You are on page 1of 2

Giuse Tuân.

Vũ Chí Thành, Sj
Lớp Thần 1 - Học viện Dòng Tên Việt Nam Bài thu hoạch môn Lịch sử Giáo hội Công Giáo

ĐỊNH TÍN VỀ CHÚA BA NGÔI và BẢN TÍNH CỦA ĐỨC KI-TÔ


QUA BỐN CÔNG ĐỒNG CHUNG ĐẦU TIÊN TRONG LỊCH SỬ GIÁO HỘI

Vào hai thế kỷ thứ 4 và 5, nhiều học thuyết khác nhau xuất hiện để trình bày đức tin Ki-tô giáo. Chúng
khởi đi từ ước mong xác định rõ hơn về những điều người Ki-tô hữu tin nhận; nhưng đôi lúc, cũng từ những
yếu tố phàm tục, tranh giành ảnh hưởng của các nhà suy tư thần học. Điều này đòi buộc các giáo phụ, các vị
lãnh đạo giáo hội, họp những công đồng chung đầu tiên để minh định những nội dung chân lý đức tin đặc thù
của Ki-tô giáo. Trong số các học thuyết gây nguy hại đến đức tin Ki-tô giáo, liên hệ đến mầu nhiệm Chúa Ba
Ngôi và bản tính của Đức Ki-tô, phải kể đến các lạc thuyết: Arius, Nestorius và Eutykes; trải dài qua 4 công
đồng chung đầu tiên của giáo hội: Nicea I (325), Constantinople I (381), Epheso (431) và Calcedonia (451).
Arius là người Libya, sinh vào khoảng những năm 260. Ông là người thông minh, chú giải Kinh Thánh
theo trường phái Antiokia. Arius chủ trương coi Đức Ki-tô chỉ là tạo vật đầu tiên, hạng nhất của Thiên Chúa;
được sáng tạo từ hư không nhưng không hằng hữu từ đời đời. Ông tin rằng chỉ có một Thiên Chúa duy nhất;
còn Đức Ki-tô thì được Thiên Chúa chọn làm con; nhờ đó mà có quyền năng, được tham dự vào Thiên tính
của Thiên Chúa, trở nên trung gian giữa Thiên Chúa và loài người. Lạc thuyết này lan rộng và được nhiều
người ủng hộ. Tuy nhiên, cũng có nhiều giám mục, nhất là thánh Alexandro thành Alexandria, phản đối. Cuộc
tranh luận về thuyết của Arius gây xôn xao nhiều vùng xứ Syria, Palestina và Tiểu Á.
Lo sợ mất an ninh đế quốc, dù chưa tham khảo ý kiến giáo hoàng, vua Constantinus đã đứng ra triệu tập
công đồng chung Nicea I (từ 20/05/325 đến 19/06/325), mời các giám mục trong đế quốc lại họp để xác định
những gì cần phải tin. Công đồng họp và đưa ra tín biểu kinh Tin Kính. Tuy nhiên, kinh Tin Kính lúc này mới
chỉ tới câu “…Tôi tin kính Chúa Thánh Thần.” Công đồng cũng định tín rằng Chúa Ki-tô đồng bản thể (homo-
ousios) với Chúa Cha, hiện hữu từ đời đời. Kết thúc công đồng chung, vua bắt các thành viên dự công đồng
phải ký vào bản tuyên tín này. Arius và những người ủng hộ ông không chịu ký nên bị phạt lưu đày.
Năm 328, Arius được thả tự do, quay lại phản đối kết quả của công đồng Nicea I. Lúc đầu, phái Arius phát
triển mạnh, khiến thánh Athanasio, giám mục Alexandria lúc ấy, phải chịu nhiều bách hại vì trung thành với
kết quả của công đồng chung Nicea I. Đã có nhiều công đồng địa phương liên tục được triệu tập để bàn luận
các vấn đề xoay quanh học thuyết của Arius, ngay cả sau khi Arius qua đời. Điều này làm đời sống đức tin của
giáo hội gặp nhiều xáo trộn. Bè rối Arius sau này chia rẽ phe nhóm: (1) một phe chủ trương dùng danh từ an-
omoios, dạy rằng Chúa Con khác Chúa Cha về bản tính. (2) Phe khác lại chủ trương dùng từ homoi-ousios cho
là Chúa Con giống Chúa Cha về bản tính. (3) Phe thứ 3 thì chủ trương dùng từ homoios, muốn nói Chúa Con
giống Chúa Cha nhưng không xác định rõ là giống về phương diện nào. Các phe đả kích nhau gay gắt. Xuyên
qua những xáo trộn, suy tư thần học có một số tiến triển. Người ta phân biệt ousia (bản tính) với hypotase (ngôi
vị), nhờ vậy mà dung hòa được sự bình đẳng của Chúa Cha và Chúa Con về bản tính, nhưng phân biệt hai ngôi
1
vị khác nhau. Người có công trong việc thống nhất lại các hạn từ thần học này là thánh Basile, giám mục thành
Cesaree (370-379). Vấn đề mới được đặt ra: Vậy Thánh Thần có phải là Thiên Chúa không? Hai thánh Basile
và Gregoire thành Nazianze xác tín Chúa Thánh Thần là Thiên Chúa thật; chống lại luận điệu của phái Arius
cho rằng Chúa Thánh Thần là thụ tạo, thậm chí còn kém hơn Chúa Con.
Năm 381, vua Theodosius triệu tập công đồng chung Constantinople I hầu xử lý phái Arius và đem lại trật
tự trong đế quốc. Kết quả, công đồng chung đã nhìn nhận kết quả của công đồng Nicea I và xác tín thêm rằng
“chúng tôi tin Thánh Thần là Chúa hiển trị và là Đấng ban sự sống, Ngài bởi Đức Chúa Cha mà ra và Ngài
cũng được phụng thờ và tôn vinh với Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con”. Dần dần, bè phái Arius tan biến.
Sau đó, suy tư thần học lại xuất hiện một chủ thuyết mới của Nestorius, thượng phụ của Constantinople.
Ông khẳng định rằng Đức Kitô thực sự là con người. Ngôi Lời đã nhận tất cả một con người cả hồn cả xác và
cả bản vị nữa. Từ đó, ông phủ nhận tước phẩm “Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa;” nhưng chỉ là mẹ của Đức Ki-
tô mà thôi. Người phản đối Nestorius là thánh Cyrillo, thượng phụ Alexandria. Thực ra, vấn đề bàn bạc về tước
hiệu “Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa” không chỉ đơn thuần dừng lại ở việc tước hiệu đó phải gọi thế nào, nhưng
sâu xa hơn, chính là vấn đề mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi và bản tính của Chúa Ki-tô. Bởi lẽ, nếu chỉ nhìn nhận
Đức Maria là mẹ của Đức Ki-tô, thì đồng thời cũng đặt ra vấn đề Đức Ki-tô chỉ là người được tiền định mặc
lấy thiên tính, phân tách Ngôi Hai nhập thể thành hai ngôi vị riêng biệt được lồng vào trong nhau.
Năm 431, vua Theodosius II (408-450) triệu tập các giám mục để họp công đồng chung ở Epheso. Kết quả,
công đồng cắt chức Nestorius; công nhận thuật từ “Theotokos”, Mẹ Thiên Chúa, dành cho Đức Maria là chính
đáng. Sau khi bị kết án, Nestorius lui về một đan viện gần Antiokia.
Trong số những người phản đối kịch liệt suy luận của Nestorius, còn có ông Eutikes (378-454), viện phụ ở
Constantinople. Tuy nhiên, Eutikes lại đẩy việc phản bác tư tưởng của Nestorius sang một thái cực khác và rơi
vào chủ thuyết nhất tính. Năm 448, Eutykes tuyên bố rằng từ khi nhập thể, nơi Đức Ki-tô chỉ có Thiên tính, vì
nhân tính đã hoàn toàn bị thu hút bởi Thiên tính của Ngôi Lời. Với lập trường này, Eutykes bị giám mục
Constantinople là thánh Flavian ra vạ tuyệt thông và cắt chức; nhưng sau công đồng địa phương Epheso năm
449, nhờ vũ lực, ông ta được phục chức và tư tưởng của ông được truyền bá công khai mặc cho còn nhiều
người phản đối quan điểm này. Sau đó, vua Marcianus (450-457) lên ngôi kế vị Theodosius II. Để tái lập hòa
bình tôn giáo, an ninh đế quốc và giao hảo với Rôma, vua cho triệu tập công đồng chung Nicea vào tháng
09/451. Một tháng sau, công đồng chung được chuyển sang Calcedonia và xét lại kết quả công đồng Epheso
năm 449. Kết quả sau nhiều tranh luận, công đồng chung Calcedonia định tín rằng: “Chúng tôi tin kính một
Đức Kitô duy nhất, Con Một Thiên Chúa và là Chúa Trong hai bản tính (thiên tính và nhân tính) không trộn
lẫn, không biến đổi; không phân chia hay tách ly. Sự khác biệt giữa hai bản tính không hề mất đi bởi sự kết
hiệp; trái lại, các đặc tính của mỗi bản tính này còn y nguyên trong một ngôi vị duy nhất.”
Có thể nói, nhờ sự quan phòng của Thiên Chúa, từ việc suy tư về nội dung đức tin, các lạc thuyết được
hình thành. Đối lại, các công đồng chung đầu tiên cũng được triệu tập và đưa ra những tín điều, giúp người tín
hữu vững vàng hơn trong đời sống đức tin.
2

You might also like