You are on page 1of 7

SÓNG

~ Xuân Quỳnh~
A. Đặt vấn đề:
Nếu Xuân Diệu mượn sóng để biểu tượng cho tình yêu của người con trai
“ Anh xin làm sóng biếc
Hôn mãi cát vàng em
Hôn thật khẽ thật êm
Hôn êm đềm mãi mãi
Đã hôn rồi hôn lại
Cho đến nát cả trời
Anh mới thôi dào dạt”
Xuân Diệu mãnh liệt, si tình là thế và trong mảng thơ tình cũng thật hiếm khi xuất hiện các nàng
thơ, nếu có chăng thì chỉ là những vần thơ ý nhị, kín đáo. Thơ Xuân Quỳnh đi vào lòng người bằng
những xúc cảm chân thành mà đằm thắm, nhân hậu thủy chung mà da diết khát vọng hạnh phúc đời
thường. “Thơ là tiếng nói đầu tiên, tiếng nói thứ nhất của tâm hồn khi đụng chạm với cuộc sống.
Tóe lên ở những nơi giao nhau của tâm hồn với ngoại vật, trước hết là cảm xúc” (Nguyễn Đình Thi)
. Xuân Quỳnh viết bài thơ Sóng năm 1967, khi mà chị đã từng nếm trải sự đổ vỡ trong tình yêu,
trước những con sóng biển cồn cào, mãnh liệt đã khơi gợi những cảm xúc về tình yêu vừa nồng nàn
vừa thành thực. Tứ thơ Sóng được vút lên và trở thành thi phẩm tiêu biểu cho đời thơ Xuân Quỳnh.
B. Giải quyết vấn đề:
I. Khái quát chung:
“ Sóng” là tâm trạng của người con gái khi yêu được ẩn dụ qua hai hình tượng trữ tình. Trước
hết là những nhịp sóng rạo rực đến xôn xao, khao khát đến khắc khoải qua âm điệu dập dồn, chìm
nổi, miên man như hơi thở chạy suốt cả bài thơ. Nhưng dường như hình tượng sóng vẫn chưa đủ để
diễn tả những tâm tình đang xôn xao trong lòng người con gái, vì vậy tứ thơ xuất hiện tiếng nói của
hình tượng “ em”- là cái tôi trữ tình của nhà thơ. Nhân vật “em” là tiếng nói chung cho tiếng lòng
của người con gái trong cuộc đời. “ Sóng” và “ em” có lúc phân đôi ra để stự sự, bộc bạch, có lúc lại
hoà nhập vào nhau để tạo nên sự âm vang cộng hưởng. Sự song hành đan cài, quấn quýt giữa “ em”
và “sóng” từ đầu đến cuối bài thơ nhằm diễn tả một cách mãnh liệt hơn, sâu sắc và thấm thía hơn
khát vọng tình yêu.
II. Phân tích:
1. Khổ 1: Đặc tính và khát vọng của Sóng
a) 2 cầu đầu: Xuân Quỳnh đã mượn những đặc tính của sóng để giãi bày những tình cảm của
người con gái khi yêu:
“ Dữ dội và dịu êm
Ồn ào và lặng lẽ”
* Đặc tính đối lập của Sóng:
Nhịp thơ chậm, giàu chất tự sự, nhà thơ đã sử dụng tới hai cặp tính từ trái nghĩa để miêu tả đặc điểm
tự nhiên của sóng biển: “dữ dội – dịu êm”, “ồn ào – lặng lẽ” đã làm hiện lên vẻ đẹp của những con
sóng biển ngàn đời đối cực: Những lúc biển động, bão tố phong ba thì biển dữ dội ồn ào còn những
giây phút sóng gió đi qua biển lại hiền hòa trở về dịu êm lặng lẽ.
* Tình cảm của người con gái khi yêu:
Bằng nghệ thuật ẩn dụ, Xuân Quỳnh đã mượn nhịp sóng để thể hiện nhịp lòng của chính mình trong
một tâm trạng bùng cháy ngọn lửa mãnh liệt của tình yêu, không chịu yên định mà đầy biến động,
khao khát “Vì tình yêu muôn thuở/ Có bao giờ đứng yên”. Đúng như vậy, tình yêu của người con
gái nào bao giờ yên định bởi có lúc họ yêu rất dữ dội, yêu mãnh liệt hết mình với những nhớ nhung
“cả trong mơ còn thức”, đôi khi ghen tuông giận hờn vô cớ
“ Cũng có khi vô cớ,
Biển ào ạt xô thuyền,
Như tình yêu muôn thuở
Có bao giờ đứng yên.” (Xuân Quỳnh)
Nhưng cũng có lúc người con gái lại thu mình trở về với chất nữ tính đáng yêu, họ lặng lẽ, dịu êm
ngắm soi mình và lặng im chiêm nghiệm:
“ Có những tình yêu không thể nói bằng lời
Chỉ hiểu nhau qua từng ánh mắt
Nhưng đó là tình yêu bền vững nhất
Bởi thứ ồn ào là thứ dễ lãng quên” (Đinh Thu Hiền)
Vẻ đẹp nhuần nhị, đằm thắm của tứ thơ còn được thể hiện một cách tinh tế qua vẻ đẹp ngôn ngữ
thơ. Sự chuyển hóa các thanh điệu kết hợp với liên từ “và” (vốn để liên kết giữa những mặt đồng
nhất) như để biểu đạt ý nghĩa về sự chuyển hóa và thống nhất: trong cái dữ dội có cái dịu êm, trong
sự ồn ào lại chứa đựng sự lặng lẽ. Đặc biệt, những chữ cuối cùng của câu thơ là “dịu êm”, “lặng lẽ”
như muốn thổ lộ, nhắn nhủ rằng: đằng sau những mạnh mẽ, sôi nổi, hờn ghen ấy sẽ là một tâm hồn
đằm thắm, nữ tính, sâu sắc mà luôn muốn mong muốn sự dịu êm, sự bình yên trong cuộc đời.
a) 2 câu sau: Sóng, lời tự bạch về niềm khao khát một tình yêu đích thực và bao dung
“ Sông không hiểu nổi mình
Sóng tìm ra tận bể”
* Tâm hồn và khát vọng của Sóng:
“Sông không hiểu nổi mình” nghệ thuật nhân hóa đã cụ thể hóa tâm trạng của sóng: Sóng khao khát
được thấu hiểu, được đồng cảm và sẵn chủ động chối bỏ những phạm vi chật hẹp “sông” để vươn
tới những phạm vi rộng lớn bao la “tận bể”. Chữ “tận” đã nhấn mạnh sự quyết tâm đi đến tận cùng
để tìm mối đồng cảm tri kỉ. Có thể, như sông là phạm trù không gian hữu hạn thì bể tượng trưng cho
không gian đại dương vô tận, nghìn trùng. Biển bao la, khoáng đạt mới chứa đựng được những đối
nghịch đa dạng của sóng và giữa lòng biển khơi “sóng” thỏa sức vẫy vùng.
* Khát vọng của người con gái khi yêu:
Tình yêu của người con gái cũng vậy, tình yêu của người phụ nữ cũng chấp nhận sự nhỏ bé, đơn
điệu và giới hạn. Tâm hồn người con gái luôn khao khát vươn tới cái lớn lao có thể đồng cảm, cái
cao rộng có thể được che chở, bao dung. Quan niệm về tình yêu trong thơ chị vừa thành thực vừa
minh bạch. Một học giả Phương Tây cũng từng quan niệm: “ Tình yêu là sự rung động trước vẻ đẹp
của hình thức, là sự tri kỉ, đồng điệu về tâm hồn và sự ngưỡng một trước tài năng, trí tuệ, tâm hồn
khát vọng của đối phương”. Vậy phải chăng “tận bể” là những giá trị chân chính đó. Chữ “tận bể”
thể hiện cái “tôi” không còn cam chịu mà quyết liệt để đi tìm hạnh phúc đích thực của đời mình,
như chính chị cũng từng bộc bạch:
“ Núi cao biển rộng sông dài
Tôi đi khắp chốn tìm người tôi yêu”
Hay:
“ Tôi đã đi đến tận cùng xứ sở
Đến tận cùng đau đớn, đến tình yêu.”
Nhịp thơ ở hai câu đầu là 2/3, hai câu sau là 1/2/2 mô tả được nhịp sóng biến đổi mau lẹ, biến hoá
không ngừng của sóng cũng như thể hiện những cảm xúc dồn dập, đan xen biến hóa không cùng
trong tâm hồn của người con gái khi yêu
2. Khổ 2: Cội nguồn của Sóng, của tình yêu
“Ôi con sóng ngày xưa
Và ngày sau vẫn thế
Nỗi khát vọng tình yêu
Bồi hồi trong ngực trẻ”
* Cội nguồn của Sóng:
Chữ “ngày xưa” – một cụm từ thường được mở đầu cho những câu chuyện cổ, gợi về một vùng kí
ức rất xưa, phảng phất vẻ đẹp lấp lánh kì ảo. “Ngày sau” một khoảng không gian, thời gian vô định,
miên viễn của tương lai không cùng. Trạnh từ “vẫn thế”- sự nối tiếp của 2 thanh T một lần nữa biểu
đạt một chân lí không bao giờ đổi thay. Ý thơ đã khẳng định quy luật của tự nhiên: Từ thuở hồng
hoang đến ngày tận thế con sóng vẫn luôn chứa đựng những trạng thái đối lập, vẫn luôn vận động
theo quy luật trăm sông đều đổ về với biển.
* Cội nguồn của tình yêu:
Phải chăng Xuân Quỳnh đã mượn những quy luật của thiên nhiên bất biến, vĩnh hằng để biểu trưng,
khái quát cho quy luật tình cảm của con người? Tình yêu của con người cũng xưa cũ như “sóng”
cũng bất biến và trường tồn cùng với sự sống của nhân loại. Xuân Diệu đã từng thốt lên:
Làm sao sống được mà không yêu
Không nhớ không thương một kẻ nào
* Nhịp đập của sóng – sức trẻ của tình yêu
“ Nỗi khát vọng tình yêu
Bồi hồi trong ngực trẻ”
Ý thơ đã mở ra cho người đọc những liên tưởng độc đáo. Dường như Xuân Quỳnh đang hình dung
mặt biển vòng cung kia là lồng ngực trẻ đầy đam mê và khát vọng và những con sóng tựa như
những nhịp đập cứ phấp phồng, thổn thức “bồi hồi” và luôn khát khao rạo rực. Nhịp đập sôi nổi,
mạnh mẽ của sóng là tâm hồn nồng nàn, là sức sống cuồng nhiệt, trẻ trung của biển cả
Cách nói ẩn dụ, những tâm tình của con sóng đã gọi những nét đồng điệu trong lòng nhà thơ. “ngực
trẻ” cách nói hoán dụ, biểu tượng cho tuổi trẻ, cho những tâm hồn rộng mở, rạo rực, tha thiết và băn
khoăn. Khát khao tình yêu được khái quát qua những biểu tượng: “khát vọng” và “bồi hồi”. Nếu
“bồi hồi” là những xúc cảm đắm say, rung động hồi hộp , thao thức không yên thì “khát vọng” là
ước ao vươn tới tình yêu đạt đến lí tưởng, viên mãn. Cứ vậy, tình yêu cứ bất ngờ bí ẩn và diệu kì
nhất trong thế giới nội tâm của con người.
* Mở rộng: Tình yêu có từ ngàn xưa nhưng những rung cảm bất chợt chưa bao giờ cũ kĩ. Cái rạo
rực, xao xuyến, bồi hồi là nhịp đập của trái tim yêu
Trang nhật kí xé trăm lần lại viết
Tình yêu nào cũng tha thiết như nhau
Có một thời ngay cả những nối đau
Cũng mạnh mẽ ồn ào không thấu nổi
(“ Có một thời như thế”, Xuân Quỳnh)
3. Khổ 3+4: Những chiêm nghiệm về sự bí ẩn của biển cả và tình yêu:
Không gian dại dương bất tận đến ngàn trùng qua sự nối tiếp những ngôn từ cùng trường nghĩa
“muôn trùng”. Biển cả bí ẩn, vô tận, trước biển cả mênh mông con người được đối diện, phơi trải
lòng mình. Nhịp thơ giàu chất tự sự: “Trước muôn trùng sóng bể” đã diễn tả một cái tôi đầy suy tư,
trăn trở qua phép điệp tu từ “em nghĩ về” biển lớn rồi lại soi chiếu vào anh,em.
“Trước muôn trùng sóng bể
Em nghĩ về anh, em”
Nhịp thơ chuyển từ 3/2 sang 3/1/1, sự linh hoạt của nhịp thơ hay là ẩn ý trong cảm xúc của nhân vật
trữ tình. Ngắt nhịp 3/1/1 khiến anh, em là 2 chủ thể riêng biệt, là hai tâm hồn riêng tây, tình yêu là
vậy: vừa gần, vừa xa vừa hiện hữu vừa chẳng thể nắm bắt. Phải chăng vì vậy mà con người cứ dõi
theo, tìm kiếm và khát khao. Phải chẳng sự bí ẩn diệu kì ấy lại là nguồn sức sống mạnh mẽ của tình
yêu. R. Targo đi hết quá nửa cuộc đời, ông đã nhận ra rằng:
“ Nhưng em ơi đời anh là một trái tim
Nào ai biết chiều sâu và bến bờ của nó
…Trái tim anh cũng ở gần em như chính đời em vậy
Nhưng chẳng bao giờ em biết trọn nó đâu”
Lí giải được ngọn nguồn của sóng:” Sóng bắt đầu từ gió” nhưng để cắt nghĩa “Gió bắt đầu từ đâu”
thì thi nhân lúng túng “ Em cũng không biết nữa” . Thiên nhiên bao la, ẩn chứa nhiều quy luật mà
con người chưa thể giải thích được cặn kẽ đến tận cùng. Và nơi bắt đầu của tình yêu của con người
cũng chẳng dễ gì mà lí giải được, nó cũng bất ngờ và bí ẩn như sóng. Ý thơ thật thú vị khi câu trả
lời: “ Em cũng không biết nữa” được đặt giữa 2 câu hỏi: “ Gió bắt đầu từ đâu” và “ khi nào ta yêu
nhau” thể hiện được sự bất lực rất đáng yêu của người con gái, những người luôn suy nghĩ bằng trực
cảm và trái tim, những lí lẽ của riêng mình.
Thể thơ năm chữ giàu nhạc điệu với lời thơ vắt dòng, những câu thơ tuôn chảy tự nhiên như những
con sóng vô hồi, vô hạn không nguôi không dứt, nhịp điệu thổn thức của “Sóng” là trái tim rạo rực,
băn khoăn, thổn thức không yên của người con gái, những điều Xuân Quỳnh băn khoăn chẳng thể
cắt nghĩa bằng duy lí bởi trái tim có lí lẽ bao giờ?
4. Khổ 5: Tình yêu và nỗi nhớ:
* Nỗi nhớ của Sóng:
Tình yêu gắn liền với nỗi nhớ - một trong những gam màu chủ đạo của tình yêu. Bao kẻ nhớ người
mình yêu mà đảo điên:
“ Trời còn có bữa sao quên mọc
Anh chẳng đêm nào chẳng nhớ em”. (Xuân Diệu)
Còn với Xuân Quỳnh, thi phẩm “Sóng” được kết cấu bằng 9 khổ thơ, trong đó 4 khổ đâu và 4 khổ
cuối đều được cấu trúc với 4 câu thơ xinh xắn riêng khổ 5 có đến 6 câu. Nỗi nhớ đã làm cấu trúc của
bài thơ đột ngột thay đổi, có lẽ vì nỗi nhớ trong tình yêu không thể bó buộc trong hạn định của ngôn
từ. Sự khéo léo của Xuân Quỳnh, khi chị đã để khổ thơ này ở vị trí trung tâm của bài thơ như một
đòn cân giữa hai đầu nỗi nhớ khiến cho nỗi nhớ cứ miên man, trải dài khắp không gian và thời gian
“Con sóng dưới lòng sâu
Con sóng trên mặt nước
Ôi con sóng nhớ bờ
Ngày đêm không ngủ được”
Nghệ thuật điệp từ “con sóng” được lặp lại 3 lần kết hợp với biện pháp tu từ nhân hóa đã diễn tả
một nỗi nhớ cồn cào da diết vô hồi, vô hạn của “con sóng nhớ bờ”. Xuân Quỳnh đã tạo được cấu
trúc đối lập, song hành mà đối xứng: dưới lòng sâu/ trên mặt nước, ngày/ đêm. Con sóng dù nổi hay
chìm, dưới đáy biển sâu hay tận cùng mặt bể thì cũng chỉ một nỗi trăn trở khắc khoải, chỉ là nỗi nhớ
bờ, thậm chí còn đau đáu đến nỗi “ngày đêm không ngủ được”, mạch cảm xúc sôi nổi, trào dâng.
* Nỗi nhớ của em:
Xuân Quỳnh vô cùng tinh tế khi mượn một hình tượng rất động để diễn ta nỗi niềm của người phụ
nữ khi yêu. Sóng muôn đời vẫn thế, có bao giờ thôi vỗ bờ, có khi nào chẳng cồn cào, dù muôn vời
cách trở. Sóng chẳng còn là sóng nếu bình yên, lặng lẽ. Và con người có thể khi nào không sống,
không nhớ không yêu. Vì vậy mà sóng đã được Xuân Quỳnh diễn tả bằng một từ ngữ rất sáng tạo
“không ngủ được”. Con sóng đã hành trình vượt qua không gian bao la và thời gian xa thẳm, nó bất
chấp cả thời gian “ngày đêm không ngủ được” để quyết tâm hướng vào bờ cho thỏa nỗi niềm mong
nhớ. Và nếu sóng nhớ bờ thì em nhớ anh. Đó âu cũng là quy luật của tình yêu.
“Lòng em nhớ đến anh
Cả trong mơ còn thức”
Nỗi nhớ của em được diễn tả vừa thành thực vừa nhuần nhị, đằm sâu. Xuân Quỳnh dùng chữ “lòng”
rất tài hoa. “Lòng” là nơi sâu kín nhất của tâm hồn con người, là nơi bí mật thẳm sâu của tình yêu và
nỗi nhớ. Người đọc từng mê mẩn trước lời thổ lộ đầy tình tứ của Xuân Diệu:
“ Trông thấy chiều hôm ngơ ngẩn vậy
Lòng anh thôi đã cưới lòng em”
Nỗi nhớ không chỉ tồn tại trong ý thức mà còn len lỏi vào trong tiềm thức, xâm nhập vào cả trong
những giấc em mơ, trong cõi vô thức của con người. Ngay cả trong giấc mơ vẫn “còn thức”, em vẫn
thao thức, chập chờn, mong ngóng, chờ đợi . Thành thật trong tình yêu là nét đáng quý nhất trong
thơ chị:
“ Em trở về đúng nghĩa trái tim em
Là máu thịt đời thường ai chả có
Vẫn ngừng đập khi cuộc đời không con nữa
Nhưng biết yêu anh cả khi chết đi rồi”
5. Khổ 6: Sóng – tình yêu và sự thủy chung:
Chính nỗi nhớ ấy đã tạo nên lòng thủy chung son sắc:
“Dẫu xuôi về phương bắc
Dẫu ngược về phương nam
Nơi nào em cũng nghĩ
Hướng về anh - một phương”
Hai dòng đầu vẽ lên trước mắt ta những gian nan, thử thách trong tình yêu. Câu thơ được viết theo
cấu trúc đối lập: dẫu – cũng. Dẫu (mặc dầu) được điệp lại hai lần có làm nổi bật những gian nan, thử
thách và sự quyết tâm, lòng chung thủy trong tình yêu. Phép đối với những động từ đối lập xuôi -
ngược vốn để diễn tả những cách trở, gian nan và các cụm từ phương bắc - phương nam diễn tả sự
xa xôi, cách trở ngàn trùng. Hơn nữa cách nói ngược:
“ Dẫu xuôi về phương bắc
Dẫu ngược về phương nam”
là một sự lạ hóa trong ngôn ngữ thơ Xuân Quỳnh ( người ta thường nói: ngược Bắc, xuôi Nam) như
thêm một tầng bậc của những rào cảm, chông gai. Ý thơ được viết ngược hay đó là dụng ý của Xuân
Quỳnh: Thử thách không chỉ là xa xôi mà còn cả những trái ngàng, phi lí, nghịch cảnh?
Sự chồng chất thử thách đối lập với sự nhất quán, thủy chung của lòng em. nói điều vô lí mà lại có lí
trong tình yêu, khẳng định niềm tin mãnh liệt, lời thề thủy chung duy nhất.
“ Nơi nào em cũng nghĩ
Hướng về anh - một phương”
Câu thơ như một lời khẳng định thật rắn rỏi rõ ràng, dứt khoát, thể hiện được quyết tâm của con
người. Cách khẳng định “Nơi nào em cũng nghĩ” thể hiện tình cảm thủy chúng, trọn vẹn, ý thơ đã tô
đậm hình ảnh của một người con gái khi vượt qua biết bao gian nan, thử thách trong tình yêu, chiến
thắng mọi khó khăn trắc trở.
* Mở rộng: Đây cũng là nét đẹp đặc trưng cho các nhân vật trữ tình trong thơ XQ- những phụ nữ
mạnh mẽ, can đảm, vượt qua tất cả cay đắng khổ đau để kiếm tìm hạnh phúc. Bởi lẽ tình yêu là
“Nguồn gốc của mọi khát vọng” làm nảy nở biết bao đức tính, làm cho con người thực sự Người
hơn.
“ Tình anh đói với em là xứ sở
Là bóng rợp trên con đường nắng lửa
Trái cây thơm trên miền đất khô cằn
Đó tình yêu em muốn nói cùng anh
Nguồn gốc của muôn vàn khát vọng
Lòng tốt để duy trì sự sống
Cho con người thực sự người hơn” (Nói cùng anh)
6. Khổ 7: Niềm tin vào tình yêu
“ Ở ngoài kia đại dương
Trăm ngàn con sóng đó
Con nào chẳng tới bờ
Dù muôn vời cách trở”
Ba từ “Ở ngoài kia” là nơi khơi xa của đại dương nghìn trùng miên viễn, bất tử, không gian chứa
đựng trăm ngàn con sóng ngày đêm không không biết mỏi đang vượt qua giới hạn không gian thăm
thẳm muôn vời cách trở để hướng vào bờ ôm ấp nỗi yêu thương. Tác giả mượn quy luật của sóng
biển kết hợp với trong cấu trúc đối lập về ý thơ (chẳng tới bờ - dù muôn vời cách trở) đã khẳng định
niềm tin mãnh liệt trong tình yêu bằng quy luật vĩnh hằng bất biến của thiên nhiên. Số từ “trăm
ngàn” đã biểu đạt cái vô cùng, vô tận của sóng giữa lòng đại dương sâu thẳm: biển cả chứa đựng
trăm ngàn con sóng có con nổi, con chìm và trong hành trình không mệt mỏi thế nhưng con sóng
nào cũng tới đích. Cũng như “em” muốn được gần bên anh, được hòa nhịp vào trong tình yêu với
anh. Tình yêu của người con gái thật mãnh liệt, nồng nàn. Sóng xa vời cách trở vẫn tìm được tới bờ
như tìm về nguồn cội yêu thương, cũng như anh và em sẽ vượt qua mọi khó khăn để đến với nhau,
để sống trong hạnh phúc trọn vẹn của lứa đôi.
Thế nhưng, nếu tinh tường hơn , người đọc còn thấy thấp thoáng tâm tư của nữ sĩ Xuân Quỳnh. Câu
thơ: Con nào chẳng tới bờ - Dù muôn vời cách trở mới chỉ là niềm tin là hi vọng. Hi vọng dẫu mãnh
liệt nhưng cũng thật mong manh. Chị đâu dám quả quyết, đâu dám khẳng định chân lí (nếu viết
ngược lại): Dù muôn vời cách trở - Con nào chẳng tới bờ . Qua đó ta cảm nhận giọng thơ chân
thành, hồn hậu là thế nhưng trái tim nhạy cảm của chị vẫn phấp phỏng những dự cảm, âu lo giàu
trực cảm và luôn da diết, khát khao về hạnh phúc đời thường.
7. Khổ 8: Ý thức về sự hữu hạn của thời gian cuộc đời
“ Cuộc đời tuy dài thế
Năm tháng vẫn đi qua
Như biển kia dẫu rộng
Mây vẫn bay về xa”
Những hình ảnh thơ: “năm tháng”, “mây” ẩn dụ cho sự vô cùng vô tận của không gian, thời gian
của tạo hóa. “Cuộc đời” và “biển rộng” tưởng chừng dài và rộng nhưng cũng chỉ là một khoảng,
một điểm dừng trên hành trình không mệt mỏi của đám mây. Một loạt hình ảnh thơ ẩn dụ được bố
trí thành một hệ thống tương phản, đối lập để nói lên dự cảm tỉnh táo, ý thức về sự hiện thế hữu hạn
ngắn ngủi của con người cá nhân giữa cuộc đời. Điều mà nhiều năm trước Xuân Diệu cũng từng
than thở:
“ Nói làm chi rằng xuân vẫn tuần hoàn
Nếu tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại
Còn trời đất nhưng chẳng còn tôi mãi
Nên bâng khuâng tôi tiếc cả đất trời”
Bút pháp đối lập kết hợp với câu trúc ngữ pháp: “tuy - vẫn” khiến cho mạch cảm xúc nghiêng về
suy tư, chiêm nghiệm khiến nữ sĩ đặt ra ý nghĩa về lẽ sống trong cuộc đời này. Cuộc đời thì ngắn
ngủi nhưng giá trị đích thực của cuộc sống, của tình yêu thì vô hạn. Ý thơ đã mở ra khát khao: muốn
được bất tử hóa trong tình yêu, trong cuộc đời.
8. Khổ 9: Mong ước:
“ Làm sao được tan ra
Thành trăm con sóng nhỏ
Giữa biển lớn tình yêu
Để ngàn năm còn vỗ.”
Ước vọng của nữ sĩ “Làm sao được tan ra”, “tan ra” là ước mong và chủ động muốn được dâng
hiến, được hòa lẫn cùng trăm con sóng nhỏ để kết tinh vị mặn ân tình của biển lớn tình yêu, để được
vĩnh hằng cùng sóng và ngàn năm bất biến cùng thiên nhiên nhiên, để vĩnh hằng với nhịp đập đầy
sôi nổi, trẻ trung, khao khát và rạo rực yêu thương.
Sóng là hình tượng đa nghĩa, trong quan niệm của nhà thơ, số phận cá nhân không thể tách khỏi
cộng đồng. Khát vọng lớn nhưng trong cách nói Xuân Quỳnh lại rất khiêm nhường : trăm con sóng
nhỏ như là sự tổng hòa những vẻ đẹp khác nhau để tạo thành biển lớn. Nhà thơ đã thể hiện một khát
vọng mãnh liệt muốn làm trăm con sóng để hòa mình vào đại dương bao la, hòa mình vào biển lớn
tình yêu để một đời vỗ muôn điệu yêu thương “Người yêu người sống để yêu nhau” (Tố Hữu).
9. Đánh giá chung
Thành công của bài thơ là nhờ vào thủ pháp nghệ thuật nhân hóa, ẩn dụ, so sánh, đối lập… nhất là
thể thơ ngũ ngôn giàu nhịp điệu. Nhịp điệu của sóng, nhịp điệu của tâm hồn, tất cả đã làm hiện lên
vẻ đẹp rất Xuân Quỳnh giàu trắc ẩn suy tư và khát vọng trong tình yêu. “Đó là cuộc hành trình khởi
đầu là sự từ bỏ cái chật chội, nhỏ hẹp để tìm đến một tình yêu bao la rộng lớn, cuối cùng là khát
vọng được sống hết mình trong tình yêu, muốn hóa thân vĩnh viễn thành tình yêu muôn thuở.”
(GS-TS Trần Đăng Suyền).
C. Kết thúc vấn đề:
Cái “tôi” trữ tình của Xuân Quỳnh đã được khắc họa thông qua kết cấu song hành “‘sóng” và
“em” soi chiếu, sóng đôi, song hành lúc phân tách, lúc quyện hòa. Tất cả đã góp phần thể hiện khát
vọng tình yêu sôi nổi, chân thành, mãnh liệt, thủy chung của người phụ nữ. Qua đó, chúng ta có thể
thấy được tâm hồn, trái tim nhạy cảm của nữ sĩ về tình yêu trước những bão giông, thử thách của
cuộc đời, giống như nhà thơ từng khẳng định trong bài thơ “Tự hát”
“Em lo âu trước xa tắp đường mình
Trái tim đập những điều không thể nói
Trái tim đập cồn cào cơn đói
Ngọn lửa nào le lói giữa cô đơn”.

You might also like