You are on page 1of 17

NHẬT KÝ HÀNH TRÌNH (25/03/2022 – 31/03/2022)

Sau khi chìm trong giấc ngủ dài, thức dậy khi mặt trời đã chiếu thẳng vào phòng
ngủ của mình, bỗng không còn thấy xung quanh mình là thầy cô, là bạn bè, là
những con người trẻ trung, vui vẻ, năng động, nói nói cười cười, cùng nhau học
tập, vui chơi, hát hò, nhảy múa, cùng với cảm giác toàn thân uể oải, giọng nói khàn
khàn… Con bé chợt nhận ra chuyến đi thực tế về vùng đất Tây Nam Bộ đã kết thúc
với biết bao cảm xúc. Chưa kịp ăn sáng, tôi vội mở máy tính xem lại những gì mình
có được sau chuyến đi và vội vàng ghi chú lại những điều ấy.

Ngày 1: TP.HCM – CHÂU ĐỐC

Hành trình của chúng tôi bắt đầu vào ngày 25/03/2022. Chúng tôi hẹn nhau cùng
thức dậy vào lúc 4h sáng để kịp làm vệ sinh cá nhân, sắp xếp lại đồ đạc một lần nữa
và cùng nhau kéo vali đến khu KLF của trường để làm xét nghiệm covid-19. Nói đi
cũng phải nói lại tại “cô vy” mà chúng tôi đến tận bây giờ mới được đi thực tế
chuyên môn. Trong lúc xét nghiệm nhìn vẻ mặt của các bạn sinh viên trong đoàn có
có chút gì đó lo lắng, nhưng thật không may vì đoàn chúng tôi có một vài bạn bị
dương tính, đành phải kéo vali trở về trọ cách ly. Sau khi xét nghiệm xong thì
chúng tôi kéo vali về hướng xe 5, chiếc xe sẽ chở chúng tôi tiến về miền đất
phương Nam đầy nắng và gió trong 7 ngày tới. Người đồng hành với chúng tôi
trong suốt cuộc hành trình này không thể không nhắc đến đó là chú Hùng – bác tài
xế dễ thương nhất quả đất và anh Duy – anh hướng dẫn viên đa tài, đẹp trai, có rất
nhiều kiến thức hay ho và cũng rất “cute phô mai que”. Đúng 6h chiếc xe của
chúng tôi bắt đầu lăng bánh, tầm 6h30 thì đến cao tốc Sài Gòn – Trung Lương,
chúng tôi nghe anh Duy nói về lịch sử hình hành của cao tốc, vì thức dậy khá sớm
để chuẩn bị đi nên các bạn hơi buồn ngủ, nhưng mà giọng anh hướng dẫn viên khá
cuốn nên là các bạn đều chăm chú nghe… Muốn về miền Tây thì phải đi ngang qua
địa phận tỉnh Long An, chúng tôi được nghe thuyết minh về vùng đất Long An, về
lịch sử hình thành, con người, văn hóa và những loại đặc sản ở vùng này. 7h20
chúng tôi dừng chân tại nhà hàng “Mekong Restop” để dùng bữa sáng. Thực đơn
có cơm tấm, hủ tiếu Mỹ Tho, bánh canh. Chúng tôi thì gọi cho mình mỗi đứa một
tô hủ tiếu Mỹ Tho vì nghe nói đến Mỹ Tho nhất định phải thử qua hủ tiếu. Khuôn
viên của nhà hàng khá rộng rãi, thoáng mát, có nhiều chỗ để các bạn check in, theo
quan điểm cá nhân của tôi thức ăn ở đây không quá ngon cũng không hẳn là dở chỉ
ở mức trung bình nhưng bù lại được không gian rất thoáng.
Chúng tôi ăn sáng xong lên xe lúc 8h15 phút. Xe bắt đầu di chuyển đến địa điểm
thăm quan thứ nhất “Khu di tích cụ phó bảng Nguyễn Sinh Sắc” nằm ở địa phận
tỉnh Đồng Tháp. Xe vừa chạy chúng tôi được nghe anh Duy thuyết minh về cuộc
đời, sự nghiệp của cụ phó bảng Nguyễn Sinh Sắc. Từ nhà hàng di chuyển đến khu
di tích khoảng 90km, chúng tôi vừa nghe thuyết minh vừa ngắm những cánh đồng
sen thì thấm thoát cũng đến điểm thăm quan. Chúng tôi đi bộ gần 1km từ ngoài đến
khu lăng mộ, xung quanh khu di tích là cây xanh, nhìn có chút nắng nhưng không
nắng lắm, ở đây cũng có một vài chiếc xe “bus mini” giúp mọi người di chuyển dễ
dàng hơn. Khu di tích được chia ra làm 3 khu vực chính: Khu lăng mộ Cụ Phó bảng
Nguyễn Sinh Sắc, Nhà sàn Bác Hồ và Ao sen. Chính giữa là Ao Sen, hai bên còn
lại là Khu lăng mộ và Nhà sàn Bác Hồ. Đoàn chúng tôi tiến vào khu lăng mộ để
dâng hương và nghe chị thuyết minh viên nói về cụ Phó bảng và về khu di tích này.
Từ ngoài đi vào phía tay phải là đền thờ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, phía xa
nhìn vào chúng tôi thấy ngôi mộ Cụ Phó bảng quay về hướng đông, có mái hình
cánh sen cách điệu giống hình dáng bàn tay xòe úp xuống, trên mái đắp nổi tượng
là hình chín con rồng. Bỏ giày dép bên ngoài đoàn chúng tôi vào trong ngôi mộ
dâng hoa, thắp hương, và nghe thuyết minh. Ở xung quanh ngôi mộ của cụ có rất
nhiều cây kiểng quý hiếm được nhiều nơi gửi tặng. Tại nơi đây có hai cây tuổi thọ
rất là cao. Bên cánh trái ngôi mộ của cụ là cây khế, bên cánh phải ngôi mộ của cụ
đó là cây sộp, nghe chị thuyết minh nói: hai cây này ngoài tuổi thọ cao dáng đẹp,
nó còn có ý nghĩa to lớn là gia đình ông Ngô Văn Hay đào đường hầm bí mật dưới
2 cây này để nuôi giấu cán bộ cách mạng qua hai thời kì kháng chiến chống Pháp
và chống Mỹ, bọn quân địch chưa lần nào phát hiện ra và cũng được công nhận là
cây di sản Việt Nam đầu tiên tại Đồng Tháp,… Nghe thuyết minh xong đoàn chúng
tôi cùng nhau chụp một tấm ảnh lưu niệm tại nơi này. Sau khi chụp ảnh xong chúng
tôi được tự do thăm quan. Lúc tiến vào chúng tôi không để ý nhưng khi ra ngoài
nhìn kỹ mới thấy phía trước mộ là Ao sen hình ngôi sao 5 cánh, chính giữa sừng
sững một đài sen trắng cách điệu cao gần 7m, tượng trưng cho cuộc đời thanh bạch,
lương tâm trong sáng của Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, và đó cũng là biểu tượng
cho quê hương Đồng Tháp. Trước khu lăng mộ là Ao Sen rộng lớn với chiếc cầu
bắc qua Nhà sàn Bác Hồ. Thăm quan cho đến 11h15 thì chúng tôi di chuyển ra xe.
11h20 phút báo hiệu cho những chiếc bụng đói là đã đến giờ ăn trưa rồi. Địa điểm
ăn trưa của chúng tôi cách khu di tích 130km. Có vẻ như anh hướng dẫn viên thấy
chúng tôi cũng đã thấm mệt nên cho chúng tôi 30 phút để nhắm mắt. Đường ở miền
Tây không mấy bằng phẳng có những đoạn đường chúng tôi đang ngủ mà tưởng
tượng như mình bay lên nóc xe. 12h15 chúng tôi đã “hạ cánh” trước cửa Đông
Xuyên Hotel thuộc thành phố Long Xuyên tỉnh An Giang để dung cơm trưa. Bữa
trưa hôm nay chúng tôi được ăn các món đậm chất miền Tây: thịt gà chiên mắm
tỏi, rau muống xào, hột gà chiên,… và không thể thiếu món “canh chua”, chúng tôi
đùa vui với nhau rằng về miền Tây thì phải ăn canh chua nên tiếp những ngày kế
đó dù là món canh gì chúng tôi cũng khẳng định nó là canh chua. Dùng cơm trưa
xong xuôi thì đã tầm 13h. 13h05 chúng tôi bắt đầu xuất phất đi Khu du lịch núi
Cấm. Di chuyển suốt 1h35 phút thì chúng tôi tới địa điểm khu du lịch núi Cấm.
Nhìn xung quanh khu du lịch rất rộng rãi, nhưng phía bên ngoài còn khá hoang vu.
Chúng tôi di chuyển bằng cáp treo, tuyến cáp treo có độ dài là 3.5km, chúng tôi
mất 15 phút để di chuyển. Ngồi trên cáp treo từ trên nhìn xuống, phía xa xa là
những cánh đồng lúa bạt ngàn cùng với những ngôi nhà của người dân xung quanh
thoắt ẩn thoắt hiện. Với người sợ độ cao như tôi thì khoảng cách 750m so với mực
nước biển từ trên cáp treo nhìn xuống cũng không quá sợ hãi bởi vì cáp treo đi rất
êm, cũng rất chậm. Phía dưới là những hàng cây xanh, chúng tôi cũng không biết
phải gọi đó là cây gì nhưng chúng tôi phát hiện ở đây có rất nhiều cây xoài trĩu quả.
Sau khi được bay bổng lãng mạn, được ngắm nhìn phong cảnh núi non hùng vĩ thì
chúng tôi cũng đáp xuống ga. Khu du lịch Núi Cấm rất rộng, ở giữa là hồ Thủy
Liêm, xung quanh hồ là những ngôi chùa với kiến trúc tuyệt đẹp như là: Chùa Vạn
Linh, chùa Phật Lớn, còn có Vồ Bồ Hong – nơi cao nhất ở đỉnh núi Cấm… Di
chuyển đến gần hồ Thủy Liêm chúng tôi được nghe một bạn trong xe thuyết minh
về lịch sử hình thành ở nơi đây cũng như vì sao ở đây được gọi là núi Cấm. Nghe
thuyết minh xong chúng tôi được anh Duy hướng dẫn đường đi xuống cho cá ăn.
Trên đường đi xuống cũng có một vài chỗ bán bánh xèo – đặc sản ở nơi này với giá
dao động từ 20 – 30 nghìn trên một cái và mỗi bịch thức ăn cho cá là 10 nghìn
đồng, chúng tôi cũng nghe nói là khi cho cá ăn nếu mình thành tâm khấn xin cái gì
đó thì nó cũng có thể biến thành sự thật. Chúng tôi có thời gian thăm quan tự do là
30 phút. Địa điểm mà chúng tôi chọn thăm quan trong khu du lịch núi Cấm là chùa
Vạn Linh, từ bên ngoài bước vào cổng chùa được tô màu xám nổi bật hàng chữ đen
“Chùa Vạn Linh”. Hai câu được in hai bên “Vạn Cảnh Tốt Tươi Cửa Phật Tiêu
Dao Người Bốn Bể. Linh Quang Chiếu Diệu Lối Trần Hoan Hỉ Khách Năm Châu”.
Chùa có kiến trúc độc đáo nổi bật với khuôn viên rộng rãi, thoáng mát, ở phần
chính điện là nơi an vị các tượng Phật sơn son thếp vàng lộng lẫy giữa một khung
cảnh trang nghiêm, trầm mặc và thoát trần, tạo ra một ấn tượng thẩm mỹ giữa
phong cảnh u tịch của núi rừng… Thăm quan hết một hồi thì cũng đến giờ chúng
tôi phải di chuyển xuống dưới bởi vì hệ thống cáp treo sẽ đóng cửa vào lúc 17h00.
Thời gian di chuyển xuống có lẽ nhanh hơn so với lúc di chuyển lên. Lúc ngồi trên
cáp treo để về tôi cũng có một vài suy nghĩ sau khi thăm quan khu du lịch này đó là
về tình trạng an ninh chưa được đảm bảo, về tình trạng chèo kéo, kêu gọi khách du
lịch đi xe ôm và về ý thức giữ gìn vệ sinh của khách du lịch khi đến đây. Một điểm
mà tôi khá thích là không khí xung quanh rất thoáng mát, cây cối, kiến trúc, ao hồ
tạo nên vẻ đẹp của toàn khu du lịch núi Cấm. Chúng tôi rời khu du lịch núi Cấm
tiếp tục đi đến nhà hàng Ngọc Hân để dùng cơm chiều. Chắc vì ngày hôm nay đi từ
sáng sớm cho đến bây giờ nên các bạn cũng khá là mệt, dù là mệt nhưng chúng tôi
vẫn còn rất là sung sức để chuẩn bị cho cuộc hành trình “trộm xoài” à không phải
là khám phá Châu Đốc vào tối nay. Dùng cơm chiều xong xuôi chúng tôi khởi hành
về khách sạn ở thành phố Châu Đốc. Chúng tôi ở khách sạn Hạ Long gần khách
sạn là Miếu Bà Chúa Xứ, Lăng Thoại Ngọc Hầu, chùa Tây An Cổ Tự và khu chợ
đêm Châu Đốc “xịn xò”. 20h00 chúng tôi hẹn nhau ra chợ đêm Châu Đốc để ăn hột
vịt lộn, uống thốt nốt, nghĩ lại thì đến Châu Đốc phải ăn bún mắm mới đúng bài
nhưng chúng tôi lại chọn ăn hột vịt lộn vì… nó ngon. Tầm cỡ 22h00 thì chúng tôi
trở lại khách sạn để nghỉ ngơi sau mấy chục giờ đồng hồ làm việc liên tục, mà hôm
đó ngủ ngon dễ sợ luôn, chìm vào giấc ngủ sau một ngày hoạt động lấy lại sức
ngày mai đến với tỉnh tiếp theo là Kiên Giang.

NGÀY 2: CHÂU ĐỐC – HÀ TIÊN

Sau một giấc ngủ dài đang mơ về hoàng tử tương lai thì đồng hồ báo thức kêu.
Tiếng báo thức là dấu hiệu cho cuộc hành trình ngày thứ 2 bắt đầu. Làm vệ sinh cá
nhân, sắp xếp lại đồ đạc, chúng tôi kéo vali xuống tầng 1 để dùng điểm tâm sáng.
Buffet sáng ở khách sạn theo quan điểm cá nhân của tôi là chưa được ngon, rất ít
món nhưng không gian tạm ổn nên ở mức 5/10 điểm. Khi dùng xong bữa sáng đã là
6h50 phút, phụ bác Hùng sắp xếp đồ đạc lên cốp xe thì chúng tôi đi bộ khoảng 300
mét để vào chùa Tây An Cổ Tự. Chúng tôi tập trung gọn ở khuôn viên chùa để
nghe anh Duy nói về Tây An Cổ Tự rồi sau đó là thời gian tự do. Vì chùa là biểu
tượng lịch sử cho sự giao lưu kiến trúc giữa Việt Nam và Ấn Độ nên kiến trúc chùa
Tây An được xây dựng theo lối kiến trúc nghệ thuật cổ xưa của Việt Nam kết hợp
cùng với kiến trúc độc đáo của Ấn Độ theo phong cách Nam Bộ. Bước vào chính
điện có thể thấy ngôi chính điện được xây dựng lớn với 2 tầng mái cong vút. Bên
trong chùa thờ nhiều tượng phật được chạm điêu khắc rất đẹp. Đúng 7h30 phút
chúng tôi tập trung lại rồi di chuyển sang Lăng Thoại Ngọc Hầu – địa điểm tâm
linh nổi tiếng ở vùng đất An Giang. Tập trung trước sân, đầu tiên chắp tay lạy sau
đó chúng tôi được anh Duy kể về giai thoại ông Thoại Ngọc Hầu – một vị tướng tài
ba: “Đi ngang qua cảnh núi Sam, Thấy lăng ông lớn hai hàng lụy rơi. Ông ngồi vì
nước vì đời, Hy sinh tài sản không rời nước non. Nước kênh Vĩnh Tế lờ đờ, Nhớ
ông Bảo Hộ dựng cờ chiêu an. Đồng An Trường chó ngáp, Làng Quới Thiện trồng
lác bốn mùa. Nhớ ông Bảo Hộ ngày xưa, Dựng làng, mở cõi nắng mưa dãi dầu”.
Xung quanh lăng được bao bọc bằng những vách tường cao, vững vàng. Trước khi
đi vào bên trong lăng, chúng tôi phải bước qua 2 cánh cửa lớn có hình bán nguyệt.
Hai bên có 2 hàng liễu đối theo kiểu kiến trúc ngày xưa. Trước khi đến với Lăng
mộ Thoại Ngọc Hầu, chúng tôi còn phải đi lên 9 bật thang đá ong đầy uy nghiêm.
Còn bên trong đền thì với lối trang trí vô cùng tinh xảo, nơi đây mang một vẻ đẹp
uy nghi, tráng lệ… 8h00 phút chúng tôi di chuyển sang Miếu Bà Chúa Xứ, do Miếu
Bà Chúa Xứ có rất nhiều truyền thuyết huyền bí xung quanh hoàn cảnh ra đời của
ngôi miếu. Được truyền lại từ thế hệ này sang thế hệ khác. Với sự linh thiêng và
ứng nghiệm, cầu được ước thấy. Khiến Miếu Bà hàng năm thu hút hàng triệu lượt
khách đến tham quan, cúng viếng, đặc biệt vào mỗi dịp Tết đến, Xuân về. Đoàn
chúng tôi đi vào dịp cuối tuần nên khá đông người, vì trên xe có bạn sẽ thuyết minh
tại điểm nên chúng tôi cùng nhau tập trung gọn về một chỗ để nghe thuyết minh về
Bà Chúa Xứ cũng như là Miếu Bà Chúa Xứ rồi sau đó có 30 phút để thăm quan.
Chúng tôi nghe nói Bà rất linh nên cũng vào đây để cầu nguyện cho gia đạo, cho
chuyện học hành, thi cử. Khi cầu nguyện xong chúng tôi thấy mọi người di chuyển
ra phía sau tượng của Bà áp mặt vào tượng để cầu nguyện, khi hỏi anh hướng dẫn
viên thì mới biết rằng: mọi người làm thế để có thể thì thầm với Bà tâm nguyện của
mình…, và khi cầu nguyện xong chúng tôi đi lên phía ngoài xin lộc từ miếu Bà
Chúa Xứ. Đúng 9h00 phút thì chiếc xe tiếp tục lăng bánh đi đến rừng Tràm Trà Sư.
Dọc đường đi nếu ai không ngủ sẽ được chiêm ngưỡng những cánh đồng thốt nốt
mênh mông, rộng lớn mà tuyệt đẹp mang đến một cảm giác yên bình đậm nét miền
Tây làm sao. Vừa ngắm cảnh, vừa nghe anh Duy nói về địa điểm kế tiếp mà chúng
tôi dừng ở rừng Tràm lúc nào không hay biết luôn. Từ bên ngoài nhìn vào đã thấy
rừng tràm Trà Sư mang một vẻ đẹp diệu kì cộng với cái nắng chói chang ở miền
Tây thì tất cả những cảnh vật ở rừng tràm giống như một bức tranh được chăm chút
tỉ mỉ từng nét một bởi người nghệ sĩ tài ba… Đầu tiên thì chúng tôi di chuyển bằng
xuồng để đi vào rừng tràm, những chiếc xuồng nan vừa đủ chỗ cho 4 người nhẹ
nhàng trôi theo dòng nước, len lỏi giữa những con rạch nhỏ, qua những tán tràm rủ
ngang đầu người. Lúc đầu vì quá mê chụp ảnh nên chúng tôi không ngắm kĩ nơi
đây nhưng suốt chặng đường thì mấy đứa có một câu mà nói hoài luôn: “Trời ơi
đẹp quá, nhiều cây quá, xanh quá chừng”. Di chuyển bằng xuồng nan xong thì
chúng tôi chuyển sang ngồi chiếc xuồng máy để di chuyển vào tận bên trong rừng
Tràm. Chiếc xuồng đi tốc độ không quá chậm cũng không quá nhanh xuyên qua
những con rạch tiến thẳng vào bên trong. Trên đường tham quan, chúng tôi thấy
được người dân địa phương thu hoạch mật ong hoa tràm từ các thùng nuôi đặt trong
rừng. Xuyên qua con đường trên mặt nước kéo dài khoảng chừng 3km nữa thì sẽ
đến với Khu bảo vệ cảnh quan rừng tràm Trà Sư. Chúng tôi tiếp tục đi bộ theo con
đường nhỏ đi sâu vào bên trong. Hai bên lối đi là những cây tràm cao vút, phủ bóng
xanh mát khiến mọi sự mệt mỏi trên khuông mặt dường như tan biến. Xuống
thuyền mỗi người chúng tôi “làm” ngay một ly thốt nốt có giá 15 nghìn đồng
nhưng mà nói về độ ngon với chất lượng thì khỏi bàn, tại vì ở đây người ta dùng
thốt nốt tươi nên uống có vị ngọt thanh, cái thốt nốt ăn thì giòn giòn. Ai bảo đến An
Giang phải ăn thốt nốt, không ăn thì phí phạm thanh xuân, ai không tin chứ tôi bây
giờ vẫn còn tin vì trong đoàn chúng tôi, trong chuyến xe 5 của tôi có một bạn đã ăn
8 ly thốt nốt trong vòng 3 ngày, ngồi viết nhật ký mà sao nhớ rừng tràm, nhớ ly thốt
nốt quá đi thôi…Bên trong khu rừng, có Vọng gác quan sát để chiêm ngưỡng toàn
bộ rừng tràm rộng bao la bằng kính viễn vọng có tầm nhìn xa 25km với giá là 25
nghìn đồng cho một người và cũng từ đây mình có thể nhìn thấy thấp thoáng những
ngôi làng của đồng bào Khmer và Kinh sinh sống. Chúng tôi được tận mắt thấy quy
trình lấy mật ong, được thử thách bản than với chiếc cầu khỉ mà chắc chỉ có ở miền
Tây,… Thoắt một cái cũng tầm 11h15 phút, đoàn chúng tôi dùng cơm trưa tại nhà
hàng Rừng Tràm Trà Sư, không gian nhà hàng thoáng mát, các món ăn trưa nay rất
phong phú mà nhất là món cá lóc nướng trui được chúng tôi chấm là “best seller”
của quán. Dùng cơm trưa xong tầm khoảng 12h20 phút thì chúng tôi tiếp tục cuộc
hành trình đi đến Hà Tiên cách rừng tràm 80km. Ngồi trên xe chúng tôi được nghe
về lịch sử Đền thờ họ Mạc, Phù Dung Cổ Tự, địa điểm sắp tới trong cuộc hành
trình của chúng tôi. 14h40 thì chúng tôi tới Đền thờ nhà họ Mạc, vì ngôi đền không
gian không quá lớn nên đoàn chúng tôi chia thời gian ra để vào, 5 xe vào một lượt
thì ngộp thở mất. Khi bước xuống xe thì đều đầu tiên tôi thấy là một cái ao lớn nở
đầy hoa sen nghe anh hướng dẫn viên giới thiệu là Mạc Cửu đã cho đào để lấy
nước ngọt cho dân trong vùng dùng trong mùa khô hạn. Cổng vào ngôi đền thì có 2
câu đối chữ Hán – Nôm còn bên trong cổng là một khoảng sân rộng cùng nhiều cây
xanh quanh năm xào xạc tạo cho không gian đền thờ lúc nào cũng yên tĩnh và trầm
mặc dẫn đến một tiểu đình rộng. Nằm bên phải đền thờ là nhà tiền hiền thờ những
người trước ông Mạc Cửu đã đến Hà Tiên, bên trái là nhà hậu hiền thờ những
người đến sau ông. Sau khi nghe thuyết minh cũng như là thăm quan phía trong
chính điện xong chúng tôi di chuyển lên lăng mộ Mạc Cửu, đường di chuyển đến
lăng mộ được xây bằng những bậc thang, đường lên cũng không quá dài. Chúng tôi
đi xuyên qua những “rừng” cây bạch mai, xung quanh đây với nhiều ngôi mộ cổ
được chia thành từng khu riêng biệt: Lăng mộ các tiểu vương dòng họ Mạc, lăng
mộ các phu nhân, lăng mộ các quan và lăng mộ các thành viên khác của dòng họ
Mạc. Còn ngôi mộ lớn nhất của Mạc Cửu được xây dựng theo lối kiến trúc Trung
Hoa, hình bán nguyệt khoét sâu vào triền núi. Chúng tôi di chuyển đến một góc nhỏ
để các bạn trên xe sẽ thuyết minh về nơi này, sau đó chúng tôi di chuyển lên phía
trên, ở trên đây có một chỗ rất linh thiêng, anh hướng dẫn viên nói với chúng tôi
rằng: đi 7 vòng quanh chỗ đá này, vừa đi vừa khấn xin thì có thể sẽ linh nghiệm.
Chúng tôi mỗi người đi 7 vòng, đi xong cũng có hơi choáng một xíu nhưng mà
trong vẻ mặt của ai cũng hào hứng. Di chuyển xuống dưới là Phù Dung Cổ Tự -
ngôi chùa cổ kính nhất của vùng đất biên thùy Hà Tiên. Chùa nằm tại chân núi
Bình Sang, vì là xế chiều nên trời có nắng nhẹ càng tôn lên vẻ đẹp, vẻ trang nghiêm
của ngôi chùa. Ngồi một góc văng vẳng bên tai tiếng bạn thuyết minh về lịch sử ra
đời của ngôi chùa: “Chùa Phù Dung gắn liền với sự tích về nữ trụ trì đầu tiên của
chùa. Tên của bà là Phù Dung hay còn thường gọi là Dì Tự được cắt nghĩa ra thành
“Bà Dì ở Am Tự””…15h40 phút thì chúng tôi đã yên vị trên xe để rời Chùa Phù
Dung đi đến Thạch Động. Tôi nghe Thạch Động ở Hà Tiên đã lâu nhưng đến hôm
nay mới được đặt chân đến đây. Từ ngoài nhìn vào Thạch Động không lớn lắm,
chủ yếu trong đây là những hang động, vách đá gắn liền với sự tích mà chúng tôi
được học năm cấp 2 đó là “Thạch Sanh – Lý Thông” . Lúc đi vào ở bên tay phải
người ta có bán quần áo, đồ lưu niệm, đồ ăn, thức uống cũng có còn bên trái là
cổng hoa, những công trình để khách du lịch đến đây chụp ảnh. Đoàn chúng tôi di
chuyển lên hang động phía trên, bước vào bên trong lòng Thạch Động là một hệ
thống hang động vô cùng kỳ ảo với nhiều thạch nhũ đá có hình thù kỳ thú. Đây
cũng là nơi tọa lạc chùa Tiên Sơn cổ kính ở đây thờ Phật Thích Ca và Bồ Tát Quan
Thế Âm. Chúng tôi được anh Duy kể nhiều câu chuyện kì bí về những vách đá có
hình thù kỳ lạ, là nơi phát tích truyện Thạch Sanh – Lý Thông. Phía Đông của động
có một cửa hang thông thiên nên khi ánh sáng rọi xuống mà người xưa gọi là
đường lên trời và trong động có một ngách nhỏ, nhìn vào chỉ thấy thăm thẳm. Anh
Duy kể rằng có rất nhiều người vì hiếu kỳ đã đi xuống đó tìm hiểu nhưng không
thấy trở lên. Có người đã dùng trái dừa khô khắc chữ cho lăn xuống ngách thì phát
hiện ra trái dừa đó trôi trên mặt biển Mũi Nai…16h20 phút chúng tôi rời Thạch
Động để đi Mũi Nai ngắm hoàng hôn trên biển. Do chúng tôi không có nhiều thời
gian ở Mũi Nai nên không thể mua đồ đi tắm, chúng tôi cứ thế mà lao ra…đi dộc
bờ biển chụp hình, buổi chiều nắng cộng với sóng biển cuồn cuộn làm cho Mũi Nai
đẹp lạ kì, có lẽ chúng tôi được xả stress sau những giờ học mệt mỏi. Những ai
không tắm biển có thể ở trên bờ thưởng thức hải sản, hải sản ở đây nhìn cũng khá
tươi cộng với không gian bờ biển tuyệt đẹp thì đây quả là thời gian lý tưởng để
chúng tôi thỏa sức vui chơi,… Nhưng mà chưa kịp ngắm hoàng hôn thì chúng tôi
đã phải lên xe di chuyển về khách sạn sau một ngày dài mệt mỏi nhưng mà rất vui
để dùng cơm chiều và còn nghỉ ngơi. Đúng 17h thì chúng tôi từ Mũi Nai về khách
sạn Pháo Đài, khách sạn của chúng tôi nằm trên một ngọn đồi nhỏ, từ phía xa xa có
thển nhìn thấy thành phố Hà Tiên. Anh Duy dặn dò chúng tôi một số việc cần làm
khi về khách sạn và gồm cả lịch trình ngày mai nữa. Dùng cơm chiều xong chúng
tôi kéo vali về phòng được phân chia lúc trên xe để tắm rửa, nghỉ ngơi. Chúng tôi
hẹn nhau tối nay sẽ đi dạo chợ đêm ở Hà Tiên nhưng mà lại di chuyển ra khu chợ
được gọi là “chợ thúi” bởi vì ở đây bán hải sản nên có mùi một xíu. Ở đây mọi
người ngoài buôn bán ra thì cũng có rất nhiều chú đạp xích lô, những chiếc xích lô
với hình dạng rất đẹp, gắn đèn chóp chóp, lên xích lô ngồi giống như đi kiệu hoa
luôn. Ra chợ này chúng tôi mua mỗi người một ly sâm bí đao, bánh tráng nướng và
vài cây cá viên chiên, kể nhau nghe về hành trình hôm nay như thế nào, địa điểm
đã đi qua,… Một điều nữa là khách sạn này có một cái hồ bơi cũng khá rộng nên
nguyên cả xe chúng tôi quyết định xuống bơi lúc 22h để trải nghiệm đầy đủ tất cả
các dịch vụ có trong khách sạn, quả là một đêm đáng nhớ nhất…

NGÀY 3: HÀ TIÊN – CÀ MAU

Ngày thứ 3 mở mắt dậy đã là 5h sáng, không có tiếng gà kêu chỉ có tôi cảm thấy
lạnh cúm vì quên tăng máy lạnh. Làm vệ sinh cá nhân, ăn sáng xong cũng tầm 7h.
Đúng 7h thì chúng tôi di chuyển từ khách sạn đi đến Chùa Hang - Hòn Phụ Tử, di
chuyển khoảng 40 km. 8h hơn thì chúng tôi có mặt tại Chùa hang - Hòn Phụ Tử -
Hà Tiên. Bãi đậu xe ở ngoài cách Chùa khá xa nên chúng tôi xuống xe và đi bộ vào
chùa, con đường đi bộ đang được làm lại nên có mấy cái hố chưa lắp vì cái tính hậu
đậu cộng với việc lo ngắm phong cảnh nên tôi đã bị sụp hố, hơi quê một xíu thôi…
Phía bên ngoài chùa thì người ta tụ tập buôn bán rất nhiều chủ yếu là quần áo và
nước uống, di chuyển vào trong chùa chúng tôi cởi giày dép cầm lên tay để di
chuyển, không khí bên trong chùa mặc dù khá nhiều người nhưng cũng không gây
cảm giác nóng nực mà là khá mát. Đi khoảng mười lăm phút theo đường hang khá
ngoằn ngoèo thì chúng tôi ra được cửa hang và đón nhận được những cơn gió từ
biển thổi vào mát rười rượi. Trước mắt chúng tôi cũng là Hòn Phụ Tử, ngồi một
góc nghe kể về truyền thuyết Hòn Phụ Tử rồi sau đó chúng tôi được tự do thăm
quan. Hòn Phụ Tử được ví như là Vịnh Hạ Long ở Kiên Giang bởi phong cảnh đẹp,
núi non hữu tình. Trong khu Hòn Phụ Tử có bán hải sản, nước uống, chúng tôi
chọn cho mình một góc cạnh bờ biển để có thể nhìn thấy toàn bộ phong cảnh…
Nhưng điều đáng buồn nhất trong chuyến đi ngày hôm nay là những cái đẹp mà
thiên nhiên ban tặng bị ý thức của khách du lịch, dân địa phương phá hủy, dọc bờ
biển chẳng khác gì là những bãi rác, ở các vách núi cũng toàn là rác, làm cho cảnh
quan nơi đây mất đi vẻ mỹ quan gây ra ô nhiễm môi trường trầm trọng. Chắc hẳn
không riêng gì chúng tôi mà mỗi khách du lịch đến đây cũng khá buồn vì điều
này… Tầm 9h15 phút thì chúng tôi di chuyển ra xe để đi đến đền thờ Nguyễn
Trung Trực – anh hung dân tộc lừng lẫy một thời với câu nói nổi tiếng: “Bao giờ
Tây nhổ hết cỏ nước Nam mới hết người Nam đánh Tây”. Từ ngoài bước vào sẽ
thấy một lư hương lớn bằng đá, và bức tượng Nguyễn Trung Trực được đúc bằng
đồng, có màu nâu đỏ đầu tiên. Ở phía tay phải của khu vực chính điện là Phòng
chuẩn trị y học cổ truyền từ thiện. Trước Nhà trưng bài thân thế và sự nghiệp anh
hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực có phơi những dãy thuốc nam dùng để chữa bệnh
từ thiện cho người dân. Quay lại với khu vực chính điện, phía trong có 3 ngai thờ
chính. Chính giữa là ngai thờ Nguyễn Trung Trực, bên trái là ngai thờ Phó cơ
Nguyễn Hiền Điều, Phó lãnh binh Lâm Quang Ky, bên phải thờ Thần Nam Hải
Tướng Quân… Thăm quan xong tầm 12h15 thì chúng tôi di chuyển đến nhà hàng
Gió Biển để dùng cơm trưa. Vì di chuyển từ Kiên Giang đến Cà Mau đoạn đường
rất xa nên buổi chiều hôm nay chúng tôi chủ yếu ở trên xe cho đến khi về khách
sạn nhận phòng luôn. Xe chúng tôi sau một ngày mệt mỏi vẫn còn cùng nhau ngân
nga câu hát “nghe nói Cà Mau xa lắm, ở cuối tận bản đồ Việt Nam…” mà Cà Mau
xa thiệt, ngủ một giấc dài ơi là dài dậy mà cũng chưa đến Cà Mau nữa bây giờ phải
đổi lời bài hát lại là “Tôi thấy Cà Mau xa thiệt..”. Đường miền Tây không được
bằng phẳng so với mấy miền khác nhưng mà chú tài xế của xe chúng tôi chạy cũng
êm lắm à nghen, lâu lâu đang ngủ dưới ghế mà tự nhiên cái bị bay lên rồi thả xuống
cái bụp thôi, quay qua quay lại các bạn ngủ rất ngon luôn chứ không có dấu hiệu
tỉnh giấc. Chúng tôi đi lúc 13h mà 16h mới về đến khách sạn, khách sạn hôm nay
chúng tôi ở có tên là Ánh Nguyệt. Ở trên là khách sạn còn ở dưới là nhà hàng tiệc
cưới nên khách sạn này có “view” khá xịn để các bạn diện đồ check in ở Thành phố
Cà Mau. Tắm rửa, dùng cơm nước xong xuôi chúng tôi đi dạo quanh khách sạn, nói
là dạo quanh nhưng thực chất là vào siêu thị gần đó để ăn kem, cũng không biết sao
lại lựa chọn đi ăn kem thay vì đi ăn đặc sản được anh Duy giới thiệu đến đây nhất
định phải ăn nữa, chính là bánh tầm cay mà đến bây giờ về lại thành phố cũng chưa
được nếm thử mùi vị của nó luôn. Đi dạo quanh thành phố Cà Mau xong xuôi thì
chúng tôi trở lại khách sạn nhảy vào giường đánh một giấc đến sáng ngày hôm
sau…

NGÀY 4: CÀ MAU – BẠC LIÊU

Đúng 6h30 phút thì chúng tôi trả phòng sau giấc ngủ dài ở thành phố Cà Mau và đi
xuống tầng 1 để dùng buffet sáng. Ăn sáng xong chúng tôi di chuyển đến khu du
lịch Mũi Cà Mau. Đoạn đường chúng tôi đi đang được xây dựng lại nên không
được bằng phẳng, hai bên đường là khu rừng đước sâu trong rừng thấp thoáng vài
nhà người dân sinh sống, họ sinh sống bằng nghề đi rừng là chính. Chúng tôi phải
băng qua rất nhiều cây cầu, ở đây rừng rậm khá nhiều, gần đến khu du lịch thì mới
thấy nhà người dân đông đúc. Điểm đầu tiên khi vào khu du lịch Mũi Cà Mau là
biểu tượng đường Hồ Chí Minh – điểm cuối Cà Mau km 2436, đây là công trình
gồm 1 trụ giữa, hai bên là hai bức phù điêu, ở gần công trình cột mốc Đường Hồ
Chí Minh là bờ kè rộng lớn, ở đây với phong cảnh đẹp phù hợp cho việc chụp ảnh
check in. Chúng tôi tiếp tục di chuyển đến đền thờ Lạc Long Quân và tượng mẹ
hướng về biển Đông sau đó đi vòng qua cột cờ Hà Nội, từ phía dưới nhìn lên lá cờ
Việt Nam tung bay trong gió thấy đẹp làm sao, tự hào làm sao quê hương mình,.. từ
cột cờ chúng tôi đi thẳng ra đến cột mốc tọa độ GPS 001, đứng tại nơi đây được sờ
vào côt mốc cảm giác mình đã đi đến cuối bản đồ Việt Nam, được chinh phục mốc
tọa độ, cảm giác quá là đã luôn… Đến tầm 11h trưa thì chúng tôi di chuyển đến nhà
hàng để dùng bữa trưa, thực đơn hôm nay toàn là hải sản nào là tôm, nào là cá và
tất nhiên không thể thiếu bồn bồn, lần đầu tiên được ăn bồn bồn mà cảm giác
nghiện đến giờ. Dùng bữa trưa xong thì bên ngoài trời cũng lất phất mưa, từ cơn
mưa nhỏ nhỏ đến mưa xối xả, không kịp chạy ra xe là đã ướt hết đồ. Đúng 12h thì
chúng tôi chia tay với thành phố Cà Mau để về Bạc Liêu. Đường đi cũng không
gần nên đến với điểm thăm quan tiếp theo đó là Nhà thờ Tắc Sậy thì cũng đã 15h20
phút. Nhà thờ Tắc Sậy là nhà thờ có lối kiến trúc đẹp nhất ở miền Tây Nam Bộ.
Đúng vậy, khi bước xuống xe nhìn xung quanh chúng tôi ngỡ ngàng vì lối kiến trúc
ở đây quá đẹp, khuôn viên của nhà thờ rộng rãi, ở đây đang được xây dựng thêm
nữa nên nhìn nhà thờ tương đối hoàn chỉnh. Chúng tôi vừa được chiêm ngưỡng lối
kiến trúc đẹp của nhà thờ vừa được nghe thêm nhiều câu chuyện cảm động về vị
linh mục Trương Bửu Diệp (Cha Diệp) – người đã lấy thân mình hy sinh để bảo vệ
giáo dân. Bên trong gian cung thánh được trang trí bằng các loại gỗ quý đã được
điêu khắc, khiến cho nơi đây càng trở nên linh thiêng và trang trọng hơn. Ngoài ra,
bên trong nhà thờ còn được trưng bày nhiều bức tượng gỗ quý… Đến đây chúng tôi
có những bạn theo đạo cũng có bạn không theo đạo nhưng chúng tôi vẫn thắp cho
Cha một nén nhang và cầu mong người phù hộ cho gia đạo được bình an… Đắm
chìm trong lối kiến trúc nhà thờ mà đến giờ ra xe về lúc nào không hay. Đúng 16h
chúng tôi về khách sạn Sài Gòn – Bạc Liêu để nhận phòng dùng cơm chiều, kết
thúc chuyến hành trình ngày thứ 4. Khách sạn Sài Gòn – Bạc Liêu có lẽ là khách
sạn xịn nhất luôn, phòng ngủ dành cho 4 người có 2 gian phòng được ngăn bởi tấm
rèm cửa, dịch vụ ở đây cũng khá là nhiều. Chắc do ngày thứ 4 cũng khá mệt nên
chúng tôi không di chuyển nhiều mà ở tại khách sạn để “tâm sự mỏng” về những
ngày đã qua và chìm vào giấc ngủ lúc nào chẳng hay…

NGÀY 5: BẠC LIÊU – CẦN THƠ

Cuộc hành trình của chúng tôi vẫn bắt đầu bằng tiếng chuông báo thức in ỏi nhưng
mà hôm nay mạnh dạn tắt báo thức lúc 4h sáng và dậy lúc 5h luôn. Cũng như
thường lệ chúng tôi di chuyển xuống phía dưới khách sạn để dùng điểm tâm sáng
sau đó đúng 7h thì chúng tôi di chuyển bằng phương tiện "hăng cải" đi qua Nhà
Công tử Bạc Liêu bởi vì khách sạn của chúng tôi nằm rất gần với nhà Công tử Bạc
Liêu đi khoảng tầm 2 phút là đến. Chúng tôi được nghe một chị thuyết minh viên
giới thiệu về Công tử Bạc Liêu, giới thiệu về từng món đồ được đặt trong nhà Công
tử Bạc Liêu. Nhà Công tử có một tầng lầu, ngay khi bước chân vào ngôi nhà, chúng
tôi bị cuốn hút bởi những đường nét thiết kế tỉ mỉ, tinh tế, toát lên vẻ sang trọng và
hào hoa. Những chiếc đèn màu vàng tỏa ánh sáng lung linh tạo cảm giác ấm cúng
và lịch lãm. Trên mỗi cây cột của ngôi nhà đều được trang trí nhiều hoa văn đẹp
mắt. Tầng trệt của dinh thự gồm 2 phòng ngủ, phòng khách cùng hai đại sảnh rộng
cùng với cầu thang lớn dẫn lên lầu. Trên lầu cũng có 2 phòng ngủ và hai đại sảnh
rộng, thoáng, hút nắng, gió, khiến cho dinh thự luôn thông thoáng, mát mẻ. Ở dưới
tầng trệt có để một chiếc xe hơi nhìn rất là "quý sì tộc". Đồ dùng của Công tử trước
đây được giữ gìn và bảo quản rất kĩ lưỡng,... Chúng tôi đến đây thì không gặp được
người con của Công tử, điều này cũng khá tiếc nhưng chúng tôi đã được chiêm
ngưỡng toàn bộ lối kiến trúc rất đẹp và hài hoà ở Nhà Công tử Bạc Liêu,... Tham
quan khoảng 45 phút thì chúng tôi di chuyển đến nhà máy điện gió Bạc Liêu, ngoài
trời lúc này cũng lất phất vài giọt mưa, mà rất hên là khi xuống dưới nhà máy điện
gió trời không có mưa nữa. Vì mây trời ngày hôm nay không nắng, mây nhiều nên
chúng tôi chụp được rất nhiều bộ ảnh rất chi là xịn xò tại đây. Từ dưới ngước lên
ngắm nhìn những turbine đứng sừng sững trước biển, phía dưới con đường là lớp
lớp đá hộc được xếp xen kẽ, tạo thành “hàng rào đá” ngăn biển xâm thực, gây xói
lở đất. Giữa bốn bề gió và sóng biển gầm gào ngày đêm không nghỉ, tôi càng cảm
nhận rõ sự nhỏ bé của con người trước thiên nhiên. Nhưng thiên nhiên đã phải
khuất phục trước trí tuệ của con người, khi gió - “đặc sản” của Bạc Liêu, được
chuyển hóa thành năng lượng để phục vụ đời sống của người dân tại nơi đây.
Chúng tôi vừa thăm quan xong là trời bắt đầu đổ cơn mưa nặng hạt, di chuyển lên
xe, yên vị ngồi trên ghế chúng tôi được anh Duy kể cho nghe về cố nhạc sĩ Cao
Văn Lầu và cũng là tên của địa điểm kế tiếp mà chúng tôi sẽ đến Khu lưu niệm cố
nhạc sĩ Cao Văn Lầu. Nhắc đến ông thì không thể nào bỏ qua bản "Dạ cổ Hoài
Lang" - một ca khúc rất nổi tiếng trong Đờn ca tài tử Nam Bộ. Khi vừa đi qua cổng
chính, chúng tôi bắt gặp tượng đài ống tre hiện ra sừng sững nằm ngay chính giữa
khu lưu niệm, phía sau đài phun nước được ví như chiếc đàn Kìm, ở đằng sau biểu
tượng chiếc đàn Kìm là tượng đài nhạc sĩ Cao Văn Lầu với nhạc phẩm “Dạ cổ hoài
lang” được khắc ngay phía sau. Sau biểu tượng đàn Kìm là khu công viên với các
biểu tượng các loại nhạc cụ trong nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ , như sáo, đàn
cò, đàn tranh, đàn bầu,... Đầu tiên chúng tôi vào nhà trưng bày các hiện vật của cố
nhạc sĩ Cao Văn Lầu, vừa được quan sát vừa được nghe chị thuyết minh viên giới
thiệu từng cái một, còn được nghe giọng hát của chị thuyết minh viên nữa, ở nhà
trưng bày còn có để hình các nghệ sĩ như: NSND Bạch Tuyết, Ngọc Giàu, Phi
Phụng,... Chúng tôi di chuyển ra ngoài mộ của cố nhạc sĩ để thắp một nén nhang
cho người và sau đó là di chuyển vào nhà hát để thưởng thức đờn ca tài tử Nam Bộ.
Đến bây giờ trong đầu tôi nghĩ lại lúc ấy vẫn còn văng vẳng câu hát "Từ là từ phu
tướng, Bão kiếm sắc phán lên đàng.." Các cô các chú đàn hát rất hay bên cạnh đó
các bạn sinh viên trường chúng tôi cũng rất mạnh dạn bước lên giao lưu với các cô
chú nữa... Nghe hát xong thì cũng tầm khoảng 11h trưa, chúng tôi lên xe di chuyển
về Sóc Trăng và dùng bữa tại nhà hàng Quê Tôi... Dùng cơm trưa xong chúng tôi
tiếp tục di chuyển đến một ngôi chùa Khmer - Chùa Som Rong. Khi bước đến
chùa, trước mặt là một cổng chùa được trang trí hoa văn với nhiều biểu tượng văn
hóa Khmer như rắn thần Naga, chim thần Krud, hoa văn truyền thống… Từ cổng
chính của chùa đi vào khoảng 100m mới tới sân chùa. Trên đường vào chùa có rất
nhiều cây cổ thụ chắc những cây cổ thụ này khoảng vài chục đến hàng trăm năm
tuổi. Khi bước vào sân chùa chúng tôi không thể không nhìn thấy nhiều công trình
khác nhau như : chánh điện, sala, tinh xa, thư viện, bảo tháp,… và đặc biệt phải nói
đến bức Tượng Phật Thích Ca nhập niết bàn khổng lồ. Còn khu chánh điện ở hai lối
đi vào chánh điện có đặt những bức tượng kỳ lân với vẻ mặt hung tợn, tạo cảm giác
uy nghi và trang nghiêm. Tham quan chánh điện, nghe thuyết minh thông qua
những bức tranh bích họa lớn được vẽ trên các bức tường, chúng tôi đã hiểu hơn về
cuộc đời của Đức Phật. Tại khu chánh điện chúng tôi được anh Thành – hướng dẫn
viên du lịch cho xem điều kì diệu ở hòn đá bỏ vào xô nước mãi không chìm được,
theo lời giới thiệu của anh Thành thì hòn đá này được Thượng tọa Lý Đức (Trụ trì
Chùa Som Rong) thỉnh về từ Campuchia vào năm 2018. Khi qua đó, Sư Trụ trì có
nghe nói về cặp đá rất kỳ lạ là không thể chìm trong nước, nên sư đến tìm hiểu, và
được chủ nhân của cặp đá trên ngỏ ý cúng dường. Lúc thỉnh về đến chùa, hòn đá
được đặt rất trang trọng tại giữa Sala mới dưới bàn Phật và ghi rõ ngày giờ thỉnh về
vào 00 giờ 45 phút ngày 17/01/2018. Sau khi tham quan khu chánh điện, chúng tôi
tiếp tục di chuyển qua tòa bảo tháp tuyệt đẹp. Đây cũng chính là địa điểm được
check in nhiều nhất tại chùa Som Rong Sóc Trăng,… Sau khi rời chùa trên đường
di chuyển đến thành phố Cần Thơ chúng tôi có ghé Lò Lạp xưởng – Bánh Pía –
Quãng Trân, tại đây chúng tôi được dùng thử các loại bánh Pía, các loại lạp xưởng,
dùng xong mọi người có thể di chuyển qua quầy bánh để có thể mua về ăn, mua về
làm quà cho gia đình, người thân, bạn bè. Ở đây có bán rất nhiều loại bánh ngoài
bánh Pía giá ở đây cũng không quá mắc dao động khoảng từ 25 nghìn cho đến 200
nghìn đồng,… Sau khi dùng bánh, mua bánh xong chúng tôi khởi hành đi đến địa
điểm cuối cùng của ngày hôm nay đó là Đình Bình Thủy lúc 15h50 phút. Đình
Bình Thủy được mệnh danh là kiệt tác kiến trúc Tây Nam Bộ. Khi đến đây chúng
tôi cùng một thắc mắc là không biết trong đình thờ ai? Thì được anh Duy giải đáp
rằng: Trong Đình ngoài thờ Thần Hoàng Bổn Cảnh, đình còn thờ hổ thần, bên trong
đình có tượng bia một số anh hùng yêu nước như: chủ tịch Hồ Chí Minh, Trần
Hưng Đạo, Nguyễn Trãi,… Kiến trúc đình Bình Thủy thành phố Cần Thơ mang
đậm nét văn hóa truyền thống dân tộc với những họa tiết hoa văn đặc sắc, nổi bật,
… 16h20 phút chúng tôi đi về khách sạn, khách sạn hôm nay chúng tôi ở cũng là
một khách sạn rất xịn có tên là Ninh Kiều Riverside, khách sạn nằm ở trung tâm
nên ở đây không thiếu gì cả chỉ có thiếu tiền để trải nghiệm hết thôi. Sau khi dùng
cơm chiều xong, được anh Duy giới thiệu quán coffee nằm ở tầng 11 nên tối hôm
đó chúng tôi quyết định ngồi quán coffee để tận hưởng như một kì nghĩ dưỡng. Từ
trên tầng 11 nhìn xung quanh cũng có thể thấy thành phố Cần Thơ lên đèn, tấp nập
dòng người, dòng xe chạy quanh thành phố,… Vì sáng hôm sau chúng tôi phải tập
trung lúc 5h sáng để đi ra Chợ nổi Cái Răng nên buổi tối hôm nay đi ngủ khá sớm,
chuyến hành trình ngày 5 kết thúc bằng một giấc ngủ ngon trên chiếc giường ấm
cúng,…

NGÀY 6: CẦN THƠ – MỸ THO

5h sáng chúng tôi đã có mặt dưới sảnh khách sạn để di chuyển bằng phương tiện là
hai cái chân ra bến phà đi chợ nổi. Lên thuyền mặc áo phao đầy đủ, bác tài lái chiếc
thuyền chở chúng tôi đi đến chợ nổi Cái Răng, ngồi trên thuyền vừa nghe thuyết
minh vừa ngắm sông nước mênh mông hữu tình và tôi yêu làm sao con người miền
Tây nơi đây. Trên mặt họ lúc nào cũng nở một nụ cười niềm nở hết, đi đến đâu
cũng nhớ về con người miền Tây giản dị, chân chất mà thật thà làm sao,… Quay lại
với chợ nổi Cái Răng, ở đây khi mà người ta muốn bán cái gì đó người ta sẽ lấy dây
cột thẳng vào thuyền của mình và bắt đầu rao bán, lần đầu tiên tôi nhìn thấy nên
khá thích thú. Chúng tôi dừng chân ở trạm dừng chợ nổi, trong đây có bán nhiều
loại khô, bánh, hủ tiếu khô, bún khô,… Và chúng tôi cũng được tận mắt nhìn thấy
quy trình làm hủ tiếu lá dứa khô, làm bánh tráng hay được dùng thử các loại khô,
các loại bánh ở đây,.. Tầm 6h45 phút thì chúng tôi di chuyển trở về khách sạn để
dùng bữa, lúc này mặt trời dần lên cao, trời cũng bắt đầu nắng nhẹ, nắng chiếu
xuống óng ánh trên mặt nước điểm tô cho chợ nổi Cái Răng thêm phần đẹp hơn…
Quay lại với buffet sáng ở khách sạn, buffet ở đây rất ngon, đa dạng nhiều món,
chắc là vì dậy sớm cộng với đã vận động nên chúng tôi cảm thấy rất ngon miệng,…
Đúng 8h sáng thì chúng tôi lại chia tay với một thành phố nữa để trở về với thành
phố Mỹ Tho, cũng là thành phố cuối cùng trong chuyến hành trình “Xuôi dòng Cửu
Long”. Di chuyển từ Cần Thơ về đến Mỹ Tho mất khoảng 2 tiếng hơn, trên đường
về Mỹ Tho chúng tôi có ghé trạm dừng chân Phú An Khang, ở đây bán đặc sản của
Bến Tre, những đồ thủ công mỹ nghệ được làm từ dừa, dừng chân khoảng tầm 20
phút thì chúng tôi đi đến khu di tích Rạch Gầm – Xoài Mút. Khi bước vào khu di
tích Rạch Gầm – Xoài Mút, được nghe thuyết minh về khu di tích này và được tận
mắt nhìn thấy những gì còn sót lại sau những trận chiến oai hùng, lẫm liệt của ông
cha ta ngày xưa lòng tôi không khỏi xúc động. Đứng tại nơi đây tôi tự hào về đất
nước Việt Nam kiên cường bất khuất, tự hào về những trang sử vẻ vang của dân tộc
ta, tự hào về những vị anh hùng hào kiệt đã làm nên đất nước Việt Nam ngày hôm
nay,… Thăm quan di tích Rạch Gầm – Xoài Mút xong thì cũng tầm 10h40 phút,
chúng tôi di chuyển đến khách sạn Cửu Long để dùng cơm trưa rồi sau đó đến điểm
tham quan cuối của ngày hôm nay là một ngôi chùa với lối kiến trúc độc đáo –
Chùa Vĩnh Tràng, ngôi chùa tồn tại xuyên suốt ba thế kỉ này luôn được nhắc đến
như một điểm hành hương không nên bỏ lỡ khi đặt chân đến Tiền Giang. Chùa
Vĩnh Tràng có lối kiến trúc Á – Âu, tại nơi đây có 3 tượng phật lớn đó là: Tượng
Phật A Di Đà, Tượng Phật Thích Ca nằm, Tượng Phật A Di Đà. Chùa rất với rất
nhiều cây kiểng, cây cổ thụ to lớn, vườn cây ăn quả rợp bóng mát và một hồ nước
tuyệt đẹp ở khuôn viên xung quanh chùa,… Rời chùa Vĩnh Tràng về đến khách sạn
lúc 13h25 phút, hôm nay kết thúc hơi sớm một xíu vì tối chúng tôi sẽ có một đêm
gala tổng kết chuyến đi trong 6 ngày vừa qua. Chúng tôi dùng cơm chiều lúc 18h
và lúc 19h là gala tổng kết chuyến đi. Đêm gala tổng kết diễn ra với biết bao cảm
xúc, trong 6 ngày vừa qua chúng tôi đã có một cuộc hành trình không dài mà cũng
không ngắn đi qua hết 13 tỉnh thành miền Tây. Mặc dù đường miền Tây khó đi,
nhiều chông chênh nhưng chúng tôi không lúc nào mệt mỏi cả, vì được nhìn thấy
dãy đất hình chữ S này với muôn hình vạn trạng, được thiên nhiên ưu ái ban tặng
những dãy đất màu mỡ và với những di tích – kiến trúc tuyệt đẹp, những di tích
lịch sử là những dấu ấn cho chúng tôi biết được ngày xưa ông cha ta đã phải chiến
đấu như thế nào để có thể có đất nước Việt Nam ngày hôm nay, đi qua một địa
điểm chúng tôi lại càng biết ơn những công lao ấy nhiều hơn. Và trên cuộc hành
trình này chúng tôi được nhìn thấy những nụ cười thân thương của con người nơi
đây, sự mến khách, sự thân thiện, cái giản dị là những yếu tố hình thành nên con
người ở miền Tây Nam Bộ. Trong suốt 6 ngày qua chúng tôi sinh hoạt cùng nhau,
cười nói cùng nhau, cùng nhau chinh phục cột mốc tọa độ, cùng nhau “xuôi dòng
Cửu Long”, trải qua biết bao khuôn bậc cảm xúc thì chúng tôi luôn kề vai sát cánh,
cuộc hành trình này không chỉ giúp chúng tôi biết thêm sự rộng lớn, giàu đẹp của
dãy đất hình chữ S mà còn giúp chúng tôi học hỏi thêm được nhiều thứ từ những
người thầy, người anh, người bạn đã luôn đồng hành trong suốt chuyến đi. Đêm
gala chúng tôi cùng nhau cười, cùng nhau khóc rồi cùng nhau làm trò,… Tuổi trẻ
chúng tôi là thế, học khí thế chơi hết mình, sống trọn từng khoảng khắc,… Ngày
hôm nay khép lại bằng niềm vui xen lẫn nỗi buồn khó tả, chìm vào một giấc ngủ
sâu để đến ngày cuối cùng của chuyến đi…

NGÀY 7: MỸ THO – TP. HỒ CHÍ MINH

7h sáng, thứ năm ngày 30 tháng 3 năm 2022,… Ngày hôm nay chúng tôi không
phải thức dậy sớm lúc 4h hay 5h nữa vì ngày hôm nay chúng tôi chỉ đến một điểm
cũng là điểm cuối cùng tromg cuộc hành trình “Xuôi dòng Cửu Long” . 7h30 phút
chúng tôi dùng điểm tâm sáng tại khách sạn, sau đó đúng 8h30 phút thì chúng tôi
khởi hành đi tìm hiểu các cồn nổi trên sông Tiền: Cồn Long, Lân, Quy, Phụng. Di
chuyển bằng thuyền. Lên thuyền xuôi theo dòng nước, cồn Lân còn có tên gọi là cù
lao Thới Sơn sẽ là điểm đến đầu tiên của chúng tôi, ở cồn Lân chúng tôi được
thưởng thức sản phẩm mật ong pha với trà phấn hoa ăn kèm với chuối sấy. Tại đây
chúng tôi được một chị xinh đẹp pha chế cho và rót ra từng ly để thưởng thức, bây
giờ tôi cũng còn nhớ được cái mùi vị trà ấy. Thưởng thức trà xong chúng tôi được
thưởng thức các loại trái cây miệt vườn, vừa ăn trái cây vừa được nghe đàn ca tài
tử,… Tiếp tục xuôi về phía đông là cồn Phụng. Mặc dù rất gần cù lao Thới Sơn,
nhưng cồn Phụng lại thuộc tỉnh Bến Tre, chúng tôi di chuyển bằng xuồng do các cô
chú người dân ở đây chèo chở chúng tôi đi khoảng tầm 2 km, với mỗi chuyến như
thế thì họ được trả 15 nghìn, nhìn chung ở đây người dân sống rất cực khổ, lâu lâu
thì họ mới đón được đoàn đông,… Do là mùa nước cạn nên tôi bị con bù mắt cắn
khá là đau nhưng bù lại được cảnh sông nước ở đây cũng rất chan hòa, trước khi di
chuyển đến cồn Phụng chúng tôi có đi qua một xưởng làm kẹo dừa, chúng tôi được
dùng thử kẹo dừa cũng được tận mắt nhìn thấy quy trình làm và đóng gói kéo dừa
qua những bàn tay khéo léo, tĩ mĩ. Cồn Phụng ngoài không gian xanh mượt của
cây cối, miệt vườn còn được thu hút bởi những hoạt động vui chơi, giải trí nữa, ở
cồn Phụng có một khu di tích gọi là Đạo Dừa với những câu chuyện hấp dẫn nhưng
mà khu di tích này đã chấm dứt hoạt động từ lâu,… Trong lúc ngồi trên thuyền di
chuyển đi cồn Phụng thì chúng tôi được thưởng thức dừa 3 nhát, nước dừa thanh
ngọt, về đây nhất định phải thử dừa 3 nhát, không thử thì phí lắm. 12h15 phút
chúng tôi dùng cơm trưa tại nhà hàng Nguyệt Quế trong khu du lịch cồn Phụng đến
13h20 phút thì chúng tôi di chuyển ra xe trở lại với Thành phố Hồ Chí Minh. Vậy
là chuyến hành trình “Xuôi dòng Cửu Long” của chúng tôi bắt đầu ngày
25/03/2022 và kết thúc ngày 31/03/2022 với biết bao cảm xúc còn động lại. Mỗi
tỉnh mà chúng tôi đi qua là một dấu ấn. Ngồi trên xe trở lại thành phố mà lòng tôi
không khỏi buồn, không khỏi hồi tưởng lại những ngày vừa qua, trở lại nhịp sống
của thành phố, trở lại với nhịp sống ồn ào náo nhiệt thì bỗng có chút không quen
nữa. Chúng tôi trong buổi chia tay kết thúc chuyến đi dành cho nhau những nụ
cười, dành cho nhau những lời nói, lời chúc, ít nhiều gì trong 7 ngày vừa qua chúng
tôi đã đồng hành cùng nhau trên chặng đường dài 1400km,…

Chúng tôi xin gửi lời cảm ơn đến những bác tài xế - những người đã chèo lái con
đò đưa chúng tôi đi đến nơi về đến đích, đi qua những ngày nắng, vượt qua bao
ngày mưa bác tài vẫn vững tay lái. Lời cảm ơn đến thầy Tống và thầy Hợp đã dành
thời gian giúp chúng tôi tiếp cận được với những kiến thức thực tế, biết thêm được
sự giàu đẹp của đất nước Việt Nam. Lời cảm ơn đến những anh hướng dẫn viên đã
truyền đạt nhiều kiến thức, kể những câu chuyện xa xưa về lịch sử thời kỳ dựng
nước, giữ nước của ông cha ta, cũng quan tâm, chăm sóc chúng tôi như những
người em trong suốt chuyến đi. Lời cảm ơn đến trung tâm hỗ trợ học sinh sinh viên
đã tạo điều kiện để chúng tôi đi – biết – hiểu. Chúng tôi rất mong sẽ được đồng
hành cùng các bác tài xế, các người thầy, người anh trong những chuyến đi sắp tới
nữa…

Nhật ký kết thúc lúc 23h54 phút ngày 3/04/2022.

You might also like