You are on page 1of 9

BÀI TẬP 2

ĐỌC, DỰNG TÁC PHẨM PHÁT THANH


Yêu cầu
1. Chia lớp thành 9 nhóm, mỗi nhóm 5 sinh viên chọn 5 tác phẩm dưới đây
(khuyến khích nhiều hơn), đọc, chọn nhạc, lồng ghép để tạo ra các tác
phẩm phát thanh hoàn chỉnh (xong lưu file định dạng Mp3). Các tác phẩm
của từng nhóm có thể để riêng hoặc ghép chung 1 file đều được).
2. Các nhóm làm xong nộp cho lớp trưởng tập hợp, up 1 lần lên Tệp của
Teams chậm nhất vào ngày 10/5/2023.
3. Đây là bài điều kiện của phần Kỹ thuật công nghệ phát thanh, làm trong 2
buổi còn lại của phần này. Nếu nhóm nào không nộp coi như vắng 2 buổi
học tới nhé.

TUYỂN TẬP TRUYỆN NGẮN, Ý NGHĨA


1. Mẹ tôi!
Mẹ tần tảo cho tôi khôn lớn, vai Mẹ nặng hơn khi tôi vào đại học.
Ba năm đại học xa nhà, tuần nào tôi cũng viết thư cho Mẹ, Mẹ cầm thư tôi mà rớt
nước mắt, vui thật nhiều nhưng Mẹ tôi có biết tôi nói gì với Mẹ đâu.
Mẹ tôi không biết chữ!
Vương Thị Vân Anh
********************

2. Lòng Mẹ
Nhà nghèo, chạy vay mãi mới được xuất hợp tác lao động, Thanh coi đó như cách duy
nhứt để giúp đỡ gia đình. Nhưng ảo mộng chóng tan. Xứ người chẳng phải là thiên
đường. Thanh chỉ còn biết làm quần quật và dành dụm từng đồng. Để nhà khỏi buồn,
trong thư Thanh tô vẽ về một cuộc sống chỉ có trong mơ.
Ngày về, mọi người mừng rỡ nhận quà, Thanh lại tiếp tục nói về cuộc sống trong mơ.
Đêm. Chỉ có Mẹ. Hết nắn tay, nắn chân Thanh rồi Mẹ lại sụt sùi. Thanh nghẹn ngào
khi nghe Mẹ nói: “Dối Mẹ làm gì! Giơ xương thế kia thì làm sao mà sung sướng được
hở con!”.
Kangtakhoa
********************

3. Khóc dùm
Cô bé đi học về muộn, ba mẹ rất lo.
Khi thấy cô về, ba mẹ hỏi xem con đã đi đâu và làm gì?
– Con dừng lại giúp bạn con ạ. Xe đạp của bạn ấy bị hỏng.
– Nhưng con đâu có biết sửa xe?
– Đúng ạ, nhưng con dừng lại để giúp bạn ấy khóc.
Cũng như cô bé đó, không phải ai trong chúng ta cũng biết sửa xe đạp. Nhưng chúng
ta biết chia sẻ những nỗi lo âu và sợ hãi. Cuộc sống là một con đường rất dài, sẽ còn
nhiều lần gặp cảnh “hỏng xe” lắm. Chúng ta hãy cùng nhau chia sẻ và an ủi.

4. Sống ở đời
Từ hồi còn học trung học, cha tôi có thói quen vặn đồng hồ chạy nhanh năm phút. Rồi
vào đại học, ra trường, đi tìm việc làm, lập gia đình… cha tôi vẫn giữ thói quen như
thế. Cha dạy tôi: “Phải luôn tôn trọng giờ giấc, và đừng để ai khó chịu vì mình chậm
trễ con ạ”.
Năm ngoái được thăng chức giám đốc, cha thay đổi thói quen đột ngột: cha vặn đồng
cho chạy chậm năm phút.
Tôi thắc mắc, hỏi tại sao, cha trả lời: “Phải nghiêm khắc với chính mình nhưng lại
rộng lượng với người khác con ạ!”
Phạm Quốc
********************

5. Bi kịch
Sạp anh chị ít khách vãng lai. Ế ẩm, vốn cạn dần, nợ nần chồng chất. Anh mượn rượu
giải sầu, sanh tật đánh vợ. Chịu đòn không thấu, chị làm đơn ly hôn. Bạn bè giải hoà,
góp tiền cho chị mượn vốn không lãi. Chị bỏ hàng, chia giá sỉ cho người bán lẻ đầu
chợ, nhờ vậy đắt khách.
Anh bỏ rượu, giúp vợ tần tảo năm, sáu năm dài, nợ trả xong, nhà có đồng ra đồng vào,
con cái học giỏi. Chị vui chưa kịp nở nụ cười, cơn đau ập đến… Cầm đơn thuốc trong
tay chị ước gì mình dốt, không biết đọc hai chữ: ung thư.
Huỳnh Thanh Vân
********************

6. Đôi mắt
Có một cô gái không may bị mù, quen biết một chàng trai, 2 người cùng yêu nhau, đến
một ngày cô gái nói với chàng trai: “Khi nào em nhìn thấy được thế giới, em sẽ lấy
anh”. Rồi đến một ngày kia cô gái được phẩu thuật mắt và cô đã nhìn thấy được ánh
sáng. Chàng trai hỏi: “Bây giờ em đã thấy được cả thế giới, em sẽ lấy anh chứ?”
Cô gái bị ngẩn ngơ choáng váng khi thấy chàng trai cũng bị mù như mình. Cô ta từ
chối anh. Chàng trai ra đi trong nước mắt và nhắn lại rằng: “Hãy giữ gìn cẩn thận đôi
mắt của mình em nhé, vì đó là món quà cuối cùng anh có thể tặng em”.

7. Điện thoại
Nhà không có điện thoại, anh Hai đi làm xa muốn thăm Mẹ phải gọi nhờ nhà hàng
xóm. Người hàng xóm không vui lòng nhưng chẳng nói ra. Anh Hai ngại nên những
cuộc gọi về cứ thưa dần.
Mẹ dành dụm tiền, nhà mắc được điện thoại. Cũng có khi do bận việc nên cả tuần anh
Hai mới gọi về một lần. Từ ngày nhà có điện thoại Mẹ ít đi đâu, làm gì cũng loay hoay
bên chiếc máy. Có người hỏi lý do, Mẹ nói: “Sợ thằng Hai gọi về mà không gặp
được”.
Võ Thành An
********************

8. Nghịch lý
Thanh minh. Bàn chuyện cải mộ Mẹ, anh Hai nói:
– Tôi góp một phần.
– Tôi một phần.
– Tôi cũng một phần.
Thím Tư chen vào, như đùa như thật:
– Chú Út hai phần mới phải. Anh Tư đâu hưởng gì đâu?!
Chợt nhớ lúc nhỏ, mấy anh em ngủ chung với Mẹ. Đêm, muỗi vào mùng cắn Mẹ. Mẹ
không đập, sợ hụt, cứ để muỗi cắn Mẹ no rồi sẽ không cắn các con.
Ôi! Tình yêu của Mẹ là thế. Có chia phần bao giờ đâu!
Văn Triều
********************

9. Tóc sâu
Sáu tuổi. Tôi vọc tay trong vườn tóc ngoại, reo vang: “Con tìm được sợi trắng rồi!”.
Mười tuổi. Tôi cột – mở búi tóc của ngoại, phụng phịu: “Mấy sợi bạc con nhổ hết hồi
hôm kia, bữa nay lại chui ra nữa!”.
Mười lăm tuổi. Tôi vừa chạy ra cửa vừa nài nỉ: “Cho con đi chơi một chút đi ngoại.
Lát nữa hãy nhổ tóc sâu”.
Mười tám tuổi. Tôi nhìn lên mái tóc ngoại trắng phơ, bất động trong bức ảnh cao cao,
rưng rưng thắp một điều ước.
Song Khê
********************

10. Tiền mừng tuổi


Năm bảy tuổi, Mẹ bảo đưa tiền Mẹ cất cho… Nó đếm mấy chục ngàn tiền lì xì rồi
miễn cưỡng đưa Mẹ cất giùm, vì trước kia không bao giờ thấy Mẹ trả lời.
Năm mười tuổi, nó lén cất tiền không cho Mẹ biết.
Mười tám tuổi, nó mang nỗi nhớ quê hương bước vào đại học ở tận miền trong xa xôi.
Tết. Ký túc xá vắng hoe. Phương Bắc xa xôi nó không về được. Nó nằm co trên
giường cầm giấy nhận tiền của Mẹ mà thấy ân hận, xót xa.
Trương Đình Dạ Vĩnh
********************

11. Khóc
Vừa sinh ra đã vào trại mồ côi, trừ tiếng khóc chào đời, chồng tôi không hề khóc thêm
lần nào nữa.
Năm hai mươi tuổi, qua nhiều khó khăn anh tìm được Mẹ, nhưng vì danh giá gia đình
và hạnh phúc hiện tại, một lần nữa bà đành chối bỏ con. Anh ngạo nghễ ra đi, không
rơi một giọt lệ.
Hôm nay 40 tuổi, đọc tin Mẹ đăng báo tìm con, anh chợt khóc. Hỏi tại sao khóc. Anh
nói:
– Tội nghiệp Mẹ, 40 năm qua chắc Mẹ còn khổ tâm hơn anh.
Bùi Phương Mai
********************

12. Nói dối


Ngày đó nhà nghèo Cha mất, Mẹ tần tảo nhưng không đủ ăn. Để con có bữa ngon, Mẹ
gởi con về giỗ họ. Giữa đám cúng đông vui, chẳng ai đoái hoài, con bơ vơ lạc lõng…
Về nhà Mẹ hỏi, con né tránh: “Dạ vui! Cô bác mừng con…!!!”.
Lớn lên, con đi làm xa, tạm gọi là thành đạt. Ngày giỗ họ con về cùng con trẻ, mọi
người vui gặp gỡ, chăm sóc đủ điều, từ miếng ăn, chiếc bánh…
Về nhà nhìn ảnh Mẹ con thấy lòng rưng rưng.
D.A.D
********************

13. Chung riêng


Chung một con ngõ hẹp, hai nhà chung một vách ngăn. Hai đứa chơi thân từ nhỏ,
chung trường chung lớp, ngồi chung bàn, đi về chung lối. Chơi chung trò chơi trẻ nhỏ,
cùng khóc cùng cười, chung cả số lần bị đánh đòn do hai đứa mãi chơi. Đi qua tuổi thơ
với chung những kỷ niệm rồi cùng lớn lên…
Uống chung một ly rượu mừng, chụp chung tấm ảnh… cuối cùng, khi anh là chú rễ
còn em chỉ là khách mời. Từ nay, hai đứa sẽ không còn có gì chung nữa, anh giờ là
riêng của người ta…
Nga Miên
********************

14. Tình già


Đêm tối đen. Tiếng con chim cú kêu đâu đó ngoài cây bàng. Ông khó ở trong mình đã
mấy hôm. Bà lọ mọ tìm cây sào rồi đẩy đưa bâng quơ trong vòm lá. Con chim cú vỗ
cánh bay. Một hạt bụi sa vào mắt bà…
Ông trách: “Nó kêu mỏi miệng rồi nó đi, bà đuổi làm gì cho khổ con mắt vậy?”. Hạt
bụi cộm lắm nhưng bà không thấy đau; móm mém cười, bà đáp: “Lỡ ông bỏ tôi lại thì
sao?”.
Nguyễn Thái Sơn
********************

15. Ngày sinh nhật đầu tiên


Tối nay bé buồn xo. Mẹ gặng mãi, bé nũng nịu: “Hôm qua, sinh nhật cái Na, nó được
tặng nhiều đồ chơi đẹp! Sao con không có sinh nhật, Mẹ nhỉ?”.
Mẹ lặng thinh mắt đỏ hoe! Sợ Mẹ khóc, bé vỗ về: “Đừng khóc Mẹ nhỉ! Bé không đòi
sinh nhật nữa đâu!”. Bỗng nhiên, Mẹ ôm chầm lấy bé nức nở. Bé ngơ ngác rồi khóc oà
theo.
…Ngày ấy, cái ngày mà toà án buộc người đàn ông phải đợi cho bé đủ 12 tháng tuổi
mới ký quyết định ly hôn. Và ngày sinh nhật đầu tiên của bé đúng vào ngày Mẹ bồng
bé chết lặng giữa chốn pháp đình.
Xuân Vy
********************
16. Khoảng cách
Nắng Mai

Xưa nó chơi rất thân với một đám bạn, đi đâu cũng cả đám kéo nhau đi. Ngày nó rời
Việt Nam, bạn bè đi tiễn thật đầy đủ. Lúc đó nó thật cảm động, tự hứa hễ có dịp sẽ lập
tức về Việt Nam thăm lại bạn bè.
Sang đến Mỹ nó vẫn liên lạc với bạn bè qua thư từ. Tình bạn có vẻ vẫn nguyên vẹn
như ngày nào mặc dù thư từ không đều đặn. Ngày về Việt Nam, tuy nó và các bạn đều
vui nhưng cách nói chuyện và suy nghĩ của nó không còn hợp với các bạn nữa. Cuộc
gặp mặt đôi lúc trở nên ngượng ngập. Đã có khoảng cách giữa nó và các bạn.
Bây giờ ngồi đây mà nó vẫn cảm thấy buồn vì từ dạo đó tình bạn mới thật sự cách xa.

17. Khoảng cách


- sưu tầm -

Anh lớn hơn nàng già con giáp. Sợ cảnh chồng già vợ trẻ sau này, anh dằn lòng nói lời
chia tay. Nàng nước mắt lưng tròng.
Ba năm sau, nàng cũng lên xe hoa. Chồng nàng bằng tuổi anh.
- Sao ngày xưa em không giữ anh lại? Giọng anh đầy tiếc nuối và trách móc.
Nàng nhìn anh trân trối:
- Cứ nghĩ anh không muốn cưới em...

18. Tỉnh ngộ


Nắng Mai

Tôi quen em qua sự giới thiệu của người khác. Nghe cách nói chuyện, tôi biết em là
người con gái Việt Nam ngoan. Nhưng ngày qua ngày, tôi thấy em cố chấp và kiêu
căng quá. Lúc nào em cũng nói người chung quanh em phải làm như thế này thế nọ.
Bạn bè đôi khi ráng phân tích những cái sai của em nhưng em vẫn một mực cho rằng
mình đúng. Lâu dần ai ai cũng chán không muốn tranh luận với em nữa.
Ngày hôm nay em nói chuyện với tôi. Giọng em sũng nước mắt vì chỉ trong một tháng
từ khi em đi làm, em đã gặp sự chống đối của các bạn đồng nghiệp rồi. Ai cũng chỉ
trích sự kiêu căng của em. Kết quả là em mất chỗ làm. Em phải trả cái giá quá đắt cho
tính ngang bướng của mình. Nhưng điều đáng mừng là em đã nhận ra được cái sai của
em. Tôi hy vọng qua lần vấp ngã này, em sẽ vào đời một cách đúng đắn và trưởng
thành hơn.
19. Quà quê
Nguyễn Thị Huệ

Đã lâu nó mới có dịp về quê, nơi anh hai gắn bó cả thời thơ ấu. Ngày cuối cùng, bà
con xúm xít tiễn nó bằng một bao to nặng trĩu: đậu phộng, dừa già ngào đường, bánh
tráng. Nó nghĩ:
- Trời, anh hai giờ đâu có thiếu món gì, nói chi mấy thứ này.
Nghĩ vậy nên nó tính bỏ lại ở bến xe.
Anh hai đón nó, mắt sáng lên khi thấy những món thuở nhỏ anh mê thích. Nó giật
mình:
- Suýt nữa mình đã vứt niềm vui của anh ở dọc đường.

20. Thành phố


Cỏ May

Năm thứ nhất, nàng từ dưới quê lên thành phố trọ học. Cả khu nhà trọ sinh viên chẳng
ai có xe máy, nàng vui vẻ đi xe đạp, quần áo giản dị và chơi với đám bạn đồng hội
đồng thuyền.
Năm thứ hai, nàng là người đầu tiên có xe máy, ăn bận thật mode, nhưng dẫu chưa tốt
nghiệp, nàng đã không còn là sinh viên, cũng không còn là nàng nữa. Đám bạn sinh
viên giờ nàng chẳng chơi với ai, cũng chẳng ai chơi với nàng.
Nàng đã bị thành phố làm cho thay đổi.

21. Chèng ơi!


Cháu học ở thành phố, lần về thăm quê đem theo cả cô người yêu cùng về. Ngoại
mừng ra mặt, lo lắng từ chỗ ngủ, bữa ăn sao cho đứa cháu thật sự vui lòng.
Ở quê câu chữ khó diễn đạt, một tiếng ngoại cũng chèng ơi, hai tiếng cũng chèng ơi…
Đứa cháu tỏ vẻ không bằng lòng, kéo ngoại ra hè bảo ngoại đừng nói câu ấy nữa,
nghe… quê lắm. Ngoại cười hiu hắt và từ đó ngoại ít nói hơn. Nhớ thủơ nhỏ mỗi khi
cháu ngã té đau, biếng ăn một chút là ngoại kêu lên hai tiếng: Chèng ơi! Kêu riết thành
quen.
Võ Thành An
********************

22. Nghề của Mẹ


Mẹ tôi làm nghề bán cá. Mùa nước nổi mẹ bán cá linh. Cá linh đưa lên bờ mau chết dễ
sình, nên xuống bến mua cá xong mẹ phải chạy rao bán khắp xóm. Có lần mẹ đội thau
cá đồng trước cổng trường tiểu học nơi tôi học, ở ngoài rào mẹ ngoắc tôi đến, cốt đưa
cho gói xôi, cái bánh…
Mấy năm học xa, tôi không cho ai biết mẹ làm nghề bán cá.
Nay về, giữa mênh mông đồng nước quê mình, tự thấy như chưa bao giờ tròn chữ hiếu
cùng mẹ.
Võ Thành An
********************

23. Mùa cá bông lau


Quê tôi ở ngã ba sông Vàm Nao, nơi nổi tiếng có nhiều cá bông lau. Dầu vậy, giá cá ở
đây cũng không phải rẻ. Đến mùa, thỉnh thoảng má mua một khứa cá nhỏ nấu nồi canh
chua để cả nhà cùng ăn. Thường anh chị em tôi nhường phần cá cho má. Má nói cá
tanh, thích rau hơn.
Cậu ở thành phố xuống đòi ăn canh chua cá bông lau má nấu. Cậu chạy mua con cá to.
Đến bữa không thấy má gắp cá. Cậu bảo: “Hồi xưa chị thích nhất món cá này?”
Tôi thấy má tôi bối rối. Giờ tôi mới hiểu là vì sao má bảo không thích ăn cá.
Võ Thành An
********************

24. Người cha


Nhà có cậu con trai duy nhất ba cưng. Lớn lên con trai với ba như người bạn tâm tình,
đi đâu cũng đi cùng, cả khi ăn sáng, uống cà-phê…
Học xong đại học, con trai thành đạt, lấy vợ.
Bận nọ cùng vợ vào quán nước thấy ba ngồi một mình, con trai cùng vợ đến chào, ba
vui ra mặt bảo ngồi cùng ba đãi.
Bây giờ con trai mới hiểu, từ khi mình lấy vợ ba vẫn hay đi đâu đó một mình. Mẹ
trách phải: “Con trai dễ quên cha mẹ khi… lấy vợ”
Võ Thành An
********************

25. Mùa thi


Năm tôi thi tốt nghiệp, bấy giờ gọi tú tài, ba đạp xe hơn chục cây số đón tôi ở trường
thi cốt đề hỏi: “Con làm bài tốt không?” Sợ ba nhọc lòng tôi nói: “Ba ở ngoài này, có
khi con lại lo, không làm bài được”.
Buổi thi cuối, ra cổng không thấy ba, hỏi chú Bảy còi: “Ba con có đến không?” Chú
đưa tay chỉ cây bàng phía xa mươi mét bảo: “Ổng ở đằng kia, tao biểu đến ổng không
chịu”.
Võ Thành An
********************
MỘT SỐ TRANG ÂM THANH MIỄN PHÍ

1. EPIDEMICSOUND
https://www.epidemicsound.com/sound-effects/weather/

2. FREESOUND
https://freesound.org/

3. FESLIYANSTUDIOS
https://www.fesliyanstudios.com/royalty-free-sound-effects-download/white-
noise-249

4. LATEST TRACKS
https://www.epidemicsound.com/latest-tracks/?
_us=adwords&_usx=11406639350_&gclid=CjwKCAiA7dKMBhBCEiwAO_cr
FGGhy6HI-
HK04oUo0BeTYwYOaH_MF0FtWbLUhIzJWYeY5KUtrX2nJhoCzwEQAvD_
BwE

5. MIXKIT
https://mixkit.co/free-sound-effects/

6. PIXABAY
https://pixabay.com/sound-effects/

7. PARTNERSINRHYME
https://www.partnersinrhyme.com/soundfx/noise.shtml

8. SOUNDSNAP.COM
https://www.soundsnap.com/tags/wind

9. STORYBLOCKS
https://www.storyblocks.com/audio/stock/personal-effect-
seggcnj6uphk0wyb4m5.html

10. ZAPSPLAT
https://www.zapsplat.com/

You might also like