You are on page 1of 5

BÀI THI GIỚI THIỆU SÁCH

“BÚP SEN XANH” (SƠN TÙNG)

Bật trích đoạn bài hát


Tuổi ấu thơ Bác đã đi,
Suốt chiều dài câu đò đưa,
Tuổi ấu thơ Bác đã sống,
Suốt chiều rộng câu dân ca

Đêm Kim Liên ấm áp,


Ngày xưa hay hát phường,
Ầy ngày hội những danh nhân,
Đất nước đau thương nên đến luận bàn…

Kính thưa các quý vị đại biểu


Thành: Lời bài hát khiến lòng tôi cũng như các bạn không khỏi bâng khuâng,
xao xuyến khi nhớ về Bác kính yêu. Đối với mỗi một người dân Việt Nam, hai tiếng
“Bác Hồ” sao gần gũi, thân thương và thiêng liêng đến thế. Bác là nguồn cảm hứng
vô tận nâng những nốt nhạc, vần thơ, câu chuyện … ngân mãi và vang xa. Một lần,
đang dạo bước trong thư viện, tôi bị cuốn hút bởi lời đề từ trên một cuốn sách “Các
bậc thiên tài không có sẵn. Chính truyền thống gia đình, quê hương là khởi thủy tạo
nên những tính cách đầu tiên của mỗi con người và đi vào đời…”. Đó là cuốn sách
“Búp sen xanh” – Một kiệt tác của nhà văn Sơn Tùng.
Oanh: Đến với hội thi “Tuyên truyền giới thiệu sách năm 2023” của xã
Liêm Tuyền, tôi xin trân trọng giới thiệu cuốn sách “Búp sen xanh” – Một tiểu
thuyết nổi tiếng của nhà văn Sơn Tùng.
Thành: Vâng, trên tay tôi là cuốn sách “Búp sen xanh” của nhà văn Sơn Tùng -
Nhà xuất bản Phụ nữ, năm 2010. Cuốn sách có độ dày 343 trang, được in trên khổ
13 x 19cm. Đây là tiểu thuyết đầu tiên viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh và cũng là tiểu
thuyết lịch sử nổi tiếng nhất của nhà văn Sơn Tùng. Bìa sách được in màu xanh, nổi
bật là biểu tượng bông sen cách điệu, một loài hoa vừa gắn với làng Sen quê Bác,
vừa tượng trưng cho sự tinh túy, thanh cao đáng trân trọng nhất.
“Tháp Mười đẹp nhất bông sen
Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ".
Oanh: Để hoàn thành cuốn sách, tác giả đã dày công sưu tầm tư liệu và chắp
bút trong suốt hơn 30 năm, từ năm 1948 đến năm 1980 và được xuất bản lần đầu
năm 1981.
Cuốn sách được chia làm ba chương: 
Chương I. Thời thơ ấu (Từ trang 7 đến trang 153)
Chương II. Thời niên thiếu (Từ trang 154 đến trang 271)
Chương III. Tuổi hai mươi (Từ trang 272 đến hết)

1
Thành: Chương I của cuốn sách, tác giả đã đưa người đọc về làng quê xứ
Nghệ với những câu dân ca, bài vè, điệu hò, ví dặm. Vào ngày 19/5/1890 tại nơi
Làng Chùa quê mẹ, một cậu bé đã cất tiếng khóc chào đời. Cậu được ông ngoại là cụ
đồ Hoàng Xuân Đường đặt tên khai sinh là Côn – Nguyễn Sinh Côn - Ấy là tích loài
cá hóa chim bằng, loài chim có thể bay vượt đại dương với mong ước “cậu bé sẽ có
chí vùng vẫy bốn bể, dù gặp truân chuyên chìm nổi, nhưng ắt thành công. Cho nên
tự Tất Thành”. Khi ấy chưa ai biết rằng thời khắc đáng nhớ đó đã trở thành một mốc
son lịch sử không chỉ trong gia đình thầy Nguyễn Sinh Sắc mà còn là cả của dân tộc
Việt Nam. Đó chính là ngày sinh của vị lãnh tụ kính yêu mà chúng ta vẫn gọi thân
thương với hai tiếng “Bác Hồ”.

Oanh: Lật giở từng trang sách, ta như được gặp những người thân yêu của
Bác. Mỗi người một tài năng, mỗi người một tấm lòng nhân hậu nhưng họ đều có
chung một điểm đó là nỗi đau của người dân mất nước. Người đọc sẽ không cầm nổi
nước mắt trước cuộc đời éo le của bà nội Bác Hồ, hay những bất hạnh từ sự côi cút,
đói nghèo, cũng như nghị lực vượt lên số phận bằng con đường học hành của thân
phụ Bác Hồ - Quan phó bảng Nguyễn Sinh Sắc. Cụ học rộng, tài cao, với cha mẹ
luôn lễ phép; với làng xóm luôn nhũn nhặn, khiêm nhường nhưng với con thì vô
cùng nghiêm khắc. Đọc đến trang 53, tôi cảm thấy rất thấm thía với lời dạy nhẹ
nhàng mà sâu sắc: “Tuy con đã sửa lỗi rồi, cha vẫn dặn lại con là đừng có phạm
một lần nào nữa về cái lỗi phá tổ chim. Con người ta có ngôi nhà, con chim có cái
tổ. Giả thử cái nhà của chúng ta đang ở yên thế này mà lại bị kẻ khác đến phá thì bà
này, cha mẹ này, dì An này, các con này…ở vào đâu?”

Thành: Đọc “Búp sen xanh” ta cũng sẽ được trở về với tuổi thơ của Bác,
được nghe những lời thoại dí dỏm của cậu bé Côn, được biết tới sự tinh nghịch
thông minh, ham học hỏi của Người từ nhỏ, sự cảm thông với kiếp nghèo khổ, sự
trăn trở trước nỗi nước mất nhà tan. Nhưng xúc động nhất là hình ảnh cậu bé Côn
mới 11 tuổi đã phải chứng kiến cảnh mẹ mất ở kinh thành Huế trong những ngày
giáp Tết khi cha và anh vắng nhà: “Côn mím chặt môi, không cho bật ra tiếng khóc,
càng chạy nhanh càng dồn nén nỗi đau tắc nghẹn, nước mắt trào giàn giụa, Côn lại
òa lên khóc khi thấy mẹ đã thòng một cánh tay xuống bên thành giường, một tay vẫn
ôm qua cổ bé Xin…Côn phủ phục xuống bên mẹ gọi mẹ…. mẹ ơi… mẹ bỏ chúng con
sao mẹ ơi ... cha chưa kịp về mẹ ơi!"

Oanh: Thế là cậu bé Côn phải một mình bế đứa em nhỏ côi cút, bệnh tật, yếu
ớt mới được vài tháng tuổi đi xin từng giọt sữa để duy trì sự sống cho em, nhưng rồi
chỉ một vài ngày sau đó đứa em bé nhỏ kia cũng rời bỏ Côn mà đi. Đôi mắt thơ ngây
của nó như hai chấm đen ánh lên lần cuối cùng rồi chìm vào vĩnh viễn.
Thành: Mẹ và em đã mất, Côn theo cha và anh về quê. Những bước chân trĩu
nặng trên con đường về vắng bóng người thân.

2
Đọc đến trang 154 “Thời niên thiếu”, ta gặp cảnh gia đình sửa soạn cho cha
con Côn trở lại kinh thành Huế lần hai, phần vì nơi ấy mẹ và em vẫn đang nằm lại,
phần vì việc nước vẫn chưa nguôi trong tâm cha. Ngày cha con lên đường, hai cậu
bạn thân gói ghém quà cho Côn mang theo. Quà chỉ có khoai, mấy gương sen luộc
và một búp sen xanh với lời dặn: “Mình thấy nó cao vóng lên giữa đầm, mình lội ra
hái đưa cho Côn mang theo để nhớ hương sen quê nhà…”.
Oanh: Đọc đến trang 245, 246, ta vô cùng cảm động và ngưỡng mộ. Cậu bé
Côn giờ đã là thầy giáo Nguyễn Tất Thành. Thầy mang cái chữ để gieo mầm và nuôi
dưỡng lòng yêu nước, thương dân. Mỗi lời thầy giảng đều gửi gắm “Tình Tổ quốc”,
“Nghĩa đồng bào”. Có lần, thầy dặn: “Các trò ạ! Chữ là mắt. Người không có chữ
coi như bị mù vậy… Không có chữ con người ta bé nhỏ trước tất cả gầm trời nầy, và
người không có chữ sẽ mãi mãi là vật sai khiến, vật hi sinh của bọn thống trị…”
Thành: Chương III của cuốn sách tái hiện “Tuổi hai mươi” của Bác đầy khát
vọng tìm đường đi cho dân tộc Việt Nam. Câu nói của cha như một lời nhắc nhở, đã
tạo động lực cho người thanh niên ấy bước tiếp: “Nước mất, con lo tìm đường cứu
nước. Con tìm cha lúc này chẳng có nghĩa lý gì”. Để lại ấn tượng khó quên trong
lòng người đọc là cuộc chia tay trên Bến Nhà Rồng vào ngày 5/6/1911 giữa cô Út
Huệ và anh Ba. Cả hai đã kịp nén những tâm sự sâu xa thầm kín, một người gửi vào
những dòng nước mắt, còn một người bước sải dài, vội vã… Trước mắt anh, gương
mặt người con gái Sài Gòn như một búp sen quê hương và cả khuôn mặt Việt
Nam choán lấy trái tim anh! Và con tàu chở anh Ba mờ dần phía chân trời…
Oanh: Các quý vị thân mến! với tấm lòng kính yêu vô hạn, tác giả đã dựng lại
quãng đời niên thiếu của Bác như một thước phim quay chậm, từ khi cất tiếng khóc
chào đời tại làng Chùa quê ngoại đến khi rời Bến Cảng Nhà Rồng ra đi tìm đường
cứu nước ở tuổi 20 đầy khát vọng. Trải qua bao năm tháng “Búp sen xanh" vẫn được
xem là một tác phẩm hay viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ cho thiếu nhi mà
còn được cả người lớn đón nhận như một món quà đặc biệt thiêng liêng.
Thành: Có thể nói, giá trị của một cuốn sách không phải ở giá tiền cao hay
thấp, độ dài dày hay mỏng mà là ở những bài học nhân văn được gửi gắm trong đó.
Mỗi lần đọc cuốn sách, “Búp sen xanh” lại lấy đi ở tôi rất nhiều nước mắt. Có nước
mắt của lòng thương cảm, sự sẻ chia; có nước mắt của niềm tự hào, ngưỡng mộ và
biết ơn. Cuốn sách khép lại nhưng nhiều bài học được mở ra. Bài học về tình yêu
thương, lòng nhân ái, đức vị tha; bài học về ý chí, nghị lực và lòng kiên trì; bài học
về tình cảm gia đình, tình yêu quê hương đất nước, …
Oanh: Tuy Bác đã đi xa nhưng tư tưởng, tình cảm và tấm gương đạo đức của
Người vẫn còn sống mãi. Học tập và làm theo Bác, tôi và các bạn cần phải nỗ lực
học tập và rèn luyện để trở thành người có ích cho gia đình và xã hội, góp phần xây
dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam ngày một giàu đẹp, văn minh. Hứa với Bác như
nhà thơ Tố Hữu đã từng viết:
Yêu Bác lòng ta trong sáng hơn
3
Xin nguyện cùng Người vươn tới mãi
Vững như muôn ngọn dải Trường Sơn.

Thành: “Búp sen xanh” có lẽ là món quà thiêng liêng nhất mà nhà văn Sơn
Tùng và nhân dân cả nước kính dâng lên Bác. Trải qua bao năm tháng, cuốn sách
vẫn giữ vững được nét đẹp, giá trị đích thực của nó, bởi trong đó có chứa đựng một
tâm hồn cao cả của vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam. Cuốn sách được in lại
nhiều lần, được dịch ra tiếng Anh và được in song ngữ. Hy vọng cuốn sách sẽ là một
tài liệu tham khảo có ý nghĩa to lớn cho các quý vị đại biểu.
Cuốn sách hiện đang có tại thư viện xã Liêm Tuyền
Phần giới thiệu sách của tôi đến đây là hết. Xin trân trọng cảm ơn các quý vị
đại biểu đã lắng nghe.

4
5

You might also like