You are on page 1of 7

I.

Mở bài

"Làm sao sống được mà không yêu


Không nhớ không thương một kẻ nào"
( "Bài thơ tuổi nhỏ" - Xuân Diệu )

Từ trước đến nay, tình yêu là thứ không thể thiếu trong cuộc sống mỗi con người.
Đó cũng là lí do tình yêu được đưa rất nhiều vào thơ ca và nghệ thuật, trở thành
niềm cảm hứng sáng tác bất tận của thi nhân. Mỗi một nhà thơ đều có những cảm
nhận khác nhau về tình yêu: một Tago đầy triết lý ngụ ngôn; một Puskin nồng nàn
và cao thượng, một Xuân Diệu rạo rực, đắm say, vồ vập; một Hàn Mặc Tử say đắm
mà bơ vơ... Ở nền văn học hiện đại Việt Nam, ta đã gặp Xuân Diệu với chất men
say tình yêu nồng nàn, mãnh liệt, người tự cho mình là "kẻ uống tình yêu dập cả
môi", Nguyễn Bính "người nhà quê" chân thật da diết...và thật bất ngờ khi gặp nữ
thi sĩ với tâm hồn dạt dào và say đắm trong tình yêu - Xuân Quỳnh. Thơ tình của
Xuân Quỳnh chân thành nhưng không kém phần cháy bỏng nồng say. Và đến với
bài thơ "Sóng" của Xuân Quỳnh ta lại bắt gặp một cảm xúc tình yêu đầy trăn trở
khát khao của một tâm hồn người phụ nữ luôn da diết trong khát vọng hạnh phúc
bình dị đời thường.

II. Thân bài


1. Khái quát

Xuân Quỳnh là một trong những nhà thơ nữ xuất sắc trưởng thành trong cuộc
kháng chiến chống Mĩ cứu nước. Thơ Xuân Quỳnh là tiếng nói của người phụ nữ
giàu yêu thương, luôn khao khát hạnh phúc bình dị đời thường, đồng thời cũng là
tiếng lòng của một người nhiều lo âu, luôn day dứt, trăn trở trong tình yêu. Bà viết
rất nhiều và rất hay về tình yêu, trong đó "Sóng" là một bài thơ tiêu biểu. Bài thơ
được Xuân Quỳnh sáng tác ở bãi biển Diêm Điềm vào năm 1967, in trong tập "Hoa
dọc chiến hào". Đến với "Sóng", thơ ca Việt Nam hiện đại mới có một tiếng nói
bày tỏ trực tiếp những khao khát tình yêu vừa hồn nhiên tươi tăn vừa chân thành,
đằm thắm của một trái tim người phụ nữ đang yêu. Bài thơ mang âm hưởng của
những con sóng biển lúc nhịp nhàng trầm lắng, khi sôi nổi ngân nga đầy mãnh liệt.
Bài thơ có hai hình tượng song song là "sóng" và "em", tác giả lấy hình ảnh con
sóng nhằm bộc lộ tâm tư của em.

2. Phân tích
• Khổ 5: Nỗi nhớ của sóng luôn hướng về bờ cũng như nỗi nhớ của em luôn dành
cho anh

Nỗi nhớ vốn là sự sống của tình yêu, là chất men say đánh thức trái tim của tuổi
trẻ. Càng xa cách muôn trùng thì nỗi nhớ lại càng da diết khắc khoải. Có lẽ vì vậy
mà Xuân Quỳnh dành hẳn khổ thơ với sáu câu chỉ để bày tỏ nỗi nhớ. Phải chăng
nỗi nhớ quá lớn lao không thể chứa đựng nổi trong bốn câu chật hẹp thông thường
nên Xuân Quỳnh đã kéo dài thêm để có đủ ngôn ngữ để diễn tả lòng mình. (Trích
thơ )

Mở đầu khổ thơ là hai câu thơ với hình thức lặp cấu trúc “con sóng – con sóng”
quyện hòa cùng nghệ thuật đối “dưới lòng sâu – trên mặt nước” tạo nên sự điệp
trùng của những con sóng với nhiều dạng thức khác nhau. Sóng không chỉ mang
trong mình trạng thái “dữ dội – dịu êm”, “ồn ào – lặng lẽ” mà sóng còn hiện diện
“dưới lòng sâu”, "trên mặt nước". "Sóng dưới lòng sâu" là những con sóng ngầm
thể hiện chiều sâu khó ai có thể thấy và cảm nhận được, chỉ có nó mới hiểu được
mình đang cồn cào và da diết tới mức nào. "Sóng trên mặt nước" là những con
sóng nổi tung bọt trắng xóa trên mặt biển ngày đêm gào thét cùng đại dương bao
la. Cả hai kết hợp với nhau làm nên sự đa dạng của sóng biển. Đó cũng là nỗi nhớ
của sóng, của em vừa có chiều sâu vừa có chiều rộng. Sóng là em, em là sóng, tuy
hai mà một, tuy một mà hai. Cũng như sóng kia, tâm hồn em cũng vô vàn những
phức tạp khó hiểu. Xuân Quỳnh đã vô cùng tinh tế khi mượn hình ảnh sóng động
để ẩn dụ cho nỗi niềm của người phụ nữ: "yêu" da diết dữ dội, "nhớ" cồn cào mãnh
liệt. Thán từ "ôi” thốt lên ngỡ ngàng khi bắt gặp sự tương đồng kỳ diệu giữa một
bên là hiện tượng tự nhiên kỳ thú và một bên là trái tim người phụ nữ đang rạo rực
yêu thương, nhung nhớ. Thì ra là “con sóng nhớ bờ”. Bờ là đích đến cuối cùng của
sóng. Vì nhớ bờ mà nó bất chấp cả không gian rộng lớn vô biên, bất chấp cả thời
gian “ngày đêm” để vươn tới bờ. Sóng cồn cào nhớ nhung và khao khát gặp bờ đến
độ “không ngủ được”. Nỗi nhớ từ đó cũng trùm lên mọi không gian “dưới lòng sâu
– trên mặt nước”; trùm lên mọi thời gian “ngày đêm”. Dường như bốn câu thơ
không thể chuyên chở hết được nỗi nhớ đang dâng trào nên Xuân Quỳnh đã thêm
hai câu thơ nữa vào khổ thứ năm để hoàn thiện giai điệu ấy của nỗi nhớ. Ấy là lúc
mà hình tượng “em” hiện ra với nỗi lòng nồng nàn, băn khoăn, bồn chồn, thao
thức: "Lòng em nhớ đến anh/ Cả trong mơ còn thức". Xuân Quỳnh xao xuyến nhận
ra sự tương đồng kỳ diệu giữa một hiện tượng thiên nhiên vĩnh hằng của trời đất
với những trạng thái cảm xúc của tình yêu luôn dào dạt trong lòng mình. Nếu sóng
nhớ bờ thì em nhớ anh – đó là quy luật của tình yêu muôn thuở. Nỗi nhớ không chỉ
có mặt trong thời gian được ý thức (khi chưa ngủ) mà còn gắn với tiềm thức – thời
gian trong mơ (ngủ vẫn nhớ nhung). Như vậy có thể nói đây là một nỗi nhớ thường
trực trong trái tim của người phụ nữ khi yêu. Hình tượng thơ cho thấy những khát
khao mãnh liệt của người phụ nữ: sóng khao khát được có bờ – em khao khát được
có anh. Xuân Quỳnh hay mượn ngôn ngữ của cơ thể để diễn tả nỗi nhớ: nỗi nhớ
dâng lên mắt, nỗi nhớ ngập cả tâm hồn, thậm chí là nỗi nhớ đầy ắp cả đôi tay:

"Khi anh vắng, bàn tay em biết nhớ


Lấy thời gian đan thành áo mong chờ.
Lấy thời gian em viết những dòng thơ
Để thấy được chúng mình không cách trở."
(Bàn tay em)

Ở khổ thơ này, Xuân Quỳnh dùng chữ “lòng” thật chính xác để diễn tả tình cảm
của người phụ nữ với tình yêu. “Lòng” là chốn sâu kín nhất của tâm hồn con
người, nhất lại là tâm hồn người phụ nữ. Cho nên khi nói “Lòng em nhớ đến anh”
dường như Xuân Quỳnh đã dốc hết cả nỗi lòng mình để nghiêng hết về phương
anh. Cô gái trong Xuân Quỳnh là thế, cô gái trong ca dao cũng thế, đó là tâm trạng
chung cho người phụ nữ khi yêu "Đêm nằm lưng chẳng tới giường/ Cứ mong trời
sáng ra đường gặp anh". Phải là một hồn thơ rất hiện đại thì Xuân Quỳnh mới có
thể bộc lộ nỗi nhớ một cách tinh tế như thế!

• Khổ 6: Tiếng lòng thể hiện sự thủy chung của người phụ nữ trong tình yêu
Nếu nỗi nhớ là chất men say đánh thức tình yêu thì sự thuỷ chung lại là thước đo
của tình yêu, của lòng người: ( trích thơ )

Khi tình yêu, khoảng cách và thời gian chẳng là gì cả. Bởi vì chỉ cần nghĩ về nhau,
thì bóng dáng người yêu đã đầy ắp trong tâm trí. Đầu mỗi câu thơ, Xuân Quỳnh đã
đóng vào đó những từ chỉ sự đối lập: “xuôi – ngược", "Bắc - Nam” như gợi sự gian
nan vất vả cần phải vượt qua khi yêu nhau. Động từ "xuôi – ngược" vốn lại là
những động từ chỉ sự vất vả, truân chuyên: “xuôi Nam ngược Bắc”, đi Nam về
Bắc, xuôi ngược bôn ba… Lại thêm “dẫu xuôi, dẫu ngược” nữa thì lại càng nhân
lên gấp bội phần những gian nan vất vả. Phải chăng đó là sự vất vả của con người
trong cuộc hành trình nhọc nhằn tìm kiếm hạnh phúc. Ý thơ còn gợi một quyết tâm
lớn của người phụ nữ: cuộc đời dẫu có thế nào đi chăng nữa thì em vẫn mãi mãi
yêu anh. Tình yêu có thể làm đảo lộn phương hướng Bắc, Nam nhưng phương
hướng thế nào không quan trọng, quan trọng nhất vẫn là “phương anh” mà em luôn
hướng về. Xuân Quỳnh buộc chặt bao “sợi nhớ, sợi thương” nghiêng hết tình, dốc
hết yêu thương về “phương anh”. Hướng về anh thì có thể thay đổi nhưng với lời
khẳng định chắc nịch “một phương” thì nơi em hướng về là mãi mãi. Anh đã thành
“hệ quy hiếu” của đời em. Từ đó nhà thơ đã nói đến nỗi nhớ bất chấp vạn vật,
khoảng cách, tình yêu là sự gặp gỡ giữa hai tâm hồn không có giới hạn. Chỉ cần
nghĩ về anh, nhớ về anh thì anh đã ở trong trái tim em rồi.

• Khổ 8: Những băn khoăn, lo lắng, những trực cảm trong tình yêu của nhà thơ,
nhưng vẫn có niềm tin mãnh liệt vào tình yêu chân thành

Tình yêu luôn luôn gắn liền với lòng tin, tin ở cuộc đời, tin ở người mình yêu, tin ở
chính sức mạnh của tình yêu. ( trích thơ )

Trong tình yêu, Xuân Quỳnh gặp nhiều khó khăn, trắc trở nên bà luôn dự cảm
trước những giông bão của cuộc đời. Những từ "tuy dài thế", "vẫn đi qua", "dẫu
rộng" chứa đựng nỗi lo âu ngậm ngùi. Biển dù rộng tới đâu rồi cũng có bờ, có giới
hạn và những đám mây không thể dừng lại mãi mãi trên biển, mà chúng tiếp tục
cuộc hành trình trên bầu trời để đi đến cõi vô tận xa xăm. Cũng thế, cuộc đời con
người tuy dài nhưng không phải vĩnh hằng, dù con người không mong đợi nhưng
năm tháng vẫn bình thản trôi qua đời người theo quy luật tất yếu khắc nghiệt của
thời gian. Không gian và thời gian là vô hạn, tương lai hạnh phúc còn ở phía trước,
chúng ta không thể biết điều gì xảy ra. Vì thế qua ý thơ, Xuân Quỳnh muốn nhắn
nhủ đến tất cả các bạn trẻ: Hãy cứ tin tưởng vào tình yêu, tình yêu chân thành sẽ
vượt qua tất cả, sẽ không vì những khó khăn thử thách mà bị chia rẽ. Chả thế mà
qua bấy nhiêu năm tháng sống dưới cảnh đạn bom tàn phá những gì quý giá do
chính bàn tay mình xây dựng nên, vậy mà trong tâm hồn người con gái bé nhỏ
“Nguyệt vẫn có tình yêu và niềm tin mãnh liệt vào cuộc sống, cái sợi chỉ xanh óng
ánh ấy dù cho bao nhiêu bom đạn dội xuống cũng không thể đứt, không thể tàn phá
nổi” (Mảnh trăng cuối rừng). Bài thơ thoáng một chút khắc khoải, lo âu về sự chảy
trôi của thời gian, cái ngắn ngủi của cuộc đời mình và tình yêu của bản thân. Giữa
lúc trái tim đang yêu nồng nàn, yêu hết mình vẫn thấp thoáng một dự cảm day dứt
rất chính đáng. Nhạy cảm về sự chảy trôi của thời gian nên tiếc cho sự hữu hạn của
tuổi trẻ với cái bao la của đất trời, ông hoàng thơ tình cũng rất đồng cảm với Xuân
Quỳnh:
"Lòng tôi rộng, nhưng lượng trời cứ chật
Không cho dài thời trẻ của nhân gian
Nói làm chi rằng xuân vẫn tuần hoàn
Nếu đến nữa không phải rằng gặp lại
Còn đất trời nhưng chẳng còn tôi mãi
Nên bâng khuâng tôi tiếc cả đất trời."

• Khổ 9: Khát vọng tình yêu bé nhỏ của mình vào biển lớn bao la để sống hết mình
với tình yêu, mong muốn tình yêu riêng được hóa thân vào cái chung vĩnh hằng

Thời gian chảy trơi, người ngắn ngủi nhưng khát vọng được yêu, được sống của
con người lại hướng đến cái vô biên, vô tận. Làm sao để hóa giả nghịch lí này?
Mỗi trái tim yêu dường như lại chọn cho mình giải pháp riêng. Trước đây ông
Hoàng thơ tình Xuân Diệu từng hối thức người yêu mình sống vội vàng, gấp gáp,
chạy đau với thời gian để tận hưởng hạnh phúc: "Mau lên với chứ! Vội vàng lên
với chứ/ Em ơi em tình non sắp già rồi." Giờ đây, nữ hoàng tình yêu Xuân Quỳnh
lại ao ước tam ra thành trăm con sóng nhỏ để hòa vào biển lớn tình yêu: ( trích
thơ )

Tha thiết với tình yêu, đắm đuối với người tình luôn khát khao hạnh phúc, đó là
những xúc cảm luôn thổn thức trong trái tim của người phụ nữ. Hòa mình vào
mạch chung đó, Xuân Quỳnh vẫn tìm cho mình được nói riêng. Những người phụ
nữ Việt Nam thời xưa thường ít xuất đầu lộ diện, trực tiếp giãi bày khát khao, tình
yêu, hạnh phúc của mình. Nếu có, họ cũng chỉ dám ước mơ nên duyên vợ nên
chồng: "Có phải duyên nhau thì thắm lại" và cũng chỉ dám khát khao hạnh phúc
trăm năm "Trăm năm tạc một chữ đồng đến xương". Nhưng khát vọng tình yêu của
Xuân Quỳnh vô cùng mãnh liệt. Không chịu dừng bước trước giới hạn trăm năm
đời người ngắn ngủi, Xuân Quỳnh vươn tới tình yêu ngàn năm, vươn tới một tình
yêu trường tồn, vĩnh cửu. Xuân Quỳnh ao ước được tam ra thành sóng để ngàn
năm còn sống trong biển lớn tình yêu. Thật ấn tượng khi khát vọng về tinh yêu
vĩnh hắng, vĩnh cửu không phải là khát vọng dâng trào trong những phút giây sôi
nổi, bông bột của trái tim. Vươn tới tình yêu vĩnh cửu là khát khao cồn cào, đau
đáu trong thơ Xuân Quỳnh. Khát vọng ấy trở đi trở lại thành điệp khúc ngân vang
trong thơ nữ sĩ. Sau này trong Tự hát, Xuân Quỳnh từng ao ước:

"Em trở vể đúng nghĩa trái tim em


Là máu thịt đời thường ai chẳng có
Vẫn ngừng đập khi cuộc đời không còn nữa
Biết yêu anh cả khi chết đi rồi."

Lúc muốn tan ra thành sóng, lúc muốn trở về đúng nghĩa trái tim. Xoay trở mọi
hướn, ao ước bao điều, trái tim yêu Xuân Quỳnh vẫn hướng về mục đích duy nhất:
tình yêu vĩnh cửu. “Làm sao được tan ra – Thành trăm con sóng nhỏ”. Ước ao ta ra
thành sóng đâu chỉ thỏa khát vọng vĩnh cửu hóa tình yêu mà đó còn là khát vọng
cháy hết mình, dâng hiến hết mình của nữ sĩ. Nếu tình yêu chỉ giữ cho riêng mình
thì sẽ nhanh chóng phai tàn theo năm tháng, nếu được tan ra thành sóng để hòa hợp
vào biển lớn thì tình yêu nhân loại sẽ bất tử mãi mãi .Vậy là trái tim yêu của Xuân
Quỳnh thao thức nhớ thương trong mọi không gian, thời gian, thủy chung, bất biến
trước cuộc đời vạn biến cùng với một khát vọng vô cùng nhân văn, mãnh liệt và
tha thiết của người phụ nữ với trái tim chân thành đầy trực cảm.

You might also like