You are on page 1of 11

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

TRƯỜNG ĐẠI HỌC SÀI GÒN


-oOo-

BÀI TIỂU LUẬN


Học phần: Quản lí hành chính Nhà nước và quản lí
ngành Giáo dục và Đào tạo (trường Trung học)
Mã học phần: 863412

Sinh viên thực hiện: Lê Ngọc Thanh Ngân


Mã số sinh viên: 3119210012
Giảng viên hướng dẫn: Th.S Hoàng Mạnh Khương
Mã nhóm thi (phòng thi): 3005
Ngày thi: 22/09/2021
Giờ thi: 13 giờ

Thành phố Hồ Chí Minh, tháng 8 năm 2021


MỤC LỤC
I. Mở đầu:.........................................................................................................2
II. Nội dung:.....................................................................................................2
1. Nhiệm vụ của giáo viên:..........................................................................2
2. Quyền của giáo viên:...............................................................................4
3. Hành vi ứng xử, trang phục:....................................................................6
4. Kết luận sư phạm cho bản thân:..............................................................9
III. Kết luận:....................................................................................................9
Tài liệu tham khảo:.......................................................................................10

Đề tài tiểu luận:


Cố Thủ tướng Phạm Văn đồng nói: “Nói đến chất lượng giáo dục là
phải nói đến đội ngũ giáo viên. Chất lượng toàn bộ sự nghiệp giáo dục của
chúng ta chủ yếu dựa vào đội ngũ giáo viên”. Qua ý kiến trên, Anh/Chị nhận
thấy cần quan tâm đến những nội dung nào trong các quy định tại Điều lệ
trường trung học phổ thông 2020 đối với người giáo viên? Từ đó, rút ra kết
luận sư phạm cho bản thân.

1
I. Mở đầu:
Trong nhiều năm qua, các nhà nghiên cứu và các nhà giáo dục đều chỉ
ra rằng nhà giáo chính là yếu tố có tính quyết định đến chất lượng và hiệu quả
giáo dục. Người thầy luôn phải là một chuẩn mực đạo đức để xã hội noi theo,
là “kiến trúc sư trí tuệ” tạo ra thế hệ tương lai cho đất nước. Cố Thủ tướng
Phạm Văn đồng đã nói: “Nói đến chất lượng giáo dục là phải nói đến đội
ngũ giáo viên. Chất lượng toàn bộ sự nghiệp giáo dục của chúng ta chủ
yếu dựa vào đội ngũ giáo viên”. Qua ý kiến của Cố Thủ tướng Phạm Văn
Đồng cho thấy người giáo viên phổ thông có những nhiệm vụ, quyền và hành
vi ứng xử, trang phục mẫu mực, có tính lan tỏa, có ý nghĩa quan trọng ảnh
hưởng to lớn đối với sự phát triển của nhà trường và của sự nghiệp giáo dục.
II. Nội dung:
Để chương trình giáo dục phổ thông mới được triển khai thực hiện
thành công thì người giáo viên có vai trò quan trọng và được quy định trong
Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ
thông có nhiều cấp học được ban hành theo Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT
ngày 15/09/2020 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cụ thể như sau:
1. Nhiệm vụ của giáo viên:
- Thực hiện nhiệm vụ tổ chức các hoạt động dạy học, giáo dục theo kế hoạch
giáo dục của nhà trường và kế hoạch giáo dục của tổ chuyên môn; quản lý
học sinh trong các hoạt động giáo dục do nhà trường tổ chức; tham gia các
hoạt động chuyên môn; chịu trách nhiệm về chất lượng, hiệu quả giáo dục.
Ví dụ: Trong nhà trường, giáo viên sẽ được phân công sắp xếp thời khóa biểu
cho các tiết giảng dạy trên lớp. Trước khi dạy học, giáo viên phải có sự chuẩn
bị bằng việc soạn giáo án trước ở nhà cho 1 tiết lên lớp. Giáo viên không chỉ
làm nhiệm vụ truyền đạt kiến thức cho học sinh mà còn tham gia tổ chức quản
lí lớp học, điểm danh học sinh trong tiết của mình. Ngoài ra giáo viên còn
phải họp tổ chuyên môn, họp với ban giám hiệu về các hoạt động dạy học và
giáo dục học sinh.

2
- Trau dồi đạo đức, nâng cao tinh thần trách nhiệm, giữ gìn phẩm chất, danh
dự, uy tín của nhà giáo; gương mẫu trước học sinh; bảo vệ quyền và lợi ích
chính đáng của học sinh; đoàn kết, giúp đỡ đồng nghiệp.
Ví dụ: Giáo viên phải ý thức được giá trị nghề nghiệp của mình, không ngừng
phấn đấu, hoàn thiện bản thân như tham gia học các lớp về bồi dưỡng tâm
sinh lý của học sinh. Giáo viên ngoài giờ dạy trên lớp có thể tranh thủ từng
giờ rảnh để đến với lớp, nắm bắt tình hình học tập, tâm sinh lý của các em,
nắm chắc hoàn cảnh của từng em và tạo được niềm tin cho trò để là chỗ dựa
về tinh thần khi các em gặp phải khó khăn trong cuộc sống. 
- Học tập, rèn luyện để nâng cao sức khỏe, trình độ chính trị, chuyên môn,
nghiệp vụ, đổi mới phương pháp dạy học, giáo dục.
Ví dụ: Hàng năm, giáo viên sẽ được nhà trưởng cử đi học chính trị trong một
vài ngày để nâng cao nhận thức chính trị, vận dụng vào thực tiễn công tác
nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả trong quản lý giáo dục và công tác giảng
dạy năm học. Ngoài ra, giáo viên còn phải tham gia học các chứng chỉ bồi
dưỡng chức danh nghề nghiệp để thăng hạng giáo viên như giáo viên hạng 2,
hạng 1 để nâng cao trình độ chuyên môn, khả năng giảng dạy của mình.
- Tham gia tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ.
Ví dụ: Đối với chương trình trung học phổ thông năm 2018 ở cấp THCS đã
có sự tích hợp 3 môn Vật lí, Hóa học và Sinh học thành môn Khoa học tự
nhiên; tích hợp 2 môn Lịch sử, Địa lý thành môn Khoa học xã hội. Vì thế các
giáo viên dạy chỉ dạy 1 trong các môn khoa học tự nhiên hoặc khoa học xã
hội phải thực hiện công tác bồi dưỡng, học thêm kiến thức các nội dung còn
lại thì mới giảng dạy được bộ môn này. Ngoài ra đối với các môn học khác,
việc thay đổi sách giáo khoa cũng yêu cầu các giáo viên phải thay đổi phương
pháp giảng dạy, hình thức kiểm tra, đánh giá học sinh.
- Tham gia công tác phổ cập giáo dục trung học cơ sở ở địa phương.
Ví dụ: Hàng năm, giáo viên các trường sẽ được cử đi công tác tại các địa
phương ở miền núi thể thực hiện phổ cập giáo dục cho các em học sinh, tạo
điều kiện cho các em đều được học tập cũng như tuyên truyền trên các

3
phương tiện thông tin đại chúng về tầm quan trọng của công tác phổ cập giáo
dục, xóa mù chữ với sự phát triển của cá nhân, gia đình và cộng đồng.
- Thực hiện nghĩa vụ công dân, các quy định của pháp luật và của ngành
Giáo dục, các quyết định của hiệu trưởng; thực hiện nhiệm vụ do hiệu trưởng
phân công, chịu sự kiểm tra đánh giá của hiệu trưởng và các cấp quản lý giáo
dục.
Ví dụ: Giáo viên sẽ thực hiện đầy đủ việc giảng dạy, quản lí học sinh, thực
hiện các công tác coi thi, chấm thi, ra đề thi, dự các buổi họp với ban giám
hiệu về các vấn đề về quản lí trường lớp theo sự phân công của hiệu trưởng.
- Phối hợp với Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, Đoàn Thanh niên
Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, gia đình học
sinh và các tổ chức xã hội liên quan để tổ chức hoạt động giáo dục.
Ví dụ: Trong việc giáo dục ở nhà trường, giáo viên cũng đã phối hợp với
Đoàn thanh niên như thực hiện tổ chức các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên
lớp, phát động cuộc thi, các phong trào như phong trào văn nghệ, thể dục thể
thao, chủ nhiệm các câu lạc bộ hoặc tổ chức cho học sinh các buổi tham quan.
Ngoài ra giáo viên còn phối hợp với các tổ chức khác mở các buổi tọa đàm về
vấn đề pháp luật, an toàn giao thông để nâng cao ý thức của học sinh. Vào
cuối học kì, giáo viên cũng sẽ tổ chức họp phụ huynh để thông báo kết quả
học tập, rèn luyện của học sinh cũng như các vấn đề liên quan đến trường lớp
để phụ huynh biết được tình hình học tập của con em mình.
- Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật.
Ví dụ: Giáo viên phải tuân theo pháp luật, chấp hành pháp luật, là tấm gương
để học sinh noi theo. Nếu là giáo viên chủ nhiệm thì giáo viên còn phải quan
tâm đến tâm sinh lý của học sinh, phải chủ động tìm hiểu hoàn cảnh gia đình
của từng em, nêu gương những học sinh có phương pháp học tập tốt. Ngoài
ra giáo viên chủ nhiệm trở thành cố vấn về phương pháp công tác cho ban cán
sự lớp, cần phát huy vai trò tự quản và tinh thần sáng tạo của các em.
2. Quyền của giáo viên:
Giáo viên có những quyền sau đây:

4
- Được tự chủ thực hiện nhiệm vụ chuyên môn với sự phân công, hỗ trợ của tổ
chuyên môn và nhà trường.
Ví dụ: Giáo viên sẽ được tự chủ trong việc ra đề kiểm tra 15 phút, 1 tiết, kiểm
tra đầu giờ học sinh, được lựa chọn phương pháp dạy học riêng của mình đối
với từng học sinh cụ thể. Hoặc trong lớp giáo viên có thể tự chủ trong việc tổ
chức thi đua giữa các tổ, ghi lại số lần phát biểu của các học sinh, tổ chức học
sinh làm việc nhóm để hỗ trợ nhau trong học tập.
- Được hưởng lương, chế độ phụ cấp, chính sách ưu đãi (nếu có) theo quy
định; được thay đổi chức danh nghề nghiệp; được hưởng các quyền lợi về vật
chất, tinh thần theo quy định.
Ví dụ: Hiện nay đã có những chính sách ưu đãi cho giáo viên trong việc vay
vốn, mua nhà…Ngoài ra lương của giáo viên được tính thêm các khoản phụ
cấp thâm niên, phụ cấp ưu đãi.
- Được tạo điều kiện học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ chính trị, chuyên
môn, nghiệp vụ, được hưởng nguyên lương, phụ cấp theo lương và các chế độ
chính sách khác theo quy định khi được cấp có thẩm quyền cử đi học tập, bồi
dưỡng.
Ví dụ: Một số giáo viên sẽ được cử đi công tác, dự giờ, được bồi dưỡng giảng
dạy hoặc được trường tài trợ đi học thêm các lớp về phương pháp giảng dạy
tích cực để có thể hướng dẫn lại cho giáo viên ở trường đang công tác, từ đó
góp phần nâng cao chất lượng giáo dục tại địa phương và vẫn được hưởng
lương, phụ cấp đầy đủ tại nhà trường.
- Được hợp đồng thỉnh giảng, nghiên cứu khoa học tại các trường, cơ sở giáo
dục khác hoặc cơ sở nghiên cứu khoa học với điều kiện bảo đảm hoàn thành
nhiệm vụ nơi mình công tác và được sự đồng ý của hiệu trưởng bằng văn bản.
Ví dụ: Giáo viên sẽ thực hiện các hoạt động nghiên cứu khoa học, đi nghiên
cứu các cơ sở thực tế hoặc làm nghiên cứu sinh, học cao học để tìm ra những
phương pháp dạy học mới, ứng dụng những kiến thức phổ thông vào thực
tiễn.
- Được tôn trọng, bảo vệ nhân phẩm, danh dự và thân thể.

5
Ví dụ: Một số vụ việc đau lòng đã xảy ra đối với một số giáo viên như bị phụ
huynh bắt quỳ, bị học sinh siết cổ, bị bạo hành cả về thể xác và tinh thần trên
bục giảng, khiến cho dư luận sục sôi khi nghĩ về nghề giáo viên. Trong khi đó
phụ huynh, học sinh, những người lẽ ra phải biết ơn công dạy dỗ của thầy, cô
giáo chứ không được có những hành vi hành hung, hạ nhục như thế.
- Được nghỉ hè và các ngày nghỉ khác theo quy định của pháp luật.
Ví dụ: Điều này được quy định trong Luật Giáo dục. Giáo viên mầm non,
giáo dục phổ thông, trường chuyên biệt được nghỉ hè 8 tuần, bao gồm cả nghỉ
phép hàng năm. Với giáo viên trường trung cấp và giảng viên trường cao
đẳng, thời gian nghỉ hè là 6 tuần, bao gồm cả nghỉ phép. Ngoài thời gian nghỉ
hè và nghỉ phép, giáo viên được nghỉ các ngày lễ, Tết theo quy định của Bộ
luật Lao động.
- Các quyền khác theo quy định của pháp luật.
Ví dụ: Khi dạy học, giáo viên cũng được phép sáng tạo, linh hoạt sử dụng đồ
dùng dạy học tự làm, ứng dụng công nghệ thông tin vào việc giảng dạy.
3. Hành vi ứng xử, trang phục:
a. Giáo viên không được làm những điều sau đây:
- Xúc phạm danh dự, nhân phẩm; xâm phạm thân thể của học sinh và đồng
nghiệp.
Ví dụ: Thời gian qua liên tục xảy ra các vụ việc tiêu cực trong ngành giáo dục
về sự xuất hiện hàng loạt vụ việc giáo viên có những hành vi vi phạm đạo đức
nhà giáo như cô giáo “cho phép’ học sinh tát bạn, bắt học sinh quỳ, “dạy” học
sinh bằng roi, thầy giáo xâm hại tình dục học sinh,… Do đó cần phải nhận
thức về những vụ việc giáo viên vi phạm đạo đức vừa qua là bài học sâu sắc
đối với ngành để mỗi giáo viên, từ đó có ý thức, trách nhiệm thực hiện tốt các
quy định về đạo đức nhà giáo.
- Gian lận trong kiểm tra, thi, tuyển sinh; gian lận trong kiểm tra, đánh giá
kết quả học tập, rèn luyện của học sinh; bỏ giờ, bỏ buổi dạy, tùy tiện cắt xén
nội dung dạy học, giáo dục.

6
Ví dụ: Vụ việc gian lận, chỉnh sửa điểm thi THPT quốc gia vào năm 2018 đã
làm chấn động dư luận. Hay các vụ việc giáo viên cho học sinh được phép
xem tài liệu trong giờ kiểm tra, nâng điểm kiểm tra cho học sinh khi học sinh
hay phụ huynh yêu cầu.
- Xuyên tạc nội dung dạy học, giáo dục; dạy sai nội dung kiến thức, sai với
quan điểm, đường lối giáo dục của Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước
Việt Nam.
Ví dụ: Trong quá trình giảng dạy các bộ môn liên quan đến lịch sử Việt Nam,
một số giáo viên đã truyền đạt những nội dung mang tính chất xuyên tạc chủ
trương của Đảng, vi phạm quan điểm nội dung giáo dục hoặc sử dụng mạng
xã hội để cập nhật, truyền bá trang web phản động, nội dung kích động,
chống chính quyền, phá hoại tư tưởng, Nhà nước, nội dung phản giáo dục.
- Ép buộc học sinh học thêm để thu tiền; lợi dụng việc tài trợ, ủng hộ cho giáo
dục để ép buộc đóng góp tiền hoặc hiện vật.
Ví dụ: Giáo viên sẽ lợi dụng học sinh đi học thêm bằng cách dạy những bài
tập, những câu hỏi nâng cao mà không được dạy trong giờ học chính khóa ở
trên trường. Ở lớp, sau những tiết lý thuyết thường đến phần kiểm tra 15 phút,
1 tiết mà đề kiểm tra là do chính giáo viên tự ra. Đối với bài kiểm tra học kì,
những giáo viên dạy thêm, họ thường trao đổi với nhau về những kiến thức ra
trong đề của mình để cùng ôn cho học sinh lớp mình dạy, bởi thế, dù chuyên
môn trường có lựa chọn đề của thầy cô nào cũng đều trúng tủ. Học sinh đi
học thêm, được những thầy cô này cho làm đi làm lại đến vài lần, học sinh đôi
khi chỉ việc thay số bởi những đề này các em đã được làm từ trước.
- Hút thuốc lá, uống rượu, bia và sử dụng các chất kích thích khác khi đang
tham gia các hoạt động dạy học, giáo dục.
Ví dụ: Giáo viên là hình mẫu để học sinh noi gương theo, vì thế trong lúc
đứng lớp hay đang tham gia các hoạt động giáo dục thì không được phép hút
thuốc, uống rượu bia, chất kích thích, tổ chức đánh bạc là những điều cấm
giáo viên không được làm.

7
- Cản trở, gây khó khăn trong việc hỗ trợ, phục vụ công tác dạy học, giáo dục
học sinh và các công việc khác.
Ví dụ: Nếu như giữa các giáo viên có sự bêu xấu, nói xấu nhau. Nếu chỉ là
những câu chuyện vui chen ngang tiết học căng thẳng là điều cần thiết để các
em lấy lại tinh thần học và có hứng thú với môn học nhưng nếu đi quá xa,
mang những chuyện bất bình với đồng nghiệp để kẻ trước lớp vừa làm xấu
hình ảnh của người thầy, vừa dễ gây ra sự bất hòa. Ngoài ra còn một số vụ
việc liên quan đến việc giáo viên sử dụng điện thoại di động trong khi lên lớp,
trong các cuộc họp làm cản trở các hoạt động dạy học và giáo dục.
b. Ngôn ngữ, ứng xử của giáo viên phải bảo đảm tính sư phạm, đúng mực, có
tác dụng giáo dục đối với học sinh.
Ví dụ: Một số giáo viên có cách xưng hô đối với học sinh như “mày - tao”
thay vì “thầy/cô - em”, điều này là không phù hợp trong môi trường giáo dục.
Ngoài ra giáo viên không được quát mắng, chửi bới học sinh và có thái độ
thiên vị, phân biệt đối xử, thành kiến người học, không tiếp tay, bao che cho
những hành vi tiêu cực trong giảng dạy, học tập như cho phép học sinh coi tài
liệu, quay cóp, sử dụng điện thoại di động trong giờ học để làm việc riêng.
c. Trang phục của giáo viên phải chỉnh tề, phù hợp với hoạt động sư phạm,
theo quy định của Chính phủ về trang phục của viên chức Nhà nước.
Ví dụ: Theo quy định của một số trường, đối với giáo viên nữ phải mặc áo
dài trong những tiết chính khóa. Còn đối với những giờ tăng tiết trái buổi,
giáo viên phải mặc trang phục lịch sự, kín đáo, đúng tác phong sư phạm. Đối
với giáo viên nam khi đứng lớp phải mặc trang phục lịch sự áo sơ mi, quần
tây, áo nên bỏ trong quần và có đeo thắt lưng.
d. Giáo viên không được vi phạm những hành vi bị nghiêm cấm khác theo quy
định của pháp luật.
Ví dụ: Giáo viên không được xâm phạm thân thể, xúc phạm danh dự, nhân
phẩm của người học, đồng nghiệp. Giáo viên không được tổ chức, tham gia
các hoạt động liên quan đến tệ nạn xã hội như: cờ bạc, mại dâm, ma túy, mê
tín, dị đoan; không sử dụng, lưu giữ, truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy, độc

8
hại. Giáo viên cũng không được gian lận, thiếu trung thực trong học tập,
nghiên cứu khoa học và thực hiện nhiệm vụ giảng dạy, giáo dục.
4. Kết luận sư phạm cho bản thân:
Với tư cách là người giáo viên trong tương lai, chúng ta cần:
- Biết lắng nghe các lời khuyên thực tế.
- Làm quen với truyền thống của nhà trường, những nét đặc trưng về công tác
giảng dạy, học tập, giáo dục đạo đức.
- Chủ động tìm hiểu về nhà trường, lớp học, phòng học, các trang thiết bị, các
cơ sở vật chất khác của nhà trường.
- Cần học hỏi về những phương pháp, phương thức thành công trong giảng
dạy của một số giáo viên bộ môn, giáo viên chủ nhiệm có kinh nghiệm của
trường.
- Học hỏi kinh nghiệm về cách thức soạn bài, ghi sổ nhật ký, sổ điểm và ghi
chép các tài liệu cần thiết phục vụ công tác giảng dạy và học tập, đặc biệt là
khâu chuẩn bị cho bài giảng, tổ chức quá trình học tập cho học sinh và các
hoạt động khác (tiến hành giờ sinh hoạt lớp, tổ chức trực nhật, phân công
trách nhiệm cho học sinh v.v…).
- Cần nhận thức được những việc nên làm, việc nên tránh. Thành công của
giáo viên trẻ, ngoài khả năng giảng dạy và công tác giáo dục khác còn thường
phụ thuộc vào những việc nhỏ như: quần áo, giọng nói, nét mặt, phong
cách… nếu như không phù hợp với môi trường sư phạm sẽ dẫn tới có những
lời nhận xét, bình phẩm không có lợi.
III. Kết luận:
Các thầy, cô giáo phải thực sự là tấm gương sáng về đạo đức để người
học noi theo. Mỗi nhà giáo phải luôn rèn luyện đạo đức nghề nghiệp để xứng
đáng với sự tôn vinh và niềm tin yêu của xã hội. Điều đó đặt ra cho mỗi nhà
giáo, phải không ngừng nâng cao bản lĩnh chính trị, trau dồi đạo đức cách
mạng; tác phong chính quy mẫu mực của người thầy giáo; xây dựng động cơ
đúng, trách nhiệm cao, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được
giao. Và khẳng định được vị thế của người thầy trong sự nghiệp trồng người.

9
Tài liệu tham khảo:
Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ
thông có nhiều cấp học (Ban hành kèm theo thông tư số 32/2020/TT -
BGDĐT, ngày 15/09/2020 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo)

10

You might also like