You are on page 1of 7

Tiểu thuyết chính trị Hậu

hiện đại

Lời dẫn: Cuốn The Fiction of Postmodernity (Tiểu thuyết hậu hiện đại) của
Stephen Baker gồm năm phần (Đánh mất niềm tin: Ý thức hệ và Thời đại của Cái
Mới; Những phản ánh hậu hiện đại: Tư tưởng hậu Marxist; Cái hậu hiện đại và
Tiểu thuyết lịch sử; Tiểu thuyết chính trị hậu hiện đại; Sự thiếu hụt thời hậu hiện
đại: Adorno chống lại Jameson), nghiên cứu mối quan hệ giữa lí thuyết hậu hiện
đại và thực tiễn sáng tác hậu hiện đại. Ở đây, các tác phẩm của Don Delillo, Toni
Morrison, Salman Rushdie, Thomas Pynchon và Martin Amis được đặt trong tương
quan với những phê bình về “nền công nghiệp văn hoá”, những phân tích về “điều
kiện hậu hiện đại” và các lí thuyết về cái thay thế giả tạo của Theodor Adorno,
Jean- Francois Lyotard, Fredric Jameson, Jean Baudrillard. Cuốn sách mô tả về cái
hậu hiện đại từ truyền thống phê bình Marxist và từ bối cảnh hậu marxist.

Phần trích dịch sau đây thuộc phần bốn (Tiểu thuyết chính trị hậu hiện đại),
phân tích tác phẩm của nhà văn Ấn Độ Salman Rushdie, chủ yếu là cuốn Những
vần thơ của quỷ sa tăng (Satanic Verses), trong tương quan với các lí thuyết về
điều kiện hậu hiện đại, với bối cảnh Hồi giáo hiện đại, với các phê bình về “nền
công nghiệp văn hoá” từ đó, khẳng định diện mạo và giá trị thiết yếu của cuốn tiểu
thuyết chính trị hậu hiện đại này (ND).

“Không đâu là nhà”: Chính trị hậu hiện đại và Những vần thơ của quỷ
sa tăng

Điều tôi muốn khám phá trong The Satanic Verses (Những vần thơ của quỷ
sa tang) là quan niệm của Rushdie về chủ nghĩa phi-chính thống (anti-
foundationalism) hậu hiện đại, sự từ bỏ tiêu chí tiên nghiệm khi phán xét của cuốn
tiểu thuyết. Đặc biệt, tôi sẽ khẳng định, The Satanic Verses thể hiện - trên cả trang
viết và cả trong ý nghĩa chính trị của nó - sự khủng hoảng của sự hợp thức hóa.

The Satanic Verses là cuốn tiểu thuyết về quyền uy. Thật nhục nhã, nó là
cuốn tiểu thuyết tra vấn hoặc đòi hỏi chúng ta phải nghĩ lại các phương diện của
quyền uy tôn giáo. Vụ việc của “quỷ thi” chỉ là một thí dụ về sự phê phán
của cuốn tiểu thuyết đối với tính xác thực của mặc khải tôn giáo – và, tất nhiên,
đó cũng là sự phê phán đối với cả sự hợp thức hóa của những phán xét nhân danh
quyền uy thần thánh hay quyền uy tuyệt đối. Tương tự, Rushdie nhạo báng quyền
uy nhà nước Anh qua những đoạn miêu tả sự thô bạo của giới cảnh sát và những
câu chuyện bịa khủng khiếp để hợp pháp hóa sự nhạo báng đó. Những phê phán
của Ayatollah Khomeini của Iran và Norman Tebbit của thị trấn Chingford (ngoại
ôLondon - ND) đều liên quan đến phương diện này trong tác phẩm của Rushdie.

Nhưng tâm điểm quyền uy của cuốn tiểu thuyết là người kể chuyện, một
giọng điệu dẫn dắt chúng ta qua vô số những câu chuyện về chủ nghĩa hoài nghi
chính trị, sự ngờ vực tôn giáo và những chuyện tình phản bội. Điều tôi muốn nói
là, trong khi The Satanic Verses kịch hóa những câu chuyện nghi ngờ các hình
thức quyền uy xã hội và văn hóa thì Rushdie lại chấp nhận một góc nhìn tự sự cho
phép tích hợp chủ đề cấu trúc quyền uy vào chính cấu trúc của cuốn tiểu thuyết.

Đó là cái giọng điệu tự sự đơn mà chúng ta phải tin cẩn, chúng ta phải tính
đến động cơ và ý đồ của nó; trên hết, đó là giọng điệu mà chúng ta cần phải xác
định nguồn gốc. Khi miêu tả cảnh Saladin và Gibreel rơi khỏi máy bay, Rushdie
ngay lập tức hỏi chúng ta “Tôi là ai?”. Đây là một câu hỏi khá có lí, khơi gợi mức
độ quan trọng của bản thân; nhưng có lẽ câu hỏi này cũng bóng gió cho thấy rằng
lai lịch của ông có thể tác động đến cách diễn dịch của chúng ta về câu chuyện.
“Còn ai vào đấy nữa?” không phải là câu trả lời tốt nhất.

Những dấu vết về lai lịch của người kể chuyện có khắp nơi trong văn bản
tác phẩm. Hai câu hỏi tôi vừa dẫn chỉ ra rằng những lời chúng ta đọc được là
những lời thiêng, rằng người kể chuyện là Chúa. Trong khi đó, tên gọi cuốn tiểu
thuyết lại nhắm tới một quyền uy tự sự ít cao quý: Ông tổ Dóc, Satan hay Shaitan.
Đấy là hai khả năng đối lập mà người kể chuyện liên tục dùng để khiêu khích
chúng ta. Trong truyện, sau khi rơi khỏi thiên đàng hay sau khi được tái sinh trong
vụ nổ tái tạo vũ trụ, Saladin và Gibreel trôi dạt vào đất Anh. Người kể chuyện
bình phẩm về sự kiện này và về bản thân như sau:

“Rõ ràng tôi biết sự thật. Tôi đã quan sát toàn bộ sự việc. Lúc này tôi chưa
thể tuyên bố được cái gì một cách bao quát và đầy đủ được nhưng tôi hi vọng tôi
có thể xử lí được vụ việc này. Chamcha muốn và Farishta làm theo.

Người nào có phép thần?

Bài ca của Farishta là theo điệu của thiên thần hay ác quỷ?

Tôi là ai?

Chúng ta hãy hỏi theo cách này: ai có giọng âm tốt nhất?”(1).

Chúng ta đã biết, trong truyện, có một phép màu xuất hiện; nhưng dường
như nó được sinh ra từ một bài hát, mà bài hát này lại không được ca sĩ thể hiện
thừa nhận, và người ca sĩ này thuộc “loại” nào – thiên thần hay ác quỷ - cũng
không có gì chắc chắn. Vì thế, chính phép màu này trở nên đáng nghi. Ở đây
không phải là việc một sự thật được kể lại, mà là việc chúng ta nên phản ứng như
thế nào – sùng kính? hay là hãi sợ?

Tình hình trở nên phức tạp hơn khi người kể chuyện quay lại câu hỏi ban
đầu về lai lịch của anh ta. Lần này câu trả lời có gợi ý rõ ràng về địa vị ma quỷ của
anh ta, nhưng đó vẫn chưa phải là phán quyết cuối cùng. Nếu anh ta là Shaitan,
như chính anh ta bóng gió để lộ ra, thì chúng ta có thể đoán, mục đích của anh ta
là những trò tinh quái, anh ta muốn đánh lừa chúng ta. Vậy việc anh ta gieo vào
lòng độc giả những hồ nghi về phép màu và bài hát của Gibreel có phải là một ví
dụ của trò đùa hiểm ác này không? Có thể anh ta đang cố làm cho chúng ta nghi
ngờ hay e ngại những dấu hiệu chứng tỏ quyền lực của Thần thánh và lòng trắc ẩn.
Nhưng cái giả thiết về người kể chuyện là quỷ lúc này lại nuôi dưỡng một câu hỏi
khác liên quan đến phần đầu tác phẩm: có phải toàn bộ sự miêu tả - vụ rơi máy
bay và điều thần kì, sự chết đi sống lại – là bịa đặt hoàn toàn? Bởi vì chính hắn
nhắc nhở chúng ta rằng hắn là quyền uy duy nhất liên quan đến sự kiện kì diệu
này.

Gibreel Farishta đánh mất niềm tin và thực hiện hành vi báng bổ. Chúng ta
được nghe kể, những giấc mơ theo sau sự báng bổ của Gibreel có một chức năng
đặc biệt: “Sau khi anh ta ăn hết chỗ thịt lợn thì sự báo thù bắt đầu, sự báo thù về
đêm, sự trừng phạt của những giấc mơ” (The Satanic Verses, tr.32). Lòng hoài
nghi tôn giáo của Gibreel được kịch hóa trong bộ óc mộng mị và trên trang giấy.
Người kể chuyện hàm ý, việc bị ám ảnh bởi những giấc mơ như thế là số phận của
những kẻ rời bỏ Chúa. Mặc dù vậy, rõ ràng những giấc mơ này còn có dụng ý
khác: chúng gợi ý cho độc giả những cách diễn dịch khác, phi chính thống về lịch
sử.

Đồng thời, những câu chuyện báng bổ được kể tỉ mỉ trong giấc mơ của
Gibreel về xứ Jahilia có thể xem như là biểu hiện tâm lí của lòng bất tin nơi nhân
vật (điều này liên quan đến cả những chi tiết tôn giáo và lãng mạn); và, nếu chúng
ta thử đoán người kể chuyện là quỷ Sa tăng, thì có thể xem những báng bổ kia là
sự bóp méo đầy bịp bợp về nguồn gốc Hồi giáo, với ý định dẫn dắt độc giả, như đã
từng dẫn dắt Gibreel, đi lầm đường và xúi giục họ nghi ngờ sự chân xác tuyệt đối
của đức tin tôn giáo. Những mâu thuẫn của hai chức năng này xuất hiện mà không
gây một bất ngờ lớn nào. Ở mỗi trường hợp, việc chúng ta giải thích cách đánh giá
tính báng bổ trong những giấc mơ cần phải giả định trước một quyền uy xác định
đối với những giấc mơ (với những nguyên cớ và lợi ích rõ ràng). Nhưng những
giấc mơ kiểu đó hoàn toàn vắng bóng ở đây. Nói cách khác, The Satanic
Verses được nuôi dưỡng bởi một cấu trúc tự sự có vẻ như dẫn người đọc đi tới
những đánh giá chính trị hoặc đạo đức về hoạt động kể và hoạt động được kể;
những đánh giá đó dựa trên những tiền đề tiên nghiệm về bản chất của quyền uy
vốn hay được dẫn ra để biện minh (ví dụ, nếu người kể chuyện là Chúa, thì những
giấc mơ là sự trừng phạt; nếu là quỷ Sa tăng, thì đó là sự xúi giục báng bổ). Nhưng
cấu trúc tự sự ở đây, đồng thời, cũng cản trở độc giả tiến tới một kết luận về người
kể chuyện, bằng cách xây dựng nghịch lí về hai khả năng xác định gốc gác của
quyền uy tự sự; mà ở đây, người đọc bị quy định là phải thừa nhận hai khả năng
này là đối lập.

Những giấc mơ cũng như câu chuyện trong giấc mơ liên quan đến câu hỏi
về cách thức các nền văn hóa và các xã hội thiết lập những quy ước có hiệu lực về
lòng sùng kính và trò ma quỷ; những quy ước này gây khó khăn cho độc giả khi
tìm hiểu và tin vào giọng của người kể chuyện chính thống. Những rối rắm tinh
thần đặt ra với bất cứ độc giả nào, những người trước tiên phải vật lộn với tình
trạng thần học mơ hồ (và do đó, cả sự đáng tin) của người kể chuyện, sau đó lại
phải xem xét cấu trúc chính trị của toàn bộ quan điểm về cái tôn kính và cái phỉ
báng (tức là quan điểm về cái căn cứ vững chắc để nhận dạng dòng tự sự), này chỉ
là được hình dung ra.

Tôi khẳng định, việc không thể đưa ra kết luận cuối cùng về người kể
chuyện là quỷ hay Thiên thần, hay là cái gì đó ở giữa, buộc người đọc The Satanic
Verses phải từ bỏ toàn bộ quan điểm tạo ra những nấc thang chính trị và đạo đức
về cái nền tảng có sẵn hay những câu trả lời tiên nghiệm về một người kể chuyện
đặc quyền, có khả năng chịu trách nhiệm - một quan điểm mà chính tiểu thuyết
này khiêu khích. Những rắc rối thái quá trong việc xây dựng nhân dạng và mức độ
đáng tin của người kể chuyện trong tiểu thuyết này khiến cho tất cả những nỗ lực
giải thích hay phân tích người kể chuyện uy quyền trở nên phù phiếm và vô
lí. Chúng ta phải từ bỏ đức tin trước đây cho rằng, có thể làm phát lộ một câu
chuyện chân thật, không tì vết, được ẩn chứa, bằng việc cật vấn địa vị người
kể chuyện và khám phá chính xác phạm vi vận động của dòng tự sự. Với tôi,
cuốn tiểu thuyết đưa đến kiểu tự sự của chủ nghĩa phi-chính thống hậu hiện
đại (ND nhấn mạnh).

Mặc dù vậy, điều này dẫn đến một vấn đề trầm trọng liên quan đến những
thảo luận về ý nghĩa chính trị của cuốn tiểu thuyết. Zygmunt Bauman (Nhà xã hội
học Anh - ND) viết như sau:

“Có lẽ phải tranh luận xem, liệu các triết gia hiện đại có làm cho nguyện
vọng của mọi người khớp vào nền tảng của các quy tắc đời sống văn minh phương
Tây, các quy tắc văn hoá phương Tây, mĩ học, đạo đức, logic, sức mạnh khách
quan của lí trí phương Tây, v.v... không. Tuy nhiên, trong thực tế, họ không bao
giờ ngừng tìm kiếm một sự hoà hợp như vậy và cũng hiếm khi ngừng tin rằng,
cuộc tìm kiếm đó sẽ đem lại - phải đem lại - kết quả. Thời hậu hiện đại được nhận
diện bởi sự từ bỏ cuộc tìm kiếm này và nhận thức về tính vô ích của chúng. Thay
vào đó, thời hậu hiện đại cố gắng tự điều hoà với tình trạng cuộc sống thường
xuyên vô định và nan giải; một cuộc sống không thể chứng tỏ được rằng những
xác quyết đặt nền tảng cho tất cả lại vững bền hơn những lẽ thường được định
hình trong lịch sử riêng”(2).

Tiểu thuyết của Rushdie xuất hiện để đưa ra chính xác một lời phê bình như
vậy. Nó phủ nhận việc các độc giả tìm đến câu chuyện chính đáng của lẽ phải thời
Khai sáng để bảo vệ nó khỏi miệng lưỡi của các nhà phê bình nhất thần, thuộc trào
lưu chính thống. Cuốn tiểu thuyết tự nó đã gợi ra rằng, những câu chuyện như thế,
những câu chuyện bao hàm một mô hình biểu hiện văn hóa tự do và dân chủ
không thể bị coi là tiêu chí kết tội. Một cách hài hước, tôi nghĩ đến việc Thomas
Docherty đã liên hệ kiểu tiếp nhận chính trị cuốn tiểu thuyết này với thuật ngữ
“differand” của Jean-Francois Lyotard, thuật ngữ chỉ “cuộc xung đột giữa (ít nhất)
hai nhóm, không thể giải quyết một cách công bằng do thiếu một nguyên tắc xét
xử có thể áp dụng cho cả hai lí lẽ”(3). Docherty viết:

“Một mặt tôi muốn khẳng định văn bản này mâu thuẫn với luật lệ Hồi giáo,
một mặt, tôi lại không thấy văn bản này phải bị xét xử bởi luật lệ đó hay là duy
nhất một luật lệ đó. Ở (ví dụ này), hóa ra chúng ta thiếu một điểm tựa đồng thuận
với nền tảng hợp lí ở cả hai mặt”(4).

Một lời biện hộ mang tính chính trị hậu hiện đại về The Satanic Verses, một
lời biện hộ thích hợp với quan điểm chính trị của cuốn tiểu thuyết vừa không thể
xác định một cách máy móc tác phẩm của Rushdie như là totem cho một nguyên lí
trừu tượng, chính thống của “diễn văn tự do” nào đó, vừa không thể chấp nhận nó
như là một bài luận phỉ báng (tuy nhiên, trong thực tế, nó vẫn bị phán xử). Thay vào
đó, với tôi, vấn đề then chốt là phải nhấn mạnh sự vô cùng cá biệt của cả cuốn tiểu
thuyết và cả hoàn cảnh chính trị mà trong đó những lệnh cấm và luật fatwa (tên một
luật hồi giáo - ND) được tuyên bố. Đây không phải là việc vi phạm nguyên tắc tôi
đã nói ở trên. Đúng là trong một tình thế chính trị nào đó, cần sáng tạo ra những
hình thức về “quyền con người” và “diễn văn tự do”. Nhưng ở đây, nó không được
thừa nhận là quan điểm hoa mĩ tiên nghiệm vì nó có truyền thống không trung thành
với chính những giá trị đó. Cả ở trong và ngoài trang sách, The Satanic
Verses sáng tạo ra một thế giới chính trị; đó là thế giới không thể tin vào bất cứ
một tiêu chuẩn đã có nào, bất cứ một sự biện minh được thừa hưởng nào; đó là
thế giới với các giá trị được công thức hoá theo kiểu mới, xây dựng theo kiểu
mới, trong ánh sáng của hoàn cảnh cụ thể và riêng biệt. The Satanic Verses, suy
cho cùng, là cuốn tiểu thuyết nói về việc cái mới đến với thế giới như thế
nào (ND nhấn mạnh). Trong phần cuối Wizard of Oz, Rushdie bàn về các kết luận
của Frank L. Baum viết trong cuốn sách dành cho trẻ em này. Ông nhấn mạnh cuốn
mười sáu, trong đó, dì Em, chú Henry và Dorothy, mặc dù gắn bó thân thiết với thế
giới Kansas thân thuộc và sung túc, nhưng tất cả vẫn chuyển tới vùng Oz:

“Cuối cùng xứ Oz đã trở thành nhà; thế giới tưởng tượng đã trở thành thế
giới thực khi nó làm thoả mãn tất cả chúng ta, bởi vì sự thật là, có lần chúng ta rời
bỏ không gian tuổi thơ và bắt đầu thu vén cuộc sống riêng, chúng ta chỉ tập trung
duy nhất vào việc xem chúng ta có gì, chúng ta là gì, chúng ta hiểu rằng, bí ẩn
thực sự của đôi hài ngọc không phải là “không đâu là nhà”, mà xa hơn, là không
có nơi nào nữa giống như nhà: trừ, tất nhiên, ngôi nhà chúng ta xây, hay ngôi nhà
được làm cho chúng ta; ở xứ Oz: bất kì nơi nào và tất cả mọi nơi đều không phải
là nhà, trừ cái nơi mà từ đó chúng ta bắt đầu”(5).

Kết luận, tôi cho rằng, The Satanic Verses, vừa là sự thực hành mang tính
hậu hiện đại những miêu tả của Marx về sự tan chảy của chủ nghĩa tư bản và về
quyền lực phá huỷ: “tất cả những gì rắn chắc đều tan thành không khí; tất cả
những gì thiêng liêng đều bị báng bổ”, vừa nhấn mạnh yêu cầu không thể tránh
được và nó không ngừng nhắc đi nhắc lại là tạo ra cái nhìn phán xét về chính trị và
sự thống nhất về chính trị; một cái nhìn và một sự thống nhất được đặt trong phạm
vi lịch sử, chứ không phải là những khái niệm siêu việt, xuyên lịch sử hay vật chất
hóa.

You might also like