You are on page 1of 6

PGS.TS.

BS Võ Văn Thành
LÀ BÁC SĨ PHẢI BIẾT SỢ
SGTT.VN - Là bậc thầy trong ngành cột sống, PGS.TS.BS Võ Văn Thành có công
tạo dựng một đội ngũ bác sĩ chuyên ngành giỏi và nhiều sáng tạo. Những
phương pháp phẫu thuật mới của ông được đồng nghiệp trong và ngoài nước
nể phục, nhất là phương pháp phẫu thuật cột sống theo lối nằm ngang (năm
2004) đặt ốc chân cung, được giới chuyên gia y học đánh giá là đột phá của Việt
Nam. Điềm tĩnh, khiêm cung, mỗi việc ông làm đều ẩn chứa sự xả thân, hết
lòng vì bệnh nhân.
Thời thơ ấu, những bài học sống nào từ cha mẹ hun đúc trong ông một tinh
thần hiếu học, khả năng chịu đựng thử thách và cái nhìn nhân văn?
Thuở nhỏ, tôi là học sinh tiểu học ở Long Hoa, Tây Ninh. Ba tôi cưa xẻ cây vất vả
trăm bề mà tiền chẳng được bao nhiêu, ông phải làm thêm đủ nghề để có tiền
cho con ăn học.
Sự nghiêm khắc của ba và sự hy sinh của má khiến tôi toàn tâm toàn ý cho việc
học. Tôi nhớ những buổi sáng tinh mơ, ba tôi thức dậy thật sớm mua cho mỗi
đứa con một nắm xôi, có hôm không còn tiền phải mua chịu. Quanh năm suốt
tháng chỉ có xôi, nhờ nắm xôi nặng tình ấy mà tôi học hành tới nơi tới chốn.
Thời đó, ngành y lấy điểm đầu vào rất cao, thường chỉ học sinh ở thành phố
mới có khả năng đậu. Năm 1967, tôi đứng thứ tư trong số 160 người ban Pháp
văn trúng tuyển vào đại học Y khoa Sài Gòn... Sau đó, tôi lại được học bổng
Colombo của Liên hiệp quốc đi Úc học kỹ sư điện. Ba má tôi khuyên nên theo
ngành y vì đó là ngành dễ làm phước, nhất là nước mình có rất nhiều bệnh
nhân nghèo ở thôn quê. Má tôi bị suyễn nặng, bà còn sống được cũng nhờ lòng
hảo tâm của các bác sĩ, y tá, dì phước ở bệnh viện. Đó cũng là lý do tôi bỏ
ngành điện, theo ngành y. Khi tôi quyết định học y, má tự nhiên bớt bệnh, lạ
thật. Trải qua nhiều công việc làm thêm, dạy kèm để có tiền đến lớp, đến năm
thứ sáu, tôi được tuyển vào nội trú và nghiệm chế viên (kỹ thuật viên) hưởng
được hai đầu lương, nhờ thế cáng đáng được các em đi học.
Sau năm 1975, trong lúc đồng nghiệp bỏ đi nước ngoài gần hết, vì sao ông chọn
ở lại?
Ra trường năm 1974, năm sau tôi bị tổng động viên, đi lính được bốn tháng thì
đến ngày thống nhất đất nước, tôi phải đi học tập bốn tháng, coi như huề.
Được GS Hoàng Tiến Bảo nhận về bệnh viện Bình Dân là bước ngoặt lớn nhất
trong nghề nghiệp của tôi. Thầy vừa nghiêm túc, có óc khoa học, giỏi chuyên
môn, có tấm lòng nhân hậu với bệnh nhân, vừa biết chăm sóc, lo cho học trò.
Những ngày con tôi bị bệnh, thầy mua cho từng hộp sữa, dù lúc ấy kinh tế rất
khó khăn.
Thầy là tấm gương cho thế hệ sau, những tư cách đó thời nào cũng cần. Dưới
sự dẫn dắt của thầy, tôi đã thay đổi nhiều về cách suy nghĩ đối với nghề và đời.
Gặp hoàn cảnh khó khăn thay vì than oán, hãy cố hết sức mình. Sau này nghiệm
lại, mỗi khó khăn gặp phải đều là bài học hay cho đời mình.
Thời đất nước khó khăn nhất, lớp tôi có 250 người, đi nước ngoài hết 170
người, 70 người còn lại giờ đều là những cột trụ trong ngành. Quê hương, gia
đình, tình nghĩa thầy trò là lý do tôi ở lại. Năm 1983, thầy tôi đi đoàn tụ gia đình
bên Mỹ, muốn tôi ở lại phát triển ngành cột sống hoàn toàn mới ở Việt Nam.
Tôi đã nguyện làm theo lời thầy. Tôi hạnh phúc khi sống ở quê hương, trọn hiếu
với cha mẹ, trọn nghĩa với thầy… Trong những lúc cùng cực nhất, tôi luôn tự
nhủ lòng sau cơn mưa trời lại sáng, sông có khúc người có lúc, bên trên những
tầng mây kia bao giờ cũng có nắng.
PGS.TS.BS Võ Văn Thành sinh năm 1949 tại Cái Răng, Cần Thơ. Học tiểu học
và trung học tại Tây Ninh. Đậu vào đại học Y khoa Sài Gòn năm 1967 và học
bổng Colombo du học Úc về kỹ sư điện năm 1968. Ông là cựu nội trú nội thần
kinh và là bác sĩ thường trú nội tổng quát trước 1975. Sau năm 1975, ông về
công tác tại khoa Chấn thương chỉnh hình bệnh viện Bình Dân (TP.HCM). Tốt
nghiệp chuyên khoa 1 đặc cách năm 1987 và chuyên khoa 2 năm 1995. Tốt
nghiệp học vị tiến sĩ khoa học y học năm 1996. Phó giáo sư hiện là chủ tịch hội
Cột sống TP.HCM, chủ tịch danh dự hội Chấn thương chỉnh hình Việt Nam.
Trong điều kiện học tập và nghiên cứu vô cùng khó khăn, làm thế nào để ông
theo đuổi đến cùng sự học, trở thành bậc thầy trong ngành cột sống?
Hồi đó sách vở không có, tài liệu thiếu thốn, để theo đuổi đến cùng sự học,
trước tiên là lòng lân mẫn, thương lo cho bệnh nhân, quyết tâm vượt khó, trau
dồi sinh ngữ hàng ngày để hội nhập với thế giới. Sự ham hiểu biết thôi thúc tôi
mãnh liệt, không tiền mua sách thì mượn chép tay, không tiền mua cơm thì
kiếm nhà người quen hoặc bạn bè.
Sau này, bệnh viện không đủ dụng cụ thì đi mượn, đi xin ở bệnh viện khác hoặc
đồng nghiệp trong và ngoài nước. Khi có dịp đi nước ngoài tu nghiệp hay hội
nghị thì toàn tâm, toàn ý lo học tập nghiên cứu, cập nhật kiến thức và rèn luyện
kỹ năng… để nhắm tới sự thực hành trong nước trị bệnh tốt hơn.
Thông qua hoạt động của hội Cột sống do tôi làm chủ tịch, chúng tôi đã tổ chức
được hơn 20 hội nghị quốc tế về cột sống tại TP.HCM, Việt Nam. Trong các hội
nghị này, nhiều bác sĩ đầu ngành của thế giới đã hy sinh thì giờ quý báu của họ
đến Việt Nam để truyền bá kiến thức và giúp đỡ dụng cụ phẫu thuật kỹ thuật
cao. Để có sự cộng tác của những êkíp mổ quý giá như thế, phải có sự đồng
thanh tương ứng, đồng khí tương cầu. Đó là vì các đồng nghiệp quốc tế đánh
giá mình tốt, hết lòng phục vụ bệnh nhân, không vị lợi thì mới duy trì được mối
quan hệ này. Nhờ thế bác sĩ trẻ trong nước có cơ hội học tập các bậc thầy tại
chỗ và còn có cơ may được nhận du học nước ngoài.
Cách để tôi chống quá tải là đi khắp các tỉnh huấn luyện đội ngũ bác sĩ trẻ, để
bệnh nhân khỏi phải đi xa, đỡ tốn kém cho người nghèo. Mà lạ lắm, dường như
khi dự định làm điều gì tốt, hữu ích cho bệnh nhân, tôi thường gặp quý nhân
phù hộ. Xã hội nói chung cả trong lẫn ngoài nước mình vẫn có nhiều người hảo
tâm lắm. Thứ trưởng Nguyễn Duy Cương, thứ trưởng bộ Y tế, VS.TS Dương
Quang Trung cũng là người tiếp sức, cho mình nhiều cảm hứng làm việc.
Điều gì khiến một bác sĩ phẫu thuật cột sống như ông sợ nhất?
Một ca mổ thất bại là một nỗi đau lớn cho cả hai: bệnh nhân và bác sĩ. Mổ cột
sống sợ nhất là biến chứng. Tôi luôn dạy học trò phải là bác sĩ có tay nghề vững
mới được mổ, nếu tay nghề lơ mơ, dễ gây biến chứng dẫn đến thương tật, tử
vong. Những ca mổ thành công thì dễ quên lắm, nhưng những ca thất bại thì
nhớ suốt đời. Thành công là sự tổng kết của các thất bại, vì thế nếu thất bại hãy
học hỏi, nghiên cứu, để lo cho bệnh nhân tốt hơn. Người bác sĩ phải biết sợ,
phải biết coi bệnh nhân là thầy mình với những bài học khác nhau qua cơ địa
thể tạng khác nhau, cho mình những bài học quý.
Có lẽ không ở đâu, mối quan hệ giữa thầy thuốc với bệnh nhân lại mang tính
mua bán đổi chác như ở Việt Nam. Phải chăng vì quá bức xúc với điều này, ông
đã hết lòng theo đuổi dự án thành lập hội Tư vấn bệnh nhân?
Thời xưa, quà tặng gởi cho bác sĩ là để bày tỏ lòng biết ơn, không phải trả tiền
công; nếu bệnh nhân nghèo thì cho con gà, chục cam, chục xoài cũng quý. Bác
sĩ và bệnh nhân tôn trọng lẫn nhau, tình cảm sâu lắng lắm. Bây giờ, tính dịch vụ
làm cho mối quan hệ này khác nhiều, tình nghĩa giữa hai bên đang dần mất đi.
Quan hệ phong bì phản ánh một xã hội không tốt đẹp.
Tôi đã từng nhận mổ lại cho nhiều ca mổ cột sống hư, sai của các bác sĩ khác.
Điều tôi muốn làm là giúp cho bệnh nhân trong các cụm bệnh tật khác nhau
hiểu tường tận về bệnh của mình để phòng tránh, điều trị cho tốt. Hội Tư vấn
bệnh nhân do chính bệnh nhân thành lập, nhằm nâng cao kiến thức, tư vấn cho
bệnh nhân, giúp học hỏi, hiểu biết, phòng tránh bệnh tật và bảo vệ an toàn
bệnh nhân khỏi sự hành nghề yếu kém hay sai sót của ngành y. Đây là một ý
thức mang tính kết hợp và tôn trọng giữa thầy thuốc và bệnh nhân, cùng chăm
lo bệnh tật, tránh những sai lầm đáng tiếc làm mất đi sự thiện cảm lẫn nhau.
Giữ được chữ “đẹp” trong bệnh viện công dường như là “nhiệm vụ bất khả
thi”?
Quả thật rất khó vì áp lực quá tải, hạ tầng cơ sở không đáp ứng đủ cho số
lượng bệnh nhân ngày càng đông đảo, điều kiện về trang thiết bị y tế nghèo
nàn, nhân lực thiếu thốn… Dù vậy, đối với bệnh nhân, phải toàn tâm toàn ý,
nặng mổ trước, nhẹ mổ sau, ai cũng được tôn trọng, vui với cách cư xử của
mình, đó là điều quan trọng. Để cải thiện điều kiện sống, đa số bác sĩ có thể
nhận mổ theo yêu cầu nhưng phải giữ quyền lợi cá nhân ở mức cân bằng cho
phép. Riêng tôi ít khi nhận mổ theo yêu cầu để dành thời gian cho nghiên cứu
và chăm sóc bệnh nhân.
Tôi lo cho thế hệ bác sĩ tiếp nối tận tình, tạo điều kiện cho họ làm việc, đi lên,
có điều kiện học tập ở nước ngoài, có thể sống thoải mái với nghề nghiệp của
mình. Niềm vui của tôi là thấy học trò vừa có tài vừa có tấm lòng lo cho bệnh
nhân. Còn học trò nào có tài mà thiếu đức, tôi buồn dữ lắm. Ở Singapore, họ
chọn sinh viên vô ngành y không chỉ bằng học lực, tiêu chuẩn đầu tiên khi
phỏng vấn là xem có hội đủ đức tính cần có của ngành y không.
Ông nghĩ gì về vai trò của người trí thức, nhất là bác sĩ, trong lúc nhiều giá trị
sống đang bị thách thức như bây giờ?
Trí thức là người có học, tỉnh táo, hiểu biết. Sẽ rất vui nếu các trí thức có vị trí,
được tôn trọng, có môi trường làm việc tốt, như thế họ sẽ có điều kiện đóng
góp vào việc phổ biến kiến thức vì sự tiến bộ của xã hội. Tuy nhiên, lý tưởng
này không dễ đạt được.
Xã hội hiện nay đang bị thách thức dữ dội về những giá trị sống. Tiền bạc thì ai
cũng cần nhưng đối với người thầy thuốc, nếu muốn toàn tâm toàn ý lo cho
bệnh nhân, lo cho sự tiến bộ của ngành nghề thì phải “tri túc”; vả lại, chúng tôi
cũng không có nhiều thì giờ để quan tâm đến những rối ren ngoài đời. Trước
mắt, tôi chỉ thấy bệnh nhân và những tật bệnh của cột sống. Bệnh nhân chen
chúc, chờ đợi, rên xiết và hy vọng, mọi niềm tin đều đặt vào người thầy thuốc.
Vì thế, mỗi khi giải quyết được một bệnh khó, tôi cảm thấy an lạc trong lòng.
Thời xưa, quà tặng gởi cho bác sĩ là để bày tỏ lòng biết ơn, không phải trả
tiền công; nếu bệnh nhân nghèo thì cho con gà, chục cam, chục xoài cũng
quý... Bây giờ, tính dịch vụ làm cho mối quan hệ này khác nhiều, tình nghĩa
giữa hai bên dần mất đi. Quan hệ phong bì phản ánh một xã hội không tốt
đẹp.
Cuộc gặp gỡ với ni sư Trí Hải dường như đã thay đổi cách nhìn của ông về đau
ốm, về sinh tử, về sự gắn liền giữa điều trị sức khoẻ thể xác và tinh thần…?
Thực sự ngay từ nhỏ tôi đã dành những phút rảnh rỗi để nghiền ngẫm những
quyển sách như Nẻo về của ý (Nhất Hạnh), Bắt trẻ đồng xanh (D. Salinger), Câu
chuyện dòng sông (Hermann Hesse), Gandhi tự truyện… qua những bản dịch
độc đáo của Phùng Khánh. Mãi khi ni sư Trí Hải đến trị bệnh, tôi mới có dịp diện
kiến dịch giả Phùng Khánh, một ngòi bút tài hoa. Ni sư Trí Hải bị gãy xương
sống đau nhiều, nhưng phong thái thanh thản, ung dung trước nghiệp quả. Ni
sư còn làm hẳn một tập thơ Ngoạ bệnh ca, Báo ân ca trong thời gian trị bệnh.
Qua trò chuyện dường như giữa tôi và ni sư có sự đồng cảm về các chủ đề sinh
tử, tinh thần và thể xác… Ni sư với thiên tư thông tuệ, tài hoa, phẩm cách thanh
cao đã khích lệ tôi rất nhiều trên con đường phụng sự. Xin thắp một nén nhang
tưởng niệm khi nhắc tới người đã đi xa...
Ông coi trọng phẩm chất nào nhất của con người?
Đối với một bác sĩ, lòng nhân ái được coi như phẩm chất đứng đầu.
Ông có buồn nhiều không khi thực tế cuộc sống còn quá nhiều bất công, người
nghèo còn bị đẩy sang bên lề xã hội và bị phân biệt đối xử khi bệnh tật?
Không buồn sao được, mình thì lực bất tòng tâm. Bảo hiểm y tế bây giờ đã khá
hơn trước, nhưng người dân phải chi trả đến 86% chi phí y tế. Ngành y tế
không phân biệt bệnh nhân giàu và bệnh nhân nghèo, tuy nhiên, y tế kỹ thuật
cao đòi hỏi tốn tiền vì liên quan đến nhiều lĩnh vực: thuốc men, trang thiết bị y
tế, cơ sở vật chất… Một con ốc trong phẫu thuật cột sống giá đến 200 – 300
USD, mà phải cần rất nhiều ốc trong một ca mổ, phải làm thế nào? Chúng tôi đã
phối hợp với sở Công nghiệp TP.HCM nghiên cứu sản xuất dụng cụ ốc, thanh
nối, nẹp Việt Nam chất lượng cao dùng trong ngành chấn thương chỉnh hình và
cột sống để giúp những bệnh nhân nghèo dễ chi trả, vì giá thấp mà hiệu quả
tương đương dụng cụ nước ngoài.
Tâm nguyện lớn nhất của ông là gì?
Hàng năm, số lượng bệnh nhân ra nước ngoài điều trị hiện tiêu tốn hàng tỉ
đôla. Nếu chúng ta giữ chân được họ thì mỗi năm nước ta có thể xây thêm
khoảng mười bệnh viện lớn như bệnh viện Chợ Rẫy, Bạch Mai. Chúng ta cần có
thêm nhiều bệnh viện công tầm cỡ khu vực. Các bác sĩ trẻ của chúng ta hoàn
toàn đủ trình độ để nắm bắt kỹ thuật mới.
Riêng ngành cột sống, chúng ta thiếu một bệnh viện công hiện đại chuyên về
cột sống. Một khi kỹ thuật cao được triển khai, chắc chắn sẽ thu hút nhiều
bệnh nhân ở các nước lân cận như Lào, Campuchia hoặc xa hơn. Từ doanh thu
có được, chúng ta có thể điều tiết lại cho bệnh nhân nghèo.
Ông nghĩ gì về người bạn đời và những đứa con của mình?
Người bác sĩ phải biết sợ, phải biết coi bệnh nhân là thầy mình với những bài
học khác nhau qua cơ địa thể tạng khác nhau, cho mình những bài học quý.
Nếu không có người vợ hiền, giỏi, hiểu biết để chia sẻ công việc và cuộc sống,
thì tôi khó có thể làm được những gì giúp cho xã hội. Từ kiến thức, y đức, mối
nhân nghĩa sống trên đời đều có sự đóng góp, đồng cảm, tri kỷ, tri âm sâu sắc
nhất của nhà tôi. Đặc biệt khi tôi khăn gói đi giúp đội ngũ trẻ ở các tỉnh thành
khác trong nước, nhà tôi vui lắm.
Nhiều người gặp các con tôi đều nói các cháu hiền, như thế là vui rồi. Con trai
lớn của tôi cũng theo nghiệp cha, còn cô gái út là thạc sĩ âm nhạc chuyên ngành
piano, hiện công tác tại Nhạc viện TP.HCM, cũng có tinh thần xã hội. Theo đuổi
ngành nghệ thuật mang tính hàn lâm không dễ dàng trong cuộc sống hiện nay,
nhưng cháu rất yêu nghề…
Gia đình tôi hạnh phúc vì cùng có một lý tưởng sống.

You might also like