You are on page 1of 6

ĐỀ THAM KHẢO VĂN 11 CUỐI KÌ I CÁNH DIỀU

ĐỀ 1
I. ĐỌC HIỂU (6 điểm)
Đọc văn bản sau:
Tôi quyết định rồi, tôi sẽ bỏ nhà đi bụi đời […]. Tôi quyết định đến ngã tư chỗ rẽ về nhà
ngoại, thể nào lúc ba mẹ cuống cuồng chạy đi tìm cũng qua đây […] Ở đó, tôi gặp
thằng Lụm.
[…] Thằng Lụm rờ cái cặp đầy nhóc quần áo tôi:
- Mầy đi đâu mà ngồi đây?
Tôi nói dõng dạc để chứng tỏ con người mình đầy dũng cảm:
- Đi bụi đời
Nó chê liền:
- Tướng mầy mà đi bụi? Yếu như cọng bún mà nói đi bụi, mắc cười.
Tôi giận lắm, tuy nhiên để chứng tỏ mình là người lớn, tôi nhún vai ra chiều không
chấp. Tôi hỏi lại nó ra đây làm cái gì. Nó nói, nó tìm má nó. Tôi hỏi má nó ở đâu, nó
lắc đầu hỏng biết. Tôi hỏi tới:
- Sao kỳ vậy?
Thằng Lụm “còi” nhún vai, co mình lại tuồng như ngọn gió vừa bay qua lạnh lắm vậy.
- Hồi đó, hồi tao còn nhỏ ơi là nhỏ, má tao bỏ tao lại đây nè. - Là sao?- tôi chưng hửng.
- Tao cũng đâu có biết. Chắc má tao gặp chuyện gì đó buồn lắm, nuôi không nổi tao nên
bỏ tao lại đấy. Bởi vậy tao tên Lụm đó.
- Sạo hoài.
Thằng Lụm lắc đầu ra chiều chán nản:
- Thiệt đó, biết sao tao đen thui vậy hôn?- Nó chìa ra cái mặt như chàm cháy – tao bị bỏ
ngoài nắng đó. Hồi đó ở ngã tư nầy vắng hoe hà, tao nằm khóc cả buổi mà đâu có ai
hay. Tới chừng đói qúa tao mới khóc, tao khóc rổn rổn luôn, tao mạnh miệng từ hồi nhỏ
mà. Rồi cái có bà dì bán bánh mì chạy lại, bồng lên, đâu có sữa, bà dì mới móc ruột
bánh mì cho tao trấp trấp đỡ, dè đâu tao ăn hết ổ bánh mì luôn. Bà dì thấy tao dễ nuôi,
nuôi luôn, sau này, tao kêu bả bằng ngoại. Tao lớn mà hổng tốn một miếng sữa nào hết,
hay chưa?
Thằng Lụm hỏi tôi bằng giọng tự hào. Tôi tròn con mắt nhìn nó. Tôi cứ tưởng nó nói
chơi. người ta có thể lớn lên nhờ bánh mì à? Còn tôi, mẹ tôi nói từ hai, một tuổi cho tới
bốn tuổi, tôi uống hết ba trăm mười lăm hộp sữa bột, vậy mà còn bệnh lên bệnh xuống
èo ọt thảm thương. Ba tôi nói thêm, nuôi tôi cực ghê lắm. Giờ này hai người ở đâu mà
sao không lại rước tôi ta? Gió đang lạnh thấy mồ đi.
- Sao mày đi bụi? - thằng Lụm chợt hỏi/
- Ba tao – tôi chép miệng ra vẻ oan ức. Ba tao đánh tao.
- Ý, bị đòn hả?- Tự nhiên nó hào hứng. Bị đánh bằng gì?
-Bằng roi, cây roi dài thiệt dài (nhưng cây roi ba đánh tôi là cây thước thợ may của mẹ,
cụt ngủn hà). Bự tổ cha vậy nè.
Tôi đưa bắp tay ốm ròm ra.
- Đánh nghe đau mà chắc đã lắm hen?
Giọng thằng Lụm vừa hồ hởi vừa có vẻ ganh tị.- Mày sướng thiệt ( trời, bị đánh mà
sướng nỗi gì). Vậy mà còn bỏ nhà đi. Đồ ngu!
Tự nhiên vậy rồi nó chửi tôi à. Tôi cãi:
- Mầy đâu có má có ba đâu có biết. Người lớn khó dữ lắm.
- Chẳng thà có má, có ba, bị rầy gì tao cũng chịu - thằng Lụm trở nên trầm ngâm, coi nó
già quá trời!- Nhưng mầy đừng có lo, tao ngồi đây thể nào cũng gặp má tao thôi. Thế
nào má đi qua má cũng nhìn ra tao. Mai mốt bị rầy, bị đòn cho đã. Tự nhiên tôi thấy
thương thằng Lụm quá. Nó kể với tôi, nó đã chờ má nó từ hồi bảy tuổi tới giờ. Ban ngày
nó đi bán bánh mì, ban đêm nó mới ra đây. Nó nói chừng nào nó giàu nó thôi bán bánh
mì vì biết đâu má nó vẫn thường qua đây ban ngày mà không thấy nó. Nó chợt hỏi:
- Mầy sướng thấy mồ mới bị đánh tí đã bỏ đi. Bây giờ mầy có dám đổi với tao không? Ở
một mình buồn lắm, mầy ngu thì thôi đi.
Thằng Lụm nói với giọng kẻ cả. Tôi giật mình, bây giờ có ông tiên nào hiện ra để đổi vị
trí hai đứa, chắc tôi buồn lắm. Ừ, có lẽ, ở nhà, bị rầy bị đánh vẫn hơn đi bán bánh mì,
ngủ bờ ngủ bụi như vầy. Ở nhà, giờ này, mẹ khuấy cho tôi một ly sữa uống trước khi đi
ngủ (mèn ơi, cũng gần 14 tuổi rồi mà …như con nít ….), mẹ hỏi tôi đánh răng chưa, tôi
nói rồi, mẹ không tin biểu tôi nhe răng ra, thừa lúc hai má tôi phồng phông, mẹ sẽ hôn
tôi. Giờ nầy, nếu tôi đang mải đọc truyện tranh, ba sẽ biểu tôi cất sách, đi ngủ, ba sẽ ém
mùng, tắt đèn giùm tôi khi bước ra căn phòng dán đầy hình ảnh Đôremon và Siêu Nhân.
Thằng Lụm “còi” làm tôi hối hận và nhớ ba mẹ quá chừng. Tôi muốn trở về. Tôi ngồi
im lặng suy nghĩ trong khi thằng Lụm đứng dậy để nhìn mỗi khi có một lượt xe dừng lại
trước đèn đỏ. Tôi chợt sợ quá, có khi nào ba mẹ giận bỏ tôi luôn như thằng Lụm không.
Ba mẹ sẽ sanh nhiều thiệt nhiều em khác còn tôi thì biết kiếm đâu ra ba mẹ khác bay
giờ. Tôi ngồi lo lắng đến mức, khi ba mẹ tôi ghé xe lại dưới đường tôi còn không hay.
Thấy bóng mẹ đứng sịch trước mặt mình, tôi bật khóc:
- Con tính đâu ba mẹ bỏ con luôn rồi.
Mẹ không vồ vập ôm lấy tôi mà điềm đạm cầm bàn tay tôi bóp mạnh, còn ba thì vỗ vỗ
vào đầu tôi.
- Con hư quá. Con đừng làm vậy ba mẹ buồn.
Thằng Lụm đứng trân trân nhìn tôi với đôi mắt buồn tủi. Tôi quẹt nước mắt bước lại
gần nó, bất giác tôi gọi thằng Lụm bằng anh:
- Em về nghen, anh Lụm.
Thằng Lụm gật đầu, nó ngẩng lên nhìn ba mẹ tôi rồi quay lại:
- Ba má mầy hiền lắm phải không?
- Ừ, sao anh biết?
Nó ra vẻ ta đây:
- Nhìn tướng là biết – rồi nó mơ màng – ba má tao cũng hiền, tao tin vậy.
Mẹ lại gần nắm tay tôi, mẹ nói “Về đi con, khuya rồi, mai còn đi học”, quay qua thằng
Lụm, mẹ hỏi “còn cháu? Cháu không về nhà à?” Thằng Lụm cảm động, lắc đầu, nó nói
trổng không:
- Mai mốt ra đây chơi, nghen mậy!
Tôi vừa ngoái vừa gật đầu. Ba tôi hỏi ai, tôi trả lời “ Bạn con. Anh Lụm. Anh Lụm tội
nghiệp lắm ba à…” không biết thằng Lụm “còi” có biết tôi đang kể về nó không mà nó
nhìn theo xe tôi đến khuất thì thôi. Khi tôi ngoái lại, dưới đèn sáng rực, tôi thấy trong
mắt nó lấp loáng những giọt nước. Tôi ngồi giữa ba và mẹ, nghe ấm hẳn lên. Tôi lên
tiếng:
- Bữa nào ba mẹ cho con lại thăm anh “Lụm Còi” ba mẹ ha!
(Trích Lụm Còi, Nguyễn Ngọc Tư)
Trả lời câu hỏi:
Câu 1. Xác định thời gian, không gian trong truyện?
Câu 2. Truyện xoay quanh tình huống nào?
Câu 3. Theo em, mục đích thằng Lụm ra ngã tư đường trong đêm là gì ?
Câu 4. Hoàn cảnh của cậu bé tên Lụm?
Câu 5. Chi tiết “ Khi tôi ngoái lại, dưới đèn sáng rực, tôi thấy trong mắt nó lấp loáng
những giọt nước” nói lên điều gì?
Câu 6. Những lời đối thoại trong truyện cho ta hiểu gì về các nhân vật?
Câu 7. Theo anh (chị), vì sao đến cuối truyện nhân vật tôi gọi Lụm bằng anh ?
Câu 8. Có người khuyên: Hãy rời xa gia đình và sống cuộc đời như bạn muốn? Anh (chị)
có đồng tình với lời khuyên này không? Vì sao?
II. VIẾT (4 điểm)
Viết bài văn nghị luận phân tích nghệ thuật xây dựng tình huống và nhân vật trong đoạn
trích phần đọc hiểu
Đề 2:
I. ĐỌC HIỂU (6 điểm)
Đọc đoạn trích sau và trả lời câu hỏi:
Dì Hảo chẳng nói năng gì. Dì nghiến chặt răng để cho khỏi khóc nhưng mà dì cứ
khóc. Chao ôi! Dì Hảo khóc. Dì khóc nức nở, khóc nấc lên, khóc như người ta thổ. Dì
thổ ra nước mắt. Nhưng đã vội phí nước mắt làm gì nhiều đến thế. Vì dì còn phải khóc
hơn thế nhiều, khi hắn chán chửi, bỏ nhà mà đi, bỏ dì bơ vơ, đau ốm, để tìm cơm rượu.
Trách làm gì hắn, cái con người bắt buộc phải tàn nhẫn ấy? Hắn phải ăn, phải uống,
phải vui thú, đó là đời của hắn. Dì Hảo què liệt không còn những cái ấy để mà cho.
Không, dì có trách chi con người tàn nhẫn ấy. Cũng như dì đã không trách bà tôi đã làm
ngơ không cấp đỡ cho dì. Bà tôi có còn giàu như trước nữa đâu? Người đã già, đã ốm
yếu, và khổ cực thay! Đã nghèo như lúc còn hăm hai. Cái cơ nghiệp người gây dựng
thầy tôi buôn bán thua lỗ, chúng tôi học hành tổn phí nhiều, đã tan tác đi theo gió bốn
phương. Người chỉ có thể đem đến cho dì Hảo mỗi ngày một xu quà, và rất nhiều nước
mắt.Và rất nhiều lời than thở.
(Trích Dì Hảo –Tuyển tập truyện ngắn Đôi mắt, Nam Cao, NXB VH, 2017, tr. 208)
Câu 1. Xác định người kể chuyện, ngôi kể trong văn bản trên?
Câu 2. Xác định thể loại và phương thức biểu đạt của văn bản trên.
Câu 3. Nhân vật chính trong truyện là ai?
Câu 4. Nội dung chính của văn bản trên là gì:
Câu 5. Chỉ ra và phân tích tác dụng của 01 biện pháp tu từ được sử dụng trong
câu: Người chỉ có thể đem đến cho dì Hảo mỗi ngày một xu quà, và rất nhiều nước mắt.
Và rất nhiều lời than thở.
Câu 6. Theo văn bản, vì sao dì Hảo không thể trách người chồng tàn nhẫn của mình?
Tình cảnh của dì Hảo giúp anh/chị hiểu gì về thân phận người phụ nữ trong xã hội Việt
Nam trước Cách mạng?
Câu 7. Qua đoạn trích trên, anh/chị hãy nêu nhận xét về nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân
vật của Nam Cao.
Câu 8. Tình cảnh của dì Hảo giúp anh/chị hiểu gì về thân phận người nông dân trong xã
hội Việt Nam trước cách mạng?
II. VIẾT ( 4 điểm)
Viết bài văn nghị luận phân tích nghệ thuật xây dựng tình huống và nhân vật trong đoạn
trích phần đọc hiểu

ĐỀ 3
I. ĐỌC HIỂU (6 điểm)
Đọc đoạn trích:
Bà lão ấy hờ con suốt một đêm. Bao giờ cũng vậy cứ hết đường đất làm ăn là bà lại
hờ con. Làm như chính tự con bà nên bây giờ bà phải đói. Mà cũng đúng như thế thật.
Chồng bà chết từ khi nó mới lọt lòng ra. Bà thắt lưng buộc bụng, nuôi nó từ tấm tấm, tí
tí giở đi. Cũng mong để khi mình già, tuổi yếu mà nhờ. Thế mà chưa cho mẹ nhờ đưọc
một li, nó đã lăn cổ ra nó chết. Công bà thành công toi. Con vợ nó không phải giống
người. Nó có biết thương mẹ già đâu!
Chồng chết vừa mới xong tang, nó đã vội vàng đi lấy chồng ngay, nó đem đứa con gái
lên năm giả lại bà. Thành thử bà đã già ngót bảy mươi, lại còn phải làm còm cọm, làm
mà nuôi đứa con gái ấy cho chúng nó. Hết xương, hết thịt vì con, vì cháu, mà nào được
trông mong gì?
Nuôi cháu bảy năm trời, mãi cho đến khi nó đã mười hai, bà cho nó đi làm con nuôi
người ta lấy mười đồng. Thì cải mả cho bố nó đã mất tám đồng rồi. Còn hai đồng bà
dùng làm vốn đi buôn, kiếm mỗi ngày dăm ba xu lãi nuôi thân. Có chạy xạc cả gấu váy,
hết chợ gần đến chợ xa, thì mới kiếm nổi mỗi ngày mấy đồng xu. Sung sướng gì đâu! Ấy
thế mà ông trời ông ấy cũng chưa chịu để yên. Năm ngoái đấy, ông ấy còn bắt bà ốm
một trận thập tử nhất sinh. Có đồng nào hết sạch. Rồi chết thì không chết nhưng bà lại
bị mòn thêm rất nhiều sức lực. Chân tay bà đã bắt đầu run rẩy. Người bà thỉnh thoảng
tự nhiên bủn rủn. Đang ngồi mà đứng lên, hai mắt cũng hoa ra. Đêm nằm, xương cốt
đau như giần. Đi đã thấy mỏi chân. Như vậy thì còn buôn bán làm sao được? Nghĩ đến
nắng gió bà đã sợ.
(Trích Một bữa no, Tuyển tập Nam Cao, NXB Thời đại,1943)
Thực hiện các yêu cầu sau:
Câu 1. Xác định các phương thức biểu đạt được sử dụng trong đoạn trích? Ngôi kể của
văn bản?
Câu 2: Nhân vật chính trong văn bản là ai?
Câu 3. Trong đoạn trích, hoàn cảnh của bà lão được miêu tả qua những chi tiết nào?
Câu 4. Nêu tâm trạng của bà lão khi mà ông trời “còn bắt bà ốm một trận thập tử nhất
sinh” trong đoạn trích.
Câu 5: Qua nhân vật bà lão trong câu chuyện, Nam Cao muốn phản ánh điều gì về người
nông dân?
Câu 6. Anh/chị hãy nhận xét về nghệ thuật miêu tả tâm trạng nhân vật của Nam Cao.
Câu 7: Đặt địa vị em là đứa cháu gái duy nhất của bà lão trong câu chuyện, em nghĩ như
thế nào về người bà của mình?
Câu 8: Cảm nhận của em về bà lão trong văn bản.
II. LÀM VĂN (4 điểm)
Viết bài văn nghị luận phân tích, đánh giá chủ đề và những nét đặc sắc về nghệ
thuật miêu tả nhân vật trong đoạn trích ở phần đọc hiểu.
ĐỀ 4.
Đọc đoạn văn bản sau và trả lời các câu hỏi:
Nhà mẹ Lê là một gia đình một người mẹ với mười một người con. Bác Lê là một
người đàn bà nhà quê chắc chắn và thấp bé, da mặt và chân tay răn reo như một quả
trám khô. Khi bác mới đến phố, ai ai cũng chú ý đến đám con của bác: mười một đứa,
mà đứa nhớn mới có mười bảy tuổi! Đứa bé nhất hãy còn bế trên tay.
Mẹ con bác ta ở một căn nhà cuối phố, cái nhà cũng lụp xụp như những căn nhà khác.
Chừng ấy người chen chúc trong một khỏang rộng độ bằng hai chiếc chiếu, có mỗi một
chiếc giường nan đã gẫy nát. Mùa rét thì giải ổ rơm đầy nhà, mẹ con cùng nằm ngủ trên
đó, trông như một cái ổ chó, chó mẹ và chó con lúc nhúc. Đối với những người nghèo
như bác, một chỗ ở như thế cũng tươm tất lắm rồi. Nhưng còn cách kiếm ăn? Bác Lê
chật vật, khó khăn suốt ngày cũng không đủ nuôi chừng ấy đứa con. Từ buổi sáng tinh
sương, mùa nực cũng như mùa rét, bác ta đã phải trở dậy để đi làm mướn cho những
người có ruộng trong làng. Những ngày có người mướn ấy, tuy bác phải làm vất vả,
nhưng chắc chắn buổi tối được mấy bát gạo và mấy đồng xu về nuôi lũ con đói đợi ở
nhà. Đó là những ngày sung sướng. Nhưng đến mùa rét, khi các ruộng lúa đã gặt rồi,
cánh đồng chỉ còn trơ cuống rạ dưới gió bấc lạnh như lưỡi dao sắc khía vào da, bác Lê
lo sợ, vì không ai mướn bác làm việc gì nữa. Thế là cả nhà nhịn đói. Mấy đứa nhỏ nhất,
con Tý, con Phún, thằng Hy mà con chị nó bế, chúng nó khóc lả đi mà không có cái ăn.
Dưới manh áo rách nát, thịt chúng nó thâm tím lại vì rét, như thịt con trâu chết. Bác Lê
ôm ấp lấy con trong ổ rơm, để mong lấy cái ấm của mình ấp ủ cho nó.
(Trích Nhà mẹ Lê – Thạch Lam)
Câu 1: Văn bản trên có sự kết hợp giữa các phương thức biểu đạt nào? Tác dụng của
việc kết hợp đó là gì?
Câu 2: Nêu nội dung chính của văn bản trên?
Câu 3: Nhân vật chính trong văn bản trên là ai? Anh/chị cảm nhận như thế nào về nhân
vật đó?
Câu 4: Trong đoạn trích, bác Lê đã tưởng nhớ lại cuộc đời mình qua những chi tiết nào?
Câu 5: Tìm và phân tích tác dụng của một biện pháp tu từ bất kì được tác giả sử dụng
trong văn bản trên.
Câu 6: Theo anh/chị, nhà văn đã thể hiện tình cảm gì đối với nhân vật? Anh/chị hãy
nhận xét về tình cảm đó.
Câu 7: Anh/chị hãy nhận xét về giá trị hiện thực và nhân đạo qua đoạn trích trên.
Câu 8. Từ cuộc sống của nhà mẹ Lê, em có suy nghĩ gì về cuộc sống của bản thân hiện
nay?
II. LÀM VĂN (4 điểm)
Em hãy viết bài văn nghị luận làm rõ vấn đề xã hội được tác giả đề cập đến trong
đoạn trích ở phần đọc hiểu.

You might also like