốc có thể gây tăng phản xạ giao cảm: tăng nhịp tim, hồi hộp, đánh trống
ngực, nhức đầu. Tăng glucose máu (do ức chế tiết insulin có thể gây tiểu đường). Giữ
Na+ và nước.
Thận trọng trong tiểu đường, bệnh não, tim, thận.
Chế phẩm: Hyperstat, ống 300mg/20mL, tiêm tĩnh mạch chậm 1 ống/ngày, tối đa
4 ống/ngày.
3.4. NITROPRUSSIAT
Dược động học
Hấp thu kém qua đường uống nên phải tiêm tĩnh mạch, thời gian bán thải rất
ngắn (khoảng 2-3 phút), tác dụng xuất hiện nhanh sau 1-2 phút và hết sau 5-10 phút.
Chuyển hóa qua gan thành thiocyanat. Thải trừ qua thận.
Tác dụng và cơ chế
Tác dụng:
- Giãn cả tĩnh mạch và động mạch nên giảm cả tiền gánh và hậu gánh
- Không ức chế giao cảm nên nhịp tim tăng, mặc dù lưu lượng tim không tăng.
- Lưu lượng thận và tốc độ lọc cầu thận được duy trì.
Cơ chế: thuốc làm tăng GMP v nên giãn cơ trơn thành mạch, tương tự như nitrat
Chỉ định
Dùng cấp cứu trong cơn tăng huyết áp; phù phổi cấp, suy tim nặng
Tác dụng không mong muốn
- Giảm huyết áp quá độ: nôn, vã mồ hôi, bồn chồn, nhức đầu, hồi hộp (liều khởi
đầu thấp, rồi tăng liều dần để hạn chế tác dụng này).
- Nếu tiêm, truyền liên tục gây ù tai, rối loạn thị giác và suy tuyến giáp, không
được dùng quá 72 giờ.
- Dùng lâu có thể gây Met- Hb.
Chống chỉ định
- Huyết áp hạ; giảm thể tích máu lưu thông
- Suy gan, thận, tuyến giáp, trạng thái nhiễm acid.
Chế phẩm và liều dùng
Niprid: lọ 50mg bột đông khô pha trong glucose đẳng trương truyễn tĩnh mạch
0,5-1g/kg/phút.
4. Thuốc chẹn kênh Ca++
Kênh Ca++ có 4 typ: kênh L (Longacting), kênh T (transient), kênh N (neuron),
kênh P (purkingje).
4.1. Phân loại thuốc chẹn kênh Ca++
. Theo cấu trúc hóa học và đặc điểm điều trị chia 3 nhóm: dihydropyridin (DHP),
benzothiazepin, phenylalkylamin
. Theo tính chọn lọc, chia thành 2 thế hệ
Thế hệ 1: thuốc chẹn Ca++ ở màng tế bào và màng túi lưới nội bào
Thế hệ 2: tác dụng như thế hệ 1 nhưng chọn lọc trên tế bào cơ trơn thành mạch
và tim, đồng thời các thuốc có thời gian bán thải kéo dài hơn và ổn định hơn.

Nhóm hóa học Tác dụng đặc hiệu Thế hệ 1 Thế hệ 2

52
Dihydropyridin Động mạch > tim Nifedipin Felodipin
Nicardipin
Nimodipin
Amlodipin
Nisodipin
Isradipin
Manidipin
Nitreldipin
Benzothiazepin Động mạch = tim Diltiazem Clentiazem
Phenylalkylamin Tim > động mạch Verapamil Gallopamid
Anipamil

Bảng 3.1. Phân loại thuốc chẹn kênh Ca++


4.2. Các đặc điểm chung
Dược động học
(Xem bài Thuốc chống cơn đau thắt ngực)
Tác dụng và cơ chế
Tác dụng:
- Trên mạch: làm giãn mạch
+ Giãn mạch ngoại vi:chủ yếu giãn động mạch, làm giảm sức cản ngoại vi nên hạ
huyết áp.
+ Giãn mạch vành, tăng cung lượng mạch vành, tăng cung cấp oxy cho cơ tim.
+ Giãn mạch não, tăng cung cấp oxy cho tế bào thần kinh.
- Trên tim: Làm giảm hình thành xung động, giảm dẫn truyền và giảm co bóp cơ
tim, giảm nhu cầu oxy có lợi cho bệnh nhân co thắt mạch vành.
Mức độ tác dụng trên tim, mạch của các thuốc khác nhau
Cơ chế:
Chủ yếu thuốc gắn đặc hiệu vào kênh Ca++ có ở tế bào cơ tim và cơ trơn thành
mạch, phong tỏa kênh không cho Ca++ đi vào trong tế bào nên làm giãn cơ. DHP còn
ức chế nucleotid phosphodiesterase vòng ở tế bào cơ trơn, dẫn đến tăng nucleotid vòng
gây giãn cơ trơn mạch máu làm giảm huyết áp. Gần đây người ta thấy thuốc còn làm
tăng lưu lượng máu tới thận, tăng sức lọc cầu thận nên lợi niệu, góp phần làm hạ huyết
áp.
Trên mạch Trên tim
Thuốc Giãn mạch Giãn mạch Ức chế co Ức chế tự Ức chế dẫn
ngoại vi vành bóp động truyền
Verapamil ++ ++++ +++++ +++++ +++++
Nicardipin +++++ 0 + 0
Nifedipin +++ +++++ + + 0
Nimodipin ++++ +++++ + + 0
Diltiazem ++ +++ ++ +++++ ++++

Bảng 5.3. Mức độ tác dụng trên tim và mạch của một số thuốc chẹn kênh Ca ++
Các thuốc chẹn Ca++ thế hệ 2 có tác dụng giãn mạch ngoại vi theo thứ tự:
amlodipin, felodipin, nisodipin, nimodipin > nifedipin, nitrendipin > diltiazem,
verapamil.
Các tác dụng khác: thuốc không làm tăng hoạt tính renin huyết tương, không làm
ứ Na+ và nước, không ảnh hưởng đến chuyển hóa glucose và lipid.
Tác dụng không mong muốn
53
(Xem bài Thuốc điều trị cơn đau thắt ngực)
Chỉ định trong điều trị tăng huyết áp
Cho tới nay, thuốc chẹn kênh Ca++ được coi là thuốc điều trị tăng huyết áp an
toàn và hiệu quả. Thuốc còn có ưu điểm là không có tác dụng không mong muốn ở
thận, không gây rối loạn chuyển hóa.
- Điều trị tăng huyết áp: nifedipin và các thuốc thuộc nhóm DHP có tác dụng tốt
nhất.
- Các chỉ định khác: xem bài Thuốc điều trị cơn đau thắt ngực
Chống chỉ định: Xem bài Thuốc điều trị cơn đau thắt ngực
4.3. Các thuốc
Các thuốc đều có những đặc điểm chung ở trên. Trong phần này chỉ trình bày
những điểm riêng của từng thuốc.
4.3.1. NIFEDIPIN
Dược động học
Đạt nồng độ tối đa trong huyết tương sau 0,5 - 1 giờ. Dạng giải phóng kéo dài
được hấp thu từ từ, đạt nồng độ tối đa sau 6 - 8 gìơ. Thời gian bán thải khoảng 16-18
giờ.
Tác dụng
- Làm giãn mạch ngoại vi nhiều, giảm hậu gánh, hạ huyết áp
- Không tác động đến nút nhĩ thất nên không làm ảnh hưởng đến dẫn truyền thần
kinh tim nhưng gây phản xạ giao cảm, tăng nhịp tim.
- Cải thiện được chức năng thận do tăng lượng máu vào thận, không ảnh hưởng
đến hệ RAA.
- Khác với các thuốc chẹn kênh Ca++ khác, ngoài tác dụng giãn cơ trơn mạch
máu còn giãn các cơ trơn khác như cơ trơn khí, phế quản, cơ trơn tiêu hóa và tử cung.
Chỉ định
- Điều trị tăng huyết áp
- Cơn đau thắt ngực thể ổn định và Prinzmetal; thể không ổn định
Tác dụng không mong muốn
- Rối loạn tiêu hóa (buồn nôn, đầy bụng, tiêu chảy)
- Tăng enzym gan, tăng sản lợi, đau cơ, rối loạn thị giác
Chống chỉ định
Mẫn cảm thuốc
Thận trọng trong suy gan, người mang thai và thời kỳ cho con bú
Chế phẩm và liều dùng
Adalat viên bọc đường 10mg, viên nén 20mg tác dụng nhanh, ngắn
Adalat LA 30mg, Adalat LP 20mg tác dụng kéo dài. Uống 20-60mg/ngày
4.3.2 VERAPAMIL
Dược động học
Đạt nồng độ tối đa trong huyết tương sau 1 - 2 giờ. Dạng tác dụng kéo dài đạt
nồng độ tối đa sau 6 giờ và có thời gian bán thải khoảng 11 giờ.
Tác dụng
- Trên tim: tác dụng ức chế dẫn truyền nhĩ thất tốt hơn diltiazem.
- Giảm nồng độ catecholamin trong huyết tương.
- Có khả năng ức chế ngưng kết tiểu cầu và phòng huyết khối.
Chỉ định
- Chống cơn đau thắt ngực ở các thể của bệnh
- Dự phòng rối loạn nhịp tim trên bệnh nhân suy mạch vành và trong điều trị tăng
huyết áp.

54
Tác dụng không mong muốn
- Rối loạn tiêu hóa (táo bón)
- Rối loạn về giấc ngủ
- Suy tim nặng hơn nếu chức năng co bóp cơ tim đã bị giảm.
Chế phẩm và liều dùng
Isoptine, viên 120mg, tác dụng nhanh, ngwans. Isoptine LP, viên nén 240mg,
Arpamil LP viên nang 240mg, tác dụng kéo dài.
Uống: 120-240mg/ngày
4.3.3. Diltiazem
Tác dụng
- Trên tim: ức chế nút xoang tốt hơn verapamil. Làm phát triển tuần hoàn bàng hệ
và phân bố lại máu trong các lớp cơ tim.
- Hiệu lực trên tim và giãn động mạch tương đương nhau.
Chỉ định
- Cơn đau thắt ngực, đặc biệt với thể Prinzmetal, thể không ổn định
- Điều trị tăng huyết áp
Tác dụng không mong muốn
- Rối loạn tiêu hóa (đầy hơi, rát thượng vị, khô miệng, táo bón hoặc tiêu chảy).
- Mệt mỏi, tăng enzym gan.
Chế phẩm và liều dùng
Tildiem, viên nén 30mg, 60mg, tác dụng nhanh, ngắn
Deltazen, LP 300mg, Dilrene LP, 300mg, tác dụng kéo dài
Uống: 180-360mg/ngày
4.3.4. FELODIPIN
Dược động học
Tan được trong lipid nên qua được hàng rào máu - não
Tác dụng
- Có tính chọn lọc cao trên tiểu động mạch làm giãn mạch, giảm sức cản ngoại vi
nên hạ huyết áp và giảm mức tiêu thụ oxy cho cơ tim. Ít tác dụng lên tĩnh mạch và
điều hòa giao cảm vận mạch nên không gây hạ huyết áp khi đứng.
- Giãn mạch não nên tăng máu vào não, được dùng cho những người tai biến
mạch máu não.
- Liều điều trị ít ảnh hưởng tới sức co bóp và tính dẫn truyền của cơ tim, ít gây
nhịp nhanh do phản xạ giao cảm.
Tương tác thuốc
- Phối hợp với các thuốc chẹn 1 - adrenergic và  - adrenergic làm tăng tác dụng
hạ huyết áp.
- Phenytoin, barbiturat làm giảm nồng độ felodipin trong huyết tương.
Chế phẩm và liều dùng
Plendil viên nén 2,5, 5, 10mg tác dụng kéo dài. Liều khởi đầu 2,5mg. Thường
dùng 5-10mg/lần/ngày.
4.3.5. ISRADIPIN
Dược động học
Tan được trong lipid nên qua được hàng rào máu - não
Tác dụng
- Giảm nhẹ sức co bóp cơ tim, ức chế yếu nút xoang và dẫn truyền nhĩ - thất.
- Giãn mạch não nên tăng máu vào não, được dùng cho những bệnh nhân tai biến
mạch máu não.
Tương tác thuốc

55
- Phối hợp với rifampicin làm giảm nồng độ isradipin trong huyết tương.
- Không tương tác với digoxin, diclofenac, ciclosporin
Chế phẩm và liều dùng
Icaz LP, viên nang 2,5, 5mg. Uống 2,5 - 10mg/lần/ngày
4.3.6. AMLODIPIN
Thuốc dùng được cho người suy thận có tăng huyết áp
Ngoài chỉ định chống cơn đau thắt ngực, điều trị tăng huyết áp, hiện đang được
nghiên cứu điều trị suy tim mạn có biến chứng.
Amlor, viên nén 5mg. Uống 5-10mg/lần/ngày
4.3.7. NIMODIPIN
Qua được hàng rào máu - não và có ái lực cao với mạch não làm giãn mạch não,
giảm nhu cầu oxy của tế bào thần kinh nên được dùng cho những người tai biến mạch
máu não.
Nimotop, viên nén 10mg, 50mg. Uống 10-50mg/lần/ngày.
4.3.8. NISODIPIN
Tác dụng tốt trên mạch vành
Sular, Syscor viên nén 10mg, 20mg. Uống 10-60mg/lần/ngày
4.3.9. MANIDIPIN
Dùng được cho bệnh nhân suy thận có tăng huyết áp
Madiplot, viên nén 10mg. Uống 10-20mg/lần/ngày. Giảm liều ở người già, suy
gan.
4.3.10. NICARDIPIN
Tác dụng giãn mạch vành tốt, ít tác dụng trên tim
Chống chỉ định: giãn động mạch chủ tiến triển
Viên nang hoặc nén 20mg, 30mg, 40mg. Viên nén tác dụng kéo dài (LP) 50mg.
Uống 20-30mg/lần x 3 lần/ngày.
4.3.11. MIBEFRADIL
Là một thuốc chẹn kênh Ca++ mới, sinh khả dụng cao (khoảng 90%). Thời gian
bán thải dài 17-25 giờ.
Thuốc làm giãn mạch, hạ huyết áp. Không gây phản xạ giao cảm làm nhịp tim
nhanh mà thường làm chậm lại. Không ảnh hưởng tới sức co bóp của cơ tim. Làm tăng
thời gian gắng sức. Làm cơn đau thắt ngực tái phát xuất hiện chậm hơn.
Phối hợp với thuốc chẹ  - adrenergic, hiệu lực điều trị tốt hơn
Liều dùng: 25-50mg/ngày
5. Thuốc tác dụng trên hệ Renin - Angiotesin - Aldosteron (hệ RAA)
5.1. Thuốc ức chế enzym chuyển dạng angiotesin (ức chế men chuyển)
(Angiotensin Converting enzym - CAE)
Phân loại
- Theo cấu trúc hóa học, chia thành 3 nhóm:
+ Nhóm I: có chứa sulfhydryl (-SH): captopril, fentiapril, pivalopril, zofenopril,
alacepril.
+ Nhóm II: có chứa nhóm dicarboxyl (-COOH): enalapil, lisinopril, benazepril,
quinapril, moexipril, ramipril, spirapril, perindopril, indolapril, pentopril, indalapril,
cilazapril.
+ Nhóm III: trong cấu trúc có chứa phospho, đại diện là fosinapril.
- Theo dược động học:
+ Nhóm I: thuốc ở dạng có hoạt tính, khi vào trong cơ thể tác dụng ngay:
captopril.

56
+ Nhóm II: tiền thuốc (prodrugs): là những thuốc này chưa có hoạt tính, khi vào
trong cơ thể phải chuyển hóa thành những chất có hoạt tính mới phát huy được tác
dụng: alacepril, benazepril, cilazapril, enalapril, perindopril, quinapril, ramipril,
spirapril.
+ Nhóm III: thuốc ở dạng có hoạt tính ngay, tan trong nước: lisinopril.
Dược động học
Các thuốc ức chế men chuyển khác nhau về dược động học .Cụ thể là:
- Captopril: hấp thu nhanh qua đường tiêu hóa: thức ăn giảm hấp thu thuốc tới
25-30%. Không bị chuyển hóa qua gan lần đầu. Sinh khả dụng khoảng 75%. Tác dụng
xuất hiện sau uống khoảng 1 giờ; tác dụng kéo dài 6-8 giờ. Thời gian bán thải khoảng
4 giờ. Thải trừ chủ yếu qua thận dưới dạng chuyển hóa khoảng 40-45%.
- Các tiền thuốc: khi vào trong cơ thể bị thuỷ phân bởi esterase ở gan để trở thành
chất có hoạt tính.
+ Phần lớn các tiền thuốc hấp thu nhanh qua đường tiêu hóa (quinapril,
benazepril, rimapril…) nhưng không hoàn toàn (rimapril 50-60%, quinapril, khoảng
60%, benazepril khoảng 37%...).
+ Thức ăn làm giảm hấp thu một số tiền thuốc như: moexipril, quinapril.
+ Sau khi uống đạt được nồng độ đỉnh trong máu với các tiền thuốc thường từ 1-
3 giờ.
- Sinh khả dụng đường uống của các tiền thuốc nhìn chung thấp: enalapril là
60%, spirapril 50%, moexipril 13%.
+ Thời gian bán thải của chất chuyển hóa của các tiền thuốc nhìn chung đều dài
khoảng từ 9-11 giờ, do thuốc gắn tương đối bền vững với ACE, một vài thuốc có thời
gian bán thải kéo dài hơn: ramipril 18 giờ, quinapril 25 giờ, spirappril 35 giờ.
+ Các thuốc thải trừ chủ yếu qua gan và thận.
- Lisinopril: là thuốc có hoạt tính, tan mạnh trong nước, uống hấp thu chậm,
không hoàn toàn (khoảng 37%). Đạt nồng độ tối đa trong máu sau uống là 7 giờ.
Không tích lũy trong các mô. Thải trừ chủ yếu qua thận dưới dạng không còn hoạt
tính.
- Các thuốc qua được rau thai và sữa mẹ.
Tác dụng và cơ chế
- Trên mạch:
+ Giãn mạch: do ức chế ACE nên angiotensin II bị giảm và làm giảm vasopressin
huyết tương, làm giảm sức cản tuần hoàn ngoại biên.
+ Giãn mạch chọn lọc ở các mô quan trọng (mạch vành, thận, não, thượng
thận…), nên tái phân phối lưu lượng tuần hoàn tại các khu vực khác nhau làm giảm cả
tiền gánh và hậu gánh…
+ Giảm phì đại thành mạch, tăng tính đàn hồi của động mạch, cải thiện chức
năng mạch máu.
- Trên tim:
+ Không có tác dụng trực tiếp trên nút xoang, không thay đổi nhịp tim, tuy có
làm hạ huyết áp do kích thích phó giao cảm trực tiếp hoặc gián tiếp qua prostaglandin,
hoặc làm mất tác dụng phản xạ giao cảm của angiotensin II trên cung phản xạ áp lực.
+ Làm giảm sự phì đại và xơ hóa tâm thất, vách liên thất.
- Trên thận:
+ Tăng thải Na+, giữ K+ do làm giảm tác dụng của aldosteron nên làm hạ huyết
áp. Tăng thải acid uric.
+ Tăng tuần hoàn thận dẫn đến tăng sức lọc cầu thận
- Trên chuyển hóa: tăng nhạy cảm với insulin và tăng hấp thu glucose

57
Thuốc Hấp thu Liên kết Khả Nồng độ đỉnh Thời gian
qua đường protein dụng sinh trong huyết bán thải
tiêu hóa huyết tương học (%) tương đạt sau (giờ)
(%) (%) (giờ)
Captopril 75 30 60 1,5 1,7
Chất chuyển 9-12
hóa
Benezepril 37 95 28 0,5 1
Benazeprilat 95 1,5 23
Cilazapril 75 25-30 60 1 2
Cilazaprilat 2 40
Enalapril 60 50-60 40 1 11
Enalaprilat 3-4 30-35
Lisinopril 25-30 10 25 6-8 40
Perindopril 60-80 120 65-75 3-4 25
Perindoprilat 9-18 27-60
Quinapril 60 97 60-70 1 1
Quinaprilat 97 2 3
Ramipril 40-60 73 54-65 1 13-17
Ramiprilat 56 3
Trandolapril 40-60 80 6 24
Trandolaprilat 94

Bảng 5.4. Dược động học của các thuốc ức chế men chuyển
Cơ chế tác dụng: ACE có nhiều trong huyết tương và các mô khác, đặc biệt ở thành
mạch, tim, thận, tuyến thượng thận, não. ACE xúc tác cho quá trình tạo angiotensin II
là chất có tác dụng co mạch, tăng giữ Na+ và làm angiotensin II không được hình
thanhfh và bradykinin bị ngăn cản giáng hóa dẫn đến giãn mạch, tăng thải Na+ làm hạ
huyết áp (sơ đồ 1.3)
Chỉ định
- Điều trị tăng huyết áp: Thuốc dùng được trong nhiều trường hợp tăng huyết áp
do tổn thương cơ quan đích như tổn thương thận, do tiểu đường…
- Điều trị suy tim sung huyết mạn tính do thuốc làm giảm cả tiền gánh và hậu
gánh. Thuốc còn được dùng sau nhồi máu cơ tim

58
0
Angiotensinogen Kininogen

Renin Kalikrein

Giãn mạch, thải Na+


Angiotensin I Bradykinin
(chưa có hoạt tính)

ACE

Thuốc ức chế
ACE
Angiotensin II Heptapeptid
(có hoạt tính) (bất hoạt)

RAT1

Thuốc chẹn RAT1


Co mạch
Tiết aldosteron

Giữ Na+ Tăng huyết áp Hạ huyết áp


Sơ đồ 5.2. Cơ chế tác dụng của thuốc ức chế ACE
Tác dụng không mong muốn
- Hạ huyết áp: thường gặp ở liều đầu tiên
- Ho: ho khan, không liên quan đến liều, nữ có tỷ lệ lớn hơn nam. Ho có thể do
tích luỹ bradykinin, chất P và prostagladin trong phổi.
- Tăng K+ máu: nhất là khi chức năng thận kém, hoặc dùng phối hợp với thuốc
lợi niệu K+ máu, thuốc chẹn  - adrenergic, thuốc chống viêm không steroid.
- Suy thận cấp: hay gặp ở bệnh nhân hẹp động mạch thận một bên hoặc hai bên
làm giảm sức lọc cầu thận.
- Dị ứng: phát ban, sốt, giảm bạch cầu trung tính (hay gặp ở những thuốc có
nhóm - SH), albumin niệu.
- Phù mạch thần kinh do thoát nước qua mao mạch: phù niêm mạc mũi, họng,
thanh quản, môi, lưỡi (điều trị dùng adrenalin, thuốc kháng histamin H 1, corticoid).
- Thay đổi vị giác, hay gặp khi dùng captopril.

Liều dùng cho Liều khởi đầu Liều duy trì


Hàm lượng
Thuốc cao huyết áp cho suy tim cho suy tim
viên (mg)
hàng ngày (mg/lần) (mg/lần)
Captopril 25;50 25-50mgx 2-3 6,25mg 50mg x 3 lần
(Lopril) lần
Enalapri 5;20 5-20mg chia 1-2 2,5mg 20mg x 2 lần
(Renitec, Enam) lần

59
Perindopril 2;4 4-8mg x 1 lần 2mg 4mg x 1 lần
Coversyl)
Ramipril 2,5;5 2,5-10mg chia 1- 2,5mg 2,5-5mg x 2
(Triatec) 2 lần lần
Quinapril 5;20 10-40mg chia 1-2 5mg 10-40mgx 2lần
(Accupril) lần
Benazepril 5;10 10-80mg chia 1-2 2mg 5-20mgx1 lần
(Cibacene) lần
Trandolapril 0,5;2 05-4mg x 1 sau 2,5mg 1-4mg x 1 lần
(Odrik) tăng 4mg x 2 lần
Cilazepril 2,5 2,5-5mg x 1 lần 2mg 5-20mg x 1 lần
(Inhibace)
Lisinopril 5; 20 10-40mg x 1 lần 5mg 2,5-20mg x 1
(Zestril) lần

Bảng 5.5. Chế phẩm và liều dùng của một số thuốc ức chế ACE
Chống chỉ định
- Mẫn cảm với thuốc
- Hẹp động mạch thận hoặc các tổn thương gây hẹp động mạch thận
- Hạ huyết áp (kể cả có tiền sử hạ huyết áp)
- Hẹp động mạch chủ nặng
- Người mang thai và thời kỳ nuôi con bú
- Thận trọng trong suy thận (không dùng khi nồng độ K+ máu > 5,5mmL/L)
5.2. Thuốc chẹn receptor AT1 của angiotensin II
Năm 1989 người ta đã tìm thấy receptor AT1 (RAT1) của angiotensin II có nhiều ở
mạch máu, mô cơ tim, não, thận, tế bào vỏ thượng thận. Receptor AT 2 có ở tuỷ thượng
thận và có thể trên thần kinh trung ương. Các tác dụng của angiotensin II hầu hết
thông qua receptor AT1. Vai trò của receptor AT2 còn chưa hiểu rõ.
Dược động học
- Losartan: hấp thu nhanh qua đường tiêu hóa. Sinh khả dụng qua đường uống
khoảng 33%. Liên kết nhiều với protein huyết tương (90-99%). Đạt nồng độ tối đa
trong máu sau uống 1 giờ. Trong cơ thể, thuốc bị chuyển hóa thành chất có hiệu lực
hơn và thời gian bán thải khoảng 9 giờ, dài hơn losartan (thời gian bán thải của
losartan từ 1,5-2,5 giờ). Cả losartan và chất chuyển hóa không qua hàng rào máu - não.
Thải trừ phần lớn theo mật xuống phân (58%) qua thận 35%.
- Candesartan: hấp thu nhanh qua đường tiêu hóa. Thức ăn không làm giảm hấp
thu thuốc. Thời gian bán thải khoảng 9 giờ. Thải trừ theo mật và phân.
- Irbesartan: hấp thu nhanh qua đường tiêu hóa. Sinh khả dụng qua đường uống
cao (60 - 80%). Liên kết nhiều với protein huyết tương (90%). Thời gian bán thải 11-
15 giờ; 80% lượng thuốc được thải dưới dạng không chuyển hóa ở mật và phân.
- Valsartan:thức ăn làm giảm hấp thu thuốc (khoảng 46%). Sinh khả dụng qua
đường uống thấp (25%). Thuốc không qua chuyển hóa ở gan. Thải trừ qua thận.
Tác dụng và cơ chế
- Cơ chế: do ức chế RAT1 của angiotensin II làm mất tác dụng của angiotensin II
(xem sơ đồ 1.3).
- Tác dụng: Tương tự như các thuốc ức chế men chuyển
+ Trên mạch: làm hạ huyết áp từ từ do:
+ Giãn mạch trực tiếp nên giảm sức cản ngoại vi

60
+ Giảm trương lực giao cảm ngoại vi: giảm giải phóng noadrenalin từ tuỷ thượng
thận, noadrenalin tăng thu hồi vào hạt dự trữ ở dạng không hoạt tính.
+ Giảm giải phóng vasopressin từ tuyến yên và giảm đáp ứng của hệ mạch với
các chất co mạch: vasopressin và noadrenalin.
+ Trên tim:
+ Giảm co bóp cơ tim (do ức chế mở kênh Ca++ trong tế bào cơ tim)
+ Giảm nhịp tim do giảm trương lực giao cảm
+ Làm giảm sự phì đại và xơ hóa của tâm thất.
+ Trên thận: giảm giải phóng aldosteron và tăng tuần hoàn thận nên tăng sức lọc
cầu thận.
Chỉ định và chống chỉ định: tương tự như thuốc ức chế men chuyển
Tác dụng không mong muốn
- Tương tự như thuốc ức chế men chuyển, song ưu điểm hơn là thuốc ít gây ho vì
không làm thất hoạt bradykinin.
- Thuốc gây hạ huyết áp nhưng không hạ nhiều ở liều đầu tiên, song có thể làm
hạ huyết áp nhiều ở những bệnh nhân mất nước (do dùng glycosid trợ tim phối hợp với
thuốc lợi niệu).
Chế phẩm và liều dùng
- Losartan (Cozaar): viên nén 50mg. Uống 25-100mg/ngày, chia 1-2 lần cho điều
trị tăng huyết áp. Suy gan giảm liều: 50mg/ngày.
- Valsartan (Tareg, Nisis, Diovan): viên nang 40, 80mg. Uống 40-80mg/ngày.
- Irbesartan (Aprovel, Avapro): viên nén 75, 150, 300mg. Uống 150mg/ngày, tối
đa 300mg/ngày.
- Candesartan (Atacand): viên nén 4mg, 8mg. Liều dùng: 8-32mg/ngày chia 1-2
lần.
- Telmisartan (Micadis): viên nén 40mg. Uống 1 viên/lần/ngày.
III. SỰ PHỐI HỢP THUỐC
Để nâng cao hiệu quả điều trị tăng huyết áp, thường phối hợp các nhóm thuốc
- Thuốc lợi niệu với một hoặc hai thuốc hạ huyết áp: thuốc lợi niệu giảm K + máu
phối hợp với thuốc ức chế men chuyển tốt nhất vì thuốc lợi niệu làm mất tác dụng tăng
K+ máu gây ra bởi thuốc ức chế men chuyển. Thuốc ức chế men chuyển làm giảm acid
uric máu và giảm glucose máu do thuốc lợi niệu gây ra.
- Hydralazin với thuốc chẹn  - adrenergic tác dụng hiệp đồng và giảm tác dụng
tăng nhịp tim của hydralazin.
- Hai thuốc hạ huyết áp khác cơ chế: ví dụ phối hợp một thuốc chẹn  -
adrenergic với một thuốc chẹn kênh Ca++ hoặc với một thuốc ức chế men chuyển
angiotensin.
- Thuốc lợi niệu với thuốc chẹn  - adrenergic: tốt hơn nên dùng thuốc chẹn  -
adrenergic đơn thuần do thuốc chẹn  - adrenergic làm giảm giải phóng renin.
- Thuốc chẹn kênh Ca++ phối hợp với các thuốc điều trị tăng huyết áp khác đạt
hiệu quả tốt.
Không nên phối hợp
- Hai thuốc cùng cơ chế
- Guanethidin + clonidin
- Thuốc ức chế men chuyển angiotensin với thuốc chống viêm không steroid làm
giảm tác dụng của thuốc.
Loại bệnh Lợi tiểu Chẹn  Chẹn  Chẹn Ca++ Ức chế men
chuyển
Người già ++ +/- + + +

61
Suy vành +/- ++ + ++ +
Sau nhồi máu cơ tim + ++ + +/- ++
Suy tim ++ - + - ++
Tai biến mạch máu não + + +/- ++ +
Suy thận ++ +/- + ++ ++
Đái tháo đường - - ++ + ++
Rối loạn lipid - - ++ + +
Suy hô hấp + - + + +

Bảng 5.6. Lựa chọn thuốc cho bệnh nhân tăng huyết áp cho các bệnh kèm theo
Chú thích:
(++): nên sử dụng
(+):sử dụng được
(+/-):có thể sử dụng
(-):không nên sử dụng
LƯỢNG GIÁ
I.Điền vào chỗ trống
1. Huyết áp phụ thuộc vào hai yếu tố chính là:……………………, ………………
2. Kể tên 5 nhóm thuốc điều trị tăng huyết áp
A………………………………………………………………………..
B. ………………………………………………………………………..
C………………………………………………………………………..
D. ………………………………………………………………………..
E………………………………………………………………………..
3.Các thuốc lợi tiểu hay dùng trong điều trị tăng huyết áp
A………………………………………………………………………..
B. ………………………………………………………………………..
C………………………………………………………………………..
4.Các thuốc huỷ  - adrenergic dùng điều trị Tăng huyết áp
A………………………………………………………………………..
B. ………………………………………………………………………..
C………………………………………………………………………..
5.Thuốc tác dụng trên thần kinh hậu hạch giao cảm
A………………………………………………………………………..
B. ………………………………………………………………………..
6. Các thuốc Huỷ  - adrenergic
A………………………………………………………………………..
B. ………………………………………………………………………..
C………………………………………………………………………..
D. ………………………………………………………………………..
E………………………………………………………………………..
7.Các thuốc giãn mạch trực tiếp :
A………………………………………………………………………..
B. ………………………………………………………………………..
C………………………………………………………………………..
D. ………………………………………………………………………..
8. Các thuốc chẹn kênh Ca++ tác dụng trên tim mạch
A………………………………………………………………………..
B. ………………………………………………………………………..
62
C………………………………………………………………………..
D. ………………………………………………………………………..
9. Thuốc ức chế enzym chuyển dạng angiotensin
A………………………………………………………………………..
B. ………………………………………………………………………..
C………………………………………………………………………..
D. ………………………………………………………………………..
10. Thuốc Ức chế receptor AT1 của angiotensin II
A………………………………………………………………………..
B. ………………………………………………………………………..
C………………………………………………………………………..
D. ………………………………………………………………………..
11.Tác dụng không mong muốn của Clonidin
A………………………………………………………………………..
B. ………………………………………………………………………..
12. Tác dụng không mong muốn của Methyldopa
A………………………………………………………………………..
B. ………………………………………………………………………..
13. Tác dụng không mong muốn của các thuốc ức chế men chuyển
A………………………………………………………………………..
B. ………………………………………………………………………..
C………………………………………………………………………..
D. ………………………………………………………………………..

II.Chọn ý đúng nhất


1.Theo JNC V.1993, phân loại tăng huyết áp cho người lớn từ 18 tuổi trở lên chia
thành mấy loại
A. 2
B. 3
C.4
D.5
2. Clonidin, methyldopa thuộc nhóm thuốc nào
A. Thuốc hủy giao cảm
B. Thuốc kích thích α- adrenergic
C. Thuốc chẹn β- adrenergic
D. Thuốc giãn mạch trực tiếp
3. Theo cơ chế tác dụng, phân loại các thuốc điều trị tăng huyết áp thành mấy nhóm
A. 2
B. 3
C.4
D.5
4. Chỉ định của thuốc Methyldopa
A. Điều trị tăng huyết áp ở người suy thận, mang thai, người suy tim trái
B. Trầm cảm
C. Thiếu máu
D. Tăng huyết áp ở người lái xe và vận hành máy móc
5. Chỉ định của Reserpin
A. Loét dạ dày - tá tràng
B. Trạng thái trầm cảm (kể cả có tiền sử trầm cảm)

63
C.Người mang thai ở thời kỳ cuối
D. Tăng huyết áp nhẹ và trung bình
6. Chỉ định của thuốc Prazosin, NGOẠI TRỪ
A. Điều trị tăng huyết áp nhẹ và vừa, thích hợp với những trường hợp tăng huyết áp
tâm trương.
B. Tăng huyết áp nặng nên phối hợp với thuốc lợi niệu và thuốc chẹn  - adrenergic.
C. Prazosin thường dùng cho người tăng huyết áp kèm tăng lipid huyết, tiểu đường,
bệnh gút, hen suyễn hoặc phì đại thất trái.
D. Trường hợp hạ huyết áp
III. Trả lời các câu hỏi sau:
1. Phân loại các nhóm thuốc điều trị tăng huyết áp
2. Trình bày đặc điểm dược động học, tác dụng, cơ chế tác dụng, tác dụng không
mong muốn, chỉ định, chống chỉ định của các nhóm thuốc điều trị tăng huyết áp được
đề cập đến trong bài.
3. Phân tích những ưu, nhược điểm của các nhóm thuốc điều trị tăng huyết áp.

64
Chương 2
THUỐC LỢI TIỂU
MỤC TIÊU
1. Phân loại được các nhóm thuốc lợi tiểu theo mục đích điều trị
2. Trình bày được đặc điểm dược động học, tác dụng, cơ chế tác dụng, chỉ định,
tác dụng không mong muốn, chống chỉ định của các nhóm thuốc lợi tiểu được đề cập
đến trong bài.
3. So sánh được tác dụng và tác dụng không mong muốn giữa 3 nhóm thuốc lợi
tiểu thiazid, lợi tiểu "quai" và lợi tiểu giữ kali.

I. ĐẠI CƯƠNG
1. Khái niệm về thuốc lợi tiểu
Thuốc lợi tiểu làm tăng khối lượng nước tiểu, chủ yếu bằng cách làm tăng thải
trừ Na+ và nước ở dịch ngoại bào gây lợi tiểu.
2. Chức năng sinh lý thận liên quan tới thuốc lợi tiểu
Vận chuyển Na+
Na+ được tái hấp thu ở hầu hết các vị trí của ống thận
- Tại ống lượn gần: Na+ được tái hấp thu 65% theo cơ chế:
+ Vận chuyển ngược chiều với H+
+ Vận chuyển cùng chiều với HCO3 và các chất hữu cơ hòa tan (ose, acid
amin…), với các ion (Cl-, citrat, phosphat, acetat).
- Tại nhánh lên của quai Henle: Na+ tiếp tục được tái hấp thu theo cơ chế đồng
vận chuyển 1Na+/1K+/2Cl-.
- Tại ống lượn xa:
+ Phần đầu của ống lượn xa (đoạn pha loãng): Na+ được tái hấp thu theo cơ chế
đồng vận chuyển 1 Na+/1 K+/2Cl-.
+ Phần sau của ống lượn xa và ống góp: Na + được tái hấp thu phụ thuộc vào
aldosteron. Cụ thể, aldosteron làm tăng tái hấp thu Na+ và tăng bài xuất K+.
+ Bài xuất K+ và H+ ở ống lượn xa còn có sự cạnh tranh.
+ Trao đổi giữa Na+ và H+ phụ thuộc vào trạng thái cân bằng acid - base; khi
nhiễm acid có tăng thải trừ H+ nên tăng tái hấp thu Na+ và ngược lại.
Vận chuyển K+
Tại ống lượn xa: K+ được bài xuất vào lòng ống thận, phụ thuộc vào các yếu tố:
+ Aldosteron: tăng thải K+
+ Trạng thái cân bằng acid-base: Nhiễm acid làm giảm bài xuất K+ và ngược lại.
+ Bài xuất cạnh tranh với H+.
Vận chuyển HCO3
Tại ống lượn gần: nhờ enzym carbonic anhydrase (CA) mà 80% HCO3 được tạo
ra trong tế bào ống thận và tái hấp thu trở lại máu cùng với Na +. Phần còn lại được tái
hấp thu ở ống lượn xa.
Nước
Nước được tái hấp thu thụ động ở ống lượn gần theo Na+, tái hấp thu đơn thuần
không kèm theo điện giải (nhánh xuống của quai Henle). Tại ống lượn xa và ống góp,
nước được tái hấp thu phụ thuộc vào ADH. ADH giúp tái hấp thu nước mạnh, không
kèm theo ion mà phụ thuộc vào áp suất thẩm thấu của dịch ngoại bào. Vì vậy nước tiểu
cô đặc và trở nên ưu trương.

65
Trong quá trình hình thành nước tiểu, lưu lượng lọc cầu thận là 130mL/phút
nhưng lượng nước tiểu chỉ bài xuất là 1mL/phút. Như vậy khoảng 99% nước tiểu lọc
qua cầu thận được tái hấp thu trở lại, cho nên muốn có tác dụng lợi tiểu nhanh không
phải là làm tăng sức lọc cầu thận mà cần ức chế quá trình tái hấp thu trên từng vị trí
của ống thận.
II. CÁC THUỐC LỢI TIỂU
Theo mục đích điều trị, chia thuốc lợi tiểu thành 2 nhóm lớn:
- Thuốc lợi tiểu giảm K+ máu
- Thuốc lợi tiểu giữ K+ máu
Ngoài ra còn các thuốc lợi tiểu thẩm thấu và không gây rối loạn ion
1. Thuốc lợi tiểu giảm K+ máu
1.1. Thuốc phong tỏa carbonic anhydrase (CA)
Gồm: acetazolamid, diclophenamid, methazolamid
Tác dụng và cơ chế
- Trong tế bào ống thận, enzym CA xúc tác cho việc giải phóng ion H + theo phản
ứng sau:
CA
H2 O + CO2  H2CO3  HCO3 + H+
Sau khi được giải phóng, H+ sẽ bài xuất vào lòng ống thận và trao đổi với Na +
được tái hấp thu
Khi enzym CA bị phong tỏa, lượng H+ giảm hoặc không được giải phóng. Vì
vậy, Na+ giảm hoặc không được tái hấp thu, thải trừ ra ngoài nước tiểu, kéo nước nên
lợi tiểu. Mặt khác, do sự tranh chấp bài xuất giữa H+ và K+, khi thuốc phong tỏa CA
làm tăng thải trừ Na+, K+, HCO3 , giảm K+ máu và gây nhiễm acid chuyển hóa (nếu
dùng thuốc kéo dài)
- Trên thần kinh trung ương và mắt cũng có CA. Thuốc phong tỏa CA làm giảm
sản xuất dịch não tuỷ và giảm tiết thuỷ dịch.
Thuốc tác dụng ở mức độ vừa phải; tăng khi có nhiễm base chuyển hóa, giảm khi
có nhiễm acid chuyển hóa.
Chỉ định
- Đạt hiệu quả tốt trong điều trị tăng nhãn áp
- Điều trị động kinh
- Điều trị nhiễm base chuyển hóa mạn do thuốc làm giảm dự trữ base.

66
- Lợi tiểu trong phù do các bệnh của tim, gan, thận… (hiện nay ít dùng)

Na+
ATP
+
Na K+

H2CO3
H2CO3
+ CA CA

CO2 + H2O CO2 + H2O


Cl-
Base-

Cơ chế tác dụng của thuốc lợi tiểu phong tỏa CA


Tác dụng không mong muốn
- Gây acid huyết do làm giảm dự trữ base.
- Giảm K+ máu gây rối loạn điện giải.
- Sỏi thận do tăng phosphat niệu và tăng Ca++ niệu
- Rối loạn thần kinh trung ương (nhất là ở người bị xơ gan), có thể gây biến
chứng não - gan.
- Quá mẫn: sốt, phát ban, tổn thương thận giống như sulfamid.
Chống chỉ định
- Xơ gan và suy gan
- Bệnh tim phổi mạn hoặc bệnh phổi mạn có suy hô hấp và tăng CO2 máu.
- Thận trọng: mẫn cảm với sulfamid và người có sỏi tiết niệu.
Chế phẩm và liều dùng
Acetazolamid (Diamox, Fonurit, Sulfadiurin): viên nén 0,25g, 0,125g viên nang
0,5g tác dụng kéo dài. Dạng tiêm: bột lọ chứa 0,5g.
Liều dùng:
Lợi tiểu: 0,25 - 0,5g/ngày x 1lần/ngày
Chữa tăng nhãn áp: 0,25g/lần x 1-4lần/ngày
1.2. Thuốc lợi tiểu "quai"
Là nhóm có tác dụng mạnh so với các thuốc lợi tiểu khác. Vị trí tác dụng của
thuốc ở quai Henle.
Gồm: furosemid, acid ethacrynic và bumetanid.
Dược động học
- Hấp thu dễ qua đường tiêu hóa, mức độ hấp thu thay đổi giữa các thuốc, sinh
khả dụng theo đường uống của furosemid là 60%; bumetanid khoảng 100%.
- Cả ba thuốc đều gắn nhiều vào protein huyết tương (90 - 98%).
- Xuất hiện tác dụng nhanh: furosemid 3-5 phút sau tiêm tĩnh mạch, 10-20 phút
sau uống Bumetanid 30 phút sau uống.

67
- Đạt nồng độ đỉnh trong máu 1,5 giờ sau uống đối với fúoemid và 75-90 phút
đối với bumetanid.
- Thời gian tác dụng 4-6 giờ đối với furoemid và 4-5 giờ đối với bumetanid.
- Thời gian bán thải của furosemid và của bumetanid từ 1-1,5 giờ. Thải mạnh qua
thận (65 - 80%), một phần qua mật (18 - 30%).
Tác dụng và cơ chế
Tác dụng lợi tiểu nhanh, mạnh, thời gian tác dụng ngắn
Các thuốc nhóm này có tác dụng lợi tiểu bằng cách:
- Phong tỏa cơ chế đồng vận chuyển ở nhánh lên của quai Henle, làm tăng thải
trừ Na+, Cl-, K+, kéo theo nước nên lợi tiểu .
- Giãn mạch thận, tăng lưu lượng máu qua thận, tăng tốc độ lọc cầu thận, phân
phối lại máu có lợi cho các vùng sâu ở vỏ thận, kháng AHD tại ống lượn xa.
- Giãn tĩnh mạch, giảm ứ máu ở phổi, giảm áp suất thất trái.
- Tăng đào thải Ca++, Mg++ làm giảm Ca++ và Mg++ máu. Tác dụng này ngược
với thiazid.
Chỉ định
- Trong cấp cứu: dùng trong phù phổi cấp, phù nặng, cơn tăng huyết áp
- Phù: do các bệnh gan, thận, phổi, phòng và điều trị sản giật ở người mang thai.
 Suy tim trái cấp và suy tim mạn tính có phù đã kháng với các thuốc lợi tiểu
khác.
 Điều trị chứng Ca++ máu cao.
 Thuốc đạt hiệu quả tốt trong suy thận urê huyết cao.
Tác dụng không mong muốn
 Rối loạn điện giải do tác dụng nhanh, mạnh nên thuốc thải nhanh nước và điện
giải gây mỏi mệt, chuột rút, tiền hôn mê gan, có thể hạ huyết áp thể đứng.
 Nhiễm base giảm Cl-, giảm K+, giảm Ca++, giảm H+ huyết.
 Rối loạn chuyển hóa: thuốc làm tăng acid uric máu, tăng glucose máu, tăng
cholesterol máu.
 Rối loạn tiêu hóa: nặng có thể xuất huyết đường tiêu hóa.
 Rối loạn tạo máu: giảm số lượng bạch cầu, tiểu cầu
 Rối loạn chức năng gan, thận.
 Độc đối với dây thần kinh số VIII: chóng mặt, ù tai (có thể gây điếc)
 Dị ứng: nổi mẩn, đau cơ, đau khớp
Chống chỉ định
 Mẫn cảm với thuốc
 Bệnh gút, xơ gan
 Trường hợp giảm K+ máu, giảm thể tích máu gây hạ huyết áp.
 Acid ethacrynic không dùng cho người mang thai và thời kỳ cho con bú.
Bumetanid không dùng cho người mang thai trong 3 tháng đầu của thai kỳ.
Tương tác thuốc
 Phối hợp với kháng sinh nhóm aminoglycosid làm tăng độc tính với dây thần
kinh số VIII.
 Các thuốc gây xoắn đỉnh: quinidin, amiodaron, disopyramid, astemisol,
terfenadin, erythromycin tiêm tĩnh mạch làm tăng nguy cơ rối loạn nhịp tim.
 Phối hợp với thuốc ức chế men chuyển gây cơn hạ huyết áp đột ngột
 Phenytoin làm giảm tác dụng lợi tiểu của thuốc
 Dùng đồng thời với glycosid trợ tim loại digitalis làm tăng độc tính của các
glycosid này.

68
 Các antacid làm giảm hấp thu bumetanid qua đường ống.
Chế phẩm và liều dùng
 Furosemid (Laisix, Lasilix, Trofurid): viên 20mg, 40mg, 80mg. Uống 20mg-
80mg/ngày; ống 20mg/2mL. Tiêm bắp, tiêm tĩnh mạch 1-2 ống/lần/ngày.
 Bumetanid (Bumex): viên 0,5mg, 1mg, 2mg. Uống 0,5-2mg/ngày, ống 0,5mg,
1mg/2mL. Tiêm bắp, tiêm tĩnh mạch 0,5-1mg/ngày.
 Acid ethacrynic (Edecrin, Uregyt): viên 25mg, 50mg. Uống 50-200mg/ngày.
Ống bột pha tiêm chứa 53,6mg natri ethacrynat tương đương với 50mg acid
ethacrynic. Tiêm tĩnh mạch 50mg hoặc 0,50mg/kg/ngày. Không tiêm bắp và tiêm dưới
da vì thuốc kích ứng gây đau.
1.3. Thuốc lợi tiểu nhóm thiazid
Gồm: chlorothiazid, hydrochlorothiazid, metylchlorothiazid, polythiazid,
indapamid, chlorthalidon…
Dược động học
 Tất cả các thiazid đều hấp thu tốt qua đường uống, nhưng ở mức độ khác nhau.
Thường có tác dụng sau uống 1 giờ. Tác dụng kéo dài 6-12gio với hydrochlorothiazid,
chlorothiazid… dài nhất là với chlothalidon từ 48-72 giờ và dài hơn thuốc lợi tiểu
"quai".
 Thuốc qua được rau thai và sữa mẹ.
 Các thuốc thuộc nhóm đều thải trừ qua thận và cạnh tranh bài tiết với acid uric,
làm giảm bài xuất acdi uric.
Tác dụng và cơ chế
 Thiazid ức chế tái hấp thu Na+ và Cl- ở đoạn pha loãng của ống lượn xa, theo
cơ chế đồng vận chuyển như nhánh lên quai Henle. Thuốc làm tăng thải lượng Na+ và
Cl- tương đương nhau nên còn được gọi là thuốc thải trừ muối.
 Liều cao ức chế CA nhưng ức chế kém acetazolamid.
 Tăng thải trừ K+ theo hai cơ chế:
+ Thuốc ức chế CA, H+ giảm thải trừ, nên K+ tăng thải (do tranh chấp với H+).
+ Do ức chế tái hấp thu Na+ nên nồng độ Na+ tăng cao ở ống lượn xa, gây phản
ứng bù trừ tăng thải K+ để kéo Na+ lại.
 Không tăng thải trừ HCO3 nên không gây nhiễm acid máu.
 Tác dụng lợi tiểu trung bình (làm tăng thải 5-10% lượng Na+ lọc qua cầu thận).
Tác dụng cả ở môi trường acdi và base; ít làm rối loạn thành phần dịch ngoại bào hơn
các thuốc lợi tiểu khác.
 Dùng lâu làm giảm Ca++ niệu, tăng thải trừ Mg++, do đó gây giảm Mg++ huyết.
 Làm hạ huyết áp trên những bệnh nhân tăng huyết áp, vì ngoài tác dụng thải
muối, thuốc còn ức chế tại chỗ tác dụng của chất co mạch như vasopressin, nor -
adrenalin.
Chỉ định
 Phù do các loại bệnh về tim, gan, thận và nhiễm độc thai nghén
 Tăng huyết áp: thường phối hợp với các thuốc hạ huyết áp khác
 Trường hợp tăng Ca++ niệu không rõ nguyên nhân dễ dẫn đến sỏi thận
Tác dụng không mong muốn
 Rối loạn điện giải: dùng lâu gây giảm Na+, giảm K+, giảm Mg++ và tăng Ca++
máu dẫn đến mệt mỏi, nhức đầu, buồn nôn, chuột rút. Nhiễm base chuyển hóa.
 Rối loạn chuyển hóa: tăng acid uric máu nên tạo điều kiện thuận lợi cho phát
sinh bệnh gút hoặc làm cho bệnh gút nặng thêm.

69
 Làm nặng thêm bệnh đái đường tụy: có thể do ức chế giải phóng insulin và làm
tăng bài xuất catecholamin nên tăng glucose máu, cholesterol huyết.
 Thuốc có thể gây dị ứng.
Chống chỉ định
 Trạng thái giảm K+ máu trên người bị xơ gan (đề phòng xuất hiện hôn mê gan).
 Bệnh nhân đang điều trị bằng các chế phẩm của digitalis (phòng tăng độc tính
của các chế phẩm này).
 Bệnh gút.
 Suy gan, thận.
 Dị ứng với sulfamid.
Chế phẩm và liều dùng
 Clorothiazid (Diurilix): viên nén 500mg. Uống 0,5-1g/ngày chia 2 lần.
 Hydroclorothiazid (Hypothiazid): viên nén 25mg, 100mg. Uống 0,025-1g/ngày
chia 2 lần.
 Metylclorothiazid (Enduron): 5-10mg/lần/ngày.
 Polythiazid (Renese): viên 1mg. Uống 1-2mg/lần/ngày.
 Triclomethiazid (Trichlorex, Triazid): 2-8mg/lần/ngày.
 Indapamid (Fludex): viên nén 2,5mg. Uống 2,5-10mg/ngày chia 2 lần.
 Cyclothiazid (Fluidil, Doburil): viên nén 2mg. Uống 1-2mg/lần/ngày.
2. Thuốc lợi tiểu giữ K+ máu
Các thuốc lợi tiểu thuộc nhóm này đều tác dụng trên ống lượn xa, ống góp, do
ức chế tái hấp thu Na+ bằng cơ chế trao đổi với K+, vì thế giảm thải trừ K+. Hiệu lực
lợi tiểu yếu và gây tăng K+ máu nên thường phối hợp với thuốc lợi tiểu giảm K+ máu,
để giữ được tác dụng của thuốc và khắc phục tăng K+ máu.
2.1. Spironolacton
Dược động học
 Hấp thu dễ qua đường uống (khoảng 70-90%). Đạt nồng độ đỉnh trong máu sau
khi uống 2-4 giờ. Liên kết với protein huyết tương 90%. Tác dụng xuất hiện chậm (sau
uống 2-4 giờ) và kéo dài 48-72 giờ.
 Qua được rau thai và sữa mẹ
 Chuyển hóa qua gan lần đầu cao. Chất chuyển hóa có tác dụng tương tự như
chất mẹ. Có chu kỳ gan - ruột.
 Thải qua thận, phân. Thời gian bán thải khoảng 12-24 giờ.
Tác dụng và cơ chế
Do công thức tương tự aldosteron nên tranh chấp với aldosteron tại receptor ở
ống lượn xa, vì vậy được gọi là thuốc kháng aldosteron, làm tăng thải Na+ gây lợi tiểu.
Sự tăng thải Na+ này phụ thuộc vào lượng aldosteron tăng hoặc giảm bài tiết. Thuốc
làm giảm thải K+ và H+.
Chỉ định
 Phối hợp với thuốc lợi tiểu giảm K+ máu để điều trị phù do suy tim mạn, xơ
gan, tăng huyết áp, bệnh thận.
 Tăng aldosteron huyết nguyên phát và thứ phát.
Tác dụng không mong muốn
 Tăng K+ máu.
 Nhiễm acid chuyển hóa.
 Rối loạn tiêu hóa, mệt mỏi, buồn ngủ, nổi mẩn da.
 Dùng lâu có thể gây tác dụng ngoại ý giống hormon: vú to ở nam giới, nữ bị rối
loạn kinh nguyệt, nhiều lông như nam.
70
Chống chỉ định
 Nhiễm acid chuyển hóa, tăng K+ máu.
 Suy thận mạn.
 Suy gan, loét dạ dày, tá tràng.
 Thận trọng: người mang thai, thời kỳ cho con bú.
Chế phẩm và liều dùng
Spironolacton (Aldacton, Alaton, Verospiron): viên nén 25mg, 50mg, 100mg.
Uống 50-100mg/ngày chia 2 lần.
2.2. Triamteren và amilorid
Dược động học
Thuốc hấp thu vừa phải theo đường uống (50%). Triamteren liên kết với protein
huyết tương khoảng 60%. Amilorid liên kết ít hơn, đạt nồng độ đỉnh trong huyết tương
4 giờ sau uống và kéo dài tác dụng 24 giờ, thời gian bán thải khoảng 6 giờ. Triamteren
đạt nồng độ đỉnh trong huyết tương 2 giờ sau uống và kéo dài tác dụng 8 - 12 giờ, thời
gian bán thải ngắn hơn. Thải qua thận.
Tác dụng và cơ chế
Thuốc ức chế tái hấp thu Na+ do làm giảm tính thấm của ống lượn xa và ống góp.
Làm giảm bài xuất K+ và H+, tăng thải HCO3 nên nước tiểu hơi base.
Chỉ định
Phối hợp với thuốc lợi tiểu giảm K+ máu để điều hòa nồng độ K+ huyết trong suy
tim.
Tác dụng không mong muốn
- Tăng K+ huyết (thường xảy ra và nguy hiểm).
- Nhiễm acid huyết chuyển hóa
- Rối loạn thần kinh trung ương: chóng mặt, buồn nôn, nôn, chuột rút, ngủ lịm.
- Dị ứng: ngứa, nổi mẩn.
- Rối loạn tiêu hóa: chán ăn,buồn nôn, nôn, đau bụng hoặc tiêu chảy.
- Có thể sỏi thận
Chống chỉ định
- Suy thận, tăng K+ máu
- Xơ gan, suy gan nặng.
- Người mang thai, thời kỳ cho con bú
- Thận trọng cho bệnh nhân tiểu đường.
Tương tác thuốc
- Phối hợp với thuốc ức chế men chuyển làm tăng K+ máu, rất nguy hiểm
- Phối hợp các thuốc lợi tiểu cùng giữ K+ máu gây tăng K+ máu nghiêm trọng.
Chế phẩm và liều dùng
- Triamteren (Diazid, Teriamteril): viên nang 50mg, 75mg, 100mg. Uống 50mg-
200mg/ngày.
- Amilorid (Modamid): viên 2,5mg, 5mg. Uống 5-20mg/ngày.
3. Các thuốc lợi tiểu khác
Thuốc lợi tiểu thẩm thấu
Gồm: mannitol, sorbitol, iosorbid… trong đó, mannitol là thuốc hay được sử
dụng nhất.
Liều dùng
Chế phẩm Thuốc phối hợp Hàm lượng (mg)
(viên/ngày)
Diazid (Dytenzid, prestol) Hydrochlorothiazid 25 1 viên
+ Triamtern 50 Tối đa 4 viên
Moduretic Hydrochlorothiazid 50 1/4 - 1/2 viên
71
+ Amilorid 5 Tối đa 2 viên
Aldactazid (Aldactil) Hydrochlorothiazid 25 1 - 4 viên
+ Spironolacton 25
Frumil Furosemid + 40 1 - 2 viên
Amilorid 5
Maxzid Hydrochlorothiazid 50 1/4 - 1/2 viên
+ Triamteren 75
Maxzid-25 Hydrochlorothiazid 25 1/2 - 2 viê
+ Triamteren 37,5

Một số chế phẩm phối hợp của thuốc lợi tiểu


3.1. Manitol
Tác dụng
Mannitol được chọn lọc tự do qua cầu thận, ít hấp thu qua ống thận do phân tử
lượng lớn, làm tăng áp lực thẩm thấu ở ống thận nên kéo nước vào lòng ống, gây lợi
tiểu. Thuốc làm giảm áp lực nội sọ trong tăng áp lực nội sọ.
Chỉ định
- Tăng lợi tiểu để thải độc trong nhiễm độc.
- Duy trì chức năng tạo nước tiểu trong trường hợp suy thận cấp, hoại tử ống
thận, phòng đái ít sau mổ, sau chấn thương.
- Lợi tiểu bắt buộc trong thẩm phân phúc mạc
- Phù não, tăng nhãn áp.
Tác dụng không mong muốn
- Mannitol gây giảm Na+ huyết do thừa dịch thể. Người suy tim có thể bị phù
phổi cấp.
- Nhức đầu, buồn nôn, nôn.
Chống chỉ định
- Suy tim
- Mất nước trong tế bào
- Không được uống vì gây tiêu chảy do tăng áp lực thẩm thấu
Chế phẩm và liều dùng
Mannitol lọ 250mL, 500mL, 1000mL dung dịch 10-20%, truyền nhỏ giọt.
III. PHỐI HỢP THUỐC
- Thuốc lợi tiểu dùng để lợi tiểu trong các trường hợp có phù là chính. Tuy nhiên,
hiện nay trong điều trị tăng huyết áp và suy tim, thuốc lợi tiểu thường được phối hợp
với thuốc điều trị tăng huyết áp và điều trị suy tim để đạt hiệu quả tốt hơn. Trong các
trường hợp này, thuốc lợi tiểu phải dùng dài ngày, dễ gây tăng acid uric máu, nên dùng
kết hợp với thuốc làm tăng thải trừ acid uric máu như: allopurinol, probenecid.
Phối hợp thuốc điều trị tăng huyết áp và suy tim có hạ K+ máu với thuốc lợi tiểu
giảm K+ máu có thể gây hạ K+ máu quá mức. Để khắc phục tình trạng này có thể phối
hợp các thuốc lợi tiểu giảm K+ máu với thuốc lợi tiểu giữ K+ máu.
- Không nên phối hợp hai thuốc cùng cơ chế để tránh tăng tác dụng ngoại ý mà
tác dụng lợi tiểu cũng không tăng thêm.
- Phối hợp thuốc lợi tiểu "quai" với kháng sinh độc với thính giác có thể gây điếc
vĩnh viễn.

72
LƯỢNG GIÁ

* Điền vào chỗ trống


1.Thuốc lợi tiểu làm tăng khối lượng nước tiểu, chủ yếu bằng cách làm tăng thải trừ
…………………………gây lợi tiểu
2.Hai tác dụng của Hypothiazid:
A……………………………...
B………………………………
3. Biểu hiện rối loạn điện giải khi dùng Hypothiazid là:
A……………………………….
B. Chán ăn.
C. Nhức đầu.
D. Buồn nôn.
E………………………………..
4.Theo mục đích điều trị, chia thuốc lợi tiểu thành 2 nhóm lớn
A…………………………
B………………………….
5.Chỉ định của các thuốc acetazolamid, diclophenamid, methazolamid là
A……………………………….
B……………………………….
C……………………………….
D…………………………………
6. Chống chỉ định của các thuốc acetazolamid, diclophenamid, methazolamid là
A……………………………….
B……………………………….
C……………………………….
7. Chỉ định của các thuốc furosemid, acid ethacrynic và bumetanid
A……………………………….
B……………………………….
C……………………………….
D…………………………………
8.Chống chỉ định của các thuốc furosemid, acid ethacrynic và bumetanid
A……………………………….
B……………………………….
C……………………………….
D…………………………………
9.Tác dụng không mong muốn của các thuốc furosemid, acid ethacrynic và bumetanid
A……………………………….
B……………………………….
C……………………………….
D…………………………………
10. Chỉ định của các thuốc lợi niệu thiazid
A……………………………….
B……………………………….
C……………………………….
73
D…………………………………
11.Chống chỉ định của các thuốc lợi niệu thiazid
A……………………………….
B……………………………….
C……………………………….
D…………………………………
12.Tác dụng không mong muốn của các thuốc lợi niệu thiazid
A……………………………….
B……………………………….
C……………………………….
D…………………………………
13. Chỉ định của thuốc Spironolacton
A……………………………….
B……………………………….
14.Chống chỉ định của thuốc Spironolacton
A……………………………….
B……………………………….
C……………………………….
D…………………………………
15.Tác dụng không mong muốn của thuốc Spironolacton
A……………………………….
B……………………………….
C……………………………….
D…………………………………
* Phân biệt đúng sai:
1. Furosemid có tác dụng nhanh hơn Hypothiazid.
2. Furosemid có tác dụng làm hạ Kali máu.
* Câu hỏi lựa chọn:
1. Dùng Furosemid theo đường:
A. Uống
B. Tiêm bắp
C. Tiêm tĩnh mạch
D. Cả 3 con đường trên.
2. acetazolamid, diclophenamid, methazolamid thuộc nhóm thuốc
A. Thuốc lợi niệu quai
B. Thuốc ức chế men AC
C. Thuốc lợi niệu thẩm thấu
D. Thuốc lợi niệu giữ K+
* Trả lời các câu hỏi
1. Phân loại các nhóm thuốc lợi tiểu theo mục đích điều trị
2. Trình bày đặc điểm dược động học, tác dụng, cơ chế tác dụng, chỉ định, tác dụng
không mong muốn, chống chỉ định của các nhóm thuốc lợi tiểu được đề cập đến trong
bài.
3. So sánh tác dụng và tác dụng không mong muốn giữa 3 nhóm thuốc lợi tiểu thiazid,
lợi tiểu "quai" và lợi tiểu giữ kali.

74
Chương 3
THUỐC CHỐNG DỊ ỨNG
MỤC TIÊU
1. Trình bày được đại cương về dị ứng và thuốc chống dị ứng. Trình bày được
tác dụng, tác dụng không mong muốn, chỉ định, chống chỉ định của các thuốc kháng
Histamin H1.
2.Phân tích được tác dụng, tác dụng không mong muốn, chỉ định, chống chỉ
định, cách dùng và liều dùng của thuốc Clorpheniramin, promethazin, loratadin,

NỘI DUNG
1. Đại cương:
1.1. Khái niệm về dị ứng:
- Dị ứng là trạng thái phản ứng khác thường của một cơ thể khi tiếp xúc với
kháng nguyên (còn gọi là dị nguyên) lần thứ hai và các lần sau. Dị ứng có thể xẩy ra
nhẹ, nhanh khỏi có thể xẩy ra dữ dội dẫn đến “sốc phản vệ”.
Kháng nguyên có thể là: thức ăn, mỹ phẩm, thuốc, phấn hoa, bụi, khói, nọc côn
trùng, lông súc vật…….
- Kháng nguyên từ ngoài đưa vào sẽ kích thích cơ thể sinh kháng thể. Khi cơ
thể gặp kháng nguyên lần thứ hai và các lần sau sẽ xảy ra phản ứng kháng nguyên –
kháng thể làm giải phóng Histamin và các chất trung gian hoá học khác: Serotonin,
Bradykinin……….Triệu chứng của dị ứng là biểu hiện chủ yếu của Histamin như:
mày đay, khó thở, hạ huyết áp, truỵ tim mạch………..
Hiện nay, do có nhiều chủng loại thuốc ra đời, việc quản lý thuốc không chặt
chẽ, sử dụng thuốc không đúng nên dị ứng thuốc ngày càng gia tăng.
1.2. Thuốc chống dị ứng:
Thuốc chống dị ứng có tác dụng ngăn cản sự giải phòng ra Histamin hay đối lập
với những biểu hiện của Histamin.
Các thuốc chống dị ứng gồm:
- Thuốc kháng Histamin có nguồn gốc tự nhiên: Adrenalin, Ephedrin……..
- Thuốc kháng Histamin có nguồn gốc tổng hợp: Prometazin, Clorphenamin,
Dimedron, loratadin, cetirzin…
- Các Glucocorticoid.
- Các Glubulin miễn dịch.
- Một số cây thuốc nam: Kim ngân, Sài đất, Bồ công anh……..
2. Thuốc kháng Histamin tổng hợp:
2.1. Tác dụng:
Chống dị ứng, ngoài ra còn có tác dụng chống nôn, an thần, dịu ho.
2.2. Cơ chế tác dụng:
Thuốc kháng Histamin tổng hợp có công thức cấu tạo tương tự Histamin nên
những thuốc này cạnh tranh với Histamin tại Receptor và làm mất những biểu hiện của
Histamin trong các phản ứng dị ứng.
2.3. Tác dụng không mong muốn:
- Tác dụng không mong muốn hay gặp nhất của không kháng histamin H 1 thế
hệ 1 là gây ngủ, an thần và kháng cholinergic. Thế hệ 2 ít gặp tác dụng này.
- Tác dụng an thần của kháng H1 thế hệ 1 gây nguy hiểm cho người sử dụng
thuốc khi lái tầu xe, làm việc trên cao, công việc cần sự tỉnh táo.
- Các kháng H1 thế hệ 1 làm tăng tác dụng của rượu và các thuốc ức chế thần
kinh trung ương, gây chóng mặt, mệt mỏi, mất sự phối hợp nhịp nhàng, ù tai, bồn
75
chồn, tăng co giật (động kinh) ở trẻ em. Ở cùng liều điều trị, các kháng H 1 thế hệ 2 ít
gây tác dụng không mong muốn hơn.
- Trên hệ tiêu hóa: ăn kém ngon, nôn, buồn nôn, tiêu chảy (thường do kháng H 1
thế hệ 1 gây nên).
- Các kháng H1 thế hệ 1 có tác dụng kháng cholinergic nên gây khô miệng, họng
và mũi. Ngoài ra còn gây căng ngực, hồi hộp, đau đầu, khó tiêu (các tác dụng không
mong muốn này không gặp ở các kháng H1 thế hệ 2).
- Gây hiện tượng xoắn đỉnh có liên quan tới điều trị bằng terfenadin, nhất là bệnh
nhân đang điều trị bằng kháng sinh nhóm macrolid (ví dụ: erythromycin) các thuốc
nhóm chống nấm như ketoconazol
2.4. Chỉ định chung của thuốc kháng Histamin tổng hợp
- Chữa dị ứng do mọi nguyên nhân như: Ngứa do dị ứng thức ăn, dị ứng tại chỗ
do côn trùng đốt, do bụi, phấn hoa, dị ứng trên da như ban đỏ, mẩn ngứa, phù nề, viêm
mũi dị ứng, phòng và chống dị ứng do thuốc, do truyền máu, phù Quincke, hen phế
quản do thời tiết...
- Chống nôn khi say tàu xe, say sóng, ngộ độc thai nghén.
- Làm thuốc giảm đau trong trường hợp đau túi mật.
- Làm thuốc phòng các phản ứng dị ứng khi dùng thuốc (nhất là khi dùng các
sản phẩm sinh học).
- Làm thuốc tiền mê trong ngoại khoa.
- Phối hợp với thuốc giảm đau, thuốc ngủ, thuốc gây tê (vì chúng làm tăng tác
dụng của những thuốc này.
2.5. Chống chỉ định
Mẫn cảm với thuốc
Người mang thai, thời kỳ cho con bú
U xơ tiền liệt tuyến
Nhược cơ
Tăng nhãn áp
2.6. Nguyên tắc sử dụng thuốc chống dị ứng
Để đảm bảo hiệu quả trong điều trị và tránh các tai biến do dùng thuốc chống dị
ứng cần tuân theo các nguyên tắc sau:
- Dùng thuốc sớm, dùng dài ngày và dùng liều duy trì.
- Không dùng cho người đang điều khiển máy móc, phương tiện giao thông (vì
thuốc gây ngủ gà, ngủ gật nên dễ xảy ra tai nạn).
- Khi uống thuốc chỉ nuốt, không nhai; khi tiêm tĩnh mạch phải tiêm thật chậm,
không được tiêm dưới da.
- Trong điều trị cần phối hợp với việc loại bỏ nguyên nhân gây dị ứng, không
nên dựa hoàn toàn vào thuốc.
3. Các thuốc thường dùng
3.1. Liều dùng của một số thuốc kháng Histamin H1
Bảng : Liều dùng của một số thuốc kháng histamin (H1)
Thời gian tác Liều 1 lần ở
Tên phân nhóm, tên thuốc Biệt dược
dụng (giờ) người lớn
THẾ HỆ 1
1. Nhóm ethanolamine
Carbinoxamin Cardec 3-6 4-8mg
Clemastin fumarat Tavist 12-24 1,36-2,68mg
Diphenhydramin hydrochlorid Benadryl 4-6 25-50mg
Dimenhydrinat Dramamin 4-6 50-100mg

76
2. Nhóm ethylenediamin
Pyrilamin maleat Nisaval 4-6 25-50mg
Tripelenamin citrate PBZ 4-6 37,5-75mg
Tripelenamin hydrochlorid PBZ 4-6 25-50-100mg
3. Nhóm alkylamin
Chlofeniramin maleat Chlortrimetons 4-6 4-8-12mg
Brompheniramin maleat Dimetane 4-6 4-8-12mg
4. Nhóm piperazin
Hydroxyzin hydrochlorid Atarax 6-24 25-100mg
Hydroxyzin pamoat Vistaril 6-24 25-100mg
Cyclizin hydrochlorid Marezin 4-6 50mg
Meclizin hydrochlorid Antivert 12-24 12,5-50mg
5. Nhóm phenothiazin
Promethazin hydrochlorid Phenergan 4-6 25mg
THẾ HỆ II
1. Nhóm piperidin
Astemizole Hismanal 24 10mg
Histalong
Levocabastin hydrochlorid Livostin 16-24 1 giọt
Loratadin Clarityne 24 10mg
2. Nhóm alkylamin
Acrivastin Semprex 6-8 8mg
3. Nhóm piperazin
Cetirizin hydrochlorid 16-24 5-10mg

Ghi chú: Một số thuốc kháng Histamin tổng hợp ít gây ức chế thần kinh trung ương:
Astemizol, Ketotifen……….
3.2. Các thuốc cụ thể
PROMETHAZIN HYDROCLORID
Tên khác: Diprazin, Pipolphen, Fenergan
Dạng thuốc: Viên bao 0,015g; 0,025g, ống tiêm: 0,05g/2ml; siro 1 0/00, Kem bôi
5%.
1. Tác dụng
Chống dị ứng mạnh, giảm đau, gây ngủ.
2. Chỉ định
Chữa dị ứng do mọi nguyên nhân (do thức ăn, thời tiết, thuốc...) với các biểu
hiện như: Nổi mày đay, mẩn ngứa, phù nề, hen xuyễn, ho, đau dây thần kinh...Thuốc
còn được dùng cho trường hợp: Tâm thần rối loạn, mất ngủ, viêm loét dạ dày, ruột và
làm thuốc tiền mê trong ngoại khoa.
3. Chống chỉ định
Người đang điều khiển máy móc, phương tiện giao thông.
4. Thận trọng
- Không dùng thuốc qua đường tiêm dưới da.
- Khi dùng thuốc nên nằm nghỉ (nhất là sau khi tiêm) vì làm hạ huyết áp.
5. Tác dụng không mong muốn
Khô miệng, chóng mặt, nôn nao, khi tiêm gây hạ huyết áp thế đứng.
6. Cách dùng, liều lượng
Uống, tiêm bắp sâu, tiêm tĩnh mạch chậm.
- Người lớn:
77
+ Uống: 0,025g/lần; 1- 3 lần/24 giờ.
+ Tiêm bắp: 0,025 - 0,05g/lần; 1 - 2 lần/24 giờ.
+ Tiêm tĩnh mạch (chỉ áp dụng trong ngoại khoa): 0,025g.
- Trẻ em: Tùy theo lứa tuổi, có thể dùng từ 0,025g - 0,05g/24 giờ.

DIMEDROL
Tên khác: Diphenhydramin, Allergin, Dimidrin, Amidril

Dạng thuốc: Viên bao 0,01g, ống tiêm 1ml = 0,01g.


1. Tác dụng
Chống dị ứng, chống co thắt, an thần và gây ngủ.
2. Chỉ định
Dị ứng do mọi nguyên nhân, say tàu xe, say sóng, nôn mửa khi có thai, mất
ngủ, hội chứng Parkinson.
3. Chống chỉ định
Tiêm dưới da, người đang điều khiển máy móc, phương tiện giao thông.
4. Tác dụng không mong muốn
Gây khô miệng, chóng mặt buồn nôn, hạ huyết áp thế đứng nhưng khi ngừng
thuốc sẽ hết.
5. Cách dùng, liều lượng
- Uống, tiêm bắp, tiêm truyền nhỏ giọt tĩnh mạch.
- Liều lượng:
+ Uống: 0,03 - 0,05g/lần; 1- 3 lần/24 giờ.
+ Tiêm bắp: 0,01 - 0,02 g/lần; 1 - 2 lần/24 giờ.
- Tiêm truyền nhỏ giọt tĩnh mạch: 0,02g - o,o5g (hòa tan trong dung dịch natri
clorid 90/00).

CLORPHENIRAMIN
Tên khác: Allergin, Lentostamin
Dạng thuốc: Viên nén 2mg; viên bọc đường 4mg, 6mg; siro 0,5mg/5ml; ống tiêm 1ml
có chứa 5mg, 10mg.
1. Tác dụng
Chống dị ứng mạnh hơn Promethazin, gây ngủ.
2. Chỉ định
Dị ứng do mọi nguyên nhân, sổ mũi, ngạt mũi do co thắt, phù Quincke, viêm
kết mạc do dị ứng.
3. Chống chỉ định
Người đang điều khiển máy móc, phương tiện giao thông.
4. Thận trọng
Kiêng rượu trong thời gian dùng thuốc.
5. Cách dùng, liều lượng
- Người lớn:
+ Uống 4 - 16 mg/ngày; chia làm 3 - 4 lần.
+ Tiêm bắp 10mg - 20mg/lần; tiêm 1 - 2 lần trong ngày.
- Trẻ em:
+ Uống 0,3 mg/1kg thể trọng/ngày; chia làm 3 - 4 lần.

78
LORATADIN
Viên nén 10mg, siro 1mg/mL, viên nén Claritin - D (10mg loratadin + 240mg
pseudoephedrin sulphat).
1. Tác dụng
Làm nhẹ bớt triệu chứng của viêm mũi và viêm kết mạc dị ứng do giải phóng
histamin. Còn có tác dụng chống ngứa và nổi mày đay. Không có tác dụng bảo vệ
hoặc trợ giúp với trường hợp giải phóng histamin nặng như choáng phản vệ. Thuốc
không có tác dụng an thần, ít có tác dụng phụ trên thần kinh trung ương so với các
thuốc kháng H1 thế hệ II khác. Loratadin dùng ngày một lần, là thuốc được lựa chọn
đầu tiên để điều trị viêm mũi dị ứng và mày đay dị ứng.
2. Tác dụng không mong muốn
Khi dùng với liều lớn hơn 10mg hàng ngày có thể xảy ra một số tác dụng không
mong muốn như: đau đầu, khô miệng, chóng mặt, khô mũi, hắt hơi, viêm kết mạc..
3. Chỉ định
Viêm mũi dị ứng. Viêm kết mạc dị ứng
Ngứa và mày đay có liên quan đến histamin
4. Chống chỉ định
Quá mẫn với thuốc
5.Thận trọng
- Suy gan
- Khi dùng loratadin có nguy cơ khô miệng, đặc biệt ở người cao tuổi, và tăng
nguy cơ sâu răng. Do đó, cần phải vệ sinh răng miệng sạch sẽ khi dùng loratadin. Với
phụ nữ có thai, chỉ dùng loratadin khi cần thiết, với liều thấp và trong thời gian ngắn.
Loratadin và chất chuyển hóa của nó tiết vào sữa mẹ, vì vậy phụ nữ đang cho con bú
nếu cần dùng thuốc nên dùng liều thấp và trong thời gian ngắn.
6. Liều dùng, cách dùng
- Người lớn và trẻ em từ 12 tuổi trở lên: 10mg/24 giờ
- Trẻ em từ 2-12 tuổi.
Trọng lượng cơ thể > 30kg: 10ml (1mg/ml) siro loratadin/24 giờ.
Trọng lượng cơ thể < 30kg: 5ml (1mg/ml) siro loratadin/24 giờ
- An toàn và hiệu quả khi dùng loratadin cho trẻ em dưới 12 tuổi chưa được xác
định.
- Người bị suy gan hoặc suy thận nặng: Dùng liều ban đầu 10mg (viên nén hoặc
siro) cứ 2 ngày dùng một lần.

CETIRIZIN

Dạng thuốc và hàm lượng: Viên nén 5 mg, 10 mg; dung dịch 1 mg/1 ml
1. Chỉ định: Các thể viêm mũi dị ứng; mày đay; phù Quincke.
2. Chống chỉ định: Dị ứng với cetirizin; phụ nữ có thai và cho con bú.
3.Tác dụng không mong muốn: Tác dụng gây ngủ và kháng muscarin thấp. Tác dụng
kéo dài.
Thường gặp: Ngủ gà, mệt, khô miệng, chóng mặt, nhức đầu, buồn nôn. ít gặp: Chán
hoặc thèm ăn, bí tiểu, tăng tiết nước bọt.
Hiếm gặp: Thiếu máu tan máu, giảm tiểu cầu, hạ huyết áp; sốc phản vệ; viêm gan ứ
mật; viêm cầu thận.
4. Thận trọng: Xem clorphenamin. Người suy thận, suy gan . Tránh dùng thuốc cùng
với rượu và các thuốc ức chế thần kinh trung ương.

79
5. Liều lượng và cách dùng
Viên nén: Người lớn và trẻ em trên 6 tuổi uống 1 viên 10 mg/ngày hoặc uống 5
mg/lần, 2 lần/ngày.
Dung dịch: Người lớn và trẻ em trên 12 tuổi: 10 ml (10 mg) 1 lần/ngày hoặc uống 5
mg/lần x 2 lần/ngày. ở người suy thận, giảm nửa liều.
6. Quá liều và xử trí
Triệu chứng: Gây ngủ gà ở người lớn, trẻ em có thể bị kích động.
Xử trí: Cần gây nôn và rửa dạ dày. Chưa có thuốc giải độc đặc hiệu.
7. Độ ổn định và bảo quản: Bảo quản trong bao bì kín, ở nhiệt độ 15 - 30 oC.

ALIMEMAZIN
Dạng thuốc và hàm lượng: Viên nén 5 mg, 10 mg. Siro: 7,5 mg/5 ml, 30 mg/5 ml
(siro mạnh). Thuốc tiêm 25 mg/5 ml.
1. Chỉ định: Dị ứng đường hô hấp (viêm mũi dị ứng, hắt hơi, sổ mũi) và dị ứng ngoài
da (mày đay, phù Quincke, mẩn ngứa); nôn thường xuyên ở trẻ em; mất ngủ ở người
lớn và trẻ em. Trạng thái sảng rượu cấp (do cai rượu). Tiền mê trước phẫu thuật.
2. Chống chỉ định: Suy gan; suy thận; động kinh; bệnh Parkinson, thiểu năng tuyến
giáp; phì đại tuyến tiền liệt; u tế bào ưa crôm, bệnh nhược cơ; người mẫn cảm với
phenothiazin hoặc có tiền sử mắc bệnh glôcôm góc hẹp; các trường hợp quá liều do
barbiturat, opiat và rượu; giảm bạch cầu; thời kỳ mang thai; trẻ em dưới 2 tuổi.
3. Liều lượng và cách dùng
Chữa mày đay, mẩn ngứa, viêm mũi dị ứng: Người lớn: 10 mg/lần, 2 - 3 lần
một ngày, có thể tới liều tối đa 100 mg một ngày trong những trường hợp nặng. Người
cao tuổi: 10 mg/lần, ngày 1 - 2 lần. Trẻ em trên 2 tuổi: 2,5 - 5 mg/lần, ngày 3 - 4 lần
Gây ngủ: Người lớn: 5 - 20 mg, uống trước khi đi ngủ. Trẻ em: 0,25 - 0,5
mg/kg thể trọng/ngày, trước khi đi ngủ.
Tiền mê: Người lớn: Tiêm bắp hay tĩnh mạch 25 - 50 mg, 1 - 2 giờ trước khi
phẫu thuật. Trẻ em 2 - 7 tuổi: Uống tối đa 2 mg/kg trước khi phẫu thuật 1 - 2 giờ.
Dùng trong trạng thái kích động (sảng rượu cấp do cai rượu): Người lớn uống hoặc
tiêm bắp hay tĩnh mạch 50 - 200 mg/ngày.
Chống ho: Người lớn 5 - 40 mg/ngày, chia nhiều lần. Trẻ em: 0,5 mg/kg/ngày, chia
nhiều lần.
4. Quá liều và xử trí
Triệu chứng: Buồn ngủ, mất ý thức, hạ huyết áp, tăng nhịp tim, hạ thân nhiệt,
các phản ứng ngoại tháp trầm trọng có thể xảy ra.
Xử trí: Rửa dạ dày. Có thể dùng than hoạt. Truyền dịch ấm, trường hợp nặng
phải thở máy, điều chỉnh nhịp tim. Co giật cần điều trị bằng diazepam tiêm tĩnh mạch.

PHẦN ĐỌC THÊM


Sốc phản vệ và phù mạch (phù Quincke) là những cấp cứu nội khoa có thể gây
trụy tim mạch và tử vong; đòi hỏi phải điều trị nhanh nếu có phù thanh quản, co thắt
phế quản hoặc giảm huyết áp. Côn trùng đốt, một số thức ăn như trứng, cá, lạc… có
thể là nguy cơ đối với người mẫn cảm. Các thuốc điều trị đặc biệt dễ gây phản ứng
phản vệ gồm có các sản phẩm máu, vaccin, thuốc giải mẫn cảm (allergen, dị ứng
nguyên), kháng sinh (đặc biệt penicilin), thuốc tiêm sắt, heparin và các thuốc ức chế
thần kinh – cơ. Acid acetylsalicylic và các thuốc chống viêm không steroid khác có thể
gây co thắt phế quản ở người mẫn cảm với leukotrien. Trong trường hợp dị ứng thuốc,
sốc phản vệ có nhiều khả năng xảy ra sau khi tiêm. Bao giờ cũng phải có các phương
tiện hồi sức sẵn sàng khi tiêm loại thuốc có nhiều nguy cơ gây phản ứng phản vệ.

80
Điều trị hàng đầu một phản ứng dị ứng nặng gồm có epinephrin (adrenalin),
duy trì đường hô hấp thông (nếu cần, hỗ trợ hô hấp) và phục hồi huyết áp. Phải tiêm
bắp ngay epinephrin (adrenalin) để làm co mạch và giãn phế quản và phải tiêm lặp lại
cách 10 phút một lần cho tới khi huyết áp và mạch được ổn định. Nếu có sốc tim mạch
kèm theo tuần hoàn kém, phải thận trọng tiêm tĩnh mạch chậm dung dịch pha loãng
epinephrin (adrenalin).
Có thể cho một thuốc kháng histamin như clorphenamin sau khi đã tiêm epinephrin
(adrenalin) để làm giảm bớt mức độ nặng và kéo dài của triệu chứng phản vệ và để
ngăn chặn tái phát. Cũng cần cho một thuốc corticoid tiêm tĩnh mạch như
hydrocortison (tác dụng bắt đầu chậm sau một vài giờ) để ngăn chặn phản ứng nặng
lên về sau.
Các điều trị thêm trong sốc phản vệ có thể gồm truyền dịch tĩnh mạch, thở
oxygen, tiêm tĩnh mạch thuốc nâng huyết áp như dopamin, tiêm tĩnh mạch
aminophylin, hoặc dùng thuốc giãn phế quản dạng tiêm hoặc khí dung như salbutamol.
Các bước điều trị trong sốc phản vệ:
1. Thuốc tác dụng giống thần kinh giao cảm
Epinephrin (adrenalin) tiêm bắp, dung dịch 1/1000, người lớn và thiếu niên,
500 microgam (0,5 ml); trẻ nhỏ dưới 6 tháng 50 microgam (0,05 ml); trẻ từ 6 tháng – 6
tuổi, 120 microgam (0,12 ml); 6 – 12 tuổi, 250 microgam (0,25 ml).
Ghi chú: Liều trên có thể lặp lại nhiều lần, nếu cần, cách nhau 5 phút, tuỳ theo
huyết áp, mạch và chức năng hô hấp. Nếu tuần hoàn kém, tiêm tĩnh mạch chậm, dung
dịch 1/10 000 (tiêm với tốc độ 1 ml/phút), người lớn 500 microgam (5 ml); trẻ nhỏ 10
microgam/kg (0,1 ml/kg), cho trong vài phút.
2. Duy trì chức năng sống:
Giữ thông đường hô hấp, cho thở oxygen qua mặt nạ, khôi phục huyết áp (đặt
người bệnh nằm phẳng, chân nâng cao).
3. Kháng histamin như Clorphenamin tiêm tĩnh mạch chậm trong 1 phút, người lớn 10
– 20 mg, tiêm lặp lại nếu cần (tổng liều tối đa 40 mg trong 24 giờ).
4. Corticosteroid như hydrocortison tiêm tĩnh mạch chậm, người lớn, 100 – 300 mg;
trẻ em cho tới 1 tuổi, 25 mg; 1 – 5 tuổi, 50 mg; 6 – 12 tuổi, 100 mg.
5. Truyền dịch tĩnh mạch: Bắt đầu bằng truyền dung dịch natri clorid 0,9% (0,5 – 1 lít
trong giờ đầu).
6. Nếu người bệnh có triệu chứng giống hen, cho salbutamol 2,5 – 5 mg qua phun
sương hoặc aminophylin 5 mg/kg tiêm tĩnh mạch ít nhất trong 20 phút

LƯỢNG GIÁ
Trả lời ngắn các câu sau bằng cách điền từ, cụm từ thích hợp vào chỗ trống (....)
1. Hai tác dụng phụ của thuốc Histamin là:
A................................
B................................
2. Hai tác dụng của Clophenamin là:
A.................................
B..................................
3. Histamin có hoạt tính sinh học.................(A) và phạm vi hoạt động
rất..................(B)
4. Histamin có hoạt tính.........................(A) và phạm vi................................(B)
Phân biệt đúng/sai các câu sau bằng cách đánh dấu vào chữ A (cho câu đúng) và
chữ B (cho câu sai)

81
5. Tác dụng không mong muốn của Promethazin hydroclorid là gây nhức đầu, tăng
huyết áp, xơ cứng mạch A-
B
6. Tác dụng của Dimedrol là chống dị ứng, an thần, gây ngủ A-B
7. Clophenamin có tác dụng chống dị ứng mạnh hơn Promethazin A-B
8. Histalong là thuốc chống dị ứng có tác dụng kéo dài A-B
Chọn giải pháp đúng nhất cho các câu sau bằng cách đánh dấu vào đầu giải pháp
mà bạn lựa chọn
9. Tác dụng không mong muốn của Promethazin hydroclorid là:
A. Khô miệng
B. Chóng mặt
C. Hạ huyết áp thế đứng (khi tiêm)
D. Gây ngủ gà
E. Tất cả đều đúng
10. Chỉ định dùng Dimedrol trong các trường hợp
A. Dị ứng do mọi nguyên nhân
B. Say tàu xe
C. Nôn mửa do thai nghén
11. Cách dùng Clorphenamin là:
A. Uống, tiêm dưới da, tiêm bắp
B. Tiêm bắp, tiêm dưới da
C. Uống, tiêm bắp, tiêm tĩnh mạch
D. Uống, tiêm dưới da, tiêm bắp, tiêm tĩnh mạch
E. Tất cả các câu trên đều sai
12. Chống chỉ định của Clorphenamin là:
A. Tiêm tĩnh mạch
B. Tiêm bắp
C. Người đang điều khiển máy móc, các phương tiện giao thông
D. Phối hợp với thuốc đau dạ dày
E. Người bị bệnh gan, thận
Trả lời các câu hỏi sau
1. Trình bày cơ chế tác dụng và nguyên tắc chung trong sử dụng thuốc chống dị ứng
tổng hợp?
2. Trình bày tác dụng chính, phụ, chỉ định, chống chỉ định, cách dùng và bảo quản các
thuốc chống dị ứng tổng hợp đã học?

82
Chương 4
THUỐC TÁC DỤNG TRÊN HỆ HÔ HẤP
MỤC TIÊU
1. Trình bày được phân loại thuốc chữa ho, hen theo cơ chế tác dụng.
2. Trình bày được nguồn gốc, tính chất, tác dụng, chỉ định, chống chỉ định,
cách dùng, bảo quản các thuốc chữa ho và hen phế quản.
3. So sánh được tác dụng và tác dụng không mong muốn của các thuốc điều trị
hen.

NỘI DUNG
I. ĐẠI CƯƠNG
1. Vài nét về ho và hen phế quản
Ho là phản xạ tự nhiên của cơ thể để tống ra ngoài những chất nhầy, đờm rãi do
niêm mạc đường hô hấp tiết ra. Khi ho nhiều sẽ gây tổn thương ở các mao quản, mất
ngủ, mệt mỏi và có thể gây khó thở nên phải dùng thuốc chữa ho nếu thấy cần thiết.
Ho thường là triệu chứng của một số bệnh viêm nhiễm đường hô hấp như nhiễm lạnh,
viêm phế quản, viêm phổi, viêm họng. Các thuốc chữa ho chỉ có tác dụng chữa triệu
chứng, trong điều trị cần xem xét các bệnh liên quan để phối hợp với thuốc chữa
nguyên nhân.
Hen là hội chứng biểu hiện khó thở do phế quản bị co thắt một cách đột ngột,
kèm theo rối loạn xuất tiết đờm rãi. Bệnh hen phế quản thường do nhiều nguyên nhân
gây nên như: khí hậu thay đổi đột ngột, cơ địa bị dị ứng, thần kinh bị kích thích....Để
cắt cơn hen, thường dùng các thuốc chống co thắt cơ trơn phế quản, hạn chế hiện
tượng khó thở, hoặc dùng các thuốc chống dị ứng và các thuốc giảm tiết dịch phế
quản.
Theo số liệu của Tổ chức Kiểm soát hen toàn cầu, do hiện tượng ô nhiễm môi
trường ngày càng trầm trọng, tần suất bệnh hen cũng đang tăng nhanh, dao động từ 10-
25% dân chúng ở các nước phát triển và từ 8-20% tại các nước đang phát triển. Tại
Hoa Kỳ, người ta thấy từ 5-10% trẻ em bị HPQ và hàng năm có đến hơn 500.000 trẻ
phải nhập viện vì cơn HPQ nặng, trong đó hơn 4.000 trẻ tử vong do cơn hen ác tính dù
điều kiện khám chữa bệnh ở trình độ cao. Ở Việt Nam, theo một số chuyên gia về
bệnh hen, tỷ lệ người mắc bệnh có thể lên tới 10-15% dân số. HPQ là bệnh mạn tính
có từng đợt kịch phát, cấp tính nặng như cơn HPQ gây khó thở đột ngột nặng làm ngăn
cản sinh hoạt hay công việc, làm giảm chất lượng cuộc sống, thậm chí gây tử vong đột
ngột do cơn HPQ ác tính hay biến chứng tử vong do tràn khí lồng ngực đột ngột và dữ
dội. HPQ là một bệnh dị ứng biểu hiện tại đường hô hấp, chủ yếu là tại các phế quản
nhỏ do các yếu tố gây bệnh xâm nhập vào cơ thể qua đường hô hấp (dị nguyên đường
thở) gây các tổn thương viêm mạn tính đặc trưng theo cơ chế dị ứng tại đường dẫn khí
thấp (các phế quản gần túi khí) như: tăng sinh các tuyến nhầy, tăng sinh các cơ trơn tại
đường hô hấp dưới, phù nề quanh đường dẫn khí thấp. Hậu quả là gây co thắt cơ trơn
phế quản, viêm và phù nề các phế quản nhỏ, tăng xuất tiết và ứ đọng các chất nhầy
quánh dính. Hậu quả cuối cùng là giảm lượng khí lưu thông tới phổi mà chủ yếu do tắc
nghẽn các phế quản nhỏ ở thì thở ra, làm kẹt khí chứa nhiều thán khí từ máu ra phổi
không được thải ra ngoài, đồng thời cũng cản trở lượng khí chứa nhiều ô-xy từ ngoài
vào phổi. Như vậy, việc điều trị bệnh HPQ đòi hỏi phải có hiểu biết toàn diện về các
cơ chế gây bệnh cũng như các rối loạn thứ phát để điều trị nguyên nhân và xử trí thích
hợp. Điều trị HPQ gồm 3 khâu cơ bản: phát hiện và loại trừ hoặc tránh tiếp xúc với tác
nhân gây dị ứng (dị nguyên) và khống chế các yếu tố thuận lợi phát sinh cơn hen;
83
khống chế và dần dần loại bỏ quá trình viêm mạn tính tại đường dẫn khí thấp (các tiểu
phế quản); lập lại sự lưu thông của đường dẫn khí bằng cách giải quyết các hậu quả
viêm phù nề, xuất tiết dịch quánh và co thắt hệ thống phế quản nhỏ.
II. PHÂN LOẠI THUỐC CHỮA HO VÀ HEN PHẾ QUẢN
1. Thuốc chữa ho
Dựa vào cơ chế tác dụng có thể chia thuốc chữa ho thành ba loại:
* Thuốc làm dịu cơn ho:
Cơ chế tác dụng: ức chế trung tâm ho ở hành tuỷ, giảm kích thích các dây thần
kinh và các vùng có liên quan.
Các thuốc: Codein, Dextromethorphan, Bromoform...
* Thuốc có tác dụng long đờm:
Gây tăng bài tiết dịch phế quản và loãng đờm nên thải trừ đờm dễ dàng.
Các thuốc: Natri benzoat, Terpin hydrat, các muối Amoni....
* Thuốc giảm ho kháng Histamin:
Có tác dụng kháng Histamin H1, đồng thời có tác dụng chữa ho và an thần.
Thuốc giảm ho kháng Histamin được chỉ định trong trường hợp ho do dị ứng hoặc do
kích thích (nhất là về ban đêm).
Các thuốc hay dùng như: Alimemazin, Clocinizin Dihydroclorid....
2. Thuốc chữa hen phế quản
Các thuốc điều trị HPQ
Các thuốc dùng trong điều trị HPQ bao gồm 2 nhóm chính: nhóm khống chế và loại bỏ
quá trình viêm do cơ chế dị ứng và các thuốc dùng để lập lại sự lưu thông của đường
dẫn khí bằng cách chống co thắt hệ thống phế quản nhỏ.
- Trong nhóm các thuốc chống viêm, hiện nay phổ biến nhất là các chế phẩm
corticoid. Các thuốc này điều hòa việc giải phóng các hoạt chất trung gian gây viêm
các cytokin (hay còn gọi là interleukin) để giảm sự lôi kéo bạch cầu ái toan và các tế
bào mast là loại sản sinh nhiều chất trung gian miễn dịch IgE là chất làm tăng cường
và duy trì phản ứng viêm. Trong lâm sàng thường sử dụng corticoid đường toàn thân
như cortancyl, prednison, prednisolon, solumédrol (uống hoặc tiêm liều cao từ 2-
10mg/kg/24 giờ) để khống chế cơn hen, nhất là cơn hen nặng và hen ác tính. Để giảm
quá trình viêm dị ứng tại đường hô hấp nhằm phòng cơn hen tái phát, trước đây người
ta phải dùng corticoid đường uống liều thấp. Nhưng vì thuốc này gây tác dụng phụ
quan trọng ảnh hưởng đến sự phát triển, chất lượng cuộc sống và giảm sức đề kháng
của cơ thể, nhất là khi phải dùng kéo dài và ở trẻ nhỏ. Những năm gần đây, người ta
đã sản xuất được các chế phẩm corticoid dạng hít đơn thuần như béclomethason
dipropionat (bécotid), budéssonid (pulmicort), fluticason (flexotid) hay phối hợp như
ventid (gồm bécotid và salbutamol) hoặc seretid (fluticason và salbutamol). Các thuốc
này chủ yếu tác dụng tại đường hô hấp do không hoặc rất ít thấm vào máu nhờ cấu
trúc đặc biệt và phân tử lớn của thuốc vì vậy không gây các tác dụng phụ toàn thân
đáng kể, cho phép sử dụng lâu dài, an toàn, hiệu quả cao. Tác dụng phụ chủ yếu của
các thuốc này là nhịp tim nhanh, run tay chân, hạ kali máu và tăng đường máu.
Ngoài ra, hiện nay trong điều trị hen, người ta bắt đầu chú ý đến các thuốc
chống viêm không phải corticoid. Các thuốc này cũng có tác dụng ngăn cản quá trình
viêm tại phế quản bằng cách ức chế tế bào sinh chất gây viêm như cromoglycate
(lomudal), nedocromil (tilade), các thuốc ức chế thụ thể histamin H1 và ức chế yếu tố
hoạt hóa tiểu cầu như ketotifen (zaditen), hoặc các thuốc ức chế trực tiếp yếu tố hoạt
hóa tiểu cầu như singulair. Các thuốc này không có tác dụng phụ đáng kể. Tuy nhiên,
nhược điểm lớn nhất của chúng là giá thành cao.

84
 Các thuốc dùng để lập lại sự lưu thông của đường dẫn khí bằng cách chống co
thắt hệ thống phế quản nhỏ gồm 3 nhóm chính sau:
- Nhóm 1: gồm các thuốc kích thích thụ thể b2 (làm tăng tổng hợp AMPv, gây
giãn phế quản) bao gồm các thuốc chủ yếu dùng trong điều trị cắt cơn hen như:
terbutalin (bricanyl) dạng uống (viên, xi-rô) hoặc tiêm bắp, tiêm truyền tĩnh mạch và
albuterol (ventolin, salbutamol) dạng uống (viên, xi-rô) hoặc tiêm truyền tĩnh mạch.
Nhóm 2: gồm các thuốc nhóm methyl xanthin (theophylin và aminophylin) gây
giãn phế quản mạnh do ức chế dị hóa MP vòng qua cơ chế ức chế men
phosphodiesteras. Theophylin ít tan trong nước nên chỉ dùng ở dạng uống.
Aminophylin tan trong nước nên có thể tiêm tĩnh mạch phù hợp với các tình huống
cấp cứu, nhưng cần liều cao hơn (1mg aminophylin tương đương 0,85mg theophylin).
Các thuốc này có giới hạn an toàn điều trị thấp, dễ có tác dụng phụ như nhịp tim
nhanh, đau đầu, co giật, nhất là khi phối hợp với kháng sinh thuộc nhóm macrolid.
Nhóm 3: là các thuốc làm giãn phế quản do ức chế guanosin mono-phosphat
vòng (GMPc) như các thuốc thuộc nhóm kháng cholin đơn thuần như oxitropium
bromure (tersigat) hay ipratropium bromure (atrovent) hoặc phối hợp với các thuốc
kích thích thụ thể b2 như bronchodual (gồm fenoterol và ipratropium). Nhược điểm
lớn nhất của các thuốc này là làm khô miệng và kích thích họng.
Trên đây là các nhóm thuốc sử dụng trong điều trị HPQ nói chung. Tuy nhiên, việc sử
dụng thuốc nào và phối hợp các thuốc ra sao còn phụ thuộc vào lứa tuổi, tình trạng
lâm sàng của bệnh nhân (cơn nhẹ hay nặng hay cơn hen ác tính), mục đích điều trị (dự
phòng hay cắt cơn).
3. Các nhóm thuốc có ảnh hưởng đến bệnh hen
. Nhóm thuốc tim mạch:
- Thuốc chẹn beta (thuờng phần đuôi của tên thuốc là –olol như Propranolol,
Atenolol, Bisoprolol.. ): gây co thắt phế quản: ho, khó thở tăng và nguy cơ càng cao
khi sử dụng liều cao  Cần theo dõi sát trong quá trình điều trị.
- Thuốc ức chế men chuyển (thuờng phần đuôi của tên thuốc là –pril như
Coversyl, Tanatril, Zestril, Renitec, Enalapril): gây ho khan, ho khan tăng về đêm. Tuy
nhiên thuốc mang lại nhiều lợi ích cho người bệnh cao huyết áp, kể cả người có bệnh
hen. Không phải là thuốc cấm sử dụng cho người bệnh hen.
. Thuốc giảm đau, kháng viêm:
Thuốc giảm đau kháng viêm thường được kê toa trong những trường hợp đau nhức,
viêm khớp hoặc sau chấn thương, cảm cúm…
Rất nhiều người bệnh hen có thể lên cơn ho, khó thở khi sử dụng thuốc giảm đau
kháng viêm như aspirin, voltaren, profenid…
Ngược lại, một số thuốc điều trị khớp, nhất là các thuốc tự pha chế không rõ nguồn
gốc cũng có tác dụng làm giảm cơn hen (vì có chứa Corticoid, Dexa…)
. Thuốc kháng sinh: Nhóm Penicilline (Ampi, Amox…), Bactrim, … có thể gây khởi
phát cơn suyễn.
. Thuốc ho: Nên sử dụng các loại thuốc long đàm, không dùng thuốc ức chế ho vì ho là
một phản xạ sinh lý của đường hô hấp, giúp tống xuất các chất nhầy, chất tiết ra khỏi
đường hô hấp. Các thuốc ức chế ho thường có chứa codein hoặc dextromethorphan,
các thuốc này làm quánh đàm, khó khạc và có thể gây ức chế hô hấp.
. Thuốc an thần, thuốc ngủ: Valium, Seduxen, Phenobarbital.. gây ức chế hô hấp 
Suy hô hấp, dễ bị ngưng thở trong lúc ngủ.

85
III. CÁC THUỐC CHỮA HO VÀ HEN PHẾ QUẢN THÔNG DỤNG
NOSCAPIN
Tên khác: Narcotin, Tusan

Nguồn gốc, tính chất


Noscapin là Alcaloid có trong nhựa quả cây thuốc phiện (Papaver
Somniferum), được sinh tổng hợp từ năm 1965. Chế phẩm có thể dùng dưới dạng
muối Hydroclorid.
Noscapin Hydroclorid ở dạng tinh thể hay bột trắng, không mùi, vị đắng, dễ tan
trong nước, tan trong Ethamol và Clorofom.
Tác dụng
Có tác dụng chữa ho nhưng mạnh hơn Codein. Làm long đờm (giúp cho sự thải
trừ đờm dễ dàng) và gây giãn nở phế quản.
Chỉ định
Ho do cảm lạnh, cúm, viêm phế quản.
Chống chỉ định
Trẻ em dưới 5 tuổi.
Cách dùng, liều lượng
Người lớn: Uống 20mg/lần, dùng 3-4 lần/ngày.
Trẻ em trên 6 tuổi uống với liều lượng bằng 1/2 liều người lớn.
Dạng thuốc: Viên nén 20mg.
Bảo quản
Chống ẩm, tránh ánh sáng.

DEXTROMETHORPHAN
Tên khác: Dextromethorphan hyđrobromi, Omilar, Throphan, Sedilar

Tác dụng
Là một dẫn xuất của Morphin. Thuốc có tác dụng làm dịu cơn ho do ức chế
chọn lọc trung tâm ở hành tuỷ. Tác dụng giảm ho không mạnh bằng Codein, không
gây ngủ hoặc giảm đau, không tăng tiết dịch ở phế quản, không ảnh hưởng đến hô hấp
và chức năng thận, không gây quen và nghiện thuốc.
Chỉ định
- Chữa triệu chứng ho do họng và phế quản bị kích ứng khi bị cảm lạnh hoặc hít
phải chất kích thích, viêm nhiễm đường hô hấp.
- Dùng cho các trường hợp ho không có đờm hoặc ho mạn tính.
Chống chỉ định
Mẫn cảm với thuốc, suy hô hấp, hen, trẻ em dưới 2 tuổi.
Cách dùng, liều lượng
Người lớn và trẻ em trên 12 tuổi uống 5-30mg/lần; dùng từ 3-4 lần/ngày. Liều
tối đa 120mg/ngày.
Trẻ em từ 2-12 tuổi dùng theo đơn của bác sĩ.
Dạng thuốc: Viên 15mg, siro (Akidex, Dexir, Nodex) hoặc dạng siro phối hợp
với thuốc kháng histamin tổng hợp.
Bảo quản
Chống ẩm, tránh ánh sáng

86
ACETYLCYSTEIN

Tác dụng
Có tác dụng tiêu chất nhầy và giải độc khi dùng quá liều Paracetamol. Thuốc
còn làm giảm độ quánh của đờm ở phổi, tạo thuận lợi để tống đờm ra ngoài bằng phản
xạ ho.
Chỉ định
Các bệnh lý hô hấp có đờm nhầy quánh như trong các bệnh: Viêm phế quản cấp
và mạn tính; giải độc Paracetamol; điều trị chứng khô mắt có tiết chất nhầy bất
thường.
Chống chỉ định
Tiền sử hen phế quản; dị ứng với thuốc.
Thận trọng
Người có tiền sử dị ứng; có thể tạo ra nhiều đờm loãng nên nếu không ho được
phải hút ra.
Tác dụng không mong muốn
Buồn nôn, nôn; buồn ngủ, nhức đầu, ù tai (ít gặp).
Cách dùng, liều lượng
- Phun mù hay nhỏ trực tiếp vào khí quản dung dịch 10 - 20%; 3 - 4 lần/ngày.
- Uống 200mg/lần; 3 lần/ngày.
- Trẻ em: Uống 200mg/ngày (dưới 2 tuổi); 200mg/lần, ngày 2 lần (2 - 6 tuổi).
Dạng thuốc: Viên nén 200mg; gói 200mg; thuốc hít qua miệng; thuốc nhỏ vào
khí quản và uống dung dịch 10%, 20%; thuốc tiêm 20%; nhỏ mắt 5%.
Bảo quản
Để nguyên bao gói, bảo quản ở 15 - 300C; đang dùng bảo quản ở 2 - 80C; chỉ
pha loãng khi dùng vì dung dịch này chỉ ổn định trong 1 giờ.

CODEIN
Dạng thuốc và hàm lượng
 Viên nén: 15 mg, 30 mg, 60 mg.
 Ống tiêm: 15; 30; 60 mg/ml, 600 mg, 1200 mg/20 ml.
 Siro: 25 mg/ml.
 Thuốc nước: 3 mg, 15 mg/5 ml.
 Dung dịch uống: Codein phosphat 5 mg, dicyclomin hydroclorid 2,5 mg, kali
clorid 40 mg, natri clorid 50 mg, natri citrat 50 mg/5 ml.
 Dịch treo: Codein phosphat 5 mg, kaolin nhẹ 1,5 g/ml.
Dược lý và cơ chế tác dụng
Codein là methylmorphin, nhóm methyl thay thế vị trí của hydro ở nhóm
hydroxyl liên kết với nhân thơm trong phân tử morphin, do vậy codein có tác dụng
dược lý tương tự morphin, tức là có tác dụng giảm đau và giảm ho. Tuy nhiên codein
được hấp thu tốt hơn ở dạng uống, ít gây táo bón và ít gây co thắt mật hơn so với
morphin. Ở liều điều trị, ít gây ức chế hô hấp (60% thấp hơn so với morphin) và ít gây
nghiện hơn morphin.
Codein có tác dụng giảm đau trong trường hợp đau nhẹ và vừa (tác dụng giảm
đau của codein có thể là do sự biến đổi khoảng 10 % liều sử dụng thành morphin). Vì
gây táo bón nhiều nếu sử dụng dài ngày, nên dùng codein kết hợp với các thuốc chống
viêm, giảm đau không steroid để tăng tác dụng giảm đau và giảm bớt táo bón.
Codein có tác dụng giảm ho do tác dụng trực tiếp lên trung tâm gây ho ở hành
não; codein làm khô dịch tiết đường hô hấp và làm tăng độ quánh của dịch tiết phế
87
quản. Codein không đủ hiệu lực để giảm ho nặng. Codein là thuốc trấn ho trong trường
hợp ho khan làm mất ngủ.
Codein gây giảm nhu động ruột, vì vậy là một thuốc rất tốt trong điều trị ỉa chảy
do bệnh thần kinh đái tháo đường. Không được chỉ định khi bị ỉa chảy cấp và ỉa chảy
do nhiễm khuẩn.
Sau khi uống, nửa đời thải trừ là 2 - 4 giờ, tác dụng giảm ho xuất hiện trong
vòng 1 - 2 giờ và có thể kéo dài 4 - 6 giờ. Codein được chuyển hóa ở gan và thải trừ ở
thận dưới dạng tự do hoặc kết hợp với acid glucuronic. Codein hoặc sản phẩm chuyển
hóa bài tiết qua phân rất ít. Codein qua được nhau thai và một lượng nhỏ qua được
hàng rào máu - não.
Chỉ định
Ho khan.
Ðau nhẹ và vừa.
Chống chỉ định
Mẫn cảm với codein hoặc các thành phần khác của thuốc.
Trẻ em dưới 1 tuổi.
Bệnh gan.
Suy hô hấp.
Thận trọng
Các bệnh đường hô hấp như hen, khí phế thũng. Suy giảm chức năng gan, thận.
Có tiền sử nghiện thuốc.
Không dùng để giảm ho trong các bệnh nung mủ phổi, phế quản khi cần khạc
đờm mủ.
Thời kỳ mang thai
Không dùng cho người mang thai.
Thời kỳ cho con bú
Chỉ dùng khi thật cần thiết.
Tác dụng không mong muốn (ADR)
Thần kinh: Ðau đầu, chóng mặt, khát và có cảm giác khác lạ.
Tiêu hóa: Buồn nôn, nôn, táo bón.
Tiết niệu: Bí đái, đái ít.
Tim mạch: Mạch nhanh, mạch chậm, hồi hộp, yếu mệt, hạ huyết áp thế đứng.
Nghiện thuốc: Dùng codein trong thời gian dài với liều từ 240 - 540 mg/ngày
có thể gây nghiện thuốc. Các biểu hiện thường gặp khi thiếu thuốc là bồn chồn, run, co
giật cơ, toát mồ hôi, chảy nước mũi. Có thể gây lệ thuộc thuốc về tâm lý, về thân thể
và gây quen thuốc.
Liều lượng và cách dùng
Ðau nhẹ và vừa.
Uống: Mỗi lần 30 mg cách 4 giờ nếu cần thiết; liều thông thường dao động từ
15 - 60 mg, tối đa là 240 mg/ngày. Trẻ em 1 - 12 tuổi: 3 mg/kg/ngày, chia thành liều
nhỏ (6 liều).
Tiêm bắp: Mỗi lần 30 - 60 mg cách 4 giờ nếu cần thiết.
Ho khan: 10 - 20 mg 1 lần, 3 - 4 lần trong ngày (dùng dạng thuốc nước 15 mg/5 ml),
không vượt quá 120 mg/ngày. Trẻ em 1 - 5 tuổi dùng mỗi lần 3 mg, 3 - 4 lần/ngày
(dùng dạng thuốc nước 5 mg/5 ml), không vượt quá 12 mg/ngày; 5 - 12 tuổi dùng mỗi
lần 5 - 10 mg, 3 - 4 lần trong ngày, không vượt quá 60 mg/ngày.

88
AMINOPHYLIN
Tên khác: Diaphylin, Syntophylin
Tác dụng
Là muối của Theophylin với Ethylen Diamin. Thuốc có tác dụng cắt cơn hen do
làm giãn phế quản, tăng cường hô hấp và tuần hoàn ở các động mạch nhỏ.
Chỉ định
Phòng và trị cơn hen phế quản, phối hợp với các thuốc khác để điều trị chứng
hen tim, suy thất trái.
Chống chỉ định
Nhồi máu cơ tim cấp, truỵ tim mạch.
Cách dùng, liều lượng
Uống sau bữa ăn 0.1 - 0.2g/lần; 2 - 3 lần/ngày dưới dạng viên 100mg, 150mg,
200mg.
Tiêm bắp: 0.24g - 0.48g/ngày
Tiêm tĩnh mạch chậm: 0.24g/ngày.
Lưu ý: Phải dùng sớm trước khi lên cơn hen sẽ có kết quả tốt.
Dạng thuốc: Viên nén; 100mg, 150mg, 200mg; ống tiêm 0.48g/2ml (dùng để
tiêm bắp), 0.24g/10ml (dùng để tiêm tĩnh mạch).
Bảo quản
Quản lý để nơi khô mát, chống ẩm.

THEOPYLLIN
Dạng thuốc và hàm lượng
Theophylin (khan), uống:
 Nang: 100 mg, 200 mg.
 Nang giải phóng kéo dài: 50 mg, 60 mg, 65 mg, 75 mg, 100 mg, 125 mg, 130
mg, 200 mg, 250 mg, 260 mg, 300 mg.
 Xiro: 50 mg/5 ml.
 Dung dịch: 27 mg/5 ml, 50 mg/5 ml.
 Viên nén: 100 mg, 125 mg, 200 mg, 250 mg, 300 mg.
 Viên nén giải phóng chậm: 100 mg, 200 mg, 250 mg, 300 mg, 400 mg, 450 mg,
500 mg. Theophylin (khan), đường trực tràng: Ðạn 350 mg.
Thuốc truyền tĩnh mạch: 0,4 mg/ml (400 mg); 0,8 mg/ml (400 và 800 mg); 1,6 mg/ml
(400 và 800 mg); 2 mg/ml (200 mg); 3,2 mg/ml (800 mg); 4 mg/ml (200 và 400 mg)
theophylin (khan) trong dextrose 5%.
Theophylin cũng được dùng để uống và tiêm, dưới dạng aminophylin, là hỗn hợp
theophylin với ethylenediamin tan trong nước gấp 20 lần so với theophylin đơn độc.
Dược lý và cơ chế tác dụng
Thuốc làm giãn cơ trơn, nhất là cơ phế quản, kích thích hệ thần kinh trung
ương, kích thích cơ tim và tác dụng trên thận như một thuốc lợi tiểu.
Theophylin là thuốc giãn phế quản có hiệu lực trong hen và trước đây đã được
coi là liệu pháp hàng đầu. Nhưng nay thuốc này đã bị đẩy xuống vị trí kém hơn nhiều,
chủ yếu do lợi ích khiêm tốn mà thuốc đem lại, phạm vi điều trị hẹp và phải theo dõi
nồng độ thuốc. Hen ban đêm có thể được cải thiện bằng các chế phẩm theophylin giải
phóng chậm, nhưng các cách can thiệp khác như glucocorticoid hoặc salmeterol hít có
lẽ hiệu lực hơn.
Dược động học
Sự hấp thu theophylin có thể bị chậm lại, nhưng thường không giảm khi có thức
ăn trong dạ dày - ruột. Tiêm tĩnh mạch theophylin tạo nên nồng độ theophylin huyết

89
thanh cao nhất và nhanh nhất. Sau khi uống nang theophylin hoặc viên nén không bao,
thường đạt nồng độ đỉnh huyết thanh trong 1 - 2 giờ. Thụt giữ theophylin thường tạo
nên nồng độ đỉnh huyết thanh trong 1 - 2 giờ.
Theophylin phân bố nhanh vào các dịch ngoài tế bào và các mô cơ thể và đạt
cân bằng phân bố một giờ sau một liều tiêm tĩnh mạch. Thuốc thâm nhập một phần
vào hồng cầu. Thể tích phân bố của theophylin là 0,3 - 0,7 lít/kg và trung bình khoảng
0,45 lít/kg ở trẻ em và người lớn. Ở nồng độ huyết thanh 17 microgam/ml, khoảng
56% theophylin ở người lớn và trẻ em gắn vào protein huyết tương.
Nửa đời theophylin biến thiên rộng, đặc biệt ở người nghiện thuốc lá, người bị
tổn thương gan hoặc suy tim, người sử dụng đồng thời một số thuốc khác. Nửa đời
tăng trong suy tim, xơ gan, nhiễm virus, người cao tuổi và do một vài Loại thuốc dùng
đồng thời. Nửa đời giảm ở người hút thuốc, người nghiện rượu và do một vài Loại
thuốc.
Sự khác biệt trong nửa đời là yếu tố quan trọng vì theophylin có giới hạn an
toàn hẹp giữa liều điều trị và liều độc. Trong đa số người bệnh, nồng độ theophylin
huyết tương cần thiết phải trong phạm vi 10 và 20 mg/lít để làm giãn phế quản đầy đủ.
Tuy nhiên, tác dụng không mong muốn cũng có thể xảy ra trong phạm vi đó và
cả tần suất lẫn mức trầm trọng của tác dụng không mong muốn tăng lên ở nồng độ trên
20 mg/lít.
Theophylin chuyển hóa ở gan và bài tiết cùng những chất chuyển hóa qua thận
(bằng 8 - 12% độ thanh thải huyết tương toàn bộ). Lượng nhỏ theophylin không
chuyển hóa được bài tiết trong phân.
Chỉ định
Hen phế quản:
Hiện nay dạng thuốc theophylin uống giải phóng nhanh không được chỉ định để làm
giảm co thắt phế quản trong hen phế quản cấp hoặc viêm phế quản mạn vì tỷ lệ tác
dụng phụ cao do hấp thu nhanh. Hiện nay đã được thay thế bằng thuốc hít kích thích
beta2 tác dụng ngắn, hiệu quả hơn và an toàn hơn. Nhưng các chế phẩm theophylin
giải phóng chậm vẫn có ích để kiểm soát cơn hen ban đêm và thở khò khè buổi sáng.
Aminophylin tiêm tĩnh mạch được chỉ định trong điều trị cơn hen nặng không đáp ứng
nhanh với thuốc phun mù kích thích beta2. Ðiều thiết yếu là phải định lượng nồng độ
theophylin huyết tương nếu dùng aminophylin cho người bệnh vừa mới dùng chế
phẩm theophylin uống.
Cơn ngừng thở ở trẻ thiếu tháng:
Aminophylin (tiêm tĩnh mạch hoặc uống) cũng được chỉ định để xử trí cơn ngừng thở
tái diễn ở trẻ thiếu tháng (cơn ngừng thở lâu trên 15 giây, kèm theo tim đập chậm và
xanh tím). Vì tính chất độc tiềm tàng, phải cân nhắc cẩn thận khi dùng thuốc cho trẻ
dưới 1 năm tuổi và nếu dùng, phải bảo tồn liều đầu tiên và liều duy trì (đặc biệt liều
duy trì).
Chống chỉ định
Quá mẫn với các xanthin hoặc bất cứ một thành phần nào của chế phẩm thuốc, bệnh
loét dạ dày tá tràng đang hoạt động, co giật, động kinh không kiểm soát được.
Thận trọng
Không tiêm tĩnh mạch theophylin cho người bệnh đã dùng theophylin uống vì
có thể xảy ra loạn nhịp tim chết người. Bao giờ cũng phải bắt đầu điều trị hen với
thuốc kích thích beta2 và corticosteroid. Không dùng đồng thời theophylin với những
thuốc xanthin khác.
Những người hút thuốc có thể cần liều lớn hơn hoặc thường xuyên hơn, vì độ
thanh thải theophylin có thể tăng và nửa đời giảm ở người nghiện thuốc lá so với

90
người không hút thuốc. Nửa đời cũng giảm ở người nghiện rượu. Nửa đời của
theophylin tăng trong suy tim, xơ gan, nhiễm virus, suy gan và ở người cao tuổi. Nói
chung phải giảm liều và theo dõi cẩn thận nồng độ theophylin huyết thanh ở những
người bệnh này.
Dùng thận trọng theophylin ở người có loét dạ dày, tăng năng tuyến giáp, tăng
nhãn áp, đái tháo đường, giảm oxygen máu nặng, tăng huyết áp, động kinh.
Dùng thận trọng theophylin cho người có đau thắt ngực hoặc thương tổn cơ tim
vì khi cơ tim bị kích thích có thể có hại. Vì theophylin có thể gây loạn nhịp và/hoặc
làm xấu thêm loạn nhịp có sẵn, bất cứ một thay đổi đáng kể nào về tần số và/hoặc nhịp
tim đều cần theo dõi điện tâm đồ và các thăm khám khác.
Do hấp thu và tích lũy thất thường và không thể tiên đoán, nên thuốc đạn
theophylin có khuynh hướng gây độc nhiều hơn những dạng thuốc khác và do đó
thường không được sử dụng.
Thời kỳ mang thai
Theophylin dễ dàng vào nhau thai. Không thấy có bằng chứng độc hại đối với
thai khi dùng theophylin. Phải dùng theophylin thận trọng ở người mang thai.
Thời kỳ cho con bú
Theophylin phân bố trong sữa với nồng độ bằng 70% nồng độ trong huyết
thanh và đôi khi có thể gây kích thích hoặc những dấu hiệu độc hại ở trẻ nhỏ bú sữa
mẹ. Vì theophylin có thể gây những tác dụng độc hại nghiêm trọng ở trẻ nhỏ bú sữa,
phải cân nhắc xem nên ngừng cho con bú hay ngừng dùng thuốc, căn cứ tầm quan
trọng của thuốc đối với người mẹ.
Tác dụng không mong muốn (ADR)
Theophylin gây kích ứng dạ dày - ruột và kích thích hệ thần kinh trung ương với bất
kỳ đường cho thuốc nào. Những tác dụng không mong muốn về TKTƯ thường
nghiêm trọng hơn ở trẻ em so với người lớn. Tiêm tĩnh mạch aminophylin cho người
bệnh đã dùng theophylin uống có thể gây loạn nhịp tim chết người.
Liều lượng và cách dùng
Cách dùng: Ðể giảm kích ứng dạ dày, theophylin dạng uống thông thường được uống
vào bữa ăn hoặc ngay sau bữa ăn, với một cốc nước đầy (150 ml) hoặc cùng thuốc
kháng acid. Không được nhai hoặc nghiền theophylin giải phóng chậm.
Thuốc đạn theophylin bình thường không nên dùng vì hấp thu và tích lũy thất
thường không dự đoán được.
Liều lượng:
Theophylin uống: Liều ban đầu được khuyến cáo: Liều nạp: 4 - 6 mg/kg theophylin,
nếu người bệnh chưa dùng theophylin trong vòng 24 giờ trước; 2 - 3 mg/kg
theophylin, nếu người bệnh đã dùng theophylin trong vòng 24 giờ trước.
Trung bình mỗi liều 1 mg/kg làm nồng độ theophylin huyết tăng 2 microgam/ml.
Liều tăng dần: Liều có thể tăng dần khoảng 25% mỗi lần, cách 2 - 3 ngày một lần, cho
đến chừng nào thuốc còn dung nạp được hoặc tới khi đạt tới liều tối đa sau đây:
Trẻ em tới 9 tuổi: 24 mg/kg/ngày.
9 - 12 tuổi: 20 mg/kg/ngày.
12 - 16 tuổi: 18 mg/kg/ngày.
16 tuổi và lớn hơn: 13 mg/kg/ngày hoặc 900 mg mỗi ngày (bất cứ liều nào cũng phải
thấp hơn).
Liều duy trì: Tổng liều hàng ngày có thể chia dùng cách nhau 12 giờ ở trẻ sơ sinh và
cách nhau 6 - 8 giờ ở trẻ nhỏ. Ở trẻ lớn và người lớn, có thể dùng viên giải phóng
chậm. Tổng liều hàng ngày có thể chia, dùng cách nhau 8 - 12 giờ.

91
SALBUTAMOL
Tên khác: Sultamol, Ventolin, Albuterol
Dạng thuốc và hàm lượng
Bình xịt khí dung 100 microgam/liều xịt, bình 200 liều; tá dược gồm các chất
đẩy (CFC) và acid oleic. Nang bột để hít 200 microgam (tác dụng tương đương với
100 microgam khí dung).
Dung dịch phun sương 0,5%, lọ 10 ml; dung dịch phun sương (đơn liều) 2,5 mg
và 5 mg/2,5 ml; tá dược gồm benzalkonium clorid và acid sulfuric.
Viên 2 mg, 4 mg; tá dược calci sulfat, magnesi stearat.
Lọ siro 60 mg/150 ml, kèm thìa đong chuẩn 5 ml (tương đương 2 mg
salbutamol); tá dược gồm natri sacharin, acid citric ngậm 1 phân tử nước, natri citrat
ngậm 2 phân tử nước, hydroxy propylmethyl celulose, natri benzoat, natri clorid.
Ống tiêm 0,5 mg/1 ml; tá dược gồm natri clorid và acid sulfuric.
Tác dụng
Salbutamol có tác dụng chọn lọc kích thích các thụ thể beta2 (có ở cơ trơn phế
quản, cơ tử cung, cơ trơn mạch máu) và ít tác dụng tới các thụ thể beta1 trên cơ tim
nên có tác dụng làm giãn phế quản, giảm cơn co tử cung và ít tác dụng trên tim.
Chỉ định
Dùng trong thăm dò chức năng hô hấp.
Ðiều trị cơn hen, ngăn cơn co thắt phế quản do gắng sức.
Ðiều trị tắc nghẽn đường dẫn khí hồi phục được.
Ðiều trị cơn hen nặng, cơn hen ác tính.
Viêm phế quản mạn tính, giãn phế nang.
Chống chỉ định
Dị ứng với 1 trong các thành phần của thuốc.
Ðiều trị dọa sẩy thai trong 3 - 6 tháng đầu mang thai.
Thận trọng
Khi dùng liều thông thường mà kém tác dụng thì thường do đợt hen nặng lên.
Trường hợp đó thầy thuốc cần dặn người bệnh phải trở lại khám bệnh ngay chứ không
được tự ý tăng liều tối đa đã được dặn trước đó.
Trong thuốc có hoạt chất có thể gây kết quả dương tính đối với các xét nghiệm
tìm chất doping ở các vận động viên thể dục thể thao.
Nếu người bệnh có nhiều đờm thì cần phải được điều trị thích hợp trước khi
dùng salbutamol dạng khí dung.
Phải hết sức thận trọng khi sử dụng salbutamol uống và tiêm cho người bị
cường giáp, rối loạn nhịp thất, bệnh cơ tim tắc nghẽn, rối loạn tuần hoàn động mạch

92
vành, tăng huyết áp, đái tháo đường, người bệnh đang dùng IMAO (thuốc ức chế
enzym monoamine oxydase) hay thuốc ức chế beta. Trong các trường hợp này, có thể
dùng dưới dạng khí dung.
Cần thận trọng khi dùng các dạng salbutamol đối với người mang thai để điều
trị co thắt phế quản vì thuốc tác động đến cơn co tử cung nhất là trong 3 tháng đầu
mang thai.
Khi chỉ định salbutamol, cần phải giảm liều thuốc kích thích beta khác nếu đang
dùng.
Thời kỳ mang thai
Salbutamol đã được chứng minh gây quái thai ở chuột khi tiêm dưới da với liều
tương ứng gấp 14 lần liều khí dung ở người. Chưa có công trình nghiên cứu quy mô
nào ở người mang thai. Tuy vậy, khi dùng cần thận trọng cân nhắc lợi hại.
Thời kỳ cho con bú
Hiện nay chưa biết salbutamol có tiết vào sữa mẹ không, nhưng vì khả năng gây
quái thai ở một số súc vật, nên cần thận trọng khi dùng thuốc cho người mẹ cho con
bú.
Tác dụng phụ
Thường gặp
Ðánh trống ngực, nhịp tim nhanh.
Run đầu ngón tay.
Hiếm gặp
Co thắt phế quản, khô miệng, họng bị kích thích, ho và khản tiếng.
Hạ kali huyết.
Chuột rút.
Dễ bị kích thích, nhức đầu.
Phù, nổi mày đay, hạ huyết áp, trụy mạch.
Salbutamol dùng theo đường uống hoặc tiêm có thể dễ gây run cơ, chủ yếu ở
các đầu chi, hồi hộp, nhịp xoang nhanh. Tác dụng này ít thấy ở trẻ em. Dùng liều cao
có thể gây nhịp tim nhanh. Người ta cũng đã thấy có các rối loạn tiêu hóa (buồn nôn,
nôn). Khi dùng khí dung, có thể gây co thắt phế quản (phản ứng nghịch thường).
Xử trí
Muốn tránh miệng, họng bị kích thích, nên súc miệng sau khi hít thuốc.
Giảm liều dùng hoặc ngừng dùng.
Dùng các chế phẩm phối hợp salbutamol - ipratropium.

93
Có thể giảm nguy cơ gây co thắt phế quản nghịch thường bằng cách điều trị
phối hợp với glucocorticos-
teroid dạng hít.
Liều lượng và cách dùng
Liều dùng
Chỉ định theo từng cá thể, vì hen là một bệnh tiến triển theo thời gian với các
mức độ nặng nhẹ khác nhau. Việc chỉ định liều hàng ngày (với glucocorticosteroid và
các thuốc làm giãn phế quản), cũng như các lần dùng thuốc phải dựa vào kết quả thăm
dò chức năng hô hấp và cung lượng đỉnh thở ra. Nếu người bệnh không có máy đo
cung lượng đỉnh thì có thể hướng dẫn dùng cách thổi vào một quả bóng để đánh giá.
Các dạng hít khí dung, hít bột khô và phun sương đều có tác dụng làm giãn phế quản
nhanh nhất và ít tác dụng phụ nhất nếu biết cách dùng đúng.
Dạng hít khí dung và hít bột khô: Liều hít một lần khí dung là 100 microgam và
hít một lần bột khô là 200 microgam salbutamol.
Ðiều trị cơn hen cấp: Ngay khi có những triệu chứng đầu tiên, dùng bình xịt khí
dung 100 microgam/liều cho người bệnh, hít 1 - 2 lần qua miệng, cách 15 phút sau,
nếu không đỡ, có thể hít thêm 1 - 2 lần. Nếu đỡ, điều trị duy trì; không đỡ phải nằm
viện.
Ðề phòng cơn hen do gắng sức: Người lớn: dùng bình xịt khí dung để hít 2 lần,
trước khi gắng sức từ 15 đến 30 phút; trẻ em: hít 1 lần, trước khi gắng sức 15 đến 30
phút.
Cách dùng
Khí dung: Phải lắc lọ, lật ngược để đáy lọ lên phía trên, miệng ngậm đầu phun.
Phải hít vào thật sâu đồng thời phun thuốc và phải ngừng thở trong vài giây, điều này
khó thực hiện ở trẻ nhỏ. Có thể dùng một túi nhựa (plastic) hoặc một cốc nhựa, đáy
đục một lỗ vừa đầu phun, miệng cốc úp kín mũi và miệng trẻ nhỏ, phun 2 liều vào cốc
và để trẻ hít vào 5 lần trong cốc đó.
Bột khô để hít: Phải có đĩa quay và dụng cụ riêng để chọc thủng nang thuốc
ngay trước khi dùng.
Dạng phun sương (dùng máy phun sương)
Thường dùng cho các trường hợp hen nặng hơn hoặc không đáp ứng.
Người lớn: Liều thường dùng 2,5 - 5 mg salbutamol (dung dịch 0,1%) qua máy
phun sương, hít trong khoảng 5 - 15 phút, có thể lặp lại mỗi ngày tới 4 lần. Có thể pha
loãng dung dịch 0,5% với dung dịch natri clorid 0,9% để có nồng độ 0,1%. Có thể cho
thở liên tục qua máy phun sương, thường ở tốc độ 1 - 2 mg salbutamol mỗi giờ, dùng
dung dịch 0,005 - 0,01% (pha với dung dịch natri clorid 0,9%). Phải đảm bảo cho thở
oxygen để tránh giảm oxygen máu.
Một vài người bệnh có thể phải tăng liều đến 10 mg salbutamol. Trường hợp
này có thể hít 2 ml dung dịch salbutamol 0,5% (không cần pha loãng) trong khoảng
3 phút, ngày hít 3 - 4 lần.

94
Trẻ em: 50 - 150 microgam/kg thể trọng (tức là từ 0,01 đến 0,03 ml dung dịch
0,5% /kg, không bao giờ được quá 1 ml). Kết quả lâm sàng ở trẻ nhỏ dưới 18 tháng
không thật chắc chắn.
Nếu cơn không dứt hoàn toàn thì có thể lặp lại liều trên 2 - 3 lần trong một
ngày, các lần cách nhau từ 1 đến 4 giờ. Nếu phải dùng dạng khí dung nhiều lần thì nên
vào nằm viện.
Dạng viên nén để uống
Người lớn: 2 - 4 mg/lần, 3 - 4 lần/ngày. Một vài người bệnh có thể tăng liều
đến 8 mg/lần. Với người cao tuổi hoặc người rất nhạy cảm với các thuốc kích thích
beta2 thì nên bắt đầu với liều 2 mg/lần, 3 - 4 lần/ngày.
Trẻ em từ 2 đến 6 tuổi: 0,2 mg/kg, tức là từ 1 - 2mg/lần; 3 - 4 lần/ngày.
Trẻ em trên 6 tuổi: 2 mg/lần; 3 - 4 lần/ngày.
Ðề phòng cơn hen do gắng sức: Người lớn uống 4 mg trước khi vận động 2
giờ. Trẻ em lớn uống 2 mg trước khi vận động 2 giờ.
Dạng thuốc nước
Ðiều trị cơn hen:
Trẻ em: 0,20 - 0,30 mg/kg/ngày, tức là: từ 1 tháng đến 2 năm tuổi: 1/2 thìa
chuẩn/lần;2-3lần/ngày;từ 2 đến 6 tuổi: từ 1/2 đến 1 thìa/lần; 3 - 4 lần/ngày; trên 6 tuổi:
1 thìa/lần; 3 - 4 lần/ngày.
Người lớn: 0,10 - 0,20 mg/kg/ngày, tức từ 1 đến 2 thìa/lần; 3 - 4 lần/ngày.
Với người cao tuổi và những người rất nhạy cảm với thuốc kích thích beta2 thì
nên bắt đầu với liều 1 thìa/lần; 3 - 4 lần/ngày.
Ðề phòng cơn hen do gắng sức:
Trẻ em: 1 thìa chuẩn, uống trước khi vận động 2 giờ.
Người lớn: 2 thìa chuẩn, uống trước khi vận động 2 giờ.
Dạng tiêm dưới da
Người lớn: Ống 0,5 mg tiêm dưới da. Nếu cần thiết, cách 4 giờ lại tiêm 1 ống.
Cách điều trị này cần thực hiện tại bệnh viện.
Thuốc tiêm không dùng để điều trị duy trì hen phế quản.
Tiêm tĩnh mạch chậm: 250 microgam, có thể nhắc lại khi cần thiết. Cách điều
trị này cần thực hiện ở bệnh viện.
Tiêm truyền tĩnh mạch: Khởi đầu 5 microgam/phút, sau đó điều chỉnh liều từ 3 -
20 microgam/phút, tùy theo đáp ứng của người bệnh. Cách điều trị này cần thực hiện ở
bệnh viện.
Tương tác
Tránh dùng kết hợp với các thuốc chủ vận beta không chọn lọc.

95
Không nên dùng kết hợp salbutamol dạng uống với các thuốc chẹn beta (như
propranolol).
Cần thận trọng khi người bệnh có dùng thuốc chống đái tháo đường. Phải theo
dõi máu và nước tiểu vì salbutamol có khả năng làm tăng đường huyết. Có thể chuyển
sang dùng insulin.
Phải ngừng tiêm salbutamol trước khi gây mê bằng halothan.
Khi chỉ định salbutamol cần phải giảm liều thuốc kích thích beta khác nếu đang
dùng thuốc đó để điều trị.
Bảo quản
Cần bảo quản thuốc ở nhiệt độ dưới 250C, tránh ánh sáng. Lọ đã mở phải tiếp
tục bảo quản ở nơi mát, tránh ánh sáng và chỉ được dùng trong vòng 1 tháng tính từ lúc
mở.
Dung dịch thuốc sau khi đã pha có thể dùng trong vòng 24 tiếng, quá thời hạn
đó phải hủy bỏ.
Tương kỵ
Không được pha thêm, trộn thêm một thứ thuốc nào khác vào salbutamol hay
vào dung dịch có salbutamol dùng để tiêm truyền.
Quá liều và xử trí
Triệu chứng: Trong trường hợp dùng thuốc quá liều gây ngộ độc, tùy theo mức
độ nặng nhẹ có thể biểu hiện một số các triệu chứng như: Khó chịu, nhức đầu, hoa
mắt, chóng mặt, buồn nôn, bồn chồn, run các đầu chi, tim đập nhanh, loạn nhịp tim,
biến đổi huyết áp, co giật, có thể hạ kali huyết.
Xử trí: Nếu ngộ độc nặng: ngừng dùng salbutamol ngay. Rửa dạ dày (nếu dùng
loại thuốc uống), điều trị các triệu chứng. Cho thuốc chẹn beta (ví dụ metoprolol
tartrat) nếu thấy cần thiết và phải thận trọng vì có nguy cơ dẫn đến co thắt phế quản.
Việc điều trị như trên phải được tiến hành trong bệnh viện.
Ngộ độc nhẹ: Những trường hợp dùng salbutamol khí dung với liều cao hơn
nhiều so với liều cần dùng trong trường hợp người bệnh bị hen nặng lên hoặc có biến
chứng. Cần phải khám ngay, thay đổi cách điều trị và có thể phải nhập viện.
IPRATROPIUM
Dạng thuốc và hàm lượng
Khí dung định liều: 20 microgam/liều xịt, bình 200 liều.
Dung dịch khí dung: 0,25 mg/ml (cho trẻ em), 0,5 mg/ml (cho người lớn).
1. Tác dụng
Thuốc có tác dụng kháng Acetylcholin nên có tác dụng ức chế đối giao cảm làm
giãn cơ trơn khí phế quản mà không làm ảnh hưởng đến sự bài tiết dịch nhày phế
quản, các chức năng khác của cơ thể, đặc biệt là không làm ảnh hưởng đến hoạt động
của tim, mắt và ống tiêu hóa.
2.Tác dụng không mong muốn: Khô miệng, buồn nôn, táo bón; bí đái; nhức
đầu; phản ứng dị ứng; co thắt phế quản.
3. Chỉ định: Phối hợp với thuốc cường β2 để điều trị cơn hen nặng (khi dùng
riêng thuốc cường β2 không đủ tác dụng); bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.
96
4.Chống chỉ định: Người có tiền sử quá mẫn với lecithin đậu nành (là tá dược
trong thành phần thuốc) hoặc các thực phẩm chứa đậu nành, lạc; quá mẫn với atropin
và các dẫn xuất của atropin.
5. Thận trọng: Glôcôm góc hẹp; phì đại tuyến tiền liệt; các thời kỳ mang thai
và cho con bú.
6. Liều lượng và cách dùng
- Hít định liều: Người lớn: mỗi lần 20 - 40 microgam (1 - 2 lần xịt), 3 - 4 lần
mỗi ngày; trẻ em dưới 6 tuổi: mỗi lần 20 microgam, 3 lần mỗi ngày; trẻ em 6 - 12 tuổi:
mỗi lần 20 - 40 microgam, 3 lần mỗi ngày.
- Dung dịch khí dung: Người lớn: mỗi lần 100 - 500 microgam, tối đa 4 lần mỗi
ngày; trẻ em 3 - 14 tuổi: mỗi lần 100 - 500 microgam, tối đa 3 lần mỗi ngày. Vì có thể
xảy ra co thắt phế quản nghịch thường, liều hít đầu tiên phải được thầy thuốc giám sát.

BUDESONID

1. Tác dụng
Budesonide là một glucocorticosteroid có hoạt tính kháng viêm tại chỗ cao. Các
tác động kháng viêm như ức chế sự phóng thích các chất trung gian gây viêm và ức
chế đáp ứng miễn dịch qua trung gian cytokin là quan trọng
Điều trị bằng budesonide dạng hít cũng có hiệu quả trong việc ngăn ngừa cơn
hen do gắng sức.
2. Dược động học
Hấp thu: Budesonide dạng hít hấp thu nhanh. Nồng độ đỉnh trong huyết tương
đạt được trong vòng 30 phút sau khi hít. Trong các nghiên cứu, định vị trung bình của
budesonide trong phổi sau khi hít qua bình xịt được nén là 10-15% liều chuẩn độ.
- Thải trừ: Thuốc được chuyển hóa qua gan, các chất chuyển hoá được bài tiết
qua nước tiểu, thời gian bán hủy trong huyết tương sau khi tiêm tĩnh mạch trung bình
khoảng 4 giờ.
3. Chỉ định
- Hen phế quản.
- Pulmicort phun mù được đẩy bởi khí freon và chỉ nên được kê toa cho các
bệnh nhân không được điều trị tốt bằng các thuốc dạng hít khác.
4. Chống chỉ định
Mẫn cảm với budesonide hoặc bất cứ thành phần khác của thuốc.
5. Chú ý đề phòng và thận trọng lúc dùng
- Để giảm thiểu nguy cơ nhiễm nấm Candida ở miệng và họng, bệnh nhân nên
được hướng dẫn phải súc miệng với nước sau mỗi lần dùng.
- Nên tránh dùng đồng thời với ketoconazole và với các chất ức chế CYP3A4
mạnh khác. Nếu không thể tránh được thì nên dùng các thuốc cách xa nhau càng lâu
càng tốt.
- Nên thường xuyên theo dõi sự phát triển ở trẻ em và trẻ vị thành niên điều trị
lâu dài bằng corticosteroid bất kể bằng đường dùng nào. Lợi ích của việc điều trị bằng
corticosteroid phải được cân nhắc với nguy cơ ức chế sự phát triển.
- Bệnh nhân phải được dặn dò nên liên hệ với bác sỹ nếu hiệu quả điều trị giảm,
không nên tiếp tục duy trì mà phải chuyển sang các liệu pháp khác. Nếu hiệu quả điều
trị giảm đột ngột thì phải bổ sung một đợt điều trị ngắn bằng steroid đường uống.
6. Tác dụng không mong muốn

97
- Đường hô hấp: nhiễm nấm candida ở hầu-họng, kích thích nhẹ ở họng, ho và
khàn giọng.
- Toàn thân: phù mạch.
- Da: mề đay, ban, viêm da.
- Đường hô hấp: co thắt phế quản.
- Các trường hợp đặc biệt như bồn chồn, lo lắng, trầm cảm và rối loạn hành vi
cũng được ghi nhận. Do có nguy cơ bị nhiễm nấm Candida ở hầu-họng, bệnh nhân nên
súc miệng bằng nước sau mỗi lần dùng.
7. Liều lượng và cách dùng
Khi bắt đầu liệu pháp corticosteroid dạng hít, để điều trị trong giai đoạn hen
nặng hoặc khi giảm hoặc ngưng sử dụng corticosteroid dạng uống thì liều lượng nên
là:
Trẻ em từ 2-7 tuổi: 200-400 mcg/ ngày, chia 2-4 lần.
Trẻ em từ 7 tuổi trở lên: 200-800 mcg/ ngày, chia 2-4 lần.
Người lớn: 200-1600 mcg/ ngày, chia 2-4 lần.
Đối với điều trị duy trì, liều dùng 2 lần/ ngày, sáng và tối, thường là đủ.
Liều duy trì nên giảm đến mức thấp nhất cho phép.
Sau một liều đơn, thuốc có tác động sau vài giờ, hiệu quả trị liệu đầy đủ chỉ đạt
được sau một vài tuần điều trị.

LƯỢNG GIÁ

* Trả lời ngắn các câu từ 1 – 10 bằng cách điền từ hoặc cụm từ vào chỗ trống:

1. Ho là phản xạ (A)………………….của cơ thể nhằm (B)…………………….ra


ngoài.
2. Codein có tác dụng (A)………………………do ức chế chọn lọc (B)…………
3. Codein có tác dụng:
A……………………………….
B………………………………..
C. Gây ngủ
4. Tác dụng không mong muốn của Codein là:
A. ………………………………
B…………………………………
C. Gây buồn nôn, táo bón.
5. Theralen có tác dụng:
A…………………………………
B…………………………………
C. An thần
6. Chỉ định của Theralin là:
A………………………………..
B………………………………..
C. Dùng để gây ngủ.
7. Hai thuốc long đờm đã học là:
A………………………………..
B…………………………………
8. Trong cơn hen thường gặp:
98
A. Co thắt phế quản
B. ……………………………….
C…………………………………
9. Tác dụng của Salbutamol là:
A………………………………..
B…………………………………
10. Tác dụng của Theophylin là:
A…………………………………
B…………………………………
C. Lợi tiểu.

Câu đúng sai các câu 11 đến 20 bằng cách đánh dấu V vào cột A cho câu đúng,
cột B cho câu sai:
A B
12 Salbutamol làm chậm nhịp tim
13 Narcotin là thuốc gây nghiện
14 Mucomyst là thuốc giảm ho mạnh
15 Cấm dùng Codein cho trẻ sơ sinh
16 Dextromethorphan là thuốc ho trẻ sơ sinh
17 Không dùng Codein cho người hen phế quản
18 Dextromethorphan là thuốc chữa hen phế quản
19 Theralen có tác dụng giảm ho tốt với những cơn ho dị ứng
20 Theophylin có dụng gây ngủ

* Chọn 1 ý đúng nhất từ câu 21 đến 30 bằng cách khoanh tròn vào chữ cái đầu ý
đã chọn:

21. Tác dụng không mong muốn của Salbutamol là:


A. Tim đập nhanh, run cơ, rối loạn tiêu hoá, nhức đầu.
B. Tim đập nhanh, run cơ, rối loạn tiêu hoá.
C. Tim đập chậm, run cơ, rối loạn tiêu hoá, nhức đầu.
D. Tim đập chậm, liệt cơ, rối loạn tiêu hoá.
22. Không dùng Theophylin cho trẻ em dưới:
A. 2 tháng tuổi
B. 12 tháng tuổi
C. 30 tháng tuổi
D. 5 tuổi
23. Ho có nhiều đờm nên dùng:
A. Thuốc giảm ho
B. Thuốc long đờm
C. Thuốc giảm ho kết hợp với thuốc long đờm
D. Thuốc giãn phế quản
24. Trong các thuốc sau, các thuốc có nguồn gốc từ thuốc phiện là:
A. Codein, Narcotin
B. Codein, Dextromethorphan
99
C. Codein, Theralen
D. Theralen, Dextromethorphan
25. Trong các thuốc sau, thuốc được dùng khi doạ sẩy thai là:
A. Codein
B. Theralen
C. Salbutamol
D. Theophylin
26. Trong các thuốc sau, thuốc có tác dụng dự phòng cơn hen là:
A. Theophylin
B. Salbutamol
C. Adrenalin
D. Cromolycat Natri
27. Không dùng Theophylin cho người:
A. Đau thắt ngực
B. Phù do suy tim
C. Phù do suy thận
D. Cao huyết áp
28. Noscapin có tác dụng:
A. Giảm ho, không ức chế hô hấp, không gây nghiện
B. Giảm ho, ức chế hô hấp, gây nghiện
C. Giảm ho, không ức chế hô hấp, gây nghiện
D. Giảm ho, không gây nghiện
29. Tác dụng không mong muốn của Dextromethorphan là:
A. Buồn nôn, táo bón
B. Chóng mặt, buồn ngủ
C. Dị ứng, co thắt phế quản
D. Tất cả các tác dụng các mục A, B, C.
30. Chỉ định của Salbutamol là:
A. Hen phế quản.
B. Doạ sẩy thai.
C. Đau dạ con sau đẻ.
D. Cả 3 trường hợp kể trên.

100
Chương 5
THUỐC TÁC DỤNG TRÊN HỆ TIÊU HÓA
Bài 1
THUỐC ĐIỀU TRỊ VIÊM, LOÉT DẠ DÀY - TÁ TRÀNG
MỤC TIÊU
1. Phân loại được các nhóm thuốc điều trị viêm, loét dạ dày - tá tràng
2. Trình bày và so sánh được đặc điểm dược động học, cơ chế tác dụng, chỉ
định, tác dụng không mong muốn, chống chỉ định và tương tác của các thuốc kháng
acid, thuốc kháng histamin H2, thuốc ức chế bơm proton được đề cập đến trong bài.

I. ĐẠI CƯƠNG
1. Sinh lý của bệnh loét dạ dày
Dạ dày hoạt động được bình thường nhờ sự cân bằng giữa hai quá trình
Quá trình bài tiết dịch vị
Để tiêu hóa thức ăn, dạ dày sẽ tiết dịch vị. Dịch vị gồm: các men tiêu hóa như:
pepsin, lipase, gelatinase, nhóm các chất vô cơ: HCl, các ion Na +, K+, Cl-, Mg++,
HPO 
4 , SO 4 ; chất này và yếu tố nội, song một số yếu tố như: HCl, pepsin chính nó lại

là yếu tố ăn mòn niêm mạc dạ dày.


Điều hòa tiết HCl do histamin, acetylcholin, gastrin thông qua H+/K+ ATPase
(còn được gọi là bơm proton) là khâu cuối cùng của quá trình bài tiết HCl:
- Histamin có tác dụng lên receptor H2 - histamin (RH2), hoạt hóa adenylcyclase
(AC) làm tăng tổng hợp AMP v dẫn đến tăng bài xuất H+ qua bơm proton.
- Acetylcholin và thuốc cường phó giao cảm làm tăng tính thấm của màng tế bào
với Ca++ làm Ca++ vào trong tế bào tăng cao, kích thích H+/K+ ATPase, tăng tiết H+.
- Gastrin làm tăng tiết HCl: cơ chế như acetylcholin
Quá trình bảo vệ
Để khắc phục những hạn chế của HCl và pepsin, bảo vệ niêm mạc dạ dày, vùng
môn vị, tâm vị có các tuyến và tế bào tiết chất nhày, giữ NaHCO 3 để trung hòa acid
dịch vị.
PGE2 ức chế adenylcyclase (AC), làm giảm tổng hợp AMP v và ức chế giải phóng
gastrin để điều hòa ngược.
Bệnh loét dạ dày xảy ra khi tăng quá trình bài tiết dịch vị, giảm quá trình bảo vệ.
Những yếu tố ảnh hưởng đến loét dạ dày - tá tràng
- Yếu tố xã hội: căng thẳng thần kinh (những người trí thức chiếm tỷ lệ nhiều hơn
những người nông dân).
- Yếu tố thể trạng: tính gia đình, bệnh có thể do mẫn cảm đối với một kháng
nguyên nào đó.
- Yếu tố nội tiết: rối loạn nội tiết gây tăng tiết dịch vị, thậm chí có thể gây loét
(nhất là tăng tiết corticoid).
- Yếu tố thần kinh: cường phó giao cảm làm tăng tiết dịch vị
- Yếu tố thuốc: corticoid, các thuốc chống viêm không steroid, rượu làm giảm
quá trình bảo vệ.

101
- Do nhiễm khuẩn Helicobacter pylori (HP).

H+ M Acetylcholin
Ca++
AMPv (+)
H+/K+ APTase M Histamin

K+ Ức chế PG Prostaglandin

K+ K+
G Gastrin
- -
Cl Cl

Hình: Sự điều hòa bài tiết H+ của tế bào thành dạ dày


Các receptor: M = Muscarin, H2 = Histamin, PG = Propstaglandin, G= Gastrin
2. Phân loại thuốc chữa viêm, loét dạ dày - tá tràng
. Nhóm thuốc hạn chế quá trình bài tiết dịch vị:
- Thuốc kháng acid (antacid): maalox, gastropulgit…
- Thuốc kháng receptor H2 - histamin: cimetidin, ranitidin…
- Thuốc kháng acetylcholin ở receptor M1 - cholinecgic (RM1): pirenzepin,
telenzepin…
- Thuốc kháng gastrin: proglumid
- Thuốc ức chế bơm proton: omeprazol, lansoprazol…
. Nhóm tăng cường yếu tố bảo vệ: prostaglandin, sucralfat, các chế phẩm của
bismuth.
. Nhóm điều trị nhiễm khuẩn HP: kháng sinh (amoxycilin, clarithromycin…). kết
hợp với thuốc ức chế bơm proton.
II. CÁC THUỐC
1. Thuốc kháng receptor H2 - histamin
Gồm: cimetidin, ranitidin, famotidin, nizatidin…
Dược động học
- Hấp thu nhanh và hoàn toàn qua đường tiêu hóa. Đạt nồng độ cao trong huyết
tương sau 1-2 giờ. Gắn với protein huyết tương ở mức trung bình 50%. Cimetidin có
sinh khả dụng qua đường uống khoảng 30-80%. Thời gian bán thải 1,5-2,3 giờ.
Nizatidin có sinh khả dụng qua đường uống khoảng 75-100%. Thời gian bán thải 1,1-
1,6 giờ. Ranitidin và famotidin có thời gian bán thải khoảng 2-3 giờ và tăng khi suy
thận.
- Chuyển hóa qua gan khoảng 30%
- Qua được dịch não tuỷ, rau thai và sữa mẹ
- Thải trừ qua thận trên 60% dưới dạng không chuyển hóa.
Cơ chế tác dụng
- Do công thức gần giống histamin nên các thuốc kháng H2-histamin tranh chấp
với histamin tại receptor H 2 (RH2) ở tế bào thành dạ dày, làm ngăn cản tiết dịch vị bởi

102
các nguyên nhân gây tăng tiết histamin ở dạ dày (ví dụ: cường phó giao cảm, thức ăn,
tăng tiết gastrin…).
- Các thuốc kháng H2 không có tác dụng trên RH1, mà chỉ tác dụng chọn lọc trên
RH2 ở dạ dày (mặc dù RH2 có nhiều ở thành mạch, khí, phế quản, tim…).
Tác dụng
Làm giảm bài tiết acid dịch vị mà acid này được kích thích tăng tiết bởi histamin,
gastrin, thuốc cường phó giao cảm và kích thích dây thần kinh X. Khả năng làm giảm
tiết acid dịch vị tăng dần: cimetidin (50%) < ranitidin (70%) < famotidin (90%).
Thuốc làm giảm tiết cả số lượng và nồng độ HCl của dịch vị. Sự bài tiết các dịch
tiêu hóa khác và chức năng của dạ dày ít bị ảnh hưởng.
Chỉ định
- Loét dạ dày - tá tràng: rất hiệu quả với loét cấp tính
- Hội chứng Zollinger - Ellison (hội chứng tăng tiết acid do các khối u gây tăng
tiết gastrin ở tuyến tụy).
- Điều trị chứng trào ngược dạ dày - thực quản
- Làm giảm tiết dịch vị trong các trường hợp loét đường tiêu hóa có liên quan đến
tăng tiết dịch vị (viêm loét thực quản, loét miệng nối dạ dày - ruột…).
Tác dụng không mong muốn
Thuốc dùng tương đối an toàn, ít có biến chứng. Các tác dụng không mong muốn
thường gặp ở cimetidin, thấy ít nhất ở nizatidin.
- Thường gặp:
+ Chóng mặt, nhức đầu.
+ Rối loạn tiêu hóa: buồn nôn, phân lỏng hay táo bón
+ Đau khớp, đau cơ
+ Cimetidin có thể gây hạ huyết áp, loạn nhịp tim khi tiêm tĩnh mạch
- Ít gặp hơn:
+ Trên thần kinh trung ương: mê sảng, rối loạn ý thức (lú lẫn) - thường gặp với
cimetidin.
+ Nội tiết: cimetidin kháng androgen và tăng tiết prolactin gây chứng vú to ở
nam, chảy sữa không do sinh đẻ, giảm tinh dịch, liệt dương (giảm tình dục) ở liều cao
(sử dụng thuốc hơn 8 tuần).
+ Rối loạn tạo máu: thiếu máu, giảm bạch cầu (suy tuỷ) có hồi phục
+ Gan: ứ mật do cimetidin, viêm gan do ranitidin
+ Gây ung thư dạ dày: thuốc có thể gây ung thư dạ dày, do giảm độ acid nên một
số vi khuẩn có thể phát triển được, tạo nitrosamin từ thức ăn gây ung thư.
Tương tác thuốc
- Cimetidin ức chế Cyt P450 rõ rệt, làm thay đổi sinh khả dụng, tăng tác dụng,
tăng độc tính của các thuốc chuyển hóa qua Cyt P450 gan. Các thuốc sẽ có thời gian
bán thải dài hơn khi dùng chung với cimetidin là phenytoin, theophylin, phenobarbital,
mexitelin… Các thuốc khác ít hoặc không ức chế Cyt P450.
- Antacid làm giảm hấp thu các thuốc kháng H2, vì vậy nên uống cách nhau 1-2
giờ.
Thận trọng
- Người mang thai: thuốc qua được rau thai nên chỉ định cho người mang thai khi
thật cần thiết.
- Qua được sữa mẹ (cả 4 thuốc), có thể gây độc cho trẻ. Do đó, cần thận trọng với
phụ nữ trong thời kỳ cho con bú.
- Thận trọng khi tiêm cimetidin theo đường tĩnh mạch đề phòng tụt huyết áp và
loạn nhịp tim.

103
Chế phẩm và liều dùng
- Cimetidin (Tagamet): viên nén 200, 300, 400, 800mg. Dung dịch uống
300mg/15mL. Dung dịch tiêm: 200mg/2mL. Uống: 200mg x 3 lần và 400mg trước khi
đi ngủ/ngày. Đợt điều trị khoảng 4-8 tuần. Liều duy trì: 400mg/ngày vào buổi chiều.
Hiện nay có xu hướng chỉ dùng 800mg/lần trước khi đi ngủ vì nhiều nghiên cứu
cho thấy thuốc ức chế mạnh bài tiết acid vào ban đêm.
Khi loét đang tiến triển, có chảy máu dạ dày, hay có nôn thì tiêm bắp hoặc tiêm
tĩnh mạch, liều 4-8 ống/ngày. Sau 7 ngày chuyển sang uống.
- Ranitidin (Zantac, Azantac, Raniplex): mạnh gấp 4 -10 lần cimetidin. Viên nén,
viên sủi bọt: 100-300mg. Uống 300mg/lần vào buổi tối.
- Famotidin (Pepcid): mạnh gấp 30 lần cimetidin
Viên nén 20,40mg. Liều dùng: 20mg x 2 lần/ngày hay 40mg/ngày x 1 lần vào
buổi tối.
- Nizatidin (Acid): viên nén 150-300mg. Liều uống 300mg 1 lần/ngày vào buổi
tối.
2. Thuốc ức chế H+/K+ ATPase
Gồm: omeprazol, lansoprazol, pantoprazol, rabeprazol…
Dược động học
- Hấp thu nhanh qua đường tiêu hóa, nhưng thay đổi tuỳ thuộc theo liều dùng và
pH dạ dày.
- Sinh khả dụng theo đường uống có thể tới 70% nếu dùng lặp lại. Thuốc gắn
mạnh vào protein huyết tương.
- Chuyển hóa qua gan, thời gian bán thải khoảng 30-90 phút. Thải qua thận 80%.
Cơ chế tác dụng
Các thuốc thuộc nhóm này có cùng cơ chế tác dụng là ức chế H+/K+ ATPase nên
xét omeprazol làm đại diện. Omeprazol vào trong cơ thể ở pH  5 nó được proton hóa
thành 2 dạng: acid sulphenic và sulphenamic. Hai chất này gắn thuận nghịch với nhóm
sulfhydryl của H+/K+ ATPase ở tế bào thành dạ dày nên ức chế bài tiết acid do bất kỳ
nguyên nhân nào.
Tác dụng
- Thuốc ức chế đặc hiệu và không hồi phục bơm proton do tác dụng chọn lọc trên
tế bào thành dạ dày nên thuốc tác dụng nhanh và hiệu quả hơn các thuốc khác. Tỷ lệ
liền sẹo (làm lành vết loét) có thể đạt 95% sau 8 tuần điều trị.
- Rất ít ảnh hưởng đến khối lượng dịch vị, sự bài tiết pepsin, yếu tố nội dạ dày và
sự co bóp dạ dày.
Chỉ định
- Loét dạ dày - tá tràng tiến triển hay các trường hợp loét mà dùng thuốc kháng
H2 không hiệu quả.
- Hội chứng Zollinger - Ellison.
- Chứng trào ngược dạ dày - thực quản.
Tác dụng không mong muốn
Nhìn chung thuốc dung nạp tốt.
Có thể gây:
- Rối loạn tiêu hóa: buồn nôn, táo bón hay tiêu chảy.
- Rối loạn thần kinh trung ương: chóng mặt, nhức đầu, ngủ gà (ít gặp).
- Do ức chế tiết acid, pH dạ dày có thể tăng lên, làm cho một số vi khuẩn phát
triển gây ung thư.
- Omeprazol ức chế Cyt P450 nên có thể ảnh hưởng đến tác dụng của các thuốc
khác khi dùng đồng thời.

104
Chống chỉ định
- Mẫn cảm với thuốc
- Loét dạ dày ác tính
- Thận trọng: khi mang thai và thời kỳ cho con bú
Chế phẩm và liều dùng
- Omeprazol (Losec, Mopral): viên nén, viên bao tan trong ruột 20mg
Điều trị loét dạ dày - tá tràng: dùng 20-40mg/ngày x 4-6 tuần
Điều trị trào ngược dạ dày - thực quản: 4- 12 tuần, liều dùng như trên
Điều trị hội chứng Zollinger - Ellison liều  120mg/ngày chia 2 - 3 lần vào buổi
sáng trước khi ăn, dùng trong 4 tuần.
- Lansoprazol (Lanzor): viên nang 30mg, 1 viên/ngày x 4 tuần để điều trị loét dạ
dày - tá tràng.
- Pantoprazol (Pantoloc): viên tan trong ruột 40mg, lọ chứa bột pha tiêm 40mg
pha trong 10mg dung dịch NaCl 0,9% tiêm tĩnh mạch chậm. Uống 40mg/ngày. Dùng
không quá 8 tuần.
- Rabeprazol (pariet): viên bao phim 10mg. Uống 20mg/ngày.
3. Thuốc kháng acid (antacid)
Antacid là những thuốc có tác dụng trung hòa acid dịch vị, nâng pH của dạ dày
lên sấp xỉ bằng 4. Thuốc hiện đang được dùng là các hydroxyd mangnesi, nhôm, calci
hoặc natri.
Dược động học
Mức độ hấp thu ở ruột của các antacid là khác nhau. Các antacid chứa Mg++,
Al được hấp thu rất ít nên có tác dụng tại chỗ.
+++

Tác dụng và cơ chế


- Trung hòa acid dịch vị
- Làm tăng pH dịch vị, ức chế hoạt tính của pepsin, tăng tác dụng của hàng rào
chất nhày, kích thích khả năng đề kháng của niêm mạc dạ dày.
- Tác dụng cắt cơn đau và giảm triệu chứng nhanh nhưng ngắn (15-30 phút) nên
phải dùng nhiều lần trong ngày.
Chỉ định
- Loét dạ dày - tá tràng. Al (OH)3 kết tủa pepsin nên điều trị tốt trong loét dạ dày
do tăng pepsin.
- Hội chứng Zollinger - Ellison và trào ngược dạ dày - thực quản: antacid kết hợp
với thuốc kháng H2 và omeprazol.
Tác dụng không mong muốn
- Mg(OH)2:
+ Rất ít tan trong nước, xuống ruột tác dụng với SO 4  hoặc CO 3  carbonat tạo
muối ít tan, tránh được hấp thu base nên không gây nhiễm base máu.
+ Dùng lâu, Mg++ sẽ giữ nước, có tác dụng nhuận tràng.
- Al(OH)3:
+ Dùng lâu do kết hợp với protein niêm mạc ruột, làm săn niêm mạc ruột và gây
táo bón.
+ Không gây base máu nhưng do kết hợp với thuốc phosphat nên có thể phải huy
động gốc phosphat ở xương ra dễ gây nhuyễn xương, cần ăn chế độ nhiều phosphat và
protid.
Tương tác thuốc
Các antacid làm giảm hấp thu nhiều thuốc khi dùng cũng như: thuốc kháng H2,
digoxin, tetracyclin, atenolol, propranolol, cloroquin, quinidin, fluoroquinolon,
indometacin, glucocorticoid, INH, ethambutol, thuốc an thần nhóm phenothiazin…
105
Chống chỉ định
- Suy thận nặng
- Có thể giảm hấp thu các thuốc khác khi dùng cùng với antacid.
- Không nên dùng antacid quá mạnh và kéo dài vì dễ gây niêm mạc dạ dày do
base hóa.
Chế phẩm
Trong thực tế dùng chế phẩm kết hợp
- Maalox: viên nén chứa 0,4g Al(OH)3 và 0,4g Mg(OH)2. Ngậm hoặc nhai 1 - 2
viên, 1 giờ sau bữa ăn hoặc khi khó chịu lúc đau.
- Gastropulgite: gói bột uống có 2,5g attapulgite hoạt hóa + 0,5g gen khô nhôm
hydroxyd và magnesi carbonat. Liều dùng 2-4g/ngày.
- Phosphalugel: gói 100g có chứa 13g nhôm phosphat ở dạng keo. Uống 1-2
gói/lần x 2 - 3 lần/ngày.
Nên uống 1-2 giờ sau khi ăn thì tác dụng của antacid kéo dài hơn (3-4 giờ).
4. Các thuốc khác
4.1. Thuốc kháng cholinergic
- Có tác dụng kháng acetylcholin, làm giảm tiết acid dịch vị. Thuốc làm giảm tiết
dịch 40-50%, có thể phối hợp với các thuốc kháng H 2.
- Có nhiều tác dụng không mong muốn như: khô miệng, táo bón, bí tiểu tiện,
tăng nhãn áp, tim đập nhanh…
- Hai thuốc đang được dùng có tác dụng chọn lọc trên receptor M1 - Muscarinic
(RM1) ít độc hơn: pirenzepin, telenzepin.
Liều dùng: 50mg/lần x 2 - 3 lần/ngày.
4.2. Thuốc kháng gastrin
Gastrin tiết ra ở hang vị do tác dụng của thức ăn hay do kích thích dây thần kinh
X. Gastrin gắn vào receptor trên tế bào thành làm tiết dịch vị, pepsin và yếu tố nội dạ
dày.
Thuốc thường dùng: proglumid (Milid, Promit) 200-400mg/lần x 3 lần/ngày,
uống trước bữa ăn.

4.3. Sucralfat (Ulcar)


Là một disaccarid được sulfat hóa (Aluminium sucrose sulfat)
Công thức: C12 H6O11 SO3Al  OH 5  .H 2O

Tác dụng
- Tạo hàng rào bảo vệ dạ dày: do tan trong acid, giải phóng Al+++, phần anion
sulfat sẽ polimer hóa (trùng hợp) tạo gel nhày, dính, bao bọc ổ loét.
- Kích thích sản xuất prostaglandin tại chỗ
- Nâng pH của dịch vị
- Tác dụng kéo dài khoảng 6 giờ
Chỉ định
Điều trị loét dạ dày - tá tràng
Tác dụng không mong muốn
Thuốc gây táo bón
Tương tác thuốc
Sucralfat làm giảm hấp thu các thuốc khi dùng cùng như: digoxin, tetracyclin,
phenytoin, sulpirid… nên dùng cách xa các thuốc này khoảng 2 giờ.
Chống chỉ định
Suy thận nặng

106
Chế phẩm và liều dùng
Sucralfat viên 1g. Uống 1viên/ lần x 3 lần/ngày, trước mỗi bữa ăn và 1 viên trước
khi đi ngủ. Dùng 4 - 6 tuần.
4.4. Hợp chất bismuth
Tác dụng
- Tạo hàng rào bảo vệ niêm mạc dạ dày tránh tác động của acid
- Tăng bài tiết chất nhày bảo vệ
- Kích thích tổng hợp prostaglandin
- Chống lại vi khuẩn Helicobacter pylori (HP)
Tác dụng không mong muốn
- Dùng lâu có thể gây suy nhược thần kinh trung ương
- Loạn dưỡng xương, đen vòm miệng

Chống chỉ định


- Người mang thai, trẻ em dưới 16 tuổi
- Suy thận
Chế phẩm và liều dùng
- Bismuth subsalicilat (Pepto - Bismol) có 151mg bismuth + 102mg salicylat.
Người lớn uống 2-10g/ngày dưới dạng potio hoặc dạng bột. Trẻ em 0,1-0,2g/mỗi
tuổi/ngày.
- Bismuth subcitrat (tripotassium dicitrato bismuthat, Bimex, Telen, Trymo):
viên nén 120mg, lọ 560mL (5mL chứa 120mg) dung dịch uống.
Liều dùng: người lớn uống 2 viên/lần x 2 lần/ngày, hoặc 10mL dung dịch,
khoảng nửa giờ trước ăn. Nhai kỹ viên thuốc và uống kèm với một cốc nước. Đợt
dùng 28 ngày. Nếu cần có thể dùng thêm đợt nữa cách 1 tháng.
Do thuốc có phân tử lượng cao, không bị hấp thu nên ít gây tác dụng phụ.
- Bismuth aluminat (Ultin, Almuth I): viên nén 1g, gói bột 10g.
Điều trị đau - loét dạ dày do tăng tiết dịch vị: 1 gói /lần x 2 lần/ngày
Điều trị tiêu chảy: 2 viên/lần x 3 lần/ngày.
4.5. Các dẫn xuất của prostagladin
Các PGE1, PGI2 có khả năng chống loét do kích thích tiết dịch nhày ở dạ dày;
kích thích tiết bicarbonat ở dạ dày và tá tràng, duy trì lưu lượng máu đến niêm mạc dạ
dày, kích thích tăng sinh tế bào niêm mạc dạ dày.
Misoprostol (Cytotec): dùng rộng rãi ở châu Âu để điều trị loét dạ dày - tá tràng
do dùng thuốc chống viêm không steroid.
- Liều dùng: 200g/lần x 4 lần/ngày, uống lúc no để tránh tiêu chảy
- Tác dụng không mong muốn: đau bụng, tiêu chảy, chuột rút.
- Không dùng cho phụ nữ có thai (tránh sảy thai)
Enprostil (Gadrin): tác dụng kéo dài hơn misoprostol.
4.6. Nhóm thuốc điều trị nhiễm Helicobacter pyori (HP)
- HP trước đây gọi là Campylobacter pylori là vi khuẩn hình xoắn Gram âm (Gr-)
cư trú ở ổ loét dạ dày - tá tràng, làm tổn thương các tế bào niêm mạc và thoái hóa lớp
dịch nhày bảo vệ niêm mạc, do sản xuất độc tố và amoniac gây viêm mạnh niêm mạc
dạ dày, tá tràng.
- Các thuốc có tác dụng diệt vi khuẩn HP là:
+ Bismuth
+ Kháng sinh: amoxicilin, tetracyclin, clarithromycin.
+ Nhóm imidazol: metronidazol, tinidazol.

107
Tuỳ theo từng phác đồ, điều trị nhiễm khuẩn này thường dùng hai loại thuốc diệt
HP kết hợp thuốc ức chế tiết acid dịch vị, hiệu quả đạt 85-90%.

- Một số chế phẩm phối hợp:


Pylokit (Dorokit): Omeprazol 20mg
Tinidazol 500mg
Clarithromycin 250mg

Pantoprazol 40mg
Amoxicillin 1000mg
Clarithromycin 500mg

Pantoprazol 40mg
Amoxicillin 1000mg
Metronidazol 500mg

108
BÀI 2
THUỐC CHỐNG TIÊU CHẢY, LỴ
MỤC TIÊU
1. Trình bày được cách phân loại thuốc chữa bệnh tiêu chảy, bệnh lỵ.
2. Trình bày và so sánh được, tác dụng,tác dụng không mong muốn, chỉ định,
chống chỉ định, cách dùng bảo quản các thuốc chữa tiêu chảy và chữa lỵ trong bài.

NỘI DUNG
I. ĐẠI CƯƠNG
1. Vài nét về bệnh tiêu chảy, lỵ
Tiêu chảy là hiện tượng đi đại tiện bất thường từ 3 lần trở lên trong ngày, phân
lỏng hoặc lẫn nhiều nước, thường gặp ở trẻ em từ 6 tháng đến 5 tuổi. Bệnh tiêu chảy
thường do nhiều nguyên nhân khác nhau như: nhiễm khuẩn đường ruột, nhiễm độc, dị
ứng thức ăn. Khi bị tiêu chảy, cơ thể bị mất nhiều nước và muối khoáng dẫn đến rối
loạn tuần hoàn, nhiễm độc thần kinh, nếu không được điều trị kịp thời có thể bị tử
vong (nhất là trẻ em).
Lỵ là bệnh do nhiễm khuẩn cấp tính ở đường tiêu hoá, có tính chất lây truyền và
đôi khi phát thành dịch.
Có hai loại bệnh lỵ: Lỵ trực khuẩn (do Shigella và Escherichia coli) và lỵ Amip
(do Etamoeba Histolytica). Bệnh lỵ thường biểu hiện bằng triệu chứng đi đại tiện
nhiều lần trong ngày, phân có lẫn nhiều chất nhầy và có máu, đau quặn bụng .....
Hiện nay có nhiều thuốc chữa lỵ và chữa tiêu chảy, chúng có nguồn gốc, bản
chất cấu tạo, cơ chế tác dụng khác nhau.
2. Phân loại thuốc chữa tiêu chảy, lỵ
2.1. Thuốc chữa tiêu chảy
Dựa vào tác dụng, có thể chia thuốc tiêu chảy thành các nhóm sau:
- Thuốc kháng khuẩn (kháng sinh, Sulfamid kháng khuẩn): Berberin, Ganidan,
Metronidazol, Tinidazol....
- Thuốc chống nhiễm độc do hấp phụ (than thảo mộc, Kaolin).
- Thuốc bù nước và bổ xung chất điện giải (Ringer lactat, Oresol).
- Thuốc chống rối loạn tiêu hoá do loạn khuẩn đường ruột (các men tiêu hoá).
2.2. Thuốc chữa bệnh lỵ
- Thuốc chữa lỵ trực khuẩn: Berberin, Ganidan, Biseptol.
- Thuốc chữa lỵ amip: Dehydroemetin, Metronidazol, Tinidazol.....

II. CÁC THUỐC CHỮA TIÊU CHẢY, LỴ THÔNG DỤNG

ORESOL
Tên khác: Oral Rehydration Salts (O.R.S)
Thành phần:
Có thể điều chế theo một trong hai công thức dưới đây:
Công thức I:
Natri clorid 3.5g
Natri citrat 2.9g
Kali clorid 1.5g
Glucose 20.0g
Công thức II:
109
Natri clorid 3.5g
Natri hydrocarbonat 2.5g
Kali clorid 1.5g
Glucose 20.0g
Tác dụng
Bù nước, bổ xung chất điện giải cho cơ thể bị mất nước và chất điện giải trong
trường hợp tiêu chảy, nôn, sốt cao....
Chỉ định
Chứng mất nước do tiêu chảy hay do các nguyên nhân khác.
Thận trọng
Dùng thận trọng đối với người bệnh tim mạch, gan, thận.
Khi dùng Oresol trong các chứng tiêu chảy nặng, vẫn phải tiêm truyền dung
dịch Glucose đẳng trương 5% mới hiệu quả.
Cách dùng
Hoà tan một gói Oresol vào trong một lít nước đun sôi để nguội, uống thay
nước theo nhu cầu của người bệnh trong ngày hoặc dùng theo chỉ dẫn trên gói thuốc.
Dạng thuốc: Dạng bột đóng gói trong giấy nhôm, hàn kín.
Khi không có sẵn Oresol, có thể áp dụng các giải pháp sau cũng có hiệu quả tốt.
- Dùng muối ăn và đường (Saccarose) theo tỷ lệ 1 : 8 (lấy 1 thìa cà phê muối và
8 thìa cà phê đường hoà tan trong 1 lít nước sôi để nguội, dùng uống trong ngày).
- Cho người bệnh ăn cháo muối (lấy 6 bát nước, một nắm gạo, một nhúm muối,
đun tới khi nào gạo nở hết rồi chắt lấy nước cho bệnh nhân uống).
- Cho bệnh nhân uống nước dừa, nước hoa quả cũng có hiệu quả tốt.
Nên cho bệnh nhân uống sớm nước cháo muối, nước dừa ngay tại nhà. Nếu trẻ
còn đang bú thì tiếp tục cho bú và cho bệnh nhân ăn uống nhiều chất dinh dưỡng (loại
dễ tiêu hoá) hơn thường ngày.
Bảo quản: Để nơi khô ráo, tránh ẩm.

BIOSUBTYL
Tên khác: Men tiêu hoá sống

Nguồn gốc
Biosubtyl được chế tạo từ vi khuẩn Bacillus subtilis (một loại vi khuẩn không
gây bệnh cho người). Khi vào cơ thể, Bacillus Subtilis phát triển nhanh và có khả năng
tiêu diệt các vi khuẩn gây bệnh.
Tác dụng
Có tác dụng đối lập với các vi khuẩn gây bệnh như Shigella và E.coli, cung cấp
men tiêu hoá và chống loạn khuẩn ruột.
Chỉ định
Tiêu chảy, viêm ruột mạn tính, rối loạn tiêu hoá, viêm đại tràng, trẻ em đi ngoài
phân sống do loạn khuẩn ruột.
Thận trọng
Không được dùng đồng thời với kháng sinh.
Cách dùng, liều lượng
Hoà thuốc vào trong một ít nước đun sôi để nguội để uống.
- Người lớn uống 2 gói trong ngày.
- Trẻ em uống 1 gói trong ngày.

110
Dạng thuốc: Gói 1g chứa 105 - 107 chủng Bacillus Subtilis sống, dưới dạng bột
đông khô (sản phẩm của Viện vệ sinh dịch tễ Hà Nội, viện Pasteur Nha Trang và Đà
Lạt).
Bảo quản
Để nơi khô ráo, nhiệt độ 40C.

BERBERIN HYDROCLORID

Nguồn gốc, tính chất


Là Alcaloid của cây thổ hoàng liên (Thalictrun Foliolosum DC), họ Mao lương
(Ranunculaceae) và cây vàng đắng (Coscinium Fenestatum Colebr), họ Tiết dê
(Menispermaceae), dùng dưới dạng muối Hydroclorid.
Tinh thể hoặc bột màu vàng, không mùi tan trong nước nóng, Ethanol nóng. Ít
tan trong nước và Ethanol lạnh, rất ít tan trong Cloroform, không tan trong Ether.
Tác dụng
Là kháng sinh thực vật có tác dụng với lỵ trực khuẩn, lỵ Amip tụ cầu và liên
cầu khuẩn, làm tăng tiết mật và tăng nhu động ruột.
Chỉ định
Lỵ trực khuẩn, lỵ Amip, hội chứng lỵ, viêm ruột, tiêu chảy, viêm ống mật và
một số nhiễm khuẩn do tụ cầu và liên cầu khuẩn gây ra.
Chống chỉ định
Phụ nữ có thai.
Tác dụng không mong muốn
Thuốc có tác dụng kích thích co bóp tử cung.
Cách dùng, liều lượng
- Người lớn uống 0.1 - 0.2g/lần, ngày dùng 1 - 2 lần (loại viên 0.1g hoặc viên
0.05g).
- Trẻ em mỗi tuổi uống 0.01g/lần (dạng viên 0.01g).
Dạng thuốc:
- Viên nén: 0.01g; 0.05g; 0.10g.
- Viên phối hợp: Berberin M.B (trong đó có Berberin, ba chẽ, mộc hương).
Người lớn uống 8 viên/lần, ngày dùng 3 lần.
Bảo quản
Để nơi khô ráo, tránh ánh sáng, chống ẩm.

LOPERAMID
Tác dụng
Loperamid là một thuốc trị ỉa chảy được dùng để chữa triệu chứng các trường
hợp ỉa chảy cấp không rõ nguyên nhân và một số tình trạng ỉa chảy mạn tính. Ðây là
một dạng opiat tổng hợp mà ở liều bình thường có rất ít tác dụng trên hệ thần kinh
trung ương. Loperamid làm giảm nhu động ruột, giảm tiết dịch đường tiêu hóa, và tăng
trương lực cơ thắt hậu môn. Thuốc còn có tác dụng kéo dài thời gian vận chuyển qua
ruột, tăng vận chuyển dịch và chất điện giải qua niêm mạc ruột, do đó làm giảm sự mất
nước và điện giải, giảm lượng phân

111
Chỉ định
Ðiều trị hàng đầu trong ỉa chảy cấp là dự phòng hoặc điều trị tình trạng mất
nước và điện giải, điều này đặc biệt quan trọng đối với trẻ nhỏ và người cao tuổi suy
nhược. Loperamid chỉ được chỉ định đứng hàng thứ 2 để điều trị triệu chứng ỉa chảy
cấp không có biến chứng ở người lớn hoặc làm giảm thể tích chất thải sau thủ thuật
mở thông hồi tràng hoặc đại tràng.
Loperamid không có 1 vai trò nào trong điều trị thường quy ỉa chảy cấp ở trẻ
em và không được coi là 1 thuốc để thay thế liệu pháp bù nước và điện giải bằng
đường uống.
Chống chỉ định
Mẫn cảm với loperamid.
Khi cần tránh ức chế nhu động ruột.
Khi có tổn thương gan.
Khi có viêm đại tràng nặng, viêm đại tràng màng giả (có thể gây đại tràng to
nhiễm độc).
Hội chứng lỵ.
Bụng trướng.
Thận trọng
Thận trọng với những người bệnh giảm chức năng gan hoặc viêm loét đại tràng.
Ngừng thuốc nếu không thấy có kết quả trong vòng 48 giờ.
Theo dõi nhu động ruột và lượng phân, nhiệt độ cơ thể. Theo dõi trướng bụng.
Thời kỳ mang thai
Chưa có đủ các nghiên cứu trên phụ nữ có thai. Không nên dùng cho phụ nữ có
thai.
Thời kỳ cho con bú
Vì loperamid tiết ra sữa rất ít, có thể dùng thuốc cho bà mẹ đang cho con bú
nhưng chỉ với liều thấp.
Tác dụng phụ
Thường gặp
Táo bón, đau bụng, buồn nôn, nôn.
Ít gặp
Mệt mỏi, chóng mặt, nhức đầu.
Trướng bụng, khô miệng, nôn.
Hiếm gặp
Tắc ruột do liệt.
Dị ứng.
Chú ý: Các tác dụng phụ trên hệ thần kinh trung ương như ngủ gật, trầm cảm,
hôn mê, thường hay gặp với trẻ em dưới 6 tháng tuổi. Vì vậy loperamid không được
dùng trong điều trị ỉa chảy cho trẻ nhỏ.
Liều lượng và cách dùng
Người lớn
Ỉa chảy cấp: Ban đầu 4 mg, sau đó mỗi lần đi lỏng, uống 2 mg, tối đa 5 ngày.
Liều thông thường: 6 - 8 mg/ngày. Liều tối đa: 16 mg/ngày.
Ỉa chảy mạn: Uống 4 mg, sau đó mỗi lần đi lỏng, uống 2 mg cho tới khi cầm ỉa.
Liều duy trì: Uống 4 - 8 mg/ngày chia thành liều nhỏ (2 lần).
Tối đa: 16 mg/ngày.
Trẻ em
Loperamid không được khuyến cáo dùng cho trẻ em 1 cách thường quy trong ỉa
chảy cấp.

112
Trẻ em dưới 6 tuổi: Không được khuyến cáo dùng.
Trẻ từ 6 - 12 tuổi:
Uống 0,08 - 0,24 mg/kg/ngày chia thành 2 hoặc 3 liều. Hoặc:
Trẻ từ 6 - 8 tuổi: Uống 2 mg, 2 lần mỗi ngày.
Trẻ từ 8 - 12 tuổi: Uống 2 mg, 3 lần mỗi ngày.
Liều duy trì: Uống 1 mg/10 kg thể trọng, chỉ uống sau 1 lần đi ngoài.
Ỉa chảy mạn: Liều lượng chưa được xác định.
Tương tác
Tăng độc tính: Những thuốc ức chế hệ thần kinh trung ương, các phenothiazin,
các thuốc chống trầm cảm loại 3 vòng có thể gây tăng tác dụng không mong muốn của
loperamid.
Bảo quản ở nhiệt độ phòng 15 – 300C.
Quá liều và xử trí
Triệu chứng: Suy hô hấp và hệ thần kinh trung ương, co cứng bụng, táo bón,
kích ứng đường tiêu hóa, buồn nôn và nôn. Tình trạng quá liều thường xảy ra khi liều
dùng hàng ngày khoảng 60 mg loperamid.
Ðiều trị: Rửa dạ dày sau đó cho uống khoảng 100 g than hoạt qua ống xông dạ
dày. Theo dõi các dấu hiệu suy giảm thần kinh trung ương, nếu có thì cho tiêm tĩnh
mạch 2 mg naloxon (0,01 mg/kg cho trẻ em), có thể dùng nhắc lại nếu cần, tổng liều
có thể tới 10 mg.

METRONIDAZOL
Tên khác: Klion, Flagyl, Medazol

Tính chất
Bột kết tinh trắng hoặc trắng xám, vị hơi đắng mặn, tan trong nước và Ethanol.
Tác dụng
Có tác dụng mạnh với lỵ amid ở các thể, trùng roi âm đạo (Trichmonas
Vaginalis) và một số vi khuẩn kỵ khí ở ruột.
Chỉ định
Lỵ Amid cấp và mạn tính (kể cả người mang kén và nhiễm Amid ở gan), viêm
niệu đạo, âm đạo do trùng roi Trichomonas Vaginalis, nhiễm khuẩn kỵ khí.
Chống chỉ định
Phụ nữ có thai, đang cho con bú, người mẫn cảm với thuốc, bệnh ở hệ thần kinh
trung ương đang tiến triển, giảm bạch cầu.
Thận trọng
Dùng liều cao, thuốc có thể gây rối loạn tạng máu và các bệnh thần kinh thể
hoạt động.
Tác dụng không mong muốn
Nhức đầu, buồn nôn, nôn, đau bụng, viêm miệng, kém ăn, mệt mỏi và có thể
gây mẫn cảm với những người không chịu thuốc.
Cách dùng, liều lượng
Uống, tiêm bắp, tiêm tĩnh mạch, dùng ngoài .... tuỳ mục đích điều trị.
- Điều trị lỵ Amip cấp tính: Người lớn uống 0.5g - 1g/lần, 3 lần/ngày, dùng cho
đến khi hết triệu chứng. Tiêm bắp 0.5g/lần, ngày tiêm 1 - 2 lần.
- Điều trị lỵ Amip mạn tính: Người lớn uống 0.5g - 1g/lần, 3 lần/ngày, dùng
cho 5 - 10 ngày.

113
- Điều trị ap xe gan do Amip phải dùng tới liều cao: 2g/ngày chia làm 2 - 3 lần;
uống từ 3 - 5 ngày hoặc tiêm tĩnh mạch 0.5g/lần, ngày tiêm 2 lần; tiêm từ 3 - 5 ngày
cho một đợt điều trị.
- Phụ nữ bị nhiễm Trichomonas Vaginalis: Uống 0.25g/lần, ngày uống 3 lần và
mỗi tối đặt một viên Flagystatin 0.5g hoặc dùng dạng thuốc trứng Flagystatin 0.5g,
mỗi đợt điều trị 7 ngày liền.
Trẻ em:
- Chữa lỵ Amip: Uống với liều trung bình 50mg/kg thể trọng/ngày, chia làm 3 -
4 lần. Mỗi đợt điều trị lỵ Amip là 10 ngày.
- Nhiễm Trichomonas Vaginalis: Uống 20 - 30mg/kg thể trọng/ngày. Mỗi đợt
điều trị là 7 ngày.
Dạng thuốc:
+ Viên nén 0.25g
+ Lọ, ống tiêm 20ml có chứa 0.5g.
+ Thuốc trứng Flagystatin 0.5g
+ Viên đặt âm đạo Flagystatin.
Bảo quản
Để nơi khô ráo, tránh ánh sáng.

TINIDAZOL
Tên khác: Fanda, Triconidazol, Trinigyn

Tác dụng
Chế phẩm thuộc dẫn chất Imidazol, có tác dụng diệt Amip gây lỵ và
Trichomonas.
Chỉ định
Dùng cho các trường hợp nhiễm Amip ruột, Amip gan, nhiễm Trichomonas
Vaginalis đường sinh dục, tiết niệu.
Điều trị các nhiễm khuẩn do vi khuẩn kỵ khí hư: Viêm màng bụng, nhiễm
khuẩn phụ khoa, nhiễm khuẩn huyết, nhiễm khuẩn vết thương sau phẫu thuật, viêm âm
đạo, viêm loét lợi cấp.
Dùng để phòng nhiễm khuẩn sau phẫu thuật do vi khuẩn kỵ khí, đặc biệt những
nhiễm khuẩn có liên quan đến đại tràng, dạ dày, phụ khoa.
Chống chỉ định
Quá mẫn với Tinidazol, phụ nữ có thai, đang cho con bú, bệnh ở hệ thần kinh
trung ương đang tiến triển, rối loạn quá trình tạo máu.

Tác dụng không mong muốn


Gây nhức đầu, chóng mặt, buồn nôn, nôn, đau bụng, viêm miệng, kém ăn, phát
ban, đau khớp.
Cách dùng, liều lượng
Uống trong hoặc sau khi ăn, tiêm truyền tĩnh mạch.
- Điều trị Amip ruột: Người lớn uống với liều 2g/lần/ngày, dùng liền trong 2 - 3
ngày; trẻ em uống liều duy nhất 50mg - 60mg/kg thể trọng/lần/ngày, uống trong 3
ngày liên tiếp.
- Điều trị Amip gan: Người lớn ngày đầu uống 1.5g - 2g/lần/ngày, uống liên
tiếp trong 3 ngày nếu không khỏi phải dùng tiếp tục cho đến 6 ngày, tổng liều thay đổi
từ 4.5 - 12g cho một đợt điều trị.

114
- Điều trị nhiễm khuẩn kỵ khí: Người lớn ngày đầu uống 2g, sau đó uống
1g/lần/ngày hoặc 500mg/lần, 2 lần/ngày. Mỗi đợt điều trị từ 5 - 7 ngày. Nếu người
bệnh không uống được có thể truyền tĩnh mạch 400ml dung dịch 2mg/ml/lần/ngày.
- Điều trị nhiễm Trichomonas sinh dục, tiết niệu: Người lớn uống liều duy nhất
2g/lần (cần điều trị cho vợ hoặc chồng với liều tương tự), trẻ em uống liều duy nhất
50mg - 70mg/kg thể trọng/lần/ngày.
- Phòng nhiễm khuẩn sau phẫu thuật ruột: Người lớn uống với liều 2g trước khi
phẫu thuật 12 giờ.
Dạng thuốc: Viên nén 500mg, dung dịch truyền tĩnh mạch 2mg/ml.

DEHYDROEMETIN
Tên khác: Dametin, Mebadin
Tác dụng
Có tác dụng mạnh trên lỵ Amip cấp tính (thể hoạt động), ít tác dụng với thể
kén, so với Emetin thì thuốc có ưu điểm là thuốc khuếch tán nhanh trong cơ thể, thải
trừ nhanh hơn và độc tính thấp hơn.
Chỉ định
Lỵ Amip cấp tính, giai đoạn cấp của lỵ Amip mạn tính, sán lá gan.
Chống chỉ định
- Tuyệt đối: Phụ nữ có thai, người suy thận.
- Tương đối: Tổn thương nặng ở phủ tạng, bệnh tim nặng, người già yếu.
Thận trọng
Nếu người bệnh đã dùng Emetin thì nên nghỉ dùng ít nhất là 45 ngày mới được
dùng Dehydroemetin.
- Chỉ những bệnh nhân nội trú mới được sử dụng thuốc tiêm hoặc điều trị trong
thời gian dài.

Tác dụng không mong muốn


Thuốc có thể gây chóng mặt, buồn nôn, hạ huyết áp, đau và liệt cơ, viêm dây
thần kinh.
Cách dùng, liều lượng
Uống, tiêm dưới da, tiêm bắp, tiêm tĩnh mạch chậm.
Ngưới lớn dùng với liều 1mg/kg thể trọng/ngày, tối đa 80mg/24 giờ, dùng theo
đợt 5 - 10 ngày.
Dạng thuốc
- Viên bọc: 0.01g
- Ống tiêm 1ml có chứa 0.01g, 0.03g, 0.06g.

115
Bài 3
THUỐC THÔNG MẬT, NHUẬN TRÀNG

MỤC TIÊU
1. Trình bày được phân loại các thuốc lợi mật, thông mật, thuốc nhuận tràng,
tẩy
2. Trình bày được tác dụng, tác dụng không mong muốn, chỉ định, chống chỉ
định, cách dung và bảo quản các thuốc trong bài

I.PHÂN LOẠI
1. Thuốc lợi mật, thông mật:
1.1. Thuốc lợi mật:
- Tác dụng: Kích thích tế bào gan tăng bài tiết mật.
- Chỉ định:
Rối loạn tiêu hoá như: Trướng bụng, đầy hơi, ợ hơi, buồn nôn.
- Chống chỉ định:
+ Không dùng khi có tắc đường mật.
+ Suy gan nặng.
- Các thuốc thường dùng:
+ Nghệ: Uống dưới dạng bột nghệ 0,2 – 0,3g/lần x 2 – 2 lần/ngày.
+ Artiso: Dùng thân hoặc lá tươi sắc uống: 2 – 10g.
1.2. Thuốc thông mật:
- Tác dụng: Thông mật là do gây co thắt túi mật và giãn cơ tròn Oddi.
- Chỉ định: Các rối loạn tiêu hoá như đầy bụng, chậm tiêu, đầy hơi, buồn nôn.
- Chống chỉ định: Sỏi đường mật.
- Các thuốc thường dùng:
+ Sorbitol: Gói bột 5g pha vào nước, uống 1 gói/lần, trước bữa ăn.
Uống 1 – 3 gói/ngày.
+ Magnesi Sulfat: Uống 2 – 5g pha vào nước, uống buổi sáng lúc đói.
2. Thuốc nhuận tràng:
Là những thuốc giúp người bệnh dễ dàng đại tiện, tránh táo bón. Thuốc nhuận
tràng có thể làm tăng nhu động ruột, làm thay đổi thể chất của phân, làm trơn thành
ruột.
2.1. Thuốc nhuận tràng nhày:
- Tác dụng: Là những chất không được tiêu hoá nên làm tăng thể tích phân và
là chất keo giữ nước nên có tác dụng nhuận tràng.
- Các thuốc:
+ Thạch (A gar – a gar). Uống 1 – 10g.
+ Inolaxin. Gói 10g, uống 1 – 2 thìa cà phê/lần vào cuối bữa ăn chính.
Chú ý: Thuốc nhuận tràng nhày cần phải uống với nhiều nước và không nhai khi uống.
2.2. Thuốc nhuận tràng dầu:
- Tác dụng: Làm trơn thành ruột do đó có tác dụng nhuận tràng.
- Các thuốc:
+ Dầu Parafin: Uống 1 – 2 thìa canh.

116
+ Transitol: Chứa Vaselin. Uống 15ml/ngày.
Chú ý: Dùng lâu gây thiếu Vitamin tan trong dầu và làm ướt hậu môn gây khó chịu.
2.3. Thuốc nhuận tràng ngọt: thường dùng cho trẻ em như:
+ Mật ong: Uống 5 – 10g.
+ Lactose: Uống 25 – 30g.
3. Thuốc tẩy:
Là những thuốc làm lỏng phân, tăng khối lượng phân, tăng nhu động ruột nhanh
chóng tống phân ra ngoài. Dùng thuốc tẩy để điều trị ngộ độc các chất theo đường
uống hoặc sau khi dùng thuốc tẩy giun sán. Nhiều thuốc tẩy dùng liều thấp có tác dụng
nhuận tràng.
3.1. Thuốc tẩy muối:
- Tác dụng và cơ chế: Là các muối ít được hấp thu, khi uống làm tăng áp lực
thẩm thấu trong lòng ruột, giữ nước, làm tăng thể tích lòng ruột.
- Thuốc: Magnesi sulfat, Natri Sulfat uống 15 – 30g pha vào 200ml nước, uống
1 lần vào buổi sáng lúc đói.
3.2. Thuốc tẩy dầu: Dầu thầu dầu.
- Tác dụng và cơ chế: kích thích niêm mạc ruột làm tăng tiết dịch và tăng nhu
động ruột.
- Liều dùng: Uống 15 – 30g.
3.3. Một số thuốc tẩy khác:
- Phenolphlatein.
- Lô hội.
- Đại hoàng.
II. MỘT SỐ THUỐC

MAGNESI SULFAT

1. Dạng thuốc và hàm lượng: Gói bột: 5 g, 10 g, 30 g.


2. Tác dụng:
Khi uống có tác dụng gây nhuận tràng do 2 nguyên nhân: do không hấp thu khi
uống nên hút nước vào trong lòng ruột để cân bằng thẩm thấu, ngoài ra thuốc còn có
tác dụng kích thích nhu động ruột. Khi tiêm có tác dụng chống co giật.
3. Chỉ định: Táo bón; tẩy (điều trị ngộ độc); làm thông mật; chống co giật trong sản
khoa
4. Chống chỉ định: Các bệnh cấp ở đường tiêu hoá.
5. Thận trọng: Suy thận, suy gan, người cao tuổi và bị suy nhược
6. Tác dụng không mong muốn: Cơn đau bụng.
7. Liều lượng và cách dùng:
- Nhuận tràng: Người lớn và trẻ em trên 12 tuổi: 10 g; Trẻ em 6 - 11 tuổi: 5 g;
trẻ em 2 - 5 tuổi: 2,5 g; trẻ em dưới 2 tuổi: theo chỉ dẫn của thày thuốc. Pha thuốc
trong cốc nước đầy (ít nhất 240 ml nước hoặc nước chanh, trẻ nhỏ dùng nước ít hơn).
Uống trước bữa ăn sáng (tác dụng trong 2 - 4 giờ).
- Tẩy: 15 - 30 g, uống với nhiều nước.
- Dự phòng cơn co giật tái lại trong sản giật: Tiêm tĩnh mạch, người lớn, ban
đầu 4 g trong 5 - 15 phút, tiếp theo là truyền tĩnh mạch 1 g/giờ trong ít nhất 24 giờ sau
cơn giật cuối cùng hoặc tiêm bắp sâu 5 g vào một mông, sau đó 5 g cách nhau 4

117
giờ/lần vào mông bên kia trong ít nhất 24 giờ sau cơn giật cuối cùng; nếu cơn giật tái
lại có thể cần phải tiêm thêm tĩnh mạch 2 g.
- Dự phòng cơn giật trong tiền sản giật: Truyền tĩnh mạch, người lớn, ban đầu 4
g trong 5 - 15 phút, tiếp theo là truyền tĩnh mạch 1 g/giờ trong 24 giờ hoặc tiêm bắp
sâu 5 g vào một bên mông, sau đó 5 g cách nhau 4 giờ/lần vào mông bên kia trong 24
giờ; nếu cơn giật tái xuất hiện, tiêm thêm 1 liều tĩnh mạch 2 g.
8. Độ ổn định và bảo quản: Bảo quản trong bao bì kín, ở nhiệt độ thường, chống
nóng ẩm.
BISACODYL
Dạng thuốc và hàm lượng
 Viên bao tan trong ruột: 5 mg.
 Viên đạn đặt trực tràng: 5 mg; 10 mg.
 Hỗn dịch: 10 mg/30 ml.
1. Tác dụng
Thuốc có tác dụng làm tăng nhu động ruột, thuốc còn có tác dụng tích lũy ion
và dịch thể ở đại tràng.
2. Chỉ định
Táo bón; làm sạch ruột trước và sau phẫu thuật; chuẩn bị X- quang đại tràng.
1. Chống chỉ định:
Tắc ruột; viêm ruột thừa; chảy máu trực tràng; viêm dạ dày - ruột.
5. Thận trọng: Phải nuốt nguyên cả viên thuốc, không được bẻ hoặc nhai; không dùng
kéo dài quá 1 tuần.
6. Liều dùng, cách dùng:
 Táo bón: Người lớn và trẻ em trên 10 tuổi: uống 5 - 10 mg vào buổi tối, khi
cần thiết có thể tăng lên 15 - 20 mg, hoặc đặt trực tràng viên đạn 10 mg vào buổi sáng;
trẻ em dưới 10 tuổi: uống 5 mg vào buổi tối hoặc đặt trực tràng viên đạn 5 mg vào
buổi sáng; trẻ em dưới 6 tuổi không nên uống vì phải nuốt cả viên, dùng dạng đặt trực
tràng theo chỉ dẫn của thày thuốc.
 Chuẩn bị chụp X - quang đại tràng hoặc phẫu thuật: Người lớn và trẻ em trên
10 tuổi: uống mỗi tối 10 mg lúc đi ngủ, trong 2 ngày liền trước khi chụp chiếu hoặc
phẫu thuật; nếu cần thiết đặt thêm viên đạn 10 mg trước khi tiến hành chiếu chụp 1
giờ. Trẻ em dưới 10 tuổi: mỗi tối uống 5 mg, trong 2 tối liền trước khi chiếu chụp hoặc
phẫu thuật.
5. Tác dụng không mong muốn:
Thường gặp: đau bụng; buồn nôn. ít gặp: kích ứng trực tràng (dạng thuốc đạn
đặt trực tràng). Dùng dài ngày làm đại tràng mất trương lực và giảm kali huyết.
7. Quá liều và xử trí
 Triệu chứng: Đau bụng dưới, kèm theo dấu hiệu mất nước.
 Xử trí: Rửa dạ dày, bù nước, theo dõi kali huyết. Không có thuốc giải độc đặc
hiệu. Có thể dùng thuốc chống co thắt.
8. Độ ổn định và bảo quản:
Bảo quản dưới 25 độ C, tránh ánh sáng, nóng và ẩm.

118
Bài 4
THUỐC CHỐNG GIUN, SÁN
MỤC TIÊU
1. Trình bày được cách phân loại, những nguyên tắc sử dụng thuốc trị giun,
sán.
2. Trình bày được tác dụng,tác dụng không mong muốn, chỉ định, chống chỉ
định, cách dùng bảo quản các thuốc trị giun sán.

NỘI DUNG
I. ĐẠI CƯƠNG
Bệnh giun, sán là bệnh nhiễm ký sinh vật ở đường tiêu hoá hoặc ở các cơ quan
khác. Tỷ lệ người mắc bệnh giun, sán tương đối cao, nhất là ở trẻ em (có vùng chiếm
tới 70 - 80% dân số nhiễm giun đũa).
Giun và sán có thể ký sinh ở nhiều nơi trong cơ thể (ruột, gan, phổi, máu....). Có
nhiều loại giun, sán ký sinh trong cơ thể người (giun đũa, giun kim, giun móc, giun
tóc, sán dây, sán lá...).
Khi giun, sán ký sinh trong cơ thể người, chúng sẽ gây nhiều tác hại đến sức
khoẻ, đặc biệt giun, sán còn có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm như: tắc ruột,
giun chui ống mật, áp xe gan....
Các thuốc điều trị giun, sán thường có phổ tác dụng khác nhau. Vì vậy, trong
điều trị phải tiến hành xét nghiệm để lựa chọn thuốc thích hợp cho từng người bệnh.
1. Phân loại thuốc trị giun sán
Dựa vào hình thể của ký sinh trùng, người ta chia thuốc chống giun, sán thành 2
loại là: thuốc trị giun và thuốc trị sán.
* Thuốc trị giun
- Thuốc tác dụng trên ký sinh ở ruột (giun đũa, giun móc, giun tóc, giun lươn...)
gồm có: Piperazin, Menbendazol, Albendazol....
- Thuốc tác dụng trên giun cư trú ở ngoài ruột (giun chỉ sống ở mạch bạch
huyết) như: Dietylcarbamazin, Suramin, Ivermecitin.
* Thuốc trị sán:
- Thuốc tác dụng trên sán, cư trú ở ruột: Niclosamid, Quinacrin.
- Thuốc tác dụng trên sán, cư trú ở ngoài ruột: Cloroquin, Praziquantel.
2. Nguyên tắc sử dụng thuốc trị giun, sán
- Lựa chọn thuốc thích hợp theo kết quả xét nghiệm cho từng loại giun, sán.
- Phải dùng thuốc đúng cách, đúng liều qui định.
- Ưu tiên loại thuốc có hiệu lực cao, có độc tính thấp, giá thành hợp lý.
II. MỘT SỐ THUỐC TRỊ GIUN, SÁN THÔNG DỤNG

MEBENDAZOL
Tên khác: Noverme, Vermox, Fugacar
Tính chất
Mebendazol là bột màu vàng trắng, không mùi, rất ít tan trong nước.
Hấp thu, thải trừ
Thuốc ít được hấp thu khi uống nên rất ít độc, 90% lượng thuốc được thải trừ
theo phân chia 10% thuốc được thải trừ qua nước tiểu sau 24 - 48 giờ.
Tác dụng và cơ chế tác dụng
* Tác dụng

119
Mebendazol là thuốc trị giun phổ rộng: Tác dụng trên giun kim, giun đũa, giun
móc, giun tóc, giun lươn.... Hiệu quả tác dụng trên giun kim, đạt tới 95%, trên giun
đũa tới 98%, trên giun móc tới 96% và trên giun tóc là 68%.
* Cơ chế tác dụng
Mebendazol làm giảm Glucose trong cơ thể giun dẫn đến thiếu hụt năng lượng
cần cho sự hoạt động của cơ giun. Thuốc không ảnh hưởng đến chuyển hoá Glucid ở
người.
Chỉ định
Tẩy giun đũa, giun kim, giun móc, giun tóc, giun lươn.
Chống chỉ định
Phụ nữ có thai, trẻ em dưới 24 tháng tuổi.
Thận trọng
Kiêng uống rượu trong thời gian dùng thuốc và sau ngày dùng thuốc 24 giờ.
Tác dụng không mong muốn
Có thể gây buồn nôn, nôn, đi lỏng....
Cách dùng, liều lượng
- Tẩy giun kim: Uống 100mg/lần/đợt. Sau một tuần có thể uống đợt hai với liều
lượng như đợt đầu.
- Tẩy nhiều loại giun cùng lúc (giun đũa, giun móc, giun tóc).
+ Uống 100mg/lần; ngày uống 2 lần; mỗi đợt điều trị trong 3 ngày liền (đối với
loại viên 100mg).
+ Uống một liều duy nhất với loại viên 500mg.
- Tẩy giun lươn: Uống liều 200mg/lần, 2 lần/ngày, dùng liên tục trong 3 ngày.
Dạng thuốc: Viên nén 100mg, 500mg, Siro chứa 20mg/ml (đóng lọ 30ml).
Bảo quản
Để nơi khô, tránh ẩm

ALBENDAZOL
Tên khác: Alben, Zoben, Zentell
Tác dụng
Albendazol có tác dụng tốt với giun lươn, giun kim, giun móc, giun đũa, giun
tóc; thuốc còn có tác dụng với sán dây và ấu trùng sán.
Chỉ định
Tẩy giun lươn, giun đũa, giun kim, giun móc, giun tóc.
Chống chỉ định
Người mẫn cảm với thuốc, có tiền sử nhiễm độc tuỷ xương, phụ nữ có thai.
Tác dụng không mong muốn
Có thể gây rối loạn tiêu hoá, nhức đầu, chóng mặt.
Thận trọng
Như đối với Mebendazol.
Cách dùng, liều lượng
- Tẩy giun kim, giun đũa, giun tóc, giun móc: Liều dùng của người lớn và trẻ
em trên 2 tuổi: uống một liều duy nhất 400mg, có thể điều trị sau 3 tuần. Trẻ em dưới
2 tuổi uống một liều duy nhất 200mg, có thể điều trị lại sau 3 tuần.
- Tẩy giun lươn, sán dây: Liều dùng của người lớn và trẻ em trên 2 tuổi uống:
400mg/lần/ngày, dùng liên tục trong 3 ngày, có thể điều trị lại sau 3 tuần. Trẻ em dưới
2 tuổi uống một liều duy nhất 200mg/ngày, dùng liên tục trong 3 ngày, có thể điều trị
sau 3 tuần.

120
- Tẩy ấu trùng sán lợn não: Liều dùng của người lớn 15mg/kg thể trọng, dùng
trong 30 ngày, có thể điều trị lặp lại sau 3 tuần.
Dạng thuốc
+ Viên nén 200mg (vỉ 2 viên).
+ Dịch treo 100mg/5ml (lọ 20ml).
Bảo quản
Để nơi khô, chống ẩm.

PYRANTEL

Tác dụng và cơ chế tác dụng


Có tác dụng tốt với giun kim, giun đũa, giun móc, giun mỏ.
Thuốc làm tê liệt giun (do phong bế thần kinh cơ trên giun), làm cho chúng bị
thải theo phân nhờ nhu động ruột.
Chỉ định
Trị giun đũa, giun kim, giun móc, giun nhỏ.

Chống chỉ định


Người bị suy gan, phụ nữ có thai và đang cho con bú, trẻ em dưới 6 tháng tuổi
(vì chưa xác định được độ an toàn của lứa tuổi này).
Thận trọng
Pyrantel pamoat gây tác dụng đối lập với Piperazin khi phối hợp.
Tác dụng phụ
Có thể gây buồn nôn, chán ăn, tiêu chảy, đau bụng, nhức đầu, chóng mặt, hoa
mắt, sốt, phát ban.
Cách dùng và liều lượng
Thuốc có thể dùng bất cứ lúc nào, không cần nhịn ăn và không cần uống thuốc
tẩy, tốt nhất là dùng thuốc giữa các bữa ăn.
- Trị giun kim, giun đũa: Dùng liều thông thường 10mg cho 1kg thể trọng.
Uống 1 liều duy nhất, với giun kim liều dùng thứ hai sau 2 tuần.
- Trị giun móc: Uống mỗi ngày một liều như trên, dùng trong 3 ngày liên tiếp
hoặc dùng 20mg cho 1kg thể trọng/ngày, dùng trong 2 ngày liên tiếp.
Dạng thuốc: Viên 125mg, 250mg; hỗn dịch uống chứa 50mg/ml.
Bảo quản
Để nơi khô mát, tránh ẩm, tránh nhiệt độ cao và ánh sáng.

DIETHYL CARBAMAZIN
Tên khác: Notezine, Bamocide
Tính chất
Diethyl carbamazin (DEC) là bột kết tinh trắng, vị chua sau chuyển sang đắng,
dễ hút ẩm, tan trong nước và etha nol.
Tác dụng
DEC là thuốc đặc hiệu với giun chỉ ở mạch bạch huyết. DEC chỉ có tác dụng tốt
với ấu trùng giun chỉ, không có tác dụng trên giun đã trưởng thành.
DEC dễ hấp thu khi uống, thải trừ chủ yếu qua thận, tốc độ thải trừ phụ thuộc
vào pH nước tiểu, nếu pH nước tiểu acid thì 60% - 80% DEC được thải trừ qua nước
tiểu.
Chỉ định
Điều trị bệnh giun chỉ.

121
Tác dụng không mong muốn
Thuốc gây ra các hiện tượng như buồn nôn, chóng mặt, sốt phát ban... Có thể
phòng ngừa bằng cách dùng liều tăng dần và uống kèm với thuốc kháng Histamin hoặc
Prednisolon.
Cách dùng, liều lượng
Uống vào sau bữa ăn: 60mg/1kg thể trọng/24 giờ. Mỗi đợt điều trị dùng từ 3 - 5
ngày liên tiếp, sau đó nghỉ 4 tuần lại dùng đợt khác.
Dạng thuốc: Viên 100mg; 50mg.
Bảo quản
Để nơi khô ráo, chống ẩm.

NICLOSAMID
Tên khác: Yomesan, Radeverm
Tính chất
Niclosamid là bột kết tinh trắng hoặc màu vàng nhạt, không mùi, gần như
không vị, không tan trong nước, khó hấp thu qua đường tiêu hoá.
Tác dụng
Thuốc ngăn cản hấp thu Glucose ở sán, làm tiêu huỷ đốt sán và đầu sán. Thuốc
ít độc và tẩy được nhiều loại sán dây ở ruột, không có tác dụng trên kén sán ở ngoài
ruột.
Tác dụng phụ
Có thể gây buồn nôn, đau dạ dày, đau bụng
Chỉ định
Bệnh sán dây (sán bò, sán lợn...), sán hạt dưa.
Thận trọng
- Sau khi uống liều cuối cùng khoảng 2 giờ mới được ăn uống bình thường.
- Không uống rượu, bia trong thời gian dùng thuốc.
- Nếu đầu sán chưa ra, cần dùng thêm một liều thuốc tẩy mới.
Cách dùng, liều lượng
Ngày hôm trước do người bệnh ăn nhẹ và lỏng, sáng hôm sau khi thức dậy
không được ăn và uống thuốc theo cách sau: nhai kỹ viên thuốc trước khi nuốt hoặc
nghiền nhỏ viên thuốc hoà vào nước rồi uống.
- Người lớn và trẻ em từ 8 tuổi trở lên uống 2g chia làm 2 lần cách nhau một
giờ.
- Trẻ em từ 2 đến 7 tuổi uống 1g chia làm 2 lần và cách uống như trên.
- Trẻ em dưới 24 tháng tuổi uống 500mg chia làm 2 lần và cách uống như trên.
Dạng thuốc: Viên nén 500mg.
Bảo quản
Để nơi khô ráo tránh ẩm.

PRAZIQUANTEL

Tác dụng
Là thuốc tẩy sán phổ thông. Thuốc có tác dụng trên sán lá gan, sán máng, sán
phổi Pragonimus, các loại sán dây và giai đoạn ấu trùng gây bệnh cho người do làm co
cứng, tê liệt cơ của sán nhanh chóng.
Khi tiếp xúc với Praziquantel da vùng cổ sán trưởng thành xuất hiện các mụn
nước sau đó chúng bị vỡ và phân huỷ. Hiện tượng trên có thể xảy ra ở cả trên da của
sán máng.

122
Chỉ định
Dùng để tẩy sán lá gan, sán máng, sán phổi Pragonimus, các loại sán dây và ấu
trùng sán ở não.
Chống chỉ định
Mẫn cảm với thuốc, bệnh ấu trùng sán ở mắt.
Cách dùng, liều lượng
- Sán máng: Liều thường dùng cho người lớn và trẻ em trên 4 tuổi là 60mg/kg
thể trọng, chia làm 3 lần với khoảng cách 4 - 6 giờ trong cùng ngày.
- Sán lá nhỏ: Liều thường dùng cho người lớn và trẻ em trên 4 tuổi là 75mg/kg
thể trọng/ngày, chia làm 3 lần, có thể dùng 40 - 50mg/kg thể trọng/lần/ngày.
- Sán lá khác: Liều thường dùng cho người lớn và trẻ em là 75mg/kg thể
trọng/ngày, chia làm 3 lần.
Dạng thuốc: Viên nén 600mg.
Bảo quản
Để nơi khô, chống ẩm.

LƯỢNG GIÁ
Trả lời ngắn các câu sau bằng cách điền từ, cụm từ thích hợp vào chỗ trống (.....)
1. Dehydroemetin có tác dụng mạnh trên lỵ Amip thể .................(A), ít tác dụng với
thể ....................(B).
2. Berberin Hydroclorid là kháng sinh .................(A), có tác dụng với
lỵ.........................(B) và lỵ ..........................(C).
3. Berberin có tác dụng làm tăng tiết ......................(A) và tăng ..........................(B).
4. Biosubtyl được chế tạo từ chủng vi khuẩn ........................(A) sống, không gây bệnh
cho ..............................(B).
5. Dehydroemetin có tác dụng mạnh với ............(A), ít tác dụng với thể .............(B).
6. Hai thuốc có tác dụng trên sán ký sinh ở ruột là:
A...............................................
B...............................................
7. Maalox có tác dụng (A)………………..Acid dạ dày, nâng độc pH dạ dày, giúp cho
sự (B)……………………của niêm mạc.
8. Cimetidin là thuốc (A)…………………………Histamin H2 do đó làm giảm bài tiết
(B)……………………………
9. Không dùng Cimetidin cho người:
A………………………………….
B…………………………………..
C. Suy thận
10. Không dùng Omeprazol cho:
A………………………………….
B…………………………………..
11. Than thảo mộc còn gọi là (A)…………………………có tác dụng
(B)……………các chất độc ở ống tiêu hoá.
12. Thuốc lợi mật là thuốc (A)………………………tế bào gan làm tăng (B)……….
13. Không dùng thuốc lơi mật khi:
A………………………………….
B…………………………………..

123
14. Thuốc thông mật gây (A)………………………túi mật và (B)…………..cơ tròn
Oddi.
15. Thuốc nhuận tràng là những thuốc giúp người bệnh (A)…………….đại tiện, tránh
(B)………………………………..
16. Thuốc nhuận tràng có thể làm (A)…………………nhu động ruột, làm thay đổi thể
chất của phân làm (B)…………………..thành ruột.
17. Thuốc tẩy là những thuốc làm lỏng phân, tăng (A)…………………..phân, tăng
nhu động ruột và nhanh chóng (B)……………….thành ruột.
18. Magnesi Sulfat là muối (A)………………….hấp thu qua ống tiêu hoá, nên khi
uống sẽ làm (B)………………………….áp lực thẩm thấu trong lòng ruột.
19. Dầu thầu dầu có tác dụng kích thích niêm mạc ruột làm (A)……………tiết dịch và
(B)……………….nhu động ruột.
20. Dehydro Emetin có tác dụng với:
A………………………………….
B…………………………………..
21. Dehydro Emetin được dùng để điều trị:
A………………………………….
B…………………………………..
22. Không dùng Dehydro Emetin cho bệnh nhân:
A………………………………….
B…………………………………..
23. Piperazin có tác dụng với:
A……………………………..
B………………………………
24. Piperazin có tác dụng tẩy giun do (A)…………………………..làm cho giun
không có khả năng (B)………………………………….và bị tống ra ngoài theo phân.
25. Chống chỉ định của Piperazin là:
A………………………………
B……………………………….
C. Động kinh.
26. Khi tẩy giun kim, ngoài dùng thuốc ra cần phải rửa hậu môn bằng
(A)………………. có (B)…………………………………….nhiều lần trong ngày.
27. Đối với tiêu hoá, Pyrantel Pamoat có tác dụng không mong muốn là:
A. Nôn
B. …………………………….
C………………………………
28. Không dùng Pyrantel Pamoat cho:
A……………………………..
B………………………………
29. Menbendazol có tác dụng với:
A. ……………………………
B………………………………
C. Giun móc
D. Giun tóc
30. Không dùng Albendazol cho:
124
A……………………………..
B………………………………
31. Niclosamid có tác dụng diệt (A)………………..do (B)…………………….đốt sán
và đầu sán.
32. Tác dụng không mong muốn của Niclosamid là:
A. Buồn nôn
B……………………………..
C………………………………

Phân biệt đúng/sai các câu sau bằng cách đánh dấu vào chữ A (cho câu đúng) và
chữ B (cho câu sai).
1. Trong viên Flagystatin có Metronidazol và Nistatin A-B
2 Metronidazol có tác dụng mạnh trên lỵ Amip ở các thể A-B
3.Oresol cung cấp Acid amin và năng lượng cho cơ thể A-B
4. Biosubtyl chữa rối loạn tiêu hoá, viêm đại tràng A-B
5. Không được dùng Berberin Hydroclorid cho phụ nữ có thai A-B
6.Piperazin có tác dụng trên giun móc, giun lươn A-B
7 Mebendazol được dùng để tẩy giun kim A-B
8. Niclosamid có tác dụng diệt ấu trùng giun chỉ A-B
9. Dùng Albendazol để tẩy giun lươn A-B
10. Không dùng Piperazin cho người suy thận, viêm gan kéo dài, tiền sử thần kinh
hoặc động kinh A-B
11. Piperazin citrat có tác dụng trên giunkim, giun móc A-B
12. Không phải nhịn ăn trong thời gian uống Niclosamid A-B
13. Uống Notezin vào sau bữa ăn với liều 10mg/kg thể trọng/ngày A-B
14. Không được uống rượu trong thời gian uống Niclosamid A-B
15. Chỉ định Nhôm Hydroxyd khi viêm dạ dày, ruột A-B
16. Cách dùng của Nhôm Hydroxyd là uống trướcc khi đi ngủ A-B
17. ở liều cao Atropin Sulfat có thể gây ảo giác, hôn mê và co giật A-B
18. Chỉ định của Atropin Sulfat là đau bụng do mọi nguyên nhân A-B
Chọn giải pháp đúng nhất cho các câu sau bằng cách đánh dấu vào đầu giải pháp
mà bạn lựa chọn
1. Cách dùng bột Oresol:
A. Hoà 1/2 gói thuốc vào 1/2 lít nước.
B. Hoà tan 1/5 gói thuốc vào 200ml nước sôi.
C. Hoà tan cả gói thuốc trong 1/2 lít nước sôi để nguội.
D. Khi nào uống thì pha vào nước sôi, uống thay nước.
E. Hoà tan cả gói thuốc vào 1 lít nước sôi để nguội uống trong ngày.
2. Cách dùng Dehydroemetin
A. Uống
B. Tiêm dưới da
C. Tiêm bắp
D. Cả ba cách trên
E. Tiêm tĩnh mạch, tiêm bắp, tiêm dưới da.

125
3. Cách dùng Metronidazol:
A. Uống, truyền nhỏ giọt tĩnh mạch
B. Tiêm bắp
C. Tiêm tĩnh mạch
D. Cả ba cách trên
E. Tất cả đều sai.
4. Thuốc dùng để điều trị giun chỉ:
A. Yomesan B. Bamocid
C. Vermox D. Panatel - 125
5. Các thuốc giun có liều dùng như nhau cho người lớn và trẻ em trên 24 tháng tuổi,
đó là:
A. Piperazin và Mebendazol.
B. Vermor và Albendazol.
C. Zoben và Athen.
D. Pyrantel panmoat và Notezin.
E. Bamocid và piperazin.
6. Thuốc mà khi dùng phải nhai kỹ trước khi nuốt, đó là:
A. Yomesan
B. Notezin
C. Pyrantel pamoat
D. Zentell
E. Noverme
G. Pyrantel pamoat
7. Thuốc trị giun lươn phải dùng liên tục trong 3 ngày mỗi ngày 400mg là:
A. Albendazol
B. Mebendazol
C. Notezin
D. Piperazin
E. Pyrantel pamoat
8. Trạng thái, màu sắc của các thuốc chữa bệnh dạ dày:
A. Natri Hydrocarbonat là bột kết tinh không màu
B. Nhôm Hydroxyd là tinh thể không màu
C. Cimetidin là bột kết tinh màu vàng
D. Atropin Sulfat là tinh thể không màu hay bột kết tinh trắng
9. Cách dùng Atropin Sulfat:
A. Uống, nhỏ mắt B. Tiêm dưới da
C. Các cách trên D. Tiêm tĩnh mạch
E. Tiêm truyền tĩnh mạch
10. Chỉ định của Atropin Sulfat để giải độc:
A. Strychnin Sulfat B. Anilin
C. Các kim loại nặng D. Các hợp chất Phospho hữu cơ
E. Niketamid
11. Tác dụng của Cimetidin là:
A.Trung hòa Acid dịch vị ở dạ dày
B. Chống co thắt dạ dày
126
C. Chống tiết Acid dịch vị
D. Diệt vi khuẩn gây bệnh ở dạ dày
E. Tất cả các câu trên đều sai
12. Maalox là thuốc:
A. Điều trị viêm loét dạ dày, tá tràng.
B. Điều trị tiêu chảy.
C. Lợi mật.
D. Nhuận tràng.
13. Uống Maalox vào lúc:
A. Trước bữa ăn 10 phút.
B. Trong bữa ăn.
C. Sau ăn 5 – 10 phút.
D. Sau ăn 30 phút.
14. Omeprazol có tác dụng:
A. Bù nước và điện giải.
B. Ức chế bài tiết HCl trong dạ dày.
C. Diệt khuẩn ống tiêu hoá.
D. Lợi mật.
15. Đường dùng của Cimetidin là:
A. Uống
B. Tiêm bắp
C. Tiêm tĩnh mạch
D. Cả 3 đường trên
16. Gói Oresol đã pha chỉ dùng trong:
A. 6 giờ
B. 20 giờ
C. 18 giờ
D. 24 giờ
Trả lời các câu hỏi sau
1. Trình bày cách phân loại thuốc chữa bệnh tiêu chảy, bệnh lỵ?
2. Trình bày tính chất, tác dụng, chỉ định, chống chỉ định, cách dùng, bảo quản các
thuốc chữa tiêu chảy và chữa lỵ đã học?
3. Trình bày cách phân loại và những nguyên tắc sử dụng thuốc chống giun sán?
4. Trình bày tính chất, tác dụng, chỉ định, chống chỉ định, cách dùng và bảo quản các
thuốc chống giun sán đã học?
5. Trình bày các cách phân loại thuốc chữa đau dạ dày - tá tràng?
6. Trình bày tác dụng chính, phụ, chỉ định, chống chỉ định, cách dùng và bảo quản các
thuốc chữa đau dạ dày, hành tá tràng đã học?

127
Chương 6
HORMON VÀ THUỐC KHÁNG HORMON

MỤC TIÊU
1. Trình bày được tác dụng, cơ chế tác dụng, chỉ định, tác dụng không mong
muốn, chống chỉ định, các chế phẩm của glucocorticoid.
2. Trình bày được tác dụng, cơ chế tác dụng, chỉ định, tác dụng không mong
muốn, chống chỉ định của insulin.
3. Trình bày được tác dụng, cơ chế tác dụng của các thuốc chống đái tháo
đường đường uống được đề cập đến trong bài.
4. Trình bày được tác dụng và chỉ định của các chế phẩm hormon tuyến giáp và
thuốc kháng giáp tổng hợp được đề cập đến trong bài.
5. Trình bày được tác dụng, cơ chế tác dụng, tác dụng không mong muốn của
các thuốc tránh thai được đề cập đến trong bài. So sánh giữa các thuốc tránh thai đơn
thuần và phối hợp.

I. ĐẠI CƯƠNG
1. Khái niệm
Hormon (còn gọi là nội tiết tố) là những sản phẩm hóa học được tiết ra từ tuyến
nội tiết. Ngày nay nhờ khoa học phát triển người ta nhận thấy ngoài tuyến nội tiết còn
nhiều tổ chức tế bào khác, thậm chí cả tế bào thần kinh cũng tiết ra nội tiết tố. Chính vì
thế định nghĩa cổ điển về hormon không còn phù hợp.
Hiện nay người ta định nghĩa hormon là những chất truyền tin hóa học được các
tế bào đặc biệt sản xuất ra với một lượng rất nhỏ. Hormon được bài tiết vào máu và
được vận chuyển tới các tế bào đáp ứng để điều hòa chuyển hóa và hoạt động của các
tế bào.
Khác với hormon, các chất dẫn truyền thần kinh được tế bào thần kinh bài tiết
vào khe synap và tác dụng lên các receptor tại các tế bào thần kinh hoặc tế bào nhận
liền kề. Tuy nhiên, hormon và chất dẫn truyền thần kinh rất giống nhau về cơ chế và
có mối quan hệ mật thiết với nhau nên hệ thần kinh và hệ nội tiết thường được gọi
chung là hệ thống thần kinh - nội tiết.
Trong phạm vi chương này, chúng tôi đề cập tới các hormon là sản phẩm của
tuyến nội tiết và các thuốc điều chỉnh rối loạn nội tiết.
2. Đặc điểm chung
- Mỗi hormon đều có tác dụng đặc hiệu trên một loại tế bào đích của cơ quan
hoặc tổ chức nhất định của cơ thể.
- Hormon tác dụng và chịu tác dụng theo cơ chế điều hòa xuôi và điều hòa ngược
(feedback) qua trục vùng dưới đồi - tuyến yên - tuyến đích. Vì vậy một tuyến nào đó bị
rối loạn sẽ ảnh hưởng tới sự bài tiết của hormon tuyến khác và sẽ gây rối loạn tuyến
khác. Xem sơ đồ 5.1.
- Hormon bài tiết theo nhịp sinh học. Tuỳ loại hormon mà sự bài tiết có thể theo
chu kỳ ngày đêm (glucocorticoid), theo tháng (hormon sinh dục nữ), theo mùa
(hormon tuyến giáp).

128
- Hoạt tính của hormon được tính bằng đơn vị sinh học (ví dụ: đơn vị ếch, đơn vị
thỏ, đơn vị mèo…), đơn vị quốc tế (IU) hoặc bằng đơn vị khối lượng (mg, g…).

(+) Vùng dưới đồi (-)


(Yếu tố giải phóng hoặc ức chế)

(+) Tuyến yên (-)


(Hormon tuyến yên)

Tuyến đích
(Hormon tuyến đích)

Tổ chức ngoại vi

Sơ đồ điều hòa bài tiết hormon (+) kích thích, (-)ức chế
3. Áp dụng chung
Hormon thường được dùng trong các trường hợp sau:
- Dùng thay thế hoặc bổ sung khi cơ thể thiếu hormon: ví dụ dùng hormon sinh
dục nữ cho phụ nữ cắt buồng trứng hoặc dùng các corticoid cho người thiểu năng
tuyến vỏ thượng thận…
- Dùng đối kháng khi thừa hormon. Ví dụ: bệnh nhân bị ung thư tuyến tiền liệt
phụ thuộc hormon, có thể dùng estrogen để đối kháng.
- Dùng chẩn đoán bệnh của tuyến nội tiết. Ví dụ: dùng dexamethason chẩn đoán
hội chứng Cushing.
- Ngoài ra còn có các áp dụng khác tuỳ thuộc vào từng hormon cụ thể. Ví dụ:
hormon glucococrticoid dùng làm thuốc chống viêm, chống dị ứng và ức chế miễn
dịch, hormon androgen dùng làm thuốc tăng đồng hóa protid…
4. Phân loại
. Dựa vào cơ quan bài tiết có các nhóm sau:
Hormon vùng dưới đồi
Hormon tuyến yên
Hormon vỏ thượng thận
Hormon tuyến tụy
Hormon tuyến giáp
Hormon tuyến cận giáp
Hormon sinh dục
. Dựa vào cấu trúc hóa học: Chia 2 nhóm
- Hormon có cấu trúc protein và acid amin: hormon vùng dưới đồi, tuyến yên,
tuyến tụy, tuyến giáp và tuyến cận giáp.
- Hormon tuyến tuỷ thượng thận (adrenalin) cấu trúc acid amin nhưng không
trình bày ở chương này. Nhóm thuốc này được trình bày kỹ ở phần thuốc tác dụng trên
hệ thần kinh thực vật.

129
- Hormon có cấu trúc steroid: hormon vỏ thượng thận, hormon sinh dục.
5. Cơ chế tác dụng của hormon
Cơ chế tác dụng của hormon chính là quá trình truyền thông tin từ ngoài vào
trong tế bào đích. Tế bào đích mang thụ thể đặc hiệu cho mỗi hormon. Khi hormon
được gắn với thụ thể thì phức hợp hormon - thụ thể, sẽ tạo ra một loạt các phản ứng
nhằm truyền thông tin trên bề mặt vào trong tế bào đích. Tuỳ vào bản chất hóa học của
mỗi hormon mà vị trí gắn của hormon với receptor có thể xảy ra trên màng, trong bào
tương hay trong nhân tế bào.
II. HORMON TUYẾN YÊN
1. Hormon kích thích vỏ thượng thận
ACTH (Adrenocorticotropic hormon)
ACTH kích thích vỏ thượng thận bài tiết ra corticosteroid chủ yếu là
glucocorticoid. Chính vì vậy tác dụng của glucocorticoid và ACTH tương tự như nhau.
Điểm khác nhau là ACTH không ảnh hưởng tới chức năng thượng thận như khi dùng
glucocorticoid.
Chế phẩm làm thuốc của ACTH được chiết từ thuỳ sau tuyến yên của động vật.
Thuốc dễ bị phân huỷ ở đường tiêu hóa nên chỉ dùng tiêm bắp và tĩnh mạch. Thời gian
duy trì tác dụng 6 giờ. Để tăng thời gian tác dụng người ta phối hợp với kẽm phosphat
(tác dụng kéo dài được 24 giờ).
Chỉ định
Điều trị viêm khớp, viêm đa khớp không do nhiễm khuẩn
Hen phế quản, tổn thương da, bệnh bạch cầu cấp, dị ứng
Phòng suy thượng thận sau khi dùng glucocorticoid lâu dài
Tác dụng không mong muốn
Phù, tăng huyết áp, tăng dị hóa, chậm lớn, mất ngủ…
Chống chỉ định
Tăng huyết áp nặng, đái đường, loét dạ dày, viêm nội tâm mạc cấp, thiểu năng
tim nặng.
Chế phẩm và liều dùng
- Chế phẩm: có 2 dạng
ACTH thường: 20 UI/mL, 40UI/mL và 80 UI/mL.
ACTH chậm (phối hợp với kẽm phosphat) ống 1mg
1mg ACTH = 1UI
- Liều thường dùng: 40mg/24h chia 4 lần, tiêm bắp hoặc 5-10mg/24h truyền tĩnh
mạch.
2. Oxytocin
Đặc điểm
Trong cơ thể oxytocin được tổng hợp ở vùng dưới đồi, tích trữ ở thuỳ sau tuyến
yên, từ đó phóng thích vào tuần hoàn khi có kích thích.
Hiện nay người ta đã tổng hợp được oxytocin để làm thuốc
Oxytocin bị phá huỷ bởi enzym tiêu hóa nên không dùng được đường uống, mà
chỉ dùng đường tiêm. Trong cơ thể oxytocin cũng dễ bị phá huỷ bởi enzym peptidase
nên thời gian tác dụng ngắn. Thuốc thải trừ qua nước tiểu.
Tác dụng
Oxytocin có tác dụng kích thích, gây tăng co bóp tử cung, tăng trương lực cơ.
Liều điều trị gây tăng co bóp nhịp nhàng còn liều cao gây co cứng. Tử cung ở giai
đoạn cuối thời kỳ mang thai (nhất là những ngày cuối của thời kỳ mang thai và vài
ngày sau khi sinh) rất nhạy cảm với oxytocin.

130
Ngoài ra, oxytocin còn có tác dụng co các tế bào biểu mô cơ (là những tế bào
nằm thành hàng rào quanh tưyến sữa). Khi các tế bào này co sẽ ép vào nang tuyến và
đẩy sữa ra ống tuyến giúp bài xuất sữa trên tuyến sữa đang bài tiết.
Chỉ định
Làm thuốc kích thích đẻ và gây đẻ non
Co hồi và cầm máu tử cung sau đẻ
Kích thích tiết sữa sau đẻ
Chế phẩm và liều dùng
Ống tiêm 1mL chứa 2,5 và 10UI
Liều khởi đầu thường dùng 5UI tiêm tĩnh mạch hoặc pha trong dịch truyền để
truyền tĩnh mạch sau đó tuỳ tình trạng cụ thể và có thể dùng thêm 5-20UI.
3. Hormon chống bài niệu
Hormon này có 2 tác dụng:
- Chống bài niệu (Anti Diuretic hormon), gọi tắt là ADH
- Co mạch (Vasopressin)
Do đó có 2 tên: ADH và vasopressin. Tên thường gọi là ADH
ADH được thuỳ sau tuyến yên bài tiết ra. Trong cơ thể cũng bị phá huỷ bởi
peptidase nên thời gian tác dụng ngắn (30 phút - 2 giờ).
Tác dụng
Điều hòa tái hấp thu nước ở ống lượn xa và co cơ trơn mạch máu, trong đó tác
dụng trên chuyển hóa nước là tác dụng chính. Cơ chế tác dụng chủ yếu là do giải
phóng enzym hyaluzonidase làm tăng tái hấp thu nước và chống bài niệu.
Tác dụng trên cơ trơn chỉ thể hiện rõ khi dùng liều rất cao (hàng trăm lần so với
liều chống bài niệu): gây co cơ trơn mao mạch và động mạch, cơ trơn dạ dày, ruột và
tử cung. Tử cung không có thai hoặc có thai ở giai đoạn đầu nhạy cảm với vasopressin
hơn oxytocin. Những tháng cuối thì ngược lại.
Chỉ định
Điều trị bệnh đái tháo nhạt
Chế phẩm và liều dùng
Ống tiêm 4g/mL hoặc 20UI/mL. Dung dịch nhỏ mũi (vì thuốc hấp thu qua niêm
mạc mũi gây tác dụng toàn thân) 0,1g/mL hoặc 20UI/mL, 50UI/mL, lọ 2,5; 5 và
12mL (1UI tương đương 2-3g).
Tiêm bắp 2-5 IU (ống tiêm 1mL chứa 5IU).
III. HORMON VỎ THƯỢNG THẬN
Hormon vỏ thượng thận gồm 3 loại:
Mineralocorticoid do lớp cầu (lớp ngoài cùng) tiết ra
Glucocorticoid do lớp bó (lớp giữa) tiết ra
Androgen do lớp dưới (lớp trong) tiết ra
1. Glucocorticoid
Nguồn gốc
Glucocorticoid tự nhiên do vùng bó vỏ thượng thận sản xuất ra gồm có 2 chất là
hydrocortison (cortisol) và cortison.
Glucocorticoid tổng hợp gồm rất nhiều chất khác nhau
Dược động học
Các glucocorticoid tự nhiên và dẫn xuất của nó được dùng qua nhiều đường:
uống, tiêm bắp, tiêm dưới da, tĩnh mạch, phun mù và bôi trên da. Nhìn chung các
glucocorticoid hấp thu tốt qua đường tiêu hóa. Phân bố vào tất cả các mô trong cơ thể,
qua được nhau thai và sữa mẹ một lượng nhỏ. Thuốc liên kết với protein huyết tương
trên 90%, chủ yếu là globulin. Chuyển hóa ở gan và thải trừ chủ yếu qua thận.

131
Tác dụng
Ở nồng độ sinh lý các chất này cần cho cân bằng nội môi tăng sức chống đỡ của
cơ thể với stress và duy trì các chức năng khác của cơ thể.
. Trên chuyển hóa
Glucocorticoid có tác dụng trên chuyển hóa glucid, protid, lipid và chuyển hóa
muối nước.
- Chuyển hóa glucid: glucocorticoid làm tăng tạo glycogen ở gan, kích thích
enzym gan tăng tạo glucose từ protein và acid amin. Ngoài ra, nó còn làm tăng tổng
hợp glucagon, giảm tổng hợp insulin và đối kháng với tác dụng của insulin vì vậy làm
tăng đường huyết. Khi dùng lâu dài có thể gây tháo đường và làm nặng thêm bệnh đái
tháo đường.
- Chuyển hóa protid: glucocorticoid ức chế tổng hợp protid, thúc đẩy quá trình dị
hóa protid để chuyển hóa acid amin từ cơ xương vào gan nhằm tân tạo glucose. Do đó
khi dùng glucocorticoid lâu ngày sẽ gây teo cơ, xốp xương, tổ chức liên kết kém bền
vững.
- Chuyển hóa lipid: làm thay đổi sự phân bố lipid trong cơ thể: tăng tổng hợp mỡ
ở thận, giảm tổng hợp mỡ ở chi. Khi dùng corticoid lâu dài, mỡ sẽ tập trung nhiều ở
mặt, nửa thân trên gây hội chứng mặt trăng tròn hay gù trâu - "Cushing syndrom".
Glucocorticoid cũng kích thích dị hóa lipid trong các mô mỡ và làm tăng tác
dụng của các chất gây tiêu mỡ khác (chủ yếu ở phần chi). Hậu quả là làm tăng acid
béo tự do trong huyết tương và tăng tạo các chất cetonic trong cơ thể.
- Chuyển hóa muối nước:
Glucocorticoid tăng thải kali qua nước tiểu gây giảm K+ máu.
Tăng thải calci qua thận, giảm tái hấp thu calci ở ruột (đối kháng với tác dụng
của Vitamin D) làm nồng độ Ca++ máu giảm. Khi nồng độ Ca++ máu giảm, cơ thể sẽ
điều hòa nồng độ Ca++ máu bằng cách gây cường tuyến cận giáp, kích thích các huỷ
cốt bào, làm tiêu xương để rút ra Ca++ ra. Hậu quả là làm xương thưa, xốp, dễ gẫy, còi
xương, chậm lớn.
Tăng tái hấp thu Natri và nước do đó gây phù và tăng huyết áp.
.Tác dụng trên các cơ quan và tuyến
- Trên thần kinh trung ương: thuốc gây kích thích như bồn chồn, mất ngủ, ảo giác
hoặc có rối loạn về tâm thần khác.
- Tiêu hóa: tăng tiết dịch vị (acid và pepsin), giảm sản xuất chất nhày (chất bảo
vệ) do đó dễ gây loét dạ dày, tá tràng.
- Trên máu: làm giảm bạch cầu ưa acid, giảm số lượng tế bào lympho, tế bào
mono và tế bào ưa base. Nhưng tăng tạo hồng cầu, tiểu cầu, bạch cầu trung tính và
tăng quá trình đông máu.
- Tổ chức hạt: ức chế tái tạo tổ chức hạt và nguyên bào sợi làm chậm lên sẹo và
chậm lành vết thương.
. Tác dụng chống viêm, chống dị ứng và ức chế miễn dịch
- Tác dụng chống viêm
Glucocorticoid ức chế phospholipase A2 thông qua kích thích tổng hợp
lipocortin, làm giảm tổng hợp cả leucotrien và prostaglandin.
Ngoài ra nó còn có tác dụng ức chế dòng bạch cầu đơn nhân, đa nhân, lympho
bào đi vào mô để gây khởi phát phản ứng viêm.
Vì vậy thuốc có tác dụng chống viêm do mọi nguyên nhân (cơ học, hóa học,
miễn dịch và nhiễm khuẩn).
- Tác dụng chống dị ứng

132
Khi dị nguyên xâm nhập vào cơ thể, nó sẽ kết hợp đặc hiệu với kháng thể igE.
Phức hợp này sẽ gắn vào bề mặt của dưỡng bào (tế bào mast) và bạch cầu làm hoạt
hóa phospholipase C. Phospholipase C xúc tác cho quá trình chuyển phosphatidyl
inositoldiphosphat thành diacylglycerol và inositol triphosphat làm thay đổi tính thấm
của dưỡng bào và làm vỡ bạch cầu, giải phóng ra các chất trung gian của phản ứng dị
ứng như histamin, serotonin, bradykinin… (sơ đồ 5.3)
Glucocorticoid ức chế phospholipase C do đó làm giảm giải phóng histamin và
các chất trung gian hóa học gây dị ứng. Vì vậy thuốc có tác dụng chống dị ứng
Phospholipid màng
(-) (+)
Phospholipase A2 Lipocortin Glucocorticoid

Acid arachidonic
(-)
Lipooxygenase Cyclooxygenase Chống viêm không steroid

Leucotrien Sơ đồ 10.2.
Prostaglandin
Cơ chế chống viêm của glucocorticoid
Phosphadyl inositol diphosphat

(-)
Phosphalipase C Glucocorticoid

Diacylglycero Inositol triphosphat

Giải phóng histamin, serotonin

Sơ đồ tác dụng chống dị ứng của corticoid


- Ức chế miễn dịch
Glucocorticoid ức chế miễn dịch do làm giảm số lượng tế bào lympho (vì thuốc
làm theo các cơ quan lympho), ức chế chức năng thực bào, ức chế sản xuất kháng thể,
ức chế giải phóng và tác dụng của các enzym tiểu thể, ức chế hóa hướng động bạch
cầu, ức chế sự di chuyển của bạch cầu.
Tác dụng không mong muốn
Phù, tăng huyết áp do giữ natri và nước
Loét dạ dày, tá tràng
Vết thương chậm lên sẹo. Dễ nhiễm trùng
Tăng đường huyết hoặc làm nặng thêm bệnh đái tháo đường
Nhược cơ, teo cơ, mỏi cơ
Loãng xương, xốp xương
Rối loạn phân bố mỡ
Suy thượng thận cấp khi ngừng thuốc đột ngột
Ngoài ra có thể gặp các tác dụng không mong muốn khác như: đục thuỷ tinh
thể, mất ngủ, rối loạn tâm thần. Khi dùng tại chỗ có thể gây viêm da, teo da, rạn da…

133
Chỉ định
- Điều trị thay thế khi vỏ thượng thận không tiết đủ hormon (thiểu năng vỏ
thượng thận cấp và mạn hoặc thiểu năng thượng thận thứ phát do rối loạn vùng dưới
đồi, rối loạn tuyến yên).
- Điều trị các bệnh tự miễn (bệnh collagen) như: lupus ban đỏ hệ thống, viêm
khớp dạng thấp, thấp tim và dùng trong các phẫu thuật cấy ghép cơ quan để chống
phản ứng loại mảnh ghép của cơ thể.
- Điều trị dị ứng, sốc phản vệ và các bệnh liên quan đến phản ứng dị ứng như hen
phế quản, viêm mũi dị ứng, mày đay, viêm da tiếp xúc…
- Điều trị viêm cơ, khớp, viêm da…
- Chẩn đoán hội chứng Cushing.
Chống chỉ định
- Chống chỉ định: loét dạ dày, tá tràng, mẫn cảm với thuốc; niễm nấm, virus,
đang dùng vaccin sống.
- Thận trọng: đái tháo đường, phù, cao huyết áp, loãng xương. Do đó phải theo
dõi huyết áp và glucose/máu.
Các thuốc trong nhóm
Các thuốc trong nhóm dù có nguồn gốc tự nhiên hay tổng hợp đều có các đặc
điểm tác dụng như nhau chỉ khác nhau về mức độ chống viêm, giữ muối nước và thời
gian tác dụng. Dựa vào thời gian tác dụng chia 3 nhóm.
. Tác dụng ngắn: 8-12 giờ
Hydrocortison (Cortisol), cortison
Cortison và hydrocortison là sản phẩm tự nhiên, tác dụng chống viêm yếu hơn
các dẫn xuất tổng hợp, hai thuốc này có mức độ tác dụng tương tự như nhau. Chúng
thường được dùng điều trị các bệnh do thiểu năng tuyến thượng thận và dùng thay thế
khi cơ thể thiếu hormon tuyến thượng thận.
. Tác dụng trung bình: 12 - 36 giờ
Prednison, prednisolon, methylprednisolon và triamcinolon
Các thuốc này có tác dụng chống viêm mạnh hơn hydrocortison 4-5 lần, đồng
thời ít giữ natri và nước nên ít gây phù và tăng huyết áp hơn, nhưng ức chế ACTH
mạnh.
Prednison, prednisolon và methylprednisolon chủ yếu dùng làm thuốc chống
viêm, thuốc ức chế miễn dịch (điều trị các bệnh tự miễn).
Triamcinolon chủ yếu dùng chống viêm. Thuốc này ít ảnh hưởng tới chuyển hóa
muối nước nhưng gây nhiều tác dụng không mong muốn với cơ xương, khớp nhất là
triamcinolon (Kenacort). Triamcinolon không dùng cho người dưới 16 tuổi.
. Tác dụng dài: 36 - 72 giờ
Dexamethason và betamethason là dẫn xuất có chứa fluor của prednisolon, ít ảnh
hưởng tới chuyển hóa muối nước, có tác dụng chống viêm mạnh hơn hydrocortison
khoảng 30 lần, thời gian tác dụng kéo dài. Vì vậy chúng thường dùng điều trị các
trường hợp viêm cấp, chống sốc phản vệ hay phù não cấp.
Thuốc ức chế mạnh sự tăng trưởng, làm tăng tỷ lệ mất xương và ức chế trục vùng
dưới đồi - tuyến yên - tuyến thượng thận nên 2 thuốc này không phải là thuốc lựa chọn
hàng đầu cho điều trị viêm gan.
. Các glucocorticoid dùng ngoài
Các glucocorticoid dùng ngoài cũng có nhiều dạng: bôi tại chỗ, nhỏ mắt, nhỏ tai,
phun mù… chủ yếu điều trị viêm da và niêm mạc.
Các chế phẩm chứa clo, flo của các corticoid: fluocinolon, fluometason,
clobetason ít hấp thu qua da hay được dùng điều trị viêm da dị ứng. Tuy nhiên khi bôi

134
các chế phẩm này trên da, chúng cũng có khả năng hấp thu một lượng nhất định. Đặc
biệt, khi da bị tổn thương khả năng hấp thu thuốc qua da sẽ tăng, vì vậy dùng thận
trọng với các vết thương hở.
Các chế phẩm dạng khí dung betametason, beclometason (Becotide), budesonid
(Rhinocort), flunisonid… thường được dùng điều trị hen phế quản, viêm mũi dị ứng.
Tác dụng không mong muốn thường gặp: khô miệng, khàn giọng, nhiễm nấm ở
miệng và cổ họng. Để giảm tác dụng không mong muốn này thì phải súc miệng với
nước sau khi dùng thuốc.
2. Mineralocorticoid
Mineralocorticoid tự nhiên có 2 chất cơ bản là aldosteron và desoxycorticosteron
(DOC), trong đó aldosteron có tác dụng mạnh hơn DOC khoảng 30 lần. Tuy nhiên
trong lâm sàng hay dùng DOC hơn vì aldosteron tác dụng quá mạnh.
Mineralocorticoid tổng hợp là fludrocortison.
2.1. Mineralocortocoid tự nhiên
Tác dụng
Mineralocorticoid có vai trò điều hòa áp suất thẩm thấu của dịch ngoại bào và thể
tích máu trong cơ thể bằng cách: tăng cường tái hấp thu Na + và nước, tăng thải K+ và
H+. Vì vậy khi dùng liều cao hoặc kéo dài sẽ gây phù, tăng huyết áp, giảm K + huyết và
nhiễm kiềm.
Các mineralocorticoid nói chung ít ảnh hưởng tới chuyển hóa đường, không có
tác dụng chống viêm và chống dị ứng.
Tên thuốc Liều thường dùng cho người lớn Chế phẩm
(biệt dược)
Hydrocortison Tấn công: 60-100mg/24h Viên nén 10mg, hỗn dịch
(Hydrocortison Duy trì: 20-80mg/24h, uống, tiêm 125mg/5mL, thuốc mỡ tra
acetat, succinat) bắp mắt.
Prednisolon Uống: 5-60mg/ngày Viên nén, nang 5mg
Thuốc mỡ, kem 0,5%
và1%
Triamcilolon Uống: 20-40mg/24h Viên nén 1,2 và 4mg; ống
(Kenacort, Triam) Tiêm: 40-80mg/24h tiêm 40mg/mL,
80mg/2mL
hoặc50mg/2mL (tác dụng
chậm).
Methylprednisolon Uống: tấn công 5-8 viên/24h, duy trì: Viên nén 4mg, hỗn dịch
(Depo - Medrol) 1-5 viên/24h 40mg/mL, 80mg/2mL, lọ
Tiêm tĩnh mạch 20-60mg/24h thuốc bột 20 và 40mg.
Tiêm bắp: 40-120mg/lần/1 ngày
Dexamethason Uống: 3-6mg/ngày Viên nén 0,5 và1mg
(Pred F) Tiêm: 4-20mg/ngày, tiêm bắp, tiêm Ống tiêm 5mg/mL
tĩnh mạch. và15mg/3mL
(dạng muối acetat),
4mg/ml
Betamethason Tấn công: 3-4mg/24h Viên nén 0,25 và 0,5mg
(Celeston) Duy trì: 0,5-2mg/24h, tiêm bắp, tiêm ống tiêm 4mg/mL
tĩnh mạch. thuốc mỡ, nhỏ mắt, tai

Bảng: Một số chế phẩm và liều dùng thông dụng của các glucocorticoid
* Liều dùng còn tuỳ thuộc vào chỉ định, tình trạng bệnh.
135
Chỉ định
Thiểu năng tuyến thượng thận mạn (bệnh Addison)
Sốc nhiễm khuẩn và ngộ độc cấp
Ngoài ra DOC còn được dùng trong nhược cơ vì nó có tác dụng tăng trương lực
cơ.
Tác dụng không mong muốn
Phù, tăng huyết áp, trường hợp nặng gây phù phổi.
Chế phẩm và liều dùng
Desoxycorticosteron (Percorten, Syncortyl). Viên cấy dưới da dạng tác dụng kéo
dài, dung dịch tiêm 5mg/mL.
Tấn công 10-15mg/24h.
Duy trì 5mg x 2 lần/tuần.
2.2. Mineralocorticoid tổng hợp
Fludrocortison (Florinef)
Hấp thu tốt qua đường uống, liên kết nhiều với protein huyết tương. Nửa đời sinh
học trong huyết tương là 3-5 giờ. Thời gian tác dụng kéo dài 1,5-3 ngày. Chuyển hóa
chủ yếu ở gan, một phần ở thận, thải trừ chủ yếu qua nước tiểu.
Fludrocortison là dẫn xuất tổng hợp của hydrocortison (9 -
Fluorohydrocortison) có tác dụng rất mạnh trên chuyển hóa muối nước (gấp 100 lần so
với hydrocortison). Ngoài ra còn có tác dụng liên quan đến chuyển hóa glucid (tác
dụng chống viêm) mạnh gấp 10 lần hydrocortison. Do tác dụng mạnh trên điện giải
nên chất này chỉ dùng đường uống để điều trị suy vỏ thượng thận và tăng sản vỏ
thượng thận bẩm sinh.
Tác dụng không mong muốn thường gặp liên quan đến chuyển hóa muối nước là
giảm K+ huyết, giữ Na+, gây phù, tăng huyết áp và một số tác dụng không mong muốn
liên quan đến chuyển hóa glucid (xem phần glucocorticoid).
Liều dùng: Người lớn 0,05 - 0,2mg/24h. Trẻ em 0,05 - 0,1mg/24h.
IV. HORMON TUYẾN TỤY VÀ THUỐC HẠ ĐƯỜNG HUYẾT
1. Hormon tuyến tụy
Tuyến tụy vừa là tuyến nội tiết, vừa là tuyến ngoại tiết. Các hormon tuyến tụy
được bài tiết ở đảo tụy (đảo Langerhans), bao gồm:
- Glucagon do tế bào alpha tiết ra, có vai trò làm tăng đường huyết.
- Insulin do tế bào beta tiết ra có vai trò làm giảm đường huyết.
- Somatostatin do tế bào alpha tiết ra có vai trò ức chế hormon GH của tuyến yên.
Nói chung các hormon này đều có vai trò trong chuyển hóa của cơ thể, đặc biệt
duy trì nồng độ glucose máu ổn định, trong đó quan trọng nhất là insulin.
1.1. Insulin
Nguồn gốc - cấu trúc
Insulin do tế bào  đảo Langerhans tiết ra
Để làm thuốc: insulin có thể chiết từ tuyến tụy của bò hay lợn, bán tổng hợp hoặc
dùng phương pháp tái tổ hợp gen.
Dược động học
Khi uống, insulin bị thuỷ phân ở đường tiêu hóa làm mất. Dùng đường tiêm: hấp
thu qua đường tiêm bắp nhanh hơn dưới da, khi thật khẩn cấp có thể tiêm tĩnh mạch.
Thời gian bán thải ngắn (< 10 phút nếu tiêm tĩnh mạch) nên người ta thường bào chế
dưới các dạng phối hợp với kẽm và protamin để duy trì tác dụng dài. Insulin chuyển
hóa ở gan bằng phản ứng thuỷ phân dây nối peptid và cắt cầu disulfid làm mất hoạt
tính. Insulin thải trừ qua nước tiểu.

136
Thời gian đạt Cmax Thời gian tác dụng
Loại insulin
(giờ) (giờ)
Tác dụng ngắn 1-2 5-7
Insulin thường, insulin hòa tan
Tác dụng trung bình 4-12 20-28
lsophane
Tác dụng kéo dài 10-20 36
Insulin kẽm, insulin protamin kẽm

Bảng : Một số thông số dược động học của các loại insulin
Tác dụng và cơ chế
- Trên chuyển hóa glucid: insulin có tác dụng làm giảm glucose máu do:
+ Giúp glucose dễ xâm nhập vào tế bào, đặc biệt là các tế bào gan, cơ và mô mỡ
bằng cách làm giầu chất vận chuyển glucose ở màng tế bào.
+ Thúc đẩy tổng hợp và ức chế phân huỷ glycogen bằng cách kích thích
glycogen synthetase ức chế glycogen phosphorylase.
Khi thiếu insulin, tế bào không sử dụng được glucose và glucose cũng không
chuyển thành glycogen để dự trữ ở gan được. Hậu quả là tăng glucose máu và glucose
niệu (đặc trưng của bệnh đái tháo đường).
- Trên chuyển hóa lipid: tăng tổng hợp và dự trữ lipid ở gan, ngăn cản phân giải
mỡ và ức chế tạo các chất cetonic nhờ ức chế hoạt tính của lipase nhạy cảm với
hormon. Kết quả làm giảm nồng độ acid béo tự do và glycerol trong huyết tương.
- Trên chuyển hóa protid: thúc đẩy đồng hóa protid bằng cách làm acid amin dễ
xâm nhập vào tế bào để tổng hợp protein. Đặc biệt ở thành mạch, insulin tham gia vào
tạo glycoprotein cấu trúc, do đó nếu thiếu insulin thành mạch dễ bị tổn thương.
Chỉ định
Điều trị bệnh đái tháo đường typ I (đái tháo đường phụ thuộc insulin).
Điều trị đái tháo đường týp II khi các thuốc chống đái tháo đường tổng hợp
không còn hiệu quả.
Trẻ em gầy yếu, kém ăn, suy dinh dưỡng, nôn nhiều và rối loạn chuyển hóa
đường (thường truyền glucose kết hợp insulin).
Gây cơn sốc insulin để điều trị bệnh tâm thần (tạo cơn hạ glucose huyết đột ngột
và mạnh).
Tác dụng không mong muốn
Thường gặp và nguy hiểm nhất là hạ đường huyết, triệu chứng gồm toát mồ hôi,
run, đói, rối loạn thị giác, mất ý thức.
Các phản ứng dị ứng hay gặp khi dùng insulin động vật. Để hạn chế phản ứng dị
ứng nên dùng prednisolin trước.
Ngoài ra, theo mô mỡ hoặc phì đại mô mỡ tại chỗ tiêm, hạ kali huyết do kích
thích bơm Na+, K+ ATPse (đôi khi còn ứng dụng insulin điều trị tăng K+ huyết).
Tương tác thuốc
- Các thuốc làm tăng tác dụng của insulin gồm: thuốc hạ đường huyết
sulfonylure, ethanol, salicat, chẹn beta (vừa tăng tác dụng đồng thời che đậy các triệu
chứng hạ đường huyết của insulin nên phải hết sức thận trọng).
- Thuốc làm giảm tác dụng của insulin: adrenalin, glucagon, viên uống tránh thai,
phenytoin, clonidin, chẹn kênh Ca++…
Chế phẩm và liều dùng
Ống tiêm chứa 5, 10, 40 và 80 hoặc 100 UI/mL.

137
Ở Việt Nam thường có 2 hàm lượng 40 UI/mL (lọ 10mL dùng cho bơm tiêm) và
100 UI/mL (ống 3mL dùng cho bút tiêm).
Các chế phẩm insulin có nhiều dạng chủ yếu tiêm dưới da, tiêm bắp (tiêm tĩnh
mạch dạng insulin tác dụng ngắn, khi hôn mê đái tháo đường). Hiện nay bắt đầu đưa
insulin dạng hít vào sử dụng.
- Insulin tác dụng nhanh: các insulin hòa tan hay insulin thường có thể tiêm báp,
dưới da và tĩnh mạch. Biệt dược Actrapid MC, Valosulin, Neusulin.
- Insulin tác dụng trung bình: Insulin isophan (protamin insulin), insulin 2 pha,
insulin globin kẽm, insulin kẽm. Biệt dược: Insulatard HM. Monotard HM, Umulin
zinc, Semilente MC.
- Insulin tác dụng chậm: insulin protamin kẽm và insulin kẽm dạng hỗn hợp. Biệt
dược: Ultra lente MC, Lenter MC, Umulin zinc, insulin lente Cho-S.
Liều dùng: tuỳ thuộc vào nhu cầu của từng người bệnh
Liều khởi đầu cho người lớn thông thường 20-40 UI/24h, tăng dần khoảng
24UI/ngày cho tới khi đạt được nồng độ mong muốn trong máu.
(WHO khuyến cáo nồng độ glucose trong máu tĩnh mạch toàn phần khi đói duy
trì trong khoảng 3,3 - 5,6 mnoL/L hay 60-100mg/dL).
1.2. Glucagon
Tác dụng
Tăng glucose máu, tăng acid lactic, acid pyruvic và acid béo tự do trong huyết
tương.
Liều cao kích thích tuyến thượng thận bài tiết catecholamin gây cường -
adrenergic làm tăng hoạt động của tim.
Cơ chế: glucagon hoạt hóa adenylcyclase màng tế bào làm tăng AMPc, hoạt hóa
phosphorylase ở gan tăng chuyển glycogen ở gan thành glucose.
Chỉ định
Hạ glucose máu do dùng quá liều insulin hoặc khi cơn sốc insulin kéo dài (kết
hợp với glucose).
Điều trị sốc (dùng thay isoprenalin)
Chẩn đoán chứng tăng glycogen.
Chế phẩm và liều dùng
Lọ thuốc bột pha tiêm 1mg.
Thường dùng người lớn 1mg/lần, trẻ em 0,5mg/lần
1.3. Somatostatin
Somatostatin là hormon ức chế sự bài tiết hormon tăng trưởng GH, insulin và
glucagon. Chất này ít ứng dụng trong lâm sàng.
2. Thuốc hạ đường huyết dạng uống
2.1. Nhóm sulfonylure
Thế hệ I: tolbutamid, chlorpropamid, tolazamid, acetohexamid.
Thế hệ II: glyburid, glipzid, gliclazid… Có tác dụng mạnh hơn thế hệ I.
Dược động học
Các thuốc đều hấp thu tốt qua đường tiêu hóa, liên kết với protein huyết tương
mạnh từ 90-99%. Chuyển hóa ở gan và thải trừ qua nước tiểu, thời gian bán thải từ 3
giờ (glipizid) đến 36 giờ (chlorpropamid).
Tác dụng và cơ chế
Tác dụng quan trọng nhất là kích thích trực tiếp tế bào beta đảo Langerhan của
tuyến tụy tăng sản xuất insulin làm giảm nồng độ glucose máu.
Làm tăng số lượng receptor của insulin ở các tế bào, đặc biệt là các tế bào mỡ
hồng cầu, bạch cầu đơn thân, do đó làm tăng tác dụng của insulin.

138
Ức chế nhẹ tác dụng của glucagon nên cũng gây hạ glucose máu.
Các thuốc này không có tác dụng khi cơ thể không còn khả năng tăng tiết insulin.
Chỉ định
Điều trị đái tháo đường typ II (không phụ thuộc insulin).
Tác dụng không mong muốn
Hạ đường huyết, rối loạn tiêu hóa, vàng da ứ mật, mỏi cơ, dị cảm, chóng mặt, rối
loạn tâm thần, ban da, rối loạn tạo máu.
Chống chỉ định
Đái đường typ I, phụ nữ có thai, người suy gan thận.
Tương tác thuốc
Sulfonylure cạnh tranh vị trí gắn với protein huyết tương nên làm tăng tác dụng
của các thuốc: dicoumarol, phenytoin, salicyat, phenylbutazon, sullfamid…
Thuốc làm tăng tác dụng của sulfonylure: cloramphenicol, IMAO, probenecid…
Thuốc làm giảm tác dụng của sulfonylure: corticoid, thuốc tránh thai,
rifampicin…
Đặc biệt không phối hợp sulfonylure với các thuốc ức chế -adrenergic vì dễ gây
nhịp tim nhanh, tăng huyết động và tăng tác dụng hạ glucose máu.
Chế phẩm và liều dùng

Thời gian bán thải Thời gian tác dụng Liều thường dùng
Tên thuốc
(giờ) (giờ) (mg/24h)
Tolbutamid 4-5 6-12 250-3.000
(Dolipol)
Acetohexamid 6-8 12-24 250-1.500
(Dymelor)
Chlorpropamid 36 60 100-500
(Diabines)
Tolazamid 7 12-24 250-500
(Tolinase)
Glipizid 2-4 10-24 5-40
(Glibenes)
Glyburid 10 24 2,5-20

Bảng : Đặc điểm dược động học và liều dùng của dẫn xuất sulfonylure
2.2 Dẫn xuất biguanid
Tác dụng và cơ chế
Các dẫn xuất biguanid ức chế hấp thu glucose ở ruột, tăng nhập glucose vào tế
bào, kích thích phân huỷ và ức chế tái tạo glucose. Ngoài ra còn làm giảm lipid máu.
Chỉ định
Điều trị đái tháo đường typ II.
Tác dụng không mong muốn
Tăng acid lactic gây toan máu, miệng có vị kim loại, buồn nôn, tiêu chảy. Dùng
kéo dài gây chán ăn, đắng miệng, sụt cân.
Chống chỉ định
Người mang thai, suy gan thận, suy tim và suy hô hấp
Các thuốc
Metformin (Glucophage): viên 500mg, liều thường dung: 1-3g/24h
Buformin (Insoral): viên 50 và 100mg, liều dùng 100-300mg/24h

139
2.3. Thuốc ức chế alpha glucosidase
Acarbose
Tác dụng và cơ chế
Arcabose là một tetrasacchaid, ít hấp thu ở đường tiêu hóa và ức chế cạnh tranh
với enzym a-glucosidase ở ruột non (là enzym phân giải các disaccharid và
polysaccharid thành monosaccharid) làm giảm và chậm hấp thu carbohydrat ở ruột
non nên có tác dụng chống tăng đường huyết sau khi ăn. Khác với sulfonylure,
acarbose không làm tăng tiết insulin và không làm hạ đường huyết.
Chỉ định
Đơn trị liệu hoặc phối hợp với sulfonylure để điều trị tiểu đường týp II.
Tác dụng không mong muốn
Đường mía và thực phẩm có đường dễ gây đau bụng và tiêu chảy do cacbohydrat
không được hấp thu sẽ lên men ở đại tràng.
Thường gặp trên tiêu hóa như đầy chướng và đau bụng, tiêu chảy, buồn nôn.
Ngoài ra gây rối loạn chức năng gan, ngứa, phát ban.
Chống chỉ định
Viêm ruột, đặc biệt có loét
Người suy gan, tăng enzym gan
Người mang thai, thời kỳ cho con bú
Hạ đường máu, nhiễm toan
Tương tác thuốc
Làm cản trở hấp thu sắt
Thuốc kháng acid, cholestyramin, chất hấp thụ và các enzym tiêu hóa làm giảm
tác dụng của acarbose khi dùng đồng thời.
Chế phẩm và liều dùng
Glucobay, viên 50 và 100mg
Khởi đầu: 25mg/24h, sau tăng dần liều mỗi 4-8 tuần
Liều duy trì: 50-100mg x 3 lần/24h. Thuốc nên uống vào đầu bữa ăn.
2.2. Các thiazolidindion
Là các thuốc có tác dụng làm tăng nhạy cảm của insulin ở mô đích. Gồm có:
rosiglitazon, pioglitazon, ciglitazon và troglitazon.
Tác dụng chính của các thiazolididion là giảm sự kháng insulin tăng nhập
glucose vào tế bào và tăng chuyển hóa glucose ở các mô cơ, mô mỡ. Chúng cũng có
tác dụng ngăn cản sự thoái hóa glycogen ở gan và tác dụng trên chuyển hóa lipid,
giáng hóa của hormon buồng trứng.
Tên thuốc, biệt dược Liều dùng (mg/24h)
Pioglitazon (Actos) 15-45
Rosiglitazon (Avandia) 2-8
Troglitazon (Rezulin) 200-600

Bảng: Liều dùng của một số thiazolidindion


V. HORMON TUYẾN GIÁP VÀ THUỐC KHÁNG GIÁP
1. Hormon tuyến giáp
Hormon tuyến giáp thường gọi là "hormon chuyển hóa" của cơ thể. Có 2 loại
hormon khác nhau được sản xuất từ tuyến giáp: thyroxin (T4) và triiodothyronin (T3);
kiểm soát tốc độ chuyển hóa của cơ thể và quá trình oxy hóa của tế bào.
Calcitonin: có vai trò chủ yếu điều hòa nồng độ calci máu.

140
1.1. Hormon T3 và T4
Sinh tổng hợp hormon tuyến giáp
Thuỳ trước tuyến yên bài tiết ra hormon hướng giáp TSH, chất này kích thích
tuyến giáp bài tiết ra hormon tuyến giáp là thyroxin và triiodothyronin. Để tổng hợp ra
2 hormon này cần nguồn iod từ thức ăn. Iod từ thức ăn dưới dạng muối iodid sau khi
hấp thu vào máu sẽ được chuyển tới tuyến giáp. Tại đây sẽ xảy ra quá trình oxy hóa
iodid thành iod tự do nhờ enzym peroxydase. Rồi iod tự do sẽ kết hợp với các tiền chất
của tuyến giáp là tyrosin nằm trong phức hợp thyroglobin để tạo thành hormon tuyến
giáp. Quá trình này cũng được thực hiện nhờ enzym peroxydase.
Tác dụng
Hầu hết các tế bào trong cơ thể, đặc biệt là cơ và tế bào thần kinh (trừ não và tinh
hoàn người trưởng thành) là tế bào đích của hormon tuyến giáp.
- Trên quá trình chuyển hóa:
+ Trên quá trình sinh nhiệt: hormon tuyến giáp làm tăng tiêu thụ oxy và sinh
nhiệt ở hầu hết các mô.
+ Trên chuyển hóa hydratcacbon: hormon tuyến giáp làm tăng cường hấp thu
glucose ở ruột, giảm tổng hợp glycogen ở gan và tăng sử dụng glucose ở các mô.
+ Trên chuyển hóa protid: kích thích tổng hợp protein, có thể trực tiếp qua quá
trình hoạt hóa ARN - polymerase hoặc gián tiếp qua kích thích bài tiết hormon tăng
trưởng GH. Liều cao gây tăng thoái hóa protein.
+ Trên chuyển hóa lipid: Tăng cường phân huỷ lipid nhất là triglycerid,
phospholipid và cholesterol. Tăng tạo acid từ cholesterol làm giảm cholesterol máu. Vì
thế thiểu năng tuyến giáp sẽ gây tăng cholesterol máu.
+ Trên chuyển hóa muối nước: tăng sức lọc cầu thận, giảm tái hấp thu ở ống thận
và có tác dụng lợi tiểu.
+ Với các vitamin: hormon tuyến giáp làm tăng sử dụng các vitamin: thiamin,
riboflavin, acid ascorbic và cyanocobalamin. Vì thế khi ưu năng tuyến giáp cần phải
bổ sung các vitamin này.
- Trên quá trình tăng trưởng:
Hormon tuyến giáp cần cho sự phát triển của não nhất là trong giai đoạn hình
thành, giúp phát triển xương, răng, dinh dưỡng, da, lông, tóc, móng (kết hợp với GH).
Vì vậy nếu cơ thể thiếu hormon này trong giai đoạn phát triển sẽ gây chậm phát triển
trí tuệ, trẻ đần độn, phù niêm dịch, chậm lớn, người lùn, chi ngắn, bắp thịt mềm
nhũn…
- Trên cơ quan
+ Trên tim: làm tăng sức co bóp tim, tăng nhịp tim và tăng nhạy cảm với
catecholamin. Vì vậy, khi cường tuyến giáp tim dễ bị kích thích.
+ Trên dây thần kinh: Kích thích thần kinh trung ương gây bồn chồn, bứt dứt,
nóng nảy, hay lo lắng và mất ngủ. Ngoài ra còn gây tăng phản xạ run chây tay.
Ưu năng tuyến giáp gây bệnh Basedow: biểu hiện là bệnh nhân dễ xúc động, lo
lắng, nóng nảy, tăng chuyển hóa cơ bản, tăng nhịp tim, da nóng, giảm cân, lồi mắt và
phì đại tuyến giáp. Điều trị bằng các thuốc kháng giáp.
Chỉ định
Điều trị thay thế khi cơ thể không tiết đủ hormon tuyến giáp: thiểu năng tuyến,
sau khi cắt tuyến giáp, viêm tuyến giáp.
Điều trị bướu cổ đơn thuần
Ngoài ra còn dùng trong chẩn đoán bệnh tuyến giáp, điều trị phối hợp với các
thuốc huỷ mô tuyến giáp (để tránh suy giảm chức năng tuyến giáp quá mức).

141
Chống chỉ định
Cường tuyến giáp, suy tim mất bù
Các thuốc điều trị
Levothyroxin (T4, Levoxin, Synthroid, Levothroid)
Levothyroxin là chế phẩm tổng hợp có nhiều ưu điểm hơn chế phẩm tự nhiên
như có hoạt lực mạnh, thời gian bán thải kéo dài nên ngày chỉ cần dùng 1 lần, thuốc ít
gây dị ứng và có thể dùng điều trị lâu dài.
Chế phẩm: viên nén 25g, ống tiêm 100g/mL dùng tiêm tĩnh mạch
Liều dùng: khởi đầu 75g/24h sau đó duy trì 100g/24h.
Liothyronin (T3, Cytomel)
Liothyronin là muối của L-triiodothyronin, có thời gian bán thải ngắn nhưng hoạt
tính lại mạnh hơn levothyroxin khoảng 4 lần, độc tính với tim cũng cao hơn. Thuốc
này thường dùng trong trường hợp cần tác dụng nhanh hoặc dùng chuẩn bị cho chiếu
xạ ở bệnh nhân u tuyến giáp.
Chế phẩm: viên nén 25g
Liều dùng: 25-100g/24h
Liotrix (Euthroid, Thyrolar)
Liotrix là hỗn hợp của levothyroxin (T 4) và liothyronin (T3) theo tỷ lệ 4:1. Sự
phối hợp theo cách làm này làm cho tác dụng của thuốc giống với hormon tuyến giáp
tự nhiên trong cơ thể hơn, do đó có lợi cho điều trị hơn. Các chỉ định, tác dụng không
mong muốn và chống chỉ định giống như levothyroxin.
Chế phẩm: viên nén 25g liothyronin và 100g thyroxin
Liều dùng: khởi đầu 1/2 viên/24h sau tăng dần, liều duy trì 1-1,5 viên/24h
Thyroglobin và thyroid
Là các chất có nguồn gốc tự nhiên được chiết xuất từ tuyến giáp của các loài
động vật và có tỷ lệ T4 và T3 khoảng 2,5:1, hiện nay ít dùng vì hay gây dị ứng và tỷ lệ
T4 và T3 không ổn định giữa các loài.
Liều dùng:
Thyroid: khởi đầu 15g/24h sau tăng dần - duy trì 60g/24h
Thyroglobin: khởi đầu 30mg/24h sau tăng dần, duy trì 60-180g/24h
1.2. Calcitonin
Tác dụng
Có vai trò chủ yếu là điều hòa nồng độ acid máu (kết hợp với PTH và vitamin
D).
Calcitonin có tác dụng làm giảm nồng độ calci máu (tác dụng ngược với PTH)
theo các cách sau:
Làm giảm hấp thu calci từ đường tiêu hóa.
Tăng thải trừ calci, natri,magnesi và phosphat
Ức chế huy động calci từ xương (ức chế tiêu xương).
Calcitonin được dùng để tiêm bắp hoặc tiêm dưới da. Thuốc ít liên kết với
protein huyết tương, chuyển hóa nhanh ở gan và thận. Thời gian bán thải khoảng 20
phút.
Chỉ định
Điều trị tăng calci máu do các nguyên nhân:
- Cường tuyến cận giáp
- Nhiễm độc vitamin D
- Ung thư tiêu xương
- Bệnh Paget (viêm xương biến dạng).

142
Tác dụng không mong muốn
Thường gặp là các phản ứng dị ứng: buồn nôn, nôn, ban da, mày đay, co thắt ống
tiêu hóa…
Chế phẩm và liều dùng
- Chế phẩm:
Calcitonin (Calcitar có các dạng chế phẩm tự nhiên chiết từ động vật và dạng
tổng hợp. Nói chung dạng tổng hợp có tác dụng mạnh hơn và thời gian tác dụng kéo
dài hơn.
Dạng tiêm: Calcitonin cá hồi, 200UI/mL, ống 2mL
Calcitonin người, ống tiêm 0,5mg
Dạng xịt mũi: lọ 2mL chia liều 200 UI/lần xịt
- Liều dùng: tuỳ theo chỉ định nhưng thường dùng
Calcitonin cá hồi: 50-100UI x 1 - 3 lần/24h
Calcitonin người: 0,5mg x 1 - 2 lần/24h
2. Thuốc kháng giáp tổng hợp
Thuốc kháng giáp đều có nguồn gốc tổng hợp hóa học. Tác dụng của nhóm thuốc
này là ức chế tổng hợp và giải phóng hormon tuyến giáp, vì vậy được dùng điều trị ưu
năng tuyến giáp (bệnh Basedow).
Các thuốc trong nhóm bao gồm:
2.1. Các chất ức chế giải phóng hormon hướng giáp của tuyến yên
Dung dịch Lugol mạnh (5%).
- Thành phần: 5g iod + 10g kaliiodid/100mL nước
Iod trong dung dịch iodid sau khi được hấp thu vào máu sẽ tập trung vào tuyến
giáp, rồi thải trừ chậm qua nước tiểu.
- Tác dụng: ở nồng độ cao hơn nồng độ sinh lý, iod sẽ ức chế hormon hướng
giáp, làm giảm tổng hợp hormon tuyến giáp, vì vậy, làm giảm thể tích tuyến giáp và co
nhỏ mạch máu của tuyến giáp. Thường dùng trước khi phẫu thuật tuyến giáp.
- Liều dùng: 2-6 giọt/lần x 3 lần/24h, trước bữa ăn dùng liên tục 10 ngày trước
khi phẫu thuật.
Các thuốc khác: kaliiodid, natriiodid
2.2. Các chất ức chế tổng hợp hormon tuyến giáp
2.2.1. Propylthiouracil (PTU)
Dược động học
Propylthiouracil hấp thu được qua đường tiêu hóa. Nồng độ tối đa trong huyết
tương sau khi uống 1-2 giờ. Thuốc tập trung nhiều ở tuyến giáp. Thời gian bán thải
khoảng 1 giờ. Chuyển hóa nhanh và thải trừ qua nước tiểu. Thuốc qua được nhau thai
và sữa mẹ.
Tác dụng
Propylthiouracil có tác dụng ức chế tổng hợp hormon tuyến giáp bằng cách ức
chế quá trình oxy hóa iodid thành iod tự do và ức chế sự gắn phân tử iod vào tiền chất
của tuyến giáp. Ngoài ra nó còn có tác dụng ức chế quá trình chuyển T4 thành T3 ở
ngoại vi…
Chỉ định
Điều trị ưu năng tuyến giáp
Tác dụng không mong muốn
Suy tuyến giáp (có thể tạo bướu), giảm bạch cầu, mất bạch cầu hạt, chảy máu,
sung huyết. Ngoài ra gây rối loạn tiêu hóa, độc với gan, tăng tiết dịch ở đường hô hấp.
Liều dùng
Khởi đầu: 300-400mg/24h, chia 3 lần. Duy trì 100-150mg/24h

143
2.2.2. Methimazol
Methimazol có tác dụng và cơ chế tương tự như PTU nhưng có tác dụng mạnh
gấp khoảng10 lần PTU và thời gian tác dụng kéo dài hơn. Thời gian bán thải khoảng 5
giờ.
Liều dùng:
Khởi đầu: 15 - 60mg/24h chia 3 lần
Liều duy trì 5-15mg/24h
2.2.3. Các thuốc khác
Methylthiouracil (MTU), thiamazol (Basolan), carbimazol (Neomecazol): tác
dụng tương tự Propylthiouracil (PTU).
2.3. Các chất ức chế nhập iod vào tuyến giáp
Kaliclorat: có tác dụng làm giảm hấp thu iod của tuyến giáp. Thuốc chủ yếu dùng
điều trị ưu năng tuyến giáp nhẹ hoặc trung bình. Tác dụng không mong muốn thường
gặp là gây mất bạch cầu hạt.
2.4. Các chất phá huỷ mô tuyến giáp
- Iod phóng xạ (I131): có thời gian bán thải dài (8 ngày). Liều nhỏ thường được
dùng điều trị ưu năng tuyến giáp, liều cao dùng điều trị ung thư tuyến giáp. Ngoài ra
nó còn được dùng trong chẩn đoán chức năng tuyến giáp.
- Chiếu tia gama, tia beta để phá huỷ tế bào tuyến giáp. Tuy nhiên phương pháp
này ít thực hiện vì bệnh nhân lại dễ bị phù niêm dịch, nhất là ở người trẻ tuổi. Vì vậy
chỉ áp dụng phương pháp này cho bệnh nhân trên 45 tuổi.
VI. HORMON TUYẾN CẬN GIÁP
Parathyroid hormon (PTH)
Tác dụng
PTH là hormon của tuyến cận giáp, có cấu trúc polypeptid. PTH cùng với
calcitonin của tuyến giáp và vitamin D có vai trò điều hòa nồng độ Ca ++ máu. PTH có
tác dụng làm tăng nồng độ Ca++ máu theo 3 cách:
- Tác dụng trực tiếp trên thận làm tăng tái hấp thu calci và giảm tái hấp thu
phosphat.
- Tác dụng trực tiếp trên xương làm tăng huy động calci từ xương vào máu.
- Tác dụng gián tiếp tăng hấp thu calci thông qua kích thích chuyển hóa vitamin
D thành 1,25 dihydroxy cholecalciferol là dạng vitamin D có hoạt tính (Xem thêm
phần vitamin)
Ở nồng độ sinh lý, PTH có tác dụng duy trì nồng độ Ca++ máu. Ở nồng độ cao,
PTH làm tăng Ca++ máu và tăng tiêu xương.
Nhược năng tuyến cần giáp gây giảm calci máu, gây các triệu chứng khác như
chân tay co quắp, dị cảm, co thắt cơ trơn, nhịp tim nhanh…
Ưu năng tuyến cận giáp gây tăng acid máu, tăng calci niệu và các triệu chứng
khác như rụng tóc, dễ gãy móng tay, hỏng men răng, dễ xúc động lo lắng.
Chỉ định
Điều trị các bệnh do giảm calci máu
Hiện nay thường dùng trực tiếp calci, có thể phối hợp với vitamin D để điều trị.
VII. HORMON SINH DỤC VÀ THUỐC TRÁNH THAI
1. Hormon sinh dục nam
1.1. Testosteron
Nguồn gốc
Trong cơ thể testosteron được tế bào kẽ tinh hoàn tiết ra. Ngoài ra vỏ thượng
thận, buồng trứng và nhau thai cũng tiết ra một lượng nhỏ.

144
Dược động học
Testosteron hấp thu được cả qua đường uống và đường tiêm nhưng đường uống
tác dụng kém vì bị chuyển hóa nhanh ở gan. Ngoài ra có thể dùng qua đường cấy dưới
da, bán trên da, đặt trực tràng, dạng kem. Testosteron sau khi hấp thu được vận chuyển
tới tế bào đích. Tại đây dưới tác dụng của enzym 5-reductase, nó chuyển thành
dihydrotestosteron là dạng có hoạt tính (vì vậy khi cơ thể thiếu enzym 5-reductase thì
testosteron cũng không phát huy được tác dụng). Thuốc thải trừ chủ yếu qua nước tiểu.
Tác dụng
- Tác dụng hormon (tác dụng androgen)
Testosteron làm phát triển giới tính và cơ quan sinh dục nam như tuyến tiền liệt,
túi tinh, dương vật…
Kiểm soát và duy trì chức năng sinh tinh trùng.
Tạo ra các đặc tính thứ phát của phái nam như giọng nói trầm, vai rộng, cơ lớn…
Tác dụng đối lập với estrogen.
- Tác dụng tăng dưỡng
Testosteron có tác dụng làm tăng nồng độ hóa protid, giữ nitơ và các muối calci,
phospho do đó làm tăng khối lượng bắp cơ và tăng khối lượng xương.
Ngoài ra làm tăng tạo hồng cầu thông qua kích thích sản xuất erythropoetin ở
thận và kích thích trực tiếp tuỷ xương. Tăng lipid máu nên khi dùng lâu dài có thể gây
xơ vữa động mạch.
Tác dụng không mong muốn
Đối với nữ: gây bệnh nam hóa như phụ nữ mọc râu, nhiều trứng cá, giảm kinh
hoặc vô kinh, ngực teo, thay đổi giọng nói. Phụ nữ mang thao mà dùng testosteron đứa
trẻ sinh ra có thể bị lưỡng tính giả, thậm chí tử vong.
Với nam giới: nếu dùng lâu dài có thể gây giảm chức năng sinh dục, ức chế tuyến
yên và tinh hoàn làm giảm testosteron, giảm sản xuất tinh trùng và không tạo tinh
trùng. Đặc biệt kích thích sự phát triển của các khối u tuyến tiền liệt. Vì vậy không
dùng cho người già hoặc người bị ung thư tuyến tiền liệt.
Ở cả hai giới: giữ muối nước gây phù (chủ yếu gặp ở bệnh nhân bị bệnh tim
mạch và bệnh thận hoặc khi dùng liều cao điều trị khối u), vàng da, viêm gan ứ mật,
xơ vữa động mạch.
Chỉ định
Thiểu năng sinh dục nam, chậm phát triển cơ quan sinh dục nam
Rối loạn kinh nguyệt, băng kinh, u xơ tử cung, ung thư vú, ung thư tử cung
Nhược cơ, loãng xương, gầy yếu (nên dùng nhóm hormon tăng dưỡng sẽ ít gây
tác dụng không mong muốn hơn).
Chống chỉ định
Trẻ em dưới 15 tuổi
Người mang thai, thời kỳ cho con bú
Ung thư tuyến tiền liệt
Ung thư vú ở nam giới
Bệnh gan nặng
Chế phẩm và liều dùng
- Testosteron propionat (hoặc acetat)
Chế phẩm: ống tiêm 1mL có chứa 10, 20 và 50 mg
Liều dùng tiêm bắp 10-15mg/24h
- Testosteron enanthat (tác dụng kéo dài)
Chế phẩm: ống 1mL dung dịch dầu 5% và 20%

145
Liều dùng: Tiêm 1mL dung dịch 5%/lần x 1 - 2 lần/ tuần hoặc 1ml dung dịch
20%/lần, 3-4 tuần tiêm 1 lần.
- Metyltestosteron (Android):
Chế phẩm: viên đặt dưới lưỡi 5 và 10mg
Liều dùng: 5-50mg/24h tuỳ chỉ định
1.2. Hormon tăng đồng hóa
Tác dụng và cơ chế
Các thuốc trong nhóm đều là các dẫn xuất của testosteron nhưng tác dụng
hormon rất ít, chủ yếu có tác dụng tăng đồng hóa protid, giữ nitơ và các muối calci,
phosphat và hoạt hóa enzym ARN polymerase do đó tăng khối lượng cơ và xương làm
tăng khối lượng cơ thể. Kích thích phát triển xương dài. Ngoài ra đối kháng với các tác
dụng dị hóa protid của các glucocorticoid.
Cơ chế: là các androgen cạnh tranh vị trí gắn của glucocorticoid nên receptor
cytoplasmic ở cơ xương.
Áp dụng
Điều trị bệnh nhược cơ, gày còm, xốp xương, gãy xương lâu lành, trẻ em chậm
lớn, suy dinh dưỡng, dùng corticoid dài ngày.
Các bệnh bỏng, giảm protein huyết ở người mắc bệnh đường tiêu hóa, gan và
thận.
Ung thư vú ở phụ nữ
Tuy nhiên để thuốc phát huy tác dụng tốt thì chế độ ăn cần giầu chất dinh dưỡng.
Hiện nay có một số chế phẩm kết hợp giữa các thuốc nhóm này với các vitamin B 1, B6,
B12.
Tác dụng không mong muốn
Vẫn gặp tác dụng của hormon nam nhưng mức độ nhẹ hơn
Chống chỉ định
Ung thư tuyến tiền liệt, bệnh gan nặng và phụ nữ có thai.
Các thuốc
Chủ yếu thuộc dẫn xuất tổng hợp 19 - nortestosteron.
Một số chế phẩm thường dùng
- Nandrolone phenpropionat (Durabolin)
Chế phẩm: 25mg/mL - ống 1mL
Liều dùng: người lớn 25-50mg/lần/tuần
- Nandrolon decanoat (Deca - Duralobin)
Chế phẩm: ống 50mg/mL - ống 1mL
Liều dùng: người lớn 25-50mg/lần/3 tuần, trẻ em 1mg/kg/24h/tháng
- Mathandrostenolon (Dianabol)
Chế phẩm: viên nén 1mg và 5mg
Liều dùng: người lớn khởi đầu 10-20mg/24h chia 2 lần sau đó 5 -10mg/24h, trẻ
em 0,05-0,1mg/kg/24h dùng 1 đợt 4 tuần.
- Stanozolol (Winstrol)
Chế phẩm: viên nén 2mg, ống tiêm 1mL/50mg.
Liều dùng: người lớn 1 viên/lần x 3 lần/24h trước bữa ăn hoặc 50mg/lần/10-15
ngày, tiêm bắp.
- Oxandrolon (Anavar): viên nén 2,5mg, uống 1-2 viên/24h.
Ngoài ra còn các thuốc: oxymesteron (Theranabol), oxymethalon (Anadrol,
Androyl)…

146
2. Hormon sinh dục nữ
2.1. Các estrogen
Nguồn gốc
Tự nhiên: trong cơ thể có các chất estradiol, estron và estriol là các estrogen được
nhau thai và buồng trứng tiết ra, trong đó estradiol có hoạt tính mạnh và là sản phẩm
bài tiết chính của buồng trứng. Ngoài ra tuyến thượng thận, gan, não, mô mỡ và tinh
hoàn tiết ra một lượng nhỏ. Estron và estriol có thể được tổng hợp từ estradiol và
testosteron. Estrogen còn có trong thực vật.
Tổng hợp: theo cấu trúc, các estrogen tổng hợp có thể chia thành 2 loại:
- Cấu trúc steroid: ethinylestradiol, mestranol, quinestrol.
- Cấu trúc không steroid: diethylbestrol, chlorotrianisene, methallenestril.
Dược động học
Các estrogen tự nhiên không dùng đường uống vì khi vào cơ thể chuyển hóa
nhanh ở gan tạo chất chuyển hóa không có hoạt tính, chủ yếu dùng đường tiêm. Ngoài
ra có thể dùng qua da để gây tác dụng toàn thân. Các estrogen tổng hợp bền vững hơn,
dùng được đường uống. Vào máu, estrogen liên kết với protein huyết tương trên (90%)
chủ yếu là globulin. Thuốc qua được sữa mẹ và có chu kỳ gan ruột. Thải trừ chủ yếu
qua thận.
Tác dụng
- Trên chức năng sinh học
Các estrogen cùng với progesteron có vai trò quan trọng trong chu kỳ kinh
nguyệt.
- Ở nồng độ sinh lý:
Estrogen có tác dụng làm phát triển giới tính và cơ quan sinh dục nữ như âm đạo,
vòi trứng, nội mạc tử cung…
Tạo nên các đặc tính thứ phát của giới nữ như giọng nói thanh, vai nhỏ, ngực nở
và điều hòa phân bố mỡ tạo hình dáng phụ nữ.
Làm phát triển xương, tóc…
- Liều cao
Ức chế FSH làm ngừng sản xuất estrogen, trứng không phát triển và không bám
vào niêm mạc tử cung được, do đó ngăn cản sự thụ thai (phối hợp với progesteron)
đồng thời làm ngừng bài tiết sữa.
Với nam giới khi dùng liều cao có thể gây teo tinh hoàn, ngừng sản xuất tinh
trùng và teo các cơ quan sinh dục ngoài.
- Tác dụng khác:
Tăng đồng hóa protid nhưng yếu hơn androgen
Ngăn ngừa tiêu xương do ức chế tác dụng của hormon cận giáp và kích thích giải
phóng calcitonin.
Làm giảm LDL và tăng HDL - cholesterol nên có tác dụng ngăn ngừa xơ vữa
động mạch ở giai đoạn tiền và hậu mãn kinh.
Liều cao gây tăng đông máu và tăng kết dính tiểu cầu
Các estrogen tổng hợp có hoạt tính mạnh hơn các chất tự nhiên
Tác dụng không mong muốn
Hội chứng giống nghén: căng ngực, buồn nôn, nhức đầu, vàng da, ứ mật, tăng
Ca máu, tăng cân.
++

Chứng vú to và giảm tình dục ở nam giới


Có thể gây ung thư nội mạc tử cung, ung thư vú
Chỉ định

147
Điều trị thay thế khi cơ thể không tiết đủ estrogen (suy buồng trứng, sau khi cắt
buồng trứng, dậy thì muộn, rối loạn tiền mãn kinh và mãn kinh).
Làm thuốc tránh thai
Điều trị rối loạn kinh nguyệt
Điều trị bệnh nam hóa (phụ nữ mọc râu, trứng cá)
Điều trị ung thư tuyến tiền liệt
Chống chỉ định
Không dùng cho người bệnh gan
Cao huyết áp và huyết khối tắc mạch
Người mang thai, thời kỳ cho con bú
Phụ nữ ung thư tử cung, ung thư vú
Chế phẩm và liều dùng
Estron (Foliculin)
Chế phẩm: ống tiêm 1mL dung dịch dầu 0,05% và 0,1% (tương ứng với 5000 và
10000UI).
Liều dùng: tiêm bắp 1 ống 5000 hoặc 10000 UI/24h
Estradiol benzoat
Liều dùng: tiêm bắp 1-5mg/ngày tuỳ theo chỉ định
Estradiol dipropionat
Chế phẩm: ống tiêm 1mL dung dịch 0,1%
Liều dùng: tiêm bắp hoặc dưới da 1mg/24h, cứ 2-4 ngày dùng 1 lần
Ethinyl estradiol (Microfolin)
Chế phẩm: viên 0,025mg
Liều dùng: 1-2 viênm/24h
Diethylstilbestrol
Chế phẩm: viên nén 1mg và 25mg. Ống tiêm 1mL dung dịch 0,1%, 3%
Liều dùng: 205mg/24h, duy trì 1mg/24h
Ngoài ra còn nhiều dạng chế phẩm phối hợp với progesteron
2.2. Các progestin
Nguồn gốc:
Progestin tự nhiên: progesteron chủ yếu do vật thể vàng tiết ra ở nửa sau của chu
kỳ kinh nguyệt. Ngoài ra nhau thai, tinh hoàn và tuyến thượng thận tiết ra một phần.
Progestin tổng hợp: theo cấu trúc hóa học được chia làm 3 loại:
- Tương tự progesteron: hydroxyprogesteron, medroxyprogesteron.
- 19 nor testosteron: norgestrel, normegestrol, levonorgestrel…
Dược động học
Khi uống, progesteron tự nhiên bị mất hoạt tính ở gan nên chủ yếu dùng đường
tiêm (các chế phẩm tổng hợp có thể dùng đường uống). Tất cả các progesteron được
chuyển hóa ở gan và thải trừ qua nước tiểu.
Tác dụng sinh lý
Progesteron tác dụng lên giai đoạn II của chu kỳ kinh nguyệt.
Tác dụng làm dày niêm mạc, tăng sinh và nở to tử cung
Tăng nội mạc, tuyến tiết, thể đệm
Tăng tiết niêm dịch chuẩn bị cho sự đính của trứng đã thụ thai
Làm giảm co bóp tử cung, giảm đáp ứng của tử cung với oxytocin
Phát triển tuyến sữa để chuẩn bị cho sự bài tiết sữa dưới ảnh hưởng của prolactin.
Liều cao gây ức chế LH của tuyến yên làm ức chế phóng noãn nên cũng có tác
dụng chống thụ thai.

148
Liều cao thuốc còn ức chế cạnh tranh với aldosteron tại receptor
mineralocorticoid ở ống thận làm tăng thải Na++.
Tác dụng không mong muốn
Các tác dụng không mong muốn có thể gặp là kinh nguyệt không đều, tích luỹ
mỡ, tăng nguy cơ xơ vữa động mạch.
Các chế phẩm tổng hợp có thể gây viêm tắc tĩnh mạch do làm tăng đông máu.
Chỉ định
Sảy thai nhiều lần, dọa sảy thai
Băng huyết, băng kinh, rối loạn kinh nguyệt
Các rối loạn ở thời kỳ tiền mãn kinh và mãn kinh
Chống thụ thai
Điều trị một số ung thư nội mạc tử cung, ung thư vú
Chống chỉ định
Phụ nữ có thai, rối loạn đông máu, tăng lipid máu và suy gan nặng
Chế phẩm và liều dùng
- Chế phẩm tự nhiên
Progesteron ống 5mg/mL, dung dịch dầu
Progesteron tác dụng chậm ống 250mg/mL
Dạng uống viên nang 200mg (Urogestral)
- Chế phẩm tổng hợp
Nói chung các chế phẩm tổng hợp thường bền vững hơn, tác dụng mạnh và kéo
dài hơn.
+ Dẫn xuất tương tự progesteron
Hydroxyprogesteron (oxyprogesteron)
Chế phẩm: viên nén 5mg, ống tiêm dung dịch dầu 1mL và 2mL chứa 125 và
250mg.
Liều dùng: Điều trị rối loạn kinh nguyệt 1 viên x 2 -3 lần/24h, trong 6 ngày (từ
ngày 18 - 20).
Điều trị dọa sảy thai 125-250mg/24h
Điều trị rối loạn tiền mãn kinh 125-250mg/tuần
Medroxygrogesteron acetat:
Viên nén 50 và 100mg hỗn dịch tiêm bắp 500mg/2,5mL.
Liều dùng 100 -500mg/ngày/tuần
Medrogeston: viên 5mg, 5-10mg/ngày
Megestrol: viên nén 40mg, 4-8 viên/ngày
Retroprogesteron (Duphaston) viên 5mg
+ Dẫn xuất 19 nor testosteron
Norgestrel tác dụng mạnh khoảng gấp 9 lần progesteron tự nhiên
Viên nén 0,25mg. Liều dùng 1-3 viên
Normegestrol acetat (Lutenyl) viên nén 5mg, trị rối loạn kinh nguyệt 1
viên/ngày, dùng từ ngày 16-25 của chu kỳ.
Levonorgestrel: chủ yếu dùng làm thuốc tránh thai
Ngoài ra còn nhiều dạng phối hợp với estrogen
3. Thuốc chống thụ thai
3.1. Thuốc chống thụ thai phối hợp
Là dạng thuốc mà trong thành phần gồm có progesteron và estrogen (chủ yếu là
các chế phẩm tổng hợp). Hiện nay có 3 loại viên tránh thai phối hợp:
- Loại 1 pha: tỉ lệ progesteron và estrogen trong mỗi viên không thay đổi trong cả
vỉ thuốc.

149
- Loại 2 pha: tỉ lệ progesteron và estrogen trong mỗi viên thay đổi 2 lần
- Loại 3 pha: tỉ lệ progesteron và estrogen trong mỗi viên thay đổi 3 lần
Nói chung loại 2 và 3 pha có hàm lượng progesteron tăng dần còn estrogen thì
hầu như không thay đổi hoặc tăng nhẹ vào giữa chu kỳ. Mục đích thay đổi tỷ lệ
progesteron và estrogen trong các dạng viên 2 và 3 pha là giảm lượng thuốc cần dùng,
giảm tác dụng không mong muốn mà vẫn giữ được hiệu quả tránh thai cao
. Cơ chế chống thụ thai
- Cơ chế trung ương (điều hòa ngược): khi dùng thuốc nồng độ hormon trong
máu cao hơn nồng độ sinh ý, gây ức chế vùng dưới đồi và tuyến yên dẫn đến giảm tiết
FSH và LH tuyến yên. Mức FSH và LH thấp nên không đạt nồng độ và tỷ lệ thích hợp
để phóng noãn, các mang trứng kém phát triển.
- Cơ chế ngoại vi: thuốc làm thay đổi dịch nhày ở cổ tử cung làm cho tinh trùng
không di chuyển được đồng thời làm nội mạc tử cung kém phát triển, trứng không làm
tổ được.
Vì thuốc ức chế cả 2 khâu của quá trình thụ thai nên hiệu quả tránh thai cao
Tác dụng không mong muốn
Dấu hiệu giống nghén (mệt mỏi, buồn nôn, đau ngực)
Rối loạn kinh nguyệt, tăng cân, vàng da ứ mật
Viêm tắc tĩnh mạch, huyết khối
Chỉ định
Chống thụ thai cho phụ nữ
Chống chỉ định
Bệnh nhân tăng huyết áp, tiểu đường, rối loạn về máu và viêm gan
Ung thư vú, tử cung
Phụ nữ trên 40 tuổi
3.2. Thuốc tránh thai chỉ có progestin
Cơ chế tác dụng
Thuốc làm sánh đặc dịch nhày ở cổ tử cung gây trở ngại cho sự di chuyển của
tinh trùng và làm nội mạc tử cung kém phát triển do đó ngăn cản sự thụ thai.
Hiệu mlực tránh thai thấp hơn thuốc tránh thai phối hợp, chỉ có tác dụng sau khi
đã dùng thuốc 15 ngày liên tục và đều đặn.
Tác dụng không mong muốn
Do chỉ có progesteron nên thuốc ít tác dụng không mong muốn, nhất là ít gây các
tai biến về tim mạch.
Chỉ định
Thuốc tránh thai cho phụ nữ đang nuôi con bú và người không dùng được thuốc
tránh thai phối hợp.
Tương tác thuốc
Các thuốc làm giảm tác dụng của thuốc tránh thai: thuốc gây cảm ứng enzym
chuyển hóa estrogen và progesteron ở microsom gan: rifampicin, phenytoin,
phenobarbital…
Các thuốc làm tăng thải trừ estrogen và progesteron: penicilin, ampicillin,
tetracyclin, cloramphenicol, nitrofurantion…
Các thuốc làm tăng độc tính với gan khi dùng cùng thuốc tránh thai là: thuốc
chống trầm cảm.
Chế phẩm
- Dạng viên nén: đóng vỉ 21 viên và 28 viên (21 viên có dược chất còn 7 viên
placebo hoặc có chứa sắt).

150
- Các dạng chế phẩm khác: viên nang cấy vào cơ thể, miếng dán vào da và niêm
mạc tác dụng chậm, các loại kem, viên đặt âm đạo, vòng đặt tử cung để giải phóng dần
hoạt chất…
Liều dùng và cách dùng
Bắt đầu uống viên thứ nhất vào khoảng từ ngày thứ nhất đến ngày thứ 5 của chu kỳ
kinh nguyệt. Mỗi ngày uống 1 viên vào 1 giờ nhất định để khỏi quên, uống liên tục cho đến
hết vỉ thuốc (nếu vỉ 21 viên thì nghỉ 7 ngày sau đó uống tiếp vỉ khác, nếu vỉ 28 viên thì khi
uống hết vỉ này lại tiếp tục vỉ khác mà không nghỉ).
Nếu hôm trước quên thì hôm sau uống bù 1 viên và vẫn tiếp tục uống 1 viên nữa
như bình thường. Nếu quên quá 36 giờ thì nên áp dụng biện pháp tránh thai khác.
Riêng viên tránh thai đơn thuần nếu quên quá 12 giờ nên áp dụng biện pháp tránh thai
khác đồng thời vẫn tiếp tục uống thuốc như bình thường.
Tránh thai khẩn cấp
Tránh thai khẩn cấp là cách tránh thai được dùng khi giao hợp không được bảo
vệ hoặc giao hợp ngoài ý muốn. Có 2 cách:
- Dùng viên tránh thai cấp (viên chỉ có progesteron nhưng hàm lượng cao). Các
thuốc này được dùng 1 liều ngay sau khi giao hợp. Nếu trong vòng 8 giờ mà lại có
giao hợp thì dùng thêm 1 viên nữa. Tuy nhiên do hàm lượng progesteron cao nên
không dùng quá 4 viên trong 1 tháng.
- Dùng viên tránh thai phối hợp loại 1 pha: trong vòng 72 giờ giao hợp dùng 4
viên, sau đó 12 giờ dùng tiếp 4 viên nữa.
Tên biệt dược Thành phần/Hàm lượng
Estrogen Progesteron
Loại viên phối hợp
Loestrin Ethinyl estradiol (20g) Norethindron acetat (1mg)
Lo-Ovral Ethinyl estradiol (30g) Norgestrel (300g)
Nordette Ethinyl estradiol (30g) Levonorgestrel (150g)
Brevicon Ethinyl estradiol (35g) Norethindrone (0,5mg)
Modicon
Ovral Ethinyl estradiol (50 g) Norgestren (0,5mg)
Demulen Ethinyl estradiol (50 g) Ethynodiol diacetat (1mg)
Ortho-Novum Norethin Mestanol (50g) Norethindron (1mg)
Loại viên đơn thuần
Ovrette không Norgestrel (0,75mg)
Postinor
Micronor không Norethindron (0,35mg)

Bảng : Thành phần và hàm lượng của một số viên tránh thai 1 pha
Thành phần/Hàm lượng
Tên biệt dược Pha Ngày
Estrogen Progesteron
Ethinyl estradiol Norethindron
Pha I 1-10
Ortho - novum (35g) (0,5mg)
10/11 Ethinyl estradiol Norethindron
Pha II 11-21
(35g) (1mg)
Ethinyl estradiol Levonorgestrel
Tri-Regol Pha I 1-6
(30g) (50g)
Tri-Levulen
Ethinyl estradiol Levonorgestrel
Triphasil Pha II 7-11
(40g) (75g)

151
Ethinyl estradiol Levonorgestrel
Pha III 12-21
(30g) (125g)
Ethinyl estradiol Norethindron
Pha I 1-7
(35g) (0,5mg)
Ortho - Novum Ethinyl estradiol Norethindron
Pha II 8-14
7/7/7 (35g) (0,75mg)
Ethinyl estradiol Norethindron
Pha III 15-21
(35g) (1mg)
Ethinyl estradiol Norethindron
Pha I 1-7
(35g) (0,5mg)
Ethinyl estradiol Norethindron
Trinorinyl Pha II 8-16
(35g) (1mg)
Ethinyl estradiol Norethindron
Pha III 17-21
(35g) (0,5mg)

Bảng : Thành phần và hàm lượng của một số viên tránh thai 2 và 3 pha

LƯỢNG GIÁ

* Trả lời ngắn


1. Tác dụng không mong muốn của Insulin là:
A…………………………………..
B. Dùng quá liều gây hạ đường huyết.
C……………………………………
2. Insulin có tác dụng làm (A)……………………….Glucose trong máu, chủ yếu dùng
chữa bệnh (B)…………………………
3. Khi dùng Insulin cần chú ý:
A…………………………………..
B……………………………………
Câu đúng sai:
4. Testosteron giúp cơ thể phát triển nhanh khi dậy thì.
7. Prednisolon có tác dụng không mong muốn là gây phù, tăng huyết áp.
8. Progesteron kích thích rụng trứng.
9. Dùng Testosteron điều trị doạ sẩy thai.
10. Cấm dùng Thyroxin cho bệnh nhân bướu cổ đơn thuần.
11. Khi suy tuyến giáp gây chứng đần độn ở trẻ em.
Câu lựa chọn:
12. Thuốc được gọi là Hormon trợ thai là:
A. Prednisolon
B. Testosteron
C. Progesteron
D. Oxytocin
13. Trong các thuốc sau, thuốc được dùng cho bệnh nhân doạ sẩy thai là:
A. Testosteron
B. Progesteron
C. Prednisolon
152
D. Oxytocin
14. Tác dụng không mong muốn của Progesteron là:
A.Gây chóng mặt
B. Gây nhức đầu
C. Gây chóng mặt, nhức đầu, buồn nôn.
D. Gây chóng mặt, nhức đầu, buồn nôn.
15. Khi dùng Insulin cần theo dõi:
A. Huyết áp
B. Đường huyết
C. Đường niệu
D. Huyết áp, đường huyết

153
Chương 7
HÓA TRỊ LIỆU
BÀI 1
THUỐC ĐIỀU TRỊ LAO
MỤC TIÊU
1. Trình bày được các nguyên tắc sử dụng và phân loại thuốc điều trị lao
2. Trình bày được các đặc điểm dược động học cơ bản, tác dụng, cơ chế tác
dụng, chỉ định, tác dụng không mong muốn, chống chỉ định, chế phẩm và liều dùng
của các thuốc điều trị lao nhóm I.
3. Phân tích ưu nhược điểm của các thuốc isoniazid, rifampicin, pyrazinamid
và ethambutol.

I. ĐẠI CƯƠNG
1. Vài nét về bệnh lao
Theo Tổ chức Y tế thế giới, những năm gần đây bệnh lao có chiều hướng gia
tăng, nhất là ở những nước đang phát triển. Là bệnh gây tỷ lệ tử vong hàng đầu trong
số các bệnh nhiễm khuẩn chỉ do một loại vi khuẩn gây ra.
- Bệnh lao do vi khuẩn Mycobacterium tuberculosis (trực khuẩn BK; bacillus
Koch) gây nên. Trực khuẩn lao ưa khí, kháng cồn, kháng acid, có vỏ phospholipid dày
khó thấm, không bắt màu khi nhuộm gram và có tính kháng thuốc cao.
- Nhiễm thuốc có thể xảy ra ở các cơ quan khác nhau trong cơ thể nhưng chủ yếu
là ở phổi, chiếm 80-85%. Lao phổi là thể bệnh duy nhất gây lây sang người xung
quanh.
- Để xác định chính xác có nhiễm lao hay không phải xét nghiệm vi khuẩn 3 lần
liền vào buổi sáng sớm khi chưa ăn uống gì.
2. Nguyên tắc điều trị lao
. Phải phối hợp thuốc
Vì trực khuẩn lao có tính kháng thuốc cao và thời gian điều trị lao thường kéo
dài, nên phải phối hợp thuốc để tránh kháng thuốc đột biến. Khi phối hợp thuốc cần
lưu ý:
- Không nên phối hợp các thuốc có độc tính trên cùng một cơ quan
- Liều dùng của từng thuốc phải giữ nguyên như khi dùng đơn độc
. Phải dùng thuốc đúng liều và đủ thời gian quy định
Thời gian dùng thuốc tuỳ thuộc vào mức độ nặng nhẹ của bệnh, ít nhất là 6
tháng, bình thường là 9 - 12 tháng.
. Phải dùng thuốc liên tục, đều đặn
Nên dùng thuốc vào một giờ nhất định trong ngày để khỏi quên.
. Điều trị thường chia hai giai đoạn
- Giai đoạn tấn công: phối hợp 3 thuốc trở lên dùng cho hàng ngày
- Giai đoạn duy trì: phối hợp 2 thuốc trở lên và có thể dùng hàng ngày hoặc ngắt
quãng 2-3 lần/tuần.
. Điều trị có kiểm soát
Điều trị có kiểm soát theo chương trình DOTS nhằm mục đích:
- Điều trị khỏi hẳn, rút ngắn thời gian lan truyền bệnh và tránh kháng thuốc.
- Xử lý kịp thời các biến chứng và tác dụng không mong muốn của thuốc.
. Cải thiện chế độ dinh dưỡng
Nâng cao thể trạng, tăng cường sức đề kháng của cơ thể
154
3. Phân loại thuốc chống lao
. Nhóm I (hạng 1, nhóm cơ bản)
Các thuốc chống lao nhóm I là các thuốc thường dùng, có hiệu quả điều trị cao,
gồm isoniazid, streptopmycin, rifampicin, ethambutol và pyrazinamid.
. Nhóm II (hạng 2, tuyến 2)
Các thuốc chống lao nhóm II được dùng thay thế thuốc chống lao nhóm I khi vi
khuẩn lao kháng thuốc hoặc bệnh nhân dị ứng với các thuốc nhóm I, gồm ethionamid,
kanamycin, amikacin, PAS, cycloserin, capreomycin, viomycin, ansamycin…
4. Một số phác đồ điều trị lao theo chương trình chống lao quốc gia
4.1. Lao mới
Phối hợp 5 thuốc như sau: 2HSZR/6HE
- Hai tháng đầu dùng kết hợp 4 thuốc: isoniazid, streptomycin, pyrazinamid và
rìampicin, dùng liều hàng ngày.
- Sáu tháng sau điều trị duy trì bằng 2 thuốc isoniazid và ethambutol dùng liên
tục hàng ngày.
- Nếu dùng phác đồ điều trị lao mới sau 2 tháng tấn công nhưng xét nghiệm AFB
(+) thì dùng thêm 1 tháng HRZ, sau đó điều trị duy trì. Nếu tháng thứ 5 mà AFB (+)
thì chuyển sang phác đồ điều trị lao kháng thuốc và lao tái phát.
4.2. Lao kháng thuốc và lao tái phát
Kết hợp 5 thuốc như sau: 2REHSZ/REHZ/5R3E3H3
- Hai tháng đầu dùng phối hợp 5 thuốc rifampicin, ethambutol, isoniazid,
streptomycin và pyrazinamid dùng liên tục hàng ngày.
- Một tháng sau phối hợp 4 thuốc rifampicin, ethambutol, isoniazid, và
pyrazinamid dùng liên tục hàng ngày.
- Năm tháng tiếp theo dùng phối hợp 3 thuốc rifampicin, ethambutol, isoniazid
dùng ngắt quãng 3 lần trong tuần.
Trẻ em nhiễm lao
Dùng phác đồ phối hợp 3 thuốc như sau: 2HRZ/4HR
- Hai tháng đầu dùng phối hợp 3 thuốc rifampicin, isoniazid và pyrainamid dùng
hàng ngày.
- Bốn tháng sau phối hợp 2 thuốc isoniazid và rifampicin dùng hàng ngày
Trường hợp nặng có thể bổ sung thêm streptomycin trong 2 tháng đầu
Nói chung, các trường hợp nhiễm lao nặng thì tuỳ mức độ có thể dùng kéo dài
hơn các công thức trên để điều trị triệt để
Liều cách quãng
Liều hàng ngày
Tên thuốc 3lần/tuần 2 lần/tuần (mg/kg)
(mg/kg)
(mg/kg)
Isoniazid (H) 5 (4-6) 10 (8-12) 15 (13-17)
Rifampicin (R) 10 (8-12) 10 (8-12) 10 (8-12)
Pyrazinamid (Z) 25 (20-30) 35 (30-40) 50 (40-60)
Ethambutol (E) 15 (15-20) 30 (25-35) 45 (40-50)
Streptomycin (S) 15 (12-18) 15 (12-18) 15 (12-18)

Bảng tóm tắt liều tối ưu của các thuốc chữa lao thiết yếu
(Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới 1997)

II. CÁC THUỐC ĐIỀU TRỊ LAO


1. Isoniazid
Là hydrazid của acid isonicotinic (IHN), là dẫn xuất tổng hợp

155
Dược động học
Isoniazid hấp thu qua đường uống, trực tràng và đường tiêm. Sau khi uống thuốc
1-2 giờ thuốc đạt nồng độ tối đa trong máu là 3-5g/mL, duy trì tác dụng 10-24 giờ,
thức ăn và các antacid làm giảm hấp thu của thuốc. Thuốc phân bố vào tất cả các mô
và dịch cơ thể, đạt nồng độ cao ở hoạt dịch, dịch màng bụng, màng phổi. Nồng độ
thuốc trong dịch não tuỷ tương đương trong huyết tương. Chuyển hóa ở gan bằng phản
ứng acetyl hóa, tốc độ phản ứng ecetyl hóa tuỳ thuộc nhiều vào yếu tố di truyền (người
châu Á chủ yếu thuộc loài chuyển hóa nhanh). Thuốc thải trừ qua thận 75-95% trong
vòng 24 giờ đầu chủ yếu dưới dạng đã chuyển hóa.
Tác dụng và cơ chế
Isoniazid vừa có tác dụng kìm khuẩn, vừa có tác dụng diệt khuẩn. Nồng độ ức
chế tối thiểu đối với trực khuẩn lao từ 0,025 - 0,05g/mL.
Thuốc có tác dụng tốt với mọi dạng lao cả trong và ngoài phổi, cả thể cấp và thể
mạn. Ngoài ra, ở nồng độ cao còn có tác dụng với vi khuẩn lao cơ hội như
Mycobacterium kansasii.
Cơ chế: thuốc ức chế tổng hợp acid mycolic là thành phần chủ yếu tạo nên lớp vỏ
phospholipid của vi khuẩn lao. Vì acid mycolic chỉ có ở vi khuẩn lao nên điều này giải
thích được vì sao thuốc chỉ có tác dụng đặc hiệu trên vi khuẩn lao mà không có tác
dụng trên các vi khuẩn khác.
Một số tác giả cho rằng isoniazid tạo được chelat với đồng và ức chế cạnh tranh
với nicotinamid và pryridoxin làm rối loạn chuyển hóa ở trực khuẩn lao.
Tác dụng không mong muốn
- Với gan: viêm gan, hoại tử tế bào gan, tăng aminotransferase gan (AST, ALT).
Độc tính với gan tăng lên nhiều nếu bệnh nhân dùng đồng thời isoniazid với các thuốc
gây độc với gan như rifampicin, pyrazinamid hoặc uống rượu. Để hạn chế độc tính với
gan cần dùng kèm với thuốc bảo vệ gan trong thời gian điều trị và theo dõi định kỳ
AST, ALT.
- Với thần kinh và tâm thần: viêm dây thần kinh ngoại biên, rối loạn tâm thần thể
hưng cảm, tăng cơn động kinh, co giật, hay gặp ở người suy dinh dưỡng, nghiện rượu
và người có tiền sử bệnh tâm thần. Để hạn chế tác dụng không mong muốn trên thần
kinh, cần bổ sung vitamin B6 trong thời gian điều trị.
- Các tác dụng không mong muốn khác: thiếu máu, giảm tiểu cầu, mất bạch cầu
hạt, các phản ứng dị ứng, rối loạn tiêu hóa…
Chỉ định
Phòng và điều trị mọi thể lao trong và ngoài phổi, sơ nhiễm và tái phát
Chống chỉ định
Bệnh nhân động kinh, rối loạn tâm thần hưng cảm
Bệnh gan, thận nặng
Mẫn cảm với thuốc
Chế phẩm và liều dùng
Isoniazid (Rimifon, INH): viên nén 50, 100 và 150mg. Ống tiêm 500mg/5ml.
Liều tấn công: 5mg/kg/24h dùng hàng ngày
Liều duy trì: 10mg/kg/lần x 3 lần/tuần hoặc 15mg/kg/24h x 2 lần/tuần
2. Rifampicin
Kháng sinh tự nhiên là Rifampicin được lấy từ môi trường nuôi cấy
Streptomyces mediterian, có hoạt tính kháng sinh yếu.
Rifampicin là kháng sinh bán tổng hợp từ Rifampicin B.

156
Dược động học
Rifampicin hấp thu tốt qua đường tiêu hóa, sinh khả dụng trên 90%. Khi uống
liều 600mg sau 2-4 giờ thuốc đạt nồng độ tối đa trong máu là 7-9g/mL, duy trì tác
dụng 8-12 giờ. Thức ăn làm chậm và giảm hấp thu của thuốc. Khoảng 80% thuốc liên
kết không bền với protein huyết tương. Thuốc phân bố rộng rãi vào các mô và dịch cơ
thể đặc biệt là phổi và dịch phế quản. Thuốc qua được nhau thai, sữa mẹ và dịch não
tuỷ khi màng não bị viêm, thể tích phân bố là 1,6L/kg. Thuốc chuyển hóa ở gan bằng
phản ứng acetyl hóa, thải trừ khoảng 65% qua phân và khoảng 30% qua nước tiểu,
phần còn lại thải qua mồ hôi, nước bọt, nước mắt. Sản phẩm thải trừ có màu đỏ, thời
gian bám thải 3-5 giờ.
Phổ tác dụng và cơ chế
Rifampicin có tác dụng tốt với các chủng vi khuẩn Mycobacterium đặc biệt là
Mycobactẻium tuberculosis, vi khuẩn phong Mycobacterium laprae và các vi khuẩn cơ
hội M.bovis, M.avium. Nồng độ ức chế tối thiểu với trực khuẩn lao là 0,1-2g/mL.
Ngoài ra, Rifampicin còn là kháng sinh phổ rộng có tác dụng tốt với các vi khuẩn
gram dương và âm (trừ cầu khuẩn đường ruột) như lậu cầu, não mô cầu, liên kết cầu
kể cả chủng kháng methicillin, Haemophilus influenzae.
Cơ chế: Rifampicin gắn vào tiểu đơn vị  của ARN - polymerase, làm sai lệch
thông tin của enzym này, do đó ức chế sự khởi đầu của quá trình tổng hợp ARN mới.
Thuốc có tác dụng diệt khuẩn.
Trên người, ARN - polymerase ít nhạy cảm với thuốc nên ít độc, trừ khi dùng
liều rất cao.
Vi khuẩn kháng Rifampicin là do có sự thay đổi cấu trúc ở tiểu đơn vị  của
enzym ARN - polymerase. Tuy nhiên, kháng thuốc của các vi khuẩn lao với
Rifampicin thường thấp hơn các vi khuẩn khác. Vì vậy Rifampicin nên giành riêng
cho điều trị nhiễm khuẩn lao và các nhiễm khuẩn nặng do vi khuẩn nhạy cảm đã kháng
nhiều thuốc.
Chỉ định
- Điều trị mọi dạng lao (phối hợp với các thuốc khác theo phác đồ)
- Điều trị bệnh phong (phối hợp thuốc theo phác đồ)
- Phòng và điều trị viêm màng não do H. influenzae và N.meningitidis.
- Điều trị nhiễm khuẩn nặng do Staphylococcus kháng methicillin.
Tác dụng không mong muốn
- Rối loạn tiêu hóa: buồn nôn, nôn
- Viêm gan và rối loạn chuyển hóa porphyrin, nhất là người có tiền sử bệnh gan,
người nghiện rượu, cao tuổi hay khi phối hợp với các thuốc cũng độc với gan (ví dụ
dùng cùng với INH).
Ngoài ra: đau đầu, mệt mỏi, ban da, thiếu máu, giảm tiểu cầu
- Khi dùng chế độ ngắt quãng 2 lần/tuần có thể gặp hội chứng giả cúm
Chống chỉ định
Suy gan nặng, rối loạn chuyển hóa porphyrin, mẫn cảm với thuốc
Thận trọng với người mang thai, nhất là 3 tháng cuối của thai kỳ vì dễ gây xuất
huyết.
Tương tác thuốc
Rifampicin gây cảm ứng enzym chuyển hóa thuốc ở microsom gan P 450, nên làm
giảm tác dụng của một số thuốc khi dùng đồng thời với nó.
- Các thuốc không được dùng đồng thời với Rifampicin: thuốc chẹn kênh Ca ++
như nifedipin, nimodipin, isradipin.

157
- Các thuốc khi phối hợp với Rifampicin phải điều chỉnh liều: viên uống tránh
thai, digoxin, dicoumarin, diazepam, macrolid 14 carbon, phenytoin, glucocorticoid,
theophylin, verapamil, ketoconazol, cloramphenicol…
- Các thuốc làm giảm hấp thu của Rifampicin là các ântcid, clofazimin,
bentonid. Khắc phục bằng cách uống các thuốc này cách Rifampicin ít nhất 2 giờ.
Chế phẩm và liều dùng
Rifampicin (Rimactan) viên nang 150, 300 và 500mg; hỗn dịch 1% lọ 120mL
dùng thuốc; lọ thuốc pha tiêm 300mg và 600mg chỉ tiêm tĩnh mạch.
- Điều trị lao
Giai đoạn tấn công: 10mg/kg/24h, tối đa 600mg/24h dùng hàng ngày
Giai đoạn duy trì 10mg/kg/24h, dùng 2-3 lần/tuần
- Điều trị bệnh phong: 600mg/lần/tháng, liên tục 2 năm hoặc đến khi khỏi
Kết hợp với dapson và clofazimin dùng hàng ngày (theo phác đồ).
Thuốc nên uống khi đói
3. Ethambutol
Dược động học
Hấp thu tốt qua đường uống (80%). Khi uống liều 25mg/kg sau 2-4h thuốc đạt
nồng độ tối đa trong huyết tương là 2-5g/mL. Thuốc phân bố rộng khắp cơ thể, đặc
biệt thấm tốt vào hồng cầu, qua được nhau thai, sữa mẹ và dịch não tuỷ khi màng não
bị viên. Thuốc chuyển hóa ở gan khoảng 20%, thải trừ qua nước tiểu, khoảng 75%
thuốc thải trừ trong vòng 24 giờ đầu. Thời gian bán thải 3-4 giờ (có thể tăng tới 7 giờ
nếu bệnh nhân suy thận nặng).
Tác dụng và cơ chế
Ethambutol kìm trực khuẩn lao M.tuberculosis và M.kanasii ở nồng độ 2g/mL.
Tác dụng mạnh nhất vào giai đoạn nhân lên. Không có tác dụng trên các vi khuẩn
khác.
Phối hợp ethambutol với Rifampicin và INH sẽ tạo được tác dụng hiệp đồng và
giảm kháng thuốc.
Cơ chế: ethambutol ức chế sự nhập acid mycolic vào vách tế bào vi khuẩn lao,
làm rối loạn quá trình tạo vách tế bào.
Ethambutol tạo chelat với các kim loại và cạnh tranh với polyamin làm rối loạn
tổng hợp acid nhân.

Chỉ định
Điều trị lao các thể, nhất là vi khuẩn lao đã kháng streptomycin và INH
Phải phối hợp với các thuốc điều trị lao khác theo phác đồ.
Tác dụng không mong muốn
- Với thị giác: viêm hoặc teo giây thần kinh thị giác, giảm thị lực, loạn thị, không
phân biệt được màu đỏ và màu xanh lá cây.
- Tác dụng không mong muốn khác: rối loạn tiêu hóa, dị ứng, sốt, đau khớp,
nhức đầu, chóng mặt. Hiếm gặp là cơn gút cấp do ethambutol làm giảm thải trừ các
acid uric.
Chống chỉ định
Bệnh nhân dị ứng, trẻ em dưới 5 tuổi, người có các bệnh ở mắt
Chế phẩm và liều dùng
Ethambutol (Myambutol, Servambutol): viên nén 100, 250 và 400mg
Tấn công: 15mg/kg/lần/24h x 2 tháng
Duy trì: 30mg/kg/24h x 3 lần/tuần hoặc 45mg/kg/24h x 2 lần/tuần.

158
4. Pyrazinamid
Dược động học
Hấp thu tốt qua đường tiêu hóa, sau 1-3 giờ thuốc đạt nồng độ tối đa trong máu,
duy trì tác dụng 8-12 giờ. Thuốc phân bố tốt vào cơ thể như nội bào, gan, phổi, thận,
nhau thai, sữa mẹ và dịch não tuỷ khi màng não bị viêm. Thuốc chuyển hóa ở gan, thải
trừ qua thận, thời gian bán thải khoảng 6 giờ.
Tác dụng và cơ chế
Có tác dụng diệt khuẩn ở pH từ 5-5,55 và có tác dụng yếu ở pH trung tính. Có tác
dụng với mọi thể lao nhưng tốt nhất là các vi khuẩn lao trong các đại thực bào vì thuốc
thấm tốt vào nội bào.
Chỉ định
Điều trị lao các thể, phối hợp với các thuốc trị lao khác theo phác đồ
Tác dụng không mong muốn
Gây độc với gan, tăng acid uric máu nên dễ gây các cơn gút cấp. Ngoài ra có thể
gây buồn nôn, nôn, mệt mỏi…
Chống chỉ định
Người suy gan, suy thận, acid uric máu cao và rối loạn chuyển hóa porphyrin.
Chế phẩm và liều dùng
Pyrazinamid (PZA, Novamid, Zinamid): viên nén 100g và 500mg
Tấn công 25mg/kg/24h dùng hàng ngày
Duy trì 35mg/kg/24h x 3 lần/tuần hoặc 50mg/kg/24h x 2 lần/tuần
5. Streptomycin (xem bài Kháng sinh)
6. Ethionamid
Ethionamid hấp thu tốt qua đường uống, phân bố rộng rãi vào dịch não tuỷ với
nồng độ tương đương trong huyết tương. Thuốc chuyển hóa ở gan và thải trừ qua thận,
thời gian bán thải khoảng 2 giờ.
Thuốc có tác dụng kìm trực khuẩn lao, hoạt lực yếu, dễ kháng thuốc, thường
dùng thay thế thuốc kháng lao nhóm I khi trực khuẩn lao kháng nhóm I hoặc bệnh
nhân bị dị ứng với thuốc nhóm I.
Thuốc cũng có tác dụng với trực khuẩn phong, nên cũng được dùng thay thế
clofazimin trong phác đồ để điều trị bệnh phong.
Tác dụng không mong muốn: chán ăn, rối loạn tiêu hóa, miệng có vị kim loại,
đau đầu, chóng mặt, viêm dây thần kinh ngoại biên và dị ứng.
Liều dùng: Người lớn 500-750mg/24h
Trẻ em dưới 10 tuổi 10mg/kg/24h
7. Acid para aminosalicylic (PAS)
Thuốc có tác dụng kìm khuẩn, ức chế hầu hết các vi khuẩn lao, tác dụng theo cơ
chế ức chế cạnh tranh với PABA trong quá trình tổng hợp acid folic.
Tác dụng không mong muốn thường gặp là rối loạn tiêu hóa: buồn nôn, nôn, tiêu
chảy (khoảng 30%). Ngoài ra gây đau cơ, đau khớp, mệt mỏi, ban da. Thuốc này hiện
nay ít dùng.
8. Cycloserin
Là kháng sinh phổ rộng, ngoài tác dụng trên vi khuẩn lao, thuốc còn có tác dụng
trên E.coli, Staph, aureus, Enterobacter, Chlamydia…
Cycloserin chủ yếu dùng để điều trị lao tái phát đã kháng thuốc nhóm I.
Tác dụng không mong muốn thường gặp là rối loạn thần kinh như: đau đầu,
chóng mặt, động kinh, co giật. Vì vậy thuốc không dùng cho bệnh nhân bị động kinh.
Liều dùng: 250-500mg x 2 lần/ngày

159
9. Capreomycin (Caprocin)
Dùng tiêm bắp trị các thể lao đã kháng với thuốc trị lao nhóm I
Tác dụng không mong muốn là độc với thận, chóng mặt, ù tai, tăng các ion Mg++,
Ca++, K+ ở nước tiểu.
Liều dùng: tiêm bắp 1 gam/ngày x 2 lần/tuần
2.10. Các thuốc khác: kanamycin, amikacin… (xem bài Aminoglycosid" chương
"Kháng sinh).
LƯỢNG GIÁ

* Trả lời ngắn:

1. Rifampicin có tác dụng với:


A………………………………………
B……………………………………….
C. Một số vi khuẩn khác.
2. Không dùng Rifampicin cho:
A………………………………………
B……………………………………….
C. Suy gan nặng.
3. Không dùng Ethambutol cho:
A………………………………………
B……………………………………….
C. Trẻ dưới 5 tuổi.
D. Viêm dây thần kinh thị giác.
4. 5 thuốc chống lao thường dùng là:
A. Isoniazid
B………………………………………
C……………………………………….
D. Ethambutol và Pyrazinamid.
5. Điều trị bệnh lao trong giai đoạn tấn công phải dùng ít nhất (A)……………….thuốc
chống lao. Thời gian điều trị bệnh lao ít nhất là (B)…………..tháng.
6. Thuốc chống lao thường dùng có (A)…………………..điều trị cao và
(B)………………tác dụng không mong muốn.
7. Dùng Isoniazid để điều trị bệnh lao trẻ em với liều (A)…………………người lớn
với liều (B)……………………….
8. Dùng Rifampicin với liều không quá (A)…………………………/24 giờ và uống
(B)…………………………../lần trong ngày.
* Câu đúng sai:
9. Kanamycin là thuốc chống lao thường dùng.
10. Thức ăn làm tăng hấp thu Isoniazid.
11. Thuốc chứa nhôm làm giảm hấp thu Isoniazid.
12. Isoniazid có tác dụng không mong muốn là viêm dây thần kinh.
13. Dùng Isoniazid có thể gây cảm giác kiến bò ở chân tay.
14. Isoniazid gây khô miệng.
15. Vitamin B6 làm giảm tác dụng không mong muốn của Isoniazid.
160
16. Rimifon tác dụng lên màng tế bào trực khuẩn lao.
17. Kanamycin là kháng sinh nhóm Macrolid.
18. Không dùng Pyrazinamid cho người có thai.
19. Ethambutol có tác dụng với trực khuẩn lao đã kháng Isoniazid.
20. Isoniazid có thể gây dị ứng.
* Câu lựa chọn:
21. Isoniazid còn có tên khác là:
A. Rifampicin
B. Rimifon
C. Ethambutol
D. Pyrazinamid
23. Liều cả ngày của Isoniazid nên:
A. Uống 1 lần
B. Chia 2 lần
C. Chia 3 lần
D. Chia 4 lần
24. Thời điểm tốt nhất uống Rifampicin là:
A. Sáng sớm lúc đói
B. Trước khi ăn trưa
C. Sau khi ăn trưa
D. Trước khi đi ngủ
25. Nước tiểu có màu da cam khi dùng:
A. Rifampicin
B. Rimifon
C. Streptomycin
D. Pyrazinamid
26. Thuốc vừa được dùng điều trị lao vừa được dùng điều trị hủi là:
A. Rifampicin
B. Rimifon
C. Streptomycin
D. Pyrazinamid
27. Streptomycin là kháng sinh nhóm:
A. Bêta – Lactam
B. Amino Glycosid
C. Cloramphenicol
D. Tetracyclin

161
Bài 2
THUỐC ĐIỀU TRỊ SỐT RÉT

MỤC TIÊU
1. Phân loại được các nhóm thuốc diệt ký sinh trùng sốt rét.
2. Trình bày được các đặc điểm dược động học cơ bản, tác dụng, cơ chế tác
dụng, chỉ định, tác dụng không mong muốn, chống chỉ định, chế phẩm và liều dùng
của các thuốc điều trị sốt rét.
3. Phân tích được ưu, nhược điểm của quinin và cloroquin.

I. ĐẠI CƯƠNG
1. Vài nét về bệnh sốt rét
- Là bệnh truyền nhiễm do ký sinh trùng sốt rét Plasmodium gây ra, có 4 loài là:
Plasmodium falciparum, Plasmodium vivax, Plasmodium malariae và Plasmodium
ovale.
- Ở Việt Nam bệnh sốt rét chủ yếu ro P.lalciparum (chiếm 80-85%) - là loài
thường gây sốt rét ác tính. P.vivax chiếm 15-20%, P.malariae chiếm 1-2%.
- Bệnh sốt rét lây truyền qua đường máu: qua côn trùng trung gian là muỗi
Anophen, qua đường truyền máu hoặc từ mẹ truyền sang con trong lúc mang thai.
2. Chu kỳ phát triển của ký sinh trùng sốt rét
Sự phát triển của ký sinh trùng sốt rét trải qua các giai đoạn cơ bản sau:
. Chu kỳ tiền hồng cầu: muỗi đốt người, thoa trùng sẽ truyền từ muỗi vào người,
tới tế bào gan, phát triển rồi phân chia thành tiểu thể hoa cúc gọi là ký sinh trùng non
(thể phân liệt mô).
. Chu kỳ hồng cầu: các ký sinh trùng non đổ vào máu, chui vào các hồng câu,
phát triển rồi phân chia tiếp thành tiểu thể hoa cúc (thể phân liệt trong hồng cầu) sau
đó phá vỡ hồng cầu ra ngoài tiếp tục chui vào hồng cầu khác gây nên cơn sốt rét có
tính chu kỳ. Thời gian của chu kỳ hồng cầu khác nhau giữa các loài: Với P.lalciparum
và P.vivax là 48 giờ, còn P. malariae là 72 giờ.
. Chu kỳ ngoại hồng cầu: với P.vivax và P. malariae sau chu kỳ tiền hồng cầu,
một số ký sinh trùng ở lại gan phát triển thành thể ẩn gây sốt rét tái phát.
. Thể giao tử (thể hữu tính): một số ký sinh trùng ở lại huyết thanh phát triển
thành giao tử. Khi muỗi hút máu, giao tử vào cơ thể muỗi rồi phát triển thành thoa
trùng đến cư trú ở tuyến nước bọt của muỗi tiếp tục lây truyền bệnh cho người khác.
3. Phân loại thuốc điều trị sốt rét
- Thuốc cắt cơn sốt (thuốc diệt để phân liệt trong hồng cầu: quinin, chlorquin,
mefloquin, artemisinin, artesunat, halofantrin…
- Thuốc chống tái phát (diệt thể vô tính ở chu kỳ ngoại hồng cầu của P.vivax và
P.malariae): primaquin.
- Thuốc chống lây truyền (diệt giao tử): primaquin
- Thuốc dự phòng (diệt thể vô tính ở chu kỳ tiền hồng cầu): chlorquin, cloguanid,
pyrimethamin, fansidar, mefloquin.
4. Phác đồ điều trị và dự phòng sốt rét
(Theo hướng dẫn của Bộ y tế 27/6/2003)
4.1. Điều trị sốt rét
4.1.1. Điều trị sốt rét thường
Dựa vào kết quả xét nghiệm và chẩn đoán lâm sàng để chọn thuốc theo bảng
dưới đây.

162
Nhóm bệnh Sốt rét do Sốt rét do Sốt rét nhiễm
Nghi sốt rét
nhân P.falciparum P.vivax phối hợp
Artesunat hoặc
Dưới 3 tuổi Artesunat Chloroquin Artesunat
chloroquin
CV-8 hoặc
Artesunat hoặc Chloroquin + Artesunat
Từ 3 tuổi trở lên artesunat +
chloroquin primaquin + primaquin
primaquin
Người mang
Artesunat hoặc
thai dưới 3 Quinin Chloroquin Quinin
chloroquin
tháng
Người mang
Artesunat hoặc
thai từ 3 tháng Artesunat Chloroquin Artesunat
chloroquin
trở lên
Bảng : Lựa chọn thuốc điều trị sốt rét theo nhóm bệnh nhân
và chủng loại ký sinh trùng sốt rét

4.1.2. Điều trị sốt rét ác tính


Sử dụng ưu tiên các thuốc
- Artesunat: lọ thuốc têm 60mg, viên đạn 50 và100mg.
- Quinin dihydroclorid hoặc quinin hydroclorid ống 500mg.
4.2. Dự phòng sốt rét
- Người mang thai uống 2 viên chlorquin hàng tuần trong suốt thai kỳ
- Khacsh du lịch, người đến công tác (trong vòng 6 tháng) uống thuốc hàng tuần
trong thời gian ở vùng sốt rét và 4 tuần sau khi ra khỏi vùng sốt rét. Uống mefloquin
hoặc chloroquin nếu ký sinh trùng sốt rét còn nhạy cảm.
II. CÁC THUỐC ĐIỀU TRỊ SỐT RÉT
1. Quinin
Là alcaloid chiết xuất từ vỏ cây canhkina được dùng điều trị sốt rét từ lâu và hiện
nay vẫn là thuốc trị sốt rét ác tính quan trọng ở nước ta.
Dược động học
Hấp thu qua đường uống và đường tiêm. Sau khi uống 1-3 giờ thuốc đạt nồng độ
tối đa trong máu, liên kết với protein huyết tương 90%. Phân bố nhiều vào gan, lách,
phổi, qua được nhau thai và sữa mẹ. Thể tích phân bố là 1,5L/kg. Chuyển hóa ở gan và
thải trừ chủ yếu qua nước tiểu dưới dạng đã chuyển hóa, thời gian bán thải khoảng 11
giờ, kéo dài nếu bệnh nhân suy thận. Khi pH nước tiểu acid, tốc độ bài xuất sẽ tănmg.
Tác dụng và cơ chế
- Với ký sinh trùng sốt rét: quinin có tác dụng diệt thể phân liệt trong máu của tất
cả các ký sinh trùng sốt rét sốt rét, thuốc cắt cơn nhanh và ít bị kháng. Quinin có tác
dụng cả với ký sinh trùng đã kháng chloroquin (tuy nhiên ở vùng chưa kháng
chloroquin thì tác dụng của quinin kém hơn chloroquin).
Quinin cũng diệt được thể giao tử của P.vivax và P.malariae
- Cơ chế tác dụng: nhân quinolein trong phân tử quinin gắn vào chuỗi ADN của
ký sinh trùng làm mất khả năng tách đôi và sao chép mã di truyền.
- Các tác dụng khác:
+ Trên thần kinh trung ương: liều nhỏ kích thích nhẹ, liều cao ức chế gây buồn
ngủ, giảm dau và có tác dụng hiệp đồng với các thuốc ức chế thần kinh trung ương
khác.
+ Trên thân nhiệt: hạ sốt do ức chế trung tâm điều nhiệt ở vùng dưới đồi

163
+ Trên tuần hoàn: bình thường thuốc ít ảnh hưởng thuốc, nhưng khi dùng liều
cao, nhất là tiêm tĩnh mạch thuốc gây ức chế tim, giãn mạch và hạ huyết áp. Thuốc có
tác dụng chống loạn nhịp tim giống quinidin nhưng yếu hơn, cụ thể là thuốc làm giảm
dẫn truyền, giảm hưng phấn và kéo dài thời kỳ trơ của tim.
+ Trên cơ trơn: làm tăng co bóp cơ trơn tử cung giống oxytocin nhưng yếu
+ Trên tiêu hóa: tăng tiết dịch tiêu hóa, liều nhỏ giúp ăn ngon dễ tiêu, liều cao
gây buồn nôn, nôn, tiêu chảy.
Chỉ định
Diệt thể phân liệt trong máu, đặc biệt là P.falciparum kháng chloroquin và các
thuốc khác. Thuốc nên dùng phối hợp với primaquin và sulfadoxin.
Tác dụng không mong muốn
Thường gặp là nhức đầu, buồn nôn, nôn, rối loạn thị giác, chóng mặt, ù tai, thiếu
máu tan máu, giảm bạch cầu, mất bạch cầu hạt, giảm tiểu cầu và hạ đường huyết.
Ngoài ra có các phản ứng quá mẫn như ban da, khó thở…
Quá liều gây rối loạn các tiêu hóa, rối loạn thị giác, rối loạn tim mạch và rối loạn
thần kinh (nhức đầu, lú lẫn, mê sảng), nếu không cấp cứu kịp sẽ hôn mê, trụy tim
mạch, liệt hô hấp và tử vong.
Chống chỉ định
Bệnh nhân ù tai, viêm dây thần kinh thị giác, nhược cơ và người mang thai
Chế phẩm và liều dùng
Quinamin, Quinine lafran (dạng muối sulfat, hydoclorid), Quinoform (dạng muối
formiat) viên nén, viên bao 125, 200, 250 và 300mg.
Quinoserum (dạng muối dihydroclorid) viên nén 300mg, dung dịch tiêm
100mg/5mL, 300mg/mL, 500mg/2mL.
Quinostovasolat viên 250, dung dịch tiêm 250mg/10mL.
2. Chloroquiin
Dược động học
Hấp thu tốt qua đường uống, tiêm bắp và tiêm dưới da. Sau khi uống từ 3-5 giờ
thuốc đạt nồng độ tối đa trong máu. Thuốc phân bố nhanh và rộng rãi vào các mô, V d
= 100L/kg.
Tập trung nhiều ở gan. Nồng độ thuốc ở gan cao gấp hơn 200 lần trong huyết
tương. Thuốc vào được dịch não tuỷ, thai và sữa mẹ. Liên kết với protein huyết tương
khoảng 55%. Chuyển hóa ở gan khoảng 60%, chất chuyển hóa chính là
desethylchloroquin. Thải trừ qua thận và chủ yếu qua nước tiểu, thời gian bán thải 5-7
ngày.
Tác dụng và cơ chế .
- Với ký sinh trùng sốt rét: chloroquin diệt thể vô tính ở giai đoạn tiền hồng cầu
và trong hồng cầu, thể giao tử của các ký sinh trùng sốt rét (trừ vùng P.lalciparum
kháng chloroquin). Tác dụng cắt cơn sốt rét nhanh và thời gian bán thải kéo dài hơn
quinin nên chloroquin thường dùng dự phòng và điều trị cắt cơn sốt rét do P.vivax và
P. malariae.
Thuốc không có tác dụng trên giai đoạn ngoại hồng cầu nên để chống tái phát,
phải phối hợp với primaquin.
- Các tác dụng khác: diệt sán lá gan và amip gan, ức chế miễn dịch nên dùng điều
trị viêm khớp dạng thấp, lupus ban đỏ, rối loạn chuyển hóa porphyrin và các loại ban
da.
- Cơ chế tác dụng: các ký sinh trùng tiêu hóa hemoglobin của tế bào vật chủ, giải
phóng ra một số chất là sắt, Feriprotoporphyrin IX (FP IX), acid amin, hem. Đồng thời

164
polyme hóa hem thành sắc tố hemozoin làm thức ăn cho ký sinh trùng sốt
rét.Chloroquin có tác dụng diệt ký sinh trùng sốt rét có thể do các cơ chế sau:
+ Ức chế quá trình polyme hóa, làm thiéu hemozoin và tích luỹ hem gây độc cho
ký sinh trùng.
+ Tạo phức hợp polyme hóa, làm thiếu hemozoin và tích luỹ hem gây độc cho ký
sinh trùng.
+ Tạo phức hợp chloroquin - FP IX gây tiêu huỷ màng tế bào và diệt ký sinh
trùng.
+ Do là base yếu nên khi xâm nhập vào nội bào (có bản chất acid) tạo hệ đệm
làm mất khả năng tiêu hóa hemoglobin của ký sinh trùng.
Chỉ định
- Dự phòng và điều trị sốt rét (trừ vùng P.falciparum kháng thuốc)
- Điều trị amip gan và sán lá gan
- Điều trị viêm đa khớp dạng thấp và lupus ban đỏ.
Tác dụng không mong muốn
- Liều điều trị sốt rét gây rối loạn tiêu hóa nhẹ,chán ăn, nhức đầu
- Liều cao gây rối loạn tiêu hóa nhiều, độc với thần kinh và tâm thần như viêm
dây thần kinh ngoại biên, rối loạn thính giác, thị giác, tổn thương da, suy tim, thiếu
máu tan máu…
Chống chỉ định
- Mẫn cảm với thuốc
- Bệnh võng mạc
- Người mang thai
- Thận trọng với người bệnh gan, máu và rối loạn thần kinh.
Chế phẩm và liều dùng
Chloroquin (Nivaquin, Delagyl) viên 250mg.
3. Mefloquin
Dược động học
Chỉ dùng đường uống (vì đường tiêm gây kích ứng mạnh), sinh khả dụng khoảng
80%, hấp thu tốt khi có mặt thức ăn. Liên kết với protein huyết tương 98%. Phân bố
rộng rãi trong cơ thể, tập trung nhiều ở gan và phổi. Thải trừ chậm và chủ yếu qua
phân, thời gian bán thải khoảng 20 ngày.
Tác dụng và cơ chế
Diệt thể phân liệt trong máu của tất cả các ký sinh trùng sốt rét, kể cả
P.falciparum kháng chloroquin. Thuốc không có tác dụng lên giai đoạn ngoại hồng
cầu.
Cơ chế: chưa biết chính xác nhưng có thể thuốc cũng ức chế khâu lấy thức ăn của
ký sinh trùng hoặc tạo phức với hem gây phá vỡ màng tế bào ký sinh trùng hoặc làm
tăng pH trong ký sinh trùng, ngăn cản sự xâm nhập thuốc vào trong hồng cầu.
Chỉ định
Phòng và điều trị sốt rét do chủng P.falciparum kháng chloroquin và đa kháng
thuốc.
Vì tác dụng chậm và không dùng được đường tiêm nên không thay thế được
quinin trong điều trị cơn sốt rét nặng và cấp tính.
Tác dụng không mong muốn
Liều điều trị có thể gây rối loạn tiêu hóa nhẹ, nhức đầu, chóng mặt, buồn nôn.
Với liều cao, các rối loạn tiêu hóa ở mức độ nặng, có các triệu chứng rối loạn
thần kinh, tâm thần, co giật, rối loạn thị giác, ù tai.

165
Chống chỉ định
Động kinh và rối loạn tâm thần
Suy gan, thận nặng
Người mang thai 3 tháng đầu
Thận trọng khi lái xe, vận hành máy móc, làm việc trên cao, bên bờ vực…
Blốc tim
Tương tác thuốc
Khi phối hợp với quinin, quinidin nhóm chẹn beta adrenergic làm tăng độc tính
trên tim, gây ức chế tim mạch.
Chế phẩm
Lariam, Meflam (dạng muối hydroclorid) viên nén 250mg (tương đương 228mg
mefloquin base).
Fansimef, viên nén phối hợp với fansidar: 250mg mefloquin + 25mg
pyrimethamin + 500mg sulfadoxin.
4. Artemisinin và dẫn xuất (Quing hao su)
Artemisinin được chiết xuất từ cây Thanh hao hoa vàng, ít tan nen chủ yếu dùng
đường uống và đặt trực tràng. Hai dẫn xuất bán tổng hợp của artemisinin là artesunat
tan trong nước dùng tiêm tĩnh mạch và artemether tan trong dầu dùng tiêm bắp.
Artemisinin cắt cơn sốt nhanh và ít tác dụng không mong muốn. Tuy nhiên do
thải trừ quá nhanh nên tỷ lệ tái phát cao, vì vậy hiện nay chủ yếu dùng các dẫn xuất
bán tổng hợp là artesunat, artemether và dihydroartemisimin.
Artemether dùng đường uống, tiêm bắp. Artesunat dùng đường uống, tiêm bắp,
tiêm tĩnh mạch hoặc đặt trực tràng. Sau tiêm bắp 4-9 giờ thuốc đạt nồng độ tối đa
trong máu, liên kết với protein huyết tương 77%. Các chất này khi vào cơ thể đều được
chuyển hóa thành dihydroartemisini có tác dụng mạnh gấp 5 lần artemisinin. Các
thuốc thải trừ qua nước tiểu.
Tác dụng
Thuốc triệt để phân liệt trong máu của mọi ký sinh trùng sốt rét đặc biệt tốt với
sốt rét thể não do chủng P.falciparum gây ra, kể cả P.lalciparum kháng chloroquin.
Thuốc không diệt giao bào và không có tác dụng lên giai đoạn ngoại hồng cầu, hơn
nữa thời gian tác dụng ngắn, nên không dùng làm thuốc dự phòng và không dùng
chống tái phát.
Tác dụng không mong muốn
Thường nhẹ và thoáng qua như rối loạn tiêu hóa, nhức đầu, chóng mặt, ù tai,
chậm nhịp tim…
Chế phẩm và liều dùng
- Arrtemisinin:
Uống: ngày đầu 1g/24h, chia 2 lần. Những ngày sau 500mg/24h x 4 ngày
Đặt hậu môn: ngày đầu 1,25g/24h. Những ngày sau 750mg/24hx2 - 3 ngày
- Artemether: ngày đầu 300mg/24h. Các ngày sau 100mg/24h x 4 ngày
- Artesunat: xem các bảng dưới
5. Fansidar
Là thuốc phối hợp giữa pyrimethamin với sulfadoxin
Dược động học
Hấp thu tốt qua đường tiêu hóa. Sau khi uống 2-8 giờ, thuốc đạt nồng độ tối đa
trong máu. Liên kết với protein huyết tương khoảng 90%. Thải trừ chủ yếu qua nước
tiểu, thời gian bán thải của sulfadoxin là 170 giờ, của pyrimethamin là 80-110 giờ.

166
Tác dụng và cơ chế
Sulfadoxin là sulfamid chậm, có tác dụng diệt thể vô tính trong hồng cầu của
P.falciparum, tác dụng yếu với P.vivax. Thuốc không có tác dụng trên thể giao tử và
thể vô tính ở giai đoạn ngoại hồng cẩu. Cơ chế tác dụng là ức chế dihydrofolat
synthetase.
Pyrimethamin là san xuất pyrimidin có tác dụng yếu trên thể vô tính trong hồng
cầu của cả 4 loài Plasmodium. Thuốc còn diệt thể vô tính ở chu kỳ tiền hồng cầu và
thể giao tử nên có tác dụng chống lây lan. Cơ chế tác dụng là ức chế enzym
dihydrofolat reductase.
Khi phối hợp sulfdoxin với pyrimethamin sẽ tạo tác dụng hiệp đồng tăng cường
do ức chế cả 2 khâu trong quá trình tổng hợp acid folic.
Sulfadoxin Primethamin
(-) (-)
Dihydrofolat Dihydrofolat
synthetase reductase
Acid folic
Pteridin + PABA Acid folic Acid tetrahydrofolic Purin ADN
Pyrimidin
Cơ chế tác dụng của fansidar
Chỉ định
Điều trị sốt rét do P.falciparum kháng chloroquin
Dự phòng cho người đi vào vùng sốt rét lưu hành
Tác dụng không mong muốn
Có thể gặp các phản ứng dị ứng (ngứa, mày đay…), rối loạn về máu (thiếu máu,
tan máu, giảm bạch cầu hạt), các rối loạn tiêu hóa, rối loạn chức năng thận.
Chống chỉ định
Mẫn cảm với thuốc, suy gan nặng, người mang thai những tháng cuối và thời kỳ
cho con bú.
Chế phẩm và liều dùng
Fansidar, Fansipar, Madomin: viên nén 500mg sulfadoxin + 25mg pyrimethamin.
Ống tiêm 400mg sulfadoxin + 20mg pyrimethamin.
Thuốc tương tự là Maloprim: viên nén phối hợp pyrimethamin 12,5mg + dapson
100mg.
Điều trị sốt rét: người lớn uống liều duy nhất 3 viên hoặc tiêm bắp, truyền tĩnh
mạch 2 ống.
Dự phòng: uống 1 viên/tuần, 3 viên/tháng.
6. Halofantrin (Halfan)
Halofantrin thuộc dẫn xuất phenanthren methanol. Chỉ dùng đường uống.
Có tác dụng lên thể phân liệt trong máu của tất cả các loài Plasmodium, cả các
loài đã kháng nhiều thuốc. Đặc biệt, hay dùng để điều trị sốt rét thể não. Halofantrin
cũng được dùng thay thế quinin và chloroquin ký sinh trùng kháng 2 thuốc này.
- Tác dụng không mong muốn: chóng mặt, nhức đầu, đau bụng, nôn. Liều cao
gây loạn nhịp thất, kéo dài khoảng QT. Thức ăn có nhiều dầu mỡ sẽ làm tăng hấp thu
thuốc và tăng độc tính. Thuốc không dùng cho người mang thai.
- Liều dùng: 500mg/lần x 3 lần/24h, sau 1tuần lặp lại liều như trên
Thuốc nên uống lúc đói và tránh ăn dầu, mỡ trong vòng 24h sau khi uống thuốc.

167
7. Primaquin
Dược động học
Hấp thu nhanh và gần như hoàn toàn qua đường tiêu hóa. Thuốc đạt nồng độ tối
đa trong huyết tương sau khi thuốc 1-3 giờ, chuyển hóa nhanh ở gan. Trong số các
chất chuyển hóa của primaquin, có 5 hydroxyprimaquin và 5 hydroxy 6 demethyl
primaquin gây độc với máu, gây methemoglobin. Thải trừ chủ yếu qua nước tiểu, thời
gian bán thải khoảng 6 giờ.
Tác dụng
Thuốc diệt thể vô tính ở giai đoạn ngoại hồng cầu của P.vivax và P.malarie và
diệt thể giao tử nên chủ yếu dùng thuốc tái phát và chống lan truyền bệnh. Tác dụng
cắt cơn sốt rét yếu, nên thường phối hợp với thuốc điều trị cắt cơn sốt như quinin,
chloroquin…
Tác dụng không mong muốn
Thường gặp là rối loạn tiêu hóa, nhức đầu, chóng mặt, giảm bạch cầu, mất bạch
cầu hạt, methemoglobin, thiếu máu tan máu, có huyết cầu tố trong nước tiểu, nhất là ở
người thiếu enzym G6PB.
Thuốc không được dùng cho người mang thai, thời kỳ cho con bú, trẻ em dưới 5
tuổi, người có tiền sử các bệnh về máu.
Chế phẩm và liều dùng
Viên primaquin phosphat 26,3mg và 13,2mg (tương đương 15mg và 7,5mg dạng
base).
8. Pyrimethamin
- Hấp thu chậm, đạt nồng độ tối đa trong máu sau 24 giờ, duy trì tác dụng 1 tuần
và thải trừ chậm nên có thể dùng dự phòng. Thuốc qua nhau thai, sữa mẹ.
- Thuốc diệt thể phân liệt trong máu chậm hơn quinin và chloroquin nên không
dùng điều trị cắt cơn. Pyrimethamin chủ yếu phối hợp với sulfamid chậm như
sulfadoxin, sulfon để dự phòng và điều trị sốt rét do P.falciparum kháng thuốc (Đọc
thêm fansidar).
9. Propgunail
Tương tự pyrimethamin, thuốc ít độc nhưng nếu dùng lâu dài có thể gây thiếu
máu do thiếu folat. Thuốc không dùng cho người mang thai, thời kỳ cho con bú và trẻ
em dưới 2 tuổi.
10. Các kháng sinh trị sốt rét
Tetracyclin
Có tác dụng tốt với cơn sốt rét cấp do các chủng P.falciparum đa kháng thuốc.
Liều điều trị sốt rét: 250-500mg x 3-4 lần/24h, đợt điều trị 7-10 ngày.
Không dùng tetracyclin để dự phòng trong thời gian dài, không dùng cho phụ nữ
có thai và trẻ em dưới 8 tuổi (đọc thêm phần kháng sinh).
Doxycyclin
Tương tự tetracyclin, doxycyclin dùng điều trị các chủng P.falciparum kháng
thuốc, nhưng doxycyclin an toàn hơn tetracyclin.
Liều điều trị sốt rét: 100mg x 2 lần/24h đợt điều trị 7 ngày.

LƯỢNG GIÁ

* Câu trả lời ngắn:


1. Không dùng Quinin cho bệnh nhân:
A……………………………………..
B……………………………………...
168
C. Bệnh lý ở tai, mắt, tim mạch.
2. Hai thuốc chống sốt rét đã học có nguồn gốc thực vật là:
A……………………………………..
B……………………………………...
3. Hai thuốc diệt thể vô tính của ký sinh trùng sốt rét có nguồn gốc tổng hợp là:
A……………………………………..
B……………………………………...
4. Tác dụng không mong muốn của Cloroquin trên tiêu hoá là:
A……………………………………..
B……………………………………...
C. Ỉa lỏng.
5. Viên Fansidar có chứa hai thuốc:
A……………………………………..
B……………………………………...
6. Cloroquin được dùng để điều trị:
A. Sốt rét
B……………………………………..
C……………………………………...
D. Luput ban đỏ rải rác
7. Không dùng Fansidar cho bệnh nhân:
A……………………………………..
B……………………………………...
C. Dị ứng thuốc
D. Suy gan, thận
* Câu đúng – sai:
8. Quinin tích luỹ lâu trong cơ thể.
9. Quinin không gây kích ứng dạ dày.
10. Quinin làm giảm co bóp tử cung.
11. Cloroquin có tác dụng không mong muốn là gây thiếu máu, tan máu.
12. Quinin có tác dụng diệt thể giao bào của P.Vivax.
13. Artemisinin là hoạt chất của vỏ cây Quin Quina.
14. Cloroquin có tác dụng chống viêm.
15. Bệnh nhân có thai bị sốt rét, có thể dùng Cloroquin để điều trị.
Câu lựa chọn
16. Từ cây thanh cao hoa vàng, người ta chiết xuất được:
A. Cloroquin
B. Quinin
C. Artemisinin
D. Fansidar
17. Không dùng Cloroquin cho trẻ em dưới:
A. 1 tuổi
B. 3 tuổi
C. 5 tuổi
D. 8 tuổi

169
18. Trong các thuốc dưới đây, thuốc có tác dụng diệt thể giao bào của ký sinh trùng sốt
rét là:
A. Quinin
B. Fansidar
C. Artemisinin
D. Primaquin
19. Bệnh nhân có thể bị bạc tóc, xạm da khi dùng:
A. Quinin
B. Cloroquin
C. Fansider
D. Artemisinin
20. Dùng Fansidar để điều trị sốt rét với:
A. 1 liều duy nhất
B. 1 đợt 7 ngày
C. 1 đợt 10 ngày
D. 1 đợt kéo dài 1 tháng
21. Không dùng Cloroquin bằng đường:
A. Uống
B. Tiêm bắp
C. Tiêm tĩnh mạch
D. Truyền nhỏ giọt tĩnh mạch
22. Không dùng Fansidar bằng đường:
A. Uống
B. Tiêm bắp
C. Tiêm tĩnh mạch
D. Truyền nhỏ giọt tĩnh mạch

170
Bài 3
THUỐC DIỆT AMIP
VÀ TRICHOMONAS VAGINALIS
MỤC TIÊU
1. Trình bày được các đặc điểm dược động học cơ bản, tác dụng, cơ chế tác
dụng, chỉ định, tác dụng không mong muốn, chống chỉ định của các thuốc diệt amip và
trichomonas.
2. Phân tích được ưu, nhược điểm của metronidazol và dehydroemetin.

I. ĐẠI CƯƠNG
1. Vài nét về bệnh do amip và trichomonas
- Bệnh do amip do trichomonas phổ biến ở nước ta và các nước nhiệt đới, điều
kiện vệ sinh kém.
- Bệnh amip do sinh vật đơn bào Entamoeba và histolytica gây ra với nhiều biểu
hiện lâm sàng khác nhau như lỵ ở đại tràng (gọi là lỵ amip), áp xe gan, não, phổi…
- Trichomonas vaginalis là sinh vật đơn bào sống ở âm đạo và tuyến tiền liệt
nhưng chủ yếu gây bệnh cho phụ nữ, như viêm âm đạo, âm hộ, khí hư, viêm cổ tử
cung… Nam giới nhiễm trichomonas thường không có triệu chứng gì nhưng là nguồn
lây cho nữ, làm bệnh dai dẳng khó chữa và gây tái phát bệnh.
2. Chu kỳ phát triển của amip
Trong cơ thể, amip tồn tại dưới 2 thể: thể bào tử (thể kén) và thể hoạt động (gồm
2 thể là minuta và histolytica).
Các bào tử sau khi xâm nhập vào cơ thể (qua đường phân - thức ăn, nước uống)
sẽ thoát vỏ ở ruột non thành thể minuta.
Thể minuta sống trong đại tràng, chưa hút hồng cầu và chưa gây bệnh. Khi gặp
thuận lợi, chúng nhân lên nhanh chóng và phát triển thành thể trưởng thành hisolytica.
Thể hisolytica là thể hút hồng cầu, chế ra enzym tiêu huỷ các mô ở đại tràng gây
tổn thương niêm mạc đại tràng, tạo ra những rối loạn đặc trưng của bệnh amip cấp.
Bên cạnh đó, một số còn di chuyển tới mạch máu và cơ quan nội tạng gây tắc mạch
máu, áp xe gan, áp xe phổi, áp xe não và nhiều biến chứng nguy hiểm khác.
Khi gặp bất lợi, thể hisolytica sẽ chuyển thành thể bào tử có sức bền lớn, sống
trong đại tràng, không gây bệnh nhưng là nguồn tái phát nếu không điều trị triệt để.
Khi thải ra ngoài theo phân sẽ là nguồn lây bệnh cho người lành.
3. Phân loại thuốc
3.1. Thuốc diệt amip
- Dẫn xuất 5 nitroimidazol: metronidazol, tinidazol, secnidazol, ornidazol.
- Dẫn xuất halogen của hydroxyquinolein: diiodohydroxyquinolein,
methylbromoxyquinolein, cloroiodoxyquinolein.
- Dẫn xuất amid: diloxanid, clefamid, ectofamid, tecloson.
- Các kháng sinh: paramomycin, tetracyclin, erythromycin.
Thuốc diệt amip ở mô
- Dẫn xuất 5 nitroimidazol: metronidazol, tinidazol, secnidazol, ornidazol.
- Emetin và đehdroemetin.
- Chloroquin.
1.3.2. Thuốc diệt trichomonas vaginalis
Dẫn xuất 5 nitroimidazol: metronidazol, tinidazol,secnidazol, ornidazol.

171
II. CÁC THUỐC ĐIỀU TRỊ
1. Metronidazol
Metronidazol là dẫn xuất của 5 nitro imidazol thế hệ 1
Dược động học
Metronidazol hấp thu nhanh và hoàn toàn qua đường tiêu hóa. Sau khi uống
500mg 1 giờ, thuốc đạt nồng độ tối đa trong huyết tương là 10g/mL. Metronidazol
xâm nhập tốt vào các mô và dịch cơ thể, kể cả nước bọt, dịch âm đạo, tinh dịch, sữa
mẹ và dịch não tuỷ. Liên kết với protein huyết tương 10% - 20%. Chuyển hóa ở gan
bằng phản ứng oxy hóa (khoảng 50%), chất chuyển hóa còn hoạt tính, thải trừ chủ yếu
qua nước tiểu, thời gian bán thải khoảng 8 giờ.
Tác dụng và cơ chế
Metronidazol có tác dụng tốt với amip ở trong và ngoài ruột, cả thể cấp và thể
mạn. Với lỵ amip mạn ở ruột, thuốc có tác dụng yếu hơn do khó xâm nhập vào đại
tràng.
Ngoài ra thuốc có tác dụng tốt với trichomonas vaginalis, Giardia, các vi khuẩn
kị khí gram âm kể cả Bacteroid, Clostridium, Helicobacter, nhưng không có tác dụng
trên vi khuẩn ưa khí.
Cơ chế: nhóm nitro của metronidazol bị khử bởi protein vận chuyển electron
hoặc bởi ferredoxin. Metronidazol dạng khử phá vỡ cấu trúc xoắn của ADN, tiêu diệt
vi khuẩn và sinh vật đơn bào.
Chỉ định
- Điều trị amip các thể: amip ruột, amip gan và amip ở các mô
- Trị nhiễm trichomonas vaginalis và các bệnh do sinh vật đơn bào khác
- Trị các nhiễm khuẩn răng miệng, tiêu hóa, ổ bụng, phụ khoa, hệ thần kinh trung
ương, nhiễm khuẩn huyết do các vi khuẩn kị khí nhạy cảm.
- Dự phòng phẫu thuật đường tiêu hóa, phụ khoa (phối hợp với các kháng sinh
khác).
Tác dụng không mong muốn
Thường gặp: chán ăn, buồn nôn, nôn, khô miệng, tiêu chảy, nhức đầu, miệng có
vị kim loại. Nặng: co giật, mất điều hòa, bệnh não, giảm bạch cầu, rối loạn đông máu.
Chống chỉ định
Mẫn cảm với thuốc
Bệnh nhân động kinh
Rối loạn đông máu
Người mang thai 3 tháng đầu, thời kỳ cho con bú
Tương tác thuốc
Metronidazol làm tăng tác dụng của warfarin, lithium, thuốc giãn cơ, nhóm
chống khử cực.
Các thuốc gây cảm ứng enzym như phenobarbital, rifampicin… làm giảm tác
dụng của metronidazol.
Thuốc gây hội chứng giống disulfiram vì vậy không nên uống rượu trong thời
gian điều trị.
Liều dùng và chế phẩm
Flagyl, Klion viên nén 250mg và 500mg; thuốc đặt 500mg, 1000mg, dịch truyền
100ml chứa 500mg, dạng gel 10% và nhiều chế phẩm phối hợp.
Lỵ amip ruột cấp và amip gan:
Người lớn: 500-750mg/lần x 2 - 3 lần/24h x 5 - 10 ngày
Trẻ em: 35 - 40mg/kg/24h chia 3 lần, đợt điều trị 5 - 10 ngày
Diệt trichomonas vaginalis:

172
Uống 750mg/24h chia 3 lần x 5-7 ngày hoặc 2g/24h x 3 ngày
Kết hợp đặt âm đạo 1 viên/ngày (điều trị đồng thời cả bạn tình)
Dự phòng phẫu thuật: 2g trước khi phẫu thuật 2 giờ
2. Dẫn xuất của metronidazol
Tinidazol (Fssigyn), secnidazol (Flagentyl) và orinidazol (Ornizol, Tiberal) là
dẫn xuất 5 - nitroimidazol thế hệ 2.
Các thuốc đều có đặc điểm tương tự như metronidazol nhưng dung nạp tốt hơn,
hiệu lực mạnh hơn, thời gian bán thải dài hơn nên rút ngắn được thời gian điều trị.
Liều dùng
- Trị amid ruột và amid gan:
+ Tinidazol: Người lớn 2g/ngày. Trẻ em 30mg/kg/24h
+ Secnidazol: Người lớn liều duy nhất 2g (với amid ruột), hoặc 1,5g/ngày x 5
ngày (với amid gan). Trẻ em 30mg - 50mg/kg/ngày x 5 ngày.
+ Ornidazol: 1,5mg/ngày x 3-5 ngày.
- Trị trichomonas: liều duy nhất 2g
- Dự phòng phẫu thuật: liều duy nhất 2g
2.1. Dehydroemetin
Dehydroemetin là dẫn xuất tổng hợp có tác dụng tương tự emetin, thời gian bán
thải ngắn hơn và ít độc hơn emetin.
Dược động học
Thuốc gây kích ứng mạnh đường tiêu hóa nên chỉ dùng dạng viên bao để diệt
amip ruột. Tiêm tĩnh mạch gây độc với tim nên thường dùng đường tiêm bắp sâu.
Thuốc khuyếch tán tốt vào các mô, tập trung nhiều ở gan, lách, phổi, thận. Thải trừ
chậm qua thận, thời gian bán thải của dehydroemetin là 2 ngày.
Tác dụng và cơ chế
Thuốc diệt amip chủ yếu ở ngoài ruột, ít có tác dụng với amip trong lòng ruột
(trừ khi dùng dạng thuốc dehydroemetin). Vì vậy thuốc thường dùng phối hợp với
chloroquin để điều trị các trường hợp bệnh nhân không dùng được dẫn xuất
nitroimidazol. Thuốc không diệt được thể bào tử.
Cơ chế: thuốc ức chế sự di chuyển của ribosom dọc theo ARN m, ức chế tổng hợp
ARN do đó ức chế kg hồi phục sự tổng hợp của protein của amip.
Chỉ định
Điều trị amip ruột và amip gan
Chỉ nên dùng khi các thuốc an toàn hơn không thể dùng được. Phối hợp với
thuốc trị thể kén để điều trị tận gốc và chống lây truyền bệnh.
Tác dụng không mong muốn
Trên tiêu hóa: buồn nôn, nôn, tiêu chảy
Trên tim mạch: loạn nhịp tim, suy tim sung huyết
Thần kinh cơ: yếu cơ, mỏi cơ, run nhất là cơ chi và cổ
Để hạn chế tác dụng không mong muốn, cần dùng thêm Vitamin B 1 và strychnin.
Chống chỉ định
Bệnh tim mạch, bệnh thận, viêm đa dây thần kinh và người mang tha
Chế phẩm và liều dùng
Ống tiêm 30mg/mL; 60mg/2mL và 20mg/2mL
Liều dùng: 1-1,5mg/kg/24h (tối đa 60mg/24h), đợt điều trị 5-10 ngày.
2.2. Chloroquin
Chloroquin có khả năng tập trung nhiều ở gan, nên chủ yếu điều trị amip gan.
Thuốc kg có tác dụng với amip trong lòng ruột vì phần lớn được hấp thu ở ruột non.
Chloroquin thường dùng phối hợp với thuốc điều trị amip ruột để tránh tái phát.

173
Các tác dụng khác (xin đọc bài thuốc phòng và điều trị sốt rét).
Liều dùng: 1g/24h trong 2 ngày đầu
0,5g/24h trong các ngày sau. Đợt điều trị 2-3 tuần
3. Thuốc diệt amip trong lòng ruột
3.1. Diloxanid
Dược động học
Diloxanid thường dùng dạng muối furoat. Sau khi uống, thuốc vào ruột thuỷ
phân tạo diloxanid base và acid furoic. Chỉ có diloxanid được hấp thu vào máu và
phần hấp thu này được thải trừ qua nước tiểu trong vòng 48 giờ.
Tác dụng và cơ chế
Diloxanid là dẫn xuất dicloroacetanilid, có tác dụng chủ yếu là diệt amip trong
lòng ruột. Thuốc có hiệu quả cao với thể kén.
Cơ chế tác dụng: ức chế tổng hợp protein của amip
Chỉ định
Điều trị amip ruột và amip thể kén
Tác dụng không mong muốn
Thường gặp là nôn, khô miệng, tiêu chảy, ngứa, mày đay
Chống chỉ định
Người mang thai và trẻ em dưới 2 tuổi
Chế phẩm và liều dùng
- Chế phẩm: viên nén 500mg
- Liều dùng: Người lớn 500mg x 3 lần/24h, đợt dùng 10-20 ngày
Trẻ em 20mg/kg/24h chia 3 lần, đợt dùng 10 ngày
Các dẫn xuất amip khác: có các đặc điểm tương tự diloxanid
3.2. Diiodohydroxyquinon (Iodoquinon, Direxiod)
- Thuốc diệt amip trong lòng ruột và dạng kén, không có tác dụng với amip ngoài
ruột nên để trị tận gốc cần phối hợp với các thuốc trị amip ngoài ruột.
- Tác dụng không mong muốn: theo thần kinh thị giác, giảm thị lực, viêm thần
kinh ngoại biên. Ngoài ra, tiêu chảy, buồn nôn, đau dạ dày, phình tuyến giáp.
- Chống chỉ định: bệnh nhân không dung nạp với iod, bệnh tuyến giáp, bệnh gan
và thận. Thận trọng với trẻ em.
- Các dẫn xuất halogen khác tương tự diiodhydroxyquinon
3.3. Kháng sinh điều trị amip
Paramomycin (Humatin)
Paramomycin là một aminoglycosid lấy từ Streptomyces rimosus, có tác dụng
diệt amip trực tiếp và gián tiếp.
Do thuốc ít hấp thu nên chủ yếu điều trị amip trong lòng ruột. Thuốc có tác dụng
diệt thể kén và một số sinh vật đơn bào khác.
Tác dụng không mong muốn: rối loạn tiêu hóa, độc với thính giác và thận
Liều dùng trị amip: 25-35mg/kg/24h chia 3 lần x 7 ngày
Tetracyclin
Tác dụng diệt amip của tetracyclin là gián tiếp. Các tetracyclin diệt vi khuẩn ở
ruột bằng cách gây rối loạn môi trường sống của amip, tạo điều kiện cho cơ thể tiêu
diệt chúng. Tetracyclin ít được dùng đơn độc để điều trị amip, mà thường phối hợp với
các thuốc diệt amip khác để giảm liều dùng và tăng hiệu quả trị liệu.

174
Bài 4
THUỐC CHỐNG NẤM

MỤC TIÊU
1. Phân loại được các thuốc điều trị nấm
2. Trình bày được đặc điểm dược động học, tác dụng, cơ chế tác dụng, chỉ định,
tác dụng không mong muốn của các thuốc chống nấm được đề cập đến trong bài.

I. ĐẠI CƯƠNG
1. Vài nét về bệnh nấm
Nhiễm nấm là một bệnh phổ biến, có thể xảy ra ở bề mặt cơ thể như da, tóc,
móng, niêm mạc hoặc sâu trong nội tạng như não, tim, phổi… Nguy cơ nhiễm nấm
đặc biệt cao khi cơ thể giảm sức đề kháng: ví dụ nhiễm HIV/AIDS, cấy ghép cơ quan,
dùng thuốc ức chế miễn dịch, ốm lâu ngày hoặc bị bệnh tiểu đường.
Do các tổ chức nấm phát triển chậm và thường tồn tại ở các mô khó thấm thuốc
nên điều trị các bệnh do nấm gây ra thường lâu dài và khó khăn hơn bệnh nhiễm
khuẩn.
Nấm bề mặt Nấm hệ thống (nội tạng)
Epidermophyton spp Aspegillus spp
Microsporum spp Canmdida spp
Sporothrix spp Blastomyces dermatitidis
Trichophton spp Cryptococcus neoformans
Coccidioudes immitis
Histoplasma capsulatum

Bảng : Một số loại nấm gây bệnh


2. Phân loại thuốc trị nấm
. Dựa vào vị trí tác dụng: chia 2 nhóm
- Thuốc trị nấm bề mặt: kháng nấm ở bề mặt da và niêmmạc. Nhóm này gồm
ketoconazol, cotrimazol, econazol, miconazol, griseofulvin, nystatin…
- Thuốc trị nấm nội tạng: trị nấm ở sâu trong cơ quan như não, phổi… gồm
amphotericin B, ketoconazol, fluconazol, flucytosin, intraconazol…
. Dựa vào cấu trúc hóa học: chia thành các nhóm
- Nhóm polyen: amphotericin B, nystatin, natamycin
- Nhóm griseofulvin: griseofulvin
- Nhóm flucytosin: flucytosin
- Nhóm azol: ketoconazol, miconazol, clotrimazol, fluconazol, itraconazol.
- Các thuốc khác: naftilin, haloprogin, acid benzoic, acid salicylic…
II. NHÓM POLYEN
1. Amphotericin B
Dược động học
Hấp thu kém qua đường tiêu hóa, nên dùng đường uống để trị nhiễm nấm đường
tiêu hóa. Dùng đường tiêm tĩnh mạch để trị nấm nặng toàn thân và nội tạng. Thuốc ít
vào dịch não tuỷ, bài tiết chậm qua thận, thời gian bán thải khoảng 24 giờ.
Phổ tác dụng và cơ chế tác dụng
Amphotericin B là thuốc kháng nấm phổ rộng, có tác dụng trên nhiều loại nấm
bề mặt và nội tạng như Candida, Cryptococcus, Neoformans, Aspergillus,

175
Histoplasma, Cocciđioi, Blastomyces, Sporothrix. Nồng độ ức chế tối thiểu với các
loại nấm từ 0,03 - 1g/mL.
- Cơ chế tác dụng: amphotericin B gắn vào ergosterol trên màng tế bào nấm, làm
thay đổi tính thấm của màng tế bào với các ion, nhất là K +, Mg++, nên tế bào nấm bị
tiêu diệt.
Các vi khuẩn là virus do kg có ergosterol nên không nhạy cảm với amphotericin
B và các polyen khác. Trên người và động vật, amphotericin gắn được vào cholesterol,
gây các tác dụng không mong muốn.
Chỉ định
Trị các loại nấm bề mặt da, niêm mạc, miệng, âm đạo, bàng quang…
Trị các bệnh nấm nội tạng do các chủng nhạy cảm bằng đường tiêm
Dự phòng và điều trị nấm cho bệnh nhân suy giảm miễn dịch
Tác dụng không mong muốn
- Phản ứng chung: sốt, rét run, đau cơ, đau khớp, đau đầu khi mới tiêm truyền.
Để giảm tác dụng không mong muốn này cần dùng trước kháng histamin H 1 hay
glucocorticoid.
- Độc với thận: giảm sức lọc cầu thận, hoại tử thận
- Tác dụng không mong muốn khác: thiếu máu, độc với gan, tim, giảm K+ và
Mg++ huyết, đau và viêm tắc tĩnh mạch nơi tiêm.
Tương tác thuốc
- Tăng độc tính với thận khi dùng cùng các thuốc gây độc với thận như aminosid,
cyclosporin…
- Tăng tác dụng và độc tính của một số thuốc: digitalis, flucytosin, thuốc giãn cơ
tubocurarin và sucxamethonium.
Chế phẩm và liều dùng
- Chế phẩm: Amphotericin B (Fugizon)
Dạng uống: viên nén 100mg (tương đương 100.000 UI), hỗn dịch, siro 10mg/mL
và 100mg/mL.
Dạng tiêm: lọ thuốc bột 50mg (50.000 UI)
Dạng liposom hoặc phức hợp với lipid: hỗn dịch 100mg/20mL hay lọ bột đông
khô 50 và 100mg.
Các dạng dùng ngoài khác
- Liều dùng:
Tiêm truyền: khởi đầu 0,25mg/kg sau tăng dần lên tối đa 1,5mg/kg
Uống 100-200mg x 4 lần/24h
Thời gian điều trị tùy theo mức độ bệnh, trường hợp nặng có thể kéo dài hàng
tháng.
2. Nystatin
Được chiết xuất từ môi trường nuôi cấy Streptomyces noursei
Dược động học
Nystatin hấp thu kém qua đường tiêu hóa, không hấp thu qua da và niêm mạc.
Thải trừ chủ yếu qua phân dưới dạng chưa chuyển hóa.
Phổ tác dụng và cơ chế
Thuốc có tác dụng kìm hoặc diệt nấm tuỳ thuộc vào liều dùng và độ nhạy cảm
riêng của từng loại nấm. Nhạy cảm nhất với nystatin là các loại nấm men và nấm
Candida albicans.
Cơ chế tác dụng: giống amphotericin B
Chỉ định
Dự phòng và điều trị nhiễm nấm Candida ở miệng, đường tiêu hóa và âm đạo

176
Tác dụng không mong muốn
Dung nạp tốt, ít độc, có thể dùng cho mọi lứa tuổi
Một số tác dụng không mong muốn là dị ứng (như mày đay, ban đỏ…) rối loạn
tiêu hóa chủ yếu do candidum (sản phẩm phân giải của Candida) gây nên.
Chế phẩm và liều dùng
- Chế phẩm:
Nystatin (Fungicidin, Mycostatin). Dạng viên đặt âm đạo 100.000, 500.000 IU;
viên nén 100.000, 500.000 IU hoặc hỗn dịch 100.000 IU/mL. Ngoài ra còn có các
dạng viên đặt phối hợp với metronidazol (Flagystatin), chloroquin.
- Liều dùng:
Nấm candida tiêu hóa: 500.000 - 1.000.000 UI x 3-4 lần/24h.
Nấm candida miệng: 100.000 UI x 4 lần/24h, ngậm hoặc dùng hỗn dịch
Nấm candida âm đạo: 100.000 - 200.000 UI/24h, dạng viên đặt hoặc kem bôi âm
đạo.
Nấm da: bôi 2-4 lần/24h, dạng kem hoặc thuốc mỡ
3. Natamycin(Natafucin, Pimafucin)
Tương tự như nystatin nhưng chủ yếu điều trị nấm da
Dạng thuốc mỡ 2%
III. NHÓM GRISEOFULVIN
Griseofulvin
Dược động học
Ít hấp thu qua đường tiêu hóa (dạng bột siêu mịn hấp thu tốt hơn). Hấp thu thuốc
qua đường tiêu hóa tăng lên khi uống trong hoặc sau các bữa ăn có nhiều chất béo.
Phân bố nhiều tới da, tóc, móng, gan, mô mỡ và cơ xương. Tích luỹ nhiều trong các tế
bào tiền thân keratin và có ái lực cao với mô nhiễm bệnh. Cũng thấm được qua da vào
các mô keratin. Chuỳển hóa ở gan tạo chất chuyển hóa chính là dêmthylgriseofulvin
không còn hoạt tính.
Phổ tác dụng và cơ chế
Griseofulvin được phân lập chủ yếu từ Penicillium griseofulvin. Thuốc ức chế sự
phát triển của nấm da Trichophyton, Mycrosporum và Epidermophyton floccosum.
Thuốc kg có tác dụng với các nấm Candida và các nấm nội tạng.
Cơ chế: Griseofulvin chủ yếu ức chế phân bào do phá vỡ cấu trúc thoi gián phân.
Ngoài ra, có thể tạo ra các ADN khiếm khuyết kg có khả năng sao chép hoặc tạo môi
trường bất lợi cho sự phát triển của tế bào nấm.
Chỉ định
Điều trị các loại nấm da, tóc và móng nhạy cảm
Tác dụng không mong muốn
- Thường gặp là nhức đầu, rối loạn tiêu hóa (chán ăn, buồn nôn), ban da
- Các tác dụng không mong muốn khác: rối loạn cảm giác, viêm dây thần kinh
ngoại biên, ngủ gà, chóng mặt, giảm bạch cầu.
Chống chỉ định
Rối loạn chuyển hóa porphyrin
Suy gan
Tương tác thuốc
Griseofulvin gây cảm ứng enzym nên làm giảm tác dụng của các thuốc: viên
uống tránh thai, thuốc chống đông máu, theophylin.
Ngược lại, phenobarbital làm giảm nồng độ và tác dụng của Griseofulvin.

177
Chế phẩm và liều dùng
Fulvicin, Fulvin. Dạng bột mịn: viên nén, viên nang 250 và 500mg, hỗn dịch
125mg/5mL. Dạng bột siêu mịn: viên nén bao phim 125, 165, 250 và 330mg. Thuốc
mỡ 5% Griseofulvin.
Liều dùng
Dạng bột mịn: 500-1000mg/24h, uống 1 lần hoặc chia 2-4 lần
Dạng bột siêu mịn: 5-10mg/kg/24h (tối đa 750mg/24h)
Thời gian điều trị ít nhất là từ 2 -4 tuần liên tục, có thể kéo dài tới 1 năm
IV. NHÓM FLUCYTOSIN
Flucytosin
Dược động học
Hấp thu nhanh và dễ dàng qua đường tiêu hóa. Sau khi uống khoảng 2 giờ thuốc
đạt nồng độ tối đa trong máu. Phân bố rộng rãi vào các mô và dịch cơ thể, dễ dàng qua
hàng rào máu não. Thải chủ yếu qua nước tiểu, thời gian bán thải khoảng 2,4 - 4,8 giờ.
Phổ tác dụng và cơ chế tác dụng
Fluoroquinolon có tác dụng ức chế nhiều loại nấm như: Candida, Cryptococcus,
Aspergillus…
Cơ chế: fluoroquinolon vào tế bào nấm nhờ enzym permease, rồi khử amin thành
5 - fluoroquinolon (5FU). Chất này tiếp tục chuyển hóa cuối cùng gắn vào ARN của tế
bào nấm gây ức chế tổng hợp protein. 5FU cũng ức chế tổng hợp ADN thông qua ức
chế tổng hợp thymidylat.
Thuốc có tác dụng chọn lọc trên nấm, ít ảnh hưởng tới người do ở người không
có enzym khử amin của fluoroquinolon.
Chỉ định
Điều trị các bệnh nấm nặng do các chủng candida và Cryptococcus ở máu, tiết
niệu sinh dục, màng trong tim, màng não và phổi.
Thường phối hợp với amphotericin B để tăng hiệu quả điều trị
Tác dụng không mong muốn
- Thuốc gây ức chế tuỷ xương, làm giảm bạch cầu, tiểu cầu. Để hạn chế tác dụng
không mong muốn trên máu, cần dùng thêm uracil.
- Trên tiêu hóa: nôn, đau bụng, chán ăn, loét dạ dày tá tràng
- Các tác dụng không mong muốn khác: hạ đường huyết, hạ kali huyết, rối loạn
thần kinh tâm thần và tim mạch.
Chế phẩm và liều dùng
Viên nang 250 và 500mg; lọ thuốc tiêm truyền 2,5g/250ml trong dung dịch NaCl
đẳng trương.
Liều uống: 50-150mg/kg/24h, chia 3-4 lần
Liều tiêm truyền: 200mg/kg/24h, chia 3-4 lần
Giảm liều ở bệnh nhân suy thận
V. NHÓM AZOL
Các azol chống nấm chia 2 nhóm:
. Nhóm imidazol: gồm như: ketoconazol, clotrimazol, fluoroquinolon, miconazol,
econazol, tioconazol, clomidazol…
. Nhóm triazol: gồm fluoroquinolon, itraconazol, saperconazol.
Hai nhóm đều có phổ chống nấm và cơ chế tác dụng tương tự nhau nhưng nhóm
triazol có nhiều ưu điểm như: hấp thu và phân bố tốt vào các mô của cơ thể, chuyển
hóa chậm, ít ảnh hưởng tới sterol ở người, ít tác dụng không mong muốn.

178
1. Các imidazol
1.1. Ketoconazol
Dược động học
Ketoconazol hấp thu được qua đường uống, tốt nhất ở pH acid (người thiếu acid
dịch vị hoặc đang dùng thuốc kháng acid, thuốc kháng cụ thể H2, hấp thu ketoconazol
sẽ bị giảm). Thuốc phân bố vào các mô mềm, da, gân và các dịch như nước bọt, dịch
khớp, mật, nước tiểu. Thuốc qua nhau thai và sữa mẹ nhưng không qua được hàng rào
máu não. Liên kết với protein huyết tương khoảng 90%, chuyển hóa ở gan, thải trừ qua
mật, thời gian bán thải khoảng 8-12 giờ.
Phổ tác dụng và cơ chế tác dụng
Ketoconazol là thuốc kháng nấm phổ rộng, tác dụng trên nhiều loại nấm gây
bệnh, bao gồm các loại nấm bề mặt da, niêm mạc và nấm nội tạng.
Ngoài ra, thuốc còn có tác dụng cả trên một số vi khuẩn gram dương.
Cơ chế tác dụng: ketoconazol và các thuốc chống nấm nhóm azol đều ức chế
alpha demethylase (enzym tham gia vào quá trình tổng hợp ergosterol). Do đó,
ketoconazol ngăn cản tổng hợp ergosterol và lipid của màng tế bào nấm, làm thay đổi
tính thấm của màng tế bào.
Chỉ định
- Điều trị các bệnh do nhiễm nấm nhạy cảm ở da, tóc, móng, đường tiêu hóa và
nội tạng.
- Dự phòng và trị nấm ở người suy giảm miễn gịch và viêm da do tăng tiết bã
nhờn.
Tác dụng không mong muốn
- Rối loạn tiêu hóa: buồn nôn, nôn, táo bón, đầy hơi, tiêu chảy, chảy máu tiêu
hóa.
- Rối loạn nội tiết: thiểu năng tuyến thượng thận, gây chứng vú to ở nam giới và
giảm tình dục.
- Ít gặp là nhức đầu, chóng mặt, kích động hoặc ngủ gà, viêm da, phát ban, mày
đay, tăng enzym gan.
Tương tác thuốc
- Ketoconazol ức chế enzym gan, làm tăng nồng độ trong huyết tương của các
thuốc chống đông máu, thuốc chống ung thư (cyclosporin, sulffonylure), kháng
histamin H1 thế hệ 2 (terfenadin, astemizol), thuốc an thần và corticoid.
- Các thuốc làm giảm hiệu quả trị nấm của ketoconazol: kháng acid, kháng
histamin H2 và isoniazid.
Chế phẩm và liều dùng
Ketoconazol (Nizolal, Ketoderm, Fungoral)
Viên nén 200mg, hỗn dịch 100mg/5mL. Kem bôi 2%, dầu gội 2%.
- Liều dùng:
Người lớn: 200-400mg/24h
Trẻ em trên 2 tuổi: 3,3 - 6,6mg/kg/24h uống trong hoặc sau khi ăn
Dạng bôi kem: ngày dùng 1-2 lần. Dầu gội trị nấm tóc: gội 2 lần/tuần
1.2. Các thuốc khác
Miconazol (Micatin, Ministat), clotrimazol (Canesten, Clomaz, Canazol),
butoconazol (Fenstat), terconazol (Terazol), tioconazol (Vigistat), econazol (Ecomì)…
đều là thuốc kháng nấm phổ rộng nhưng do ít hấp thu nên chủ yếu điều trị nhiễm nấm
da, niêm mạc và nấm candida âm đạo.

179
Miconazol có thể tiêm tĩnh mạch. Tuy nhiên, khi dùng đường tiêm thuốc thường
gây nhiều tác dụng không mong muốn và có thể gây tương tác thuốc nguy hiểm (như
với sulfonamid hạ đường huyết, terfenadin, astemizol…).
2. Các triazol
2.1. Fluconazol
Dược động học
Hấp thu tốt qua đường tiêu hóa, không bị ảnh hưởng bởi thức ăn và pH dịch dạ
dày. Phân bố tốt vào dịch cơ thể, kể cả dịch não tủy. Thải trừ chủ ỳếu qua nước tiểu,
thời gian bán thải khoảng 25-30 giờ.
Phổ tác dụng và chỉ định
Có tác dụng tốt với hầu hết các chủng nấm candida, kể cả nhiễm nấm ở giai đoạn
cuối của bệnh nhân AIDS đã kháng thuốc trị nấm khác như nystatin, ketoconazol và
clotrimazol, vì vậy thuốc được chỉ định cho các trường hợp sau:
- Nhiễm nấm màng não do Cryptococcus
- Nhiễm nấm Candida thực quản ở bệnh nhân AIDS
Tác dụng không mong muốn
Buồn nôn, nôn, đau bụng, tiêu chảy, ban da và tăng enzym gan
Tương tác thuốc
Fluoroquinolon làm tăng nồng độ phenytoin trong máu nên làm tăng độc tính của
phenytion.
Chế phẩm và liều dùng
Fluoroquinolon (Diflu, Flucozal, Forcan)
Trị nấm ở đường tiêu hóa: 50mg/lần/24h, trong 1-5 tuần
Trị nấm toàn thân: 200-400mg/lần/24h, trong 4-6 tuần
Trị nấm âm đạo: liều dùng duy nhất 150mg
2.2. Itraconazol
Dược động học
Mặc dù cũng là triazol, nhưng itraconazol là chất ưa lipid và không tan trong
nước. Sinh khả dụng của itraconazol kém và đòi hỏi hấp thu ở pH acid. Tập trung
nhiều ở các mô mỡ, không xâm nhập vào dịch não, tuỷ. Được chuyển hóa ở gan và
thải trừ qua mật, thời gian bán thải khoảng 30-35 giờ nếu dùng liên tục.
Phổ tác dụng và cơ chế
Hoạt tính chống nấm của itraconazol tương tự của ketoconazol, là thuốc lựa chọn
để trị nấm Blastomyces, Sporothrix.
Thuốc cũng dùng trị nấm Aspergillus ở phổi lan tràn và toàn thân, nhiễm nấm nội
tạng và ngoài da.
Tác dụng không mong muốn
Buồn nôn, nôn, rối loạn dạ dày, ruột, nhức đầu, chóng mặt. Liều cao gây hạ huyết
áp, hạ kali máu, phù.
Tương tác thuốc
Làm giảm nồng độ trong huyết tương của rifampicin, phenytoin, carbamazepin.
Tăng nồng độ trong huyết tương của digoxin, cyclosporin các kháng histamin
như terfenadin, astemizol (gây độc với tim, xoắn đỉnh) và ảnh hưởng tới chuyển hóa
của các thuốc chống tiểu đường.
Bản thân itraconazol bị giảm hấp thu khi dùng cùng các thuốc kháng H2, kháng
acid.
Chế phẩm và liều dùng
Itraconazol (Itranstad)
Viên nang 100mg, dung dịch uống 10mg/mL (lọ 150mL)

180
Thường dùng 100-200mg/24h. Thời gian tuỳ thuộc vào mức độ bệnh và loại nấm
bị nhiễm.
VI. CÁC THUỐC KHÁC
Naftifin (Naftin) và terbinafin (Lamisil) haloprogin, tolmaftat (Tinactin),
cyclopioxolamin, acid benzoic, acid udecylenic, acid caprylic… các chất này chủ yếu
trị nấm da và niêm mạc.

181
Bài 5
THUỐC KHÁNG VIRUS
MỤC TIÊU
1. Phân loại được các thuốc kháng virus
2. Trình bày đặc điểm dược động học, tác dụng, cơ chế tác dụng, chỉ định, tác
dụng không mong muốn được các thuốc kháng virus được đề cập đến trong bài.

I. ĐẠI CƯƠNG
1. Vài nét về virus
Virus chưa có cấu tạo tế bào nên mỗi virus được gọi là các hạt virus hay virion,
gồm 2 phần:
Lớp vỏ: được cấu tạo là lớp protein gọi là capsid. Một số virus còn có lớp vỏ
lipoprotein baobọc bên ngoài capsid. Lớp vỏ có tác dụng bảo vệ nhân acid nucleic và
chứa các kháng nguyên gây khó khăn cho phản ứng bảo vệ của cơ thể.
Nhân acid nucleic: mỗi loại virus chỉ có một loại acid nucleic là ADN hoặc
ARN. Dựa vào đặc điểm này mà có thể chia virus thành 2 loại là virus có cấu trú ADN
và virus có cấu trúc ARN

Loại virus Gây bệnh


Các virus ADN
Các virus Herpes Viêm da bọng nước, herpes sinh dục, thuỷ
đậu, zona.
Các Adenovirus Viêm đường hô hấp
Các Poxvirus Bệnh đậu mùa
Virus Hepatitis B Viêm gan B
Các virus ARN
Rubellavirus Bệnh Rubella (sởi Đức)
Các Enterovirus Bệnh đường ruột
Các Orthomyxovirus (influenza) Bệnh cúm
Các Paramyxovirus (meales) Bệnh sởi, quai bị
Các Rabdovirus (rabies) Bệnh dại
Virus Hepatitis A Bệnh viêm gan A
Các Retrovirus (HIV) Bệnh AIDS
Các Poliovirus Bệnh bại liệt

Bảng : Một số loại virus gây bệnh


2. Chu kỳ sao chép của virus

182
Amantadin
Globulin miễn dịch
(không đặc hiệu)
Fomivirsen

Xâm nhập Thoát vỏ

Tổng hợp protein


giai đoạn sớm

Chất tương tự
Tế bào Tổng hợp acid
purin, pyrimidin
nucleic
Chất ức chế RT

Tổng hợp protein


giai đoạn muộn
Chất ức chế
neuraminidase
Tập hợp thành
virus

Giải phóng Methimazol


khỏi tế bào Chất ức chế protease

Rifampin

Chu kỳ sao chép của virus và vị trí tác dụng của thuốc kháng virus

Virus là ký sinh vật bắt buộc trong tế bào vật chủ. Sự nhân lên của virus được
thực hiện trong tế bào và phụ thuộc vào sự sao chép của chính tế bào vật chủ đó theo
các bước sau:
- Xâm nhập vào tế bào: virus xâm nhập vào tế bào vật chủ thông qua các receptor
chuyên biệt trên màng tế bào.
- Thoát vỏ để phóng thích ADN (hoặc ARN): sau khi vào bên trong tế bào, lớp
vỏ protein của virus tan ra nhờ đó ADN (hoặc ARN) của virus được phóng thích vào
tế bào vật chủ.
- Sao mã (tổng hợp protein giai đoạn sớm): ADN của virus vào nhân tế bào vật
chủ thực hiện sao chép từ ADN thành ARNm nhờ ARN polymerase của tế bào vật
chủ. Các virus ARN kg vào nhân tế bào mà trực tiếp sao mã từ ARN thành ARNm nhờ
các enzym của virus.
- Dịch mã (tổng hợp acid nucleic và protein giai đoạn muộn): ARNm vừa tạo
thành ở giai đoạn trên sẽ truyền thông tin để tạo ra các protein đặc hiệu của virus. Một

183
số protein này là các enzym sau đó tham gia tổng hợp ADN cũng như lớp vỏ protein
hoặc lipoprotein.
- Tập hợp thành virus: từ các thành phần đã được tổng hợp, lắp ráp thành một
virus hoàn chỉnh ở bào tương tế bào.
- Virus giải phóng khỏi tế bào: sau khi tạo thành, các hạt virus gần màng sinh
chất bị đẩy qua màng này ra ngoài (được gọi là nảy chồi) để tiếp tục xâm nhập và gây
nhiễm cho các tế bào khác.
Sự phóng thích virus ra khỏi tế bào thường làm tiêu huỷ tế bào và gây nên các
triệu chứng lâm sàng của bệnh. Hầu hết các thuốc kháng virus muốn diệt virus phải
xâm nhập được vào trong tế bào và tác dụng thường không chọn lọc, chính vì thế các
thuốc kháng virus thường là chất gây độc tế bào.
3. Phân loại thuốc kháng virus
3.1. Phân loại theo cơ chế tác dụng
Thuốc kháng virus có khả năng tác động vào hầu hết các khâu trong chu kỳ sao
chép của virus. Tuy nhiên, các thuốc kháng virus đang dùng hiện nay chủ yếu tác dụng
theo các cơ chế sau:
. Ức chế thoát vỏ
Protein M2 là thành phần cơ bản của màng virus, có vai trò hòa tan màng virus để
phóng thích ADN hoặc ARN vào tế bào vật chủ. Một số thuốc có khả năng ức chế
protein M2 vì vậy ức chế sự thoát vỏ của virus: amantadin, rimantadin…
. Ức chế ADN polymerase và ARN polymerase
Một số thuốc có tác dụng ức chế ADN polymerase vì vậy ức chế sự nhân đôi
ADN của virus: acyclovir, valacyclovir, faciclovir, foscarnet…
Một số thuốc có tác dụng ức chế ARN polymerase, vì vậy ức chế tổng hợp
ARNm của virus: ribavirin…
. Ức chế giải phóng virus ra khỏi tế bào
Một số virus (virus influenza A và B) có enzym neuraminidase có vai trò đối với
sự nảy chồi và phóng thích virus ra khỏi tế bào. Thuốc ức chế enzym neuraminidase
nên ức chế sự nhân lên của virus: zanamivir…
. Điều hòa miễn dịch
Glubulin miễn dịch (-globulin) có chứa các kháng thể có tác dụng trực tiếp lên
vỏ envelop, làm bất hoạt một số virus (virus sởi, viêm gan, sởi đức, dại hoặc bại liệt).
Interferon gắn đặc hiệu vào receptor trên màng tế bào, ức chế các enzym tham
gia quá trình dịch mã của ARNm virus thành các protein và vì vậy chấm dứt sự nhân
lên của virus.
3.2. Phân loại theo tác nhân gây bệnh
. Thuốc kháng virus herpes: acyclovir, valacyclovir, faciclovir. .
. Thuốc kháng virus hô hấp: amantadin, rimantadin, ribavirin, zanamivir,
interferon…
. Thuốc kháng HIV
- Thuốc ức chế reverse transcriptase nucleosid (NRTI): zidovudin, didanosin,
lamivudin, stavudin, zalcitabin, abacavir.
- Thuốc ức chế reverse transcriptase không nucleosid (NNRTI): nevirapin,
delavirdin, efavirenz…
- Thuốc ức chế protease: saquinnavir, ritonavir, indinavir, nelfinavir…
. Thuốc kháng virus viêm gan: interferon
II. THUỐC KHÁNG HERPES
Virus Herpes là virus thường gây bệnh da bọng nước, gồm có một số loại chính
sau:

184
Loại virus Viết tắt Gây bệnh
Herpes simplex virus 1 HSV1 Gây bệnh ở đường sinh dục, trực tràng
Hepes simplex virus 2 HSV2 Gây bệnh ở da và niêm mạc, miệng, thực quản
hoặc thần kinh
Varicella zoster virus VZV Gây bệnh thuỷ đậu và bệnh zona
Epsteinbarr virus EBV Gây bệnh tăng bạch cầu đơn nhân
Cytomegalo virus CMV Gây bệnh viêm võng mạc ở bệnh nhân AIDS

Ngoài ra còn có một số loại virus Herpes khác như: Human herpes 6 (HH 6),
Human herpes 7, Human herpes 8.
1. Acyclovir
Dược động học
Acyclovir có thể dùng đường uống, tiêm hoặc dùng tại chỗ. Sinh khả dụng đường
uống từ 15-30%, thức ăn không ảnh hưởng tới hấp thu thuốc. Sau khi uống 1-2 giờ, đạt
nồng độ tối đa trong máu, phân bố rộng rãi vào dịch cơ thể và các cơ quan như não,
thận, phổi, gan. Nồng độ thuốc ở dịch não tuỷ xấp xỉ 50% nồng độ trong huyết thanh.
Liên kết với protein huyết tương thấp (khoảng 20%). Thải trừ qua thận, thời gian bán
thải 3-4 giờ.
Tác dụng và cơ chế
Phổ tác dụng: acyclovir có tác dụng đặc hiệu trên các virus Herpes, như HSV1,
HSV2, VZV và EBV.
Cơ chế: ecyclovir là dẫn xuất guanosin, vào cơ thể dưới tác dụng của thymidin
kinase và một số enzym khác tạo thành acyclovir triphosphat là dạng có hoạt tính.
Acyclovir triphosphat ức chế cạnh tranh với ADN polymerase của virus ức chế sự
nhân đôi của ADN. Ngoài ra acyclovir triphosphat gắn vào cuối chuỗi ADN và đóng
vai trò là chất kết thúc của chuỗi ADN. Vì vậy, acyclovir ức chế sự phát triển của
virus.
Do nồng độ acyclovir triphosphat trong tế bào nhiễm virus cao gấp 50-100 lần so
với tế bào lành và ADN polymerase của virus nhậy cảm với acyclovir triphosphat hơn
tế bào vật chủ nên độc tính của acyclovir triphosphat với tế bào lành ít hơn tế bào bị
nhiễm virus.

Thymidinkinase GMPkinase Phosphotransferase


Acyclovir Acyclovir Acyclovir
Acyclovir
monophosphat diphosphat triphosphat

Chuyển hóa của acyclovir trong cơ thể


Chỉ định
- Dự phòng và điều trị các bệnh do nhiễm HSV1 và HSV2 ở da, niêm mạc, thần
kinh và sinh dục.
- Điều trị bệnh zona cấp do VZV, như zona mắt, phổi, thần kinh
- Dự phòng và điều trị nhiễm virus ở người suy giảm miễn dịch, cấy ghép cơ
quan, bệnh thuỷ đậu.
Tác dụng không mong muốn
Đường uống: buồn nôn, nôn, tiêu chảy, đau bụng, nhức đầu, ban da
Đường tiêm: đau và viêm tĩnh mạch nơi tiêm, rối loạn chức năng thận. Ít gặp là
các rối loạn về thần kinh, tâm thần như: ảo giác, ngủ lịm, động kinh.
Dùng ngoài, gây kích ứng, nóng rát, đau nơi bôi thuốc.

185
Tương tác thuốc
Kết hợp với zidovudin gây trạng thái ngủ lơ mơ
Probenecid làm tăng thải trừ, giảm tác dụng của acyclovir
Ketoconazol, amphotericin B tăng tác dụng của acyclovir
Chế phẩm và liều dùng
Acyclovir (Zovirax, Avirax), viên 200 -800mg. Bột pha tiêm 250-1000mg. Hỗn
dịch uống 5g/125mL, 4g/50mL. Các dạng kem, thuốc mỡ 3% và 5%.
Người lớn: 200-800mg/lần x 5 lần/ngày, đợt điều trị 5 - 7 ngày
Trẻ em: 20mg/kg (tối đa 800mg) x 4 lần/ngày
Các thuốc tương tự acyclovir: ganciclovir, famociclovir, valacyclovir
2. Foscarnet
Dược động học
Foscarnet hấp thu kém qua đường tiêu hóa, nên phải dùng tiêm tĩnh mạch,
khuyếch tán rộng rãi trong cơ thể, vào được tuỷ xương, thải trừ chủ yếu qua nước tiểu,
thời gian bán thải 4-8 giờ.
Tác dụng và cơ chế
Foscarnet là dẫn xuất pyrophosphat, có tác dụng ức chế các loại virus Herpes kể
cả chủng kháng acyclovir và HIV.
Cơ chế: thuốc ức chế ADN polymerase của virus Herpes hoặc reverse
transcriptase (enzym sao chép ngược) của HIV.
Chỉ định
Chủ yếu điều trị viêm võng mạc do CMV ở người suy giảm miễn dịch và các
bệnh do HSV đã kháng acyclovir.
(Thuốc thường dùng phối hợp với zidovudin để điều trị nhiễm HIV hoặc CMV ở
bệnh nhân AIDS).
Tác dụng không mong muốn
- Liều thấp độc với thận, hạ calci huyết, tăng creatinin huyết.
- Liều cao, truyền tĩnh mạch nhanh, người mất nước, suy thận có thể bị hoại tử
ống thận cấp, viêm thận kẽ, sỏi thận.
- Tác dụng không mong muốn khác: sốt, buồn nôn, nôn, thiếu máu, giảm bạch
cầu, viêm loét đường tiết niệu, sinh dục.
3. Các thuốc kháng virus Herpes khác
Vidarabin
Vidarabin là dẫn xuất adenosin có tác dụng kháng virus Herpes, Poxvirus,
Rhabdovirus, Hepadenavirus và các virus gây u ARN, tác dụng trên cả các chủng đã
kháng acyclovir. Thuốc dùng điều trị viêm não, viêm loét da, giác mạc và kết mạc do
Herpes, nhưng không có tác dụng với Herpes sinh dục.
Idoxuridin
Idoxuridin là dẫn xuất thymidin có tác dụng trên virus Herpes và Poxvirus.
Thuốc chủ yếu dùng điều trị viêm giác mạc, miệng, sinh dục do HSV và bệnh zona.
Thuốc có độc tính cao nên kg dùng đường toàn thân.
Sorivudin
Là dẫn xuất pyrimidin có tác dụng trên các HSV1, EBV, VZV. Tác dụng của
sorivudin mạnh hơn acyclovir nhưng không có tác dụng trên HSV2 và CMV Thuốc
dùng uống, tiêm và dùng tại chỗ.
Trifluridin
Dẫn xuất pyrimidin có tác dụng chống HSV1, HSV2, CMV, vaccinia và
adenovirus. Thuốc chủ yếu dùng điều trị viêm giác mạc, kết mạc do Herpes.

186
III. THUỐC KHÁNG VIRUS HÔ HẤP
Gồm các thuốc: amantadin, rimantadin, zanamivir, osltamivir, ribavirin,
palivizumab, các interferon…
1. Amantadin và rimantadin
Dược động học
Cả hai thuốc đều hấp thu tốt qua đường tiêu hóa. Amantadin phân bố rộng khắp
cơ thể và xâm nhập nhanh vào hệ thần kinh. Trong khi đó rimantadin lại không qua
được hàng rào máu não. Amantadin ít chuyển hóa, còn rimantadin được chuyển hóa ở
gan. Các thuốc đều thải trừ qua thận, thời gian bán thải của rimantadin là 24-36 giờ,
của amantadin là 12-18 giờ.
Tác dụng và cơ chế
Amantadin có tác dụng ức chế đặc hiệu sự sao chép của virus Influenza A và
Rubella. Nồng độ ức chế từ 0,03 - 1g/mL.
Rimantadin là dẫn xuất alpha methyl của amantadin, có tác dụng tương tự
amantadin nhưng hoạt tính mạnh hơn từ 4-10 lần.
Cơ chế: ức chế thoát vỏ của virus làm cho virus không truyền được các vật liệu
di truyền ADN, ARN vào tế bào vật chủ để thực hiện sao chép.
Chỉ định
Phòng và điều trị bệnh cúm do Influenza A.
Tác dụng không mong muốn
Gây kích ứng tiêu hóa, rối loạn thần kinh như chóng mặt, ảo giác, động kinh… vì
vậy thận trọng ở bệnh nhân có rối loạn tâm thần. Rimantadin do không qua hàng rào
máu não nên ít gây tác động trên thần kinh hơn amantadin. Cả hai thuốc đều gây độc
với bào thai và có thể gây quái thai.
Liều dùng
Amantadin: 100mg x 2lần/24h x 5-7 ngày
Rimantadin: 200mg/24h. Người già, suy thận dùng 100mg/ngày
2. Ribavirin
Dược động học
Ribavirin có thể dùng qua đường uống, tiêm tĩnh mạch và phun mù. Phân bố tốt
vào các mô trừ não. Chuyển hóa ở gan và thải trừ chủ yếu qua nước tiểu. Thời gian
bán thải 18-36 giờ.
Phổ tác dụng và cơ chế
Ribavirin là dẫn xuất guanosin tổng hợp, có tác dụng trên các virus hợp bào
đường hô hấp, Influenza, Herpes simplex, sốt Lissa và viêm gan cấp.
Cơ chế tác dụng (chủ yếu nghiên cứu trên Influenza).
Thuốc ức chế tạo thành guanosin triphosphat, dẫn đến gián tiếp ức chế tổng hợp
ARNm của virus và ức chế ARN polymerase nên có tác dụng kháng virus.
Các virus không tổng hợp ARNm trong tế bào vật chủ như Rhinovirus,
Enterovirus thường kháng ribavirin.
Chỉ định
Nhiễm virus hợp bào hô hấp
Bệnh cúm do virus Influenza typ A,B
Trị sốt Lissa, sốt xuất huyết do virus.
Giai đoạn mới nhiễm HIV
Viêm gan A, B cấp
Nhiễm Herpes

187
Tác dụng không mong muốn
Có thể gặp là thiếu máu, tăng bilirubin, tăng acid uric. Khi dùng kéo dài theo
đường uống có thể gây các rối loạn tiêu hóa, thần kinh. Đường phun mù có thể gây
kích ứng tại chỗ.
Chống chỉ định
Không dùng cho người mang thai
Chế phẩm và liều dùng
Ribavirin (Rivazole) viên 200mg, siro 100mg/mL. Thuốc tiêm lọ 200mg và ống
tiêm 100mg/mL.
Uống: 15-20mg/kg/24h chia 3-4 lần
Tiêm 20-35mg/kg/24h tiêm tĩnh mạch
IV. THUỐC KHÁNG HIV
HIV (Human Immunodeficiency Virus) thuộc họ retrovirus là virus gây hội
chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (Acquired Immuno Deficiency Syndrom
- AIDS). AIDS xảy ra do sự tấn công của HIV vào tế bào hệ miễn dịch đặc biệt là tế
bào T-CD4. Dựa theo typ huyết thanh chia 2 loại HIV-1 và HIV-2, nhưng triệu chứng
lâm sàng và đường lây nhiễm của 2 loại HIV hoàn toàn giống nhau.
Chu kỳ sao chép của HIV cũng tương tự như các virus khác. Tuy nhiên khác với
các virus khác ở chu kỳ sao chép của HIV có sự phiên mã ngược từ ARN thành ADN
nhờ enzym reverse transciptase (RT) là enzym ADN polymerase phụ thuộc ARN (các
virus nói chung phiên mã từ ADN thành ADN hoặc ARN dưới sự xúc tác của ADN
polymerase hoặc ARN polymerase).
HIV xâm nhập vào thế bào vật chủ thông qua các receptor chuyên biệt trên màng
tế bào là CD4 của lympho bào T hỗ trợ hoặc một số tế bào khác như bạch cầu đơn
nhân lớn, đại thực bào và một số dòng lympho B. Sau khi vào bên trong tế bào, lớp vỏ
protein của virus tan ra nhờ đó ARN của HIV được phóng thích vào tế bào vật chủ
thực hiện quá trình sao chép ngược từ ARN thành ADN nhờ enzym RT. ADN vừa tạo
thành chui vào nhân tế bào vật chủ rồi tích hợp vào ADN của tế bào vật chủ nhờ
enzym intergrase để điều khiển tế bào chủ tổng hợp đầy đủ các thành phần của virus
như ARNt, ARNm và các protein cần thiết. Sau đó lắp ráp các thành phần lại tạo thành
một virus hoàn chỉnh ở bào tương tế bào. Các HIV rồi bị đẩy ra ngoài để tiếp xúc xâm
nhập và gây nhiễm cho các tế bào khác.
Thuốc kháng HIV: về mặt lý thuyết, thuốc có thể kháng được virus HIV nếu
ngăn cản được bất kỳ giai đoạn nào của chu kỳ sao chép, nhưng hiện nay chủ yếu có 2
nhóm thuốc chính là:
. Thuốc ức chế RT
- Thuốc ức chế RT loại nucleotid (NRTI): zidovudin, didanosin, lamuvidin,
stavudin, zalcitabin, abacavir.
- Thuốc ức chế RT loại không nucleotid (NNRTI): nevirapin, delavirdin,
efavirenz…
. Thuốc ức chế protease: saquinavir, ritonavir, indinavir, nelfinavir…
1. Thuốc ức chế reverse transcriptase nucleosid
1.1. Zidovudin
Dược động học
Zidovudin hấp thu được qua đường tiêu hóa, sinh khả dụng 60-70%, bị giảm khi
uống cùng thức ăn có nhiều chất béo. Sau khi uống 30-90 phút thuốc đạt nồng độ tối
đa trong máu. Liên kết protein huyết tương khoảng 35%, phân bố rộng rãi trong cơ
thể. Chuyển hóa ở gan thành chất không có hoạt tính. Thải trừ phần lớn qua nước tiểu,
thời gian bán thải khoảng 1 giờ và kéo dài hơn ở bệnh nhân suy gan, suy thận.

188
Phổ tác dụng và cơ chế
Zidovudin là dẫn xuất thymidin, có tác dụng ức chế sự sao chép của các
Retrovirus, nhất là HIV.
Cơ chế: ziđovuin và các thuốc tương tự khi vào cơ thể được phosphoryl hóa 3 lần
để tạo thành dạng có hoạt tính và triphosphat. Zidovudin triphosphat gắn cạnh tranh
với thymidin triphosphat của RT nhưng vì trong cấu trúc của zidovudin triphosphat
thiếu nhóm - OH ở vị trí 3 nên dây nối phosphodiester ở vị trí 3', 5' không được tạo
thành. Vì vậy quá trình tổng hợp ADN bị kết thúc sớm.
Chỉ định
Nhiễm HIV/AIDS (chủ yếu kéo dài cuộc sống, giảm nhiễm khuẩn cơ hội, cải
thiện được triệu chứng bệnh và giảm tốc độ phát triển thành bệnh AIDS).
Phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con khi mang thai
Tác dụng không mong muốn
Suy tuỷ: thiếu máu, giảm bạch cầu trung tính
Da: nổi ban, nhiễm sắc tố móng tay, rụng lông, tóc và hoại tử da.
Gan: viêm gan ứ mật, thoái hóa mỡ
Ngoài ra, rối loạn tiêu hóa (đau bụng, buồn nôn, nôn, tiêu chảy), rối loạn thần
kinh, nhức đầu, mất ngủ, chóng mặt, lú lẫn, hưng cảm, co giật).
Chống chỉ định
Bạch cầu trung tính thấp dưới 0,75 x 109/lít, hoặc hemoglobin thấp dưới 75g/lít.
Người mẫn cảm thuốc.
Tương tác thuốc
Các thuốc sau làm tăng độc tính của zidovudin khi dùng đồng thời:
- Thuốc làm giảm chuyển hóa của zidovudin: methadon, probenecid, acid
valproic, paracetamol.
- Các thuốc làm giảm bài xuất của zidovudin qua thận: dapson, pentamidin,
amphotericin B.
- Thuốc gây độc với tế bào, suy tuỷ, độc với thận như: pyrimethamin,
ganciclovir, flucitosin, ribavirin, vincristin, vinblastin, doxorubicin…
Chế phẩm và liều dùng
Zidovudin (Azidothymidin, AZT): viên 100-300mg. Siro 50mg/mL. Dung dịch
tiêm truyền 10mg/mL.
Liều dùng: 100-200mg x 3-4 lần/24h
Các thuốc tương tự như zidovudin
Didanosin, stavudin, zalcitabin, lamivudin
1.2. Thuốc ức chế reverse transcriptase không nucleotid
Các thuốc nhóm này gắn trực tiếp vào vị trí của enzym RT nhưng khác với các
thuốc nucleosid, các thuốc này không cần quá trình phosphoryl hóa để tạo thành dạng
hoạt tính vì bản thân nó đã có hoạt tính. Khi gắn vào vị trí đặc hiệu trên enzym RT làm
mất hoạt tính enzym. Các thuốc này thường có tác dụng đặc hiệu trên HIV-1. Tuy
nhiên các thuốc nhóm này thường không sử dụng đơn độc mà phải phối hợp với các
thuốc khác để tránh kháng thuốc. Khi phối hợp với nhóm nucleosid hiệu lực của các
thuốc tăng.
Nevirapin
Nevirapin hấp thu tốt qua đường tiêu hóa (sinh khả dụng đường uống > 90%) và
không bị ảnh hưởng bởi thức ăn. Thuốc liên kết với protein huyết tương khoảng 60%,
qua được dịch não tuỷ với nồng độ khoảng 45% so với huyết tương, chuyển hóa bởi
cyt P450 và thải trừ chủ yếu qua nước tiểu.

189
Thuốc thường dùng phối hợp trong các phác đồ điều trị nhiễm retrovirus. Ngoài
ra, còn dùng ức chế sự lan truyền HIV từ mẹ sang con khi dùng cho bà mẹ lúc trở dạ
và dùng cho trẻ trong vòng 3 ngày sau khi sinh.
Tác dụng không mong muốn thường gặp là các phản ứng dị ứng da như phát ban,
hoại tử biểu bì, hội chứng Steves - Johnson…
Các thuốc tương tự nevirapin: delavirdin và efavirenz.
Liều dùng:
- Nevirapin: khởi đầu 200mg/lần/24h, sau 14 ngày tăng lên 200mg/lần x 2
lần/24h.
- Delavirdin: 400mg x 3 lần/24h
- Efavirenz: 600mg/lần/24h
2. Các thuốc ức chế protease
Indinavir
Dược động học
Hấp thu nhanh qua đường tiêu hóa, đạt nồng độ tối đa trong huyết tương sau
khoảng 1 giờ, sinh khả dụng khoảng 65%, hấp thu giảm khi thức ăn có nhiều chất béo,
liên kết với protein huyết tương khoảng 60%. Chuyển hóa ở gan, thải trừ chủ yếu qua
phân, thời gian bán thải khoảng 2 giờ.
Tác dụng
Indinavir và các chất ức chế protease của HIV khác có tác dụng bằng cách gắn
thuận nghịch với protease của virus. Kết quả là các virus không trưởng thành và không
lan truyền sang các tế bào lành khác.
Thuốc thường được phối hợp với các thuốc kháng RT
Tác dụng không mong muốn
Thường gặp: buồn nôn, nôn, tiêu chảy
Ngoài ra: rối loạn thị giác, mệt mỏi, nhức đầu, chóng mặt, dị cảm, suy thận, rối
loạn phân bố mỡ, tăng đường huyết. Các phản ứng dị ứng như ban da, ngứa.
Tương tác thuốc
Indanavir làm tăng nồng độ huyết tương của nhiều thuốc: giảm đau, gây ngủ,
chống loạn nhịp (amiodazon, flecainid) kháng histamin, benzodiazepin, rifampicin.
Thuốc làm tăng nồng độ indinavir trong huyết tương là các azol chống nấm
Liều dùng
Người lớn: 800mg x 3 lần/24h. Uống cách xa bữa ăn
Các thuốc ức chế protease khác
Saquinavir, ritonavir, nelfinavir

190
Bài 6
THUỐC CHỐNG UNG THƯ
MỤC TIÊU
1.Trình bày được phân loại thuốc chống ung thư theo cấu trúc hóa học.
2.Trình bày được tác dụng không mong muốn, nguyên tắc chung trong sử dụng
các thuốc chống ung thư.
3. Trình bày được tác dụng, tác dung không mong muốn, chỉ định, chống chỉ
định, cách dùng và liều lượng của các thuốc chống ung thư trong chương trình học

NỘI DUNG
I. ĐẠI CƯƠNG
1. Vài nét về bệnh ung thư
- Ung thư là bệnh ác tính do sự tăng sinh bất thường tế bào mô của cơ thể. Trong
bệnh ung thư tế bào sinh ssản một cách vô hạn độ, không tuân theo cơ chế kiểm soát
về phát triển cơ thể
- Bệnh ung thư có quá trình phát sinh, phát triển dài mà không có triệu chứng
bệnh. Khi có khối u phát triển nhanh mới có biểu hiện rối loạn chức năng cơ thể. Đau
giữ dội thường xuất hiện vào giai đoạn cuối của bệnh.
- Ung thư (u ác tính) khác với u lành ở chỗ chúng không chỉ phát triển tại chỗ mà
xâm lấn vào các mô lành xung quanh và di căn tới các hạch bạch huyết hoặc các tạng
ở xa hình thành khối u mới.
- Có 2 loại ung thư thường gặp :
+ Ung thư biểu mô : xuất phát từ các tế bào biểu mô của tạng, các cơ quan. Ung
thư biểu mô thường di căn theo hệ bạch huyết.
+ Ung thư tổ chức liên kết: Xuất phát từ các tế bào của tổ chức liên kết của cơ
thể. Ung thư tổ chức liên kết thường di căn theo đường máu .
Thuốc chống ung thư có tác dụng ức chế sự phát triển và tác động lên chức năng biệt
hoá cũng như cấu trúc tế bào ung thư. Sau đây là một số thuốc thông dụng.
2. Phân loại thuốc chống ung thư theo cấu trúc hoá học và cơ chế.
- Nhóm kháng chuyển hoá : Methotrexat, Fluouracil, Mercaptopurin,
- Nhóm alkyl hoá : Cyclophosphamid, ifofamid, clorambucil, dacarbazin,
busufan, Cisplatin.
- Nhóm thuốc chống phân bào: Các alkaloid dừa cạn (vinblastin, vincristin),
docetaxel.
- Nhóm kháng sinh điều trị ung thư : anthracyclin( dactinomycin, daunorubicin,
doxorubicin, idarubicin); bleomycin.
- Nhóm Hormon và kháng Hormon: Dexamethason, prednisolon,
ethunylestradion, diethylstiboestrol, tamoxifen, các progesterol, các adrogen,
-Nhóm enzym : Asparaginase.
- Nhóm thuốc ảnh hưởng tới hệ miễn dịch: interferon, interleukin II.
-Các thuốc khác : Hydroxyure, Procarbazin, Mitoxatron, Mitotan
3. Tác dụng không mong muốn
Các chất điều trị ung thư phần lớn là chất gây độc tế bào, hơn nữa tính đặc hiệu
không cao như là các thuốc kháng khuẩn. Vì vậy chúng thường gây ra các tác dụng
không mong muốn nặng, thường gặp là
- Trên tuỷ xương: độc với tuỷ xương, biểu hiện là giảm hồng cầu, bạch cầu, tiểu
cầu.
- Trên hệ tiêu hoá: Buồn nôn, nôn, tiêu chảy, liệt ruột, loét miệng.
191
- Trên hệ thần kinh : dị cảm, rối loạn hành vi, cư xử, ngủ lịm, điếc.
- Với da tóc: xạm da. Rụng tóc, hói đầu.
- Các tác dụng không mong muốn khác: suy tim, loạn nhịp, viêm phổi, rối loạn
chức năng gan, thận, tuỵ …
4. Nguyên tắc sử dụng thuốc trị ung thư :
- Chỉ sử dụng thuốc khi có chẩn đoán rõ ràng bằng giải phẫu bệnh.
- Dùng thuốc phải kết hợp với phẫu thuật và chiếu xạ .
- Dùng phối hợp nhiều thuốc để tăng hiệu quả, giảm kháng thuốc, giảm tác dụng
khôn mong muốn. Tuy nhiên khi phối hợp thuốc không phối hợp thuốc có cùng độc
tính trên cùng một cơ quan và phảI giảm liều so với khi dùng đơn độc.
- Lựa chọn thuốc phải phù hợp với loại ung thư, giai đoạn bệnh và tình trạng của
bệnh nhân.
- Chọn liều dùng và đường dùng thích hợp.
II. CÁC THUỐC ĐIỀU TRỊ UNG THƯ

CYCLOPHOSPHAMID
Tính chất
Chế phẩm là hoá chất dạng bột kết tinh trắng, dễ tan trong ethanol, benzen,
cloroform, tan được trong nước.
Tác dụng
ức chế sự phát triển của tế bào ung thư do tác dụng lên ADN.
Chỉ định
Dùng trong các trường hợp u lympho bào; bệnh bạch hầu cấp; các bệnh ung
thư như: vú, tinh hoàn, phế quản.
Chống chỉ định
Giảm bạch hầu, nhiễm độc, suy nhược nặng, rối loạn chức năng gan, suy tuỷ,
phụ nữ có thai.
Thận trọng
- Tiêm phải pha thuốc vào dung dịch Glucose 5% hoặc Natri clorid 0.9% và
truyền nhỏ giọt tĩnh mạch.
- Phải kiểm tra công thức huyết cầu trong thời gian dùng thuốc.
Tác dụng không mong muốn
Thuốc gây giảm bạch cầu và tiểu cầu, gây suy tuỷ.
Cách dùng, liều lượng
- Đợt khởi đầu: Tiêm tĩnh mạch 2 - 3mg/kg thể trọng 24 giờ; thời gian dùng 6 -
8 ngày.
- Đợt duy trì: Có thể uống hoặc tiêm tĩnh mạch.
+ Uống 50 - 200mg/ngày.
+ Tiêm tĩnh mạch mỗi tuần 1 - 2 lần; mỗi lần dùng 2 - 5mg/kg thể trong 24 giờ.
Dạng thuốc:
- ống 100 - 200 - 500mg (dạng bột đông khô).
- Viên 50mg (mỗi hộp có 50 viên).
Bảo quản
Để nơi mát, thuốc đã pha thành dạng dung dịch phải dùng ngay vì để lâu sẽ bị
phân huỷ.

192
METHOTREXAT

Tên khác: MTX, Ledertrexat, Emthexat, Metrexan


Tính chất
Methotrexat ở dạng bột tinh thể màu da cam, gần như không tan trong nước,
ethanol, tan trong dung dịch kiềm, tan ít trong dung dịch acid hydrocloric loãng.
Tác dụng
Đối kháng với acid folic, ức chế tổng hợp ADN.
Chỉ định
Bệnh bạch hầu lympho bào cấp tính, ung thư vú, ung thư cổ tử cung, ung thư
biểu mô đường hô hấp, đường tiêu hoá trên.
Chống chỉ định
Suy tuỷ, nhiễm khuẩn nặng ở gan hoặc ở thận, phụ nữ có thai.
Tác dụng không mong muốn
Gây rối loạn tiêu hoá, suy tuỷ, suy thận, huỷ tế bào gan, suy gan, loãng xương ở
trẻ em, vô sinh.
Cách dùng, liều lượng
Uống 5 - 10mg/ngày dùng trong 10 ngày.
Dạng thuốc:
- Viên nén 2.5mg.
- Lọ thuốc bột tiêm 20mg, 50mg.

VINBLASTIN SULFAT

Tên khác: Vincalenblastin, tên viết tắt VBL, Velbe


Tính chất
Vinblastin sulfat là alcaloid của cây dừa cạn (Vinca rosea). Chế phẩm được
dùng dưới dạng muối sulfat.
Vinblastin sulfat bột kết tinh trắng, tan trong nước.
Tác dụng
Thuốc gây ức chế sinh sản tế bào, không ảnh hưởng rõ rệt đến hồng cầu, tiểu
cầu và nồng độ hemoglobin ở máu.
Chỉ định
U lympho bào, ung thư tinh hoàn, ung thư vú.
Chống chỉ định
Suy tuỷ, phụ nữ có thai.
Tác dụng không mong muốn
Gây suy tuỷ, rối loạn thần kinh, rối loạn tiêu hoá, chán ăn, buồn nôn, nôn, đau
bụng, táo bón, tiêu chảy.
Cách dùng, liều lượng
Tiêm tĩnh mạch hoặc truyền tĩnh mạch.
0.025 - 0.1mg/kg thể trọng/24 giờ.
Dạng thuốc: Lọ 10mg (dạng bột đông khô).

193
FLUOROURACIL
Tên khác: 5 - fluorouracil. Tên viết tắt 5 - FU
Tính chất
Bột kết tinh trắng, có ánh vàng nhạt, khó tan trong nước lạnh, dễ tan hơn trong
nước nóng, rất ít tan trong ethanol.
Tác dụng
ức chế tổng hợp acid nucleic, ngăn chặn sự lan truyền các u ở biểu mô.
Chỉ định
Ung thư ở đường tiêu hoá (dạ dày, tuỵ, ruột kết), ung thư vú, ung thư buồng
trứng, ung thư bàng quang, ung thư da (bôi tại chỗ).
Chống chỉ định
Các trường hợp suy tuỷ, phụ nữ có thai.
Tác dụng không mong muốn
Có thể gây rối loạn tiêu hoá (viêm loét niêm mạc miệng, buồn nôn, ỉa chảy....)
gây suy tuỷ, viêm da.
Cách dùng, liều lượng
- Tiêm tĩnh mạch 5mg/kg thể trọng/24 - 48 giờ. Mỗi đợt dùng 3 - 5 ngày, nghỉ
một tháng lại dùng tiếp đợt khác.
Tiêm truyền nhỏ giọt tĩnh mạch (pha thuốc vào dịch truyền Glucose 5%). Có
thể dùng tiêm bắp, liều dùng tuỳ theo chỉ định của bác sĩ.
Dạng thuốc:
- Ống tiêm 250mg/5ml.
- Thuốc mỡ 5%.

194
THỰC HÀNH
BÀI 1
THUỐC TÁC DỤNG TRÊN HỆ TIM MẠCH

MỤC TIÊU
1.Trình bày được tác dụng, tác dụng phụ, chỉ định, chống chỉ định, cách dùng
và liều lượng của một số thuốc tác dụng trên hệ tim mạch.
2. So sánh được tác dụng của các thuốc trong nhóm.
3. Hướng dẫn sử dụng an toàn, hiệu quả, hợp lý các thuốc trong bài.

NỘI DUNG
1.1. Thuốc Digoxin
A, Qui cách đóng gói

Thuốc uống: Nang chứa dịch lỏng: 50 microgam, 100 microgam, 200
microgam.
Cồn ngọt: 50 microgam/ml (60 ml).
Viên nén: 125 microgam, 250 microgam, 500 microgam.
Thuốc tiêm: 100 microgam/ml (1 ml), 250 microgam/ ml (2 ml).
B, Liều lượng
Cần điều chỉnh liều theo từng người bệnh. Ðiều hết sức quan trọng là xác định
để biết người bệnh có dùng dạng thuốc digitalis nào trong 2 hoặc 3 tuần trước, vì một
ít tác dụng còn tồn lại đòi hỏi phải giảm liều để tránh ngộ độc. Xác định liều dựa trên
thể trọng lý tưởng (khối nạc), vì digoxin không phân bố vào mô mỡ.
195
Có sự khác nhau về sinh khả dụng giữa các dạng thuốc của digoxin. Khi thay
đổi dạng thuốc điều trị, cần phải hiệu chỉnh liều lượng. Liều 100 microgam (0,1 mg)
cuả thuốc tiêm hoặc nang chứa dung dịch digoxin tương đương sinh học với liều 125
microgram (0,125 mg) của viên nén hoặc cồn ngọt digoxin.
Liều dùng người lớn
Ðiều trị chậm bằng digoxin: Liều bình thường dùng một lần trong ngày là 125 -
500 microgam (0,125 - 0,500 mg) dưới dạng viên nén; hoặc 100 - 350 microgam (0,10
- 0,35 mg), dưới dạng thuốc tiêm tĩnh mạch. Thuốc tiêm tĩnh mạch dùng cho người
không uống được viên nén. Có thể chia liều hàng ngày thành 2 lần, một buổi sáng và
một buổi chiều. Mức liều điều trị dự định (trạng thái ổn định) đạt được trong vòng 5 -
10 ngày, nếu người bệnh có chức năng thận bình thường. Ðiều quan trọng là phải dùng
liều duy trì với thời biểu dùng thuốc rất đều đặn.
Ðiều trị cấp tính, nhanh bằng digoxin: Áp dụng phương pháp này ở người bệnh
cần đạt mức liều điều trị nhanh. Không bao giờ cho thuốc mà không có sự theo dõi
liên tục người bệnh. Bác sỹ chịu trách nhiệm điều trị người bệnh phải bảo đảm sự theo
dõi liên tục qua ghi điện tim và nhân viên y tế đã được huấn luyện.
Người bệnh cân nặng 70 kg và không béo, nói chung có thể cần 1000 microgam (1
mg) digoxin tiêm tĩnh mạch, hoặc 1500 microgam (1,5 mg) uống. Dùng liều này như
sau: Bắt đầu 500 - 750 microgam (0,50 - 0,75 mg) tiêm tĩnh mạch, hoặc 750 - 1000
microgam (0,75 - 1 mg) uống. Khi cần, thì cho một liều khác: 250 microgam (0,25
mg) tiêm tĩnh mạch, cứ 3 giờ một lần, hoặc 500 microgam (0,50 mg) uống, cứ 6 giờ
một lần, cho tới khi đạt tác dụng đầy đủ.
Tổng liều ngày đầu không được quá 1500 microgam (1,5 mg) tiêm tĩnh mạch,
hoặc không được quá 2000 microgam (2 mg), nếu uống.
Liều người cao tuổi: Dùng liều digoxin quá thấp cho người cao tuổi không thỏa đáng
(liều như vậy thường cho 1 nồng độ dưới mức điều trị) và liều phải cho tùy theo người
bệnh (62,5 microgam/ngày).
Liều trẻ em:
Không dùng viên nén digoxin cho trẻ em dưới 5 tuổi. Có thể dùng thuốc tiêm
tĩnh mạch digoxin cho trẻ em nhỏ tuổi hơn. Khi dùng digoxin cho trẻ nhỏ, phải tính
liều theo những thay đổi quan trọng về khả năng thải trừ digoxin của đứa trẻ, trong 6
tháng đầu sau khi đẻ.
Trẻ sơ sinh: Liều cần thiết trung bình 20 microgam/kg (0,02 mg/kg) thể trọng là
liều tiêm tĩnh mạch để điều trị nhanh bằng digoxin, và sau đó, 7 microgam /kg (0,007
mg/kg) thể trọng mỗi ngày là liều duy trì. Với trẻ sơ sinh đẻ non, phải giảm liều nhiều
so với mức liều dùng cho trẻ sơ sinh đẻ đủ tháng.

196
Trẻ em 6 tháng tuổi: Trung bình có thể cần 30 microgam/kg (0,03 mg/kg) thể
trọng là liều tiêm tĩnh mạch để điều trị nhanh bằng digoxin, và sau đó, 10 - 20
microgam/kg (0,01 - 0,02 mg/kg) thể trọng mỗi ngày, là liều tiêm tĩnh mạch duy trì.
Liều cần thiết tính theo kg thể trọng giảm xuống chậm trong năm đầu sau khi đẻ. Ở trẻ
2 tuổi, liều cần thiết lại bằng liều ở 6 tháng tuổi. Ở trẻ lớn hơn, liều cần thiết gần bằng
liều tính theo kg thể trọng dùng cho người lớn có thận bình thường, nghĩa là 15
microgam/kg (0,015 mg/kg) là liều tiêm tĩnh mạch để điều trị nhanh bằng digoxin, và
7 microgam/kg/ngày (0,007 mg/kg/ngày) là liều uống duy trì. Thường dùng liều duy
trì cho trẻ em cứ 12 giờ một lần.
Thay đổi từ digitoxin sang digoxin:
Trong tuần thứ nhất, sau khi ngừng digitoxin, chỉ dùng nửa liều duy trì digoxin. Nếu
không, sẽ có nguy cơ quá liều và ngộ độc, vì digitoxin có nửa đời thải trừ rất chậm.
Sau một tuần đã dùng nửa liều duy trì, dùng digoxin với liều duy trì đầy đủ hàng ngày,
bắt đầu từ đầu tuần thứ hai, sau khi ngừng digitoxin. Tương tác thuốc
Những thuốc sau đây gây nhiều tương tác nên cần phải hiệu chỉnh liều: Amiodaron,
ciclosporin, indomethacin, itraconazol, calci, quinin, quinidin, cholestyramin, thuốc lợi
tiểu quai, propafenon, spironolacton, thuốc lợi tiểu thiazid, thuốc lợi tiểu giống thiazid,
hormon tuyến giáp, verapamil.
1.2. Thuốc Propranolol
A, Qui cách đóng gói

Viên nang giải phóng chậm: 60, 80, 120, 160 mg; viên nén: 10, 20, 40, 60, 80,
90 mg; dung dịch: 20 mg/5 ml; 40 mg/5 ml; 80 mg/5 ml; thuốc tiêm: 1 mg/ml.
B, Liều lượng.
Ðường uống:
Tăng huyết áp: Liều dùng phải dựa trên đáp ứng của mỗi cá thể. Khởi đầu: 20 -
40 mg/lần, 2 lần/ngày, dùng một mình hoặc phối hợp với thuốc lợi tiểu. Tăng dần liều
cách nhau từ 3 - 7 ngày, cho đến khi huyết áp ổn định ở mức độ yêu cầu. Liều thông
thường có hiệu quả: 160 - 480 mg hàng ngày. Một số trường hợp phải yêu cầu tới 640
mg/ngày. Thời gian để đạt được đáp ứng hạ áp từ vài ngày tới vài tuần. Liều duy trì là

197
120 - 240 mg/ngày. Khi cần phối hợp với thuốc lợi tiểu thiazid, đầu tiên phải hiệu
chỉnh liều riêng từng thuốc.
Ðau thắt ngực: Liều dùng mỗi ngày có thể 80 - 320 mg/ngày tùy theo cá thể,
chia làm 2 hoặc 3, 4 lần trong ngày, với liều này có thể tăng khả năng hoạt động thể
lực, giảm biểu hiện thiếu máu cục bộ cơ tim trên điện tâm đồ. Nếu cho ngừng điều trị,
phải giảm liều từ từ trong vài tuần. Nên phối hợp propranolol với nitroglycerin.
Loạn nhịp: 10 - 30 mg/lần, 3 - 4 lần/ngày, uống trước khi ăn và trước khi ngủ.
Nhồi máu cơ tim: Liều mỗi ngày 180 - 240 mg, chia làm nhiều lần. Chưa rõ
hiệu quả và độ an toàn của liều cao hơn 240 mg để phòng tránh tử vong do tim. Tuy
nhiên cho liều cao hơn có thể là cần thiết để điều trị có hiệu quả khi có bệnh kèm theo
như đau thắt ngực hoặc tăng huyết áp.
Ðể phòng nhồi máu tái phát và đột tử do tim, sau cơn nhồi máu cơ tim cấp, cho uống
80 mg/lần, 2 lần/ngày, đôi khi cần đến 3 lần ngày.
Ðau nửa đầu: Phải dò liều theo từng người bệnh. Liều khởi đầu 80 mg/ngày,
chia làm nhiều lần. Liều hiệu dụng thường là 160 - 240 mg/ngày. Có thể tăng liều dần
dần để đạt hiệu quả tối đa. Nếu hiệu quả không đạt sau 4 - 6 tuần đã dùng đến liều tối
đa, nên ngừng dùng propranolol bằng cách giảm liều từ từ trong vài tuần.
Run vô căn: Phải dò liều theo từng người bệnh. Liều khởi đầu: 40 mg/lần, 2 lần/ngày.
Thường đạt hiệu quả tốt với liều 120 mg/ngày, đôi khi phải dùng tới 240 - 320
mg/ngày.
Hẹp động mạch chủ phì đại dưới van: 20 - 40 mg/lần, 3 - 4 lần/ngày, trước khi
ăn và đi ngủ.
U tế bào ưa crom: Trước phẫu thật 60 mg/ngày, chia nhiều lần, dùng 3 ngày
trước phẫu thuật, phối hợp với thuốc chẹn alpha adrenergic.
Với khối u không mổ được: Ðiều trị hỗ trợ dài ngày, 30 mg/ngày, chia làm nhiều lần.
Tăng năng giáp, propranolol dùng liều từ 10 - 40 mg, ngày uống 3 hoặc 4 lần.
Có khi cần phải tiêm tĩnh mạch; liều 1 mg tiêm tĩnh mạch trong 1 phút, lặp lại cách
nhau 2 phút, cho tới khi có đáp ứng hoặc cho tới liều tối đa 10 mg ở người bệnh tỉnh
táo hoặc 5 mg ở người bệnh gây mê.
Tăng áp lực tĩnh mạch cửa, liều đầu tiên 40 mg, ngày 2 lần; liều có thể tăng khi
cần, cho tới 160 mg, ngày 2 lần.
Với trẻ em: Chỉ dùng uống, để chống tăng huyết áp. Bắt đầu 1,0 mg/kg/ngày
(nghĩa là 0,5 mg/kg/lần, 2 lần/ngày). Thông thường, liều là 2 - 4 mg/kg/ngày, chia 2
lần. Không được dùng liều cao hơn 16 mg/kg/ngày cho trẻ em. Nếu ngừng thuốc phải
giảm liều từ từ trong vòng 7 - 14 ngày.
Ðường tiêm tĩnh mạch: Dùng trong trường hợp loạn nhịp đe dọa tính mạng
hoặc xảy ra trong khi gây mê. Liều dùng 0,5 - 3 mg tiêm tĩnh mạch. Nếu cần thiết có
thể tiêm tĩnh mạch một liều thứ hai sau 2 phút. Có thể dùng các liều bổ sung tiếp theo,

198
với khoảng cách thời gian ít nhất là 4 giờ cho tới khi đạt đáp ứng mong muốn. Nên
chuyển sang uống càng sớm càng tốt.
Hiệu quả của tiêm tĩnh mạch chưa được đánh giá đầy đủ trong điều trị cấp cứu tăng
huyết áp.
1.3. Thuốc Amiodaron
A, Qui cách đóng gói.

Viên nén: 200 mg amiodaron hydroclorid


Ống tiêm 150 mg/3 ml
Chú ý: Iod chiếm 37,3% (khối lượng/khối lượng) trong phân tử amiodaron
hydroclorid
B, Cách dùng, liều lượng
Loạn nhịp thất
Thuốc uống: Giai đoạn tấn công dùng liều cao: uống mỗi lần 200 mg, ngày 3
lần trong tuần đầu; mỗi lần 200 mg, ngày 2 lần trong tuần thứ hai. Sau 2 tuần đó, giảm
liều xuống còn 200 mg/ngày hoặc thấp hơn. Hiếm khi người bệnh cần liều duy trì cao
hơn 200 mg/ngày. Cần đánh giá tác dụng phụ thường xuyên, ít nhất mỗi tháng 1 lần
hoặc nhiều hơn nếu liều duy trì cao hơn 200 mg/ngày. Ðể tránh các tác dụng có hại
cho đường tiêu hóa, nên dùng amiodaron trong bữa ăn
Thuốc tiêm tĩnh mạch:
Chỉ dùng khi có cơ sở hồi sức cấp cứu để điều trị và theo dõi bệnh. Liều tiêm
truyền tĩnh mạch là 5 mg/kg thể trọng, pha loãng với 250 ml glucose 5%, truyền tĩnh
mạch chậm từ 20 phút đến 2 giờ, càng chậm càng tốt, dựa trên đáp ứng lâm sàng. Có
thể dùng nhắc lại liều truyền tĩnh mạch ban đầu này. Liều có thể lên tới 1200 mg (xấp
xỉ 15 mg/kg thể trọng) trong 24 giờ pha loãng vào 500 ml glucose 5%. Tốc độ truyền
điều chỉnh theo đáp ứng lâm sàng. Người bệnh cần được theo dõi ở cơ sở hồi sức cấp
cứu
Loạn nhịp trên thất
Thuốc uống: Liều tấn công là 600 - 800 mg/ngày, dùng trong 1 - 4 tuần, cho
đến khi kiểm soát được bệnh hoặc xuất hiện tác dụng có hại quá mức, sau đó giảm liều

199
dần đến liều duy trì thấp nhất có tác dụng, liều duy trì đường uống là 100 - 400
mg/ngày
Liều trẻ em: Chưa được xác định và có thể biến đổi nhiều: Ðể điều trị loạn nhịp
thất và trên thất, liều tấn công là 10 - 15 mg/kg/ngày hoặc 600 - 800 mg/1,73 m2/ngày
trong khoảng 4 - 14 ngày và/hoặc cho tới khi kiểm soát được loạn nhịp. Khi đó, liều
giảm xuống tới 5 mg/kg/ngày hoặc 200 - 400 mg/1,73 m2/ngày trong vài tuần
Liều trong tổn thương thận và gan:
Tổn thương thận: Không cần giảm liều, nhưng có nguy cơ tích iod
Tổn thương gan: Có thể phải giảm liều hoặc ngừng uống thuốc nếu có độc cho
gan trong khi điều trị
Chú giải:
Do thuốc bắt đầu có tác dụng chậm, khó điều chỉnh liều, và có thể gây ra những
tác dụng không mong muốn quan trọng, nên bắt đầu điều trị amiodaron tiêm tĩnh mạch
người bệnh phải nằm viện. Do từng người bệnh có sinh khả dụng khác nhau, nên phải
điều chỉnh liều để đáp ứng với yêu cầu của từng người, dựa vào đáp ứng lâm sàng, sự
xuất hiện và mức độ độc tính của thuốc. Do những phản ứng không mong muốn của
amiodaron nên phải theo dõi chặt chẽ người bệnh, đặc biệt khi dùng liệu pháp truyền
tĩnh mạch amiodaron
1.4. Thuốc Nifedipin
A, Qui cách đóng gói

Viên nang 5 mg, 10 mg và 20 mg. Viên nén tác dụng kéo dài 30 mg, 60 mg, và
90 mg.
B, Liều lượng và cách dùng
Cách dùng
Dạng viên nang: Thường dùng điều trị cơn cấp tính của bệnh tăng huyết áp, cơn
đau thắt ngực, và bệnh Raynaud. Dạng này thường dùng đặt dưới lưỡi và dùng đường
uống (cách dùng là chích thủng viên thuốc, nhai hoặc bóp hết dung dịch chứa trong
viên thuốc vào miệng hoặc cắn vỡ viên thuốc rồi nuốt). Tuy nhiên gần đây, nhiều công
trình nghiên cứu cho thấy nifedipin đặt cho tan dưới lưỡi có thể gây ra nhiều tai biến
như tụt huyết áp quá mức, làm huyết áp giao động không kiểm soát được (nên hiện
nay đã có khuyến cáo không được dùng để điều trị tăng huyết áp, đặc biệt trong cơn
tăng huyết áp).
200
Dạng viên nén giải phóng chậm thường được dùng để điều trị bệnh tăng huyết
áp, dự phòng đau thắt ngực và điều trị bệnh Raynaud. Với dạng viên này phải nuốt
chửng nguyên viên thuốc, không được nhai, không bẻ hoặc làm vỡ viên thuốc.
Liều lượng
Tăng huyết áp: Dùng Loại thuốc tác dụng chậm và kéo dài 10 - 40 mg/1 lần,
ngày uống 2 lần hoặc 30 - 90 mg ngày uống 1 lần hoặc 20 - 100 mg ngày uống 1 lần
tùy theo chế phẩm đã dùng.
Dự phòng đau thắt ngực: Dùng thuốc tác dụng chậm và kéo dài 10 - 40 mg/1
lần, ngày uống 2 lần hoặc 30 - 90 mg ngày uống 1 lần tùy theo chế phẩm.
Hội chứng Raynaud: Viên nang tác dụng nhanh 5 - 20 mg, 3 lần mỗi ngày.
1.5. Thuốc Heparin
A, Qui cách đóng gói

Các muối thường dùng là heparin calci, heparin natri, heparin magnesi và
heparin natri trong dextrose hoặc trong natri clorid. Một số dung dịch có thêm chất bảo
quản là alcol benzylic hoặc clorobutanol. Liều biểu thị bằng đơn vị hoạt lực heparin
xác định bằng phương pháp định lượng sinh vật dùng chất đối chiếu quốc tế dựa vào
số đơn vị hoạt tính heparin trong 1 miligam.
Ống tiêm lọ 1 ml, 2 ml, 2,5 ml, 3 ml, 5 ml, 10 ml và 30 ml hàm lượng 10, 100,
1000, 2500, 5000, 7500, 10000, 15000, 25000 và 40000 IU trong 1 ml.
B, Cách dùng, liều lượng:
Cách dùng:
Thuốc để tiêm tĩnh mạch (tiêm gián đoạn hoặc nhỏ giọt liên tục), hoặc để tiêm
dưới da sâu (trong lớp mỡ). Phải kiểm tra thuốc bằng mắt trước khi dùng.
Liều lượng heparin phải được điều chỉnh theo kết quả test đông máu (như: Thời
gian cephalin-kaolin (APTT), hay thời gian Howell).
Khi tiêm tĩnh mạch gián đoạn: Xét nghiệm thời gian đông máu phải làm trước mỗi lần
tiêm trong giai đoạn đầu điều trị.
Khi tiêm nhỏ giọt liên tục, xét nghiệm thời gian đông máu phải được xác định 4
giờ/1 lần trong giai đoạn đầu điều trị.

201
Nếu tiêm dưới da sâu, xét nghiệm thời gian đông máu làm 4 - 6 giờ sau khi
tiêm.
Phải duy trì thời gian cephalin - kaolin gấp 1,5 đến 2
Ðịnh kỳ đếm tiểu cầu, hematocrit và tìm máu trong phân trong suốt thời gian
điều trị heparin.
Heparin có nhiều loại, muối calci hoặc muối natri, tác dụng không khác nhau.
Liều biểu thị theo đơn vị quốc tế hoặc đơn vị USP. Ðơn vị USP và đơn vị quốc
tế (IU) tuy không thực sự tương đương nhưng về cơ bản liều dùng giống nhau.
Chuyển sang thuốc uống chống đông máu (loại coumarin hoặc tương tự):
Phải làm xét nghiệm thời gian prothrombin khoảng 5 giờ sau mũi tiêm tĩnh
mạch cuối cùng hoặc 24 giờ sau liều tiêm dưới da cuối cùng. Nếu tiêm tĩnh mạch nhỏ
giọt, có thể làm xét nghiệm thời gian prothrombin bất cứ lúc nào. Ðể bảo đảm chống
đông máu liên tục, nên tiếp tục điều trị heparin với liều đầy đủ trong vài ngày sau khi
thời gian prothrombin đã đạt được mức điều trị.
Liều lượng
Người lớn
Phòng huyết khối tắc tĩnh mạch sau hậu phẫu:
Dùng 5000 đvqt tiêm dưới da 2 giờ trước khi phẫu thuật, sau đó 5000 đvqt, 2 -
3 lần trong 24 giờ cho tới khi người bệnh đi lại được, ít nhất 7 ngày sau phẫu thuật.
Ðối với phẫu thuật chỉnh hình lớn, hoặc bệnh khác có nguy cơ cao: 3500 đvqt cách
nhau 8 giờ/1 lần, điều chỉnh liều nếu cần để giữ thời gian cephalin - kaolin ở mức cao
của trị số bình thường (gấp 1,5 đến 2,5 lần số liệu bình thường).
Ðiều trị huyết khối tắc tĩnh mạch ở sâu:
Tiêm tĩnh mạch đầu tiên 5000 đvqt/liều tiêm tĩnh mạch, sau đó 30000 - 35000
đvqt trong 24 giờ nhỏ giọt tĩnh mạch liên tục, hoặc truyền nhỏ giọt liên tục 1000 -
2000 đvqt mỗi giờ hoặc tiêm dưới da 15000 đvqt, cách 12 giờ/lần, liều được điều
chỉnh để duy trì thời gian cephalin hoạt hóa ở mức gấp 1,5 - 2,5 lần mức bình thường.
Hoặc tiêm dưới da sâu 25000 đvqt, cách nhau 12 giờ/1 lần trong 2 ngày, sau đó 12500
đvqt cách nhau 12 giờ/1 lần trong 3 ngày, và sau đó 12500 đvqt mỗi ngày 1 lần trong 2
ngày. Người bệnh có thể trọng trên 85 kg có thể phải cần đến 25000 đvqt cách nhau 12
giờ/1 lần trong 4 ngày (không phải 2 ngày).
Hoặc tiêm truyền liên tục 50 - 100 đvqt/kg ban đầu, sau đó 15 - 25 đvqt/kg/giờ;
hoặc 5000 đvqt ban đầu sau đó 1000 đvqt/giờ. Thời gian điều trị viêm tắc tĩnh mạch
hoặc nghẽn mạch phổi từ 7 - 10 ngày, tiếp theo chống đông bằng đường uống (nên bắt
đầu trong vòng 24 giờ đầu liệu pháp heparin).
Trẻ em
Liều nạp đầu tiên: 50 - 75 đvqt/kg thể trọng, tiêm tĩnh mạch 1 lần.
Duy trì:

202
Nhỏ giọt tĩnh mạch liên tục: Trẻ dưới 1 tuổi: 28 đvqt/kg thể trọng/giờ; trẻ trên 1
tuổi: 20 đvqt/kg thể trọng/giờ.
Tiêm tĩnh mạch gián đoạn: 100 đvqt/kg thể trọng/liều cách 4 giờ 1 lần. Ðiều
chỉnh liều để duy trì thời gian cephalin - kaolin hoặc thời gian Howell gấp 1,5 - 2,5 lần
thời gian bình thường.
Tiếp tục điều trị thêm 48 giờ sau khi bệnh ổn định. Ðợt điều trị thường là 5 - 7
ngày.
Truyền máu: Ðể chống đông máu cho 400 - 600 đvqt heparin trong 100 ml máu
toàn phần.
Lấy mẫu xét nghiệm: Thêm 70 - 150 đvqt heparin natri vào 100 ml máu làm xét
nghiệm để đề phòng đông máu.
1.6. Thuốc Nitroprussiat
A, Qui cách đóng gói
Thuốc bột để pha tiêm: 50 mg/lọ.
Dung môi để pha: Dung dịch glucose 5%, 2 ml/ống; nước cất pha tiêm 4
ml/ống.
B, Liều lượng và cách dùng
Liều: Tùy theo từng trường hợp. Liều khuyên dùng:
Người bệnh không dùng thuốc hạ huyết áp nào khác: Liều khởi đầu là 0,5
microgam/kg/phút (ví dụ, với người lớn nặng 70 kg: 0,3 ml/phút hay 6 giọt/phút dung
dịch 50 mg pha trong 500 ml dung dịch truyền). Tốc độ truyền tăng dần và thường
xuyên được điều chỉnh cho đến khi đạt kết quả mong muốn lên huyết động. Liều trung
bình cần để duy trì huyết áp 30 - 40% dưới huyết áp tâm trương trước khi điều trị là 3
microgam/kg/phút và liều thông thường từ 0,5 - 6 microgam/kg/phút. Tốc độ tối đa
khuyên dùng khoảng 8 microgam/kg/phút và sau 10 phút nếu không có đáp ứng phải
ngừng tiêm truyền.
Chuyển ngay sang dùng thuốc hạ huyết áp theo đường uống khi có thể được,
nhằm giảm thời gian phải truyền natri nitroprusiat.
Ðể gây hạ huyết áp khi gây mê: Tổng liều tối đa là 1,5 microgam/kg/phút. Chú
ý là các thuốc liệt hạch có thể làm tăng tác dụng hạ huyết áp của natri nitroprusiat.
Ðối với điều trị suy tim, liều khởi đầu khuyên dùng là 10 - 15 microgam/phút,
cách 5 - 10 phút có thể tăng từ 10 - 15 microgam/phút cho tới khi đạt được kết quả.
Liều thông thường giao động từ 10 đến 200 microgam/phút và liều không được vượt
quá 280 microgam/phút hoặc 4 microgam/kg/phút.
Cách dùng thuốc:
Phải truyền natri nitroprusiat bằng bơm tiêm tự động có thể điều chỉnh được
hoặc dùng dụng cụ truyền đặc biệt, tránh ánh sáng và cần theo dõi chặt chẽ huyết áp.
Không được tiêm trực tiếp vào tĩnh mạch.

203
Phòng điều trị cần có sẵn phương tiện theo dõi liên tục huyết áp (kể cả các
phương tiện gây chảy máu), phương tiện hồi sức trong gây mê, phương tiện để điều trị
ngộ độc cyanid.
Chuẩn bị: Pha loãng 50 mg (bột đông khô) natri nitroprusiat với 2 - 3 ml dung
dịch tiêm dextrose 5% và lắc nhẹ để hòa tan và để có được dung dịch mẹ. Pha loãng
dung dịch mẹ vào dung dịch dextrose 5% (1000 ml; 500 ml; 250 ml để truyền dịch; 20
hoặc 50 ml cho bơm tiêm tự động, nhằm đạt nồng độ cần thiết.
1.8. Thuốc Verapamil
A, Qui cách đóng gói

Hoạt chất: Verapamil hydroclorid.


Viên bao 40 mg, 80 mg, 120 mg.
Viên nén giải phóng kéo dài: 120 mg, 180 mg, 240 mg.
Thuốc tiêm: Ống 5 mg/2 ml; 10 mg/4 ml và lọ 5 mg/2 ml; 20 mg/4 ml. Mỗi ml dung
dịch chứa 2,5 mg verapamil hydroclorid và 8,5 mg natri clorid hòa tan trong nước cất
pha tiêm, pH 4,1 - 6,0.
B, Cách dùng liều lượng
Viên nén:
Ðau thắt ngực: Liều thường dùng là 80 - 120 mg x 3 lần/ngày. Liều 40 mg x 3
lần/ngày cho những người bệnh tăng đáp ứng với verapamil (người suy chức năng gan,
tuổi già...). Sự phân định liều phải dựa trên hiệu quả điều trị và độ an toàn sau 8 giờ
dùng thuốc. Liều lượng có thể tăng lên từng ngày, chẳng hạn với người bệnh đau thắt
ngực không ổn định, hoặc hàng tuần cho đến khi có đáp ứng lâm sàng tốt nhất.
Loạn nhịp: Liều đối với người bệnh bị rung nhĩ mạn đã điều trị digitalis là 240 -
320 mg/ngày, chia 3 - 4 lần. Liều điều trị cơn nhịp nhanh kịch phát trên thất (người
bệnh không dùng digitalis) là 240 - 480 mg, chia 3 - 4 lần. Nhìn chung, tác dụng tối đa
của bất cứ liều nào đã cho đều đạt được trong 48 giờ đầu điều trị.

204
Tăng huyết áp: Liều phụ thuộc vào từng người bệnh. Liệu pháp với một thuốc
thường dùng ban đầu 80 mg x 3 lần/ngày. Người bệnh cao tuổi, người bệnh tầm vóc
nhỏ: 40 mg x 3 lần/ngày. Tác dụng hạ huyết áp xuất hiện trong tuần đầu điều trị.
Viên nén tác dụng kéo dài:
Ðau thắt ngực và tăng huyết áp: Liều ban đầu 180 mg/ngày. Thuốc phải nuốt,
không nhai. Người bệnh cao tuổi và người tầm vóc nhỏ: liều ban đầu 120 mg/ngày.
Tùy theo đáp ứng của người bệnh, liều có thể tăng dần theo công thức:
240 mg cho mỗi buổi sáng.
180 mg/sáng + 180 mg/tối.
240 mg/sáng + 180 mg/tối.
240 mg cứ 12 giờ/lần.
Thuốc tiêm tĩnh mạch: Dùng để chuyển nhanh cơn nhịp tim nhanh kịch phát
trên thất (bao gồm cả hội chứng tiền kích thích) sang nhịp xoang; dùng để khống chế
tạm thời cơn nhịp nhanh thất trong cuồng động nhĩ và/hoặc rung nhĩ trừ khi có kết hợp
với hội chứng tiền kích thích (hội chứng WPW). Tiêm tĩnh mạch chậm ít nhất trên 2
phút, theo dõi liên tục điện tâm đồ và huyết áp. Thuốc được chỉ định tại bệnh viện có
đầy đủ phương tiện cấp cứu.
Người lớn:
Liều ban đầu 5 - 10 mg (0,075 - 0,15 mg/kg thể trọng). Liều nhắc lại: 10 mg
(0,15 mg/kg thể trọng), sau liều đầu 30 phút, nếu thấy đáp ứng chưa đủ. Chưa xác định
được thời gian tối ưu cho các liều tiêm tiếp theo.
Trẻ em: Liều đầu: 0 - 1 tuổi: 0,1 - 0,2 mg/kg thể trọng, (liều thông thường 0,75
- 2 mg), tiêm ít nhất trong 2 phút và theo dõi liên tục điện tâm đồ; 1 - 15 tuổi: 0,1 - 0,3
mg/kg thể trọng, (liều thông thường 2 - 5 mg); không dùng quá 5 mg. Liều nhắc lại: 0 -
1 tuổi: 0,1 - 0,2 mg/kg thể trọng, 30 phút sau liều đầu không kết quả và liên tục theo
dõi điện tâm đồ; 1 - 15 tuổi: 0,1 - 0,3 mg/kg thể trọng, không quá 10 mg/liều.
1.9. Thuốc Captopril
A, Qui cách đóng gói

Viên bao 12,5 mg, 25 mg, 50 mg, 100 mg


B, Cách dùng và liều lượng
Cách dùng: Uống captopril 1 giờ trước bữa ăn

205
Tăng huyết áp: Liều thường dùng: 25 mg/lần, 2 - 3 lần/ngày. Uống captopril 1
giờ trước khi ăn. Liều ban đầu có thể thấp hơn (6,25 mg, 2 lần/ngày đến 12,5 mg, 3
lần/ngày) cũng có thể có hiệu quả, đặc biệt ở người đang dùng thuốc lợi tiểu. Nếu
huyết áp không kiểm soát được sau 1 - 2 tuần, có thể tăng liều tới 50 mg, ngày uống 2
hoặc 3 lần. Thường không cần thiết vượt quá 150 mg/ngày. Lúc đó, có thể cho thêm
thuốc lợi tiểu thiazid liều thấp (thí dụ 15 mg hydroclorothiazid mỗi ngày)
Cơn tăng huyết áp ( khi cần phải giảm huyết áp trong vài giờ): 12,5 - 25 mg
uống lặp lại 1 hoặc 2 lần nếu cần, cách nhau khoảng 30 - 60 phút hoặc lâu hơn, nhưng
captopril phải được dùng một cách thận trọng
Suy tim:
Captopril nên dùng phối hợp với thuốc lợi tiểu. Liều thường dùng là 6,25 - 50
mg/lần, 2 lần/ngày; khi cần, có thể tăng liều lên 50 mg/lần, 2 lần/ngày. Người bệnh
giảm thể tích tuần hoàn hoặc nồng độ natri máu dưới 130 mmol/lít, cần dùng liều ban
đầu thấp hơn
Dùng phối hợp với thuốc lợi tiểu làm tăng nguy cơ hạ huyết áp, đặc biệt khi suy
tim, hạ natri máu và ở người cao tuổi. Bởi vậy nên ngừng thuốc lợi tiểu 3 ngày trước
khi dùng các chất ức chế ACE. Thuốc lợi tiểu được dùng lại sau khi đã dùng các chất
ức chế ACE
Rối loạn chức năng thất trái sau nhồi máu cơ tim:
Có thể bắt đầu dùng captopril sớm 3 ngày sau nhồi máu cơ tim kèm rối loạn
chức năng thất trái. Sau khi dùng liều ban đầu 6,25 mg, có thể tiếp tục điều trị với liều
12,5 mg/lần x 3 lần, sau đó tăng lên 25 mg/lần x 3 lần/ngày trong vài ngày tiếp theo và
nâng lên liều 50 mg/lần x 3 lần/ngày trong những tuần tiếp theo nếu người bệnh dung
nạp được thuốc
Captopril có thể kết hợp với những liệu pháp sau nhồi máu cơ tim, như thuốc
tan huyết khối, aspirin, thuốc chẹn beta
Bệnh thận do đái tháo đường: 25 mg, 3 lần mỗi ngày, dùng lâu dài. Nếu chưa
đạt được tác dụng mong muốn, có thể cho thêm các thuốc chống tăng huyết áp (thí dụ
lợi tiểu,...)
Trẻ em:
Liều ban đầu: 300 microgam (0,3 mg)/kg thể trọng/lần, 3 lần/ngày, liều có thể
tăng thêm 0,3 mg/kg, cứ 8 - 24 giờ tăng một lần, đến liều thấp nhất có tác dụng
Chú giải:
Người bệnh mắc bệnh tự miễn mô liên kết hoặc suy thận với creatinin huyết
thanh dưới 175 micromol/lít hoặc khi điều trị với chất ức chế miễn dịch, cần phải kiểm
tra bạch cầu hai tuần một lần, trong ba tháng đầu tiên. Người bệnh cũng cần gặp thầy
thuốc nếu thấy đau họng, sốt hoặc có dấu hiệu nhiễm khuẩn

206
1.10. Thuốc Lorsartan
A, Qui cách đóng gói

Viên nén bao phim, dạng muối kali: 25 mg, 50 mg


B, Cách dùng và liều lượng
Liều dùng tùy thuộc từng người bệnh và phải điều chỉnh theo đáp ứng huyết áp.
Liều khởi đầu của losartan thường dùng cho người lớn là 50 mg mỗi ngày; có thể dùng
liều khởi đầu thấp hơn (thí dụ 25 mg mỗi ngày) cho người bệnh có khả năng mất dịch
trong lòng mạch, kể cả người đang dùng thuốc lợi tiểu, hoặc suy gan.
Liều duy trì thông thường là 25 - 100 mg, uống một lần hoặc chia làm 2 lần mỗi
ngày. Không cần phải thay đổi liều cho người bệnh cao tuổi hoặc người suy thận, kể cả
người đang thẩm phân máu.
Nói chung, nếu không kiểm soát được huyết áp với liều đã dùng, thì cách 1 - 2
tháng một lần phải điều chỉnh liều lượng thuốc chống tăng huyết áp.
Nếu dùng losartan đơn độc mà không kiểm soát được huyết áp, có thể thêm
thuốc lợi tiểu liều thấp. Hydroclorothiazid chứng tỏ có tác dụng cộng lực. Có thể dùng
losartan cùng với các thuốc chống tăng huyết áp khác. Không được phối hợp losartan
với các thuốc lợi tiểu giữ kali, do nguy cơ tăng kali huyết.
Có thể uống losartan khi đói hay no.
1.11. Thuốc Methyl dopa
A. Qui cách đóng gói
Viên nén: 125 mg, 250 mg và 500 mg; hỗn dịch uống: 250 mg/5 ml.

207
B. Liều lượng và cách dùng
Người lớn
Ðiều trị bắt đầu: Liều dùng bắt đầu thông thường của methyldopa là 250 mg, 2
đến 3 lần trong ngày, trong 48 giờ đầu. Sau đó liều này được điều chỉnh tùy theo đáp
ứng của mỗi người bệnh. Ðể giảm thiểu tác dụng an thần, nên bắt đầu tăng liều vào
buổi tối.
Ðiều trị duy trì: Liều dùng thông thường của methyldopa là 0,5 - 2 g/ngày, chia
2 - 4 lần. Liều hàng ngày tối đa được khuyến cáo là 3 g.
Nên dùng phối hợp thuốc lợi niệu thiazid nếu không khởi đầu điều trị bằng
thiazid hoặc nếu tác dụng làm giảm huyết áp không đạt với liều methyldopa 2 g/ngày.
Methyldopa được bài tiết với số lượng lớn qua thận và những người bệnh suy thận có
thể đáp ứng với liều nhỏ hơn. Ngất ở người cao tuổi có thể liên quan tới sự tăng nhạy
cảm với thuốc hoặc tới xơ vữa động mạch tiến triển. Ðiều này có thể tránh được bằng
dùng liều thấp hơn.
Người cao tuổi
Liều ban đầu 125 mg 2 lần mỗi ngày, liều có thể tăng dần. Liều tối đa 2 g/ngày.
Trẻ em
Liều bắt đầu là 10 mg/kg thể trọng/ngày, chia làm 2 - 4 lần. Liều tối đa là 65 mg/kg
hoặc 3 g/ngày.
1.12. Hydralazine
A. Qui cách đóng gói
Viên nén 10 mg, 20 mg, 100 mg, thuốc tiêm: 20 mg/ml

B. Cách dùng liều lượng


Thuốc viên
Tăng huyết áp hoặc suy tim: Ban đầu uống 40
mg/ngày, chia thành nhiều lần (4 lần) trong 2 - 4 ngày. Sau
đó, liều có thể tăng theo đáp ứng của người bệnh, nhưng
không vượt quá 100 mg/ngày.
Trẻ em: 0,75 mg/kg/ngày, hoặc 25 mg/m2/ngày chia 4
lần. Liều đầu tiên không được vượt quá 25 mg. Nếu cần, liều
có thể tăng dần trong thời gian 3 - 4 tuần, tối đa 7,5 mg/kg.
Thuốc tiêm
208
Cơn tăng huyết áp: Tiêm tĩnh mạch 5 - 10 mg trong thời gian trên 20 phút hoặc
truyền tĩnh mạch 200 - 300 microgam/phút. Có thể nhắc lại sau 20 - 30 phút, nếu cần.
Liều duy trì thông thường từ 50 - 150 microgam/phút.
Trẻ em: 1,7 - 3,5 mg/kg/ngày, chia làm 4 - 6 lần. Liều đầu tiên không được vượt
quá 20 mg.
Suy thận, hoặc suy gan: Liều hydralazin phải giảm hoặc kéo dài khoảng cách 2
liều.
2. Hướng dẫn thực hành:
Yêu cầu sinh viên học thực hành cần
* Quan sát kỹ đặc điểm, quy cách đóng gói, nhãn thuốc
* Ghi chép các đặc điểm (kẻ như bảng dưới đây) của từng thuốc về:
- Tên thuốc, tên quốc tế, tên khác, tên biệt dược
- Dạng thuốc, nồng độ, hàm lượng
- Đặc điểm, màu sắc, quy cách đóng gói...
- Tác dụng, tác dụng phụ
- Chỉ định, chống chỉ định
- Cách dùng, liều lượng và chú ý khi dùng.
- Chế độ và kỹ thuật bảo quản, hạn dùng của thuốc
Tên Tên gốc Dạng TD TDP CĐ CCĐ CD- BQ- HD
BD thuốc, LL
nồng độ,
hàm
lượng

* Nhận xét chất lượng bằng cảm quan.


* Hướng dẫn sử dụng an toàn, hiệu quả, hợp lý các thuốc trong bài.

* Phân tích một số bài tập tình huống sau:

Bài tập tình huống 1:

Bệnh nhân A : nam giới, 35 tuổi, 45 kg, bị suy tim trái, không bị bệnh gan thận. Anh
chị lựa chọn thuốc cho bệnh nhân trên và hướng dẫn sử dụng thuốc đó cho bệnh nhân?
Bài tập tình huống 2:

209
Bệnh nhân B : nam giới, 45 tuổi, 60kg, huyết áp 140/90 mmHg, không bị bệnh gan
thận. Anh chị lựa chọn thuốc cho bệnh nhân trên và hướng dẫn sử dụng thuốc đó cho
bệnh nhân?
Bài tập tình huống 3:

Bệnh nhân C : nữ giới, 45 tuổi, 60kg, huyết áp 150/90 mmHg kèm đau thắt ngực,
không bị bệnh gan thận. Bị Anh chị lựa chọn thuốc cho bệnh nhân trên và hướng dẫn
sử dụng thuốc đó cho bệnh nhân?
Bài tập tình huống 4:
Bệnh nhân D: nữ giới, 25 tuổi, nặng 60kg, có các triệu chứng của tiền sản giật. Anh
chị hãy lựa chọn thuốc và trình bày cách dùng thuốc đó cho bệnh nhân trên

210
BÀI 2
THUỐC LỢI TIỂU

MỤC TIÊU
1.Trình bày được tác dụng, tác dụng phụ, chỉ định, chống chỉ định, cách dùng
và liều lượng của một số thuốc lợi tiểu.
2. So sánh được tác dụng của các thuốc trong nhóm.
3. Hướng dẫn sử dụng an toàn, hiệu quả, hợp lý các thuốc trong bài.

NỘI DUNG
1. Nhận thức thuốc:
1.1. Thuốc Acetazolamid
A, Qui cách đóng gói
Thuốc tiêm 500 mg/5 ml; Viên nén 125 mg, 250 mg.

B, Liều lượng
Thuốc uống:
Người lớn:
Chống glôcôm:
Glôcôm góc mở: Lần đầu tiên uống 250 mg/1 lần, ngày uống từ 1 đến 4 lần.
Liều duy trì tùy theo đáp ứng của người bệnh, thường liều thấp hơn là đủ.
Glôcôm thứ phát và trước khi phẫu thuật: Uống 250 mg cách nhau 4 giờ/1 lần.
Chống co giật (động kinh):
Uống 4 - 30 mg (thường lúc đầu 10 mg)/kg/ngày chia liều nhỏ có thể tới 4
lần/ngày, thông thường 375 mg đến 1000 mg/ngày.
Khi acetazolamid dùng đồng thời với các thuốc chống động kinh khác, liều ban
đầu 250 mg/ngày, sau đó tăng dần.

211
Trẻ em:
Glôcôm: Uống 8 - 30 mg/kg, thường 10 - 15 mg/kg hoặc 300 - 900 mg/m2 diện
tích da/ngày, chia thành liều nhỏ.
Ðộng kinh: Giống liều người lớn. Tổng liều không vượt quá 750 mg.
Thuốc tiêm (khi không uống được, liều tiêm tương đương với liều uống được
khuyến cáo)
Người lớn:
Glôcôm: Ðể làm giảm nhanh nhãn áp: Tiêm tĩnh mạch 500 mg tương đương với
acetazolamid tùy theo đáp ứng của người bệnh, liệu pháp có thể tiếp tục bằng đường
uống.
Lợi tiểu (để kiềm hóa nước tiểu): Tiêm tĩnh mạch 5 mg/kg hoặc cần thiết để đạt
được và duy trì tăng bài niệu kiềm.
Trẻ em:
Glôcôm cấp: Tiêm tĩnh mạch: 5 - 10 mg/kg cách 6 giờ/1 lần.
Lợi tiểu (để kiềm hóa nước tiểu): Tiêm tĩnh mạch 5 mg/kg hoặc 150 mg/m2
diện tích da cơ thể, tiêm1 lần/1 ngày vào buổi sáng, tiêm cách 1 hoặc 2 ngày/1 lần.
1.2. Thuốc Furosemid
A, Qui cách đóng gói
Thuốc tiêm: 20 mg/2 ml. Viên nén: 40 mg.

B, Liều lượng
Ðiều trị phù: Liều uống bắt đầu thường dùng là 40 mg/ngày. Ðiều chỉnh liều
nếu thấy cần thiết tùy theo đáp ứng. Trường hợp phù nhẹ có thể dùng liều 20 mg/ngày
hoặc 40 mg cách nhật. Một vài trường hợp có thể tăng liều lên 80 mg hoặc hơn nữa,
chia làm 1 hoặc 2 lần trong ngày. Trường hợp nặng, có thể phải dò liều tăng dần lên
tới 600 mg/ngày. Trong trường hợp cấp cứu, hoặc khi không dùng được đường uống,
có thể tiêm bắp hoặc tĩnh mạch chậm 20 - 40 mg hoặc cần thiết có thể cao hơn. Nếu
liều lớn hơn 50 mg thì nên tiêm truyền tĩnh mạch chậm. Ðể chữa phù phổi, liều tiêm
tĩnh mạch chậm ban đầu là 40 mg. Nếu đáp ứng chưa thoả đáng trong vòng một giờ,
liều có thể tăng lên 80 mg, tiêm tĩnh mạch chậm.

212
Với trẻ em liều thường dùng, đường uống là 1 - 3 mg/kg/ngày, tới tối đa là 40
mg/ngày. Liều thường dùng, đường tiêm là 0,5 - 1,5 mg/kg /ngày, tới tối đa là 20
mg/ngày.
Ðiều trị tăng huyết áp: Furosemid không phải là thuốc chính để điều trị bệnh
tăng huyết áp và có thể phối hợp với các thuốc chống tăng huyết áp khác để điều trị
tăng huyết áp ở người có tổn thương thận.
Liều dùng đường uống là 40 - 80 mg/ngày, dùng đơn độc hoặc phối hợp với các
thuốc hạ huyết áp khác.
Ðiều trị tăng calci máu:
Uống: 120 mg/ngày uống 1 lần hoặc chia làm 2 hoặc 3 liều nhỏ.
Người cao tuổi: Có thể dễ nhạy cảm với tác dụng của thuốc hơn so với liều
thường dùng ở người lớn.
Liệu pháp liều cao
Ðiều trị thiểu niệu - vô niệu trong suy thận cấp hoặc mãn, khi mức lọc của cầu
thận dưới 20 ml/phút, lấy 250 mg furosemid pha loãng trong 250 ml dịch truyền thích
hợp, truyền trong một giờ. Nếu tác dụng lợi tiểu chưa đạt yêu cầu một giờ sau khi
truyền xong liều có thể tăng lên 500 mg pha với số lượng dịch truyền phù hợp và thời
gian truyền khoảng 2 giờ. Nếu tác dụng lợi tiểu chưa thoả đáng 1 giờ sau khi kết thúc
lần thứ hai, thì cho liều thứ ba: 1 gam furosemid được truyền tiếp trong 4 giờ, tốc độ
truyền không quá 4 mg/phút. Nếu liều tối đa 1 gam truyền tĩnh mạch không có tác
dụng, người bệnh cần được lọc máu nhân tạo.
Có thể dùng nhắc lại liều đã có hiệu quả sau 24 giờ hoặc có thể tiếp tục bằng
đường uống (500 mg uống tương đương với 250 mg tiêm truyền). Sau đó, liều phải
được điều chỉnh tùy theo đáp ứng của người bệnh.
Ðiều trị suy thận mạn, liều ban đầu là 250 mg có thể dùng đường uống. Khi cần
thiết có thể cứ 4 giờ lại thêm 250 mg, tối đa là 1,5 g/24 giờ, trường hợp đặc biệt có thể
lên tới 2 g/24 giờ. Ðiều chỉnh liều tùy theo đáp ứng của người bệnh. Tuy nhiên không
dùng kéo dài. Trong khi dùng liệu pháp liều cao, nhất thiết phải kiểm tra theo dõi cân
bằng nước - điện giải, và đặc biệt ở người bị sốc, phải theo dõi huyết áp và thể tích
máu tuần hoàn để điều chỉnh, trước khi bắt đầu liệu pháp này. Liệu pháp liều cao này
chống chỉ định trong suy thận do các thuốc gây độc cho thận hoặc gan, và trong suy
thận kết hợp với hôn mê gan.
1.3. Thuốc Clorothiazid
A, Qui cách đóng gói
Viên nén 0,25 g hoặc 0,5 g; lọ bột để pha tiêm: 0,5 g; hỗn dịch uống chứa 0,25
g trong 5 ml.

213
B, Liều lượng.
Clorothiazid và các thuốc lợi tiểu thiazid nói chung nên sử dụng với liều thấp
nhất có tác dụng, đặc biệt ở người cao tuổi. Nhìn chung, liều điều trị tăng huyết áp
thường thấp hơn liều chữa phù. Thuốc không có tác dụng đối với người có độ thanh
thải creatinin dưới 30 ml/phút. Cần điều chỉnh liều cho từng người bệnh.
Liều dùng hàng ngày nên ưu tiên sử dụng vào buổi sáng. Ðiều quan trọng là cung cấp
đầy đủ kali trong chế độ ăn hoặc bổ sung hàng ngày.
Phù, đái tháo nhạt: Liều thường dùng là 250 - 1000 mg/24 giờ, uống 1 lần hoặc
chia 2 lần trong ngày. Có thể cho uống cách nhật hoặc uống trong 3 - 5 ngày hàng tuần
liều trên. Thông thường, liều không vượt quá 2 g/24 giờ. Nếu phải dùng liều cao, thì
nên thay thế bằng một thuốc lợi tiểu mạnh.
Tăng huyết áp: Liều thường dùng ban đầu là 125 mg (có thể 250 mg) mỗi ngày,
uống 1 lần hoặc chia 2 lần. Nên dùng liều duy trì thấp nhất. Rất ít người phải dùng đến
500 mg mỗi ngày. Trong trường hợp này, nên dùng phối hợp với một thuốc hạ huyết
áp khác.
Thuốc tiêm tĩnh mạch chỉ dùng trong trường hợp cấp cứu hoặc khi người bệnh
không thể uống được. Có thể tiêm tĩnh mạch chậm hoặc tiêm truyền tĩnh mạch, không
bao giờ được tiêm dưới da hoặc tiêm bắp. Liều thường dùng cho người lớn là 0,5 - 1
g/lần, 1 - 2 lần/ngày. Thêm 18 ml nước cất vào lọ thuốc tiêm để tạo dung dịch đẳng
trương và không bao giờ được pha ít hơn 18 ml, khi đó nồng độ clorothiazid là 28
mg/ml.
Liều dùng cho trẻ em: Ðể điều trị phù và tăng huyết áp, dùng 10 - 20 mg/kg/24
giờ, uống 1 lần hoặc chia 2 lần; không vượt quá 375 mg trong 24 giờ ở trẻ nhỏ tới 2
tuổi, hoặc quá 1 g/24 giờ ở trẻ từ 2 - 12 tuổi. Ở trẻ dưới 6 tháng tuổi, liều có thể lên tới
30 mg/kg thể trọng/24 giờ, chia làm 2 lần.
Không nên dùng thuốc tiêm cho trẻ em.
1.4. Thuốc Spironolacton

A, Qui cách đóng gói.


Viên nén 25 mg; 50 mg; 100 mg spironolacton

214
B, Cách dùng, liều lượng
Người lớn:
Lợi tiểu khi phù kháng trị do xơ gan, hội chứng thận hư, suy tim sung huyết,
đặc biệt nghi ngờ có tăng aldosteron, thường phối hợp với furosemid, các thiazid hoặc
các thuốc lợi tiểu tương tự: Liều ban đầu là uống 25 - 200 mg/ngày, chia 2 - 4 lần,
dùng ít nhất 5 ngày, liều duy trì là 75 - 400 mg/ngày, chia 2 - 4 lần.
Chống tăng huyết áp: Liều ban đầu uống 50 - 100 mg/ngày, chia 2 - 4 lần, dùng
ít nhất 2 tuần; liều duy trì điều chỉnh theo từng người bệnh. Nhưng hiện nay ít được
dùng để điều trị tăng huyết áp.
Tăng aldosteron tiên phát: 100 - 400 mg/ngày, chia 2 - 4 lần trước khi phẫu
thuật. Liều thấp nhất có hiệu quả có thể duy trì trong thời gian dài đối với người
bệnh không thể phẫu thuật.
Trẻ em:
Lợi tiểu hoặc trị tăng huyết áp, cổ trướng do xơ gan: liều ban đầu uống 1 - 3
mg/kg/ngày, dùng 1 lần hoặc chia 2 - 4 lần; liều được điều chỉnh sau 5 ngày.
1.5. Thuốc Mannitol
A, Qui cách đóng gói
Dung dịch 5% (có độ thẩm thấu 275 mOsm/lít); 10% (có độ thẩm thấu 550
mOsm/lít); 20% (có độ thẩm thấu 1100 mOsm/lít) 25% (có độ thẩm thấu 1375
mOsm/lít); đựng trong chai 100 ml; 250 ml hoặc 500 ml dùng để truyền tĩnh mạch.

215
B, Liều lượng và cách dùng
Làm test: Truyền tĩnh mạch 200 mg/kg thể trọng hoặc 12,5 g dung dịch manitol
15% hoặc 25%, trong 3 đến 5 phút, sẽ gây bài xuất nước tiểu ít nhất là 30 đến 50 ml
mỗi giờ trong vòng từ 2 đến 3 giờ sau đó. Nếu đáp ứng với lần thứ nhất không tốt thì
có thể làm lại test lần thứ hai. Nếu lưu lượng nước tiểu 2 - 3 giờ sau khi làm test dưới
30 - 50 ml/giờ thì thận đã bị tổn thương thực thể (không được dùng manitol trong
trường hợp này).
Phòng ngừa suy thận cấp: Làm test như trên liều thông thường người lớn cho từ
50 đến 100 g tiêm truyền tĩnh mạch với dung dịch từ 5 đến 25%. Tốc độ truyền thường
điều chỉnh để có 1 lưu lượng nước tiểu ít nhất từ 30 đến 50 ml/giờ.
Ðể tăng đào thải các độc tố: Làm test như trên thông thường duy trì lưu lượng nước
tiểu ít nhất 100 ml/giờ, thường duy trì 500 ml/giờ và cần bằng dương tính về dịch tới 1
- 2 lít.
Ðể giảm độc tính của cisplatin lên thận: Truyền nhanh 12,5 g ngay trước khi
dùng cisplatin, sau đó truyền 10 g/giờ, trong 6 giờ dùng dung dịch 20%. Bù dịch bằng
dung dịch có natri clorid 0,45%, kali clorid 20 - 30 mEq/lít với tốc độ 250 ml/giờ,
trong 6 giờ. Duy trì lưu lượng nước tiểu trên 100 ml/giờ bằng cách truyền tĩnh mạch
manitol.
Làm giảm áp lực nội sọ: Truyền tĩnh mạch nhanh dung dịch manitol 15% đến
25%, theo liều 1 đến 2 g/kg, trong vòng 30 đến 60 phút. Nếu hàng rào máu - não
không nguyên vẹn thì truyền manitol có thể dẫn đến tăng áp lực nội sọ (trường hợp
này nên dùng furosemid).
Làm giảm áp lực nhãn cầu: Liều 1,5 đến 2 g/kg, truyền trong 30 - 60 phút với
dung dịch 15 - 20%. Tác dụng xuất hiện trong vòng 15 phút tính từ lúc bắt đầu truyền
manitol và kéo dài từ 3 đến 8 giờ sau khi ngừng truyền. Có thể đánh giá tác dụng của
manitol lên áp lực nội sọ và nhãn áp bằng cách khám đáy mắt người bệnh (tình trạng

216
phù gai thị, ứ trệ), theo dõi các triệu chứng lâm sàng. Ðiều chỉnh liều, nồng độ dịch và
tốc độ truyền theo mức độ đáp ứng của người bệnh.
Dùng trong phẫu thuật cắt bỏ tuyến tiền liệt qua niệu đạo: Dung dịch manitol
từ 2,5% đến 5% được dùng để tưới, rửa bàng quang trong phẫu thuật cắt tuyến tiền liệt
qua đường niệu đạo.
Liều dùng trong nhi khoa:
Ðiều trị thiểu niệu hoặc vô niệu: Làm test với liều 200 mg/kg như trên; liều
điều trị là 2g/kg truyền tĩnh mạch dung dịch 15 - 20% trong 2 - 6 giờ.
Ðể giảm áp lực nội sọ hoặc áp lực nhãn cầu: Liều 2g/kg, truyền trong 30 - 60
phút dùng dung dịch 15 - 25%.
Ðiều trị ngộ độc: 2 g/kg, truyền dung dịch 5 - 10% sao cho duy trì được một lưu
lượng nước tiểu lớn.
Người cao tuổi: Bắt đầu bằng liều ban đầu thấp nhất và điều chỉnh theo đáp
ứng.
2. Hướng dẫn thực hành
Yêu cầu sinh viên học thực hành cần
* Quan sát kỹ đặc điểm, quy cách đóng gói, nhãn thuốc
* Ghi chép các đặc điểm của từng thuốc về:
- Tên thuốc, tên quốc tế, tên khác, tên biệt dược
- Dạng thuốc, nồng độ, hàm lượng
- Đặc điểm, màu sắc, quy cách đóng gói...
- Tác dụng, tác dụng phụ
- Chỉ định, chống chỉ định
- Cách dùng, liều lượng và chú ý khi dùng.
- Chế độ và kỹ thuật bảo quản, hạn dùng của thuốc.
Tên Tên gốc Dạng TD TDP CĐ CCĐ CD- BQ- HD
BD thuốc, LL
nồng độ,
hàm
lượng

* Nhận xét chất lượng bằng cảm quan.


* Hướng dẫn sử dụng an toàn, hiệu quả, hợp lý các thuốc trong bài.

* Phân tích một số bài tập tình huống sau:


217
Bài tập tình huống 1: Anh (chị) hãy lựa chọn thuốc lợi tiểu phù hợp cho bệnh nhân A
bị xơ gan cổ trướng có phù (Bệnh nhân nam giới, 60 tuổi, nặng 60 kg).
Bài tập tình huống 2: Anh (chị) hãy lựa chọn thuốc lợi tiểu phù hợp cho bệnh nhân B
(nữ giới, 53 tuổi, nặng 42kg) bị tăng huyết áp có phù, đang sử dụng thuốc chống viêm
Corticoid để điều trị viêm khớp.

218
BÀI 3
THUỐC CHỐNG DỊ ỨNG
THUỐC TÁC DỤNG TRÊN HỆ HÔ HẤP

MỤC TIÊU
1.Trình bày được tác dụng, tác dụng phụ, chỉ định, chống chỉ định, cách dùng
và liều lượng của một số thuốc chồng dị ứng và các thuốc tác dụng trên hệ hô hấp.
2. So sánh được tác dụng của các thuốc trong nhóm.
3. Hướng dẫn sử dụng an toàn, hiệu quả, hợp lý các thuốc trong bài.

NỘI DUNG
1. Nhận thức thuốc
1.1. Thuốc Codein phosphat
A, Qui cách đóng gói
Viên nén: 15 mg, 30 mg, 60 mg.
Ống tiêm: 15; 30; 60 mg/ml, 600 mg, 1200 mg/20 ml.
Siro: 25 mg/ml.
Thuốc nước: 3 mg, 15 mg/5 ml.
Dung dịch uống: Codein phosphat 5 mg, dicyclomin hydroclorid 2,5 mg, kali
clorid 40 mg, natri clorid 50 mg, natri citrat 50 mg/5 ml.
Dịch treo: Codein phosphat 5 mg, kaolin nhẹ 1,5 g/ml.
B, Liều lượng
Ðau nhẹ và vừa.
Uống: Mỗi lần 30 mg cách 4 giờ nếu cần thiết; liều thông thường dao động từ
15 - 60 mg, tối đa là 240 mg/ngày. Trẻ em 1 - 12 tuổi: 3 mg/kg/ngày, chia thành liều
nhỏ (6 liều).
Tiêm bắp: Mỗi lần 30 - 60 mg cách 4 giờ nếu cần thiết.
Ho khan: 10 - 20 mg 1 lần, 3 - 4 lần trong ngày (dùng dạng thuốc nước 15 mg/5
ml), không vượt quá 120 mg/ngày. Trẻ em 1 - 5 tuổi dùng mỗi lần 3 mg, 3 - 4 lần/ngày
(dùng dạng thuốc nước 5 mg/5 ml), không vượt quá 12 mg/ngày; 5 - 12 tuổi dùng mỗi
lần 5 - 10 mg, 3 - 4 lần trong ngày, không vượt quá 60 mg/ngày.
1.2. Thuốc Terpin- Codein
A, Qui cách đóng gói

219
Viên nén bao đường chứa Terpin hydrat 200mg, codeinphosphat 5mg
B, Liều lượng
Người lớn: 2 viên x 3 lần/ngày.
Trẻ > 5 tuổi: 1 viên x 1 - 3 lần/ngày.
1.3. Thuốc Dextromethorphan
A, Qui cách đóng gói

Dextromethorphan HBr ............ 15 mg


Tá dược vđ ................................ 1 viên
B, Liều lượng.
Người lớn uống 4 - 8 viên/ngày, chia 3 - 4 lần.
Trẻ em trên 6 tuổi: uống 2 - 4 viên/ngày, chia 4 lần.
Trẻ em từ 2 - 5 tuổi : uống 1 viên/ngày, chia 4 lần.
1.4. Thuốc Acetyl cystein
A, Qui cách đóng gói.
Viên nén 200 mg.
Gói 200 mg.
Thuốc hít qua miệng, thuốc nhỏ vào khí quản và thuốc uống: Dung dịch 10%
(100 mg acetylcystein/ml), 20% (200 mg acetylcystein/ml).
Thuốc tiêm acetylcystein: Dung dịch 20%.
Thuốc nhỏ mắt: Acetylcystein 5%, hypromellose 0,35% (Tên thương mại:
Ilube). Dược lý và cơ chế tác dụng
Acetylcystein (N - acetylcystein) là dẫn chất N - acetyl của L - cystein, một
amino - acid tự nhiên. Acetylcystein được dùng làm thuốc tiêu chất nhầy và thuốc giải
độc khi quá liều paracetamol. Thuốc làm giảm độ quánh của đờm ở phổi có mủ hoặc

220
không bằng cách tách đôi cầu nối disulfua trong mucoprotein và tạo thuận lợi để tống
đờm ra ngoài bằng ho, dẫn lưu tư thế hoặc bằng phương pháp cơ học.
Acetylcystein cũng được dùng tại chỗ để điều trị không có nước mắt.
Acetylcystein dùng để bảo vệ chống gây độc cho gan do quá liều paracetamol, bằng
cách duy trì hoặc khôi phục nồng độ glutathion của gan là chất cần thiết để làm bất
hoạt chất chuyển hóa trung gian của paracetamol gây độc cho gan. Trong quá liều
paracetamol, một lượng lớn chất chuyển hóa này được tạo ra vì đường chuyển hóa
chính (liên hợp glucuronid và sulfat) trở thành bão hòa. Acetylcystein chuyển hóa
thành cystein kích thích gan tổng hợp glutathion và do đó, acetylcystein có thể bảo vệ
được gan nếu bắt đầu điều trị trong vòng 12 giờ sau quá liều paracetamol. Bắt đầu điều
trị càng sớm càng tốt. Dược động học
Sau khi hít qua miệng hoặc nhỏ thuốc vào khí quản, phần lớn thuốc tham gia
vào phản ứng sulfhydryl - disulfid, số còn lại được biểu mô phổi hấp thu. Sau khi
uống, acetylcystein được hấp thu nhanh ở đường tiêu hóa và bị gan khử acetyl thành
cystein và sau đó được chuyển hóa. Ðạt nồng độ đỉnh huyết tương trong khoảng 0,5
đến 1 giờ sau khi uống liều 200 đến 600 mg. Khả dụng sinh học khi uống thấp và có
thể do chuyển hóa trong thành ruột và chuyển hóa bước đầu trong gan. Ðộ thanh thải
thận có thể chiếm 30% độ thanh thải toàn thân.
Sau khi tiêm tĩnh mạch, nửa đời cuối trung bình là 1,95 và 5,58 giờ tương ứng
với acetylcystein khử và acetylcystein toàn phần; sau khi uống, nửa đời cuối của
acetylcystein toàn phần là 6,25 giờ.
B, Cách dùng liều lượng
Cách dùng:
Nếu dùng làm thuốc tiêu chất nhầy, có thể phun mù, cho trực tiếp hoặc nhỏ vào
khí quản dung dịch acetylcystein 10 - 20%. Thuốc tác dụng tốt nhất ở pH từ 7 đến 9,
và pH của các chế phẩm bán trên thị trường có thể đã được điều chỉnh bằng natri
hydroxyd. Nếu dùng làm thuốc giải độc trong quá liều paracetamol, có thể cho uống
dung dịch acetylcystein 5%. Cũng có thể dùng đường tiêm nhỏ giọt tĩnh mạch để điều
trị quá liều paracetamol nhưng nên chọn cách uống.
Thuốc nhỏ mắt acetylcystein 5% dùng tại chỗ để làm giảm nhẹ các triệu chứng
do thiếu màng mỏng nước mắt.
Liều lượng:
Làm thuốc tiêu chất nhầy, acetylcystein có thể được dùng:
Hoặc phun mù 3 - 5 ml dung dịch 20% hoặc 6 - 10 ml dung dịch 10% qua một
mặt nạ hoặc đầu vòi phun, từ 3 đến 4 lần mỗi ngày. Nếu cần, có thể phun mù 1 đến 10
ml dung dịch 20% hoặc 2 đến 20 ml dung dịch 10%, cách 2 đến 6 giờ 1 lần.
Hoặc nhỏ trực tiếp vào khí quản từ 1 đến 2 ml dung dịch 10 đến 20% mỗi giờ 1 lần.
Có thể phải hút đờm loãng bằng máy hút.

221
Hoặc uống với liều 200 mg, ba lần mỗi ngày, dưới dạng hạt hòa tan trong nước.
Trẻ em dưới 2 tuổi uống 200 mg/ngày chia 2 lần và trẻ em từ 2 đến 6 tuổi uống 200
mg, hai lần mỗi ngày.
Ðiều trị khô mắt có tiết chất nhầy bất thường: Thường dùng acetylcystein tại
chỗ, dưới dạng dung dịch 5% cùng với hypromellose, nhỏ 1 đến 2 giọt, 3 đến 4 lần
mỗi ngày.
Dùng làm thuốc giải độc quá liều paracetamol bằng cách tiêm truyền tĩnh mạch
hoặc uống:
Tiêm truyền tĩnh mạch: Liều đầu tiên 150 mg /kg thể trọng, dưới dạng dung
dịch 20% trong 200 ml glucose 5%, tiêm tĩnh mạch trong 15 phút, tiếp theo, truyền
nhỏ giọt tĩnh mạch 50 mg/kg trong 500 ml glucose 5%, trong 4 giờ tiếp theo và sau đó
100 mg/kg trong 1 lít glucose 5% truyền trong 16 giờ tiếp theo. Ðối với trẻ em thể tích
dịch truyền tĩnh mạch phải thay đổi.
Hoặc uống: Liều đầu tiên 140 mg/kg, dùng dung dịch 5%; tiếp theo cách 4 giờ
uống 1 lần, liều 70 mg/kg thể trọng và uống tổng cộng thêm 17 lần.
Acetylcystein được thông báo là rất hiệu quả khi dùng trong vòng 8 giờ sau khi bị quá
liều paracetamol, hiệu quả bảo vệ giảm đi sau thời gian đó. Nếu bắt đầu điều trị chậm
hơn 15 giờ thì không hiệu quả, nhưng các công trình nghiên cứu gần đây cho rằng vẫn
còn có ích. Tương tác thuốc
Acetylcystein là một chất khử nên không phù hợp với các chất oxy - hóa.
Không được dùng đồng thời các thuốc ho khác hoặc bất cứ thuốc nào làm giảm
bài tiết phế quản trong thời gian điều trị bằng acetylcystein.
1.5. Thuốc Theophylin
A, Qui cách đóng gói.

Theophylin (khan), uống:


Nang: 100 mg, 200 mg.
Nang giải phóng kéo dài:
50 mg, 60 mg, 65 mg, 75 mg,
100 mg, 125 mg, 130 mg,
200 mg, 250 mg, 260 mg, 300 mg.
Xiro: 50 mg/5 ml.

Dung dịch: 27 mg/5 ml, 50 mg/5 ml.


Viên nén: 100 mg, 125 mg, 200 mg, 250 mg, 300 mg.
Viên nén giải phóng chậm: 100 mg, 200 mg, 250 mg, 300 mg, 400 mg, 450 mg,
500 mg. Theophylin (khan), đường trực tràng: Ðạn 350 mg.

222
Thuốc truyền tĩnh mạch: 0,4 mg/ml (400 mg); 0,8 mg/ml (400 và 800 mg); 1,6
mg/ml (400 và 800 mg); 2 mg/ml (200 mg); 3,2 mg/ml (800 mg); 4 mg/ml (200 và 400
mg) theophylin (khan) trong dextrose 5%.
Theophylin cũng được dùng để uống và tiêm, dưới dạng aminophylin, là hỗn
hợp theophylin với ethylenediamin tan trong nước gấp 20 lần so với theophylin đơn
độc.
B, Cách dùng, liều lượng
Cách dùng: Ðể giảm kích ứng dạ dày, theophylin dạng uống thông thường
được uống vào bữa ăn hoặc ngay sau bữa ăn, với một cốc nước đầy (150 ml) hoặc
cùng thuốc kháng acid. Không được nhai hoặc nghiền theophylin giải phóng chậm.
Thuốc đạn theophylin bình thường không nên dùng vì hấp thu và tích lũy thất
thường không dự đoán được.
Aminophylin có thể tiêm tĩnh mạch rất chậm (trong vòng 20 - 30 phút) không
pha loãng, hoặc tiêm truyền chậm tĩnh mạch, sau khi đã pha vào một lượng lớn dịch
truyền (tốc độ truyền không quá 25 mg/phút).
Ðối với người béo phì, liều lượng được tính theo cân nặng lý tưởng của người
bình thường tương ứng.
Liều lượng:
Theophylin uống: Liều ban đầu được khuyến cáo: Liều nạp: 4 - 6 mg/kg
theophylin, nếu người bệnh chưa dùng theophylin trong vòng 24 giờ trước; 2 - 3
mg/kg theophylin, nếu người bệnh đã dùng theophylin trong vòng 24 giờ trước.
Trung bình mỗi liều 1 mg/kg làm nồng độ theophylin huyết tăng 2
microgam/ml.
Liều tăng dần: Liều có thể tăng dần khoảng 25% mỗi lần, cách 2 - 3 ngày một
lần, cho đến chừng nào thuốc còn dung nạp được hoặc tới khi đạt tới liều tối đa sau
đây:
Trẻ em tới 9 tuổi: 24 mg/kg/ngày.
9 - 12 tuổi: 20 mg/kg/ngày.
12 - 16 tuổi: 18 mg/kg/ngày.
16 tuổi và lớn hơn: 13 mg/kg/ngày hoặc 900 mg mỗi ngày (bất cứ liều nào cũng
phải thấp hơn).
Liều duy trì: Tổng liều hàng ngày có thể chia dùng cách nhau 12 giờ ở trẻ sơ
sinh và cách nhau 6 - 8 giờ ở trẻ nhỏ. Ở trẻ lớn và người lớn, có thể dùng viên giải
phóng chậm. Tổng liều hàng ngày có thể chia, dùng cách nhau 8 - 12 giờ.
Aminophylin tiêm tĩnh mạch:
Trị cơn ngừng thở ở trẻ thiếu tháng: Uống hoặc tiêm tĩnh mạch: Liều nạp
theophylin 4 mg/kg hoặc aminophylin 5 mg/kg.

223
Tiêm tĩnh mạch: Liều đầu tiên, tốc độ truyền tĩnh mạch duy trì: Trẻ sơ sinh 24
ngày tuổi: 0,08 mg/kg/giờ (theophylin); trên 24 ngày tuổi: 0,12 mg/kg/giờ
(theophylin).
Trị co thắt phế quản cấp ở trẻ em và người lớn:
Ðường tĩnh mạch: Liều nạp 6 mg/kg (tính theo aminophylin), tiêm tĩnh mạch
rất chậm, trong 20 - 30 phút; tốc độ truyền không được quá 25 mg/phút.
2. Hướng dẫn thực hành
Yêu cầu sinh viên học thực hành cần
* Quan sát kỹ đặc điểm, quy cách đóng gói, nhãn thuốc
* Ghi chép các đặc điểm của từng thuốc về:
- Tên thuốc, tên quốc tế, tên khác, tên biệt dược
- Dạng thuốc, nồng độ, hàm lượng
- Đặc điểm, màu sắc, quy cách đóng gói...
- Tác dụng, tác dụng phụ
- Chỉ định, chống chỉ định
- Cách dùng, liều lượng và chú ý khi dùng.
- Chế độ và kỹ thuật bảo quản, hạn dùng của thuốc.
Tên Tên gốc Dạng TD TDP CĐ CCĐ CD- BQ- HD
BD thuốc, LL
nồng độ,
hàm
lượng

* Nhận xét chất lượng bằng cảm quan.


* Hướng dẫn sử dụng an toàn, hiệu quả, hợp lý các thuốc trong bài.

* Phân tích một số câu hỏi sau:

Câu hỏi 1: Anh chị hãy cho biết nguyên nhân, triệu chứng của bệnh hen và hãy cho
biết các nhóm thuốc điều trị hen?
Câu hỏi 2: Anh chị hãy kể tên và nêu hướng dẫn sử dụng của một số thuốc điều trị ho?

224
BÀI 4
THUỐC TÁC DỤNG TRÊN HỆ TIÊU HÓA
MỤC TIÊU
1.Trình bày được tác dụng, tác dụng phụ, chỉ định, chống chỉ định, cách dùng
và liều lượng của một số thuốc tác dụng trên hệ tiêu hóa.
2. So sánh được tác dụng của các thuốc trong nhóm.
3. Hướng dẫn sử dụng an toàn, hiệu quả, hợp lý các thuốc trong bài.

NỘI DUNG
1. Thuốc tác dụng trên hệ tiêu hóa
1.1. Thuốc Cimetidin
A, Qui cách đóng gói

Chế phẩm đơn thành phần: Viên nén 200 mg, 300 mg, 400 mg, 800 mg; viên
sủi 200 mg, 300 mg, 400 mg, 800 mg; siro uống: 5 ml tương đương 200 mg, 300 mg;
thuốc tiêm: mỗi ống 2 ml cimetidin hydroclorid chứa tương đương 300 mg cimetidin;
dịch truyền 400 mg trong 100 ml natri clorid 0,9%
B, Liều lượng
Cimetidin dùng uống và tiêm. Dù bằng đường nào, tổng liều thường không quá
2,4 g/ngày
Ðường uống: Liều ban ngày, uống thuốc vào bữa ăn và/hoặc trước lúc đi ngủ
Người lớn:
Loét dạ dày, tá tràng: Dùng liều duy nhất 800 mg/ngày vào buổi tối trước lúc đi
ngủ ít nhất trong 4 tuần đối với loét tá tràng và ít nhất trong 6 tuần đối với loét dạ dày.
Liều duy trì là 400 mg vào trước lúc đi ngủ
Ðiều trị chứng trào ngược dạ dày - thực quản:
400 mg/lần, 4 lần/ngày (vào bữa ăn và trước lúc đi ngủ), dùng từ 4 đến 8 tuần
Hội chứng Zollinger - Ellison:
400 mg/lần, 4 lần/ngày, có thể tăng tới 2,4 g/ngày
Stress gây loét đường tiêu hóa trên:

225
Uống hoặc cho qua ống thông dạ dày 200 - 400 mg, hoặc tiêm tĩnh mạch 200
mg/lần, cách 4 đến 6 giờ 1 lần
Ðể đề phòng nguy cơ hít phải dịch vị trong khi gây mê:
Cho người bệnh uống 400 mg, 90 đến 120 phút trước khi gây mê, nếu cần sau 4
giờ cho uống nhắc lại
Ðể giảm bớt sự phân giải của chế phẩm bổ sung enzym tụy, người bệnh suy tụy
có thể dùng cimetidin 0,8 - 1,6 g/ngày chia làm 4 lần, uống 60 đến 90 phút trước bữa
ăn
Ðường tiêm (được chỉ định trong chảy máu tiêu hóa do loét dạ dày tá tràng):
Tiêm tĩnh mạch: 200 mg, tiêm chậm ít nhất là 2 phút, cứ 4 - 6 giờ tiêm nhắc lại. Nếu
cần liều lớn hơn hoặc người bệnh có rối loạn tim mạch thì truyền tĩnh mạch. Nếu
truyền cách quãng, dùng 400 mg từ 30 phút tới 1 giờ. Nếu truyền liên tục thì tốc độ là
50 - 100 mg/ giờ
Liều tiêm bắp là 200 mg, cứ 4 - 6 giờ 1 lần
Người bệnh suy thận: Liều dùng tùy thuộc vào độ thanh thải creatinin, nếu độ
thanh thải là 0 - 15 ml/phút thì liều 200 mg/lần, 2 lần/ngày; > 15 - 30 ml/phút, liều 200
mg/lần, 3 lần/ngày; > 30 - 50 ml/phút, 200 mg/lần, 4 lần/ngày; > 50 ml/phút, liều bình
thường
Trẻ em:
Kinh nghiệm lâm sàng dùng cimetidin điều trị cho trẻ em dưới 16 tuổi còn rất
ít. Cần phải cân nhắc giữa nguy cơ và lợi ích trước khi chỉ định cho trẻ em. Trong
trường hợp cần thiết thì trẻ sơ sinh: 10 - 15 mg/kg/ngày với trẻ đủ tháng và chức năng
thận bình thường. Liều cho trẻ em trên 1 tuổi: 20 - 25 mg/kg/ngày chia làm nhiều lần.
Liều cho trẻ lớn: 30 mg/kg/ngày chia 3 - 4 lần
Trẻ bị suy thận, liều phải giảm xuống tới 10 - 15 mg/kg thể trọng/ngày và chia ra cách
nhau 8 giờ
Những năm gần đây, để loại trừ vi khuẩn H. pylori việc chỉ định điều trị thường
phối hợp 1 kháng histamin H2 (hoặc một chất ức chế bơm proton) với 1 số kháng sinh.
1.2. Thuốc Omeprazol
A, Qui cách đóng gói

Nang 20 mg; lọ 40 mg thuốc bột, kèm 1 ống dung môi 10 ml để pha tiêm.
226
B, Liều lượng.
Ðể có liền sẹo lâu dài và tránh loét tái phát, cần phải loại trừ hoàn toàn H.
pylori và giảm hoặc ngừng dùng thuốc chống viêm không steroid.
Ðiều trị chứng viêm thực quản do trào ngược dạ dày - thực quản: Liều thường
dùng là 20 - 40 mg, uống mỗi ngày một lần, trong thời gian từ 4 đến 8 tuần; sau đó có
thể điều trị duy trì với liều 20 mg một lần mỗi ngày.
Ðiều trị loét: Uống mỗi ngày một lần 20 mg (trường hợp nặng có thể dùng 40
mg) trong 4 tuần nếu là loét tá tràng, trong 8 tuần nếu là loét dạ dày. Không nên dùng
kéo dài hơn thời gian trên. Trị liệu bằng omeprazol làm giảm độ toan trong dạ dày,
nhưng lại làm tăng gastrin. Tuy nhiên là tăng tạm thời và phục hồi được. Khi điều trị
dài ngày, dễ gặp tăng sinh nang tuyến dạ dày. Những thay đổi đó có tính chất sinh lý,
lành tính và hồi phục được. Tác dụng ức chế tạo proton đồng biến với vùng nằm dưới
đường cong nồng độ - thời gian, chứ không chỉ đơn thuần với nồng độ thuốc trong
huyết tương. Liều uống 20 mg omeprazol làm giảm tạo HCl trong vòng 2 giờ. Dùng
nhiều ngày, mỗi ngày uống 1 liều thì tác dụng tối đa sẽ đạt được sau 3 - 5 ngày. Từ đó,
độ toan của dạ dày bị giảm đi trung bình là 80% và sự tạo HCl do kích thích bằng
pentagastrin bị giảm đi 70% sau khi uống thuốc 24 giờ. Tác dụng ức chế bài tiết HCl
của thuốc kéo dài; tác dụng này hết sau khi ngừng dùng thuốc 5 ngày. Uống một nang
20 mg đầu tiên đã có tác dụng làm giảm các triệu chứng, và ở phần lớn người bệnh bị
loét tá tràng trong vòng 2 tuần lễ đã thấy lên sẹo. ở người loét dạ dày và viêm thực
quản có trào ngược, thì trung bình phải 4 tuần mới liền sẹo.
Tuy nhiên, tỷ lệ tái phát sẽ cao, nếu không triệt được H. pylori và nếu không
giảm hoặc ngừng việc sử dụng thuốc chống viêm không steroid (ngay cả dưới dạng
viên bao hay viên được giải phóng chậm), vì thuốc chống viêm không steroid ức chế
sự tổng hợp prostaglandin cần cho bảo vệ niêm mạc dạ dày.
Sử dụng omeprazol trong điều trị loét: Omeprazol chỉ là một trong các thuốc trong trị
liệu với công thức 2 hoặc 3 thuốc (ức chế bơm proton, kháng sinh, thuốc chống acid).
Cần chú ý rằng 30% số người bệnh có H. pylori kháng lại các nitro - imidazol. Ðể triệt
H. pylori, thuốc thường được dùng là amoxycilin (hay tetracyclin) + metronidazol (hay
tinidazol) trong 10 ngày. Nên uống omeprazol đồng thời với amoxicilin, vì nếu dùng
omeprazol trước thì sẽ làm giảm tác dụng của cả hai thuốc này. Trị liệu dùng 3 thuốc
thường gây nhiều tác dụng không mong muốn hơn so với dùng 2 thuốc, nhưng trong
cả hai trường hợp, tác dụng không mong muốn đều nhẹ. Khi chọn lựa phương án điều
trị, phải tính đến cả tính kháng kháng sinh của H. pylori. Do đó phải nuôi cấy H.
pylori.
Nếu dùng liều cao thì không được ngừng thuốc đột ngột mà phải giảm dần.
Ðiều trị hội chứng Zollinger - Ellison: Mỗi ngày uống một lần 60 mg (20 - 120
mg mỗi ngày); nếu dùng liều cao hơn 80 mg thì chia ra 2 lần mỗi ngày. Liều lượng cần

227
được tính theo từng trường hợp cụ thể và trị liệu có thể kéo dài tùy theo yêu cầu lâm
sàng. Không được ngừng thuốc đột ngột.
1.3. Thuốc Lansoprazol
A, Qui cách đóng gói.
Viên nang giải phóng chậm (chứa hạt bao, tan trong ruột): 15 mg, 30 mg.

B, Cách dùng liều lượng


Viêm thực quản có trợt loét:
Ðiều trị triệu chứng thời gian ngắn cho tất cả các trường hợp viêm thực quản:
Liều người lớn thường dùng 30 mg, 1lần/ngày, trong 4 - 8 tuần. Có thể dùng
thêm 8 tuần nữa, nếu chưa khỏi.
Ðiều trị duy trì sau chữa khỏi viêm thực quản trợt loét để giảm tái phát: Người
lớn 15 mg/ngày. Chưa xác định được mức độ an toàn và hiệu quả khi điều trị duy trì
lâu quá 1 năm.
Loét dạ dày: 15 tới 30 mg, 1 lần/ngày, dùng trong 4 - 8 tuần. Nên uống vào
buổi sáng trước bữa ăn sáng.
Loét tá tràng: 15 mg, 1 lần/ngày, dùng trong 4 tuần hoặc đến khi khỏi bệnh.
Dùng phối hợp với amoxicilin và clarithromycin trong điều trị nhiễmH. pylori ở
người bệnh loét tá tràng thể hoạt động như sau:
Phối hợp 3 thuốc: 30 mg lansoprazol + 1 g amoxicilin và 500 mg
clarithromycin, dùng 2 lần hàng ngày, trong 10 đến 14 ngày. Tất cả 3 Loại thuốc đều
uống trước bữa ăn.
Phối hợp 2 thuốc: 30 mg lansoprazol + 1 g amoxicilin, dùng 3 lần hàng ngày, trong 14
ngày. Cả 2 Loại thuốc đều uống trước bữa ăn.
Ðiều trị duy trì sau khi loét tá tràng đã khỏi: 15 mg/1 lần/ngày. Chưa xác định
được mức độ an toàn và hiệu quả khi điều trị duy trì lâu quá 1 năm.
Tăng tiết toan khác (hội chứng Z.E.)
Liều thường dùng cho người lớn bắt đầu là 60 mg, 1 lần/ngày. Nên uống vào
buổi sáng trước bữa ăn. Sau đó, điều chỉnh liều theo sự dung nạp và mức độ cần thiết
để đủ ức chế tiết acid dịch vị và tiếp tục điều trị cho đến khi đạt kết quả lâm sàng.
Liều uống trong những ngày sau cần khoảng từ 15 - 180 mg hàng ngày để duy
trì tiết acid dịch vị cơ bản dưới 10 mEq/giờ (5 mEq/giờ ở người bệnh trước đó
có phẫu thuật dạ dày). Liều trên 120 mg/ngày nên chia làm 2 lần uống.

228
Cần điều chỉnh liều cho người có bệnh gan nặng. Phải giảm liều, thường không được
vượt quá 30 mg/ngày.
Lansoprazol không bền trong môi trường acid (dịch dạ dày), vì vậy phải uống
lansoprazol trước khi ăn và không cắn vỡ hoặc nhai viên nang.
1.4. Thuốc Sucrafat
A, Qui cách đóng gói.

Viên nén: 1 g/viên; nhũ dịch: 0,5 g và 1 g/5 ml.


B, Cách dùng, liều lượng
Sucralfat không nên dùng cùng thức ăn. Phải uống vào lúc đói.
Loét tá tràng:
2 g/lần, mỗi ngày uống 2 lần vào buổi sáng và trước khi đi ngủ.
Với vết loét nhỏ, cần điều trị trong 4 tuần.
Với vết loét lớn, cần điều trị trong 8 tuần.
Loét dạ dày lành tính:
Người lớn: 1 g/lần; ngày uống 4 lần.
Ðiều trị tiếp tục đến khi vết loét lành hẳn (kiểm tra bằng nội soi). Thường cần
phải điều trị 6 - 8 tuần.
Người bệnh cũng cần được điều trị để loại trừ vi khuẩn Helicobacter pylori tối
thiểu bằng metronidazol và amoxicilin, phối hợp với sucralfat và với một thuốc chống
tiết acid như thuốc ức chế H2 histamin hay ức chế bơm proton.
Phòng tái phát loét tá tràng:
1 g/lần, ngày uống 2 lần. Ðiều trị không được kéo dài quá 6 tháng.
Loét tá tràng tái phát là do vi khuẩn Helicobacter pylori; để loại trừ
Helicobacter pylori, cần cho một đợt điều trị mới bằng sucralfat phối hợp với kháng
sinh.
Ðiều trị trào ngược dạ dày - thực quản:
1 g/lần, ngày uống 4 lần, một giờ trước mỗi bữa ăn và khi đi ngủ.
1.5. Thuốc Pirenzepin
A, Qui cách đóng gói
Piperazin dược dụng là loại ngậm 6 phân tử nước (piperazin hexahydrat), còn
gọi chung là P. ngậm nước (P. hydrat), hoặc các muối phosphat, adipat hoặc citrat. 100
229
mg P. hexahydrat tương đương 104 mg P. phosphat, 120 mg P. adipat hoặc 110 mg P.
citrat.
Viên nén 200 mg, 300 mg, 500 mg.
Siro 500 mg/5 ml và 750 mg/5 ml.
Dung dịch uống hoặc hỗn dịch 600 mg/5 ml.
Thuốc cốm 3,5%. (Tất cả tính theo P. hexahydrat).
B, Liều lượng và cách dùng
Uống một lần trong ngày trước khi ăn sáng, hoặc chia làm 2 - 3 lần trước bữa
ăn. Không phải nhịn đói và không cần dùng thêm thuốc tẩy.
Trị giun đũa
Người lớn và trẻ em trên 12 tuổi: 75 mg/kg/ngày, tối đa 3,5 g/ngày, trong 2 - 3
ngày (tính theo piperazin hexahydrat).
Từ 2 - 12 tuổi: 75 mg/kg/ngày, tối đa 2,5 g/ngày, trong 2 - 3 ngày.
Dưới 2 tuổi: 50 mg/kg/ngày, dưới sự giám sát của thầy thuốc.
Trị giun kim
Trẻ em và người lớn: 50 mg/kg/ngày. Dùng 7 ngày liên tiếp. Sau 2 - 4 tuần
dùng một đợt nữa.
Nên điều trị đồng thời tất cả các thành viên trong gia đình.
1.6. Thuốc Metronidazol
A, Qui cách đóng gói

Viên nén 250 mg, 500 mg; thuốc đạn trực tràng 500 mg, 1000 mg; thuốc trứng 500
mg.
Hợp dịch: 40 mg/ml; ống tuýp 30 g: thể gel 0,75 g/100 g (7,5 mg/1 g).
Lọ 100 ml có 500 mg metronidazol trong dung dịch đệm phosphat đẳng trương có 14
mmol natri và 13 mmol clor, hoặc có 415 mg manitol để truyền tĩnh mạch.
B, Cách dùng, liều lượng:
Cách dùng:
Metronidazol có thể uống dưới dạng viên nén (cùng hoặc sau lúc ăn) hoặc dạng
dịch treo metronidazol benzoat (ít nhất uống 1 giờ trước khi ăn). Thuốc có thể đặt vào
hậu môn, âm đạo hoặc tiêm truyền (dung dịch 5 mg/ml), tốc độ truyền 5 ml/phút.

230
Ðiều trị nhiễm động vật nguyên sinh
Bệnh do Trichomonas: Uống một liều duy nhất 2 g, hoặc dùng 7 ngày, mỗi
ngày 3 lần, mỗi lần 250 mg. Cần điều trị cho cả người tình.
Bệnh do amíp:
Lỵ amíp cấp do E. histolytica: Có thể dùng đơn độc hoặc tốt hơn là phối hợp
với iodoquinol hoặc với diloxanid furoat. Liều thường dùng cho người lớn là 750 mg,
ngày 3 lần trong 5 - 10 ngày.
Áp xe gan do amíp: Người lớn 500 - 750 mg, ngày 3 lần trong 5 - 10 ngày.
Ðối với trẻ em liều thường dùng là 35 - 40 mg/ kg/24 giờ, chia làm 3 lần, uống
liền 5 - 10 ngày.
Bệnh do Giardia:
Người lớn:Uống 250 mg, ngày 3 lần trong 5 - 7 ngày hoặc uống một lần 2
g/ngày trong 3 ngày.
Trẻ em: Uống 15 mg/kg/ngày, chia làm 3 lần, trong 5 - 10 ngày.
Bệnh do giun rồng Dracunculus: Người lớn và trẻ em 25 mg/kg/ngày, uống
trong 10 ngày, với liều 1 ngày cho trẻ em không được quá 750 mg (dù trẻ trên 30 kg).
Ðiều trị nhiễm vi khuẩn kỵ khí:
Uống: 7,5 mg (base)/kg, cho tới tối đa 1 g, cách 6 giờ/1 lần, cho trong 7 ngày
hoặc lâu hơn.
Viêm đại tràng do kháng sinh: Uống 500 mg (base) 3 - 4 lần mỗi ngày.
Viêm loét dạ dày tá tràng do H. pylori: Uống 500 mg (base) 3 lần mỗi ngày,
phối hợp với bismuth subsalicylat hoặc bismuth subcitrat keo và các kháng sinh khác
như ampicilin hoặc amoxicilin, trong 1 - 2 tuần.
Chỉ dùng dung dịch truyền cho người bệnh không thể uống được thuốc.
Người lớn: Truyền tĩnh mạch 1,0 - 1,5 g/ngày chia làm 2 - 3 lần.
Trẻ em: Truyền tĩnh mạch 20 - 30 mg/kg/ngày chia làm 2 - 3 lần.
Khi người bệnh có thể cho uống được thì chuyển sang cho uống.
Phòng nhiễm khuẩn kị khí sau phẫu thuật: 20 - 30 mg/kg/ngày chia làm 3 lần.
10 - 15 mg/kg, tiêm truyền trong 30 - 60 phút, hoàn thành 1 giờ trước khi phẫu thuật,
tiếp theo là 2 liều tiêm truyền tĩnh mạch 5 - 7,5 mg/kg vào lúc 6 và 12 giờ sau liều đầu
tiên.
CÁC PHÁC ĐỒ ĐIỀU TRỊ VIÊM LOÉT DẠ DÀY TÁ TRÀNG
I. Loét dạ dày – tá tràng có nhiễm HP (Active HP-associated ulcer):
Phác đồ chung:
PPI + AC/AM/MC/BMT.
(PPI: Omeprazole 20mg/Lanzoprazole 30mg/Pantoprazole 40mg/Rabeprazole 10mg).
Uống thuốc 2 lần/ngày, trước bữa ăn sáng và buổi tối trước khi đi ngủ, kết hợp với:
+ Phác đồ 1:

231
PPI/RBC + ACAC
Amoxicilline 1000mg x 2 lần/ngày + Clarithromycin 500mg x 2 lần/ngày.
Hoặc: RBC 400mg x 2 lần/ngày+ AC
+ Phác đồ 2:
PPI + MC
Metronidazole 500mg x 2 lần/ngày + Clarithromycin 500mg x 2 lần/ngày.
+ Phác đồ 3:
PPI + AM:
Amoxicilline 1000mg x 2 lần/ngày + Metronidazole 500mg x 2 lần/ngày.
+ Phác đồ 4:
PPI + BMTBismuth subsalicylate 2v x 4 lần/ngày, kết hợp với:
Metronidazole 250mg x 4 lần/ngày + Tetracycline 500mg x 4 lần/ngày.
Điều trị từ 1 đến 2 tuần tấn công sau đó duy trì bằng PPI ngày 1 lần vào buổi
sáng trước ăn trong 4 – 8 tuần.
* Các phác đồ thường dùng theo thứ tự ưu tiên như sau:
- OAC: Omeprazole + Amoxicilline + Clarithromycine.
- OMC: Omeprazole + Metronidazole + Clarithromycine.
- OAM: Omeprazole + Amoxicilline + Metronidazole.
II. Tái nhiễm HP không kèm loét:
- Phác đồ 4 thuốc: PPI + BMT trong 1 tuần, hoặc:
- Phác đồ 3 thuốc: PPI + 2 kháng sinh trong 1 tuần.
III. Tái nhiễm HP có kèm loét tái phát:
- Phác đồ 4 thuốc hoặc 3 thuốc trong 1 tuần, sau đó, nếu:
+ Loét hành tá tràng có/không biến chứng: PPI/kháng H2 receptor trong 3 tuần,
hoặc:
+ Loét dạ dày điều trị như loét hành tá tràng nhưng thời gian điều trị là 5 tuần.
IV. Loét tái phát không kèm tái nhiễm HP:Tìm nguyên nhân như: NSAIDs,
hội chứng Zollinger-Ellison…
- PPI/kháng H2 receptor x 4 – 6 tuần tùy theo loét dạ dày hay tá tràng.
V. Loét dạ dày – tá tràng không có nhiễm HP (Active ulcer not attributable to
HP):
1. Do dùng thuốc NSAIDs, Corticoid, u ác tính dạ dày:
a. Thuốc ức chế bơm Proton:
- Loét hành tá tràng không biến chứng:
+ Omeprazole 20mg/Lansoprazole 15mg/ngày x 4 tuần.
- Loét dạ dày hoặc loét có biến chứng:
+ Omeprazole 20mg x 2 /Lansoprazole 30mg x 6 – 8 tuần.

232
b. Thuốc đối kháng H2 receptor:
- Loét hành tá tràng không biến chứng:
+ Cimetidine 800mg x 2 /Ranitidine/Nizatidine 300mg x 2 /Famotidine 40mg
lúc ngủ
trong 6 tuần.
- Loét dạ dày:
+ Cimetidine 400mg x 2 /Ranitidine/Nizatidine 150mg x 2 /Famotidine 20mg x
2 trong 8
– 12 tuần.
Loét có biến chứng không khuyến cáo dùng thuốc đối kháng H 2 receptor.
c. Sulcralfate 1g x 4 trong trường hợp loét hành tá tràng không biến chứng.
2. Điều trị hội chứng Zollinger-Ellison:
PPI: Omeprazole/Lansoprazole 60mg/ngày.
VI. Điều trị dự phòng giảm loét:
Dự phòng khi có loét hoặc biến chứng từ trước, sử dụng NSAIDs, corticoid,
thuốc kháng đông, người già > 70 tuổi.
- Điều trị tấn công:
+ Misoprostol (Cytotec) 100 – 200gg x 4lần/ngày, hoặc:
+ PPI x 2 lần/ngày.
- Điều trị duy trì:
Thuốc đối kháng H2 receptor:Cimetidine 400-800mg/Ranitidine/Nizatidine
150300mg/Famotidine 20-40mg, uống lúc đi ngủ.
Từ viết tắt:
- PPI: Proton pump inhibitors.
- RBC (Ranitidine Bismuth Citrate).
- AC: Amoxicicline + Clarithromycin.
- AM: Amoxicicline + Metronidazole.
- MC: Metronidazole + Clarithromycin.
- BMT: Bismuth subsalicylate + Metronidazole + Tetracyclin.
Có thể thay Metronidazole bằng Tinidazole.
- HP: Helicobacter pylori.
- NSAIDs: Non-Steroidal Anti-Inflammatory Drugs.
2. Hướng dẫn thực hành
Yêu cầu sinh viên học thực hành cần
* Quan sát kỹ đặc điểm, quy cách đóng gói, nhãn thuốc
* Ghi chép các đặc điểm của từng thuốc về:
- Tên thuốc, tên quốc tế, tên khác, tên biệt dược
- Dạng thuốc, nồng độ, hàm lượng

233
- Đặc điểm, màu sắc, quy cách đóng gói...
- Tác dụng, tác dụng phụ
- Chỉ định, chống chỉ định
- Cách dùng, liều lượng và chú ý khi dùng.
- Chế độ và kỹ thuật bảo quản, hạn dùng của thuốc.
Tên Tên gốc Dạng TD TDP CĐ CCĐ CD- BQ- HD
BD thuốc, LL
nồng độ,
hàm
lượng

* Nhận xét chất lượng bằng cảm quan.


* Hướng dẫn sử dụng an toàn, hiệu quả, hợp lý các thuốc trong bài.
* Phân tích một số bài tập tình huống sau:
Bài tập tình huống 1: Anh chị cho biết các nguyên nhân gây tiêu chảy và chỉ định
dùng thuốc gì?
Bài tập tình huống 2: Anh chị cho biết các nguyên nhân gây lỵ và chỉ định dùng thuốc
gì?
Bài tập tình huống 3: Anh (chị) hãy lựa chọn thuốc cho bệnh nhân A (nữ giới, 30 tuổi,
nặng 49 kg, chức năng gan thận bình thường, đang mang thai) bị bệnh loét dạ dày tá
tràng.
Bài tập tình huống 4 : Anh (chị) hãy lựa chọn thuốc cho bệnh nhân B (nữ giới, 30 tuổi,
nặng 49 kg, chức năng gan kém) bị bệnh loét dạ dày tá tràng.
Bài tập tình huống 5: Anh (chị) hãy lựa chọn thuốc cho bệnh nhân C (nam giới, 50
tuổi, nghiện rượu, nghiện thuốc lá) bị bệnh loét tá tràng

234
BÀI 5
HORMON VÀ THUỐC KHÁNG HORMON

MỤC TIÊU
1.Trình bày được tác dụng, tác dụng phụ, chỉ định, chống chỉ định, cách dùng
và liều lượng của một số thuốc Hormon và thuốc kháng Hormon
2. So sánh được tác dụng của các thuốc trong nhóm.
3. Hướng dẫn sử dụng an toàn, hiệu quả, hợp lý các thuốc trong bài.

NỘI DUNG
1. Nhận thức thuốc:
1.1. Thuốc Oxytocin
A, Qui cách đóng gói
Ống tiêm : 1 ml chứa 2 đơn vị, 5 đơn vị, 10 đơn vị; óng tiêm có loại 2 đơn vị /2
ml, 5 đơn vị/ 5 ml; Lọ nhỏ mũi 5 ml, 40 đơn vị/ ml.
Chế phẩm có bán trên thị trường thường là dạng oxytocin tổng hợp, pH của
dung dịch tiêm được điều chỉnh đến 2,5 - 4,5 bằng acid acetic. Hiệu lực của oxytocin
được tính theo hoạt tính hạ huyết áp trên gà. Mỗi đơn vị tương ứng với 2 - 2,2
microgam hormon tinh khiết.

B, Liều lượng
Gây chuyển dạ đẻ
Oxytocin nên truyền tĩnh mạch chậm bằng bơm điện. Thường dùng dung dịch
chứa 5 đơn vị, pha trong 500 ml dung dịch natri clorid 0,9 % hoặc dung dịch Ringer
lactat hoặc dung dịch dextrose 5%, 10 mili đơn vị/ml, nhưng cũng có thể dùng dung
dịch đậm đặc hơn truyền qua bơm điện. Tốc độ truyền ban đầu là 0,5 - 4 mili đơn vị
(0,0005 - 0,004 đv)/phút, (ở Mỹ khuyến cáo tốc độ không quá 2 mili đơn vị
(0,002)/phút), sau đó thêm tăng dần từ 1 - 2 mili đơn vị (0,001 - 0,002 đv)/phút, cách
nhau ít nhất 20 phút, cho tới khi có cơn co tử cung như chuyển dạ bình thường. Tốc độ
tới 6 mili đơn vị/phút (0,006đv/phút) đã được báo cáo cho nồng độ oxytocin huyết

235
tương giống như khi chuyển dạ đẻ tự nhiên, nhưng cũng có thể phải dùng đến liều tới
20 mili đơn vị (0,02 đv)/phút hoặc hơn. Một khi chuyển dạ đã tiến triển, có thể ngừng
dần dần tiêm truyền oxytocin. Phải giám sát liên tục tần số tim thai và cơn co tử cung.
Ghi chú: dung dịch nồng độ 10 mili đơn vị/phút. Truyền 6 ml/giờ sẽ cho 0,001
đv/phút.
Mổ lấy thai: Tiêm tĩnh mạch chậm 5 đơn vị ngay sau khi lấy thai ra.
Phòng chảy máu sau khi đẻ,sau khi đã xổ nhau:
Ngay sau khi bong nhau, tiêm tĩnh mạch chậm 5 đơn vị (nếu đã tiêm truyền tĩnh
mạch để gây chuyển dạ đẻ hoặc thúc đẻ, tăng tốc độ truyền trong giai đoạn 3 và trong
một vài giờ sau).
Chú ý: Có thể tiêm bắp ergometrin thay cho oxytocin nếu không cần tác dụng
nhanh.
Ðiều trị chảy máu sau khi đẻ: Tiêm tĩnh mạch chậm 5 đơn vị, trong trường hợp
nặng sau đó có thể tiêm truyền tĩnh mạch 5 - 20 đơn vị/ 500ml trong dịch pha không
hydrat hóa (thí dụ dung dịch glucose 5%) với tốc độ thích hợp để kiểm soát đờ tử
cung.
Chú ý: Tránh tiêm tĩnh mạch nhanh (có thể gây tụt huyết áp nhất thời), cần tiêm
chậm.
Sẩy thai thường, nhất là thai chết lưu: Tiêm tĩnh mạch chậm 5 đơn vị, sau đó
nếu cần thiết tiêm truyền tĩnh mạch 0,02 - 0,04 đơn vị/ phút hoặc nhanh hơn.
Chú ý: Tiêm truyền tĩnh mạch kéo dài với lượng lớn có thể gây ngộ độc nước
cùng với hạ natri huyết.
1.2. Thuốc Prednisolon
A, Qui cách đóng gói
Viên nén hoặc viên nén bao tan trong ruột 2,5; 5; 10; 20; 50 mg prednisolon.
Dung dịch tiêm: Prednisolon natri phosphat 20 mg/ml.
Hỗn dịch trong nước để tiêm: Prednisolon acetat 25 mg/ml.
Viên đặt trực tràng: 5; 20 mg prednisolon (dạng muối natri phosphat).
Dịch treo để thụt: Prednisolon 20 mg/100 ml (dạng prednisolon natri
metasulfobenzoat).
Dung dịch nhỏ mắt prednisolon natri phosphat 0,5%.
Siro prednisolon 15 mg/5 ml.

236
B, Liều lượng.
Ðường dùng và liều lượng prednisolon và các dẫn chất phụ thuộc vào bệnh cần
điều trị và đáp ứng của người bệnh. Tiêm bắp hoặc tĩnh mạch thường dành cho người
bệnh không thể uống được thuốc hoặc dành cho các tình trạng cấp cứu. Sau thời kỳ
cấp cứu ban đầu, cần xem xét chuyển sang dạng corticosteroid tiêm tác dụng kéo dài
hoặc dạng uống. Liều lượng đối với trẻ nhỏ và trẻ em phải dựa vào tình trạng nặng nhẹ
của bệnh và đáp ứng của người bệnh hơn là dựa một cách chính xác vào liều lượng chỉ
dẫn theo tuổi, cân nặng hoặc diện tích cơ thể. Sau khi đã đạt được đáp ứng mong
muốn, cần phải giảm liều dần dần tới mức vẫn duy trì được đáp ứng lâm sàng thích
hợp. Phải liên tục theo dõi người bệnh để điều chỉnh liều khi cần thiết, thí dụ bệnh
thuyên giảm hoặc tăng lên hoặc stress (phẫu thuật, nhiễm khuẩn, chấn thương). Khi
cần phải điều trị prednisolon uống thời gian dài, nên xem xét phác đồ dùng thuốc cách
nhật, một lần duy nhất vào buổi sáng theo nhịp tiết tự nhiên trong 24 giờ của
corticosteroid; như vậy sẽ ít ADR hơn vì có thời gian phục hồi giữa 2 liều. Sau khi
điều trị dài ngày phải ngừng prednisolon dần từng bước.
Prednisolon:
Prednisolon dùng uống. Liều dùng khởi đầu cho người lớn có thể từ 5 đến 60
mg/ngày, tùy thuộc vào bệnh cần điều trị và thường chia làm 2 - 4 lần mỗi ngày. Liều
cho trẻ em có thể từ 0,14 - 2 mg/kg/ngày hoặc 4 - 60 mg/m2/ngày, chia làm 4 lần.
Prednisolon acetat:
Prednisolon acetat có thể dùng tiêm bắp, tiêm trong khớp hoặc mô mềm. Liều
tiêm bắp khởi đầu cho người lớn có thể từ 4 - 60 mg/ngày, tùy thuộc vào bệnh cần điều
trị. Thông thường, thuốc được tiêm bắp cứ 12 giờ 1 lần. Trẻ em có thể dùng 0,04 -
0,25 mg/kg hoặc 1,5 - 7,5 mg/m2 tiêm bắp, 1 hoặc 2 lần mỗi ngày. Trong trường hợp
đe dọa tính mạng, có thể dùng liều tiêm bắp rất cao, gấp nhiều lần liều uống thường
dùng. Tuy nhiên trong các tình trạng nguy kịch nhất, thường dùng một este hòa tan của
prednisolon tiêm tĩnh mạch.
Prednisolon natri phosphat:
Prednisolon natri phosphat: Có thể dùng uống, tiêm bắp, tiêm tĩnh mạch, tiêm
trong khớp, trong các thương tổn, hoặc mô mềm hoặc truyền tĩnh mạch. Khi truyền
tĩnh mạch, prednosolon natri phosphat có thể pha với các dung dịch glucose hoặc natri
clorid tiêm. Liều của prednisolon natri phosphat được biểu thị theo prednisolon
phosphat. Liều khởi đầu cho người lớn khi uống hoặc tiêm bắp, tiêm tĩnh mạch có thể
từ 4 - 60 mg/ngày, tùy thuộc vào bệnh cần điều trị. Liều tiêm bắp hoặc tiêm tĩnh mạch
prednisolon phosphat thường từ 10 - 400 mg/ngày. Trẻ em có thể dùng prednisolon
phosphat với liều 0,04 - 0,25 mg/kg hoặc 1,5 - 7,5 mg/m2 tiêm bắp hoặc tĩnh mạch, 1
hoặc 2 lần mỗi ngày.

237
Ðể tiêm trong khớp, trong thương tổn hoặc mô mềm, liều và số lần dùng
prednisolon phosphat tùy thuộc vào mức độ viêm, kích thước và nơi khu trú của vùng
tổn thương. Liều thường dùng từ 2 - 30 mg, lặp lại từ 3 ngày đến 3 tuần một lần. Cần
nhớ rằng tiêm trong khớp nhiều lần có thể gây tổn hại mô khớp. Với những khớp lớn
như khớp gối, có thể dùng 10 - 20 mg prednisolon natri phosphat. Với những khớp
nhỏ hơn, 4 - 5 mg có thể thích hợp. Liều dùng cho bao hoạt dịch là 10 - 15 mg, cho
hạch là 5 - 10 mg. Ðể tiêm vào mô mềm, liều thay đổi từ 10 - 30 mg.
1.3. Thuốc Insulin
A, Qui cách đóng gói.
Ống tiêm 1,5 ml; 2 ml; 3 ml hoặc lọ 10 ml chứa 5, 10, 40, 80 hoặc 100 đvqt/ml.
Một đơn vị insulin bò chứa 0,03891 mg theo tiêu chuẩn quốc tế lần 1 (1986).
Một đơn vị insulin lợn chứa 0,03846 mg theo tiêu chuẩn quốc tế lần 1 (1986).
Một đơn vị insulin người chứa 0,03846 mg theo tiêu chuẩn quốc tế lần 1
(1986).
Chế phẩm tác dụng:
Insulin hoà tan hay thông thường: Dung dịch hỗn hợp insulin bò và insulin lợn,
có pH acid.
Dung dịch insulin trung tính: Các insulin thuộc loại này là insulin được chiết
xuất từ một loài động vật chứ không phải của nhiều loài trộn lẫn với nhau.
Chế phẩm tác dụng trung gian:
Insulin hai pha: Tinh thể insulin bò trong dung dịch insulin lợn.
Insulin isophan: Là chế phẩm để phối hợp với insulin hoà tan (pH 3 hoặc 7)
nhằm tạo ra một hỗn hợp bền vững mà vẫn giữ được các tính chất của cả hai thành
phần.
Chế phẩm tác dụng kéo dài:
Dạng hỗn dịch insulin kẽm tác dụng trung gian.
Dạng tinh thể tác dụng chậm.

B, Cách dùng, liều lượng


Cách dùng:
238
Các dạng bào chế insulin đều có thể tiêm dưới da (đường dùng lý tưởng) trong
đa số trường hợp. Nhưng chỉ insulin tác dụng ngắn hòa tan mới có thể tiêm dưới da
hoặc tĩnh mạch, tiêm bắp khi điều trị hôn mê đái tháo đường cần hấp thụ nhanh.
Insulin hòa tan cũng được dùng qua đường màng bụng cho người bệnh thẩm tách
màng bụng liên tục ngoại trú. Khi dùng đơn độc, insulin hòa tan thường được tiêm 3
hoặc nhiều lần trong ngày. Thuốc được dùng hầu hết phối hợp với một insulin tác
dụng trung gian hay dài để phù hợp với nhu cầu của từng người bệnh. Khi đó, insulin
hòa tan được rút vào bơm tiêm đầu tiên, và sau khi đã trộn với insulin khác phải tiêm
ngay.
Loại chế phẩm insulin (insulin người hay động vật), dạng bào chế, đường và số
lần dùng thuốc phải được lựa chọn để phù hợp với nhu cầu của từng người bệnh, tuy
nhiên insulin người hiện nay thường được dùng cho những người bệnh mới.
Liều dùng:
Liệu pháp insulin được thực hiện tại bệnh viện giai đoạn đầu. Liều lượng được
thầy thuốc quyết định theo nhu cầu của mỗi người bệnh và phải được điều chỉnh theo
kết quả giám sát đều đặn nồng độ glucose máu. Liều khởi đầu thông thường ở người
lớn vào khoảng 20 - 40 đvqt/ngày, tăng dần khoảng 2 đvqt/ngày, cho tới khi đạt được
nồng độ glucose máu mong muốn. Tổ chức y tế thế giới khuyến cáo nồng độ glucose
trong máu tĩnh mạch toàn phần lúc đói phải giữ trong phạm vi 3,3 đến 5,6 mmol/lít (60
đến 100 mg/decilít) và không được thấp dưới 3 mmol/lít (55 mg/decilít). Tổng liều
mỗi ngày vượt quá 80 đvqt là bất thường và có thể nghĩ đến kháng insulin.
Nhiều cách điều trị bao gồm dùng insulin tác dụng ngắn hòa tan cùng với một
insulin tác dụng trung gian, như insulin isophan hoặc dịch treo hỗn hợp insulin kẽm.
Phối hợp như vậy thường được tiêm dưới da ngày 2 lần với 2/3 tổng liều trong ngày
tiêm trước bữa ăn sáng và 1/3 còn lại tiêm trước bữa ăn chiều.
Hôn mê đái tháo đường, nhiễm toan ceton: Insulin cũng là một phần điều trị
thiết yếu trong xử trí cấp cứu nhiễm toan ceton do đái tháo đường. Chỉ được dùng
insulin tác dụng ngắn hòa tan. Ðiều trị bao gồm bồi phụ dịch thỏa đáng, liệu pháp
bicarbonat, bổ sung kali và trị liệu insulin.
Liều đầu tiên: 10 - 15 đvqt insulin hòa tan (hoặc 0,15 đvqt/kg) tiêm tĩnh mạch
cả liều.
Tiêm nhỏ giọt tĩnh mạch liên tục insulin: 10 đvqt mỗi giờ (hoặc 0,1
đvqt/kg/giờ)
Hoặc cách khác: Tiêm bắp insulin, liều đầu tiên 10 đvqt (hoặc 0,1 đvqt/kg) mỗi
giờ. Nhưng tránh dùng cách này cho người bệnh bị hạ huyết áp vì không dự đoán được
sự hấp thu thuốc.
Ðiều chỉnh liều insulin theo nồng độ glucose máu.

239
Trẻ em: Liều khởi đầu tiêm insulin được khuyên dùng ở trẻ em phát hiện sớm
bị tăng glucose huyết trung bình và không có ceton niệu là 0,3 đến 0,5 đvqt/ kg/ngày,
tiêm dưới da.
1.4. Thuốc gliclazid
A, Qui cách đóng gói
Viên nén chứa 80 mg gliclazid.

B, Liều lượng và cách dùng


Liều gliclazid phải phù hợp cho từng trường hợp cụ thể và phải dựa theo lượng
đường huyết của người bệnh. Thường dùng 80 mg/ngày và tối đa là 320 mg/ngày.
Có thể bắt đầu dùng với liều: 40 - 80 mg, rồi tăng dần nếu cần.
Trong đa số trường hợp: Uống 160 mg/ngày, uống 1 lần vào lúc ăn sáng.
Trường hợp điều trị chưa đạt có thể tăng dần liều lên, tối đa là 320 mg/ngày
chia 2 lần.
Uống trong bữa ăn sáng.
Trong quá trình điều trị, có thể thay đổi liều hoặc ngừng thuốc, tùy theo lượng
đường huyết của người bệnh.
1.5. Levothyroxin
A, Qui cách đóng gói
Viên nén: 25, 50, 75, 88, 100, 112, 150, 175, 200, 300 microgam.
Lọ 200 microgam, 500 microgam bột khô để pha tiêm.
Dung môi để pha tiêm: dung dịch natri clorid 0,9%.
B, Cách dùng liều lượng
Levothyroxin thường dùng uống, cũng có thể tiêm tĩnh mạch hoặc tiêm bắp.
Liều dùng phải được điều chỉnh cẩn thận theo nhu cầu và đáp ứng của mỗi người.
Suy tuyến giáp nhẹ ở người lớn:
Liều khởi đầu: 50 microgam/ngày, uống 1 lần. Tăng thêm liều hàng ngày từ 25
- 50 microgam trong khoảng thời gian từ 2 - 4 tuần cho đến khi có đáp ứng mong
muốn.
Ở người bệnh tim, liều khởi đầu 25 microgam/ngày hoặc 50 microgam cách 2
ngày/1 lần. Sau đó điều chỉnh liều cứ 4 tuần lại thêm 25 microgam cho tới khi đạt kết

240
quả điều trị. ở người không có bệnh tim, có thể nhanh chóng đạt được liều duy trì (100
- 200 microgam) sau khi điều chỉnh theo đánh giá lâm sàng.
Suy tuyến giáp nặng ở người lớn:
Liều khởi đầu: 12,5 - 25 microgam/lần/ngày. Tăng thêm 25 microgam vào liều
hàng ngày trong khoảng thời gian từ 2 - 4 tuần cho đến khi có đáp ứng mong muốn.
Liều duy trì: Uống từ 75 - 125 microgam/ngày uống 1 lần.
Suy tuyến giáp người cao tuổi:
Liều ban đầu: 12,5 - 25 microgam/lần/ngày. Liều tăng dần: trong khoảng từ 3 -
4 tuần cho đến khi có đáp ứng mong muốn.
Liều người lớn, điều trị duy trì: 100 - 200 microgam/ngày, có thể cao hơn tùy
theo người bệnh.
Ðiều trị liều thay thế cho trẻ em dưới 1 tuổi: 25 - 50 microgam/lần/ngày.
Ðiều trị liều thay thế cho trẻ em trên 1 tuổi: 3 - 5 microgam/kg/ngày. Liều tăng
dần cho đến liều của người lớn khoảng 150 microgam/ngày, đạt ở vào đầu hoặc giữa
tuổi thiếu niên. Một số trẻ em có thể cần liều duy trì cao hơn.
Cũng có thể dùng liều như sau:
0 - 6 tháng: 25 - 50 microgam hoặc 8 - 10 microgam/kg/ngày.
6 - 12 tháng: 50 - 75 microgam hoặc 6 - 8 microgam/kg /ngày.
1 - 5 tuổi: 75 - 100 microgam hoặc 5 - 6 microgam/kg/ngày.
6 - 12 tuổi: 100 - 150 microgam hoặc 4 - 5 microgam /kg/ngày.
Trên 12 tuổi: Trên 150 microgam hoặc 2 - 3 microgam /kg/ngày.
Ðiều trị suy giáp bẩm sinh (chứng đần độn) ở trẻ sơ sinh khoẻ, đủ tháng:
37,5 microgam/lần/ngày (từ 25 - 50 microgam).
Trẻ đẻ non, cân nặng dưới 2 kg, trẻ sơ sinh có nguy cơ suy tim:
Bắt đầu 25 microgam/ngày, tăng dần tới 50 microgam/ngày trong 4 - 6 tuần.
Với người bệnh không uống được, có thể tiêm tĩnh mạch hoặc tiêm bắp:
Liều người lớn bằng 1/2 liều uống nêu ở trên. Liều trẻ em bằng 1/2 đến 3/4 liều
uống nêu ở trên. Tuy nhiên cần theo dõi điều chỉnh liều cho phù hợp.
Ðiều trị hôn mê phù niêm:
Thường tiêm tĩnh mạch nồng độ 100 microgam/ml; hoặc có thể cho uống bằng
ống thông dạ dày nhưng tiêm tĩnh mạch được chuộng hơn.
Liều khởi đầu tiêm tĩnh mạch cho người lớn: 400 microgam (từ 200 - 500 microgam),
sau 6 - 8 giờ có biểu hiện đáp ứng, nhưng tác dụng điều trị cao nhất chưa đạt được cho
tới 24 giờ. Ngày thứ 2 có thể cho thêm 100 - 300 microgam hoặc hơn nếu chưa đạt
được hiệu lực mong muốn. Liều tiêm duy trì: 50 - 200 microgam/ngày cho đến khi
bệnh đã ổn định hoặc người bệnh uống được. Nồng độ thyroxin trở lại bình thường
trong huyết thanh, thường đạt được trong vòng 24 giờ. 3 ngày tiếp theo nồng độ

241
triiodothyronin huyết thanh tăng gấp ba lần. Người bệnh có bệnh tim, có thể tiêm tĩnh
mạch với liều nhỏ hơn.
1.6. Propylthiouracil
A, Qui cách đóng gói
Viên nén propylthiouracil dùng uống: 50 mg.

B, Cách dùng và liều lượng


Propylthiouracil dùng uống; liều hàng ngày thường chia đều thành 3 liều nhỏ
uống cách nhau khoảng 8 giờ. Trong một số trường hợp khi cần liều hàng ngày lớn
hơn 300 mg, có thể uống với khoảng cách gần hơn (ví dụ, cách 4 hoặc 6 giờ 1 lần).
Ðiều trị tăng năng tuyến giáp ở người lớn
Liều ban đầu thường dùng cho người lớn là 300 - 450 mg, chia thành liều nhỏ
uống cách nhau 8 giờ; đôi khi người bệnh có tăng năng tuyến giáp nặng và/hoặc bướu
giáp rất lớn có thể cần dùng liều ban đầu 600 - 1200 mg mỗi ngày. Nói chung, khi
hoàn toàn kiểm soát được triệu chứng, thì tiếp tục điều trị với liều ban đầu trong
khoảng 2 tháng.
Phải hiệu chỉnh cẩn thận liều tiếp sau, tùy theo dung nạp và đáp ứng điều trị của
người bệnh. Liều duy trì đối với người lớn thay đổi, thường xê dịch từ một phần ba
đến hai phần ba liều ban đầu. Liều duy trì thường dùng đối với người lớn là 100 - 150
mg mỗi ngày, chia thành liều nhỏ uống cách nhau 8 - 12 giờ.
Ðiều trị cơn nhiễm độc giáp ở người lớn
Liều propylthiouracil thường dùng là 200 mg, cứ 4 - 6 giờ uống một lần trong
ngày thứ nhất; khi hoàn toàn kiểm soát được triệu chứng thì giảm dần tới liều duy trì
thường dùng.
Ðiều trị tăng năng tuyến giáp ở trẻ em
Liều ban đầu thường dùng là 5 - 7 mg/kg/ngày, chia thành những liều nhỏ, uống
cách nhau 8 giờ, hoặc 50 - 150 mg mỗi ngày ở trẻ em 6 - 10 tuổi, và 150 - 300 mg
hoặc 150 mg/m2 mỗi ngày cho trẻ em 10 tuổi hoặc lớn hơn.
Liều duy trì cho trẻ em: 1/3 đến 2/3 của liều ban đầu, chia thành liều nhỏ uống
cách nhau 8 - 12 giờ.
Ðể điều trị tăng năng tuyến giáp ở trẻ sơ sinh, liều khuyên dùng là 5 - 10 mg/kg
mỗi ngày.

242
Người cao tuổi: Nên dùng liều thấp hơn; liều đầu tiên: 150 - 300 mg/ngày.
Liều khi suy thận:
Ðộ thanh thải creatinin: 10 - 50 ml/phút: Liều bằng 75% liều thường dùng.
Ðộ thanh thải creatinin dưới 10 ml/phút: Liều bằng 50% liều thường dùng.
1.7. Estradiol
A, Qui cách đóng gói
Viên estradiol dạng siêu mịn: 0,5 mg, 1,0 mg, 2,0 mg.
Viên ethinyl estradiol: 0,02 mg, 0,05 mg, 0,5 mg.
Kem bôi âm đạo (estradiol): 100 microgam/g.
Vòng âm đạo (estradiol): 2 mg.
Cao dán SR (estradiol): 37,5 microgam/ngày, 50 microgam/ngày, 75
microgam/ngày, 100 microgam/ngày

B, Cách dùng và liều lượng


Cách dùng: Estradiol có thể uống, đặt vào âm đạo và qua da (cao dán). Ðể giảm
thiểu tác dụng phụ, phải dùng liều thấp nhất có thể được. Khi có chỉ định liệu pháp
estrogen ngắn ngày (thí dụ điều trị triệu chứng bốc hỏa do mãn kinh) liệu pháp phải
ngừng càng sớm càng tốt; phải giảm liều hoặc ngừng thuốc trong khoảng 3 - 6 tháng.
Liệu pháp estrogen thường cho theo chu kỳ. Khi uống, estrogen thường cho
ngày 1 lần, trong 3 tuần, tiếp theo 1 tuần không dùng thuốc, và sau đó, phác đồ được
lặp lại nếu cần. Khi dùng xuyên da, cao dán xuyên da được đặt 1 lần hoặc 2 lần/tuần
trong 3 tuần, tiếp theo 1 tuần không dùng thuốc, và sau đó điều trị được lặp lại nếu
cần. Phải thêm 1 progestin vào liệu pháp estrogen đối với nữ còn tử cung (trong 7 ngày
hoặc hơn trong chu trình dùng estrogen).
Liều lượng:
Triệu chứng bốc hỏa do mãn kinh, viêm âm đạo teo, liệu pháp thay thế trong
giảm năng tuyến sinh dục nữ, cắt bỏ buồng trứng, hoặc suy buồng trứng tiên phát:
Uống: Liều thông thường 1 - 2 mg/ngày, theo phác đồ chu kỳ. Ðiều chỉnh liều
về sau tùy theo đáp ứng của người bệnh, dùng liều duy trì thấp nhất.

243
Hoặc: Cao dán 0,05 mg/24 giờ, mỗi tuần 2 lần trong 1 phác đồ chu kỳ. Liều sau
này phải điều chỉnh tùy theo đáp ứng của người bệnh, dùng liều duy trì thấp nhất có
thể được. Ở nữ cắt bỏ tử cung, cao dán (0,05 mg/24 giờ) có thể dán 2 lần/tuần, trong 1
phác đồ dùng liên tục.
Hoặc: Bôi kem estradiol 0,01% vào âm đạo để điều trị ngắn ngày viêm âm đạo
teo: 2 - 4 g kem estradiol, ngày 1 lần, trong 1 - 2 tuần, sau đó giảm dần liều xuống còn
một nửa trong thời gian tương tự. Liều duy trì 1 g, mỗi tuần bôi 1 - 3 lần trong 1 phác
đồ chu kỳ, sau khi niêm mạc âm đạo đã hồi phục.
Dự phòng loãng xương:
Uống 0,5 mg mỗi ngày trong phác đồ, hoặc qua da với liều thông thường 0,05
mg/24 giờ, dán 2 lần/tuần trong phác đồ chu kỳ, đối với nữ còn tử cung. Ở nữ cắt bỏ tử
cung , 0,05 mg/24 giờ, dán 2 lần/tuần, trong 1 phác đồ dùng liên tục.
Khi người bệnh đang dùng estrogen uống, liệu pháp cao dán estradiol có thể bắt
đầu 1 tuần sau khi ngừng uống hoặc sớm hơn, nếu các triệu chứng trở lại trước khi hết
tuần.
1.11. Progesteron
A, Qui cách đóng gói
Dung dịch dầu để tiêm bắp. Ống tiêm: 25 mg/ml, 50 mg/ml, 100 mg/2 ml.
Gel bôi âm đạo: 4%, 8%.

B, Cách dùng và liều lượng


ách dùng: Chỉ tiêm bắp (gây kích ứng tại chỗ và rất đau).
Liều dùng:
Vô kinh:
Tiêm bắp một liều duy nhất từ 50 - 100 mg hoặc dùng 5 - 10 mg/ngày, trong 6 -
8 ngày, thường bắt đầu 8 - 10 ngày trước thời điểm dự tính bắt đầu có kinh nguyệt.
Khi hoạt động của buồng trứng đủ để tạo tăng sinh nội mạc tử cung, chảy máu thường
sẽ xảy ra sau 48 - 72 giờ ngừng thuốc. Chỉ sau một đợt điều trị, nhiều phụ nữ đã có chu
kỳ kinh nguyệt bình thường.
Chảy máu tử cung:

244
Tiêm bắp 1 liều duy nhất từ 50 - 100 mg, hoặc tiêm 5 - 10 mg/ngày, trong 6
ngày. Chảy máu sẽ ngừng trong vòng 6 ngày.
Nếu phối hợp với estrogen thì sau 2 tuần dùng estrogen mới dùng progesteron.
Trong khi điều trị với progesteron nếu kinh nguyệt xảy ra thì ngừng thuốc.
Giữ thai (khi suy hoàng thể):
Cứ mỗi tuần 2 lần hoặc mau hơn (nhiều nhất là mỗi ngày 1 lần) tiêm 25 - 100
mg, (khoảng ngày 15 hoặc ngày chuyển phôi hoặc giao tử) đến 8 - 16 tuần tuổi thai,
khi sự xuất tiết progesteron từ nhau thai đã ổn định.
Liều mỗi ngày có thể tới 200 mg tùy thuộc vào chỉ định của thầy thuốc.
Sử dụng gel âm đạo: Theo chỉ dẫn của thầy thuốc
2. Hướng dẫn thực hành
Yêu cầu sinh viên học thực hành cần
* Quan sát kỹ đặc điểm, quy cách đóng gói, nhãn thuốc
* Ghi chép các đặc điểm của từng thuốc về:
- Tên thuốc, tên quốc tế, tên khác, tên biệt dược
- Dạng thuốc, nồng độ, hàm lượng
- Đặc điểm, màu sắc, quy cách đóng gói...
- Tác dụng, tác dụng phụ
- Chỉ định, chống chỉ định
- Cách dùng, liều lượng và chú ý khi dùng.
- Chế độ và kỹ thuật bảo quản, hạn dùng của thuốc.
Tên Tên gốc Dạng TD TDP CĐ CCĐ CD- BQ- HD
BD thuốc, LL
nồng độ,
hàm
lượng

* Nhận xét chất lượng bằng cảm quan.


* Hướng dẫn sử dụng an toàn, hiệu quả, hợp lý các thuốc trong bài.
Bài tập tình huống 1: Bệnh nhân nữ đang có cơn chuyển dạ nhưng không có cơn co tử
cung. Trong trường hợp này em nghĩ là nên dùng thuốc gì và dùng như thế nào?
Bài tập tình huống 2: Các phác đồ điều trị bằng thuốc Insulin cho bệnh nhân?

245
BÀI 6
HÓA TRỊ LIỆU
MỤC TIÊU
1.Trình bày được tác dụng, tác dụng phụ, chỉ định, chống chỉ định, cách dùng
và liều lượng của một số thuốc trong bài
2. So sánh được tác dụng của các thuốc trong nhóm.
3. Hướng dẫn sử dụng an toàn, hiệu quả, hợp lý các thuốc trong bài.

NỘI DUNG
1. Nhận thức thuốc:
1.1 Thuốc chống lao phong
STT Thuốc- Biệt Qui cách đóng Liều dùng
dược gói
1 Isoniazid + Viên 50 – 100 Người lớn uống 5mg/kg/24giờ, trẻ em 5 –
(Rimifon, – 300mg. 10mg/kg/24 giờ, tối đa không quá 300mg/24
INH): +Ống2ml/50mg. giờ. Uống 1 lần vào sáng sớm lúc đói cùng
với các thuốc chống lao khác (thức ăn làm
giảm hấp thu thuốc). Tiêm bắp với liều như
liều uống. Ngoài ra có thể tiêm trực tiếp vào
những vị trí tổn thương lao
2 Rifampicin Viên nang 150 – Người lớn uống: 10 – 20mg/kg/24 giờ. Trẻ
(Rimactan, 300mg. em 20mg/kg/24 giờ. Tối đa không quá
Rifadin): 600mg/24 giờ. Uống 1 lần vào sáng sớm lúc
đói.

3 Streptomycin Lọ 1g. Tiêm bắp: 15mg/kg/24 giờ.

4 Ethambutol viên 100 – + Người lớn uống 10 – 15mg/kg/24 giờ.


(Myambutol, 400mg + Trẻ em 15mg/kg/24 giờ. Uống 1 lần vào
Dexambutol): sáng sớm lúc đói.

5 Pyrazinamid viên nén 0,5g. Uống 20 – 20mg/kg/24 giờ.

Nếu dùng cách ngày: uống với liều


50mg/kg/24 giờ, không vượt quá 3g/24 giờ

246
6 Dapson Viên nén 0.05g, - Uống: Người lớn: dùng liều 100mg/ngày;
0.10g; lọ 20ml trẻ em: Dùng 25-50mg/kg thể trọng/ngày.
dịch treo 25%. - Tiêm bắp: Liều 0.5ml dung dịch 25%/10kg
thể trọng/lần; cứ 8-15 ngày tiêm một lần.

Phác đồ điều trị lao mới


Phối hợp 5 thuốc như sau: 2HSZR/6HE
- Hai tháng đầu dùng kết hợp 4 thuốc: isoniazid, streptomycin, pyrazinamid và
rìampicin, dùng liều hàng ngày.
- Sáu tháng sau điều trị duy trì bằng 2 thuốc isoniazid và ethambutol dùng liên
tục hàng ngày.
- Nếu dùng phác đồ điều trị lao mới sau 2 tháng tấn công nhưng xét nghiệm AFB
(+) thì dùng thêm 1 tháng HRZ, sau đó điều trị duy trì. Nếu tháng thứ 5 mà AFB (+)
thì chuyển sang phác đồ điều trị lao kháng thuốc và lao tái phát.
Phác đồ điều trị lao kháng thuốc và lao tái phát
Kết hợp 5 thuốc như sau: 2REHSZ/REHZ/5R3E3H3
- Hai tháng đầu dùng phối hợp 5 thuốc rifampicin, ethambutol, isoniazid,
streptomycin và pyrazinamid dùng liên tục hàng ngày.
- Một tháng sau phối hợp 4 thuốc rifampicin, ethambutol, isoniazid, và
pyrazinamid dùng liên tục hàng ngày.
- Năm tháng tiếp theo dùng phối hợp 3 thuốc rifampicin, ethambutol, isoniazid
dùng ngắt quãng 3 lần trong tuần.
Phác đồ điều trị cho trẻ em nhiễm lao
Dùng phác đồ phối hợp 3 thuốc như sau: 2HRZ/4HR
- Hai tháng đầu dùng phối hợp 3 thuốc rifampicin, isoniazid và pyrainamid dùng
hàng ngày.
- Bốn tháng sau phối hợp 2 thuốc isoniazid và rifampicin dùng hàng ngày
Trường hợp nặng có thể bổ sung thêm streptomycin trong 2 tháng đầu
Nói chung, các trường hợp nhiễm lao nặng thì tuỳ mức độ có thể dùng kéo dài
hơn các công thức trên để điều trị triệt để
Bảng tóm tắt liều tối ưu của các thuốc chữa lao thiết yếu
(Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới 1997)

247
Liều cách quãng
Liều hàng ngày
Tên thuốc 3lần/tuần 2 lần/tuần (mg/kg)
(mg/kg)
(mg/kg)
Isoniazid (H) 5 (4-6) 10 (8-12) 15 (13-17)
Rifampicin (R) 10 (8-12) 10 (8-12) 10 (8-12)
Pyrazinamid (Z) 25 (20-30) 35 (30-40) 50 (40-60)
Ethambutol (E) 15 (15-20) 30 (25-35) 45 (40-50)
Streptomycin (S) 15 (12-18) 15 (12-18) 15 (12-18)
1.2. Thuốc chống sốt rét
STT Thuốc- Biệt Qui cách đóng gói Liều dùng
dược
1 Quinin + Viên nén: 0,15 – + Người lớn uống: 0,3g/lần x 3 – 4
Hydroclorid 0,25g Quinin Sulfat. lần/ngày.

+ ống tiêm: 0,25 – + Tiêm bắp sâu: 0,5 – 1g/24 giờ.


0,5gQuininHydroclo + Tiêm tĩnh mạch thật chậm
rid Quinoserum 2 – 10 ống/ngày.
+ ống tiêm: 0,5mg
Quinoserum.

2 Cloroquin + Viên nén: 0,1 – + Người lớn: Uống 0,5g/24 giờ chia 2
0,25g. lần, dùng trong 4 – 5 ngày.

+ Ống 5ml: 100 – Tiêm bắp 0,2g – 0,3g/24 giờ.


200 – 300mg + Truyền nhỏ giọt tĩnh mạch: 0,2g –
Cloroquin Sulfat 0,3g pha trong 250 – 500ml dung dịch
Glucose hay Natriclorid đẳng trương
(không tiêm trực tiếp vào tĩnh mạch).

3 Astemisinin + Viên nén: 0,25g. Người lớn uống: ngày đầu 0,5g/ngày.

+ Viên nang: 0,25g Bốn ngày sau 0,25g/ngày.

4 Mefloquin Viên 250mg. - Cắt cơn sốt rét:


+ Người lớn: Uống 25mg/kg thể
trọng/24 giờ với Plasmodium
falciparum, uống 20mg/kg thể trọng/24

248
giờ với Plasmodium vivax chia làm 2 -
3 lần, uống vào bữa ăn, nuốt viên thuốc
với nhiều nước.
+ Trẻ em: Uống 100mg -750mg/24 giờ
chia làm 2 - 3 lần.
- Phòng sốt rét:
+ Người lớn: Tuần thứ nhất uống
3lần/tuần mỗi lần 250mg, nhưng các
tuần sau uống 250mg/lần/tuần.
+ Trẻ em: Tuần thứ nhất uống một liều
điều trị chia làm 3 lần/tuần, các liều sau
uống liều tuỳ theo tuổi.
5 Primaquin Viên nén Primaquin Uống 15mg/24 giờ. Uống từ 10 – 12
Phosphat 13,2mg. ngày.

Viên nén Primaquin


Bazơ 7,5mg.

6 Pyrimethamin Viên, ống tiêm phối - Người lớn: Uống 25mg/tuần.


hợp với Sulfadoxin - Trẻ em dưới 16 tuổi: Uống
- Viên Falcidar 12.5mg/tuần
Sulfadoxin 500mg
Pyrimethamin25mg
- ống tiêm 2ml:
Sulfadoxin 500mg
Pyrimethamin20mg

1.3. Thuốc diệt amip và trichomonas


1.3.1. Metronidazol
A, Qui cách đóng gói
Viên nén 250 mg, 500 mg; thuốc đạn trực tràng 500 mg, 1000 mg; thuốc trứng
500 mg.
Hợp dịch: 40 mg/ml; ống tuýp 30 g: thể gel 0,75 g/100 g (7,5 mg/1 g).

249
Lọ 100 ml có 500 mg metronidazol trong dung dịch đệm phosphat đẳng trương
có 14 mmol natri và 13 mmol clor, hoặc có 415 mg manitol để truyền tĩnh mạch.
B, Liều lượng
Cách dùng:
Metronidazol có thể uống dưới dạng viên nén (cùng hoặc sau lúc ăn) hoặc dạng
dịch treo metronidazol benzoat (ít nhất uống 1 giờ trước khi ăn). Thuốc có thể đặt vào
hậu môn, âm đạo hoặc tiêm truyền (dung dịch 5 mg/ml), tốc độ truyền 5 ml/phút.
Ðiều trị nhiễm động vật nguyên sinh
Bệnh do Trichomonas: Uống một liều duy nhất 2 g, hoặc dùng 7 ngày, mỗi
ngày 3 lần, mỗi lần 250 mg. Cần điều trị cho cả người tình.
Bệnh do amíp:
Lỵ amíp cấp do E. histolytica: Có thể dùng đơn độc hoặc tốt hơn là phối hợp
với iodoquinol hoặc với diloxanid furoat. Liều thường dùng cho người lớn là 750 mg,
ngày 3 lần trong 5 - 10 ngày.
Áp xe gan do amíp: Người lớn 500 - 750 mg, ngày 3 lần trong 5 - 10 ngày.
Ðối với trẻ em liều thường dùng là 35 - 40 mg/ kg/24 giờ, chia làm 3 lần, uống
liền 5 - 10 ngày.
Bệnh do Giardia:
Người lớn:Uống 250 mg, ngày 3 lần trong 5 - 7 ngày hoặc uống một lần 2
g/ngày trong 3 ngày.
Trẻ em: Uống 15 mg/kg/ngày, chia làm 3 lần, trong 5 - 10 ngày.
Bệnh do giun rồng Dracunculus: Người lớn và trẻ em 25 mg/kg/ngày, uống
trong 10 ngày, với liều 1 ngày cho trẻ em không được quá 750 mg (dù trẻ trên 30 kg).
Ðiều trị nhiễm vi khuẩn kỵ khí:
Uống: 7,5 mg (base)/kg, cho tới tối đa 1 g, cách 6 giờ/1 lần, cho trong 7 ngày
hoặc lâu hơn.
Viêm đại tràng do kháng sinh: Uống 500 mg (base) 3 - 4 lần mỗi ngày.
Viêm loét dạ dày tá tràng do H. pylori: Uống 500 mg (base) 3 lần mỗi ngày,
phối hợp với bismuth subsalicylat hoặc bismuth subcitrat keo và các kháng sinh khác
như ampicilin hoặc amoxicilin, trong 1 - 2 tuần.
Chỉ dùng dung dịch truyền cho người bệnh không thể uống được thuốc.
Người lớn: Truyền tĩnh mạch 1,0 - 1,5 g/ngày chia làm 2 - 3 lần.
Trẻ em: Truyền tĩnh mạch 20 - 30 mg/kg/ngày chia làm 2 - 3 lần.
Khi người bệnh có thể cho uống được thì chuyển sang cho uống.
Phòng nhiễm khuẩn kị khí sau phẫu thuật: 20 - 30 mg/kg/ngày chia làm 3 lần.
10 - 15 mg/kg, tiêm truyền trong 30 - 60 phút, hoàn thành 1 giờ trước khi phẫu thuật,
tiếp theo là 2 liều tiêm truyền tĩnh mạch 5 - 7,5 mg/kg vào lúc 6 và 12 giờ sau liều đầu
tiên.

250
1.3.2.Tinidazol
A, Qui cách đóng gói
Viên nén 500 mg.
Dung dịch truyền tĩnh mạch: 2 mg/ml.
B, Liều lượng
Tinidazol thường dùng uống với liều duy nhất trong hoặc sau khi ăn; cũng có
thể truyền tĩnh mạch.
Phòng nhiễm khuẩn sau phẫu thuật:Người lớn uống liều duy nhất 2 g trước
phẫu thuật 12 giờ.
Ðiều trị nhiễm khuẩn kỵ khí: Người lớn ngày đầu uống 2 g, sau đó uống 1 g, 1
lần hàng ngày hoặc 500 mg, hai lần/ngày. Thường điều trị trong 5 - 6 ngày là đủ,
nhưng thời gian điều trị còn tùy thuộc vào kết quả lâm sàng; đặc biệt, khi điều trị triệt
để nhiễm khuẩn ở một vài vị trí có khó khăn, cần thiết phải kéo dài điều trị trên 7
ngày.
Nếu người bệnh không uống được thuốc, có thể truyền tĩnh mạch 400 ml dung
dịch 2 mg/ml (800 mg tinidazol) với tốc độ 10 ml/phút. Tiếp tục truyền hàng ngày 800
mg/1 lần hoặc 400 mg/2 lần/ngày, cho đến khi người bệnh uống được thuốc.
Viêm âm đạo không đặc hiệu: Người lớn dùng liều duy nhất 2 g, uống một lần.
Ðiều trị hai ngày liên tục với liều 2 g mỗi ngày một lần (liều tổng cộng 4 g) hiệu quả
khỏi bệnh nhanh hơn.
Viêm loét lợi cấp: Người lớn uống liều duy nhất 2 g, một lần.
Nhiễm Trichomonas sinh dục tiết niệu:
Người lớn: Liều duy nhất 2 g, uống một lần. Ðồng thời cần điều trị tương tự
cho cả người bạn tình (vợ hay chồng). Trẻ em: Liều duy nhất 50 - 70 mg/kg thể trọng,
uống làm một lần, có thể dùng một liều nhắc lại, nếu cần.
Nhiễm Giardia:
Người lớn: Liều duy nhất 2 g, uống một lần. Trẻ em: Liều duy nhất 50 - 75
mg/kg, uống một lần, có thể dùng một liều nhắc lại, nếu cần.
Nhiễm amip ở ruột: Người lớn: liều 2 g, uống mỗi ngày một lần, trong 2 - 3
ngày. Trẻ em: dùng một liều duy nhất 50 - 60 mg/kg thể trọng mỗi ngày, uống 3 ngày
liên tiếp.
Amip gan: Người lớn: Tổng liều thay đổi từ 4,5 đến 12 g, tùy thuộc vào độc lực
củaEntamoeba histolytica. Với amip ở gan, có thể phải kết hợp rút mủ với điều trị
bằng tinidazol. Ban đầu cho uống 1,5 - 2 g, một lần mỗi ngày, trong 3 ngày. Ðôi khi
đợt điều trị 3 ngày không có hiệu quả, cần tiếp tục tới 6 ngày.
Trẻ em: 50 - 60 mg/kg/ngày, uống một lần, trong 5 ngày liên tiếp.
Lưu ý các trường hợp phải dùng phối hợp với các kháng sinh khác để điều trị
nhiễm khuẩn hỗn hợp. Người cao tuổi: Không có khuyến cáo liều đặc biệt.

251
1.3.3. Dehydroemetin
A, Qui cách đóng gói
Dùng dạng muối dehydroemetin hydroclorid. Cứ 100 mg dạng muối tương
đương với 87 mg dạng base
Ống tiêm 30 mg/1 ml, 60 mg/2 ml (3%), 20 mg/2 ml (1%)
B, Liều lượng
Người lớn 1 mg/kg/ngày, nhưng tối đa không quá 60 mg/ngày, liền trong 4 - 6
ngày. Liều cần giảm 50% ở người cao tuổi và người bệnh nặng
Trẻ em: 1 mg/kg/ngày. Không dùng quá 5 ngày
Cần tiêm thuốc sâu vào bắp thịt. Không tiêm tĩnh mạch vì dễ gây độc cho tim.
Nếu cần điều trị đợt thứ hai, phải ngừng thuốc ít nhất 6 tuần. Trong điều trị lỵ do amíp,
dùng thêm tetracyclin để giảm nguy cơ bội nhiễm. Khi điều trị áp xe gan do amíp, phải
uống thêm cloroquin đồng thời hoặc ngay sau đó. Mọi người bệnh sau đó nên uống
thêm dicloxanid để loại bỏ amíp có ở kết tràng
1.4. Thuốc chống nấm
1.4.1. Ketoconazol
A, Qui cách đóng gói
Viên nén 200 mg; hỗn dịch 100 mg/5 ml; kem bôi ngoài 2%; xà phòng gội đầu
2%.
B, Liều lượng
Có thể uống ketoconazol trong hoặc sau khi ăn nhằm làm giảm buồn nôn và
nôn.
Ðể đảm bảo sự hấp thu thuốc ở người bệnh thiếu hoặc bị giảm acid hydrocloric
ở dịch vị, người ta khuyên nên hòa tan mỗi viên thuốc trong 4 ml dung dịch acid
hydrocloric 0,2 N, người bệnh có thể pha loãng tiếp với một lượng nước nhỏ và uống
qua một ống bằng thủy tinh hoặc plastic để tránh tiếp xúc với răng và sau đó uống tiếp
thêm ngay một cốc nước nữa.
Thuốc cũng được dùng bôi tại chỗ, nơi bị nấm và vùng xung quanh.
Liều uống:
Trẻ em trên 2 tuổi: 3,3 - 6,6 mg/kg/ngày, uống 1 lần/ngày.
Người lớn: Liều thông thường 200 mg/ngày, nếu nặng 400 mg/ngày, uống làm
một lần.
Liều dùng đặc trị cho các bệnh nấm da như sau:
Bệnh nấm bề mặt khi kháng với điều trị tại chỗ
Nấm Candida (thực quản, âm đạo hoặc da, niêm mạc mạn tính): 200
mg/lần/ngày trong 1 - 2 tuần.
Nấm da đầu: 400 mg/lần/ngày trong 6 tuần (tối thiểu)

252
Nấm da thân hoặc da đùi: 200 mg/lần/ngày trong 4 tuần hoặc 400 mg/lần, một
tuần uống 1 lần, trong 4 - 8 tuần.
Nấm da chân: 200 mg/lần/ngày trong 6 - 8 tuần
Nấm loang: 400 mg/lần/ngày trong 1 hoặc nhiều tháng.
Bệnh nấm toàn thân
Do Blastomyces: 400 mg/lần/ngày trong 6 - 12 tháng (với viêm màng não, nấm
đường sinh dục - tiết niệu, hoặc các bệnh nấm nguy hiểm, nên dùng amphotericin).
Do Candida: Dùng amphotericin thích hợp hơn.
Do Chromomyces: 200 mg/lần/ngày.
Do Histoplasma: 400 mg/lần/ngày trong 6 tháng cho các bệnh nhẹ khu trú hoặc
rải rác.
Do Paracoccidioidomyces: 200 - 400 mg/lần/ngày trong 6 tháng, một số trường
hợp có thể kéo dài tới 18 tháng.
Bôi tại chỗ
Nấm Candida ở da, lang ben, nấm da thân hoặc nấm da đùi: Bôi 1 lần/ngày
trong 2 tuần.
Viêm da bã nhờn: Bôi 2 lần/ngày trong 4 tuần hoặc cho đến khi khỏi bệnh.
Nấm da chân: Bôi 1 lần/ngày trong 2 tuần.
1.4.2. Griseofulvin
A, Qui cách đóng gói
Griseofulvin vi tinh thể:
Viên nén: 250 mg; 500 mg; nang: 250 mg; hỗn dịch: 125 mg/5 ml.
Griseofulvin tinh thể siêu nhỏ:
Viên nén: 125 mg, 165 mg, 250 mg, 330 mg; viên bao phim: 125 mg, 250 mg.
B, Liều lượng
Liều griseofulvin hàng ngày có thể uống một lần hoặc chia thành 2 - 4 lần.
Liều thay đổi tùy theo dạng dùng (là vi tinh thể hoặc tinh thể siêu nhỏ).
Liều và thời gian điều trị tùy thuộc nhu cầu và đáp ứng của từng người bệnh.
Nói chung cần điều trị liên tục ít nhất từ 2 đến 4 tuần với bệnh nấm da thân, 4 - 6 tuần
với nấm da đầu, 4 - 8 tuần với nấm da chân, 4 - 6 tháng cho đến 1 năm với nấm móng.
Liều người lớn
Dạng vi tinh thể:
Ðiều trị nấm da thân, nấm da đùi hoặc nấm da đầu: 500 mg/ngày. Ðiều trị nấm
khó chữa như nấm da chân, nấm móng: 1 g/ngày.
Dạng tinh thể siêu nhỏ:
Ðiều trị nấm da thân, da đùi và da đầu: 330 - 375 mg/ngày. Ðiều trị nấm da
chân, nấm móng: 660 - 750 mg/ngày.
Liều trẻ em (lớn hơn 2 tuổi)

253
Dạng vi tinh thể: Thường dùng 10 - 11 mg/kg/ngày (liều uống tối đa: 1 g), có
thể chia làm 2 lần.
Dạng tinh thể siêu nhỏ: 5 - 10 mg/kg/ngày (liều tối đa: 750 mg), uống ngày 1
lần để điều trị nấm da đầu hoặc nấm da thân. Liều của trẻ nhỏ dưới 2 tuổi chưa được
xác định.
1.4.3. Nystatin
A, Qui cách đóng gói
Kem dùng ngoài 100000 đơn vị trong 1 gam; thuốc rửa 100000 đơn vị/ml; mỡ
dùng ngoài 100000 đơn vị/g; thuốc đặt âm đạo 100000 đơn vị/viên; bột: 100000 đơn
vị/g; hỗn dịch 100000 đơn vị/ ml; viên nén 500000 đơn vị.
Mỗi đơn vị nystatin tương đương 0,0002059 mg chế phẩm chuẩn quốc tế lần 2
(1982), trong đó 1 mg chứa 4855 đơn vị.
B, Liều lượng
Nhiễm nấm Candida đường ruột, thực quản: 500.000 hoặc 1.000.000 đơn
vị/lần, 3 lần hoặc 4 lần một ngày, uống. Trẻ nhỏ: 100.+6
000 đơn vị hoặc hơn/lần, 4 lần một ngày cho tới 14 ngày khi cần. Nystatin được dùng
phối hợp với kháng sinh để ức chế sự phát triển của vi khuẩn đường ruột.
Tổn thương niêm mạc miệng: Dùng viên ngậm hoặc hỗn dịch 100.000 đơn
vị/lần, 4 lần một ngày. Ðiều trị phải tiếp tục ít nhất 48 giờ sau khi hết triệu chứng
quanh miệng. Nếu sau 14 ngày điều trị, vẫn còn triệu chứng, cần xem lại chẩn đoán.
Nhiễm nấm âm đạo: 100.000 đơn vị đến 200.000 đơn vị một ngày, dùng 14
ngày dạng viên đặt hoặc dạng kem. Có thể dùng viên đặt phối hợp với metronidazol.
Tổn thương ngoài da: Mỡ, gel, kem hoặc bột mịn 100.000 đơn vị/g, bôi 2 - 4
lần một ngày cho tới khi khỏi hẳn.
1.5. Thuốc chống Virus
1.5.1. Acyclovir
A, Qui cách đóng gói
Viên nén 200 mg, 400 mg, 800 mg.
Nang 200 mg.
Lọ bột pha tiêm 1 g, 500 mg, 250 mg dưới dạng muối natri.
Hỗn dịch uống: Lọ 5 g/125 ml, 4 g/50 ml.
Tuýp 3 g, 15 g mỡ dùng ngoài 5%.
Tuýp 4,5 g mỡ tra mắt 3%.
Tuýp 2 g, 10 g kem dùng ngoài 5%.
B, Liều lượng.
Ðiều trị bằng aciclovir phải được bắt đầu càng sớm càng tốt khi có dấu hiệu và
triệu chứng của bệnh.
Uống:

254
Ðiều trị do nhiễm Herpes simplex.
Người lớn: Mỗi lần 200 mg (400 mg ở người suy giảm miễn dịch), ngày 5 lần,
cách nhau 4 giờ, dùng trong 5 - 10 ngày.
Trẻ em dưới 2 tuổi: Nửa liều người lớn. Trẻ em trên 2 tuổi: Bằng liều người
lớn.
Phòng tái phát herpes simplex cho người bệnh suy giảm miễn dịch, người ghép cơ
quan dùng thuốc giảm miễn dịch, người nhiễm HIV, người dùng hóa liệu pháp: Mỗi
lần 200 - 400 mg, ngày 4 lần.
Trẻ em dưới 2 tuổi: Dùng nửa liều người lớn. Trẻ em trên 2 tuổi: Bằng liều
người lớn.
Ðiều trị thủy đậu và zona.
Người lớn: Mỗi lần 800 mg, ngày 5 lần, trong 7 ngày.
Trẻ em: Bệnh varicella, mỗi lần 20 mg/kg thể trọng (tối đa 800 mg) ngày 4 lần
trong 5 ngày hoặc trẻ em dưới 2 tuổi mỗi lần 200 mg, ngày 4 lần; 2 - 5 tuổi mỗi lần
400 mg ngày 4 lần; trẻ em trên 6 tuổi mỗi lần 800 mg, ngày 4 lần.
Tiêm truyền tĩnh mạch:
Ðiều trị herpes simplex ở người suy giảm miễn dịch,herpes sinh dục khởi đầu
nặng, Varicella zoster: 5 mg/kg thể trọng, cứ 8 giờ mỗi lần trong 5 - 7 ngày. Liều tăng
lên gấp đôi thành 10 mg/kg thể trọng, cứ 8 giờ một lần ở người suy giảm miễn dịch
nhiễm Varicella zoster và ở người bệnh viêm não doHerpes simplex (thường dùng 10
ngày ở bệnh viêm não).
Trẻ sơ sinh tới 3 tháng nhiễm Herpes simplex: Mỗi lần 10 mg/kg thể trọng, cứ 8
giờ một lần trong 10 ngày. Trẻ từ 3 tháng - 12 năm nhiễm Herpes simplex hoặc
Varicella zoster 250 mg/m2 da, cứ 8 giờ một lần, trong 5 ngày. Liều tăng lên gấp đôi
thành 500 mg/m2 da, cứ 8 giờ 1 lần cho người suy giảm miễn dịch bị nhiễm Varicella
zoster và trong trường hợp viêm não do herpes simplex (thường dùng 10 ngày ở bệnh
viêm não).
Thuốc mỡ aciclovir:
Ðiều trị nhiễm Herpes simplex môi và sinh dục khởi phát và tái phát. Cần điều
trị càng sớm càng tốt. Nhiễm ở miệng hoặc âm đạo, cần thiết phải dùng điều trị toàn
thân (uống). Với herpes zoster cũng cần phải điều trị toàn thân.
Cách dùng thuốc mỡ: Bôi lên vị trí tổn thương cách 4 giờ một lần (5 đến 6 lần
mỗi ngày) trong 5 đến 7 ngày, bắt đầu ngay từ khi xuất hiện triệu chứng.
Thuốc mỡ tra mắt: Ngày bôi 5 lần (tiếp tục ít nhất 3 ngày sau khi đã dùng liều
điều trị).
1.5.2. Amantadin
A, Qui cách đóng gói
Amantadin hydroclorid/sulphat

255
Viên nén 50 mg, 100 mg
Viên nang 100 mg
Siro 10 mg/ml
B, Liều lượng.
Uống amantadin sau bữa ăn
Liều dùng ở người lớn:
Phòng bệnh cúm A: 200 mg/ngày, uống một lần hoặc chia làm 2 lần; dùng liên
tục ít nhất 10 ngày sau khi tiếp xúc hoặc dùng liền trong 2 - 3 tuần sau khi được tiêm
phòng vaccin cúm A; nếu không có vaccin hoặc chống chỉ định dùng vaccin thì phải
uống trong 90 ngày liền.
Ðiều trị cúm: 200 mg/ngày, uống 1 lần hoặc chia làm 2 lần; uống trong vòng 24
- 48 giờ sau khi bắt đầu có triệu chứng bệnh và uống cho đến khi các triệu chứng đã
hết được 24 - 48 giờ.
Liều cho trẻ em để phòng và điều trị cúm:
1 - 9 tuổi: 4,4 - 8,8 mg/kg/ngày, chia làm 2 lần; liều tối đa: 150 mg/ngày
9 - 12 tuổi: 100 mg/lần, ngày uống 2 lần
Ðể phòng bệnh: Uống thuốc liên tục ít nhất 10 ngày sau khi tiếp xúc hoặc uống liên
tục trong 2 - 3 tuần sau khi được tiêm vaccin cúm A. Nếu không có vaccin hoặc có
chống chỉ định tiêm vaccin thì phải uống liên tục trong 90 ngày
Ðể điều trị: Uống thuốc liên tục cho đến khi các triệu chứng đã hết được 24 - 48
giờ
Ðiều chỉnh liều trong phòng và chữa cúm:
Người trên 65 tuổi: 100 mg/ngày
1.5.3. Lamivudin
A, Qui cách đóng gói
Lamivudin, uống: Dung dịch 10 mg/ml. Viên bao phim 150 mg.
Lamivudin kết hợp, uống: Viên bao phim chứa 150 mg lamivudin và 300 mg
zidovudin.
B, Liều lượng.
Bao giờ cũng phải dùng lamivudin kết hợp với ít nhất một thuốc kháng
retrovirus, thường kết hợp với zidovudin hoặc stavudin.
Cách dùng: Lamivudin và chế phẩm kết hợp cố định chứa lamivudin và
zidovudin được dùng uống, không cần lưu ý đến các bữa ăn, Với người bệnh điều trị
bằng thuốc kháng retrovirus, phải đánh giá liên tục độc tính và tiến triển của bệnh, và
thực hiện những thay đổi trong cách dùng thuốc khi có chỉ định.Thời gian có hiệu quả
của một kết hợp thuốc kháng retrovirus có thể bị hạn chế, và cần phải xác định, định
kỳ đều đặn, mức RNA của HIV - 1 và số lượng tế bào TCD4+, để xác định nguy cơ
tiến triển của bệnh và để quyết định thay đổi chế độ dùng thuốc kháng retrovirus nếu

256
cần. Duy trì liều lượng tối ưu có tính quyết định để tránh hoạt tính kháng retrovirus
dưới mức tối ưu.
Liều lượng: Liều lượng thuốc kháng retrovirus dựa trên thể trọng và tuổi của
người bệnh.
Người lớn và thiếu niên 16 tuổi trở lên: 150 mg lamivudin và 300 mg zidovudin
cách 12 giờ một lần cho người cân nặng 50 kg trở lên, 2 mg lamivudin/kg thể trọng và
4 mg zidovudin/kg thể trọng, cách 12 giờ một lần cho người cân nặng dưới 50 kg.
Thiếu niên 12 đến 16 tuổi: 150 mg lamivudin và 300 mg zidovudin cách 12 giờ
một lần cho người cân nặng 50 kg trở lên; không có tư liệu đầy đủ để chỉ dẫn liều dùng
cho thiếu niên dưới 50 kg thể trọng.
Trẻ em từ 3 tháng đến 12 tuổi: 4 mg lamivudin/kg, cách 12 giờ một lần, tối đa
tới liều 300 mg lamivudin mỗi ngày.
Liều lượng cho người suy giảm chức năng thận: Phải giảm liều ở người bệnh
16 tuổi trở lên có độ thanh thải creatinin giảm. Ảnh hưởng của suy thận trên thải trừ
lamivudin ở trẻ em và thiếu niên dưới 16 tuổi chưa được biết rõ, nên hiện nay không
có chỉ dẫn về liều cho người bệnh ở nhóm tuổi này có độ thanh thải creatinin giảm.
Bảng điều chỉnh liều dùng theo độ thanh thải creatinin
1.5.4. Indinavir
A, Qui cách đóng gói
Nang: 200 mg (tính theo indinavir).
Viên nén: 400 mg (tính theo indinavir).
B, Liều lượng.
Trong điều trị HIV, indinavir được dùng phối hợp với các thuốc ức chế enzym
phiên mã ngược của nucleosid. Phải uống thuốc ít nhất 1 giờ trước hoặc 2 giờ sau khi
ăn. Cần uống đủ nước (ít nhất là 1,5 lít/ngày). Có thể phải ngừng điều trị nếu có đợt
sỏi thận cấp.
Liều dùng của indinavir sulfat được tính theo indinavir. Liều khuyến cáo cho
người lớn là 800 mg/lần; cách 8 giờ uống một lần.
Người suy gan nhẹ hoặc trung bình do xơ gan dùng liều 600 mg/lần; cách 8 giờ
uống một lần.
2. Hướng dẫn thực hành:
Yêu cầu sinh viên thực hành cần
* Quan sát kỹ đặc điểm, quy cách đóng gói, nhãn thuốc
* Ghi chép các đặc điểm của từng thuốc về:
- Tên thuốc, tên quốc tế, tên khác, tên biệt dược
- Dạng thuốc, nồng độ, hàm lượng
- Đặc điểm, màu sắc, quy cách đóng gói...
- Tác dụng, tác dụng phụ

257
- Chỉ định, chống chỉ định
- Cách dùng, liều lượng và chú ý khi dùng.
- Chế độ và kỹ thuật bảo quản, hạn dùng của thuốc.
Tên Tên gốc Dạng TD TDP CĐ CCĐ CD- BQ- HD
BD thuốc, LL
nồng độ,
hàm
lượng

* Nhận xét chất lượng bằng cảm quan.


* Hướng dẫn sử dụng an toàn, hiệu quả, hợp lý các thuốc trong bài.
Bài tập tình huống 1: Các phác đồ điều trị lao cho bệnh nhân bị lao tái phát
Bài tập tình huống 2: Các phác đồ điều trị lao cho bệnh nhân bị lao mới
Bài tập tình huống 3: Các phác đồ điều trị lao cho trẻ em bị nhiễm lao
Bài tập tình huống 4: Các thuốc chữa nấm da. Và cách dùng

258

You might also like