You are on page 1of 2

Thiên Chúa, Đấng Giàu Lòng Thương Xót

Thiên Chúa đã tự mặc khải mình cho Mô-sê như là “Thiên Chúa nhân hậu và từ bi, hay nén
giận, giàu nhân nghĩa và thành tín” (Xh 34,6). Tuy nhiên, thế kỷ XX vừa đi qua là một thế kỷ đầy kinh
hoàng với hai cuộc chiến tranh thế giới và bao điều tồi tệ khác; còn thế kỷ XXI thì khởi đầu bằng sự đe
dọa của chủ nghĩa khủng bố vào Trung Tâm Thương Mại Thế Giới ở New York vào ngày 11 tháng 9
năm 2001; và thậm chí, phải đối mặt với sự vô cảm của một thế giới theo chủ nghĩa cá nhân hay nạn
bạo lực nơi người trẻ,… Vậy phải chăng tất cả những điều này là những lý lẽ mạnh mẽ để chống lại
một “Thiên Chúa nhân hậu và từ bi, hay nén giận, giàu nhân nghĩa và thành tín” như Ngài đã từng mặc
khải? Hay là Ngài đã quên thương xót như một vịnh gia đã từng băn khoăn (x. Tv 77,10)? Đứng trước
những vấn nạn này, thật khó nói mạnh về một Thiên Chúa giàu lòng thương xót nhưng lại để cho tất cả
những điều này xảy ra?
Bài viết ở đây không phải là một khảo luận thần học cũng như người viết không phải là một
thần học gia nên việc trình bày không phải là để làm sáng tỏ rặt ròi vấn đề hay là nhằm đưa ra những
luận chứng thần học mới về một Thiên Chúa giàu lòng thương xót; mà, người viết chỉ muốn dựa trên
một số trưng dẫn Kinh Thánh trích trong Cựu Ước và một vài ý kiến của các thần học gia cũng như
kinh nghiệm cá nhân để trình bày lại vấn đề thần học về một Thiên Chúa xót thương. Bài viết vì thế
gồm hai phần. Thứ nhất, dựa trên câu chủ đề trích trong sách Xuất Hành, chương 34, câu 6-7, và một
số sách khác trong Cựu Ước nhằm tái khám phá dung mạo của một Thiên Chúa xót thương. Phần thứ
hai là một vài ý kiến của các thần học gia cùng một ít kinh nghiệm cá nhân của người viết về lòng
thương xót của Thiên Chúa ngang qua những đau khổ phải đối diện hằng ngày.
Chúng ta bước vào phần thứ nhất. Sách Xuất Hành chương 32 cho chúng ta biết rằng: Sau khi
ký kết Giao Ước, dân Israel đã phạm một tội lớn chống lại Thiên Chúa (x. Xh 32); và đáng lí ra Thiên
Chúa đã hủy diệt toàn dân, thế nhưng trong chính biến cố phản nghịch này, Thiên Chúa lại tự mặc khải
Ngài là một Thiên Chúa giàu lòng xót thương và tha thứ: “Đức Chúa đi qua trước mặt ông (Mô-sê) và
xướng: ‘Đức Chúa! Đức Chúa! Thiên Chúa nhân hậu và từ bi, hay nén giận, giàu nhân nghĩa và thành
tín, giữ lòng nhân nghĩa với muôn ngàn thế hệ, chịu đựng lỗi lầm, tội ác và tội lỗi, nhưng không bỏ qua
điều gì, và trừng phạt con cháu đến ba bốn đời vì lỗi lầm của cha ông’” (Xh 34,6-7).
Các thánh vịnh quảng diễn lòng thương xót của Thiên Chúa một cách khá bao quát. Có các
Thánh Vịnh ca ngợi lòng thương xót (x. Tv 57,11). Có các Thánh Vịnh mặc khải bản tính Thiên Chúa
là Đấng thương xót (x. Tv 103,8-9). Và có những Thánh Vịnh dạy những bài học thực hành nhờ cảm
nghiệm lòng thương xót (x.Tv 51,3).
Trong sách ngôn sứ Hô-sê, dung mạo Thiên Chúa là Đấng giàu lòng xót thương cũng thật rõ
nét: Khi dân Ít-ra-en đã hủy bỏ Giao Ước và tự bán mình. Thiên Chúa đã quyết định không tha thứ cho
sự bất trung của họ nữa (x. Hs 1,6). Dân này sẽ không còn là dân của Ngài nữa (x. Hs 1,9). Thế nhưng,
một lần nữa, lòng thương xót của Thiên Chúa lại bùng lên và Ngài không muốn thực thi những gì mà
Ngài đã quyết định trong cơn giận dữ (x. Hs 11,8).
Tóm lại, nơi những chứng từ của Cựu Ước, chúng ta có thể nhìn thấy dung nhan của một Thiên
Chúa xót thương, Đấng luôn chạnh lòng trước nỗi khổ của con người. Và dung nhan thương xót của
Thiên Chúa đã chẳng những không mờ đi theo dòng lịch sử nhân loại mà còn ngày càng rõ nét hơn.
Điều này sẽ được trình bày ngay trong phần hai sau đây.

1
Thật vậy, Thánh Augustinô, người đã dành cả đời để tìm kiếm Thiên Chúa, đã “chạm mặt” một
Thiên Chúa đầy lòng thương xót khi ngài ở xa Người nhất. Chính ngài đã viết lại kinh nghiệm này
trong sách Tự Thuật rằng: “Chúc tụng Chúa, ca tụng Thánh Danh Ngài, ôi nguồn cội của lòng thương
xót! Con càng trở nên khốn khổ thì Ngài lại càng gần con hơn”1.
Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII cũng có những dòng suy tư rất sâu sắc về lòng thương xót của
Thiên Chúa trước những nỗi đau khổ của con người. Ngài từng viết trong nhật ký của mình: “Nỗi khốn
cùng của chúng ta là ngai để lòng thương xót của Thiên Chúa”2.
Và gần đây nhất, Đức Hồng Y Walter Kasper, ngài nói rằng chúng ta có thể suy tư và kêu gọi
mọi người suy tư theo một cách thức mới về một Thiên Chúa xót thương. Vì trước vòng vây tàn độc
của sự dữ, nếu chúng ta có thể đặt hy vọng nơi một vị Thiên Chúa nhân hậu, từ bi và toàn năng, thì
chúng ta mới có niềm hy vọng vào một sự khởi đầu mới, vì chỉ có Ngài mới có thể thiết lập những điều
mới mẻ. Chỉ có Ngài mới có thể ban cho chúng ta lòng quả cảm để không ngừng hy vọng. Chỉ có Ngài
mới ban cho chúng ta sức mạnh để bắt đầu một cuộc sống mới3.
Đối với cá nhân, kinh nghiệm về một Thiên Chúa thương xót trước những đau khổ của mình
cũng không thiếu. Mặc dù có những điều thực sự phải rất lâu mới có thể nhận ra được. Đó có thể là
việc phải đối diện với sự ra đi mãi mãi của một người thân yêu trong gia đình. Đó cũng có thể là sự thất
bại trong những công việc quan trọng được giao. Hoặc nhiều hơn, là những đổ vỡ trong các tương quan
với anh em; và đặc biệt, với Chúa, ngang qua những lỗi phạm hằng ngày. Và quả thật, khi đối diện đủ
lâu và tìm hiểu đủ sâu, cá nhân thực sự nhận thấy không thể loại bỏ cũng như không thể thay đổi tất cả
những bất công trên thế giới này. Cũng vì thế, mà nơi nhận thức của cá nhân, trước hết đã nhận ra rằng
bình an của Thiên Chúa ban tặng thì khác với bình của thế gian (x. Ga 14,27); và kế đến, một niềm hy
vọng mới được hình thành nơi thời kỳ cánh chung, nơi mà lòng thương xót của Thiên Chúa vốn được
giới thiệu như một giá trị trổi vượt (x. Xh 34,6; 2Cr 1,3; Ep 2,4).
Xin mượn lời của Đức Hồng Y Walter Kasper để thay cho lời kết: Việc nhận biết Thiên Chúa
tốt lành và giàu lòng thương xót thường là niềm an ủi duy nhất còn lại cho tất cả những con người đang
đau khổ mà không có một sự cầu viện nào. Vì họ hy vọng vào ngày sau hết, Thiên Chúa sẽ gỡ cái định
mệnh rối rắm và lỗi lầm, sự bất công và dối gian, và Ngài sẽ chấm dứt tất cả những điều đó. Và niềm
hy vọng của họ là Thiên Chúa sẽ thấy nơi sâu thẳm của những bí ẩn trong trái tim con người và biết
những động cơ của con người bị ẩn khuất sẽ là Đấng phát xét nhân từ. Có lẽ vì vậy mà ngày nay vẫn
còn nhiều người bị đánh động bởi “Kyrie Eleison – Xin Chúa thương xót chúng con” mà họ thường
nghe trong các bài hát khi bắt đầu thánh lễ, cũng như bởi lời cầu nguyện của trái tim thường được sử
dụng trong truyền thống Chính Thống Giáo mà người ta ngày càng yêu thích trong Hội Thánh Tây
phương: “Lạy Chúa Giêsu Kitô xin thương xót con là kẻ có tội”. Và thực sự, ai có thể khẳng định mình
không cần lời cầu này?4

1
Augustin, Confession VI, 16, 26.
2
Jean XXIII, Journal de l’âme, Ed. Du Cerf, 1964.
3
x. Đức Hồng Y Walter Kasper, Lòng Thương Xót-Cốt Lõi Của Tin Mừng-Chìa Khóa Của Đời Sống Kitô Hữu, Nhóm dịch
giả: Lm. Gioankim Nguyễn Khương Duy, AA, Maria Phạm Bích Giang, OA, Nguyễn Thị Chung, RNDM (Tp. Hồ Chí
Minh: Tôn Giáo, 2022), 18.
4
x. Đức Hồng Y Walter Kasper, Lòng Thương Xót-Cốt Lõi Của Tin Mừng-Chìa Khóa Của Đời Sống Kitô Hữu, Nhóm dịch
giả: Lm. Gioankim Nguyễn Khương Duy, AA, Maria Phạm Bích Giang, OA, Nguyễn Thị Chung, RNDM (Tp. Hồ Chí
Minh: Tôn Giáo, 2022), 46.
2

You might also like