You are on page 1of 6

2.2.

Thực trạng xuất khẩu cà phê của VN

Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhiều vùng cà phê trên thế giới đang tạm
thời sụt giảm về sản lượng xuất khẩu. Tuy nhiên, đối với cà phê Việt Nam đang có tín
hiệu vui, đó là giá trị sản phẩm cà phê chế biến tăng do thế giới thiếu đi nguồn cung.
Để đáp ứng nhu cầu thị trường thế giới, việc thay đổi, điều chỉnh phương thức sản
xuất, nâng cao chất lượng vùng nguyên liệu...đang là hướng đi được nhiều công ty,
doanh nghiệp và người nông dân lựa chọn để tiếp tục nâng cao giá trị sản phẩm....

Bộ Công Thương cũng dự báo năm 2022, xuất khẩu cà phê  của Việt Nam sang
EU sẽ khởi sắc trở lại. Hiệp định EVFTA sẽ giúp ngành hàng cà phê Việt Nam tạo
lợi thế cạnh tranh tại EU. Tình trạng thiếu container vận chuyển và vấn đề chi phí
logicstics năm 2022 nhiều khả năng sẽ không căng thẳng như năm 2021, tạo điều
kiện thuận lợi cho hoạt động thông quan hàng hóa.
Trong khi đó, dung lượng thị trường nhập khẩu cà phê của EU rất lớn, Việt Nam
còn nhiều dư địa đẩy mạnh xuất khẩu trong năm 2022, nhờ lợi thế về thuế suất
thuế xuất khẩu và nguồn cung cà phê chất lượng cao gia tăng.

Việt Nam và Brazil đều có Hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu.
Do đó, cả hai nước đều được hưởng lợi về thuế suất thuế xuất khẩu cà phê vào EU.
Mỗi một quốc gia cung cấp đóng vai trò khác nhau, nhằm vào một số phân khúc
nhất định của ngành cà phê EU. Brazil là một nhà cung cấp lớn của cả hai chủng
loại Robusta và Arabica, với 71% là Arabica. Trong khi đó, Việt Nam tập trung
sản xuất và xuất khẩu cà phê Robusta.

Hiện, nhu cầu của thị trường EU đối với các loại cà phê chế biến và cà phê chất
lượng cao đang trong xu hướng tăng lên. Do đó, tiềm năng xuất khẩu cà phê sang
EU rất lớn, nếu khai thác tốt nhu cầu thị trường và đáp ứng yêu cầu chất lượng sản
phẩm.

Tuy vậy, Bộ Công Thương cho biết, ngành cà phê Việt Nam cũng đối mặt với
những khó khăn. Những ngày gần đây, thị trường cà phê trong nước bắt đầu sôi
động nhưng không được như những năm trước do sản lượng thu mua ở mức thấp
do thu hoạch chậm (đạt khoảng 80% sản lượng vụ mới). Điều này tác động tới việc
tận dụng cơ hội xuất khẩu. 
2.2.1.Những thành tựu đạt được và nguyên nhân của nó

2.2.1.1.Những thành tựu đạt được

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, xuất khẩu cà phê của Việt
Nam tháng 12/2021 đạt 130 nghìn tấn, trị giá 305 triệu USD, tăng 21% về lượng và
tăng 26,2% về trị giá so với tháng 11/2021, so với tháng 12/2020 giảm 6,5% về
lượng, nhưng tăng 20,3% về trị giá. Tính chung cả năm 2021, xuất khẩu cà phê của
Việt Nam đạt 1,52 triệu tấn, trị giá xấp xỉ 3 tỷ USD, giảm 2,7% về lượng, nhưng
tăng 9,4% về trị giá so năm 2020.
Theo ước tính, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam đạt mức 2.344
USD/tấn – mức cao nhất kể từ tháng 6/2017, tăng 4,3% so với tháng 11/2021 và
tăng 28,7% so với tháng 12/2020. Tính chung cả năm 2021, giá xuất khẩu bình
quân cà phê của Việt Nam ước đạt mức 1.969 USD/tấn, tăng 12,4% so với năm
2020.
Năm 2021, chủng loại cà phê xuất khẩu của Việt Nam tập trung chủ yếu là cà
phê Robusta. Trong 11 tháng năm 2021, xuất khẩu cà phê Robusta đạt 1,218 triệu
tấn, trị giá 2,02 tỷ USD, giảm 1,4% về lượng, nhưng tăng 9,5% về trị giá so với
cùng kỳ năm 2020.
Trong đó, lượng cà phê Robusta xuất khẩu sang nhiều thị trường chính giảm,
như: Đức giảm 1,4%; Ý giảm 11,2%; Hoa Kỳ giảm 0,6%, Tây Ban Nha giảm
37,8%; An-giê-ri giảm 12,2%. Ngược lại, lượng cà phê Robusta xuất khẩu sang
Nga tăng 15,1%; Trung Quốc tăng 61,1%

2.2.1.2.Nguyên nhân của những thành tựu

Giãn cách xã hội được nới lỏng, hoạt động thông quan thuận lợi hơn, nhu cầu
thế giới tăng là những yếu tố giúp xuất khẩu cà phê của Việt Nam phục hồi cuối
năm 2021
Diễn biến phức tạp của dịch bệnh khiến nguồn cung hạn chế từ các nước sản xuất
lớn như Colombia và một số nước khu vực Nam Mỹ. Bên cạnh đó, tình trạng tắc
nghẽn tại các cảng quốc tế được dự đoán có thể còn kéo dài. Điều này về lâu dài có
thể giúp thay đổi khẩu vị người tiêu dùng và quen hơn với việc uống cà phê Robusta
rang xay và sẽ giúp cho cà phê Robusta của Việt Nam xuất khẩu thuận lợi hơn
2.2.2.Những hạn chế, tồn tại và nguyên nhân của nó

2.2.2.1.Những hạn chế, tồn tại.

-Đứt gãy chuỗi sản xuất, chế biến

Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp dịch vụ Công Bằng Ea Tu, xã Ea Tu, TP Buôn
Ma Thuột (Đắk Lắk) có hơn 60 ha cà-phê với sản lượng thu hoạch và tiêu thụ hằng
năm khoảng 200 tấn cà-phê nhân. Mặc dù đang bước vào thu hoạch cà-phê niên vụ
2021-2022 nhưng HTX vẫn còn tồn kho 45 tấn cà-phê nhân. Giám đốc HTX Trần
Đình Trọng cho biết: Những năm trước đây, ngoài việc tiêu thụ sản lượng cà-phê
của các thành viên, HTX còn thu mua gần 1.000 tấn sản xuất hữu cơ chất lượng
cao của đồng bào dân tộc ít người trong xã để bán cho các doanh nghiệp xuất khẩu.
Nhưng năm nay, HTX phải ngừng thu mua vì không bán được hàng. Còn các
doanh nghiệp cà-phê cũng hạn chế xuất khẩu do cước phí thuê công-ten-nơ, vận
chuyển bằng tàu biển đều tăng cao.

Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Đắk Lắk Huỳnh Ngọc Dương cho biết:
Những tháng gần đây, do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên địa bàn cũng như
ở các tỉnh phía nam khiến hoạt động thu mua, chế biến, xuất khẩu cà-phê gặp nhiều
khó khăn. Nguyên nhân là do các địa phương siết chặt các biện pháp phòng, chống
dịch cho nên ảnh hưởng đến thu gom cà-phê trong dân của các doanh nghiệp. Mặt
khác, do thiếu công-ten-nơ, không lấy được lịch tàu để vận chuyển cà-phê khiến
các hợp đồng xuất khẩu bị chậm, hàng hóa tồn kho. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp
bán hàng cà-phê trên sàn giao dịch thương mại điện tử, nhưng không giao được
hàng do khó khăn trong vận chuyển. Do đó, trong chín tháng đầu năm 2021, Đắk
Lắk chỉ xuất khẩu được 150 nghìn tấn cà-phê nhân, giảm 13,3% so với cùng kỳ
năm 2020 và đạt 65,2% kế hoạch năm. Hiện nay, mặt hàng cà-phê ở tỉnh chủ yếu
xuất khẩu thô, trong khi các nhà máy chế biến ít cho nên chưa nâng cao được chất
lượng và giá trị của ngành hàng chủ lực này.

Chủ tịch Hiệp hội Cà-phê Buôn Ma Thuột Trịnh Đức Minh cho biết: "Bình
quân mỗi năm các doanh nghiệp thành viên của hiệp hội xuất khẩu khoảng 200
nghìn tấn cà-phê nhân. Tuy nhiên, năm nay dịch Covid-19 làm cho hoạt động thu
mua, xuất khẩu bị ảnh hưởng cho nên chỉ những doanh nghiệp có tiềm lực lớn mới
thích ứng và duy trì hoạt động tốt. Còn các doanh nghiệp vừa và nhỏ đều lâm vào
hoàn cảnh khó khăn, nguồn hàng cà-phê tồn đọng lớn khiến một số doanh nghiệp
nguy cơ phá sản".

-Thiếu nhân lực thu hoạch

Hiện nay, tỉnh Đắk Lắk, có 209.700 ha cà-phê, trong đó có khoảng 190 nghìn
ha đang trong thời kỳ kinh doanh, với sản lượng năm nay dự kiến đạt 557 nghìn
tấn cà-phê nhân. Phó Chi cục trưởng Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đắk Lắk
Nguyễn Khắc Hiển cho biết: "Với khoảng 190 nghìn ha cà-phê đang trong thời kỳ
kinh doanh, hằng năm có hàng nghìn lao động theo mùa vụ ngoài tỉnh về Đắk Lắk
giúp người dân thu hoạch. Năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc đi lại
giữa các tỉnh gặp nhiều khó khăn cho nên trên địa bàn thiếu nghiêm trọng nhân
công thu hái cà-phê. Gia đình ông Y Nghen Niê, buôn Pốc A, thị trấn Ea Pốk,
huyện Cư M’gar (Đắk Lắk) trồng 2,5 ha cà-phê đang trong thời kỳ kinh doanh.
Mặc dù, đang bước vào thu hoạch cà-phê niên vụ 2021 - 2022 và giá tăng lên 41
nghìn đồng/kg, cao hơn 10 nghìn đồng so với đầu năm nhưng theo ông Y Nghen
Niê, dù giá tăng khoảng 30% vẫn không có lãi do năm nay giá vật tư đầu vào đều
tăng cao. Hơn nữa, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 cho nên thiếu lao động thu hái
cà-phê. "Vào thời điểm này những năm trước đây, rất đông người dân từ các tỉnh
miền trung đến Tây Nguyên phụ giúp thu hoạch cà-phê. Còn năm nay, do dịch
bệnh không thuê được lao động, người trồng cà-phê chúng tôi chưa biết phải xoay
xở thế nào", ông Y Nghen Niê lo lắng nói.

Để giải quyết việc thiếu nguồn nhân công, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn tham mưu UBND tỉnh Đắk Lắk chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố xây dựng
các phương án cụ thể thu hoạch cà-phê trong điều kiện dịch được kiểm soát hoặc
dịch diễn biến phức tạp. Rà soát lại lực lượng lao động tại địa phương để cân đối
nguồn lao động vừa bảo đảm thu hoạch vừa phòng, chống dịch, ưu tiên sử dụng lao
động tại chỗ theo hình thức đổi công cho nhau. Đồng thời, tận dụng lực lượng lao
động từ các tỉnh phía nam trở về địa phương đã hoàn thành thời gian cách ly, xét
nghiệm âm tính tham gia thu hoạch cà-phê; phối hợp các tỉnh không xảy ra dịch để
cung ứng nguồn lao động cho địa phương. Trong trường hợp thiếu nhân công thì
đề xuất UBND tỉnh huy động lực lượng quân đội tham gia thu hoạch cà-phê cho
nhân dân...

Về lâu dài, Cục Trồng trọt cho rằng, các địa phương trồng cà-phê cần nghiên
cứu và đưa vào sản xuất những giống có năng suất cao, chất lượng tốt, giống đặc
sản và có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu; đẩy mạnh tái canh cà-phê bằng
các giống mới với độ đồng đều cao để nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả
kinh tế; trồng xen các cây trồng như hồ tiêu, bơ, sầu

riêng... trong vườn cà-phê để nâng cao hiệu quả sử dụng đất, hiệu quả kinh tế và
giảm nguy cơ khi có rủi ro; đẩy mạnh canh tác theo GAP, thu hái cà-phê khi đã
chín nhằm bảo đảm năng suất, chất lượng; thực hiện tốt việc liên kết sản xuất, từng
bước thúc đẩy sản xuất, chế biến cà-phê đặc sản góp phần nâng cao giá trị; tổ chức
quảng bá, đẩy mạnh việc tiêu thụ sản phẩm qua các sàn giao dịch điện tử.

2.2.2.2. Nguyên nhân của những hạn chế, tồn tại

Dịch Covid-19 bùng phát thời gian qua gây đứt gãy chuỗi sản xuất, thu mua,
chế biến và xuất khẩu cà-phê ở nhiều địa phương, nhất là vùng Tây Nguyên. Hiện
nay, giá cà-phê đang có chiều hướng tăng nhưng do ảnh hưởng của dịch, thiếu
nhân công thu hoạch, chi phí sản xuất tăng... khiến cả người trồng và doanh nghiệp
đều gặp rất nhiều khó khăn khi bước vào niên vụ mới.

Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Nguyễn
Như Cường cho biết, hiện nay cả nước có khoảng 695 nghìn ha trồng cà-phê, sản
lượng hơn 1,7 triệu tấn/năm. Trong đó, khu vực Tây Nguyên là 585 nghìn ha, sản
lượng 1.668.000 tấn. Thời gian qua, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, một số nơi
thực hiện giãn cách xã hội đã ảnh hưởng trực tiếp đến việc chăm sóc, thâm canh
đối với các vườn cà-phê. Hơn nữa, việc thiếu nhân công thu hoạch, sơ chế, vận
chuyển khiến niên vụ cà-phê giai đoạn 2021 - 2022 gặp nhiều khó khăn.

You might also like