You are on page 1of 10

BÁO CÁO THUYẾT TRÌNH

- Môn học: Ngữ Văn


- Lớp: 12D1
- Nhóm: Tổ 3
- Chủ đề thuyết trình: Hình tượng đất nước trong thơ ca Việt Nam 1945 - 1975
- Giáo viên: Tạ Thị Thanh Vân
- Danh sách nhóm và phân công:
THÀNH VIÊN NHIỆM VỤ
Thái Thị Mỹ Hạnh tổ trưởng, phân công công việc, làm báo cáo
Đinh Quang Hùng thu thập tài liệu
Đinh Mai Anh thu thập tài liệu
Phùng Mai Linh thu thập tài liệu
Nguyễn Đình Sáng thu thập tài liệu
Nguyễn Mai Linh thu thập tài liệu
Trần Thúy Ngà thu thập tài liệu
Trần Thị Diệu Linh thuyết trình
Nguyễn Diệu Hằng thu thập tài liệu
Võ Thị Thu Hằng thuyết trình
Huỳnh Nguyễn Hoài An làm powerpoint

BÀI BÁO CÁO:


HÌNH TƯỢNG ĐẤT NƯỚC TRONG THƠ CA VIỆT NAM 1945 - 1975
Quê hương đất nước là nguồn thơ không bao giờ vơi cạn trong văn học nước ta. Nó xuyên
suốt và là nguồn cảm hứng chủ đạo trong mạch nguồn thơ dân tộc. Đất nước, đó là nơi mỗi
chúng ta cất tiếng khóc chào đời, nơi những kỉ niệm ngọt ngào nhất in vào chúng ta qua
những lời ru: “con cò bay lả bay la…”; là mảnh đất ông cha ta đã nằm xuống cùng đồng đội
mình, là Tháp Rùa rêu phong cổ kính, là Trường Sơn mây mù che phủ. Để rồi mỗi chúng ta
không khỏi bồi hồi khi đọc những câu thơ mà hình ảnh, vóc dáng Tổ quốc hiện lên đến nao
lòng:
Cả dân tộc đói nghèo trong rơm rạ
Văn chiêu hồn từng thấm giọt mưa rơi
=> Như một mảng màu làm phong phú thêm hình tượng đất nước trong văn học Việt Nam,
đất nước trong thơ ca giai đoạn 1945 - 1975 là sự kế thừa và phát triển có tính biện chứng
của thơ ca truyền thống với những phẩm chất cao đẹp và mới mẻ, giản dị và đằm sâu. 
I. KHÁI QUÁT ĐẶC ĐIỂM CHUNG
- Thơ ca 1945 - 1975 tập trung đi vào khắc họa hình tượng đất nước và con người Việt Nam
trong hai cuộc chiến tranh vệ quốc hào hùng của dân tộc: kháng chiến chống Mỹ và kháng
chiến chống Pháp.
- Ở đó, đất nước và con người Việt Nam hiện lên rõ ràng hơn bao giờ hết với vẻ đẹp tỏa
sáng, anh dũng, kiên cường, bất khuất. 
II. QUAN NIỆM VỀ ĐẤT NƯỚC TRONG THI CA GIAI ĐOẠN 1945 - 1975
  Đất nước là khái niệm thân quen mà thiêng liêng, gần gũi mà trừu tượng; đã có hàng ngàn
bài thơ viết về đất nước mà ở đó mỗi tác giả đều đưa ra những định nghĩa, lý giải xúc cảm…
của mình.
1. Đất nước - Nguyễn Đình Thi
- Điều thú vị trong thi phẩm “Đất nước” của Nguyễn Đình Thi ở chỗ: Khi thể hiện ý thức
làm chủ đất nước, hình tượng đất nước được miêu tả trong cái nhìn không gian. Nhưng khi
gợi tả hồn đất nước, truyền thống dân tộc, tác giả lại cảm nhận đất nước theo chiều dài thời
gian.
- Cách định nghĩa đất nước của Nguyễn Đình Thi như tạo ra một không khí trang trọng,
thiêng liêng, trầm hùng khi nói về lịch sử dân tộc.
- Trong cảm quan của Nguyễn Đình Thi, đất nước là bầu trời xanh bao la, tươi đẹp hiền hoà.
Đất nước là ruộng đồng thẳng cánh cò bay, thơm ngát hương lúa. Đất nước là những ngả
đường bát ngát xuôi ngược từ Bắc vào Nam rộng dài từ Đông sang Tây. Đất nước còn là
những dòng sông phù sa màu mỡ…
2. Đất nước - Nguyễn Khoa Điềm
- Về cách định nghĩa về “Đất Nước” của Nguyễn Khoa Điềm trong “Trường ca Mặt đường
khát vọng”, có thể nói ngắn gọn: Cách định nghĩa đó là tư duy thơ mới mẻ.
- Nguyễn Khoa Điềm định nghĩa Đất Nước theo lối chiết tự và quy tụ về tư tưởng “Đất nước
của Nhân dân”, khiến cho hình tượng Đất Nước hiện ra trong sự hình dung của người đọc
vừa lớn lao, thiêng liêng, vừa gần gũi, quen thuộc.
- Cách định nghĩa Đất Nước của Nguyễn Khoa Điềm rất thơ và khúc chiết, không chung
chung trừu tượng mà khá cụ thể. Quan niệm đó, vừa có tính kế thừa, vừa phát triển mang ý
nghĩa triết lí rộng lớn. Đất nước vốn là khái niệm không gian, đã được nhà thơ thời gian hoá,
từ phạm trù khách quan, chuyển hoá thành chủ quan: Đất Nước kết tinh, hoá thân trong cuộc
sống của mỗi con người:
Trong anh và em hôm nay
Đều có một phần Đất Nước
Khi hai đứa cầm tay
Đất Nước trong chúng ta hài hoà nồng thắm...
Đất Nước được cảm nhận như sự thống nhất hài hoà của các phương diện văn hoá, truyền
thống, phong tục tập quán, đời sống cá nhân và cộng đồng... Cách định nghĩa Đất Nước theo
lối quy nạp trong “Mặt đường khát vọng” đã thể hiện chiều sâu, bề rộng văn hoá, những trải
nghiệm, suy tưởng riêng và xúc động mãnh liệt, chân thành của Nguyễn Khoa Điềm.
=> Như vậy, cả Nguyễn Đình Thi và Nguyễn Khoa Điềm đều có cách định nghĩa khác nhau
về đất nước. Điều đó đem lại cho người đọc những cảm nhận mới mẻ về hình tượng đất
nước. Điểm chung lớn nhất trong cảm quan về đất nước của hai thi nhân này là đều cắt
nghĩa đất nước từ cội nguồn văn hoá, lịch sử độc đáo, từ không gian địa lí cụ thể đến không
gian có tính chất biểu trưng của dân tộc Việt Nam . Cách định nghĩa đất nước của Nguyễn
Khoa Điềm và Nguyễn Đình Thi thực tế là sự tiếp nối cách định nghĩa đất nước từ thời Lý
Thường Kiệt và Nguyễn Trãi.

II. VẺ ĐẸP HÌNH TƯỢNG ĐẤT NƯỚC


1. Đất nước tươi đẹp
a) Vẻ đẹp thiên nhiên
a1) Việt Bắc - Tố Hữu
Với Việt Bắc, đất nước thật giàu đẹp, Tố Hữu đem đến cho ta những bức tranh tuyệt diệu về
quê hương cách mạng Việt Bắc. Có những bức tranh chan hòa màu sắc, đường nét, ánh
sáng, âm thanh thật bình dị và thơ mộng:
Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi
Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng
Ngày xuân mơ nở trắng rừng
Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang
Ve kêu rừng phách đổ vàng
Nhớ cô em gái hái măng một mình
Rừng thu trăng rọi hòa bình
Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung
a2) Đất nước - Nguyễn Đình Thi
- Vẫn là Việt Bắc nhưng Nguyễn Đình Thi lại cảm nhận vùng đất này ở phát hiện rất riêng,
Đất nước của ông bắt đầu từ Hà Nội:
Sáng mát trong như sáng năm xưa
Gió thổi mùa thu hương cốm mới
Cảm xúc về Hà Nội đã dẫn dắt vào cảm xúc đất nước. Từ hôm nay mà nhớ về hôm qua. Chỗ
đứng của tác giả là giữa chiến khu Việt Bắc còn hoài niệm trở về là một phố phường Hà Nội
xa xăm. Hai bờ thời gian ấy nối liền với nhau bằng cơn gió mùa thu, một tín hiệu mùa thu
ngàn đời không đổi: cái mát trong và một chút hương trầm (hương cốm mới). Cơn gió hôm
nay gợi về cơn gió ngày nào gần gũi đó mà rất xa xôi trong cái chớm lạnh đầu mùa, trong cái
xao xác không gian: những phố dài xao xác hơi may. Phải có một tâm hồn nhạy cảm và tinh
tế mới cảm nhận được cái mơ hồ, phảng phất ấy.
Lặng lẽ mà dồn dập, tự nó thành nhạc, mùa thu nay khác rồi là ở đây chăng? Hà Nội xưa
đẹp, buồn. Giờ Việt Bắc đẹp, vui. Nguyễn Du từng nói:
Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu,
Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ?
Tâm trạng của Nguyễn Đình Thi lúc này phải chăng cũng là tâm trạng của Chế Lan Viên dù
đó là hai hoàn cảnh khác nhau:
Con gặp lại nhân dân như nai về suối cũ
Cỏ đón giêng hai, chim én gặp mùa
Niềm vui ấy càng lúc càng mở rộng, bao trùm cả trời xanh, núi rừng:
Trời xanh đây là của chúng ta
Núi rừng đây là của chúng ta
Những cánh đồng thơm mát
Những ngả đường bát ngát
Những dòng sông đỏ nặng phù sa
- Hình tượng Đất nước được Nguyễn Đình Thi xây dựng bằng những vẻ đẹp của thiên nhiên
xanh tươi, dạt dào sức sống. Cảm nhận đất nước từ chỗ đứng, tấm lòng của chúng ta, nên đất
nước hiện lên vừa bình di, vừa rất đỗi thân thương. Âm điệu các câu thơ ở đây quấn quýt
cộng với nhịp dài ngắn, tất cả tạo nên dáng hình một đất nước trường chinh trên vạn dặm dài
lịch sử, một đất nước mang vẻ đẹp tầm vóc của một thời đại mới. Và đó cũng là nỗi lòng yêu
quý tha thiết non sông, đất nước của chính tác giả Nguyễn Đình Thi.
a3) Bên kia sông Đuống - Hoàng Cầm
- Hoàng Cầm đã biến những dòng thơ truyền cảm của mình thành đường dẫn lối ta về với
quá khứ của vùng Kinh Bắc - một vùng quê tươi đẹp, trù phú, ngọt lành, thơm thảo tình đất
tình người, đậm đà bản sắc văn hóa vật chất và tinh thần với biết bao di tích lịch sử, đền
đài, biết bao hội hè gắn với những sinh hoạt văn hóa nổi tiếng như Hội Gióng, Hội Lim, Hội
Chùa Dâu,... Có thể nói âm hưởng và nhịp điệu thơ đọng lại trong lòng mỗi người đọc là âm
hưởng trầm bổng của những làn điệu dân ca đất Kinh Bắc rất đỗi quen thuộc với tâm hồn
Việt Nam. Bài thơ “Bên Kia Sông Đuống” là một kết tinh nghệ thuật tiêu biểu của nhà thơ
Hoàng Cầm. Nếu như phần đầu tiên, Hoàng Cầm hay nhắc đến những hình ảnh bình yên thơ
mộng của làng quê trù phú vùng quan họ thì đến phần sau, tác giả hoài nhớ về những nét văn
hóa của quê hương Kinh Bắc, những nét truyền thống đặc sắc, bắt rễ sâu kín trong tâm hồn
ông:
Bên kia sông Đuống
Quê hương ta lúa nếp thơm nồng
Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong
Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp”
a4) Đất nước - Nguyễn Khoa Điềm
Khi ta lớn lên Đất nước đã có rồi
Đất nước có trong những cái “ngày xửa ngày xưa…” mẹ thường hay kể
Đất nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn
Đất nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc
Tóc mẹ thì bới sau đầu
Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn
Cái kèo cái cột thành tên
Hạt gạo phải một nắng hai sương xay, giã, giần, sàng”
“Ngày xửa ngày xưa” là ngày nào? “Miếng trầu bây giờ bà ăn” - một miếng trầu giản dị, đơn
sơ đã vắt ngang bao nhiêu thế kỷ để còn lại đến bây giờ? Miếng trầu mở ra cả một đời sống
tinh thần của người dân, “miếng trầu là đầu câu chuyện”. Và cứ thế cái định nghĩa Đất nước
là những gì có thể bắt gặp ở ngay trong cuộc sống mỗi gia đình, mỗi con người, gắn liền với
những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Những tập quán bới tóc sau đầu chẳng phải
tự nhiên mà có. Trong quan niệm của nhân dân, cái đẹp phải gắn liền với cuộc sống thường
ngày, với công cuộc mưu sinh vất vả, cái đẹp phải gọn gàng. Trong hòa bình, để có được
miếng cơm manh áo thì phải đổ mồ hôi nước mắt, phải xay, giã, giần, sàng,... làm nên đất
nước muôn đời.
- Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm còn là Đất nước của ca dao thần thoại, Đất nước của
nguồn cội. Đó là dòng giống con Lạc, cháu Rồng:

Hằng năm ăn đâu làm đâu làm đâu


Cũng biết cúi đầu nhớ ngày giỗ Tổ.
Không chỉ là sự thành kính với tổ tiên. Mỗi người Việt với nhau còn có cái nghĩa đồng bào
vì Lạc Long Quân và Âu Cơ - người đã sinh ra đồng bào ta trong bọc trăm trứng. Đó là chiều
dài lịch sử của đất nước.
Về không gian địa lý, đất nước là núi sông, rừng và bể:
Đất là nơi “con chim phượng hoàng bay về hòn núi Bạc”
Nước là nơi “con cá ngư ông móng nước biển khơi”.
Đất nước còn là cái không gian sinh tồn gần gũi với cuộc sống con người:
Đất là nơi anh đến trường
Nước là nơi em tắm
Đất Nước là nơi ta hò hẹn
Đất Nước là nơi em đánh rơi chiếc khăn trong nỗi nhớ thầm
Đây chính là cái nhìn toàn vẹn của nhà thơ về Đất Nước.
=> Ở nhiều góc độ khác nhau, từ một bờ bên kia sông Đuống của Hoàng Cầm đến một vùng
núi rừng Việt Bắc của Tố Hữu, một Đất nước của Nguyễn Đình Thi rồi Nguyễn Khoa
Điềm..., quê hương Việt Nam lần lượt hiện lên với vẻ đẹp riêng có đặc sắc của nó. Có lúc
quê hương hùng vĩ, tráng lệ, có lúc thì thơ mộng, hiền hòa.
b) Vẻ đẹp con người
Không chỉ khám phá vẻ đẹp ở thiên nhiên, các nhà thơ thời kỳ này còn đi sâu khám phá
những nét đẹp trong tâm hồn con người. Nếu như thơ ca cổ lấy thiên nhiên làm chuẩn mực
cho cái đẹp, thì ở đây các nhà thơ hiện đại lại lấy chuẩn mực từ con người, con người trong
thơ hiện đại hiện lên rất rõ nét, chân thật, không bị che lấp bởi cảnh vật thiên nhiên như thơ
xưa.
- Rất tự nhiên, Hoàng Cầm lồng hình ảnh quê hương vào trong hình ảnh những truyền thống
văn học. Những hình ảnh con người xứ Kinh Bắc duyên dáng, dễ thương, những cô hàng xén
răng đen môi cắn chỉ quết trầu, những cụ già tóc trắng, những khuôn mặt búp sen cười như
mùa thu tỏa nắng. Hình ảnh con người dưới ngòi bút tài hoa của Hoàng Cầm hiện lên duyên
dáng, kỳ ảo đến lạ thường.
- Con người làm chủ thể của thiên nhiên, chính thiên nhiên làm nền nổi bật hình ảnh con
người. Như đã nói ở trên mỗi khung trời, mỗi cảnh vật Tây Bắc là một bức tranh nên thơ thì
trên nền tranh ấy là hình ảnh con người hòa điệu vào nhau trong lao động, trong cuộc sống
thanh bình, dung dị. Ở đó là dáng vẻ con người khỏe khoắn “đèo cao nắng ánh dao gài thắt
lưng”, có chút tỉ mỉ, cần cù, chịu khó của người đan nón “chuốt từng sợi giang”, và không
khỏi xốn xang trước vẻ đẹp hồn nhiên, hiền hòa trong hình ảnh hùng vĩ của núi đồi Phong
Châu.
- Điều đặc sắc ở đây là cái nhìn của nhà thơ thấm sâu ý thức về nhân dân, về những con
người bình thường đã làm nên Đất nước:
Những người dân nào đã góp tên Ông Đốc, Ông Trang, Bà Đen, Bà Điểm
Và ở đâu trên khắp ruộng đồng gò bãi
Chẳng mang một dáng hình, một ao ước, một lối sống ông cha
- Khi nói về bốn nghìn năm lịch sử của Đất nước, nhà thơ không điểm lại các triều đại, các
anh hùng nổi tiếng mà trước hết nhắc đến vô vàn những lớp người vô danh bình dị:
Trong bốn nghìn lớp người giống ta lứa tuổi
Họ đã sống và chết
Giản dị và bình tâm
Không ai nhớ mặt đặt tên
Nhưng họ đã làm ra đất nước
Những con người vô danh và bình dị đã giữ gìn và truyền lại cho các thế hệ sau mọi giá trị
văn hóa, văn minh tinh thần và vật chất của dân tộc: từ hạt lúa, ngọn lửa đến tiếng nói, ngôn
ngữ. Họ cũng là những người:
Khi có ngoại xâm thì chống ngoại xâm
Có nội thù thì vùng lên đánh bại.
=> Bằng những giác quan nhạy cảm, những nhà thơ hiện đại đã khám phá, phát hiện những
vẻ đẹp thiên nhiên và vẻ đẹp trong tâm hồn con người. 
2. Đất nước đau thương nhưng anh dũng, bất khuất
Càng tự hào về hình tượng đất nước giàu đẹp, trù phú của ngày xưa bao nhiêu, ta càng đau
đớn, xót xa bấy nhiêu khi chứng kiến cảnh quê hương bị giày xéo dưới gót giày của quân
xâm lược tàn bạo. Bốn bài thơ, mỗi bài có một cách thể hiện riêng nhưng tất cả đều dựng nên
hình tượng một đất nước đau thương trong cuộc kháng chiến ác liệt chống chủ nghĩa thực
dân, đế quốc Pháp - Mĩ.
a) Đất nước đau thương:
a1) Bên kia sông Đuống - Hoàng Cầm
- Hình tượng đất nước đau thương ấy bắt đầu với một hình ảnh giàu sức gợi “rụng bàn tay”.
Con sông Đuống như một sinh thể có hồn, có vía nằm nghiêng nghiêng trong kháng chiến
trường kì nay bờ bên kia đã bị giặc chiếm đóng, đứng bên này vùng tự do kháng chiến tác
giả như chết đi nửa người: “Sao xót xa như rụng bàn tay”. Hình ảnh đó là nỗi đau đã cụ thể
hóa, nỗi đau của chết chóc, chia lìa. Những câu thơ như nhói vào tim ta và tan ra giữa một
biển tình cảm mênh mông. Cũng bởi vì tình cảm yêu thương ấy mà nhà thơ đau đớn đến tột
cùng và Bên kia sông Đuống ra đời sau một đêm thức trắng viết theo dòng cảm xúc. Nỗi căm
hờn xót xa khi quê hương xiết bao yêu dấu chìm ngập trong khói lửa chiến tranh được tác giả
miêu tả bằng những hình ảnh thật ấn tượng:
Quê hương ta từ ngày khủng khiếp
Giặc kéo lên ngùn ngụt lửa hung tàn
Ruộng ta khô
Nhà ta cháy
Chó ngộ một đàn
Lưỡi dài lê sắc máu
Kiệt cùng ngõ thẳm bờ hoang
Mẹ con đàn lợn âm dương
Chia lìa đôi ngả
Đám cưới chuột đang tưng bừng rộn rã
Bây giờ tan tác về đâu
- Vừa nhớ về những ngày tháng yên bình, hạnh phúc thuở xưa, vừa đau xót trước thực tại
phũ phàng, nhà thơ đưa ta vào trong nhịp thơ dồn dập, hối hả, ngắt quãng thể hiện một nỗi
căm hận tột cùng. Có sống trong làng quê thanh tịnh với:
Xanh xanh bãi mía bờ dâu
Ngô khoai biêng biếc
ta mới thấu hết nỗi đau của nhà thơ khi phải nhìn những giá trị bị hủy diệt mà không có cách
nào cứu vãn. Hình ảnh đặc trưng của xứ Kinh Bắc:
Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong
Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp
nay đã không còn, thay vào đó là sự chia lìa, ngăn cách:
Mẹ con đàn lợn âm dương
Chia lìa đôi ngả
Đám cưới chuột đang tưng bừng rộn rã
Bây giờ tan tác về đâu?
đâu còn nữa:
Mấy trăm năm thấp thoáng mộng bình yên
Những hội hè đình đám
Trên núi Thiên Thai
Trong chùa Bút Tháp
Giữa huyện Lang Tài
để rồi:
Gửi về may áo cho ai
Chuông chùa văng vẳng nay người ở đâu?
Đại từ phiếm chỉ “ai” làm câu hỏi tu từ của nhà thơ như rơi vào khoảng trống mênh mông,
vào hố sâu của tuyệt vọng, hụt hẫng. Điệp khúc: “tan tác về đâu”, “nay người ở đâu” hiện
diện như một nỗi khắc khoải mong chờ day dứt đầy nhức nhối thương đau.
Nếu ở bài thơ “Núi đôi”, Vũ Tao diễn tả nỗi đau trước cảnh quê hương bị tàn phá bằng hình
ảnh thật đáng nhớ:
Bỗng cuối mùa chiêm quân giặc đến
Ngõ chùa cháy đỏ những thân cau
Thân cau nơi ngõ chùa bình yên cũng phải cháy đổ, sự đau thương mất mát lên đến cực
điểm; thì ở “Bên kia sông Đuống”, nỗi đau cực tả bởi kiệt cùng ngõ thẳm bờ hoang, ruộng
khô nhà cháy, dòng nước mắt của những người dân vô tội lăn dài. Đã không còn nữa cuộc
sống yên bình ngày xưa với những nàng môi thắm má đào cười như mùa thu tỏa nắng, những
cụ già tóc bạc phơ, em nhỏ ngây thơ trong sáng… Bao vùng đất yêu thương, địa danh quen
thuộc chợ Sủi, bãi Trầm Chỉ, núi Thiên Thai, chùa Bút Tháp… nay chôn vùi theo lửa đạn
chiến tranh khốc liệt để lại trong lòng người điệp khúc ngân nga khắc khoải: Bây giờ đi đâu
về đâu…
- Nỗi đau ấy còn được đẩy lên cao độ bởi hình ảnh mẹ già nua và bầy con thơ vô tội.
Những cụ già phơ phơ tóc trắng
Những em sột soạt quần nâu

a2) Đất nước - Nguyễn Đình Thi


- Nỗi đau thương ấy được đúc kết lại trong gương mặt đất nước bị hủy diệt tàn bạo trong số
phận cực nhục của người dân nô lệ:
Ôi những cánh đồng quê chảy máu
Dây thép gai đâm nát trời chiều
[…]
Bát cơm chan đầy nước mắt
Bay còn giằng khỏi miệng ta
Thằng giặc Tây thằng chúa đất
Đứa đè cổ đứa lột da
- Quả thật, không gì có thể đê hèn hơn lũ giặc dữ cướp phá và giết hại người vô tội để thỏa
mãn lòng tham muốn, mục đích bất chính của mình. Chẳng những bóc lột dân ta tàn bạo,
chúng còn ra sức vơ vét và giết hại những người dân vô tội quanh năm một nắng hai sương,
cần cù chất phác. Tội ác của chúng khiến:
Từng gốc lúa bờ tre hồn hậu
Cũng bật lên thành tiếng căm hờn
Để rồi tất cả thốt lên:
Đã có đất này chép tội
Chúng ta không biết nguôi hờn. (Bên kia sông Đuống)
a3) Việt Bắc - Tố Hữu
Việt Bắc không nói đến những nỗi đau như thế bởi bài thơ vừa là một khúc ca ân tình ân
nghĩa cách mạng, vừa là một bài ca chiến thắng của một thời kì lịch sử. Do đó, đau thương
của đất nước chỉ được bộc lộ gián tiếp qua nỗi gian khổ, khó khăn trong cuộc chiến đấu
chống giặc ngoại xâm.
a4) Đất nước - Nguyễn Khoa Điềm 
Qua trường ca Mặt đường khát vọng của Nguyễn Khoa Điềm, hình tượng đất nước đau
thương tuy không thể hiện rõ nét nhưng ta vẫn cảm nhận được điều đó qua lịch sử đau
thương mà hào hùng. Dù giọng văn không đau đớn xót xa như “Bên kia sông Đuống”, không
căm phẫn như “Đất nước” của Nguyễn Đình Thi, cũng không nhiều minh chứng rõ ràng về
khó khăn, gian khổ trong chiến đấu như “Việt Bắc” nhưng đâu đó vẫn ẩn chứa trong từng lời
văn đầy tự hào ta vẫn thấy hiện hữu nỗi đau qua bốn nghìn năm thăng trầm lịch sử:
Khi có giặc người con trai ra trận
Người con gái trở về nuôi cái cùng con
Ngày giặc đến nhà thì đàn bà cũng đánh
Nhiều người đã trở thành anh hùng
Nhiều anh hùng cả anh và em đều nhớ
Nhưng em biết không
Có biết bao người con gái, con trai
Trong bốn nghìn lớp người giống ta lứa tuổi
Họ đã sống và chết
Giản dị và bình tâm
Đó đâu chỉ đơn thuần là nỗi gian khổ khi chống giặc bảo vệ Tổ quốc mà còn là đức hi sinh
và những mất mát to lớn chưa gọi thành lời.
=> Bốn nhà thơ, bốn phong cách, bốn cá tính sáng tạo với bốn vùng quê khác nhau và nỗi
đau thương được khắc họa ở nhiều cung bậc nhưng đọng lại trong tất cả vẫn là nỗi đau xót
khắc khỏi trước cảnh quê hương bị tàn phá tan hoang dưới gót dày quân xâm lược . Qua đó
bộc lộ niềm căm phẫn tột đỉnh với bọn giặc dữ đồng thời thể hiện tấm lòng yêu nước thiết
tha của các tác giả.
=> Có thể nói, các bài thơ đã tạc nên bức tượng đài sừng sững về đất nước. Tuy phải chịu
bao mất mát, đau thương trong chiến tranh nhưng không vì thế mà ta tuyệt vọng buông
xuôi. Ngược lại lòng căm thù đã hóa thành sức mạnh, niềm tin chống lại lũ cướp nước đê
hèn thể hiện qua những vần thơ hùng tráng, bi mà không lụy. 
b) Đất nước anh dũng, kiên cường, bất khuất
Và những tháng ngày chiến đấu đầy gian khổ, vất vả hi sinh ấy đã làm sáng ngời hình tượng
một đất nước bất khuất - quật khởi - kiên cường.
- Tinh thần anh dũng ấy trước hết thể hiện ở lòng căm thù giặc sục sôi và sự tự nguyện đứng
lên chống lại kẻ thủ hung bạo để giành lại từng tấc đất của quê hương.
- Không chỉ dừng lại ở đó, hình tượng đất nước kiên cường, bất khuất còn thể hiện ở tinh
thần đoàn kết chống giặc ngoại xâm, là niềm lạc quan yêu đời, không nao núng trước bao
khó khăn gian khổ. 
III. TỔNG KẾT
Tóm lại, với mỗi bài thơ hình tượng đất nước lại mang những nét đẹp riêng. Nếu với Hoàng
Cầm đất nước gắn liền với vùng Kinh Bắc cổ kính, Tố Hữu với Việt Bắc ân tình - ân nghĩa
thì Nguyễn Đình Thi lại khắc họa hình tượng đất nước từ đau thương hiện lên tươi thắm vô
ngần và Nguyễn Khoa Điềm với tư tưởng “Đất nước của nhân dân”. Nhưng dù thế nào thì
tựu chung lại vẫn là những tình cảm yêu mến, tự hào về một đất nước giàu đẹp, một dân tộc
anh hùng - tình nghĩa, và càng tự hào bao nhiêu lại càng đau xót, căm phẫn bấy nhiêu khi
đất nước rơi vào tình cảnh đau thương, mất mát. Để rồi từ đó cất cao tiếng hát ngợi ca về
một đất nước anh dũng trong chiến đấu, tỏa sáng, rạng ngợi và vẹn tròn to lớn:
Từ mái tóc xanh đầu nguồn Pắc Bó,
Tới gót chân hồng mũi Cà Mau.
Mỗi bài thơ là một gương mặt đẹp về đất nước: giàu đẹp, đau thương trong chiến tranh và
kiên cường, bất khuất trong chiến đấu, thông qua hình ảnh một vùng đất Kinh Bắc dân gian -
cổ kính, một quê hương cách mạng Việt Bắc tình nghĩa - anh hùng, một đất nước trưởng
thành tỏa sáng theo chiều dài lịch sử dân tộc và một đất nước của nhân dân với những giá trị
lâu bền. Hình tượng đất nước ấy bắt nguồn từ truyền thống yêu nước cao đẹp được hun đúc
suốt mấy ngàn năm lịch sử dân tộc và còn được khơi nguồn từ những thử thách ác liệt của
lịch sử 30 năm đấu tranh 1945 - 1975.
=> Thế nên chính những trang thơ đó đã bộc lộ thấm thía, cảm động tấm lòng yêu nước của
con người Việt Nam, khơi dậy trong lòng mỗi công dân Việt Nam niềm tự hào dân tộc, tình
yêu, sự gắn bó, cũng như trách nhiệm đối với đất nước trong hiện tại và tương lai.

You might also like