You are on page 1of 6

ĐÓNG VAI NHÂN VẬT ATN

Bài làm

Tôi sinh ra ở vùng đất Lào Cai và làm việc ở Sapa- cái xứ sở sương mù mê hoặc lòng người,
nơi mà từng có rất nhiều nhà văn, nhà thơ tìm đến và để lại những tác phẩm nổi tiếng cho đời.
Thế nhưng có lễ, khi nhắc đến Sapa, con người ta chỉ nghĩ đến một địa điểm du lịch nổi tiếng
với thời tiết mát mẻ, thiên nhiên thơ mộng. Nhưng với tôi, đây còn là một vùng đất cống hiến,
vùng đất của những con người sẵn sàng hi sinh, làm việc cho Tổ quốc. Và tôi cũng muốn góp
một phần mình vào công cuộc dựng xây đất nước ấy.
Kể ra thì hơi dài. Nhưng ngày xưa, tôi và bố cùng nhau nộp đơn tình nguyện xin được ra trận
bảo vệ Tổ quốc, thế nhưng chỉ có bố tôi được ra trận, còn tôi phải ở lại. Không chịu thua bố,
tôi đã tình nguyện lên Lào Cai để công tác trên đỉnh Yên Sơn cao 2600m được bốn năm. Và
kể từ giây phút làm việc ở trên đỉnh cao ấy, tôi đã có một cuộc đời cống hiến, sống và làm
việc trên đỉnh núi mây mù này không quản ngày đêm khó nhọc.

Có lẽ mọi người sẽ ấn tượng với người cán bộ khí tượng ngày ấy trong đôi mắt tuổi thơ trong
veo của tôi là những chuỗi ngày dài với nhiều đam mê, khám phá và say nghề. Tôi sống và
làm việc một mình trên đỉnh núi cao 2600m so với mặt biển, xung quanh không hề có một
bóng người “bốn bề chỉ có cây cỏ và mây mù lạnh lẽo”. Công việc của tôi là “đo gió, đo mưa,
đo nắng, tính mây, đo chấn động mặt đất, dự vào việc báo trước thời tiết hàng ngày, phục vụ
sản xuất, phục vụ chiến đấu”. Tôi nhận thấy rằng đây là công việc không khó nhưng đòi hỏi
sự tỉ mỉ chính xác và phải có tinh thần trách nhiệm cao. Một ngày tôi phải vào ốp bốn lần, nửa
đêm đúng giờ ốp thì dù có mưa gió cũng phải trở dậy xách đèn ra ngoài trời làm công việc đã
quy định. Những lúc ấy, tôi cảm thấy “gió tuyết và lặng im ở bên ngoài như chỉ chực đợi
mình ra là ào ào xô tới”. Nhưng cái gian khổ nhất mà tôi phải vượt qua chính là sự cô đơn
buồn tẻ, quanh năm suốt tháng sống cô độc một mình trên đỉnh núi cao không một bóng
người.
Nói đến đây tôi chợt nhớ đến một kỉ niệm mà có lẽ cả đời tôi sẽ chẳng thể quên được đó là
cuộc gặp gỡ giữa tôi và những con người miền xuôi. Khi tôi mới lên công tác chưa quen nên
rất muốn gặp gỡ mọi người. Tôi từng muốn gặp gỡ mọi người đến mức chặt khúc gỗ ra giữa
đường trực xe đi qua. Rồi một bác tài xế đã hỏi tôi:“Ai đã đẩy khúc gỗ ra giữa đường đấy”.
Tôi ngại quá, đỏ mặt, tôi bảo với họ rằng tôi mới lên công tác chưa quen nên nghĩ ra cách này
để gặp gỡ mọi người. Chính từ cuộc gặp gỡ đặc biết ấy, tôi đã quen với bác lái xe, bác hứa với
tôi rằng mỗi tháng có chuyến xe qua sẽ dừng lại cho tôi nói chuyện, làm quen với mọi người.
Lúc đó, tôi rất sung sướng và chỉ mong một tháng trôi qua thật nhanh.

Hôm nay cũng như thường lệ; nhác thấy chiếc xe của bác phía xa xa, tôi rạng rỡ chạy tới dúi
vào tay bác củ tam thất nhỏ vừa đào được, gửi bác về ngâm rượu bồi bổ cho bác gái vừa mới
ốm dậy. Tôi hồ hởi khoe với bác mà chẳng để ý bác còn dẫn thêm 2 người khách. Bác giới
thiệu nhanh với tôi rằng đó là một ông họa sĩ già và một cô kĩ sư nông nghiệp. Theo lời gợi ý
của bác, tôi có lời mời khách lên thăm nhà và cũng chính là nơi tôi làm việc.

Nhà tôi thì đơn sơ: có chiếc giường con; chiếc bàn học và một giá sách. Sống một mình thế có
lẽ là đủ. Tôi rót nước mời ông, mời cô nhưng cô gái trẻ lại đang mải mê bên trang sách nên tôi
chỉ lẳng lặng đặt nhẹ phía trước mặt.

Bất chợt trong cuộc trò chuyện, ông hoạ sĩ già bảo rằng tôi là một người cô độc nhất thế gian,
nghe như vậy thì tôi sững sờ, đoán biết là do bác lái xe kể, tôi vội thanh minh: “Không, không
đúng đâu”. Nói cho vui thế chứ cũng có lúc tôi đã từng nghĩ mình cô đơn nhưng ngẫm lại cho
cùng tôi nào có cô đơn, tôi còn có công việc vả lại công việc của tôi còn gắn liền với bao anh
em, đồng chí dưới kia. Còn nói về cái thèm người tôi không phủ nhận. Mỗi lúc như thế tôi lại
nói với lòng mình rằng: Mình sinh ra ở đâu và làm việc vì cái gì? Mình phải có trách nhiệm
và cống hiến hết mình. Mà đâu chỉ mình tôi thèm người bác lái xe cũng thế còn gì, những
hôm bác ấn còi inh ỏi mà tôi không chịu xuống là bác lại mò lên tận đây.

Quay sang cô kĩ sư tôi đùa cợt: Và cô thấy đấy, tôi còn có sách làm bạn cơ mà. Tuy sống
trong điều kiện thiếu thốn nhưng bản thân tôi vẫn ham mê công việc biết sắp xếp lo toan cuộc
sống riêng ngăn nắp. Tôi tự biết làm cho cuộc sống của mình vui vẻ đầm ấm thơ mộng, ý
nghĩa. Tôi trồng hoa “hoa dơn, hoa thược dược, vàng, tím,… vườn hoa khoe sắc rực rỡ hàng
ngày như động viên tiếp sức làm cho tâm hồn mộng mơ, yêu cuộc sống”. Tôi đọc sách, trò
chuyện, lấy sách làm bạn tri âm, tri kỷ. Tôi nuôi gà lấy thêm thực phẩm, tạo không khí gia
đình vui tươi đầm ấm. Thế giới riêng của tôi là một gian nhà ba gian sạch sẽ với bàn ghế, sách
vở… Tôi hái thật nhiều hoa để tặng cô kĩ sư, cô ấy rất thích. Rồi tôi giới thiệu qua công việc
của mình cho cô kĩ sư và ông họa sĩ nghe. Tôi đưa họ vào trong nhà. Bác họa sĩ ngạc nhiên
khi ở cái nơi “lặng lẽ Sapa” này tưởng tôi ở một mình thì mọi thứ chắc bề bộn lắm. Ấy vậy
mà bác lại thấy căn phòng của tôi quá ngăn nắp. Cô kĩ sư ra tủ sách chọn lấy một quyển và
ngồi đọc. Tôi và bác họa sĩ trò chuyện với nhau. Bác hỏi:

– Quê anh ở đâu thế?

– Quê cháu ở Lào cai này thôi…-Tôi trả lời

Dường như, càng nói chuyện thì bác họa sĩ càng thích tôi. Và khi ông hoạ sĩ đang cầm cây bút
hí hoáy làm gì đó, tôi đoán chắc người hoạ sĩ ấy đang vẽ tôi, tôi ngượng ngùng từ chối bởi tôi
biết ngoài kia còn có rất nhiều người giỏi hơn tôi: ông kĩ sư vườn rau, đồng chí nghiên cứu
khoa học trên mảnh đất này, họ cũng là những nhân tài và rất xứng đáng để được phác họa
chân dung. Nhưng đang quẩn quanh trong suy nghĩ ấy thì bác đã bắt đầu phác thảo khuôn mặt
của tôi, bằng vài nét, họa sĩ đã gần như ghi xong gương mặt của tôi.

Tôi nhìn đồng hồ và kêu lên:

– Trời ơi, chỉ còn năm phút…!

Tôi giật mình nói to, giọng cười nhưng đầy tiếc rẻ. Tôi chạy ra nhà phía sau, rồi trở vào liền,
tay cầm một cái làn. Nhà họa sĩ tặc lưỡi đứng dậy. Cô gái cũng đứng lên, đặt lại chiếc ghế,
thong thả đi đến chỗ bác già

– Ô! Cô còn quên chiếc mùi soa đây này!

Tôi kêu lên. Để người con gái khỏi trở lại bàn, tôi lấy chiếc khăn tay còn vo tròn kẹp giữa
cuốn sách tới trả cho cô gái. Cô kĩ sư mặt đỏ ửng, nhận lại chiếc khăn và quay vội đi.

Tôi đúng là vô tâm, vô tâm nên mới không hiểu ý nhị của người con gái đáng yêu; tâm tình
ấy. Mãi đến bây giờ nhận ra thì cũng đã chỉ còn là quá khứ.

Thời gian cũng đã hết tôi phải tiễn 2 người khách đặc biệt ra về. Ông họa sĩ ôm chặt vai tôi
lắc mạnh đầy hứa hẹn: “Chắc chắn rồi tôi sẽ trở lại. Tôi ở với anh ít hôm được chứ?”

Còn cô gái nắm lấy tay tôi buông câu nhẹ nhàng: “Chào anh”. Một tình cảm nghẹn ngào như
hàm chứa trong đó, cảm xúc dâng trào đến tột cùng trong tôi và có lẽ trong cả chính cô gái ấy.

Tôi xách vội túi trứng, dúi vào tay ông họa sĩ: “Cái này để ăn trưa cho bác, cho cô và bác lái
xe. Cháu có bao nhiêu là trứng, ăn không xuể. Cháu không tiễn bác và cô ra xe được, vì gần
tới giờ “ốp” rồi. Thôi chào bác, chào cô. Bác sẽ trở lại nhé.”

Cuộc gặp gỡ ngắn ngủi nhưng cũng đủ để tôi thỏa lòng mong nhớ. “Chao ôi, có ai ở trong
hoàn cảnh của tôi mới biết cái cảm giác “thèm người” nó đáng sợ như thế nào”. Chẳng ai
thích sống cô đơn ở nơi vắng lặng như thế này nhưng vì dân tộc, vì đất nước, tôi vẫn luôn tự
hào về công việc mình đang làm, yêu nơi mình đang sống. Và tôi tâm niệm rằng: “Ai cũng
chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ biết dành phần ai? Ai cũng một thời trẻ trai, cũng thường nghĩ
về đời mình”. Có những con người thầm lặng, làm những công việc lặng thầm ở những nơi im
lặng nhưng sự đóng góp của họ cho đất nước lại không hề nhỏ bé và “Trong cái im lặng của
Sapa, dưới những dinh thự cũ kĩ của Sa Pa mà chỉ nghe thấy tên, người ta đã nghĩ đến chuyện
nghỉ ngơi, có những người làm việc và lo nghĩ như vậy cho đất nước.”

-----------------------

Nhập vai nhân vật ông Hai kể lại diễn biến tâm trạng khi nghe tin làng chợ dầu theo giặc
Đã mấy chục năm rồi, có lẽ chừng ấy năm ròng cũng đủ để tôi thấu hiểu hầu hết những người
dân trong làng. Họ và tôi, chúng tôi đều là người Việt Nam, chúng tôi đều mang trong mình
dòng máu lạc hồng luôn đỏ mãi trong lòng mỗi người. Người trong làng tôi hầu hết đều là
những người nông dân một nắng hai sương tần tảo sớm hôm vất vả ra đồng. Chúng tôi sống
cho bản thân mình nhưng chưa giây phút nào chúng tôi quên được lòng yêu Tổ Quốc, yêu nơi
mà tôi sinh ra và lớn lên. Thế mà không hiểu vì lí do gì mà mọi người lại tung tin đồn xấu cho
làng tôi.
Và để phục vụ cho kháng chiến, tôi xin ở lại cùng anh em để đào hào, đắp ụ nhưng vì tuổi đã
cao nên mọi người khuyên tôi đi tản cư, và tôi được biết rằng đi tản cư cũng là một hành động
thể hiện tình yêu làng. Hôm ấy trời nắng đẹp và trong, như mọi hôm tôi lại đến phòng thông
tin để đọc báo.Vì là nông dân nghèo không biết đọc chữ nên tôi rất thích đến đây nghe người
khác đọc báo. Tuy là nông dân nghèo, cuộc sống cực khổ, làm nhiều việc tôi vẫn có cái thú
vui đọc tin tức thường xuyên để nắm bắt thông tin mọi nơi. Khi vừa bước ra khỏi phòng thông
tin, rẽ vào quán dặn vợ mấy việc rồi đi ra lối huyện cũ, tôi bắt gặp tốp người tản cư bàn tán rất
náo nhiệt.
Tính tôi cũng hay tò mò không biết có việc gì nên liền lại tán gẫu cùng. Được biết có làng nào
ấy Việt gian theo Tây. Tôi nào ngờ ấy lại là làng Chợ Dầu – chính ngôi làng tôi sống. Họ bảo
làng tôi Việt gian, người làng tôi theo giặc. Như không tin được vào tai mình. Tôi thầm nghĩ
đủ điều. Chẳng nhỡ làng mình theo Tây thật rồi sao. Sao lại có chuyện đấy được. Người làng
ta đều là những con người yêu nước hết cả mà. Không nhẫn nhịn được nỗi nhục nhã đến tận
cùng, tôi đành đánh trống lảng bỏ đi: “Hà, nắng gớm, về nào…”
Kể từ cái ngày tin đồn ấy được truyền lây lan rộng khắp nơi, tôi chẳng dám bén lẻn ra đường
nữa. Tâm trí tôi như dần triệt quệ, tôi không thèm màng đến việc gì nữa. Cả vợ tôi cũng chán
nản không thiết làm việc nhà. Được sinh ra và lớn lên trong thời kì chiến tranh, từ bé tôi đã
phải sống với bom đạn. Thấy thế tôi luôn nhủ với lòng mình rằng sau này phải gắng sức làm
việc gì đấy giúp ích cho đất nước.
Trong đầu tôi cũng như gia đình, làng xóm tôi đều hứa với lòng sẽ luôn ủng hộ Cụ Hồ Chí
Minh muôn năm. Thế mà giờ đây chúng tôi còn chưa làm được điều gì đã làm tổn hại đến đất
nước rồi. Tôi cũng yêu làng tôi lắm, cái làng Chợ Dầu ấy đã gắn bó với tôi khá lâu rồi. Nhưng
sâu thẳm trong trái tim mộc mạc , bình dị của người nông dân nghèo này vẫn luôn dành một
phần quan trọng đối với Tổ quốc.Tôi tự nhủ với bản thân rằng: “Làng thì yêu thật, nhưng làng
theo Tây mất rồi thì phải thù”.
Thời điểm ấy, khắp nơi mọi người đều xua đuổi dân làng Chợ Dầu. Bà chủ nhà của tôi rồi
cũng phải từ chối gia đình tôi sinh sống tại nhà bà. Trong vài ba hôm ngắn ngủi, không biết
làm gì, đi về đâu, đầu óc tôi như trống rỗng bởi sự nhục nhã không cam chịu nổi.
Thế mà nỗi buồn ấy lại bỗng chốc chuyển sang nụ cười vui hồn nhiên nở dần trên gương mặt
tôi. Tôi vui sướng khi được nghe tin mừng rằng tin làng Chợ Dầu Việt gian đã được cải chính
lại. Đúng thật là “ toàn là sai sự mục đích cả”. Tôi đi đến khắp nơi báo tin mừng dây cho mọi
người. Ngay cả bà chủ nhà cũng vui và đành cho tôi tiếp tục ở nhà bà. Thế là cuộc sống tôi lại
trở nên vui vẻ như trước.
Đối với người nông dân một nắng hai sương như chúng tôi thì làng có một vị trí rất quan
trọng. Đấy là nơi tôi sinh ra, lớn lên và làm việc. Quan trọng hơn làng đã trở thành cội nguồn
quê hương, là một phần không thể thiếu trong tâm hồn mỗi người nông dân. Riêng bản thân
tôi, tôi sẽ không bao giờ quên đi được bóng dáng cái làng Chợ Dầu thân thuộc ấy và sẽ luôn
tin tưởng, chẳng bao giờ rời xa làng mình.
——————————————————

Vào vai bé Thu kể lại câu chuyện “Chiếc lược ngà”


Nếu cho tôi một điều ước, tôi sẽ ước thời gian quay trở lại. Khi ấy, tôi sẽ không bướng bỉnh,
ngang ngạnh; tôi sẽ mang lại cho ba tôi niềm vui, nụ cười thay vì những nỗi khổ tâm. Người
ta vẫn thường nói thời gian sẽ làm lành mọi vết thương nhưng có lẽ với riêng tôi thì không
đúng. Mỗi lần cầm chiếc lược ngà – kỉ vật cuối cùng còn lại của ba tôi, lòng tôi lại dấy lên
những nỗi ăn năn, day dứt và cả sự hối hận. Tôi thấy thương ba nhiều, tôi thấy mình thật đáng
trách.
Má tôi kể rằng, khi tôi chưa đầy một tuổi, ba tôi phải thoát li đi kháng chiến theo tiếng gọi của
Đảng, của Bác Hồ. Tuổi thơ tôi sống trong sự đùm bọc, chở che và dưỡng dục của má, tôi
thèm lắm giọng nói trầm ấm của ba, thèm được ba ôm vào lòng và vuốt ve mái tóc. Má tôi
cũng đã mấy lần đi thăm ba nhưng vì đường xá gian nan, nguy hiểm nên không lần nào mang
tôi theo được. Vậy là ba chỉ thấy tôi qua tấm ảnh nhỏ và tôi cũng chỉ thấy ba qua một tấm ảnh
ba chụp với má. Ba tôi trông thật đẹp và hiền. Cuộc sống cứ thế trôi qua cho đến năm tôi lên
tám tuổi, một điều bất ngờ đến với tôi và cũng từ đây tôi luôn phải ân hận về bản tính ngang
bướng của mình. Một buổi sáng, hôm tôi đang chơi đánh đáo dưới tán cây trứng cá trước nhà
thì bỗng nghe có tiếng gọi. Tôi ngoái cổ về phía trước xuồng đang gần cập bến. Một người
đàn ông có vẻ vội vã, không đợi xuồng vào bờ đã vội đưa chân xuống, đôi tay chới với về
phía tôi và luôn miệng gọi tên tôi:
– Thu, con!
Tôi đứng ngây nhìn người lạ đang gọi tên mình. Đó là một người đàn ông với một vết thẹo dài
trên má. Vết thẹo ấy đỏ ửng lên, dần giật, trông thật đáng sợ. Người đàn ông cứ đưa tay ra,
chầm chậm bước về phía tôi, giọng lặp bặp run run :
– Ba đây con !
– Ba đây con !
Mọi chuyện quá bất ngờ, tôi chẳng hiểu gì cả, tôi nhìn người đàn ông bên cạnh như để dò hỏi
: đây là ba tôi sao? Không, không phải !, có lẽ người kia đã nhầm. Tôi biết rõ ràng ba tôi
không giống thế. Tôi chạy vụt đi tìm má.Tôi cất tiếng gọi thất thanh “ Má ! Má !” tiếng kêu
ấy của tôi có lẽ đã khiến ông buồn, ông đứng sững lại, mằt tối sầm, hai tay đưa về phía tôi lúc
nãy giờ buông thõng xuống.
Nghe tiếng tôi gọi, má chạy ra. Trái với những gì tôi nghĩ, rằng má sẽ bảo vệ tôi, má sẽ đuổi
người đàn ông lạ mặt kia đi. Má chạy nhanh đến chỗ chiếc xuồng vừa cập bến, hỏi hỏi han
han người đàn ông những điều gì tôi không rõ. Chỉ thấy má kêu tôi gọi ông ấy là ba, tôi không
chịu. Người đàn ông ấy ở nhà tôi ba ngày. Suốt thời gian ấy, ông chẳng đi đến đâu, chỉ quanh
quẩn trong nhà mong được gần gũi tôi. Tôi càng tìm cách lẩn tránh thì ông ấy lại càng vỗ về
tôi. Tôi đâm ra giận má và giận cả người đàn ông xa lạ ấy. Sao má cứ ép tôi phải gọi một
người hoàn toàn xa lạ là ba? Tôi chỉ có một người ba duy nhất trong bức hình chụp chung với
má, tôi không thể san sẻ lòng kính yêu của mình cho một người khác không phải là ba. Cái
suy nghĩ ấy cứ đeo đẳng, bám riết trong tâm trí ngây thơ, non nớt của tôi. Tôi kiên quyết cự
tuyệt mọi sự quan tâm từ người đàn ông đáng thương ấy. Má bảo tôi gọi ba vào ăn cơm thì tô
chỉ nói trổng “ vô ăn cơm”; má đi vắng kêu tôi thổi cơm, có gì khó thì nhờ ba giúp, nồi cơm
to quá tôi không thể chắt nước được, dù đã được bác Ba “mở đường” là kêu ba giúp mà tôi
cũng không nghe. Cái sự kiêu ngạo trẻ thơ đã không cho tôi được phép khuất phục trước khó
khăn, tôi không được phép gọi tiếng ba thiêng liêng thiếu căn cứ như vậy được. Tôi có ngờ
đâu rằng, những hành động, lời nói thiếu lễ phép của mình đã khiến ba vô cùng khổ tâm và
cũng vì lẽ ấy, tôi phải day dứt suốt đời.
Sự vô tình có thể sẽ kéo dài mãi nếu như không có một tình huống bất ngờ xảy ra. Bữa cơm
hôm ấy, người đàn ông lạ kia đã gắp cái trứng cá to vàng thật ngon để vào chén tôi. Bình
thường tôi rất thích ăn trứng cá nhưng ngay lúc này thì khác. Tôi hất vội cái trứng ra làm cơm
văng tung toé khắp mâm. Có lẽ vì quá tức giận, ông vung tay đánh tôi và hét lên :
– Sao mày cứng đầu vậy hả ?
Tôi đã quen cảm giác chiều chuộng nên cứ tưởng mọi hành động , việc làm của mình không
ai dám lên tiếng. Nhưng tiếng quát của ông ấy khiến tôi thức tỉnh , tôi chợt nhận ra hành động
vừa rồi của mình thật vô lễ, tôi thật là hư đốn. Tôi gắp lại cái trứng cá vào chén, lặng lẽ đứng
dậy, bước ra khỏi mâm. Xuống bến, tôi nhảy xuống xuồng, mở lòi tói cố làm cho dây lòi tói
khua rổn rảng, khua thật to, rồi lấy dầm bơi qua sông. Tôi sang nhà ngoại. Tôi sẽ kể cho ngoại
nghe về người đàn ông lạ ấy đáng ghét như thế nào. Tôi cảm thấy ấm ức trong lòng. Má tôi có
sang dỗ tôi về, nhưng tôi không về. Có lẽ biết tôi về cũng sẽ làm cả nhà không vui nên má tôi
cũng chẳng ép. Đêm đó, tôi nằm ngủ cùng ngoại, ngoại hỏi tôi: “ Ba con, sao con không
nhận”, tôi trả lời ngoại rằng không phải. Ngoại nghĩ cha tôi đi lâu nên tôi quên, nhưng đâu
phải thế, những ngày ba đi, lúc nào tôi cũng lôi ảnh ba ra xem. Làm sao tôi quên cơ chứ. Tôi
bảo ngoại : “Ba không giống cái hình chụp với má” vì trên mặt ba có vết thẹo dài. Nghe tôi
trả lời vậy, ngoại cười lớn, cái cười làm tôi ngơ ngác và tò mò. Ngoại kể lại tội ác của mấy
thằng Tây ở đồn. Hoá ra vết thẹo ấy là ba tôi đi đánh Tây, Tây bắn bị thương. Bọn Tây độc
ác. Tôi chợt thấy thương ba, suốt đêm hôm ấy tôi trằn trọc không sao ngủ được, tôi ân hận về
thái độ ngang bướng của mình với ba những ngày qua. Tôi mong chóng cho đến sáng để được
về nhà gọi ba, được nói với ba lời xin lỗi.
Hôm sau, ngoại đưa tôi về sớm. Đã đến lúc ba phải trở lại chiến trường rồi. Mọi người đến
đông quá. Ba cũng đang phải tiếp khách. Má thì lo sửa soạn hành lí cho ba. Mọi người ai cũng
có việc của mình. Còn tôi, tôi cứ đứng lặng ở một góc. Tôi nhìn kĩ người đàn ông mà tôi đã
từng lạnh lùng, trốn tránh. Ngoài vết thẹo dài ra, tất thảy những điểm trên gương mặt ông đều
giống hình ba trong ảnh. Đó đúng là ba rồi. Vậy mà mình lại làm ba buồn. Suốt bao nhiêu
năm tôi chờ đợi ba, thế mà đến lúc ba đi tôi mới nhận ra ba … Ba ơi … Trời, ba vác ba lô lên
vai rồi … Ba đã bắt tay mọi người rồi … Ba nhìn tôi … Ba ơi … Từ trong sâu thẳm, tiếng ba
cứ thúc giục tôi nhưng cứ đến miệng là nghẹn đắng. Ba sắp đi rồi. Không biết ba có về không.
Không, tôi phải giữ ba lại. Ba nhìn tôi bằng đôi mắt buồn rầu, khe khẽ nói :
– Thôi ! Ba đi nghe con !
Vậy là ba tha thứ cho tôi. Ba vẫn nhận tôi là con. Ba thật hiền, tôi không thể mất ba thêm lần
nữa :
– Ba … a … a … ba !
Tôi đã kêu thét lên sau bao nhiêu sự đè nén. Tôi lao đến ôm chặt lấy ba. Tôi khóc :
– Ba ! Không cho ba đi nữa ! Ba ở nhà với con!
Ba bế tôi lên. Vòng tay ba thật ấm. Tôi hôn khắp mặt ba, hôn cả vết thẹo nữa. Cái gì của ba
tôi cũng quí. Tôi hôn tất cả như muốn xin lỗi tất cả, nhất là vết thẹo.
– Ba đi rồi ba về với con.
– Không.
Tôi hét lên. Tôi sợ ba khó giữ được lời hứa của mình. Tôi quắp chặt lấy người ba. Má tôi
bảo :
– Thu ! Để ba con đi. Thống nhất rồi ba con về.
Bà ngoại dỗ tôi :
– Cháu ngoại giỏi lắm mà ! Cháu để ba cháu đi rồi ba sẽ mua về cho cháu một cây lược.
Tôi biết là tôi không thể giữ ba lại được nữa, liền mếu máo :
– Ba về ! Ba mua cho con một cây lược nghe ba. Nói vậy chứ tôi chẳng cần một cây lược làm
gì. Tôi chỉ cần ba mà thôi. Thế rồi ba đi. Trong tâm trí non nớt của một đứa bé tám tuổi,tôi
không hề nghĩ đây lại là lần gặp mặt cuối cùng của cha con tôi. Ba tôi đã đi và không bao giờ
trở lại…
Tiếp bước cha tôi đi theo con đường cách mạng,tôi đã trở thành cô giao liên dũng cảm,kiên
cường. Một lần chặn địch tôi đã gặp được bác Ba. Sau một vài lời làm quen, bác đã nhận ra
tôi. Bác run run đưa cho tôi cây lược ngà, bác đã thực hiện lời hứa với ba tôi. Lúc ấy tôi ngạc
nhiên và xúc động lắm. Tôi biết ba đã mất nhưng tôi không ngờ ba vẫn giữ lời hứa với tôi –
một cây lược. Tôi đón nhận cây lược ngà như đón nhận một kỉ vật. Đó là tấm lòng của ba tôi,
là tình phụ tử thiêng liêng. Bác Ba nói dối tôi rằng ba tôi còn sống. Tôi biết bác sợ tôi buồn
nên nói vậy. Lòng tôi đau thắt khi nhớ tới ba. Dòng chữ “Yêu nhớ tặng Thu, con của ba”
được khắc tỉ mỉ, cẩn thận trên sống lược khiến tôi bật khóc. Tôi thương ba, nhớ ba nhiều.
Cuộc gặp gỡ với bác Ba chỉ diễn ra trong phút chốc rồi tôi và bác mỗi người lại đi mỗi ngả.
Sau ngày đất nước thống nhất, tôi gặp lại bác Ba. Bác kể cho tôi về ba. Bác bảo ba từ khi làm
được cây lược cho tôi, lúc nào cũng lấy ra chải cho cây lược thêm bóng, và cho đỡ nhớ tôi.
Trước khi ra đi, ba không nói được gì. Nhưng ánh mắt của ba làm bác Ba hiểu rằng cần phải
mang cây lược cho tôi. Trước khi mất, ba vẫn nghĩ đến tôi. Bọn giặc kia có thể giết chết ba
nhưng tình thương yêu mà ba dành cho tôi thì không bao giờ chết.
Giờ đây tôi đã khôn lớn,đã trưởng thành không còn là đứa trẻ bướng bỉnh khi xưa nữa mà biết
suy nghĩ,biết giúp ích cho đời.Trong tim tôi vẫn tôn thờ hình bóng ba kính yêu và dành một
khoảng trống để chất chứa tình yêu thương dạt dào ấy. Tôi không đơn độc,lẻ loi giữa cuộc đời
bởi tôi luôn có ba bên cạnh. Nhớ ba, yêu ba, tôi biết mình cần phải sống có ích.

You might also like