You are on page 1of 3

Một buổi chiều thứ ba giữa tuần, mưa rả rích.

Từng giọt mưa va vào mái tôn, đập “đùng…đùng….đùng”. Âm than sao nghe…
thật chói tai!

Khi tôi bước ra khỏi thì ngoài trời đã chuyển sang mưa phùn lành lạnh. Nhìn dòng
người trôi qua dài lê thê. Tôi như theo dòng kí ức nhớ đến quê nhà.

Nơi tôi sinh ra là một vùng quê hẻo lánh. Phía trước nhà là đồng lúa hoa màu rộng
mênh mông bát ngát, phía sau ngã lưng tựa vào dãy núi. Căn nhà gia đình tôi ở là
một ngôi nhà cấp bốn với ngói nung cũ kĩ đã ngả sang một màu ố đen. Tiết đông
vốn đã buồn lại kèm theo mưa không ngớt. Ngôi nhà nhỏ nằm giữa khu vườn trơ
truị lá khô, lại càng trở nên cô đơn. Hồi nhỏ, vào những ngày âm ú gió bão, tôi
thường nghe tiếng mưa đập từng trộ xuống phiến ngói. Tôi lóc ngóc chạy ra thềm
đưa tay ra hứng lấy hứng để những hạt mưa. Càng đưa tay lên cao, những hạt nước
lại dốc ngược, chạy tuột vào trong ống áo ướt nhẹp. Không khí âm ẩm quên với
quện vào mùi mưa xộc vào mũi tôi, rồi trườn xuống phế quản. Bố mẹ tôi nấu ăn ở
dưới bếp, quát vọng lên:

-Vào nhà ngay!

Chái bếp là nơi chứa những bồ thóc cao gần chạm đến nóc nhà, cũng là nơi chất
những đống củi lớn củi bé đun trong những ngày mưa gió. Xế chiều, ngoài trời đã
mờ mờ, làn khói trắng từ bếp bốc lên nghi ngút rồi bay là là trong vườn. Tôi chẳng
những không thấy ngùi khói hôi hắng mà chỉ cảm thấy một cảm giác yên bình khó
tả. Mọi người trong xóm chắc cũng đang thôi lửa để nấu cơm. Băng qua lối nhỏ,
chú Tiến đội mưa, tay cầm chiếc bát sang nhà tôi, hồng hộc thở và nói với bố tôi:

-Bác cho em xin ít mỡ với. Sáng nay vợ em đi chợ nhưng nó lại quên mua.

Ở quê ngày ấy cứ thiếu gì là vác bát đi xin, hàng xóm tắt lửa tối đèn có nhau.

Không khí ở quê tôi vô cùng trong lành, con người ở đây cũng chất phác thật thà.
Gia đình tôi làm nông nghiệp, quanh năm bố mẹ đều bán mặt cho đất bán lưng cho
trời. Làm lụng vất vả bốn mùa nhưng cũng chỉ đủ ăn chứ không bao giờ dư dả.
Thuở tôi còn bé tí, bố tôi phải đi làm gỗ xa nhà, cả tháng mới về được một vài lần.
Thời gian đó một tay mẹ tôi lo toan công việc gia đình, một tay chăm sóc nuôi
nấng tôi. Tôi được khoảng ba, bốn tuổi thì đã đi theo mẹ ra chợ. Mỗi khi gà gáy
ò..ó..o, ngoài trời còn chưa sáng mẹ tôi đã thức dậy tất bật chuẩn bị đi chợ bán
hàng. Mẹ tôi bán đủ thứ, bán gà con, bán ngô, khoai, sắn. Mẹ đặt tôi một bên
thúng, còn bên kia đặt hàng. Đôi quang gánh kẽo cà kèo kẹt đi bộ cả quãng đường
dài mới đến chợ Huyện. Tiếng nói cười rôm rả của từng tốp phụ nữ cũng đi chợ từ
tờ mờ sáng, phần nào xua đi sự ảm đạm của vùng quê này. Vừa về chưa kịp nghỉ
ngơi, mẹ lại gấp gáp gửi tôi cho bà nội rồi chạy một mạch ra đồng làm việc. Trên
cánh đồng luôn có những bóng lưng nhấp nhô từ sáng sớm đến lúc mặt trời xuống
núi. Tôi chỉ được đi theo, khi mẹ làm ở những ruộng khoai sọ, ở dó cây cao quá
đầu che đi cái nắng nóng.

Cả thôn có vài chục hộ gia đình nhưng lại chẳng mấy nhà có ti vi. Buổi tối, sau khi
công việc nhà đã đâu vào đó mẹ tôi mới cõng tôi sang nhà hàng xóm xem phim.
Chiếc ti vi đen trắng bé xíu, thỉnh thoảng bị tín hiệu chập chờn thì phải vừa chỉnh
ăng ten vừa đập đồm độp vào vỏ đến lấy nét. Ấy thế mà tối nào cũng chật kín cả
sân, đến muộn còn chẳng xem được. Hết phim cũng là lúc tôi đã ngủ ngặt nghẽo
trên lưng mẹ. Mẹ tôi năm đó còn rất trẻ, chỉ mới hai nươi mấy tuổi. Mẹ làm tất cả
những công việc nặng nhọc vì gia đình này và muốn chúng tốt đẹp hơn mỗi ngày.
So với mẹ ngày ấy, tôi chắc chỉ bằng một góc bé tí.

Năm tôi đến tuổi đi học mẫu giáo, người dẫn tôi đến trường không phải là mẹ mà
là dì của tôi. Bị dì bỏ lại, tôi mếu máo khóc. Lớp của tôi không rộng, không đẹp
cũng chẳng có nhiều đồ chơi. Chỉ có đúng duy nhất con ngựa gỗ màu vàng, thấy
tôi khóc mãi không thôi. Cô giáo dỗ dành tôi:

- Nhớ lại đây cô cho cưỡi con ngựa gỗ này. Vui lắm.
- Con ngựa này là của ai thế ạ?
- Của Nhớ đó.

Tôi ngừng khóc và cả ngày ôm đó tôi chỉ ôm khư khư con ngựa gỗ cho đến khi ra
về. Nma tôi lên sáu tuổi thì mẹ sinh em bé. Lúc mẹ tôi sinh em thì bố tôi cũng về
làm ở nhà để chăm sóc cho mẹ con tôi nhiều hơn. Thỉnh thoảng tôi cũng phải trông
em và ra đồng chăn trâu cho bố. Một lần nọ, bố đưa dây thừng cho tôi vfa bảo:

- Con dắt trâu đi ăn hộ bố nhé. Để bố về trồng mướp với mẹ.

Tôi vâng dạ, đợi bố tôi đi xa. Tôi liền leo qua sừng rồi ngồi lên lưng trâu, hóng gió
phả nhẹ vào mặt. Mùi rơm rạ từ đồng ruộng vẫn còn thơm thoang thoảng. Vừa
ngồi lên được vài phút chưa kịp tưởng tượng mình có oai vệ như nhân vật trong
phim không thì nó đã té qua mấy sào ruộng người ta mới gặt làm tôi ngã cái bịch,
bẩn hết quần áo. Tôi nổi giận đùng đùng, tức tối dắt nó về. Bố tôi ngạc nhiên:

-Chưa gì đã đem trâu về đó rồi?

Tôi vẫn còn tức, mặt đỏ phừng phừng:

-Con cưỡi nó một tí mà nó té làm con ngã bẩn hết quần áo. Trâu nhà cái Yến, suốt
ngày bị cưỡi mà có thế này đâu.

You might also like