You are on page 1of 2

Lực lượng của cách mạng giải phóng dân tộc bao gồm toàn dân tộc

Theo Hồ Chí Minh, cách mạng giải phóng dân tộc "Là việc chung cả dân chúng
chứ không phải việc một hai người". Người phân tích: "Dân tộc cách mệnh chưa
phân giai cấp, nghĩa là sĩ, nông, công, thương đều nhất trí chống lại cường
quyền". Trong lực lượng đó, công nông "là gốc cách mệnh", "là người chủ cách
mệnh"; "còn học trò, nhà buôn nhỏ, điền chủ nhỏ cũng bị tư bản áp bức, song
không cực khổ bằng công nông; 3 hạng ấy chỉ là bầu bạn cách mệnh của công
nông thôi"

Hồ Chí Minh đánh giá rất cao vai trò của nhân dân trong khởi nghĩa vũ trang.
Người coi sức mạnh vĩ đại và năng lực sáng tạo vô tận của quần chúng là then
chốt bảo đảm thắng lợi. Trong tác phẩm Đường Kách mệnh, Người phê phán
việc lấy ám sát cá nhân và bạo động non làm phương thức hành động. Người
khẳng định: "Dân khí mạnh thì quân lính nào, súng ống nào cũng không chống
lại"

Trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng, Người xác định lực lượng cách
mạng bao gồm toàn dân tộc: Đảng phải tập hợp đại bộ phận giai cấp công nhân,
tập hợp đại bộ phận nông dân và phải dựa vào hạng dân cày nghèo, lãnh đạo
nông dân làm cách mạng ruộng đất; lôi kéo tiểu tư sản, trí thức, trung nông... đi
vào phe vô sản giai cấp; đối với phú nông, trung tiểu địa chủ và tư bản Việt Nam
mà chưa rõ mặt phản cách mạng thì phải lợi dụng, chí ít là làm cho họ đứng trung
lập. Bộ phận nào đã ra mặt phản cách mạng (như Đảng Lập hiến) thì phải đánh
đổ.

Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ, Hồ Chí
Minh lấy nhân dân làm nguồn sức mạnh. Quan điểm "lấy dân làm gốc" xuyên
suốt quá trình chỉ đạo chiến tranh của Người. Người đặt niềm tin ở truyền thống
yêu nước nồng nàn của nhân dân Việt Nam. Người khẳng định: "Địch chiếm trời,
địch chiếm đất, nhưng chúng không làm sao chiếm được lòng nồng nàn yêu nước
của nhân dân ta".

Khi phát động cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp (tháng 12-
1946), Người kêu gọi toàn dân đánh giặc và đánh giặc bằng mọi vũ khí có trong
tay: "Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo,
đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp
để cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm
thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu
nước"

Kêu gọi toàn dân kháng chiến chống đế quốc Mỹ, Hồ Chí Minh khẳng định:
Chống Mỹ, cứu nước là nhiệm vụ thiêng liêng nhất của mọi người Việt Nam yêu
nước. "Cuộc kháng chiến của ta là toàn dân, thực sự là cuộc chiến tranh nhân
dân"3. "31 triệu đồng bào ta ở cả hai miền, bất kỳ già trẻ, gái trai, phải là 31 triệu
chiến sĩ anh dũng diệt Mỹ, cứu nước, quyết giành thắng lợi cuối cùng"4. Ngày 9-
4-1965, trả lời phóng viên báo Acahata (Nhật Bản) Hồ Chí Minh khẳng định,
trong thời đại chúng ta, một dân tộc đoàn kết chặt chẽ, đấu tranh kiên quyết, hoàn
toàn có thể đánh bại bọn đế quốc xâm lược hung hãn, gian ác và có nhiều vũ khí.

Xuất phát từ tương quan lực lượng lấy nhỏ đánh lớn, lấy ít địch nhiều, Hồ Chí
Minh không chủ trương tiến hành kiểu chiến tranh thông thường, chỉ dựa vào lực
lượng quân đội và tiến hành một số trận quyết tử với kẻ thù, mà chủ trương phát
động chiến tranh nhân dân.

Kháng chiến toàn dân gắn với kháng chiến toàn diện. Lực lượng toàn dân là điều
kiện để đấu tranh toàn diện với kẻ thù đế quốc, giải phóng dân tộc. Hồ Chí Minh
nói: "Không dùng toàn lực của nhân dân về đủ mọi mặt để ứng phó, không thể
nào thắng lợi được".

You might also like