You are on page 1of 7

“Em trở về đúng nghĩa trái tim em

Là máu thịt đời thường ai chẳng có


Vẫn ngừng đập khi cuộc đời không còn nữa
Nhưng biết yêu anh cả khi chết đi rồi”
(Xuân Quỳnh)
Tình yêu là đề tài không bao giờ cũ trong thi ca nhạc họa , mỗi nghệ sĩ luôn
đem đến cho người đọc những cảm nhận thẩm mĩ sâu sắc về tình yêu theo
cách của riêng mình… Không mãnh liệt dạt dào như Xuân Diệu, không m ộc
mạc chân quê như Nguyễn Bính.. Xuân Quỳnh đến với tình yêu bằng trái tim
nồng hậu chân thành của người phụ nữ. Qua giọng thơ nhẹ nhàng nữ tính
của mình Xuân Quỳnh đã chiếm trọn tình cảm của bao thế hệ trẻ yêu thơ mà
đặc biệt là thơ tình. Thơ là tiếng nói của con tim là linh hồn của cảm xúc do
đó một bài thơ không chỉ đơn thuần là bức tranh, câu chuyện mà nhà th ơ
muốn kể , mà đó còn là một mảnh tâm hồn mà mỗi nhà thơ muốn gởi gắm
tới bạn đọc. Bài thơ “Sóng” của Xuân Quỳnh cũng vậy, đó không chỉ là câu
chuyện kể riêng về sóng, mà đó là cả tâm hồn của người phụ nữ Việt Nam.
Sóng là tác phẩm tiêu biểu cho phong cách thơ của Xuân Quỳnh, được viết
vào năm 1967 in trong tập thơ “Hoa dọc chiến hào”, bài thơ là tiếng lòng
thiết tha thầm kín của người phụ nữ đang yêu, qua hình tượng sóng Xuân
Quỳnh lột tả được những cung bậc cảm xúc , những biến thái tinh vi của
tình cảm khi yêu , đồng thời qua “Sóng” người đọc còn thấy được vẻ đẹp
tâm hồn của người phụ nữ Việt Nam.
Con sóng tồn tại trong thơ Xuân Quỳnh như một sinh thể thực sự, sóng cũng
có những cảm xúc, những cung bậc, những nhịp điệu … , dường như giữa
em ( Xuân Quỳnh) và sóng có một sợi dây nối lại với nhau … sóng và em là
hình tượng xuyên suốt bài thơ. Nhân vật trữ tình mượn hình tượng sóng ,
mượn những đặc tính của sóng để thể hiện tâm tư tình cảm của mình .
Chính trong lúc ấy em và sóng hóa thân cho nhau . Mặt khác khi tâm h ồn
của người phụ nữ đã dâng lên quá đỗi , con sóng kia như bất lực vì thế mà
em tách ra khỏi sóng để nói lên được tiếng lòng tha thiết của mình. Thay
cho lời mở đầu, con sóng hiện mình với những trạng thái tâm lí đối cực
nhau , cũng thông qua đó mà Xuân Quỳnh nói lên được những cảm xúc
ngay trong chính tình yêu của mình.
“Dữ dội và dịu êm
Ồn ào và lặng lẽ
Sông không hiểu nỗi mình
Sóng tìm ra tận bể
Ôi con sóng ngày xưa
Và ngày sau vẫn thế
Nỗi khát vọng tình yêu
Bồi hồi trong ngực trẻ”
Ngay ở mở đầu bài thơ người đọc đã cảm nhận được có cái gì đó như đối
nghịch, tương phản. Đó chính là sự tương phản giữa “dữ dội” với “dịu êm” ,
giữa “ồn ào” và “lặng lẽ”. Bằng những thuộc tính vật lí của sóng, Xuân
Quỳnh mượn nó để diễn tả được cái thuộc tính tâm lí của người phụ nữ đang
yêu. Khi yêu con người ta luôn bị đặt trong hàng trăm thứ cảm xúc , và
cũng chính sự phức tạp , đa dạng của những thứ cảm xúc ấy đã tạo nên đặc
trưng riêng biệt của tình yêu. Cái dữ dội , dịu êm , ồn ào , lặng lẽ chính là t ổ
hợp những cảm xúc của cô gái khi yêu . Nhưng tại sao Xuân Quỳnh lại để
cho “dữ dội” , “ ồn ào” đứng trước “dịu êm”, “lặng lẽ” ? có phải chăng nữ sĩ
muốn nhấn mạnh cái ý nhị kín đáo , cái rụt rè e thẹn cái lặng lẽ của người
con gái khi yêu. Trong tình yêu luôn có những phút giây thăng hoa , mãnh
liệt song cũng cần đến những giai điệu lặng im … chính trong cái lặng lẽ và
dịu êm đã thể hiện một cái gì đó rất nữ tính , rất riêng của Xuân Quỳnh. Vẻ
đẹp tâm hồn của người phụ nữ hiện đại không chỉ thể hiện ở sự kín đáo dặt
dè , mà còn được thể hiện qua bản lĩnh khát vọng chủ động kiếm tìm hạnh
phúc cho mình . Đây chính là vẻ đẹp của người phụ nữ hiện đại , khác với
người phụ nữ trong xã hội phong kiến luôn bị những lễ giáo khắt khe kìm
hãm hạnh phúc của mình.
“Sông không hiểu nổi mình
Sóng tìm ra tận bể”
Sông là cái giới hạn nhỏ hẹp mà nơi đó không thể ôm chân được sóng.
Sóng, hay nói cách khác là em bằng tình yêu và bản lĩnh mạnh mẽ của mình
đã quyết định “tìm ra tận bể”. Ở đây rất ít người để ý đến chữ “tìm”, con
sóng không phải để cho mình tự trôi đi mà là con sóng “Tìm ra tận bể “ .
“Tìm” là một động từ thể hiện được tính chủ động , khát khao đi tìm một
giới hạn lớn hơn , một tình yêu lớn hơn đó là “bể”.” Bể” là hình tượng biểu
thị cho tình yêu lớn lao , chân trời hạnh phúc mà con sóng muốn đến …
Người phụ nữ cũng vậy họ luôn mang trong mình khát vọng tình yêu và hạnh
phúc, họ muốn làm chủ số phận của mình, muốn làm chủ tình yêu của mình.
Khi sóng bước ra khỏi giới hạn của con sông hạn hẹp cũng như cô gái đã
tìm được cho mình tình yêu, trước muôn trùng sóng bể, giữa biển lớn tình
yêu người con gái luôn trăn trở bâng khuâng về tình yêu của mình đó là một
tâm lí hết sức tự nhiên của bao người con gái. Xuân Quỳnh cũng khẳng định
một quy luật mang tính tất yếu của tự nhiên .
“Ôi con sóng ngày xưa
Và ngày sau vẫn thế
Nỗi khát vọng tình yêu
Bồi hồi trong ngực trẻ”
Trải qua bao tháng năm, bao giông tố, con sóng vẫn là sóng và cũng như th ế
tình yêu lúc nào cũng âm ỉ , vẫn bồi hồi trong ngực trẻ. Tình yêu là một dấu
hỏi lớn mà hầu như mỗi con người khi yêu cũng đều muốn tìm nguồn gốc
của nó.
“Trước muôn trùng sóng bể
Em nghĩ về anh, em
Em nghĩ về biển lớn
Tự nơi nào sóng lên
Sóng bắt đầu từ gió
gió bắt đầu từ đâu
em cũng không biết nữa
khi nào ta yêu nhau.”
Cô gái cố kiếm tìm cắt nghĩa tình yêu nhưng đến cuối cùng thì cô tự tách
mình ra khỏi sóng tự nhận, tự thốt lên tình cảm của mình “em cũng không
biết nữa , khi nào ta yêu nhau?” một câu trả lời rất ngây thơ tự nhiên của cô
gái trẻ, là sự bày tỏ tình yêu rất riêng, rất Xuân Quỳnh.
Một trong những biểu hiện của tình yêu đó chính là nỗi nhớ. Rõ ràng nếu
con người ta không yêu thì sẽ không nhớ và ngược lại , từ đây có thể thấy
nỗi nhớ chính là thước đo của tình yêu . Bằng việc diễn tả nỗi nhớ sâu sắc
của mình Xuân Quỳnh giúp người đọc cảm nhận về tình yêu một cách rõ
ràng nhất.
“Con sóng dưới lòng sâu
Con sóng trên mặt nước
Ôi con sóng nhớ bờ
Ngày đêm không ngủ được
Lòng em nhớ đến anh
Cả trong mơ còn thức”
Đây có lẽ là đoạn thơ hay nhất , dạt dào cảm xúc nhất trong bài thơ. Trước
tiên nhìn về hình thức, đoạn thơ này có sáu câu thơ , nhiều hơn những đoạn
thơ khác. Có phải chăng nữ sĩ như muốn nói cho đủ, nói cho hay, cho sâu về
nỗi nhớ của mình. Qua biện pháp điệp từ “con sóng” và biện pháp đối lập
giữa “dưới lòng sâu” và “trên mặt nước” Xuân Quỳnh đả lột tả được một nỗi
nhớ da diết , dạt dào, mang một nỗi buồn tâm trạng. Khó mà đo được chiều
dài của nỗi nhớ, nó nằm ở trên mặt nước , ở dưới lòng sâu. Dù mỗi con sóng
nằm ở vị trí nào đi chăng nữa thì chúng đều mang trong mình một nỗi nhớ
đó chính là nhớ bờ. Nỗi nhớ của Xuân Quỳnh thực sự là một nỗi nhớ khó
diễn đạt bằng lời , bởi lẽ nó mênh mông quá , sâu quá. Nỗi nhớ không chỉ
nằm ở không gian mà nó còn được đo bởi thước đo của thời gian “ ôi con
sóng nhớ bờ” “ngày đêm không ngủ được”. Nỗi nhớ vượt lên trên cả không
gian, thời gian , nó ăn sâu vào trong tiềm thức, nhận thức. Nỗi nhớ không
chỉ nằm ở nhận thức của người con gái khi yêu mà nó còn ăn sâu, xâm
chiếm đi sâu vào trong mơ, trong tiềm thức của cô gái “cả trong mơ còn
thức”.
Như vậy có thể thấy thông qua nỗi nhớ , một nỗi nhớ mãnh liệt da diết vượt
trên cả không gian và thời gian đi từ nhận thức sang tiềm thức đã giúp
người đọc thấy được một tình yêu tỉ lệ thuận với nỗi nhớ.
“Dẫu xuôi về phương bắc
Dẫu ngược về phương nam
Nơi nào em cũng nghĩ
Hướng về anh - một phương.”
Trong tình yêu, nếu như nỗi nhớ là một điều kiện cần thì thủy chung là điều
kiện đủ. Thủy chung son sắc một lòng là đức tính vốn có của người Việt
Nam, điều ấy được thể hiện rất rõ qua thơ ca dân tộc
“Thuyền về có nhớ bến chăng
Bến thì một dạ khăng khăng đợi thuyền”
Trong bài thơ của mình Xuân quỳnh đã không bỏ quên đức tính cao đẹp ấy.
“dẫu xuôi” , “dẫu ngược”, ở đây người đọc cảm nhận được một sự chấp nhận
hy sinh. Xuân Quỳnh đã dùng cách nói ngược “xuôi về bắc”, “ngược về
nam” .. dường như tình yêu đã bao trùm lên lí trí , chiếm lấy toàn bộ tâm
hồn của người con gái đang yêu, thế nhưng chính “phương anh” – tình yêu
của em là cái kim chỉ nam cho mọi hành động của em. Tình yêu làm mất
phương hướng , nhưng cũng chính trong tình yêu con người tìm ra phương
hướng thực sự cho mình. Thực sự khi nói về “phương anh” Xuân Quỳnh đã
có con mắt nhìn sâu sắc trong tình yêu nó không cụ thể như Đông , Tây ,
Nam , Bắc , nó chính là phương anh, đây là một sự sáng tạo một cách độc
đáo thể hiện tấm lòng son sắc thủy chung một lòng một dạ trong tình yêu
của người phụ nữ Việt Nam.
Như một lời khẳng định về tình yêu, cho tình yêu, Xuân Quỳnh đã viết nên:
“Ở ngoài kia đại dương
Trăm ngàn con sóng đó
Con nào chẳng tới bờ
Dù muôn ời cách trở”
Nếu như ở đoạn thơ trên “bờ” là đối tượng của nỗi nhớ thì ở đây “bờ” là
điểm đến của những con sóng. Những con sóng ở khơi xa luôn gồng mình
vượt qua muôn vàn cách trở để tìm về bờ, như người con gái đang yêu luôn
cố gắng tin yêu vượt qua mọi rào cản để tìm đến bến bờ của tình yêu.
Đứng giữa biển lớn của tình yêu , giữa thiên nhiên con người không khỏi lạc
lõng bâng khuâng trước sự ngắn ngủi của cuộc đời, của tuồi xuân . Xuân
Quỳnh cũng thế, nữ sĩ ý thức được sự hữu hạn của cuộc dời trước sự vô hạn
của thời gian. Làm sao có thể tránh khỏi cảm giác lo lắng bâng khuâng
trong tình yêu?
“Cuộc đời tuy dài thế
Năm tháng vẫn đi qua
Nhưng biển kia dẫu rộng
Mây vẫn bay về xa”
Cuộc đời dài là vậy nhưng đứng trước cái vĩnh hằng của tạo hóa thì nó
chẳng qua cũng chỉ là một cái chớp mắt ngắn ngủi, cũng như biển dẫu có
rộng có lớn thì cũng bị giới bạn bởi bờ. Xuân Quỳnh yêu, có lẽ vì đã yêu nên
cô có những suy nghĩ, những lo âu về cuộc đời và tình yêu như thế.
Trước những lo âu trăn trở Xuân Quỳnh đã ước mơ cho mình về một tình
yêu vĩnh hằng, cô bất tử hóa tình yêu của mình bằng cách.
“Làm sao được ta ra
Thành trăm con sóng nhỏ
Giữa biển lớn tình yêu
Để ngàn năm còn vỗ”
Xuân Quỳnh ý thức được giữa cái tôi và cái ta, giữa cá nhân với tập thể.
Một khát vọng lớn lao cao cả là hòa mình vào biển lớn tình yêu. Như giọt
nước chỉ không cạn khi nó hòa mình vào biển cả, cũng như vậy tình yêu
muốn vĩnh hằng muốn tồn tại thì chỉ có thể hòa mình vào tình cảm chung
của quê hương đất nước.
Đọc bài thơ sóng của Xuân Quỳnh ta không chỉ cảm nhận được tình cảm lứa
đôi mãnh liệt sâu sắc , mà đó còn là tình cảm thiêng liêng đối với cộng động
của đất nước.
“Một ngôi sao chẳng sáng đêm
Một bông lúa chín chẳng nên mùa vàng”
( Tố Hữu)
Thông qua hình tượng đầy sáng tạo là sóng, Xuân Quỳnh mang đến cho
người đọc những cảm nhận mới mẻ về tình yêu, tình yêu đó không bó hẹp
đóng khung ở tình cảm cá nhân mà nó còn được thể hiện ra tình cảm lớn
của cộng đồng thời đại. Cũng qua bài thơ người đọc có thể định hình cho
mình về vẻ đẹp tâm hồn người phụ nữ Việt Nam. Đó là vẻ đẹp của thời đại, vẻ
đẹp thuần hậu chất phát đầy nữ tính, thủy chung, song cũng rất mạnh mẽ,
chủ động trong tình yêu, có khát khao vươn tới hạnh phúc.
Trải qua bao thăng trầm và biến thiên lịch sử bài thơ sóng của Xuân Quỳnh
vẫn đủ sức neo chặt vào trong bến đỗ tâm hồn của những ai đang yêu, đã
yêu và sẽ yêu. Thơ Xuân Quỳnh không chỉ đem đến cho người đọc những
quan niệm thẩm mỹ đẹp đẽ về tình yêu mà đó còn là lời nhắn nhủ, tâm sự đối
với những con người trẻ, trẻ tuổi và trẻ lòng.
Đúng thật, tuổi trẻ luôn gắn liền với tình yêu, thường thì con người ta yêu
khi người ta còn trẻ. Tình yêu là món quà của cuộc sống , tình yêu đem lại
cho con người nhiều trải nghiệm về cảm xúc và dù ở thời đại nào, dù ở lứa
tuổi nào thì tình yêu vẫn đẹp , vẫn trong sáng và những tình cảm đấy vượt
qua mọi sự băng hoại của thời gian.
“Tiếng yêu từ những ngày xưa
Vượt qua năm tháng bây giờ đến ta
Tiếng yêu từ những ngày xa
Trải bao cay đắng vẫn là vẹn nguyên”
Thật khó khăn để đưa ra những định nghĩa thật đầy đủ và sâu sắc cho tình
yêu, song khi nhắc đến tình yêu mỗi bạn trẻ luôn ngầm mặc định cho lòng
mình đó là sự rung động tình cảm trước những người khác. Tình yêu có thể
xuất phát từ sự đồng cảm giữa những trái tim đang lỡ nhịp , đó cũng có thể
là sự ngưỡng mộ về tài năng, cũng có khi đó là một sự ích kỉ rất tự nhiên
của con người đó khi muốn nắm giữ một ai đó. Như thế rõ ràng trong tình
yêu luôn tồn tại đan xen hỗn độn một mớ những cảm xúc, đối với những
người đang yêu thì luôn có những trạng thái tâm lí khó lòng mà nắm bắt, đó
là những đối cực. Cũng như con sóng có lúc thăng, lúc trầm, lúc dạt dào
mãnh liệt, lúc trầm mặc êm đềm.
“Những đêm trăng hiền từ
Biển như cô gái nhỏ
Thầm thì gửi tương tư
Quanh mạn thuyền sóng vỗ
Cũng có khi vô cớ
Biển ào ạt xô thuyền
Vì tình yêu muôn thuở
Có bao giờ đứng yên.”
( Thuyễn và biển_ xuân Quỳnh)
Tình yêu trong sáng đẹp đẽ là vậy, thế nhưng ở đâu đó vẫn còn có những
con người vì yêu một cách thái quá, vì không nhận ra ý nghĩa thực sự của
tình yêu mà làm cho tình yêu trở nên xấu đi. Tình yêu luôn cần có sự hy
sinh và khát vọng vươn tới hạnh phúc, đó là tình yêu cao thượng. Yêu là
làm cho người mình yêu cảm thấy hạnh phúc, hạnh phúc ấy chính là tự do,
để cho đối phương có quyền lựa chọn con đường hạnh phúc của mình như
những con sóng tự do tung hoành giữa đại dương rộng lớn.
Tình yêu càng đẹp càng trọn vẹn khi tình cảm thực sự xuất phát từ con tim
của hai phía. Những giận hờn, những ghen tuông là chất xúc tác cần có đ ể
tạo nên một tình yêu đẹp. Có ai đó đã từng nói “hạnh phúc là đấu tranh”
đúng thế , nếu như tình yêu hạnh phúc đến và đi một cách quá dễ dãi thì
những hạnh phúc , tình yêu ấy dễ tan biến. Tình yêu cần phải vượt qua
những khó khăn gian khổ những giận hờn giúp cho những người yêu nhau
hiểu về nhau hơn. Và cũng vì thế mà tình yêu luôn cần đến sự chung thủy
bền vững, tình yêu đến với những ai biết chờ đợi, biết hy sinh và nhường
nhịn. Vì con người là tổng hòa của các mối quan hệ , con người không thể
tách rời với cộng đồng vì vậy mà tình yêu cũng không nên chỉ dừng lại ở
tình cảm cá nhân. Mỗi con người , mà đặc biệt là giới trẻ hiện nay, đứng
trong thời đại mà cái “tôi” lên ngôi, thì bên cạnh việc khẳng định , thể hi ện
tình cảm, giá trị của bản thân thì mỗi cá nhân lấy cái “tôi” của mình hòa vào
cái “ta” chung góp phần làm cho thế giới đẹp hơn , “người với người sống để
yêu nhau” . Nội hàm của tình yêu thì rất rộng lớn, tình yêu hình thành t ừ khi
con người có những nhận thức về thế giới xung quanh.
Tình yêu bắt đầu với những tình cảm thân thương đối với những điều nhỏ
nhặt, tình yêu lớn dần hơn hơn đối với gia đình anh em , hay đối với người
tình của mình, tình yêu được mở rộng, góp mình vào tình yêu quê hương,
tình yêu đất nước, tình yêu giữa người với người trên hành tinh này.
Bản thân của mỗi người trẻ hiện nay, trước hết phải nắm được ý nghĩa của
tình yêu thực sự, không ngừng hoàn thiện , trau dồi những đức tính cần có
của tình yêu, không ngừng hoàn thiện bản thân. Đồng thời cần phải xa rời
hiện tượng sống ảo, yêu thực dụng, yêu mù quáng mà đánh mất đi bản chất
tốt đẹp nhân sinh, nhân đạo cao quý của tình yêu. Mỗi cá nhân hòa tình yêu
của mình vào “biển lớn của tình yêu” góp phần làm cho xã hội tươi đẹp để
mỗi con người đều được sống giữa yêu thương, quét sạch chủ nghĩa cá
nhân ích kỉ hẹp hòi. Con sóng mãi mãi xô bờ, tình yêu không bao giờ dừng
lại, người ta yêu khi người ta trẻ và có lẽ Xuân Quỳnh trẻ mãi trong lòng bao
thế hệ thanh niên bởi lẽ nữ sĩ chưa bao giờ ngừng yêu. 
Sóng của Xuân Quỳnh trải qua bao thăng trầm biến thiên, bao giông bão c ủa
thời đại vẫn đủ sức định hình trong lòng người đọc về một hồn thơ nữ tính,
nồng hậu thiết tha , mãnh liệt và đầy khát khao hạnh phúc. Không gồ gề ,
gân guốc, Sóng của Xuân Quỳnh êm đềm và mềm mại vẫn tiếp tục chảy trôi
vào dòng chảy văn học của thời đại như một minh chứng cho cái tài , cái
tâm của nữ sĩ cống hiến cho văn học dân tộc, đồng thời đó còn tiêu biểu cho
vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ Việt Nam, là lời thỉ thủ tâm tình của nhà
thơ gởi đến bao thế hệ mai sau:
“Thật chẳng bao giờ anh hiểu em đâu
Lòng người con gái đằng sau bao câu chữ
Cũng nhẹ nhàng như làn môi em thở
Cũng cồn cào như cơn bão nghiêng đêm”

You might also like