You are on page 1of 28

TRẦN HUIỀN ÂN

Phú Yên
miền đất ước vọng

nhà xuất bản trẻ


Phú Yên miền đất ước vọng

HOAN NGHÊNH BẠN ĐỌC GÓP Ý PHÊ BÌNH

NHÀ XUẤT BẢN TRẺ


161b Lý Chính Thắng - Quận 3 - TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại: 9316211 - 8465595 - 8465596 - 9316289
Fax: 84.8.8437450
E-mail: nxbtre@hcm.vnn.vn

4
đất nước phú yên

LỜI GIỚI THIỆU

PHÚ YÊN MIỀN ĐẤT ƯỚC VỌNG là một quyển trong


toàn bộ công trình VIỆT NAM CÁC VÙNG VĂN HÓA của Nhà
xuất bản Trẻ, nhằm giới thiệu với bạn đọc xa gần những diện
mạo văn hóa từng địa phương trên khắp miền đất nước, gồm cả
văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể, gồm cả những gì hiện
tồn tại, những gì đang phát triển hay phục hồi, những gì chỉ là
phế tích, những gì đã mai một, những gì vẫn mãi mãi lắng sâu
trong tiềm thức nhiều người.
Trong tập sách này, trước hết bạn đọc được giới thiệu khái
quát vùng đất Phú Yên: lược sử hình thành, những nét cơ bản
về tự nhiên, kinh tế, sau đó là phần tương đối cụ thể về đất
nước và con người: các di tích, thắng cảnh, các nhân vật lịch
sử, tiếp theo là các hình thức lễ hội, các làn điệu dân ca, các
sản vật đặc biệt, các món ăn địa phương… Bên cạnh đó còn có
một số phong tục tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số…
Đặc điểm của các tỉnh Miền Nam Trung Bộ là được hình
thành theo từng chặng đường mở đất (như Bình Định 1471,
Phú Yên 1578-1597, Khánh Hòa 1653), nên trên cái nền chung
của văn hóa vùng miền, còn có nét riêng, như việc tổ chức các
hội đánh bài chòi vào dịp Tết Nguyên đán phổ biến khắp Nam
Ngãi Bình Phú, nhưng trong giọng hô cũng như nét vẽ trên con

5
Phú Yên miền đất ước vọng

bài thì hai tỉnh giáp giới là Bình Định và Phú Yên đã có chỗ
khác nhau, hoặc cả Miền Nam Trung Bộ đều thích ăn bánh
tráng, nhưng bánh tráng Bồng Sơn, Tam Quan (Bình Định) có
khác bánh tráng Hòa Đa, Đông Bình (Phú Yên)… vv…
Tác giả, ông Trần Huiền Ân là người sinh trưởng ở Phú
Yên, am hiểu khá tường tận về mảnh đất quê hương, quen
thuộc nhiều dòng suối, nhiều ngọn đồi, thậm chí cả nơi có một
khóm đa già, một tảng đá lớn; nhiều năm sưu tầm nghiên cứu
văn hóa dân gian, được nhiều giải thưởng của Hội Văn nghệ
dân gian Việt Nam và Ủy ban toàn quốc liên hiệp các Hội Văn
học nghệ thuật Việt Nam…
Tập sách mang tính chất sưu tầm nghiên cứu, nhưng hướng
tới đối tượng bạn đọc đông đảo là lớp trẻ: thanh niên, sinh viên,
học sinh… nên tác giả không đi sâu phần chi tiết như các tác
phẩm dành cho giới chuyên môn mà chú trọng phần đặc trưng
nổi bật, tiêu biểu nhất. Từ đó đối tượng bạn đọc được mở rộng
thành đối tượng phổ thông, hi vọng là sau khi đọc qua, một
người chưa hề đến Phú Yên, chưa hề nghe nói về Phú Yên có
thể hình dung được diện mạo Văn hóa Phú Yên.
Đó là điều mong muốn của Nhà xuất bản Trẻ cũng như
tác giả.
NHÀ XUẤT BẢN TRẻ

6
đất nước phú yên

KÝ ỨC
“Đất Thuận Quảng này phía bắc có Hoành Sơn và Linh
Giang hiểm trở, phía nam có Hải Vân Sơn và Bi Sơn bền vững.
Núi sẵn vàng sắt, biển nhiều cá muối… thật là nơi Trời để cho
người anh hùng dụng võ…”
(Chúa Tiên Nguyễn Hoàng)

Rồi từ đó cây rừng thêm lộc mới


Vươn lên trời xanh biếc trận mưa xuân
Đất Thuận Quảng non sông chia bờ cõi
Thật là nơi dành cho bậc anh hùng.

Này Hoành Sơn, này Linh Giang hiểm trở


Này Hải Vân chất ngất vút tầng mây
Này Thạch Bi trời cao nhìn sóng vỗ
Bốn trăm năm lời di huấn còn đây.

Em có nhớ những ngày xưa bé dại


Chú dế mèn giữa đồng rạ mới khô
Ta thơ thẩn khắp đầu ghềnh cuối bãi
Một cành bông súng tím nở bên hồ.

7
Phú Yên miền đất ước vọng

Ta nằm nghe đất tâm tình với cỏ


Tiếng thì thầm nhắc nhở thuở Trấn Biên
Dấu trang trại Lương Phù Già đâu đó
Cờ Văn Phong bay rợp phủ Phú Yên.

Chuyện ngày trước trở về trong kí ức


Sớm lỡ quên chiều đã nhớ lại rồi
Từng trang sử vẫn sáng ngời nét mực
Thủy triều lau hai buổi nước đầy vơi.

Ta lớn lên ngạt ngào sương lũng nội


Cơn mưa chiều tắm mát lúa đương thì
Đôi bướm vàng bay nhởn nhơ dẫn lối
Nắng thơm hồng ấm áp dặm vu quy.

Ơn sông núi sắt vàng trong lòng đất


Biển khơi xa là cá muối tràn đầy
Bao thế hệ cùng phơi gan trải mật
Cho đời đời lớp con cháu hôm nay…
(T.H.Â.)

8
đất nước phú yên

CHƯƠNG I

KHÁI QUÁT VỀ
VÙNG ĐẤT PHÚ YÊN

9
Phú Yên miền đất ước vọng

T ỉnh Phú Yên thuộc Miền Nam Trung Bộ. Phía đông
giáp Biển Đông. Phía tây giáp hai tỉnh Gia Lai và
Đắc Lắc. Phía bắc giáp tỉnh Bình Định. Phía nam giáp tỉnh
Khánh Hòa. Diện tích 5.054km2.

Quá trình thành lập tỉnh phú yên

Trong lịch sử mở đất về phương Nam từ Quảng Bình đến


Hà Tiên, có lẽ Phú Yên là nơi đặt nhiều tồn nghi hơn hết. Với
các tỉnh bạn ta có thể đọc thấy những niên biểu rõ ràng: năm
1471 vua Lê Thánh Tông thân chinh thu phục Bình Định, năm
1653 Hùng Lộc vâng mệnh Chúa Hiền Nguyễn Phước Tần thu
phục Khánh Hòa, năm 1694 Chúa Minh Nguyễn Phước Chu
lập trấn Thuận Thành, năm 1708 cương vực mở đến Hà Tiên…
Còn Phú Yên? Ngay địa danh này có từ lúc nào các tư
liệu xưa do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn cũng chưa
thống nhất.
Theo “Đại Nam thực lục tiền biên” và một số tư liệu khác:
Năm Tân Hợi tức là năm thứ 54 đời Chúa Nguyễn Hoàng
người Chiêm Thành xâm lấn biên giới, Chúa sai Chủ sự Văn
Phong đem quân đi đánh lấy được đất ấy đặt làm phủ Phú Yên
gồm 2 huyện là Đồng Xuân và Tuy Hòa, lệ vào dinh Quảng
Nam. Văn Phong được cử làm Lưu thủ. Tính theo dương lịch
thì đây là năm 1611.

10
đất nước phú yên

Riêng “Khâm định Việt sử thông giám cương mục” chép:


Năm thứ 45 đời Chúa Nguyễn Hoàng đổi đặt dinh Quảng
Nam chia thành 5 phủ, trong đó lấy đất từ núi Cù Mông trở
về nam đặt làm phủ Phú Yên (gồm 2 huyện Đồng Xuân và
Tuy Hòa). Tính theo âm lịch đây là năm Nhâm Dần, dương
lịch là năm 1602.
Ngược dòng thời gian…
Trước đó, năm 1597 Chúa Tiên Nguyễn Hoàng đã cử ông
Lương Văn Chánh chiêu mộ lưu dân đưa đến đất Cù Mông, Bà
Đài, Bà Diễn để khẩn hoang lập nghiệp. Và trước nữa, năm
1578 Lương Văn Chánh chinh phạt Chiêm Thành bạt phá
“Thành Hồ” (nay thuộc xã Hòa Định Đông, huyện Phú Hòa)
đẩy người Chiêm Thành về phía nam Đèo Cả. Trong giai đoạn
này (1578-1597-1611) vùng đất Phú Yên gọi là gì, tổ chức hành
chánh thế nào, đời sống dân chúng ra sao… không thấy sử sách
nhắc đến. Cả chức vụ của Lương Văn Chánh nữa, không thể
nói một cách đơn giản là “Trấn biên quan”. Có lẽ thuở ban đầu
ấy, nơi này mới là vùng quân quản thuộc quyền Phù Nghĩa hầu
chăng? Là nơi cộng tồn của hai dân tộc Việt-Chiêm chăng?
Còn từ năm 1471 khi vua Lê Thánh Tông chiếm thành Chà
Bàn (nay thuộc tỉnh Bình Định) đến năm 1578, theo một số sử
gia thì vùng Phú Yên là đất ki mi, tuy chưa thuộc hẳn về Đại
Việt cũng không còn dưới sự cai trị của Chiêm Thành. Đó là
nước Hoa Anh vua Lê phong cho Hoa Anh vương để cùng Nam
Bàn và Chiêm Thành làm ba tiểu quốc phương nam ràng buộc
nhau chăng?

11
Phú Yên miền đất ước vọng

Phải đến biến cố năm 1611 chúng ta mới thở phào được một
cách nhẹ nhõm, bởi từ năm này có được một dấu mốc rõ ràng.
Đặt tên vùng đất này là PHÚ YÊN chắc hẳn Chúa Tiên nghĩ
rằng đã hoàn thành sở nguyện củng cố cõi Nam Hà gồm Thuận
Hóa và Quảng Nam (mở rộng về phương Nam) được định phận
từ Linh Giang (sông Gianh) đến Bi Sơn (núi Đá Bia), dừng lại
nơi đây trong niềm vui giàu có, yên ổn như trong lời di huấn
khi sắp lâm chung dặn Chúa Sãi Nguyễn Phước Nguyên: “…Đất
Thuận Quảng phía bắc có núi Hoành Sơn và sông Linh Giang
hiểm trở, phía nam có núi Hải Vân và núi Thạch Bi vững bền,
núi sẵn vàng sắt, biển nhiều cá muối… thật là nơi Trời dành
cho người anh hùng dụng võ. Nếu biết dạy dân, luyện binh để
chống chọi với quân Trịnh thì đủ xây dựng cơ nghiệp muôn đời,
còn nếu thế lực chưa địch được thì cố giữ vững đất đai để chờ
cơ hội, chứ đừng bỏ quên lời dặn của ta…”.
Năm 1629 một biến cố khác xảy ra. Sử chép là Chủ sự Văn
Phong liên kết với người Chiêm Thành làm phản, Chúa Sãi sai
Phó tướng Nguyễn Phước Vinh vào ổn định, đổi phủ Phú Yên
thành dinh Trấn Biên, Nguyễn Phước Vinh được cử làm Trấn
thủ với nhiều quyền hạn.
Văn Phong, từ một người có công với Chúa Tiên trở thành
một người có tội với Chúa Sãi. Đã 374 năm qua, với cái nhìn
hậu thế, chúng ta thử xét trường hợp Văn Phong. Trước hết,
phải nói ông có công với Phú Yên. Năm 1611, khi thành
lập phủ Phú Yên thuộc Thừa tuyên Quảng Nam. Đến năm

12
đất nước phú yên

1629, lúc Nguyễn Phước Vinh vào làm Trấn thủ, chỉ sau 18
năm Phú Yên được nâng lên cấp dinh là cấp hành chánh địa
phương cao nhất nước, ngang hàng với các nơi đã có một bề
dày lịch sử. Điều này chứng tỏ Phú Yên nằm ở vị trí chiến
lược quan trọng và có mức phát triển nhanh chóng về mọi
mặt. Tất nhiên là trong 18 năm này Văn Phong có thừa
hưởng những thành tựu do Lương Văn Chánh để lại, nhưng
công của ông đối với sự phát triển của Phú Yên không nhỏ,
chỉ đứng sau Lương Văn Chánh. Đáng tiếc là sử sách nhà
Nguyễn chép về Lương Văn Chánh rất sơ sài, còn Văn Phong
thì chua thêm hai chữ “thiếu họ”.
Còn tội của ông? Nhớ lại lời Chúa Tiên dặn Chúa Sãi: “Đất
Thuận Quảng… là nơi Trời để cho người anh hùng dụng võ…”
Văn Phong là một người anh hùng. Trong khi giữ chức Lưu thủ
phủ Phú Yên hẳn ông đã có dịp đánh giá đúng vị thế của một
nơi từng là tiểu quốc Hoa Anh nên đã dùng lực lượng người
Chiêm ở đây, muốn lấy Phú Yên làm một cõi riêng núi riêng
sông, bắt đầu cho những mưu đồ lớn hơn chăng? Và, một câu
hỏi ngược lại: Liệu Văn Phong có thực sự làm phản bằng cách
nguy hiểm nhất là dùng lực lượng người Chiêm, những người
mà 18 năm trước chính ông đã bình định họ? Hay đây là một
“sự kiện chính trị” như thường xảy ra trong lịch sử Đông Tây?
Văn Phong là người có công với Chúa Tiên, rất có thể không
được lòng Chúa Sãi. Phản nghịch là cái cớ tốt nhất được tạo
dựng để trừ khử một thuộc cấp có tài, đáng sợ?

13
Phú Yên miền đất ước vọng

Năm 1720 Chúa Minh Nguyễn Phước Chu sai Văn chức là
Diên Tường nam Nguyễn Khoa Đăng kinh lý các phủ chia lập
các ấp, thuộc. (Sau đó ông được thăng Diên Thọ hầu, sung chức
Nội tán, dẹp yên truông nhà Hồ, lưu danh vào ca dao). Năm
1726 Chúa Ninh Nguyễn Phước Trú sai Đại Ký lục Nguyễn
Đăng Đệ kinh lý định rõ chức lệ các địa phương. Dưới mỗi
thuộc, tùy theo vùng dân cư đơn vị cơ sở là: thôn, phường, nậu,
man. Như vậy, thuộc tương đương với cấp tổng sau này, dưới
cấp huyện, trên cấp thôn, phường, nậu, man. Phủ Phú Yên cả 2
huyện Đồng Xuân và Tuy Hòa có 38 thuộc.
Năm 1744 Võ Vương Nguyễn Phước Khoát chia đặt cả cõi
làm 12 dinh. Chính dinh Phú Xuân gọi là Đô thành, dinh Trấn
Biên đổi là dinh Phú Yên. Lúc này lãnh thổ đã mở rộng, Phước
Long là dinh Trấn Biên và Long Hồ là dinh Phiên Trấn.
Từ năm 1773 Phú Yên nằm trong vùng do nhà Nguyễn Tây
Sơn kiểm soát. Năm 1793 Nguyễn Vương Ánh đánh lấy Phú
Yên. Nhưng thực sự từ năm 1773 đến 1793 và mãi đến năm
1801 sau khi Nguyễn Vương Ánh đã chiếm được Phú Xuân,
Phú Yên là nơi tranh chấp dai dẳng giữa hai họ Nguyễn vì
nằm nơi vị trí nghiệt ngã: phía bắc, Bình Định là đất thang
mộc của Tây Sơn tam kiệt; phía nam, Diên Khánh là căn
cứ vững chắc của Nguyễn Vương. Phần lớn danh tướng của
hai bên đều lấy Phú Yên làm địa bàn thử lửa xây dựng binh
nghiệp, trong cuộc chiến đẫm máu nhân dân Phú Yên phải
tiêu hao rất nhiều sinh mạng và tài sản.

14
đất nước phú yên

Sau khi thống nhất sơn hà, năm 1808 vua Gia Long đổi
dinh Phú Yên làm trấn Phú Yên. Năm 1826 vua Minh Mạng
đổi làm phủ Phú Yên. Năm 1831 vua Minh Mạng đổi làm phủ
Tuy An thuộc tỉnh Bình Định.
Năm 1832 vua Minh Mạng chia lại các đơn vị hành chánh
trong nước, thăng phủ Tuy An thành tỉnh Phú Yên. Hai tỉnh
Bình Định và Phú Yên cùng do Tổng đốc Bình Phú điều khiển.
Nhưng năm 1853 vua Tự Đức lại đổi tỉnh Phú Yên thành đạo
Phú Yên. Việc này vua Tự Đức không tự quyền quyết định mà
có tham khảo ý kiến qua cuộc thi. Kỳ thi đình năm ấy nhà vua
cho rằng đó là chỉ dùng văn chương để chọn nhân tài, còn như
sự trù tính công việc có xác đáng hay không, kiến thức thực tế
thế nào chưa biết được, bèn chuẩn cho những người trúng cách
phải thi lại, đều hỏi về những việc hiện thời, trong đó có câu
hỏi về 3 tỉnh Quảng Trị, Phú Yên, Hà Tĩnh nên phân hạng là
tỉnh hay nhập với tỉnh khác, cùng việc dùng người, trị nước…
phải bàn luận rõ ràng. Sau đó nhà vua theo ý kiến đình thần
và các vị tân khoa Tiến sĩ, Phó bảng cho rằng 3 tỉnh này là
tỉnh nhỏ đổi thành đạo để giảm bớt quan lại.
Năm 1876 vua Tự Đức lại nâng đạo Phú Yên thành tỉnh
Phú Yên. Năm 1899 đời Thành Thái, chia lại các đơn vị hành
chánh trong tỉnh. Từ lúc này cho đến Cách mạng tháng 8 năm
1945 tỉnh Phú Yên có 2 phủ, 2 huyện (phủ Tuy Hòa, phủ Tuy
An, huyện Đồng Xuân, huyện Sơn Hòa), chia ra 19 tổng, trong
19 tổng có 272 làng.

15
Phú Yên miền đất ước vọng

Năm 1976, 100 năm sau khi là tỉnh, Phú Yên hợp nhất với
Khánh Hòa thành tỉnh Phú Khánh, các huyện cũng nhập rồi
lần lượt tách. Năm 1989 tỉnh Phú Yên được lập lại như cũ. Đến
nay (cuối năm 2003) có 1 thị xã và 7 huyện là: thị xã Tuy Hòa,
các huyện: Tuy Hòa, Phú Hòa, Tuy An, Sông Cầu, Đồng Xuân,
Sơn Hòa và Sông Hinh. Tất cả có 104 thị trấn, phường, xã.
Việc đặt tên tổng, làng… cũng có những thay đổi. Ban đầu
mỗi huyện có 3 tổng và 1 thuộc, đặt tên giống nhau là tổng Hạ,
tổng Trung, tổng Thượng và thuộc Hà Bạc (ở vùng ven biển,
cửa sông). Các tên xã thôn nghe cũng lạ tai lắm, hoặc dùng
tiếng Nôm như xã Bạc Má, thôn Mái Nhà, thôn Quán Mới…
hoặc chữ Hán có vẻ cầu kỳ dài dòng như thôn Định An Tây Hà
Nhiễu, thôn Phú Thuận Phú Đảo, thôn Kỳ Tấu Hà Lãng, thôn
Phước Thạnh Thái Bình v.v… Việc hai loại địa danh Nôm và
Hán song song xuất hiện và tồn tại trong một thời gian dài có
thể cho ta suy đoán: những xã thôn nằm trong kế hoạch di dân
lập ấp của Nhà nước thì được đặt tên chữ Hán, còn những điểm
do lưu dân tự tìm ra và định cư thì ban đầu theo thói quen gọi
bằng tên Nôm (như gần sông Nhiễu gọi là phường Sông Nhiễu,
gần núi Mái Nhà gọi là thôn Mái Nhà…), sau đó nơi nào dân
sống được, xóm làng hình thành, phát triển, Nhà nước mới đổi
sang tên chữ Hán (phường Sông Nhiễu thành phường Nhiễu
Giang, thôn Mái Nhà thành thôn Phú Ốc…).
Từ năm 1832 đến 1899 tên tổng đặt theo phủ, huyện, duy
trì đến 1945. Phủ Tuy Hòa có các tổng Hòa Bình, Hòa Tường,

16
đất nước phú yên

Hòa Đa, Hòa Mỹ, Hòa Lạc, Hòa Lộc, Hòa Đồng. Phủ Tuy An
có các tổng An Sơn, An Hải, An Đức, An Vinh, An Phú. Huyện
Đồng Xuân có các tổng Xuân Đài, Xuân Bình, Xuân Phong.
Huyện Sơn Hòa có các tổng Sơn Bình, Sơn Xuân, Sơn Tường,
Sơn Lạc. Các tên làng tiếng Nôm được thay đổi, như Quán Mới
đổi thành Phú Tân, Đồng Bạc đổi thành Ngân Điền, Đá Bạc
đổi thành Cẩm Thạch. Những tên dài dòng đặt gọn lại như
Đại An Thọ Toàn đổi thành Trường Xuân, Kỳ Tấu Hà Lãng đổi
thành Thạnh Hội… Tất cả đều dùng chữ Hán, phần nhiều đặt
có chữ Phú, chữ Phước, chữ An theo cái ước vọng giàu có, hạnh
phúc của quê hương Phú Yên (Phú An).
Tháng 9 năm 1945 thống nhất gọi là huyện, không còn phủ,
cấp tổng giải thể, sau đó hợp nhất 2, 3 làng thành một xã.
Tên xã do địa phương tùy nghi lựa chọn. Có nơi đặt theo danh
nhân: Xã Tú Phương, xã Trần Hào… có nơi đặt theo khẩu hiệu
cách mạng: xã Quyết Thắng, xã Đoàn Kết… có nơi đặt theo ý
nghĩa hợp nhất: xã Liên Hiệp, xã Liên Hòa… có nơi ghép tên
làng: xã Phú Ngân (gồm 2 làng Phú Mỹ - Ngân Sơn), xã Hội
Giang (2 làng Thạnh Hội - Nhiễu Giang) v.v…
Năm 1949 hợp nhất xã lần thứ hai, các xã đều đặt theo tên
huyện, có các chữ Hòa, An, Sơn, Xuân. Những tên này được
duy trì cho đến nay mặc dù cấp huyện trải qua bao lần chia
chia nhập nhập. Trong những năm gần đây thêm việc chia
xã, lập thôn thì hoặc giữ tên cũ kèm theo một tiếng chỉ rõ vị
trí như xã Xuân Sơn Bắc, xã Xuân Sơn Nam, xã Hòa Định

17
Phú Yên miền đất ước vọng

Đông, xã Hòa Định Tây, hoặc đặt tên mới bằng hai cách: một
là dùng lại tên xưa như xã An Phú, xã Xuân Bình, hai là đặt
theo đặc điểm thiên nhiên dùng tiếng Nôm không dùng chữ
Hán như xã Cà Lúi (tên sông), xã Suối Bạc, thôn Suối Phèn
(tên suối)…
Dân số tỉnh Phú Yên theo Niên giám thống kê năm 2.000
là 803.846 người. Người Kinh: 747.011; các dân tộc thiểu số:
56.835, gồm người Ê-đê, người Chăm, người Ba-na, người Tày,
người Nùng, người Dao v.v… (xem chú thích ở cuối chương).
Người Hoa thì phần lớn đã Kinh hóa, có người chỉ còn “gốc
Hoa” như trước đây vẫn gọi, không biết nói tiếng Hoa, không
biết đọc, viết chữ Hoa.
Xin hãy hình dung và nhẩm tính… vào ngày Lương Văn
Chánh nhận sắc chỉ đưa dân vào cõi Trấn Biên, nơi này có được
bao nhiêu người? Kể cả những người dắt trâu bò, mang nông
cụ theo sau vó ngựa Phù Già, kể cả những người từ lâu năm
định trú từ Cù Mông đến Bà Nông nay ở lại sống chung… Thật
là khó! Âu đành chào thua khuyết sử!
Theo sách “Phủ biên tạp lục” của Lê Quý Đôn: Năm 1753
dân 5 phủ trong xứ Quảng Nam có 152.370 người, trong đó dân
phủ Phú Yên là 14.648 người. Hẳn đây là con số cụ lấy trong
hồ sơ lưu trữ của Chúa Nguyễn khi cụ theo Hoàng Ngũ Phúc
vào làm Hiệp trấn Tham tán quân cơ phủ Thuận Hóa.
Dưới triều Nguyễn, theo các sách “Đại Nam nhất thống chí”
dân đinh Phú Yên năm 1819: 7.571 người, năm 1848: 7.806

18
đất nước phú yên

người, năm 1898: 9.368 người, năm 1899: 10.465 người, năm
1906: 12.554 người. Thống kê ngày xưa chỉ tính số dân đinh,
còn những hạng lão nhiêu, bần dân, tật nguyền, vị thành niên,
phụ nữ… miễn thuế đinh thì không kể. Thống kê năm 1910
cho thấy vùng châu thổ Tuy An đông dân hơn cả, những làng
có số suất đinh cao nhất tỉnh đều ở đây như Định Phong (210
người), Mỹ Thạnh (186 người), Ngân Sơn ( 149 người)… Sau đó
là vùng huyện Sông Cầu và vùng thị xã Tuy Hòa, huyện Tuy
Hòa hiện nay.
Theo sách “Tỉnh Phú Yên” của A. Laborde thì năm 1929
dân số Phú Yên là 153.000 người. Sách “Địa dư tỉnh Phú Yên”
của Nguyễn Đình Cầm và Trần Sĩ ghi dân số tỉnh Phú Yên
năm 1935 là 301.477 người.
Thống kê năm 1964 của Tòa Hành chánh tỉnh Phú Yên:
332.401 người. Thống kê năm 1974 ghi: 383.086 người với ghi
chú: còn một số ở trong vùng “không kiểm soát được”.
Thống kê sau năm 1975 qua các cuộc tổng điều tra: năm
1989 có 641.791 người; năm 1999 có 786.972 người, trong đó
sống ở thành thị 149.013 người, ở nông thôn 637.959 người.
Cộng đồng cư dân Phú Yên có cội nguồn từ nhiều vùng,
miền, nhiều địa phương khác nhau.
Trước hết là những lưu dân miền Thuận Quảng vào định
cư xây dựng làng xóm trong buổi đầu do Lương Văn Chánh tổ
chức và lãnh đạo từ năm 1597.

19
Phú Yên miền đất ước vọng

Năm 1648 đời Chúa Thượng Nguyễn Phước Lan bắt được
nhiều quân lính của Chúa Trịnh đem chia ra cứ 50 người làm
một ấp, cấp cho lương ăn nửa năm, phân phối từ Thăng Bình,
Điện Bàn vào đến Phú Yên làm ăn sinh sống. Từ năm 1655
đến năm 1660 đời Chúa Hiền Nguyễn Phước Tần quân Chúa
Nguyễn vượt sông Gianh chiếm 7 huyện nam sông Lam đưa
nhiều người dân xứ Nghệ vào khai khẩn vùng Bình Định,
Phú Yên.
Khi nhà Minh ở Trung Hoa suy vong, một số quan quân
không chịu thần phục nhà Thanh di cư sang nước ta được
Chúa Hiền cho định cư từ Hội An đến Hà Tiên, trong đó có Phú
Yên mà Vũng Lắm là điểm quan trọng.
Năm 1865 vua Tự Đức đặt Nha Doanh điền, cử Ngự sử
Nguyễn Văn Phương làm Khâm phái Doanh điền, đến các
tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định đưa dân ngoại tịch
và không có tên trong sổ bộ vào Phú Yên, Khánh Hòa, Bình
Thuận chọn đất chia cho ở, cấp ngưu canh điền khí để khai
hoang, lập thành thôn xã. Năm 1866 vua Tự Đức cấp ấn Khâm
phái Quan phòng cho Phan Trung để đưa số dân Nam Kỳ
mộ nghĩa đang ở các đồn điền Bình Thuận đến khai hoang ở
Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định.
Ngoài ra chắc hẳn còn nhiều luồng người di trú khác đến
Phú Yên qua nhiều thời kỳ, tự phát từng nhóm hoặc trong
khuôn khổ chủ trương của Nhà nước nhưng do khiếm khuyết
tư liệu chưa tra cứu được.

20
đất nước phú yên

Việc phân bố cư dân trong tỉnh có đặc điểm là không đều


và đều. Không đều về sắc tộc. Dân tộc Kinh có mặt ở khắp nơi,
nhất là ở vùng đồng bằng, ven biển rồi đến thung lũng, cao
nguyên. Các dân tộc thiểu số sống ở miền tây các huyện Đồng
Xuân, Sơn Hòa, Sông Hinh, trên đồi núi, dọc theo sông suối.
Không đều về mật độ. Đồng bằng và miền núi chênh lệch nhau
khá cao. Thị xã Tuy Hòa 570ng/km2, huyện Sông Hinh 39ng/
km2. Nhưng lại đều ở cách phân bố rải rác. Đâu đâu cũng vậy,
cứ cách xa độ năm, bảy cây số là gặp xóm nhà. Những cụm
dân cư này có thể không đông, đôi khi chỉ vài ba nhà, nhưng
nhờ vậy mỗi cuộc hành trình ta đều có đi qua xóm nhà, có gặp
con người.

ĐÔI NÉT VỀ THIÊN NHIÊN PHÚ YÊN:

Đặc điểm địa hình:


Tỉnh Phú Yên nằm dọc theo dãy Trường Sơn và Biển
Đông, địa hình khá phức tạp. Diện tích đồi núi chiếm 70%
diện tích toàn tỉnh, có những đỉnh núi cao trên 1.000m. Núi
phía tây là sườn đông của dãy Trường Sơn, vì vậy địa hình
của tỉnh thấp dần từ tây sang đông. Lại có những nhánh
núi tách ra chạy theo hướng tây-đông, tạo thành những
ngọn đèo hiểm trở đồng thời cắt miền duyên hải ra thành
những đồng bằng hẹp. Đặc biệt thung lũng sông Ba kéo dài từ
Kon Tum, Pleiku xuyên qua Phú Yên ra đến biển.

21
Phú Yên miền đất ước vọng

Địa hình Phú Yên có thể chia thành 3 khu vực: vùng núi,
vùng bán sơn địa và vùng đồng bằng.
Vùng núi gồm các huyện Đồng Xuân, Sơn Hòa, Sông Hinh,
phía tây các huyện Tuy An, Phú Hòa, Tuy Hòa. Núi non trùng
điệp, tuy không cao lắm nhưng địa hình phức tạp, độ cao
chênh lệch nhau nhiều.
Tiếp giáp với vùng núi là vùng bán sơn địa (trung du) tương
đối bằng phẳng chạy dọc theo các con sông lớn của tỉnh như
Xuân Phước, Xuân Quang, La Hai, Xuân Sơn (huyện Đồng
Xuân), Krông Pa, Suối Trai, Củng Sơn, Sơn Hà (huyện Sơn
Hòa), Đức Bình Tây, Đức Bình Đông, Sơn Giang (huyện Sông
Hinh), Sơn Thành (huyện Tuy Hòa). Có nhiều đồng cỏ tự nhiên,
nhiều bãi bồi.
Đồng bằng là vùng còn lại, vẫn còn xu hướng nghiêng dần
từ tây sang đông, có những cánh đồng rộng. Hai đồng bằng lớn
là đồng Tuy Hòa và đồng Tuy An.
Núi:
Có người ví tỉnh Phú Yên như một gian phòng. Cửa mở ra
Biển Đông, ba bề là vách núi.
Phía bắc tỉnh là dãy Cù Mông làm ranh giới với tỉnh Bình
Định, có những đỉnh cao 600 - 700m như núi Chóp Vung, Hòn
Kè, Hòn Khô… Phía nam là dãy Đèo Cả làm ranh giới với tỉnh
Khánh Hòa, cao hơn, hùng vĩ hơn xứng đáng với tên chữ Hán
là Đại Lãnh, với những đỉnh như Hòn Ông, Hòn Chảo, Hòn Kỳ
Đà, Hòn Ngang…

22
đất nước phú yên

Cù Mông và Đèo Cả được nối liền bởi những dãy núi phía
tây tỉnh chạy dài từ bắc xuống nam. Phía tây bắc núi lan
khắp huyện Đồng Xuân, có những đỉnh trên 1.000m như núi
La Hiên, Chư Tren, hòn Rừng Già… Vùng trung, trong địa
phận huyện Tuy An núi thấp hơn, chỉ dưới 600m, trong địa
phận huyện Sơn Hòa quần tụ nhiều đỉnh núi trên 700m tạo
thành thế liên sơn. Huyện Sông Hinh ở phía tây nam là nơi
tập trung nhiều núi cao từ 1.000m đến 1.200m như Chư Mu,
Chư Dan, Hòn Dù, Hòn Chúa… Ở điểm cực nam Chư Ninh cao
trên 1.600m.
Rải rác trong đồng bằng có những ngọn núi nhỏ lẻ loi, như
núi A Man (Tuy An), núi Chóp Chài (Tuy Hòa).
Cao nguyên:
Vùng cao nguyên chất đất đỏ cao từ 400m nằm ở trung
tâm tỉnh. Thuộc huyện Sơn Hòa có cao nguyên Vân Hòa, cao
nguyên Trà Kê, thuộc huyện Tuy An có cao nguyên An Xuân.
Vân Hòa và An Xuân là những gò cỏ đồi sim, Trà Kê là những
giồng tranh đế xen lẫn với rừng thưa.
Sông suối:
Do ba bề Phú Yên là núi nên sông suối cũng bắt nguồn từ
ba hướng tây, bắc, nam. Toàn tỉnh có khoảng 50 con sông, phần
lớn là sông ngắn.
Chảy ra tới biển thì từ bắc xuống nam: Thuộc huyện Sông
Cầu có suối Bà Nam, suối Bà Bông, suối Ông Kiều chảy ra đầm
Cù Mông. Sông Tam Giang dài 28 km chảy ra vịnh Xuân Đài.

23
Phú Yên miền đất ước vọng

Sông Cái từ Tây Nguyên chảy qua huyện Đồng Xuân,


huyện Tuy An đổ ra vịnh Xuân Đài và đầm Ô Loan, trong
phạm vi Phú Yên là 76 km. Thượng nguồn là suối La Hiên,
sông Cà Tơn, sông Kỳ Lộ. Hai phụ lưu chính là sông Trà
Bương và sông Cô.
Sông Đà Rằng (ở thượng lưu gọi là sông Ba) từ Kon Tum
chảy qua Pleiku xuống Phú Yên làm ranh giới cho các huyện ở
tả ngạn là Sơn Hòa, Phú Hòa, thị xã Tuy Hòa với các huyện ở
hữu ngạn là Sông Hinh, Tuy Hòa, trong phạm vi Phú Yên sông
dài 90 km. Các phụ lưu chính ở tả ngạn: sông Cà Lúi, suối Thá,
sông Con, sông Chùa; ở hữu ngạn: sông Krông Năng, sông Ea
M’Bar, sông Hinh, sông Nhau, sông Đồng Bò.
Sông Bàn Thạch nằm trong huyện Tuy Hòa dài 60 km, trên
nguồn là sông Bánh Lái, phụ lưu chính là sông Ván.
Mỗi phụ lưu của 3 con sông lớn này có nhiều suối khe chằng
chịt từ nhiều hướng đổ về. Các địa danh suối Rách, suối Cái,
sông Con chỗ nào cũng có. Đi trong vùng rừng núi, cao nguyên
luôn luôn nghe tiếng suối chảy, thác đổ, cứ một chặp lội qua
một dòng suối. Về tới hạ bạn thì nhiều ao, bàu, nhiều chỗ lòng
sông mở rộng…
Đồng bằng:
Rộng nhất tỉnh Phú Yên là đồng bằng Tuy Hòa - châu thổ
sông Đà Rằng và sông Bàn Thạch, gồm cả thị xã Tuy Hòa, một
nửa huyện Phú Hòa và một nửa huyện Tuy Hòa, trên 20.000
hecta. Trước đây chỉ làm được một vụ gọi là “Đồng Gieo”, từ
năm 1932 nhờ có đập Đồng Cam làm được 2, 3 vụ năng suất

24
đất nước phú yên

cao. Thứ đến là đồng bằng Tuy An - châu thổ sông Cái với
những nhánh sông xòe ra như bàn tay níu giữ phù sa bồi đắp
quê hương. Rải rác có những đồng bằng nhỏ ở huyện Sông Cầu,
nam Tuy An, vùng ven sông Cái ở huyện Đồng Xuân, ven sông
Ba ở huyện Sơn Hòa và huyện Sông Hinh.
Bờ biển:
Bờ biển Phú Yên dài 189 km, chia làm 3 đoạn:
Từ mũi Cù Mông (huyện Sông Cầu) đến cửa Tân Quy (huyện
Tuy An) bờ biển lắm đá lởm chởm và gián đoạn vì nhiều dãy
núi chạy thẳng ra biển tạo thành 3 vũng lớn: vũng Cù Mông,
vịnh Xuân Đài và đầm Ô Loan.
Từ cửa Tân Quy đến cửa Đà Nông (huyện Tuy Hòa) bờ biển
bằng phẳng nhiều bãi cát vì núi ở xa. Hai cửa sông lớn là cửa
Đà Diễn (sông Đà Rằng) và cửa Đà Nông (sông Bàn Thạch).
Từ cửa Đà Nông đến Vũng Rô (huyện Tuy Hòa, giáp huyện
Vạn Ninh tỉnh Khánh Hòa) dãy núi Đèo Cả chạy thẳng ra
biển, bờ biển cao, nhiều gành đá, rất nguy hiểm. Tại Mũi Kê
Gà có hải đăng, nay gọi là Mũi Điện.
Khí hậu:
Phú Yên có một mùa mưa ngắn không lạnh từ tháng Mười
đến tháng Giêng, một mùa nắng nóng kéo dài từ tháng Hai
đến tháng Chín. Mát mẻ nhất là vùng cao nguyên từ An Xuân
qua Vân Hòa lên Trà Kê.
Nhiệt độ trung bình hàng năm là 26,50C, lượng mưa trung
bình hàng năm khoảng 1.700mm, tổng số giờ nắng trung

25
Phú Yên miền đất ước vọng

bình mỗi năm khoảng trên 2.400 giờ, độ ẩm trung bình 81%.
Trung tâm mưa lớn là vùng núi Chư Mu trong dãy Đèo Cả
trên 2.000mm, thấp nhất là Krông Pa (thung lũng sông Ba)
1.200mm và Xuân Phước (thung lũng sông Kỳ Lộ) 1.300mm.
Hai thứ gió mùa thổi qua tỉnh Phú Yên là gió bấc và gió
nồm. Gió bấc thịnh hành trong mùa đông theo hướng đông
bắc-tây nam. Gió nồm từ cuối xuân sang đầu thu theo hướng
ngược lại. Giữa mùa hè khoảng tháng bảy có gió nam, còn gọi
là gió Lào theo hướng tây-đông thổi tung cát bụi, nóng nực
khó chịu.
Tháng Mười, tháng Mười Một thường có lụt bão. Vùng đồng
bằng, ven sông, các thung lũng hai bên suối lớn… nước lụt dâng
lên ngập hết soi bãi, ruộng vườn… Có khi nước lũ (nước khách)
từ trên nguồn ào ạt cuồn cuộn đổ xuống rồi sau đó nhanh
chóng rút hết.
Thực vật:
Trên bình diện như thế, thực vật ở Phú Yên có các kiểu
dáng như sau:
Suốt nửa phía tây tỉnh từ huyện Đồng Xuân qua các huyện
Sơn Hòa, Sông Hinh, Tuy Hòa là rừng nhiệt đới núi thấp, xanh
quanh năm, có cây gỗ lớn, cây tái sinh, cây bụi, cây phụ sinh
và dây leo.
Dọc theo ven biển ở các huyện Sông Cầu, Tuy An và núi
Chóp Chài thị xã Tuy Hòa là rừng truông gai, cây bụi, các loại
cây chịu hạn, có gai, lá nhỏ.

26
đất nước phú yên

Nửa phía đông tỉnh trải dài theo trục bắc-nam, tập trung
nhiều ở hai huyện Tuy Hòa và Sông Cầu là thảm thực vật trên
đất cát, trong đó một phần diện tích đã đưa vào canh tác, một
phần thực vật tự nhiên chủ yếu là các loại cỏ.
Ngoài ra, các bờ đầm, vịnh, cửa sông còn có rừng ngập mặn,
diện tích không nhiều.
Động vật hoang dã:
Với địa thế rừng núi sông suối và thảm thực vật nêu trên,
tỉnh Phú Yên có khá nhiều động vật.
Dã thú có: nai, mang (còn gọi là quảy, xách), hươu, cà tong,
cheo, gấu, chồn, heo rừng, nhím, thỏ, khỉ, dộc, các thú nhỏ như
sóc, nhen…
Ác thú có: cọp, beo (gấm), cà đỗ (một loại giống như beo nhỏ)…
Các loài chim có: công, trĩ, gà rừng, gà sao, đa đa, gầm ghì,
cu xanh, cu gáy, cu ngói, áo dà, cu luồn, sáo, bồ chao… các giống
chim nhỏ như chốc mào, chiền chiện… các giống chim ăn dưới
ruộng như cuốc, cò… các giống chim ăn thịt sống như ó, diều,
bồ cắt… vân vân…

27
Phú Yên miền đất ước vọng

Đập Tam Giang, qua sông cái Tuy An Đồng Tuy Hòa.
Ảnh: Dương Thanh Xuân Ảnh: Dương Thanh Xuân

Cao nguyên Trà Kê


Ảnh: Trần Sĩ Huệ

28
đất nước phú yên

Cửa biển Phú Hội.


Ảnh: Trần Sĩ Huệ

Đỉnh đèo Cù Mông (Ảnh: TL).

29
Phú Yên miền đất ước vọng

Bến phường 6, thị xã Tuy Hòa.


Ảnh: Trần Sĩ Huệ

Cầu Bình Phú (h. Sông Cầu - Phú Yên).


Ảnh: Trần Sĩ Huệ

30

You might also like