You are on page 1of 2

TU SĨ VÀ BÍ TÍCH THÁNH THỂ

Khi nói về ưu tư lớn nhất của việc canh tân đời thánh hiến, Đức thánh Giáo hoàng Gioan
Phaolô II trong Huấn thị Phát Xuất lại Từ Đức Kitô đã nói đến việc phải “dành chỗ đứng trung
tâm của việc cử hành Thánh Thể” (số 26), và trong Tông huấn Đời sống thánh hiến, ngài cũng
viết: “Thánh Thể ở trung tâm đời sống thánh hiến, cá nhân cũng như cộng đoàn. Đó là của ăn
đàng mỗi ngày và nguồn mạch linh đạo cho cá nhân cũng như cộng đoàn” (số 95).
Bí tích Thánh Thể, nơi Đức Giêsu hiện diện với con người luôn mời gọi chúng ta đến và
chiêm ngưỡng, cũng như ăn và uống chính Thịt và Máu Đức Giêsu để tăng sinh lực trên đường
lữ hành dương thế. Nơi bí tích Thánh thể, nền tảng sự hiện hữu của Thiên Chúa được cụ thể hóa
trong các hoạt động của Giáo Hội.
Đối với đời sống thánh hiến, lời mời gọi đến với Bí tích Thánh Thể còn tha thiết và liên tục
hơn, để người tu sĩ được kết hợp ngày càng mật thiết hơn với Đức Giêsu, nên một với Người, bởi
Người là nguyên mẫu cho cả đời sống tu trì của người tu sĩ, vì đi tu là bước theo Đức Giêsu
(sequela Christi), hoàn thiện bản thân để trở nên giống với Đấng mà mình bước theo hơn.
Phụng vụ Thánh Thể trong đời sống tu trì đóng vai trò quan trọng và là trung tâm điểm của
các hoạt động nơi mỗi cộng đoàn. Nơi ấy thể hiện sự hiệp thông của con người với Thiên Chúa,
và của những con người với nhau. Nơi ấy, tính gắn bó của cộng đoàn được duy trì, sự tha thứ
được thể hiện. và đối với bản thân người viết, trong các hoạt động của cộng đoàn tu trì, phụng vụ
bí tích Thánh Thể là nguồn mạch và sức sống cho đời hiến dâng.
1. Thánh lễ, nơi bản thân được bồi bổ
Khi lãnh nhận bí tích Rửa tội, người tín hữu đã nhận lãnh vai trò tư tế của Đức Giêsu để
dâng lễ tế thiêng liêng lên Thiên Chúa. Trong thánh lễ, chúng ta thi hành vai trò tư tế của mình
và cùng với vị tư tế thừa tác, chúng ta quây quần bên nhau để thực hiện lời Chúa Giêsu đã truyền
trong bối cảnh Tiệc Ly: “Anh em hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy” (x. Lc 22,19).
Mỗi thánh lễ là một cuộc biến đổi, từ sự biến đổi cao siêu nhiệm mầu là biến đổi bản thể
trong Thánh Thể, cho đến những biến đổi nhỏ nhoi trong cách suy nghĩ, lối ứng xử của người
tham dự, tất cả làm nên một cộng đoàn sẵn sàng để ra nghênh đón Chúa trong ngày Người quang
lâm. Điều quan trọng là mỗi thành viên tham dự thánh lễ có thực sự để Chúa biến đổi mình hay
không, có sẵn sàng để Chúa động chạm đến, xóa tan đi những vết sẹo của tự ái, ích kỷ, để biến
đổi thành con người mới, thụ tạo mới trong Chúa hay không?
Đối với bản thân người viết, mỗi giờ lễ là một giờ linh thiêng được gần gũi Chúa Giêsu,
được cùng Người tiến lên đồi Calvariô. Dẫu rằng không phải lúc nào cũng sốt sắng, trang
nghiêm, không phải lúc nào cũng “tỉnh táo”, nhưng được hiện diện trong thánh lễ là sự bình an
đối với người tu sĩ. Có thể nói, với người viết, đời tu chỉ cần những bình an nho nhỏ, sáng sáng
được cùng cộng đoàn hát ca chúc tụng Chúa trong giờ kinh nguyện và thánh lễ, là thấy đời tu
còn ý nghĩa lắm, dù cho có những hôm “vật vờ”, nhưng tin tưởng tình Chúa yêu thương, để “thư
thái bình an” ngủ yên trong tay Người.
Ngay từ những ngày còn nhỏ, theo mẹ, theo các anh chị đến nhà thờ xem lễ, người viết đã
cảm nhận được sự bình an trong tâm hồn mình. Khi được rước lấy Thánh Thể, người viết còn
thấy mình được bồi bổ để tăng triển trên hành trình đức tin, để khi nhận ra ơn gọi thánh hiến nơi
bản thân, người viết luôn nhẩm đi nhắc lại một lời nguyện sau khi rước Thánh Thể, đó là “một
điều con xin Chúa, một điều con kiếm tìm, xin cho con được ở trong nhà Chúa suốt đời con”.
Cho đến tận hôm nay, khi đã “ở trong nhà Chúa” với vai trò người tu sĩ dòng Giảng Thuyết,
người viết vẫn khát khao được “cư ngụ nơi nhà Chúa luôn mãi” để hàng ngày được tham dự vào
bàn tiệc thần linh, được cảm nếm sự ngọt ngào của Thánh Thể, được bồi bổ trong tâm hồn sau
những tổn thương vì đời sống cộng đoàn, vì thất bại trong sứ vụ, vì những hiểu lầm, bất công,
chia rẽ...

1
2. Thánh lễ, nơi cộng đoàn được thăng tiến
Thánh lễ là thời gian để gặp gỡ Chúa Giêsu, để lắng nghe tiếng Người nói qua Kinh
Thánh, để đụng chạm đến Người qua Thánh Thể, để kết hợp nên một với Người, để được Người
biến đổi và ngày một nên tốt lành hơn, xứng đáng hơn với vai trò người tu sĩ. Đời sống tu trì
được nuôi dưỡng bằng Lời hằng sống Bánh hằng sống. Với thánh lễ, người tu sĩ được đón nhận
cả hai thứ mà đời tu rất cần ấy.
Thánh lễ là thời gian để cộng đoàn gặp gỡ nhau, cùng nhau cử hành phận vụ chung của
những người bước theo Đức Giêsu trên con đường nhân lành, để trao cho nhau sự bình an, để tha
thứ cho nhau những lỗi lầm. Giờ lễ là giờ mà cả cộng đoàn quy tụ bên nhau, cùng nhau đối đáp
dâng lời ca tụng Chúa, thân ái trao nhau những lời chúc lành, những cử chỉ thân ái của tình
huynh đệ tu trì, và nâng đỡ nhau trên bước đường sứ vụ.
Thánh lễ là nơi cung cấp cho cộng đoàn kinh nghiệm sự viên mãn của tình yêu dâng hiến
mà Đức Kitô đã thể hiện khi trao ban đến tận cùng trên thập giá. Khi cử hành thánh lễ, cộng
đoàn được mời gọi khai mở cho Thiên Chúa và cho tha nhân, trong đó, Thánh Thể là lương thực
nuôi dưỡng đức ái của cộng đoàn, xây dựng tình hiệp thông nơi các phần tử của cộng đoàn, và
không ngừng canh tân khuôn mặt của cộng đoàn sao cho nên giống khuôn mặt của Đức Giêsu
giàu lòng thương xót hơn.
Thánh lễ còn là nơi mà Thiên Chúa đoái thương đón nhận mọi lời nguyện cầu của từng
người và của tất cả mọi người, cho mình và cho tha nhân, những người đã cậy nhờ vào lời cầu
nguyện của các tu sĩ giữa những bôn ba, xáo động của cuộc đời. Nơi ấy, “vui mừng và hy vọng,
ưu sầu và lo lắng của những con người thời đại” được các tu sĩ sắp xếp trên bàn thờ dâng lên
Thiên Chúa, để nói với Chúa về nhân tình thế thái, và để Chúa ngỏ lời đi công bố cho muôn
người.
Một cộng đoàn sinh động là một cộng đoàn luôn được quây quần bên Thánh Thể. Để khi
cử hành Thánh Thể, cộng đoàn kín múc được niềm vui và sự năng động mà Ba Ngôi đem đến.
Sức năng động của Thánh Thần cùng với Thánh Thể đã biến đổi những người tham dự thành
thân thể Đức Kitô. Kinh tạ ơn III đã diễn tả cho chúng ta thấy điều ấy: “Và khi chúng con được
Mình và Máu Con Cha bổ dưỡng, được đầy tràn Thánh Thần của Người, thì chúng con được
nên một thân thể và một tinh thần trong Đức Kitô”. Sự hiệp nhất nên một này là điều mà bất kỳ
một cộng đoàn nào cũng mong muốn đạt tới, nhất là nơi những dòng tu nhấn mạnh đến chiều
kích hiệp thông huynh đệ qua đời sống chung như dòng Đa Minh của người viết.
Quả thật, nơi Thánh Thể, đời sống cộng đoàn được dưỡng nuôi, được triển nở, và đời tu có
thêm sinh lực, sức sống. Từ những sự biến đổi trong mỗi tu sĩ, cộng đoàn sẽ được biến đổi.
Người viết tin tưởng vào điều ấy. Sự thăng tiến của cộng đoàn chỉ có được với sự thăng tiến của
từng phần tử trong cộng đoàn. Và hoạt động của cộng đoàn có sinh động, có thành công, là nhờ
vào những năng động mà Thánh Thể đem lại nơi mỗi thánh lễ của cộng đoàn.
Tạm kết
Với những gì đã trình bày, người viết chủ quan đưa ra nhận xét rằng, Thánh Thể và đời
sống thánh hiến có một tương quan hết sức bền chặt. Nếu không có Thánh Thể, sẽ không có đời
thánh hiến. Nếu đời sống thánh hiến không hướng về Thánh Thể, thì người thánh hiến không thể
nào dâng hiến cuộc đời mình một cách trọn vẹn được. Ước mong sao các tu sĩ, nhất là những tu
sĩ dòng Giảng Thuyết, biết kín múc từ Thánh Thể sức mạnh thần linh, để đem vào lời giảng của
mình sự sống mãnh liệt và có sức lôi cuốn, nhằm quy tụ mọi người đến bên Thánh Thể và dâng
lời ca ngợi Chúa đến muôn đời.

You might also like