You are on page 1of 5

SÓNG KHỔ 6+7+8+9

"Sóng rì rào hỏi những chuyện đã qua


Đứng trước biển em trở thành bé nhỏ
Biển biết không... ngàn nỗi đau giằng xé
Khi con thuyền chẳng cập bến tình yêu."
Không biết tự bao giờ những con sóng ào ạt đã chạm đến trái tim nhạy cảm của người
nghệ sĩ. Nữ thi sĩ Xuân Quỳnh cũng vậy, bà đã khoác lên những con sóng bạc đầu tấm
áo tình yêu nồng nàn, vĩnh cửu bằng một hồn thơ say đắm và cháy bỏng. Và ba khổ
thơ cuối của tác phẩm là một trong những đoạn thơ hay và đặc sắc nhất, góp phần
khắc họa rõ nét khát khao yêu thương cũng như vẻ đẹp trong tâm hồn người phụ nữ
khi yêu.

Xuân Quỳnh là một trong những gương mặt tiêu biểu của thơ ca Việt Nam thời kỳ
chống Mỹ. Thơ Xuân Quỳnh giàu cảm xúc với những cung bậc khác nhau. Đây cũng
chính là tiếng lòng của một tâm hồn phụ nữ nhiều trắc ẩn, song cũng rất giản dị, chân
thành, đằm thắm và luôn khát khao về hạnh phúc đời thường. "Sóng" được in trong tập
"Hoa dọc chiến hào", xuất bản năm 1968. Giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ đang
nước sôi lửa bỏng, vẻ đẹp dịu dàng, chung thủy của người con gái được Xuân Quỳnh
thể hiện trong bài thơ "Sóng" ngời sáng như một hòn ngọc báu của thơ ca nghệ thuật.

Bàn về thơ, nhà phê bình Hoàng Minh Châu khẳng định: "Thơ khởi sự từ tâm hồn, vượt
lên bằng tầm nhìn, và đọng lại nhờ tấm lòng người viết". Bài thơ "Sóng" phát khởi từ
tâm hồn luôn khao khát yêu thương, soi chiếu khát vọng tình yêu chân thành, song
cũng rất giản dị của Xuân Quỳnh. Nếu ở khổ thơ thứ 6 thể hiện sự chung thủy son sắt
của người phụ nữ trong tình yêu thì khổ thơ thứ 7, thông qua hình tượng sóng, nhà thơ
đã mượn chính quy luật khách quan của đất trời để kiểm chứng và khẳng định niềm tin
vào sự thủy chung của mình, niềm tin vào bến bờ của hạnh phúc, và đích đến cuối
cùng của tình yêu.

Giữa những ngược xuôi Nam Bắc của cuộc đời, em vẫn chỉ có mình anh. Cũng như
thế, giữa muôn vời cách trở của đại dương xa xôi, mọi con sóng đều chỉ tha thiết
hướng tới bờ. Và trong tình yêu đòi hỏi phải có niềm tin vượt qua mọi khó khăn.
"Ở ngoài kia đại dương
Trăm ngàn con sóng đó
Con nào chẳng tới bờ
Dù muôn vời cách trở."
Đại dương mênh mông bởi trăm nghìn lớp sóng, dù to hay nhỏ, dù trên mặt nước hay
dưới lòng sâu, dù có xa xôi hay gặp bão gió phong ba thì những con sóng kia cũng sẽ
được đến bên bờ, vẫn mãi vỗ vào bờ với niềm hạnh phúc hân hoan, sôi nổi.

Xuân Quỳnh luôn thấm thía rằng đến được cái đích của tình yêu bao giờ cũng có vị
đắng của sự nếm trải, con đường đến với hạnh phúc sẽ không ít những cay đắng, gian
nan. Nhưng "Dù muôn vời cách trở", thì em cũng sẽ đến được với anh, vượt qua mọi
sóng gió để cập bến bờ hạnh phúc. Nhà thơ như đang tự dặn lòng, tự nhắc mình đừng
bao giờ mất niềm tin, nhưng cũng đừng ngây thơ ảo tưởng vào sự dễ dàng của tình
yêu. Lời thơ đồng thời còn là quyết tâm thiêng liêng, lời hứa hẹn sắt đá, thủy chung
trong tình yêu. Bởi như ông bà ta từng nói:

Yêu nhau mấy núi cũng trèo


Mấy sông cũng lội mấy đèo cũng qua
Và gian nan thử thách là những điều không thể thiếu trong tình yêu lứa đôi. Nhưng qua
thử thách tình yêu mới thực sự bền vững. Xuân Quỳnh cũng đã từng viết:

"Tình ta như hàng cây


Đã qua mùa bão gió
Tình ta như dòng sông
Đã yên ngày thác lũ"
(Thơ tình cuối mùa thu)
Nhà phê bình Chu Văn Sơn đã có một nhận xét rất hay về thơ Xuân Quỳnh như sau:
"Thơ Xuân Quỳnh là thơ của một cánh chuồn chuồn bay tìm chỗ nương thân trong
nắng nôi dông bão của cuộc đời... Thế giới thơ ca Xuân Quỳnh là sự tương tranh
không ngừng giữa khắc nghiệt và yên lành với những biểu hiện sống động và biến hóa
khôn cùng của chúng". Có lẽ cũng là vì Xuân Quỳnh là người phụ nữ đa cảm luôn luôn
dự cảm những giông bão cuộc đời dù lòng chị vẫn tin yêu. Trong tình yêu, Xuân Quỳnh
cũng gặp nhiều trắc trở, những khổ đau, cay đắng. Bởi vậy, tình yêu với chị đôi khi chỉ
là khoảnh khắc mong manh.
"Em đâu dám nghĩ là vĩnh viễn
Hôm nay yêu mai có thể xa rồi"
(Nói cùng anh)
Dẫu đã tin tưởng vào một kết cục có hậu trong tình yêu nhưng trái tim nhạy cảm, giàu
suy tư của Xuân Quỳnh vẫn không tránh khỏi những giây phút trăn trở, lo âu khi nỗi ám
ảnh về dòng chảy thời gian lại hiện hữu:

"Cuộc đời tuy dài thế


Năm tháng vẫn qua đi
Như biển kia dẫu rộng
Mây vẫn bay về xa"
Cuộc đời tuy dài, nhưng năm tháng sẽ trôi qua theo quy luật nghiệt ngã của thời gian,
biển cả tuy rộng lớn nhưng mây kia sẽ bay về xa, sẽ đến với những không gian bao la
trong vũ trụ khôn cùng. Nhà thơ nhận ra sự đối lập giữa cái vô hạn của thời gian và sự
hữu hạn của kiếp người. Tâm trạng lo lắng, bất lực của Xuân Quỳnh cũng như Xuân
Diệu cũng đã từng sợ cái hữu hạn của chính lòng mình.

"Gấp đi em, anh rất sợ ngày mai


Đời trôi chảy, lòng ta không vĩnh viễn"
Đã từng giục giã:

"Mau với chứ, vội vàng lên với chứ


Em em ơi tình non sắp già rồi".
Mọi thứ đều có thể thay đổi và lòng người cũng có thể đổi thay. Nhà thơ băn khoăn
không biết tình yêu chân thành và sự thủy chung của mình có níu giữ được bước chân
người yêu. Liệu có những bất trắc nào xảy đến với tình yêu? Xuân Quỳnh như tiếc nuối
khi tình yêu và khát vọng tình yêu của con người tồn tại vĩnh hằng như biển cả, còn
cuộc đời mỗi con người lại ngắn ngủi, nhanh chóng qua đi như một áng mây phù du.

Có những phút ngã lòng


Tôi vịn câu thơ mà đứng dậy
(Phùng Quán)
Thơ ca từ bao đời nay đã trở thành điểm tựa, thành chiếc gậy thần kỳ để người ta tì lên
đó đứng dậy đi tiếp hành trình của mình. Từ việc mở ra cảm xúc, chạm đến tiếng lòng
của người nghệ sĩ, thơ ca có thể vực dậy tinh thần, xoa dịu những nỗi đau, nâng đỡ
con người, "nâng cao tinh thần ta lên, gợi cho ta những tình cảm cao quý". Bài thơ
"Sóng" đã mở ra một tình yêu cao đẹp, vị tha, truyền đến cho con người niềm tin và
khát vọng vào sự bất tử của tình yêu.

Càng trải qua những cay đắng, dập vùi và sự tàn phai đổ vỡ, càng thấm thía sự hữu
hạn của kiếp người, Xuân Quỳnh càng khát khao chiếm lĩnh và tận hưởng.

"Làm sao được tan ra


Thành trăm con sóng nhỏ
Giữa biển lớn tình yêu
Để ngàn năm còn vỗ"
Nếu Xuân Diệu giục giã, tìm đến một giải pháp mạnh mẽ và quyết liệt để nới dài quỹ
thời gian cho tình yêu, hạnh phúc, để níu kéo năm tháng. Đó là sự vội vàng để tận
hưởng những vẻ đẹp của cuộc sống một cách say sưa, ham hố từ "ôm", "riết", "say",
"thâu" đến "cắn" cả sự sống, từ "mây đưa gió lượn" đến "non nước, cỏ cây".

Còn Xuân Quỳnh lại có một ước mong đầy nữ tính. "Tan ra" không phải là mất đi,
không phải là để vào cõi hư vô mà "tan ra" là hy sinh, là dâng hiến, là khao khát được
hóa thân cái tôi cá thể vào "trăm con sóng nhỏ" để hòa mình vào "biển lớn tình yêu" để
được vĩnh hằng hóa, bất tử hóa tình yêu. Yêu và mong ước được hiến dâng và hy sinh
cũng chính là khát khao được sống hết mình vì tình yêu, được sống với tình yêu muôn
thuở. Có như thế tình yêu mới chiến thắng được cái hữu hạn, mong manh của đời
người, cũng là một cách để vượt qua giới hạn mong manh của cõi người. Đó là một
khát khao chân thành, cháy bỏng, táo bạo nhưng cũng thật giản dị, đời thường, nhân
hậu, vị tha của một tình yêu đắm say.

Thời gian càng ngắn ngủi, nhà thơ càng muốn được hy sinh, hiến dâng nhiều hơn cho
tình yêu để được yêu nhiều hơn. Khi yêu hết mình, khi tình yêu đủ lớn tới mức hòa vào
cái tôi vô cùng vô tận của đất trời thì tình yêu ấy sẽ trường tồn cùng năm tháng, cùng
vũ trụ. Con người đã làm được điều kì diệu, chiến thắng được trôi chảy của thời gian,
vĩnh viễn hóa được tình yêu trong sự thoáng chốc của đời người khi họ hiến dâng, hy
sinh trọn vẹn cho tình yêu.
"Em trở về đúng nghĩa trái tim em
Là máu thịt, đời thường ai chẳng có
Vẫn ngừng đập khi cuộc đời không còn nữa
Nhưng biết yêu anh cả khi chết đi rồi"
(Tự hát)
Một nhà văn người Nga từng nói: "Văn học nằm ngoài những định luật của sự băng
hoại. Chỉ mình nó không thừa nhận cái chết". Năm tháng qua đi, "Sóng" của nữ thi sĩ
Xuân Quỳnh vẫn vẹn nguyên giá trị, là khúc tình ca về tình yêu bất diệt.

2. Nhận xét về quan niệm mới mẻ và hiện đại về tình yêu của
nữ sĩ qua đoạn thơ :
-“Quan niệm mới mẻ, hiện đại” là quan niệm ngày nay, quan niệm của những
người có đời sống văn hóa, tinh thần tự do, dân chủ và không bị ràng buộc ý thức
hệ tư tưởng phong kiến. Xuân Quỳnh chủ động bày tỏ những khát khao yêu
đương mãnh liệt, khát vọng mạnh mẽ táo bạo về những rung động rạo rực cảm
xúc trong lòng, tin vào sức mạnh của tình yêu.
-Trong tình yêu, người phụ nữ không cam chịu, nhẫn nhục mà luôn chủ động,
khao khát kiếm tìm một tình yêu mãnh liệt, đồng cảm, bao dung. Người con gái
dám sống hết mình cho tình yêu, hòa nhập tình yêu cá nhân vào tình yêu rộng lớn
của cuộc đời. Xuân Quỳnh đã thể hiện được “cuộc hành trình mà khởi đầu là sự
từ bỏ cái chật chội, nhỏ hẹp để tìm đến một tình yêu bao la, rộng lớn”

You might also like