You are on page 1of 7

Phân tích bài “Sóng” trọn vẹn

BÀI LÀM

G. Macket có một câu nói mà tôi rất ấn tượng: “Con bướm phải mất 180 triệu năm mới cất cánh
bay lên được, con người cũng phải mất ngần ấy năm mới biết khóc biết cười và biết chết cho tình
yêu.” Hóa ra, tình yêu là một giá trị văn hóa lớn. Trong tưởng tượng, tôi nghĩ đến Xuân Quỳnh
với một năng lực yêu dồi dạt như thế. Đọc Xuân Quỳnh, nhất là thi phẩm “Sóng” cứ thấy nhịp
thở của biển thành nhịp thở của người thổn thức ở đâu đây, cứ thấy một người phụ nữ nhẹ nhàng
với đôi câu tha thiết ngân vang về tình yêu và hạnh phúc trong đời. Và vẫn cứ thấy một con
người trong chênh vênh chao đảo vẫn muốn tận hiến cho tình yêu.

Nhà phê bình Chu Văn Sơn đã từng viết về Xuân Quỳnh: “Sinh ra đã chịu đựng nỗi chơ vơ, côi
cút, rồi trên mỗi bước đường đời, mặc cảm côi cút cứ truy đuổi sát gót như một thứ bóng đè lên
cuộc đời người phụ nữ này. Vì thế, có thể thấy rằng: cuộc đời và thơ Xuân Quỳnh là một nỗ lực
vượt thoát nỗi chơ vơ định mệnh đó. Cũng vì thế, luôn thường trực ở hồn thơ này, một khao khát
đến khắc khoải: khao khát được gắn bó và chở che.” Và hành trình thơ của nữ sĩ miền La Khê ấy
là hành trình của một con người đi tìm kiếm hạnh phúc, vì chỉ có hạnh phúc gia đình và tình yêu
lứa đôi mới có thể là thứ nước làm dịu đi cơn khát nồng cháy của “con chim không tổ”. Thi
phẩm “Sóng” là một trong những bài thơ tiêu biểu cho hồn thơ hồn hậu, chất nữ tính riêng của
Xuân Quỳnh, được viết theo thể ngũ ngôn, một thể thơ rất phù hợp để kể về một huyền thoại tình
yêu đầy ăm ắp những tâm trạng khắc khoải, những cung bậc tình cảm và vì thế bài thơ dễ dàng
được phổ nhạc. Sóng là một hình tượng ẩn dụ, là phương tiện bộc lộ tình cảm của nhân vật
"Em":

“Dữ dội và dịu êm


Ồn ào và lặng lẽ
Sóng không hiểu nổi mình
Sóng tìm ra tận bể”

Mở đầu bài thơ, sự trái ngược muôn đời- đôi khi nghịch lí của sóng được bộc lộ, diễn tả: “Dữ dội
và dịu êm/ Ồn ào và lặng lẽ”. Sự trái ngược đó cũng là cảm nhận của nhà thơ, và của mọi người
về những trạng thái, biến động có khi thất thường của tình yêu. Nó tận cùng hạnh phúc đồng thời
cũng là tận cùng đau khổ. Nó không đứng yên mà vận hành, chuyển động từ cực này sang cực
kia, đôi khi trong chớp mắt bởi : “Vì tình yêu muôn thuở/ Có bao giờ đứng yên”. Mọi nhãn quan
thơ ca thường có xu hướng phân lập cái thế giới sống động này thành các đối cực. Tùy thuộc
từng tạng người, tạng thơ mà cặp đối cực nào sẽ nổi trội lên, giành lấy quyền quán xuyến. Và thế
giới nghệ thuật được sáng tạo trong thơ, xét đến cùng, là sự tương sinh, tương khắc của các đối
cực ấy. Có ai đó đã nói rằng: “Thế giới thơ ca Xuân Quỳnh là sự tương tranh không ngừng giữa
khắc nghiệt và yên lành với những biểu hiện sống động và biến hoá khôn cùng của chúng. Ở đó,
trái tim thơ Xuân Quỳnh là cánh chuồn báo bão cứ chao đi chao về, mệt nhoài giữa biến động và
yên định, thác lũ và êm trôi, tình yêu và cách trở”. Biển trong giông bão, những con sóng gầm
gào tung bọt trắng nổi bật trên nền trời và mặt nước xám xịt... Còn biển lúc đẹp trời, sóng nhấp
nhô xanh, dịu dàng êm ả dệt ren mềm vào chân cát. Hai đối cực ấy khiến cho ai đứng trước biển
cũng phải ngỡ ngàng băn khoăn và liên tưởng tới tâm trạng con người, tới chính mình. Cũng như
sóng, trái tim người con gái đang yêu không chịu chấp nhận sự tầm thường, nhỏ hẹp, luôn vươn
tới cái lớn lao có thể đồng cảm, đồng điệu với mình.: “Sông không hiểu nổi mình/ Sóng tìm ra
tận bể”. Người con gái khao khát yêu đương nhưng không nhẫn nhục, cam chịu nữa. Có cái gì đó
quyết liệt và cũng hết sức chủ động bởi “sông” ( không gian hẹp) không phải là nơi dành cho
sóng. Tìm ra bể là hành trình từ bỏ nơi bé nhỏ, nông cạn để đến với cái cao rộng, bao dung.

Nhịp thơ nối dài liên tục, như không có sự ngưng nghỉ của những con sóng, của những trái tim
khao khát yêu. Con sóng trên đại đương là sự hiện hình của con sóng trong lòng yêu của thiếu
nữ. Kì lạ thay chính người con gái phát hiện ra cái quy luật ngàn đời ấy. Sự thấu hiểu xuất phát
từ sự đồng điệu. Thiếu nữ với tình yêu bỏng cháy của mình đã thức nhận sự đồng dạng thiêng
liêng:

“Ôi con sóng ngày xưa

Và ngày sau vẫn thế

Nỗi khát vọng tình yêu

Bồi hồi trong ngực trẻ”

Biển cả vẫn mãi ngàn năm xôn xao, dào dạt, không đổi thay, vẫn trẻ trung và bất diệt thế. Ngực
biển vẫn luôn rung nhịp đập phập phồng thủy triều. Và con sóng ở đó hiện hữu trong quá khứ xa
“ngày xưa” và tương lai gần “ngày sau” vẫn cứ chung một khát vọng. Điều này làm nhà thơ băn
khoăn suy nghĩ về khát vọng tình yêu, tuổi trẻ của con người. Trong quan niệm của Xuân Quỳnh,
khát vọng mãnh liệt nhất của con người, của tuổi trẻ chính là nỗi khát vọng tình yêu xôn xao, rạo
rực. Mà tình yêu với người trẻ thì càng đắm say, dào dạt bởi vì chính “Thi nhân của một chữ
Tình” Xuân Diệu đã từng viết:

“Hãy để trẻ con nói cái ngon của kẹo

Hãy để cho bà nói má thơm của cháu

Hãy để tuổi trẻ ca ngợi tình yêu”

Cũng là nói về người trẻ và tình yêu nhưng giọng thơ Xuân Quỳnh là “giọng tự hát, tự bạch”-
giọng của bản lí lịch tâm hồn tự khai độc đáo, giọng của một bài thơ ăm ắp sóng, ăm ắp tình.
Những con sóng bất tử thì tình yêu cũng sẽ bất tử và luôn trường cửu với thời gian. Kiểu tình yêu
mà Xuân Quỳnh truy tìm là tình yêu tuyệt đối, tình yêu mang tầm vóc vũ trụ của sóng, biển và
đất, trời được khai sinh từ thuở khai thiên lập địa và mãi sống còn cho đến tận ngày trái đất thôi
ngừng quay.Đã lâu lắm, từ thuở Xuân Hương, làng thơ Việt mới có một tiếng nói phụ nữ bộc
bạch khát vọng yêu táo bạo, mãnh liệt và chân thành đến thế. Đọc Xuân Quỳnh, cứ thấy nhịp thở
của biển thành nhịp thở của người thổn thức ở đâu đây. Đứng trước biển, nghĩ về mình, Xuân
Quỳnh thể hiện điều chính là khát vọng tình yêu của con người, nữ sĩ đã mở lòng mình giữa biển
trời bao la. Đến đây, hình tượng “em” đã trực tiếp bộc bạch:

“Trước muôn trùng sóng bể

Em nghĩ về anh, em

Em nghĩ về biển lớn

Từ nơi nào sóng lên?

Sóng bắt đầu từ gió


Gió bắt đầu từ đâu

Em cũng không biết nữa

Khi nào ta yêu nhau.”

Hình tượng của sóng trong những dòng thơ ngọt ngào tha thiết đầy gợi cảm mang tính nhân văn.
“Trước muôn trùng sóng bể” của đại dương mênh mông, lớp lớp liên hồi, vô tận, thiếu nữ “bồi
hồi” nghĩ về quy luật của sự sống, về sự trường tồn của đại dương, về nguyên nhân kì diệu nào
mà có “sóng lên”. Rồi thiếu nữ bâng khuâng nghĩ về mối tình duyên của mình, về tình yêu
của em và anh. Điệp ngữ “em nghĩ về…”, kết hợp với câu hỏi tu từ: “Từ nơi nào sóng lên?” đã
làm cho giọng thơ nồng nàn, say đắm, cảm xúc bâng khuâng triền miên dào dạt dâng lên. Lời thơ
mộc mạc, như thể tự kiểm nghiệm trải nghiệm của mình: Sóng bắt đầu từ gió / Gió bắt đầu từ
đâu? tính chất điệp, vắt dòng này mở ra một cuộc truy đuổi miên man hòng tìm ra “thủ phạm”
gây nên “sóng”. Bởi như một ẩn ý, tình yêu nếu tìm được nguồn cội, có nghĩa con người ta biết
họ yêu nhau vì cái gì thì đấy không còn là tình yêu nữa. Lời tự thú hồn nhiên của người con gái
về sự bất lực của mình trong khi đi tìm cái nguyên nhân yêu lại chính là lời bày tỏ tình cảm chân
thành, nồng thắm nhất. Lời “không biết” ấy chính là lời “biết nhất”, lời thú nhận đầy đủ nhất
rằng mình đang yêu, yêu sâu nặng, yêu đến mức... “không biết nữa”. Giống như cái cách Xuân
Diệu “ Đố ai định nghĩa được tình yêu” thì ở đây Xuân Quỳnh đã quy tình yêu về trạng thái
muôn đời bí ẩn.Và chính vì điều đó mà phải chăng con người ta luôn dấn thân vào tình yêu như
ước vọng muốn chiếm lĩnh và lí giải nó.

“Khi nào ta yêu nhau”- cuối cùng, đó vẫn là cái đích của cuộc hành trình. Từ những hiện tượng
thiên nhiên Xuân Quỳnh cảm thấy, tình yêu cũng có nhu cầu tự lí giải, tự phân tích. Đó chính là
một thứ “khát vọng muôn đời”. Có khi dù khát vọng nhưng không nhất thiết phải trả lời. Những
câu hỏi không nhất thiết phải trả lời- và cũng chưa chắc trả lời được ấy- phải chăng lại càng
khiến tình yêu là một cuộc chơi mãi kích thích, thu hút con người ? Tuy không trả lời được câu
hỏi “Khi nào ta yêu nhau?” nhưng cái khoảnh khắc thần tiên của mối tình đầu mãi mãi được ghi
sâu trong lòng người:

“Cái thưở ban đầu lưu luyến ấy

Nghìn năm chưa dễ đã ai quên?”

(Thế Lữ)

Đến đây, hình tượng con sóng thực, con sóng trên đại dương không còn là khách thể bên ngoài
để thiếu nữ đối sánh với tình cảm của mình. Khi đã thấu hiểu tình yêu đã đến, thấu hiểu tình cảm
của mình đã chuyển dịch đến một “bến bờ” thì con sóng đó đích thị đã trở thành sóng lòng, sóng
yêu, bởi trong tự nhiên, nơi “lòng sâu” đại dương kia làm gì có sóng?

Con sóng dưới lòng sâu

Con sóng trên mặt nước

Ôi con sóng nhớ bờ

Ngày đêm không ngủ được

Lòng em nhớ đến anh


Cả trong mơ còn thức

Xuân Quỳnh đã biểu hiện nỗi nhớ qua âm thanh của tiếng sóng vỗ suốt ngày đêm vào bờ, thao
thức không ngủ được. Xuân Quỳnh đã nói lên nỗi đau da diết qua hình tượng sóng, những con
sóng thao thức đập vào bờ bất kể thời gian “đêm ngày”. Sóng không ngủ dù trong lòng sâu hay
trên mặt nước, những con sóng dữ dội hay dịu êm, bộc lộ hay đắm sâu, nhưng đều là biển tràn
dâng nỗi nhớ. Đọc những vần thơ ấy, không thể không nhớ đến “Biển” của Xuân Diệu, với làn
sóng tình yêu biếc xanh- những nụ hôn nồng cháy của muôn đời dành cho bờ bãi- như tình yêu
đắm say, mãnh liệt khôn cùng của tuổi trẻ. Và bao vần thơ khác nữa về nỗi nhớ biển nhớ bờ dào
dạt cuồng si… Và nỗi nhớ bờ của sóng cũng là nỗi nhớ của em, được nhân đầy càng cồn cào
càng da diết vời vợi:

“Lòng em nhớ đến anh

Cả trong mơ còn thức”

Tiếng sóng biển dạt dào, khắc khoải khôn nguôi ấy cũng là tiếng lòng của em. Nếu như nỗi nhớ
làm sóng không ngủ cả ngày lẫn đêm thì nỗi nhớ anh làm em “xáo trộn cả thực và mơ”. Nhà thơ
Hàn Mặc Tử có một ý thơ đẹp :“Khi xa cách không gì bằng thương nhớ”. Người xưa đã từng nhớ
nhau:

“Nhớ chàng như mảnh trăng đầy


Đêm đêm vầng sáng hao gầy đêm đêm.”

Rồi nỗi nhớ và trạng thái tương tư trong Truyện Kiều:

“Sầu đong càng lắc càng đầy


Ba thu dọn lại một ngày dài ghê”.

Thơ ca đã làm ngân rung những sợi tơ lòng đang đắm say yêu. Những vần thơ bộc bạch chân
thành của Xuân Quỳnh là minh chứng rõ nét cho chân lí: “Thơ ca không chấp nhận tráng thái
bàng quan” của Lorca. Bởi vì nó chỉ thực sự sống khi người nghệ sĩ dồn trọn tinh hoa, tâm tư
tình cảm cho sáng tạo nghệ thuật. Tình yêu của người con gái ở đây vừa thiết tha mãnh liệt vừa
trong sáng, giản dị thuy chung. Qua hình tượng sóng và em, Xuân Quỳnh đã nói lên thật chân
thành, táo bạo, không hề giấu diếm cái khát vọng tình yêu sôi nổi, mãnh liệt của mình.

Con sóng vỗ như một tình cảm bồi hồi khao khát, như tình yêu tìm đến hạnh phúc và đến đây bài
thơ xuất hiện hình ảnh của đôi bờ. Con sóng nào cũng khao khát đến bờ, hình ảnh của bến bờ
như cái đích đi tới và con sóng sẽ không chơi vơi, bỏ cuộc. Xuân Quỳnh đã có những liên tưởng
rất sáng tạo để nói lên một tình yêu chung thủy:

“Ở ngoài kia đại dương


Trăm ngàn con sóng nhỏ
Con nào chẳng tới bờ
Dù muôn vàn cách trở.”

Hạnh phúc trong tình yêu không dễ dàng mà đạt được, phải biết vượt qua những thử thách và khi
đã vượt qua được thử thách thì tình yêu càng bền vững. Xuân Quỳnh viết “Sóng” năm 1967 khi
mà đã từng nếm trải sự đổ vỡ trong tình yêu. Song người phụ nữ nhiên, tha thiết yêu đời này vẫn
phơi phới niềm tin và còn ấp ủ biết bao hy vọng, vẫn phơi phới một niềm tin vào hạnh phúc
trong tương lai. Nữ sĩ vẫn tin những con sóng nhất định sẽ “tới bờ” dù “muôn vời cách trở”. Một
tiếng thơ tin yêu không khỏi làm ngân vang trong ta những hy vọng tin tưởng. Xuân Quỳnh từng
coi “Tình yêu là một câu chuyện cổ tích”. Tình yêu ấy sẽ là sóng gió nhưng tình yêu ấy cũng rất
nhiều khát vọng. Và tình yêu ấy sẽ đẹp như những câu chuyện cổ tích:

“Từ ngày nào chẳng biết


Thuyền nghe lời biển khơi
Cánh hải âu sóng biếc
Đưa thuyền đi muôn nơi”.

Sang khổ thơ thứ 8, nhịp thơ chợt chùng lại, thấm đẫm suy tư:

“Cuộc đời tuy dài thế


Năm tháng vẫn đi qua
Như biển kia dẫu rộng
Mây vẫn bay về xa.”

Nỗi ám ảnh thời gian thường trở đi trở lại trong thơ Xuân Quỳnh khi người tâm sự về tình yêu,
về hạnh phúc. Cũng phải thôi vì cuộc đời là hữu hạn, thời gian thì vĩnh hằng, không gian vũ trụ
lại vô tận. Có gì đó mong manh, dễ dàng tan biến trong những vần thơ của Xuân Quỳnh bởi vì:
“Em đâu dám nghĩ là vĩnh viễn/ Hôm nay yêu mai có thể xa rồi”. Cuộc đời dài đấy, năm tháng
dẫu đi qua, mây vẫn bay, biển vẫn rộng, sóng vẫn vỗ bờ nhưng rồi tất cả sẽ vào cõi xa xăm vô
định: bể lớn cuộc đời, bể lớn tình yêu là vô hạn nhưng cuộc đời con người là hữu hạn, làm sao có
thể vượt thoát ra khỏi giới hạn ấy? Xuân Quỳnh đã đặt nỗi trăn trở ấy trải dài theo những con
sóng tìh cảm lo âu, để rồi nó trở nên thôi thúc, bùng lên thành khát vọng được trở thành những
con sóng mãi trường tồn, mãi dâng lên và tìm đến bờ:

"Làm sao được tan ra

Thành trăm con sóng nhỏ

Giữa biển lớn tình yêu

Để ngàn năm còn vỗ"

Đọc thơ Xuân Quỳnh, tôi nhớ đến những trang văn xuôi đầy chất thơ và lòng dũng cảm của
Saint-Exúpery “những cơn đói khát ánh sáng dữ dội đã xui chàng bay lên” ( Chuyến bay đêm ).
Nếu ở Saint Exúpery là niềm khát vọng của thế giới đàn ông, niềm chinh phục thế giới vĩ mô thì
ở Xuân Quỳnh là khát vọng chinh phục cái thế giới vi mô của tình yêu ( dẫu là thế giới ấy chỉ
rộng bằng chu vi của một trái tim). Khát vọng được dâng hiến hết mình để bất tử hóa cùng tình
yêu đã làm tinh thần bài thơ đẹp hơn bao giờ hết. Trăm con sóng nhỏ như là sự tổng hòa những
vẻ đẹp khác nhau để tạo thành biển lớn. Nhà thơ đã thể hiện một khát vọng mãnh liệt muốn làm
trăm con sóng để hòa mình vào đại dương bao la, hòa mình vào biển lớn tình yêu để một đời vỗ
muôn điệu yêu thương "Người yêu người, sống để yêu nhau" (Tố Hữu).. Phải chăng đó là khát
vọng muốn bất tử hóa tình yêu của nữ sĩ Xuân Quỳnh? Vâng! Đó không chỉ là tinh thần của con
người thời đại chống Mỹ mà còn là âm vang của một tấm lòng luôn tha thiết với sự sống, với
tình yêu.

Trong thiên nhiên vũ trụ, biển và sóng là hiện thân sinh động của sự sống mãnh liệt, vĩnh hằng.
Phải chăng là vì thế, qua ngòi bút nhiều nhà thơ, biển và sóng đã trở thành những biểu tượng
quen thuộc diễn tả sự dâng đầy, nỗi khát khao, niềm sục sôi mê đắm của sức sống, của tình yêu.
Sóng của Xuân Quỳnh nằm trong trường hợp ấy. Thế nhưng qua trái tim yêu của người phụ nữ
này, bài thơ lấp lánh một vẻ đẹp riêng và ngót 30 năm nay, từ lúc ra đời, từng làm thổn thức trái
tim bao người trẻ tuổi, trẻ lòng. Âu đó cũng chứng tỏ cái quy luật muôn đời của nghệ thuật: cùng
vận dụng một chất liệu nhưng nếu nghệ sĩ nào gửi trọn vào đây càng nhiều máu thịt của tâm
hồn, của cuộc đời mình thì tác phẩm càng có sức sống.

Hôm nay Xuân Quỳnh đã đi xa. Nắng gió và nhịp đập biển khơi vẫn tuần hoàn vô sự lướt qua
trên cõi đời này, thơ Xuân Quỳnh cũng vang vọng theo năm tháng. Đến với “Sóng” là một lần
hiểu về tính nữ làm con sóng yêu của Xuân Quỳnh thánh thiện, đến với “Sóng” là một lần nghe
người “tự hát” về cuộc đời và tình yêu tha thiết. Xin được đọc lại một chút thơ Người trong niềm
trân trọng và tưởng nhớ:

“Trời xanh trên mái nhà

Trời xanh ngoài biển gió

Anh ạ, quê chúng mình

Xuân đã về trước ngõ”.

Bầu trời vẫn cứ xanh. Con thuyền cứ đi mãi. Thơ Xuân Quỳnh được sinh ra với sứ mệnh nghệ sĩ
là yêu thương.

You might also like