You are on page 1of 11

Nhóm văn 9 – Trường THCS Huỳnh Văn Nghệ - Quận Gò Vấp

CHỦ ĐỀ 1: ĐẤT NƯỚC TRONG TIM TÔI


(Dáng hình đất nước, cống hiến cho đất nước, đất nước in bóng trang văn)
I. ĐỌC HIỂU (3.0 điểm)
Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:
Nếu có một bài văn ra đề rằng: Đất nước em hình gì? Em sẽ trả lời như thế nào? Có phải
là:
Có phải hiện hình trong em là đất nước hình bông lúa? Để em xót xa nhiều dáng mẹ
dáng cha một nắng hai sương nuôi em ăn học? Để em mang trong mình hồn xứ sở khi em lớn
khôn đi khắp mọi miền? Để em ơn nghĩa với bà con, với đồng bào đã góp sức lực, góp dáng
hình trong mỗi bước em đi?
Có phải là đất nước em mang hình tia chớp? Để em không quên một thời đạn bom, một
thời anh dũng. Để em không quên một xứ sở khó nhọc quanh năm trông trời, trông đất, trông
mây, trong mỗi giấc ngủ của ông cha cũng ám ảnh mưa nguồn chớp bể?
Có phải đất nước em hình chim câu? Để mơ mãi quê hương thanh bình, không cảnh
hoạn lạc, cảnh đầu rơi máu chảy, mẹ đợi con, vợ chờ chồng trong biệt li, không hẹn ngày về?
Có phải đất nước em hình chim câu cũng là để cho em mong đợi đất nước có một ngày vỗ
cánh?
Có phải đất nước em hình mái tranh nghèo che nắng che mưa, che cả dải đất nép mình
bên bờ biển Đông (đỉnh của mái nhà cũng từ Lũng Cú, Hà Giang). Để em cảm động hơn về tình
người “Nhiễu điều phủ lấy giá gương”. Để em tự tin hơn về thành tựu xóa đói giảm nghèo suốt
mấy năm qua.
Và cứ thế trong mỗi trái tim Việt có một dáng hình nước Việt.
Để rồi tự nghĩ, ngày mai mình sẽ là ai trong đất nước này?
Mình sẽ làm gì cho xứ sở mình yêu thương?
(Trích Tôi muốn hỏi em: Về sau thế nào?, Đoàn Công Lê Huy)
a) Xác định thành phần biệt lập trong câu văn sau: “Có phải đất nước em hình mái tranh
nghèo che nắng che mưa, che cả dải đất nép mình bên bờ biển Đông (đỉnh của mái nhà
cũng từ Lũng Cú, Hà Giang).”
b) Hình ảnh nào gắn với hi vọng của mỗi cá nhân về tương lai tươi sáng của đất nước?
c) Nêu nội dung của văn bản.
d) Em có đồng ý với quan điểm của tác giả rằng “trong mỗi trái tim Việt có một dáng hình
nước Việt” hay không? Vì sao? (Trình bày trong khoảng 3 – 5 dòng)

II. LÀM VĂN (7.0 điểm)


Câu 1. (3.0 điểm)
“Để rồi tự nghĩ, ngày mai mình sẽ là ai trong đất nước này?
Mình sẽ làm gì cho xứ sở mình yêu thương?”
(Đoàn Công Lê Huy)
Theo em, câu hỏi nào trên đây quan trọng hơn?
Hãy viết bài văn ngắn (khoảng 1 trang giấy thi) để trả lời cho câu hỏi trên.
Câu 2. (4.0 điểm)
Đất nước là một đề tài được khai thác nhiều nhưng vẫn có những nét đặc sắc riêng trong
từng tác phẩm:
Đó là hình ảnh biển cả Quảng Ninh giàu có vô vàn trong thơ Huy Cận:
“Mặt trời xuống biển như hòn lửa.
Sóng đã cài then, đêm sập cửa.
Đoàn thuyền đánh cá lại ra khơi,
Câu hát căng buồm cùng gió khơi.
(…)
Sao mờ, kéo lưới kịp trời sáng,
Ta kéo xoăn tay chùm cá nặng.
Vẩy bạc đuôi vàng lóe rạng đông,
Lưới xếp buồm lên đón nắng hồng.

Câu hát căng buồm với gió khơi,


Đoàn thuyền chạy đua cùng mặt trời.
Mặt trời đội biển nhô màu mới,
Mắt cá huy hoàng muôn dặm phơi.”
(Trích Đoàn thuyền đánh cá, Huy Cận)
Đó có thể là phút giao mùa ấn tượng khi thu – hạ đan nhau dệt nên những rung động khẽ
khàng:
“Bỗng nhận ra hương ổi Sông được lúc dềnh dàng
Phả vào trong gió se Chim bắt đầu vội vã
Sương chúng chình qua ngõ Có đám mây mùa hạ
Hình như thu đã về Vắt nửa mình sang thu.”
(Trích “Sang thu”, Hữu Thỉnh)
Đó là thiên nhiên SaPa đầy ấn tượng:
“Nắng bây giờ bắt đầu len tới, đốt cháy rừng cây. Những cây thông chỉ cao quá đầu,
rung tít trong nắng những ngón tay bằng bạc dưới cái nhìn bao che của những cây tử kinh
thỉnh thoảng nhô cái đầu màu hoa cà lên trên màu xanh của rừng. Mây bị nắng xua, cuộn tròn
lại từng cục, lăn trên các vòm lá ướt sương, rơi xuống đường cái, luồn cả vào gầm xe. (…) Lúc
bấy giờ, nắng đã mạ bạc cả con đèo, đốt cháy rừng cây hừng hực như một bó đuốc lớn. nắng
chiếu làm cho bó hoa càng thêm rực rỡ và làm cho cô gái cảm thấy mình rực rỡ theo.”
(Trích Lặng lẽ SaPa, Nguyễn Thành Long)

Học sinh được chọn 1 trong 2 câu sau:


Đề 1: Em hãy viết bài văn trình bày cảm nhận về một trong ba hình ảnh đất nước ở trên. Từ đó
liên hệ với một tác phẩm khác để làm nổi bật nội dung mà em lựa chọn.
Đề 2:
Cung đàn thơ ngân nga bài đất nước
Mỗi thanh âm rung một nhịp riêng tư.
Từ những trải nghiệm trong quá trình đọc văn, em hãy viết một bài văn trình bày ý kiến
về quan điểm trên.
-HẾT-
CHỦ ĐỀ 2: BÓNG MÁT CUỘC ĐỜI
(Bóng mát đến từ sự hi sinh, bóng mát của yêu thương, bóng mát chở che, nâng đỡ tâm hồn)
I. Đọc – Hiểu:
Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:
(1) Nhắc đến một người cha hoàn hảo điển hình, có lẽ nhiều người sẽ nghĩ ngay đến
David Beckham. Bên cạnh việc là siêu sao bóng đá, ông hoàng của những hợp đồng quảng cáo
triệu đô, Beckham còn được mọi người ca ngợi hơn cả bởi tình yêu dành cho các con:
Brooklyn, Romeo, Cruz and Harper. Như biết bao người cha khác, cuộc sống của Beckham
dành trọn cho những “thiên thần” của mình. Bỏ lại hào nhoáng khi nổi tiếng, danh thủ 42 tuổi
là người đàn ông của gia đình, người cha đầy tình yêu thương. Tình yêu đó được thể hiện qua
những cái nắm tay thật chặt, những chiếc ôm thật ấm và những nụ cuời thật trìu mến trong loạt
ảnh giản dị cùng con.
(2) Không hề thua kém David Beckham, cha của chúng ta là những người hoàn hảo nhất.
Bởi tình thương của một người cha dù nổi tiếng hay bình thường, dù giàu có hay nghèo khó đều
giống nhau. Chắc bạn vẫn chưa quên câu chụyện người cha nghèo mang nhiều cọc tiền lẻ đi
mua vàng làm của hồi môn cho con gái tại phú yên hồi tháng 6. Trong chiếc áo đã sờn vai,
dáng người đàn ông gầy gò, khắc khổ, trên tay cầm cọc tiền với mệnh giá 1.000, 2.000 đồng.
Hay bạn có nhớ bức ảnh người cha đi chân đất, nắm tay con gái mua mì tôm ở trung tâm
thương mại từng lay động biết bao dân mạng. Có lẽ chỉ những khoảnh khắc bình dị, đời thường
như thế mới khiến trái tim chúng ta thắt lại, xót xa. […] Bạn có thể cảm động bởi hàng trăm
câu chuyện về người cha ở khắp nơi nhưng câu chuyện quan trọng nhất chính là về người cha
vĩ đại trong lòng bạn. Chỉ có cha, mẹ mới dành cho chúng ta sự yêu thương vô điều kiện, lo
lắng và bao dung nhiều đến mức những đứa con vô tâm mặc định rằng đó là điều hiển nhiên.
( Dẫn theo Cha luôn yêu con theo cách hoản hảo nhất, Kim Cương)

a) Chỉ ra một phép liên kết câu được sử dụng trong đoạn (1) của văn bản.
b) Tìm một thành phần biệt lập được sử dụng trong đoạn ( 2 ) của văn bản .
c) Tình yêu dành cho con của David Beckham được thể hiện thông qua những hành động
nào?
d) Theo em, việc tác giả đưa ra nhiều câu chuyện về người cha trong văn bản nhằm mục
đích gì?
e) Theo em, việc con cái cho rằng tình yêu thương, sự lo lắng, chăm sóc của cha mẹ là
những việc hiển nhiên sẽ có những tác hại gì? (Trình bày trong khoảng 3-5 dòng)
II. TẠO LẬP VĂN BẢN ( 7 điểm)
Câu 1: ( 3 điểm)
Kì quan vĩ đại nhất là trái tim người mẹ. (Bersot)
Hãy viết bài văn (Khoảng một trang giấy thi) trình bày suy nghĩ của em về quan điểm trên.
Câu 2: ( 4 điểm)
“Bóng mát cuộc đời là một hình tượng nghệ thuật quan trọng trong nhiều tác phẩm:
Đó là cảm nhận của Viễn Phương và bao người về Bác Hồ khi đến viếng lăng Người:
“Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng
Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ.
Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ
Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân …

Bác nằm trong giấc ngủ bình yên


Giữa một vầng trăng sáng dịu hiền
Vẫn biết trời xanh là mãi mãi
Mà sao nghe nhói ở trong tim!”
Học sinh được chọn 1 trong 2 đề sau:
Đề 1:
Em hãy viết bài văn cảm nhận trình bày về đoạn thơ trên. Từ đó liên hệ với một tác
phẩm khác để làm nổi bật nội dung mà em lựa chọn.
Đề 2:
Từ những trải nghiệm trong quá trình đọc văn, em hãy viết một bài văn với nhan đề: Tìm
trong thơ văn bóng mát tâm hồn.
-HẾT-
CHỦ ĐỀ 3: CỐNG HIẾN VÀ HY SINH
I. ĐỌC - HIỂU (3.0 điểm)
Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:
“Chỉ những ai học được sức mạnh của việc cống hiến chân thành và vô vị lợi mới cảm
nghiệm được niềm vui sâu xa nhất: sự sung mãn đời mình. Nếu một người nữ tu như mẹ Teresa
Calcutta, đơn sơ, nghèo nàn không có của cái gì ngoài đức tin và lòng tận tụy của bà, đã có thể
đem lợi ích đến cho biết bao nhiêu người nghèo khổ, thì chắc chắn bạn cũng như tôi đều có thể
đối diện với những thách đố chúng ta gặp hàng ngày. Nếu Ed Roberts có thể chống cự được
với những đau đớn của căn bệnh bại liệt và phải thở bằng máy của mình để thức dậy tươi
tỉnh mỗi buổi sáng và nghĩ ra cách thay đổi thái độ của cả nước đối với những người tàn tật
– và ông đã thành công – thì bạn và tôi cũng có thể cống hiến cho cuộc đời như thế. Nhiều
khi chúng ta không biết sự việc rồi sẽ dẫn chúng ta đến đâu, nhưng chúng ta hãy cứ tin vào trực
giác và trao tất cả tim lòng của mình: chúng ta sẽ vô cùng ngạc nhiên vì những sự kì diệu sẽ
xảy ra.” (Trích “Đánh thức con người phi thường trong bạn”, Anthony Robbins)
a) Theo văn bản hãy cho biết điều kiện để chúng ta có được hạnh phúc từ sự công hiến là gì?
b) Theo em, những “sự kì diệu” nào sẽ xảy ra khi chúng ta “cứ tin vào trực giác và trao tất cả
tấm lòng của mình?”
c) Tìm và chỉ ra 1 thành phần biệt lập trong câu văn được in đậm.
d) Dựa vào nội dung văn bản hãy đặt 1 câu có khởi ngữ và xã định rõ khởi ngữ đó.
II. TẠO LẬP VĂN BẢN (7.0 điểm)
Câu 1. (3.0 điểm)

Từ những hình ảnh nổi bật trong cuộc chiến thầm lặng của thế hệ trẻ trong đại dịch covid.
Em hãy viết văn bản ngắn (khoảng 1 trang giấy) để trả lời câu hỏi thế nào là sự hy sinh?
Câu 2 (4 điểm): Học sinh chọn 1 trong 2 đề sau:
Đề 1:
“…Việc của chúng tôi là ngồi đây. Khi có bom nổ thì chạy lên, đo khối lượng đất lấp vào
hố bom, đếm bom chưa nổ và nếu cần thì phá bom. Người ta gọi chúng tôi là tổ trinh sát mặt
đường. Cái tên gợi sự khát khao làm nên những sự tích anh hùng. Do đó, công việc cũng chẳng
đơn giản. Chúng tôi bị bom vùi luôn. [...]. Đơn vị chăm chúng tôi ra trò. Có gì lại bảo “Để cho
bọn trinh sát, chúng nó ở trên đó vắng”. Điều đó cũng dễ hiểu thôi. Đơn vị thường ra đường
vào lúc mặt trời lặn. Và làm việc có khi suốt đêm. Còn chúng tôi thì chạy trên cao điểm cả ban
ngày. Mà ban ngày chạy trên cao điểm không phải chuyện chơi. Thần chết là một tay không
thích đùa. Hắn ta lẩn trong ruột những quả bom. Tôi bây giờ còn một vết thương chưa lành
miệng ở đùi. Tất nhiên, tôi không vào viện quân y. Việc nào cũng có cái thú của nó. Có ở đâu
như thế này không: đất bốc khói, không khí bàng hoàng, máy bay đang ầm ì xa dần. Thần kinh
thì căng như chão, tim đập bất chấp cả nhịp điệu, chân chạy mà vẫn biết rằng khắp chung
quanh có nhiều quả bom chưa nổ. Có thể nổ bây giờ, có thể chốc nữa. Nhưng nhất định sẽ nổ...
Rồi khi xong việc, quay lại nhìn cảnh đoạn đường một lần nữa, thở phào, chạy về hang. Bên
ngoài nóng trên 30 độ, chui vào hang là sà ngay đến một thế giới khác. Cái mát lạnh làm toàn
thân rung lên đột ngột…”
(Trích “Những ngôi sao xa xôi”, Lê Minh Khuê)
Nêu cảm nhận về phẩm chất của nhân vật Phương Định được thể hiện qua đoạn trích
trên. Từ đó liên hệ với thế hệ thanh niên hiện nay.

Đề 2: Tác phẩm văn học như một tấm gương đặc biệt để con người sọi lại bản thân.
Từ những trải nghiệm trong quá trình đọc văn và học văn, hãy viết một tác phẩm khiến em có
thể “ soi lại bản thân”.
-HẾT-
-------------------------------------------
CHỦ ĐỀ 4: ĐOÀN KẾT LÀ SỨC MẠNH CỦA CHIẾN THẮNG

I. ĐỌC - HIỂU (3.0 điểm) Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:
(1) Chưa bao giờ như bây giờ, hai tiếng Việt Nam lại trở nên thiêng liêng, tha thiết, trở
thành điểm tựa tinh thần, trở thành nơi an toàn của người Việt trước đại dịch toàn cầu cùng với
không chỉ kiều bào, du học sinh mà cả những du khách quốc tế. Ngoài sự kiện bóng đá thì cả
gần nửa thập kỉ chúng ta mới lại có sự kiện khơi dậy được sự gắn bó, sự đồng lòng, đồng sức từ
chính quyền đến người dân về sự tương thân, tương ái, về sự đùm bọc, che chở, nghĩa đồng bào
của những người chung một mái nhà Việt Nam, chung một dân tộc Việt Nam mãnh liệt đến như
thế. Sự kết nối mãnh liệt ấy, lạ lùng thay, không phải từ niềm vui lớn lao vĩ đại mà từ nỗi lo
buồn trong hoạn nạn.
(2) Những dòng người dài dằng dặc hối hả ra sân bay chờ đợi giây phút được chen chân
lên máy bay trở về Tổ quốc. Cảm giác hạnh phúc vỡ òa khi đặt chân xuống đất mẹ thiêng liêng:
yên tâm rồi, an toàn rồi. Những chuyến bay đi đến tâm dịch bất chấp hiểm nguy để đón những
người con xa xứ. Các y, bác sĩ tận tụy thầm lặng, chấp nhận hi sinh đứng ở tuyến đấu chống
dịch. Các chủ doanh nghiệp sẵn sàng cho mượn khách sạn mới khai trương chưa được vài
tháng để làm khu vực cách li. Các nghệ sĩ cùng ra tay chung sức chống dịch. Các doanh nghiệp
từ nhỏ đến lớn đều thể hiện thiện tâm vì cộng đồng trước dịch bệnh. Học sinh cũng vào cuộc
chế tạo nước khử trùng, tỉnh, thành nào cũng có những người tự nguyện phát khẩu trang miễn
phí.
(3) Trên mạng xã hội, người người chia sẻ cho nhau về cách chống dịch có hiệu quả. Và
dường như ai cũng trở nên thật dễ thương trong việc nghiêm túc thực hiện chỉ thị “Ai ở đâu,
ngồi yên ở đấy.”. Không giúp được gì thì ít nhất cũng không nên làm phiền ai, không nên để
Nhà nước phải bận tâm về mình. Giữ cho mình được an bình cũng là cách thể hiện tinh thần vì
cộng đồng trong lúc này. Hãy đoàn kết yêu thương. hãy tỉnh táo trước những tin thất thiệt, hãy
bình tĩnh để xử lí tình huống. Không ai bỏ rơi các bạn. Chưa bao giờ như bây giờ, chúng ta
đang tạo ra một khối thống nhất, đang cùng nhau hoà trong cái ta rộng lớn của toàn dân tộc để
làm nên sức mạnh Việt Nam, tinh thần Việt Nam.”
(Dẫn theo “Nghĩ về tinh thần dân tộc trước dịch bệnh Covid-19”, theo giaoducthoidai.vn)

a) Theo bài viết, những đối tượng nào đã cùng chung tay chống dịch Covid-19?
b) Dựa vào nội dung của văn bản, hãy nêu việc làm thiết thực của mình trong việc chung tay
chống dịch Covid -19. (nêu ít nhất 2 việc)
c) Chỉ ra một thành phần biệt lập được sử dụng trong đoạn (3) của văn bản.
d) Đặt câu có khởi ngữ liên quan đến nội dung văn bản trên.

II. TẠO LẬP VĂN BẢN (7.0 điểm)


Câu 1. (3,0 điểm)
Đoàn kết là sức mạnh của chiến thắng. Hãy viết một văn bản ngắn (khoảng 1 trang giấy)
trình bày suy nghĩ của em về sự đoàn kết của dân tộc.
Câu 2 (4.0 điểm): Học sinh chọn 1 trong 2 đề sau:
Đề 1: Nêu cảm nhận khổ 2 bài thơ “Đồng chí” của Chính Hữu. Liên hệ một đoạn thơ/ bài thơ
khác cùng đề tài để thấy được nét riêng trong phong cách thơ của Chính Hữu.
Đề 2: Từ những trải nghiệm trong quá trình đọc văn và học văn, em hãy viết bài văn với chủ đề
“Đọc thơ văn – đọc vị cuộc sống”

-HẾT-
CHỦ ĐỀ 5: CHÂN DUNG NGƯỜI PHỤ NỮ
(Tình thương của người phụ nữ, quan tâm đến người phụ nữ, người phụ nữ làm đẹp văn
chương)
I. ĐỌC HIỂU (3.0)

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:


Được chia sẻ trên YouTube, video Mother’s first song đã thu hút sự quan tâm của nhiều
người. Video khiến hàng triệu người xem cảm động khi chứng kiến câu chuyện về người mẹ bị
câm hát mừng sinh nhật con gái 11 tuổi.
Video kể về bà mẹ người Hàn Quốc, Kim Eunju, chỉ có một mong ước nhỏ nhoi, là có thể
nói chuyện và đọc sách cho ba đứa con – hai cô con gái và một cậu con trai. Nhưng vì gặp khó
khăn trong việc phát âm, cô chỉ có thể dùng ngôn ngữ kí hiệu để giao tiếp với chúng.
Sắp tới sinh nhật con gái, mơ ước của cô là có thể hát bài hát mừng sinh nhật con. Phép
lạ đã đến với cô nhờ một thiết bị được đặt tên là “Giọng nói đầu tiên”. Thiết bị này sẽ theo dõi
các cử động tay của Kim và phát ra âm thanh. Thiết bị hoạt động được là nhờ sự hỗ trợ của
một nhóm kĩ thuật viên âm thanh và sự đóng góp giọng nói của hơn mười nghìn người. Cùng
với sự tập luyện trong nhiều tháng, bài hát mừng sinh nhật con gái đã được chị Kim biểu diễn
thành công. Chị viết một mảnh giấy cho con gái vào ngày sinh nhật: “Mẹ rất tiếc khi không thể
hát mừng sinh nhật con – một việc mà tất cả bạn bè của con đều nhận được mỗi năm. Nhưng
hôm nay mẹ có thể hát.”. Ngay khi bài hát “Chúc mừng sinh nhật” bằng tiếng Hàn Quốc được
cất lên. Chị và bọn trẻ đã bật khóc.
(Dẫn theo Mẹ bị câm hát mừng sinh nhật con, Hà Lê)
a) Xác định từ mượn được sử dụng trong câu văn sau: “Video khiến hàng triệu người
xem cảm động khi chứng kiến câu chuyện về người mẹ bị câm hát mừng sinh nhật con
gái 11 tuổi.”
b) Thiết bị “Giọng nói đầu tiên” có ý nghĩa như thế nào đối với bà mẹ người Hàn Quốc
Kim Eunji?
c) Tác giả đã thể hiện thái độ, tình cảm gì đối với việc làm của người mẹ được kể trong
văn bản?
d) Văn bản trên đã gợi ra cho em những thông điệp gì? (Trình bày trong khoảng 3-5
dòng)
II. LÀM VĂN (7.0 điểm)
Câu 1. (3.0 điểm)
Ai còn mẹ xin đừng làm mẹ khóc
Đừng để buồn lên mắt mẹ nghe không…
Hãy viết bài văn ngắn (khoảng 1 trang giấy thi trình bày suy nghĩ của em về lời khuyên trên.
Câu 2 (4.0 điểm)
Người phụ nữ là một hình tượng nghệ thuật gây xúc động trong nhiều tác phẩm:
Đó là chân dung xinh đẹp của hai chị em Thúy Kiều, Thúy Vân:
“Vân xem trang trọng khác vời,
Khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang.
Hoa cười ngọc thốt đoan trang,
Mây thua nước tóc tuyết nhường màu da.
Kiều càng sắc sảo, mặn mà,
So bề tài sắc lại là phần hơn:
Làn thu thủy nét xuân sơn,
Hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh,
Một hai nghiêng nước nghiêng thành,
Sắc đành đòi một tài đành họa hai.”
(Trích Hai chị em Thúy Kiều, Nguyễn Du)
Đó là chân dung của nhân vật Phương Định nổi bật trong nhóm ba cô gái thanh niên xung
phong:
“Tôi ngồi dựa vào thành đá và khe khẽ hát. Tôi mê hát. Thường cứ thuộc một điệu nhạc
nào đó rồi bịa lời ra mà hát. Lời tôi bịa lộn xộn mà ngớ ngẩn đến tôi cũng ngạc nhiên, đôi khi
bò ra mà cười một mình.
Tôi là con gái Hà Nội. Nói một cách khiêm tốn, tôi là một cô gái khá. Hai bím tóc dày,
tương đối mềm, một cái cổ cao, kiêu hãnh như đài hoa loa kèn. Còn mắt tôi thì các anh lái xe
bảo : « Cô có cái nhìn sao mà xa xăm ! »
Xa đến đâu mặc kệ, nhưng tôi thích ngắm mắt tôi trong gương. Nó dài dài, màu nâu, hay
nheo lại như chói nắng. »
(Trích Những ngôi sao xa xôi, Lê Minh Khuê)
Đó là những suy nghĩ bất ngờ của cô kĩ sư sau cuộc gặp gỡ với anh thanh niên :
« Những điều cô nghe cộng với những điều cô khám phá thấy trên hai trang sách hay
đang đọc dở của người con trai làm cô bàng hoàng. Có phải cái ánh sáng trong quyển sách rọi
sang, làm cho cô hiểu thêm cuộc sống một mình dũng cảm tuyệt đẹp của người thanh niên, về
cái thế giới những con người như anh mà anh kể, và về con đường cô đang đi tới ? Có phải cái
cảm giác bàng hoàng, đáng lẽ cô phải biết khi cô yêu, bây giờ cô mới biết, giúp cô đánh giá
đúng hơn mối tình nhạt nhẽo mà cô đã bỏ, và yên tâm hơn về quyết định của mình ? »
(Trích Lặng lẽ Sa Pa, Nguyễn Thành Long)
Học sinh được chọn 1 trong 2 câu sau :
Đề 1 : Em hãy viết bài văn trình bày cảm nhận về một trong ba hình tượng người phụ nữ ở
trên. Từ đó liên hệ với một tác phẩm khác để làm nổi bật nội dung mà em lựa chọn.
Đề 2 : Người phụ nữ ngoài đồng da đen cháy nắng
Cô gái trẻ trung xinh xắn bước qua đường
Tác giả ơi anh chọn ai để nâng cánh văn chương ?
Từ những trải nghiệm trong quá trình đọc văn, em hãy viết một bài văn để thay tác giả trả lời
câu hỏi trên.
- HẾT -

CHÚC CÁC EM HỌC TỐT VÀ THI TỐT

You might also like