You are on page 1of 6

DÀN Ý CHI TIẾT 

PHÂN TÍCH BÀI “TỪ ẤY” – TỐ HỮU


1. Mở bài 
- Giới thiệu tác giả Tố Hữu và bài thơ Từ ấy; giới thiệu khổ thơ/đoạn thơ.
+ Tố Hữu được coi là lá cờ đầu của nền thơ ca cách mạng Việt Nam. Thơ
ông gắn với cuộc sống cách mạng và chính trị, thời sự đất nước.
+ Bài thơ Từ ấy đã ghi lại giây phút mê say của nhà thơ khi bắt gặp ánh sáng
của Đảng soi đường. Đó không chỉ là cảm xúc vui sướng, phấn khởi mà còn
là phẩm chất cao đẹp của người cộng sản muốn hòa nhập và cống hiến hết
mình cho đời.
+ Hai khổ thơ đầu của bài thơ đã diễn tả lý tưởng, niềm vui sướng say mê khi
bắt gặp lý tưởng và những nhận thức mới sâu sắc về lẽ sống (hai khổ thơ sau
(khổ thơ thứ hai, thứ ba) đã diễn tả những nhận thức mới sâu sắc về lẽ sống
và lời tâm nguyện của người thanh niên giác ngộ lý tưởng cách mạng).
- Trích dẫn khổ thơ/ đoạn thơ
2. Thân bài 
* Xuất xứ, hoàn cảnh sáng tác: Tháng 7 năm 1938, Tố Hữu vinh dự được kết
nạp vào hàng ngũ của Đảng Cộng sản Đông Dương sau thời gian hoạt động phong
trào thanh niên ở Huế. Trong niềm vui sướng hân hoan và tự hào, ông đã viết bài
thơ Từ ấy để ghi lại kỉ niệm đáng nhớ này. Bài thơ rút ra từ phần Máu lửa của tập
thơ Từ ấy (1937 - 1946).
* Trình bày khái quát nội dung nghệ thuật của tác phẩm
- Bài thơ là lời tâm nguyện của người thanh niên yêu nước giác ngộ lí tưởng cộng
sản, những tác động to lớn, mạnh mẽ của lí tưởng đối với nhận thức và tình cảm
của nguời Đảng viên mới.
- Sự vận động của tâm trạng nhà thơ được thể hiện sinh động bằng những hình ảnh
tươi sáng, các biện pháp tu từ và ngôn ngữ giàu nhạc điệu trong thể thơ bảy chữ
ngắn gọn súc tích...
* Luận điểm 1: Niềm vui sướng, say mê khi gặp lí tưởng của Đảng (trích thơ)
- Hai câu đầu viết theo bút pháp tự sự: "Từ ấy trong tôi..."
+ "Từ ấy" là một thời điểm quan trọng trong cuộc đời và trong sự nghiệp của Tố
Hữu, khi tác giả được giác ngộ Cách mạng, giác ngộ lý tưởng Cộng sản, được kết
nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Đó là lúc nhà thơ – “tôi” (đại từ nhân xưng)
mới vào tuổi 18 thật trẻ trung được mặt trời "chân lí" cách mạng soi sáng đường
đời.
=> Bước ngoặt đầu tiên và quan trọng nhất trong cuộc đời.
+ Hình ảnh ẩn dụ:
 "nắng hạ" - nguồn nhiệt lượng cách mạng làm bùng sáng tâm hồn
 "mặt trời chân lí" - ánh sáng diệu kì của cách mạng. Đó là thứ ánh sáng của
tư tưởng cộng sản - ánh sáng của những công bình xã hội, của chân lí xã hội.

=> Hình ảnh ẩn dụ sáng tạo, mới mẻ


- Từ “bừng” bộc lộ sự giác ngộ lý tưởng cách mạng một cách toàn diện, toàn tâm,
toàn ý, toàn hồn, cũng như niềm vui, niềm phấn khởi mạnh mẽ đang chảy trôi
trong suốt huyết quản người chiến sĩ trẻ; “chói qua tim” thể hiện sức xuyên thấu
mạnh mẽ, khả năng khai mở, đánh thức con người từ trong tối tăm, lạc lõng, mang
lý tưởng chiếu thẳng vào trái tim ấm nóng, đưa đến từng tế bào trong cơ thể.
Đó cũng là hình ảnh mà Tố Hữu viết trong bài thơ “Như những con tàu”:
"Khi ta đã say mùi hương chân lí
Đời đắng cay không một chút ngọt bùi
Đời đau buồn không một tiếng cười vui
Đời đen tối phải đi tìm ánh sáng”
- Hai câu thơ sau của khổ thơ đầu dạt dào cảm hứng lãng mạn:
+ Cảm xúc trong tâm hồn được so sánh bằng những hình ảnh và âm thanh lấy
từ thiên nhiên tạo vật: "vườn hoa lá", "đậm hương", "rộn tiếng chim". ****
+ Đón nhận ánh sáng cách mạng là Tố Hữu đã đón nhận một con đường
thênh thang tươi sáng cho cuộc đời, cho hồn thơ: một cuộc đời có ý nghĩa
thiêng liêng, to lớn, một hồn thơ bát ngát tình yêu cách mạng, yêu đồng bào.
* Luận điểm 2: Những nhận thức về lẽ sống (trích thơ)
- Hai dòng thơ đầu:
+ Quan niệm mới mẻ về lẽ sống là sự gắn bó hài hòa giữa "cái tôi" cá nhân
với "cái ta" chung của mọi người.
+ Động từ "buộc" thể hiện ý thức tự nguyện sâu sắc và quyết tâm sắt đá của
Tố Hữu để vượt qua "ranh giới" của "cái tôi" để chan hòa mọi người "Tôi
buộc lòng tôi với mọi người".
+ Từ đó, tâm hồn nhà thơ vươn đến "trăm nơi" (hoán dụ) và "trang trải" sẻ
chia bằng những đồng cảm sâu sắc, chân thành và tự nguyện đến với những
con người cụ thể.
- Hai dòng thơ sau: tình yêu thương con người thể hiện qua tình yêu giai cấp
+ Quan tâm đến quần chúng lao khổ "Để hồn tôi với bao hồn khổ" và từ đó như
một biện chứng mang cái tất yếu là sức mạnh tổng hợp "Gần gũi nhau thêm mạnh
khối đời". Ta cũng gặp điều đó trong thơ Nguyễn Khoa Điềm – nhà thơ trưởng
thành trong thời kì chống Mĩ xâm lược: “Khi chúng ta cầm tay mọi người – Đất
nước vẹn tròn, to lớn”.
=> Lẽ sống: Gắn cái tôi với cái ta chung; mối liên hệ sâu sắc giữa văn học và đời
sống, mà chủ yếu là cuộc sống của quần chúng nhân dân. ****
* Luận điểm 3: Sự chuyển biến sâu sắc trong tâm hồn nhà thơ (trích thơ)
- Trước khi gặp cách mạng, Tố Hữu là một thanh niên tiểu tư sản.
- Ánh sáng cách mạng đã giúp nhà thơ vượt qua những tầm thường ích kỉ trong đời
sống tâm hồn chật hẹp để vươn đến một tình yêu "vẹn tròn to lớn".
- Biện pháp lặp cấu trúc “là…của…” nhấn mạnh mối quan hệ gắn bó như keo sơn
ruột thịt của người chiến sĩ cách mạng khi đứng giữa đời, bằng tấm lòng bao dung,
cái ta chung rộng lớn anh đã trở thành con của vạn nhà, em của vạn kiếp phôi pha,
anh của vạn đầu em nhỏ.
- Lượng từ “vạn” là một con số ước lệ vô cùng, có ý nghĩa chỉ sự rộng lớn, bao la
của tình cảm trong trái tim tác giả.
- Đại từ xưng hô “con, anh, em”: Nhà thơ tự nhận mình "là con của vạn nhà" trong
nghĩa đồng bào thiêng liêng nhất; là em của "vạn kiếp phôi pha" gần gũi bằng tình
cảm xót thương những kiếp đời lao khổ, bất hạnh, những kiếp sống mòn mỏi, đáng
thương; là anh của "vạn đầu em nhỏ" "cù bất cù bơ". Từ những cảm nhận ấy đã
giúp nhà thơ say mê hoạt động cách mạng với những thiết tha cao đẹp cống hiến
đời mình góp phần giải phóng đất nước, giải phóng những kiếp lầm than trong xã
hội tăm tối dưới bóng thù xâm lược.
* Nghệ thuật: Hình ảnh mới lạ, tươi sáng (vườn hoa lá, hương thơm, tiếng
chim...); các biện pháp tu từ (so sánh, liệt kê, ẩn dụ…) và ngôn ngữ giàu nhạc
điệu.

3. Kết bài 
- Cảm nhận, đánh giá về nội dung và nghệ thuật của bài thơ:
+ Nội dung: Bài thơ đặc biệt là hai khổ thơ đầu/hai khổ thơ sau là lời tâm
nguyện của người thanh niên yêu nước giác ngộ lí tưởng cộng sản, là tuyên
ngôn về lẽ sống có ý nghĩa mở đầu và định hướng cho sáng tác thơ Tố Hữu.
+ Nghệ thuật: Thể thơ bảy chữ được thể hiện nhịp nhàng, khúc chiết ; Hình
ảnh mới lạ, tươi sáng (vườn hoa lá, hương thơm, tiếng chim...); các biện pháp
tu từ (so sánh, liệt kê, ẩn dụ…) và ngôn ngữ giàu nhạc điệu.
- Cảm nhận của em về bài thơ: “Từ ấy” đặc biệt là hai khổ thơ đầu/hai khổ thơ sau
chứa đầy cảm xúc của tác giả, đó là niềm hân hoan khi được Đảng soi sáng, và
nhận thức được lẽ sống mới. Đảng Cộng sản đã mang đến những ánh sáng rực rỡ,
mở con đường mới cho nhiều người trong đó có tác giả. Là thế hệ trẻ, tiếp bước
trên con đường cách mạng mà cha anh ngày trước xây đắp, bản thân tôi càng ý
thức sâu sắc và tự giác trui rèn, trau dồi, củng cố lý tưởng sống, biết cống hiến và
phấn đấu để đóng góp một phần công sức nhỏ vào sự nghiệp phát triển lớn của đất
nước.

Xem thêm tại: https://doctailieu.com/phan-tich-bai-tho-tu-ay-ngan-gon-nhat


DÀN Ý CHI TIẾT PHÂN TÍCH BÀI THƠ
CHIỀU TỐI (MỘ) – HỒ CHÍ MINH
1. Mở bài:
– Dẫn dắt giới thiệu tác giả, tác phẩm
+ Chủ tịch Hồ Chí là nhà cách mạng vĩ đại đồng thời là nhà thơ lớn của dân tộc.
Ngục trung nhật kí (Nhật kí trong tù) là tác phẩm tiêu biểu, được Bác viết trong
thời gian bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt tại Quảng Tây (Trung Quốc), từ
mùa thu năm 1942 đến mùa thu 1943.
+ Tiêu biểu cho phong cách thơ trữ tình của Người là bài thơ “Chiều tối”
– Nêu nội dung chính bài thơ: Mộ (Chiều tối) là bài thơ có giá trị nội dung và nghệ
thuật độc đáo: Điều khác lạ là bài thơ được viết trong hoàn cảnh người bị giải đi
trên đường, với gông cùm xiềng xích, nhưng không phải là một lời than vãn xót
xa. Trái lại, đó là một nét hoan ca về cuộc sống, về con người, biểu hiện tâm hồn
hết sức đẹp đẽ, nhân cách lớn lao của Hồ Chí Minh.
– Nêu cảm nhận chung
- Trích dẫn khổ thơ/ đoạn thơ
2. Thân bài:
* Khái quát về hoàn cảnh ra đời
- Nhật ký trong tù là tập thơ viết bằng chữ Hán của Hồ Chí Minh trong thời kỳ
Người bị giam giữ ở nhà lao của bọn Tưởng Giới Thạch từ mùa thu 1942 đến mùa
thu 1943. Tập thơ chẳng những cung cấp cho ta những hiểu biết về chế độ lao tù
khắc nghiệt của chính quyền Tưởng Giới Thạch, mà quan trọng hơn còn giúp ta
hiểu rõ vẻ đẹp tâm hồn của chính bản thân người đã sáng tạo ra nó, nhà cách
mạng, nhà thơ Hồ Chí Minh.
- “Chiều tối” là bài thơ thứ 31 trong tập thơ “Nhật kí trong tù” được gợi cảm hứng
từ một cuộc chuyển lao từ Tĩnh Tây đến Thiên Bảo vào một buổi chiều tối cuối thu
năm 1942.
* Phân tích bài thơ:
– Hai câu thơ đầu: Bức tranh thiên nhiên cảnh vật chiều tối
Quyện điểu quy lâm tầm túc thụ
Cô vân mạn mạn độ thiên không
(Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ
Chòm mây trôi nhẹ giữa tầng không)
Hai cầu mở đầu bài Chiều tối vẽ nên một bức tranh nên thơ, yên bình của cuộc
sống với hình ảnh cổ điển trong thơ xưa, cánh chim như trở nặng trời chiều: chim
bay về rừng tìm chốn trú ngụ, đám mây trôi lững lờ trên bầu trời chiều, chỉ vài nét
chấm phá, những bức họa (trong bài thơ có họa) của thơ xưa. Song, phong vị cổ thi
ấy do gần gũi về bút pháp. Còn thực ra, đây vẫn là buổi chiều nay, với cảnh thật và
người thật (người tù - nhà thơ) đang tận mắt nhìn ngắm.
+ Hình ảnh:
Chim bay về rừng: chim không chỉ bay mà còn “mỏi” => gợi thời gian chiều tối,
khác gì cánh chim nhỏ trong thơ Huy Cận “Chim nghiêng cánh nhỏ bóng chiều
sa”. Mây trôi lững lờ trên bầu trời: “Trôi nhẹ” và “chòm mây” trong phần dịch thơ
của Nam Trân tuy giữ được sự thư thái của đám mây song nó lại làm mất đi lớp
nghĩa cô đơn, lẻ loi của từ “cô vân” trong bản nguyên tác.
=> Gợi không gian bao la, rộng lớn. Cảnh chiều hiện lên vừa có cái êm ả vừa có
cái mơ hồ buồn của một buổi hoàng hôn xuống, tất cả các sự vật đang chuyển
động về đêm, cánh chim tìm về tổ ấm kết thúc một ngày kiếm ăn vất vả, đám mây
cô đơn cũng lững lờ như níu kéo ngày lại.
Câu thơ khiến người ta liên tưởng đến một buổi chiều khác, trong thơ cổ:
Ngàn mai gió cuốn chim bay mỏi
Dặm liễu sương sa khách bước dồn
(Cảnh chiều hôm - Bà Huyện Thanh Quan)
=> Qua đó, lột tả cách nhìn và cảm nhận tinh tế của Bác:
+ Bác phải là một người yêu thiên nhiên mới có thể cảm nhận một cách tinh
tế những cảnh đẹp ấy.
+ Mọi sự vật đang chìm vào trạng thái tĩnh thì Bác vẫn phải chuyển động để
đến nhà lao mới.
+ Cánh chim còn được bay về tổ ấm trong khi Bác vẫn lang bạt nơi đất khách
quê người.
+ Bác đồng cảm với hình ảnh thiên nhiên với áng mây, Bác cũng đang cô đơn
nhớ về quê hương anh em đồng chí.
Đồng thời, phần nào hé mở về cả cuộc đời hoạt động Cách mạng của Bác. Cuộc
hành trình bị áp giải còn biết bao nhiêu là điểm đến, từ nhà tù này đến nhà tù kia
và những điều trước mắt còn gian nan hơn nhiều, chưa biết rằng tương lai mình sẽ
đi đâu về đâu, tương lai của dân tộc sẽ như thế nào. 
+ Đặc sắc trong nghệ thuật tả cảnh: Thiên nhiên mang sắc thái giống con người.
Cánh chim mệt mỏi sau một ngày mưu sinh đang vội vã bay về rừng tìm nơi trú
ngụ cũng như người tù cũng đã mệt nhoài sau những chặng đường dài lê bước.
Đám mây trở nên cô độc giữa bầu trời giống như người tù đang bơ vơ nơi xứ
người.
– Hai câu thơ sau: Bức tranh cuộc sống sinh hoạt của con người
Sơn thôn thiếu nữ ma bao túc
Bao túc ma hoàn, lô dĩ hồng
(Cô em xóm núi xay ngô tối
Xay hết lò than đã rực hồng)
+ Hình ảnh:
Hai câu kết chuyển hướng vận động của hình tượng thơ. Ở trên, cảnh vật mênh
mông, vắng lặng, ánh nắng ngày đang dần tắt, nhường chỗ cho bóng đêm ập
xuống. Còn ở đây, dù không tả nhưng ai cũng biết, đất trời đã vào đêm, bóng tối
len dày muôn nơi. Vậy, điều gì khiến người ta cảm nhận được từng bước đi của
thời gian, cảm nhận thấy được ánh sáng và bóng tối? Đó là cánh chim đơn lẻ bay
về chốn cũ. Đặc biệt, đó là ánh rực hồng của lò than nơi xóm núi. Đây cũng là lối
chấm phá, lấy ánh sáng tả bóng tối.
- Nhưng sự chuyển hướng đích thực của hình tượng thơ không chỉ có vậy. Nếu
cảnh ở trên mang nét buồn của sự lẻ loi, hoang vắng, thì cảnh ở đây, dù là đêm tối
nhưng ấm áp, giàu sức sống. Đôi mắt của người nghệ sĩ ở cảnh trước khi phóng
nhìn ra xa và lên cao, càng nhìn càng mất hút và trống trải. Khi đôi mắt ấy nhìn
gần, đã bắt gặp hình ảnh không ngờ:
- Sơn thôn thiếu nữ (Cô gái xóm núi): đang trong công việc xay ngô, người thiếu
nữ miền sơn cước hiện lên mang một sức sống phi thường, hăng say, trẻ trung,
chăm chỉ, cần mẫn lao động. Con người không chịu sự chi phối của cảnh vật, xuất
hiện giữa nơi núi rừng mênh mông, bạt ngàn nhưng không bị hòa lẫn với thiên
nhiên mà chính bản thân cô gái trẻ trung này lại trở thành tâm điểm của cảnh vật.
- Lò than: rực đỏ => hơi ấm của sự sống.
Hình ảnh người lao động trên đất Quảng Tây hiện lên khỏe khoắn, chăm chỉ, hăng
say như chính hình ảnh Bác yêu cuộc sống lao động; Bác cũng đang chịu những
cảnh gian nan để có một ngày mai cho đất nước Việt Nam tươi sáng hơn.
-> Bức tranh lao động hiện lên thật sinh động trên miền sơn cước. Người tù nhân
tay đeo cồng chân đeo xiềng xích vẫn mải miết lên đường đợi ngày trở về với đất
nước mình.
+ Chữ “hồng” trong thi phẩm: Ánh hồng nơi bếp lửa, trái tim ấm nồng, tinh thần
hăng say của người thiếu nữ hay cũng là sự lạc quan, yêu đời của chính tác giả. Dù
phần dịch thơ dịch dư chữ “tối” nhưng sự hiện diện của chữ “hồng” được xem như
là nhãn tự của bài thơ, như thổi vào hồn thơ một làn gió mới, một tinh thần mới,
một nét đẹp mới => bóng tối đang dần buông xuống.
+ Nghệ thuật:
++ Điệp ngữ vòng “bao túc” : tạo ra sự nối âm cùng âm hưởng của sự nhịp nhàng,
liên hoàn những vòng quay của cối xay ngô. Vòng quay ấy lại có giá trị mở ra sự
kiên trì, bền bỉ, công việc tuy vất vả, nặng nhọc là thế nhưng con người vẫn rất cần
mẫn, hăng say.
++ Nghệ thuật đối lập tối >< hồng =>Không dùng chữ "tối" nhưng vẫn tả được
cảnh trời tối.
3. Kết bài
- Khái quát lại giá trị nội dung tác phẩm
"Mộ" là bài thơ rất tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật thơ Hồ Chí Minh với bút
pháp chấm phá để tả cảnh, lấy động tả tĩnh, đặc biệt là lấy cảnh tả tình.
- Trong bài thơ, không có từ hay chi tiết nói về chủ thể trữ tình, nhưng người đọc
vẫn nhận ra đôi mắt, tấm lòng của con người ấy. Tuy nhiên, dù mang phong vị cổ
điển, đây vẫn là bài thơ hiện đại, màu sắc cổ điển hàm súc kết hợp với tính
chất trẻ trung, hiện đại, bình dị. Chất hiện đại bộc lộ ở sự vận động hình
tượng thơ, nhất là ở tấm lòng và tư tưởng của thi nhân. Dù bị gông cùm, xiềng
xích, con người đó vẫn hết sức ung dung tự tại, luôn quên mình để nhìn ngắm cuộc
sống và rung động với từng biểu hiện, dù chỉ nhỏ nhoi, tinh tế. Tứ thơ vận động từ
cảnh đến tình, từ trong bóng tối đến sự sống, đến ánh sáng và tương lai. Nét vẽ
tinh tế, thể hiện một hồn thơ "bát ngát tình”. Bài thơ thấm đượm một tình yêu
mênh mông đối với tạo vật và con người. Trong đoạ đầy gian khổ, tâm hồn Bác
vẫn dào dạt sự sống.
- Liên hệ mở rộng; Phát biểu cảm xúc cá nhân về tác phẩm.
Xem thêm tại: https://doctailieu.com/dan-y-cam-nhan-ve-bai-tho-chieu-toi-ho-chi-minh-lop-11

You might also like