You are on page 1of 4

SÓNG

“Chắt chiu từ những ngày xưa


Mẹ sinh anh để bây giờ cho em”
(Mẹ của anh-Xuân Quỳnh)
Tự bao giờ điệu tình lại ngân vang trong ý thơ của Xuân Quỳnh đến thế? Có lẽ
tâm hồn nữ thi sĩ tài hoa đã bén duyên và trưởng thành cùng thơ tình trong suốt
thời kháng chiến chống Mĩ oanh liệt.Lời thơ của bà là tiếng nói của người phụ nữ
giàu lòng trắc ẩn, vừa hồn nhiên vui tươi, vừa chân thành đằm thắm luôn da diết
khao khát tính yêu, chi chút hạnh phúc bình dị đời thường; đồng thời cũng là tiếng
lòng của một người nhiều âu lo, day dứt, trăn trở trong tình yêu. Tên tuổi của bà
gắn liền với những tuyệt tác để đời:  “Thuyền và biển”, “Hoa cỏ may”, “Tự hát”,…
Và “Sóng” là một trong những những tác phẩm tiêu biểu cho hồn thơ ấy.Qua hình
tượng sóng, người đọc còn cảm nhận vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ khi yêu
được thi nhân miêu tả một cách sâu lắng:
“Trước muôn trùng sóng bể…
…Cả trong mơ còn thức”
Ba khổ thơ trên trích trong phần đầu bài thơ và in trong tập ‘”Hoa dọc chiến
hào”(1968).”Sóng” được ra đời trong hoàn cảnh đặc biệt.Đó là kết quả của chuyến
đi thực tế biển Diêm Điền(Thái Bình) ngày 29-12-1967, giữa lúc cuộc kháng chiến
chống Mỹ đang diễn ra gay go ác liệt.Phần lớn các tác phẩm bấy giờ viết về cách
mạng, về người con anh hùng. Ấy vậy mà “Sóng” của Xuân Quỳnh lại tìm cho
mình một lối đi riêng, nổi bật giữa thời đại, tựa như một bức bông hoa xinh đẹp
tươi tắn giữa bức tranh toàn cảnh về thời cuộc.
Bao trùm và xuyên suốt toàn bộ bài thơ là hình tượng sóng, đại diện cho những
khung bậc cảm xúc của người phụ nữ đang yêu. Đó là con sóng thực với nhiều
trạng thái mâu thuẫn trái ngược nhau. Sóng còn là hình tượng ẩn dụ, sự hoá thân
của nhân vật trữ tình “em”. Sóng và em khi song hành, khi tách rời, khi hoà nhập
tạo nên nét độc đáo, diễn tả sâu sắc, sinh động, mãnh liệt khát vọng, vượt lên sự
hữu hạn của đời người để làm cho tình yêu trở nên bất diệt của Xuân Quỳnh.
Mở đầu đoạn thơ là hành trình kiếm tìm bản chất tình yêu, sóng là hiện tượng
muôn đời của đại dương bao la. Còn vũ trụ, đất trời là còn đại dương; đại dương
còn thì còn “muôn trùng sóng bể”. Sóng là sức sống vĩnh hằng, kì diệu của biển,
trường tồn trong dòng chảy thời gian, cũng như người phụ nữ trong tình yêu không
bao giờ ngừng trăn trở về tình yêu lứa đôi.Vì vậy có thể nói em soi mình vào sóng
để thấy rõ hơn những biểu hiện của tình yêu:
“Trước muôn trùng sóng bể
Em nghĩ về anh, em
Em nghĩ về biển lớn
Từ nơi nào sóng lên?”
Đứng trước cái mênh mông của đại dương, cái trùng điệp của sóng biển, “em”
nghĩ về anh, về biển lớn, về  quy luật của sự sống, sự trường tồn của đại dương, về
nguyên nhân kì diệu nào mà có “sóng lên”.Dường như ”Sóng” hay chính là “em”
đang bâng khuâng, trăn trở nghĩ về mối nhân duyên của mình, về tình yêu của
“em” và “anh”. Điệp từ “em nghĩ" nhắc đi nhắc lại càng làm rõ hơn sự suy tư trong
lòng người. Đó là những thao thức, lo lắng, tự vấn về người mà “em” dành trọn cả
con tim, chính là “anh”.Liệu rằng tình yêu của “anh” có thật sự chân thành hay
không hay chỉ như sóng biển gió trời, bất chợt ập đến chẳng chống đỡ kịp, rồi cũng
biến mất chẳng một lí do. Bên cạnh đó, Xuân Quỳnh còn nghĩ về em, về chính bản
thân mình.Và từ nỗi niềm suy tư về “anh”,”em”, tác giả lại bắt đầu trăn trở về biển
lớn, về cuộc đời, những sóng gió đang chờ phía trước.
Đau đáu, suy tư về bản chất diệu kì của tình yêu, trước sự bí ẩn của thiên nhiên,
của biển cả rộng lớn, dòng suy nghĩ của người con gái cuộn lên những lớp sóng
khiến cho lời thơ của Xuân Quỳnh hóa thành cuộc đối thoại lớn với vũ trụ về tình
yêu qua câu hỏi “Từ nơi nào sóng lên” ở cuối khổ thơ. Với giọng thơ nồng nàn, say
đắm, cảm xúc bâng khuâng triền miền đã thể hiện sự tò mò, khao khát khám phá
về tình yêu, về cuộc đời. Đây là câu hỏi tự bao đời được đề ra nhưng dường như
vẫn chưa tìm được câu trả lời thỏa đáng. Đến Xuân Diệu đã từng phải thốt lên
rằng:
“Đố ai định nghĩa được tình yêu
Có nghĩa gì đâu một buổi chiều?
Nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt
Bằng mây nhè nhẹ gió hiu hiu.”
Từ việc “không hiểu nổi mình” nhà thơ liên tiếp đặt ra những băng khoăng, thắc
mắc. Cuối cùng tự dằn vặt mình, cũng chỉ để hỏi mà thôi. Hỏi cho vơi nỗi lòng:
“Sóng bắt đầu từ gió
Gió bắt đầu từ đâu
Em cũng không biết nữa
Khi nào ta yêu nhau.”
Sự huyền diệu của vũ trụ, của sóng biển có thể trả lời theo cách riêng của khoa
học. Còn sự bí hiểm, nguồn gốc của tình yêu khó có thể cắt nghĩa được.Làm sao có
thể giải thích được “ngọn gió” làm lay động “sóng tình”? Chính sự bất lực trong
những câu hỏi lại góp phần kì ảo hóa tình yêu. Hai câu thơ cuối của khổ thơ giống
như một cái lắc đầu dễ thương của một người con gái ”Em cũng không biết
nữa/Khi nào ta yêu nhau”. Đặt trong cấu trúc chỉnh thể của khổ thơ, hai câu thơ là
một lời nói tự nhiên mà chân thành.Các từ “cũng không”, “nữa” là một cách nói
dịu dàng, nữ tính, tạo nên một giọng thơ thủ thỉ, tâm tình, tiềm ẩn một niềm hạnh
phúc giống như cô gái trong câu ca dao:
“Thấy anh như thấy mặt trời
Chói chang khó nói, trao lời khó trao”
Hơn thế nữa, sức gợi cảm của hình tượng “sóng” thật phong phú và bất ngờ.Xuân
Quỳnh đã mượn hình tượng sóng nhớ bờ để diễn tả nỗi nhớ của em với anh ở nhiều
khung bậc, trạng thái:
“Con sóng dưới lòng sâu
Con sóng trên mặt nước
Ôi con sóng nhớ bờ
Ngày đêm không ngủ được”.
Dường như nữ sĩ đã bắt cả vũ trụ chìm vào nỗi nhớ, nỗi nhớ tràn ngập trong
không gian, ‘dưới lòng sâu’, ‘trên mặt nước’. Nỗi nhớ triền miên trong thời gian
ngày-đêm, trong trạng thái tâm hồn,. thao thức ‘không ngủ được’. Sóng được cảm
nhận bằng thính giác, bằng thị giác, bằng tri giác và cả bằng tâm hồn. Có thể nói
hình tượng sóng thật mãnh liệt.Mặt khác, với nghệ thuật nhân hóa “sóng nhớ bờ”,
Xuân Quỳnh đã làm một cuộc đảo lộn lịch sử với quan niệm thẩm mỹ mới. Người
phụ nữ trong thơ Xuân Quỳnh đập vỡ guồng của cái tĩnh để giành quyền chủ động
trong tình yêu.
Bốn câu thơ đầu song hành, đối xứng “dưới lòng sâu-trên mặt nước”, “ngày-
đêm” kết hợp với điệp từ “con sóng” khắc họa sự thơ mộng của những cơn sóng.
Bên cạnh đó, ngôn ngữ thơ còn cân xứng hài hòa, âm điệu, nhạc điệu thơ nhịp
nhàng, uyển chuyển, tình yêu như được hòa quyện trong không gian, trong thời
gian, và cả trong lòng người.
Từ hiện tượng “sóng nhớ bờ”, nữ sĩ liên tưởng đến nỗi nhớ “em nhớ đến anh”,
một nỗi nhớ da diết, triền miên, bồi hồi khôn xiết, kể cả trong cõi thực và cả trong
mơ, trong ý thức và cả trong tiềm thức.
“Lòng em nhớ đến anh
Cả trong mơ còn thức.”
Xuân Quỳnh đã tạo ra ý thơ chân thật đến bất ngờ. Người con gái khi yêu trong mơ
còn thức nhớ về người mình yêu, con sóng thức vì nhớ, còn em vì nhớ mà thức cả
trong mơ. Sóng vẫn còn lý trí, kéo dài từ ngày đến đêm. Còn em mơ là đã mộng
mị, vô thức. Thời gian trong tình yêu phá vỡ mọi giới hạn cả ý thức lẫn trong tiềm
thức.

Bài thơ sáng tạo hình tượng sóng đặc sắc, giàu ý nghĩa biểu tượng. Kết hợp với
kết cấu song hành giữa “sóng” và “em” khi đan cài, hòa quyện làm một khi tách
rời, độc lập để nhìn ngắm, nhận thức và soi chiếu nhau. Thể thơ ngũ ngôn, giàu
nhịp điệu, ngôn ngữ tinh tế, giàu cảm xúc thể hiện khát vọng mãnh liệt, tha thiết
của người phụ nữ với trái tim hồn hậu, chân thành, giàu trực cảm của hai khát vọng
hòa làm một: yêu hết mình và dâng hiến hết mình. Đó chính là vẻ đẹp thánh thiện
trong tình yêu của người phụ nữ

Tóm lại, đoạn thơ nói riêng và bài thơ “Sóng” nói chung là một áng văn hay của
thời đại. Với hình tượng “sóng” giàu sức biểu cảm và trên cơ sở khám phá sự
tương đồng “sóng” và “em” , Xuân Quỳnh đã diễn tả một cách chân thực và đầy đủ
nhất tình yêu của một người phụ nữ thiết tha, nồng nàn, chung thủy, muốn vượt lên
thử thách, bão giông của cuộc đời và sự hữu hạn của đời người để sống trọn vẹn
trong tình yêu. Sóng đã đi vào lòng người và mãi mãi khắc ghi một bài ca không
quên về một câu chuyện tình yêu đầy lãng mạn. Gấp trang sách lại rồi mà dường
như trong ta vẫn còn ngân nga một giai điệu của sóng và của em:
“Em trở về đúng nghĩa trái tim em
Là máu thịt đời thường ai chẳng có
Dẫu ngừng đập khi cuộc đời không còn nữa
Nhưng biết yêu anh cả khi chết đi rồi”
(Tự hát – Xuân Quỳnh)

You might also like