You are on page 1of 14

THUỐC BỘT

(Pulveres, Pulvis)

MỤC TIÊU
1. Trình bày được định nghĩa, phân loại và ưu nhược điểm của thuốc bột.
2. Mô tả được trình tự bào chế thuốc bột đơn và thuốc bột kép..
3. Trình bày được cách bào chế một số đơn và công thức thuốc bột.

1.1. Đại cương


1.1.1. Định nghĩa
Thuốc bột là dạng thuốc rắn, khô tơi, dùng trong hoặc dùng ngoài, được bào chế từ một hoặc
nhiều bột thuốc có kích thước xác định bằng cách trộn đều thành hỗn hợp bột kép đồng nhất.

1.1.2. Đặc điểm


- Trong y học cổ truyền, thuốc bột được gọi là "thuốc tán".
- Trong thành phần thuốc bột dược chất thường ở thể rắn nhưng đôi khi ta gặp dược chất ở thể
lỏng, đặc, mềm. Các dược chất này phải chiếm tỷ lệ thích hợp để đảm bảo thể chất khô tơi của
thuốc bột.
- Ngoài dược chất, trong thuốc bột còn có thể thêm các tá dược như chất điều hương, chất
màu, tá dược độn.
- Bản thân thuốc bột là một dạng thuốc nhưng cũng có thể là một bán thành phẩm để điều chế
các dạng thuốc khác: cốm, viên, mỡ…
1.1.3. Phân loại
1.1.3.1. Dựa vào thành phần :
- Thuốc bột đơn: trong thành phần chỉ có 1 loại bột.
- Thuốc bột kép: trong thành phần có từ 2 loại bột trở lên.
1.1.3.2. Dựa vào cách phân liều, đóng gói
- Thuốc bột không phân liều: Thuốc bột sau khi bào chế được đóng vào lọ rộng miệng hoặc lọ
bằng chất dẻo để bệnh nhân tự phân liều. Các thuốc bột không phân liều thường là bột dùng
ngoài.
- Thuốc bột phân liều: thường là thuốc bột dùng trong, có hai cách kê đơn đối với thuốc bột
phân liều:
+ Công thức ghi cho một liều và yêu cầu số liều phải bào chế:

M. f. pulv. D.t.d. N 4 : Misce fiat pulveres dentur tales dose numero 4

Trộn làm thành thuốc bột, làm như thế 4 liều.


+ Công thức ghi cho tổng liều và yêu cầu số liều cần phải chia sau khi bào chế:

M.f. pulv. Div.in p. eaq. N 4 : Misce fiat pulveres divide inpartes eaquales numero 4

Trộn làm thành thuốc bột, chia làm 4 phần bằng nhau.
1.1.3.3. Dựa vào cách dùng:
- Thuốc bột dùng trong
- Thuốc bột dùng ngoài
1.1.3.4. Dựa vào kích thước tiểu phân: chia thành 5 loại:
- Bột thô (1400/355) là bột mà không ít hơn 95% phần tử qua rây 1400 và không quá 40% qua
được rây số 355.
- Bột nửa thô (710/250) là bột mà không ít hơn 95% phần tử qua rây 710 và không quá 40%
qua được rây số 250.
- Bột nửa mịn (355/180) là bột mà không ít hơn 95% phần tử qua rây 355 và không quá
40% qua được rây số 180.
- Bột mịn (180/125) là bột mà không ít hơn 95% phần tử qua rây 180 và không quá 40% qua
được rây số 125.
Bột rất mịn (125/90) là bột mà không ít hơn 95% phần tử qua rây 125 và không quá 40% qua
được rây số 90.

1.1.4. Ưu, nhược điểm


- Thuốc bột có một số ưu điểm như sau:
+ Kỹ thuật bào chế đơn giản, không đòi hỏi trang thiết bị phức tạp, dễ đóng gói và vận
chuyển.
+ Thuốc bột chủ yếu đi từ dược chất rắn nên ổn định về mặt hoá học, tương đối bền trong quá
trình bảo quản.
+ Thuốc bột dễ giải phóng dược chất và do đó có sinh khả dụng cao hơn các dạng thuốc rắn
khác.
- Nhược điểm của thuốc bột là dễ hút ẩm, không thích hợp với các dược chất có mùi, vị khó
chịu và kích ứng niêm mạc đường tiêu hoá.
1.2. Thành phần thuốc bột
1.2.1. Dược chất
Dược chất dùng để bào chế thuốc bột chủ yếu là dược chất rắn đã được phân chia đến kích
thước xác định (gọi là bột thuốc). Ngoài ra có thể có các dược chất lỏng hay mềm nhưng không
được gây ảnh hưởng đến thể chất khô tơi của thuốc bột.

1.2.2. Tá dược
Trong thuốc bột thường dùng các loại tá dược sau:
- Tá dược độn hay pha loãng: hay gặp trong bột nồng độ, dùng để pha loãng các dược chất tác
dụng mạnh. Thường dùng nhất là lactose.
- Tá dược hút: dùng cho các bột kép có chất lỏng, mềm, chất háo ẩm có trong thành phần của
thuốc bột. Hay dùng calci carbonat, magnesi carbonat, magnesỉ oxyd, . . .
- Tá dược bao: dùng để cách ly các dược chất tương kỵ trong bột kép. Thường dùng các bột
trơ như magnesi oxyd, magnesi carbonat…
- Tá dược màu: thường dùng cho bột kép chứa các dược chất tác dụng mạnh, chiếm tỷ lệ nhỏ
trong hỗn hợp bột kép, để kiểm tra sự phân tán đồng nhất của các dược chất này trong khối bột.
Các chất màu hay được dùng như erythrocin, carmin (màu đỏ), tartrazin (màu vàng)...
- Tá dược điều hương, vị: thường dùng bột đường, đường hoá học (saccarin), các loại tinh dầu
hoặc các chất thơm tổng hợp.
1.3. Kỹ thuật bào chế thuốc bột
1.3.1. Kỹ thuật bào chế thuốc bột đơn
Qua hai bước cơ bản: Phân chia nguyên liệu và rây.
1.3.1.1. Phân chia nguyên liệu
- Dược chất là dược liệu thảo mộc: tiến hành phân chia qua các bước sau:
+ Loại tạp chất bằng cách chọn lọc, cắt gọt, làm sạch
+ Chia thô: Cắt, đập vỡ, xát...làm cho dược liệu nhỏ ra để nghiền tán.
+ Làm khô: Phơi nắng hoặc sấy khô.
+ Tán thành bột: Theo yêu cầu của từng loại thuốc bột, dụng cụ dụng có thể là: Thuyền tán,
cối chày, máy xay...
a. Phân chia cơ học là quá trình dùng lực cơ học để phá vỡ cấu trúc nguyên liệu

Cơ chế phân chia:


- Va đập: Lực tác dụng đột ngột từ trên xuống bề mặt nguyên liệu nhằm phá vỡ các nguyên
liệu rắn chắc, khoáng vật... Ví dụ giã bằng cối , xay bằng máy xay búa..
- Nén ép: Lực tác dụng sát bề mặt nguyên liệu từ trên xuống nhằm phá vỡ nguyên liệu khô
giòn. Ví dụ giằm nguyên liệu trong cối, nghiền bằng máy nghiền trục.
- Nghiền mài: Lực tác dụng sát bề mặt nguyên liệu từ mọi phía nhằm nghiền mịn dược chất.
Ví dụ nghiền nguyên liệu ở trong cối, xay bằng máy xay mâm có rãnh.
- Cắt chẻ: lực tác dụng sâu vào khối nguyên liệu bởi những vật sắc nhọn nhằm phân chia các
nguyên liệu dẻo dai, nhiều xơ sợi. Ví dụ Xát nguyên liệu bằng tấm kim loại đục lỗ, xay bằng
máy xay có đinh, máy xay dao.

Dụng cụ phân chia và cách sử dụng:


Các loại cối chày
- Kim loại (sắt, đồng): dùng gĩa, nghiền tán nguyên liệu thảo mộc, động vật, khoáng vật rắn
chắc.
- Sứ: nghiền tán dược chất là hóa dược, không giã
- Thủy tinh: dùng nghiền tán trộn đều dược chất có tính oxy hóa, ăn mòn, gây bẩn.
- Đá mã não: nghiền tán dược chất cần độ mịn cao

Hình 4.1. Các loại cối chày


Kỹ thuật sử dụng cối chày:
+ Chuẩn bị dược chất, phụ liệu, đồ bao gói, đồ đựng …
+ Chọn dụng cụ thích hợp với tính chất của dược chất và độ mịn cần có, rửa sạch, lau khô, tiệt
trùng
+ Đặt cối trên mặt phẳng chắc, đệm bằng vật mềm sạch
+ Cho dược chất, nguyên phụ liệu vào cối theo nguyên tắc
+ Ngồi ngay ngắn đúng tư thế, một tay giữ chặt cối, tay kia cầm chày tiến hành giã hoặc
nghiền tán đến khi dược chất có độ mịn cần thiết
+ Vét lấy dược chất ra đồ đựng
+ Sau khi sử dụng rửa sạch cối chày bằng xà phòng, tráng nước cất, sấy khô
+ Sắp xếp đúng vị trí, bảo quản tránh bụi
Thuyền tán: Được đúc bằng gang, thường dùng tán dược liệu có nguồn gốc thảo mộc hay
khoáng vật trong đông y
Các máy xay, máy nghiền:
- Máy xay búa: Máy hoạt động liên tục, cơ chế va đập, kết hợp được xay và rây.
- Máy xay dao: Máy hoạt động liên tục, cơ chế cắt chẻ, kết hợp được xay và rây.
- Máy nghiền trục: Máy hoạt động liên tục, cơ chế nén ép, kết hợp được xay và rây.
- Máy xay mâm: Máy hoạt động liên tục, cơ chế nghiền mài và cắt chẻ.
- Máy nghiền bi: Máy hoạt động không liên tục, cơ chế va đập, không kết hợp được xay và
rây.
b. Phân chia đặc biệt
- Lợi dụng dung môi: Một số dược chất dai bền, trơn khó nghiền mịn, người ta thường nghiền
với một vài giọt dung môi dễ bay hơi để phá vỡ cấu trúc tinh thể giúp cho quá trình phân chia
được dễ dàng.
Ví dụ: nghiền terpin hydrat, acid boric với một vài giọt cồn 90o, nghiền mịn long não với vài
giọt ete.
- Lợi dụng nước (Thủy phi): Trong y học cổ truyền, người ta thường nghiền một số khoáng
vật trong nước để thu được bột mịn hơn, tinh khiết hơn và tránh bị phân hủy hoạt chất. Cho nước
vào dược chất nghiền nhỏ, vớt bỏ tạp bẩn nổi trên mặt nước, gạn lấy các tiểu phân mịn phân tán
lơ lửng trong nước. Các tiểu phân to tiếp tục thêm nước nghiền mịn và lắng gạn cho đến hết. Gộp
dịch gan, lọc qua vải thu lấy phần bột mịn rồi phơi hay sấy khô.
Ví dụ: nghiền chu sa, thần sa với nước.
- Lợi dụng nhiệt độ: Dùng các phương pháp thăng hoa, phun sương, hỏa phi… để chế bột
thuốc.
1.3.1.2. Rây
Là biện pháp để lựa chọn các tiểu phân có kích thước mong muốn và đảm bảo độ đồng nhất
của bột.
a. Cấu tạo: Một rây đầy đủ gồm thân rây, lưới rây, đáy và nắp đậy. Quan trọng nhất là lưới
rây được lắp giữa thân rây và đáy rây.
b. Cỡ rây (số rây, cỡ mắc rây): được gọi theo chiều dài cạnh hoặc đường kính lỗ mắc rây
theo đơn vị micromet (μm).
Ví dụ: Rây số 355 nghĩa là chiều dài cạnh hoặc đường kính lỗ mắc rây bằng 355 μm.
Bảng 4.1. Cỡ rây

Số rây (μm) Cỡ mắt rây (mm) Đ/ kính sợi dây (mm)

2000 2,000 0,900


1400 1,400 0,710
710 0,710 0,450
500 0,500 0,315
355 0,355 0,224
250 0,250 0,160
180 0,180 0,125
150 0,150 0,100
125 0,125 0,090
90 0,090 0,063
75 0,075 0,050
45 0,045 0.032

c. Các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu suất rây:


- Độ dài đường đi của bột trên rây: càng lớn tiểu phân bột càng dễ lọt qua rây.
- Hình dáng tiểu phân bột: càng phù hợp với lỗ mắc rây càng dễ lọt qua rây.
- Độ ẩm bột: Bột càng ẩm càng bết dính khó rây.
d. Kỹ thuật rây:
+ Sấy khô nguyên liệu trước khi rây (nếu cần)
+ Trải mỏng bột lên mặt rây, mỗi lần nên rây một lượng bột vừa phải, không nên đổ vào
rây nhiều bột quá và nên đảo đều bột trên rây để tăng khả năng tiếp xúc của tiểu phân với lỗ mắt
rây..
+ Rây được đưa qua, đưa lại hoặc xoay tròn hoặc rung nhẹ, không được dùng tay chà xát
mạnh lên mặt rây để ép bột qua rây.
+ Khi rây dược chất kích ứng cần phải có đáy và nắp đậy và đeo khẩu trang.
+ Rửa sạch rây, sấy khô rồi bảo quản nơi khô ráo, tránh bụi.

1.3.2. Kỹ thuật bào chế thuốc bột kép


Thuốc bột kép được bào chế qua 2 giai đoạn: Nghiền bột đơn và trộn bột kép.
1.3.2.1. Nghiền bột đơn
Trong một đơn bột kép, các thành phần (bột đơn) được nghiền theo nguyên tắc khi trộn với
nhau, chúng phải đảm bảo được sự phân tán đồng nhất của hỗn hợp bột kép.
Cụ thể là:
- Về khối lượng: Dược chất có khối lượng lớn thì nghiền trước, sau đó xúc ra khỏi cối rồi
nghiền tiếp dược chất có khối lượng ít hơn.
Như vậy, dược chất có khối lượng nhỏ nhất sau khi nghiền xong sẽ để lại luôn trong cối để
bắt đầu trộn bột kép, tránh phải xúc đi xúc lại nhiều lần.
- Về tỷ trọng: Nếu trong thành phần bột kép có các dược chất có tỷ trọng chênh lệch nhau thì
dược chất có tỷ trọng lớn, cần phải nghiền mịn hơn để giảm bớt khối lượng của tiểu phân dược
chất, làm cho bột kép dễ trộn thành khối bột đồng nhất, tránh hiện tượng phân lớp.
1.3.2.2. Trộn bột kép
- Để đảm bảo yêu cầu đồng nhất của bột kép, người ta tiến hành trộn bột theo nguyên tắc trộn
đồng lượng (đẳng lượng): Bắt đầu từ bột đơn có khối lượng nhỏ nhất rồi thêm dần bột có khối
lượng lớn hơn, mỗi lần thêm một lượng tương đương với lượng đã có trong cối. Riêng với các
bột nhẹ, người ta trộn sau cùng để tránh bay bụi, gây ô nhiễm không khí và hư hao bột dược
chất.
- Trong quá trình trộn bột tránh để xảy ra tương kỵ ảnh hưởng đến thể chất thuốc bột.
- Thời gian trộn là yếu tố quan trọng ảnh hường đến sự đồng nhất của bột. Thời gian này phụ
thuộc vào tính chất của từng loại bột. Nhiều kết quả nghiên cứu cho thấy, sau khi bột đã phân tán
đồng nhất, nếu kéo dài thời gian trộn, bột lại bị phân lớp trở lại.
- Rây là biện pháp trộn bột tốt. Thuốc bột kép có khối lượng trên 20g, sau khi trộn đều phải
rây qua rây thích hợp để làm đồng nhất hơn.
- Thiết bị và cách trộn có ảnh hưởng đến sự đồng nhất của bột. Trong sản xuất dùng các loại
máy trộn khác nhau.
Một số trường hợp đặc biệt cần chú ý khi trộn bột kép:
- Thuốc bột có chứa dược chất có tác dụng dược lý mạnh khối lượng nhỏ:
+ Thuốc bột có lượng dược chất quá ít, từ 50mg trở xuống, phải sử dụng bột mẹ chứa 1/10
đến 1/100 dược chất dể dễ dàng cân dược chất khi bào chế.
+ Nếu dược chất không có màu thêm tá dược màu (0,25 – 1%), nếu dược chất có màu dùng
màu của dược chất để kiểm soát độ đồng nhất. Tá dược độn trong bột nồng độ thường dùng là
lactose.
+ Tiến hành: Cho vào cối một lượng tá dược độn đồng lượng với dược chất để lót cối,
cho dược chất rồi thêm màu vừa đủ, nghiền trộn kỹ cho đồng nhất. Sau đó thêm dần tá dược độn
còn lại vào trộn đều theo nguyên tắc đồng lượng. Rây qua cỡ rây qui định. Đóng gói, dán nhãn
hóa chất nguyên chất.

- Thuốc bột có chứa chất lỏng:


- Cần quy đổi khối lượng chất lỏng về thể tích hay giọt.
+ Nếu lượng chất lỏng không quá 2 giọt cho 1 gam thuốc bột thì chỉ việc nhỏ từ từ từng giọt
vào đầu chày rồi nghiền trộn vào khối bột.
+ Nếu lượng chất lỏng quá 2 giọt cho 1 gam thuốc bột hay khối lượng quá 10% lượng thuốc
bột thì thuốc bột đó coi như tương kỵ vật lý, xử lý bằng cách cô bớt dung môi, hoặc giảm khối
lượng hoặc dùng tá dược hút hay thay thế bằng chất khác có tác dụng tương đương. Có thể chia
các loại chất lỏng thường gặp trong thuốc bột thành các trường hợp sau:
 Dược chất lỏng là tinh dầu: Nếu chiếm lượng lớn gây ẩm bột nhưng vai trò của tinh dầu
chỉ để làm thơm thì giảm bớt còn nếu tinh dầu là dược chất có tác dụng điều trị thì điều chế hỗn
hợp tinh dầu đường hoặc thêm bột hút để hút. Cần chú ý phối hợp tinh dầu từ từ vào đầu chày rồi
nghiền trộn đều vào hỗn hợp bột kép sau cùng.
 Dược chất lỏng là dầu thực vật, dầu khoáng: đóng vai trò giúp thuốc bắt dính lên da, dẫn
thuốc thấm sâu, nếu lượng lớn trên 10% thì giảm bớt để tránh gây ẩm bột.
 Dược chất lỏng là các cồn thuốc, cao thuốc hoặc dung dịch thuốc là những thành phần có
tác dụng dược lý, không thể giảm bớt. Nếu dược chất bền với nhiệt và dung môi dễ bay hơi thì
cô bớt dung môi. Nếu dược chất không bền với nhiệt, dung môi khó bay hơi thì thêm bột hút
hoặc thay bằng dược chất khác có tác dụng tương tự mà không gây ẩm bột (dung dịch thuốc thay
bằng dược chất rắn, cồn thuốc thay bằng cao thuốc…)

- Thuốc bột có chất màu gây bẩn:


Chất gây bẩn như bột màu, than hoạt được cho vào giữa khối bột rồi trộn nhẹ nhàng cho đồng
nhất.
- Thuốc bột có chứa chất kháng sinh, sulfamid:
Các chất kháng sinh, sulfamid rất dễ bị hỏng bởi ẩm và nhiệt. dễ bị nhiễm khuẩn do đó phải
pha chế trong điều kiện khô ráo, vô khuẩn, dùng bột trơ để bao, tiến hành pha chế nhanh và đóng
gói kín, chống ẩm.
- Thuốc bột có chứa chất sinh hơi:
Thành phần sinh hơi trong thuốc bột gồm một acid hữu cơ yếu như acid citric, acid tartric.. và
một muối carbonat hoặc bicarbonat.
H+ + HCO3- CO2 + H2O
Trong bào chế cần chú ý điều kiện bào chế có độ ẩm thích hợp, dược chất phải được
sấy khô, pha chế nhanh, đóng gói chống ẩm… Nếu cần có thể đóng gói riêng.
- Thuốc bột có chứa chất oxy hóa và chất khử:
Nếu nghiền trộn mạnh các chất có tính oxy hóa (Kali permanganat, Kali nitrat, Bạc nitrat, iod,
Kaliclorat.…) với các chất có tính khử (đường, tanin, lưu huỳnh.…) phản ứng
có thể xảy ra gây cháy nổ. Biện pháp tránh để xảy ra tương kỵ là:
+ Tránh sự tiếp xúc trực tiếp giữa chất oxy hóa và chất khử bằng cách nghiền riêng từng chất
oxy hóa và chất khử, dùng bột trơ bao ngăn cách hai thành phần, trộn nhẹ nhàng.
+ Thay thế các thành phần gây ra tương kỵ.
+ Áp dụng các biện pháp kỹ thuật mới nhằm hạn chế thấp nhất khả năng xảy ra phản ứng như:
đóng vào viên nhộng có lớp bột trơ ngăn cách.
Ví dụ đơn sau:
Kali clorat 0,6g
Tanin 0,5g
Đường saccarose 0,5g
Kali clorat có tính oxy hóa, tanin và đường saccarose có tính khử nếu nghiền trộn chung
có thể gây nổ. biện pháp khắc phục là nghiền riêng và trộn nhẹ nhàng.
Ngoài ra, trong thành phần thuốc bột còn gặp các trường hợp các dược chất trở thành
ẩm ướt, chảy lỏng khi bào chế như : dược chất hút ẩm chảy nước, dược chất là muối kết tinh
ngậm nước khi nghiền giải phóng nước kết tinh hoặc hai dược chất tạo hỗn hợp chảy ơtecti… sẽ
được trình bày ở bài tương kỵ trong bào chế.
1.3.3. Đóng gói thuốc bột
1.3.3.1. Bột không phân liều:
Bột không phân liều thường các loại bột dùng ngoài, có thể đóng trong chai lọ rộng miệng
hoặc túi polyethylen hàn kín. Đôi khi tuỳ theo mục đích sử dụng riêng, thuốc bột được đóng
trong những đồ bao gói đặc biệt như để thổi vào tai hay rắc lên da.
1.3.3.2. Bột phân liều:
Thuốc bột có thể phân liều theo các cách sau:
- Ước lượng bằng mắt:

+ Áp dụng đối với thuốc thường, sai số ±10%, phân chia  20 liều.

+ Cân một liều mẫu, dựa vào liều mẫu chia số bột còn lại thành các phần bằng nhau giống với
liều mẫu. Mỗi lần chia không nên quá 20 liều. Sau khi chia xong nên cân kiểm tra lại một vài
liều.
- Dựa theo thể tích:
+ Áp dụng cho thuốc thường, sai số ± 4%
+ Dùng các dụng cụ đong thể tích như: thìa, cốc, chén... Cân một vài liều mẫu để ấn
định thể tích của dụng cụ phân chia. Sau đó tiến hành đong hàng loạt.
- Dựa theo khối lượng:
+ Dùng cân để cân từng liều, chủ yếu áp dụng cho các thuốc bột chứa hoạt chất có tác dụng
dược lý mạnh.
+ Thuốc bột sau khi phân liều thường đóng gói từng liều vào các loại giấy gói thích hợp hoặc
đóng túi poly etylen (PE). Trong sản xuất, người ta có thể sử dụng máy đóng gói tự động để
đóng các bột phân liều vào các túi bằng vật liệu thích hợp rồi hàn kín.
1.4. Tiêu chuẩn chất lượng của thuốc bột
Theo Dược điển Việt Nam III:
- Tính chất: Bột phải khô, tơi, màu sắc đồng nhất.
- Độ ẩm: Không quá 9%.
- Độ mịn: Độ mịn được xác định bằng cách rây để xác định cỡ bột. Nếu không có quy định
riêng, thuốc bột để đắp hoắc rắc phải là bột mịn hoặc rất mịn.
- Độ đồng đều hàm lượng: Áp dụng cho một đơn vị phân liều có chứa hàm lượng nhỏ hơn
2mg hoặc dưới 2%(kl/kl) so với khối lượng thuốc bột một liều.
- Độ đồng đều khối lượng: Thuốc bột không quy định thử độ đồng đều hàm lượng thì
phải thử độ đồng đều khối lượng.
- Định tính và định lượng: Quy định trong các chuyên luận riêng.
Ngoài ra một số thuốc bột phải đặc biệt đánh giá các chỉ tiêu riêng:
+ Bột sủi bọt: Tan hoàn toàn trong 5 phút
+ Thuốc bột để đắp hoặc rắc lên vết thương, dùng cho mắt phải vô khuẩn, mịn hoặc rất mịn.
+ Thuốc bột có nguồn gốc dược liệu phải đáp ứng “giới hạn nhiễm khuẩn”.

1.5. Một số công thức thuốc bột

Công thức 1. Bột Aconitin 1%:


Rp: Aconitin Một trăm miligam
Carmin 0,25g
Lactose nghiền mịn 9,65g
M.f. pulv.

Aconitin là alcaloid chiết xuất từ Ô đầu có tác dụng dược lý mạnh, trong các đơn
thuốc thường có khối lượng nhỏ, nên pha bột nồng độ 1% để thuận tiện khi cân dược chất. Để
kiểm tra độ đồng nhất dùng tá dược màu là đỏ carmin. Lactose là tá dược độn.
Nghiền mịn lactose, vét ra để lại một lượng tương đương với lượng aconitin để lót
cối, cho đỏ carmin và aconitin vào nghiền trộn đồng nhất, phối hợp lượng lactose còn lại
theo nguyên tắc đẳng lượng nghiền trộn thu được hỗn hợp bột kép đồng nhất.
Chế phẩm là hỗn hợp bột khô, tơi, màu hồng nhạt.
Đóng lọ, nút kín. Dán nhãn hóa chất nguyên chất.
Công thức 2. Bột Sulfamid
Rp: Sulfanilamid 0,75g
Kẽm oxyd 1,5g
Acid Boric 1,5g
Bột Talc 1,5g
M.f. pulv
Bột kép chứa sulfamid có tác dụng kìm khuẩn dễ bị hỏng bởi ẩm và nhiệt nên phải pha
chế trong điều kiện khô ráo, vô khuẩn. Kẽm oxyd bết dính cối chày khó nghiền nên nghiền với
cối chày nóng và dùng bột talc để lót cối. Acid boric trơn nhờn khó nghiền nên nghiền với vài
giọt cồn 90o.
Cối chày nóng cho một nửa bột talc vào lót cối rồi cho kẽm oxyd vào nghiền mịn vét ra.
Nghiền mịn acid boric với vài giọt cồn 90o vét ra. Cho nửa bột talc còn lại vào lót cối cho
sulfanilamid vào nghiền mịn, cho acid boric vào trộn đều rồi cho tiếp hỗn hợp kẽm oxyd và bột
talc vào nghiền trộn thành hỗn hợp bột kép đồng nhất.
Chế phẩm là hỗn hợp bột khô tơi, màu trắng.
Đóng lọ màu rộng miệng, nút kín. Dán nhãn thành phẩm dùng ngoài.
Công dụng: Chống nhiễm khuẩn vết thương, vết lở loét ngoài da.
Cách dùng: rửa sạch vết lở loét, lau khô rắc thuốc 2-3 lần/ ngày.
Công thức 3. Bột lưu huỳnh
Rp: Lưu huỳnh kết tủa 1g
Kẽm oxyd 1g
Bột Talc 4g
Magnesi carbonat 2,5g
Dầu lạc 1,5g
M.f.Pulv
- Đơn bột kép không phân liều, có chứa dược chất lỏng chiếm tỷ lệ > 10% nên gây ẩm bột,
không đảm bảo thể chất khô tơi. Cần giảm lượng dầu lạc xuống dưới 10% (còn dưới
0,85g) đồng thời dùng bột magnesi carbonat có khả năng hút để hút.
- Kẽm oxyd bết dính cối chày khó nghiền nên nghiền với cối chày nóng và dùng bột talc để
lót cối.
- Trình tự pha chế:
+ Cối chày nóng cho đồng lượng bột talc vào lót cối rồi cho kẽm oxyd vào nghiền mịn, cho
lượng bột talc còn lại nghiền mịn, xúc ra giấy.
+ Nghiền mịn magnesi carbonat cho dầu parafin qua đầu chày nghiền trộn để magnesi
carbonat hút hết lượng dầu, xúc ra giấy.
+ Nghiền mịn lưu huỳnh để lại trong cối.
+ Trộn bột kép theo thứ tự: lưu huỳnh, hỗn hợp magnesi carbonat - dầu parafin, hỗn hợp kẽm
oxyd – talc thành hỗn hợp bột kép đồng nhất.
+ Đóng lọ rộng miệng, án nhãn thành phẩm dùng ngoài đúng qui chế.
- Công dụng: trị ghẻ ngứa.
- Cách dùng: rửa sạch chỗ ghẻ, lau khô, rắc thuốc 2-3 lần/ngày.
Công thức 4. Bột amoxicilin để pha hỗn dịch
Amoxicilin trihydrat 1,725 g (tương ứng với 1,5g amoxicilin)
Natri benzoat 0,06 g
Natri saccarin 0,03 g
Na. CMC 0,30g
Tween 80 0,10 g
Riboflavin 0,05 g
Bột đường 15,00 g
Lactose 12,72 g
Vanilin 0,01 g
- Amoxicilin bột kết tinh trắng, khó tan trong nước, dễ bị phân huỷ bởi các yếu tố bên ngoài
như độ ẩm, ánh sáng, nhiệt độ. Chế dưới dạng bột pha hỗn dịch kéo dài được tuổi thọ của thuốc.
- Để pha hỗn dịch, thành phần bột phải có các chất làm tăng độ nhớt, chất gây thấm. Để điều
hương, điều vị thành phần của bột pha hỗn dịch có các chất làm ngọt, làm thơm.
- Trình tự bào chế: Cân lactose nghiền thành bột, xúc ra để lại khoảng 1g trong cối. Cân và
cho vào cối lần lượt vanilin, natri saccarin, natri benzoat, Na. CMC, trộn đều. Cân amoxycilin
trihydrat và riboflavin cho vào hỗn hợp trên trộn nhanh, trộn hết lượng lactose. Cân bột đường
cho vào trộn đều, rây nhanh. Đóng trong lọ kín có vạch 60 ml.
Dán nhãn ghi rõ cách dùng liều lượng.
- Cách dùng và liều lượng: Thêm nước đun sôi nguội đến vạch 60 ml lắc kỹ. Mỗi thìa cà phê
chứa 125 mg amoxicilin. Liều dùng cho trẻ em 50mg/Kg thể trọng trong 24 giờ.
Công thức 5: Bột sủi bọt hạ sốt
Paracetamol 0,15g
Acid citric khan 0,12g
Natri hydrocacbonat 0,20g
Natri carbonat 0,10g
Natri saccarin 0,002g
Natri benzoat 0,20 g
Sorbitol 0,2 1 g
Trộn riêng paracetamol, natri carbonat, natri hydrocarbonat, natri saccarin, sorbitol, natri
benzoat. Sau đó trộn nhanh acid citric khan, đóng túi. Pha chế và đóng túi trong điều kiện nhiệt
độ dưới 25oC, độ ẩm dưới 25%. Thuốc có công dụng hạ nhiệt, giảm đau dùng cho trẻ em.
CÂU HỎI LƯỢNG GIÁ
1. Nêu đặc điểm và phân loại thuốc bột.
2. Trình bày các phương pháp và thiết bị nghiền bột.
3. Nêu cấu tạo rây, cỡ rây, cách rây bột.
4. Trình bày nguyên tắc nghiền bột đơn và trộn bột kép trong kỹ thuật bào chế thuốc bột.
5. Kể các chi tiêu chất tượng chính của thuốc bột.
6. Trình bày cách pha chế một số công thức thuốc bột.

You might also like