You are on page 1of 12

1 Phát âm tiếng Việt

NGUỒN GỐC CỦA PHỤ ÂM ĐẦU / V / TIẾNG VIỆT:


NHỮNG PHÁT LỘ TỪ CỨ LIỆU PHƯƠNG NGỮ

Đỗ Tiến Thắng

1. Khi khảo sát một tiếng địa phương nào đó, như một đảo thổ ngữ (tiếng
nói của một địa bàn cư dân nhỏ hẹp, có nhiều nét đặc thù, tương đương với địa bàn
làng xã), một thổ ngữ (tiếng nói của một địa bàn rộng lớn hơn, chẳng hạn Thổ ngữ
Nghi Lộc, Thổ ngữ Mường Bi…), một phương ngữ đơn chất (chẳng hạn Phương ngữ
Thanh Hóa, Phương ngữ Phú Thọ…) hay một vùng phương ngữ (chẳng hạn (Vùng)
Phương ngữ Bắc Bộ, Phương ngữ Trung…), nhà nghiên cứu có nhiệm vụ trước tiên
là phải miêu tả nó trên tất cả các bình diện ngôn ngữ. Mục đích cuối cùng mà anh
ta nhắm tới là cung cấp các đường đồng ngữ, các bản đồ hiện trạng tiếng nói trong
vùng hay trong toàn lãnh thổ. Để đạt đươc mục đích này, người khảo sát phải đặc
biệt chú ý tới các hiện tượng khác lạ, trưước hết là các hiện tượng ngữ âm, của đối
tượng so với ngôn ngữ toàn dân và ngôn ngữ các vùng khác. Các hiện tượng khác
lạ có thể dễ dàng được phát hiện nhưng liệu chúng có phát lộ điều gì không?
Nhiệm vụ thứ hai của nhà phương ngữ học là bóc tách được các “lớp trầm tích” ẩn
trong mỗi hiện tượng khác lạ của tiếng địa phương. “Nói khác đi ta phải giải thích
được sự khác nhau này do đâu mà có, nó sẽ gây ảnh hưởng gì trong phương ngữ đã
chọn, nó sẽ mất đi hay phát triển, nó là tích cực hay tiêu cực đối với lịch sử ngôn
ngữ” [4, tr. 78].
Trong bài viết này, chúng tôi chỉ tập trung vào nhiệm vụ thứ hai, nhiệm vụ
tìm ra bản chất và nguyên nhân của sự tồn tại của một âm vị tiếng Việt hiện đại, đó
là phụ âm / v /, qua việc nghiên cứu điền dã “đại trà” tiếng Thanh Hóa và điền dã
trọng điểm một đảo thổ ngữ của phương ngữ này, tiếng của một làng, làng Vĩnh Gia
thuộc xã Hoằng Phượng, huyện Hoằng Hóa [16, 17]. Vĩnh gia (làng Chùa, Chùa
Gia) là một làng có lịch sử lâu đời, được sử sách ghi nhân: “Thời Lý gọi là Cổ Đô xã,
rồi Cõi khu, làng Cuội; đầu thời Nguyễn có tên gọi thôn Vĩnh gia” [1, tr.87]. Làng
nằm sát bên sông Mã, sát con đường thiên lí cổ xưa, cách di chỉ khảo cổ nổi tiếng
Núi Đọ bên kia sông khoảng 2km. Hiện dân số của làng gần 4000 người với nghề
làm ruộng là chính. Theo các tài liệu địa phương, tiếng nói của làng thuộc một trong
3 vùng của tiếng Hoằng Hóa. Đây là vùng “có sự trôi dạt của các thổ ngữ”, còn “dấu
vết cổ xưa của ngôn ngữ Việt”, [7, tr. 73].
Tuy đối tượng, phạm vi nghiên cứu điền dã của chúng tôi có thể là chưa rộng
lớn nhưng những gì mà nó đang sở hữu cũng cung cấp cho ngữ âm lịch sử nhiều
chứng tích quan trọng. Thiết nghĩ, không nên bỏ qua chúng vì “Những điều hôm
nay chúng ta còn thấy chỉ ít năm nữa sẽ không còn nữa. Lúc đó dù có dùng phương

[テキストを入力]
2 Phát âm tiếng Việt

pháp phục nguyên để có được, thì chúng ta cũng chỉ đứng trước những giả thiết, và
sẽ vứt bỏ rất nhiều tư liệu quý giá” [4, tr. 55].

2. Quay trở lại với vấn đề mà bài này đặt ra: quá khứ của phụ âm / v / trong
tiếng Việt hiện đại.
Hiện nay, / v / là một phụ âm đầu được phân xuất bởi các tiêu chí xát, hữu
thanh, môi [18, tr. 163] nhưng được hình thành từ các nguồn khác nhau trong quá
khứ. Kể từ công trình đầu tiên về ngữ âm lịch sử tiếng Việt cách đây đúng 100 năm
của H. Maspéro cho đến những công trình gần đây nhất, tuyệt đại đa số các nhà
nghiên cứu, trong nước cũng như ngoài nước, đều có kết luận ràng âm vị / v / “xuất
thân” từ ba nguồn khác nhau và mãi đến sau thế kỉ 17 mới dần dần hòa làm một.
Nguồn thứ nhất là từ */ v /, nguồn thứ hai là từ */w/, nguồn thứ ba là từ */ p / và
*/ b / của giai đoạn Proto Việt-Chứt, cách nay trên 4000 năm [3, 58 - 62]. (Dấu
hoa thị ở đây dùng để chỉ dạng tái lập âm vị hay tiền ngôn ngữ).
Một trong ba nguồn này vẫn còn được bảo tồn trong tiếng VG, đó là / b /.
Chúng tôi đã tìm được các từ vả, véo, vốc (loại từ, ví dụ một vốc), vũng
(nước),vanh/vành (ra), víu và một từ gốc Hán là vái được toàn bộ cư dân VG phát
âm là bả, béo/bẹo/bẻo, bốc, bổng, banh/bành, bíu và bái. Có một điều thú vị là
qua từbả ~ vả của tiếng VG, có thể thấy thêm chứng tích từ vựng lịch sử. Trong
tiếng Việt toàn dân, các từ vả, tát là khác nhau ở những nét nghĩa cụ thể (không
thể nói Tát vào miệng, Vả vào má… ) nhưng trong tiếng VG, từ bả là chung cho cả
hai. Ở địa phương này cách nói Bả cho một cấy, Bả vô mặt, Bả đuòm đuọp… mới là
“thuần”. còn tát chỉ là cách nói mới. Nhân đây chúng tôi mạo muội cho rằng có một
từ bả rất hiện đại (bả ma tít, sơn bả) cũng phái sinh từ từ bả “truyền thống” này.
Vấn đề quá khứ của “v” tưởng như có thể khép lại một cách không một chút
hoài nghi với 3 dạng tiền thân là “v, w, p (và b)”. Thế nhưng, khi khảo sát tiếng địa
phương VG và Thanh Hóa, chúng tôi thực sự bất ngờ khi thấy từ (bức) vách được
phát âm là (bức) mách. Đây là một trường hợp ngẫu nhiên, ngoại lệ hay là còn
cónguồn thứ tư chưa được ai nói đến của phụ âm / v / hiện đại? Sau khi bị “đánh
thức” bởi mách chúng tôi tập trung “săn lùng” các từ có biến đổi tương tự. Kết quả
là, ngoài vách trong tiếng địa phương này có khá nhiều từ còn lưu giữ hình thức
phát âm “m”. Đó là các từ như vú, vấu (phần nhô lên của thân, cành cây hay đồ vật,
ví dụ: vấu tre), vếu (váo), vân vê (“Vê đi vê lại một cách nhẹ nhàng”, vầy vò
(“dùng tay quyấy hoặc vò đảo lung tung” [11, tr. 1410, 1414]). Những từ này, cho
đến hiện nay vẫn được người VG phát âm là mú, mấu, mân (mê), mếu (máo),
mằn (mò). Có một lưu ý là từ vấu trong ngôn ngữ toàn dân vẫn tồn tại bên
cạnh mấu. Tương tự như vậy, bên cạnh vân vê vẫn còn mân mê; bên cạnh vếu váo,
vày vò / vầy vò vẫn còn mày mò / mầy mò. Hiện tượng các biểu hiện địa phương

[テキストを入力]
3 Phát âm tiếng Việt

hay lịch sử song song tồn tại với hình thức của ngôn ngữ toàn dân là hết sức bình
thường, như một nguồn để làm giàu đẹp thêm ngôn ngữ dân tộc. Chính vì vậy “…
những điểm mạnh của từng phương ngữ có thể góp phần vào ngôn ngữ toàn dân,
cũng như để giúp cho các phương ngữ nhích lại ngôn ngữ toàn dân theo con đường
ngắn nhất, phù hợp với cấu trúc nội bộ của từng phương ngữ” [4, tr. 55]. Chúng ta
thử lấy một ví dụ: từ chi của phương ngữ Trung tưởng không được dùng được dùng
trong ngôn ngữ toàn dân nữa nhưng nó vẫn được bảo lưu để có lúc tỏa sáng (ví
dụ, Người đâu gặp gỡ làm chi, Trăm năm biết có duyên gì đây chăng – Kiều).
Các từ nêu trên ở đảo thổ ngữ chúng tôi đang khảo sát chỉ có duy nhất một
cách phát âm bằng phụ âm đầu “m” chứ không phải “v” (trừ khi người nói, nhất là
lớp trẻ, có ý định nói theo “tiếng phổ thông” – cách dùng từ của cư dân VG). Xin nói
thêm rằng, trong từ mằn mò (các tiếng địa phương miền Trung không phải Thanh
Hóa có cách phát âm là mần mò) có tiếng mằn vốn là một từ đơn tương đương
với làm của ngôn ngữ toàn dân. Từ mằn hay mần chuyển đổi thành vày hay vầy có
vẻ “phi lý” ở âm chính và âm cuối. Đây là một “câu chuyện dài” nhưng có thật, cần
nhiều thời gian mới kể hết.
Việc coi / v / có thêm một quá khứ là / m / không có gì quá đặc biệt nếu nhìn
từ các nguyên lý ngữ âm học: cả hai đều có cấu âm môi, cùng tiêu chí thanh tính.
Qua đây, thiết nghĩ cần bổ sung vào quy luật xát hóa đều đặn các âm tắc mà nhiều
người đi trước đã nêu, rằng: Trong lịch sử phát triển tiếng Việt đã diễn ra quá trình
xát hóa các âm tắc, kể cả âm tắc – mũi. Cũng xin nói thêm rằng nếu coi “m” ngang
bằng với “v” trong hệ quả biến đổi của “b”, ví dụ: pu > vú (mú), thì e rằng chưa
sát với thực tế [14, tr. 122]
Mở rộng phạm vi khảo sát, chúng tôi kiểm chứng được đề xuất của mình về
diễn biến “m” > “v” như sau.
- Quốc âm thi tập, Nguyễn Trãi, thế kỉ XV dùng cụm mấu ấu để chỉ gai ấu: Áo
quang mấu ấu cá nên bầy [13, tr. 205]
- Từ điển Việt - Bồ – La, A. de Rhodes (1651) có mục từ man, một man, hai
man với chú giải là mười ngàn, hai mươi ngàn [12, tr. 145]. Rõ ràng man ở đây
dùng để ghi vạn.
- Tự vị An Nam – La tinh, P. P. de Béhaine (1772-1773): roi mót = roi nhỏ,
đánh đòn; roi = cũng nói roi vọt [2, tr. 403]. Dẫn lại từ roi mót, Nguyễn Ngọc San
và Đinh Văn Thiện giải thích là “ roi vót nhọn” [13, tr. 210]. Chúng tôi cho rằng mót
tương ứng với vót. Từ điển này còn có các mục từ mún – vụn vặt, mảy mún – rất
vụn vặt, măm mún - cách vụn vặt, một mún – một mảy, hạt bụi, [12. 304]. Có thể
nghĩ tới một khả năng là “mún” ở đây tương ứng với “vụn”, “mùn” ngày nay (Từ
điển tiếng Việt do Hoàng Phê chủ biên, bản in năm 2009 – từ đây gọi tắt là Từ điển
Hoàng Phê, vẫn cò giải thích mùn cưa là “vụn gỗ nhỏ rơi ra khi cưa” [11, tr.834].

[テキストを入力]
4 Phát âm tiếng Việt

- Thơ Hồ Xuân Hương, thế kỷ XVIII: Xin đừng mân mó nhựa ra tay.
- Đại Nam Quố âm tự vị, Huỳnh Tịnh Của (1895) thu thập một dãy từ có sự
tương ứng “m – v’’: mằn = sờ, tìm kiếm một vật; mằn mò; tằn mằn; mằn sửa – lấy
tay mà sửa … [theo 13, tr.203].
- Việt Nam tự điển, Hội Khai trí tiến đức (1931): mân = động tay vào việc hay
sự vật, sờ sẫm. [13, tr. 204].
- Từ điển Hoàng Phê (2009): ngoài các cặp đối ứng “v” – “m” như trên đã nêu
còn thu thập thêm cặp đói veo – đói meo [11, tr.1416]
- Cứ liệu chữ Nôm: Chúng tôi không rành về văn tự Nôm nên đã nhờ đến sự
giúp đỡ của nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ. Ông cho biết có khá nhiều chữ trong
đó có bộ phận biểu âm “v” được lấy từ “m” Hán Việt. Ví dụ: dùng chữ manh để ghi
từ vành, dùng mãi + phách để ghi vía, dùng thủ + mỗ để ghi vỗ… Một câu hỏi
được đặt ra là âm Hán Việt cũng có “v”, tại sao người ta không dùng những chữ có
có nó để ghi “v” Việt cho tiện (kiểu như vây, vẹt, vắng… Việt được ghi bằng vi, việt,
vịnh Hán Việt) mà còn dùng đến “m”? Câu trả lời chỉ có thể là vào thời điểm đặt chữ
Nôm để ghi các từ kia thì chúng vẫn còn hình thức âm đầu là “m” chứ chưa trở
thành “v”. Tương tự như vậy, rất nhiều từ có “v” Việt đã được ghi bằng “ b” Hán Việt,
chẳng hạn vây (cá), vén (áo) được ghi bằng bi + ngư, thủ + bạn, phản ánh sự
tương ứng “b” – “v” trong quá khứ.
Phật thuyết đại báo phụ mẫu ân trọng kính, một văn bản Nôm thuộc loại cổ
nhất (thế kỉ 11 – 12) nêu 2 trường hợp vô cùng quý giá cho việc phục nguyên của
chúng tôi. Đó là, vào giai đoạn Proto Việt-Mường, hình thức của từ vẫn còn song tiết
(hay bán song tiết/cận song tiết) với mô hình CvCVC. Phật thuyết (…) thể hiện hết
sức rành mạch mô hình này, trong đó có 2 từ liên quan đến “v” ngày nay: đa-mai :
vai, đa-mê: về [theo 9, tr. 235]. Đến đây sự hoài nghi về một quá khứ “m”của “v”
gần như hết.
- Cứ liệu tiếng Hán: Chúng ta đã biết rằng trong quá trình lâu dài của lịch sử,
tiếng Việt chịu ảnh hưởng rất nhiều từ tiếng Hán. Một hiện tượng nào đó của tiếng
Hán có thể cũng sẽ chuyển hóa vào tiếng Việt. Ở đây chúng tôi muốn nói đến
trường hợp các cặp từ gốc Hán, vừa có “m”, vừa có “v” cùng tồn tại trong tiếng Việt.
Ví dụ: như mùi – vị, mùa – vụ, múa – vũ, mây – vân… Theo Vũ Đức Nghiệu (2011),
đã xảy ra quá trình phân đôi của M tiếng Hán thượng cổ thành M và V tiếng Hán
trung cổ [9, tr. 160]. Từ cứ liệu này chúng tôi nghĩ rằng “v” Việt hiện nay có một
dạng xa xưa là “m” thì cũng không có gì là khó hiểu.
- Cứ liệu các ngôn ngữ cùng gốc:
Có một điều hơi khó giải thích là nguồn phương ngữ, nguồn chữ Nôm, nguồn
từ điển … đều cho thấy sự bảo lưu của “m” trước khi trở thành “v” Việt nhưng cứ liệu
tiếng Mường lại không ghi nhận rõ rệt một trường hợp nào. Trong từ điển Mường –

[テキストを入力]
5 Phát âm tiếng Việt

Việt do Nguyễn Văn Khang làm chủ biên (2002) [8] chỉ duy nhất có từ mùa để
chỉ vụ, như trong tiếng Việt. Trong các bảng đối chiếu Việt – Mường, Việt – Pọng,
Chứt của Nguyễn Tài Cẩn cũng vắng bóng các từ cần phục nguyên [3, tr. 71-77].
Sự “đứt quãng” này trong tiếng Mường có thể giải thích bằng áp lực: xu thế mạnh
mẽ của “p, b” đã kéo theo nguồn “m” ở một số từ “tự nhập làn” vào chúng. Tình
hình này tương tự như sự biến mất của “v” Proto Việt-Chứt ở giai đoạn liền sau.
Nguyễn Tài Cẩn cho rằng chính “w” Hán đã đồng hóa nó [3, tr.60]. Cũng có thể ở
thổ ngữ Mường nào đó vẫn còn tương ứng “m” Mường ~ “v” Việt mà chúng ta chưa
điều tra tới.
Tình hình trở nên phức tạp hơn khi các nhà ngữ âm lịch sử phát hiện có sự
tương ứng ngược với điều chúng tôi nói ở trên. Đó là hiện tượng / v / hay / V / (một
âm hai môi gần với / v / ở nhiều thổ ngũ Mường (Mường Vang, Mường Sơri, Mường
Rặc…) tương ứng với / m / Việt [3, tr. 21, 34]. Vậy, phải chăng */ m / của Proto
Việt-Chứt, Proto Môn-Khmer đã có sự chia đôi: Mường thành / v / còn Việt vẫn là /
m / hay là còn quá trình nào khác? Chúng tôi thiên về kiến giải thứ hai, tức là hiện
tượng “ngược” này không phải là ngược mà là sản phẩm của hai quá trình khác
nhau:
+ Mường, do tiếp xúc yếu với Hán mà vẫn lưu giữ */ v / của thời Proto
Việt-Chứt, không xảy ra sự “đứt đoạn” như Nguyễn Tài Cẩn đã nêu.
+ Việt, do tiếp xúc mạnh với Hán mà:
○ Số có tiền thân là */ v / bị đồng quy thành */ w /để rồi lại thành / v / (ví
dụ: váy, vịt, vòi , voi…);
○ Số có tiền thân là */ m / (giống như Hán) tiếp tục tồn tại cho đến tận ngày
nay trong lúc ở địa bàn tiếp xúc mạnh hơn đã bị xát hóa thành / v / (ví
dụ:mách/vách, mú/vú, mấu/vấu…). Diễn biến này tương tự quy luật phân đôi của
“m” tiếng Hán thượng cổ.
Trở lại vấn đề có */ m / hay không đối với “v” hiện đại trong các ngôn ngữ cùng
nguồn gốc? Trần Trí Dõi (2011) đã cung cấp nhiều ngữ liệu khiến chúng tôi vững
tâm hơn với đề xuất của mình. Một cách rất công phu, ông đã xây dựng một bảng
đối chiếu các ngôn ngữ song tiết (Arem, Rục, Thà Vựng…) với các ngôn ngữ đơn tiết
(Việt, Mường) nhằm làm sáng tỏ quy luật xát hóa [5, tr. 338 – 340]. Trong bảng
này, dấu tích “m” ở nhóm song tiết để sau này thành “p” Mường và “v” Việt là rất
rõ. Ví dụ: / təmbəp / > vấp, / kəmpi / > vi (cá), / tumpa / > vả (tát)…
Chúng tôi nghĩ rằng, thông thường, từ kiểu phụ âm “mp, mb” các nét khu biệt “-p”
được tăng cường để trở thành “p, b” rồi thành “v” nhưng vẫn có thể có trường hợp
các nét khu biệt “m-” lấn át ‘-p” để chỉ còn “m” và ở địa bàn náo đó nó tiếp tục được
duy trì cùng với “v”. Sự tồn tại của các cặp mách ~ vách, mú ~ vú, mấu ~ vấu…
hiện nay, do đó, rất có thể là sản phẩm của hai cách biến đổi đó. Chúng tôi có tham

[テキストを入力]
6 Phát âm tiếng Việt

vấn Trần Trí Dõi về khả năng “rụng trước, rụng sau” của các phụ âm cổ và cũng
được chuyên gia này tán đồng.
- Thành tựu của người đi trước:
Như trên dã trình bày, chưa một ai nói đến sự biến đổi “m” > “v”. Tuy vậy, đề
xuất của chúng tôi có thể được chia sẻ bởi G. Diffloth. Theo Nguyễn Tài Cẩn, tác giả
này xác định từ vả thời Proto Môn-Khmer vốn có dạng / *tm – păh / [3, tr. 62]. Do
vậy, ngày nay nếu ta gặp những từ ngữ có “m” trong tiếng Khmer Campuchia, một
“hậu duệ” trực tiếp của Môn-Khmer, mà tương ứng với “v” tiếng Việt (như tôsma –
vỗ vai, rumchâl – vần (chuyển)…), thì cũng không có gì là khó giải thích.
Tóm lại. bằng các cứ liệu trên đây không thể không khẳng định có quá trình
chuyển di từ */ m / sang / v / trong tiếng Việt. Nói chính xác hơn, / v / tiếng Việt
hiện nay còn có một hình thức tiền thân là */ m / ở giai đoạn Proto Việt-Mường
hoặc xa hơn nữa.
3. Sự việc không dừng lại ở nguồn gốc thứ tư. Trong quá trình khảo sát tiếng
VG và Thanh Hóa, chúng tôi còn phát hiện một số không nhỏ các trường hợp có thể
liên quan tới một nguồn gốc khác nữa của âm / v / tiếng Việt hiện đại. Đầu tiên là
từ vệ chỉ “phần đất làm thành rìa, mép – vệ sông, vệ đường, ngồi bệt xuống vệ
cỏ[11, tr. 1418] được cư dân VG phát âm là dệ, chính xác là dêẹ (nguyên âm
chuyển sắc / eɛ /). Từ thứ hai là vê (dùng đầu ngón tay xoay tròn, vo tròn vật nào
đó: vê điếu thuốc) được phát âm là dê (thuốc dê). Từ thứ ba khiến chúng tôi nghĩ
rằng sự tương ứng giữa “v” toàn dân với “d” VG là mang tính quy luật chứ không
phải trường hợp ngẫu nhiên là từ vẩy (vẩy nước, vẩy rau…). Từ này trong tiếng VG
có hình thức là dảy, thậm chí là dẳn. Từ thứ tư là vạch. Vạch (tạo thành đường nét)
được phát âm là dạch (ví dụ, dạch một đường xuống cát) . Từ thứ năm thể hiện xu
hướng “d” > “v” là từ vập (vập đầu). Người VG phát âm từ này là dặp, ví dụ Dặp
mặt vô tường, Bổ dặp mặt xuống đất. Tiếp tục tìm tòi, chúng tôi còn thấy một vài
cặp tương ứng như vẻo (đất) – dẻo (đất), vẹo – dẹo, vươn (cổ) – dướn (cổ), vểnh
(tai) – dảnh tai… Cần phải nói thêm rằng, cũng như trên, có thể trong ngôn ngữ
toàn dân vẫn tồn tại song song hai biến thể / v / và / ʐ / hay / z / (có tự dạng trong
từ điển là “r” – rệ, rê, rẩy, rạch hay “d” - dập) nhưng ở VG (và nhiều nơi khác của
Thanh Hóa) chỉ có / z /. Cách nói vệ đường, vê thuốc, vẩy nước, vạch một đường,
vập đầu, vươn cổ… được cư dân ở đây cho là “tiếng phổ thông”.
Với loạt ngữ liệu tiếng địa phương như trên, chúng ta buộc phải nghĩ
tới nguồn thú năm của âm “v” hiện đại. Phải chăng còn có quá trình biến đổi từ /
ʐ hay z / sang / v / hiện đại? Nhưng trước hết phải cần phải nói thêm về 2 âm /
ʐ / và / z /. Trên đại thể, phương ngữ Bắc và Thanh Hóa đã không còn phát âm
quặt lưỡi / ʐ / nhưng Phương ngữ Trung, Nam vẫn duy trì sự đối lập / z / - / ʐ /. Vậy,

[テキストを入力]
7 Phát âm tiếng Việt

tiền thân của / v / là 1 hay cả 2? Chúng tôi nhờ vào sự “phân xử” của Từ điển Hoàng
Phê:
TỪ ĐỊA PHƯƠNGTỪ TRONG TỪ ĐIỂN
dệ rệ ~ vệ
dê rê ~ vê
dảy rảy/rẩy ~ vảy/vẩy
dẻo (đất) rẻo ~ vẻo
dướn rướn / dướn ~ vươn
- rớ ~ vớ (lấy)
dạch rạch ~ vạch
dẻ rẽ ~ vẽ (gỡ, vẽ cá, vẽ ngô)
vớ (lấy) rớ ~ vớ
- dật dờ ~ vật vờ
dảnh (tai) dảnh ~ vểnh
- vóc dạc ~ vóc vạc

Qua cách viết dành ưu tiên cho “r”, chúng tôi cho rằng chính / ʐ / là tiền thân
của “v", còn / z / (chữ viết là “d”) chỉ là biến thể của nó. Theo Nguyễn Tài Cẩn thì
“r” đã có trong tiếng Hán thượng cổ (vd: rây, rầu, rưới > sư, sầu, sái) cũng như
trong Proto Việt-Chứt (vd: *mərɔj > ruồi, *riɛs > rễ) và được duy trì cho tới tận
ngày nay [3, tr. 119]. Trong lúc đó, như trên đã nói, “v” là âm có sau do quá trình
xát hóa các âm tắc tiền thân mà ra mà ra. Quá trình này, theo Vũ Đức Nghiệu, đến
thế kỉ 17 (Từ điển Việt – Bồ – La), vẫn chưa hoàn tất [9, tr.318]. Cần phải làm rõ
hơn một chút tình hình phát âm “v” ở các phương ngữ . Các từ nêu trên ở Thanh Hóa
được phát âm là “d” đối với âm đầu nên phải chăng đây chỉ là biến thể hiện đại: “v”
được địa phương phát âm “d” giống như phương ngữ Nam (vd: về, vô → dề, dô –
viết giản lược)? Tuyệt nhiên không phải là như vậy. Ở Thanh Hóa, ngoài những từ
nêu trên, còn lại “v” vẫn là “v” . Còn ở phương ngữ Nam, tuyệt đại đa số “v” đều là
“d”: vay – day, vốn – dốn, vừa – dừa, ven – den… nhưng các từ đang phục nguyên
có dạng tương ứng “v” ~ “r” và tất cả các từ chỉ có “r” khác vẫn được phát âm là “r”.
Như vậy, khả năng “v” ~ “r” là biến thể thuần ngữ âm đương đại đã bị loại trừ.
Để chắc chắn hơn, chúng tôi cũng rà soát lại hiện tượng “v” ~ “r” qua các
nguồn tư liệu khác:
- Quốc âm thi tập có dùng từ dắng dỏi: Dắng dỏi cầm ve lầu tịch dương, Dắng
dỏi bên tai tiếng quản huyền. Nguyễn Ngọc San và Đinh Văn Thiện chú làvăng vẳng.
Chúng tôi nghĩ ở đây có sự tương ứng giữa dắng và vẳng.
- Truyền kỳ mạn lục cũng dùng từ dắng dỏi theo nghĩa trên: nghe tiếng khóc
dắng dỏi từ xa hầu đến gần [theo 13, tr.86]

[テキストを入力]
8 Phát âm tiếng Việt

- Từ điển Việt – Bồ – La có mục từ Rảy áo: phủi áo, rảy áo, giũ áo. Giú áo cùng
một nghĩa. Chúng tôi nghĩ rảy chính là vảy, vẩy ngày nay.
- Tự vị An Nam – La tinh thu thập một loạt từ ngữ có sự tương ứng “r’’~
“v”: rạch (đàng), rảy nước, thuốc rê, rẽ (cá, thịt, ngô)…
- Từ điển phương ngữ tiếng Việt [6] cung cấp đa phần các trường hợp “r” địa
phương miền Trung tương ứng với “v” toàn dân mà Từ điển Hoàng Phê đã thu
thập. Ngoài ra còn có rạng ~ vắng, rân ~ vang và 4 trường hợp ghi là “d” như sau:
+ Dẹo: vẹo, xiêu vẹo. Riêng từ này còn biến thể là trẹo lệch. Có thể coi đây là
trường hợp cá biệt hoặc là một hiện tượng khác – sự tương ứng giữa “tr” và “d” .
Trong ngôn ngữ toàn dân nó chỉ còn nghĩa là “trẹo khớp” chứ không có nghĩa chung
là “vẹo, lệch, xiêu”.
+ Dảnh: vểnh – dảnh tai lên mà nghe mệ la. Dảnh râu tự đắc.
+ Dật dờ: “lúc tỉnh lúc mê”. Từ điển Hoàng Phê xác định đây là hình thức phụ
của từ vật vờ.
+ Dò dò, dồ dồ, vồ vồ: (con) tò vò
- Những cứ liệu khác: So với sự tương ứng “m” ~ “v” thì cặp “r” ~ “v” ít dẫn
chứng hơn hẳn ở nguồn Hán Nôm và các ngôn ngữ thân thuộc (có thể đó là một
thực tế nhưng vẫn có thể do hạn chế của chúng tôi ở các lĩnh vự này). Về nguồn Hán,
trong danh sách 288 từ Hán cổ mà Lý Lạc Nghị (1998) cung cấp có một từ trực tiếp
mang “r” là từ rảy (nước) [xem 9, tr. 158]. Ngày nay rảy chỉ còn ở phương ngữ còn
trong ngôn ngữ toàn dân đã là vảy/vẩy. Tuy chỉ có một trường hợp đó nhưng nó rất
có giá trị để minh chứng cho việc phục nguyên “v”. Về văn bản Nôm, tạm thời
chúng tôi mới thấy trường hợp dắng dỏi trong Quốc âm thi tập và Truyền kì mạn lục.
Tình trạng ít cứ liệu Hán Nôm có thể được lí giải rằng tuyệt đại đa số các từ có “r”
âm đầu là từ “phi Hán Việt” mà Hán Việt lại không có “r”. Từ đó việc dùng âm –
chữ Hán Việt để phiên chú từ Việt hay để cấu tạo chữ Nôm có “r” trở nên rất phức
tạp. Theo tư liệu chưa công bố của Nguyễn Hùng Vĩ, trong Từ điển chữ Nôm (NXB
Giáo dục, 2006) người ta dùng các “bộ” có L (46,9%), có D/GI (18%), có Đ
(7,89%) và có TR, T, CH, K và X (số lượng ít hơn các bộ kia) để ghi lại những từ
chứa R. Việc tìm dấu vết của “v” từ cách phiên chú bằng Hán Việt hay cấu tạo chữ
Nôm đối với “r”, do đó, là rất khó và cần phải tiếp tục ở mức độ sâu hơn. Hơn nữa,
như đã biết, “v” là phụ âm đầu mới được đồng quy từ các nguồn khác nhau vào sau
thế kỉ 17 nên càng khó tìm. Tuy nhiên, vẫn có thể kiểm chứng gián tiếp hiện tượng
này: nếu ta mặc định “v” có một quá khứ là “r” mà Hán Việt lại không có R thì chữ
Nôm phải dùng hình thức nào đó của R để viết “v”. Thạc sỹ Phan Thu Hiền, một
đồng nghiệp của chúng tôi, đã giúp “gỡ rối” việc này. Cô tra cứu, cung cấp cho
chúng tôi nhiều trường hợp chữ Nôm chứa “v, r” cùng có cách ghi chungbằng L,
D. Ví dụ: vảy = dĩ, vạch = thiên + dịch, vai = nhục + lai, vẹo = oai + diệu; rẩy =

[テキストを入力]
9 Phát âm tiếng Việt

lễ / dĩ, rạch = thủ + lịch, rê = khẩu + di / lê… Qua đây chúng ta hiểu nếu từ việc nếu
được ghi bằng dĩ thì cũng nằm trong quy luật chứ không phải là lệ ngoại [3, tr.59].
Tóm lại. cũng như hiện tượng “v” ~ “m” ở trên, giới ngữ âm lịch sử chưa bao
giờ nói đến một dạng thức */ r / như một tiền thân của / v / tiếng Việt hiện đại.
Nhưng qua sự khảo sát tiếng địa phương và kiểm chứng với các tư liệu liên quan
chúng tôi đề xuất thêm nguồn gốc thứ 5 của / v / tiếng Việt hiện đại là */ ʐ / của
giai đoạn Proto Việt- Mường hoặc xa hơn nữa.
4. Vẫn còn một hiện tượng khiến chúng tôi nghĩ tới một tiền thân khác của phụ
âm / v /. Đó là, ở tiếng VG và Thanh Hóa, một số từ có “v” được phát âm là / k /
trong bối cảnh đi với âm đệm / -w / (chữ viết là “qu”): quây ~ vây, quần (chắc) ~
vần (nhau), quén (áo) ~ vén áo, quảy (đuôi) ~ vẫy (đuôi). Tuy chỉ thu thập được
vài từ trong tiếng địa phương VG nhưng chúng tôi không nghĩ đây ngoại lệ. Mở rộng
diện điều tra qua các nguồn cứ liệu khác chúng tôi thấy đây là một quy luật biến đổi
có thật. Cụ thể như sau:
- Trong các văn bản Nôm chúng tôi chỉ tìm ra được 2 trường hợp có thể là sự
tương ứng “q” ~ “v”, đó là quạnh, quạnh quẽ. Các chú giải cho 2 từ này, kể cả trong
từ điển hiện đại đều là vắng, vắng vẻ hay một dạng ghép là quạnh vắng.
Trong Quốc âm thi tập có 2 lần quạnh xuất hiện (Câu quạnh cày nhàn dưỡng mỗ
thân, Am quạnh thiên hương đọc ngũ kinh). Truyền kỳ mạn lục có câu Giấu hận cũ
ở nơi không quạnh. Trong Kiều lại có Song trăng quạnh quẽ vách mưa rã rời… [theo
13, tr.268]
- Từ điển Việt – Bồ – La có thu thập một từ là quêy, đuỏi: đánh đuổi, đánh lui.
Có lẽ từ này là quây ~ vây. Đến Tự vị An nam – La tinh thì tình hình đã khác hẳn.
Trong từ điển này chúng tôi tìm thấy chứng tích rõ ràng của sự tương ứng “q” ~
“v”: vun quén = vun vén, quẩn = vẩn, vẩn chơn = quẩn chân, quầng (sáng) = vầng
sáng, quạnh vắng = quạnh quẽ, quén áo = vén áo, quét vén = quét (chúng tôi nghĩ
đây là trường hợp ghép đẳng lập - “quét quén” > “quét vén”, thậm chí nghĩ rằng
hai từ gần âm gần nghĩa “quét” và “vét” cũng nằm trong sự tương ứng này).
- Cứ liệu phương ngữ mở rộng cũng cho thấy quy luật tương tự. Trong Từ điển
Phạm Văn Hảo [6] ít nhất các trường hợp sau được ghi nhận: quải = rải (trong
lúc rải tương ứng với vãi, VG thậm chí là vản, vản mạ), quén = vén, quén = vun
quén, thu gon, vun gọn (“vun quén” có dạng tương đương là “vun vén”), quẹo =
vẹo, ngoẹo, quẹo quọ = vẹo vọ, quơ = vơ.
- Cứ liệu các ngôn ngữ thân thuộc:
Nhiều cặp tương ứng “q” ~ “v” cũng xuất hiện trong cứ liệu Mường. Từ điển
Mường Việt có khường quac = khuân vác, quac cui = vác củi, quái =
quải(“vãi”), quái mã = gieo mạ (“vãi mạ”, “vản mạ”). Chúng tôi kiểm tra lại tình
hình ở các thổ ngữ Mường và thấy có 10 địa bàn còn bảo lưu các phụ âm gốc lưỡi

[テキストを入力]
10 Phát âm tiếng Việt

(kw, gw, g) tương ứng với “v” của tiếng Việt nhưng đã bị các nhà phục nguyên bỏ
qua [xem 3 tr. 70]. Xin nói thêm rằng, hiện tượng này lại rơi vào các từ rất thường
dùng mỗi khi cần tái lập “v”: váy, vắt (khô),về, vịt, vòi, voi, việc, võng. Dấu vết của
“k” cũng xuất hiện rất nhiều trong bảng đối chiếu tiểu nhóm song tiết và đơn tiết
Việt Mường của Trần Trí Dõi, ví dụ: kpuul, kupur ~ vôi, kpeh > vẩy, kupal > vải…
[xem 5, tr.338].
Cứ liệu trong tiếng Khmer Campuchia ngày nay cũng gợi cho chúng tôi về một
quá khứ “k” của “v” Việt từ thời xa hơn nữa so với Proto Việt-Mường. Chẳng
hạn:kpăs = vảy, kbên = quấn, vấn, bện (ví dụ của Nguyễn Ngọc San, [14] và Phan
Ngọc, [10]), kvơ = vơ, kvich kvo = vẹo vọ, krolo = vò (nắm)...
- Cứ liệu Hán Nôm:
Khi gặp từ Việt có âm đầu “q” thì cách viết Nôm thông thường là dùng các bộ
chứa “Q” của Hán như quỳnh, quần, quyển… Tuy nhiên, đôi khi người ta lại dùng
“V” Hán để viết. Nguyễn Hùng Vĩ và Phan Thu Hiền đã cung cấp cho chúng tôi
những “tự liệu” rất có giá trị: quẩn có cách viết là quần nhưng cũng có cách viết
làvận, quầng được viết bằng vựng, quấn có cách viết bằng vấn… Những trường
hợp này rõ ràng biểu thị tình trạng “sóng đôi” của “q” và “v”.
Liên hệ tới tiếng Hán, chúng tôi thấy nếu “v” Việt ngày nay có một hình thức
tiền thân là “q” hay một phụ âm gốc lưỡi nào đó thì cũng dễ hiểu. Bởi vì ngay trong
tiếng Hán thượng cổ, “trước Thiết vận đã có một hệ thống phụ âm tròn môi rất
phong phú…” [3, tr. 222]. Khi vào tiếng Việt diễn biến của */ kw / có thể là a) một
số từ rụng “k”, chỉ còn “w” để rồi trở thành “v” theo quy luật chung; b) một số khác
vẫn tiếp tục duy trì “kw” cho đến hiện đại. Lối tiến triển này kéo theo cả các
nguồn từ ngữ bản địa, đẫn đến tình trạng song song tồn tại cả hai dạng / kw / (qu)
và / v /.
Như vậy, qua những điều như vừa trình bày, có thể nói phụ âm / v /
còn nguồn gốc thứ 6, đó là */ kw / (“k” tròn môi).
5. Nhân thể chùng tôi đề nghị thêm nguồn thứ 7 của / v / không qua con
đường phương ngữ hay ngôn ngữ thân thuộc mà qua diễn biến của các từ gốc Hán
du nhập vào tiếng Việt. Từ gốc Hán vào tiếng Việt, nói một cách khái quát nhất,
được phân làm 3 loại là từ Hán cổ, từ Hán Việt và từ Hán Việt Việt hóa. Tuy nhiên
sự phân biệt này nhiều khi rất không rõ ràng, nhất là giữa loại thứ nhất và thứ ba,
giữa các nhà nghiên cứu, thậm chí ngay trong cùng một nhà nghiên cứu. Chẳng hạn
các từ vẽ, vả, ván… vừa có trong danh sách Hán cổ, vừa có trong danh sách Hán
Việt Việt hóa [xem 9, tr. 156, 164]. Điều này rất quan yếu cho công việc phục
nguyên bởi giữa Hán cổ và Hán Việt Việt hóa cách nhau có khi tới gần nghìn năm.
Sự có mặt của các cặp từ tương ứng như hòa ~ và, hoàn ~ vẹn, hoàn ~ viên,
họa ~ vạ, họa ~ vẽ, hoạch ~ vạch… buộc chúng tôi nghĩ tới một tiền thân nữa của

[テキストを入力]
11 Phát âm tiếng Việt

“v” tiếng Việt là / hw /. Nếu coi và, vẹn, viên, vạ, vẽ, vạch là các từ Hán Việt Việt
hóa (9, tr. 168) thì “tuổi đời” của “v” lâu nhất cũng chỉ hơn nghìn năm. Nhưng nếu
coi chúng là từ Hán cổ thì phải cộng thêm nhiều nhất là gần nghìn năm nữa cho nó.
Đây là việc đòi hỏi có sự nghiên cứu kĩ lưỡng hơn nữa. Có điều cần phải nói lại là
tiếng Hán thượng cổ đã có một hệ thống phụ âm tròn môi, trong đoa có cả */ hw /
và Proto Việt-Chứt cũng đã có */ h / [3, tr. 60, 100], Do vậy, hoàn toàn có thể tái
lập thêm một dạng tiền thân của / v / là */ hw /.
6. Quá trình hình thành và phát triển của một sự kiện ngôn ngữ là hết sức
phức tạp vì nó có thể xuất thân từ nhiều nguồn khác nhau, theo nhiều ngả đường
khác nhau và chịu ảnh hưởng của nhiều nhân tố khác nhau. Phụ âm đầu / v / trong
tiếng Việt hiện đại chính là một ví dụ diển hình. Trong kho từ chứa / v / hiện nay có
từ mang gốc Nam Đảo, có từ mang gốc Tày – Thái, phần nhiều mang gốc
Môn-Khmer (gần nhất là Việt-Mường), một số khác nảy sinh từ gốc Hán thượng cổ
[xem thêm 9, tr. 57 – 97]. Cụ thể là: một số đến thẳng từ nguồn */ v / , một số
khác đến từ */ w /, một số khác nữa đến từ */ p / và */ b /. Chúng tôi, xuất phát
từ nguồn ngữ liệu tiếng địa phương Vĩnh Gia và Thanh Hóa cộng với việc kiểm
chứng bằng các nguồn khác, đề nghi bổ sung thêm 4 dạng tiền thân của nó nữa là
*/ m /, */ ʐ /, */ kw / và / hw /. Riêng hai dạng cuối có thể đã diễn ra quá trình
“chuyển thành *w sau khi có sự tiếp xúc với tiếng Hán cổ đại”, như nhà ngữ âm lịch
sử lừng danh Nguyễn Tài Cẩn đã khái quát, để “nhập làn” */ w / > / v /. Việc xác
định niên đại chính xác hơn cũng như việc xếp quy luật cho 4 dạng tái lập bổ sung
cần đến các nhà nhiên cứu chuyên sâu hơn về lịch sử ngữ âm. Chúng tôi tạm thời
cho rằng chúng đã xuất hiện từ giai đoạn Proto Việt-Mường hoặc xa hơn nữa.
Để kết thúc, chúng tôi xin nêu thêm vài hiện tượng nhỏ lẻ. Đầu tiên là sự tương
ứng / ɣ , ɣw / ở nhiều thổ ngữ Mường với / v / Việt (đã nêu ở 4.). Sau đó là tương ứng
/ f / Hán với / v / Việt (ví dụ: phụ ~ vợ). Cuối cùng là kiểu vẹo ~ ngoẹo, ve vẩy ~
ngoe nguẩy. Chúng tôi nghĩ rằng có thể đây chỉ là diễn biến mang tính biến thể nội
bộ của các nhóm xét về phương diện vị trí cấu âm: “g” và “ng” cùng là gốc lưỡi với
“k”, “ph” và “p” cùng là môi (đó là chưa kể “ph” trước đây là “p” bật hơi / ph/. Vì vậy,
chúng tôi không đề xuất thêm một dạng tiền thân nào nữa của “v” ngoài 7 dạng
trên.

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN

1. Ban nghiên cứu và biên soạn lịch sử Thanh Hóa (2000), Tên làng xã Thanh Hóa,
tập 1, NXB Thanh Hóa.
2. Béhaine P. P de (1772-17730, Tự vị Annam Latinh, Hồng Nhuệ Nguyễn Khắc
Xuyên dịch và giới thiệu, NXB Tp Hồ Chí Minh, 1999.

[テキストを入力]
12 Phát âm tiếng Việt

3. Nguyễn Tài Cẩn (1995), Giáo trình lịch sử ngữ âm tiếng Việt – sơ thảo, NXB Giáo
dục.
4. Hoàng Thị Châu (2004), Phương ngữ học tiếng Việt, NXB Đại học Quốc gia Hà
Nội.
5. Trần Trí Dõi (2011), Một vài vấn đề nghiên cứu so sánh – lịch sử nhóm ngôn ngữ
Việt-Mường, NXB Đại học Quốc gia, Hà Nội.
6. Phạm Văn Hảo (chủ biên, 2009), Từ điển phương ngữ tiếng Việt, NXB Khoa học
Xã hội.
7. Huyện ủy và UBND huyện Hoằng Hóa (Ninh Viết Giao chủ biên, 1995), Dư địa chí
văn hóa Hoằng hóa, NXB Khoa học Xã hội.
8. Nguyễn Văn Khang (chủ biên, 2002), Từ điển Mường – Việt, NXB Văn hóa Dân
tộc.
9. Vũ Đức Nghiệu (2011), Lược khảo lịch sử từ vựng tiếng Việt, NXB Đại học Quốc
gia Hà Nội.
10. Phan Ngọc (1986), Một số từ Việt cùng gốc với từ Khơme trong Những vấn đề
ngôn ngữ học về các ngôn ngữ phương Đông, Viện Ngôn ngữ học, Ủy ban Khoa
học Xã hội Việt Nam.
11. Hoàng Phê (chủ biên), 2009), Từ điển tiếng Việt, NXB Đà Nẵng.
12. Rhodes A. de (1651), Từ điển Annam-Lusitan-Latinh (Việt – Bồ – La), NXB
Khoa học Xã hội, 1991.
13. Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện (2001), Từ điển từ Việt cổ, NXB Văn hóa
thông tin.
14. Nguyễn Ngọc San (2003), Tìm hiểu tiếng Việt lịch sử, NXB Đại học Sư phạm.
15. Taberd A J. L. (1838), Dictionarium Anamtico Latinum, NXB Văn học, 2004.
16. Đỗ Tiến Thắng (1988) Góp ý thêm về một ranh giới phương ngôn, Kỉ yếu Hội
thảo Khoa học Những vấn đề ngôn ngữ học, Khoa Ngữ văn, Đại học Tổng hợp
Hà Nội.
17. Đỗ Tiến Thắng (2009) Những chứng tích ngữ âm lịch sử trong đảo thổ ngữ Vĩnh
Gia, Hoằng Phượng, Hoằng Hóa, Thanh Hóa, Đề tài cấp Đại học Quốc gia Hà
Nội.
18. Đoàn Thiện Thuật (1977), Ngữ âm tiếng Việt, NXB Đại học và Trung học
Chuyên nghiệp.

[テキストを入力]

You might also like