You are on page 1of 8

Tiết 47 – 48 – 49 – 50:

BÀI THƠ VỀ TIỂU ĐỘI XE KHÔNG KÍNH


- Phạm Tiến Duật –
I. TÌM HIỂU CHUNG:
1. Tác giả: Phạm Tiến Duật (1941 – 2007)
- Phạm Tiến Duật thuộc thế hệ những nhà thơ trẻ trưởng thành trong kháng chiến
chống Mỹ.
- Phong cách thơ: trẻ trung, tinh nghịch nhưng rất sâu sắc.
2. Tác phẩm:
a. Hoàn cảnh sáng tác:
- Năm 1969, thời kỳ đầu kháng chiến chống Mỹ ác liệt.
- Khi đó tác giả đang sống và chiến đấu trên tuyến đường Trường Sơn.
- Xuất xứ: in trong tập “Vầng trăng quầng lửa”
- Nằm trong chùm thơ đạt giải nhất cuộc thi thơ báo văn nghệ năm 1969.
b. Thể thơ: Tự do
c. Mạch cảm xúc:
- Bắt đầu là cảm xúc về những chiếc xe không kính
- Cảm xúc được phát triển với hình ảnh người chiến sĩ lái xe có vẻ đẹp hiên
ngang, lạc quan, thắm tình đồng chí.
- Cảm xúc khép lại với hình ảnh xe không kính và hình ảnh người lính lái xe tiến
vào miền Nam.
II. TÌM HIỂU CHI TIẾT:
1. Hình ảnh người chiến sĩ lái xe với tư thế hiên ngang, ung dung, tự tin
trước khó khăn, gian khổ: (khổ 1, 2)
a. Tổng: Hình ảnh người chiến sĩ lái xe với tư thế hiên ngang ung dung trước
khó khăn, gian khổ đã được nhà thơ Phạm Tiến Duật khắc họa qua hai khổ thơ
đầu tác phẩm “Bài thơ về tiểu đội xe không kính”.
b. Phân:
b.1. Hình ảnh những chiếc xe không kính (hai câu đầu)
- Hình ảnh xe không kính: Hai câu thơ đầu làm hiện lên một hình ảnh quen thuộc
trên tuyến đường Trường Sơn thời chống Mỹ, hình ảnh những chiếc xe không
kính. Đây là một hình ảnh tả thực. Chính vì thế nó trở thành hình ảnh độc đáo.
- Nguyên nhân: Nguyên nhân xe không kính cũng rất thực “Bom giật bom rung
kính vỡ đi rồi”
- Điệp từ + liệt kê: Điệp từ “không”, “bom” kết hợp với phép liệt kê các động từ
mạnh “giật” “rung” đã làm nổi bật hiện thực khốc liệt của chiến tranh, nhằm cắt
đứt con đường chi viện của miền Bắc cho miền Nam giặc Mỹ đã trút mưa bom
bão đạn xuống tuyến đường Trường Sơn làm những chiếc xe vận tải vỡ hết kính.
- Lời thơ + giọng điệu: Hai câu đầu có lời thơ dài như văn xuôi lại có giọng điệu
thản nhiên như sự bình thản của những người lính lái xe.
- Về tác giả: Hình ảnh xe không kính cho thấy tác giả Phạm Tiến Duật am hiểu
cuộc sống chiến đấu trên tuyến đường Trường Sơn và có một hồn thơ nhạy cảm,
tinh nghịch.
b.2. Hình ảnh người chiến sĩ lái xe (6 câu tiếp)
- Chuyển: Qua hình ảnh chiếc xe không kính hình ảnh người chiến sĩ lái xe đã
hiện lên lên với tư thế ung dung, hiên ngang, dũng cảm.
- Đảo trật tự từ + điệp ngữ: Tác giả đã đảo từ láy “ung dung” lên đầu câu kết hợp
với điệp từ “nhìn” để thể hiện rõ thái độ bình tĩnh của người lính lái xe.
- Cảm giác:
+ Nêu: Những cảm giác của người chiến sĩ khi lái chiếc xe không kính đã được
tác giả miêu tả thật sinh động.
+ Ẩn dụ: Hình ảnh ẩn dụ “mắt đắng” miêu tả những đôi mắt cay xè vì thức đêm
lại để lái xe.
+ Nhân hóa: Phép nhân hóa “gió vào xoa” cho thấy với các anh gió bụi là chuyện
quen thuộc nên các anh vẫn thấy nhẹ nhàng.
+ Hình ảnh con đường: Hình ảnh “con đường chạy thẳng vào tim” vừa miêu tả
tốc độ xe đang lao nhanh trên mặt đường như chạy ngược về người lái vừa gợi
liên tưởng con đường giải phóng đất nước luôn ở trong tim các anh.
+ Sao trời + cánh chim: Lái xe ban đêm nên cho anh thấy cảnh sao trời và cánh
chim ùa vào buồng lái. Hình ảnh này mang lại cảm giác lãng mạn bay bổng trong
chiến tranh khốc liệt.
- Kết luận: Đoạn thơ vừa miêu tả những khó khăn gian khổ mà người lính lái xe
phải chịu đựng vừa nhấn mạnh những cảm giác thú vị của những chàng trai trẻ
trung trong kháng chiến chống Mỹ.
c. Hợp: Tóm lại, với giọng thơ tinh nghịch và hình ảnh thơ độc đáo hình ảnh
người chiến sĩ lái xe với tư thế hiên ngang, ung dung, tự tin trước khó khăn gian
khổ đã được tác giả Phạm Tiến Duật khắc họa rõ nét qua hai khổ thơ đầu trong
“Bài thơ về tiểu đội xe không kính” khiến người đọc xúc động.

2. Hình ảnh người lính lái xe với tư thế dũng cảm coi thường gian khổ và
tâm hồn sôi nổi, trẻ trung: (khổ 3 + 4)
a. Tổng: Hình ảnh người lính lái xe với tư thế dũng cảm coi thường gian khổ và
tâm hồn sôi nổi, trẻ trung đã được tác giả Phạm Tiến Duật khắc họa rõ nét qua
khổ 3 và 4 của “Bài thơ về tiểu đội xe không kính.”
b. Phân:
b.1. Khổ 3: (mùa khô)
- Phẩm chất 1: Tinh thần lạc quan yêu đời bất chấp gian khổ:
+ Những khó khăn gian khổ: Trường Sơn vào mùa khô bụi bay mù mịt, làm bạc
trắng mái tóc đen của những người lính lái xe.
+ So sánh: Phép so sánh “Bụi phun tóc trắng như người già” vừa miêu tả mái tóc
bị phun trắng xóa vừa miêu tả dáng vẻ ngộ nghĩnh của các anh. Qua đó tác giả
nói lên những khó khăn, gian khổ mà anh phải chịu đựng cũng như tâm hồn lạc
quan của người lính. Hình ảnh này cũng thể hiện giọng thơ tinh nghịch, đùa vui
của tác giả.
+ Ngôn ngữ, giọng thơ: Phạm Tiến Duật đã dùng các từ ngữ đậm chất khẩu ngữ
như “ừ thì”, “chưa cần” và giọng thơ đùa vui đã nói lên thái độ ngang tàng, bất
chấp khó khăn, gian khổ của những người chiến sĩ lái xe.
- Phẩm chất 2: Có tình đồng đội thắm thiết:
+ Hành động: Gian khổ là vậy nhưng những người chiến sĩ chẳng thì bận tâm,
tranh thủ những lúc nghỉ ngơi ngắn ngủi họ “Phì phèo châm điếu thuốc” và “Nhìn
nhau mặt lấm cười ha ha”. Tiếng cười vang to sảng khoái ấy trẻ trung, phóng
phóng làm sao! Đó là tiếng cười lạc quan, yêu đời bất chấp gian khổ và thắm tình
đồng chí, đồng đội của những người chiến sĩ lái xe chỉ cần gặp nhau là họ mừng
vui phấn khởi quên hết mệt nhọc.

b.2. Khổ 4: (mùa mưa)


- Phẩm chất 3: Dũng cảm, bất chấp gian khổ, quên mình vì nhiệm vụ:
+ Khó khăn: Trường Sơn mùa khô thì bụi phun mù mịt, mùa mưa thì mưa
xối xả, khó khăn tăng gấp bội.
+ So sánh: Hình ảnh so sánh kết hợp với điệp ngữ, liệt kê: “Mưa tuôn mưa xối
như ngoài trời” càng làm nổi bật những khó khăn gian khổ ấy bởi vì xe không có
kính ngồi trong xe chẳng khác nào ngoài trời.
+ Điệp ngữ “không có kính”: Điệp ngữ “không có kính” được lặp lại càng nhấn
mạnh hiện thực khó khăn, gian khổ của các anh.
+ Thái độ của người lính:
• Giọng điệu: Một lần nữa cách nói nôm na đậm chất khẩu ngữ được lặp lại
với điệp từ “ừ thì”, “chưa cần” nhà thơ tiếp tục khắc họa thái độ ngang tàng,
ngạo nghễ bất chấp mọi khó khăn, gian khổ của người lính.
• Hành động: Không những thế thế người chiến sĩ còn vô cùng dũng cảm
quên mình vì nhiệm vụ mặc cho trời mưa tuôn ướt áo các anh vẫn chưa cần
thay lái trăm cây số nữa . Những người chiến sĩ chẳng để ý đến sức khỏe
của mình bởi với các anh nhiệm vụ chuyển hàng là trên hết, chiến trường
miền Nam đang vẫy gọi. Câu thơ cuối “Mưa ngừng, gió lùa khô mau thôi”
hầu như gồm toàn thanh bằng gây một cảm giác hết sức bình thản nhẹ
nhàng.
→ Qua đó ta thấy tinh thần dũng cảm, lạc quan bất chấp khó khăn gian khổ của
các anh là hình ảnh tiêu biểu của thế hệ trẻ Việt Nam trong những năm kháng
chiến chống Mỹ.
c. Hợp: Tóm lại, bằng những biện pháp nghệ thuật đặc sắc hình ảnh người
lính lái xe với tư thế dũng cảm coi thường gian khổ và tâm hồn sôi nổi, trẻ
trung đã được Phạm Tiến Duật khắc họa rõ nét qua khổ 3, 4 trong“Bài thơ về
tiểu đội xe không kính” khiến người đọc xúc động.

3. Hình ảnh người lính lái xe dũng cảm với tình đồng chí, đồng đội thắm
thiết và tinh thần lạc quan (khổ 5 6).
a.Tổng: Hình ảnh người lính lái xe dũng cảm với tình đồng chí, đồng đội thắm
thiết và tinh thần lạc quan đã được Phạm Tiến Duật khắc họa rõ nét qua khổ thơ
5, 6 trong tác phẩm “Bài thơ tiểu đội xe không kính”.
b. Phân:
b.1. Phẩm chất 1: dũng cảm:
- Lái những chiếc xe không kính những người chiến sĩ băng qua mưa bom bão
đạn đã thể hiện lòng dũng cảm phi thường.
b.2. Phẩm chất 2: tình đồng chí, đồng đội thắm thiết
- Nêu: Chính trong hoàn cảnh chiến tranh khốc liệt tình đồng chí đồng đội giữa
những người lính lại càng gắn bó thắm thiết hơn.
- Hoàn cảnh gặp gỡ: Họ vốn từ nhiều phương trời cùng chung lý tưởng chiến đấu
vì miền Nam mà về đây trở thành bạn bè.
- Tiểu đội: Lần đầu tiên trong bài thơ tác giả khắc họa “tiểu đội xe không kính”
đó là gia đình thân yêu của những người chiến sĩ lái xe.
- Cái bắt tay: Tình đồng chí của các anh được thể hiện trong cảnh ngộ độc đáo
bắt tay qua cửa kính vỡ rồi. Cái bắt tay mà không cần mở cửa xuống xe đã thể
hiện niềm vui gặp mặt tình đồng đội cởi mở của những người lính trẻ.
- Quan niệm về gia đình: Các anh quan niệm về gia đình thật giản dị “Chung bát
đũa nghĩa là gia đình đấy”. Lúc gặp nhau chỉ cần ăn chung bữa cơm họ có thể coi
nhau như anh em trong một nhà.
b.3. Phẩm chất 3: Lạc quan, quyết tâm:
- Nêu: Trong hoàn cảnh khó khăn gian khổ các anh càng thể hiện niềm lạc quan
của mình.
- Hình ảnh bếp Hoàng Cầm: Hình ảnh bếp Hoàng Cầm thể hiện những khó khăn
của người lính để có được bữa cơm đạm bạc, nhưng từ “ta” và cụm từ “dựng
giữa trời” lại khắc họa tư thế hiên ngang, ngạo nghễ của các anh.
- Giấc ngủ: Sau bữa cơm đạm bạc những người lính có phút giây nghỉ ngơi ngắn
ngủi. Từ láy “chông chênh” gợi tả chiếc võng mắc vội, qua đó thể hiện giấc ngủ
chập chờn không yên của các anh, càng làm nổi bật những khó khăn, gian
khổ. Hình ảnh này cũng thể hiện tác giả Phạm Tiến Duật rất hiểu cuộc sống
người lính cũng như sự cảm phục đối với các anh.
- Điệp ngữ : Điệp ngữ “lại đi” gợi tả những chiếc xe không kính cứ tiếp tục lăn
bánh vào chiến trường miền Nam mà không một sức mạnh nào ngăn cản nổi,
nhấn mạnh sự kiên cường của người chiến sĩ lái xe.
- Hoán dụ “trời xanh”: hình ảnh hoán dụ trời xanh cho thấy sự lạc quan niềm tin
của người lính về một ngày mai chiến thắng.
c. Hợp: Tóm lại, với những hình ảnh thơ vừa hóm hỉnh vừa sâu sắc, hình ảnh
người lính lái xe dũng cảm với tình đồng đội, đồng chí thắm thiết và tinh thần lạc
quan đã được nhà thơ Phạm Tiến Duật khắc họa rõ nét qua khổ thơ 5, 6 trong tác
phẩm “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” đã để lại nhiều ấn tượng sâu sắc trong
lòng người đọc.

4. Hình ảnh người lính lái xe với tinh thần dũng cảm bắt nguồn từ lòng yêu
nước nồng nàn và ý chí quyết tâm giải phóng miền Nam:
a.Tổng: Hình ảnh người lính lái xe với tinh thần dũng cảm bắt nguồn từ lòng yêu
nước nồng nàn và ý chí quyết tâm giải phóng miền Nam đã được tác giả Phạm
Tiến Duật khắc họa qua khổ thơ thứ bảy “Bài thơ về tiểu đội xe không kính”.
b. Phân:
b.1.Phẩm chất 1: Lòng dũng cảm
- Nêu: Lòng dũng cảm của các anh thể hiện qua hình ảnh những chiếc xe không
kính ở hai câu thơ đầu.
- Liệt kê: Phép liệt kê không có kính, không đèn, không mui xe, thùng xe có xước
cho thấy bom đạn đã phá hủy những chiếc xe làm nó biến dạng. Từ đó tô đậm sự
khốc liệt của chiến tranh.
- Ngắt nhịp: Hai câu thơ ngắt nhịp 3/5 , 4/ 4 như những con đường gập ghềnh,
khúc khuỷu xe đi qua.
- Điệp ngữ: Điệp ngữ không có càng làm tăng thêm những khó khăn gian khổ mà
người lính lái xe phải đối mặt cũng như bản lĩnh vượt qua gian khó của họ.
b.2. Phẩm chất 2: Yêu nước, ý chí chiến đấu:
- Nêu: Tinh thần dũng cảm bắt nguồn từ lòng yêu nước nồng nàn với ý chí quyết
tâm giải phóng Miền Nam còn được thể hiện qua hành động của người lính lái xe
trong hai câu cuối.
- Hành động: Các anh vẫn lái những chiếc xe không kính “Xe vẫn chạy vì miền
Nam phía trước” bất chấp bom đạn của kẻ thù.
- Đối lập: Nghệ thuật đối lập được nhà thơ sử dụng để làm nổi bật những cái
không có về vật chất ra một cái có về tinh thần, đó là quyết tâm ý chí của người
chiến sĩ lái xe.
- Hoán dụ “trái tim”:
+ Kết thúc bài thơ là hình ảnh hoán dụ tuyệt đẹp trái tim
+ Trước hết trái tim chỉ những người lính lái xe trong những chiếc xe không kính.
+ Những hơn thế “trái tim” còn gợi liên tưởng đến lòng yêu nước của người chiến
sĩ lái xe. Chỉ cần có lòng yêu nước thì những chiếc xe không có kính vẫn hăm hở
tiến vào miền Nam.
- Từ “vẫn”, “chỉ cần”: Từ “vẫn” và “chỉ cần” tác giả khẳng định sức mạnh tinh
thần của con người có thể chiến thắng mọi gian khổ, hiểm nguy.
c. Hợp: Tóm lại, với giọng thơ trẻ trung mà sâu sắc, với hình ảnh thơ độc đáo
hình ảnh người lính lái xe với tinh thần dũng cảm bắt nguồn từ lòng yêu nước
nồng nàn, ý chí quyết tâm giải phóng miền Nam đã được tác giả Phạm Tiến Duật
khắc họa rõ nét qua khổ cuối “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” khiến người đọc
xúc động.

III. TỔNG KẾT:


1. Nội dung:
- Bài thơ của Phạm Tiến Duật đã khắc họa một hình ảnh độc đáo: những chiếc xe
không có kính.
- Bài thơ khắc họa hình ảnh người lính lái xe Trường Sơn trong thời kỳ kháng
chiến chống Mỹ với tư thế hiên ngang tư tưởng lạc quan dũng cảm bất chấp khó
khăn hiểm nguy phải ý chí chiến đấu giải phóng miền Nam.
2. Nghệ thuật:
- Chất liệu hiện thực sinh động của cuộc sống ở chiến trường.
- Ngôn ngữ và giọng điệu giàu tính khẩu ngữ, tự nhiên, khỏe khoắn. \

IV. LUYỆN TẬP


1. Nêu ý nghĩa nhan đề bài thơ? (lạ, độc đáo, từ “bài thơ”)
2. Thuộc thơ, nêu hoàn cảnh ra đời, xuất xứ, thể thơ.
3. Liên hệ tác phẩm cùng đề tài viết về chiến tranh, người lính.
4. Đoạn văn cảm nhận về từng khổ thơ/ hình ảnh xe không kính.
5. Đoạn văn cảm nhận về hình ảnh xe không kính.
6. Đoạn văn cảm nhận về hình ảnh những người lính lái xe trên tuyến đường
Trường Sơn trong kháng chiến chống Mỹ.

Gợi ý:
5. Đoạn văn cảm nhận về hình ảnh xe không kính

a. Tổng: Hình ảnh những chiếc xe không kính đã được tác giả Phạm Tiến Duật
khắc họa rõ nét qua tác phẩm “Bài thơ về tiểu đội xe không kính”.
b. Phân:
b.1. Đặc điểm: Trước hết, những chiếc xe không kính là hình ảnh quen thuộc
trên tuyến đường Trường Sơn thời kháng chiến chống Mỹ. Xe không chỉ bị vỡ
kính mà còn bị phá hủy “không đèn”, “không mui”, “thùng xe xước”, nguyên
nhân xe bị phá hủy là do giặc Mỹ trút mưa bom bão đạn xuống tuyến đường
Trường Sơn nhằm phá hủy xe cộ, cắt đứt con đường chi viện của miền Bắc vào
miền Nam.
b.2. Nét độc đáo: “Tiểu đội xe không kính” là một hình ảnh độc đáo bởi vì xưa
nay xe cộ tàu thuyền được đưa vào thơ thường mang ý nghĩa biểu tượng còn hình
ảnh xe không kính là một hình ảnh tả thực.
b.3. Ý nghĩa: Bên cạnh đó hình ảnh xe không kính còn là hình hình tượng giàu
ý nghĩa: làm nổi bật hình ảnh trung tâm của toàn bài hình ảnh chiếc xe không
kính, qua đó làm nổi bật hiện thực khốc liệt của chiến tranh, thể hiện chủ đề của
bài thơ vẻ đẹp người lính lái xe và thể hiện hồn thơ nhạy cảm, tinh nghịch, sự am
hiểu kháng chiến chống Mỹ của nhà thơ.
c. Hợp: Tóm lại, hình ảnh xe không kính đã được tác giả Phạm Tiến Duật miêu
tả thật độc đáo qua văn bản “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” trở thành hình
tượng nổi bật của thơ ca thời kháng chiến chống Mĩ.
*Lưu ý: Nếu đề hỏi vì sao xe không kính là hình ảnh độc đáo thì chỉ trình bày ý
b.2 và b.3.

6. Đoạn văn cảm nhận về hình ảnh những người lính lái xe trên tuyến đường
Trường Sơn trong kháng chiến chống Mỹ.
a. Tổng: Hình ảnh người chiến sĩ lái xe đã được tác giả PTD khắc họa rõ nét qua
văn bản “Bài thơ về tiểu đội xe không kính”.
b. Phân:
b.1. Nhiệm vụ: Các anh làm nhiệm vụ lái những chiếc xe vận tải chở hàng hóa từ
miền Bắc vào miền Nam tiếp viện cho miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ.
b.2. Hoàn cảnh: Hoàn cảnh làm việc của các anh vô cùng gian khổ, chịu mưa
bom bão đạn của giặc Mĩ xe bị phá và các anh luôn đối diện với nguy hiểm.
b.3. Các phẩm chất:
- Dũng cảm, coi thường khó khăn, gian khổ: Trong hoàn cảnh khó khăn nguy
hiểm đó, ở các anh lại sáng lên những phẩm chất cao đẹp. Trước hết các anh là
những chiến sĩ dũng cảm coi thường khó khăn, nguy hiểm. Các anh ung dung
bình thản ngồi trên những chiếc xe không kính, bất chấp mưa tuôn xối xả vẫn coi
nhiệm vụ là trên hết vẫn tiếp tục lái xe.
- Tâm hồn sôi nổi, trẻ trung, lạc quan: Những người chiến sĩ lái xe còn là các
chàng trai có tâm hồn sôi nổi, trẻ trung, lạc quan. Nhìn mái tóc bạc trắng đầy bụi
các anh so sánh “như người già”, nhìn mặt nhau lấm bẩn các anh “cười ha ha”,
hình ảnh “trời xanh” đã thể hiện niềm tin lạc quan của anh về một ngày mai chiến
thắng.
- Tình đồng đội cởi mở, gắn bó: Cùng nhau chiến đấu xa nhà giữa các anh có
tình đồng đội gắn bó cởi mở, gặp đồng đội trên đường các anh bắt tay nhau qua
cửa kính vỡ rồi. Chỉ cần ăn chung một bữa cơm là anh có thể coi nhau là gia đình.
Chính tình đồng đội đó đã tiếp thêm sức mạnh cho các anh tiếp tục lên đường.
- Lý tưởng cao đẹp: Cuối cùng, những người lính lái xe còn có một lý tưởng
sống cao đẹp - yêu nước, quyết tâm giải phóng miền Nam. Hình ảnh hoán dụ “trái
tim” đã cho thấy chỉ cần có lòng yêu nước, quyết tâm giải phóng miền Nam thì
các anh vẫn tiếp tục lái xe những chiếc xe không kính để vượt qua mọi gian khổ
tiến vào chiến trường miền Nam.
b.4. Kết luận: Với những phẩm chất cao đẹp đó những người chiến sĩ lái xe là
hình ảnh tiêu biểu cho tuổi trẻ Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ.
b.5. Nghệ thuật: Để khắc họa vẻ đẹp của người chiến sĩ lái xe tác giả Phạm Tiến
Duật đã sử dụng ngôn ngữ và giọng điệu giàu tính khẩu ngữ tự nhiên, khỏe
khoắn.
c.Hợp: Hình ảnh người chiến sĩ lái xe đã được tác giả Phạm Tiến Duật khắc họa
rõ nét qua văn bản “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” khiến người đọc rất xúc
động.

You might also like