You are on page 1of 4

ĐỀ: Giới thiệu và cảm nhận một cuốn sách

Bài làm
Người ta nói : “Tiếng Pháp là thứ ngôn ngữ lãng mạn nhất trên hành tinh.” Và người Pháp,
với tôi, có lẽ là một trong những dân tộc có trí tưởng tượng bay bổng nhất và cũng thực tế
nhất. Từng trang lịch sử vàng trong công cuộc dựng và giữ nước của họ đều gắn liền với văn
học, phản ánh tư tưởng thời bấy giờ và cốt lõi lịch sử một cách đầy tinh tế và khéo léo. Phải
kể đến Victor Hugo với “Những người khốn khổ”, một bài ca tình yêu nơi Paris những ngày
nghèo đói, “Ba chàng lính ngự lâm” của Alexandre Dumas cha, “một cuộc phiêu lưu lãng
mạn của cuộc đời”, hay “Không gia đình” của Hector Malot, “hồi ức của một tuổi thơ lang
thang”. Và tác phẩm tôi sắp kể tới đây là “Hoàng tử bé” của Antoine De Saint-Exupéry, “một
bài thơ bất hủ mà mãi mãi người ta muốn đem làm quà tặng của tình yêu”.

Tình yêu là đề tài lớn cho nền văn học toàn thế giới. Tình cảm gia đình, lòng yêu thương con
người và thiên nhiên, và cả tình yêu lứa đôi. Và Antoine De Saint – Exupéry đã góp nhặt mỗi
thứ một ít, và cho ra đời một “Hoàng tử bé”- tuổi thơ của nhiều người trong số chúng ta. Tác
phẩm dài chưa đến 100 trang! Ấy vậy, lại dễ dàng lấy đi nước mắt chúng ta như thế. Nhân
vật chính trong cuốn truyện cùng tên, em, chính là đứa trẻ ngây thơ và cũng sâu sắc nhất tôi
từng biết. Có lẽ, xuyên suốt những trang truyện này, tôi đã chứng kiến quá trình trưởng thành
đầy ngoạn mục, và cũng thật lặng lẽ của em. Thông qua lời bộc bạch của chính tác giả, cuộc
đời của em đã được tường thuật lại, một cách sống động và là bài học tình yêu, bài học tư
tưởng cho bao nhiêu thế hệ độc giả.

Bài học tình yêu đầu tiên, là về tình yêu giả dối. Trước khi ta học cách yêu thương một
người, ta phải xem xét, liệu đó có phải là người xứng đáng? Trên hành tinh của em có một
đóa hồng. Nàng cũng như những hạt giống bao báp, bay từ nơi nào đến. Bao báp và hoa
hồng, từ lúc còn là những hạt giống và cây con thì rất khó để phân biệt. Nhưng bao báp khi
lớn sẽ phá hủy hành tinh vốn chỉ lớn hơn căn nhà một tí của em. Còn hoa hồng, khi nàng nở
rộ, sẽ tô sắc “ngôi nhà” của em bằng sắc đỏ đằm thắm. Giống như tình yêu, bao báp là những
tình yêu “trông giống thật”. Khi chúng lớn lên, chúng sẽ phá hủy tâm hồn của bạn bằng
những đau thương. Còn đóa hồng là tình yêu đích thực. Bao báp có thể có nhiều, và cần phải
loại bỏ, nhưng đóa hồng chỉ có một và cần được bảo vệ.

Bài học tình yêu thứ hai, là về sự hối hận. Thật kì lạ khi hối hận cũng là bài học tình yêu.
Nhưng đối với tôi, hối hận ở đây là nỗi niềm thương nhớ về quá khứ, về những gì đã trót lỡ.
Rồi cũng chính bởi cái trót lỡ đó, là dấu chấm hết cho một mối tình. Khi ta ở trong một mối
quan hệ, sẽ có lúc nồng nàn, sẽ có lúc chán nản. Cho dù có là một người thủy chung nhất trên
đời này, người ta cũng không thể cưỡng lại được cám dỗ, ngăn chặn sự thay đổi trong tình
cảm. Người mà bạn cho rằng bạn rất yêu họ, có chắc rằng bạn không có ít nhất một lần cảm
thấy họ phiền phức? Em yêu bông hồng ngay từ lần đầu nhìn thấy, từ khi nàng còn đang bận
sửa soạn để ra hoa. Nhưng hỡi ôi, em cũng là một con người cơ mà. Em bắt đầu chán tính
đỏng đảnh của nàng, chán cái cách nàng kiêu ngạo, chán cái sự đòi hỏi quá đáng, và chán
những cái lời nói dối đầy ngượng ngạo . Sau khi em rời bỏ hành tinh của mình, rời bỏ quê
hương, rời bỏ ba cái núi lửa mà em nạo vét hằng ngày, rời bỏ cả đóa hồng của em, em bắt
đầu thấy nhớ nàng. “Ngày ấy, tôi chẳng hiểu biết gì. Đáng lẽ tôi phải xét đoán nàng trên việc
làm chứ không phải lời nói. Nàng tỏa hương và chiếu sáng đời tôi. Đáng lẽ tôi không bao giờ
nên bỏ đi cả.” Sau khi giây phút bồng bột đó qua đi, hối hận chính là những gì sẽ bủa vây
tâm hồn bạn, là xấu hổ và chẳng có tí tự tin nào để đối mặt với người ấy, vì mình đã cư xử
thật ngu ngốc, vì mình đã tổn thương họ, vì mình chẳng còn xứng đáng với họ nữa. Em cũng
vậy. Em hối hận vì không ở lại bên nàng, bảo vệ nàng và không hiểu được tình yêu nàng
dành cho em lớn nhường nào. Từ đó tôi nhận thấy việc giữ một cái đầu lạnh quan trọng hơn
tôi nghĩ. Và nóng giận là cội nguồn của sự hối hận. Biết bao vụ việc thương tâm, đều bắt đầu
từ cái núi lửa trên đầu chúng ta. Một khi nó phun trào, dung nham của nó sẽ hủy diệt tất cả
mọi thứ, kể cả tình yêu, và lúc đó chúng ta chỉ cảm thấy cái nóng thiêu đốt mọi tế bào não.
Hãy nhớ rằng tâm hồn một con người mỏng manh hơn cả cánh hồng. Và rằng họ sẽ bỏ đi, đi
đến nơi nào đó có một cái núi lửa đã tắt như trên hành tinh của em.

Bài học tình yêu thứ ba, là về niềm hạnh phúc. Hạnh phúc chính là mục đích mà hành trình
cuộc đời chúng ta hướng đến, là động lực duy nhất để ta phấn đấu vượt qua khó khăn. Hạnh
phúc giản đơn như việc bạn được nhìn thấy bạn bè, cho dù cả năm học chỉ gặp được nhau
đúng vài dịp quan trọng; như việc ở bên gia đình mỗi dịp Tết về, cho dù cả năm chỉ về nhà
được đúng một lần duy nhất; hay như việc bạn thuần hóa một con cáo. Cáo – một con vật bị
gắn liền với danh dối trá – trong tác phẩm này lại chân thực đến bất ngờ. “Nếu cậu đến,
chẳng hạn như lúc bốn giờ chiều, thì từ ba giờ mình đã cảm thấy hạnh phúc. Thời khắc càng
trôi, mình lại càng hạnh phúc.” Phải chăng, chính chúng ta cũng đã được “thuần dưỡng”? Tôi
háo hức chờ đến ngày được ngồi bên nhau tâm sự chuyện trò, tôi vui sướng chờ đến ngày
được bốc đến tờ lịch cuối cùng của năm cũ. Vậy câu trả lời có lẽ, là đã. “Nếu cậu thuần
dưỡng tớ, chúng ta sẽ thấy cần nhau. Đối với tớ, cậu sẽ là duy nhất trên đời. Tớ đối với cậu
cũng là duy nhất trên đời..” Tôi cần gia đình, gia đình cũng cần tôi. Tôi cần bạn bè, bạn bè
cũng cần tôi. Chúng tôi là duy nhất, chẳng ai có thể thay thế được. Và khi ở bên họ, tôi cảm
thấy hạnh phúc.

Bài học tình yêu thứ tư, tình yêu chỉ dành cho người duy nhất. Hơn bảy tỉ người trên trái đất
này, ai cũng có nét đẹp riêng. Và với người yêu thương của họ, họ là duy nhất. Là bông hoa
hồng độc nhất trên hành tinh tâm hồn. “Các cô chẳng giống chút nào với bông hồng của tôi,
các cô chẳng là gì cả. Chưa ai thuần dưỡng các cô, các cô cũng chưa thuần dưỡng ai....Các cô
đẹp, nhưng các cô trống rỗng. Người ta không thể chết vì các cô được.” Đối với người qua
đường, có thể nàng là một đóa hồng bình thường chẳng có gì đặc sắc nhưng đối với em,
người tận tay chăm sóc cho nàng, nàng là đặc biệt và duy nhất. Đừng là bản sao của người
khác. Vì tình yêu chân thật chỉ xứng đáng với những người chân thật.

Bài học tình yêu thứ năm, “cái cốt yếu thì con mắt không nhìn thấy”. Con người hay có xu
hướng giải quyết tất cả mọi việc bằng lý trí, kể cả chuyện tình cảm.Và kết quả, chắc chắn là
hối hận. Bạn biết không, tình cảm là phép màu diệu kì. Đặc biệt và có ở tất cả mọi nơi. Khi
em ở bên bông hồng, em thấy phiền vì nàng thật quá đáng. Nhưng, sau khi rời đi, em nhận ra
rằng bất kì sự vật nào cũng khiến em nhớ đến nàng. Và, em đang hối hận. “Con mắt vốn mù
lòa. Phải tìm kiếm với trái tim.” Có những điều không thể chỉ nhìn mà thấy, nó phải được
cảm nhận bằng trái tim. “Chính thời gian cậu mất đóa hồng của mình đã làm cho đóa hồng ấy
trở nên quan trọng đến thế.” Và cũng có những điều chỉ khi mất rồi, ta mới thấy nó quan
trọng đến nhường nào.

Bài học tình yêu cuối cùng, tình yêu làm cho mọi thứ trở nên đẹp đẽ. “Các ngôi sao đẹp, là
do ở đó có một bông hoa mà người ta không nhìn thấy..” Khi em yêu bông hồng, em nhìn
đâu cũng thấy nhớ. Em thấy ngôi sao đẹp vì trên đó chứa đựng trái tim của em. Và tác giả,
thấy sa mạc đẹp, vì sa mạc có em, vì sao đẹp nhất và sáng nhất. “Khi ngắm bầu trời đêm, bởi
vì một trong những ngôi sao đó có tôi, bởi vì tôi cười trên một trong những ngôi sao
đó,...Ông, ông sẽ có được những ngôi sao biết cười.” Đối với mỗi người, ngôi sao sẽ mang
những giá trị riêng. Đối với em, ngôi sao là nhà, là cung điện của em, là nơi tình yêu em đang
sống. Đối với hầu hết người lớn, chúng là những đốm sáng nhỏ. Còn đối với tác giả, ngôi sao
làm cho ông cười, “hàng đống những cái chuông nhỏ biết cười.” Dưới lăng kính của tình yêu,
mọi thứ đều đổi khác. Với tôi, tình yêu là một cây cọ vẽ. Nó tô lên trời một màu xanh biếc, tô
lên nắng một màu vàng nhạt, và vẽ lên ngôi sao cái mặt cười. Nó tô lên tất cả mọi sự vật
xung quanh ta một gam màu sáng tươi. Và cuộc đời, trở nên đẹp đẽ và rực rỡ hơn gấp trăm
lần.

Trong tác phẩm chưa dài đến trăm trang này có rất nhiều bài học đáng giá, không chỉ riêng
tình yêu. Nhưng vì sao tôi chỉ viết về tình yêu? Vì tôi thấy, đối với con người, hành trang duy
nhất ta nên chuẩn bị cho con đường đời mà chúng ta đã, đang và sắp bước tới chính là một
trái tim nhân hậu, một tâm hồn sẵn sàng để yêu. Yêu, là cho đi và nhận lại. Yêu, là thành
phần quan trọng của trái tim. Và vì yêu, là chất keo liên kết chúng ta lại với nhau.

Bằng lời văn mộc mạc nhưng lại cũng vô cùng sâu sắc, Antoine De Saint-Exupéry đã vô
cùng thành công với “Hoàng tử bé”. Qua từng chặng của những chuyến phiêu lưu em đi qua,
những nhân vật mà em gặp gỡ, thấm đẫm trong đó là những bài học thiết thực về tình yêu
giữa con người với nhau và về nghệ thuật sống. Chi tiết đắt giá nhất, theo tôi, là chi tiết em
yêu bông hồng. Một tình yêu thủy chung, một tình yêu bền vững. Một tình yêu mà người đời
muốn lấy làm gương mẫu. Và em chết, cũng chỉ để gặp lại, để được có trách nhiệm với bông
hồng ấy. Bông hồng duy nhất tỏa sáng cuộc đời em.

“Hoàng tử bé” là một câu chuyện buồn. Hành trình của em cũng là hành trình chúng ta nhận
thức thế giới xung quanh từ những lỗi lầm, những lần vấp ngã. Qua đó vang lên một hồi
chuông cảnh tỉnh cho những ai trong số chúng ta đang lạc lối để kịp vãn hồi những gì chưa
trở thành quá khứ. Như tình yêu giữa em và nàng, một khi đã chia tay rồi thì cho dù có luyến
tiếc, có hối hận cũng không thể trở lại như lúc đầu. Sylvia Boorstein – một chuyên gia tâm lý
trị liệu người Mỹ đã từng nói: “Nhận thức được sự mong manh, sự tạm thời, sự thật rằng
chúng ta chắc chắn rồi sẽ mất nhau, không sớm thì muộn, cho ta một mệnh lệnh rõ ràng phải
luôn luôn đối xử tốt và yêu thương lẫn nhau.” Đời người ngắn ngủi, hãy yêu thương nhau
bằng tình yêu của cả con tim. Hãy chung tay tô vẽ nên màu sắc của cuộc đời bằng những
gam màu rực rỡ, và hãy để ai trong số chúng ta cũng có cơ hội, không chỉ là một lần mà là
suốt đời, được ngắm nhìn sắc màu ấy. Màu của yêu thương – màu đẹp nhất trên đời.

You might also like