You are on page 1of 4

“Khăn”

Cái khăn (khăn đội đầu hoặc khăn tay) thường là vật trao duyên, vật kỉ niệm gợi nhớ người yêu
(Gửi khăn, gửi áo, gửi lời - Gửi đôi chàng mạng cho người đàng xa). Sáu câu thơ được cấu trúc
theo lối vắt dòng, láy lại 6 lần từ "khăn" ở vị trí đầu các câu thơ và láy lại 3 lần câu "khăn thương
nhớ ai" như một điệp khúc bất tận, thể hiện nỗi nhớ triền miên, da diết. Dường như mỗi lần hỏi là
nỗi nhớ lại trào dâng thêm. Cái khăn, tự nó không biết "thương nhớ" không biết "rơi xuống", "vắt
lên", "chùi nước trắt", nhưng những hình ảnh vận động mang cảm xúc người đã làm hiện lên
hình ảnh con người với tâm trạng ngổn ngang niềm thương nhớ cùng nỗi lo âu. Nhớ đến ngơ
ngẩn, nỗi nhớ tỏa theo nhiều hướng của không gian "khăn rơi xuống đất" rồi lại "khăn vắt lên.
Vai", cuối cùng thu lại trong cảnh khóc thầm "khăn chùi nước mắt".
Nỗi nhớ trong 6 câu trên lan tỏa vào không gian, đến 4 câu tiếp lại xuyên suốt theo thời gian. Nỗi
nhớ ban ngày kéo dài sang cả ban đêm:
Đèn thương nhớ ai,
Mà đèn không tắt.
Vẫn là điệp khúc "thương nhớ cũ", nhưng nỗi nhớ đã chuyển từ "khăn" sang "đèn". Hình ảnh
ngọn đèn gợi ra đêm khuya vò võ canh tàn, và cái đốm lửa đang cháy kia phải chăng là hình ảnh
của nỗi nhớ cháy rực trong lòng cô gái? Ngọn đèn mãi không chịu tắt, nỗi nhớ cứ da diết khôn
nguôi. Cũng như chiếc khăn, ngọn đèn đã giúp cô gái thổ lộ nỗi lòng.
Nhưng dù gợi cảm bao nhiêu, thì chiếc khăn và ngọn đèn cũng chỉ là cách nói gián tiếp theo lối
biểu tượng, nhân hóa. Nỗi lòng của cô gái buộc phải bật ra trong cách nói trực tiếp:
Mắt thương nhớ ai,
Mắt ngủ không yên.

Mười câu thơ là 5 câu hỏi không có lời đáp. Điệp khúc "thương nhớ ai" trở đi trở lại như xoáy
vào một nỗi niềm khắc khoải, da diết. Năm lần từ "thương nhớ" và năm lần từ "ai" xuất hiện.
Bản thân từ "ai" xuât hiện. Bản thán từ "ai" mang ý phiếm chỉ, gợi lên một nỗi nhớ thương sâu
thẳm mênh mông, không giới hạn. Từ "ai" là phiếm chỉ, không xác định cá thể đối tượng, nhưng
người nghe hoàn toàn hiểu được "ai" ấy là ai. Hỏi không có trả lời, nhưng thực ra cầu trả lời đã
nằm trong giọng điệu khắc khoải, da diết kia. Không cần nói rõ, nhưng nỗi nhớ người yêu đã
được bộc lộ một cách kín đáo mà gợi cảm, sâu sắc, mãnh liệt.
Hai dòng cuối của bài ca dao là một câu lục bát mênh mang nỗi niềm. Con thuyền thơ, sau lúc tự
để mình rơi vào vòng vây của nỗi nhớ chập chùng, đã thoát ra với không gian trầm tư lặng lẽ.
Tuy nhiên, không thể bảo rằng nhân vật trữ tình - người chèo lái nó - đã tìm được sự bình yên.
Những con sóng ưu phiền khác đang lao xao bủa đến... Nhìn chung, việc thay đổi thể thơ ở đây
rất có ý nghĩa. Một mặt nó báo hiệu sự chuyển biến tinh tế trong dòng cảm xúc của nhân vật trữ
tình, mặt khác nó đảm bảo chức năng điều hòa nhịp thở của người diễn xướng, người đọc, không
để tiếp diễn sự kể lể có nguy cơ kéo bài ca dao rơi vào tình trạng dài dòng, gây nên cảm giác
căng thẳng không cần thiết. Sự bộc lộ trực tiếp tâm trạng dưới hình thức mờ tối, rối rắm của
chính tâm trạng đã được thay thế bằng một nhận định khái quát về cái tính chất của tâm trạng đã
được thay thế bằng một nhận định khái quát về cái tính chất của tâm trạng. Nhân vật trữ tình hiểu
rằng mình đã lo phiền và cũng biết nguyên nhân của nỗi lo phiền ấy. Yêu nhau nhiều nhưng dễ
gì đến được với nhau, lấy được nhau. Bao nhiêu chuyện phải bận lòng, bao nhiêu thứ có thể cản
trở hạnh phúc. Cô gái nói "Lo vì một nỗi không yên một bề" - chỉ một bề nhưng lại bề bề nỗi lo,
bởi bề ấy không thuộc bề (tức là phía) cô gái, mà thuộc về bề cô không thể làm chủ, không thể
chi phối được.
Thương nhớ đến mức thẫn thờ “đánh rơi chiếc khăn trong nỗi nhớ thầm” như lời Nguyễn Khoa
Điềm viết, rồi nhớ thương đến mức nước mắt đã đẫm khăn tay, chong đèn chờ sáng, thao thức
không yên. Có lẽ đó chính là nỗi lo lắng, không yên điển hình của mỗi người phụ nữ trong xã hội
phong kiến, yêu thương ai đó thật lòng, nhưng biết dạ họ ra sao, cũng là nỗi sợ vụt mất tình yêu,
vụt mất hạnh phúc, đâm ra cứ quanh quẩn bên cái lo sợ được mất thành ra nhiều cớ sự. 

“Thân em”
Trong kho tàng văn học dân gian đồ sộ của Việt Nam ta bên cạnh những câu truyện cổ tích
nhiệm màu, những truyền thuyết xa xăm thì ca dao là một trong những thể loại chiếm số lượng
nhiều nhất, đồng thời cũng có phạm vi đề tài rộng lớn. Không chỉ  bộc lộ tấm lòng, tâm hồn của
người lao động về tình cảm gia đình, quê hương, đất nước, tình cảm lứa đôi mà các thể loại ca
dao trữ tình, có vần có nhịp gần như những câu hát còn nói lên những đắng cay, xót xa của con
người dưới chế độ cũ, đồng thời cũng có một số câu là lời ca hóm hình, tươi vui đầy lạc quan về
cuộc đời, dẫu còn nhiều khó khăn vất vả. Ca dao than thân, yêu thương tình nghĩa là một trong
những thể loại chiếm số lượng lớn, bộc lộ vô cùng rõ nét đời sống tinh thần của người Việt xa
xưa, đặc biệt là của người phụ nữ.
Thân phận người phụ nữ trong xã hội cũ được ví với hình ảnh “tấm lụa đào”, đó là một hình ảnh
rất hay và vô cùng sâu sắc, nó khá tương tự với cái cách mà Hồ Xuân Hương ví người phụ nữ
với “bánh trôi nước”. Tấm lụa đào là một vật phẩm đẹp đẽ quý giá, mềm mại, lụa đào là biểu
trưng cho sự xuân sắc, kiều diễm của người con gái. Thế nhưng đọc câu ca dao người ta lại bỗng
thấy xót xa, đau đớn khi số phận của người phụ nữ lại được ví như một tấm lụa, một loại hàng
hóa, dẫu có đẹp đẽ trân quý, nhưng cuối cùng cũng chỉ là một món hàng mặc sức cho người ta
lựa chọn, ngã giá không hơn. Thân phận đàn bà khi ấy rất đúng với câu “phất phơ giữa chợ, biết
vào tay ai”, bởi họ nào được phép lựa chọn hạnh phúc cuộc đời mình, cũng lạc lõng bơ vơ giống
hệt cái bánh trôi của bà chúa thơ Nôm “bảy nổi ba chìm với nước non”, phải chấp nhận “rắn nát
mặc dầu tay kẻ nặn”, phải phụ thuộc vào lễ giáo xã hội cũ, với tư tưởng trọng nam khinh nữ sâu
sắc. Như vậy từ câu ca dao trên có thể nhận ra rằng người phụ nữ xưa đã có ý thức rất rõ về vẻ
đẹp cả về tâm hồn lẫn ngoại hình của mình, thế nhưng đắng cay thay xã hội phong kiến bất công
đã chèn ép, không cho họ được tự do, phóng khoáng, khiến cuộc đời của biết bao nhiêu kiếp
hồng nhan phải chịu cảnh tủi nhục, ngẫm mà không khỏi xót thương, cảm thán. 

“Muối”
Tình yêu là chủ đề đẹp và rực rỡ nhất, đi vào đời sống văn học và vận động với muôn màu muôn
vẻ. Nếu trong thơ, ta bắt gặp những tiếng thơ đầy thổn thức, ngập tràn mãnh liệt trong "Tôi yêu
em" của Pu-skin, hay mối tình chung thủy bền chặt của Thúy Kiều Kim Trọng trong Truyện
Kiều của Nguyễn Du. Trong truyện ngắn, ta cũng không khỏi nghẹn ngào trước mối tình thức
tỉnh lương tri, thấm đẫm dư vị yêu thương của Chí Phèo - Thị Nở trong Chí Phèo của Nam Cao
hay mối tình giản dị, trong ngần, tuyệt đẹp của Nguyệt - Lãm trong Mảnh trăng cuối rừng. Bước
vào ca dao dân ca, chủ đề tình yêu lại được dịp toả hương ngào ngạt bởi những nỗi niềm, những
cảm xúc dạt dào tha thiết được nhân vật trữ tình gửi gắm một cách đầy ý nhị, duyên dáng và tinh
tế nhưng không kém phần mãnh liệt, khát khao:
"Muối ba năm muối đang còn mặn
Gừng chín tháng gừng hãy còn cay
Đôi ta nghĩa nặng tình dày
Có xa nhau nữa, cũng ba vạn sáu ngàn ngày mới xa."
Trong tình yêu, không cần phải quá cầu kỳ, cao xa, đơn giản chỉ là những điều bình dị mà gắn
kết bền chặt. "Gừng" và "muối" là những sự vật quen thuộc, dân dã trong đời sống của người
nông dân. Nó không chỉ là thứ gia vị cần thiết cho bữa ăn hằng ngày mà còn là những vị thuốc
dân gian giúp ích cho sức khỏe con người. Muối để càng lâu, thậm chí là ba năm, vị mặn mòi
trong muối vẫn không đổi, gừng dẫu chín tháng chất cay nồng "hãy còn" giữ được bên trong.
Thách thức của thời gian không làm mất đi những đặc trưng của nó. Song, gừng và muối ở đây
không đơn thuần mang tầng nghĩa ấy, mà nó còn mang nghĩa biểu tượng, tượng trưng những gì
vị trong đời sống tình yêu, đời sống vợ chồng. Đó là tình nghĩa thủy chung, bền chặt của con
người, dẫu qua bao thách thức của thời gian thì tình yêu vẫn nồng đượm, thiết tha, ấm nồng,
nồng nàn như muối, như gừng vậy, chẳng thể phai nhoà được.
"Đôi ta nghĩa nặng tình dày
Có xa nhau đi nữa cũng ba vạn sáu ngàn ngày mới xa"
Tình yêu "đôi ta" cũng như vậy, tình dày, nghĩa nặng chất chồng, chẳng thể đong đếm được như
thơ xưa từng nói "Nghĩa vợ tình chồng ta tát biển đông". Tình nghĩa hai ta cao hơn núi, rộng hơn
sông, mênh mông hơn sóng biển, bởi vậy mà dẫu thời gian có trôi, dẫu có khó khăn cách trở
cũng không làm lung lay mối tình trọn vẹn thủy chung này. Cũng như muối và gừng vậy, vẫn
son sắt, gần nhau, yêu thương nhau trọn đời trọn kiếp. "Ba vạn sáu ngàn ngày mới xa", đó là cả
một đời người, là trăm năm bên nhau, sướng khổ cùng nhau, dẫu có xa cũng là lúc chúng ta già
đi, răng long đầu bạc rồi, cuộc đời đôi ta chỉ phải xa nhau, chia lìa khi đã chết mà thôi. Nghĩa
tình ấy mãi vững bền theo thời gian, son sắt theo năm tháng. Dẫu có khó khăn, thử thách, dẫu vui
buồn sướng khổ, dẫu cuộc đời có trăm đắng ngàn cay thì nghĩa tình ấy vẫn mãi vẹn tròn, thủy
chung. "Đôi ta" sẽ cùng dìu nhau vượt qua tất cả, để tình yêu ấy thật đẹp, thật bền lâu, không gì
cách trở, đổi dời. Hai ta chính là nguồn sống, là dư vị yêu thương trọn vẹn nhất, nghĩa tình nhất.
hCa dao xưa thật bình dị mà thân thương quá đỗi, mỗi tiếng thơ, lời ca chất chứa những tình cảm
tốt đẹp, những khát khao bình dị trong đời sống tinh thần của người dân. Ca dao xưa dễ nhớ, dễ
thuộc, mang hồn cốt của con người thôn quê, nhẹ nhàng, chân chất mà đi vào lòng người một
cách rất tự nhiên. Ca dao xưa như một nốt nhạc ngọt ngào, tuyệt diệu, sọi rọi tâm hồn mỗi chúng
ta bằng trái tim hồn hậu và thiết tha nhất, bởi vậy mà trong em luôn dành một tình cảm vô cùng
lớn lao cho những bài ca dao, dân ca của dân tộc.
Tay bưng đĩa muối chấm gừng,
Gừng cay muối mặn xin đừng quên nhau.

You might also like