You are on page 1of 11

NHẬN THỨC

A. NHẬN THỨC
I. Khái niệm
- Nhận thức (tiếng Anh: cognition) là hành động hay quá trình tiếp thu kiến thức và những
hiểu biết thông qua suy nghĩ, kinh nghiệm và giác quan.
- Theo quan điểm triết học Marx-Lenin: nhận thức là quá trình phản ánh tích cực, tự giác và
sáng tạo thế giới khách quan vào bộ óc con người trên cơ sở thực tiễn nhằm sáng tạo ra tri
thức về thế giới khách quan.
II. Vai trò
- Nhận thức là một trong ba mặt cơ bản của đời sống tâm lý (Nhận thức - Thái độ - Hành
động). Nhận thức là cơ sở và là yếu tố chi phối các mặt còn lại của đời sống tâm lý con người.
Nhận thức điều khiển, điều chỉnh hoạt động của con người; là cơ sở để con người thích ứng
và cải tạo thế giới
- Nhận thức là yếu tố tâm lý cốt lõi trong hoạt động học tập. Về bản chất, học là nhận thức.
Năng lực nhận thức quy định khả năng học tập. Tổ chức hoạt động học tập, về căn bản là tổ
chức hoạt động nhận thức

Triết học Marx-Lenin thừa nhận: Con người có khả năng nhận thức được thế giới khách
quan; không có cái gì là không thể nhận thức được mà chỉ có những cái con người chưa nhận
thức được; thực tiễn là cơ sở chủ yếu và trực tiếp nhất của nhận thức, là động lực, mục đích
của nhận thức và là tiêu chuẩn để kiểm tra chân lý

B. CON ĐƯỜNG NHẬN THỨC


Con đường nhận thức diễn ra theo trình tự từ chưa biết đến biết, từ biết ít đến biết nhiều, từ
chưa sâu sắc, chưa toàn diện đến sâu sắc hơn, toàn diện hơn; được thực hiện qua các giai
đoạn từ đơn giản đến phức tạp, từ thấp đến cao, từ cụ thể đến trừu tượng, từ hình thức bên
ngoài đến bản chất bên trong.
Theo quan điểm của V.I.Lenin, nhận thức không phải là sự phản ánh thụ động giản đơn mà là
một quá trình biện chứng. Hay theo quan điểm của V.I.Lenin đã chỉ ra, hoạt động nhận thức
của con người đi từ trực quan sinh động (hay gọi là nhận thức cảm tính) đến tư duy trừu
tượng (hay còn gọi là nhận thức lý tính), và từ tư duy trừu tượng đến thực tiễn.
I. Khâu thứ nhất: Từ trực quan sinh động đến tư duy trừu tượng.
1. Trực quan sinh động (giai đoạn nhận thức cảm tính)
- Đây là giai đoạn đầu tiên của quá trình nhận thức. Đó là giai đoạn của con người sử dụng
các giác quan để tác động vào hiện thực khách quan nhằm nắm bắt hiện thực khách quan ấy
- Nhận thức cảm tính được thể hiện qua 2 quá trình cơ bản là cảm giác và tri giác.
1.1. Cảm giác
a. Khái niệm
Là quá trình tâm lý phản ánh một cách riêng lẻ từng thuộc tính bên ngoài của sự vật, hiện
tượng khi chúng đang trực tiếp tác động vào các giác quan của con người. Các giác quan đó
là thị giác, khứu giác, thính giác, xúc giác, vị giác.
Đối tượng phản ánh Đặc điểm, thuộc tính bề ngoài, mang tính hình thức của sự vật,
hiện tượng

Phương thức phản ánh Phản ánh hiện thực khách quan một cách trực tiếp, thông qua và
bằng giác quan

Phạm vi phản ánh Từng đặc điểm riêng lẻ của sự vật, hiện tượng

Sản phẩm phản ánh Hình ảnh trực quan về từng thuộc tính riêng lẻ, cụ thể của sự vật,
hiện tượng

Ví dụ: Quả dâu tác động vào thị giác con người => cho con người thông tin về màu sắc,
hình dáng quả cam
Bài hát tác động vào thính giác con người => cho con người thông tin về âm thanh,
giai điệu
b. Phân loại
Có nhiều loại cảm giác khác nhau:
+) Cảm giác bên ngoài bao gồm các cảm giác nhìn, nghe, ngửi, nếm và cảm giác của da.
+) Cảm giác bên trong bao gồm các cảm giác vận động, thăng bằng, rung và cảm giác cơ thể
(đói, no, đau).
c. Ý nghĩa
+ Mặc dù ở cấp độ nhận thức sơ đẳng nhưng cảm giác được xem là nền tảng của hoạt động
nhận thức của con người.
+ Cảm giác cung cấp nguyên liệu cho các quá trình nhận thức bậc cao.
+ Là cơ sở để kiểm chứng tính đúng đắn của các quá trình nhận thức bậc cao.
d. Các quy luật của cảm giác
● Quy luật về ngưỡng của cảm giác
- Muốn có cảm giác thì phải có kích thích tác động vào giác quan, đồng thời kích thích
phải đạt tới ngưỡng để tạo cảm giác
- Mỗi giác quan thích ứng với một loại cảm giác nhất định và có những ngưỡng xác định
- Khả năng có thể phản ánh được các kích thích tối thiểu để tạo cảm giác gọi là độ nhạy
cảm của cảm giác
- Ngưỡng cảm giác là giới hạn mà ở đó kích thích có thể gây được cảm giác. Có hai loại
ngưỡng cảm giác là ngưỡng tuyệt đối (bao gồm ngưỡng cảm giác phía dưới và ngưỡng
cảm giác phía trên) và ngưỡng sai biệt
+ Ngưỡng cảm giác phía dưới là giới hạn mà ở đó cường độ kích thích tối thiểu
có thể gây được cảm giác
+ Ngưỡng cảm giác phía trên là giới hạn mà ở đó cường độ kích thích tối đa vẫn
có thể gây được cảm giác
+ Phạm vi giữa ngưỡng cảm giác phía dưới và ngưỡng cảm giác phía trên gọi là
vùng cảm giác được. Trong đó có một vùng cảm giác tốt nhất
+ Ngưỡng sai biệt của cảm giác là giới hạn mà ở đó mức độ chênh lệch tối thiểu
về cường độ hoặc tính chất giữa các kích thích đủ để cảm giác phân biệt sự
khác nhau giữa chúng
- Quy luật về ngưỡng của cảm giác phản ánh mối quan hệ giữa độ nhạy cảm với ngưỡng
cảm giác. Cụ thể, ngưỡng cảm giác phía dưới và ngưỡng sai biệt có mối quan hệ tỉ lệ
nghịch với độ nhạy cảm và độ nhạy cảm sai biệt
=> Liên hệ trong giáo dục: Âm lượng giáo viên nên nằm trong vùng cảm giác tốt nhất; trình
bày bảng dễ nhìn, trình chiếu rõ ràng, dễ phân biệt
● Quy luật thích ứng của cảm giác
- Thích ứng là khả năng thay đổi độ nhạy cảm của cảm giác cho phù hợp với sự thay
đổi của cường độ kích thích
- Cụ thể, quy luật thích ứng của cảm giác là:
+ Giảm độ nhạy cảm khi cường độ kích thích tăng và kéo dài
+ Tăng độ nhạy cảm khi cường độ kích
- Quy luật thích ứng đúng với tất cả các loại cảm giác, nhưng mức độ thích ứng của các
loại cảm giác khác nhau là không giống nhau. Một số cảm giác có khả năng thích ứng
cao (ví dụ như thị giác), một số lại hầu như rất khó thích ứng (ví dụ như cảm giác đau,
thăng bằng)
- Khả năng thích ứng của cảm giác có thể thay đổi do hoạt động và rèn luyện
Ví dụ: Khi người ta làm thí nghiệm thả con ếch trong nồi, tăng nhiệt độ dần dần con
ếch có thể bị nấu chín mà không phản ứng
Khi tập thể dục hay bơi lội, cần có động tác khởi động để cảm giác vận được
được thích ứng
Trong giáo dục, cường độ học nên được tăng dần để học sinh thích ứng được với
cường độ học tập
● Quy luật về sự tác động qua lại giữa các cảm giác
- Tác động qua lại giữa các cảm giác được thể hiện ở sự thay đổi độ nhạy cảm
của một cảm giác nào đó do những cảm giác khác gây nên
- Cụ thể, quy luật tác động giữa các cảm giác như sau:
+ Kích thích yếu lên giác quan này có thể làm tăng độ nhạy cảm của giác
quan khác
+ Kích thích mạnh lên giác quan này có thể làm giảm độ nhạy cảm của
giác quan kia
- Sự tác động có thể diễn ra đồng thời hoặc nối tiếp, giữa những cảm giác cùng
loại hoặc khác loại
- Sự tác động giữa những cảm giác cùng loại được gọi là sự tương phản cảm
giác. Sự tương phản cảm giác cũng có thể diễn ra đồng thời hoặc nối tiếp
Ví dụ: Khi muốn lắng nghe kỹ, con người thường có xu hướng nhắm mắt

1.2. Tri giác


a. Khái niệm
Là quá trình tâm lý phản ánh trọn vẹn các thuộc tính bề ngoài của sự vật, hiện tượng khi
chúng đang trực tiếp tác động đến các giác quan.

Đối tượng phản ánh Đặc điểm, thuộc tính bề ngoài, mang tính hình thức của sự
vật, hiện tượng
Phương thức phản ánh Trực tiếp, thông qua và bằng các giác quan

Phạm vi phản ánh Trọn vẹn các đặc điểm, thuộc tính bề ngoài của sự vật, hiện
tượng. Mặc dù có tính trọn vẹn, ở cấp độ tri giác vẫn chỉ
phản ánh được từng sự vật, hiện tượng cá lẻ

Sản phẩm phản ánh Hình ảnh trực quan trọn vẹn của sự vật, hiện tượng

Ví dụ: Khi quan sát một bạn, quá trình tri giác phản ánh cho ta trọn vẹn các đặc điểm bề
ngoài của bạn đó. Cụ thể, tác động lên thị giác => nước da, màu tóc, dáng vóc,..; tác động lên
thính giác: giọng nói, tiếng cười;...

b. Phân loại
Có nhiều loại tri giác khác nhau, tùy theo cách phân loại:
+) Căn cứ vào cơ quan cảm giác giữ vai trò chính trong quá trình tri giác, có thể xác định các
loại tri giác: nhìn, nghe, nếm,...
+) Căn cứ vào đối tượng tri giác có thể xác định các loại tri giác không gian, tri giác thời gian,
tri giác chuyển động và tri giác con người.
c. Ý nghĩa:
+ Cùng với cảm giác, tri giác cung cấp nguyên liệu cho các quá trình nhận thức bậc cao.
+ Tri giác là khâu kết nối quan trọng giữa các quá trình nhận thức bậc cao( tư duy, tưởng
tượng) với thực tiễn; là cơ sở để kiểm chứng tính xác thực của nhận thức lí tính.
+ Ở con người, tri giác là một quá trình nhận thức hết sức quan trọng. Nó có thể được sử dụng
một cách chủ đích và có kế hoạch để giải quyết một nhiệm vụ nhận thức cụ thể-> tri giác
trong trường hợp này được gọi là quan sát ( là quá trình tri giác tích cực, chủ động và có mục
đích rõ rệt, để giải quyết một nhiệm vụ nhận thức cụ thể).
d. Các quy luật của tri giác
● Quy luật về tính đối tượng của tri giác
- Tri giác phản ánh các sự vật hiện tượng trong hiện thực khách quan không
phải dưới hình thức tập hợp đơn thuần các cảm giác lẫn lộn về mọi sự vật hiện
tượng, mà nó phản ánh một cách trọn vẹn, cụ thể sự vật hiện tượng độc lập với
sự vật hiện tượng khác.
- Hình ảnh mà tri giác đem lại bao giờ cũng thuộc về sự vật, hiện tượng nhất
định của hiện thực khách quan
- Tính đối tượng nói lên tính hiện thực, tính chân thực của tri giác
- Nhờ tính đối tượng mà tri giác có vai trò/ thực hiện chức năng định hướng
hành vi
Ví dụ: Ta có thể nhận biết được con mèo và phân biệt với con chim thông qua các đặc điểm
của chúng
(Định hướng hành vi:Là một sinh viên ta cần xác định được mục tiêu, đối tượng và cách thức
học tập để đạt được hiệu quả tốt nhất)
● Quy luật về tính lựa chọn của tri giác
- Sự vật và hiện tượng tác động đa dạng, nhưng không phải tất cả đều được phản
ánh trong tri giác. Khi tri giác một sự vật, hiện tượng nào đó, cá nhân tách sự
vật hay hiện tượng đó ra khỏi bối cảnh và lấy nó làm đối tượng tri giác. Nói
cách khác, tri giác có tính lựa chọn
- Tính lựa chọn nói lên tính tích cực của tri giác
- Tính lựa chọn của tri giác phụ thuộc vào mục đích cá nhân, đặc điểm của đối
tượng tri giác, điều kiện tri giác và hứng thú, kinh nghiệm của cá nhân
- Sự lựa chọn trong tri giác không có tính cố định: đối tượng/ bối cảnh có thể
đổi vai tùy theo mục đích cá nhân và điều kiện tri giác
Ví dụ: Khi nhìn lướt qua 1 trang sách đầy chữ, thông thường, những chữ nổi bật sẽ được chọn
để tri giác.
Giữa một vườn hoa hồng đỏ xuất hiện một bông hồng xanh đẹp vươn lên trên những
bông hồng khác, điều này khiến chúng ta trở nên hứng tập chung vào nó.
=> Ứng dụng trong dạy học: Giáo viên chú ý thay đổi kiểu chữ, màu mực để nhấn mạnh phần
quan trọng, tạo điều kiện dễ dàng cho quá trình tri giác của học sinh.

● Quy luật về tính có ý nghĩa của tri giác


- Tri giác không chỉ phản ánh những đặc điểm của bản thân sự vật giúp cá nhân
nhận biết sự vật, mà còn phản ánh ý nghĩa của những đặc điểm đó, giúp cá
nhân hiểu về sự vật. Nói cách khác, tri giác có tính có ý nghĩa
- Tính có ý nghĩa của tri giác được biểu hiện ở việc gọi được tên sự vật trong
đầu và phân loại chúng, nghĩa là, xếp chúng vào một nhóm/ loại sự vật, hiện
tượng nhất định
- Sự tham gia của tư duy là cơ sở để tạo nên tính có ý nghĩa của tri giác. Nói
cách khác, nhờ có sự tham gia của tư duy mà tri giác có thể phản ánh ý nghĩa
của sự vật, hiện tượng
- Tính có ý nghĩa tạo cơ sở cho tính lựa chọn của tri giác
VD: Tri giác góp phần giúp ta gọi tên được các loại hoa, quả
● Quy luật về tính ổn định của tri giác
- Tính ổn định của tri giác là khả năng tri giác phản ánh sự vật, hiện tượng
không thay đổi khi điều kiện tri giác thay đổi
- Tính ổn định của tri giác do tính ổn định tương đối của sự vật và sự tham gia
của các quá trình nhận thức cấp cao trong quá trình tri giác tạo nên
- Tính ổn định là điều kiện để tri giác thực hiện chức năng định hướng trong đời
sống và hoạt động của con người giữa thế giới đa dạng và biến đổi
VD: Khi nhìn bảng ở góc chéo, ta vẫn nhận diện được chiếc bảng hình chữ nhật
● Quy luật tổng giác
- Tuy phản ánh sự vật và hiện tượng khách quan, nhưng tri giác không chỉ phụ
thuộc đặc điểm và tính chất của sự vật, hiện tượng, mà còn phụ thuộc vào chủ
thể tri giác - hiện tượng tổng giác
- Tổng giác phản ánh sự phụ thuộc của tri giác vào những yếu tố thuộc về bản
thân chủ thể tri giác, như thái độ, nhu cầu, hứng thú, sở thích, động cơ.
- Hiện tượng tổng giác chứng tỏ tri giác là một quá trình có thể kiểm soát, có thể
điều khiển
Ví dụ 1: Đối với các bạn thích ca sĩ Mono thì nghe bài hát “Waiting for you” sẽ thấy hay hơn
so với các bạn khác
Ví dụ 2: Khi tâm trạng ta không vui thì nhìn vào một khung cảnh nào đó, dù nó có đẹp đến
đâu thì ta cũng thấy nó rất nhàm chán.
● Quy luật ảo ảnh tri giác
- Trong một số trường hợp, tri giác có thể không cho ta hình ảnh đúng về sự vật,
hiện tượng. Hiện tượng này được gọi là ảo ảnh tri giác, hay gọi tắt là ảo giác
- Ảo giác là tri giác không đúng, tri giác sai về sự vật và hiện tượng
- Sự phản ánh sai này có tính quy luật và có ở tất cả các loại tri giác (ví dụ: ảo
thị, ảo thanh). Có thể nhiều nguyên nhân dẫn đến ảo ảnh tri giác như: nguyên
nhân vật lí, nguyên nhân sinh lí và nguyên nhân tâm lí
- Sự tham gia của tư duy và sự hướng dẫn của người khác trong quá trình tri
giác có thể loại bỏ hoặc làm giảm thiểu hiện tượng ảo ảnh tri giác
Ví dụ: Đi lâu trên sa mạc nắng nóng ta cảm thấy khát nước nên nhìn thấy đằng xa như có một
hồ nước nhưng khi đến gần thì không có gì.
2. Tư duy trừu tượng (giai đoạn nhận thức lý tính)
o Nếu chỉ bằng cảm giác, tri giác thì nhận thức của con người sẽ rất hạn chế. Bởi vậy con
người không thể chỉ với cảm giác, tri giác mà hiểu được những cái như độc lập, tự do, hạnh
phúc, tốc độ ánh sáng, hình thái kinh tế-xã hội....Muốn hiểu được những cái phức tạp như vậy
cần phải có sức mạnh của tư duy trừu tượng.
“Tôi tư duy nên tôi tồn tại” (René Descartes)
a. Khái niệm
- Tư duy trừu tượng hay nhận thức lý tính là giai đoạn phản ánh gián tiếp trừu tượng, khái
quát về hiện thực khách quan, được thể hiện qua các hình thức như khái niệm, phán đoán, suy
luận
+ Khái niệm: là kết quả của sự tổng hợp, khái quát biện chứng những tài liệu thu nhận
được trong hoạt động thực tiễn. Khái niệm phản ánh khái quát một hoặc một số thuộc
tính chung có tính bản chất nào đó của một nhóm sự vật, hiện tượng được biểu thị
bằng một từ hoặc một cụm từ. Khái niệm luôn vận động cùng với sự biến đổi của thực
tiễn
Ví dụ: Trong khái niệm “con người” đã khái quát những thuộc tính chung của mọi con
người: là thực thể xã hội, biết chế tạo và sử dụng công cụ lao động, có ý thức,..
+ Phán đoán: là hình thức liên kết các khái niệm để khẳng định hay phủ định một thuộc
tính, một mối liên hệ nào đó của sự vật. Phán đoán được biểu hiện thành một mệnh đề
bao gồm chủ từ, hệ từ và vị từ trong đó hệ từ đóng vai trò quan trọng nhất vì nó biểu
thị mối quan hệ của các sự vật được phản ánh
Ví dụ: Hà Nội là thủ đô của nước Việt Nam; Bạn A là người tốt,...
+ Suy luận: là hình thức liên kết các phán đoán với nhau theo quy tắc phán đoán cuối
cùng (kết luận) được suy ra từ những phán đoán đã biết làm tiền đề. Có hai loại suy
luận chính: quy nạp và diễn dịch
Ví dụ: Suy nghĩ tiêu cực ảnh hưởng đến sức khoẻ
Thức khuya ảnh hưởng sức khoẻ
Tiêu cực, thức khuya là lối sống không lành mạnh
=> Kết luận: Lối sống không lành mạnh ảnh hưởng sức khỏe
- Tư duy trừu tượng là quá trình tâm lý phản ánh những thuộc tính bản chất, những mối liên
hệ có tính quy luật của sự vật, hiện tượng mà ta chưa biết.

Đối tượng phản ánh Những đặc điểm và thuộc tính mang tính bản chất và những mối
liên hệ mang tính quy luật của sự vật, hiện tượng

Phương thức phản ánh Phản ánh một cách gián tiếp, thông qua ngôn ngữ (tính gián tiếp)

Phạm vi phản ánh Các đặc điểm bản chất và các mối liên hệ mang tính quy luật
chung cho một nhóm, một lớp hay một phạm trù sự vật, hiện
tượng (tính khái quát)

Sản phẩm phản ánh Khái niệm về sự vật, hiện tượng các quy luật về mối liên hệ giữa
chúng trong hiện thực khách quan

b. Đặc điểm
- Tính có vấn đề
Tư duy chỉ xuất hiện trong tình huống có vấn đề, là những câu hỏi, thắc mắc
chưa có đáp án mà bằng những kinh nghiệm vốn có không giải quyết được
=> Tình huống có vấn đề là tình huống chứa đựng mâu thuẫn
- Tính gián tiếp
Chỉ cần thông qua dấu vết, tín hiệu, điều kiện, phương tiện, ngôn ngữ,.. tư duy
vẫn phản ánh được sự vật, hiện tượng
=> Mở rộng khả năng nhận thức của con người
=> Giúp phản ánh được quá khứ, hiện tại và tương lai
=> Hình thành khả năng dự đoán chiều hướng phát triển
Ví dụ: Khi nhìn thấy mây đen, ta có thể dự đoán trời sắp mưa
- Tính khái quát
Phản ánh những thuộc tính chung, phổ biến cho hàng loạt sự vật, hiện tượng
cùng loại
=> Giúp phân loại sự vật, hiện tượng
=> Biết cái tất yếu
=> Phát triển khả năng phán đoán
- Sử dụng ngôn ngữ làm phương tiện
Tư duy và ngôn ngữ thống nhất với nhau như “nội dung” và “hình thức”. Ngôn
ngữ là lớp vỏ của tư duy
+ Tư duy mang chức năng nhận thức thế giới
+ Ngôn ngữ mang chức năng biểu đạt tư duy
=> Ngôn ngữ là phương tiện tất yếu của tư duy
- Tư duy có quan hệ mật thiết với nhận thức cảm tính
+ Nếu không có tài liệu của nhận thức cảm tính mang lại, sẽ không có cơ sở để
tư duy
=> Nhận thức cảm tính chính là nguyên nhân sâu xa, là điều kiện của tư duy.
Cũng là phương tiện chính xác của tư duy
+ Tư duy cũng ảnh hưởng, giúp cho nhận thức cảm tính được chính xác hơn
c. Ý nghĩa
- Tư duy giúp cho con người khám phá thế giới, phục vụ cuộc sống, mở rộng hiểu biết
- Giúp con người vượt ra khỏi giới hạn của kinh nghiệm trực tiếp do nhận thức cảm tính đem
lại
- Là một cấp độ cao hơn trong nhận thức, nhưng tư duy có quan hệ hết sức chặt chẽ với nhận
thức cảm tính: Tư duy làm cho cảm giác nhạy bén hơn, làm cho tri giác mang tính ổn định,
có ý nghĩa
d. Phân loại
Có nhiều loại tư duy khác nhau tùy theo cách phân loại:
+) Theo lịch sử hình thành và mức độ phát triển của tư duy, có thể xác định 3 loại tư duy cơ
bản, bao gồm: tư duy trực quan hành động, tư duy trực quan hình ảnh, tư duy trừu tượng (tư
duy khoa học, tư duy logic).
+) Theo mức độ sáng tạo của tư duy thì có các loại: tư duy algorit, tư duy ơrixtic.
+) Ngày nay người ta thường nhắc đến các loại như: tư duy sáng tạo, tư duy hệ thống, tư duy
phức hợp.
+)Theo hình thức biểu hiện và phương thức giải quyết nhiệm vụ(vấn đề): tư duy thực hành, tư
duy hình ảnh cụ thể, tư duy lý luận.
e. Các quy luật về tư duy
● Quy luật về sự nảy sinh tư duy
- Sự nảy sinh tư duy luôn gắn liền với hoàn cảnh/ tình huống có vấn đề. Nói
cách khác, tư duy chỉ nảy sinh khi con người gặp tình huống có vấn đề
- Tình huống có vấn đề là tình huống có chứa đựng những mục đích, yêu cầu
hoặc nhiệm vụ mới mà những gì cá nhân đã biết hoặc có thể làm, mặc dù vẫn
cần, nhưng chưa đủ để giải quyết
- Để kích thích sự nảy sinh tư duy, tình huống có vấn đề phải được cá nhân nhận
thức, đúng hơn là cá nhân phải nhận thức được vấn đề trong tình huống, đồng
thời cá nhân phải có nhu cầu và khả năng có thể để giải quyết tình huống
Ví dụ: Ở một bài toán, có những dữ liệu và yêu cầu cần chứng minh mà ta
chưa thể làm ra ngay, cần xâu chuỗi các dữ liệu, vận dụng các kĩ năng, định lí
để giải quyết => tình huống có vấn đề xuất hiện => nảy sinh tư duy

● Quy luật về các giai đoạn của quá trình tư duy


- Tư duy là một quá trình giải quyết vấn đề về nhận thức. Quá trình tư duy để
giải quyết vấn đề thường trải qua các giai đoạn sau:
+ Giai đoạn 1: Xác định vấn đề và biểu đạt vấn đề thành nhiệm vụ nhận
thức
+ Giai đoạn 2: Huy động các tri thức, kinh nghiệm và hình thành các liên
tưởng giữa những kiến thức đã có với nhiệm vụ tư duy đã được biểu
đạt
+ Giai đoạn 3: Sàng lọc các liên tưởng và hình thành giả thuyết - giả định
về giải pháp đối với vấn đề trong tình huống
+ Giai đoạn 4: Kiểm tra giả thuyết: Đánh giá tính hợp lí và khả năng giải
quyết vấn đề của các giả thuyết. Kết quả kiểm tra giả thuyết sẽ dần đến
việc khẳng định, phủ định hoặc chính xác hóa giả thuyết
+ Giai đoạn 5: Giải quyết nhiệm vụ: Sau khi đã kiểm tra và khẳng định,
các giả thuyết, cá nhân sẽ tiến hành giải quyết được vấn đề
● Quy luật về các thao tác tư duy
- Tư duy là một hành động trí tuệ thực hiện các mục tiêu nhận thức. Hành động
tư duy được thực hiện bằng các thao tác cơ bản, bao gồm:
+ Phân tích là sự phân chia bằng trí óc đối tượng nhận thức thành các bộ
phận, các thuộc tính và các mối quan hệ cấu thành để nhận thức thành
một chỉnh thể
+ Tổng hợp là sự hợp nhất bằng trí óc các bộ phận, các thuộc tính và các
mối quan hệ của đối tượng nhận thức thành một chỉnh thể
+ Trừu tượng hóa là sự gạt bỏ bằng trí óc những thuộc tính, những mối
liên hệ thứ yếu, không cần thiết và chỉ giữ lại những yếu tố cần thiết để
tư duy
+ Khái quát hóa là sự hợp nhất bằng trí óc nhiều đối tượng khác nhau,
nhưng có chung những thuộc tính, mối quan hệ nhất định thành một
nhóm, một loại
+ So sánh là xác định bằng trí óc sự giống hay khác nhau, đồng nhất hay
không đồng nhất, bằng nhau hay không bằng nhau giữa các sự vật, hiện
tượng

- Các thao tác phân tích và tổng hợp luôn thống nhất với nhau. Phân tích được
tiến hành theo hướng tổng hợp; tổng hợp được thực hiện trên cơ sở phân tích.
Tương tự như vậy, trừu tượng hóa cũng thống nhất với khái quát hóa, nhưng là
sự thống nhất cao hơn về cấp độ
- So sánh có quan hệ chặt chẽ với các thao tác tư duy khác. So sánh được thực
hiện trên cơ sở phân tích và trừu tượng hóa; là cơ sở cho sự tổng hợp và khái
quát hóa
Ví dụ: Trong khi làm bài văn nghị luận, để thuyết phục người đọc, ta cần sử
dụng các thao tác tư duy để lập luận và chứng minh

SO SÁNH HAI GIAI ĐOẠN CỦA QUÁ TRÌNH NHẬN THỨC

NHẬN THỨC CẢM TÍNH NHẬN THỨC LÝ TÍNH

- Là giai đoạn đầu của quá trình nhận - Là giai đoạn sau của quá trình nhận
thức thức
- Nhận thức trực tiếp sự vật, hiện - Nhận thức gián tiếp sự vật, hiện
tượng, hình ảnh phong phú sinh động tượng

- Nhận thức được đặc điểm bên ngoài - Nhận thức được bản chất, quy luật
của sự vật, hiện tượng của sự vật hiện tượng
MỐI QUAN HỆ GIỮA HAI GIAI ĐOẠN CỦA QUÁ TRÌNH NHẬN THỨC
- Nhận thức cảm tính là cơ sở để nảy sinh, là nguồn cung cấp nguyên liệu cho quá trình
tư duy; đồng thời là phương tiện kiểm tra tính đúng đắn của kết quả tư duy
- Nhận thức cảm tính càng phong phú, sinh động bao nhiêu thì càng làm cho nhận thức
lý tính sâu sắc bây nhiêu
- Nhận thức lý tính giúp cho cảm giác nhạy bén hơn, làm cho tri giác mang tính ổn
định, có ý nghĩa
II. Khâu thứ hai: Từ tư duy trừu tượng đến thực tiễn
Nếu dừng lại ở nhận thức lý tính thì con người mới chỉ có những tri thức về đối tượng, còn
bản thân những tri thức đó có thực sự chính xác hay không thì con người vẫn chưa thể biết
được. Trong khi đó nhận thức đòi hỏi phải xác định xem những tri thức đó chân thực hay
không. Để thực hiện điều này thì nhận thức nhất thiết phải trở về với thực tiễn, dùng thực
tiễn để làm tiêu chuẩn, làm thước đo tính chân thực của các tri thức đã đạt được trong
quá trình nhận thức. Mặt khác, mọi nhận thức suy đến cùng đều xuất phát từ nhu cầu thực
tiễn và trở lại phục vụ thực tiễn. Như Marx nói: Mục đích cuối cùng của nhận thức không
chỉ để giải thích thế giới mà để cải tạo thế giới.
Ví dụ:
-Toán học ra đời do nhu cầu muốn tính toán, đo đạc của con người. (Thực tiễn là động lực
của nhận thức)
-Vacxin Covid 19 ra đời được thử nghiệm trên động vật sau đó được thử nghiệm trên người
để kiểm tra tác dụng (Thực tiễn là tiêu chuẩn kiểm tra chân lý)
- Nhận thức được những tác hại của bom nguyên tử, con người cần ngăn chặn nó để giữ vững
hòa bình (Mục đích của nhận thức là cải tạo thế giới)
- Sự nhận thức về công nghệ thông tin khiến cho lĩnh vực này ngày càng phát triển giúp thế
giới phát triển hơn (Mục đích của nhận thức là cải tạo thế giới)
- Sự nhận thức về tác dụng của mật ong khiến cho các bài thuốc được ra đời, phục vụ cho đời
sống con người (Mục đích của nhận thức là cải tạo thế giới)
C. TỔNG KẾT
Có thể thấy quy luật chung, có tính chu kỳ lặp đi lặp lại của quá trình vận động, phát
triển của nhận thức là: từ thực tiễn đến nhận thức - từ nhận thức trở về với thực tiễn -
từ thực tiễn tiếp tục quá trình phát triển nhận thức,... Quá trình này lặp đi lặp lại,
không có điểm dừng cuối cùng, trình độ của nhận thức và thực tiễn ở chu kỳ sau
thường cao hơn chu kỳ trước, nhờ đó mà quá trình nhận thức đạt dần tới những tri
thức ngày càng đúng đắn hơn, đầy đủ hơn và sâu sắc hơn về thực tại khách quan.
Đây cũng chính là quan điểm về tính tương đối của nhận thức của con người trong
quá trình phản ánh thực tại khách quan.
D. VẬN DỤNG THỰC TIỄN
● Cương vị là sinh viên:
- Nhận thức là quá trình phức tạp nên trong học tập và nghiên cứu cần phải thường
xuyên tích lũy kiến thức để đạt trình độ cao hơn
- Vì nhận thức cảm tính là cơ sở để tồn tại nhận thức lý tính nên cần coi trọng cả hai
giai đoạn của quá trình nhận thức
- Cần vận dụng mối quan hệ giữa nhận thức và thực tiễn. Áp dụng nhận thức trong cuộc
sống thực tiễn và cuộc sống thực tiễn là động lực, mục đích tiếp tục quá trình nhận
thức
- Cần rèn luyện các thao tác tư duy (phân tích, tổng hợp, so sánh, trừu tượng hóa, khái
quát hóa) trong quá trình học tập
- Cần vận dụng quy luật về ngưỡng và thích ứng cảm giác trong tự học (tăng dần cường
độ bài tập, thời gian học để tránh cảm giác chán nản, quá sức)
● Cương vị là giáo viên tương lai:
- Trong dạy học cần lưu ý các quy luật về ngưỡng và sự thích ứng cảm giác để tăng
cường hiệu quả nhận thức cho học sinh. Ví dụ, cường độ lời nói nên nằm trong vùng
phản ánh tốt nhất của thính giác, trình bày bảng hoặc trình chiếu phải rõ ràng, đảm
bảo khả năng phân biệt; tăng cường độ học tập dần dần để học sinh có thể thích ứng
- Vận dụng các quy luật tri giác trong sử dụng đồ dùng trực quan, trình bày bảng, trình
chiếu màu sắc, kích thước và hình ảnh để nhấn mạnh các phần quan trọng.Ví dụ, thay
đổi màu chữ, kiểu chữ cho những phần quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi cho học
sinh dễ dàng tri giác
- Vận dụng quy luật về sự nảy sinh tư duy, tạo tình huống có vấn đề để kích thích tư
duy của học sinh, đồng thời hướng dẫn học sinh tiến hành giải quyết vấn đề theo các
giai đoạn của quá trình tư duy. Ví dụ, ra những bài toán nâng cao, phát triển từ những
tri thức đã học để kích thích tư duy cho học sinh, hướng dẫn học sinh các bước tư duy
- Hướng dẫn học sinh tăng trải nghiệm, quan sát để có nhận thức cảm tính, làm cơ sở và
nền tảng cho quá trình nhận thức tồn tại và phát triển. Đồng thời khuyến khích học
sinh áp dụng tri thức và hiểu biết vào đời sống, cải tạo thực tiễn.

You might also like