You are on page 1of 4

Bài làm

Từ lâu, văn thơ đã trở thành nét cọ của những nhà văn để khiến những chất liệu
như lao động, đời sống tưởng như bình thường, khô khan trở nên lãng mạn, trữ tình
hơn bao giờ hết. Và nhắc đến những cây bút có thể từ những chi tiết đời thường vẽ
nên bức họa đẹp phải kể đến Nguyễn Thành Long. Sáng tác xuyên suốt từ thời kỳ
khói lửa đến những năm hòa bình sau giải phóng của dân tộc, các tác phẩm truyện
ngắn của ông như những bức thư nhẹ nhàng, trong sáng gởi gắm trong đó tình cảm
thắm đượm chất thơ. Truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa” được viết năm 1970 của ông là
một trong những tác phẩm để lại cho độc giả dấu ấn sâu sắc nhất, tại đó, tác giả
thầm kín trao gửi niềm tin yêu của ông tới những người có lẽ sống cao đẹp vẫn
lặng lẽ hy sinh vì tổ quốc. Trong đó để lại cho người đọc nỗi xúc động mạnh mẽ
chính là nhân vật anh thanh niên – hiện thân của một con người say mê lao động,
hết mình cống hiến sức trẻ vì đời mới của những năm tiến lên xây dựng chủ nghĩa
xã hội thế kỷ trước.
Câu truyện được kể qua góc nhìn của ông họa sĩ già, chỉ là cuộc gặp gỡ rất tình cờ
giữa ba người xa lạ, anh thanh niên, cô kỹ sư trẻ và ông họa sĩ già, trên đỉnh núi
Yên Sơn-Sa Pa cao 2600m trong chỉ vỏn vẹn ba mươi phút không hơn. Cuộc gặp
gỡ dường như ngắn ngủi, tình cờ, mọi cuộc trò chuyện trong cuộc gặp gỡ đó
nhanh, nhưng sâu sắc, ấn tượng, để lại trong lòng những nhân vật nói riêng và
trong lòng độc giả chúng ta nói chung một xúc cảm khó tả. Qua tình huống câu
truyện như vậy, tác giả như muốn nói rằng trong cái không khí lặng im của một Sa
Pa vắng vẻ, cái người ta nghĩ đến chỉ có nghỉ ngơi thanh thản thì vẫn còn những
con người say mê lao động, cống hiến một cách đầy trách nhiệm cho cuộc đời. Đó
là anh cán bộ nghiên cứu sét, là ông kỹ sư vườn rau hay là cô kỹ sư nông nghiệp,
ông họa sĩ đầy đam mê và nổi bật hơn cả là nhân vật anh thanh niên.
Là một thanh niên hai mươi bảy tuổi sống một mình trên đỉnh núi cao quanh năm
suốt tháng đối diện với cỏ cây hiu quạnh và mây gió, sương mù Sa Pa lạnh lẽo.
Hoàn cảnh làm việc ấy thật đặc biệt, phải sống chung với cô đơn quanh năm suốt
tháng. Chắc vì thế mà bác lái xe hay gọi anh là “người cô đơn nhất thế gian”. Công
việc của anh trên đó là công tác khí tượng kiêm vật lý địa cầu hay cụ thể là “đo
nắng”,”đo mưa”,”đo gió”,”tính mây” và “đo chấn động mặt đất”, có khi lúc sáng,
tối và có lúc còn là một giờ sáng khi mọi vật còn ngủ say, những điều đó là để dự
đoán thời tiết, phục vụ công cuộc sản xuất, chiến đấu của nhân dân và bộ đội miền
Bắc lúc bấy giờ. Đáng lẽ ở cái tuổi 27, người ta chọn những lối sống đậm chất
“trẻ” nhưng anh thanh niên lại khác, anh chọn công việc trên đỉnh núi cao vì đó
phần nào là nhiệm vụ, phần cũng là một lẽ sống mà Tổ Quốc đã giao cho anh. Điều
này khẳng định anh thanh niên là một người yêu nghề, yêu đời và hơn nữa còn là
một con người đầy trách nhiệm với cuộc sống.
Khi nói về anh thanh niên, cái đặc sắc hiện ra trước ta là một quan niệm, cách sống
thật cao đẹp nhưng mặt khác cũng rất gần gũi với chúng ta. Anh yêu nghề, yêu đời,
nhận ra được ý nghĩa của công việc mình đang làm, cảm thấy những công sức
thầm lặng của mình không vô ích mà giúp ích cho cuộc đời: “Khi được biết một
lần do phát hiện kịp thời một đám mây khô mà anh góp phần vào chiến tháng của
không quân ta trên bầu trời Hàm Rồng, anh thấy mình thật hạnh phúc” – Đó chính
là niềm vui con người trước thành quả lao động chỉ có sau những sự cố gắng nỗ
lực hết mình. Và khi nói về công việc anh luôn giữ một tình cảm thủy chung dù
cho nó có khó khăn đến nhường nào, anh giới thiệu về các loại máy trong vườn
một cách chi tiết, hồ hởi và cũng có một lần đã nói :”Công việc của cháu gian khổ
thế đấy, chứ cất nó đi, cháu buồn đến chết mất.”.
Vì yêu nghề, yêu Tổ Quốc mà anh dốc hết tinh thần trách nhiệm vào lao động. Đó
cũng là một tính cách đẹp của anh thanh niên khiến anh thật đặc biệt . Vì cách sống
của anh hiện ra một lẽ sống cao đẹp, không hời hợt. Có lần bộc bạch, anh
nói:”Gian khổ nhất là lần ghi và báo về lúc một giờ sáng ,..”, nếu là một người tầm
thường, anh sẽ chỉ cần lấy bừa số liệu cũ ra để gửi lên nhưng vì trách nhiệm cao,
anh đã đích thân dậy lúc nửa đêm mưa tuyết với những cơn gió như nhát chổi lớn
để “ốp”.
Không chỉ yêu nghề và có tinh thần trách nhiệm cao mà anh còn có những suy nghĩ
thật đúng đắn và sâu sắc như được đúc kết ra từ bao nhiêu trải nghiệm. Giữa bầu
không khí cô đơn, quạnh hiu của Sa Pa, người bình thường khó có thể chịu được
nhưng với một người đã quá quen với làm việc một mình như anh thanh niên thì
cái không khí đó cũng tựa như khí trời mát dịu. Không phải anh thích ở một mình
nên mới quen được cảnh cô đơn mà đó là do quan niệm thật thú vị của anh :”Khi ta
làm việc, ta với công việc là đôi sao gọi là một mình được? Huống chi công việc
của cháu còn gắn liền với bao nhiêu anh em đồng chí dưới kia.”. Bằng cách suy
nghĩ độc đáo ấy, cho dù bao nhiêu năm trên đỉnh núi vắng đi chăng nữa, anh cũng
sẽ giữ mãi mất đi sức trẻ và sự đáng mến có sẵn trong con người mình.
Đâu chỉ khi làm việc, anh mới thế. Khi ngoài công việc, anh cũng là một người
thanh niên lý tưởng với tâm hồn lạc quan và nếp sống khoa học. Ngôi nhà anh sinh
sống cũng là nơi làm việc của anh là một không gian vừa xanh tươi thiên nhiên vừa
ngăn nắp gọn gàng. Trong buổi đầu gặp mặt, anh đã vội chạy lên nhà trước làm
ông họa sĩ liên tưởng tới việc sống một mình, anh sống luộm thuộm để rồi nay có
người lên thăm anh mới chạy lên để sắp xếp gọn gàng. Ấy vậy mà không phải, khi
lên tới nhà, bác họa sĩ và cả cô kỹ sư càng bất ngờ bởi hiện ra trước mắt họ chính
là “căn nhà ba gian”, rất “sạch sẽ”, đồ đạc được xếp gọn gàng, ngăn nắp. Ngoài ra,
cuộc sống anh còn đầy ắp thú vui như trồng hoa nuôi gà để phục vụ thêm cho cuộc
sống. Đến với cuộc sống tâm hồn của anh, độc giả dễ thấy rằng với anh, sách là
bạn, là tri kỷ và hơn nữa còn là một lối sống quen thuộc. Điều đó đã cho chúng ta
thấy trong bốn năm dài trên đỉnh núi, anh đã sinh hoạt trong sự vắng lặng như thế
nào.
Ngoài yêu thương bản thân, cuộc đời và công việc của mình thì bên cạnh đó, lối
sống và phẩm chất của anh càng khiến anh là một con người đáng quý biết bao.
Anh là một chàng trai tinh tế, biết quan tâm đến mọi người từ những chi tiết nhỏ
nhất. Với cô kỹ sư, khi mới lên, anh đã tặng cô một “bó hoa của những háo hức và
mơ mộng ngẫu nhiên” – đó đâu nào khác chính là đóa hoa đáng nhớ nhất trong
cuộc đời mỗi người, chính bó hoa cũng ảnh hưởng tới cô một cách tích cực. Vừa
thoát ra khỏi một mối tình tẻ nhạt, nhờ có anh thanh niên mà cô kỹ sư yêu thêm
cuộc đời dù biết rằng trong đó còn nhiều thử thách đợi chờ. Với bác lái xe, dường
như giữa họ đã xuất hiện một tình bạn gắn bó, anh còn tinh tế gửi cho vợ bác lái xe
củ tam thất như rằng đó là tấm lòng của mình trả cho những quyển sách. Hơn tất
thảy, có lẽ anh thanh niên đã cho nyhân vật ông họa sĩ già chiêm nghiệm ra nhiều
thứ mà trước giờ ông chưa từng thấy ở đâu. Đó chính là sự cởi mở chân thành và là
tình cảm của “người cô đơn nhất thế giới” dành cho những người xa lạ. Đó còn sự
khiêm tốn thật thà của một chàng thanh niên trẻ miền Bắc. Tất cả những điều đó đã
gợi cho ông họa sĩ nguồn cảm hứng lớn cũng như đem cho ông một niềm tin yêu
cuộc đời mới mẻ. Lúc đó anh thanh niên cũng hiện ra là một họa sĩ nhưng thay vì
vẽ lên những tờ giấy thì anh lại vẽ vào cuộc sống những con người nhiều rung cảm
đẹp đẽ.
Quả thực vậy, nhân vật anh thanh niên là một con người thú vị, đáng để học hỏi
theo. Anh không phải là điều mơ hồ đi ra từ một truyện ngắn mà thực tế trong cuộc
sống này cũng có rất nhiều “anh thanh niên” như thế, và những “ông họa sĩ”, “cô
kỹ sư” cũng thế. Nguyễn Thành Long hiểu và đã tinh tế khi không sử dụng tên
riêng mà chỉ dùng những danh từ chung để gọi các nhân vật như muốn bình thường
hóa họ. Điều đó cũng khiến ta như người thứ tư quan sát và đánh giá toàn bộ câu
chuyện dài, độc giả hóa thân vào truyện và cũng phần nào cảm nhận được sự ấm
áp của anh thanh niên xứ Sa Pa lạnh lẽo.
Vậy với cách tạo tình huống truyện tự nhiên, tình cờ hấp dẫn, xây dựng những
cuộc đối thoại, độc thoại, độc thoại nội tâm kết hợp với nghệ thuật miêu tả thiên
nhiên đặc sắc, miêu tả nhân với nhiều góc nhìn khác nhau, tác giả đã thành công
xây lên một câu chuyện đẹp có kết hợp giữa nhiều phương pháp biểu đạt trong đó
có tính trữ tình đặc trưng của truyện ông. Qua đó, tác giả gửi gắm một thông điệp
về tình yêu mến đối với những con người có lẽ sống cao đẹp vẫn hàng ngày quên
mình cống hiến cho tổ quốc trên mọi miền Việt Nam. Khi viết về chủ đề tương tự,
Tố Hữu có viết:
Nếu là con chim, là chiếc lá
Thì chim phải hót, chiếc lá phải xanh
Lẽ nào vay mà không trả
Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình.

You might also like