You are on page 1of 4

Nhà văn Nguyễn Văn Siêu cho rằng: “Văn chương có loại đáng thờ và

loại không đáng thờ. Loại không đáng thờ là loại chỉ chuyên chú ở văn chương,
loại đáng thờ là loại chuyên chú ở con người”. Thật vậy, ý nghĩa cao cả nhất của
văn chương là việc văn chương đã cống hiến cho cuộc đời những câu chuyện
đẹp đẽ về con người và cuộc sống, những rung động, những thông điệp ý nghĩa
qua lăng kính cảm xúc trong tâm hồn người nghệ sĩ. Văn chương luôn trường
tồn vĩnh cửu, song hành cùng năm tháng bởi những giá trị mà nó mang lại.
Những giá trị ấy đã thăng hoa cùng ngòi bút của nhà văn Thạch Lam qua tác
phẩm “Dưới bóng hoàng lan” mà mỗi khi nhắc đến vẫn khiến bao độc giả phải
thổn thức, lay động lòng người.
Thạch Lam là một người con sinh ra và lớn lên tại mảnh đất Hà thành.
Ông viết văn, làm báo và là một trong những cây bút chủ chốt của Tự lực văn
đoàn. Dù là một thành viên của Tự lực văn đoàn và chịu những ảnh hưởng nhất
định của trường phái lãng mạn nhưng Thạch Lam đã chọn cho mình một lối đi
riêng biệt trong văn chương. Không phải là những phong cách lãng mạn, thoát ly
hiện thực như những tác giả khác trong nhóm, cũng không chọn lối đi dữ dội
như Ngô Tất Tố hay trào lộng như Vũ Trọng Phụng, Thạch Lam viết về những
điều bình dị, trong trẻo và tinh tế. Ông luôn tâm niệm rằng: “Văn chương không
phải là một cách đem đến cho người đọc sự thoát ly hay sự quên..., văn chương
là một thứ khí giới thanh cao và đắc lực làm cho lòng người thêm trong sạch và
phong phú hơn”. Thật vậy, văn chương của Thạch Lam nhẹ nhàng và trong trẻo
nhưng vẫn bám sát hiện thực của cuộc sống. Thông qua những điều hết sức giản
dị, ông không chỉ muốn khẳng định vẻ đẹp tâm hồn và phẩm chất của con người
mà còn bày tỏ một cái nhìn đầy lạc quan vào cuộc sống. Để rồi những tác phẩm
của ông được nhắc đến khá nhiều và có đóng góp vai trò quan trọng trong quá
trình hiện đại hóa văn học Việt Nam.
“Gió lạnh đầu mùa” là một tác phẩm thuộc thể loại truyện ngắn được Thạch
Lam sáng tác và in trong tập “Gió lạnh đầu mùa” vào năm 1937. Tác phẩm được
viết theo lời kể thứ 3 cùng cốt truyện đơn giản: Vào một buổi sáng, gió bấc mùa
đông chợt đến làm không khí vô cùng lạnh lẽo. Sơn và Lan tỉnh dậy đã được mẹ
chuẩn bị cho chiếc áo dạ đỏ và cả chiếc áo thâm dài ấm áp. Hai chị em Sơn ra
chợ chơi với lũ trẻ con, Sơn thấy trời rét nhưng lũ trẻ ăn mặc chẳng khác khi
ngày thường môi chúng nó tím lại và da thịt thì thâm đi. Đặc biệt là cái Hiên nó
vẫn mặc chiếc áo rách tả tơi hở cả vai và lưng. Sơn thấy vậy bảo chị Lan cho
Hiên chiếc áo bông cũ ở nhà, Sơn và Lan rất vui vì việc mình đã làm. Nhưng
không vui được bao lâu Sơn lo lắng vì sợ sẽ bị mợ mắng vì cho Hiên chiếc áo
bông cũ. Về nhà hai chị em bất ngờ khi thấy hai mẹ con Hiên ở nhà mình để gửi
lại chiếc áo bông ban sáng. Mẹ Sơn không những không trách mắng hai con mà
còn cho mẹ Hiên mượn năm hào để may áo cho Hiên. 
“Gió lạnh đầu mùa” ấy là thân phận con người bị cơn gió lạnh thổi đến quay
quắt, tiêu điều. Những người nghèo khổ cực, những em bé tội nghiệp, mùa rét
đến chẳng có lấy một manh áo ấm để mặc. Nhưng đã được Sơn và Lan động
lòng thương cho chiếc áo bông cũ. Vì lòng tự trọng nên mẹ Hiên mang áo bông
sang trả lại, được mẹ Sơn và Lan cho vay tiền để mua áo ấm cho Hiên. Qua đó,
tác giả Thạch Lam đã nêu lên chủ đề của truyện đó là ca ngợi lòng tốt của con
người đối với con người trong hoàn cảnh khổ cực, khắc nghiệt “thương người
như thể thương thân” và sự cảm thông sâu sắc của ông với những mảnh đời
nghèo khổ, cơ cực.
Góp phần tạo nên thành công của truyện, ngoài giá trị chủ đề trong “Gió lạnh
đầu mùa” thì không thể không nhắc đến sự đóng góp của các hình thức nghệ
thuật. Chính những đặc sắc nghệ thuật ấy đã giúp cho chủ đề trong truyện trở
nên sâu sắc, thấm thía hơn và hấp dẫn độc giả.
Yếu tố nghệ thuật đầu tiên là nghệ thuật xây dựng nhân vật và miêu tả tâm lí
nhân vật đặc sắc. Sơn và Lan là một người giàu tình cảm, nhân hậu, biết quan
tâm tới mọi người xung quanh. Điều đó được thể hiện qua hành động của Sơn
đối với bé Hiên. Khi Hiên đang đứng co ro bên cột quán, trong gió lạnh chỉ mặc
có manh áo “rách tả tơi”, “hở cả lưng và tay”. Sơn đã “động lòng thương” và
chợt nhớ ra mẹ cái Hiên rất nghèo. Sơn và chị Lan đã bàn với nhau cho cái Hiên
chiếc áo bông cũ. Sau đó, Lan đã “hăm hở” chạy về nhà lấy áo. Sơn yên lặng đợi
chờ, trong lòng tự nhiên thấy “ấm áp vui vui”. Cái áo cũ mà chị em Sơn đem
cho cái Hiên chứa đựng biết bao tình người, thể hiện tình cảm san sẻ của một
đứa trẻ có một trái tim giàu tình yêu thương. Có thể thấy rằng, hành động của
chị em Sơn tuy nhỏ bé nhưng lại thật cao cả, đáng quý và giàu lòng yêu thương.
Về đến nhà, hai chị em Sơn lo lắng khi người vú già biết mẹ đã biết chuyện hai
chị em lén mang áo cho Hiên. Sơn cảm thấy lo lắng, sợ hãi và sang nhà tìm Hiên
để đòi lại áo. Đó là một phản ứng bình thường của một đứa trẻ khi mắc lỗi và bị
phát hiện. Đến khi trở về nhà, chị em Sơn vô cùng ngạc nhiên khi thấy mẹ con
cái Hiên đang ở nhà mình. Mẹ Hiên đem chiếc áo bông đến trả mẹ của Sơn. Có
thể thấy hành động của mẹ Hiên cho thấy rằng bà là một người giàu lòng tự
trọng, dù sống khó khăn, khổ cực nhưng không đánh mất phẩm giá của mình, bà
vẫn giữ vững phẩm chất tốt đẹp: “Đói cho sạch, rách cho thơm”. Còn mẹ của
Sơn và Lan, sau khi nghe rõ việc, bà đã cho mẹ của Hiên mượn năm hào về may
áo ấm cho con. Điều đó thể hiện mẹ Sơn là một người tốt bụng có trái tim nhân
hậu, yêu thương con người, bà đã biết cách cư xử để tránh làm tổn thương đến
mẹ Hiên. Sau khi mẹ con Hiên về, mẹ Sơn không tức giận, đánh mắng con mà
còn “vẫy hai con lại gần, rồi âu yếm”. Đó chính là tấm lòng vị tha cũng như giàu
lòng yêu thương của người mẹ.
Tiếp đến là nghệ thuật tự sự kết hợp với miêu tả và thủ pháp đối lập. Nhà văn
Thạch Lam đã vẽ nên trong tác phẩm hai mảnh đời đối lập, đó là gia đình Sơn
và Lan – hai đứa trẻ may mắn khi được thức dậy trong cái chăn ấm áp, được
mặc quần áo ấm, được mẹ chăm sóc kỹ lưỡng và hai mẹ con Hiên - con người
trong hoàn cảnh khổ cực, khắc nghiệt. Trong khi Sơn và Lan có quần áo ấm để
mặc trong mùa đông lạnh giá thì Hiên chỉ có manh áo rách tả tơi, hở cả lưng và
tay đang co ro căng sức chống chịu với giá rét. Dường như những bộ quần áo
của Sơn và Lan luôn là một món hàng xa xỉ mà không chỉ Hiên mà cả những
đứa trẻ nghèo khổ ngoài kia đều muốn sở hữu. Dù viết về cái nghèo, cái khổ
cùng quẫn, văn chương Thạch Lam vẫn thật đẹp. Giữa những sự khổ đau, giữa
những tầng lớp xã hội khác nhau, vẫn luôn có những con người tốt bụng xóa mờ
đi khoảng cách đó, tạo nên tình thương giữa người với người, sưởi ấm trong
mùa đông lạnh giá.
Và cuối cùng không thể không kể đến ngôn ngữ bình dị, gần gũi. Ngôn ngữ của
Thạch Lam lúc nào cũng vậy, luôn phát huy tối đa sự phong phú của tiếng Việt.
Nói văn Thạch Lam là một bước chuyển mình trong nền văn học nước nhà bởi
cách ông sử dụng từ ngữ rất gần gũi, bình dị, khác hẳn tính tượng trưng ước lệ
của văn học cổ đại trong giai đoạn trước. Tác gia Nguyễn Tuân – bậc thầy trong
việc sử dụng ngôn từ đã dành cho Thạch Lam một lời ngợi ca thế này “Thạch
Lam đã làm cho tiếng Việt gọn ghẽ đi, co duỗi thêm, mềm mại và tươi tắn hơn.
Thạch Lam có đem sinh sắc vào tiếng ta. Và theo tôi nghĩ, đứng bên cái tiêu
chuẩn thái độ tư tưởng nó là tiêu chuẩn chung cho các thể, các ngành văn nghệ
thì đây là cái chuẩn trong những tiêu chuẩn quan trọng nếu không là duy nhất”. 

Chắc hẳn ai trong chúng ta cũng đã từng đọc tác phẩm “Cô bé bán diêm” của
nhà văn An-đéc-xen. Nhân vật cô bé bán diêm và nhân vật Hiên trong “Gió lạnh
đầu mùa” đều có sự giống nhau nhất định. Hai nhân vật đều là những cô bé có
hoàn cảnh đáng thương, tội nghiệp, nghèo khổ, không được hưởng cuộc sống
sung túc đầy đủ như bao gia đình khác. Hiên chỉ có manh áo rách tả tơi, hở cả
lưng cả tay; còn cô bé bán diêm đầu trần chân đất, bụng đói vì rét, phải dò dẫm
trong bóng tối bị tuyết bao phủ. Hai nhân vật đều được hiện lên trong hoàn cảnh
lạnh lẽo của mùa đông buốt giá. Có thể thấy hai nhân vật cô bé bán diêm và
Hiên đều sống trong hoàn cảnh nghèo khó, thấp kém, họ đều phải đối mặt với
những khó khăn trong cuộc sống.

“Gió lạnh đầu mùa” mở đầu bằng cái rét mướt và kết thúc trong hơi ấm tình
người ấm áp. Qua tác phẩm ấm áp mang trong mình giá trị nhân đạo cao cả, nhà
văn Thạch Lam muốn ca ngợi lòng tốt của con người với con người trong hoàn
cảnh nghèo khó. Tác phẩm sử dụng cốt truyện đơn giản, ngôi kể thứ ba có sự
nhất quán, ngôn ngữ giản dị, nhẹ nhàng đan xen giữa lời của người kể chuyện và
lời nói của nhân vật.

“Gió lạnh đầu mùa” là một trong những truyện ngắn bất hủ bởi nó chứa đựng
trong đó là tình cảm lớn mang giá trị nhân đạo và hiện thực sâu sắc. Sự kết hợp
giữa giá trị hiện thực sắc bén và giá trị nhân đạo cao cả đã làm tác phẩm “Gió
lạnh đầu mùa” của nhà văn Thạch Lam sẽ mãi mãi trường tồn cùng thời gian,
đánh thức trí tuệ và khơi dậy những tình cảm đẹp đẽ nhất trong tâm hồn con
người.

You might also like