You are on page 1of 28

2015

Cuộc Đời Chúa Cứu Thế Giêsu

Orient
Diệp Hải Dung sưu tầm
Cuộc Ðời Chúa Cứu Thế Giêsu
Một Thiên truyện ly kỳ.

Một hài nhi Do Thái, sinh trong động đá Bê Lem, oe oe khóc giữa đêm đông giá lạnh,
vừa mới chào đời được mấy hôm, đã bị truy nã như một tên hoán nghịch, cha mẹ phải
ẵm vào rừng, lén lút trốn sang nước ngoài trú ẩn!

Cơn giông tố đã qua, hài nhi trở lại quê nhà, lớn lên trong khung cảnh một gia đình thợ
mộc, làm quen với mảnh cưa súc gỗ, ban ngày đem mồ hôi đổi lấy bánh nuôi thân, tối
đến đặt mình trên manh chiếu ngủ cho qua đêm, để hôm sau tra tay làm việc cũ.

Trong bao nhiên năm như vậy, GIÊSU đã sống một đời bình dân như muôn đời bình dân
khác. Tuy nhiên đời bình dân ấy, ngay lúc chớm nở, đã thấp thoáng ánh diệu kỳ: Có
Thiên Thần ca hát trước hang, có vương khách từ phương xa đến bái yết. Tới lúc ba
mươi tuổi, Ngài tung ra từng loạt việc dị thường. Ngài dọc ngang đây đó, khi đỉnh núi,
lúc ghềnh sông, rảo khắp thôn quê tới thành thị, tuyên bố những lời lẽ chưa thấy trong
triết học, giảng thuyết những luật các nhà luân lý chuyên khoa chưa nghĩ đến. Ngài xưng
mình là “Tiên Tri” là “Sứ Giả của Trời” là “Vị Cứu Tinh” và hơn nữa là “Con Thiên Chúa”.
Ðồng thời từng trăm nghìn phép lạ ở tay Ngài rơi xuống: Ngài cho kẻ què đi, kẻ điếc
nghe, kẻ câm nói, kẻ chết sống lại !... Ðạo lý cao siêu với những việc dị thường ấy lôi
cuốn dân đi theo, nhiều người xin làm môn đệ, cam kết với Ngài: Một lòng trung tín
sống thác không rời.

Nhưng đột nhiên, thiên hạ phải bỡ ngỡ hoang mang, vì Ngài bị bắt, bị tra khảo, bị vùi
dập dưới những cực hình nhuốc hổ, rồi bị giết thảm thương trên Thập Giá!

Nhiều người đã tưởng Ngài bại trận, đời tiên tri và cứu thế của Ngài mất hút trong đau
thương. Nhưng đoàn Môn Ðệ lại nhận Ngài là đắc thắng, một cuộc đắc thắng kỳ diệu
của mãnh lực tình yêu. Và hơn nữa, tin Ngài là Thiên Chúa, các ông đã lặn lội khắp nơi
lao mình vào đau khổ, đem hết máu đào ra minh chứng đạo lý và sứ mệnh của
Ngài, khiến người trong muôn nước, từ vua quan đến thứ dân, phải tin nhận Ngài là
Thiên Chúa, sấp mình thờ lạy và chúc tụng Ngài là vị cứu tinh thế giới.

Ngài chết đi rồi sống lại.


Ngài sống lại rồi lên Trời.
Ngài chính là Chúa Trời giáng thế.

Xưa nay bao nhiêu khối óc thông minh đã khảo cứu đời Ngài, đều phải công nhận như
vậy. Và từ lâu đều công nhận đó là Ánh Sáng của đời tôi. Tôi đã theo và nhận Ngài là con
đường hạnh phúc đích thực. Nhờ Ngài, đời tôi đã chất chứa những ngày vui. Bởi vậy
hôm nay trước bàn thờ kính ái, thắp nén hương lòng, lau ngòi bút tục, tôi chép lại lịch sử
trần gian của Ngài, để cảm tạ Ngài đã hướng dẫn trong đời sống, và để đồng bào yêu quí
của tôi hiểu rõ thân thế Ngài hơn, hầu có thể kiểm nhận Lời Ngài nói: “Ta là Ðường, là
Sự Thật và là Sự Sống “

(Diệp Hải Dung sưu tầm)


Quãng Ðời Mai Ẩn
Bà Sẽ Sinh Một Con Trai
Jêrusalem, châu thành hoa lệ của xứ Balêtin (Palestine) Một trong những điểm kỳ quan
nhất thành này là tòa nhà cao ngất. Ðó là Thánh đường nguy nga, nằm duỗi trên những
dẫy cột đồ sộ bằng cẩm thạch muôn màu óng ả, lác đát dát bằng vàng và ôm ấp cái đỉnh
lâu cũng bằng vàng.

Cung điện quí giá đó, toàn dân coi là nơi cực linh thiêng, khói hương phải luôn luôn nghi
ngút bên cạnh những hàng nến sáng, để tượng trưng lòng trung thành và tôn kính vô
biên.

Trong thâm cung đền Thánh đó, chìm mờ trong ánh sáng vàng nhạt một gian nhà hình
chữ nhật, dài 20 thước tây, rộng 10 thước. Gian nhà đặc biệt này quen gọi là Cung
Thánh. Ở giữa Cung Thánh nổi lên một bàn thờ phủ bằng vàng. Bên hữu bàn thờ, có một
chân nến vàng 7 ngọn cung kính đứng đối diện với cái bàn nhỏ dát vàng bên kia, trên đó
có 12 chiếc bánh tế không men, biểu hiệu 12 đại tộc Do Thái.

Cung Thánh là nơi tôn nghiêm thánh thiện. Chỉ có vị chủ tế được vào mỗi ngày 2 lần để
dâng hương, ngoài ra không ai được lai vãng đến.

Theo tục lệ dân, trong 12 đại tộc Do Thái, chỉ có đại tộc Lêvi được đặc quyền chủ việc tế
lễ. Nhưng thời gian qua, số người trong đại tộc Lêvi đã nhân thừa ra nhiều và phân ra
nhiều chi tộc khác nhau, mỗi chi tộc lại chia ra làm tiểu tộc. Có thời kỳ, nguyên một chi
tộc ông Aarong (Aaron) đã gồm 24 tiểu tộc, và mỗi tiểu tộc có từ 2000 đến 3000 người.
Như vậy một thầy đạo trưởng trong suốt đời của ngài, có lẽ chỉ được chủ tế một lần là
hết sức. Nên lần đó thầy rất lấy làm vinh hạnh và thường cảm động vô biến.

***

Thời gian thấm thoát.... Ðột nhiên đã đến lượt tiểu tộc Abia đóng vai chủ tế. Và một ông
già lẫm liệt uy phong đã được trúng cử dâng hương trong đền Thánh.
Ðó là ông già Giacaria (Zacharia) Ông đã kết nghĩa sắt cầm với bà Ysave (Elizabeth) một
quí nhân thuộc dòng tộc Aarong làm thầy thượng phẩm từ đời ông Môi Sen (Mose)

Hai ông bà cùng hợp duyên hợp tính, sống với nhau trong tình kính Chúa ái nhân và thi
nhau giữ lề luật Chúa cách cẩn thận tỉ mỉ không ai bắt bẻ được. Nên hai ông bà được
Thánh Kinh khen là lương thiện và công chính. Nhưng trong cảnh thanh bình, vợ chồng
hòa thuận, một vẻ buồn như vấn vương ngày đêm, vì hai ông bà đã cao tuổi mà con cái
vẫn hiếm! Bà Ysave hằng ao ước nhưng không được diễm phúc làm mẹ. Thế mà theo
quan niệm Do Thái, tủi thay những cặp vợ chồng không con! Những cặp vợ chồng không
may ấy đáng khổ nhục, vì thiếu kẻ nối dòng trong ngày Chúa Chúa Cứu Thế ngự đến. Tuy
nhiên hai ông bà vẫn siêng năng cầu nguyện, xin Chúa cho một người con, mặc dầu thời
gian vẫn tàn nhẫn qua, râu ông mỗi ngày mỗi trắng xóa, tóc bà mỗi ngày mỗi bạc thêm,
cả hai mỗi ngày mỗi xa hy vọng làm cha mẹ.

***

Nhưng đã đến ngày dâng hương trong đền Thánh. Một ngày cảm động biết bao!

Sáng hôm ấy người ta thấy tiến đến Ðền thờ một ông già râu trắng, đường hoàng trong
bộ lễ phục, áo dài đến tận gót, thắt chẽn lại ở ngang ngực với cái dải rộng, màu sặc sỡ và
thêu rất tỉ mỉ công phu. Ông đi chân không, đầu đội mũ cao vành, bước đi nhịp nhàng
kính cẩn. Thình lình một tiếng chiêng vang lên, hòa điệu với bản nhạc gần đấy.

Cảm động đến run lên, ông lướt nhẹ qua đám dân tiến vào cung Thánh. Ðồng thời hai vị
phó tế lùi gót lại và để một mình ông cầu nguyện.

Trong trường hợp đặc biệt có một không hai này, ông tha thiết xin Chúa nghe lời dân, sai
Chúa Cứu Thế xuống. Ông cũng xen thêm lời cầu khẩn nữa, là xin cho bạn mình được
sinh con. Ông biết lắm, có con như mình là cả một đặc ân, chỉ có Chúa ban mới được. Và
với một con, gia đình ông sẽ hoàn toàn an vui đẹp đẽ.

Ông già vẫn cầu nguyện....


Ông sấp mình xuống, ông chỗi dậy, ngửa mặt lên. Thốt nhiên, mắt ông bắt gặp một
hiện tượng lạ lùng ở bên hữu bàn thờ về phía chân nến 7 ngọn. Một Thiên Thần đã hiện
ra sáng láng! Ông run sợ, nhưng Thiên Thần dịu dàng nói với ông:

"Hỡi Giacaria đừng sợ “


"Lời ông cầu khẩn đã được chấp nhận, và bạn (vợ) ông là bà Ysave sẽ sinh cho ông một
con trai “
"Ông sẽ đặt tên cậu là Gioan, cậu sẽ là nguồn vui cho ông và nhiều người sẽ reo mừng
trong ngày sinh của cậu, vì cậu là vĩ nhân trước mặt Chúa. Cậu sẽ không uống rượu hay
bất cứ một chất gì có gây say sưa ; Chúa Thánh Thần sẽ thánh hóa cậu ngay lúc còn
trong lòng mẹ.“
"Cậu sẽ hướng dẫn nhiều con dân Íchriên ( Israel) về với Chúa. Cậu sẽ nhiệt liệt phụng sự
Chúa và đi theo con đường Êlia đã vạch thuở trước, để tạo nên những người nhân đức
như tổ phụ ngày xưa, và uốn những kẻ cứng lòng qui thuận lẽ phải, để toàn dân sẵn
sàng trong ngày Chúa ngự đến “.

Thiên Thần nói rõ ràng. Nhưng hoặc chưa định thần được hoàn toàn, hoặc chưa nắm
chắc trong tay được người con như đã từng nắm chắc chòm râu bạc, ông già rụt rè thưa:
“Làm cách nào để nhận biết điều đó? vì thực tôi đã già và bạn tôi cũng đã quá kỳ sinh
con “

Lời thưa có vẻ nghi nan và thiếu rõ rệt. Quả thực ở đây không phải là Thiên Thần hiện ra
lần đầu. Lịch sử Ðạo cũ đã thuật lại nhiều trường hợp thiên thần hiển hiện cùng các
thánh tổ. Ông già lại là bậc thông hiểu Kinh Thánh, hẳn ông không thể hồ nghi được về
sự thiên thần hiển hiện, là vì ông còn ngờ sự mệnh của thiên thần.

Thiên Thần ra bộ trách mắng:


"Ðáng lẽ ra ông tin ngay lời tôi mới phải, vì tôi là Thiên Thần Giabiên ( Gabriel) được hầu
cận trước tòa Thiên Chúa. Chính Ngài đã sai tôi đến báo tin mừng cho ông. Thế mà ông
không tin. Vậy này đây, ông sẽ bị cấm ngôn cho đến ngày con ông ra ánh sáng, để chứng
thực lời tôi đã nói với ông “.
Ông già Giacaria chưa kịp phân trần, Thiên Thần đã vút biến đi. Và một thảm trạng còn
lại với ông đang lo sợ bối rối. Từ lúc đó ông hóa ra câm! Ông bị phạt vì đã không mau
mắn lấy lại một tiếng “vâng” thưa lại với sứ thần của Thiên Chúa.
Nhưng bù lại, một nguồn vui sướng đã trào lên lòng ông, vì mắt ông đã thấy thiên thần
hiển hiện và tai ông đã được nghe tên cậu con trai tương lai yêu quí của ông. Ông kính
cẩn và cảm động ghi kỹ những lời:
"Ysave sẽ sinh cho ông một con trai “
"và Gioan là tên người con trai ấy “

***

Ở ngoài dân chúng chờ đợi ông đã mỏi. Từng nghìn cặp mắt trố vào cửa nhà thờ. Người
ta bắt đầu sốt ruột và khó chịu. Từ phía nọ tới phía kia rầm rầm lên những câu:
- Sao ông chủ tế này chậm chạp thế?
- Gớm ông già đạo đức có khác!
Cũng có người láu lỉnh:
- Thôi, đích rồi, hay chừng ông cụ không con, lại cầu tự đấy. Cụ cần phải xin con trai!..
Người ta đang kháo nhau rầm rộ, thì bóng ông già ở trong cung Thánh hiện ra. Nhưng
ông có những cử chỉ khác thường. Toàn thân ông lộ vẻ bối rối, ông không làm chủ được
mình, và hình như ông vất vả lắm mới nhớ được phải ban phép lành cho dân. Ông giơ
tay lên và cố sức đọc lời lễ nhạc. Nhưng lạ! Lưỡi ông như dính chặt lại trong cổ...
Nhiều người đoán chừng ông già mới chứng kiến một việc lạ lùng trong cung Thánh, có
lẽ là một sự hiển hiện ly kỳ.
Từ ngày ấy ông già phải làm hiệu ra dấu để tỏ bày ý muốn.
Cuối tuần ... phiên chủ tế thuộc tiểu tộc Abia kết liễu. Tuy với tình trạng điếc câm, ông
già Giacaria sung sướng âm thầm trở lại nhà ở làng Anhkarim ( Ain-Karim) cách
Jêrusalem nửa dặm.
Và không bao lâu, bà Ysave cảm thấy nặng nề.Bà hiểu mình đã có thai.Bà mừng rỡ hết
sức, luôn luôn mong đến ngày sẽ được làm mẹ, và trong năm tháng bà không ra khỏi
nhà. Bà chúc tụng Chúa luôn luôn:
“Chúa nhân từ quảng đại! Người đã cứu tôi khỏi cái nhục không con trước mắt thế gian”
Tôi Xin Vâng
KHUÊ PHÒNG TỊCH MỊCH CỦA TRINH NỮ RỘN TIẾNG CHÀO CỦA NAM NHI
Tháng sáu năm ấy, năm bà Ysave thụ thai. Thì ở góc trời Nagiaret ( Nazareth) một trinh
nữ đang cầu nguyện.
Ðột nhiên một Thiên Thần hiện đến.
Người trinh nữ đó tên là Maria ( Mary)
Cô là một thiếu nữ xuân xanh trạc chừng mười lăm. Công, dung, ngôn, hạnh, bề nào cô
cũng nổi danh một cách tuyệt vời. Thân phụ cô là cụ ông Gioan Kim ( Joakim) và cụ bà là
Anna, thuộc dòng tôn thất của minh hoàng Ðavít ; nhưng cả về danh vọng lẫn gia
nghiệp, đã trụt xuống bậc trung lưu. Trong các chị em họ của cô, Thánh Kinh ghi tên hai
bà là Ysave vợ ông Giacaria và bà Maria mẹ ông Giuse và ông Giacóp.
Bên Trung Ðông có tục kết hôn rất sớm. Thân phụ cô Maria đã nhận gả cô cho một
người thợ mộc tên là Giuse ( Joseph) Ðó thật là môn đăng hộ đối...Ông Giuse thuộc
hoàng tộc Ðavít, nhưng nay cảnh huống cũng như cô Maria, cửa nhà thanh bạch, làm chỉ
đủ ăn, không có gì dư dật. Trong tục lệ Do Thái, trước lễ thành hôn thì có lễ đính hôn. Lễ
này có vẻ long trọng và chính thức lắm ( Theo tục Do Thái sau khi đính hôn, hai người
đã coi nhau như vợ chồng, chỉ khác là về ăn ở chung với nhau, nhưng hai bên đã phải
chịu những bổn phận làm vợ làm chồng. Vì thế lễ đính hôn quan trọng hơn lễ thành hôn,
và con cái sinh ra trong thời kỳ đính hôn, cũng coi như là con chính thức.) Nên đính hôn
rồi, đôi bên có quyền dùng tiếng “vợ chồng "gọi nhau.
Một ngày đẹp trời kia, họ hàng hai bên tề tựu đông đủ, ông Giuse mặt đỏ khác thường,
đã tiến ra tuyên bố cách e thẹn trước mặt mấy chứng tá với cô Maria "Từ nay cô kết bạn
với tôi "và dúi vào tay cô ít tiền để bảo đảm lời đính ước. Rồi cả hai uống chung một cốc
rượu, để rơi tuột cốc rượu xuống dưới chân ; chỉ nghĩa là không ai dùng cốc đó nữa. Từ
ngày ấy hai đời sống kết thành một và hai quả tim hòa nhịp yêu nhau để đợi ngày mở
tiệc thành hôn sung sướng.
Cô Maria đã đính ước với ông Giuse ở Nagiarét, nhưng cô vẫn ở nhà cha mẹ và theo đời
sinh hoạt đã quen ; lý tưởng của cô là mến Chúa yêu người, công việc của cô là giúp đỡ
cha mẹ, quét dọn, thêu thùa, nấu ăn. Bây giờ cô lại mang thêm một bổn phận nữa, là
phải yêu quí hết sức và trung thành với bạn Giuse. Nên cô càng siêng năng cầu nguyện
để cả hai linh hồn cùng hòa hợp trong điệu đàn kính ái.
Ngày kia cô Maria triền miên cầu nguyện trong khuê phòng tĩnh mịch. Cô cầu nguyện rất
sốt sắng, có lẽ sốt sắng nhất đời. Cô năn nỉ xin Chúa thương tình nhân loại, sai Chúa Cứu
Thế xuống. Phòng đó là nơi thâm kín, duy có một cửa sổ hẹp đem chút ánh sáng vào. Cô
đang cầu nguyện, bỗng nhiên xảy đến một trạng thái lạ: Trừ ra một chút ánh sáng vẫn
thuộc hàng ngày, có những làn quang tuyến khác thường từ trên chảy tràn xuống một
cách như reo vui. Phòng cô sáng rực, hiện rõ hình một nam nhi đang đầm mình trong
ánh sáng.
Nam nhi đó là Sứ thần Gabriel. Ngài là một thần cao cấp trong phẩm thiên thần được
vinh dự hầu cận trước tòa Thiên Chúa. Trước đây mấy tháng, chính Ngài đã đem tin
mừng cho ông già Da-ca-ri-a. Nay lại được đặc cử mang tin vĩ đại hơn, Ngài sung sướng
lắm, Ngài nghiêng mình kính cẩn chào cô Maria:
"Kính mừng Bà đầy ơn Thánh “
"Thiên Chúa ở cùng Bà “
"Bà phúc đức hơn mọi người nữ “
Lời thiên thần có nghĩa "kính chào và ca tụng " Ngay từ bé, cô Maria vốn là cô gái rất
ngoan, kiều mị và cao thượng, khiến ai cũng phải yêu mến kính nể.
Thường thường một nữ nhi bắt đầu tiếp xúc với người ngoài, hay có tính tò mò ; đối với
bạn nhiều hơn tuổi, hay giả hình và nói dối. Rồi cùng đi với thời luân chuyển, tính hồn
nhiên biến đi, nhường chỗ cho sự e thẹn, và có khi là ganh tị ghen ghét v..v.. Nhưng tất
cả những tính tình ấy không bao giờ lảng vảng tới linh hồn cô Maria. Bất chấp thời gian
và hoàn cảnh, cô cứ luôn luôn là cô gái hồn nhiên và thẳng thắn. Hồn nhiên như làn
hương trước gió hiu hiu, và thẳng thắn như dẫy cột trụ trong Ðền Thánh. Cô sống trong
thế gian nhưng không vương vấn tình thường của thế gian. Lòng của lúc nào cũng tươi
thắm như hoa hồng, và hồn cô trinh bạch như bông huệ. Cô xa lánh tất cả những gì kiểu
cách hư hoa, là đê hèn ích kỷ. Ai ác cũng mặc, ai cười cũng kệ. Ngày lại ngày, cô chỉ
chuyên chú leo mau những bậc thang nhân đức.
Tâm hồn cao thượng giầu đạo hạnh ấy đã đem lại cho cô sở thích đắm mình trong
Thánh Kinh và câu nguyện. Ngày ngày suy gẫm Thánh Kinh, cô hiểu rõ hơn ai hết rằng ;
vị cứu tinh của muôn dân không phải hiểu theo nghĩa vật chất binh bị. Theo quan niệm
của cô, Chúa Cứu Thế sẽ không mài gươm sửa kiếm để chặt gẫy ách đô hộ La Mã, Ngài
cũng không đem thiên binh vạn mã đi chinh phục thế giới. Chúa Cứu Thế sẽ đến, phải
rồi. Nhưng sứ mệnh của Ngài là hướng dẫn thế gian bằng ngọn đuốc sáng của sự thật và
sưởi ấm lòng người bằng lửa mến yêu, để xây dựng hòa bình trên nền móng công bình
chính trực. Hiểu biết như vậy, nên cô rất mong đợi Chúa Cứu Thế đến, và những giờ cầu
nguyện, cô luôn luôn xin Thiên Chúa sai Ðấng Cứu Thế xuống thế gian. Ðáp lại ý nguyện
ấy, Thiên Chúa đã nghe lời cô, và thật giờ đây, sứ thần của Ngài nghiêng mình kính cẩn
chào cô:
Kính mừng Bà đầy ơn Thánh, Thiên Chúa ở cùng Bà, Bà có phúc hơn mọi người nữ.
Nhưng thoạt nghe lời Thiên Thần chào, cô Maria khiếp sợ ...
Là trinh nữ trác việt, chí khí hiên ngang, cô không sợ vì bị chìm dưới làn quang tuyến
mới lạ, hay vì bắt gặp một nam nhi trong ánh sáng. Nhưng thiên thần ca tụng cô và chỉ
nói đến vinh quang cao cả, mà cô lại vốn tính khiêm cung tột bực, nên nghe lời khen, cô
lạ lùng, bỡ ngỡ... Cô yên lặng suy nghĩ và chưa hiểu ra sao. Nhưng từ trên luồng ánh
sáng, thiên thần đã khuấy động bầu khí tịch mịch của khuê phòng bằng những lời cam
đoan và an ủi:
"Nhưng thưa Bà, xin đừng sợ, vì Bà đã được ơn nghĩa với Chúa “.
Rồi không để mất một giây, thiên thần trình bày ngay với cô việc vô cùng vĩ đại có một
không hai trong lịch sử:
"Bà sẽ trở nên mẹ và sẽ sinh một con trai, quý danh là Giêsu. Ðó là một thiên đồng siêu
vị, vì Ngài chính là Con Thiên Chúa. Thiên Chúa sẽ ban cho Ngài ngai vàng vua Ðavít là Tổ
phụ Ngài. Và Ngài sẽ là vị đại hiển vinh của thế giới, nước Ngài trị sẽ không có thời hạn
và biên cương “.
Thiên thần đã mạc khải việc Chúa Cứu Thế giáng sinh. Cô Maria cũng hiểu như vậy, vì lời
thiên thần hợp khít với lời tiên tri trong Cựu Ước mà cô đã nhập tâm.
Theo lời tiên tri đó, Chúa Cứu Thế sẽ giáng sinh vào dòng tộc của minh hoàng Ðavít. Nên
những người thuộc dòng tộc hoàng gia đều đã có tham vọng làm cha mẹ hay bà con
thân thuộc với Chúa Cứu Thế. Nhưng riêng với cô Maria, cô đã đặt mình vào một trường
hợp đặc biệt.
Say mê đức khiêm cung, cô đã bỏ ý định trở nên người mẹ, để một đàng xa hẳn cái cao
vọng sinh Chúa Cứu Thế và đàng khác lại có thời gian thong thả để hiến mình làm tôi mẹ
Thiên Chúa. Nhất định ôm ấp cái vinh dự làm tên nô tỳ vô danh như vậy, cô đã gắng sức
tu thân tích đức và chuyên cần ăn chay cầu nguyện để xin Chúa Cứu Thế ngự đến. Nói rõ
rệt hơn, cô đã khấn ở đồng trinh trọn đời. Cô đính ước đấy. Nhưng cô đã tỏ cho Giuse ý
định và lời khấn của cô. Và may mắn quá, cũng như cô, Giuse cùng nuôi một ý nguyện.
Ông cũng khấn ở đồng trinh trọn đời và chỉ ước ao được phụng sự Thiên Chúa một cách
triệt để. Và trong chỗ đó, cả hai chỉ áp dụng một hình thức bên ngoài của Luật Cũ, để
che dấu một sự vô cùng cao quý bên trong là chí khí ở trinh khiết trọn đời. Cả hai ước
định ở bậc vợ chồng, nhưng với tâm hướng coi nhau như anh em, chỉ có thế. Mục đích
của hôn nhân là để sinh con và tương thân tương ái. Ở đây cả hai đều gạt bỏ mục đích
trước mà chỉ chú trọng đến mục đích sau. Ðó là trường hợp duy nhất trong lịch sử nhân
loại, và Chúa đã dùng trường hợp đó để che mắt dân Do Thái về sự mầu nhiệm Chúa
Cứu Thế giáng sinh ( theo ý kiến nhiều tác giả, để che dấu cả ma quỷ)
Thiên thần đã kính chào và đề nghị, nhưng cô Maria vẫn lặng yên chưa thưa lại. Thiên
Thần cũng đợi chờ cung kính. Thấy Chúa mở lượng hải hà yêu nhân loại thiết tha, cô
Maria cũng xúc cảm và dạt dào sung sướng. Cô nghĩ, nếu đẹp ý Chúa mà trở nên người
Mẹ, cô đâu dám từ. Nhưng ý định ở đồng trinh vẫn hiện lên trong lý trí, nên theo đà hồn
nhiên và thánh thiện, cô xin thiên thần giải thích:
Nhưng việc đó làm sao được? Vì tôi đã khấn và quyết ở đồng trinh “
Câu đáp từ đó, lời lẽ đơn giản nhưng ý nghĩa sâu xa. Ðã khấn ở đồng trinh, nghĩa là
không bao giờ ăn ở với người nam nữa. Như thế còn sinh con làm sao được?
Nhưng với trí khôn sáng chói như mặt trời, thiên thần đã hiểu ngay và suy phục. Ngài
chịu diễn giải:
"Thưa Bà! Bà sẽ có thai mà vẫn còn đồng trinh. Vì trong trường hợp này không phải bởi
người nam, nhưng bởi Ðấng Toàn Năng làm phép lạ vĩ đại cho Bà chịu thai. Bà sẽ sinh
một Thánh Tử, và Thánh Tử đó chính là Con Thiên Chúa. “
Ý nghĩa lời thiên thần như sau: Chúa Toàn Năng có thể làm được phép lạ nổi nhất về bên
Thiên Chúa, là tự hạ làm người, thì Ngài cũng có thể làm được phép lạ nổi nhất về đàng
nhân loại là cho trinh nữ chịu thai mà còn đồng trinh. Nói cách khác, một Ngôi Thiên
Chúa có thể trở nên con cái một người mà không mất bản tiùnh Thiên Chúa, thì đối lại,
một người cũng có thể trở nên Mẹ Thiên Chúa mà không mất đức đồng trinh. Theo luật
thường, người nữ phải ăn ở với người nam mới có thể sinh con. Nhưng ở đây, vì Chúa sẽ
làm phép lạ, nên không cần người nam. Một mình trinh nữ sẽ chịu thai và sinh con, cũng
tự như hạt lúa mì, một mình nó có đủ cả âm dương để khai hoa kết quả.
Rồi hình như muốn bảo đảm lời mình nói, thiên thần lại báo thêm một tin vui:
"Thực ra chẳng có gì mà Thiên Chúa không làm được. Ngay như bà Ysave là chị họ của
Bà, dẫu đã già quá tuổi mà cũng sẽ sinh con. Nên chính người mà xưa nay thiên hạ vẫn
chê là muộn mằn, son hiếm ; thì ba tháng nữa sẽ được vinh dự làm mẹ ".
Lời đề nghị và giải thích của thiên thần đã chấm dứt.
Lúc ấy—nói theo các thần học giả—trên trời và dưới đất hình như bám vào một giây
phút đợi chờ, cái giây phút tùy ở sự định đoạt của Trinh Nữ với tiếng “có” hay “không”
để giữa Thiên Chúa và nhân loại sẽ lóe ra một tia sáng giao hòa, giữa trời và đất sẽ bắc
một cầu thang cứu rỗi...
Về phần cô Maria, một đàng thấy cửa trời rộng mở, nguồn từ bi của Chúa trào chảy
xuống dương gian ; một đàng khác cũng hiểu thánh ý Chúa muốn cô chịu thai mà còn
đồng trinh trọn vẹn, nên cô vui mừng hết sức, phó mình trong tay Chúa và quy thuận ý
trên. Tuy nhiên , bây giờ phải trả lời cho thiên thần, mà trong trường hợp này trả lời
không phải dễ. Nhưng rồi nhờ đức khiêm nhường tột bực, và sẵn trí khôn sâu sắc, cô đã
tìm được câu trả lời rất đơn sơ gọn gàng nhưng sâu sắc ngay chính trong nhơn đức
khiêm nhường và khôn ngoan:
"Này tôi là tôi hèn của Chúa. Tôi xin vâng như lời Người dạy “.
Lời thưa của cô có ý nghĩa rất sâu “Này tôi” là tiếng thốt ra tự đáy lòng. Nó biểu lộ tâm
tình người dưới sẵn sàng chịu mệnh lệnh người trên. Ở đây chỉ nghĩa cô hết lòng vâng
mệnh lệnh Chúa, như em bé trao mình vào trong tay người mẹ. Cô muốn vâng lời Chúa
một cách hoàn toàn, không giữ lại một mảy may tư ý.
“Này tôi là tôi hèn” Cô vâng lời vì cô vốn coi mình là một tôi hèn, là nữ tỳ vô danh của
Chúa. Nên trong lời thưa, tự nhiên cô xưng mình là tôi tá, cho dẫu trước đây mấy phút,
Thiên thần đã chào cô là phúc đức, được Chúa ngự trị trong lòng luôn luôn.
Theo các Thánh, trong các cách đẹp lòng Chúa, vâng lời là hợp ý Người hơn hết, và trong
mọi nhân đức, khiêm nhường là khó hơn cả. Lời thưa vắn tắt của cô Maria đã bao trùm
tất cả những cái "hơn hết "ấy một cách hoàn toàn đầy đủ.
Và đồng thời với lời thưa khiêm tốn của cô. Ngôi Hai Thiên Chúa đã xuống thai trong
lòng cô. Ngài đã làm một phép lạ vô cùng vĩ đại, mà các thần học sĩ quen gọi là "phép lạ
nhập thể "nghĩa là Ngôi Hai Thiên Chúa mặc lấy nhân tính bao gồm linh hồn và thể xác
của loài người.
Lời thưa của cô Maria quả là đầy đủ và đã được thực hiện. Lời thưa vừa dứt, Thiên thần
Gabriel hiểu sứ mệnh “truyền tin” của mình cũng đã hết, Ngài nhẹ nhàng biến đi.
Những làn quang tuyến không thấy nữa. Khuê phòng cô Maria lại trở về tĩnh mịch với
chút ánh sáng mờ do cửa sổ hẹp, vây quanh lấy cô đang cầu kinh ngây ngất
Chị Em Gặp Gỡ

SAU LỜI CHÀO, MỘT THAI NHI NHẢY MỪNG TRONG BỤNG
Ngày truyền tin đã lùi vào dĩ vãng nhưng dư hương còn thoảng lại. Linh hồn cô Maria
vẫn tràn ngập trong đại dương vui sướng, không lúc nào quên được Thánh Tử ngự trong
lòng, và cái hỷ tín vài tháng nữa bà chị họ có quý tử. Tin sau xét kỹ ra, cũng chỉ là tin vui
thôi. Nhưng với tầm mắt đạo hạnh, cô lại hiểu đó là thiên ý muốn cô đi thăm bà chị họ,
để trước là chung vui, sau là đỡ đần người chị trong những ngày thai nghén nặng nhọc.
Nên một buổi sớm mai, rạng động còn trộn ánh hồng trong sương mờ trên con đường
ngàn dặm, đồi núi chập chùng cô đã mau lẹ tiến bước. Mình khoác chiếc áo màu đỏ lợt,
đầu đội lúp xanh lam như thời trang của nhóm thiếu phụ đồng trạc tuổi, mắt cô hướng
về phía thành Jêrusalem, lần bước theo ngã đường Anhkarim nơi ông Da-ca-ri-a ở .
Anhkarim là một làng nhỏ đẹp xinh, nằm gọn như bụi cây xanh giữa rặng núi đá đồ sộ và
phẳng nhẵn, nên người ta tặng nó cái tên hoa lệ “Anhlarim” nghĩa là "suối nước chảy”
Làng này ở về phía Tây thành Jêrusalem cách xa Nazareth hơn 100 cây số ( một người đi
nhanh trung bình phải đi mất 4 ngày ) Ðó là quãng đường ghập ghềnh lên xuống, chạy
quanh như rắn uốn khúc giữa những núi đồi. Ðối với một thiếu phụ như cô Maria, cuốc
bộ cả một quãng đường như thế, không phải là ít khó nhọc và vất vả. Nhưng chẳng hệ
gì, cô không sợ nỗi đường xa dặm thẳng. Cô chỉ vui sướng triền miên, được mang Thánh
Tử trong lòng và đi mau để đưa Thánh Tử đến thăm bà chị họ.
***
Kìa từ xa hiện hình một cái làng nhỏ, cái làng xinh đẹp đầy thân ái, quê hương của người
thân yêu. Sung sướng bước vào nhà ông Da-ca-ria, cô bắt gặp bà chị Ysave ngoài ngưỡng
cửa. Cô nghiêng mình kính cẩn chào. Nhưng một cảm khái vô song đã trùm lấy người chị
và cô, khiến cả hai cùng nắm chặt tay nhau và cảm động, tiếp theo đó là một kỳ trạng
xảy ra:
Vừa nghe lời cô chào, bà Ysave cảm thấy con trong lòng nhảy động.
Lúc ấy bà mới hiểu rõ. Trước kia ông chồng đã từng làm hiệu cho bà biết con trẻ lạ trong
lòng bà sẽ được thánh hóa ngay từ trong lòng mẹ. Bà vẫn tin như thế, vì bà biết thiên
thần đã hiện ra với chồng bà trong Ðền Thờ. Tuy nhiên bà cũng mong được xác nhận
một dấu cụ thể của ơn lạ lùng kia. Thì bây giờ đây, tất cả mọi sự đã phơi bày ra ánh sáng
; con trong lòng bà đã nhảy mừng, đó quả là dấu cụ thể nó sẽ sinh ra với một sứ mạng
đặc biệt.
Cùng lúc ấy Thiên Chúa soi dẫn nữa, bà cũng biết người chị họ rất thánh thiện của mình
mang Chúa Cứu Thế trong lòng, nên bà níu chặt lấy tay cô Maria và cảm động:
"Maria chị phúc đức hơn mọi người nữ, và con trong lòng chị vạn vạn phúc! “
"Ôi ! Bởi đâu mà tôi được đặc ân này là Mẹ Chúa đến thăm tôi “
"Thoạt nghe lời chị, con trong lòng tôi đã mừng vui nhảy múa “
Suy nghĩ một lúc, hình như so sánh đức tin của người chị họ với đức tin của chồng mình,
bà lại nói tiếp “
"Và chị thật là phúc đức, vì chị đã tin những lời Chúa phán với chị. “
Với câu trên đây, hẳn bà ám chỉ ông chồng của bà. Ông bị câm điếc vì đã không tin lời
thiên sứ và lúc đó đang ngồi trong nhà, không được hạnh phúc chứng kiến vở kịch gặp
gỡ rất cảm động diễn ra.
Nghe bà Ysave chúc mừng, lời lẽ giống hệt như lời thiên sứ, cả quang cảnh “truyền tin”
lại gợi ra, làm cô Maria cảm thấy dạt dào sung sướng. Ðôi mắt ánh ngời, gương mặt tỏa
sáng, tâm trí bay theo những tư tưởng cao siêu, cô ca khúc một bài tạ ơn Thiên Chúa:
"Linh hồn tôi chúc tụng Thiên Chúa.
Và tâm trí tôi reo mừng trong Ðấng Cứu Chuộc tôi.
Người đã đoái hoài đến tôi tá hèn này,
Nên từ đây muôn đời sẽ khen tôi có phúc,
Ðấng Toàn Năng đã làm trong tôi nhiều điều cao cả
Quả thánh thiện là tước hiệu Người
Lòng lân tuất Người vươn mình từ đời nọ sang đời kia
Ðể ngả bóng trên những kẻ kính sợ Người
Người vận dụng sức mạnh của cánh tay
Ðã hủy diệt những kẻ chứa lòng kiêu hãnh.
Ai lộng quyền, Người truất xuống
Ai khiêm nhường, Người cất lên
Ai đói khát, Người cho no đầy ơn phúc
Ai phú quý, Người sẽ thải về tay không.
Người nhó lại lượng từ bi của Người
Và đón chịu lấy Israel là đầy tớ của Người.
Như Người đã phán cùng tổ phụ chúng tôi
Cùng Abraham và dòng dõi ông cho đến muôn đời.
Bài cảm tán này quen gọi là bài “Magnificat” vì bản văn Latinh bắt đầu bằng chữ
Magnificat, nghĩa là "Chúc tụng hoan hô “
Theo các nhà thông hiểu Thánh Kinh, Magnificat là bài tán tụng tuyệt diệu, cấu kết bởi
những lời trâ châu trong Cựu Ước và phảng phất tâm tình cao cả của một linh hồn cực
kỳ đạo hạnh. Nội dung về bài này:
Ba câu đầu mô tả hai cực đoan ; Một bên là sự thấp kém của loài người, tượng hình
bằng những tiếng “tôi tá hèn mọn” một bên là ân huệ vô biên của Thiên Chúa, ân huệ
làm cho “các dân muôn đời phải tán tụng Trinh Nữ” Do vậy, Trinh Nữ vô cùng cảm động,
và mừng vui trào ra lời cảm tán.
Năm câu sau biểu lộ tâm hồn Trinh Nữ mênh mông như biển cả, gợn sóng lên vì nguồn
cảm hoài quá khứ. Quá khứ ! Ôi cái quá khứ vĩ đại ; biết bao lần Thiên Chúa đã từng làm
lệch then chốt của vật thụ tạo, là tôn người khiêm nhường lên và hạ kẻ kiêu căng xuống
! Trong lịch sử của ơn cứu rỗi, Thiên Chúa cũng hành động như vậy.
Hai câu cuối, Trinh Nữ nhắc lại vinh dự của Do Thái và thánh tổ phụ Abraham được chọn
làm hạt giống sinh ra Chúa Cứu Thế. Thiên Chúa thật là quảng đại, muôn đời Người đáng
ngợi khen.
Khảo cứu luận điệu bài trên đây, nhiều học giả Thánh Kinh còn quả quyết, Magnificat là
phản ảnh bài nhã vịnh của nữ tiên tri Anna từ mẫu ông Samuel và nhiều đoạn văn khác
trong Cựu Ước. Do vậy, một giả thuyết nữa chổi dậy giữa những nhà chuyên học Kinh
Thánh: Trinh Nữ đã từng ca khúc Magnificat nhiều lần trong ngày “Truyền tin” và còn lập
lại nhiều lần nữa trong đời sống.......
Nhưng tiếng cảm tạ đã ngừng, cảnh hai chị em gặp nhau đã kết liễu. Mọi sự lại lùi vào
chỗ bình thường và im lặng trong nhà ông Da-ca-ri-a.
Cô Maria còn ở lại với bà chị họ ba tháng nữa mới trở về Nazareth. Quãng thời gian đó
trong nhà ông Da-ca-ria, một câu chuyện hay được nhắc đến là chuyện hai kỳ đồng sẽ
sinh ra.
Gioan Chào Ðời
Thời gian thấm thoát trôi mau như dòng nước chảy. Không bao lâu, bà Ysave đã tới kỳ
mãn nguyệt khai hoa trong một ngày đẹp trời, bà đã góp thêm vào thế giới một người
con anh tuấn. Ngày cậu cất tiếng khóc chào đời... Bà vui, Ông vui... Cả nhà cùng vui..
Trong đó có cả người chị họ thành Nazareth. Tin mừng được tung ra, gây nhiều cảm
giác.
Ysave nguyên là một lão phụ muộn mằn, thiên hạ thường đàm tiếu, vẫn coi bà như là
người bị trời phạt ! Nên hỷ tín phát ra, thân thuộc nội ngoại của bà đều bỡ ngỡ, họ rủ
nhau tới tấp đến chúc mừng.
Tám ngày sau họ hàng thân thích được mời đến dự lễ Khai sinh cho cậu mới, theo một
nghi lễ gọi là lễ “Cắt bì”
Vì những lý do bảo vệ giống nòi, vệ sinh và an hảo, tại miền cận đông khan hiếm nước
hay sinh bệnh truyền nhiễm, người Ai Cập, Ả Rập và Do Thái, có tục cắt bì cho trẻ em
nam mới sinh vào ngày thứ tám. Riêng với Do Thái, lễ cắt bì còn nhuốm thêm một ý
nghĩa tôn giáo rất xa xôi. Họ tin rằng là dân riêng của Chúa, có đặc quyền thừa tự những
lời hứa “cứu rỗi” họ cần phải áp dụng lễ cắt bì cách long trọng để kỷ niệm bằng máu đào
của nam nhi bản thỏa hiệp “Trung Nghĩa” đã ký với Chúa ngày bỏ nước Ai Cập. Nghi lễ
này có thể làm hai nơi, một là nhà Giảng Hội, hai là ở tư thất.
***
Vậy bà Ysave sinh con được tám ngày, ông Da-ca-ria đã cho mời mươi người ( theo tục
lệ phải mời ít nhất 10 người ) đến nhà dự lễ cắt bì cho cháu mới.
Cắt bì xong mọi người im lặng và cung kính, nghe vị chủ tế đọc mấy lời lễ nhạc sau:
"Lạy Chúa Tể của tổ phụ chúng tôi !
"Xin hãy tăng cường và bảo vệ trẻ nhỏ.
"Xin hãy làm cho thanh danh nó thơm nức trong dân. “
Tiếp đến là việc chọn tên cho con trẻ. Ai ai cũng có vẻ nhiệt thành và mau mắn đưa ra
một quý danh để làm vui lòng gia chủ. Người chủ lễ đề nghị một tên được mọi người
chú ý:
"Xin gọi cháu là Giacaria ! “
Nhưng Bà Ysave cương quyết chối từ !
"Không, không ! tên cháu là Gioan .”
Mọi người phản kháng:
“Không vậy được ! bà dị quá ! Có ai trong tông tộc là Gioan đâu ? Thôi thế để chúng tôi
hỏi ông cho chắc việc vậy.
Người ta quay về phía ông Da-ca-ria, trổ tài làm hiệu, xin ông tỏ ý đặt tên gì cho cậu ấm,
rồi một bảng viết bằng đá đen bôi sáp với cây viết sắt được đưa ra.....
Nhưng trước con mắt ngỡ ngàng của mọi người, ông viết lên những nét rõ ràng chính
tên bà Ysave vừa đề nghị:
"Tên cháu là Gioan “
Thật là minh bạch... Không còn ai dám cãi về danh hiệu phải đặt tên cho con trẻ nữa. Họ
chỉ lấy làm lạ cái danh hiệu tân kỳ này thôi, vì họ không biết những bí mật đã xảy ra
trong Cung Thánh từ chín tháng trước. Thế rồi hết bỡ ngỡ, họ lại đổi sang kinh ngạc, vì
thoát chốc, Da-ca-ria, ông già bị câm điếc từ chín tháng vừa viết xong chữ “Gioan”
đã bắt đầu nói, và trong niềm vui say sưa lại lồng thêm ơn soi sáng của Chúa Thánh
Thần, ông đã ca xướng một bài tán tạ rất cảm động dệt lên bởi những lời tiên tri:
"Hoan hô Thiên Chúa !
"Chúc tụng Chúa Tể dân Israel !
"Lạy Chúa ! quả thực, Chúa đã ngự đến giữa dân Chúa.
"Ðể mang ơn Cứu rỗi lại.
"Chúa đã làm chổi dậy trong gia đình Ðavít là tôi tá Chúa.
"Một vị cứu tinh uy hùng
"Như xưa Chúa đã phán cùng các tiên tri:
"Chính người sẽ cứu chúng tôi thoát khỏi tay thù địch.
"Và thoát khỏi quyền lực những kẽ mưu hại chúng tôi !
"Chúa đã yêu đương tổ phụ chúng tôi
"Chúa đã nhớ lại lời Thánh ước Chúa.
"Và lời minh thệ cùng Abraham là tổ phụ chúng tôi,
"Ðể ban cho chúng tôi, sau khi thoát khỏi tay thù địch,
"Ðược hiên ngang phụng sự Chúa trước tôn nhan Người, trong đàng thánh thiện và lẽ
công chính trọn đời của chúng tôi.
Rồi ông quay vào cậu con trai nói tiếp:
"Còn phần con, hỡi con nhỏ của Cha !
"Một ngày kia con sẽ trở nên tiên tri của Chúa tối cao.
"Con sẽ đi trước nhan Người, để dọn đường cho Người ngự đến,
"Con sẽ mang lại cho dân Chúa, Tin Mừng cứu rỗi và ơn tha tội.
"Vì với lượng hải hà, Thiên Chúa sẽ ngự đến thăm viếng chúng ta,
"Chúng ta phải ngồi trong bóng mờ của sự chết
"Nhưng Người đã hiện lên sáng tựa mặt Trời, để đánh xua bóng đêm tăm tối
"Và hướng dẫn bước đi của chúng ta trong nẻo hòa bình, công chính.

Nghi lễ đã xong, tiếng ca ngợi của ông già Da-ca-ria im bặt, thân bằng cố hữu đều giải
tán. Nhưng ai nấy hồi hộp. Hiện tượng ly kỳ của buổi lễ còn luôn luôn phảng phất. Nó đã
trở nên đầu đề của những câu chuyện hằng ngày và lừng tiếng đi trong cả miền sơn dã
xứ Giuđêa. Một niềm kính sợ lan tỏa trên khắp những nơi tiếp cận nhà Da-ca-ria. Và từ
nhà nọ sang nhà kia, xì xầm lời bàn tán:
" Theo ý ông, trẻ kỳ đồng này sẽ ra sao ? “
Trong gia đình yên tĩnh của ông Da-ca-ria, cậu Gioan ngày ngày càng thêm lớn và phát
triển, cậu là một nam nhi chí khí.
Không bao lâu, cậu đã biến đi. Thân phụ cậu về già, khuất núi ! Tuổi chừng 15 hay 16
Thân hình phơi phới sắc xuân xanh, cậu lánh mình vào rừng xa núi vắng, cậu muốn hòa
lời kinh và tiếng roi đánh tội vào điệu đàn muôn thuở của suối rừng, để tập đời sống
thanh cao theo những nét hồn nhiên vĩ đại nơi rừng núi. Ngoài ra nữa, không ai biết
được đời sống của cậu ra sao, mãi cho đến ngày cậu ra mắt trước dân chúng Israel với
đoàn môn đệ và Phép Rửa.
Tiến Thoái Lưỡng Nan

BUỒN VUI ÐẮP ÐỒI


Cậu Gioan sinh ra. Trinh Nữ coi thời hạn viếng thăm đã hết. Người xin từ biệt bà chị họ,
cả hai cùng sầu, mấy hàng lệ rơi lã chã....... Một làn áo đỏ lợt lại bay về Nazareth, Trinh
Nữ trở về quê hương, tâm hồn ngây ngất, thánh ân dào dạt, lúc lúc lại thầm ca bài
Magnificat. Trinh Nữ về nhà, ông Giuse đến chào thăm săn đón với những nụ cười tươi
thân ái. Hai Thánh nhân lại gặp nhau. Hai ngọn nến sáng lại sóng đôi nhau tỏa hào quang
và nhiệt khí trên bàn thờ kính ái.
***
Ông Giuse sẽ nghĩ đến việc thành hôn, vì trước đây mới có lễ đính hôn !
Thành hôn ! Cái danh từ tươi sáng gồm biết bao sửa soạn êm đềm !
Nhưng giữa trời quang mây tạnh, thình lình nổi lên cơn giông, mưa sa gió táp. Ngày vui
chưa kịp hưởng, đêm sầu đã lại ! Trong họ ngoài làng có tiếng thì thào tới tai ông Giuse
"Maria, bạn ông có thai! “
Thoạt tiên không tin, ông hết sức bỏ đi như cơn cám dỗ. Nhưng dần dần bụng dạ cũng
phải tin theo hiện trạng trước mắt: Maria quả đã có thai. Tâm trí ông liền bối rối lại, trở
nên đích cho những nhát rìu lo âu băm bổ. Sự thực là Maria vắng mặt 3 tháng và đã có
thai. Có thai không phải vì đã ăn ở với ông Giuse hay vì có tình ngang ý trái với người
nào khác ! Nhưng vì phép lạ của Chúa Thánh Thần. Ngôi Hai Thiên Chúa đã xuống thai
như lời thiên thần đã báo trước.
Maria biết rõ như vậy, nhưng ông Giuse hiểu sao ra ! Thành thử ông buồn phiền bối rối,
nỗi niềm sầu khổ này mỗi ngày một tăng lên, lộ ra với những nét răn khác thường trên
khuôn mặt vốn bình tĩnh.
Thấy người thân mến phải đau khổ vì mình, Maria cũng mất hết vui ! Bể sầu càng nổi
sóng, bão chua cay càng thổi mạnh, Người thấy không biết làm cách nào tháo gỡ, Người
thấy mình chét chẹt giữa hai điều cùng không có thể: Một đàng không thể công khai
tuyên bố việc bí mật của Thiên Chúa. Một đàng khác cũng không thể tự tiện ngỏ với
Giuse:
- "Này Giuse thân ái ! Tôi tốt phúc lắm, thai ở trong tôi là do Chúa Thánh Thần đã làm
nên. “
Không ! Không ! Nói thế làm sao được ? Ai tin ? Tự mình chứng minh cho mình thì còn
nghĩa lý gì ! Do thế Trinh Nữ chỉ biết lặng thinh, gởi tâm khổ vào lời cầu nguyện, phó
muôn sự mặc ý Chúa.
***
Tàn nhẫn thay ! Vết đau mỗi ngày một loang rộng. Mây nghi hoặc mỗi ngày một đen đặc
và bao trùm lấy Giuse. Dấu “Có thai” càng rõ rệt, ông càng phiền muộn. Da dẻ xanh
nhợt, mặt mày hốc hác, cặp mắt lim dim lờ đờ mơ mộng, suốt ngày đăm chiêu vào chỗ
vô định xa xắm....
Ngày ngày ông vẫn luôn tay làm việc, cố gởi nỗi lòng vào mạch cưa tiếng búa, và những
chiếc ghế nhỏ xinh. Nhưng lúc buông tay khỏi việc, tiếng chàng đục vừa im, vấn đề kia
liền vụt trở lại .
Ông là người rất thánh thiện, và hiểu Lề Luật rõ ràng. Và theo Lề Luật có hai cách giải
quyết:
Cách thứ nhất, là tố giác phạm nhân về tội gian dâm trước án tòa, với những tang chứng
rõ rệt, tòa sẽ tuyên án tử hình, cho phép dân và khổ phu ném đá dâm phụ !
Cách thứ hai là giải phóng Maria cách êm đẹp trước mặt hai chứng tá, giao cho cô một
tờ ly thư mà trong đó không nói rõ nguyên nhân chi cả.
Theo luật thì thê. Nhưng đời sống Maria lại rất thánh thiện, không thể nào bắt bẻ được.
Lạ lùng thay ! Cô vẫn hồn nhiên, vẫn bình tĩnh, vẫn nồng nàn thành thực trong tình yêu
thương, vẫn trong sáng và dè dặt trong dáng điệu.
Cũng có lúc hào quang trinh tiết của cô tựa như hiển hiện rạng ngời đến nỗi không thể
nào hồ nghi được cô đã thất trinh. Phải ! Không thể nào tội lỗi lẻn vào được con người
nhân đức ấy.
Tóm lại ông Giuse vẫn tin chắc như hai với năm là mười, rằng bạn mình vô tội. Nhưng
trái lại Maria quả thật đã có thai !
- Ôi Maria quả thật là một người trần gian không thể hiểu !
Nhưng Giuse một người công chính mang trong mình một linh hồn sáng suốt, thấm
nhuần bằng dòng máu nhân từ của Tân Luật ( chỉ Luật Phúc Âm ) Không có bằng chứng
rõ rệt là Maria đã phạm tội, ông không dám nghĩ đến chuyện đem ra sỉ nhục công khai
người bạn ông vẫn kính yêu.
Vậy ông định trao trả Maria một cách âm thầm cho nhạc phụ để cô được tự do. Âm
thầm nghĩa là không viết ly thư chính thức với những nguyên nhân, ngày tháng và chữ
ký, nhưng chỉ đưa tin cho nhạc phụ biết ý mình đã đổi thay. Cái ý định đó ông tính sẽ lọc
lại một lần nữa bằng lời cầu nguyện, rồi tìm dịp ngỏ cho Maria biết. Tuy nhiên ông vẫn
do dự phân vân.
Một đêm kia mệt lã sau chuỗi ngày lo nghĩ, Giuse đặt mình trên chiếc chõng tre, ngủ
một giấc nặng nề hoảng hốt ! Tâm trí ông khuấy rối lung tung. Mỗi lúc chợt tỉnh, vấn đề
gai góc kia lại tái diễn. Nhưng đột nhiên một thiên thần đã hiện đến và phán bảo:
Giuse con vua Ðavít, chớ ngại nhận lấy Maria làm bạn. Bào thai trong lòng Người là do
Chúa Thánh Thần. Người sẽ hạ sinh một con trai và đặt tên là Giêsu nghĩa là “Cứu Thế
"vì Người sẽ cứu chữa dân Người khỏi tội khiên.
Tiếng thiên thần vừa vọng xuống, ông Giuse thấy cả một vũ trụ linh hồn đã biến đổi.
Ông được soi sáng một cách rõ rệt hoàn toàn, trời tăm tối và u buồn lại hóa ra thanh
quang sáng lạn, một làn vui sướng nổi dậy lâng lâng. Giờ đây ông lại hiểu mình có cả một
địa vị đặc biệt trong việc giải cứu các sinh linh nữa. Ông sẽ là gia trưởng một gia đình mà
trong đó người con là Chúa Cứu Thế, vị cứu tinh của muôn dân, và người vợ là một trinh
nữ tuyệt vời thánh thiện. Trước kia bối rối bao nhiêu, bây giờ lại sung sướng bấy nhiêu.
Ông hiểu hết ý nghĩa lời tiên tri Isaia trong Cựu Ước: “Một Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh
nam nhi. Nam nhi đó sẽ được thiên hạ tôn xưng là Emmanuel, nghĩa là Chúa ở với chúng
tôi. (Is. 7: 14 )
Sáng hôm sau ông vội vã đi gặp Maria để tỏ bày và xin lỗi. Ông vui quá mà hai mắt long
lanh giọt lệ. Cô Maria cũng chỉ biết vui thôi, cô đọc trong giọt lệ của bạn nhiều ý nghĩa,
cô âm thầm ca lại bài Magnificat.
Mấy ngày hôm sau, thành Nazareth được chứng kiến một lễ thành hôn đáng ghi trong
lịch sử. Ðó là lễ cưới cô Maria. Chiều về khí nóng dần bớt, gió hiu hiu thổi, mang theo
mát mẻ ven trời. Một bọn thanh niên y phục lịch sự, ca hành theo điệu ống tiêu và nhịp
tiểu cổ, từ nhà chú rể tới nhà cô dâu. Ðến cửa, cả bọn đều đứng đợi, chỉ một mình chú
rể được hân hạnh bước vào. Cũng chính lúc ấy, cô dâu mặt ửng đỏ, từ biệt họ hàng và ra
đi. Lần sau hết bọn phù dâu sửa lại cho cô cái lúp lớn thêu hoa che mình và đặt trên đầu
cô một vòng hoa trắng kết lẫn với hoa nho nhỏ màu cam. Chuỗi người quần áo sặc sỡ đã
dàn hàng, mặt mày hớn hở, họ bắt đầu tiến bước, các cô cầm đèn, còn các cậu thì cầm
đuốc nhựa thông ; cứ thế tiến thẳng đến nhà chú rể. Mọi người vào nhà, cánh cửa khép
lại, và tiệc bắt đầu giữa tiếng chúc tụng âu ca.
***
Giuse đón Maria về nhà. Cả hai đã nên vợ chồng chính thức. Maria sung sướng, Bà năng
đếm ngón tay ngày Thánh Tử sẽ sinh ra. Bà sửa soạn ngày ấy bằng tất cả sự có thể, Bà
mua vải, may tã, thêu khăn, nhất là siêng năng cầu khẩn.
Giuse cũng sung sướng hết sức, một đàng Ông yêu kính người bạn hiền vô song, một
đàng khác ông không hề dám nghĩ đến việc vợ chồng ăn ở. Ông biết rõ lắm, cũng như
ông, người bạn của ông đã khấn ở đồng trinh trọn đời và hiện là Mẹ Thiên Chúa.
Từ ngày được soi sáng, ông cũng siêng năng làm việc hơn để dành dụm chút ít, chờ ngày
Thánh Tử sinh ra. Ông hiểu Chúa Cứu Thế không muốn luôn luôn sống bằng phép lạ, mà
chính bằng việc làm của ông. Nên ông càng sung sướng thêm nghị lực làm việc.
Gia đình Giuse Maria là một gia đình gương mẫu, ban ngày thuận hòa an vui, chăm chỉ
làm việc. Tối đến cầu kinh ; giọng trong trẻo của đôi bạn khiết trinh êm ái đưa lên trời
thẳm như khói hương trên đàn hiến lễ. Và những câu hàn huyên buổi tối, thường xen
vào một mẫu chuyện vô cùng thân mật đáng ghi:
- Thiên thần truyền cho tôi gọi Thánh Tử sẽ sinh ra là Giêsu.
- Vâng ! Chính thực mệnh lệnh trên là như thế.
- Giêsu tức là vị cứu tinh !
- Vâng ! Quả vậy, và người còn là vị cứu tinh vô cùng vinh hiển, Người sẽ thống trị muôn
đời và muôn dân.
Câu chuyện đó cứ nồng nàn nối tiếp và thường tận kết bằng những tiếng chúc tụng ngợi
khen Chúa Trời cao cả...
Hang Bê Lem

Thời tiết sang Ðông, từng cơn gió thổi mạnh, trời rét tựa cắt da.
Nhưng ngược với cảnh ngoài, gia đình Giuse vẫn êm đềm ấm áp, những bóng tối lo âu
xưa đã nhường chỗ cho những hào quang vui vẻ. Tính ra ngày “ở cữ” đã gần rồi, Maria
sung sướng, Bà năng hồi tưởng quang cảnh ngày thiên thần hiển hiện trong khi tay bà
để mũi kim chạy mau trên chiếc tã. Bây giờ cái gì cũng đã sẵn, lại thêm cả một cái nôi và
một chiếc khăn lớn trên mặt thêu những bông hoa nho nhỏ, Giuse tự tay làm cái nôi đó,
làm rất công phu. Thế nhưng ông còn ngắm nghía mãi, có lúc gặp mắt người bạn hiền
cũng đang chăm chú nhìn theo, cả hai cùng sung sướng mỉm cười trước cái hy vọng sẽ
nhìn một hài nhi anh linh nằm trong nôi đó. Hai ông bà thầm nghĩ:
Ngày đó, ngày Thánh Tử sẽ sinh ra và sẽ vui biết mấy ! Cái phòng này sẽ thêm vinh
hiển... cái cửa sổ kia sẽ mở rộng ra, ánh mặt trời lọt qua đó sẽ được vinh dự đậu trên
bàn tay mĩ miều của Thánh Tử. Dăm bảy ngày nữa, Thánh Tử sẽ ngự đến...Ôi Giesu !
Con là hạnh phúc của chúng ta ! Giêsu, con hãy ngự đến trong tình yêu của chúng ta.
***
Có tiếng huyên náo ngoài đường... Người ta đưa tin đích xác: Ðó là chiếu chỉ nhà vua
dán ở các cổng làng truyền cho mọi người phải cấp tốc khai tính danh ở nơi bản quán.
Việc biên khai đã bắt đầu, chiếu chỉ này do Hoàng đế Xêgiarê Âugút (Cesar Auguste) ban
ra.
Xêgiarê Âugút là vua nước thượng vị La Mã, bá chủ các đất đai nằm bên bờ Ðịa Trung
Hải. Ngày truyền lệnh làm sổ nhân danh trong nước để một đàng được tự hào với con
số dân đinh khổng lồ ở dưới quyền và đàng khác hàng thuộc quan có đủ tài liệu khai
khẩn một nguồn thuế vô song. Và đó cũng là gián kế chiếm đoạt xứ Balêtin và sát nhập
vào đế quốc La Mã, một khi quốc vương xứ đó là Hêrôđê qua đời.
Ðể làm sổ được dễ dàng minh bạch, ban phụ trách đã chia nhau đi từng thành từng làng
tra cứu kỹ lưỡng sổ sách công tư người Do Thái lưu truyền trong các thế hệ. Do vậy, nên
có chỉ thị buộc ai nấy phải trở về nguyên quán để kê khai. Việc kiểm sổ này xảy ra đang
lúc ông Kyrinhu ( Quirinius ) làm toàn quyền xứ Syri ( Syrie )
Theo chỉ thị, ông Giuse và bà Maria đã phải tạm biệt thành Nazareth trong xứ Galilêa, để
về Bê Lem là bản quán, một thành nhỏ trong xứ Giuđêa, vì ông thuộc về hoàng tộc
Ðavít. Việc biên khai đã bắt đầu, nên việc lên đường phải cấp tốc ! Ðang lúc sửa soạn lên
đường, bà băn khoăn hỏi ông:
- Từ đây đến Bê Lem mấy ngày ?
Ông Giuse thưa:
- Chừng 4, 5 ngày, chúng ta sẽ đến đó trong tháng này (tháng 12 dương lịch) vào quãng
24 hay 25.
Bà âm thầm nghĩ: 25 ! Ôi cái ngày tươi đẹp ! Hỡi Gabiên thiên thần của ánh sáng ! Trước
đây chín tháng, Người đã hiện đến cùng tôi...Lạy Chúa ! Này tôi dâng mình cho Chúa, tôi
vâng ý Chúa, Chúa hãy làm trong tôi những điều Chúa muốn. Tôi cúi đầu tuân phục...Tôi
chúc tụng Chúa trong hết mọi sự Chúa định liệu trong đời tôi.....
***
Trên đường Nazareth đi Bê Lem, lững thững hai bộ hành như hai bóng đen trên quãng
đường giá lạnh. Giuse và Maria âm thầm lần bước về phương Nam, lòng trí mỗi người
gợn lên những kỷ niệm của ngàn xưa.
Bà hồi tưởng đến Bê Lem thuở trước, cánh đồng lịch sử mà một buổi chiều, hai mẹ con
bà Rút ( Ruth ) đã mót lúa lúc hoàng hôn. Ông thì nhớ tới minh hoàng Ðavít một tổ phụ
đại danh, đã từng chăn chiên trong cánh đồng tốt cỏ ở đó. Và cách đây mấy tháng, thiên
thần đã nói với ông: Giuse con vua Ðavít, đừng ngại nhận lấy Maria làm bạn. Ôi !
Ý nghĩa biết bao ! Hai người tiếp tục đi, bao luồng tư tưởng chung riêng thay đổi nhau
làm cả hai tâm hồn cùng nao nức !
Kỳ thật, đó là hai vị đại thánh dạo gót ngọc trên trần gian, các thiên thần chiêm ngưỡng
đều phải thì thầm khen ngợi:
"Vị nữ trinh kia là áng mây hồng, mà có tiên tri đã gọi là “Rạng đông đến trước Thái
Dương” ( chỉ Chúa Cứu Thế ) và “Người công chính kia là một vĩ nhân siêu việt trong
Thiên quốc” ( chỉ Thánh Giuse )
Ðường thiên lý đã qua. Ðêm về ! Trời mỗi lúc mỗi tối đen, trên tầng cao muôn sao lấp
lánh, hẹn hò một giấc nghỉ yên. Hai ông bà vào Bê Lem giữa bộ đón chào của những
ngọn đèn mấp máy. Bỗng một luồng gió lạnh vút qua mặt và một câu hỏi hiện lên:
Chúng ta trọ ở đâu ? Chúng ta cần một phòng ấm áp vì...Ôi ! mà khách trọ nhiều quá !
Ông Giuse đi gõ cửa nhiều nhà... ông cố tìm ra một nơi ấm cúng hẳn hoi vì ngày Trinh Nữ
hạ sinh đã gần. Nhưng tìm không ra ! Các nhà trọ thường chật ních cả, và số tiền ít ỏi của
ông bà lại không cho phép hỏi thuê những nơi sang trọng.
Kỳ thật, trong những ngày như thế, số người tuôn đến Bê Lem rất nhiều, lại còn thêm
nào ngựa nào lừa và hàng trăm thứ khác. Giữa chỗ đông đúc hỗn độn như vậy, còn hay
có những chuyện tầm phào vương mùi tục tĩu. Nên đối với ông bà thánh thiện này, tìm
được một nơi yên tĩnh tiện nghi quả là rất khó.
Tìm nhà trọ không ra, ông Giuse cảm thấy khổ tâm, bộ tịch ngơ ngác. Ông đứng lặng
một hồi lâu... suy nghĩ... Con lừa dường như phân ưu, cũng đứng lặng nhìn ông với cặp
mắt tròn xoe. Nhưng ông đổi cử chỉ... ông dắt con lừa bước qua cửa thành ra ngoại ô...
Không tìm được nơi vừa ý, ông đành tạm trú cho qua đêm trong một hang tự nhiên ở
sườn núi đá cách xa thành. Có lẽ là nơi một trạch chủ nào đã sửa chữa qua loa để chứa
bò lừa trong những ngày chật khách. Ở Balêtin ( Palestine ) có nhiều hang như thế lắm
và trạch chủ hay xây một tường sơ sài che trước cửa để tạm dùng khi có việc. Nói theo
nghĩa rộng, những hang đó cũng có thể làm nơi tạm trú.
Ðứng bên hang, hai ông bà cảm thấy ngậm ngùi, ân hận vì ngày Thánh Tử sinh ra đã đến.
Bà nhìn ông. Ông nhìn bà, bốn con mắt đều long lanh, hai tấm lòng cùng se lại !
Nhưng biết làm sao được ? Thôi cũng xin vâng... Vâng theo ý nhiệm mầu của Chúa .
Những cung điện nguy nga, những tòa nhà lịch sự, những nơi ấm áp, đã khước từ Thiên
Chúa, đã xua đuổi Ngài, nên quả thực, Ngài đã ban cho hang Be Lem khó hèn được danh
dự đón Ngài trong giờ Ngài ngự đến.
***
Thốt nhiên, giữa đêm giá lạnh, không một dấu hiệu báo trước, không một quặn đau,
Trinh nữ đã sinh hạ một hài nhi tuấn tú.
Ðó là Chúa Cứu Thế thiên hạ đợi trông.
Ánh sáng thâu qua thủy tinh không làm cho thủy tinh tan vỡ, trái lại cần làm cho thủy
tinh huy hoàng rực rỡ. Cũng giống thế, Ngôi Hai Thiên Chúa từ lòng hiền mẫu nhô ra ánh
sáng dương gian, không làm cho Mẹ Ngài mất trinh và đau đớn, trái lại càng làm cho
Người thêm vinh.
Trước cử chỉ yêu thương của Thiên Chúa tượng hình bằng Hài Nhi đó, Trinh nữ vô cùng
cảm động để mấy giọt lệ chảy trên má.... Người sấp mình xuống thờ lạy, rồi hai tay run
run ẵm Hài Nhi lên ngực hôn hồi lâu... hôn nồng nàn tha thiết, và lấy chiếc khăn nhỏ bọc
Hài Nhi rồi đặt xuống máng cỏ, nơi ông Giuse đã hết sức dọn dẹp cho hẳn hoi hơn.
Hai ông bà gối quì tay chắp thờ lạy Ðấng mà cả hai biết rõ là Thiên Chúa, cám ơn Thiên
Chúa thay cho nhân loại và cầu khẩn thở than những điều chỉ một Thiên Chúa thấu
hiểu... Ra như hiệp ý tâm đầu, bọn chiên lừa ở đây mạnh bạo thở hơi ấm và đăm đăm
nhìn Thánh Tử hiện xuống trần gian.
Thế là hang Bê Lem, chỗ trú trọ của bò lừa đã hóa nên cung điện của Ðấng Tối Cao, Chúa
muốn gởi thân trong hang bò lừa nơi thấp hèn, chật hẹp và hôi tanh để lên án tính kiêu
xa, phóng túng và tham thanh chuộng lạ của thế giới.
Chúa sinh ra lúc đêm khuya đang khi nhân loại vùi dưới giấc ngủ nặng nề, để thức tỉnh
những tấm lòng say đắm.
Chúa xuống trần gian giữa trời rét lạnh, tối om để sưởi ấm đem vui cho những linh hồn
sầu khổ, và soi sáng những trí óc ngu si.
Chúa muốn ra đời chốn Bê Lem, nơi hoang vu coi như vô chủ, nơi thanh vắng không một
bóng người, để Ngài trở nên báu vật của mọi người, và nên bạn hữu luôn luôn bên cạnh
muôn triệu linh hồn khắp bốn phương.
Bước Tới Bê Lem
Mấy giờ sau rét lạnh dịu dần.
Chung quanh Bê Lem, có tiếng động, rõ là tiếng chân người bước xen lẫn với tiếng chiên
kêu... Trước con mắt bỡ ngỡ của hai ông bà, một tốp người bế chiên đã tiến đến.
Nguyên ở phía Ðông Bê Lem mỗi đêm có những người chăn chiên thức giữ chiên. Họ là
một trong những nhóm dn du mục, quê hương vô định, nay chỗ này mai chỗ khác tùy
theo sức lôi cuốn của cánh đồng ruộng cỏ bao la và sự an ninh của sứ sở. Họ thích tung
tăng giữa cảnh tịch mịch thiên nhiên, và gởi mình vào giấc ngủ êm đềm dưới ánh trăng,
mặc cho mưa sa gió lộng.
Ðêm ấy đang trò chuyện vui vẻ chung quang một ngọn lửa đầm ấm, bỗng họ thấy lóe ra
một tia sáng lạ ở không trung. Họ chưa hết sợ hãi thì đã bị một vùng quang tuyến huy
hoàng bao phủ. Trong vùng quang tuyến đó hiện rõ bóng một Thiên thần. Cả bọn đều
hoảng sợ. Họ tưởng chừng sẽ chết chìm trong ánh sánh, vì họ nghĩ rằng chẳng ai giáp
mặt được Ðức Yavê ( Ðức Chúa Trời ) mà không bị chết. Nhưng giọng điệu êm đềm, sứ
thần Thiên Chúa đã đưa tin:
Các ông đừng sợ, Tôi đến đây để báo tin mừng, là ở Bê Lem quê hương vua Ðavít, đã
sinh ra chính Ðấng muôn dân trông đợi. Ðó là Chúa Cứu Thế.
Tiếng Thiên thần dội xuống dịu ngọt và êm vui ! Bọn chăn chiên cảm thấy thế họ lại
mừng, tâm hồn bình tĩnh. Ánh sáng huy hoàng kia đã xuyên qua làn áo lông cừu của họ
và thấm tới tâm hồn họ. Nhưng từ không trung lại vọng ra một lời khiến họ bỡ ngỡ:
Và đây là dấu các ông sẽ nhận biết Chúa Cứu Thế, các ông sẽ thấy một hài nhi bọc trong
chiếc khăn, nằm trên máng cỏ.
Những người chăn chiên chưa kịp trấn tỉnh. Hai tiếng “máng cỏ” vẫn vọng dư âm...
Thoát chốc tầng trời rộng mở, nhả từng đoạn hình tượng sáng láng tung hào quang xua
đêm tối. Ðó không phải là một Thiên thần nữa nhưng là số đông thiên thần hiện ra ca
hát...
Có lẽ đó là những thiên thần thuộc nhiều cấp, đêm nay xuống hát mừng Chúa mới sinh
ra. Không có đêm nào đẹp như đêm Giáng Sinh, một đêm đầy ánh sáng, tầng không yên
tĩnh rộn tiếng thiên thần ca vui ! Tiếng hát du dương cứ vọng đi vọng đi xa và lên cao
mãi, khiến bọn chăn chiên mừng vui ngây ngất... Trong bao lời ca ấy, họ còn nhớ rõ
được mấy câu:
“Vinh danh Thiên Chúa trên trời, Bình an dưới thế cho người thiện tâm “
Ðêm tối trở lại . Nhưng tâm linh của những người chăn chiên đã sáng ngời lên. Họ tin lời
thiên thần và quyết định đi thờ lạy Chúa Cứu Thế. Họ bàn định nhau:
Chúng ta hãy chạy mau tới Bê Lem, để chứng kiến điều Thiên Chúa thương mạc khải.
Và nhanh chân, họ đã tới Bê Lem, họ tiến vào hang đá.
Hang đó không giống cái trụ quán nhỏ xinh xinh và nhẹ nhàng mà các họa sĩ thường vẽ
trong dịp Giáng Sinh. Nó cũng không giống cái máng cỏ bằng thạch cao của người bán
ảnh tượng bày ở cửa phố. Nghĩa là nó không sạch sẽ sáng sủa và thứ tự, một bên có bò
lừa thở ấm, một bên có 3 Vua áo mũ uy vệ quì chầu, trên có số đông thiên thần bay
lượn, xướng ca, giăng dài một biểu ngữ với những câu cao ý. Không ! Hang đá kiểu như
thế là hang đá tưởng tượng, chỉ để mơn trớn những tâm tình hiếu cảm.
Hang đá ở đây, là một chuồng chứa súc vật. Nó thiếu cả cột kèo và hiên mái, nó không
được hào nhoáng như những tàu ngựa ngày nay. Nó là một hang đá theo đúng nghĩa,
tối tăm khó thở và nặc mùi hôi tanh ! Tuy nhiên người chăn chiên chất phác đã không
ngần ngại bước thẳng vào, vì trong trí họ vẫn văng vẳng tiếng thiên thần chỉ bảo.
Họ thấy ông nhà quê ( Thánh Giuse ) mắt đăm đăm ra chiều ngây ngất, một hài nhi bọc
trong khăn nằm trên máng cỏ và một thiếu phụ mặt cúi sát xuống Hài Nhi, đang mỉm
cười sung sướng....
Lòng họ hồi hộp tan chảy như sáp ong gần lửa. Nhờ ơn trên soi sáng, họ nhận biết Hài
Nhi đó, bề ngoài yếu ớt rét run và giống hệt trăm nghìn kẻ khác, nhưng bên trong là
chính vị Cứu tinh của muôn dân. Họ thụp xuống thờ lạy hồi lâu...Họ yêu mến kính tôn
Ngài và dòng lệ từ từ chảy....Họ thương Ngài vô cùng, vừa trìu mến vô biên...
Theo lệ đi thăm người “sản phụ” họ mở bao đem dâng ít sữa, dăm ba quả trứng, và một
nắm lông chiên. Bà Maria vui vẻ nhận, tỏ bộ cám ơn.... Họ thi nhau thuật lại tỉ mỉ quang
cảnh lạ mới gặp, và bà Maria sung sướng nghe họ kể.
Rồi đêm hết, hừng đông chổi dậy....
Cả bọn chăn chiên rút lui. Họ vào thành và trong các lữ quán, kể kại sự hiển linh ban
đêm với mọi chi tiết tỉ mỉ họ đã xem thấy về Hài Nhi phi thường, khiến các người nghe
phải bỡ ngỡ.
Nhưng có tiếng bình phẩm: Chuyện ấy làm gì có, Chúa Cứu Thế mà lại sinh trong hang
bò lừa ở dọc đường do một thiếu phụ vô danh ư ? Chả nhẽ có thể thế được ?
Riêng về phần Maria, bà khắc cốt minh tâm mọi điều đã nghe biết và ngày ngày suy đi
gẫm lại.
Các người chăn chiên đã được chứng kiến việc ly kỳ, họ cũng hết sức tin tưởng cuộc hiển
linh kia có thật. Họ an tâm trở về với đoàn chiên, và ca tụng Thiên Chúa về cái đêm phúc
đức ấy....
Tám ngày sau, Hài nhi chịu phép cắt bì. Trong dịp đó ông Giuse theo sứ thần đã dặn, đặt
tên cho Thánh Tử là Giêsu nghĩa là “Chúa cứu chữa chúng tôi”
Ðó là một thánh danh ý nghĩa cao sâu, bao hàm cái chương trình “cứu thế” Nhưng đến
lúc khai trình để biên vào sổ, người ta lại cười hai ông bà là ngớ ngẩn:
- Làm sao một hài nhi đẻ bên vên vỉa đường trong một đêm giá lạnh, lại đặt tên là
“Chúa cứu chữa chúng tôi “.

You might also like