You are on page 1of 2

Bài làm

Tình cha - một đề tài rất đỗi quen thuộc trong thơ ca Việt Nam, nơi có thể làm rung động
hàng triệu con tim yêu thơ văn, và cũng là nơi để lại trong ta nhiều xúc cảm khó phai. Người
cha bao giờ cũng vĩ đại, cũng hiện lên với vẻ trầm ấm quen thuộc cùng một tình thương con
luôn được ủ sẵn, luôn mãnh liệt. Viết về tình cha có biết bao nhiêu là vần thơ hay, là áng
văn đẹp. Đến với những dòng thơ sâu lắng trong “Nói với con” của Y Phương, ta sẽ được
lắng nghe những tâm tình của người cha, mong muốn gieo vào lòng con một tình cảm gắn
bó với mái ấm gia đình cũng như với quê hương, đất nước.
Chân phải bước tới cha
Chân trái bước tới mẹ
Một bước chạm tiếng nói
Hai bước tới tiếng cười
Người đồng mình yêu lắm con ơi
Đan lờ cài nan hoa
Vách nhà ken câu hát
Rừng cho hoa
Con đường cho những tấm lòng
Cha mẹ mãi nhớ về ngày cưới
Ngày đầu tiên đẹp nhất trên đời
Nhắc đến Y Phương là ta nhắc đến một nhà thơ dân tộc Tày tiêu biểu thuộc lớp các nhà thơ
dân tộc miền núi. Những con chữ của ông thường ca ngợi tâm hồn chân chất, mạnh mẽ
cùng cách tư duy giàu hình ảnh của con người miền núi. “Thơ Y Phương như một bức tranh
thổ cẩm đan dệt nhiều màu sắc khác nhau, nhưng trong đó có một màu sắc chủ đạo, âm
điệu chính là bản sắc dân tộc rất đậm nét và độc đáo. Với Y Phương, thơ dân tộc Tày nói
riêng và thơ Việt Nam nói chung có thêm một giọng điệu mới, một phong cách mới” Đó
chính là những tinh túy mà ngòi bút Y Phương đã mang đến cho làng thơ Việt Nam. Bài thơ
“Nói với con” có lẽ là tác phẩm xuất sắc nhất của ông. Bài thơ được viết năm 1980, khi ấy
đã là năm năm sau khi đất nước thống nhất nhưng vẫn còn nhiều thử thách, gian lao cần
vượt qua. Bài thơ như một lời tâm tình, dặn dò chân thành của Y Phương gửi đến cô con
gái, mong muốn xây dựng ở người con một nhân cách sáng, một tâm hồn đẹp. Mượn lời nói
với con, Y Phương cũng bộc lộ niềm tin mãnh liệt về nơi chôn rau cắt rốn của mình với bao
điều đẹp đẽ, đáng tự hào.
Trước hết, người cha muốn con phải luôn nhớ về cội nguồn sinh dưỡng của mình, nơi luôn
đầy ắp tình yêu tha thiết, chân thành cùng những nụ cười sưởi ấm tâm hồn. Những dòng
thơ đầu đã mở ra cho chúng ta khung cảnh của một gia đình hạnh phúc. Em bé với những
bước chân chập chững đầu đời lúc thì sà vào lòng mẹ, khi lại níu lấy tay cha. Nhưng vui
hơn em bé lại là đấng sinh thành, những người cha người mẹ, họ mới chính là những người
hạnh phúc nhất trần đời. Đọc những dòng thơ đong đầy tình cảm, người đọc cứ ngỡ rằng
mình đang ngắm nhìn một gia đình hạnh phúc với tiếng bi bô của em bé tập nói, và cả
những tiếng cười vui. Tác giả đã sử dụng những cặp câu có cấu trúc sóng đôi: “chân phải”
rồi “chân trái”, “một bước” rồi lại “hai bước”, tất cả đã giúp cho những vần thơ như hòa
quyện với nhau, làm nổi bật khung cảnh mái ấm chan chứa tình thương vô bờ, không gì có
thể cân đo đong đếm được. Qua đó, thi nhân cũng muốn con rằng dù có đi đâu, làm gì thì
hãy luôn nhớ về cội nguồn sinh dưỡng của mình. Đó là nơi luôn dang rộng vòng tay chào
đón con mọi lúc mọi nơi, dù con có thành công hay thất bại, là nơi mà những thứ tình cảm
trở nên thiêng liêng, ý nghĩa. Cũng như Nguyễn Xuân Viện trong bài thơ “Gia đình” đã từng
viết:
Bình an, hạnh phúc có nào xa
Cũng bởi tình thương tỏa khắp nhà
Mai này, khi con khôn lớn đối mặt với sóng gió cuộc đời, khi ấy con mới nhận ra rằng con
đường về nhà mới chính là con đường mình muốn đi nhất. Vì vậy, người cha muốn con
nghĩ về gia đình như một điểm tựa để con vững lòng trước mọi bão giông. Và rồi hình ảnh
gia đình hạnh phúc lại khiến cho cha mẹ nghĩ về miền ký ức xa hơn - đó chính là ngày cưới.
Đó là ngày khởi đầu cho một tổ ấm hạnh phúc, và cũng là nơi khởi nguồn cho thứ tình cảm
thiêng liêng nhất của đời người. Cha mẹ nhớ đến ngày quan trọng ấy với một sự nâng niu,
trân trọng, và thầm cảm ơn con đã đến bên bố mẹ, đã họ cùng nhau làm nên một mái ấm
nơi tình cảm là trường tồn, không bao giờ mai một đi.
Hơn thế nữa, con không chỉ được sinh ra trong vòng tay ấm áp của cha mẹ mà còn là trong
tình yêu của bản làng, của quê hương, trưởng thành trong cuộc sống lao động nhộn nhịp
của người miền núi. Với những câu thơ dài ngắn khác nhau, Y Phương đã làm bật lên được
cuộc sống lao động cần cù, siêng năng và đầy nghệ thuật của người đồng mình với những
hình ảnh giàu biểu cảm. Nào là đan lờ cài nan hoa, rồi lại vách nhà ken câu hát. Con lớn lên
và được trao gửi, được cảm nhận bản sắc của thiên nhiên hùng vĩ, của tình làng nghĩa xóm
luôn chan chứa, luôn vững bền. Điệp từ “cho” như đang nhấn mạnh rằng mẹ thiên nhiên đã
hào phóng trao tặng con biết bao điều tốt đẹp, đó chính là những hành trang đầu đời của
con, để một mai con rời xa quê cha đất tổ để bước ra biển lớn, con sẽ không lạc lối. Khắp
nơi trên bản làng đâu đâu cũng ngập tràn yêu thương, đó chính là điều kiện để tạo dựng ở
con một nhận thức đúng đắn về cuộc sống và con người nơi miền núi. Dù cho miền núi vẫn
còn lắm chông gai, thử thách, song con người nơi đây bao giờ cũng tràn đầy năng lượng,
sức sống, họ vẫn làm việc siêng năng, cần mẫn cùng một ý chí, nghị lực vươn lên luôn bỏng
cháy trong trái tim. Qua đó, người cha muốn gieo vào lòng con niềm tự hào với những
truyền thống tốt đẹp của quê hương, cũng như những gì mà quê hương đã hào phóng ban
tặng cho con, để những bước chân của con trên chặng đời dài của cuộc đời sẽ luôn vững
chắc, không gì có thể làm lung lay được.
Với thể thơ tự do kết hợp với giọng điệu trìu mến, tha thiết và ấm áp thường thấy ở một
người cha, Y Phương đã làm cho tác phẩm “Nói với con” trở nên vô cùng đặc sắc. Bài thơ
đẹp không chỉ bởi những hình ảnh giàu sức biểu cảm được vẽ nên bằng những vần thơ say
đắm mà còn là ở cả nội dung, những ý nghĩa sâu xa mà ngòi bút Y Phương muốn gửi đến.
Những lời tâm tình không chỉ là với con, mà còn là với thế hệ trẻ nói chung trong thời kỳ đất
nước vừa mới hòa bình, còn nhiều khó khăn. Tổ quốc cần lắm những trái tim nghị lực, giàu
ý chí phấn đấu, cũng như một tâm hồn đẹp tỏa sáng và chữa lành những đau thương, mất
mát. Ngoài ra, mạch cảm xúc tự nhiên, nhẹ nhàng cùng những câu thơ dài ngắn đậm chất
núi rừng sông suối đã giúp cho Y Phương khắc sâu những thông điệp của mình vào trong
tâm khảm của độc giả, để ta cảm nhận được rằng tình cha thật ấm áp, thật đáng quý biết
mấy.
Khép lại trang sách, những dư âm của tác phẩm vẫn còn ngân vang mãi trong tâm hồn của
mỗi chúng ta. Trong tâm trí ta vẫn còn đọng lại bao nhiêu tâm tình mà người cha đã tâm
huyết truyền lại cho con cháu và tất cả thế hệ mai sau. Bằng những hình ảnh được khắc
họa chi tiết với những câu thơ cô đúc, Y Phương đã cho ta một lời nhắc khẽ rằng: trong một
đời người, quê hương luôn là thứ không thể thiếu, gắn bó với ta suốt cuộc đời, vì vậy đừng
bao giờ quay lưng lại với nơi chôn rau cắt rốn của mình. Qua đó, mỗi chúng ta, những lớp
thế hệ nối gót các bậc tiền bối đi trước, cần phải có trách nhiệm trau dồi về kiến thức lẫn
vốn sống, cũng như tự tạo cho mình một lẽ sống an nhiên, một tâm hồn trong trắng và sống
một cuộc đời ý nghĩa cho chúng ta và cho cả đất nước.

You might also like