You are on page 1of 100

LỜI NÓI ĐẦU

Chương trình phát triển vật liệu xây không nung đến năm 2020 được Thủ tướng
Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 567/QĐ-TTg ngày 28/4/2010. Để hỗ trợ
Chương trình này, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1686/QĐ-TTg
ngày 19/9/2014 phê duyệt danh mục Dự án “Tăng cường sản xuất và sử dụng gạch
không nung ở Việt Nam” do Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tài trợ
từ nguồn vốn của Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) và giao cho Bộ Khoa học và
Công nghệ chủ trì và Bộ Xây dựng đồng thực hiện.
Mục tiêu của Dự án là giảm phát thải khí nhà kính thông qua việc tăng cường
sản xuất và sử dụng gạch không nung (GKN) thay thế dần sản xuất gạch đất sét
nung sử dụng nhiên liệu hóa thạch và đất nông nghiệp.
Để đạt được mục tiêu trên, một trong những nội dung quan trọng của Dự án là
nâng cao kiến thức và năng lực kỹ thuật cho các lãnh đạo doanh nghiệp sản xuất và
sử dụng GKN, các tổ chức cung cấp dịch vụ kỹ thuật, các nhà đầu tư, các tổ chức tư
vấn thiết kế, tư vấn giám sát, nhà thầu thi công và cơ quan quản lý xây dựng địa
phương thông qua chương trình đào tạo của Dự án.
Ban Quản lý Dự án (QLDA) gạch không nung đã phối hợp với các chuyên gia
đầu ngành trong nước và chuyên gia quốc tế biên soạn bộ tài liệu đào tạo về gạch
không nung gồm 05 mô đun:
1) Kiến thức cơ bản về gạch không nung, chính sách và tiêu chuẩn;
2) Thi công nghiệm thu khối xây bằng vật liệu không nung;
3) Công nghệ sản xuất gạch bê tông khí chưng áp (AAC);
4) Công nghệ sản xuất gạch bê tông (CBB);
5) Lập dự án đầu tư và hồ sơ vay vốn cho các dự án gạch không nung;
Bộ 05 tài liệu đã được hoàn thiện, đáp ứng cơ bản mục tiêu bồi dưỡng kiến thức
về vật liệu xây không nung cho các đối tượng nêu trên. Trong các năm 2016 -2018,
với việc sử dụng 05 tài liệu này, Ban QLDA đã tổ chức 23 khóa đào tạo cho hơn
1.680 học viên đến từ 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Để hỗ trợ các cán bộ quản lý, chuyên gia kỹ thuật, bạn đọc - Những người trực
tiếp triển khai thực hiện Chương trình phát triển vật liệu xây không nung của

3
Thủ tướng Chính phủ có tài liệu tham khảo, được sự nhất trí của UNDP, Ban QLDA
phối hợp với Nhà xuất bản Xây dựng xuất bản 05 tài liệu này.
Ban QLDA cũng khẳng định, việc xuất bản 05 tài liệu đào tạo về gạch không
nung không phục vụ cho mục đích thương mại mà nhằm mục đích phổ biến kiến thức
và lưu hành nội bộ. Mọi sao chép, dưới bất kỳ hình thức nào nhằm mục đích thương
mại phải được sự đồng ý của Ban QLDA gạch không nung.
Ban QLDA xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc 05 tập tài liệu này và mong
nhận được các ý kiến đóng góp của các độc giả. Các ý kiến đóng góp xin gửi về Ban
QLDA gạch không nung - Vụ Khoa học và Công nghệ các ngành kinh tế - kỹ thuật,
Bộ Khoa học và Công nghệ, 113 Trần Duy Hưng, Hà Nội.

BAN QUẢN LÝ DỰ ÁN

4
DANH MỤC CHỮ VIẾT TẮT

GEF/UNDP Global Environment Fund/United Nations Development Programme


GKN Gạch không nung
AAC Autoclaved Aerated Concrete
CBB Concrete Block Brick
VLX Vật liệu xây
VLXKN Vật liệu xây không nung
TCVN Tiêu chuẩn Việt Nam
TC Tiêu chuẩn
VCA Vietnam Concrete Association
PC Portland Cement
PCB Portland Cement Blended
CSTK Công suất thiết kế
VLXD Vật liệu xây dựng

5
6
Chương 1
KIẾN THỨC CƠ BẢN VỀ GẠCH KHÔNG NUNG

1.1. GIỚI THIỆU CHUNG VỀ VẬT LIỆU XÂY

1.1.1. Khái niệm


Vật liệu xây là các sản phẩm vật liệu có hình dạng, kích thước xác định dùng để
xây tường bao che và tường ngăn của các toà nhà hoặc các kết cấu tương tự của các
công trình xây dựng khác. Vật liệu xây rất đa dạng về hình dáng, kích thước và được
chế tạo từ nhiều loại vật liệu khác nhau, theo các công nghệ khác nhau, ví dụ: Viên
đá đẽo, viên gạch đất sét nung, viên gạch bê tông nặng, viên gạch bê tông tổ ong…
Hiện nay, các sản phẩm bê tông tiền chế kích thước lớn như: Tấm panel bê tông
(bê tông nặng và bê tông tổ ong), tấm tường Acotec, tấm thạch cao 3D cũng được
gọi là vật liệu xây. Tùy thuộc vào nguồn gốc vật liệu chế tạo, công nghệ chế tạo, vật
liệu xây (VLX) có các tính chất vật lý, kỹ thuật không giống nhau, ví dụ: Có loại
VLX nặng, VLX nhẹ, VLX cường độ thấp, VLX cường độ cao, VLX cách nhiệt,
VLX chịu nhiệt, VLX chống cháy,…

1.1.2. Phân loại


Do sự đa dạng về chủng loại, nguồn gốc, lĩnh vực sử dụng, công nghệ chế tạo,
tính chất sản phẩm nên có nhiều cách phân loại VLX khác nhau. Trong phạm vi tài
liệu này, VLX được phân theo sự sử dụng nhiệt độ khi chế tạo sản phẩm. Theo cách
phân loại này, VLX được phân thành 2 nhóm lớn là: Vật liệu xây nung và vật liệu
xây không nung.

1.1.2.1. Gạch đất sét nung


Gạch đất sét nung là loại vật liệu đá nhân tạo nung, được sản xuất từ phối liệu
gồm đất sét dễ chảy, vật liệu gầy và phụ gia, tạo hình và nung ở nhiệt độ cao.
- Theo cấu tạo viên gạch, gạch đất sét nung được phân thành hai loại:
+ Gạch đặc đất sét nung: Viên gạch đặc hoàn toàn;
+ Gạch rỗng đất sét nung: Viên gạch được tạo lỗ rỗng trong quá trình tạo hình
sản phẩm, số lỗ rỗng có thể là 2 lỗ, 4 lỗ, 6 lỗ hoặc nhiều hơn.

7
- Theo độ bền cơ học (độ bền nén), gạch đất sét nung được phân thành
các mác:
+ Gạch đặc đất sét nung được phân thành các mác: M50, M75, M100, M125,
M150, M200;
+ Gạch rỗng đất sét nung được phân thành các mác: M35, M50, M75,
M100, M125.
Các trị số 35, 50, 75, 100, 125, 150, 200 thể hiện cường độ nén tối thiểu của viên
gạch theo thứ tự là 3,5; 5,0; 7,5; 10,0; 12,5; 150,0; 20,0 (MPa).

a) Gạch đặc b) Gạch rỗng 2 lỗ và 6 lỗ

Hình 1.1: Sản phẩm gạch đất sét nung

- Gạch đặc đất sét nung được sản xuất theo tiêu chuẩn TCVN 1451:1998, bao
gồm các chỉ tiêu chất lượng chính như sau:
+ Kích thước cơ bản của gạch đặc đất sét nung được quy định ở Bảng 1.1;
+ Cường độ nén và uốn của gạch đặc đất sét nung theo từng mác gạch không nhỏ
hơn giá trị nêu tại Bảng 1.2;
+ Độ hút nước: không lớn hơn 16%.

Bảng 1.1. Kích thước viên gạch đặc đất sét nung (mm)

Tên kiểu gạch Dài Rộng Dày

Gạch đặc 60 220 105 60

Gạch đặc 45 190 90 45

Chú thích: Có thể sản xuất kiểu gạch đặc khác nhưng phải đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật
tiêu chuẩn quy định.

8
Bảng 1.2. Cường độ nén và uốn
Cường độ nén (MPa) Cường độ uốn (MPa)
Mác gạch Trung bình cho Nhỏ nhất cho 1 Trung bình cho Nhỏ nhất cho 1
5 mẫu thử mẫu thử 5 mẫu thử mẫu thử
M200 20 15 3,4 1,7
M150 15 12,5 2,8 1,4
M125 12,5 10,0 2,5 1,2
M100 10,0 7,5 2,2 1,1
M75 7,5 5,0 1,8 0,9
M50 5,0 3,5 1,6 0,8

- Gạch rỗng đất sét nung:


Gạch rỗng đất sét nung được sản xuất theo tiêu chuẩn TCVN 1450:2009, bao
gồm các chỉ tiêu chất lượng chính như sau:
+ Kích thước cơ bản của gạch rỗng đất sét nung được quy định ở Bảng 1.3;
+ Chiều dày thành ngoài lỗ rỗng, không nhỏ hơn 10 mm. Chiều dày vách ngăn
giữa các lỗ rỗng, không nhỏ hơn 8 mm;
+ Cường độ nén và uốn của gạch rỗng đất sét nung theo từng mác gạch không
nhỏ hơn giá trị nêu tại Bảng 1.4.
Bảng 1.3. Kích thước viên gạch rỗng đất sét nung (mm)
Tên kiểu gạch Dài Rộng Dày
Gạch rỗng 60 220 105 60
Gạch rỗng 80 180 80 80
Gạch rỗng 105 220 105 105
Gạch rỗng 105 220 150 105
Chú thích: Có thể sản xuất kiểu gạch rỗng khác nhưng phải đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật
tiêu chuẩn quy định.
Bảng 1.4. Cường độ nén và uốn
Cường độ nén (MPa) Cường độ uốn (MPa)
Mác gạch Trung bình cho Nhỏ nhất cho Trung bình cho Nhỏ nhất cho
5 mẫu thử 1 mẫu thử 5 mẫu thử 1 mẫu thử
M125 12,5 10,0 1,8 0,9
M100 10,0 7,5 1,6 0,8
M75 7,5 5,0 1,4 0,7
M50 5,0 3,5 1,4 0,7
M35 3,5 2,5 - -

9
- Độ hút nước: không lớn hơn 16%.

1.1.2.2. Vật liệu xây không nung


Vật liệu xây không nung là loại vật liệu được sản xuất từ hỗn hợp gồm chất kết
dính, cốt liệu, phụ gia, nước, … được tạo hình và đóng rắn đạt các chỉ tiêu cơ lý yêu
cầu mà không cần qua công đoạn nung.
Vật liệu xây không nung còn có thể được sản xuất từ các loại vật nhẹ khác như
tấm thạch cao, tấm nhựa xốp EPS, …
Vật liệu xây không nung có rất nhiều loại sản phẩm khác nhau, tùy theo loại sản
phẩm cụ thể có thể có sự phân loại khác nhau. Trong tài liệu này tạm phân loại vật
liệu xây không nung nói chung như sau:
a) Theo vật liệu chế tạo, có thể phân thành các loại
- Vật liệu xây không nung dùng chất kết dính xi măng: Gạch bê tông, gạch
bê tông khí chưng áp; gạch bê tông bọt, khí không chưng áp; tấm tường ACOTEC
xi măng cốt liệu; tấm panel bê tông khí chưng áp;
- Vật liệu xây không nung dùng chất kết dính vôi: Gạch vôi – tro xỉ (gạch
papanh), gạch silicat;
- Vật liệu xây không nung từ đất : Gạch bê tông đất;
- Vật liệu xây không nung tự nhiên: Gạch được đẽo từ đá tổ ong, đá chẻ.
b) Theo kích thước, hình dáng sản phẩm, có thể phân thành các loại
- Vật liệu xây không nung dạng viên: Là sản phẩm có kích thước nhỏ, thường
được gọi là gạch, bao gồm gạch bê tông; gạch bê tông khí chưng áp; gạch bê tông
bọt, khí không chưng áp; gạch vôi – tro xỉ (gạch papanh); gạch silicat; gạch bê tông
đất; gạch không nung tự nhiên (đá tổ ong, đá chẻ, …). Các sản phẩm này được sử
dụng để xây tường bao che, ngăn cách, tường chịu lực trong công trình xây dựng.
- Vật liệu xây không nung dạng tấm: Là sản phẩm có kích thước lớn, bao gồm tấm
tường ACOTEC xi măng cốt liệu, tấm panel bê tông khí chưng áp, tấm panel 3D, tấm
tường thạch cao 3D, ... Các sản phẩm này được sử dụng để lắp ghép tường bao che,
ngăn cách trong công trình xây dựng.
c) Theo cấu tạo sản phẩm, có thể phân thành các loại
- Vật liệu xây không nung đặc: Thường được chế tạo dạng viên hình hộp chữ
nhật có kích thước của viên gạch tiêu chuẩn 220×110×60 mm.
- Vật liệu xây không nung có lỗ rỗng: Thường được chế tạo dạng viên hình hộp
chữ nhật có hai hoặc nhiều lỗ rỗng lớn được tạo ra trong quá trình tạo hình

10
sản phẩm. Kích thước của viên gạch rỗng thường bằng và lớn hơn kích thước viên
gạch tiêu chuẩn.
d) Theo cường độ nén, có thể phân thành các loại
- Gạch bê tông: Gồm các mác M3,5; M5; M7,5; M10; M15; M20. Các giá trị 3,5;
5; 7,5, 10; 15; 20 là cường độ nén trung bình của viên gạch (MPa).
- Gạch bê tông bọt, khí không chưng áp: Gồm các cấp cường độ nén B1,0; B1,5;
B2,0; B2,5; B3,5; B5,0; B7,5; B10,0. Các cấp cường độ nén này tương ứng với
cường độ nén trung bình của viên gạch là 1,5; 2,0; 2,5; 3,0; 4,5; 6,5; 10,0; 12,5 MPa.
- Gạch bê tông khí chưng áp: Gồm các cấp cường độ nén B2, B3, B4, B6, B8.
Các cấp cường độ nén này tương ứng với cường độ nén trung bình của viên gạch là
2,5; 3,5; 5; 7,5; 10 MPa.
e) Theo khối lượng thể tích, có thể phân thành các loại
- Vật liệu xây không nung nặng: Gạch bê tông; gạch vôi – tro xỉ (gạch papanh);
gạch silicat; gạch bê tông đất; gạch không nung tự nhiên (đá tổ ong, đá chẻ); tấm
tường ACOTEC xi măng cốt liệu.
- Vật liệu xây không nung nhẹ: Gạch bê tông khí chưng áp; gạch bê tông bọt, khí
không chưng áp; tấm panel bê tông khí chưng áp; tấm panel 3D; tấm tường thạch
cao 3D, ...

1.1.3. So sánh ưu, nhược điểm của vật liệu xây nung và không nung

1.1.3.1. Gạch đất sét nung


a) Ưu điểm
Gạch đất sét nung là loại vật liệu xây truyền thống và lâu đời nhất ở nước ta, hiện
nay gạch đất sét nung còn được sử dụng nhiều bởi các ưu điểm sau:
- Cường độ nén cao tương đương với gạch bê tông và cao hơn nhiều so với gạch
bê tông nhẹ;
- Độ hút nước thấp hơn so với các loại gạch xây khác nên khả năng chống thấm
nước tốt hơn;
- Độ co ngót thấp nên hầu như không gây nứt kết cấu tường;.
- Khối lượng thể tích thấp hơn gạch bê tông nhưng cao hơn nhiều so với gạch
bê tông nhẹ;
- Màu sắc viên gạch đẹp, bền màu, có thể dùng để xây tường trang trí mà không
cần trát hoàn thiện;

11
- Có thể sản xuất các loại gạch có kích thước, đặc, rỗng khác nhau;
- Khi sử dụng gạch rỗng có khả năng cách nhiệt, cách âm tốt;
- Giá thành rẻ hơn các loại gạch xây không nung.
b) Nhược điểm
Mặc dù gạch đất sét nung có nhiều ưu điểm so với các loại gạch xây khác, tuy
nhiên khi sản xuất và sử dụng gạch đất sét nung gây ra một số vấn đề sau:
- Tiêu tốn tài nguyên không tái tạo là đất sét: Nếu sử dụng đất sét canh tác để sản
xuất gạch đất sét nung, diện tích đất canh tác sẽ mất ngày càng nhiều, có thể gây ảnh
hưởng đến an ninh lương thực của nước ta;
- Tiêu tốn năng lượng, ô nhiễm môi trường: Sản xuất gạch đất sét nung hiện nay
chủ yếu dùng nhiên liệu hóa thạch là than, đây cũng là loại nhiên liệu không tái tạo.
Nếu sản lượng gạch đất sét nung càng tăng sẽ dẫn đến lượng than sử dụng lớn, trong
quá trình sản xuất sẽ thải ra bầu khí quyển một lượng lớn khí thải độc hại CO2, SO2,
gây ảnh hưởng đến môi trường sống, sức khoẻ con người, giảm năng suất lúa, cây
trồng xung quanh;
- Trong quá trình sử dụng, do sản phẩm gạch đất sét nung có kích thước nhỏ (kích
thước viên gạch tiêu chuẩn là 220 × 105 × 60 mm, có nơi nhỏ hơn) nên sẽ tốn nhân
công xây tường, tốn nhiều vữa dùng để xây trát hơn so với các loại gạch không nung.
Vì các vấn đề nêu trên, nhiều nước trên thế giới, nhất là các nước phát triển đã
giảm dần sản xuất và sử dụng gạch đất sét nung xuống còn 30 - 50%, tăng cường
sản xuất và sử dụng vật liệu xây không nung lên 50 - 70% trong tổng số sản lượng
vật liệu xây.
Ở nước ta, Chính phủ đã ký quyết định ban hành Chương trình phát triển vật liệu
xây không nung đến năm 2020 (Quyết định số 567/QĐ-TTg ngày 28/4/2010) nhằm hạn
chế sử dụng gạch đất sét nung. Mục tiêu của Chương trình là phát triển sản xuất và sử
dụng vật liệu xây không nung thay thế gạch đất sét nung, tiết kiệm đất nông nghiệp, góp
phần đảm bảo anh ninh lương thực quốc gia, giảm thiểu khí phát thải gây hiệu ứng nhà
kính và ô nhiễm môi trường, giảm chi phí xử lý phế thải các ngành công nghiệp khác,
tiết kiệm tài nguyên không tái tạo được, tiết kiệm năng lượng, đem lại hiệu quả chung
cho toàn xã hội; sản xuất và sử dụng vật liệu xây không nung thay thế gạch đất sét nung
đạt tỷ lệ 20 - 25% vào năm 2015 và 30 - 40% vào năm 2020.

1.1.3.2. Gạch bê tông


a) Ưu điểm
- Cường độ nén cao, có thể sản xuất sản phẩm có cường độ bất kỳ theo yêu cầu
sử dụng;

12
- Độ co ngót thấp nên hầu như không gây nứt kết cấu tường;
- Độ hút nước thấp hơn so với gạch bê tông nhẹ nên khả năng chống thấm nước
tốt hơn;
- Có thể sản xuất các loại gạch có kích thước lớn, chính xác, viên gạch không bị
cong vênh, dễ dàng tạo lỗ rỗng lớn trong quá trình tạo hình sản phẩm;
- Công nghệ sản xuất đơn giản, chi phí đầu tư thấp, có thể mở rộng quy mô công
suất dễ dàng, nguyên liệu sản xuất sẵn có, có thể sử dụng các loại phế thải công
nghiệp giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường;
- Giảm được chi phí nhân công thi công xây trát, giảm được khối lượng vữa xây
trát do viên gạch có kích thước lớn, bề mặt phẳng nhẵn.
b) Nhược điểm
- Khối lượng thể tích cao làm tăng tải trọng công trình;
- Độ hút nước cao hơn so với gạch đất sét nung;
- Kích thước viên gạch lớn dẫn đến khối lượng viên gạch nặng gây khó khăn cho
công nhân khi xây.

1.1.3.3. Gạch bê tông nhẹ


a) Ưu điểm
- Khối lượng thể tích thấp, làm giảm đáng kể tải trọng công trình;
- Khả năng cách nhiệt, cách âm tốt, tiết kiệm chi phí năng lượng khi vận hành toà nhà;
- Có thể sản xuất các loại gạch có kích thước lớn, chính xác, viên gạch không bị
cong vênh;
- Công nghệ sản xuất bê tông bọt, khí không chưng áp đơn giản, có thể mở rộng
quy mô công suất dễ dàng, chi phí đầu tư thấp, nguyên liệu sản xuất sẵn có, có thể
sử dụng các loại phế thải công nghiệp giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường;
- Giảm được chi phí nhân công thi công xây trát, giảm được khối lượng vữa xây
trát do viên gạch có kích thước lớn, bề mặt phẳng nhẵn;
- Dễ dàng thi công lắp đặt các hệ thống kỹ thuật điện, nước.
b) Nhược điểm
- Cường độ nén thấp nên chỉ sử dụng để xây tường không chịu lực;
- Độ hút nước cao, dễ thấm nước nên thường không được sử dụng để xây tường
bao che có tiếp xúc với môi trường;
- Độ co khô lớn dẫn đến kết cấu tường dễ bị co ngót, gây nứt kết cấu;

13
- Phải sử dụng vữa xây trát lớp mỏng chuyên dụng có giá thành cao;
- Giá thành sản xuất cao hơn các loại gạch xây khác.

1.1.4. Lĩnh vực sử dụng vật liệu xây


Vật liệu xây được sử dụng trong rất nhiều lĩnh vực, như:
- Xây tường nhà: dân dụng và công nghiệp;
- Xây tường rào;
- Xây đường bao công viên, vỉa hè,…;
- Lát sân, đường, mặt cầu, cống, lát nền nhà, nền kho, bãi;
- Các ứng dụng khác trong xây dựng và đời sống.

1.2. CÁC LOẠI VẬT LIỆU XÂY KHÔNG NUNG

Theo Quyết định số 567/QĐ-TTg ngày 28/4/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê
duyệt Chương trình phát triển vật liệu xây không nung đến năm 2020 và Chỉ thị số
10/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường sử dụng vật liệu xây
không nung và hạn chế sản xuất, sử dụng gạch đất sét nung, vật liệu xây không nung
gồm hai nhóm sản phẩm chính là vật liệu xây không nung nặng và vật liệu xây
không nung nhẹ. Để thuận lợi cho việc giới thiệu các loại vật liệu xây không nung
hiện nay và phù hợp với cách dùng từ trong các văn bản pháp lý về chính sách phát
triển vật liệu xây không nung của Nhà nước, dưới đây sẽ giới thiệu các sản phẩm
theo hai nhóm vật liệu xây không nung nặng và vật liệu xây không nung nhẹ.

1.2.1. Vật liệu xây không nung nặng


Vật liệu xây không nung nặng là loại vật liệu có khối lượng thể tích phần đặc lớn
hơn 1800 kg/m3.
Theo công nghệ tạo hình, vật liệu xây không nung nặng có thể là dạng viên định
hình đặc hoàn toàn (không có lỗ rỗng lớn được tạo ra trong quá trình tạo hình sản
phẩm) và gạch rỗng (có lỗ rỗng lớn được tạo ra trong quá trình tạo hình sản phẩm)
hoặc dạng tấm panel.
Vật liệu xây không nung nặng bao gồm các sản phẩm chính như sau:

1.2.1.1. Gạch bê tông


Gạch bê tông (tên gọi khác là gạch xi măng cốt liệu) là loại gạch không nung
được chế tạo từ hỗn hợp bê tông cứng gồm xi măng, cốt liệu (mạt đá, cát, xỉ lò cao,
tro xỉ nhiệt điện), phụ gia khoáng, nước,… được tạo hình bằng phương pháp rung,
ép hoặc cả rung và ép, sau khi đóng rắn đạt các chỉ tiêu cơ lý theo yêu cầu.

14
Gạch bê tông được sử dụng làm vật liệu xây tường chịu lực, tường bao che, ngăn
cách trong các công trình xây dựng.
Theo đặc điểm cấu tạo, gạch bê tông được chia thành hai loại là gạch đặc và gạch
rỗng. Gạch đặc thường được chế tạo dạng viên hình hộp chữ nhật có kích thước của
viên gạch tiêu chuẩn 220×110×60 mm. Gạch rỗng thường được chế tạo dạng viên
hình hộp chữ nhật có hai hoặc nhiều lỗ rỗng lớn được tạo ra trong quá trình tạo hình
sản phẩm.
Theo cường độ nén, gạch bê tông gồm các mác M3,5; M5; M7,5; M10; M15; M20.
Các giá trị 3,5; 5; 7,5, 10; 15; 20 là cường độ nén trung bình của viên gạch (MPa).
Theo mục đích sử dụng, gạch bê tông được chia thành hai loại là gạch thường và
gạch trang trí. Gạch thường dùng để xây tường có trát, bề mặt có màu tự nhiên của
bê tông, có thể đặc hoặc rỗng. Gạch trang trí dùng để xây tường không trát, bề mặt
nhẵn bóng hoặc sần sùi, có màu sắc trang trí tùy theo yêu cầu, có thể đặc hoặc rỗng.
Gạch bê tông được sản xuất theo tiêu chuẩn TCVN 6477:2016.

a) Gạch bê tông đặc

b) Gạch bê tông rỗng


Hình 1.2: Sản phẩm gạch bê tông

15
1.2.1.2. Gạch vôi – tro xỉ (gạch papanh)
Gạch vôi – tro xỉ là vật liệu được sản xuất bằng cách rung ép hỗn hợp gồm chủ
yếu là chất kết dính vôi – tro xỉ, có thể có hoặc không có cốt liệu. Dùng làm vật liệu
xây trong công trình xây dựng.
Loại gạch này được sản xuất thủ công, công suất nhỏ, cường độ nén thấp, phục
vụ chủ yếu để xây tường ít chịu lực của nhà dân tại một số địa phương có nguồn phế
thải tro xỉ từ các nhà máy nhiệt điện, luyện kim. Hiện nay không có tiêu chuẩn chất
lượng sản phẩm cho loại gạch này.

1.2.1.3. Gạch silicat


Gạch silicat là vật liệu được sản xuất từ hỗn hợp phối liệu gồm chất kết dính là
hỗn hợp vôi cục và cát thạch anh nghiền mịn, có thể có tro xỉ nhiệt điện, sản phẩm
được ép bán khô sau đó đưa vào trong thiết bị nhiệt gọi là Autoclave để chưng áp
trong môi trường bão hoà hơi nước dưới áp suất từ (8 - 14) atm và nhiệt độ từ
(170 – 200)0C. Độ bền cơ học của sản phẩm có được nhờ sự hình thành khoáng
tobermorite (5CaO.6SiO2.5H2O) từ phản ứng giữa Ca(OH)2 có trong vôi và SiO2 có
trong cát trong thiết bị Autoclave. Gạch silicat dùng làm vật liệu xây trong công
trình xây dựng.
Gạch silicat có màu xám sáng, nhưng cũng có thể có màu sắc bất kỳ bằng cách
đưa vào phối liệu các oxit màu bền kiềm. Gạch silicat có khối lượng thể tích khoảng
1900 kg/m3 (nặng hơn gạch đất sét nung), độ hút nước khoảng 14 - 16%, cường độ
nén có thể chế tạo ở các mác 100, 125, 150, 200 kg/cm2.
Từ những năm 1970 nước ta có 2 dây chuyền sản xuất loại sản phẩm này ở
Đông Triều (Quảng Ninh) và Lĩnh Nam (Hà Nội) do Ba Lan giúp đỡ. Sau một thời
gian sử dụng, thiết bị hỏng hóc, thiếu phụ tùng thay thế nên cả 2 dây chuyền này đã
ngừng hoạt động từ khoảng năm 1980.
Hiện nay nước ta không còn nhà máy nào sản xuất loại gạch này, tuy nhiên, theo
định hướng phát triển vật liệu xây không nung thay thế gạch đất sét nung của
Chính phủ thì loại sản phẩm này có thể được phục hồi sản xuất, nhất là ở những
vùng thuận lợi cho việc cung cấp tro bay.
1.2.1.4. Gạch đất không nung
Gạch đất không nung hay còn gọi là “bê tông đất” được sản xuất từ hỗn hợp phối
liệu gồm chất kết dính (xi măng, vôi, geopolymer…), cốt liệu đất, mạt đá, phế thải
công nghiệp và phụ gia, hỗn hợp phối liệu được ép tạo viên, các thành phần của đất
phản ứng với phụ gia làm cho hỗn hợp được cứng hóa (hóa đá), tạo cường độ cho
sản phẩm.

16
Nguyên liệu đất sét không cần phải là đất màu có thể canh tác mà có thể sử dụng
các loại đất đồi, đất đá, đất bạc màu, đất đào móng, ao hồ,…
Công nghệ sản xuất gạch không nung “bê tông đất” đã có trên thế giới cách đây
trên 40 năm tuy nhiên khoảng 10 năm trở lại đây, công nghệ và sản phẩm gạch đất
không nung “bê tông đất” mới được sử dụng tại Việt Nam.
Kết quả kiểm tra gạch đất không nung của một số cơ sở sản xuất do Viện Vật
liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) thực hiện cho thấy, gạch có cường độ nén đạt
120 - 130 kg/cm2; cường độ uốn đạt 43 kg/cm2, độ hút nước 8,8% - 9,5%. Tuy nhiên
một tính chất rất quan trọng cần quan tâm đối với loại gạch này là hệ số hóa mềm,
hệ số hóa mềm càng thấp thì độ bền lâu của gạch càng kém. Hệ số hóa mềm là hệ số
tính theo tỷ lệ giữa cường độ nén của mẫu gạch ở trạng thái bão hòa nước và cường
độ nén ở trạng thái khô. Kết quả thí nghiệm cho thấy hệ số hóa mềm của gạch đất
không nung khá thấp, đạt khoảng 0,5 - 0,6.
Hiện nay chưa có tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) cho loại gạch này. Hội Bê tông
Việt Nam đã xây dựng và ban hành tiêu chuẩn TC.VCA 008:2014 - Gạch bê tông
đất, trong đó quy định về phân loại và một số chỉ tiêu kỹ thuật chính như sau:
- Theo độ bền cơ học, gạch bê tông đất được phân thành các mác: M5; M7,5;
M10; M12,5; M15. Các giá trị 5; 7,5; 10; 12,5; 15 là cường độ nén trung bình của
viên gạch (MPa);
- Theo hình dạng kết cấu, gạch bê tông đất được phân thành gạch đặc và gạch có
lỗ rỗng;
- Cường độ nén và uốn viên gạch theo từng mác không nhỏ hơn giá trị nêu trong
Bảng 1.5.
Bảng 1.5. Cường độ nén và uốn của gạch bê tông đất

Cường độ nén (MPa) Cường độ uốn (MPa)


Mác gạch
(M) Trung bình cho Nhỏ nhất cho 1 Trung bình cho Nhỏ nhất cho 1
5 mẫu thử mẫu thử 5 mẫu thử mẫu thử
15,0 15,0 10 2,50 1,40
12,5 12,5 8,5 2,25 1,20
10,0 10,0 6,5 2,00 1,10
7,5 7,5 4,8 1,50 0,90
5,0 5,0 3,3 1,10 0,70

17
- Khả năng chịu nước: Khả năng chịu nước được xác định bằng cường độ nén
bão hòa nước của mẫu thử gạch. Cường độ bão hòa nước theo từng mác gạch, không
thấp hơn giá trị quy định trong Bảng 1.6.
Bảng 1.6. Cường độ nén bão hòa nước của gạch bê tông đất

Mác gạch Cường độ nén bão hòa nước (MPa)


15,0 10,0
12,5 8,5
10,0 6,5
7,5 5,0
5,0 3,3

- Độ hút nước: Độ hút nước theo từng mác gạch, không lớn hơn quy định trong
Bảng 1.7.
Bảng 1.7. Độ hút nước của gạch bê tông đất
Mác gạch Độ hút nước, % khối lượng
15,0
12
12,5
10,0
7,5
15
5,0

Hình 1.3: Sản phẩm gạch bê tông đất

18
1.2.1.5. Gạch không nung tự nhiên
Ngoài các loại gạch không nung nhân tạo nêu trên, còn có gạch không nung tự
nhiên như các loại gạch đá chẻ, gạch đá ong được đẽo từ đá vôi, đá bazan phong hóa
(đá tổ ong),…
Loại gạch này chủ yếu sử dụng ở các vùng trung du miền núi hoặc các vùng có
mỏ đá bazan phong hóa, hình thức sản xuất tự phát, mang tính chất địa phương, quy
mô nhỏ.

1.2.1.6. Tấm tường ACOTEC xi măng cốt liệu


Tấm tường ACOTEC xi măng cốt liệu là vật liệu xây không nung dạng tấm lớn,
được sản xuất theo công nghệ hiện đại của hãng Elematic - Phần Lan, đã được sử
dụng rộng rãi trên thế giới. Tại Việt Nam, Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng
Xuân Mai là đơn vị đầu tiên đầu tư và đưa vào sử dụng dây chuyền sản xuất tấm
tường ACOTEC với công suất khoảng 200.000 m2 tấm tường/năm. Đến nay đã có
thêm một số đơn vị đầu tư dây chuyền sản xuất tấm ACOTEC tương tự như dây
chuyền của Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Xuân Mai.
Tấm tường ACOTEC được sản xuất theo công nghệ đùn ép từ hỗn hợp bê tông
gồm cát, đá, xi măng, phụ gia. Tấm tường ACOTEC có nhiều ưu điểm như cường
độ và khả năng chống thấm cao hơn các loại gạch xây; chiều dày nhỏ, có nhiều lỗ
rỗng tạo hình dọc theo chiều dài tấm nên trọng lượng trên 1 m2 tấm tường nhẹ hơn
đáng kể so với tường xây bằng gạch truyền thống (nhẹ hơn tường gạch 2 - 3 lần)
giúp giảm tải trọng, tiết kiệm chi phí cho kết cấu chịu lực. Tốc độ thi công nhanh
hơn gấp 5 lần so với gạch truyền thống và gấp 2 lần so với tường gạch bê tông, rút
ngắn thời gian thi công, tiết kiệm chi phí nhân công.

Hình 1.4: Tấm tường ACOTEC tại nhà máy và sau khi được lắp dựng

19
1.2.2. Vật liệu xây không nung nhẹ
Vật liệu xây không nung nhẹ được chế tạo từ bê tông nhẹ là loại vật liệu có khối
lượng thể tích phần đặc nhỏ hơn 1800 kg/m3. Cấu trúc của bê tông nhẹ là cấu trúc tổ
ong gồm những lỗ rỗng nhỏ và kín giống hình tổ ong, có chứa khí hoặc hỗn hợp khí
và hơi nước, có kích thước từ 0,5 - 2 mm được phân bố đều và được ngăn cách bằng
các thành vách mỏng chắc.
Vật liệu xây không nung nhẹ cũng có thể được chế tạo từ các vật liệu khác như
tấm tường thạch cao 3D, tấm panel kẹp, tấm panel cốt liệu polystyrol, ...
Vật liệu xây không nung nhẹ bao gồm các sản phẩm chính như sau:

1.2.2.1. Gạch bê tông bọt, khí không chưng áp


Gạch bê tông bọt, khí không chưng áp là sản phẩm dạng khối dùng để xây, có
hình dáng kích thước theo yêu cầu và được chế tạo từ bê tông bọt, khí không chưng
áp có khối lượng thể tích khô dao động trong khoảng từ 500 kg/m3 đến 1200 kg/m3.
Bê tông bọt, khí không chưng áp được sản xuất từ hỗn hợp phối liệu gồm
xi măng, chất tạo bọt hoặc tạo khí, nước, có hoặc không có cốt liệu mịn, phụ gia
khoáng và phụ gia hóa học, đóng rắn trong điều kiện tự nhiên (không chưng áp).
Theo phương pháp sản xuất, gạch bê tông bọt, khí không chưng áp được chia
thành hai loại:
- Gạch bê tông bọt: Được tạo rỗng bằng cách tạo bọt trước từ các chất tạo bọt,
sau đó trộn bọt vào hỗn hợp vữa dẻo đã chuẩn bị trước, hỗn hợp sau khi tạo hình và
đóng rắn tự nhiên sẽ tạo thành bê tông bọt. Chất tạo bọt là các chất hoạt tính bề mặt,
có khả năng tạo ra các bọt ổn định dưới tác động của lực phân tán bằng khí nén hoặc
khuấy trộn mạnh;
- Gạch bê tông khí: được tạo rỗng bằng cách dùng chất tạo khí trộn đều với hỗn
hợp vữa, sản phẩm khí tạo ra làm cho hỗn hợp bê tông nở phồng trong khuôn, sau
khi kết thúc quá trình tạo khí hỗn hợp bê tông đóng rắn tự nhiên sẽ tạo thành bê tông
khí. Chất tạo khí là chất khi đưa vào hỗn hợp bê tông có tác dụng sinh khí và làm
phồng nở hỗn hợp bê tông.
Theo khối lượng thể tích khô, gạch bê tông bọt, khí không chưng áp được phân
thành các nhóm: D500, D600, D700, D800, D900, D1000, D1100, D1200. Các giá
trị 500, 600, 700, 800, 900, 1000, 1100, 1200 là khối lượng thể tích danh nghĩa ở
trạng thái khô của viên gạch (kg/m3).
Theo cường độ nén, gạch bê tông bọt, khí không chưng áp được phân thành các
cấp cường độ nén sau: B1,0; B1,5; B2,0; B2,5; B3,5; B5,0; B7,5; B10,0. Các cấp

20
cường độ nén này tương ứng với cường độ nén trung bình của viên gạch là 1,5; 2,0;
2,5; 3,0; 4,5; 6,5; 10,0; 12,5 (MPa).
Gạch bê tông bọt, khí không chưng áp được sản xuất theo tiêu chuẩn TCVN
9029:2017.

Hình 1.5: Sản phẩm gạch bê tông bọt, khí không chưng áp

1.2.2.2. Gạch bê tông khí chưng áp


Gạch bê tông khí chưng áp (AAC) là sản phẩm được sản xuất từ hỗn hợp vật
liệu gồm cát thạch anh, vôi, thạch cao nghiền mịn, xi măng, nước và chất tạo khí.
Cát thạch anh có thể được thay thế bằng nguồn oxit silic khác hoặc tro bay. Hỗn
hợp vật liệu được trộn đều và đổ vào khuôn thép. Chất tạo khí và vôi phản ứng
sinh khí tạo thành các lỗ rỗng làm cho hỗn hợp bê tông trương nở thể tích trước
khi bắt đầu đông kết. Sau khi đóng rắn sơ bộ, bán thành phẩm được tháo khuôn,
cắt thành từng viên gạch theo kích thước yêu cầu và được đưa vào thiết bị
autoclave, tại đó sản phẩm phát triển cường độ trong môi trường hơi nước bão
hoà có nhiệt độ và áp suất cao.
Theo khối lượng thể tích khô, gạch bê tông khí chưng áp được phân thành các
nhóm 400, 500, 600, 700, 800, 900, 1000. Các giá trị này là khối lượng thể tích danh
nghĩa ở trạng thái khô của viên gạch (kg/m3).
Theo cường độ nén, gạch bê tông khí chưng áp được phân thành các cấp cường
độ nén sau: B2, B3, B4, B6, B8. Các cấp cường độ nén này tương ứng với cường độ
nén trung bình của viên gạch là 2,5; 3,5; 5; 7,5; 10 (MPa).
Gạch AAC được dùng làm vật liệu xây trong các công trình xây dựng, được sản
xuất theo tiêu chuẩn TCVN 7959:2017.

21
Hình 1.6: Sản phẩm gạch bê tông khí chưng áp

1.2.2.3. Tấm tường bê tông khí chưng áp


Ngoài sản phẩm gạch bê tông khí chưng áp, các nhà máy bê tông khí chưng áp
còn có thể sản xuất tấm tường bê tông khí chưng áp. Hiện nay các nhà máy đang sản
xuất hai loại tấm tường AAC như sau:
- Tấm tường AAC kích thước lớn, có cốt thép: Sản phẩm có chiều dài khoảng
1,5 - 4,8m, chiều rộng khoảng 0,6 m, chiều dày khoảng 75 - 150 mm. Bên trong có
hai tấm lưới thép Φ4 hoặc Φ6 mm. Tấm tường AAC có hèm âm dương để liên kết
với nhau, có thể được sử dụng để lắp đặt tấm tường hoặc tấm sàn. Do có kích thước
lớn nên việc lắp dựng nhanh, bề mặt phẳng nhẵn nên không phải trát giúp đẩy nhanh
tiến độ thi công và giảm giá thành xây dựng công trình.

Hình 1.7: Tấm tường AAC tại nhà máy và sau khi được lắp dựng

- Tấm tường AAC kích thước nhỏ, không có cốt thép (hay còn gọi là tấm panel LC):
Sản phẩm có chiều dài 1200 mm, chiều rộng 600 mm, chiều dày 50 mm, sau đó lắp

22
dựng các tấm này tạo thành vách rỗng tương tự vách thạch cao. Phần rỗng bên trong
có thể nhồi thêm bông khoáng hoặc đổ bê tông bọt để tạo thành panel kẹp.

Hình 1.8: Cấu tạo tấm panel LC và sau khi được lắp dựng

1.2.2.4. Tấm tường nhẹ từ các vật liệu khác


Ngoài tấm tường AAC, hiện nay tại Việt Nam đang sản xuất và sử dụng một số
tấm tường nhẹ từ các loại vật liệu khác, cụ thể như sau:
- Panel kẹp là vật liệu nhẹ dạng panel gồm 2 lớp mặt bằng thép lá hoặc tôn, giữa
là tấm xốp EPS được gắn kết với nhau bằng keo tổng hợp. Sản phẩm do Công ty
phát triển và kinh doanh nhà Cửu Long sản xuất trên dây chuyền công nghệ nhập từ
Pháp. Sản phẩm này được sử dụng làm vách, mái, trần trong công trình xây dựng 1
tầng trên cơ sở khung thép tiền chế. Do các vật liệu sử dụng đều nhập khẩu nên giá
thành cao, chưa phù hợp với điều kiện thực tế tại Việt Nam.
- Panel 3D là vật liệu nhẹ có 3 hợp phần chính gồm 2 mặt là tấm bê tông cốt thép
mỏng; cốt thép là lưới thép hàn, thép xiên định vị phân cách hai lưới thép hàn; ở
giữa là lớp xốp EPS. Sản phẩm được sản xuất trên dây chuyền công nghệ của
Công ty EVG – Áo. Tấm panel 3D được sử dụng làm tường cho các tòa nhà cao
tầng, làm tường và sàn cho các khu dân cư, văn phòng, nhà xưởng.
Tấm panel 3D được sản xuất theo tiêu chuẩn TCVN 7575:2007.
- Tấm tường thạch cao 3D là vật liệu nhẹ được cấu tạo từ hệ thống khung xương
là khung thép chống rỉ gồm thanh đứng và thanh nằm ngang, hai mặt bên của khung
xương được ghép tấm thạch cao. Tấm tường thạch cao chủ yếu được sử dụng làm
vách ngăn phòng bên trong các tòa nhà.
Việc sử dụng các loại tấm tường nhẹ nêu trên có ưu điểm là trọng lượng nhẹ,
cách âm, cách nhiệt tốt, thi công lắp đặt nhanh nhưng hiện nay vẫn chưa được sử
dụng rộng rãi do giá thành vẫn cao hơn so với tường gạch truyền thống.

23
Hình 1.9: Tấm panel kẹp và sau khi được lắp dựng

Thép ngang

Thép dọc

Thép xiền

Lớp móp

Hai mái trát vữa


hoặc bê tông

Hình 1.10: Cấu tạo tấm panel 3D và sau khi được lắp dựng

24
1.3. ĐẶC TÍNH KỸ THUẬT CỦA VẬT LIỆU XÂY KHÔNG NUNG

Theo phân loại nêu trên, vật liệu xây không nung có rất nhiều loại với nguyên vật
liệu sản xuất, công nghệ sản xuất và kích thước, hình dạng khác nhau. Trong số các
loại vật liệu xây không nung, hiện nay các sản phẩm dạng viên định hình, hay còn
gọi là gạch không nung, được sản xuất và sử dụng nhiều nhất. Đây là đối tượng
chính của dự án “Tăng cường sản xuất và sử dụng gạch không nung ở Việt Nam”.
Đối với gạch không nung dùng làm vật liệu xây trong công trình xây dựng, hiện
nay có ba loại gạch được sản xuất và sử dụng nhiều nhất là gạch bê tông (hay còn
được gọi là gạch xi măng cốt liệu), gạch bê tông bọt, khí không chưng áp và gạch
bê tông khí chưng áp (hay còn gọi là gạch bê tông nhẹ). Cả ba loại gạch không nung
này đều là một trong các dạng của vật liệu bê tông, trong đó gạch bê tông thuộc loại
bê tông nặng, gạch bê tông bọt, khí không chưng áp và gạch bê tông khí chưng áp
thuộc loại bê tông nhẹ.
Với mục đích sử dụng là vật liệu dùng để xây tường trong công trình xây dựng,
để có thể lựa chọn và sử dụng hiệu quả các loại gạch không nung, cần phải hiểu
được các đặc tính cơ bản của từng loại sản phẩm có ảnh hưởng đến chất lượng và
tính năng sử dụng sản phẩm. Nội dung phần này sẽ giới thiệu một số đặc tính cơ bản
và tính chất kỹ thuật của ba sản phẩm gạch bê tông, gạch bê tông bọt, khí không
chưng áp và gạch bê tông khí chưng áp.

1.3.1. Khối lượng thể tích


Đối với vật liệu cùng loại, nếu có cấu tạo (cấu trúc) khác nhau thì khối lượng thể
tích cũng khác nhau. Cả ba loại gạch không nung nêu trên, tuy cùng là vật liệu
bê tông nhưng do có cấu trúc khác nhau, gạch bê tông có cấu trúc đặc chắc; gạch
bê tông nhẹ có cấu trúc lỗ rỗng, nên khối lượng thể tích của gạch bê tông lớn hơn
nhiều so với gạch bê tông nhẹ.
Khối lượng thể tích của vật liệu phụ thuộc chủ yếu vào vào độ đặc chắc của cấu
trúc vật liệu, độ đặc chắc càng cao (thể tích lỗ rỗng trong vật liệu càng nhỏ) thì khối
lượng thể tích càng lớn. Đối với gạch bê tông, do cấu trúc bê tông có độ đặc chắc
cao nên khối lượng thể tích lớn; gạch bê tông nhẹ do cấu trúc bê tông có nhiều lỗ
rỗng lên độ đặc chắc thấp, khối lượng thể tích nhỏ hơn nhiều so với gạch bê tông.
Khối lượng thể tích của vật liệu có ảnh hưởng nhiều đến một số tính chất khác
của nó như cường độ nén, độ hút nước, khả năng dẫn nhiệt, khả năng cách âm, …
Đây đều là các tính chất có ảnh hưởng quan trọng đến tính năng sử dụng của gạch
không nung trong công trình xây dựng.

25
Khối lượng thể tích của vật liệu càng lớn thì cường độ nén càng cao, độ hút nước
càng thấp, khả năng dẫn nhiệt càng lớn, khả năng cách âm càng thấp và ngược lại.
Như vậy, khi so sánh khối lượng thể tích của gạch bê tông và gạch bê tông nhẹ có
thể thấy rằng, gạch bê tông có ưu điểm là cường độ nén cao, độ hút nước thấp, ít co
ngót, nhược điểm là khối lượng thể tích cao (làm tăng tải trọng bản thân của công
trình), khả năng cách âm, cách nhiệt kém; gạch bê tông nhẹ có ưu điểm là khối
lượng thể tích thấp (làm giảm tải trọng bản thân của công trình), khả năng cách âm,
cách nhiệt tốt (tiết kiệm năng lượng), nhược điểm là cường độ nén thấp, độ hút nước
cao, co ngót lớn.
Khối lượng thể tích của gạch không nung còn có ảnh hưởng đến tính toán tải
trọng bản thân của kết cấu công trình xây dựng. Trong thiết kế công trình, tải trọng
tác dụng bao gồm tĩnh tải, hoạt tải, tải trọng gió, tải trọng động đất,... Khi thiết kế
công trình với yêu cầu chịu tải trọng động đất thì tổ hợp tải trọng (có sự tham gia
của tải trọng động đất) sẽ gây bất lợi nhất cho công trình. Tải trọng động đất tỷ lệ
thuận với trọng lượng công trình. Vì vậy, khi giảm được tải trọng của tường xây
(bằng cách giảm khối lượng thể tích của gạch xây) tức là giảm được tĩnh tải và trọng
lượng của công trình, dẫn đến giảm được tác động của tải trọng động đất. Với những
công trình nhỏ, công trình thấp tầng không yêu cầu tính toán chịu động đất, giảm
được tải trọng của tường xây tức là giảm tĩnh tải, giảm trọng lượng kết cấu. Khi
giảm được trọng lượng của kết cấu, kích thước móng, dầm, cột của công trình có thể
giảm, không gian kiến trúc có nhiều sự lựa chọn linh hoạt hơn, đồng thời giảm được
vật liệu xây dựng công trình.
Như vậy, khối lượng thể tích của vật liệu xây có ảnh hưởng rất nhiều đến kết cấu
khung chịu lực và kết cấu móng của công trình xây dựng. Khối lượng thể tích của vật
liệu xây càng thấp sẽ càng giảm tải trọng của công trình, giảm kích thước kết cấu móng,
cột, dầm, dẫn đến giảm khối lượng bê tông, cốt thép sử dụng trong công trình.
Do khối lượng thể tích của gạch bê tông (khoảng 2100 - 2200 kg/m3 đối với gạch
đặc và 1500 - 1800 kg/m3 đối với gạch có tạo lỗ rỗng lớn khi tạo hình) cao hơn nhiều
so với gạch bê tông nhẹ (khoảng 500 - 1000 kg/m3) nên khi sử dụng gạch
bê tông nhẹ sẽ tiết kiệm chi phí phần xây thô hơn so với gạch bê tông.

1.3.2. Cường độ nén


Cường độ là khả năng của vật liệu chống lại sự phá hoại của ứng suất xuất hiện
trong vật liệu do ngoại lực hoặc điều kiện môi trường. Kết cấu xây dựng chịu nhiều
loại tải trọng khác nhau như kéo, nén, uốn, cắt, va chạm,… tương ứng với nó sẽ có
nhiều loại cường độ khác nhau.

26
Trong kết cấu xây dựng, bê tông có thể làm việc ở các trạng thái khác nhau như
nén, kéo, trượt,… trong đó bê tông làm việc ở trạng thái nén là tốt nhất, vì vậy
cường độ nén là tính chất quan trọng nhất của bê tông nói chung và gạch không
nung nói riêng.
Cường độ nén là khả năng của vật liệu chống lại sự phá hoại của ứng suất nén
xuất hiện trong vật liệu do ngoại lực tác động. Cường độ nén (R) được xác định
thông qua tải trọng phá hoại lớn nhất (Pmax) và diện tích chịu lực của viên mẫu tiêu
chuẩn (S):
P
R = max . K (1-1)
S
trong đó:
R - cường độ nén (tính bằng N/mm2, daN/cm2);
Pmax - tải trọng phá hoại (tính bằng N, daN);
S - diện tích chịu lực nén của viên mẫu (tính bằng mm2, cm2);
K - hệ số chuyển đổi cường độ nén của viên mẫu có kích thước khác tiêu chuẩn
về cường độ nén của viên mẫu có kích thước tiêu chuẩn.
Tuỳ theo hình dạng và cấu tạo, mỗi loại vật liệu sẽ có tiêu chuẩn quy định về kích
thước viên mẫu tiêu chuẩn khác nhau. Ví dụ: đối với bê tông (theo TCVN 3118:2012)
kích thước viên mẫu tiêu chuẩn là 150×150×150 mm, ngoài ra có thể sử dụng các viên
mẫu có kích thước 100×100×100 mm, 200×200×200 mm, 300×300×300 mm,…
nhưng khi tính toán cường độ nén phải nhân với hệ số chuyển đổi để chuyển về
cường độ nén tiêu chuẩn; đối với gạch bê tông, diện tích mặt chịu lực nén của viên
gạch là toàn bộ mặt chịu lực chính khi xây, do gạch bê tông có nhiều loại với kích
thước (dài, rộng, cao) khác nhau nên khi tính kết quả cường độ nén phải nhân với hệ
số hình dạng viên gạch; đối với gạch bê tông nhẹ, kích thước chịu nén của viên mẫu
tiêu chuẩn là 100×100×100 mm. Cường độ nén của gạch bê tông nhẹ ngoài việc phụ
thuộc vào lực nén và tiết diện chịu nén còn phụ thuộc rất lớn đến độ ẩm của gạch, do
đó khi tính toán cường độ nén phải nhân với hệ số độ ẩm.
Cường độ nén của gạch không nung phụ thuộc nhiều vào vật liệu sử dụng và
công nghệ chế tạo. Đối với gạch bê tông, cường độ nén của chủ yếu phụ thuộc vào
hàm lượng xi măng sử dụng, lượng xi măng càng cao thì cường độ nén càng lớn, do
đó có thể chế tạo viên gạch có cường độ nén tùy ý theo yêu cầu sử dụng. Đối với
gạch bê tông nhẹ, cường độ nén phụ thuộc vào cường độ của vách ngăn giữa các lỗ
rỗng, cấu trúc lỗ rỗng, hình dạng kích thước và sự phân bố các lỗ rỗng trong bê tông.
Cường độ phần vữa của vách ngăn giữa các lỗ rỗng phụ thuộc vào loại và lượng chất

27
kết dính (xi măng, vôi hoặc hỗn hợp xi măng – vôi), cấu tử silic, độ nghiền mịn của
các cấu tử, mức độ đặc chắc của vữa sau khi đóng rắn, chế độ đóng rắn sau khi tạo
hình sản phẩm. Cường độ phần vữa của vách ngăn giữa các lỗ rỗng càng cao sẽ đảm
bảo cho cường độ bê tông càng cao khi các điều kiện khác không đổi, nghĩa là với
các loại bê tông nhẹ có cùng khối lượng thể tích có thể có cường độ khác nhau đáng
kể do ảnh hưởng của độ đặc chắc và cường độ phần vữa tạo nên vách ngăn giữa các
lỗ rỗng. Kích thước lỗ rỗng của bê tông càng lớn, sự phân bố các lỗ rỗng trong
bê tông càng nhiều nghĩa là chiều dày của các vách ngăn càng mỏng thì cường độ
bê tông càng thấp. Bê tông nhẹ có càng nhiều lỗ rỗng và kích thước lỗ rỗng càng lớn
thì khối lượng thể tích càng nhẹ và cường độ bê tông càng thấp. Như vậy có thể thấy
rằng đối với bê tông nhẹ, cường độ nén có quan hệ tỷ lệ thuận với khối lượng thể
tích, khối lượng thể tích càng nhỏ thì cường độ nén càng thấp. Đây là vấn đề cần đặc
biệt quan tâm đối với gạch bê tông nhẹ, do vừa có yêu cầu cường độ nén cao nhưng
lại có yêu cầu khối lượng thể tích càng nhỏ càng tốt.
Đối với kết cấu tường xây, tùy theo thiết kế kết cấu công trình có thể sử dụng
tường chịu lực hoặc tường không chịu lực. Tường chịu lực là tường mà ngoài trọng
lượng bản thân còn phải chịu tác động của các kết cấu như sàn, mái và chịu tác động
của ngoại lực như gió, bão,… các bức tường cùng với sàn và mái tạo thành hệ thống
không gian chịu lực, toàn bộ tải trọng của công trình trước khi truyền xuống móng
phải thông qua kết cấu tường, loại tường này chỉ áp dụng cho các công trình thấp
tầng. Tường không chịu lực là tường chỉ chịu tải trọng bản thân, đóng vai trò bao
che và phân chia không gian trong nhà thành các không gian nhỏ hơn, loại tường
này thường được sử dụng trong các công trình cao tầng có hệ thống khung chịu lực
bằng kết cấu bê tông cốt thép hoặc kết cấu thép.
Kết cấu tường chịu lực yêu cầu cường độ nén của viên gạch xây cao hơn so với
kết cấu tường không chịu lực, do vậy kết cấu tường chịu lực thường sử các loại gạch
xây có cường độ nén cao như gạch đặc đất sét nung, gạch bê tông. Kết cấu tường
không chịu lực do không có yêu cầu cao về khả năng chịu lực nên có thể sử dụng
được tất cả các loại gạch bao gồm cả gạch bê tông bọt, khí không chưng áp và gạch
bê tông khí chưng áp.

1.3.3. Độ ẩm và độ hút nước


a) Độ ẩm
Độ ẩm W (%) là chỉ tiêu đánh giá lượng nước có trong vật liệu tại thời điểm thí
nghiệm. Nếu khối lượng của vật liệu lúc ẩm là ma và khối lượng của vật liệu sau khi
sấy khô là mk thì độ ẩm của vật liệu W = 100% × (ma − mk)/mk.

28
Trong không khí, vật liệu có thể hút hơi nước từ môi trường vào trong các lỗ
rỗng và ngưng tụ thành pha lỏng. Đây là quá trình có tính chất thuận nghịch, nếu độ
ẩm của vật liệu thấp, độ ẩm tương đối của môi trường cao thì hơi nước từ môi
trường có xu hướng xâm nhập vào các lỗ rỗng trong vật liệu làm cho độ ẩm của vật
liệu tăng lên và ngược lại.
Trong cùng một điều kiện môi trường, nếu vật liệu càng rỗng thì độ ẩm của nó
càng cao. Đồng thời độ ẩm của vật liệu còn phụ thuộc vào bản chất của vật liệu, đặc
tính của lỗ rỗng và môi trường. Ở môi trường không khí khi áp lực hơi nước tăng
(độ ẩm tương đối của không khí tăng) thì độ ẩm của vật liệu tăng.
Do quá trình hấp phụ và ngưng tụ mao quản của hơi nước trong không khí mà độ
ẩm của vật liệu rỗng sau khi để lâu dài trong không khí khá lớn. Đối với gạch
bê tông, do cấu trúc có độ đặc chắc cao nên độ ẩm của gạch bê tông không cao. Tuy
nhiên đối với gạch bê tông nhẹ, do cấu trúc có nhiều lỗ rỗng nên độ ẩm của gạch
bê tông nhẹ cao hơn rất nhiều so với gạch bê tông. Độ ẩm của gạch bê tông nhẹ
tương đối cao và khi bị ẩm thường rất khó sấy khô, nhất là với loại có khối lượng thể
tích thấp. Đối với gạch bê tông nhẹ dùng chất kết dính xi măng (gạch bê tông bọt,
khí không chưng áp) với khối lượng thể tích từ 600 - 1000 kg/m3 có độ ẩm khoảng
3 - 5% khi độ ẩm tương đối của không khí là 100% còn khi sử dụng chất kết dính là
vôi – silic (gạch bê tông khí chưng áp) thì độ ẩm của bê tông ở cùng điều kiện trên
lên tới khoảng 5 - 8%. Độ ẩm của gạch bê tông bọt, khí không chưng áp thấp hơn so
với gạch bê tông khí chưng áp là do các lỗ rỗng trong bê tông bọt, khí không chưng
áp thường là lỗ rỗng kín còn lỗ rỗng của bê tông khí chưng áp là lỗ rỗng hở thông
nhau nên hơi nước từ môi trường không khí dễ dàng xâm nhập hơn. Độ ẩm tăng làm
giảm cường độ và tăng hệ số dẫn nhiệt của bê tông nhẹ, khi độ ẩm tăng 1% thì
cường độ giảm 10 - 15% và hệ số dẫn nhiệt tăng 6 - 8% so với bê tông hoàn toàn
khô. Vì vậy, đối với gạch bê tông nhẹ, việc bảo quản để sản phẩm trước khi sử dụng
tránh tiếp xúc trực tiếp với môi trường không khí có độ ẩm tương đối cao là rất
quan trọng.
b) Độ hút nước và tính thấm nước
Độ hút nước của vật liệu: Là khả năng hút và giữ nước của nó ở điều kiện thường và
được xác định bằng cách ngâm mẫu vào trong nước đến trạng thái bão hòa nước. Trạng
thái bão hòa nước là trạng thái mà sau khi ngâm mẫu trong nước đến một khoảng thời
gian nhất định, khối lượng của mẫu đều không đổi (không tăng thêm do nước không thể
xâm nhập thêm vào mẫu) sau hai quá trình cân mẫu liên tiếp. Trong điều kiện đó, nước
chỉ có thể chui vào những lỗ rỗng hở. Do đó, độ hút nước luôn nhỏ hơn độ rỗng của vật
liệu. Độ hút nước của vật liệu thường được xác định theo khối lượng (Hp, %), nếu khối

29
lượng của mẫu sau khi ngâm nước là mu và khối lượng của mẫu sau khi sấy khô là mk
thì độ hút nước theo khối lượng là Hp = 100% × (mu – mk)/mk.
Đối với gạch không nung, do có cấu trúc khác nhau nên độ hút nước cũng rất
khác nhau, gạch bê tông có cấu trúc đặc chắc nên độ hút nước không cao, độ hút
nước ở trạng thái bão hoà khoảng 4 - 8%; gạch bê tông bọt, khí chưng áp và không
chưng áp có cấu trúc lỗ rỗng nên độ hút nước ở trạng thái bão hòa rất lớn, độ hút
nước của gạch bê tông bọt, khí không chưng áp khoảng 20 - 25% và của gạch
bê tông khí chưng áp có thể lên đến khoảng 50 - 60%.
Khi hút nước, khối lượng thể tích của gạch bê tông tăng lên làm tăng tải trọng
công trình, giảm cường độ cũng như khả năng cách nhiệt, vì vậy cần phải áp dụng
các biện pháp làm giảm độ hút nước cho gạch bê tông, đặc biệt là gạch bê tông nhẹ
bằng cách tạo các lỗ rỗng kín, tăng khả năng chống thấm cho phần vách bê tông tạo
ra các lỗ rỗng bằng cách dùng các loại phụ gia kị nước hoặc tăng độ đặc (giảm tỷ lệ
nước/xi măng) cho bê tông, phủ bề mặt tiếp xúc trực tiếp với nước của gạch bê tông
bằng các loại vữa, màng chống thấm, …
Tính thấm nước: Dưới tác dụng của áp lực nước vật liệu bị nước thấm qua gọi là
tính thấm nước của vật liệu. Độ hút nước của vật liệu còn ảnh hưởng trực tiếp đến
khả năng thấm nước của vật liệu, độ hút nước càng cao thì khả năng bị thấm nước
càng lớn. Đối với tường xây bao che bên ngoài công trình (tiếp xúc trực tiếp với môi
trường) bằng gạch bê tông, gạch bê tông bọt, khí không chưng áp và gạch bê tông
khí chưng áp thì cần phải có biện pháp giảm độ hút nước của gạch xây hoặc dùng
các biện pháp khác như trát vữa chống thấm lên mặt tường ngoài trời, tạo lớp vật
liệu chống thấm độc lập phía mặt tường ngoài để hạn chế khả năng kết cấu tường bị
thấm nước từ bên ngoài vào bên trong.

1.3.4. Biến dạng ẩm


Vật liệu rỗng hữu cơ hoặc vô cơ (ví dụ gỗ, bê tông) khi độ ẩm thay đổi thì thể
tích và kích thước của chúng cũng thay đổi, bị co khi sấy khô và trương nở khi hút
nước. Hiện tượng co xẩy ra do giảm chiều dày của lớp nước bao quanh các phần tử
vật liệu, các phần tử đó có khuynh hướng xích lại gần nhau. Hiện tượng trương nở
xẩy ra do các phân tử nước có cực khi xâm nhập vào khe hở giữa các phần tử vật
liệu sẽ đẩy các phần tử này thêm xa nhau ra, lớp vỏ hydrat càng dày thêm làm cho
kích thước và thể tích vật liệu tăng lên.
Hiện tượng co khô của bê tông xi măng poóc lăng nói chung và của bê tông nhẹ nói
riêng thường dẫn đến co kích thước sau khi đóng rắn của bê tông theo thời gian. Độ co
khô của bê tông bọt, khí không chưng áp có khối lượng thể tích 600 - 800 kg/m3 đóng

30
rắn trong điều kiện tự nhiên ở tuổi 10 tháng có thể đạt 5 mm/m, với khối lượng thể
tích 1300 kg/m3 có thể đạt 0,2 mm/m. Độ co khô của bê tông khí chưng áp với độ
ẩm 2 - 3% có thể đạt 0,4 - 0,6 mm/m. Quá trình cacbonat hóa cũng có thể làm tăng
thêm độ co tương ứng 1,0 - 1,4 mm/m.
Đặc biệt, do bê tông nhẹ có khả năng hút nước và hấp phụ hơi ẩm cao nên nếu
kết cấu khối xây gạch bê tông nhẹ có tiếp xúc với môi trường có độ ẩm cao rất dễ
hút ẩm. Khi độ ẩm không khí giảm, độ ẩm khối xây lại cũng giảm do nước bay hơi.
Sự hút ẩm, thoát ẩm có thể lặp đi lặp lại, làm cho khối xây co, nở liên tục dẫn đến
hiện tượng nứt khối xây, phá hoại kết cấu tường, lớp vữa trát bảo vệ bên ngoài bị
bong, tróc.
Để hạn chế ảnh hưởng có hại do sự co, nở gây ra, tiêu chuẩn TCVN 7959:2011
quy định độ co khô của gạch bê tông khí chưng áp không lớn hơn 0,2 mm/m, tiêu
chuẩn TCVN 9029:2017 quy định độ co khô của gạch bê tông bọt, khí không chưng
áp là không lớn hơn 0,3%.

1.3.5. Hệ số dẫn nhiệt


Tính dẫn nhiệt của vật liệu là tính chất để cho nhiệt truyền qua từ mặt này sang
mặt kia của vật liệu khi có sự chênh lệch nhiệt độ giữa hai mặt.
Tính dẫn nhiệt của vật liệu được thể hiện bằng hệ số dẫn nhiệt. Hệ số dẫn nhiệt
(λ) của vật liệu phụ thuộc vào nhiều yếu tố như loại vật liệu, cấu trúc, độ rỗng và
tính chất lỗ rỗng. Độ dẫn nhiệt của không khí rất bé (λ = 0,02 kcal/m.0C.h) so với độ
dẫn nhiệt của vật liệu rắn, vì vậy vật liệu càng rỗng (khối lượng thể tích càng bé) thì
khả năng dẫn nhiệt càng kém (cách nhiệt tốt). Vật liệu càng ẩm (hệ số dẫn nhiệt của
nước λ = 0,5 kcal/m.0C.h) thì khả năng dẫn nhiệt càng tốt (cách nhiệt kém).
Do khối lượng thể tích của gạch bê tông thường không dao động nhiều nên hệ số
dẫn nhiệt không thay đổi nhiều. Hệ số dẫn nhiệt của bê tông nhẹ phụ thuộc nhiều
vào khối lượng thể tích và độ ẩm nên khi khối lượng thể tích và độ ẩm của gạch
bê tông nhẹ càng nhỏ thì khả năng cách nhiệt càng lớn.
Hệ số dẫn nhiệt của gạch bê tông lớn hơn nhiều so với gạch bê tông nhẹ nên đối với
kết cấu khối xây, đặc biệt là khối xây tường bao che bên ngoài thì khi sử dụng gạch
bê tông nhẹ sẽ có khả năng cách nhiệt tốt hơn, làm cho ngôi nhà ấm vào mùa đông,
mát vào mùa hè, dẫn đến làm giảm chi phí điện trong quá trình vận hành tòa nhà.

1.4. CÔNG NGHỆ SẢN XUẤT GẠCH KHÔNG NUNG


Tài liệu này chỉ giới thiệu tóm tắt công nghệ sản xuất ba sản phẩm gạch không
nung chính, hiện đang được sản xuất và sử dụng nhiều nhất là gạch bê tông; gạch

31
bê tông bọt, khí không chưng áp và gạch bê tông khí chưng áp. Công nghệ sản xuất
gạch bê tông và gạch bê tông khí chưng áp được trình bày trong các mô đun chuyên
sâu của chương trình đào tạo của dự án “Tăng cường sản xuất và sử dụng gạch
không nung ở Việt Nam”.

1.4.1. Công nghệ sản xuất gạch bê tông


a) Sơ đồ dây chuyền công nghệ sản xuất
Hiện nay có hai công nghệ sản xuất gạch bê tông là công nghệ rung - ép và công
nghệ ép tĩnh. Đặc điểm khác nhau cơ bản của hai công nghệ này là thiết bị tạo hình
sản phẩm. Đối với công nghệ rung - ép, thiết bị tạo hình sản phẩm tạo ra cả hai loại
lực là lực rung và lực ép, thiết bị tạo hình sản phẩm theo công nghệ ép tĩnh chỉ tạo ra
lực ép.
Công nghệ rung - ép có công suất lớn, có thể sử dụng đa dạng các loại cốt liệu có
kích thước khác nhau. Công nghệ ép tĩnh phù hợp với phối liệu sử dụng cốt liệu
mịn, quy mô công suất nhỏ. Gạch sản xuất theo công nghệ này có bề mặt nhẵn, hình
dạng, kích thước tương tự như gạch đất sét nung truyền thống. Nhược điểm của
công nghệ này là: Khó thay đổi mẫu mã sản phẩm, không sản xuất được sản phẩm
có kích thước lớn.
Sơ đồ dây chuyền công nghệ sản xuất gạch bê tông được trình bày trong hình 1.11.
Công nghệ sản xuất gạch bê tông bao gồm các công đoạn sau:
- Chuẩn bị nguyên liệu: Các nguyên liệu chính gồm xi măng, tro bay, mạt đá, cát
được đưa lên silo và bunke chứa. Nước được chứa trong thùng chứa.
- Định lượng:
+ Mạt đá, cát được tháo từ bunke chứa xuống xe cân định lượng bằng điện tử,
sau đó được đổ vào máy trộn;
+ Xi măng tro bay được tháo từ silo xuống bằng vít xoắn ruột gà và định lượng
trước khi đổ vào máy trộn;
+ Nước được bơm định lượng vào máy trộn.
Đây là công đoạn quan trọng, ảnh hưởng nhiều đến chất lượng sản phẩm nếu các
thiết bị định lượng không chính xác, không đảm bảo định lượng được đúng khối
lượng các loại vật liệu theo cấp phối yêu cầu.
- Trộn phối liệu:
Sau khi định lượng, hỗn hợp phối liệu được trộn khô trong khoảng 30 giây. Sau
đó nước được định lượng và đưa vào trộn cùng vật liệu rắn thành hỗn hợp phối liệu

32
đồng nhất. Độ ẩm hỗn hợp phối liệu khoảng 5%, tổng thời gian trộn từ 60 đến
70 giây.

Hình 1.11: Sơ đồ công nghệ sản xuất gạch bê tông

- Tạo hình sản phẩm:


Ở các dây chuyền có quy mô công suất vừa và lớn (cơ giới hóa), hỗn hợp phối
liệu được tháo từ máy trộn ra băng tải và đưa vào phễu gạt máy tạo hình. Tại đây
hỗn hợp phối liệu được gạt xuống các ô khuôn tạo hình sản phẩm.
Hỗn hợp phối liệu được làm chặt bởi lực rung và ép (khi tạo hình bằng công
nghệ rung - ép) hoặc lực ép (khi tạo hình bằng công nghệ ép tĩnh). Biên độ rung từ
3 - 5mm, tần số rung khoảng 2800 lần/phút. Lực ép từ 0,5 - 1,0 MPa.
- Bảo dưỡng sản phẩm:
Sau khi tạo hình, sản phẩm được bảo dưỡng để đạt được cường độ nén yêu cầu
để có thể xuất xưởng. Có thể bảo dưỡng gạch bê tông theo một trong hai phương
pháp sau:
+ Bảo dưỡng tự nhiên: Gạch bê tông sau khi được tạo hình xong được xếp lên
các palet, vận chuyển đến vị trí tập kết, sử dụng nhiệt độ, độ ẩm của môi trường để
dưỡng hộ. Đối với điều kiện khí hậu nóng ẩm của Việt Nam nên sử dụng dưỡng hộ

33
trong bao kín polyetylen ngoài trời hoặc trong nhà có mái che có độ xuyên sáng tốt.
Phương pháp này sẽ kéo dài thời gian dưỡng hộ sản phẩm, lâu xuất xưởng và tốn
diện tích mặt bằng sản xuất;
+ Dưỡng hộ nhiệt ẩm: Quá trình cứng rắn của bê tông dài hơn các thao tác công
nghệ chế tạo viên gạch. Dưỡng hộ nhiệt ẩm cho phép rút ngắn quá trình cứng rắn
của bê tông, đây là một trong những khâu cần thiết của việc chế tạo gạch bê tông
trong các nhà máy, đặc biệt là nhà máy có công suất lớn. Dưỡng nhiệt ẩm thường
bằng hơi nước có nhiệt độ dưới 900C, trong trường hợp này nên thiết kế nhà máy có
hệ thống sử dụng năng lượng mặt trời. Dưỡng hộ nhiệt ẩm trong quá trình sản xuất
gạch bê tông cho phép tăng nhanh vòng quay của khuôn, nâng cao hệ số sử dụng
thiết bị, giảm diện tích sản xuất và rút ngắn thời gian của chu trình sản xuất.

a) Thiết bị tạo hình bằng rung ép b) Thiết bị tạo hình bằng ép tĩnh

Hình 1.12: Thiết bị tạo hình gạch bê tông

b) Các thiết bị công nghệ chính


Các thiết bị công nghệ chính trong dây chuyền sản xuất gạch bê tông bao gồm:
- Si lô chứa xi măng, tro bay;
- Bunke chứa mạt đá, cát;
- Thùng chứa nước trộn phối liệu;
- Hệ thống định lượng các nguyên liệu;
- Máy trộn phối liệu;
- Hệ thống băng tải vận chuyển phối liệu đến máy tạo hình;
- Máy rung - ép hoặc máy ép tĩnh tạo hình sản phẩm;

34
- Khuôn tạo hình sản phẩm;
- Hệ thống tách và xếp sản phẩm;
- Hệ thống dưỡng hộ sản phẩm;
- Máy xúc, xe nâng.
c) Nguyên liệu sản xuất:
- Xi măng:
Xi măng để sản xuất gạch bê tông có thể sử dụng nhiều loại khác nhau, trong đó
có hai loại thường được sử dụng là xi măng poóc lăng (PC) theo tiêu chuẩn TCVN
2682:2009 và xi măng poóc lăng hỗn hợp (PCB) theo tiêu chuẩn TCVN 6260:2009.
- Cốt liệu:
Công nghệ rung - ép do chịu sự tác tác dụng của cả lực rung và lực ép nên có thể
sử dụng cốt liệu lớn là mạt đá (Dmax 10 mm), cốt liệu nhỏ là cát.
Công nghệ ép tĩnh dùng tác dụng cơ học của lực máy ép để ép chặt các thành
phần vật liệu vào với nhau để tạo thành một thể đồng nhất, do vậy trong công nghệ
ép tĩnh thường chỉ sử dụng cốt liệu mịn là cát (Dmax 1,25 mm). Khi sử dụng cốt liệu
có Dmax lớn hơn cần tính toán bài toán phối liệu hợp lý để khi ép các thành phần hạt
mịn lấp đầy được các lỗ rỗng giữa các hạt cốt liệu lớn, đảm bảo viên gạch được ép
có độ đặc chắc cao nhất và cho cường độ lớn nhất.
Các chỉ tiêu và mức chất lượng của cốt liệu sử dụng cần thỏa mãn tiêu chuẩn
TCVN 7570:2006.
- Phụ gia khoáng:
Phụ gia khoáng được sử dụng phổ biến hiện nay là tro bay của các nhà máy nhiệt
điện đốt than. Các chỉ tiêu và mức chất lượng của tro bay cần thỏa mãn tiêu chuẩn
TCVN 10302:2014.
- Nước trộn:
Nước trộn phối liệu có các chỉ tiêu và mức chất lượng thỏa mãn tiêu chuẩn
TCVN 4506:2012.
- Các loại vật liệu khác:
Khi sử dụng các loại vật liệu khác cần đảm bảo đạt chất lượng theo các tiêu
chuẩn hiện hành của Việt Nam và thế giới về loại vật liệu đó.

1.4.2. Công nghệ sản xuất gạch bê tông bọt, khí không chưng áp
Hiện nay ở Việt Nam đang sản xuất 2 loại bê tông tổ ong là bê tông bọt và
bê tông khí không chưng áp.

35
Bê tông bọt được tạo rỗng bằng cách tạo bọt trước bằng các chất tạo bọt sau đó trộn
bọt vào hỗn hợp vữa dẻo đã được chuẩn bị gồm chất kết dính, cốt liệu mịn và một lượng
nước cần thiết, hỗn hợp sau khi tạo hình và cứng rắn tạo thành bê tông bọt.
Bê tông khí được tạo rỗng bằng cách dùng chất tạo khí trộn đều với hỗn hợp vữa
đã được nhào trộn gồm chất kết dính, cốt liệu mịn và một lượng nước cần thiết, sản
phẩm khí tạo ra làm cho hỗn hợp bê tông nở phồng trong khuôn, sau khi kết thúc
quá trình tạo khí hỗn hợp bê tông rắn chắc lại thành bê tông khí.

1.4.2.1. Công nghệ sản xuất bê tông bọt không chưng áp


a) Sơ đồ dây chuyền công nghệ sản xuất
Sơ đồ dây chuyền công nghệ sản xuất gạch bê tông bọt không chưng áp được
trình bày như hình 1.13.

Hình 1.13: Sơ đồ công nghệ sản xuất gạch bê tông bọt không chưng áp
Công nghệ sản xuất gạch bê tông bọt không chưng áp bao gồm các công đoạn sau:
- Chuẩn bị nguyên liệu:
Các nguyên liệu chính gồm xi măng, tro bay, cát được đưa lên silo và bunke
chứa. Nước được chứa trong thùng chứa.

36
- Định lượng:
+ Cát được tháo từ bunke chứa xuống xe cân định lượng bằng điện tử, sau đó
được đổ vào máy trộn;
+ Xi măng, tro bay được tháo từ silo xuống bằng vít xoắn ruột gà và định lượng
trước khi đổ vào máy trộn;
+ Nước và phụ gia hóa học được bơm định lượng vào máy trộn;
+ Bọt kỹ thuật sau khi chế tạo được bơm định lượng vào máy trộn.
Đây là công đoạn quan trọng, ảnh hưởng nhiều đến chất lượng sản phẩm nếu các
thiết bị định lượng không chính xác, không đảm bảo định lượng được đúng khối
lượng các loại vật liệu theo cấp phối yêu cầu.
- Chế tạo bọt kỹ thuật:
Phụ gia tạo bọt được hòa vào nước theo tỷ lệ khuyến cáo của nhà sản xuất. Dung
dịch tạo bọt này và khí nén được cấp vào thiết bị tạo bọt để chế tạo bọt kỹ thuật. Bọt
kỹ thuật tạo thành được cấp vào máy trộn qua súng phun bọt.
Bọt kỹ thuật cần được kiểm tra các tính chất như hệ số tạo bọt, hệ số hao hụt theo
thời gian, hệ số tương thích của bọt với xi măng. Các hệ số này rất quan trọng cho
việc đáng giá chất lượng bọt, đưa ra lượng dùng, chế độ và phương pháp tạo hình,
bảo dưỡng sản phẩm hợp lý.

Hình 1.14: Bọt kỹ thuật sau khi chế tạo và kiểm tra khối lượng thể tích
hỗn hợp bê tông bọt sau khi trộn

- Trộn phối liệu:


Sau khi định lượng, các thành phần xi măng, tro bay, cát, phụ gia hóa học, nước
được trộn đều tạo thành hỗn hợp vữa dẻo. Hỗn hợp vữa sau khi trộn được kiểm tra

37
độ dẻo đạt yêu cầu sẽ cho bọt kỹ thuật vào và trộn đều tạo thành hỗn hợp bê tông
bọt. Kiểm soát lượng bọt kỹ thuật đưa vào sao cho khối lượng thể tích của hỗn hợp
vữa - bọt đạt yêu cầu thiết kế. Thời gian để có được hỗn hợp chứa bọt ổn định không
được nhỏ hơn 3 phút, quá trình tạo hình sản phẩm không được chậm quá 30 phút.
- Tạo hình sản phẩm:
Hỗn hợp bê tông bọt sau khi trộn được đổ khuôn để tạo hình sản phẩm.
Sản phẩm có thể được tạo hình bằng cách đổ hỗn hợp bê tông bọt vào khuôn có
kích thước đúng bằng kích thước sản phẩm yêu cầu (định hình sẵn) hoặc đổ vào
khuôn có kích thước lớn, sau đó cắt khối bê tông thành các sản phẩm có kích thước
yêu cầu. Việc tạo hình bằng khuôn có kích thước lớn sau đó cắt thành các sản phẩm
có kích thước yêu cầu sẽ làm tăng công suất dây chuyền sản xuất, giảm được số
lượng khuôn cần sử dụng.

a) Tạo hình bằng khuôn có kích thước định hình sẵn

b) Tạo hình bằng khuôn có kích thước lớn và sản phẩm sau khi cắt khối
Hình 1.15: Tạo hình sản phẩm gạch bê tông bọt không chưng áp

38
- Quá trình cứng rắn bê tông bọt:
Trong giai đoạn đầu, quá trình cứng rắn của bê tông bọt diễn ra ở điều kiện tự
nhiên. Sản phẩm sau khi tạo hình phải tiến hành bảo dưỡng cẩn thận trong vòng
4 - 6 ngày kể từ khi tạo hình. Trong điều kiện thời tiết khô nóng, bê tông bọt mới tạo
hình cần tránh sự tác động trực tiếp từ mặt trời và gió, có thể áp dụng các biện pháp
bảo dưỡng như phủ bề mặt hở bằng vật liệu không thấm nước, phủ nước lên bề mặt
sản phẩm, phun nước kết hợp che đậy giữ ẩm cho bê tông. Mục đích của việc bảo
dưỡng này là duy trì nhiệt độ, độ ẩm cần thiết cho xi măng thủy hóa tốt và tạo cường
độ ban đầu của sản phẩm đủ để tháo khuôn và cắt khối sản phẩm.
- Gia công cắt khối và hoàn thiện sản phẩm bê tông bọt:
Nếu sử dụng phương pháp chế tạo gạch từ một khối bê tông bọt thì cần phải tiến
hành gia công cắt khối bê tông bọt thành các viên gạch có kích thước thiết kế định
sẵn bằng máy cắt.
Khối bê tông bọt sau khi cứng rắn và tháo khuôn được đưa lên bàn máy cắt thành
các viên có kích thước định sẵn. Những viên bị sứt mẻ trong quá trình gia công cắt
khối sẽ bị loại bỏ.
- Bảo dưỡng sản phẩm:
Sau khi tạo hình, tháo khuôn và cắt khối, sản phẩm được bảo dưỡng để đạt được
cường độ nén yêu cầu cho xuất xưởng. Có thể bảo dưỡng gạch bê tông bọt theo một
trong hai phương pháp sau:
+ Bảo dưỡng tự nhiên: Gạch bê tông bọt sau khi tạo hình, tháo khuôn và cắt khối
được xếp lên các palet, vận chuyển đến vị trí tập kết, sử dụng nhiệt độ, độ ẩm của
môi trường để dưỡng hộ. Đối với điều kiện khí hậu nóng ẩm của Việt Nam nên sử
dụng dưỡng hộ trong bao kín polyetylen ngoài trời hoặc trong nhà có mái che có độ
xuyên sáng tốt. Phương pháp này sẽ kéo dài thời gian bảo dưỡng sản phẩm, lâu xuất
xưởng và tốn diện tích mặt bằng sản xuất;
+ Dưỡng hộ nhiệt ẩm: Quá trình cứng rắn của bê tông bọt dài hơn các thao tác
công nghệ chế tạo viên gạch. Dưỡng hộ nhiệt ẩm cho phép rút ngắn quá trình
cứng rắn của bê tông, đây là một trong những khâu cần thiết của việc chế tạo
gạch bê tông bọt trong các nhà máy, đặc biệt là nhà máy có công suất lớn. Dưỡng
nhiệt ẩm thường bằng hơi nước có nhiệt độ dưới 900C, trong trường hợp này nên
thiết kế nhà máy có hệ thống sử dụng năng lượng mặt trời. Dưỡng hộ nhiệt ẩm
trong quá trình sản xuất gạch bê tông bọt cho phép tăng nhanh vòng quay của
khuôn, nâng cao hệ số sử dụng thiết bị, giảm diện tích sản xuất và rút ngắn thời
gian của chu trình sản xuất.

39
- Đóng kiện sản phẩm:
Các sản phẩm gạch bê tông bọt không chưng áp sau quá trình bảo dưỡng đạt
cường độ nén yêu cầu cho xuất xưởng sẽ được đóng thành các kiện sản phẩm. Kiện
sản phẩm gạch bê tông bọt chưa xuất xưởng được để trong kho có mái che để tránh
mưa gió, khi xuất xưởng phải được bao phủ bằng lớp vải nilon để tránh mưa gió.
b) Các thiết bị công nghệ chính
Các thiết bị công nghệ chính trong dây chuyền sản xuất gạch bê tông bọt không
chưng áp bao gồm:
- Si lô chứa xi măng, tro bay; bunke chứa cát; thùng chứa nước;
- Hệ thống định lượng các nguyên liệu;
- Máy tạo bọt, máy nén khí;
- Máy trộn hỗn hợp bê tông;
- Xe chở hỗn hợp bê tông bọt;
- Khuôn tạo hình sản phẩm;
- Máy cắt sản phẩm theo kích thước yêu cầu;
- Hệ thống dưỡng hộ sản phẩm.
c) Nguyên liệu sản xuất
- Xi măng:
Xi măng để sản xuất gạch bê tông bọt không chưng áp có thể sử dụng nhiều
loại khác nhau, trong đó có hai loại thường được sử dụng là xi măng poóc lăng
(PC) theo tiêu chuẩn TCVN 2682:2009 và xi măng poóc lăng hỗn hợp (PCB) theo
tiêu chuẩn TCVN 6260:2009.
- Cốt liệu:
Cốt liệu mịn là cát, có thể sử dụng cát vàng hoặc cát đen. Các chỉ tiêu và mức
chất lượng của cát sử dụng cần thỏa mãn tiêu chuẩn TCVN 7570:2006.
- Phụ gia khoáng:
Phụ gia khoáng được sử dụng phổ biến hiện nay là tro bay của các nhà máy nhiệt
điện đốt than. Các chỉ tiêu và mức chất lượng của tro bay cần thỏa mãn tiêu chuẩn
TCVN 10302:2014.
- Phụ gia hóa học:
Phụ gia hóa học được sử dụng là phụ gia dẻo hóa hoặc siêu dẻo nhằm mục đích
tăng độ dẻo hỗn hợp vữa bê tông và giảm lượng nước nhào trộn. Các chỉ tiêu và mức
chất lượng của phụ gia hóa học sử dụng cần thỏa mãn tiêu chuẩn TCVN 8826:2011.

40
- Nước trộn:
Nước trộn phối liệu có các chỉ tiêu và mức chất lượng thỏa mãn tiêu chuẩn
TCVN 4506:2012.
- Chất tạo bọt:
Sử dụng chất tạo bọt theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất. Yêu cầu đối với
chất tạo bọt là phải có hệ số tạo bọt cao, bọt có độ bền lâu cao để duy trì các bong
bóng khí trong hỗn hợp bê tông cho đến khi bê tông đóng rắn.

1.4.2.2. Công nghệ sản xuất bê tông khí không chưng áp


a) Sơ đồ dây chuyền công nghệ sản xuất
Sơ đồ dây chuyền công nghệ sản xuất gạch bê tông khí không chưng áp được
trình bày như hình 1.16.

Hình 1.16: Sơ đồ công nghệ sản xuất gạch bê tông khí không chưng áp

41
Công nghệ sản xuất gạch bê tông khí không chưng áp bao gồm các công đoạn sau:
- Chuẩn bị nguyên liệu: Các nguyên liệu chính gồm xi măng, bột vôi, tro bay, cát
mịn được đưa lên silo và bunke chứa. Nước được chứa trong thùng chứa.
- Định lượng:
+ Cát được tháo từ bunke chứa xuống xe cân định lượng bằng điện tử, sau đó
được đổ vào máy trộn;
+ Xi măng, bột vôi, tro bay được tháo từ silo xuống bằng vít xoắn ruột gà và định
lượng trước khi đổ vào máy trộn;
+ Nước và phụ gia hóa học được bơm định lượng vào máy trộn;
+ Huyền phù bột nhôm sau khi chuẩn bị được bơm định lượng vào máy trộn.
Đây là công đoạn quan trọng, ảnh hưởng nhiều đến chất lượng sản phẩm nếu các
thiết bị định lượng không chính xác, không đảm bảo định lượng được đúng khối
lượng các loại vật liệu theo cấp phối yêu cầu.
- Chế tạo huyền phù bột nhôm:
Bột nhôm, nước và phụ gia hoạt tính bề mặt dùng để phá lớp axit béo bao bọc hạt
bột nhôm được định lượng và đưa vào máy khuấy để phá vỡ lớp màng bảo vệ và tạo
thành huyền phù bột nhôm trước khi cho vào máy trộn. Quá trình chế tạo huyền phù
bột nhôm được tiến hành song song với quá trình trộn hỗn hợp vữa bê tông.
- Trộn phối liệu:
Sau khi định lượng, các thành phần xi măng, bột vôi, tro bay, cát, nước được trộn
đều tạo thành hỗn hợp vữa đạt độ dẻo cần thiết, sau đó cho huyền phù bột nhôm vào
và trộn đều tạo thành hỗn hợp bê tông khí. Kiểm soát lượng huyền phù bột nhôm
đưa vào sao cho khối lượng thể tích của hỗn hợp vữa – khí đạt yêu cầu thiết kế.
- Tạo hình sản phẩm:
Hỗn hợp bê tông khí sau khi trộn được đổ khuôn để tạo hình sản phẩm.
Sản phẩm có thể được tạo hình bằng cách đổ hỗn hợp bê tông khí vào khuôn có
kích thước đúng bằng kích thước sản phẩm yêu cầu (định hình sẵn) hoặc đổ vào
khuôn có kích thước lớn, sau đó cắt khối bê tông thành các sản phẩm có kích thước
yêu cầu. Việc tạo hình bằng khuôn có kích thước lớn sau đó cắt thành các sản phẩm
có kích thước yêu cầu sẽ làm tăng công suất dây chuyền sản xuất, giảm được số
lượng khuôn cần sử dụng.
- Gia công cắt khối và hoàn thiện sản phẩm bê tông khí:
Sau khi hỗn hợp bê tông được đổ vào khuôn, khuôn được di chuyển đến vị trí
tĩnh định. Khi hỗn hợp bê tông mất tính dẻo mới được cắt phần chỏm thừa trên mặt

42
khuôn. Tùy thuộc vào thời tiết, thời gian cắt phần chỏm vữa thừa và cắt khối sản
phẩm khoảng 3 - 6 tiếng kể từ lúc đổ hỗn hợp bê tông vào khuôn.
Nếu sử dụng phương pháp chế tạo gạch từ một khối bê tông khí thì cần phải tiến
hành gia công cắt khối bê tông khí thành các viên gạch có kích thước thiết kế định
sẵn, khi đó sử dụng máy cắt.
Khối bê tông khí sau khi cứng rắn và tháo khuôn được đưa lên bàn máy cắt thành
các viên có kích thước định sẵn. Những viên bị sứt mẻ trong quá trình gia công cắt
khối sẽ bị loại bỏ.
- Bảo dưỡng sản phẩm:
Sau khi tạo hình, tháo khuôn và cắt khối, sản phẩm được bảo dưỡng để đạt được
cường độ nén yêu cầu cho xuất xưởng. Có thể bảo dưỡng gạch bê tông khí theo một
trong hai phương pháp sau:
+ Bảo dưỡng tự nhiên: Gạch bê tông khí sau khi tạo hình, tháo khuôn và cắt khối
được xếp lên các palet, vận chuyển đến vị trí tập kết, sử dụng nhiệt độ, độ ẩm của
môi trường để dưỡng hộ. Đối với điều kiện khí hậu nóng ẩm của Việt Nam nên sử
dụng dưỡng hộ trong bao kín polyetylen ngoài trời hoặc trong nhà có mái che có độ
xuyên sáng tốt. Phương pháp này sẽ kéo dài thời gian bảo dưỡng sản phẩm, lâu xuất
xưởng và tốn diện tích mặt bằng sản xuất;
+ Dưỡng hộ nhiệt ẩm: Quá trình cứng rắn của bê tông khí dài hơn các thao tác
công nghệ chế tạo viên gạch. Dưỡng hộ nhiệt ẩm cho phép rút ngắn quá trình cứng
rắn của bê tông, đây là một trong những khâu cần thiết của việc chế tạo gạch bê tông
khí trong các nhà máy, đặc biệt là nhà máy có công suất lớn. Dưỡng nhiệt ẩm
thường bằng hơi nước có nhiệt độ dưới 90oC, trong trường hợp này nên thiết kế nhà
máy có hệ thống sử dụng năng lượng mặt trời. Dưỡng hộ nhiệt ẩm trong quá trình
sản xuất gạch bê tông bọt cho phép tăng nhanh vòng quay của khuôn, nâng cao hệ số
sử dụng thiết bị, giảm diện tích sản xuất và rút ngắn thời gian của chu trình sản xuất.
- Đóng kiện sản phẩm:
Các sản phẩm gạch bê tông khí không chưng áp sau quá trình bảo dưỡng đạt
cường độ nén yêu cầu cho xuất xưởng sẽ được đóng thành các kiện sản phẩm. Kiện
sản phẩm gạch bê tông khí chưa xuất xưởng được để trong kho có mái che để tránh
mưa gió, khi xuất xưởng phải được bao phủ bằng lớp vải nilon để tránh mưa gió.
b) Các thiết bị công nghệ chính
Các thiết bị công nghệ chính trong dây chuyền sản xuất gạch bê tông khí không
chưng áp bao gồm:
- Si lô chứa xi măng, bột vôi, tro bay;

43
- Bunke chứa cát;
- Thùng chứa nước trộn phối liệu;
- Hệ thống định lượng các nguyên liệu;
- Máy khuấy tạo huyền phù bột nhôm;
- Máy trộn hỗn hợp bê tông;
- Xe chở hỗn hợp bê tông khí;
- Khuôn tạo hình sản phẩm;
- Máy cắt sản phẩm theo kích thước yêu cầu.
c) Nguyên liệu sản xuất
- Xi măng:
Xi măng để sản xuất gạch bê tông khí không chưng áp có thể sử dụng nhiều loại
khác nhau, trong đó có hai loại thường được sử dụng là xi măng poóc lăng (PC) theo
tiêu chuẩn TCVN 2682:2009 và xi măng poóc lăng hỗn hợp (PCB) theo tiêu chuẩn
TCVN 6260:2009.
- Bột vôi:
Vôi được nghiền đến độ mịn sao cho lượng còn lại trên sàng 0,09 mm khoảng
5 - 10%, lượng CaO hoạt tính lớn hơn 85%.
- Cốt liệu:
Cốt liệu mịn là cát, các chỉ tiêu và mức chất lượng của cát sử dụng cần thỏa mãn
tiêu chuẩn TCVN 7570:2006.
- Phụ gia khoáng:
Phụ gia khoáng được sử dụng phổ biến hiện nay là tro bay của các nhà máy nhiệt
điện đốt than. Các chỉ tiêu và mức chất lượng của tro bay cần thỏa mãn tiêu chuẩn
TCVN 10302:2014.
- Phụ gia hóa học:
Phụ gia hóa học được sử dụng là phụ gia dẻo hóa hoặc siêu dẻo nhằm mục đích
tăng độ dẻo hỗn hợp vữa bê tông và giảm lượng nước nhào trộn. Các chỉ tiêu và mức
chất lượng của phụ gia hóa học sử dụng cần thỏa mãn tiêu chuẩn TCVN 8826:2011.
- Nước trộn:
Nước trộn phối liệu có các chỉ tiêu và mức chất lượng thỏa mãn tiêu chuẩn
TCVN 4506:2012.
- Phụ gia hoạt tính bề mặt:
Sử dụng các loại phụ gia hoạt tính bề mặt có tác dụng phá vỡ lớp axit béo bao
bọc bề mặt hạt bột nhôm.

44
- Chất tạo khí:
Sử dụng chất tạo khí là bột nhôm theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất.

1.4.3. Công nghệ sản xuất gạch bê tông khí chưng áp


a) Sơ đồ dây chuyền công nghệ sản xuất
Sơ đồ dây chuyền công nghệ sản xuất gạch bê tông khí chưng áp được trình bày
như hình 1.17.

Tro Thạch
Th¹ch Xi Bột
Bét
C¸t
Cát Tro bay
bay V«i
Vôi cao Xi măng
m¨ng
N−íc
Nước nhôm
nh«m
cao

Định
Định Định
Định Định Định
Định
Nghiền
Nghiền lượng
lượng Nghiền
Nghiền lượng
lượng lượng
lượng lượng
lượng

Định
Định Định
lượng
lượng lượng
lượng

Máy trộn Máy


Máy khuấy
khuấy huyền
Vữathừa
Vữa thừa Máy trộn Định
Định lượng
lượng phù
phù bột nhôm

Đổ khuôn Phụ gia hoạt


Phụ gia hoạt
Đổ khuôn tính
tính bề mặt
bề mặt

Máy cắt
Máy cắt

Chưng áp
Chưng áp

Dỡ
Dỡ sản phẩm
sản phẩm

Đóng
Đóngkiện
kiện

Hình 1.17: Sơ đồ công nghệ sản xuất gạch bê tông khí chưng áp

45
Công nghệ sản xuất gạch bê tông khí chưng áp bao gồm các công đoạn:
- Gia công và chuẩn bị nguyên liệu:
Các nguyên liệu chính gồm xi măng, vôi, tro bay, cát được đưa lên silo và bunke
chứa. Nước được chứa trong thùng chứa.
Nguyên liệu chứa SiO2 (cát) được nghiền bằng máy nghiền bi (thường nghiền
ướt thành dạng huyền phù) đến độ mịn 10 - 25% lượng sót trên sàng 90µm. Huyền
phù sau khi nghiền được chứa trong các bể chứa trung gian và được khuấy liên tục
nhằm tránh sa lắng cho đến khi được bơm vào máy trộn. Phần vật liệu nở quá miệng
khuôn sau khi được cắt khỏi khối bán thành phẩm cũng được đưa vào bể huyền phù
riêng sau đó được đưa vào máy trộn cùng với huyền phù từ nguyên liệu mới nghiền.
Vôi và thạch cao được nghiền bằng máy nghiền đứng hoặc nghiền bi đến đến độ
mịn 10 - 20% lượng sót trên sàng 90 µm. Tỷ lệ vôi và thạch cao được định lượng
ngay từ khi đưa vào máy nghiền bi. Hỗn hợp bột vôi và thạch cao sau khi nghiền
được đưa lên si lô chứa.
- Chế tạo huyền phù bột nhôm:
Bột nhôm, nước và phụ gia hoạt tính bề mặt dùng để phá lớp axit béo bao bọc hạt
bột nhôm được định lượng và đưa vào máy khuấy để phá vỡ lớp màng bảo vệ và tạo
thành huyền phù bột nhôm trước khi cho vào máy trộn. Quá trình chế tạo huyền phù
bột nhôm được tiến hành song song với quá trình trộn hỗn hợp vữa bê tông.
- Định lượng và trộn phối liệu:
Sau khi chuẩn bị hỗn hợp huyền phù cát đồng nhất trong bể chứa, huyền phù
được định lượng và bơm đổ vào máy trộn. Sau đó hỗn hợp bột vôi - thạch cao,
xi măng và tro bay được định lượng đổ vào máy trộn và trộn từ 2 - 3 phút. Tiếp theo
định lượng huyền phù bột nhôm và bơm vào máy trộn. Hỗn hợp được trộn thêm
1 - 2 phút. Tại máy trộn, nước được bơm bổ sung để hỗn hợp huyền phù đạt khối
lượng thể tích yêu cầu. Khối lượng mỗi mẻ trộn chỉ đủ để đổ cho một khuôn.
- Tạo hình bán thành phẩm và dưỡng ẩm sơ bộ:
Hỗn hợp bê tông khí sau khi trộn được đổ vào khuôn lớn có kích thước từ 4 - 6 m,
rộng từ 2 - 2,5 m, cao từ 0,6 - 1 m. Tùy theo khối lượng thể tích của sản phẩm và
chiều cao khuôn, hỗn hợp bê tông khí được đổ thấp hơn miệng khuôn từ 0,2 - 0,3 m.
Nếu chế tạo sản phẩm ở dạng panel bê tông khí chưng áp có cốt thép thì cốt thép
được làm thẳng, hàn, phủ lớp chống ăn mòn và được đặt vào trong khuôn trước khi đổ.
Lúc này hỗn hợp bê tông khí bắt đầu phồng nở, thông thường khoảng 20 - 30 phút
phản ứng của bột nhôm với vôi sẽ kết thúc và hết nở.

46
Tiếp tục để khuôn ở nhiệt độ thường hoặc đưa vào phòng dưỡng hộ ẩm. Thời
gian tháo khuôn phụ thuộc vào nhiệt độ môi trường, nhiệt độ huyền phù, thành phần
phối liệu. Thông thường cần khống chế khoảng thời gian từ khi đổ đến khi tháo
khuôn từ 120 - 180 phút.
Sau khi bê tông đạt cường độ cần thiết, tiến hành tháo 3 trong số 4 thành xung
quanh của khuôn, nếu bê tông chưa đạt cường độ cần thiết thì khối bán thành phẩm
sẽ bị sụt, vỡ. Khuôn phải có các gờ, móc để việc tháo lắp thuận lợi, nhanh chóng.
Nghiêng khuôn và khối bán thành phẩm 1 góc 900 sao cho 1 thành khuôn được
lật xuống đáy khối bán thành phẩm.
Trước hết khối bán thành phẩm được cắt bỏ phần bê tông nở quá trên miệng
khuôn. Phần bị cắt được đưa ngay về bể chứa huyền phù và được khuấy chung với
huyền phù cát nghiền.
Đưa máy cắt ngang và máy cắt dọc cắt khối bán thành phẩm thành từng viên có
kích thước yêu cầu. Sau khi cắt, cả khối bán thành phẩm vẫn nguyên vị trí như cũ,
chỉ có xuất hiện các vết cắt.
- Chưng áp và tháo dỡ sản phẩm:
Chưng áp là một công đoạn công nghệ quan trọng quyết định đến độ bền cơ học
của sản phẩm.
Khối bán thành phẩm cùng một thành khuôn ở đáy được đưa lên xe goòng và đẩy
vào trong buồng chưng áp. Thông thường buồng chưng áp có đường kính từ
2,5 - 3,5 m, chiều dài từ 28 - 35 m.
Sau khi xếp đủ bán thành phẩm vào khuôn và đậy lắp buồng chưng áp, quá trình
tạo áp bắt đầu. Thời gian nâng từ áp suất khí quyển đến áp suất yêu cầu thường
khoảng 2 giờ. Duy trì áp suất ở 10 - 14 at trong khoảng 8 giờ. Hạ áp suất đến áp suất
khí quyển trong khoảng 2 giờ.
Như vậy, mỗi ngày đêm một buồng chưng áp sẽ thực hiện được 2 chu kỳ chưng
áp. Các buồng chưng áp phải hoạt động so le, buồng này tăng áp thì buồng kia phải
hạ áp để đảm bảo cho công suất nồi hơi.
Sau quá trình chưng áp, sản phẩm được đẩy ra khỏi buồng chưng áp cùng với xe
goòng và được bốc dỡ thành từng palet và đóng gói chống ẩm và cách nước cho đến
khi sử dụng.
b) Các thiết bị công nghệ chính
Các thiết bị công nghệ chính trong dây chuyền sản xuất gạch bê tông khí chưng
áp bao gồm:

47
- Si lô chứa xi măng, tro bay;
- Bunke chứa cát, vôi cục;
- Thùng chứa nước trộn phối liệu;
- Hệ thống định lượng các nguyên liệu;
- Máy nghiền cát, vôi, thạch cao;
- Bể chứa huyền phù;
- Máy khuấy tạo huyền phù bột nhôm;
- Máy trộn hỗn hợp bê tông;
- Hệ thống vận chuyển hỗn hợp bê tông để đổ khuôn;
- Khuôn tạo bán thành phẩm;
- Máy cắt bán thành phẩm;
- Buồng chưng áp;
- Máy đóng gói sản phẩm.
c) Nguyên liệu sản xuất
- Xi măng:
Xi măng để sản xuất gạch bê tông khí chưng áp có thể sử dụng nhiều loại khác
nhau, trong đó có hai loại thường được sử dụng là xi măng poóc lăng (PC) theo tiêu
chuẩn TCVN 2682:2009 và xi măng poóc lăng hỗn hợp (PCB) theo tiêu chuẩn
TCVN 6260:2009.
- Nguồn cung cấp CaO:
Vôi là thành phần chính để phản ứng với silic tạo khoáng có cường độ. Vôi cục
có yêu cầu hàm lượng CaO ≥ 75%, MgO ≤ 2%.
- Nguồn cung cấp SiO2:
Thành phần SiO2 có thể được cung cấp từ cát vàng, cát đen, tro bay, xỉ nhiệt
điện,… được nghiền mịn. Thành phần SiO2 kết tinh trong các loại vật liệu này có
yêu cầu lớn hơn 60%.
- Thạch cao:
Thạch cao có tác dụng tạo cho khối bán thành phẩm có cường độ ban đầu cần
thiết để tháo khuôn. Thường sử dụng thạch cao khan hoặc thạch cao ngậm 2 phân tử
nước, hàm lượng CaSO4 lớn hơn 70%.
- Phụ gia hoạt tính bề mặt:
Sử dụng các loại phụ gia hoạt tính bề mặt có tác dụng phá vỡ lớp axit béo bao
bọc bề mặt hạt bột nhôm.

48
- Bột nhôm:
Bột nhôm có tác dụng sinh khí tạo rỗng cho bê tông, hàm lượng Al yêu cầu từ
90 - 95%, cỡ hạt trung bình từ 20 - 45µm, diện tích bề mặt riêng từ 10.000 - 20.000 cm2/g,
hàm lượng axit béo không lớn hơn 1,5%.
- Nước trộn:
Nước trộn phối liệu có chất lượng thỏa mãn tiêu chuẩn TCVN 4506:2012.

a) Máy nghiền bi b) Máy nghiền trục đứng

c) Hệ thống chứa huyền phù cát d) Hệ thống định lượng trước khi đưa
vào máy trộn phối liệu

49
e) Cánh khuấy huyền phù bột nhôm g) Cánh khuấy huyền phù phối liệu

h) Hệ thống đổ khuôn, tháo, vệ sinh khuôn i) Hệ thống cắt sản phẩm

k) Đưa bán thành phẩm vào chưng áp l) Hệ thống chưng áp sản phẩm

50
m) Máy đóng gói sản phẩm n) Sản phẩm panel AAC

Hình 1.18: Một số hình ảnh về quá trình sản xuất bê tông khí chưng áp

51
Chương 2
CHÍNH SÁCH PHÁT TRIỂN VẬT LIỆU XÂY KHÔNG NUNG

2.1. TÌNH HÌNH SẢN XUẤT VÀ DỰ BÁO NHU CẦU VẬT LIỆU XÂY TẠI
VIỆT NAM

Năm 2014, Viện Vật liệu xây dựng được Bộ Xây dựng giao nhiệm vụ thực hiện
dự án Quy hoạch phát triển vật liệu xây, lợp nung và không nung ở Việt Nam đến
năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Dự án thực hiện các nội dung chính là đánh
giá tiềm năng phát triển vật liệu xây, lợp nung và không nung tại Việt Nam; đánh
giá hiện trạng sản xuất và dự báo nhu cầu vật liệu xây, lợp nung và không nung tại
Việt Nam; quy hoạch phát triển vật liệu xây, lợp nung và không nung ở Việt Nam
đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030; giải pháp và tổ chức thực hiện
quy hoạch.
Việc lập quy hoạch phát triển vật liệu xây, lợp nung và không nung là rất cần
thiết nhằm định hướng phát triển cho các loại vật liệu xây, lợp cả về quy mô công
suất, địa bàn đầu tư, tạo tính thống nhất giữa Trung ương và các địa phương trong
công tác lập và thực hiện quy hoạch. Đồng thời cũng là để thực hiện Nghị định số
124/2007/NĐ-CP của Chính phủ (nay được thay thế bằng Nghị định số
24a/2016/NĐ-CP ngày 05/4/2016) về quản lý vật liệu xây dựng và thực hiện mục
tiêu tăng tỷ lệ sản xuất và sử dụng vật liệu xây không nung theo Chương trình phát
triển vật liệu xây không nung đến năm 2020 ban hành kèm theo Quyết định số
567/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ nhằm tăng cường sử dụng vật liệu xây
không nung, hạn chế sử dụng gạch đất sét nung.
Dưới đây sẽ trình bày tóm tắt một số kết quả về tình hình sản xuất hiện nay và dự
báo nhu cầu vật liệu xây đến năm 2020 tại Việt Nam.

2.1.1. Thực trạng sản xuất vật liệu xây


a) Công tác đầu tư phát triển các nhà máy sản xuất
Giai đoạn 2010 – 2015, việc đầu tư các nhà máy sản xuất vật liệu xây phát triển
rất mạnh mẽ, đặc biệt là vật liệu xây không nung. Tổng công suất thiết kế của các
nhà máy vật liệu xây đã vượt nhu cầu tiêu thụ trong nước. Mức độ sản xuất công
nghiệp vật liệu xây chưa cao, tỷ lệ hàng hóa được sản xuất từ các hộ tư nhân,

52
hợp tác xã và các doanh nghiệp tư nhân nhỏ còn chiếm tỷ lệ lớn. Tuy nhiên, trong
những năm qua, vật liệu xây đã được sản xuất đáp ứng đủ nhu cầu thị trường. Sản
lượng vật liệu xây được sản xuất và tiêu thụ năm 2015 đạt khoảng 22,8 tỷ viên quy
tiêu chuẩn, năm 2017 đạt khoảng 24 tỷ viên quy tiêu chuẩn.
b) Phân bố các cơ sở sản xuất
Các cơ sở sản xuất gạch đất sét nung thường được đầu tư tại các khu vực có
nguồn nguyên liệu sét. Các cơ sở sản xuất vật liệu xây không nung được đầu tư ở
các khu vực gần mỏ đá hoặc gần thị trường tiêu thụ. Điều đó dẫn đến hình thành nên
một số vùng tập trung như vùng Đồng bằng sông Hồng, Đông Nam Bộ, Đồng bằng
sông Cửu Long.
Tổng hợp tình hình phân bố các cơ sở sản xuất và công suất thiết kế (CSTK) của
từng loại sản phẩm vật liệu xây theo các vùng kinh tế trong cả nước được thể hiện ở
bảng 2.1.
Bảng 2.1. Phân bố các cơ sở sản xuất vật liệu xây theo các vùng kinh tế
Đơn vị tính: triệu viên quy tiêu chuẩn

Gạch không nung


Số liệu tại Gạch Bê tông Tổng
STT Bê tông Bê tông
các vùng nung khí chưng cộng
cốt liệu bọt, khí
áp
1 Trung du và miền núi phía Bắc
Số cơ sở SX 1.436 1.165 0 2 2.603
Tổng CSTK 3.581,08 1.096 0 315 4.992,08
2 Đồng bằng sông Hồng
Số cơ sở SX 1.564 323 6 7 1.900
Tổng CSTK 8.849,89 1.757 85 805 11.469,89
3 Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung
Số cơ sở SX 2.035 714 3 1 2.753
Tổng CSTK 5.142,2 1.230 30 142 6.544,2
4 Tây Nguyên
Số cơ sở SX 226 30 0 0 256
Tổng CSTK 1.706,66 284 0 0 1.990,66

53
Gạch không nung
Số liệu tại Gạch Bê tông Tổng
STT Bê tông Bê tông
các vùng nung khí chưng cộng
cốt liệu bọt, khí
áp
5 Đông Nam Bộ
Số cơ sở SX 382 24 4 3 413

Tổng CSTK 3.508,77 349 36 390 4.283,77

6 Đồng bằng Sông Cửu Long

Số cơ sở SX 987 27 4 0 1.018

Tổng CSTK 3.223,74 298 40 0 3.561,74

Tổng số cơ sở SX 6.630 2.283 17 13 8.943

Tổng CSTK cả nước 26.012,34 5.014 191 1.652 32.869

Nguồn: Niên giám thống kê và số liệu Quy hoạch phát triển VLXD các địa phương do Viện
VLXD thực hiện, số liệu năm 2015.
- Phân bố các cơ sở sản xuất gạch đất sét nung:
Vùng Trung du và miền núi phía Bắc: Tổng CSTK gạch đất sét nung chiếm
khoảng 13,77% cả nước. CSTK và số cơ sở sản xuất đứng thứ ba cả nước.
Vùng Đồng bằng sông Hồng: Tổng CSTK gạch đất sét nung chiếm khoảng
34,02% cả nước. CSTK và số cơ sở sản xuất nhiều thứ hai cả nước.
Vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung: Tổng CSTK gạch đất sét nung
chiếm khoảng 19,77% cả nước. CSTK đứng thứ hai và số cơ sở đứng thứ nhất cả nước.
Vùng Tây Nguyên: Tổng CSTK gạch đất sét nung chiếm khoảng 6,56% cả nước,
CSTK gạch đất sét nung vùng này ít nhất cả nước.
Vùng Đông Nam Bộ: Tổng CSTK gạch đất sét nung chiếm khoảng 13,49%.
CSTK gạch đất sét nung vùng này đứng thứ tư cả nước.
Vùng Đồng bằng sông Cửu Long: Tổng CSTK gạch đất sét nung chiếm khoảng
12,39%. CSTK và số cơ sở sản xuất đứng thứ năm cả nước.
- Phân bố các cơ sở sản xuất vật liệu xây không nung:
Vùng Trung du và miền núi phía Bắc: Tổng CSTK vật liệu xây không nung
chiếm khoảng 20,59% cả nước. CSTK đứng thứ hai và số cơ sở sản xuất đứng thứ
nhất cả nước.

54
Vùng Đồng bằng sông Hồng: Tổng CSTK vật liệu xây không nung chiếm
khoảng 38,61% cả nước. CSTK đứng thứ nhất và số cơ sở đứng thứ ba cả nước.
Vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung: Tổng CSTK vật liệu xây không
nung chiếm khoảng 20,46% cả nước. CSTK đứng thứ ba và số cơ sở nhiều thứ hai
cả nước.
Vùng Tây Nguyên: Tổng CSTK vật liệu xây không nung chiếm khoảng 4,14% cả
nước. CSTK và số cơ sở đứng thứ sáu cả nước.
Vùng Đông Nam Bộ: Tổng CSTK vật liệu xây không nung chiếm khoảng 11,3%
cả nước. CSTK và số cơ sở đứng thứ tư cả nước
Vùng Đồng bằng sông Cửu Long: Tổng CSTK vật liệu xây không nung chiếm
khoảng 4,9% cả nước. CSTK và số cơ sở đứng thứ năm cả nước.
c) Tình hình sản xuất và sử dụng vật liệu xây
Theo số liệu trong Bảng 2.1, tổng CSTK của các nhà máy sản xuất vật liệu xây
trong cả nước đạt 32,869 tỷ viên quy tiêu chuẩn, trong đó các nhà máy gạch đất sét
nung đạt 26,012 tỷ viên, chiếm 79,14% tổng công suất; các nhà máy gạch không
nung (gạch bê tông; gạch bê tông bọt, khí không chưng áp; gạch bê tông khí chưng
áp) đạt 6,857 tỷ viên, chiếm 20,86% tổng công suất.
Trong số ba loại gạch không nung, tổng CSTK của các nhà máy gạch bê tông
chiếm 73,12%; của gạch bê tông bọt, khí không chưng áp chiếm 2,78%; của gạch
bê tông khí chưng áp chiếm 24,10%.
Sản lượng sản xuất và sử dụng thực tế của các loại vật liệu xây trong giai đoạn từ
năm 2010 - 2015 được tổng hợp trong bảng 2.2.
Bảng 2.2. Sản lượng các loại vật liệu xây giai đoạn 2010 - 2015
Đơn vị tính: triệu viên quy tiêu chuẩn
Sản lượng tiêu thụ/năm
TT Sản phẩm
2010 2011 2012 2013 2014 2015
1 Gạch đất sét nung 20.196 19.865 17.491 17.193 17.810 17.500
2 Gạch không nung 3.315 3.350 3.698 4.100 5.400 5.350
Tổng cộng 23.511 23.215 21.189 21.293 23.210 22.850
Nguồn: Niên giám thống kê cả nước năm 2014 và số liệu của Viện VLXD.

Như vậy, sản lượng sản xuất thực tế năm 2015 của các loại vật liệu xây trong cả
nước chỉ đạt 69,52% tổng CSTK. Trong đó gạch đất sét nung chiếm 76,58% tổng
sản lượng, gạch không nung chiếm 23,42% tổng sản lượng.

55
Trong số hai loại gạch bê tông nhẹ, hiện nay gạch bê tông khí chưng áp được sản
xuất và sử dụng nhiều nhất. Theo số liệu tổng hợp từ các doanh nghiệp sản xuất
gạch AAC, tình hình sản xuất và tiêu thụ gạch AAC trong giai đoạn 2010 - 2014
được trình bày trong bảng 2.3. Ngoài việc tiêu thụ trong nước, gạch AAC còn được
xuất khẩu sang một số nước như Singapore, Úc, Nga,…
Bảng 2.3. Tình hình sản xuất và tiêu thụ gạch AAC giai đoạn 2010 - 2014
Tiêu thụ nội địa Xuất khẩu Tỷ lệ XK
Sản lượng so với tổng
Năm Triệu viên Triệu viên
(1000m3) 1000m3 1000m3 sản lượng
QTC QTC (%)
2010 37 14 10,08 0 0 0
2011 131 92 66,24 1 0,72 0,76
2012 165 121 87,12 70 50,40 42,42
2013 220 133 95,76 107 77,04 48,63
2014 300 191 137,52 116 83,52 38,66

Nguồn: Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam, năm 2015.

2.1.2. Dự báo nhu cầu vật liệu xây đến năm 2020
i) Theo Quy hoạch tổng thể phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam đến năm 2020
và định hướng đến năm 2030 (trong đó có vật liệu xây nung và không nung) được
ban hành kèm theo Quyết định số 1469/QĐ-TTg ngày 22/8/2014 của Thủ tướng
Chính phủ, dự báo nhu cầu vật liệu xây đến năm 2020 của nước ta như trình bày
trong bảng 2.4.
Bảng 2.4. Dự báo nhu cầu vật liệu xây đến năm 2020 phân theo vùng
Nhu cầu vật liệu xây
TT Vùng kinh tế (tỷ viên quy tiêu chuẩn)
Năm 2015 Năm 2020
Cả nước 26 30
1 Trung du và miền núi phía Bắc 2,38 2,73
2 Đồng bằng sông Hồng 5,99 6,98
3 Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung 4,75 5,50
4 Tây Nguyên 1,23 1,45
5 Đông Nam Bộ 7,24 8,27
6 Đồng bằng sông Cửu Long 4,43 5,08

56
ii) Căn cứ vào dự báo theo quy hoạch tổng thể phát triển vật liệu xây dựng nêu
trên và số liệu dân số theo từng địa phương, tính toán được nhu cầu vật liệu xây của
các vùng miền và địa phương trong cả nước năm 2015 và năm 2020 như trình bày
trong bảng 2.5.
iii) Căn cứ các mục tiêu của Chương trình phát triển vật liệu xây không nung đến
năm 2020 và tổng nhu cầu vật liệu xây đến năm 2020 nêu trên, dự báo tỷ lệ các loại
vật liệu xây nung và không nung đến năm 2020 như sau:
- Vật liệu xây nung: Tổng sản lượng gạch đất sét nung năm 2020 trên toàn quốc
chiếm tối đa 60% tổng sản lượng vật liệu xây, tương đương khoảng 18 tỷ viên quy
tiêu chuẩn.
- Vật liệu xây không nung: Tổng sản lượng gạch không nung năm 2020 trên toàn
quốc phải đạt tối thiểu 40% tổng sản lượng vật liệu xây, tương đương khoảng 12 tỷ
viên quy tiêu chuẩn, trong đó:
+ Gạch bê tông: 8,4 tỷ viên (chiếm 70% tổng lượng gạch xây không nung);
+ Gạch bê tông khí chưng áp: 2,4 tỷ viên (chiếm 20%);
+ Gạch bê tông bọt, khí không chưng áp: 0,6 tỷ viên (chiếm 5%);
+ Gạch không nung khác: 0,6 tỷ viên (chiếm 5%).
Bảng 2.5. Nhu cầu vật liệu xây của các vùng, địa phương
Nhu cầu vật liệu xây
TT Cả nước/Vùng/Tỉnh (tỷ viên quy tiêu chuẩn)
Năm 2015 Năm 2020
Tổng cộng cả nước 26,020 30,010
I Trung du và miền núi phía Bắc 2,380 2,730
Tây Bắc
1 Lai Châu 0,085 0,097
2 Điện Biên 0,110 0,126
3 Sơn La 0,238 0,273
4 Hòa Bình 0,167 0,191
Đông Bắc
5 Cao Bằng 0,106 0,122
6 Lạng Sơn 0,154 0,176
7 Bắc Giang 0,331 0,380

57
Nhu cầu vật liệu xây
TT Cả nước/Vùng/Tỉnh (tỷ viên quy tiêu chuẩn)
Năm 2015 Năm 2020
8 Thái Nguyên 0,239 0,275
9 Bắc Cạn 0,063 0,072
10 Hà Giang 0,161 0,185
11 Tuyên Quang 0,154 0,176
12 Phú Thọ 0,277 0,318
13 Lào Cai 0,136 0,156
14 Yên Bái 0,160 0,183
II Đồng bằng sông Hồng 5,990 6,980
15 Hà Nội 2,053 2,392
16 Hải Phòng 0,563 0,656
17 Hải Dương 0,510 0,594
18 Hưng Yên 0,335 0,390
19 Ninh Bình 0,271 0,315
20 Thái Bình 0,517 0,603
21 Hà Nam 0,231 0,269
22 Nam Định 0,534 0,622
23 Bắc Ninh 0,327 0,381
24 Vĩnh Phúc 0,301 0,351
25 Quảng Ninh 0,347 0,404
III Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung 4,750 5,500
Bắc Trung Bộ
26 Thanh Hóa 0,851 0,985
27 Nghệ An 0,739 0,856
28 Hà Tĩnh 0,305 0,354
29 Quảng Bình 0,211 0,245
30 Quảng Trị 0,150 0,174
31 Thừa Thiên Huế 0,275 0,319

58
Nhu cầu vật liệu xây
TT Cả nước/Vùng/Tỉnh (tỷ viên quy tiêu chuẩn)
Năm 2015 Năm 2020
Duyên hải Miền Trung
32 Đà Nẵng 0,245 0,284
33 Quảng Nam 0,358 0,415
34 Quảng Ngãi 0,302 0,350
35 Bình Định 0,368 0,427
36 Phú Yên 0,216 0,250
37 Khánh Hòa 0,291 0,337
38 Ninh Thuận 0,144 0,166
39 Bình Thuận 0,294 0,340
IV Tây nguyên 1,230 1,450
40 KonTum 0,108 0,127
41 Gia Lai 0,307 0,362
42 Đắc Lắk 0,408 0,481
43 Đắc Nông 0,127 0,150
44 Lâm Đồng 0,281 0,330
V Đông Nam Bộ 7,240 8,270
45 TP. Hồ Chí Minh 3,660 4,180
46 Tây Ninh 0,506 0,578
47 Bình Phước 0,428 0,488
48 Bình Dương 0,859 0,981
49 Đồng Nai 1,302 1,487
50 Bà Rịa- Vũng Tàu 0,486 0,555
VI Đồng Bằng sông Cửu Long 4,430 5,080
51 Long An 0,374 0,428
52 Bến Tre 0,319 0,366
53 Tiền Giang 0,434 0,498
54 Đồng Tháp 0,425 0,488
55 Kiên Giang 0,441 0,506
56 An Giang 0,545 0,625
57 Vĩnh Long 0,263 0,302
58 Trà Vinh 0,260 0,298
59 Cần Thơ 0,313 0,359
60 Hậu Giang 0,194 0,223
61 Sóc Trăng 0,331 0,379
62 Bạc Liêu 0,222 0,255
63 Cà Mau 0,308 0,353

59
2.2. CHÍNH SÁCH PHÁT TRIỂN VẬT LIỆU XÂY KHÔNG NUNG

Để thúc đẩy việc sản xuất và sử dụng vật liệu xây không nung thay thế dần việc
sản xuất và sử dụng gạch đất sét nung, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách
nhằm tăng cường phát triển và sử dụng vật liệu xây không nung trong công trình xây
dựng thông qua các Luật, Nghị định, Quyết định và Chỉ thị của Thủ tướng, Thông tư
của các Bộ.
Dưới đây sẽ tổng hợp các chính sách của Nhà nước nêu trong các Luật; Nghị
định, Quyết định và Chỉ thị của Thủ tướng; Thông tư của các Bộ đã ban hành có liên
quan đến phát triển vật liệu xây không nung.

2.2.1. Luật của Quốc hội


a) Luật Chuyển giao công nghệ số 80/2006/QH11 ngày 29/11/2006
Theo quy định tại Điều 9, các công nghệ được khuyến khích chuyển giao đáp
ứng một trong các yêu cầu: tiết kiệm năng lượng, nguyên liệu; sản xuất sạch, thân
thiện môi trường. Vật liệu không nung nhẹ đáp ứng các yêu cầu này.
Theo quy định tại Điều 39, Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia được thành lập
nhằm thực hiện mục đích hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ chuyển giao, đổi mới,
hoàn thiện công nghệ được khuyến khích chuyển giao quy định tại Điều 9 của Luật
này. Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia hỗ trợ việc chuyển giao, đổi mới, hoàn thiện
công nghệ bằng các hình thức: Cho vay ưu đãi; Hỗ trợ lãi suất vay; Bảo lãnh để vay
vốn; Hỗ trợ vốn.
b) Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả số 50/2010/QH12 ngày
17/6/2010
Theo quy định tại khoản 6, Điều 15, biện pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và
hiệu quả trong hoạt động xây dựng: Sử dụng vật liệu xây dựng tiết kiệm năng lượng,
vật liệu không nung.
c) Luật Khoa học và công nghệ số 29/2013/QH13 ngày 18/6/2013
Theo quy định tại khoản 5, khoản 7, Điều 64, các trường hợp sau đây được
hưởng chính sách ưu đãi về thuế theo quy định của pháp luật về thuế: Máy móc,
thiết bị, phụ tùng, vật tư thuộc loại trong nước chưa sản xuất được cần nhập khẩu để
sử dụng trực tiếp cho hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ; chuyển
giao công nghệ thuộc lĩnh vực ưu tiên chuyển giao cho tổ chức, cá nhân thuộc địa
bàn kinh tế - xã hội khó khăn, địa bàn kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

60
d) Luật Đầu tư số 67/2014/QH13 ngày 26/11/2014
Theo quy định tại khoản 1, Điều 15, các hình thức áp dụng ưu đãi đầu tư:
- Áp dụng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp thấp hơn mức thuế suất
thông thường có thời hạn hoặc toàn bộ thời gian thực hiện dự án đầu tư; miễn, giảm
thuế thu nhập doanh nghiệp.
- Miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định; nguyên
liệu, vật tư, linh kiện để thực hiện dự án đầu tư.
- Miễn, giảm tiền thuê đất, tiền sử dụng đất, thuế sử dụng đất.
Theo quy định tại khoản 2, Điều 15, đối tượng được hưởng ưu đãi đầu tư:
- Dự án đầu tư thuộc ngành, nghề ưu đãi đầu tư theo quy định tại khoản 1 Điều 16
của Luật này.
- Dự án đầu tư tại địa bàn ưu đãi đầu tư theo quy định tại khoản 2 Điều 16 của
Luật này.
Theo quy định tại điểm b, khoản 1, Điều 16, ngành, nghề ưu đãi đầu tư: Sản xuất
vật liệu mới, năng lượng mới, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; sản xuất sản
phẩm có giá trị gia tăng từ 30% trở lên, sản phẩm tiết kiệm năng lượng.
Theo quy định tại điểm a, khoản 2, Điều 16, địa bàn ưu đãi đầu tư: Địa bàn có
điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt
khó khăn.
Theo quy định tại khoản 1, Điều 19, các hình thức hỗ trợ đầu tư: Hỗ trợ phát triển
hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong và ngoài hàng rào dự án; Hỗ
trợ đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; Hỗ trợ tín dụng; Hỗ trợ tiếp cận mặt bằng sản
xuất, kinh doanh; hỗ trợ di dời cơ sở sản xuất ra khỏi nội thành, nội thị; Hỗ trợ khoa
học, kỹ thuật, chuyển giao công nghệ; Hỗ trợ phát triển thị trường, cung cấp thông
tin; Hỗ trợ nghiên cứu và phát triển.
e) Luật Xây dựng số 50/2014/QH13 ngày 18/6/2014
Theo quy định tại khoản 3, khoản 4, Điều 79, yêu cầu đối với thiết kế xây dựng:
Tuân thủ tiêu chuẩn áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật, quy định của pháp luật về sử dụng
vật liệu xây dựng; ưu tiên sử dụng vật liệu tại chỗ, vật liệu thân thiện với
môi trường.
Theo quy định tại điểm b, khoản 2, Điều 86, nhà thầu thiết kế xây dựng có các
nghĩa vụ: Tuân thủ tiêu chuẩn áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật cho công trình; lập hồ sơ
thiết kế xây dựng đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ thiết kế, bước thiết kế, quy định
của hợp đồng thiết kế xây dựng và quy định của pháp luật có liên quan.

61
Theo quy định tại Điều 110, yêu cầu về sử dụng vật liệu xây dựng:
- An toàn, hiệu quả, tiết kiệm, thân thiện với môi trường.
- Vật liệu, cấu kiện sử dụng vào công trình xây dựng phải theo đúng thiết kế xây
dựng, chỉ dẫn kỹ thuật (nếu có) đã được phê duyệt, bảo đảm chất lượng theo quy
định của pháp luật về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và pháp luật về chất lượng sản
phẩm hàng hóa.
- Ưu tiên sử dụng vật liệu tại chỗ, vật liệu trong nước.
Theo quy định tại khoản 1, khoản 4, Điều 111, yêu cầu đối với thi công xây dựng
công trình:
- Tuân thủ thiết kế xây dựng được duyệt, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật áp dụng
cho công trình, quy định của pháp luật về sử dụng vật liệu xây dựng.
- Sử dụng vật tư, vật liệu đúng chủng loại quy cách, số lượng theo yêu cầu của
thiết kế xây dựng.
Theo quy định tại điểm e, khoản 2, Điều 113, nhà thầu thi công xây dựng có
nghĩa vụ: Chịu trách nhiệm về chất lượng, nguồn gốc của vật tư, nguyên liệu, vật
liệu, thiết bị, sản phẩm xây dựng do mình cung cấp sử dụng vào công trình.
Theo quy định tại điểm b, khoản 2, Điều 120, việc giám sát thi công xây dựng
công trình phải bảo đảm yêu cầu: Giám sát thi công công trình đúng thiết kế xây
dựng được phê duyệt, tiêu chuẩn áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật, quy định về quản lý,
sử dụng vật liệu xây dựng.

2.2.2. Nghị định của Chính phủ


a) Nghị định số 118/2015/NĐ-CP ngày 12/11/2015 của Chính phủ quy định chi
tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư
Theo quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 16, đối tượng được ưu đãi đầu tư gồm
các dự án thuộc ngành nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư theo quy định tại Phụ lục 1 của
Nghị định này.
Theo khoản 7, mục I, Phần A, Phụ lục 1 của Nghị định này, ngành nghề đặc biệt
ưu đãi đầu tư có các loại vật liệu xây dựng nhẹ.
b) Nghị định số 142/2005/NĐ-CP ngày 14/11/2005 của Chính phủ về thu tiền
thuê đất, thuê mặt nước và Nghị định 121/2010/NĐ-CP ngày 30/12/2010 về sửa đổi,
bổ sung một số điều của Nghị định 142/2005/NĐ-CP
Theo quy định tại Điều 14, Nghị định số 142/2005/NĐ-CP và khoản 10, Điều 2,
Nghị định 121/2010/NĐ-CP, miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước cho các trường hợp sau:

62
- Dự án đầu tư thuộc lĩnh vực đặc biệt khuyến khích đầu tư được đầu tư tại địa
bàn kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
- Trong thời gian xây dựng theo dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
- Kể từ ngày dự án hoàn thành đưa vào hoạt động:
+ Ba năm đối với dự án thuộc danh mục lĩnh vực khuyến khích đầu tư;
+ Bảy năm đối với dự án đầu tư vào địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội
khó khăn;
+ Mười một năm đối với dự án đầu tư tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc
biệt khó khăn; dự án đầu tư thuộc danh mục lĩnh vực đặc biệt khuyến khích đầu tư;
dự án thuộc danh mục lĩnh vực khuyến khích đầu tư được đầu tư tại địa bàn có điều
kiện kinh tế - xã hội khó khăn;
+ Mười lăm năm đối với dự án thuộc danh mục lĩnh vực khuyến khích đầu tư
được đầu tư tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; dự án thuộc
danh mục lĩnh vực đặc biệt khuyến khích đầu tư được đầu tư tại địa bàn có điều kiện
kinh tế - xã hội khó khăn.
Dự án đầu tư vật liệu xây không nung nhẹ thuộc danh mục lĩnh vực đặc biệt
khuyến khích đầu tư.
c) Nghị định số 87/2010/NG-CP ngày 13/8/2010 của Chính phủ quy định chi tiết
thi hành một số điều của Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu
Theo quy định tại khoản 6, khoản 8, khoản 14, Điều 12, các dự án đầu tư sản
xuất vật liệu xây nhẹ được hưởng ưu đãi về thuế nhập khẩu:
- Được miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định
của dự án đầu tư, gồm: Thiết bị, máy móc; Phương tiện vận tải chuyên dùng trong
dây chuyền công nghệ trong nước chưa sản xuất được; phương tiện vận chuyển đưa
đón công nhân gồm xe ôtô từ 24 chỗ ngồi trở lên và phương tiện thủy; Linh kiện, chi
tiết, bộ phận rời, phụ tùng, gá lắp, khuôn mẫu, phụ kiện đi kèm; Nguyên liệu, vật tư
trong nước chưa sản xuất được dùng để chế tạo thiết bị, máy móc nằm trong dây
chuyền công nghệ; Vật tư xây dựng trong nước chưa sản xuất được.
- Việc miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hoá nhập khẩu nêu trên được áp dụng
cho cả trường hợp mở rộng quy mô dự án, thay thế công nghệ, đổi mới công nghệ.
- Nguyên liệu, vật tư, linh kiện trong nước chưa sản xuất được nhập khẩu để sản
xuất của các dự án đầu tư được miễn thuế nhập khẩu trong thời hạn 05 năm, kể từ
ngày bắt đầu sản xuất.

63
d) Nghị định số 218/2013/NĐ-CP ngày 26/12/2013 của Chính phủ quy định chi
tiết và hướng dẫn thi hành Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp
Theo quy định tại điểm a, điểm b, khoản 1, Điều 15, các dự án đầu tư mới được
hưởng thuế xuất ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong 15 năm gồm:
- Dự án đầu tư mới tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn quy
định tại Phụ lục Nghị định này.
- Dự án đầu tư mới sản xuất vật liệu xây dựng nhẹ.
Theo quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 16, các dự án đầu tư mới nêu trên được
miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 4 năm, giảm 50% số thuế thu nhập doanh nghiệp
phải nộp trong 9 năm tiếp theo.
e) Nghị định 139/2017NĐ-CP ngày 27/11/2017 của Chính phủ quy định xử phạt vi
phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng; khai thác, chế biến, kinh doanh
khoáng sản làm vật liệu xây dựng, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý
công trình hạ tầng kỹ thuật; kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở, quản lý sử
dụng nhà và công sở. Nghị định này thay cho NĐ 121/2013/NĐ-CP đã nâng mức xử
phạt lên hơn trước đây.
Theo quy định tại Điều 12, vi phạm quy định về thiết kế, dự toán xây dựng
công trình:
- Phạt tiền từ 70.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với hành vi: Phê duyệt
thiết kế, dự toán không tuân thủ quy định về sử dụng vật liệu hoặc vật liệu xây
không nung.
- Buộc điều chỉnh thiết kế, lập lại dự toán để phê duyệt lại và buộc đảm bảo tỷ lệ
phần trăm sử dụng vật liệu xây không nung trong trường hợp chưa hoặc đang thi
công xây dựng đối với hành vi quy định tại điểm e khoản 3 Điều 12.
Theo quy định tại Điều 16, vi phạm quy định về thi công xây dựng công trình:
- Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi:
+ Không có kết quả kiểm tra vật liệu, cấu kiện, sản phẩm xây dựng hoặc thiết bị
lắp đặt vào công trình;
+ Đưa vật liệu xây dựng không công bố hợp quy vào công trình đối với những
vật liệu xây dựng phải công bố hợp quy theo quy định;
- Phạt tiền từ 70.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với hành vi không tuân
thủ quy định về sử dụng vật liệu xây không nung;
- Buộc đảm bảo tỷ lệ sử dụng vật liệu xây không nung trong trường hợp công
trình đang thi công xây dựng đối với hành vi quy định tại khoản 5 Điều này Điều 16
Nghị định số 139/2017/NĐ-CP.

64
Theo quy định tại Điều 29, vi phạm quy định về thiết kế, dự toán xây dựng
công trình:
- Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành
vi: Không đưa vào thiết kế vật liệu xây không nung đối với công trình bắt buộc sử
dụng vật liệu xây không nung, không đảm bảo tỷ lệ vật liệu xây không nung theo
quy định hoặc không tuân thủ các quy định về sử dụng vật liệu cho công trình.
- Buộc đưa vào thiết kế, dự toán chủng loại, tỷ lệ vật liệu xây dựng theo quy định
trong trường hợp công trình chưa hoặc đang thi công xây dựng đối với hành vi quy
định tại điểm b khoản 2 Điều này.
Theo quy định tại Điều 30, vi phạm quy định về giám sát thi công xây dựng
công trình:
- Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với một trong các hành
vi để nhà thầu thi công không sử dụng vật liệu xây không nung đối với công trình
theo quy định bắt buộc phải sử dụng vật liệu xây không nung.
- Buộc sử dụng vật liệu xây không nung theo quy định đối với phần còn lại của
công trình đang xây dựng.
g) Nghị định số 24a/2016/NĐ-CP ngày 05/4/2016 của Chính phủ về quản lý
vật liệu xây dựng
Theo quy định tại khoản 5, Điều 3, vật liệu xây dựng tiết kiệm tài nguyên khoáng
sản, tiết kiệm năng lượng và thân thiện với môi trường gồm: vật liệu xây không
nung, vật liệu xây dựng được sản xuất từ việc sử dụng chất thải làm nguyên liệu
hoặc nhiên liệu, vật liệu xây dựng có tính năng tiết kiệm năng lượng vượt trội so với
vật liệu cùng chủng loại.
Theo quy định tại Điều 37, chính sách chung phát triển vật liệu xây dựng tiết
kiệm tài nguyên khoáng sản, tiết kiệm năng lượng và thân thiện với môi trường:
- Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân nghiên cứu
phát triển, ứng dụng khoa học và công nghệ, đầu tư sản xuất vật liệu xây dựng tiết
kiệm tài nguyên khoáng sản, tiết kiệm năng lượng và thân thiện với môi trường.
- Các tổ chức, cá nhân nghiên cứu phát triển, ứng dụng khoa học và công nghệ,
đầu tư sản xuất vật liệu xây dựng tiết kiệm tài nguyên khoáng sản, tiết kiệm năng
lượng và thân thiện với môi trường được hưởng chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư
của nhà nước.
- Nhà nước hạn chế và xóa bỏ theo lộ trình các cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng
có công nghệ lạc hậu, tiêu hao nhiều khoáng sản, tiêu tốn nhiều năng lượng và gây ô
nhiễm môi trường.

65
- Bộ Xây dựng hướng dẫn các loại công trình, địa bàn xây dựng bắt buộc phải sử
dụng vật liệu xây dựng tiết kiệm tài nguyên khoáng sản, tiết kiệm năng lượng và
thân thiện với môi trường.
Theo quy định tại Điều 38, các loại dự án nghiên cứu phát triển, đầu tư sản xuất
vật liệu xây dựng tiết kiệm tài nguyên khoáng sản, tiết kiệm năng lượng và thân
thiện với môi trường được hưởng chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư của nhà nước:
1) Dự án nghiên cứu khoa học và công nghệ phát triển vật liệu xây dựng tiết
kiệm tài nguyên khoáng sản, tiết kiệm năng lượng và thân thiện với môi trường.
2) Các dự án đầu tư mới, đầu tư mở rộng sản xuất vật liệu xây không nung đảm
bảo quy mô công suất:
- Dự án sản xuất vật liệu xây không nung nhẹ (khối lượng thể tích không lớn hơn
1.000 kg/m3) có công suất cho một dây chuyền từ 50.000 m3/năm trở lên;
- Dự án sản xuất gạch bê tông (gạch xi măng - cốt liệu) có công suất cho một dây
chuyền từ 10 triệu viên quy tiêu chuẩn/năm trở lên.
6) Dự án đầu tư sản xuất vật liệu xây dựng khác có tính năng tiết kiệm tài nguyên
khoáng sản, tiết kiệm năng lượng và thân thiện với môi trường vượt trội so với
chủng loại vật liệu xây dựng cùng loại.
Theo quy định tại Điều 39, Chính sách ưu đãi và hỗ trợ:
1) Đối với dự án nghiên cứu khoa học và công nghệ quy định tại khoản 1 Điều 38
Nghị định này:
- Được hưởng chính sách ưu đãi thuế và tín dụng quy định tại Điều 64 và 65 của
Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013;
- Các chính sách ưu đãi và hỗ trợ khác có liên quan.
2) Đối với dự án đầu tư quy định tại các khoản 2, 6, Điều 38 Nghị định này:
- Được hưởng chính sách ưu đãi đầu tư theo quy định tại khoản 1 Điều 15 và hỗ
trợ đầu tư theo quy định tại khoản 1 Điều 19 của Luật Đầu tư năm 2014;
- Được hỗ trợ chi phí chuyển giao công nghệ đối với các dự án đầu tư có chi phí
chuyển giao theo quy định tại Điều 9 và Điều 39 của Luật Chuyển giao công nghệ
năm 2006;
- Các chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư khác có liên quan.

2.2.3. Quyết định, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ
a) Quyết định 1469/QĐ-TTg ngày 22/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt
Quy hoạch tổng thể phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam đến năm 2020 và định
hướng đến năm 2030

66
Theo điểm a, khoản 3, Điều 1, dự báo nhu cầu trong nước đối với vật liệu xây
năm 2015 là 26 tỷ viên quy tiêu chuẩn (sau đây gọi tắt là tỷ viên), năm 2020 là
30 tỷ viên.
Theo điểm e, khoản 3, Điều 1:
- Tổng công suất thiết kế các nhà máy sản xuất vật liệu xây đến năm 2015 đạt
khoảng 26 tỷ viên, đến năm 2020 đạt khoảng 30 tỷ viên.
- Các chỉ tiêu quy hoạch:
+ Công suất thiết kế:
(i) Đối với gạch đất nung bằng lò tuynen: không nhỏ hơn 20 triệu viên/năm, các
tỉnh miền núi là 10 triệu viên/năm;
(ii) Đối với gạch bê tông cốt liệu và bê tông bọt: có thể sử dụng các dây chuyền
có công suất khác nhau nhưng phải đảm bảo chất lượng, môi trường;
(iii) Đối với gạch bê tông khí chưng áp: không nhỏ hơn 100.000 m3/năm;
Công nghệ sản xuất:
(i) Gạch đất nung: Không đầu tư lò thủ công, lò đứng liên tục, lò vòng sử dụng
nhiên liệu hóa thạch;
(ii) Vật liệu xây không nung: đầu tư dây chuyền đồng bộ có mức độ tự động hóa,
cơ giới hóa cao và tiết kiệm năng lượng.
+ Định hướng đầu tư:
(i) Gạch đất sét nung:
Dự án đầu tư mới phải nằm trong quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng địa
phương và gắn với quy hoạch vùng nguyên liệu.
Tổng công suất thiết kế trên toàn quốc năm 2015 chiếm tối đa 80% tổng sản
lượng vật liệu xây, tương đương khoảng 21 tỷ viên; năm 2020 chiếm tối đa 60%
tổng sản lượng vật liệu xây, tương đương khoảng 18 tỷ viên.
Các địa phương phải xây dựng và ban hành lộ trình chấm dứt hoạt động của các
loại lò có công nghệ lạc hậu: đối với các tỉnh đồng bằng, thành phố thuộc
Trung ương và thị xã, thị tứ, khu vực gần khu dân cư, gần khu canh tác của các tỉnh
còn lại chậm nhất phải chấm dứt hoạt động vào trước năm 2016 đối với lò thủ công,
thủ công cải tiến và chậm nhất váo trước năm 2018 đối với lò đứng liên tục, lò vòng
sử dụng nhiên liệu hóa thạch; các cơ sở nằm ở khu vực các xã thuộc huyện miền núi
tương ứng chậm nhất vào năm 2017 và 2020.
(ii) Vật liệu xây không nung:
Từ nay đến năm 2015: tiếp tục đầu tư mới, mở rộng các cơ sở sản xuất để có
tổng công suất thiết kế trên toàn quốc đạt khoảng 6 tỷ viên.

67
Giai đoạn 2016 - 2020: tiếp tục đầu tư mới, mở rộng các cơ sở sản xuất để có
tổng công suất thiết kế trên toàn quốc đạt khoảng 13 tỷ viên.
Theo quy định tại Điều 2, Tổ chức thực hiện Quy hoạch:
- Bộ Xây dựng: Tổ chức công bố Quy hoạch cho các địa phương; xây dựng tiêu
chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về vật liệu xây dựng; hướng dẫn, giám sát, kiểm tra các
địa phương triển khai sản xuất vật liệu xây dựng theo quy hoạch; hướng dẫn các địa
phương lập mới hoặc điều chỉnh quy hoạch vật liệu xây dựng của các địa phương
phù hợp với Quy hoạch này.
- Bộ Tài nguyên và Môi trường: Cấp phép mỏ khoáng sản theo quy hoạch; kiểm
tra, giám sát hoạt động khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng.
- Bộ Công thương: thiết kế, chế tạo máy móc, thiết bị, phụ tùng, từng bước nội
địa hóa dây chuyên công nghệ sản xuất vật liệu xây dựng.
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư: nghiên cứu các chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện để phát
triển ngành vật liệu xây dựng theo định hướng của Quy hoạch.
- UBND các tỉnh, thành phố: Lập mới hoặc điều chỉnh quy hoạch của địa phương
phù hợp với Quy hoạch này; triển khai thực hiện và hàng năm báo cáo Bộ Xây
dựng; quản lý và chỉ đạo đầu tư phát triển vật liệu xây dựng trên địa bàn phù hợp với
quy hoạch được duyệt, đảm bảo sử dụng hiệu quả tài nguyên và bảo vệ môi trường.
b) Quyết định số 567/QĐ-TTg ngày 28/4/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê
duyệt Chương trình phát triển vật liệu xây không nung đến năm 2020
Theo quy định tại khoản 2, Điều 1, Mục tiêu phát triển:
- Mục tiêu chung: Phát triển sản xuất và sử dụng vật liệu xây không nung để thay
thế gạch đất sét nung, tiết kiệm đất nông nghiệp, góp phần bảo đảm an ninh lương
thực quốc gia, giảm thiểu khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính và ô nhiễm môi
trường, giảm chi phí xử lý phế thải của các ngành công nghiệp, tiết kiệm nhiên liệu
than, đem lại hiệu quả kinh tế chung cho toàn xã hội.
- Mục tiêu cụ thể:
+ Phát triển sản xuất và sử dụng vật liệu xây không nung thay thế gạch đất sét
nung đạt tỷ lệ: 20 - 25% vào năm 2015, 30 - 40% vào năm 2020;
+ Hàng năm sử dụng khoảng 15 - 20 triệu tấn phế thải công nghiệp (tro xỉ nhiệt
điện, xỉ lò cao, …) để sản xuất vật liệu xây không nung, tiết kiệm được khoảng
1.000 ha đất nông nghiệp và hàng trăm ha diện tích đất chứa phế thải;
+ Tiến tới xóa bỏ hoàn toàn các cơ sở sản xuất gạch đất sét nung bằng lò
thủ công.

68
Theo quy định tại khoản 3, Điều 1, Định hướng phát triển sản xuất và sử dụng
vật liệu xây không nung đến năm 2020:
- Về chủng loại sản phẩm:
+ Gạch xi măng - cốt liệu: tỷ lệ gạch xi măng - cốt liệu trên tổng số vật liệu xây
không nung khoảng 74% vào năm 2015 và 70% vào năm 2020;
+ Gạch nhẹ: tỷ lệ gạch nhẹ trên tổng số vật liệu xây không nung khoảng 21% vào
năm 2015 và 25% vào năm 2020. Trong đó, gạch từ bê tông khí chưng áp khoảng 16%
vào năm 2015 và 20% vào năm 2020; gạch từ bê tông bọt khoảng 5% từ năm 2015;
+ Gạch khác (đá chẻ, gạch đá ong, vật liệu xây không nung từ đất đồi và phế thải
xây dựng, phế thải công nghiệp, gạch silicát, ...) đạt tỷ lệ khoảng 5% từ năm 2015
trên tổng số vật liệu xây không nung.
- Về công nghệ và quy mô công suất: Phát triển các cơ sở sản xuất vật liệu xây
không nung bằng công nghệ tiên tiến với quy mô công suất phù hợp với từng vùng,
khu vực.
- Sử dụng vật liệu xây không nung:
+ Từ năm 2011, các công trình nhà cao tầng (từ 9 tầng trở lên) sử dụng tối thiểu
30% vật liệu xây không nung loại nhẹ (khối lượng thể tích không lớn hơn 1000 kg/m3)
trong tổng số vật liệu xây;
+ Khuyến khích các công trình xây dựng sử dụng vật liệu xây không nung khác
có độ rỗng lớn hơn 30% và vật liệu xây không nung loại nhẹ.
Theo quy định tại khoản 4, Điều 1, Các chính sách ưu đãi về sản xuất và tiêu thụ
vật liệu xây không nung:
- Ngoài các chính sách ưu đãi về thuế: nhập khẩu, thu nhập doanh nghiệp, ưu đãi
và hỗ trợ khác theo các quy định hiện hành, các dự án chế tạo thiết bị sản xuất vật
liệu xây không nung nhẹ và sản xuất gạch xi măng - cốt liệu công suất từ 7 triệu
viên/năm trở lên được hưởng ưu đãi như đối với các dự án thuộc chương trình cơ khí
trọng điểm.
- Về chi phí chuyển giao công nghệ ở các dự án có chi phí chuyển giao được
thực hiện theo quy định tại Điều 9 và Điều 39 Luật Chuyển giao công nghệ.
Theo quy định tại Điều 2, Tổ chức thực hiện:
- Bộ Xây dựng: Công bố, phổ biến, chỉ đạo và kiểm tra việc triển khai thực hiện
Chương trình trong cả nước; Lập danh mục các loại thiết bị, vật tư sản xuất vật liệu
xây không nung được miễn thuế nhập khẩu; Xây dựng lộ trình và đôn đốc thực hiện
việc xoá bỏ lò gạch thủ công theo các vùng, miền.

69
- Bộ Tài nguyên và Môi trường: Quản lý chặt chẽ việc sử dụng đất nông nghiệp
làm gạch đất sét nung.
- Bộ Tài chính: Hướng dẫn thực hiện các chính sách thuế liên quan.
- Bộ Công Thương: Nâng cao năng lực cơ khí trong nước về chế tạo thiết bị sản
xuất vật liệu xây không nung.
- Bộ Khoa học và Công nghệ: Hướng dẫn việc sử dụng Quỹ chuyển giao công
nghệ theo quy định.
- Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Lập quy hoạch
vùng nguyên liệu để sản xuất gạch đất sét nung phù hợp với các quy hoạch liên
quan, cấm sử dụng đất nông nghiệp để sản xuất gạch đất sét nung; Tổ chức thực hiện
xóa bỏ các cơ sở sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công trên địa bàn.
c) Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 16/4/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng
cường sử dụng vật liệu xây không nung và hạn chế sản xuất, sử dụng gạch đất
sét nung
Nhằm tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai thực hiện Chương trình phát triển
VLXKN, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương thực hiện các
nhiệm vụ sau đây:
1) Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn thực hiện các chính
sách của Chính phủ thuộc phạm vi quản lý của từng Bộ, ngành, địa phương, nhằm
khuyến khích sản xuất và ưu tiên sử dụng VLXKN, kể cả các sản phẩm tấm tường
thạch cao và tấm 3D. Hạn chế sản xuất và sử dụng gạch đất sét nung, tiếp tục xây
dựng lộ trình phù hợp với từng địa phương để sớm chấm dứt sản xuất gạch đất sét
nung bằng lò thủ công, lò thủ công cải tiến, lò vòng sử dụng nhiên liệu hóa thạch
(than, dầu, khí).
2) Bộ Xây dựng:
- Ban hành theo thẩm quyền hoặc trình Thủ tướng Chính phủ ban hành các cơ
chế chính sách đồng bộ nhằm tăng cường sử dụng VLXKN theo hướng:
+ Các công trình sử dụng vốn nhà nước như: Trụ sở làm việc, bệnh viện, trường
học… bắt buộc phải sử dụng VLXKN;
+ Các công trình nhà cao tầng không phân biệt nguồn vốn, ưu tiên sử dụng
VLXKN, đặc biệt là VLXKN loại nhẹ tối thiểu phải đạt 30% trong tổng số vật
liệu xây;
+ Khi phê duyệt dự án đầu tư xây dựng, các chủ đầu tư phải chú ý việc ưu tiên sử
dụng VLXKN.

70
- Tăng cường kiểm tra việc thực hiện các quy định về sử dụng VLXKN trong các
công trình xây dựng theo Quyết định số 567/QĐ-TTg ngày 28/4/2010 của
Thủ tướng Chính phủ.
- Chủ trì, phối hợp với các địa phương tiếp tục xây dựng lộ trình giảm dần việc
sản xuất, sử dụng gạch đất sét nung và chấm dứt sản xuất gạch đất sét nung bằng lò
thủ công, lò thủ công cải tiến, lò vòng sử dụng nhiên liệu hóa thạch phù hợp với điều
kiện cụ thể của từng địa phương, đặc biệt là các lò gạch gần khu đô thị, khu dân cư.
- Tổng hợp, đề xuất định hướng chính sách nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện
Chương trình phát triển VLXKN đến năm 2020.
3) Bộ Tài chính:
- Đề xuất với Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức
thuế suất thuế tài nguyên đối với đất sét sản xuất gạch lên mức tối đa (15%).
4) Bộ Tài nguyên và Môi trường:
- Tăng cường kiểm tra việc quản lý khai thác và sử dụng tài nguyên (đất sét,
than…) để sản xuất gạch, kiểm tra về môi trường tại các cơ sở sản xuất gạch đất sét
nung, đặc biệt là các cơ sở sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công, lò thủ công
cải tiến, lò vòng theo đúng các quy định của pháp luật về tài nguyên và môi trường
trên quan điểm bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
- Phối hợp với Bộ Xây dựng và Ủy ban nhân dân các địa phương trong việc
chấm dứt sản xuất gạch nung bằng lò gạch thủ công, thủ công cải tiến, lò vòng sử
dụng nhiên liệu hóa thạch ở các vùng, miền.
5) Bộ Công thương:
- Trình Thủ tướng Chính phủ bổ sung thiết bị và dự án chế tạo thiết bị sản xuất
VLXKN vào danh mục các sản phẩm cơ khí trọng điểm, danh mục dự án đầu tư sản
xuất sản phẩm cơ khí trọng điểm giai đoạn từ 2009 đến năm 2015 để được hưởng ưu
đãi theo Quyết định số 10/2009/QĐ-TTg ngày 06/1/2009 của Thủ tướng Chính phủ.
- Không sử dụng kinh phí khuyến công hàng năm vào việc hỗ trợ cho các cơ sở sản
xuất gạch đất sét nung sử dụng công nghệ nung bằng lò thủ công cải tiến, lò vòng.
- Chỉ đạo, hướng dẫn các dự án nhiệt điện đầu tư công nghệ phù hợp giảm thiểu phát
thải ra môi trường góp phần giảm diện tích bãi thải, bảo vệ môi trường; đồng thời thu
hồi tro, xỉ và thạch cao đảm bảo chất lượng để làm nguyên liệu cho sản xuất VLXKN.
6) Bộ Khoa học và Công nghệ:
- Ưu tiên bố trí vốn cho các đề án nghiên cứu công nghệ sản xuất VLXKN và sản
xuất thiết bị cho sản xuất VLXKN.

71
- Hướng dẫn áp dụng ưu đãi về chuyển giao công nghệ với các dự án đầu tư sản
xuất VLXKN.
- Không sử dụng vốn khoa học hàng năm vào việc hỗ trợ cho các cơ sở sản xuất
gạch đất sét nung sử dụng công nghệ nung bằng lò thủ công, lò vòng.
7) Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:
- Phối hợp với Bộ Xây dựng tiếp tục xây dựng lộ trình giảm dần việc sản xuất, sử
dụng gạch đất sét nung và chấm dứt sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công, lò
thủ công cải tiến, lò vòng sử dụng nhiên liệu hóa thạch phù hợp với điều kiện cụ thể
của từng địa phương.
- Tích cực chỉ đạo thực hiện Chương trình phát triển VLXKN đã được Thủ tướng
Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 567/QĐ-TTg.
- Xây dựng và rà soát Quy hoạch phát triển sản xuất vật liệu xây dựng tại địa
phương phù hợp với Quyết định số 567/QĐ-TTg ngày 28/4/2010 của Thủ tướng
Chính phủ, trong đó chú trọng việc phát triển VLXKN từng bước thay thế gạch đất
sét nung.
- Rà soát trình Hội đồng nhân dân quyết định nâng mức phí bảo vệ môi trường
đối với việc khai thác đất sét làm gạch lên mức tối đa.
d) Thông báo số 14/TB-VPCP ngày 09/01/2018 của VPCP về Kết luận của Phó
Thủ tướng CP Trịnh Đình Dũng tại cuộc họp Toàn quốc về VLXD năm 2017, trong
đó chỉ đạo dừng đầu tư mới, đầu tư mở rộng các cơ sở sản xuất gạch đất sét nung
trên phạm vi toàn quốc.

2.2.4. Thông tư của các Bộ


a) Thông tư số 13/2017/TT-BXD ngày 08/12/2017 của Bộ Xây dựng quy định sử
dụng vật liệu xây không nung trong các công trình xây dựng thay cho Thông tư 09
Theo quy định tại Điều 1, Phạm vi điều chỉnh:
Thông tư này quy định việc sử dụng vật liệu xây không nung trong các công
trình xây dựng dân dụng và công nghiệp để làm tường, vách ngăn và khối xây. Vật
liệu xây không nung gồm:
- Gạch bê tông;
- Vật liệu nhẹ: Gạch hoặc tấm panel từ bê tông khí chưng áp, bê tông khí không
chưng áp, bê tông bọt; các chủng loại trên có khối lượng thể tích nhỏ hơn 1000 kg/m3;
- Tấm tường thạch cao, tấm 3D, tấm panel bê tông, tấm panel nhẹ;
- Gạch khác được sản xuất từ chất thải xây dựng, chất thải công nghiệp; gạch silicát.

72
Theo quy định tại Điều 2. Đối tượng áp dụng:
Thông tư này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan tới các hoạt động
sản xuất và nhập khẩu vật liệu xây không nung, hoạt động đầu tư xây dựng công
trình và các cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng.
Theo quy định tại Điều 3: Các công trình xây dựng sử dụng vật liệu xây không nung:
1) Các công trình xây dựng được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước,
vốn nhà nước ngoài ngân sách, vốn vay của doanh nghiệp có vốn nhà nước lớn hơn
30% phải sử dụng vật liệu xây không nung trong tổng số vật liệu xây với tỷ lệ
như sau:
a) Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh: sử dụng 100%;
b) Các tỉnh đồng bằng Trung du Bắc Bộ; các tỉnh vùng Đông Nam Bộ: Tại các
khu đô thị từ loại III trở lên sử dụng tối thiểu 90%, tại các khu vực còn lại sử dụng
tối thiểu 70%;
c) Các tỉnh còn lại: Tại các đô thị từ loại III trở lên phải sử dụng tối thiểu 70%,
tại các khu vực còn lại phải sử dụng tối thiểu 50%.
2) Các công trình xây dựng từ 09 tầng trở lên phải sử dụng tối thiểu 80% vật liệu
xây không nung trong tổng số vật liệu xây.
3) Các công trình có yêu cầu đặc thù không sử dụng vật liệu xây không nung thì
phải được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền xem xét, chấp thuận.
4) Nhà nước khuyến khích sử dụng vật liệu xây không nung vào các công trình
xây dựng không phân biệt nguồn vốn, số tầng.
Quy định tại Điều 4. Trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan trong
việc cung cấp, sử dụng vật liệu xây không nung đối với công trình xây dựng.
1) Người quyết định đầu tư có trách nhiệm quy định sử dụng vật liệu xây không
nung theo quy định tại Thông tư này khi quyết định đầu tư dự án.
2) Chủ đầu tư có trách nhiệm sử dụng các loại vật liệu xây không nung phù hợp
với quy định tại Thông tư này.
3) Nhà thầu tư vấn thiết kế xây dựng công trình có trách nhiệm đưa vào thiết kế
các loại vật liệu xây không nung phù hợp với từng loại kết cấu.
4) Nhà thầu thi công xây dựng, nhà thầu tư vấn giám sát phải tuân thủ quy định
của thiết kế về sử dụng vật liệu xây không nung.
5) Cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi thẩm định các dự án đầu tư xây dựng
công trình phải đảm bảo việc sử dụng vật liệu xây không nung theo đúng các quy
định là yêu cầu bắt buộc.

73
6) Các công trình có yêu cầu đặc thù không sử dụng vật liệu xây không nung thì
phải được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền xem xét, chấp thuận:
a) Bộ Quốc phòng và Bộ Công an đối với các công trình an ninh, quốc phòng có
yêu cầu đặc biệt về việc sử dụng vật liệu xây;
b) Các Bộ chuyên ngành đối với các công trình đặc thù của ngành;
c) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đối với các công trình còn lại.
7) Các tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu và kinh doanh vật liệu xây không
nung khi cung cấp sản phẩm vật liệu xây không nung vào công trình xây dựng phải
đảm bảo tiêu chuẩn Việt Nam và phải có chứng nhận hợp quy theo quy định.
8) Trách nhiệm báo cáo:
a) Sở Xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm báo
cáo Bộ Xây dựng về tình hình đầu tư, sản xuất, sử dụng vật liệu xây không nung trên
địa bàn theo quy định;
b) Chủ đầu tư xây dựng công trình, nhà sản xuất, nhập khẩu các chủng loại vật
liệu xây không nung có trách nhiệm báo cáo Sở Xây dựng địa phương về tình hình
sử dụng vật liệu xây không nung.
b) Thông tư số 10/2017/TT-BXD ngày 29/9/2017 của Bộ Xây dựng ban hành Quy
chuẩn kỹ thuật quốc gia về sản phẩm hàng hóa vật liệu xây dựng
Quy chuẩn QCVN 16:2017/BXD quy định vật liệu xây bao gồm gạch đất sét
nung, gạch bê tông, gạch bê tông bọt, khí không chưng áp, gạch bê tông khí chưng
áp bắt buộc phải thực hiện chứng nhận hợp quy và công bố hợp quy khi đưa sản
phẩm ra thị trường.
c) Ban hành Quyết định số 1264/QĐ-BXD ngày 18/12/2017 của Bộ trưởng Bộ
Xây dựng công bố định mức dự toán xây dựng sử dụng VLXKN, riêng thành 1 tập bổ
sung 156 định mức vào danh mục 163 định mức đã ban hành cho tất cả các loại
VLXKN đã đưa ra thị trường đến thời điểm này.
d) Thông tư số 46/2012/TT-BCT ngày 28/12/2012 của Bộ Công thương quy định
chi tiết một số nội dung của Nghị định số 45/2012/NĐ-CP ngày 21/5/2012 của
Chính phủ về khuyến công.
Theo quy định tại khoản 1, Điều 5, quy định chi tiết một số danh mục ngành,
nghề được hưởng chính sách khuyến công quy định tại Điều 5 Nghị định số
45/2012/NĐ-CP: Đối với sản xuất vật liệu xây dựng, không hỗ trợ các cơ sở sản
xuất gạch đất sét nung sử dụng công nghệ nung bằng lò thủ công cải tiến, lò vòng
gây ô nhiễm môi trường; tập trung hỗ trợ các cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng theo

74
công nghệ mới (vật liệu không nung), không ô nhiễm môi trường, sử dụng nguyên
liệu tái tạo.
đ) Thông tư số 157/2011/TT-BTC ngày 14/11/2011 của Bộ Tài chính ban hành
Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi theo danh mục mặt hàng chịu thuế
Theo quy định tại khoản 2, Điều 2, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi theo danh mục
mặt hàng chịu thuế quy định tại Phụ lục II.
Theo quy định tại Mục II, Chương 98, Phụ lục II, quy định mã số và mức thuế
suất thuế nhập khẩu ưu đãi riêng đối với một số nhóm mặt hàng, mặt hàng:
- Hàng hoá nhập khẩu thuộc nhóm 98.22 gồm: Vật tư, thiết bị phục vụ dự án chế
tạo thiết bị sản xuất vật liệu xây không nung nhẹ và sản xuất gạch xi măng cốt liệu
công suất từ 7 triệu viên quy tiêu chuẩn/năm trở lên được hưởng mức thuế suất thuế
nhập khẩu bằng 0, gồm các mặt hàng: Xe nâng, xe xúc lật; Máy ép thủy lực; Máy
cắt; Thiết bị chưng áp; Máy dỡ gạch; Bột nhôm (hàm lượng Al > 85%).
- Đối tượng áp dụng: Dự án chế tạo thiết bị sản xuất vật liệu xây dựng không
nung bao gồm: Gạch bê tông khi chưng áp, gạch bê tông bọt và sản xuất gạch
xi măng – cốt liệu công suất từ 7 triệu viên quy tiêu chuẩn/năm trở lên theo quy định
tại Quyết định số 567/QĐ-TTg ngày 28/4/2010 của Thủ tướng Chính phủ.
- Doanh nghiệp nhập khẩu hoặc uỷ thác nhập khẩu cam kết sử dụng đúng mục
đích vật tư, thiết bị phục vụ dự án chế tạo thiết bị sản xuất vật liệu xây không nung
nhẹ và sản xuất gạch xi măng - cốt liệu công suất từ 7 triệu viên quy tiêu chuẩn/năm
trở lên. Các trường hợp sử dụng không đúng mục đích thì các vật tư, thiết bị nhập
khẩu này áp dụng theo mức thuế nhập khẩu ưu đãi quy định tại mục I phụ lục II tại
thời điểm đăng ký Tờ khai hải quan hàng nhập khẩu với cơ quan Hải quan.
- Doanh nghiệp nhập khẩu hoặc uỷ thác nhập khẩu phải có văn bản xác nhận của
cơ quan quản lý chuyên ngành về lô hàng vật tư, thiết bị nhập khẩu phục vụ dự án
chế tạo thiết bị sản xuất vật liệu xây không nung.

2.2.5. Đánh giá tình hình thực hiện các chính sách

2.2.5.1. Kết quả đạt được


- Hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về khuyến khích sản xuất và sử dụng
vật liệu xây không nung (VLXKN) cơ bản đã đầy đủ.
- Nội dung các văn bản quy phạm pháp luật như Luật của Quốc hội, Nghị định
của Chính phủ, Quyết định và Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư của các
Bộ ngành đã quy định chi tiết các yêu cầu sử dụng VLXKN trong công trình
xây dựng.

75
- Các văn bản quy phạm pháp luật đã quy định các biện pháp xử lý các tổ chức,
cá nhân không tuân thủ các quy định về sử dụng VLXKN trong công trình xây dựng
từ khâu thiết kế, phê duyệt thiết kế, tổ chức thi công và giám sát thi công xây dựng
công trình.
- Để khuyến khích việc sản xuất, sử dụng VLXKN trong công trình xây dựng,
các văn bản quy phạm pháp luật đã quy định chi tiết các cơ chế chính sách hỗ trợ, ưu
đãi của Nhà nước đối với các doanh nghiệp sản xuất VLXKN.
- Trên cơ sở các chủ trương của Chính phủ về tăng cường sản xuất và sử dụng
VLXKN, hầu hết các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã xây dựng và ban
hành lộ trình, kế hoạch phát triển VLXKN, hạn chế sản xuất và sử dụng gạch đất sét
nung (xóa bỏ lò thủ công thủ công cải tiến, lò vòng sử dụng nhiên liệu hóa thạch).

2.2.5.2. Một số tồn tại


- Nhiều chính sách khi đưa ra chưa cụ thể, khi áp dụng vào thực hiện ở nhiều địa
phương không thực hiện được. Ví dụ: Cơ chế ưu đãi đối với dự án đầu tư mới còn
các dự án đầu tư mở rộng, đầu tư thêm thì không được thụ hưởng; các dự án nằm
trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp của các doanh nghiệp là chủ đầu tư
khu công nghiệp thì hầu như không được hưởng các chính sách ưu đãi,…
- Nhiều doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây không nung chưa được hưởng các ưu
đãi theo quy định tại Quyết định 567 của Thủ tướng Chính phủ, Nghị định số
118/2015/NĐ-CP ngày 12/11/2015 và Nghị định số 24a/2016/NĐ-CP ngày 5/4/2016
của Chính phủ. Nhiều doanh nghiệp đang sản xuất khi mở rộng đầu tư sản xuất vật
liệu xây không nung lại không được hưởng các chính sách ưu đãi.
- Ngoài vật liệu xây dựng nhẹ, các loại vật liệu không nung khác như gạch
bê tông, tấm panel bê tông,… chưa được hưởng các chính sách ưu đãi về đầu tư,
miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước, thuế nhập khẩu, thuế thu nhập doanh nghiệp.
- Bộ Khoa học và Công nghệ chưa có hướng dẫn sử dụng Quỹ chuyển giao công
nghệ như quy định tại Quyết định 567, nên các doanh nghiệp chưa được hưởng ưu đãi.

2.2.5.3. Đề xuất, kiến nghị


- Đề nghị sửa Nghị định số 118/2015/NĐ-CP theo hướng bổ sung thêm các loại
vật liệu không nung khác (ngoài vật liệu nhẹ) vào danh mục các ngành nghề được
đặc biệt ưu đãi đầu tư.
- Đề nghị sửa Nghị định số 142/2005/NĐ-CP theo hướng bổ sung thêm dự án
đầu tư sản xuất các vật liệu không nung khác (ngoài vật liệu nhẹ) được miễn tiền
thuê đất, thuê mặt nước.

76
- Đề nghị sửa Nghị định số 87/2010/NĐ-CP theo hướng bổ sung thêm dự án đầu
tư sản xuất các vật liệu không nung khác (ngoài vật liệu nhẹ) được hưởng ưu đãi về
thuế nhập khẩu.
- Đề nghị sửa Nghị định số 218/2013/NĐ-CP theo hướng bổ sung thêm dự án
đầu tư sản xuất các vật liệu không nung khác (ngoài vật liệu nhẹ) được hưởng thuế
suất ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp.
- Đề nghị sửa Quyết định 567/QĐ-TTg theo hướng bổ sung thêm các loại vật liệu
xây không nung dạng tấm như tấm panel bê tông, tấm panel bê tông nhẹ, tấm 3D,
tấm tường thạch cao.
- Bộ Khoa học và Công nghệ cần ban hành hướng dẫn sử dụng Quỹ chuyển giao
công nghệ để hỗ trợ cho các doanh nghiệp sản xuất VLXKN.
- Bộ Tài chính cần nghiên cứu, đề xuất tăng mức thuế suất thuế tài nguyên đối
với đất sét làm gạch ngói nung lên mức tối đa 15% để tăng khả năng cạnh tranh của
gạch không nung so với gạch đất sét nung.

77
Chương 3
TIÊU CHUẨN, QUY CHUẨN
VỀ VẬT LIỆU XÂY KHÔNG NUNG

Hiện nay ở nước ta có nhiều loại gạch không nung có mục đích sử dụng khác
nhau như để lát nền, đường, vỉa hè, sân bãi; để xây và lắp dựng trong các công trình
xây dựng. Trong phần này chỉ giới thiệu về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hướng
dẫn thi công, nghiệm thu và định mức vật tư có liên quan đến các loại vật liệu xây
không nung đang được sử dụng chủ yếu hiện nay.

3.1. TIÊU CHUẨN QUỐC GIA VỀ VẬT LIỆU XÂY KHÔNG NUNG
Hiện nay, nước ta đã ban hành tương đối đầy đủ các tiêu chuẩn về vật liệu xây
không nung phục vụ cho sản xuất và sử dụng vật liệu xây không nung trong công
trình xây dựng. Dưới đây sẽ giới thiệu tóm tắt nội dung các tiêu chuẩn về vật liệu
xây không nung.
3.1.1. TCVN 6477:2016 – Gạch bê tông
- Kích thước và mức sai lệch kích thước của viên gạch bê tông được quy định ở
bảng 3.1.
- Độ dày của các thành viên gạch ở vị trí nhỏ nhất không nhỏ hơn 20 mm đối với
công nghệ rung ép và không nhỏ hơn 10 mm đối với công nghệ ép tĩnh.
- Độ rỗng viên gạch không lớn hơn 65%, khối lượng viên gạch không lớn hơn 20 kg.
Bảng 3.1. Kích thước và mức sai lệch kích thước của viên gạch bê tông
Chiều dày thành ở vị trí
Mức sai Mức sai Mức sai nhỏ nhất, t, không nhỏ hơn
Chiều Chiều Chiều
lệch cho lệch cho lệch cho Gạch block Gạch ống
dài, l rộng, b cao, h
phép phép phép sản xuất theo sản xuất
mm mm mm
mm mm mm công nghệ theo công
rung ép nghệ ép tĩnh
390 80 - 200 60 - 190
220 105
±2 ±2 ±3 20 10
210 100 60
200 95
CHÚ THÍCH: Có thể sản xuất các loại gạch bê tông có kích thước khác theo yêu cầu của
khách hàng.

78
- Cường độ nén, độ hút nước và độ thấm nước được quy định tại Bảng 3.2.
- Độ thấm nước của gạch xây không trát, không lớn hơn: 0,35 l/m2.h đối với gạch
xây có trát không lớn hơn 16 l/m2.h.
Bảng 3.2. Yêu cầu cường độ chịu nén, độ hút nước và độ thấm nước

Cường độ chịu nén, MPa Khối Độ hút Độ thấm nước, L/m2.h,


Trung bình lượng viên nước, % không lớn hơn
Mác gạch Nhỏ nhất gạch, kg, khối lượng,
cho ba mẫu
cho một không lớn không lớn Gạch xây Gạch xây
thử, không
mẫu thử hơn hơn không trát có trát
nhỏ hơn
M3,5 3,5 3,1
14
M5,0 5,0 4,5
M7,5 7,5 6,7
M10,0 10,0 9,0 20 0,35 16
M12,5 12,5 11,2 12
M15,0 15,0 13,5
M20,0 20,0 18,0

3.1.2. TCVN 7959:2017 - Bê tông nhẹ - Sản phẩm bê tông khí chưng áp -
Yêu cầu kỹ thuật
- Gạch AAC có dạng khối hình hộp chữ nhật hoặc dạng tấm với các kích thước
cơ bản của sản phẩm như trong bảng 3.3.
Bảng 3.3. Kích thước cơ bản của sản phẩm AAC (mm)
Mức, mm, không lớn hơn
STT Kích thước
dạng khối dạng tấm
1 Chiều dài 600 1500
2 Chiều rộng 200 200
3 Chiều cao 300 600

CHÚ THÍCH: Có thể sản xuất sản phẩm bê tông khí chưng áp có hình dạng, kích thước
khác theo yêu cầu của người mua.
- Cường độ nén và khối lượng thể tích khô của gạch AAC được quy định trong
bảng 3.4.
- Độ co khô của gạch AAC không lớn hơn lớn hơn 0,02% (0,2 mm/m).

79
- Phương pháp thử: Quy định phương pháp thử các chỉ tiêu kỹ thuật của gạch
bê tông khí chưng áp.
Bảng 3.4. Cường độ nén và khối lượng thể tích khô của gạch AAC
Giá trị trung bình Khối lượng thể tích khô,
Cấp cường độ nén cường độ chịu nén, kg/m3
B
MPa, không nhỏ hơn Danh nghĩa Trung bình
D400 từ 351 đến 450
B2 2,5
D500 từ 451 đến 550
D500 từ 451 đến 550
B3 3,5
D600 từ 551 đến 650
D600 từ 551 đến 650
B4 5,0 D700 từ 651 đến 750
D800 từ 751 đến 850
D700 từ 651 đến 750
B6 7,5 D800 từ 751 đến 850
D900 từ 851 đến 950
D800 từ 751 đến 850
B8 10,0 D900 từ 851 đến 950
D1000 từ 951 đến 1050

3.1.3. TCVN 9029:2017 - Bê tông nhẹ - Sản phẩm bê tông bọt và bê tông khí
không chưng áp - Yêu cầu kỹ thuật
- Kích thước của gạch bê tông bọt, khí không chưng áp được được thiết kế phù
hợp với chiều dày của tường theo yêu cầu thiết kế. Kích thước thông dụng của sản
phẩm bê tông bọt và bê tông khí không chưng áp như trong Bảng 3.5.
Bảng 3.5. Kích thước viên gạch bê tông bọt, khí không chưng áp (mm)
Mức, mm, không lớn hơn
STT Kích thước
dạng khối dạng tấm
1 Chiều dài 600 1500
2 Chiều rộng 200 200
3 Chiều cao 300 600

CHÚ THÍCH: Có thể sản xuất sản phẩm bê tông bọt, khí không chưng áp có hình dạng,
kích thước khác theo thỏa thuận giữa nhà sản xuất và người mua.

80
- Cường độ nén và khối lượng thể tích khô của gạch bê tông bọt, khí không
chưng áp được quy định tại bảng 3.6.
- Độ co khô của gạch bê tông bọt, khí không chưng áp không lớn hơn 0,25%
(2,5 mm/m).
Bảng 3.6. Cường độ nén và khối lượng thể tích khô

Cấp Giá trị cường độ nén Khối lượng thể tích khô,
cường độ nén trung bình, kg/m3
B MPa, không nhỏ hơn
Danh nghĩa Trung bình
D500 từ 451 đến 550
B1,0 1,5
D600 từ 551 đến 650
D500 từ 451 đến 550
B1,5 2,0 D600 từ 551 đến 650
D700 từ 651 đến 750
D600 từ 551 đến 650
B2,0 2,5 D700 từ 651 đến 750
D800 từ 751 đến 850
D700 từ 651 đến 750
B2,5 3,5 D800 từ 751 đến 850
D900 từ 851 đến 950
D800 từ 751 đến 850
B3,5 5,0 D900 từ 851 đến 950
D1000 từ 951 đến 1050
D800 từ 751 đến 850
D900 từ 851 đến 950
B5,0 7,0
D1000 từ 951 đến 1050
D1100 từ 1051 đến 1150
D900 từ 851 đến 950
D1000 từ 951 đến 1050
B7,5 10,0
D1100 từ 1051 đến 1150
D1200 từ 1151 đến 1250
D1100 từ 1051 đến 1150
B10,0 14,0
D1200 từ 1151 đến 1250
B12,5 17,5 D1200 từ 1151 đến 1250

81
3.1.4. TCVN 9030:2017 – Bê tông nhẹ – Phương pháp thử
Tiêu chuẩn này quy định phương pháp thử cho các sản phẩm: bê tông bọt, bê
tông khí không chưng áp và bê tông khí chưng áp ở dạng khối hoặc dạng tấm nhỏ
không có thanh cốt gia cường, đượcsử dụng để xây trong công trình xây dựng.
3.1.5. TCVN 7575:2007 – Tấm 3D dùng trong xây dựng
Tiêu chuẩn này gồm 3 phần: Phần 1 - Quy định kỹ thuật, Phần 2 - Phương pháp thử,
Phần 3 - Hướng dẫn lắp dựng.
- Tấm 3D dùng trong xây dựng (3D construction panel) là tấm vật liệu tiền chế
có cấu tạo gồm một khung thép hàn không gian ba chiều tạo độ cứng vững và truyền
lực cắt theo mô đun xác định, ở giữa có lõi xốp polystyren (EPS) cách âm cách nhiệt
(chưa phủ bê tông), dùng để chế tạo cấu kiện 3D.
- Cấu kiện 3D (3D construction element) là tấm 3D với kích thước xác định, đã
được phun phủ bê tông hai mặt theo thành phần cấp phối xác định và bảo dưỡng
trong điều kiện thời gian và nhiệt độ xác định để đạt cường độ thiết kế.
- Kích thước cơ bản và sai lệch kích thước tấm 3D quy định trong bảng 3.7.
Bảng 3.7. Kích thước cơ bản và sai lệch kích thước cho phép
Kích thước tính bằng milimét
Kích thước cơ bản Mức Sai lệch
1. Chiều dài tấm 3D1) - ± 1%
2. Chiều rộng tấm 3D 1000 ±3
1200
3. Chiều dày lớp lõi xốp (EPS) Từ 30 đến 100 ±1
4. Chiều dày tấm 3D (khoảng cách giữa hai lớp lưới 50, 75, 100, 125 ±1
thép, tính từ phía ngoài sợi thép) và 150
5. Số lượng thanh thép giằng chéo trên 1 mét vuông
tấm, không nhỏ hơn:
tấm tường 100 -
tấm sàn 186 -
6. Khoảng cách từ lõi xốp đến lưới thép:
không nhỏ hơn 13
không lớn hơn 1/2 của chiều dày lớp ±1
bê tông
1)
Tùy theo thiết kế và/hoặc yêu cầu của khách hàng.

82
- Yêu cầu đối với tấm 3D: Tấm 3D phải đảm bảo phẳng, vững chắc, theo đúng
thiết kế và phù hợp với quy định trong bảng 3.7. Các lưới thép không bị vênh, lớp
lõi xốp polystyren (EPS) không được sứt góc, cạnh. Tất cả các vị trí hàn tiếp xúc
giữa thép giằng chéo và thép lưới phải đảm bảo chắc chắn.
- Yêu cầu độ bền chịu nén của cấu kiện 3D: Độ bền chịu nén được đánh giá theo
giá trị ứng suất thực tế đạt được lớn nhất trong tấm do tải trọng gây ra.
+ Độ bền nén: giá trị ứng suất trung bình lớn nhất (σR) nhận được, không nhỏ
hơn 95% giá trị độ bền tính toán thiết kế và không nhỏ hơn 11 MPa;
+ Độ cứng khi nén (εn): độ cong tương đối của tấm (e/L) phải nhỏ hơn hoặc bằng
một nửa tỷ số giữa chiều dày và chiều cao tấm nén 3D:
e 1H
εn = ≤
L 2L

Trong đó: e là độ cong tuyệt đối của tấm mẫu nén, mm; L là chiều cao tấm mẫu
nén, mm; H là chiều dày tấm mẫu nén, mm.
- Yêu cầu độ bền chịu uốn của cấu kiện 3D:
+ Độ bền chịu uốn: giá trị tải trọng phá hủy thực tế không nhỏ hơn 95% giá trị độ
bền tính toán thiết kế;
+ Độ cứng khi uốn (εu): độ võng trên chiều dài nhịp uốn (f/L) tại thời điểm tấm
xuất hiện sự phát triển liên tục của độ võng khi tải trọng giữ nguyên giá trị:
f 1 1
εu = = ÷
L 140 50
Trong đó: f là độ võng tuyệt đối, mm; L là chiều dài nhịp uốn, mm.
- Yêu cầu về độ bền chịu lửa, độ cách âm không khí và độ cách nhiệt, theo quy
định tại bảng 3.8.
Bảng 3.8. Yêu cầu về độ bền chịu lửa, độ cách âm và độ cách nhiệt

Tên chỉ tiêu Mức

1. Độ bền chịu lửa1), phút, không nhỏ hơn 125

2. Độ cách âm không khí1), dB, không nhỏ hơn 42

3. Độ cách nhiệt1), m2.K/W, không nhỏ hơn 2,02


1)
Thử nghiệm khi có yêu cầu.

83
3.1.6. TCVN 9028:2011 - Vữa cho bê tông nhẹ
Tiêu chuẩn này áp dụng cho vữa trộn sẵn trên cơ sở chất kết dính vô cơ dùng làm
vữa xây lớp mỏng và vữa trát cho khối xây sử dụng bê tông nhẹ, bao gồm gạch
bê tông bọt, khí không chưng áp và gạch bê tông khí chưng áp.
- Vữa xây lớp mỏng: Hỗn hợp của một hoặc nhiều loại chất kết dính vô cơ, cốt
liệu, nước và có thể có phụ gia hóa học và/hoặc phụ gia khoáng, sử dụng để xây các
viên xây bê tông nhẹ với mạch vữa có chiều dày khoảng 3 mm đến 5 mm. Cốt liệu
dùng cho vữa xây lớp mỏng phải có kích thước lớn nhất không lớn hơn giá trị quy
định ở bảng 3.9.
- Vữa trát: Hỗn hợp của một hoặc nhiều loại chất kết dính vô cơ, cốt liệu, nước
và có thể có phụ gia hóa học và/hoặc phụ gia khoáng, sử dụng để trát bên ngoài hoặc
bên trong khối xây sử dụng bê tông nhẹ.
- Các chỉ tiêu chất lượng của hỗn hợp vữa được quy định trong bảng 3.9.
Bảng 3.9. Các chỉ tiêu chất lượng của hỗn hợp vữa

Mức quy định


Tên chỉ tiêu Vữa xây
Vữa trát
lớp mỏng
1. Kích thước hạt cốt liệu lớn nhất, mm, không lớn hơn 1,25
2. Độ lưu động, mm 190 - 220 180 - 210
3. Khả năng giữ độ lưu động, %, không nhỏ hơn 90
4. Thời gian bắt đầu đông kết, phút, không nhỏ hơn 180
5. Thời gian điều chỉnh, phút, không nhỏ hơn 5 -
6. Hàm lượng ion clo trong vữa, %, không lớn hơn 0,1

- Cường độ nén và cường độ bám dính của vữa được quy định trong bảng 3.10.

Bảng 3.10. Cường độ nén và cường độ bám dính của vữa


Mác vữa
Tên chỉ tiêu
M2,5 M5,0 M7,5 M10 M12,5
1. Cường độ nén trung bình, MPa 10 12,5
2,5 5,0 7,5
(N/mm2), không nhỏ hơn
2. Cường độ bám dính, MPa
- 0,4
(N/mm2), không nhỏ hơn

84
- Hệ số hút nước do mao dẫn của vữa trát sử dụng cho bề mặt ngoài của khối
xây, kg/m2.phút0,5, không lớn hơn 0,2.

3.1.7. TCVN 4314:2003 - Vữa xây dựng - Yêu cầu kỹ thuật


Tiêu chuẩn này áp dụng cho vữa dùng để xây, hoàn thiện trong các công trình
xây dựng.
- Theo chất kết dính sử dụng, vữa được phân làm 4 loại: Vữa xi măng - cát, vữa
vôi - cát, vữa xi măng - vôi - cát, vữa đất sét - xi măng - cát.
- Theo mục đích sử dụng, vữa được phân làm 2 loại: Vữa xây, vữa hoàn thiện thô
và mịn.
- Theo cường độ chịu nén, vữa gồm các mác M1,0; M2,5; M5,0; M7,5; M10;
M15; M20; M30.
- Các chỉ tiêu chất lượng của vữa tươi được quy định ở bảng 3.11.
- Vữa đóng rắn có các mác và cường độ chịu nén sau 28 ngày dưỡng hộ trong
điều kiện tiêu chuẩn, được quy định ở bảng 3.12.

Bảng 3.11. Các chỉ tiêu chất lượng của vữa tươi

Loại vữa
TT Tên chỉ tiêu Xây Hoàn thiện

Thô Mịn

1 Kích thước hạt cốt liệu lớn nhất (Dmax), mm, 5 2,5 1,25
không lớn hơn

2 Độ lưu động (phương pháp độ chảy), mm,


- Vữa thường 165-195 175-205 175-205
- Vữa nhẹ 145-175 155-185 155-185

3 Khả năng giữ độ lưu động, %, không nhỏ hơn


- Vữa không có vôi và đất sét 65 65 65
- Vữa có vôi hoặc đất sét 75 75 75

4 Thời gian bắt đầu đông kết, phút, không nhỏ hơn 150 150 150

5 Hàm lượng ion clo trong vữa(1), %, không lớn hơn 0,1 0,1 0,1

Ghi chú: (1) chỉ áp dụng cho vữa có tiếp xúc với cốt thép.

85
Bảng 3.12. Mác vữa và cường độ chịu nén của vữa đóng rắn
Mác vữa M 1,0 M 2,5 M 5,0 M 7,5 M 10 M 15 M 20 M30
Cường độ nén
trung bình, MPa, 1,0 2,5 5,0 7,5 10 15 20 30
không nhỏ hơn

3.1.8. TCVN 3121:2003 - Vữa xây dựng - Phương pháp thử


Tiêu chuẩn này quy định phương pháp thử các chỉ tiêu kỹ thuật của gạch bê tông
bọt, khí không chưng áp.

3.2. QUY CHUẨN KỸ THUẬT QUỐC GIA VỀ VẬT LIỆU XÂY

QCVN 16:2017/BXD – Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về sản phẩm hàng hóa vật
liệu xây dựng được ban hành theo Thông tư số 10/2017/TT-BXD ngày 29/9/2017
của Bộ Xây dựng, trong đó có quy định nhóm vật liệu xây bắt buộc phải thực hiện
chứng nhận hợp quy và công bố hợp quy bao gồm:
- Gạch đất sét nung;
- Gạch bê tông;
- Bê tông nhẹ - Sản phẩm bê tông khí chưng áp (AAC);
- Bê tông nhẹ - Sản phẩm bê tông bọt và bê tông khí không chưng áp.

3.3. TIÊU CHUẨN THIẾT KẾ, THI CÔNG, ĐỊNH MỨC VỀ VẬT LIỆU XÂY
KHÔNG NUNG

Ngoài các tiêu chuẩn thiết kế, thi công đã có, hiện nay Bộ Xây dựng đã ban hành chỉ
dẫn kỹ thuật thi công tường xây bằng gạch AAC và định mức dự toán xây dựng công
trình có bổ sung định mức cho xây gạch AAC và lắp dựng tấm tường panel 3D. Dưới
đây sẽ giới thiệu tóm tắt nội dung các tiêu chuẩn liên quan đến công tác thiết kế, thi
công, nghiệm thu và định mức sử dụng VLXKN vào công trình xây dựng.
3.3.1. TCVN 5574:2012 - Kết cấu bê tông và bê tông cốt thép - Tiêu chuẩn thiết kế
- Tiêu chuẩn này dùng để thiết kế các kết cấu bê tông và bê tông cốt thép của nhà
và công trình có công năng khác nhau, làm việc dưới tác động có hệ thống của nhiệt
độ trong phạm vi không cao hơn 50°C và không thấp hơn âm 70°C.
- Tiêu chuẩn này quy định các yêu cầu về thiết kế các kết cấu bê tông và bê tông
cốt thép làm từ bê tông nặng, bê tông nhẹ, bê tông hạt nhỏ, bê tông tổ ong, bê tông
rỗng cũng như bê tông tự ứng suất.

86
3.3.2. TCVN 5573:2011 - Kết cấu gạch đá và gạch đá cốt thép - Tiêu chuẩn
thiết kế
- Tiêu chuẩn này áp dụng để thiết kế xây dựng mới, thiết kế xây dựng sửa chữa
và cải tạo các ngôi nhà và công trình làm bằng kết cấu gạch đá và gạch đá cốt thép.
- Gạch, đá và vữa dùng trong kết cấu gạch đá và gạch đá có cốt thép cũng như
bê tông dùng để sản xuất viên xây và các blốc cỡ lớn,... phải thỏa mãn các yêu cầu
kỹ thuật của các tiêu chuẩn và những hướng dẫn kỹ thuật tương ứng. Được phép sử
dụng các loại mác sau:
+ Gạch đá: mác theo cường độ chịu nén 4, 7, 10, 15, 35, 50, 75, 100, 150, 200,
250, 300, 400, 500, 600, 800 và 1000;
+ Bê tông: mác theo cường độ chịu nén:
(i) Bê tông nặng: M50, M75, M100, M150, M200, M250, M300, M400.
(ii) Bê tông cốt liệu rỗng: M25, M35, M50, M75, M150, M150, M200, M250,
M350, M400.
(iii) Bê tông tổ ong: M15, M25, M35, M50, M75, M150, M150.
(iv) Bê tông rỗng lớn: M15, M25, M35, M50, M75, M150.
(v) Bê tông rỗng: M25, M35, M50, M75, M150.
(vi) Bê tông silicát: M150, M200, M250, M350, M400.
Đối với các loại bê tông dùng để giữ nhiệt cho phép sử dụng loại có cường độ
0,7 MPa (M7), 1 MPa (M10).
- Vữa: mác theo cường độ chịu nén 0,4; 1; 2,5; 5; 7,5; 10; 15; 20.

3.3.3. TCVN 4085:1985 - Kết cấu gạch đá - Quy phạm thi công và nghiệm thu
Quy phạm này được áp dụng khi thi công và nghiệm thu các kết cấu xây dựng
bằng gạch đá (bao gồm: gạch đá nung, gạch xỉ, gạch silicát, các loại gạch không
nung, đá đẽo, đá hộc và bê tông đá hộc) trong xây dựng cơ bản. Tuy nhiên, thời
điểm ban hành tiêu chuẩn này chưa có các loại VLXKN nhẹ nên không phù hợp cho
kết cấu tường xây sử dụng các loại gạch bê tông bọt, khí không chưng áp và bê tông
khí chưng áp.
3.3.4. Chỉ dẫn kỹ thuật “Thi công và nghiệm thu tường xây bằng block bê
tông khí chưng áp” ban hành kèm theo Quyết định số 947/QĐ-BXD ngày
31/10/2011 của Bộ Xây dựng
Chỉ dẫn kỹ thuật này áp dụng cho công tác xây, trát và nghiệm thu các tường xây
bằng block bê tông khí chưng áp (AAC).

87
Chỉ dẫn kỹ thuật này quy định các nội dung khi thi công và nghiệm thu tường
xây bằng gạch bê tông AAC, cụ thể như sau:
- Quy định chung: Yêu cầu cần thực hiện các quy định của thiết kế, các quy định
về thi công và nghiệm thu.
- Chọn block AAC và vữa xây, trát.
- Thiết bị, dụng cụ thi công.
- Trình tự thi công khối xây bê tông khí chưng áp.
- Các chi tiết liên kết tường - tường, tường - cột, tường - dầm sàn.
- Đặt hệ thống kỹ thuật ngầm tường.
- Chống thấm khu dùng nước.
- Tạo khe co dãn trên tường.
- Treo đồ trên tường AAC.
- Nghiệm thu: nghiệm thu vật liệu, nghiệm thu tường xây.
3.3.5. Ban hành Quyết định số 1264/QĐ-BXD ngày 18/12/2017 của Bộ
trưởng Bộ Xây dựng công bố định mức dự toán xây dựng công trình Phần xây
dựng (sửa đổi và bổ sung) - Công tác sử dụng VLXKN
Định mức dự toán xây dựng công trình - Phần xây dựng sửa đổi và bổ sung (Sau
đây gọi tắt là Định mức dự toán) công tác sử dụng vật liệu xây không nung là định
mức kinh tế - kỹ thuật thể hiện mức hao phí về vật liệu, lao động và máy thi công để
hoàn thành một đơn vị khối lượng công tác xây dựng như 1 m3 xây tường gạch,
1 m2 trát tường, v.v... từ khâu chuẩn bị đến khâu kết thúc công tác xây dựng (kể cả
những hao phí cần thiết do yêu cầu kỹ thuật và tổ chức sản xuất nhằm đảm bảo thi
công xây dựng liên tục, đúng quy trình, quy phạm kỹ thuật).
Định mức dự toán được lập trên cơ sở các quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng; quy
phạm kỹ thuật về thiết kế - thi công - nghiệm thu; mức cơ giới hóa chung trong
ngành xây dựng; trang thiết bị kỹ thuật, biện pháp thi công và những tiến bộ khoa
học kỹ thuật trong xây dựng (các vật liệu mới, thiết bị và công nghệ thi công tiên
tiến v.v...).
a) Nội dung định mức dự toán
Định mức dự toán bao gồm:
- Mức hao phí vật liệu:
Là số lượng vật liệu chính, vật liệu phụ, các cấu kiện hoặc các bộ phận rời lẻ, vật
liệu luân chuyển (không kể vật liệu phụ cần dùng cho máy móc, phương tiện

88
vận chuyển và những vật liệu tính trong chi phí chung) cần cho việc thực hiện và
hoàn thành một đơn vị khối lượng công tác xây dựng.
Mức hao phí vật liệu trong định mức này đã bao gồm hao hụt vật liệu ở khâu
thi công.
- Mức hao phí lao động:
+ Là số ngày công lao động của công nhân trực tiếp thực hiện khối lượng công
tác xây dựng và công nhân phục vụ xây dựng.
+ Số lượng ngày công đã bao gồm cả lao động chính, phụ để thực hiện và hoàn
thành một đơn vị khối lượng công tác xây dựng từ khâu chuẩn bị đến khâu kết thúc,
thu dọn hiện trường thi công.
+ Cấp bậc công nhân trong định mức là cấp bậc bình quân của các công nhân
tham gia thực hiện một đơn vị công tác xây dựng.
- Mức hao phí máy thi công:
Là số ca sử dụng máy và thiết bị thi công chính trực tiếp thực hiện kể cả máy và
thiết bị phụ phục vụ để hoàn thành một đơn vị khối lượng công tác xây dựng.
b) Kết cấu tập định mức dự toán
Tập định mức dự toán được trình bày theo nhóm, loại công tác hoặc kết cấu xây
dựng và được mã hóa thống nhất theo tập Định mức dự toán xây dựng công trình -
Phần Xây dựng đã được công bố kèm theo văn bản số 1776/BXD-VP ngày
16/8/2007 của Bộ Xây dựng sửa đổi và bổ sung vào 03 chương:
- Chương V: Công tác xây gạch đá:
+ Xây gạch bê tông: mã AE 81000;
+ Xây gạch silicat: Mã AE 84000;
+ Xây gạch bê tông khí chưng áp (AAC) bằng vữa xây bê tông nhẹ: Mã
AE 85000;
+ Xây gạch bê tông khí chưng áp (AAC) bằng vữa xây thông thường: Mã
AE 88100;
+ Xây gạch bê tông bọt, khí không chưng áp bằng vữa xây bê tông nhẹ: Mã
AE 89100;
+ Xây gạch bê tông bọt, khí không chưng áp bằng vữa thông thường: Mã
AE 89500.
- Chương X: Công tác làm mái:
+ Trát tường xây gạch không nung bằng vữa trát bê tông nhẹ: Mã AK 21300;

89
+ Trát tường xây gạch không nung bằng vữa thông thường: Mã AK 21500.
+ Các công tác khác:
+ Trát tường xây gạch không nung bằng vữa thông thường: Mã AL 26100;
+ Căng lưới thép gia cố tường gạch không nung: Mã AL 52910;
+ Căng lưới thủy tinh gia cố tường gạch không nung: AL 52920.
Mỗi loại định mức được trình bày tóm tắt thành phần công việc, điều kiện kỹ
thuật, điều kiện thi công và biện pháp thi công và được xác định theo đơn vị tính phù
hợp để thực hiện công tác xây dựng đó.
- Các thành phần hao phí trong định mức dự toán được xác định theo nguyên
tắc sau:
+ Mức hao phí vật liệu chính được tính bằng số lượng phù hợp với đơn vị tính
của vật liệu;
+ Mức hao phí vật liệu khác được tính bằng tỉ lệ % tính trên chi phí vật
liệu chính;
+ Mức hao phí lao động chính và phụ được tính bằng số ngày công theo cấp bậc
bình quân của công nhân trực tiếp xây dựng;
+ Mức hao phí máy thi công chính được tính bằng số lượng ca máy sử dụng;
+ Mức hao phí máy thi công khác được tính bằng tỷ lệ % trên chi phí sử dụng
máy chính.
c) Hướng dẫn sử dụng
- Định mức dự toán được sử dụng để lập đơn giá xây dựng công trình, làm cơ sở
xác định dự toán chi phí xây dựng, tổng mức đầu tư dự án đầu tư xây dựng công
trình và quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình.
- Đối với các loại gạch bê tông mã hiệu AE.82260; AE.82270; AE.82280; khi
xây các bộ phận kết cấu khác thì mức hao phí nhân công được nhân với hệ số điều
chỉnh K = 1,2.
- Ngoài thuyết minh và hướng dẫn sử dụng nêu trên, trong một số chương công
tác của định mức dự toán còn có phần thuyết minh và hướng dẫn cụ thể đối với từng
nhóm, loại công tác xây dựng phù hợp với yêu cầu kỹ thuật, điều kiện thi công và
biện pháp thi công.
- Chiều cao ghi trong định mức dự toán là chiều cao tính từ cốt ± 0.00 theo thiết
kế công trình đến cốt ≤ 4m; ≤ 16m; ≤ 50m và từ cốt ± 0.00 đến cốt > 50m (chiều cao
quy định trong định mức dự toán cho khối lượng thi công của công trình là chiều cao

90
công trình). Các loại công tác xây dựng trong định mức không ghi độ cao như công
tác trát, v.v... nhưng khi thi công ở độ cao > 16m được áp dụng định mức bốc xếp
vận chuyển vật liệu lên cao.
Với Bộ định mức Ban hành theo Quyết định số 1264/QĐ-BXD ngày 18/12/2017
về cơ bản đã đầy đủ để thi công các loại sản phẩm gạch không nung.

3.4. ĐÁNH GIÁ CÁC TIÊU CHUẨN VỀ VẬT LIỆU XÂY KHÔNG NUNG

3.4.1. Đánh giá chung


Trên cơ sở các tiêu chuẩn hiện có liên quan đến VLXKN, có một số đánh giá
chung như sau:
- Các tiêu chuẩn về yêu cầu kỹ thuật và phương pháp thử cho các loại vật liệu
xây không nung chủ yếu như gạch bê tông, gạch bê tông bọt, khí không chưng áp và
gạch bê tông khí chưng áp đã đầy đủ, nội dung tiêu chuẩn phù hợp với thực tế sản
xuất và sử dụng hiện nay.
- Đối với các sản phẩm VLXKN dạng tấm, hiện mới chỉ có tiêu chuẩn cho tấm
panel 3D, các sản phẩm dang tấm khác hiện vẫn chưa có tiêu chuẩn như tấm tường
ACOTEC, tấm panel kẹp, tấm tường thạch cao, tấm panel AAC,… Điều này sẽ gây
khó khăn khi sử dụng các sản phẩm này vào công trình xây dựng.
- Về tiêu chuẩn vữa xây trát, tiêu chuẩn vữa xây trát dùng cho gạch bê tông nhẹ
đã quy định các chỉ tiêu kỹ thuật phù hợp cho công tác xây, trát gạch bê tông nhẹ.
Đối với vữa dùng cho gạch bê tông, có thể dùng vữa xây dựng thông thường, tuy
nhiên do độ hút nước của gạch bê tông tương đối cao nên yêu cầu độ dẻo của hỗn
hợp vữa cao hơn so với khi xây trát gạch đất sét nung.
- Về tiêu chuẩn thiết kế, hiện đã có tiêu chuẩn thiết kế kết cấu gạch đá, tiêu chuẩn
thiết kế kết cấu bê tông và bê tông cốt thép. Khi sử dụng gạch bê tông có thể áp
dụng các tiêu chuẩn này, tuy nhiên đối với gạch bê tông nhẹ có thể chưa hoàn toàn
phù hợp.
- Về tiêu chuẩn thi công và nghiệm thu, hiện đã ban hành chỉ dẫn kỹ thuật thi
công và nghiệm thu tường xây bằng gạch bê tông khí chưng áp. Tuy nhiên chỉ dẫn
này không quy định áp dụng cho cả gạch bê tông bọt, khí không chưng áp nên gây
khó khăn khi sử dụng loại gạch này vào công trình xây dựng. Các sản phẩm
VLXKN dạng tấm khác cũng chưa có tiêu chuẩn hướng dẫn thi công và nghiệm thu.
- Về định mức vật tư, hiện đã ban hành định mức dự toán xây dựng công trình có
bổ sung định mức cho khối xây bằng gạch bê tông khí chưng áp, block bê tông rỗng,
lắp dựng tấm panel 3D và định mức cấp phối vữa cho gạch bê tông nhẹ. Tuy nhiên,

91
đối với sản phẩm bê tông bọt, khí không chưng áp và các loại VLXKN dạng tấm
khác vẫn chưa có định mức.
Tóm lại, các tiêu chuẩn, định mức vật tư liên quan đến việc sản xuất và sử dụng
các loại VLXKN hiện nay vẫn còn thiếu và chưa đồng bộ, dẫn đến khó khăn cho cho
các chủ đầu tư, tư vấn thiết kế, doanh nghiệp sản xuất trong việc đưa sản phẩm
VLXKN vào công trình xây dựng. Đây là một trong những nguyên nhân quan trọng
chưa thúc đẩy nhanh chóng việc sử dụng VLXKN thay thế gạch đất sét nung trong
công trình xây dựng.

3.4.2. Đề xuất sửa đổi, bổ sung hoàn thiện


Để đẩy mạnh hơn nữa việc sử dụng VLXKN vào công trình xây dựng nhằm thực
hiện thành công Chương trình phát triển vật liệu không nung đến năm 2020 của
Chính phủ, công tác xây dựng tiêu chuẩn liên quan đến việc sản xuất và sử dụng
VLXKN trong thời gian tới cần phải được tiếp tục bổ sung, hoàn thiện, cụ thể
như sau:
- Xây dựng bổ sung tiêu chuẩn yêu cầu kỹ thuật và phương pháp thử cho các sản
phẩm VLXKN như gạch bê tông đất, tấm tường ACOTEC, tấm panel AAC, tấm
panel kẹp, tấm tường thạch cao,…
- Soát xét tiêu chuẩn thiết kế công trình, trong đó có bổ sung nội dung thiết kế
công trình có sử dụng VLXKN nhẹ.
- Soát xét chỉ dẫn kỹ thuật thi công và nghiệm thu tường xây bằng block bê tông
khí chưng áp, trong đó bổ sung thêm quy định cho sản phẩm gạch bê tông bọt, khí
không chưng áp.
- Xây dựng bổ sung chỉ dẫn kỹ thuật thi công và nghiệm thu tường lắp ghép từ
các sản phẩm VLXKN dạng tấm.
- Soát xét Định mức dự toán xây dựng công trình - Phần Xây dựng, trong đó bổ
sung thêm định mức khối xây cho sản phẩm gạch bê tông bọt, khí không chưng áp
và định mức lắp ghép cho các sản phẩm VLXKN dạng tấm khác.

92
TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Phùng Văn Lự, Phạm Duy Hữu, Phan Khắc Trí. Vật liệu xây dựng. Nhà xuất
bản Giáo dục Việt Nam, 2012.
2. IU.M.Bazenov, Bạch Đình Thiên, Trần Ngọc Tính. Công nghệ bê tông. Nhà
xuất bản Xây dựng, 2004.
3. Nguyễn Như Quý. Công nghệ vật liệu cách nhiệt. Nhà xuất bản Xây dựng, 2010.
4. Thái Duy Sâm, Điều tra, đánh giá tình hình sản xuất và sử dụng vật liệu không
nung ở Việt Nam; Đề xuất các giải pháp phát triển vật liệu không nung thay thế
gạch đất sét nung; Xây dựng chương trình phát triển vật liệu xây dựng không
nung đến năm 2020 trình Chính phủ phê duyệt, Viện Vật liệu xây dựng, 2009.
5. Lương Đức Long, Quy hoạch phát triển vật liệu xây, lợp nung và không nung ở
Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 (Báo cáo trình Bộ Xây
dựng phê duyệt), Viện Vật liệu xây dựng, 2016.
6. Nguyễn Đình Lợi, Nghiên cứu lựa chọn nguyên liệu và công nghệ phù hợp chế
tạo bê tông khí chưng áp, Mã số RD 42-09, Viện Vật liệu xây dựng, 2011.
7. Đào Quốc Hùng, Nghiên cứu chế tạo chất tạo bọt sử dụng trong sản xuất
bê tông nhẹ nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vật liệu không nung, Mã số RD
09-10, Viện Vật liệu xây dựng, 2011.
8. Nguyễn Văn Đoàn, Nghiên cứu chế tạo vữa xây trát trong các công trình xây dựng
sử dụng gạch không nung, Mã số RD 22-10, Viện Vật liệu xây dựng, 2012.
9. Phạm Đức Nhuận, Nghiên cứu các giải pháp vật liệu chế tạo và thi công tường
panel thay thế gạch xây trong công trình xây dựng, Mã số RD 115-13, Viện Vật
liệu xây dựng, 2014.
10. Vũ Hải Nam, Nghiên cứu chế tạo và ứng dụng tấm tường dùng bê tông bọt, Mã
số 30/2014/HĐ-NĐT, Viện Vật liệu xây dựng, 2016.
11. Hoàng Văn Tiến, Nghiên cứu nâng cao chất lượng sản phẩm bê tông khí không
chưng áp sử dụng cho nhà cao tầng và nhà công nghiệp, Luận án tiến sỹ kỹ
thuật, Hà Nội, 2015.
12. Báo cáo tình hình thực hiện Chương trình phát triển vật liệu không nung đến
năm 2020 của Vụ Vật liệu xây dựng, Bộ Xây dựng.
13. Hội Công nghiệp bê tông Việt Nam, Bê tông nhẹ - Lựa chọn công nghệ và quy
mô đầu tư thích hợp, Tài liệu hội thảo, Hà Nội, 2010.

93
14. Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam, Giải pháp công nghệ sản xuất và sử dụng
bê tông khí chưng áp chất lượng cao, Tài liệu hội thảo, Hà Nội, 2011.
15. Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam, Vật liệu xây không nung - Giải pháp xanh cho
công trình bền vững, Tài liệu hội thảo, Hà Nội, 2011.
16. Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam, Ứng dụng vật liệu mới, tiết kiệm năng lượng,
thân thiện môi trường trong xây dựng, Tài liệu hội thảo, Hà Nội, 2011.
17. Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam, Tăng cường sản xuất và sử dụng hiệu quả vật liệu
xây không nung trong các công trình xây dựng, Tài liệu hội thảo, Hà Nội, 2011.
18. Quy hoạch tổng thể phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam đến năm 2020 và
định hướng đến năm 2030 ban hành theo Quyết định số 1469/QĐ-TTg ngày
22/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ.
19. Chương trình phát triển vật liệu xây không nung đến năm 2020 ban hành theo
Quyết định số 567/QĐ-TTg ngày 28/4/2010 của Thủ tướng Chính phủ.
20. Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 16/4/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng
cường sử dụng vật liệu xây không nung và hạn chế sản xuất, sử dụng gạch đất
sét nung.
21. Luật Chuyển giao công nghệ số 80/2006/QH11 ngày 29/11/2006.
22. Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả số 50/2010/QH12 ngày
17/6/2010.
23. Luật Khoa học và công nghệ số 29/2013/QH13 ngày 18/6/2013.
24. Luật Xây dựng số 50/2014/QH13 ngày 18/6/2014.
25. Luật Đầu tư số 67/2014/QH13 ngày 26/11/2014.
26. Nghị định số 142/2005/NĐ-CP ngày 14/11/2005 của Chính phủ về thu tiền thuê
đất, thuê mặt nước và Nghị định 121/2010/NĐ-CP ngày 30/12/2010 về sửa đổi,
bổ sung một số điều của Nghị định 142/2005/NĐ-CP.
27. Nghị định số 87/2010/NG-CP ngày 13/8/2010 của Chính phủ quy định chi tiết
thi hành một số điều của Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.
28. Nghị định số 121/2013/NĐ-CP ngày 10/10/2013 của Chính phủ quy định xử
phạt hành chính trong hoạt động xây dựng.
29. Nghị định số 218/2013/NĐ-CP ngày 26/12/2013 của Chính phủ quy định chi
tiết và hướng dẫn thi hành Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp.
30. Nghị định số 118/2015/NĐ-CP ngày 12/11/2015 của Chính phủ quy định chi
tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư.

94
31. Nghị định số 24a/2016/NĐ-CP ngày 05/4/2016 của Chính phủ về quản lý vật
liệu xây dựng.
32. Thông tư số 09/2012/TT-BXD ngày 28/11/2012 của Bộ Xây dựng quy định sử
dụng vật liệu xây không nung trong các công trình xây dựng.
33. Thông tư số 15/2014/TT-BXD ngày 15/9/2014 của Bộ Xây dựng ban hành Quy
chuẩn kỹ thuật quốc gia về sản phẩm hàng hóa vật liệu xây dựng.
34. Thông tư số 46 /2012/TT-BCT ngày 28/12/2012 của Bộ Công thương quy định
chi tiết một số nội dung của Nghị định số 45/2012/NĐ-CP ngày 21/5/2012 của
Chính phủ về khuyến công.
35. Thông tư số 157/2011/TT-BTC ngày 14/11/2011 của Bộ Tài chính ban hành Biểu
thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi theo danh mục mặt hàng chịu thuế.
36. TCVN 1450:2009 – Gạch rỗng đất sét nung.
37. TCVN 1451:1998 – Gạch đặc đất sét nung.
38. TCVN 6477:2011 – Gạch bê tông.
39. TCVN 7959:2011 – Bê tông nhẹ - Gạch bê tông khí chưng áp.
40. TCVN 9029:2011 – Bê tông nhẹ - Gạch bê tông bọt, khí không chưng áp – Yêu
cầu kỹ thuật.
41. TCVN 9030:2011 – Bê tông nhẹ - Gạch bê tông bọt, khí không chưng áp –
Phương pháp thử.
42. TCVN 7575:2007 – Tấm 3D dùng trong xây dựng.
43. TCVN 9028:2011 – Vữa cho bê tông nhẹ.
44. TCVN 4314:2003 – Vữa xây dựng - Yêu cầu kỹ thuật.
45. TCVN 3121:2003 – Vữa xây dựng - Phương pháp thử.
46. QCVN 16:2014/BXD – Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về sản phẩm hàng hóa vật
liệu xây dựng.
47. TCVN 5573:2011 – Kết cấu gạch đá và gạch đá cốt thép - Tiêu chuẩn thiết kế.
48. TCVN 5574:2012 – Kết cấu bê tông và bê tông cốt thép - Tiêu chuẩn thiết kế.
49. TCVN 4085:1985 – Kết cấu gạch đá - Quy phạm thi công và nghiệm thu.
50. Chỉ dẫn kỹ thuật “Thi công và nghiệm thu tường xây bằng block bê tông khí
chưng áp” ban hành kèm theo Quyết định số 947/QĐ-BXD ngày 31/10/2011
của Bộ Xây dựng.
51. Định mức dự toán xây dựng công trình - Phần xây dựng (bổ sung) ban hành
kèm theo Quyết định số 1091/QĐ-BXD ngày 26/12/2011 của Bộ Xây dựng.
52. TC.VCA 008:2014 – Gạch bê tông đất, Tiêu chuẩn của Hội Công nghiệp
bê tông Việt Nam.

95
MỤC LỤC

Lời nói đầu 3


Danh mục chữ viết tắt 5
Chương 1. Kiến thức cơ bản về gạch không nung
1.1. Giới thiệu chung về vật liệu xây 7
1.1.1. Khái niệm 7
1.1.2. Phân loại 7
1.1.3. So sánh ưu, nhược điểm của vật liệu xây nung và không nung 11
1.1.4. Lĩnh vực sử dụng vật liệu xây 14
1.2. Các loại vật liệu xây không nung 14
1.2.1. Vật liệu xây không nung nặng 14
1.2.2. Vật liệu xây không nung nhẹ 20
1.3. Đặc tính kỹ thuật của vật liệu xây không nung 25
1.3.1. Khối lượng thể tích 25
1.3.2. Cường độ nén 26
1.3.3. Độ ẩm và độ hút nước 28
1.3.4. Biến dạng ẩm 30
1.3.5. Hệ số dẫn nhiệt 31
1.4. Công nghệ sản xuất gạch không nung 31
1.4.1. Công nghệ sản xuất gạch bê tông 32
1.4.2. Công nghệ sản xuất gạch bê tông bọt, khí không chưng áp 35
1.4.3. Công nghệ sản xuất gạch bê tông khí chưng áp 45
Chương 2. Chính sách phát triển vật liệu xây không nung
2.1. Tình hình sản xuất và dự báo nhu cầu vật liệu xây tại Việt Nam 52
2.1.1. Thực trạng sản xuất vật liệu xây 52
2.1.2. Dự báo nhu cầu vật liệu xây đến năm 2020 56
2.2. Chính sách phát triển vật liệu xây không nung 60
2.2.1. Luật của Quốc hội 60
2.2.2. Nghị định của Chính phủ 62
2.2.3. Quyết định, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ 66

96
2.2.4. Thông tư của các Bộ 72
2.2.5. Đánh giá tình hình thực hiện các chính sách 75
Chương 3. Tiêu chuẩn, quy chuẩn về vật liệu xây không nung 78
3.1. Tiêu chuẩn quốc gia về vật liệu xây không nung 78
3.1.1. TCVN 6477:2016 - Gạch bê tông 78
3.1.2. TCVN 7959:2017 - Bê tông nhẹ - Sản phẩm bê tông khí chưng áp
- Yêu cầu kỹ thuật 79
3.1.3. TCVN 9029:2017 - Bê tông nhẹ - Sản phẩm bê tông bọt
và bê tông khí không chưng áp - Yêu cầu kỹ thuật 80
3.1.4. TCVN 9030:2017 - Bê tông nhẹ - Phương pháp thử 82
3.1.5. TCVN 7575:2007 - Tấm 3D dùng trong xây dựng 82
3.1.6. TCVN 9028:2011 - Vữa cho bê tông nhẹ 84
3.1.7. TCVN 4314:2003 - Vữa xây dựng - Yêu cầu kỹ thuật 85
3.1.8. TCVN 3121:2003 - Vữa xây dựng - Phương pháp thử 86
3.2. Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về vật liệu xây 86
3.3. Tiêu chuẩn thiết kế, thi công, định mức về vật liệu xây không nung 86
3.3.1. TCVN 5574:2012 - Kết cấu bê tông và bê tông cốt thép -
Tiêu chuẩn thiết kế 86
3.3.2. TCVN 5573:2011 - Kết cấu gạch đá và gạch đá cốt thép -
Tiêu chuẩn thiết kế 87
3.3.3. TCVN 4085:1985 - Kết cấu gạch đá - Quy phạm thi công
và nghiệm thu 87
3.3.4. Chỉ dẫn kỹ thuật “Thi công và nghiệm thu tường xây bằng block
bê tông khí chưng áp” ban hành kèm theo Quyết định số 947/QĐ-BXD
ngày 31/10/2011 của Bộ Xây dựng 87
3.3.5. Ban hành Quyết định số 1264/QĐ-BXD ngày 18/12/2017 của
Bộ trưởng Bộ Xây dựng công bố định mức dự toán xây dựng công trình
Phần xây dựng (sửa đổi và bổ sung) - Công tác sử dụng VLXKN 88
3.4. Đánh giá các tiêu chuẩn về vật liệu xây không nung 91
3.4.1. Đánh giá chung 91
3.4.2. Đề xuất sửa đổi, bổ sung hoàn thiện 92
Tài liệu tham khảo 95

97
DỰ ÁN TĂNG CƯỜNG SẢN XUẤT
VÀ Sö DỤNG GẠCH KHÔNG NUNG Ở VIỆT NAM

TÀI LIỆU ĐÀO TẠO VỀ GẠCH KHÔNG NUNG


MÔ ĐUN 1
KIẾN THỨC CƠ BẢN VỀ GẠCH KHÔNG NUNG,
CHÍNH SÁCH VÀ TIÊU CHUẨN

Chịu trách nhiệm xuất bản:


Giám đốc
NGÔ ĐỨC VINH

Biên tập: LÊ HỒNG THÁI


Chế bản điện tử: Ph¹m hång lª
Sửa bản in: LÊ HỒNG THÁI
Trình bày bìa: NGUYỄN NGỌC DŨNG

In 500 cuốn khổ 19×27cm, tại Xưởng in Nhà xuất bản Xây dựng số 10 Hoa Lư - Hà Nội.
Số xác nhận đăng ký kế hoạch xuất bản: 3884-2019/CXBIPH/04-282/XD ngày 2/10/2019.
ISBN: 978-604-82-2960-3. QuyÕt ®Þnh xuÊt b¶n sè 216-2019/QĐ-XBXD ngμy 4/10/2019.
In xong nộp lưu chiểu tháng 12/2019.

98

You might also like