You are on page 1of 4

a.

Mở (1 đoạn):
Thơ “tràn ra khi trong tim ta cuộc sống đã thật đầy” (Tố Hữu). Thật vậy, những rung
động mãnh liệt trước những sự việc trong đời sống, những cảm xúc dồn nén, niềm khát khao
tình yêu không được đền đáp… là cảm hứng sáng tác của Xuân Quỳnh trong rất nhiều bài
thơ tình, trong đó, tiêu biểu nhất là “Sóng”. Bài thơ được viết năm 1967, trong một chuyến đi
thực tế về biển Diêm Điền (Thái Bình), và được in ở tập “Hoa dọc chiến hào” (1968). Trong
bài thơ, nữ sĩ đã có những khám phá, phát hiện độc đáo, thú vị về sóng, từ đó, bài đã thể hiện
lòng chung thủy, niềm tin và khát vọng của người phụ nữ trong tình yêu (LUẬN ĐỀ). Điều
ấy được thể hiện tập trung qua đoạn thơ:
“Dẫu xuôi về phương Bắc
………………………….
Để ngàn năm còn vỗ”
b. Thân (nhiều đoạn):
* Khái quát vài nét về tác giả, tác phẩm:
- Xuân Quỳnh là một nữ sĩ thuộc thế hệ nhà thơ trưởng thành trong kháng chiến chống Mĩ
rất thành công ở mảng thơ tình. Thơ của bà là tiếng lòng của người phụ nữ nhiều lo âu, trăn
trở và luôn khao khát hạnh phúc bình dị, đời thường. Tên tuổi của Xuân Quỳnh gắn liền với
nhiều bài thơ, trong đó, tiêu biểu là “Sóng”. Bài thơ được sáng tác trong chuyến đi thực tế về
vùng biển Diêm Điền của tỉnh Thái Bình vào năm 1967, sau đó in tập “Hoa dọc chiến hào”
(1968).
- Trong chuyến đi thực tế năm ấy, đứng trước biển cả bao la, vô tận, nữ sĩ đã có những
khám phá mới mẻ, thú vị về sóng, từ đó, bà liên tưởng đến người phụ nữ trong tình yêu. Như
vậy, sóng là một hình tượng nghệ thuật độc đáo, ẩn dụ cho vẻ đẹp tâm hồn người phụ nữ
trong tình yêu, qua đó, nhà thơ đã thể hiện tiếng lòng tha thiết, mãnh liệt và đầy khát khao
của người phụ nữ. Như chúng ta đã biết, tình yêu là một đề tài muôn thuở của thi ca, tuy
nhiên, viết về đề tài quen thuộc này, mỗi tác phẩm là một “phát minh về hình thức và khám
phá về nội dung” (L. Lê-ô-nốp). Có thể nói, “Sóng” không phải là trường hợp ngoại lệ.
- Sóng là hiện tượng muôn đời của đại dương bao la. Sóng sẽ đồng hành cùng đại dương,
cùng vũ trụ, cùng đất trời. Như vậy, sóng vĩnh hằng, trường tồn với dòng thời gian chảy trôi
bất tận. Sóng sẽ hát mãi khúc tình ca về tình yêu bất diệt, thủy chung của sóng và bờ. Sóng
“dữ dội và dịu êm”, “ồn ào và lặng lẽ” cũng giống như tâm hồn đầy phức tạp của người phụ
nữ trong tình yêu. Sóng “tìm ra tận bể” như người phụ nữ luôn luôn tìm kiếm sự thấu hiểu,
đồng điệu trong tình yêu. Sóng của “ngày xưa và ngày sau vẫn thế”, cũng giống như tình yêu
là chuyện muôn đời của lứa đôi, là “khát vọng’’ của trai gái xưa nay.
* Cảm nhận về đoạn thơ
- LĐ1: LÒNG CHUNG THỦY VÀ NIỀM TIN CỦA NGƯỜI PHỤ NỮ TRONG TÌNH
YÊU (Khổ 6, 7)
+ Chuyển ý và nêu luận điểm: Xuyên suốt bài thơ, Xuân Quỳnh đã có những khám phá,
phát hiện rất thú vị về sóng – trạng thái, không gian tồn tại, quy luật…. Nếu như ở khổ thơ
thứ 5, bà phát hiện ra sóng luôn luôn xao động, luôn thao thức thì sang khổ 6, 7 nhà thơ đã
phát hiện thêm đặc tính thứ hai của sóng, đó là luôn hướng về bờ và luôn đến bờ dầu phải
trải qua “muôn vời cách trở”. Qua đó, nhà thơ đã thể hiện lòng chung thủy và niềm tin của
người phụ nữ trong tình yêu (LUẬN ĐIỂM):
" Dẫu xuôi về phương bắc
Dẫu ngược về phương nam
Nơi nào em cũng nghĩ
Hướng về anh một phương.

Ở ngoài kia đại dương


Trăm ngàn con sóng đó
Con nào chẳng tới bờ
Dù muôn vời cách trở
+ Phân tích: Hình thức điệp cấu trúc kết hợp với những từ ngữ đối lập trong hai câu thơ
“Dẫu xuôi về phương bắc – Dẫu ngược về phương nam” đã vẽ lên trọn vẹn hình ảnh của một
người phụ nữ đang tất tả ngược xuôi. Và trong hành trình tất bật ấy, mọi tâm tư của “em”
đều “nghĩ”, đều “hướng về anh”. Căn cứ vào thực tế, miền bắc có địa hình phức tạp hơn
miền nam nên ra bắc sẽ khó khăn hơn vào nam. Vì thế, nhẽ ra trong hai câu thơ này tác giả
phải viết: “…ngược bắc …xuôi nam”. Tuy nhiên cách nói ngược này của nữ sĩ lại có ý nghĩa
sâu sắc. Qua cách nói ấy, nhà thơ đã khẳng định một cách mạnh mẽ lòng chung thủy của
người phụ nữ trong tình yêu. Qua cách nói đó, nhà thơ đã khẳng định: dẫu chân lí đảo ngược,
dẫu đất trời thay đổi, dẫu vật đổi sao dời thì tình cảm của “em” vẫn không thay đổi, vẫn
trước sau như một. Hơn nữa, vũ trụ có bốn phương tám hướng, nhưng với người phụ nữ, vũ
trụ chỉ có một phương duy nhất, đó là “phương anh”. Nói cách khác, trong vũ trụ mênh
mông, vô tận này, chiếc la bàn trong trái tim người phụ nữ luôn luôn chỉ về phương anh. Rõ
ràng, cách nói của Xuân Quỳnh tuy giản dị nhưng lại tinh tế và sâu sắc.
+ Phân tích: “Đại dương” là biển cả nhưng “đại dương” gợi lên sự vô cùng vô tận, gợi lên
sự cách trở nghìn trùng. Dẫu vậy, những con sóng trên đại dương ấy luôn luôn thực hiện
cuộc hành trình tìm về bến bờ quen thuộc. Cách nói “trăm ngàn” là ước lượng hoá, thực chất
là gợi lại quy luật của tự nhiên: sóng dù “dưới lòng sâu” hay “trên mặt nước”; là “dữ dội, ồn
ào” hay “dịu êm, lặng lẽ” thì vẫn đến bờ. Trong cuộc hành trình ấy, sóng đã vượt qua một
khoảng cách vời vợi với biết bao cách trở. Sóng đã vượt qua mọi phong ba bão táp; sóng đã
vượt qua không gian bao la của đại dương để tìm về với bờ. Vì thế, câu thơ “ Con nào chẳng
tới bờ” đã toát lên một niềm tin mãnh liệt vào sóng, vào tình yêu. Bà tin rằng: tình yêu đích
thực sẽ tạo nên sức mạnh để con người san bằng mọi trở ngại để đến với nhau.
+ Bình luận: Vâng, bằng niềm tin này, Xuân Quỳnh đã đứng dậy sau những đổ vỡ, đã vá lại
trái tim đầy tổn thương của chính mình để tiếp tục “Tự hát” với đời:
“Em trở về đúng nghĩa trái tim em
Là máu thịt đời thường ai chẳng có
Dẫu ngừng đập khi cuộc đời không còn nữa
Nhưng biết yêu anh cả khi chết đi rồi”
Niềm tin vào tình yêu chính là sức mạnh, là động lực để con người vượt qua những nắng nôi,
giông bão của cuộc đời. Vì thế, Xuân Quỳnh luôn hát lên những ca từ lạc quan về tình yêu
như thế:
“Tình ta như hàng cây
Đã qua mùa bão gió
Tình ta như dòng sông
Đã yên ngày thác lũ”
(“Thơ tình cuối mùa thu”)
Tất cả “đã qua”, “đã yên” như tình yêu của anh và em với “muôn vời cách trở” nhưng cuối
cùng vẫn trọn vẹn đường yêu.
- LĐ2: KHÁT VỌNG CỦA NGƯỜI PHỤ NỮ TRONG TÌNH YÊU (Còn lại)
+ Chuyển ý và nêu luận điểm: Vốn là một người phụ nữ đã có nhiều trải nghiệm về mất
mát, đổ vỡ nên trái tim Xuân Quỳnh luôn đầy những lo âu và dự cảm. Quả thật “trái tim thơ
Xuân Quỳnh là cánh chuồn báo bão cứ chao đi chao về, mệt nhoài giữa biến động và yên
định, bão tố và bình yên, …” (Chu Văn Sơn). Trước những lo âu, dự cảm, mỗi nhà thơ sẽ
chọn cách ứng xử khác nhau. Nếu Xuân Diệu sống cuống quýt, “vội vàng”, “giục giã”: “gấp
đi em, anh rất sợ ngày mai – đời trôi chảy, lòng ta không vĩnh viễn” thì Xuân Quỳnh bộc lộ
một khát vọng mãnh liệt – khát vọng được bất tử hoá tình yêu (LUẬN ĐIỂM):
Cuộc đời tuy dài thế
Năm tháng vẫn đi qua
Như biển kia dẫu rộng
Mây vẫn bay về xa

Làm sao được tan ra


Thành trăm con sóng nhỏ
Giữa biển lớn tình yêu
Để ngàn năm còn vỗ.”
+ Phân tích: “Cuộc đời” và “năm tháng”, “biển rộng” và “mây trời” và kiểu câu điều kiện
“tuy –vẫn; dẫu – vẫn” kết hợp các tính từ “dài – rộng – xa” gợi nên nỗi day dứt ám ảnh.
Cuộc đời tuy dài nhưng “năm tháng vẫn đi qua” nên dài hóa ngắn. Biển dẫu rộng nhưng vẫn
bị giới hạn bởi đôi bờ. Thời gian vô thuỷ vô chung nhưng đời người và tuổi trẻ lại hữu hạn.
Cuộc đời tưởng là dài, nhưng đặt trong dòng thời gian chảy trôi bất tận lại thành ra ngắn
ngủi. So với cái vô hạn tận của thời gian, nữ sĩ như thấy mình nhỏ bé, mong manh; giữa trời
biển bao la, đời người quả thật hữu hạn. Vì thế, Xuân Diệu từng cho rằng:
“Nói làm chi rằng xuân vẫn tuần hoàn
Nếu tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại”
(“Vội vàng”)
Với phụ nữ, điều ám ảnh nhất vẫn là sự tàn phai. Tàn phai tuổi trẻ. Tài phai nhan sắc. Và
theo đó là tàn phai tình yêu. Bởi thế, Hồ Xuân Hương mới than thở:
“Ngán nỗi xuân đi xuân lại lại”
(“Tự tình”)
Thế mới biết, hạnh phúc của người phụ nữ phụ thuộc rất nhiều vào sắc và tình yêu. Điều đó
chứng tỏ, tình yêu có sức mạnh vô biên nhưng cũng đầy mong manh bởi “lời yêu mỏng
mảnh như màu khói – Ai biết lòng anh có đổi thay” (“Hoa cỏ may”). Và cả chính hình ảnh
“mây vẫn bay về xa” kia trong câu thơ cuối cũng đầy những ám ảnh. Phải chăng vì biết trước
không có gì vĩnh viễn – “hôm nay yêu mai có thể xa rồi” (“Nói cùng anh”) nên nữ sĩ luôn dự
cảm về sự chia li? Chính sự nhạy cảm và day dứt của cái tôi Xuân Quỳnh trước thời gian và
kiếp người; giữa đổ vỡ và tin yêu đã làm cho hồn thơ này trở nên tha thiết mãnh liệt hơn.
+ Phân tích: Nhưng làm sao để vượt qua sự hữu hạn của kiếp người và sự mong manh, dễ
vỡ của tình yêu? Đây cũng là điều Xuân Quỳnh băn khoăn, trăn trở. Vì thế, trong khổ thơ
cuối cùng của bài thơ, nhà thơ đã bộc lộ ước vọng tha thiết đó. Câu hỏi tu từ “Làm sao…?”
đã thể hiện niềm mong mỏi, khát khao mãnh liệt của người phụ nữ. Tan” có nghĩa là hòa lẫn
vào nhau. Ở đây, “tan ra” không phải là mất đi mà “tan ra” là hi sinh, là dâng hiến cho tình
yêu, có như vậy, tình yêu mới có thể đồng hành cùng con người theo năm tháng, có như vậy
thì điều nữ sĩ khao khát: “Chỉ còn em và anh – Cùng tình yêu ở lại” (“Thơ tình cuối mùa
thu”) mới có thể thành hiện thực. “Tan ra” còn có nghĩa là hoá thân vào “trăm con sóng nhỏ”
để hoà mình vào “biển lớn tình yêu”. Sóng “ngày xưa và ngày sau vẫn thế”, tức là sóng bất
tử, vĩnh hằng. Vì thế, để vĩnh hằng hoá, bất tử hoá tình yêu; để vượt qua giới hạn mong
manh của đời người thì phải hóa thân vào sóng. Ở đây, Xuân Quỳnh đã đặt “biển lớn” –
không gian vô tận bên cạnh “ngàn năm” thời gian vô cùng. Khi hoà vào biển lớn tình yêu
của nhân loại thì tình yêu của cá nhân sẽ không còn cô đơn, không còn mong manh nữa.
+ Bình luận: Và nếu như đặt bài thơ vào hoàn cảnh những năm 1967 - 1968, khi sân ga, con
tàu diễn ra những “cuộc chia ly màu đỏ” – khi cả nước ào ào xông trận vì miền Nam ruột thịt
thì những tình yêu lứa đôi kia cũng phải gác lại cho tình yêu lớn lao hơn – tình yêu Tổ Quốc
thì suy cho cùng, đó cũng là dâng hiến và hi sinh, hi sinh tình yêu cá nhân cho tình yêu của
đất nước. Sự hiến dâng ấy cũng như tâm nguyện góp những “mùa xuân nho nhỏ” để làm nên
mùa xuân lớn của dân tộc; sự hoá thân thành trăm con sóng nhỏ cũng là hoá thân cho đất
nước khi “Tổ Quốc gọi tên mình”.
* Đánh giá về tư tưởng và nghệ thuật của đoạn thơ: “Thơ ca bắt rễ từ lòng người, nở hoa
nơi từ ngữ” (Ngạn ngữ Trung Hoa). Quả đúng như vậy, niềm khát khao hạnh phúc đã giúp
hồn thơ Xuân Quỳnh thật sự thăng hoa. Qua hình tượng sóng, bài thơ đã bộc lộ đầy đủ, trọn
vẹn vẻ đẹp tâm hồn người phụ nữ trong tình yêu. Đó là vẻ đẹp vừa mang tính truyền thống
vừa hiện đại. Tất cả những điều đó được thể hiện bằng thể thơ năm chữ, ngắt nhịp linh hoạt,
bằng ngôn ngữ giản dị, bằng kết cấu sóng đôi với hai hình tượng “sóng” và “em”…
c. Kết bài (1 đoạn)
- Đoạn thơ đã thể hiện cụ thể, sinh động lòng chung thủy, niềm tin và niềm khao khát của
người phụ nữ trong tình yêu. Qua đó, ta hiểu rõ hơn tiếng lòng đầy khao khát tình yêu và
hạnh phúc của nữ sĩ.
- Đoạn thơ nói riêng và bài thơ nói chung đã thể hiện rõ nét phong cách thơ của Xuân
Quỳnh: đầy lo âu, trăn trở và luôn khát khao hạnh phúc, bình dị đời thường.

You might also like