You are on page 1of 9

-MẸ TÔI KHÔNG KHÓC--

Tôi đi học về thấy một người đàn ông ngồi bó gối lọt thỏm trong chiếc ghế mây đặt giữa nhà,
trên tay ghế vắt vẻo chiếc áo vải ka ki màu nâu đất ngậm một bụng gió bay phần phật nhận từ
chiếc quạt bàn đang chạy phát ra tiếng kêu rẹt rẹt vẻ hờn trách. Cách cái bàn chân lùn là mẹ
đang ngồi trên chiếc ghế đối diện, tay phe phẩy quạt lan, những giọt mồ hôi trườn chậm rãi từ
cổ xuống xương ức, ánh mắt đỏ quạnh và hoang mang nhìn ông ấy đang miên man trong dòng
suy tưởng của chính mình.
Đó là một người đàn ông đã ngoài tứ tuần, có khuôn mặt nhàu nhĩ như quả táo tàu một nắng,
bé chỉ bằng bàn tay, sần sùi những vết lồi lõm, hai má hóp chặt chừng như có thể nhét vừa quả
chanh. Người gầy nhẳng, lớp da vừa đen lại mốc meo, duy chỉ có đôi mắt họa ra ánh lên tia
nhìn ơ hờ vờ vĩnh, hoang mang. Nó không biểu lộ bất kì điều gì ngoài việc cho thấy sự sống
còn sót lại trên cơ thể nhìn từ đầu đến chân chẳng bói được nổi chút gợi tình. Tôi đặt phịch cái
cặp lên bàn, mẹ nhác nhìn sang, ngón tay đưa lên miệng suỵt ra dấu bảo tôi giữ yên lặng “để
ông ấy ngủ”, rồi mẹ kéo tôi ra sau chái nhà thì thà thì thụt như buôn bạc giả.
Ông ấy là ai? Tại sao lại ở nhà mình? – Tôi hỏi trong khi mắt vẫn tò mò ngó về phía cửa sổ.
Mẹ lót dép ngồi bệt xuống nền đất, nhìn lên tàng cây sấu như đang tìm từ, tiếng mẹ nói lẫn
trong hơi gió rỉ rả đuổi bắt nhau “Ổng ngộ lắm” như không phải nói với tôi, cũng chẳng nói với
mình. Trong cách mẹ nói, từng âm sắc và cách nén hơi cho thấy sự hào hứng và cả tự hào
nhường nào, giống với một lời thú nhận khi con người ta sống cô độc và giấu mình quá lâu rồi
bỗng dưng có một quả bóng bay được thổi đầy hạnh phúc ai vừa đặt vào tay mình. Không cảm
động sao được.
Tôi ngừng việc thắc mắc về người đàn ông đang ngủ trong kia và cố vận hành bộ óc không
được thông minh lắm của mình để lí giải điều mẹ vừa nói. Nhưng tôi thấy mình bất lực ngay sau
đó khi ý niệm vừa vọt qua trong đầu đã mất dạng khi mẹ phủi hông lững thững đứng lên đi vào
căn bếp như thể tôi là người vô hình. Mẹ bước đi không một tiếng động, nhẹ như bông gòn.
Những chiếc lá buông mình xuống thật nảy rồi im lìm. Căn bếp của mẹ nằm dưới gốc cây đang
đổ một bóng râm hiền lành xuống khoảng sân đầy nắng trước mặt. Tôi thở dài thật khẽ, từ lúc
đó tôi biết chỉ có phép màu mới đưa được người đàn ông đó ra khỏi nhà mình.
Mẹ dọn gian chứa củi bên hông bếp, thêm chiếc giường mét hai, đặt chiếc tủ gỗ ép rẻ tiền gần
cửa sổ vào đấy cho người đàn ông ấy ở đó. Trên song cửa mẹ treo cả chiếc phong linh hình
sáo trúc, mà thanh âm réo rắt như tiếng than ai oán của nó thi thoảng vẫn khiến tôi chòng
chành mỗi giấc ngủ về đêm, thêm chậu hoa mười giờ đã nở bung những cánh hoa nhỏ xíu
hồng rực ỡm ờ với chùm nắng vàng hườm đang vuốt ve nhau. Song, có lẽ, những thứ như
nghệ thuật phải cần đến sự tinh tế để cảm thụ chừng như ông ấy còn khuyết thiếu. Cái bản mặt
đần đù và hơi bất cần của người đàn ông đó như một chứng nhân sống động cho một tâm hồn
cằn cỗi từ lâu đã chẳng có ai lưu tới và ở lại đủ lâu để làm nó ấm áp. Tệ nhất ông ấy không nhớ
nổi tên của mình, từ đâu đến và đã có gia đình chưa. Tôi nghĩ đã có một chuyện khủng khiếp
nào đó xảy ra trong quá khứ khiến cho những kí ức của ông ta bị bôi xóa hết. Mẹ tôi hỏi ông ấy
chỉ im lặng lắc đầu, nụ cười ngô nghê dài dại, nếu cười hết cỡ khuôn miệng chừng như bông
hoa dại mọc giữa mảnh đất nứt toác, trong ánh mắt có màu khói nhang cứ dùng dình tụ lại ở
đôi ngươi, không tan được. Như khói chẳng thể bay lên trong một buổi chiều không gió.
Bất lực mẹ đành gọi người đàn ông đó là An trong Bình an với mong muốn cuộc sống của ông
ấy từ nay luôn an nhiên, lòng sẽ không lay động trong những rộn ràng, sóng gió!. Nhưng tôi
thích gọi ông ấy là Cái Này. Mẹ tôi không phản đối cũng chẳng ủng hộ, mà giống như không
quan tâm.
Dăm ba bận gì đó tôi hỏi mẹ bố con đâu, mẹ chỉ trệu trạo nói “bố mày hẹn bình minh sẽ về đảo
lại viên ngói mà ông ấy đi riết hơn chục năm không thấy vác mặt về”. Nghe mọi người kể, ngày
ấy bố tôi cùng những người đàn ông trong xóm theo tàu ra khơi đánh cá, bất ngờ gặp cơn bão
lớn, sóng đánh bể tàu cá, nước tràn vào làm chiếc tàu chìm nghỉm. Những người còn lại đều
sống sót, chỉ có bố tôi nằm lại biển khơi vì ông không biết bơi. Dân đi biển không biết bơi, nghe
buồn muốn ói nhưng lại là sự thật. Bắt chuồn chuồn cắn nát rốn, người ta dạy bơi đủ kiểu
nhưng chả thấm gì, cứ xuống nước là chìm, như kiếp trước bố tôi nợ nần gì với nước vậy. Có
người hỏi sao không biết bơi vẫn đi biển, bố tôi chỉ cười hềnh hệch mà rằng “thà chết đuối vẫn
hơn là chết đói”. Tôi hiểu khi phải đứng giữa những nỗi sợ hãi, con người ta sẽ chọn cho mình
nỗi sợ êm ái và đẹp đẽ nhất. Có lẽ khi ấy bố tôi đã nghĩ như vậy. Các bà vợ nghe tin chiếc tàu
đánh gặp bão có chồng mình, ai nấy khóc lóc thảm thiết, chỉ có mẹ tôi là vẫn bình thản. Sáng
sau cơn bão, những người đàn ông trở về trên chiếc tàu của lực lượng Biên phòng. Dọc bờ
biển người dân xóm chài kéo nhau ra bờ biển đứng chật ních, tiếng gió rít, sóng rì rào, tiếng
người nói, tiếng khóc, rồi mùi hơi người, và cả mùi của chia li bao bọc một bầu không khí chẳng
gọi nổi tên. Khi những người đàn ông từ trên tàu bước xuống, chồng nào vợ nấy ôm hôn thắm
thiết, mình mình em em nghe sởn da gà. Cái việc mà ngày thường chẳng bao giờ làm, có nói
thì ông chồng lại nạt “cô có ăn nhầm cái gì không?” vậy mà khi ấy người ta quên hẳn sự
ngượng ngùng. Đám người thưa dần, bờ biển bỗng chốc chỉ còn mẹ đứng đó nhìn mãi về phía
biển. Mẹ không khóc.
Người xóm chài nói mẹ là người đàn bà vô tình, tim gan chó tha mất, chồng mất không nhỏ
được giọt nước mắt, dù là giả lả để che mắt thiên hạ, không cả ban thờ. Có người ức thay cho
bố tôi và không ngại mà vỗ thẳng mặt mẹ rằng “cô là loại vợ gì?”. Mẹ tôi chỉ thở dài bảo “chết
phải có xác”, ánh mắt mẹ nhìn ánh nắng xiên qua khe hở trống hoác trên trần nhà giữa hai viên
ngói mà không biết che bằng gì, cũng như trong lòng mẹ luôn có một khoảng trống bố đã để lại.
Nhưng có một giai thoại ít người biết về mẹ tôi, ngày ngoại còn sống, ngoại từng kể, ngày sinh
mẹ tôi mẹ không hề khóc, phát đến đỏ mông mỏi tay mẹ vẫn không khóc, chính xác là chỉ có
duy nhất một tiếng kêu ngắn ngủi, nó mỏng, yếu ớt và nhỏ đến mức ngay cả ngoại và bà đỡ
không dám chắc đã nghe thấy. Từ lúc ấy ngoại đã đoán định được phần nào đó về cuộc sống
sau này của đứa con gái bé bỏng. Đến khi lớn hơn, những lần mẹ bị đòn roi của ngoại, khi chia
tay mối tình đầu, mẹ cũng không khóc. Thậm chí khi ngoại mất mẹ tôi cũng không nhỏ được
giọt nước mắt nào. Trong đám tang ngoại, làng xóm nói mẹ tôi là đứa con gái máu lạnh!
Không biết khóc hoặc không khóc được, dù có nhìn phương diện nào, đó sẽ là sự thiệt thòi vô
cùng lớn đối với một người phụ nữ. Họ bị tước đoạt đi sự yếu đuối, sự chở che của người đàn
ông và cả quyền năng của hạnh phúc. Nhìn những người phụ nữ như vậy luôn tạo cho người
đối diện cảm giác về một người bất cần, có cả sự vô cảm, thậm chí là đáng thương.
Chuyện một sáng nọ, trong nhà hai mẹ con bà (góa), không còn từ nào thích hợp hơn thế, ông
chồng đi rồi không thấy về, người vợ thành mồ côi chồng, bỗng xuất hiện bóng dáng một người
đàn ông nhanh chóng truyền đi khắp cái làng chài bé bằng mắt muỗi, tới từng xó xỉnh, chiu vào
từng góc giường như một thứ bệnh dịch, thành chủ đề đem ra mổ xẻ cho những người rảnh
thích hóng hớt chuyện nhà hàng xóm. Người ta xì xào bàn tán đến tai mẹ nhưng xem chừng bà
chẳng đoái hoài, đi đường đầu vẫn ngẩng cao, cười nói đon đả khi gặp người quen. Họ nói mẹ
tôi không biết xấu hổ, đưa đàn ông về nhà mà mặt vẫn câng câng. Thế có ghét không cơ chứ.
Chắc mẹ tôi phải cúi gằm mặt khi đi ra đường, đội cái nón kéo che hết mặt, thái độ phải tỏ ra sợ
hãi, nhún nhường thì người ta mới hả hê, mới thấy tội nghiệp “chắc nó xa chồng lâu quá”.
Những người hay hóng hớt chuyện nhà hàng xóm còn không buông tha cho cả một đứa trẻ như
tôi. Họ nói Cái Này sẽ lấy mất mẹ và đuổi tôi ra khỏi nhà, rằng tôi phải trông chừng ông ấy, có
khi còn bắt cóc tôi bán sang Trung Quốc và nhiều thứ đáng sợ khác. Với sự ích kỉ và ma mãnh
của con bé muời ba tuổi, tôi tin ngay những lời độc địa ấy là sự thật. Tôi lo sợ và tức giận thật
sự, chính điều đó châm ngòi cho trái bom trong người tôi chỉ chờ ngày phát nổ. Nhưng tôi thấy
mối lo sợ ấy không thường trực, chúng chỉ như một cơn mưa lạnh miết dọc sống lưng của tôi
thôi.
Cả ngày Cái Này chỉ ngồi yên một chỗ, góc cửa sổ nhìn ra bờ giậu có hàng trắc bách diệp có lá
mọc đối nhau thành mặt phẳng thẳng đứng tựa như những người lính đang đứng gác. Chỗ đó
là góc nhìn yêu thích của ông ấy. Cái Này nhìn chăm chú đến nỗi không ít lần tôi tưởng ông ấy
đã hóa đá, ánh mắt màu khói nhang luôn tạo cho người khác cảm giác về một con người có
cuộc đời nhiều giông bão. Cái ý nghĩ muốn nhảy xổ vào ngồi trong đầu Cái Này xem ông ấy
đang nghĩ gì luôn gợi cho tôi nhớ đến quãng thời gian tôi mới sáu tuổi. Khi ấy tôi thường xuyên
bị ám ảnh bởi những cơn mộng mị, hình ảnh của mẹ đứng ngoài bờ biển, cầm chiếc đèn dầu
trên tay chỉ chực tắt trước những cơn gió đang thét gào mang nỗi bất lực đến cùng cực. Có khi
mẹ lại đi xa về phía mép nước mềm mại như một tấm vải lụa, mới đấy còn gợn sóng phút chốc
đã phẳng lặng đến rùng mình khiến tôi thấy bất an, tôi đã ôm ngực gào lên “mẹ đừng đi” nhưng
tiếng sóng biển ầm ì chừng như đã nhuốt chửng tiếng hét của tôi để nhả vào không gian thứ
âm thanh réo rắt giống con chim lạc bầy. Có lúc mẹ lại chạy dọc trên bờ biển chỉ để đuổi theo
bóng một chiếc tàu nào đó vừa ngang qua, rồi lại thấy mẹ nằm co mình trên bãi cát, mặc cho
nước tạt vào người. Trong những giấc mơ ấy tôi luôn bắt gặp mình hóa thành chiếc đèn hải
đăng rọi xuống mặt biển những chùm sáng màu khói trắng nhưng tôi bất lực nhận ra ánh sáng
của mình chẳng thể soi tới nơi mẹ đang đứng. Những giấc mơ ấy cứ lập đi lập lại, đến nỗi tôi
không còn phân biệt được giữa đời thực và mơ.
Cho này…
Tiếng của Cái Này làm tôi giật mình, thoát khỏi dòng suy nghĩ, nhìn lên đã thấy ông ta đưa cho
tôi cái gì nhàu nhĩ và mềm queo mà tôi phải nhìn mãi mới hình dung ra đó là một con hạc giấy
được gấp từ mảnh báo cũ, với cái đầu nghẹo về một bên, hai cánh cũng rũ xuống như vừa bị
nhúng nước. Tôi đã nhắc mình không được nhận nhưng khi nhìn vào cử chỉ, cách ông ta chụm
hai tay lại, đặt con hạc ở giữa hết sức nâng niu như thể sắp trịu xuống nếu tôi không cầm, rồi cả
ánh mắt cụp xuống tỏ ra đáng thương hoặc cố làm ra vẻ như vậy, nhưng tất cả đều gợi cho tôi
liên tưởng đến sự chân thành. Tôi cầm nó và tự nhủ cái thứ vớ vẩn này chẳng đáng gì, ngay lúc
đó, trước mặt ông ta, tôi vò nát rồi vứt vào bếp lửa đang cháy bằng tất cả sự ích kỉ của mình.
Ông ta lầm lũi quay người đi, nhìn hình ảnh này, hình như trong tôi bỗng thấy yếu mềm.
Cái Này có vấn đề về tâm thần ai cũng biết, nhưng việc ông ấy đi ăn trộm nhà hàng xóm thì mẹ
con tôi chưa từng nghĩ tới. Đó là một buổi trưa, cái nắng oi nồng như muốn nuốt chửng cái xóm
chài vào bụng lửa mà thiêu cháy. Mẹ đang ngồi cạp lại chiếc rổ đã bật những thanh nan, còn tôi
nằm chình ình trên giường mắt lim dim ngủ. Bỗng có tiếng náo động gì đó từ ngoài cổng vọng
vào, tiếng chó sủa, sau đó có tiếng bước chân uỳnh uỵch chạy vào trong nhà tôi.
Cô Năm ra nhanh không người ta đánh chết anh ta rồi.
Mẹ tôi vất cái rổ quay tròn trên nền nhà rồi chạy ra ngoài, tôi thấy vậy cũng đi theo. Hai mẹ con
tôi ra đến đầu ngõ đã thấy một đám người đứng vây quanh Cái Này, ông ấy đang nằm co trên
đất, quần áo rách tả tơi, khắp người đều có vết bầm tím do bị đánh đập. Chắc Cái Này chắc đã
bị bọn họ đánh rất tàn nhẫn mới ra nông nỗi như vậy. Tôi chỉ đứng ở phía xa hả hê nhìn cảnh
hay trước mặt, còn mẹ chạy lại can ngăn, hỏi sao mọi người lỡ đối xử như vậy với người không
bình thường. Từ đám đông, tiếng bác Tư Hùm sang sảng nhà ở cách nhà tôi mấy dãy nói, trong
lúc bác ta đang ngủ trưa, Cái Này đã lẻn ra vườn sau để trộm trứng vịt. Bị bác bắt quả tang
nhưng ông ấy vẫn làm ngơ tiếp tục bỏ trứng vào áo mà không có ý định dừng lại hay tỏ ra sợ
hãi. Như vậy bác Tư Hùm đã không tức giận kêu mọi người đánh ông ta như vậy. Mẹ tôi nghe
xong mặt nghệt ra như chính mình là người bị làm nhục. Sự thích thú của tôi chỉ chấm dứt khi
việc ngay đến trong mơ tôi cũng không ngờ mẹ sẽ làm, bà cúi dập đầu xuống đất lạy lục van xin
họ như thánh sống, tha cho người đàn ông đang nằm trên đất – một người dưng. Tôi không sao
cắt nghĩa được việc mẹ đang làm, và tất cả những việc trước đây cũng vậy. Thật ra mẹ tôi
chẳng cần làm như vậy họ cũng chán vì đã xả xong cơn giận, dẫu gì cũng chỉ có mấy quả trứng
vịt. Nhận thấy chẳng còn gì để xem, dân trong xóm nhanh chóng giải tán, để lại những ánh mắt
khinh khi, lời xì xào đổ lên người mẹ tôi còn vọng lại từ xa lắc. Khi mẹ ngẩng đầu lên, xung
quanh đã không còn một bóng người.
Cái Này bị đánh nhưng ông ấy vẫn nằm co người như đang cố giấu giếm gì đó, mẹ đỡ ngồi dậy
thấy một quả trứng vịt được bọc thật kĩ trong lớp vải áo rách tơi. Cái Này rụt rè chìa quả trứng
ra trước mặt mẹ, bỗng dưng ánh mắt ông ấy chừng như đang gửi đi một thông điệp “tôi biết em
thích món trứng luộc chấm muối tiêu”. Mẹ cảm kích đến độ đã hóa đá mất rồi, tôi không biết đó
là cảm giác gì nhưng có lẽ rất thiêng liêng. Trong chính giây phút ấy, sự khẩn thiết trong đôi mắt
ánh lên tia nhìn hoang mang của mẹ, gợi cho tôi chút gì đó của sự trìu mến dành cho Cái Này,
tôi lờ mờ đoán định được rằng hai người họ sẽ xảy ra một chuyện nào đó trong tương lai. Ý
nghĩ ấy làm tôi phát phiền.
Sau lần đó tôi ghét Cái Này hơn.
Cái Này lúc này so với lần đầu đến nhà tôi chừng như là hai con người hoàn toàn khác, da dẻ
ông ấy có chút hồng hào, bộ khung xương đã đầy đặn, và điều đáng kể nhất là Cái Này đã làm
được những việc đơn giản do mẹ tôi kiên nhẫn chỉ bảo, ông ấy cũng nói nhiều hơn trước.
Không lâu sau đó Cái Này nhanh chóng thế vào vị trí của người đàn ông trong nhà. Chiếc chân
ghế lắc lư bao năm nay giờ đã vững chắc, khe hở giữa hai viên ngói trên nóc nhà bố từng hứa
sẽ về lợp lại cũng được Cái Này làm thay. Tôi không phủ nhận rằng từ ngày ông ấy sống cùng
hai mẹ con – trong nhà có người đàn ông, tôi cảm nhận được sự bảo bọc và bình yên không
tưởng. Nhưng những cảm giác bình yên mang tính tạm bợ ấy không đủ làm tôi hài lòng. Trong
thâm tâm tôi vẫng chờ cơ hội để cắt đứt mối quan hệ mà ngay từ đầu không nên bắt đầu.
Rồi cơ hội ấy cũng đến. Một ngày nọ, tôi nhân lúc mẹ đi ăn đám giỗ ở xóm trên để thực hiện kế
hoạch của mình. Trong nhà chỉ còn tôi và Cái Này, một người đàn ông ngô nghê hệt một đứa
trẻ lên ba sẽ chẳng ngờ rằng tôi đang dần đưa ông ấy đến một trò mưu ma chước quỷ nào đó.
Bỗng dưng tôi tỏ ra thân thiện và tử tế với ông ấy đến phát tởm, tôi gần như có cảm giác nôn ọe
khi đang đóng kịch để lừa một người yếu thế hơn mình. Tôi bảo Cái Này đi cùng mình lên phố
huyện để mua một chút đồ, ông ấy chẳng mảy may nghi ngờ vui vẻ gật đầu. Lần đầu tiên tôi
ngồi sau một người đàn ông, tấm lưng rộng chừng như đang che chắn mọi nắng gió cho tôi
bóng mát và sự bình yên, điều mà tôi chưa từng có với bố. Bỗng dưng tôi thấy lòng mình chùng
xuống thật nhanh, thật nhẹ. Trong khoảnh khắc nào đó tôi gần như đã mềm lòng, ý nghĩ muốn
dừng cái việc điên rồ mình sắp làm mỗi lúc càng trở nên mạnh mẽ. Nhưng phần xấu xa đã
chiến thắng sự lương thiện trong con người tôi. Đi đến gần chợ huyện, tôi dắt theo xe đạp và
dặn Cái Này không được đi đâu, đứng yên ở đó đợi tôi vào mua đồ. Tôi dắt xe vào chợ rồi đi
vòng ngay ra cổng sau như một tên cướp đang bỏ chạy khỏi nạn nhân của mình. Khi đã chắc
chắn thoát khỏi tầm mắt của Cái Này, tôi phóng thẳng về nhà mà không mảy may áy náy.
Tôi về nhà thấy mình nhẹ tênh như vừa trút được gánh nặng. Khoảng cách chỗ tôi bỏ rơi Cái
Này đến nhà tôi khá xa và khó nhớ nổi những ngã rẽ. Với tâm trí bất ổn như của ông ấy, việc
tìm được đường trở về nhà tôi chỉ còn mong vào kì tích. Vậy mà kì tích thực sự đã xuất hiện, tối
hôm đó khi tôi đang ngồi ở hàng hiên để khỏi trông thấy khuôn mặt rầu rĩ của mẹ vì Cái Này tự
dưng bỏ đi không một lời từ biệt. Từ phía cổng tôi chợt thấy một bóng người đổ vệt dài trông rất
quen trên nền sân bê tông. Tôi kinh ngạc đến mức đã suýt bật tiếng kêu ra khỏi cổ họng khi
nhận ra cái bóng đó chính là Cái Này.
Ông ấy xuất hiện trước mặt tôi với hình dung như lần đầu tiên gặp, có khác là đôi mắt của ông
ấy đang nhìn tôi lúc này thật sự hoang vắng và bình thản đến rùng mình. Không một lời trách
cứ, không thắc mắc. Cái Này vẫn im lặng như ông ấy đã từng. Tội lỗi của tôi bị chôn vùi từ lúc
ấy, nhưng nó lại là thứ ám ảnh tôi mãi cho tới tận bây giờ, và chắc còn lâu hơn thế.
Có khi tôi bất chợt bắt gặp ánh mắt của Cái Này đang nhìn chiếc phong linh trên song cửa sổ,
tôi hoảng hốt nhận ra ông ấy dường như đã phải trải qua điều gì đó kinh khủng trong quá khứ,
nhưng tôi không làm cách nào xoa dịu được nó. Vì tôi chưa bao giờ thừa nhận rằng mối quan
hệ của chúng tôi thuộc diện để tôi phải làm điều đó. Cứ như vậy, chúng tôi đi bên cạnh cuộc
sống của nhau mà không ai dám bước gần hơn về phía người đối diện. Hoặc chỉ có Cái Này là
muốn phá bỏ lớp rào cản đang ngăn cách giữa tôi và ông ấy.
Thời gian gần đây Cái Này hay đi cùng mẹ ra bờ biển chờ những tàu cá về trước bình minh để
nhặt những con tôm con cá còn sót lại trên tấm lưới, rồi lại đem ra chợ bán lại cho người khác.
Có khi ông ấy và mẹ lại cùng nhau đi nhặt những con ốc ngón tay dọc theo bờ biển, hình ảnh
ấy giống như hai ngôi sao xuất hiện trong một bức tranh vẽ khung cảnh yên bình. Người trong
xóm chài cũng dần quen với sự có mặt của Cái Này bên cạnh mẹ tôi, chấp nhận ông ấy như
một việc không thể khác, như là sự sắp đặt của số phận. Bỗng một đêm nọ, mẹ lặng lẽ ngồi bên
cạnh giường của tôi, nằm xuống, kéo chăn lên ngang người mình, vòng tay qua eo ôm lấy tôi
thật nhẹ. Trong khi tôi vẫn nằm im vờ như đang ngủ thì giọng của mẹ lẫn vào tiếng tích tắc của
chiếc đồng hồ trên kệ giường “Dung này”, từng âm tiết trong tên của tôi bỗng ánh lên như vừa
được phớt lớp nhũ kim tuyến. Tôi nghe trong cách gọi tên của mẹ có cả sự trìu mến đầy gợi
cảm mà lần đầu tiên tôi cảm nhận được, pha chút gì đó của sự xoa dịu “Nhà mình đã yên lặng
hơn chục năm nay kể từ ngày bố con bỏ mẹ đi. Giờ có ông ấy (mẹ đang nhắc đến Cái Này), có
tiếng động trong nhà, mẹ cũng thấy yên tâm hơn”. Nghe mẹ nói những lời này, tôi mới hiểu ra
rằng, tôi và mẹ giống nhau: “Chẳng có đủ tiềm lực để sống đúng với con người mình, nên cố
tìm cách để làm vừa lòng người khác”. Rằng tôi vừa thấy một phần nhân cách khác bên trong
con người thật của mẹ, nó yếu mềm nhưng cũng quá đỗi chông chênh. Vì mẹ mang trong mình
nhiều nỗi sợ hãi, bất an nên những năm tháng bố vắng nhà, buộc một người đàn bà trong mẹ
phải mạnh mẽ, phải kiêng cường và xem mọi sóng gió trước mặt đều bình lặng, không gay gắt
cũng chẳng oán thương và không cả nước mắt. Để rồi Cái Này xuất hiện, ông ấy giống như một
vì sao (tôi không nghĩ ra cách ví von nào thích hợp hơn thế) ẩn lấp đâu đó trên bầu trời mà mẹ
tôi vừa tìm thấy. Tôi không biết có nên gọi đây là một câu chuyện tình truyền kiếp giữa hai
người họ, nhưng kì thực, tôi chưa bao giờ tin giữa họ tồn tại thứ gọi là tình yêu. Nhưng trên hết
tôi biết mẹ cần Cái Này. Một thứ tình nghĩa không rõ ràng, cũng khó để gọi tên nhưng lại bền
chặt vô cùng.
Rồi cũng đến một ngày: Cái Này ở chung phòng với mẹ. Tôi đón nhận chuyện này với tâm thế
bình thản, không phẫn nộ, không thắc mắc. Nhưng tôi biết từ trong thẳm sâu lòng mình tôi vẫn
không thể chấp nhận được Cái Này. Tôi ghét khi nghĩ rằng ông ấy đang dần thay vị trí của bố
tôi trong tim mẹ. Cho dù chưa một lần tôi được nhìn thấy bố, dẫu chỉ qua ảnh. Nhưng ông ấy
vẫn là người bố duy nhất của tôi.
Quan hệ giữa mẹ và Cái Này tuy không công khai nhưng một kẻ thiểu năng cũng có thể nhận
ra ánh mắt của hai người tràn đầy hạnh phúc và mãn nguyện. Cái Này ra giáng một người
chồng, người trụ cột trong nhà, mẹ sóng vai là một người vợ. Chỉ có tôi là người thừa trong viễn
cảnh một gia đình hạnh phúc của hai người. Không ai nói nhưng tôi nghĩ vậy.
Thời gian này Cái Này đang tập theo các tàu cá ra khơi. Mẹ ngoài công việc thì giờ có thêm mối
bận tâm là ngóng chiếc tàu cá có ông ấy trở về vào lúc bình minh. Mỗi đợt ra khơi dao động từ
mười ngày cho tới một tháng, họ trở về cùng khoang đầy cá và nụ cười rạng rỡ của những
người đàn ông sau một chuyến ra khơi bám biển dài ngày. Lần nào trở về Cái Này cũng có quà
cho tôi, khi là rặng san hô màu đỏ, lúc lại là con ốc biển, có khi còn cả những con sao biển mắc
vào lưới đánh cá. Hoặc ông ấy sẽ lặn xuống biển để tìm những thứ ấy chỉ vì một lời nói bâng
quơ của tôi. Tôi chẳng hám gì mấy thứ vớ vẩn ấy, tôi chỉ đang muốn hành ông ấy mà thôi.
Nhưng trái với những gì tôi nghĩ, Cái Này luôn làm việc đó với một sự yêu thích và tỉ mẩn vô
cùng mà chẳng có chút gượng ép nào.
Tôi là loại người luôn thay đổi theo những ý nghĩ thất thường hết ngày này sang tháng nọ, hoặc
tự giày vò bản thân bằng cảm giác bất an rằng đến một lúc nào đó Cái Này sẽ đưa mẹ đi thật
xa, biến mất khỏi cuộc sống của tôi. Thậm chí chúng còn theo tôi cả trong những giấc mơ. Tôi
thấy mình bỗng dưng biến thành chiếc cột nhà sần sùi và lạnh lẽo, đứng nhìn mẹ với nỗi bất lực
không sao xoa dịu được. Ở đó, tôi cảm nhận một cách rõ nét cảm giác đau buồn tăng lên gấp
bội, lòng thắt lại, tưởng chừng vừa bị ai đó đưa tay vò. Đau chết đi được. Nhưng khi ở cùng
một nhà với Cái Này, sự có mặt của ông ấy chừng như tỏa ra bầu không khí xung quanh có khả
năng chặn lại những ý nghĩ xuẩn ngốc nhất. Cái Này luôn nhã nhặn và dễ chịu với hầu hết
những thứ quanh mình. Vì ở ông ấy không có sự chênh chao, mọi thứ dị thường khi ở cạnh
người đàn ông này đều bình thường hết. Đối với một đứa có quá nhiều thứ bất ổn như tôi quả
thực là quá sức khi phải cố dung hòa với Cái Này.
Tôi không biết bao giờ cuộc sống của mình mới kết thúc những chuỗi ngày đấu tranh giành giật
giữa hai phần nhân cách độc ác và lương thiện trong con người mình.
Rồi đến một ngày tôi không còn khả năng kiểm soát cảm xúc của mình khi tình cờ nghe được
câu chuyện giữa mẹ và Cái Này lúc đi ngang qua cánh cửa phòng khép hờ. Mẹ thẹn thùng nói
mình đã có thai, tức là tôi sắp có em. Nhưng tôi lại thấy mặt mày xây xẩm. Mọi sức lực của tôi
bỗng dưng bị rút cạn, tôi như người không trọng lượng, cảm giác mình bị đẩy ra rìa cuộc sống
của mẹ khiến tim tôi đau thắt lại, từng tia máu dưới lớp da đang căng phồng lên, các nơ ron
thần kinh đều đã mất dần cảm giác. Điều duy nhất tôi còn nghĩ được trong lúc này đó là: Trả thù
Cái Này.
Đó là một buổi chiều cuối tháng chạp khi mùa đông mới chỉ vừa chạm ngõ. Bầu trời dày mây,
chừng như gió cũng bị ai giam hãm khiến cho bầu không khí trở nên bí bách và ngột ngạt y như
đang bị nhốt trong một chiếc chai bị bịt kín đầu. Tôi đẩy cửa phòng của Cái Này, trong tay đã
cầm sẵn một thanh sắt to bằng nửa cổ tay, dài chừng nửa thước. Tôi ghét nhìn cái cách ông ấy
sắp xếp mọi thứ đều cẩn thận và tỉ mỉ như thế. Khi Cái Này trở về sau chuyến đi biển đợt này,
ông ấy sẽ thấy mọi thứ mình đã lưu giữ và chăm sóc đều không còn giữ được hình dáng ban
đầu. Ý nghĩ đó khiến tôi sung sướng đến mức bật cười thành tiếng. Tôi bắt đầu việc thực hiện
âm mưu của mình, trước tiên là giật chiếc phong linh trên song cửa sổ xuống, dùng gậy sắt đập
nát ra, hất đổ những chậu hoa nhỏ trên bậu cửa sổ, rồi lục tung những thứ đồ cá nhân của Cái
Này đem vất hết xuống đất. Từ trong chiếc túi bộ đội màu xanh đậm, rơi ra một cuốn sổ nhỏ
bằng bàn tay. Bên ngoài gió thổi lật lớp bìa mỏng để lộ những dòng chữ thô kệch, méo mó. Nó
giống một cuốn nhật kí, tôi khẽ rùng mình khi nhìn trong ma trận những hàng chữ run xéo ấy có
tên mình. Ngay từ những trang đầu tiên cho tới ngày gần đây, tất cả đều viết về tôi. Về ngày
đầu tiên tôi nhìn thấy Cái Này ngủ trên ghế nhà tôi, những bữa cơm tôi ngúng nguẩy không chịu
ăn, con hạc giấy ông ấy tặng tôi đã đốt cháy, cả lần tôi bỏ ông ấy ở cổng chợ rồi trốn về…còn
nhiều việc khác nữa. Tất cả đều được Cái Này ghi lại từng chi tiết rất cẩn thận. Nhưng từ đầu
đến cuối tôi không thấy bất kì một lời trách móc nào từ ông ấy, ngoại trừ: Xin lỗi. Từ đầu đến
cuối chỉ có mình tôi làm sai, từ đầu đến cuối vẫn là Cái Này bao dung và tha thứ hết cho tôi.
Câu cuối cùng ông ấy viết cách đây vài ngày trước khi đi biển chỉ vỏn vẹn “Giá mà con bé có
thể gọi mình một tiếng bố”. Tôi nắm chặt cuốn sổ và chạy như bay ra ngoài bờ biển đón tàu cá
về khi trời đang xuống thật thấp.
Tôi chạy ra đến nơi cũng vừa lúc tàu cập bến, tôi nhận ra mẹ đang đứng ngược sáng, nổi bật
trong đám đông với chiếc áo bà ba màu tím, khăn rằn vắt hờ trên vai, ánh mắt nhìn về phía
trước với niềm hân hoan và hi vọng. Trên tàu khoang chứa đầy hải sản tươi sống hứa hẹn
những ngày lo đủ, nhưng khuôn mặt của những người đàn ông trên con tàu ấy có gì đó tiều tụy
và rất mệt mỏi. Tôi cố căng mắt ra nhìn xem Cái Này đang đứng ở đâu trên con tàu ấy nhưng
những gương mặt kia cứ chồng lên nhau, mờ dần rồi tan ra như màu khói nhang. Tôi lờ mờ
thấy một người đàn ông bước xuống, hai tay đang nâng một vật gì đó tiến đến và trang nghiêm
trao lại cho mẹ. Một chiếc áo kaki màu xanh đậm và con sao biển, những kỉ vật cuối cùng của
Cái Này. Mẹ tôi khụy hai chân, cúi xuống ôm chiếc áo và con sao biển vào lòng.
Tôi chạy dọc bờ biển, nhìn những con sóng trắng xóa mà hét lớn “Bố ơi, hãy trở về”.
Mẹ tôi không khóc…

You might also like