You are on page 1of 3

HÌNH TƯỢNG NGƯỜI CHIẾN SĨ LÁI XE DŨNG CẢM HIÊN NGANG VÀ TRÀN

ĐẦY NIỀM TIN CHIẾN THẮNG

Mở đầu bài thơ tác giả đã đã khắc họa hình ảnh người chiến sĩ lái xe dũng cảm,
hiên ngang nơi chiến trường thông qua hình ảnh những chiếc xe không kính. “Không có
kính không phải vì xe không có kính/Bom giật bom rung kính vỡ đi rồi”. Hình ảnh những
chiếc xe không kính không chỉ gây được rất nhiều ấn tượng sâu sắc cho người đọc bởi sự
độc đáo và mới lạ của nó mà còn thể hiện được những khó khăn nơi chiến trường. Những
chiếc xe không kính vì bom đạn chiến tranh nên đã chẳng còn nguyên vẹn, băng băng
trên đường ra trận, đối mặt với thử thách với hiểm nguy, với bom đạn. Chiến tranh đã để
lại cho chúng ta bao tổn thương và mất mát, với những cuộc chiến kéo dài nhiều năm gây
bao nỗi đau đớn cho người dân, có anh bộ đội, có cô thanh niên xung phong sử dụng sức
trẻ, tuổi thanh xuân của mình, sẵn sàng hy sinh cuộc sống bình yên để chiến đấu cho độc
lập, tự do của nước nhà, có người chiến sĩ đã hy sinh trên chiến trường , mãi mãi không
quay trở lại. Có người ở lại mang theo bao chứng tích chiến tranh, những vết sẹo theo
thời gian đã mờ phai nhưng những kí ức về thời chiến vẫn luôn hiển hiện trong tâm trí.
Chiến tranh đã gây ra bao nỗi buồn cho chúng ta, chiến tranh là tội ác.

Đọc những vần thơ giản dị, gần như lời nói thường mang giọng điệu vừa ngang
tàng, vừa tinh nghịch của Phạm Tiến Duật, ta cảm nhận được tư thế ung dung hiên ngang,
tinh thần dũng cảm coi thường hiểm nguy, tâm hồn lạc quan, sôi nổi của người lính.
Thiếu đi những phương tiện vật chất tối thiểu lại là hoàn cảnh để người lính lái xe bộc lộ
những phẩm chất cao đẹp, sức mạnh tinh thần lớn lao của họ, đặc biệt là lòng dũng cảm
và tư thế hiên ngang:

“Ung dung buồng lái ta ngồi

Nhìn đất nhìn trời nhìn thẳng”

Đảo ngữ “ung dung” vừa gợi hình, vừa tả được thái độ tự tin, bình thản của người chiến
sĩ lái xe trước những khó khăn, thử thách trong cuộc chiến đấu. Tư thế “ung dung” ngồi
trong buồng lái mặc cho “bom giật, bom rung” lại càng được khẳng định khi ta dõi theo
ánh nhìn của người chiến sĩ

“Nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng”

Với mục đích nhằm tô đậm cái nhìn của người lái xe, chỉ trong một dòng thơ, tác giả đã
sử dụng 3 lần từ “nhìn”. Điệp từ “nhìn” được nhắc lại nhiều lần với những hình ảnh liên
tục gợi cảm giác về tốc độ trên chiếc xe đang lao nhanh và những cảm xúc thực của
người chiến sĩ trên buồng lái khi tiếp xúc trực tiếp với thế giới bên ngoài. Câu thơ ngắt
làm ba nhịp, hai nhịp đầu hướng ánh nhìn người chiến sĩ tới hai đối tượng : đất và trời.
Nhìn trời là để phát hiện máy bay hay pháo sáng về ban đêm. Nhìn đất là để thấy những
cạm bẫy trên mặt đường. Tới nhịp thứ ba, đối tượng không còn, người chiến sĩ hướng ánh
nhìn tới phía trước trong tư thế bình thản, tự nhiên và dũng cảm: nhìn thẳng, nhìn thẳng
vào bom đạn kẻ thù, nhìn thẳng vào con đường đang bị bắn phá đầy chết chóc để lái xe
vượt qua tất cả.

“Không có kính ừ thì có bụi

Bụi phun tóc trắng như người già

Chưa cần rửa phì phèo châm điếu thuốc

Nhìn nhau mặt lấm cười ha ha

Không có kính ừ thì ướt áo

Mưa tuôn mưa xối như ngoài trời

Chưa cần thay thái trăm cây số nữa

Mưa ngừng gió lùa khô mau thôi”

Những câu thơ dung dị, tự nhiên như văn xuôi, lời nói thường ngày, giọng điệu thản
nhiên, hóm hỉnh pha chút ngang tàng cùng phép lặp cấu trúc “Không có kính, ừ thì…”
“chưa cần” thể hiện vẻ đẹp tự tin, tính cách ngang tàng đầy chất lính. Gian khổ của người
lính ngồi lái những những chiếc xe không kính, bị “bụi phun tóc trắng”, bị “mưa tuôn
mưa xối như ngoài trời” chẳng hề chi, hiểm nguy của mưa bom bão đạn chẳng là gì với
những người chiến sĩ lạc quan, sôi nổi. Bụi đường, mưa gió trên các nẻo đường rừng với
họ là lẽ đương nhiên, chẳng cần phải bận tâm. Các từ ngữ “phì phèo”, “cười ha ha”, “mau
khô thôi”… làm nổi bật niềm vui, tiếng cười của người lính cất lên một cách tự nhiên
giữa gian khổ, hiểm nguy của cuộc chiến đấu. Các anh sẵn sàng chấp nhận thử thách,
gian lao như thể đó là điều tất yếu. Họ đã lấy cái bất biến của lòng dũng cảm, của thái độ
hiên ngang để thắng lại cái vạn biến của chiến trường sinh tử gian khổ, ác liệt. Mở đầu
khổ thơ bằng hình ảnh gian khổ, kết thúc khổ thơ bằng niềm lạc quan, sôi nổi của người
lính, thơ Phạm Tiến Duật để lại trong ta dư vị, ấn tượng thật khó quên trước tâm hồn sôi
nổi, tinh thần dũng cảm, lạc quan của những “Chàng Thạch Sanh của thế kỉ hai mươi”
hiên ngang, anh hùng.

Hoàn thiện vẻ đẹp bức chân dung người lính lái xe Trường Sơn là lòng yêu
nước, ý chí hướng về giải phóng miền Nam. Yêu nước, hướng về miền Nam là động lực
thôi thúc họ vượt qua mọi hiểm nguy, gian khổ, khó khăn, thử thách:
“Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước:

Chỉ cần trong xe có một trái tim.”

Hình ảnh hoán dụ “một trái tim” chỉ người lính lái xe, cũng có thể xem là hình ảnh ẩn dụ
cho sức mạnh, tình yêu nước, lòng dũng cảm, ý chí lạc quan của người lính. “Trái tim”
thể hiện vẻ đẹp của người lính lái xe Trường Sơn, cũng là hình ảnh lý giải sức mạnh đưa
những đoàn xe ra trận, sức mạnh của cuộc chiến đầy thử thách, gian khổ. Vẻ đẹp của
người lính, của cả đoàn xe kết đọng ở “trái tim” gan góc, kiên cường, chứa chan tình yêu
nước. Đọc câu thơ của Phạm Tiến Duật, ta hiểu được cội nguồn sức mạnh của chiến
thắng không phải có phương tiện vũ khí hiện đại mà chính là ý chí, lòng lạc quan, dũng
cảm, quyết tâm giải phóng miền Nam của những người lính lái xe Trường Sơn. Trái tim
của họ tràn đầy niềm tin, ý chí và dạt dào lòng yêu Tổ Quốc. Nó thôi thúc, tiếp sức mạnh
cho người lính cầm lái “vì miền Nam phía trước”. Câu thơ cuối mang ý nghĩa như “nhãn
tự” tỏa sáng cả bài thơ bở vẻ đẹp của người lính lái xe thời chống Mỹ.

You might also like