You are on page 1of 12

NÓI VỚI CON – CÓ BAO ĐIỀU CHA MUỐN NÓI

“ Con ơi con, nếu thầy giáo dạy con

Có ánh sáng bảy màu trong ánh sáng

Thì con ơi hãy khêu cho rạng

Ngọn bấc đèn con hãy vặn to lên!” (Trích “Với con” – Thạch Quỳ)

Hay “ Nếu vấp ngã, con tự mình đứng dậy

Muốn tập bơi, cứ nhảy xuống giữa dòng” (Trích “Nói với con” – Nguyễn Huy
Hoàng )

Nói với con …có bao điều cha muốn nói.Trong biết bao bài thơ viết về tâm tư,
tiếng lòng của người cha với con thi
phẩm “ Nói với con” của Y Phương
vẫn được ví như “ một ngọn gió” lồng
lộng thổi suốt chiều dài thời gian, suốt
chiều rộng niềm thương nỗi nhớ. Bằng
tấm lòng kính thương nhà thơ, hơn tất
thảy là mong tìm được tiếng nói tri âm từ các đồng nghiệp khi dạy bài thơ này.
Xin có vài ý kiến trao đổi.

Trước hết, theo chia sẻ của nhà thơ: Bài thơ là món quà nhà thơ viết tặng con gái
như Y Phương từng tâm sự: “Vợ chồng chúng tôi sinh cô con gái đầu lòng vào
giữa năm 1979. Bài thơ “Nói với con” tôi viết năm 1980….Qua bài thơ ấy, tôi
muốn nói rằng chúng ta phải vượt qua sự ngặt nghèo, đói khổ bằng văn hóa”

Mượn lời nói với con, Y Phương gợi về cội nguồn sinh dưỡng mỗi con
người,bộc lộ niềm tự hào về sức sống bền bỉ của quê hương mình. Bài thơ đi từ
tình cảm gia đình mà mở rộng ra là tình cảm quê hương,từ những kỷ niệm gần
gũi,thiết tha mà nâng lên thành lẽ sống. Cảm xúc,chủ đề của bài thơ được bộc lộ,
dẫn dắt một cách tự nhiên, có tầm khái quát nhưng vẫn thấm thía.
Bằng giọng điệu, tâm tình yêu thương nhà thơ đã mở đầu cuộc nói chuyện với
đứa con của mình bằng những lời gợi nhắc về tình cảm đùm bọc, che chở, yêu
thương đầy ấm áp của gia đình Bài thơ mở đầu bằng những câu thơ đẹp tựa bức
tranh, đẹp như những nốt nhạc, réo rắt biết bao tâm hồn:

“Chân phải bước tới cha


Chân trái bước tới mẹ
Một bước chạm tiếng nói
Hai bước tới tiếng cười”

Câu thơ ngắt nhịp 2/3, cấu trúc đối xứng gợi bước chân ríu rít, gợi tiếng cười nói
rộn ràng, bi bô của con trẻ. Từng bước đi, tiếng cười nói của con đều được cha
mẹ nâng niu đón nhận. Nhịp thơ nhanh, các từ ngữ lặp đi lặp lại như một sự
luyến láy: chân phải, chân trái, một bước, hai bước, chạm…tất cả diễn tả niềm
vui,niềm hạnh phúc như vỡ òa của cha mẹ chúng kiến mỗi giây phút con lớn lên.
Từ “chạm” là một cách dùng từ sáng tạo của nhà thơ.Ta yêu biết bao từ “
chạm”, “ chạm” ở đây có nghĩa là đụng nhẹ vào.“Chạm vào nhau một giây thôi
là nhớ nhau cả đời” ( Lời bài hát “ Ông bà anh” Lê Thiện Hiếu ).Hai lần từ “
chạm” được ngân lên diễn tả niềm vui vô bờ bến của cha mẹ khi đón từng tiếng
cười, giọng nói trong trẻo, giòn tan ngọt lịm của con.Từ “ chạm” vốn là động từ
chỉ hoạt động của xúc giác nay chuyển cho những cảm nhận nghe thấy tiếng nói,
tiếng cười. Nhờ thế, từ “chạm” cũng có thể hiểu là phép ẩn dụ chuyển đổi cảm
giác.Và phải chăng ý thơ đã vút lên để khẳng định : Mỗi gia đình là một trạm
hạnh phúc, chạm đến mỗi yêu thương. Nguyễn Tuân từng cho rằng: “Thơ là mở
ra cái gì trước câu thơ đó,bài thơ đó chưa từng có.” Đoạn thơ trên là một tứ
thơ như vậy, nó là thứ thơ “Ý tại ngôn ngoại”, Y Phương chỉ tả tiếng bước chân
của đứa trẻ mà như vẽ ra cả ánh mắt, lộ ra tấm lòng của cha mẹ: Ánh mắt chăm
chú dõi theo từng bước đi của con, tấm lòng hồi hộp yêu thương, vừa khích lệ
vừa che chở cho những bước chân con đang tập làm người.Đọc bốn câu thơ trên,
chúng ta nhớ đến những vần thơ với tiếng cười giòn tan của đứa trẻ trong thơ Ta
- gor: “Con lăn, lăn, lăn mãi rồi sẽ cười vỡ tan vào lòng mẹ. Và không ai trên
thế gian này biết mẹ con ta ở chốn nao”.Hay tiếng gọi ba trào nước mắt trong
thơ Việt Ca:

“ Hôm nay con bắt đầu gọi ba

Người con nhận diện yêu thương đầu tiên sau mẹ

Tiếng gọi thiêng liêng trào nước mắt

Bốn câu thơ với các hình ảnh: cha, mẹ, tiếng nói, tiếng cười tự nó đã kết thành
một bức tranh gia đình hạnh phúc. Và cứ thế, con lớn lên từng ngày trong tình
yêu thương, sự nâng đỡ mong chờ của cha mẹ. Tình cha mẹ - con cái thiêng
liêng, sâu kín, mối dây ràng buộc, gắn kết gia đình bền chặt đã được hình thành
từ những giây phút hạnh phúc bình dị, đáng nhớ ấy.

Và không chỉ có gia đình, con còn lớn lên, trưởng thành trong cuộc sống lao
động, trong quê hương sâu nặng nghĩa tình. Ở khổ thơ tiếp theo này, tác giả đã
sử dụng những cách nói mang dấu ấn của người miền núi - nơi sinh dưỡng của
chính mình - để nói những điều chân thực về quê hương rừng núi:

“Người đồng mình yêu lắm con ơi

Đan lờ cài nan hoa.

Vách nhà ken câu hát”

Dường như bao yêu thương nhà thơ gói trong câu thơ “Người đồng mình yêu
lắm con ơi”
Cụm từ “người đồng mình” là một cách dùng từ sáng tạo của Y Phương. Nhà
thơ không dùng “quê mình”, “bản mình”, “làng mình”… Chữ “đồng” gợi những
cánh đồng – không gian chung sống của những người cùng làng, cùng bản, cùng
dân tộc hay chữ “đồng” còn có nghĩa là cùng, là chung ? Chữ “mình” kéo mọi
người thành một, cùng hòa hợp, gắn bó, keo sơn; chuyển không gian địa lí trở
thành không gian nghĩa tình.Không yêu làm sao được những con người của
đồng mình? Ba thanh huyền “người đồng mình” trầm ấm đi liền nhau, ngân
vang như tiếng gợi thân thương. Cách gọi ấy gợi sự gần gũi, thân thương. Nó lại
được gắn với một lời nói thiết tha “yêu lắm con ơi” để rồi ông lí giải một cách
cụ thể, để thấy được người đồng mình đáng yêu như thế nào.Đó là những con
người cần cù trong lao động mà tâm hồn lãng mạn biết bao. "Đan lờ" – dụng cụ
đánh bắt cá của người dân miền núi, dưới bàn tay khéo léo đã thành "cài nan
hoa"; những ngôi nhà sàn không chỉ được dựng lên bằng những tấm ván gỗ mà
còn được tạo nên bởi những "câu hát" - chiều sâu văn hóa, lối sống của "người
đồng mình".Các động từ: đan, cài, ken. rất gợi cảm giúp cho người đọc hình
dung được những công việc cụ thể của con người trên quê hương, lại vừa cho
thấy những phẩm chất cần cù, chịu khó, yêu lao động, yêu cuộc sống, chan chứa
niềm vui của người đồng mình. Sẽ khó mà hiểu được vẻ đẹp lãng mạn trong tâm
hồn người lao động nếu như không hiểu đúng câu thơ : Vách nhà ken câu hát
của Y Phương. Những người dân miền núi ở trong những ngôi nhà vách gỗ, theo
thời gian những tấm gỗ co ngót lại, tạo ra những khoảng trống, vào mùa rét
những khoảng trống đó đem đến cái lạnh tê tái cho con người. Nhưng bằng tình
yêu, sự lạc quan, những người lao động cất cao tiếng hát, tiếng hát “ ken” những
khoảng trống, xua đi cái lạnh giá.Nếu trong thời chiến, ta bắt gặp “Tiếng hát át
tiếng bom” thì nay ta bắt gặp tiếng hát vượt qua gian khó của người lao động. Ý
thơ cũng có thể hiểu như chính chia sẻ của Y Phương “Một điều nữa “vách
nhà ken câu hát” là yếu tố văn hóa phi vật thể. Người con trai ngồi ngoài vách.
Người con gái ở bên trong vách. Họ hát cho nhau nghe. Hát tràn đêm đến sáng
bạch. Bởi thế, bức vách ở đây không chỉ là một bức vách cụ thể bằng đất, bằng
đá nữa. Nó đã trở thành một chủ thể văn hóa” Vách nhà ken câu hát": tả thực
lối sinh hoạt văn hóa cộng đồng, gia đình của " người đồng mình", khiến cho
những vách nhà như được ken dầy trong những câu hát si, hát lượn; gợi một thế
giới tâm hồn tinh tế và tràn đầy lạc quan của người miền cao.
Với cách tư duy giàu hình ảnh của người miền núi, nhà thơ Y Phương đã miêu
tả thật chân thực, sinh động cuộc sống lao động thật nghĩa tình và thơ mộng của
"người đồng mình".Con được lớn lên trong cuộc sống lao động cần cù và vui
tươi của người quê hương.
Nhắc đến quê hương trong ký ức của mỗi người sẽ mở ra một bầu trời kỷ
niệm.Đó có thể là : Quê hương tôi có con sông xanh biếc” ( Tế Hanh) hay
“Quê hương là đường đi học. (Đỗ Trung Quân).Với Y Phương, nhớ về quê
hương, ông nhớ những kỷ niệm dấu yêu như nỗi nhớ mối ân tình, sâu nặng: “
Rừng cho hoa

Con đường cho những tấm lòng.”


Từ “ hoa” tả thực vẻ đẹp của những rừng hoa mà thiên nhiên ban tặng. Từ ‘hoa”
cũng có thể hiểu chính là những gì đẹp đẽ của quê hương đã hun đúc nên tâm
hồn cao đẹp của con người ở đó. Từ “con đường” hiểu theo nghĩa đen là con
đường trên mặt đất. Đó có thể là con đường ra thung ra suối, con đường vào
làng vào bản, con đường tới trường, tới lớp… Từ tấm lòng chỉ sự nhân hậu, bao
dung, chất phác mộc mạc của người đồng mình. Nhưng khi viết “Con đường
cho những tấm lòng” thì câu thơ đã đạt đến độ chín của sự suy tưởng, chiêm
nghiệm. Bằng tấm lòng yêu thương, những người dân đến với nhau, bàn chân họ
mở lối tạo thành con đường. Đó là con đường thực nhưng cũng là con đường
nghĩa tình mà những người dân bằng “tấm lòng” đã đem đến cho nhau. Nói như
Lỗ Tấn “ Kỳ thực trên mặt đất vốn làm gì có đường, người ta đi mãi thì thành
đường thôi”. Từ “cho” vừa là điệp ngữ vừa là phép nhân hóa diễn tả sự ban tặng
một cách hào phòng, vô tư của quê hương cho con người. Thiên nhiên đã che
chở, nuôi dưỡng, bồi đắp tâm hồn cũng như lối sống của con người. Quê
hương ấy chính là cái nôi để đưa con vào cuộc sống êm đềm.

Từ tình cảm quê hương, người cha đột ngột chuyển sang nói với con về tình
cảm riêng tư của "ngày cưới"Từ thiên nhiên thơ mộng, nghĩa tình ấy, lời cha
nhắc với con sao mà ân tình quá: “Cha mẹ mãi nhớ về ngày cưới. Ngày đầu tiên
đẹp nhất trên đời”. Nếu là “cha” hay “ mẹ” mãi nhớ về ngày cưới thì đó là
tiếng nói từ chủ thể, từ cá nhân nhưng mà “ Cha mẹ mãi nhớ về ngày cưới” thì
hai trái tim đã hòa làm một .Bất giác ta nhớ đến câu thơ đầy băn khoăn của
Xuân Quỳnh: “ Em cũng không biết nữa/ Khi nào ta yêu nhau”. Ở đây,Y
Phương đã hòa cảm xúc, suy nghĩ chung của cả cha mẹ.Nhớ về ngày cưới là
nhớ về kỉ niệm khởi đầu cho một gia đình. Nó là minh chứng cho tình yêu và
con chính là kết tinh của tình yêu ấy. Vâng! Ngày đầu tiên ấy, họ đã thuộc về
nhau dưới sự chứng kiến yêu thương của dân làng, dưới thiên nhiên thơ mộng
nghĩa tình.Làm sao có thể quên giây phút đầu tiên ấy “Cái thưở ban đầu lưu
luyến ấy. Ngàn năm chưa dễ đã ai quên” ( Thế Lữ).Và quả là tình yêu có phép
nhiệm màu để cha mẹ cho rằng đó là ngày đẹp nhất trên đời cũng như con là trái
ngọt minh chứng cho tình yêu của cha mẹ. Nói với con những điều từ sâu thẳm
trái tim mình, người cha muốn thắp lên trong con tình yêu, niềm tự hào về quê
hương, gia đình.
Mười bảy câu thơ là lời dặn dò, nhắn gửi tâm tình của người cha về cội
nguồn sinh thành và nuôi dưỡng con: Gia đình, quê hương chính là những
nền tảng cơ bản để tiếp bước cho con khôn lớn, trưởng thành. Bởi vậy con
hãy sống bằng tất cả tình yêu và niềm tự hào.
Không chỉ gợi cho con về nguồn sinh dưỡng, cha còn nói với con về những đức
tính, sức sống, truyền thống cao đẹp của “người đồng mình” và ước mơ của cha
về con.Biết bao phẩm chất tốt đẹp của người đồng mình hiện lên qua lời tâm
tình của người cha.

Trước hết đó là những con người có ý chí, khát vọng lớn lao

“Người đồng mình thương lắm con ơi


Cao đo nỗi buồn

Xa nuôi chí lớn”

Câu thơ điệp lại câu thơ mở đầu đoạn thứ nhất nhưng có sự thay đổi. Nhà thơ
thay từ“ yêu” bằng từ “ thương”. Nếu dùng từ "yêu" tức là xuất phát từ tình cảm
chân thành, từ trái tim tha thiết. "Thương" là một trạng thái tình cảm không chỉ
xuất phát từ trái tim yêu thương chân thành mà còn gói ghém cả sự sẻ chia, đồng
cảm ở trong lòng.Hai câu thơ sử dụng một thống từ ngữ giàu sức gợi qua hai
tính từ "cao", "xa".Gợi liên tưởng đến những dãy núi cao, trùng điệp là nơi cư
trú của đồng bào vùng cao.Những tính từ này được sắp xếp theo trình tự tăng
tiến, gợi những khó khăn như chồng chất khó khăn để thử thách ý chí con
người.Nghệ thuật đối lập tương phản " cao đo – xa nuôi", "nỗi buồn – chí lớn",
tác giả lấy cái “cao”, “xa” của đất trời, không gian làm chiều cao, kích thước của
nỗi buồn và chí hướng, diễn tả những trạng thái khác nhau của "người đồng
mình. Ba câu thơ đượm chút ngậm ngùi xót xa, để diễn tả thực tại cuộc sống
còn nhiều khó khăn, thiếu thốn của đồng bào vùng cao. Đồng thời cũng đầy tự
hào trước ý chí, nghị lực vươn lên của họ. Không yêu và thấu hiểu người dân
quê mình chắc gì nhà thơ viết được câu thơ hay đến vậy?

Dù quê hương vất vả, nhọc nhằn, dù “người đồng mình” có thể có nỗi đau buồn
rất lớn nhưng những người con của quê hương không bao giờ quay lưng lại với
nơi mình đã từng chôn rau, cắt rốn, cha mẹ đã từng cày xới vun trồng. Họ là
người có tấm lòng thủy chung với nơi chôn rau,cắt rốn:

Dẫu làm sao thì cha vẫn muốn

Sống trên đá không chê đá gập gềnh

Sống trong thung khôngchê thung nghèo đói

Sống như sông như suối

Lên thác xuống ghềnh

Không lo cực nhọc

Phép liệt kê với những hỉnh ảnh ẩn dụ “đá gập ghềnh”,“thung nghèo đói” gợi
cuộc sống đói nghèo, khó khăn, cực nhọc. Vận dụng thành ngữ dân gian, thủ
pháp đối “Lên thác xuống ghềnh” ý thơ gợi bao nỗi vất vả, lam lũ. Nhịp nhanh,
những câu thơ dài ngắn, cùng những thanh trắc tạo ấn tượng về cuộc sống trắc
trở, gian nan, đói nghèo của quê hương. Điệp ngữ “sống”, “không chê” và điệp
cấu trúc câu cùng hình ảnh đối xứng đã nhấn mạnh: người đồng mình có thể
nghèo nàn, thiếu thốn về vật chất nhưng họ không thiếu ý chí và quyết tâm.
Người đồng mình chấp nhận và thủy chung gắn bó cùng quê hương, dẫu quê
hương có đói nghèo, vất vả.Đặt bài thơ vào hoàn cảnh ra đời của nó, khi mà đất
nước mới hòa bình, cuộc sống còn muôn vàn khó khăn mới thấy nhà thơ đâu chỉ
ngợi ca người đồng mình, đâu chỉ nói với con mà còn động viên mình đi qua
những khó khăn.Nhưng cho dù cuộc sống khó khăn đến nhường nào thì người
đồng mình vẫn sống một cuộc sống đầy niềm vui và lòng lạc quan:

“ Sống như sông, như suối

Lên thác xuống ghềnh


Không lo cực nhọc”.Câu thơ “Sống như sông như suối” sử dụng phép
so sánh diễn tả vẻ đẹp tâm hồn của những con người quê hương tác giả - Nơi mà
“ông hiền như hạt gạo/ Bà hiền như suối trong… Như lòng yêu đất nước/ Sâu
sắc người Cao Bằng”.Bằng cách sử dụng các điệp ngữ, cách so sánh, kết hợp
các kiểu câu ngắn dài khác nhau,người cha muốn nói với con rằng: Người đồng
mình tuy cuộc sống còn vất vả khó khăn “lên thác xuống ghềnh” nhưng họ vẫn
sống mạnh mẽ, khoáng đạt bền bỉ gắn bó và tha thiết với quê hương.Thực ra,
cách so sánh lối sống như sông như suối không phải là mới mẻ, nhất là những
con người gần gũi với thiên nhiên như Y Phương.Câu thơ như chạm khắc vào
lòng ta hình ảnh những con suối len lỏi qua ghềnh thác, hòa vào với sông để đi
ra biển cả bao la. Chắc rằng, không có dòng sông, con suối nào quay trở lại nơi
nó đã đi qua để đòi hỏi về sự biết ơn khi bồi đắp phù sa cho bờ bãi.Câu thơ làm
ta liên tưởng đến lối sống cống hiến vô tư của con người như trong bài hát “Khát
vọng” của Phạm Minh Tuấn “ Hãy sống như đời sông để thấy lòng biển rộng”.
Như vậy, người đồng mình dù sống trong nghèo khổ, gian nan vẫn thủy chung
gắn bó với quê hương, cội nguồn.

Không chỉ có ý chí, sự thủy chung với quê hương, xứ sở mà người đồng mình
còn là những con người có ý thức tự lập tự cường, có khát vọng xây dựng truyền
thống quê hương:

Người đồng mình tự đục đá kê cao quê hương


Còn quê hương thì làm phong tục.
Câu thơ có hai lớp nghĩa.Nghĩa tả thực “ đục đá kê cao” hành động có thực
thường thấy ở miền núi.“Quê hương” là khái niệm trừu tượng, chỉ nơi sinh thành
của một người nào đó.Nghĩa ẩn dụ “đục đá kê cao quê hương”muốn khái quát
về tinh thần tự tôn, ý thức bảo tồn cội nguồn. Phải chăng câu thơ còn chạm đến
trái tim mỗi người về trách nhiệm với quê hương của mỗi người dân? Mỗi người
dân đều phải bằng chính bàn tay và khối óc, bằng sức lao động để góp phần xây
dựng và làm đẹp giàu cho quê hương, xây dựng để nâng tầm quê hương. Quê
hương còn là điểm tựa tinh thần với phong tục tập quán nâng đỡ những con
người có chí khí và niềm tin. Như vậy, niềm tự hào về quê hương dường như đã
trở thành mạch máu trong huyết quản của mỗi người.Lời thơ mộc mạc, giản dị
nhưng chứa bao tâm tình.Cụm từ “thô sơ da thịt” là cách nói bằng hình ảnh cụ
thể của bà con dân tộc Tày, ngợi ca những con người mộc mạc, giản dị, chất
phác, thật thà, chịu thương, chịu khó. Cụm từ “chẳng nhỏ bé” khẳng định sự lớn
lao của ý chí, của nghị lực, cốt cách và niềm tin. Sự tương phản này đã tôn lên
tầm vóc của người đồng mình. Họ mộc mạc nhưng giàu chí khí, niềm tin. Họ có
thể “thô sơ da thịt” nhưng không hề nhỏ bé về tâm hồn, về ý chí, về mong ước
xây dựng quê hương.Lối nói đậm ngôn ngữ dân tộc – độc đáo mà vẫn chứa đựng
ý vị sâu xa.Đoạn thơ đã khái quát về tinh thần tự tôn dân tộc, về ý thức bảo vệ
nguồn cội, bảo tồn những truyền thống quê hương tốt đẹp của người đồng mình.
Người đồng mình có thể mộc mạc dung dị nhưng giàu ý chí niềm tin. Ca ngợi
những đức tính tốt đẹp của người đồng mình, cha mong con sống có tình nghĩa
với quê hương, phải giữ đạo lí “Uống nước nhớ nguồn” của cha ông từ bao đời
để lại. Hơn nữa, con phải biết chấp nhận gian khó và vươn lên bằng ý chí của
mình. Bốn câu thơ khép lại là những lời dặn dò của cha với con, thật tự nhiên,
thật sâu lắng:
Con ơi
Tuy thô sơ da thịt
Lên đường
Chẳng mấy ai nhỏ bé đâu con
Như một lẽ tất yếu, con là con của cha mẹ, là người dân của quê hương dấu yêu.
Con hẳn sẽ thô sơ da thịt, mộc mạc, chất phác,vâm váp như tất cả những người
dân quê hương mình.Nhưng khi lên đường, dấn thân vào hành trình mới, như
bất cứ dân nào của quê hương, con không được “nhỏ bé” về tâm hồn, nghị lực ý
chí. Đoạn thơ có 17 chữ thì có tới 13 chữ sử dụng thanh bằng.Việc sử dụng
nhiều thanh bằng khiến lời dặn dò của người cha trở nên sâu lắng hơn,dịu dàng,
trìu mến như tiếng nói thủ thỉ vọng ra từ trái tim yêu thương của người cha
khiến những lời dặn cũng mênh mang hơn như trải dài khắp núi cao, thung
lớn.Những tiếng gọi “con ơi”, “nghe con” nghe thật thân thương, chứa đựng biết
bao nhiêu yêu thương và niềm tin của người cha dành cho con, nhẹ nhàng, tha
thiết.Nói với một đứa trẻ đang chập chững tập đi, đang bi bô học nói,vậy mà Y
Phương đã nghĩ đến việc “lên đường” đã gửi gắm khao khát “không bao giờ
được nhỏ bé’ nơi con.Đọc thơ Y Phương ta nghĩ đến câu thơ Xuân Quỳnh nói
với đứa trẻ còn đang trong bụng mẹ:“ Mẹ đi trên hè phố/ Nghe tiếng con đạp
thầm/ Mẹ nghĩ đến bàn chân/Và con đường tít tắp”.Phải chăng, khao khát
hướng đến những điều tốt đẹp nhất cho con là tiếng nói chung của trái tim người
làm cha làm mẹ ? Và hiểu như thế, viết bài thơ này, dường như Y Phương còn
nói với chính mình:

“Có những lúc yếu lòng

Tôi vịn câu thơ đứng dậy…” (Phùng Quán) Y Phương đã vịn vào câu
thơ, vịn vào văn hóa,vịn vào những giá trị tốt đẹp của quê hương để làm hành
trang vào đời. Nhà thơ cũng mong muốn con mình phải tự hào về truyền thống
tốt đẹp của quê hương, tự tin vững bước trên đường đời như những gì mình đã
đi qua. Bài thơ với giọng điệu trìu mến tha thiết, thể hiện qua lời tâm sự của cha
với con, của thế hệ đi trước với thế hệ mai sau.Thể thơ tự do làm cho cảm xúc
cụ thể, rõ ràng. Nhịp điệu lúc nhẹ nhàng bay bổng, khi khúc chiết rành rột, lúc
mạnh mẽ âm vang -> lời khuyên của cha thấm sâu vào con.Ngôn ngữ cụ thể mà
giàu khái quát, bao hàm nhiều ý nghĩa, hình ảnh thơ độc đáo.Các biện pháp tu từ
so sánh, điệp ngữ kết hợp với những câu thơ ngắn dài khác nhau góp phần
không nhỏ vào việc diễn tả cuộc sống, cách suy nghĩ, cách thể hiện tình cảm của
nhà thơ. Đúng là, thơ ca có sứ mệnh lớn lao khi gieo vào lòng người những giá
trị tốt đẹp nhất nói như Lưu Quang Vũ:

“Mỗi bài thơ của chúng ta


Phải như ô cửa

Mở tới tình yêu..”


“Nói với con” của Y Phương đã mở ra biết bao“ô cửa” trong tâm hồn mỗi
chúng ta.Y Phương đã đưa ta trở về với Cao Bằng – quê hương của tác giả- nơi
mà mỗi thước đất, ngọn núi đều thấm đẫm sắc màu văn hóa xứ sở. Đọc bài thơ
Nói với con ta như say đắm trước vẻ đẹp của một vùng đất – nơi ta chưa từng
đến mà lòng đã yêu, đã thương tự bao giờ.Và ta không thể không say, không
trân quý trước suối nguồn phụ tử mênh mang – cái nôi nuôi mỗi đứa trẻ khôn
lớn, trưởng thành. Quả đúng là: “ Văn chương gây cho ta tình cảm ta chưa có,
luyện cho ta tình cảm ta sẵn có.” ( Hoài Thanh)

( Trần Thị Hải Vân – THCS Hai Bà Trưng – Phúc Yên –


Vĩnh Phúc)

SĐT: 0979150863

You might also like