You are on page 1of 3

ĐỀ BÀI: Phân tích 8 câu cuối đoạn Kiều ở lầu Ngưng Bích

(Trích Truyện Kiều – Nguyễn Du)


Bài Làm
“Tiếng thơ ai động đất trời
Nghe như non nước vọng lời ngàn thu.
Nghìn năm sau nhớ Nguyễn Du
Tiếng thương như tiếng mẹ ru những ngày.”
(Kính gửi cụ Nguyễn Du – Tố Hữu)
Lời thơ của Tố Hữu trong bài thơ Kính gửi cụ Nguyễn Du thật chân thành và xúc động, đã
nói thay biết bao người Việt về những đóng góp to lớn mà đại thi hào Nguyễn Du đã mang đến
cho văn học dân tộc ta. Có thể nói Truyện Kiều của Nguyễn Du là áng văn chương độc nhất vô
nhị của văn học trung đại Việt Nam. Bằng tài năng và tấm lòng cảm thương sâu sắc, nhà thơ đã
viết nên những trang thơ tuyệt tác, thấm đẫm nước mắt về số phận bất hạnh của nàng Kiều.
Trong đó, tám câu thơ cuối đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích là một thành công xuất sắc
của Nguyễn Du trong nghệ thuật miêu tả tâm trạng:
Buồn trông cửa bể chiều hôm
Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa?
Buồn trông ngọn nước mới sa
Hoa trôi man mác biết là về đâu?
Buồn trông nội cỏ rầu rầu
Chân mây mặt đất một màu xanh xanh
Buồn trông gió cuốn mặt duềnh
Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi.
Nhắc tới Nguyễn Du là ta đang nhắc đến đại thi hào của dân tộc, một tác giả có nhiều đóng
góp cho sự phát triển của nền Văn học trung đại Việt Nam. Sống vào khoảng cuối thế kỉ 18-nửa
đầu thế kỉ 19, thời kì xã hội phong kiến có nhiều đổi thay, đất nước có nhiều biến động, mặc dù
xuất thân trong gia đình quyền quý nhưng cuộc đời của ông cũng có nhiều thăng trầm, khổ cực.
Lưu lạc nhiều năm trên đất Bắc, từng làm quan, đi sứ, ông học rộng hiểu nhiều nên vốn sống rất
phong phú. Đây chính là nguồn cảm hứng chính để ông viết nên Truyện Kiều_một kiệt tác văn
chương của văn học Việt viết bằng chữ Nôm, một câu chuyện dài kể bằng thơ lục bát. Thật ra
Truyện Kiều được sáng tác dựa trên 1 tiểu thuyết của Thanh Tâm Tài Nhân bên Trung Quốc
“Kim Vân Kiều truyện”, nhưng Nguyễn Du đã sáng tạo và đặc biệt đưa thêm những văn hóa,
cách sống của người Việt để kể câu chuyện của riêng mình. Cái tài của Nguyễn Du là viết về
cuộc đời nàng Kiều nhưng người đọc lại tìm được một phần chính cuộc đời của mình trong đó.
Bởi vậy, từ xa xưa, Truyện Kiều đã là một cuốn sách gối đầu giường không chỉ cho tất cả mọi
người, kể cả người bình dân. Đoạn trích “Kiều ở lầu Ngưng Bích” nằm ở phần thứ hai "Gia biến
và lưu lạc". Sau khi biết mình bị lừa vào chốn lầu xanh, Kiều uất ức định tự vẫn. Tú Bà sợ mất
vốn, bèn lựa lời khuyên giải, cho người mua thuốc thang và hứa hẹn khi nàng bình phục sẽ gả
nàng cho một người đàn ông tốt nhưng thực chất là giam lỏng Kiều ở lầu Ngưng Bích, chờ thời
cơ thực hiện âm mưu mới đê tiện hơn, tàn bạo hơn. Lầu Ngưng Bích là điểm đầu tiên trên con
đường lưu lạc đầy máu và nước mắt, cay đắng và tủi nhục suốt 15 năm của nàng Kiều. Đoạn
trích trên là những lời tự bộc bạch, là nỗi lòng cô đơn, buồn tủi của Kiều khi nghĩ về số
phận đớn đau của đời mình.
Với bút pháp tài hoa của Nguyễn Du trong nghệ thuật miêu tả nội tâm nhân vật thông qua
bút pháp tả cảnh ngụ tình, trong cảnh có tình, trong tình có cảnh, toàn bộ tâm trạng khổ đau, bế
tắc của nàng Kiều đã được tái hiện thật rõ nét. Có thể nói đoạn thơ là một bức tranh tâm cảnh đầy
xúc động. Điểm nhấn trong đoạn trích này chính là sự trải dài của nỗi buồn đau, sợ hãi trong từng
câu chữ. Cuộc đời Kiều ngày vui thì ít mà chuỗi ngày đau thương sầu khổ thì kéo dài miên man.
Nguyễn Du đã từng viết:
Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu
Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ
Và hôm nay, cô gái trẻ vừa bước vào tuổi xuân thì với bao khát khao mơ mộng lại đang đối
mặt với cảnh giam lỏng ở lầu xanh, thử hỏi sao mà nàng Kiều không sợ hãi, đau khổ. Hai tiếng
“Buồn trông” được lặp lại bốn lần trong đoạn thơ như một điệp khúc vừa giúp ta cảm nhận thấm
thía tâm trạng cô đơn của Kiều khi ở lầu Ngưng Bích, đồng thời cũng tạo nhịp điệu buồn thương
da diết như những con sóng lòng lớp lớp dồn dập trong lòng nàng. Giữa một không gian bao la,
vắng lặng, tâm trạng buồn tủi của Kiều đã gửi gắm hết vào cảnh vật thiên nhiên xung quanh
mình. Mỗi cảnh vật là một nét riêng nhưng đều diễn tả tâm trạng buồn đau, cô đơn của nàng:
Buồn trông cửa bể chiều hôm
Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa?
Cái hay trong nghệ thuật tả cảnh ngụ tình của Nguyễn Du chính là tạo ra sự đối lập đến tận
cùng trong các hình ảnh để người đọc tưởng tượng, cùng đồng cảm với nhân vật một cách tuyệt
đối. Trong hai câu thơ trên, tác giả đã mở ra khung cảnh với một cánh buồm thấp thoáng nhỏ bé
trên biển giữa mênh mông trời chiều hoàng hôn thật cô độc, lẻ loi và cánh buồm ấy có thể bị
những con sóng lớn nhấn chìm giữa ngút ngàn của biển khơi vô tận! Không gian rộng lớn, vắng
lặng, quạnh hiu của cửa bể như đang thể hiện rõ thân phận nhỏ bé, cô đơn, bơ vơ của Kiều. Cảnh
vật ấy lại hiện lên vào buổi chiều hôm – cái thời khắc thường gợi nhớ, gợi buồn, gợi bao nhiêu
nỗi niềm trong tâm hồn người con gái trước những sóng gió bất ngờ ập tới cho cuộc đời nàng.
Giữa khung cảnh ấy, Kiều cần lắm một hơi ấm, một hình ảnh của sự sống con người: “Thuyền ai
thấp thoáng cánh buồm xa xa?”. Con thuyền, cánh buồm trên mặt biển chính là dấu hiệu cho sự
sống mà nàng Kiều đang mong ngóng trên kia. Thế nhưng, nó lại chỉ “thấp thoáng” ở mãi tận “xa
xa” mờ ảo quá, lênh đênh quá! Bởi thế, cánh buồm ấy chẳng thể làm cho cảnh chiều hôm trở nên
ấm áp, gần gũi, thân mật hơn mà ngược lại càng gợi buồn, gợi cảm giác cô đơn trong lòng Kiều
khi phiêu dạt nơi chân trời góc bể, nơi đấ khách quê người.
Buồn trông ngọn nước mới sa
Hoa trôi man mác biết là về đâu?
Nguyễn Du đã sử dụng bút pháp tả cảnh ngụ tình thật đặc sắc “tình trong cảnh ấy, cảnh
trong tình này” là thực cảnh cũng là tâm cảnh. Giữa dòng nước mênh mang, cuộn chảy như con
thác trên cao buông mình xuống vực còn cánh hoa nhỏ bé yếu ớt kia nổi trôi chao đảo, cứ dập
dềnh, quẩn quanh, không biết trôi về đâu? Phải chăng dòng nước ấy hay chính là dòng đời lênh
đênh đầy bất trắc. Còn cánh hoa trôi man mác trên trên dòng đời vô định kia hay cũng chính là số
kiếp của đời Kiều. Hình ảnh ẩn dụ “hoa trôi” vừa gợi cảm, vừa làm rung động lòng người, giúp
người đọc liên tưởng đến thân phận nàng Kiều cũng nổi trôi, vô định như cánh hoa kia mặc cho
dòng đời xô đẩy, không biết sẽ đi đâu về đâu. Rồi tuổi xuân cao quý cũng sẽ bị cuộc đời vùi dập
tan tành mà thôi. Hình ảnh thơ cùng câu hỏi tu từ đã chạm vào trái tim người đọc vừa thể hiện
tấm lòng cảm thương sâu sắc của Nguyễn Du cho số kiếp nàng Kiều. Đã không ít lần trong
Truyện Kiều, hình ảnh này xuất hiện với những dự cảm cho nỗi buồn thân phận:
“Phận sao phận bạc như vôi
Đã đành nước chảy hoa trôi lỡ làng!”
Chắc hẳn nàng Kiều đang rất băn khoăn và lo lắng cho tương lai của mình bởi đó là những
tháng ngày vô định, càng nghĩ ngợi, càng nhìn xa càng thấy mờ mịt. Nàng quay trở lại với mặt
đất dưới chân mình nhưng cảnh vật nào có hơn gì:
Buồn trông nội cỏ rầu rầu
Chân mây mặt đất một màu xanh xanh.
Ngay cả cách chọn hình ảnh và màu sắc trong câu thơ cũng đã thể hiện ngụ ý rất sâu sắc của
Nguyễn Du. Nhà thơ chọn những gam màu tối, u ám gợi ra cuộc sống bế tắc của Kiều. Từ chân
mây đến mặt đất, hết thảy cỏ cây đều hiện lên với dáng vẻ “rầu rầu” thê lương và hiu hắt. Hai từ
“chân mây mặt đất” được đặt gần nhau gợi ra sự quay cuồng, đảo lộn, lòng người cuộn trào
những lo lắng, bất an. Cảnh sao gợi nỗi buồn đến thế hay phải chăng chính tâm trạng con người
đã chi phối cảnh vật, tác động đến cảnh vật khiến cảnh mỗi lúc lại càng ảm đạm, não nề. Đâu còn
nữa cái màu xanh tràn đầy sức sống, tươi vui, trong sáng của đất trời trong tiết thanh minh mà
Kiều cùng du xuân với các em của mình:
“Cỏ non xanh tận chân trời
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa”
“Một màu xanh xanh” ngập tràn, bao trùm khắp không gian ở lầu Ngưng Bích lại là màu xanh
lạnh lẽo, buồn thương. Cảnh vật chẳng thể khơi dậy sức sống, hi vọng cho con người mà ngược
lại làm cho lòng người thêm tê tái, cô đơn trước cái rợn ngợp, vắng lặng của đất trời.
Đọan thơ khép lại với những âm thanh thật dữ dội, như một sự bủa vây khiến Kiều sợ hãi vô
cùng:
         "Buồn trông gió cuốn mặt duềnh
      Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi"
Một loạt hình ảnh dữ dội: gió cuốn mặt duềnh, âm thanh vang lên: ầm ầm ghê gớm, khủng
khiếp. Âm điệu câu thơ đầy sóng gió: những đợt sóng cứ liên tiếp trào lên, cuộn xuống, xô đẩy
cùng tiếng gió rít liên hồi như đe dọa đẩy con người xuống vực sâu thật hãi hùng. Trước khung
cảnh ấy làm sao Kiều không kinh hãi, lo lắng và hốt hoảng? Với một cô gái con nhà gia giáo:
“Êm đềm trướng rủ màn che/ Tường đông ong bướm đi về mặc ai” thì việc rơi vào hoàn cảnh
như hiện tại là điều quá sức chịu đựng đối với Kiều. Có lẽ nàng cũng đã dự cảm những sóng gió
kia chính là những giông bão cuộc đời đang đón đợi nàng? Đó là những âm thanh định mệnh báo
trước cho nàng những tai ương đầy bất trắc. Để rồi sau đó Kiều mắc lừa Sở Khanh và rơi vào
cảnh lưu lạc 15 năm đoạn trường "thanh lâu hai lượt, thanh y hai lần”.
Đoạn thơ đã thể hiện bút pháp tả cảnh ngụ tình tinh tế, tài hoa kết hợp với thể thơ lục bát
truyền thống của dân tộc của đại thi hào Nguyễn Du đã đưa đến cho người đọc nhiều cung bậc
cảm xúc. Với kết cấu “Buồn trông” được lặp lại cùng những hình ảnh ẩn dụ và một loạt những từ
láy có sức gợi hình, gợi cảm sâu sắc: thấp thoáng, xa xa, man mác, rầu rầu, xanh xanh, ầm ầm,…
đã tạo nên âm điệu trầm buồn, lạnh lẽo suốt cả đoạn thơ. Chính điệp ngữ “buồn trông” đã kết nối
tất cả các hình ảnh tạo thành một bức tranh tâm trạng với nhiều tầng bậc. Cảnh từ xa đến gần, nỗi
buồn từ mênh mang đến sợ hãi, kinh hoàng. Tất cả đã giúp người đọc cảm nhận thấm thía tâm
trạng đau khổ của nàng Kiều khi bị giam lỏng ở lầu Ngưng Bích. Những câu thơ được viết lên
bắng tấm lòng cảm thương sâu sắc của Nguyễn Du đã làm xúc động bao trái tim con người để rồi
ta cũng đồng cảm xót thương cho số kiếp nàng Kiều – người con gái tài hoa bạc mệnh. Nguyễn
Du thương Kiều, người đọc cũng thương Kiều. Chính ngòi bút nhân đạo sâu sắc của đại thi hào
đã kết nối bao trái tim yêu thương rung lên những cảm xúc thấu hiểu và đồng cảm đến tận cùng.
Nói về số phận và tâm trạng của Thúy Kiều khi rơi vào lầu Ngưng Bích ta càng thấy rõ số
phận và tình cảnh của những người phụ nữ trong xã hội xưa. Cũng như Kiều, nhân vật Vũ Nương
trong CNCGNX_Nguyễn Dữ cũng là một nạn nhân của xã hội trọng nam khinh nữ này. Vũ
Nương cũng xinh đẹp, cũng hiếu thảo, cũng một lòng một dạ hi sinh bản thân, vun vén gia đình
nhưng rồi cuối cùng nàng vẫn phải chọn cái chết oan uổng trước sự vô cảm của xã hội đương
thời. Đau khổ bủa vây lấy nàng và đẩy nàng đến con đường cùng không lối thoát. Cả Nguyễn Dữ
và Nguyễn Du đều đưa đến cho bạn đọc những trang thơ, trang văn phủ đầy những nỗi sầu muôn
thuở mà bất cứ ai đọc cũng phải động lòng.
Nguyễn Du và Truyện Kiều là cuộc gặp gỡ của tri âm. Nguyễn Du viết Kiều bằng một tấm
lòng thương cảm thoát ra từng câu chữ. Cả truyện Kiều là những khúc ca của tâm trạng thấm đẫm
sự đồng cảm của thi nhân. Tám câu thơ cuối đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích chính là một khúc
ca sầu não bi ai, Nguyễn Du đã đem đến cho người đọc những câu thơ trầm buồn nhất diễn tả tâm
trạng cô đơn, đau đớn đến tột cùng của nàng Kiều. Và cứ như thế, Truyện Kiều đi vào cuộc sống
của mỗi chúng ta thật nhẹ nhàng mà thấm thía từ chính những yêu thương, thấu hiểu và đồng cảm
với nhân vật và thi nhân.

You might also like