You are on page 1of 2

Hải Phòng – đồ có cồn phiên bản địa lí

Tôi đi Hải Phòng vào đợt tháng 3. Lúc đi, tôi mang trong mình cục buồn siêu to khổng lồ, lúc về, dẫu
vẫn buồn nhưng đã có phần đỡ hơn. Bởi vậy tôi mới gọi Hải Phòng là đồ có cồn, nhưng lại là đồ có
cồn healthy, vì nó khiến tôi tạm quên nỗi buồn, khiến tôi đê mê, nhưng không hại tới trí óc.
Tôi bắt chuyến tàu nhanh tới Hải Phòng ở ga Long Biên, ghế gỗ. Tàu đi nhanh, vé rẻ, nói dăm ba câu
chuyện với Tú, hai đứa chia nhau ăn hết gói xôi đã tới nơi. Tôi vẫn nhớ y nguyên những bức tường
nhà chạy dọc theo đường ray, được sơn một cách có tổ chức, cứ vài nhà sơn vàng, hết vàng đến xanh,
hết xanh đến hồng...
Tôi đi bộ tới nhà người quen của Tú ở gần nhà kèn. Hải Phòng chẳng khác Hà Nội là mấy, tôi thấy
có vài quán cà phê thậm chí còn đẹp hơn mấy quán tương đương ở Hà Nội. Nhưng tôi không vào.
Tôi để dành thời gian khám phá những điều khác biệt.
Lượn vài vòng Hải Phòng, tôi và Tú quyết định lấy xe máy đi cảnh xuống Đồ Sơn. Tệ nhất là bị bắn
tốc độ, nhưng vẫn xin được.
Đồ Sơn đón chúng tôi bằng sự im ắng lạ thường, thậm chí khiến tôi hơi... sờ sợ. Giữa tâm dịch covid,
cả thành phố ngủ im lìm, mặc cho tôi và Tú ra sức lay nó dậy, nó vẫn chẳng buồn cựa. Tôi chọn
khách sạn đắt và to nhất nhất nhất Đồ Sơn, lúc bấy giờ giá chỉ bằng khách sạn hạng thường, vì chẳng
có ai đi du lịch mùa ấy.
Tôi trải áo lên cát, ngồi trên bãi biển ăn gà, xúc xích, để mặc gió táp vào mặt mình, hơi lạnh. Rồi tôi
chạy trên cát, vùi những ngón chân béo ú xuống lớp cát ẩm ướt, cố ném nỗi buồn đi thật xa. Rồi tôi
và Tú ngồi nghe nhạc, ngắm một nhóm học sinh đang té nước vào nhau.
Đêm ở Đồ Sơn, tôi và Tú úp hai cốc mì mua từ lúc ở thành phố, xì xụp húp. Cũng thèm hải sản,
nhưng vì đây là chuyến đi cực kì ngẫu hứng, mỗi đứa mang có vài trăm ngàn trong người. Rồi chán
quá, hai đứa rủ nhau đi bộ cho mòn cái đất Đồ Sơn. Chúng tôi đi bộ vòng vòng, lên cả chỗ của vua
Bảo Đại, chân giẫm lá xào xạc, thấy có bàn bi a vứt bên quán cà phê lề đường cũng nhảy vào chọc
vài đường, lúc ấy tối om om, đường chẳng bóng người, quán cà phê như bỏ hoang, không bật đèn
luôn. Cũng rén.
Rồi chúng tôi bỗng thèm tha thiết bánh mì chấm sữa mà chẳng hiểu căn nguyên là do đâu. Giữa cái
tiết trời man mát ngòn ngọt, bỗng khát khao thứ gì như bánh mì chấm sữa. Thế là lại xách xe, lao vội
về Big C Hải Phòng, mua một cái bánh mỳ dài ngoằng và lon sữa chắc nịch. Rồi lại phi lại Đồ Sơn,
lần này đã rút kinh nghiệm, đi đúng làn để không bị bắn tốc độ... Trên đường gặp rất rất rất nhiều
những căn phòng lập loè đèn đỏ. Tôi và Tú thi nhau hò hét. Nhưng vẫn không đánh thức được Đồ
Sơn.
Sáng, định bụng đi ngắm bình minh nhưng ngủ quên. Mà cũng làm đếch có bình minh, mây âm âm u
u. Trời cứ tôi tối.
Quay lại Hải Phòng.
Hải Phòng đón chúng tôi bằng sự nhộn nhịp chứ không tĩnh lặng như Đồ Sơn. Tôi và Tú nghỉ dịch đi
chơi, trong khi xuống đây, thấy mấy bạn Hải Phòng vẫn xách cặp đi học vì không phải cách li, hơi
chớ.
Tôi và Tú đi thử món giá bể xào, bánh đúc tàu và cả hai thứ chúng tôi đều không nuốt nổi đến miếng
thứ hai, dù nhìn mọi người xung quanh ăn rất ngon. Chắc tại không hợp. Giá bể xào là con giá bể,
xào nguyên vỏ, khi ăn thì phải tách cái vỏ ra, ăn không giống con gì nên không biết tả thế nào, vị
cũng hơi là lạ. Bánh đúc tàu lại càng không biết tả, nó cứ vừa mặn vừa ngọt, lợ lợ và làm tôi liên
tưởng đến món chè thập cẩm nhưng cho thêm hành khô...
Và vì thằng Tú mê cái mũ bảo hiểm mà nó nhất quyết đi khắp Hải Phòng để lùng mua, chúng tôi lỡ
chuyến tàu cuối cùng về nhà, nên hai đứa quyết định ở lại hôm nữa.
Đêm thứ hai ở Hải Phòng, tôi và Tú được các anh dắt đi ăn nhậu. Chúng tôi ăn ốc, uống rượu, trời thì
mưa tầm tã, nước tràn cả vào chỗ chúng tôi ngồi, nhưng tiếng cười át hết cả tiếng mưa.
Rồi đi ăn bánh đa ở chỗ nào đó, tôi quên mất. À nhắc đến bánh đa, bánh đa bà cụ gì đó, tôi vẫn
không thích bằng ăn ở hàng được người bản xứ dẫn đi.
Sáng cuối cùng ở Hải Phòng, một sáng hơi lạnh, chúng tôi dậy (kha khá sớm) đi ăn xôi, trời lất phất
mưa. Bát xôi nóng hổi, hạt dẻo, thịt kho tàu thơm nức, bốc hơi nghi ngút lay động lòng người.
Chắc xôi ngon nên Tú quên mẹ ví ở hàng xôi. Ngu lắm cơ.
Và vì cái ví, chúng tôi suýt lỡ thêm một chuyến tàu nữa. Suýt thôi, và chúng tôi vẫn kịp về nhà.
Sẽ còn quay lại Hải Phòng,
Một ngày nào đó,
Khi nỗi buồn ngập lòng.
Giống tháng ba.

You might also like